Hiển thị các bài đăng có nhãn Bạn viết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bạn viết. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Mơ Ước Thanh Bình




Đào Văn Bình





Ảnh http://mytour.vn/


Khi đất nước thanh bình,
Em sẽ nghe những con chim cu gáy.
Tiếng sáo diều ngân,
Và trời trong xinh đẹp vô cùng.


Khi đất nước chiến tranh.
Em chẳng nghe những con chim cu gáy.
Tiếng sáo diều tắt nghẹn,
Và bầu trời đe dọa đạn bom bay.

Khi đất nước thanh bình.
Dòng sông nước chảy lặng lờ.
Những rặng dừa lả ngọn.
Và lúa non xanh mướt tựa như thơ.


Khi đất nước chiến tranh.
Dòng sông mắt đỏ đục ngầu.
Những rặng dừa xơ xác.
Đạn pháo nào phá nát cả trời mơ.



Khi đất nước thanh bình.
Gái Hội Lim hát hò quan họ.
Giọng em xinh xinh quá gái làng quê.
Trai thành đô nô nức rủ nhau về
Để chiêm ngưỡng áo tứ thân cổ kính.


Khi đất nước chiến tranh,
Gái Hội Lim quên câu quan họ.
Lo thóc gạo, lo cuộc đời bất trắc.
Trai thành đô lên đường ra mặt trận.
Có thương nhau xin hẹn thuở anh về.

Khi đất nước thanh bình,
Đám cưới nhà ai sao vui, vui quá.
Sen cốm được mùa,
Pháo ròn rã và tình say như men rượu.


Khi đất nước chiến tranh,
Người ta cưới nhau vội vã.
Hai họ nhìn đôi uyên ương lo sợ.
Nay cô dâu, mai cô phụ, ai ngờ?

Khi đất nước thanh bình,
Người ta rủ nhau du lịch.
Vườn quốc gia và bãi biển xanh chật ních.
Người lẫn người tận hưởng thú thiên nhiên.


Khi đất nước chiến tranh,
Người chen chúc nhau trong thành phố.
Đầy hầm, hào, hố, ụ phòng không.
Tránh đạn bom nghe tiếng hú coi chừng.
Hỏa tiễn nổ và xác người tan tác.

Khi đất nước thanh bình,
Thì trường học cũng thanh bình.
Giờ ra chơi bao em nhỏ tung tăng.
Cây phượng vĩ cũng thấy đời hạnh phúc.


Khi đất nước chiến tranh,
Truờng về nơi sơ tán.
Lớp học là hầm sâu trong đất.
Giờ ra chơi lo sợ ngó trên đầu.
Kẻo máy bay địch dội bom lên trẻ nhỏ.

Khi đất nước thanh bình,
Đạo từ bi xa gần lan tỏa.
Buổi hoàng hôn thong thả tiếng chuông ngân.Những buổi lễ ngàn vạn người tham dự


Khi đất nước chiến tranh,
Chùa chiền vắng vẻ,
Nếu buổi lễ có người tham dự.
Cũng đề cầu cho chiến sĩ trận vong.
Tiếng chuông ngân sao buồn bã vô cùng.
Dù Phật độ cũng khôn ngăn tiếng khóc.

Chiến tranh, ôi vô cùng thảm khốc!
Kẻ điên rồ mới cổ vũ chiến tranh.
Kẻ dã man mới chủ tâm gây chiến.
Dù bất cứ lý do gì ngụy biện.
Xét cho cùng mộng tranh bá đồ vương.

Mơ thanh bình!
Và cầu nguyện hòa bình.
Giấc mơ tha thiết!
Dù con giun cái kiến.
Dù con nai, con ốc, con sò.



Đào Văn Bình

(California ngày 9/7/2014)

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Dối trá hay thành thật






Tất cả những đứa trẻ đều được cha mẹ dạy ngay từ khi mới bắt đầu biết nhận thức rằng "không được nói dối". Khi còn nhỏ tôi cũng được dạy như vậy và thuộc nằm lòng.



Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy: gần cả cuộc đời, tôi luôn thành thật với tôi, với mọi người và với đời, đổi lại tôi không được gì ngòai sự thiệt thòi, sự đau khổ, dằn vặt. Khi mọi người nhìn ra được lòng tốt của tôi, khi mọi người đặt lòng tin tuyệt đối vào tôi ... cũng là lúc muộn màn.
Như vậy, thành thật phải chăng là tự kết liễu cuộc đời mình, tự làm người khác nghĩ xấu về mình và tự làm cho mình đau khổ? Người ta dạy con không được nói dối, nhưng trên đời này có mấy người dám nói sự thật? Đối diện với sự thật và chấp nhận sự thật? Hay tất cả mọi người luôn tự dạy mình phải giấu kín sự thật, sống để bụng, chết mang theo, thà lừa dối người để được gọi là trong sạch và tự nhận là trong sạch?

Vậy nên dối trá hay thành thật? Có lẽ ai cũng nói rằng không nên dối trá nhưng tự đáy lòng và sâu thẳm trong tiềm thức lại mách bảo rằng, đừng bao giờ thành thật. Đó phải chăng là bản chất của lòai người hay là một bản ngã mà xã hội và cuộc sống đã dạy ta nên làm như vậy để có thể tiếp tục sống và tồn tại? Ai đã từng dối mình và dối người bao nhiêu lần trong đời? Có lẽ vô số kể đến không đếm nổi? Ai đã bao giờ dám đối diện sự thật và nói ra mọi sự thật chưa? Có thể rất ít khi hoặc cũng có thể là chưa bao giờ? Ai có cảm thấy lương tâm cắn rức hay khó chịu không yên khi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sự thực bị phơi bày? Ắt hẳn có?






Ai có cảm thấy thỏai mái không? Ai có thể sống một cách hồn nhiên vui tươi không khi trong lòng đầy ắp sự dối trá? Có lẽ câu trả lời của bạn là thà dối trá miễn sao người khác chỉ thấy được mặt tốt chứ không thấy được mặt xấu của mình.

Vậy phải chăng mọi người sinh ra đã biết dối trá bẩm sinh? Cũng có những đứa trẻ không nói dối để nhận được sự phản kháng và chửi mắng của cha mẹ, nó thử nói dối một lần không bị mắng chửi mà được ngợi khen ... dần dần nó nhận thức được rằng nói dối có lợi hơn nói thật và nói dối đã trở thành một bản năng để có thể sinh tồn trong xã hội đầy rẫy sự dối trá.


Khi được nghe một sự thật không mấy tốt như người ta nghĩ, người ta vội vã quay đầu lại phủi tay tất cả và phủ nhận tất cả. Khi được nghe một điều tốt đẹp dù là dối trá, người ta vỗ tay tán thưởng, ngợi khen để rồi trong lòng bán tín bán nghi không biết có thật như vậy không? Sống ở trên đời đầy sự dối trá này qủa là đau khổ bởi không biết tin vào ai, không biết tin vào bất cứ điều gì, đôi lúc tự nghi ngờ chính bản thân mình.
Người dối trá là người có đạo đức hay phi đạo đức? Câu trả lời cuối cùng là người đạo đức giả. Nhưng xin đừng lo đó lại chính là bản chất của lòai người
- một giống lòai tự nhận rằng mình quá thông minh - thông minh trong sự dối trá.
- dối trá từ khi sinh ra đến khi chết đi và người ta từ đời này qua đời khác luôn ngụy biện rằng đó là sáng suốt.

Kinh nghiệm sống của tôi cho thấy: khi tôi trải lòng ra với mọi người chỉ nhận được sự phản kháng, sự khinh bỉ và chỉ trích. Hình như trên thế gian này ai cũng thích sự hòan hảo đến tuyệt đối nên chỉ thích phô bày những cái tốt, cái hay, cái đẹp ... còn cái xấu thì được che dậy kỹ càng, sơn phết, tô màu, đánh bóng một cách dối trá để nó trở nên hòan mỹ trong mắt mọi người.



Nhưng tôi lại nghĩ khác: tôi luôn thành thật với tôi, với tất cả mọi người và đặc biệt với người tôi yêu. Tôi nhận được từ họ sự quay mặt, sự phản kháng, khinh khi, chỉ trích, dèm pha ... đủ cả ... Nhưng thời gian sau khi họ tiếp xúc với tôi, sống gần tôi, ngày càng tin tưởng tuyệt đối vào tôi ... khi họ nhận ra sự chân thật, lòng tốt, sống vì mọi người và trải lòng vì mọi người ... dĩ nhiên cần phải có thời gian và dĩ nhiên để người khác hiểu mình, tin tưởng tuyệt đối vào mình là một điều không dễ dàng. Tôi không ân hận vì mình đã dám nói thật tất cả, tôi không tủi nhục ít nhất là với bản thân mình, với lương tâm mình rằng tôi không biết nói dối ... dù lúc đầu rất buồn, rất đau, rất khổ nhưng cuối cùng điều tôi nhận được là lòng tin, sự kính trọng và nể phục, điều cuối cùng là mọi người sẽ tự hối hận vì đã đánh giá sai về tôi, đánh mất tình cảm mà lý ra phải được trân trọng.
Cuộc đời tôi trải qua quá nhiều mất mát và đau khổ, từ khi sinh ra sự khổ đau và những giọt nước mắt đã nhiều hơn những phút giây hạnh phúc và nụ cười. Nhưng dù đến phút cuối cuộc đời tôi vẫn sẽ luôn thành thật ... Tôi nghĩ rằng điều duy nhất tôi nhận được là mọi người luôn ân hận và nuối tiếc vì đã để mất tôi vì tôi chưa bao giờ làm cho ai bị tổn thương, chưa bao giờ có lỗi lầm với ai dù nhỏ nhất, vì tôi luôn tự hào rằng tôi là người đàn ông chân thật và chung thủy đến tuyệt đối. Tôi tự hào vì tôi biết trên thế gian này ít ai làm được điều đó.



Tất cả mọi người đều yêu chuộng sự thật… Tôi nghĩ người ta thà chấp nhận một sự thật xấu xí còn hơn một sự dối trá tốt đẹp… Có thể nói ở đâu không có sự chân thành thì ở đó không có hạnh phúc đích thực.
Một người cho dù xinh đẹp… hay sang trọng đến đâu… nhưng sẽ chẳng có giá trị gì… và chẳng mang lại niềm vui cho ai khi họ luôn mang trong lòng sự dối trá.
Người chân thành luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn… Không sợ gặp phải tai nạn… vì dối trá thì thường sẽ sợ bị “dấu đầu lòi đuôi”… còn chân thành thì chỉ có một chân dung… không phải sợ bị phát hiện.
Người chân thành bao giờ cũng được người khác tin cậy, yêu mến… Lời nói chân thành có sức thuyết phục rất cao…
BS LÊ TRUNG NGÂN

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

CHIỀU NẮNG TÂY NINH



Chiều chầm chậm, nắng hôn vàng mái phố
Dốc Tòa nghiêng đôi bóng nhỏ bên nhau
Qua cầu Quan, rạch Tây Ninh đầy gió
Vô tình mang hương tóc ấy về đâu?

Nắng nhàn nhạt chạm má em bất chợt
Chín hồng lên như lúc mới yêu em!
Và nắng đậu trên bờ môi thản thốt
Em có giật mình như phút đầu tiên....

Nắng nhàn nhạt mà ít khi dịu mát
Biên giới này như thế đã quen rồi
Em ở miền Tây lần đầu mới gặp
Dễ yêu không chút rát rát da người?

Hai dải phố dọc con đường Tháng Tám
Giữ biết bao năm tháng học trò xưa
Góc chợ cũ nhắc giọt café đắng
Kể em nghe thời tôi mới biết làm thơ.

Và những chiều mỗi khi vừa tan học
Áo trắng bay nhiều lắm ngẩn ngơ chiều
Nghiêng bóng nắng, biết bao lòng bất chợt
Nhờ nắng nối thêm gần những trái tim yêu

Nắng nơi này...mai em về có lẽ
Khó mà quên như cả đất trời này
Một chút nắng hôn tóc em khe khẽ
Hẳn mang theo hơi ấm cả vòng tay..!
Vân Trinh Phan Kỷ Sửu

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

TÂM SỰ ĐIỀN BÁ QUANG…













Ừ, thì ta là một tên đại đạo
Luyện võ công không phải để giết người
Chẳng chính - chẳng tà - cũng không ma giáo
Vạn Lý Độc Hành - cứ thế mà chơi

Mê Nghi Lâm đâu phải là có tội?
Nàng là hoa hồng giữa cuộc chiến chinh
Vừa có gai nhưng cũng vừa tinh khiết
Đâu dám cầm lên - chỉ biết đứng nhìn

Luận võ công ta tự hào đẳng cấp
Nhưng tình yêu thì ngu dốt vụng về
Bởi Kim Dung cố làm ta bầm dập
Nên cuối cùng ta nửa chợ, nửa quê?!

Người đồng cảm hãy cùng ta chia rượu
Bằng một trái tim rực lửa - giang hồ
Cứ xả láng và không cần cấp cứu
Mai đi rồi - cũng về với hư vô…



hochibuu


Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

ý tưởng trước biển



Khaly Chàm



có thật ánh sáng là một tia chớp
khi con người phỏng đoán hay là sự khẳng định
theo dải tần sóng vô thanh
có phải em cũng là một tia sáng chói chang
biểu hiện sự sống trong tôi tình yêu vĩnh cửu
tin chắc là như vậy
nên không cần phải nói những gì…

có mấy ai đã cảm thụ
hàng ngàn năm lời biển hát vinh danh trời đất
hỡi những rong rêu đang bám trên ghềnh đá
hỡi những hạt cát đang phiêu du khắp cùng
hỡi những hạt muối tích tụ ở nơi nào đó
hỡi những sinh vật đang tồn tại
hãy cùng tôi vươn lên để nhìn thấy mặt trời
như thế tất cả đều thỏa mãn khát vọng
hãy tự nhũ chính mình
đừng bao giờ khắc khoải, bi thương, tử, sinh và phẫn nộ
mặt trời đúng theo thời khắc rực rỡ sắc màu


Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

ngày thị lên thành...


ngày thị lên thành...




Ngày đã mới. Mùa đã về. Ta nhớ...
Những mênh mang ký ức trước thềm xuân
Thành phố mới tưng bừng giăng bảng hiệu
Ta bâng khuâng nhớ một thị xã gần

Thị xã dài chưa hết một giờ xuân
Đi loanh quanh đã về nơi xuất phát
Thành phố trẻ tung tăng cười ngửa mặt
Thị xã buồn khắc khoải tiếng rao đêm.

Ta đã là người thành phố đó em
Áo mới may còn thơm mùi hồ chỉ
Em nhớ chụp một pô lưu trong trí
Ngày cờ hoa rộn rã đón mùa sang

Quên sao đành những chuyến lang thang
Vào ngõ trúc trưa nào che bóng mát
Tại ngăn kéo của ta đầy ký ức
Nên loanh quanh nhớ thị xã nghèo

Nhớ nhịp chèo chở bông Tết lên theo
Nhớ cầu Quan cong đôi mày đứng đợi
Phố Gia Long hiền như con gái
Chờ một chiều quân tử ghé về thăm

Ta đã già theo tờ lịch cuối năm
Chúc thành phố trẻ trung tràn nhựa sống
Nhiều đại lộ thênh thang trải rộng
Để ta còn đi hết một mùa xuân.


Đặng Mỹ Duyên

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Rong chơi




Trôi thoai thoải những túi hương đẫm mật
Từ cánh đồng cỏ may nở đầy sự hoang hóa
Những nỗi hạnh phúc dặt dìu gió bay
Đợi chờ một mùa mưa thấm đẫm
Nơi vết chân chim còn mới tinh
Đọng lại một khuôn mặt thiếu nữ
Mà tôi đã gặp ở nơi nào đó
xa lắm
Mơ hồ mọc lên
trên bồi hồi ngực trẻ.


Tôi đem cả những thứ tha, cứu rỗi vào giấc mơ
Niệm về loài chim chỉ hót một lần
trong khoảnh khắc cuối đời đau đớn
Lại nghĩ về tình yêu
Với trăm ngàn định nghĩa quen lạ
“Tình yêu xanh hơn rêu
Tình yêu là bông cỏ ửng hồng ấm áp…”
Ta vô tình bỏ mặt buổi chiều ngơ ngác
trước vành đai gió mùa.

Thôi ta về đặt tên cho mộng mị
Ép vội ngu ngơ vào mắt nâu trong trẻo
Con đường vẫn nở rộng
Bầu trời vẫn căng xanh
Sao ta mãi mắc cạn vào nhau
Như bó cúc gai dệt nên ngổn ngang cành lá
Với khối kỉ niệm bốc cao theo từng chiếc hôn nhiệt đới
Xin tạ từ tháng năm
Ta trở về bến mơ
Xanh giấc tùy tùng…

Nguyễn Quốc Việt

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

ANH SẼ LẠI YÊU KHI MÙA THU..



Rồi một ngày thu anh sẽ lại yêu
Nhưng người yêu anh - là một người con gái khác
Và rồi một ngày anh sẽ lại bắt đầu bài hát
Đã lâu lắm rồi anh chưa hát cho ai..

Chuyện ngày xưa rơi theo giấc mơ dài
Em không còn là bé con trước cửa
Anh chẳng còn bắt những chú ve sầu nữa
Để ngận ngùi tiễn mùa hè qua ta

Chuyện áo trắng một thời chưa gần đã xa
Anh chôn dấu một tình yêu thầm lặng
Đốt cháy lòng mình qua bao nhiêu mùa nắng
Để đến mùa mưa thành nỗi nhớ riêng em..

Tuổi trẻ một thời giấc mơ thật êm
Mối tình đầu anh chưa một lần nói
Em tan biến trong dòng đời mây khói
Và anh rồi phải học cách để quên..

Những bài thơ anh chẳng dám đặt tên
Những bài hát cũ anh không bao giờ hát nữa
Vì bài thơ, và lời ca vô tình chất chứa
Tiếng ve mùa hè - thổn thức trái tim anh

Bao mùa trôi với trái tim chưa lành
Anh tự nhủ mình sẽ yêu lần nữa
Người con gái sau em- tình yêu mầu hoa sữa
Và bản tình ca ru khúc với mùa thu


Phượng Vỹ

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

“HÔN NHÂN DỊ CHỦNG”


LÊ MINH QUỐC

Ngày nay, có những phụ nữ Việt sẵn sàng “nâng khăn sửa túi” cho chồng là người nước ngoài. Trong mắt mọi người, “hôn nhân dị chủng” đã trở nên bình thường. Chẳng ai rỗi hơi đàm tiếu, bình luận này nọ. Miễn họ sống hạnh phúc, chẳng làm phiền đến ai, vậy can cớ gì mà mình phải ý kiến ý cò xen vào? Nhiều phụ nữ Việt cảm thấy tin cậy, ấm áp khi “nương bóng tùng quân” là ông Tây to đùng, nói năng rổn rảng, đi đứng hiên ngang. “Ngó vậy chứ ổng hiền khô à”- một chị bạn đã không ngần ngại “khoe” chồng trước bạn bè.







Thử đặt câu hỏi, có phải hôn nhân là chuyện của hai người, là sự lựa chọn của riêng đôi bạn trẻ? Chưa chắc, bởi họ còn ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác. Đôi lúc sự việc trở nên oái ăm từ bên nhà vợ hoặc nhà chồng, do không phải ai cũng hiểu nếp văn hóa của người phương Tây. Mãi đến bây giờ, anh bạn Tây của tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến ngày ra mắt gia đình bên vợ.

Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, họ hàng, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người cười đùa như bảo rằng, có thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu (!?). Hơn nữa, hôn nhân là ngày trọng, chú rể phải say tới bến, say quắt cần câu thì mới vui (?!).

Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xay xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc. Bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nỡ ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ thằng chả ỷ người nước ngoài giàu có chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo hèn nên không thèm về chứ gì? Sự hiểu nhầm ấy, cô vợ phải phân trần hết lời, chẳng ai chịu nghe. Bực quá, cô vợ tỉ tê tâm sự với chồng nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung. Thế là đôi bên mặt nặng mặt nhẹ vì cái chuyện lãng xẹt đó.

Mới đây thôi, cậu em trai kết nghĩa từ Hà Nội “nấu cháo” điện thoại gần cả nửa tiếng đồng hồ, hỏi tôi phải nên “xử lý” như thế nào? Chuyện rằng, với phụ nữ mắt xanh, tóc bạch kim thì ngày Tết cổ truyền của ta không hẵn có ý nghĩa quan trọng lắm. Do đó, Tết con ngựa tới đây, cô vợ nằng nặc đòi chồng tranh thủ 9 ngày nghỉ đặt tour du lịch nước ngoài, đặng thư giản suốt một năm cật lực, mệt mỏi với công việc. Khi hay tin, lập tức bố mẹ cằn nhằn ra mặt: “Ơ hay, vợ con là dâu cả, ngày Tết ngày nhất phải ở nhà quán xuyến bếp núc, lễ giỗ ông bà chứ?”. Khổ nổi, em trai tôi là con độc nhất, chẳng biết nhờ cậy ai thay thế giúp. Vậy phải làm sao cho trong ấm ngoài êm?

Lại có trường hợp, dù hai con và đang ở riêng, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ từ quê vẫn lên chơi dăm ba ngày, tiện thể trông nom cháu. Sự thể hiện tình cảm ruột rà này là bình thường. Thế nhưng cô vợ Tây chẳng hài lòng chút nào bởi nhà cao cửa rộng, máy lạnh cả ngày nhưng ông bố vẫn hiên ngang với ống điếu thuốc lào phì phò như khói như khói tàu. Chiều đi làm về, mở cửa bước vào nhà là cô muốn dội ngược ra ngoài! Biết vợ không ưng ý với thói quen của bố nhưng khi anh vừa thốt lời “góp ý”, lập tức ông bố tự ái bỏ ra ga đón tàu về quê ngay tấp lự.

Đời sống của một gia đình “vận hành” như thế nào là do quy ước của hai người. Thế nhưng, nhiều bà mẹ cảm thấy “nóng mặt” khi con trai mình bị “hành hạ” quá thể. Chà, nó ở tận đẩu tận đâu, tiếng Việt không rành mà nó tưởng giàu có, xinh đẹp là có quyền “ăn hiếp”, “bắt nạt” con trai cưng của bà à? Đừng hòng. Ai đời, đàn ông đàn ang gì sau khi cơm nước xong lại xộc tay vào rửa chén bát, chưa hết, có lúc nó còn phải lau nhà nữa đấy! Nếu biết tiếng Tây thì bà cũng rổn rảng vài câu cho nhẹ người, khổ nổi phải giữ ấm ức mà không thể thốt nên lời. Với quan niệm Á Đông những chuyện “hèn mọn” này là nhiệm vụ của người vợ, đàn bà trong nhà. Nói thì nói thế, bà đâu biết, con dâu của bà phải làm những việc gì trong nhà mà mắt bà không thấy. Hơn nữa, sự phân công ấy do cả hai tự nguyện thỏa thuận, mình can thiệp làm gì?

Để mọi việc “dễ chịu” hơn, thiết nghĩ cả hai cần trao đổi, giải thích về phong tục, tập quán, văn hóa của nhau để tự ý thức và có cách ứng xử phù hợp. Có như thế, 2 người trong cuộc “hôn nhân dị chủng” mới dễ dàng thích ứng và có khả năng đối phó với các tác động từ bên ngoài.

Kim Ngưu chơi vơi

Nguyễn Thị Uyển Di







Có những ngày tôi thấy mình thật cô đơn
Giữa dòng người lướt qua hối hả
Những cánh chim chiều đã mỏi
Tôi với khung trời lãng đãng mây trôi

Tôi hỏi đời tôi có phải của tôi
Hay của ai, của người cõi tạm
Trả hết cho xong một đời vay mượn
Tôi có được về với vui tươi?

Tôi đếm những âm ba trong tôi
Nơi sâu kín tôi muốn gì nhiều nhất
Muốn được yêu thương trân trọng?
Muốn được ôm ấp vỗ về?

Hay muốn nhiệt tình với đam mê?
Với Kim Ngưu cuồng nhiệt vô đối?
Với ái ân ngọt ngào tắm gội?
Với thiên thai nồng ấm môi cười?

Bao nhiêu giằng xé cao vời
Có bao giờ tôi ổn thỏa
Để sống cho kỳ hết
Kỳ hết
Những đam mê cháy bỏng tuyệt vời

Mải miết tôi hỏi trời
Cái mơ ước chính tôi cũng chưa định hình được
Có lúc nó thu lại thật bé nhỏ
Nơi vòng tay nhỏ nhắn ấp ủ khuôn mặt tôi
Có lúc phình to ra
Như bầu trời tháng ba bừng lên rạng rỡ
Có lúc mong manh như tơ lụa
Tôi liêu trai khoác mặc giữa đêm
Có lúc nồng rực môi mềm
Tôi thấy được dắt theo muôn ngàn tiếng gọi
Có lúc huyền ảo biến mất
Như chưa bao giờ được sinh ra

Nên tôi xin được thứ tha
Hỡi những người đã dành cho tôi cảm tình tuyệt đối
Những người đã làm cho tôi ít nhiều bối rối
Giữa lúc ngắt từng chiếc lá nhỏ xíu
Yêu-Không?
Yêu người khi trái tim tôi đi rong
Giữa dòng nước tôi lắc lư giữ nhịp
Đến khi lá rong trôi xuôi ra biển
Tôi chết đi không một tiếng đáp lời
Vị mặn chát của cuộc đời
Đã dìm tôi ngất ngư trong hoảng loạn
Tôi đã quên dòng sông mát lạnh
Thuở lắc lư quên hết sự đời

Và tôi lại tiếp tục quãng đường chơi vơi...

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Cho tình-cho đời-và cho ta !



Hồ Chí Bửu


1.

Ta tĩnh lại sau cơn say quá đỗi
Nỗi nhọc nhằn còn lại có bấy nhiêu
Chia tay nhau từ khi em hờn dỗi
Ta cảm ơn trời đất vốn chơi liều

Đêm mửa máu cho đã đời thế sự
Ta cỡi đồ đứng tắm dưới mưa đêm
Thật hạnh phúc và đê mê thật dữ
Cảm ơn ta trong cơn rượu say mềm

Đêm chưa hẳn màu đen như ta nghĩ
Thực thực hư hư ai biết đâu ngờ
Mãi ngu dốt tưởng mình là thi sĩ
Nên đi cầu mà cũng ráng làm thơ

Quá buồn nôn trước cái trò chữ nghĩa
Kẻ hứng người tưng trông thật tức cười
Ôi ngưỡng mộ với mấy con trâu đĩa
Giữa rừng già mà giở thói đười ươi

2.

Ta yêu em nên đâu cần chữ nghĩa
Lẫm liệt – uy nghi – kiêu bạc – hồn nhiên
Ôm trọn gói một sát na mầu nhiệm
Hai tiếng yêu người ngang cả thiêng liêng

Nắng huyễn mộng – cô liêu và ly biệt
Đêm hình thành từ một buổi chiều phai
Ta hụp lặn dưới dòng sông chảy xiết
Hạnh phúc rơi trôi dạt suốt sông dài

Đêm cổ tự loé lên vầng trăng khuyết
Em bên rèm dạo khúc Hậu Đình Hoa
Quá lãng mạn nên trở thành hủy diệt
Em yêu ơi – hoa trắng rụng sân nhà

Ta chay lạt để đời mình bớt tục
Em muộn màng mang tiếng hát ru ta
Sao chối bỏ trước trái tim sùng sục
Lửa yêu đương âm ĩ cháy thịt da

3.

Đừng đạo đức tưởng mình là cao cả
Là ngôi sao đang loé sáng soi đời
Vẽ nghiêm túc của dòng người danh giá
Che không tròn mấy con khỉ ló đuôi

Sàn giao dịch giống như sàn chứng khoán
Công ty cổ phần hay hữu hạn như nhau
Thôi ngôn ngữ đã đến hồi tháo khoán
Ta trở về ru lại giấc chiêm bao

Điểm bức phá thản nhiên mà ngoạn mục
Ta cù lần nên đứng vỗ tay chơi
Em ngớ ngẫn hỏi ta rằng tri thức
Được bao nhiêu mà dám tự xưng đời ?

Trong sáng thế và em ngu ngơ thế
Ta nhủ rằng mai mốt sẽ yêu thêm
Phật đã phán : tự sinh thì tự diệt
Em yêu ơi, trăng sáng rụng bên thềm!

4.

Em thục nữ dùm ta thêm chút nữa
Dữ dằn chi- đàn ông thích ngọt ngào
Đừng chợt nghĩ mình cao hơn thiên hạ
Khinh người nầy chửi người khác tào lao

Bản lĩnh hay không lăn ra đời sẽ biết
Vốn sống có khi đổi bằng cái chết đó em
Bản ngã bản thể vẫn không bằng bản mặt
Dầy và lỳ là chua chắc như nem !

Kiến thức là nằm trong khung vốn sống
Tri thức nằm trong bản thể trời cho
Kiến thức tri thức hợp nhau thành ngu thức
Cũng như em mỗi tháng nhảy cò cò..

Sẽ có ngày em không còn nhảy nữa
Khô khan hơn và cay độc nhiều hơn
Lúc đó đâu còn chỗ nào để dựa
Là đến hồi tóc gió thôi mơn

5.

Bị sốc tình rồi nhập vào phật pháp
Cũng tốt thôi vì hướng thiện cho đời
Đừng tưởng ngộ rồi cứ ngồi ngáp ngáp
Coi trên đời chỉ có một mình thôi

Ta vốn muốn vị tha cho em đó
Thiền ở đâu thì cũng vậy thôi mà
Mây theo mây và gió về hướng gió
Chuyện trăm năm, em đâu phải không già ?

Thôi tạm biệt em yêu thời mở cửa
Ta trở về đi bán vé số rong
Biết đâu có ngày trời mưa-ta ôm vé
Chiều sổ ra trúng được mấy tỷ đồng

Tiền nhiều quá chắc đi làm từ thiện
Có lên chùa thì cũng gặp em thôi
Quay đầu là bờ – tri tâm hơn tri diện
Quanh quẩn sân đời vẫn một cuộc chơi..

Nơi tôi sinh ngày đó






Vũ Miên Thảo


Tháng mười
Lúa trời vẫy đuôi chào tôi khai cuộc
Mồ côi đi biển
Mẹ tôi buồn
Nhà Ngoaị xa . Cò sợ súng Tây tin không tới được
Cha vô bưng chiến đấu bặt tin mừng


Tháng mười
Gò Tháp giày đinh nhão đất
Đì đùng!
Giật mình súng giặc bắn thinh không
“Đỏ hỏn môi cười”
Bà tôi kể lại
“Thằng gan lì! Ba tháng tuổi dễ ai hơn!”


Tháng mười
Năm tháng đi qua tôi xanh đời
lúa xanh cành trong bom đạn giặc
Những dòng kinh ngay ngáy giọt phù sa
Những mùa Thu thiêng liêng hồn dân tộc
Mùa Thu – Gò tháp sinh ra tôi
Ôi! tha thiết đất quê nhà


Tháng mười
Giữa trời cũ, cảnh xưa. Đồng lúa mới
Chưa vàng bông – tình đã chín trong hồn
Quê cũ lâu năm xa
Về lại
Thấy mặt trời rực đo khắp đồng bưng !

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Hoa trái trong đời


Lê Minh Quốc

Đêm nay em đang ngủ một mình
Vòm trời lạ ngọn gió lạ căn phòng lạ
Tiếng nói lạ món ăn lạ nhưng giấc mơ không lạ
Trong giấc mơ em vẫn có anh ngồi

Anh chở che vuốt ve con mắt
Sau một ngày nhọc nhằn
Ngủ ngoan nhé em yêu
Anh sẽ hôn lên môi
Đóa hoa hồng vẫn vẹn nguyên trinh tiết
Ngôi sao trên vòm trời
Vẫn hân hoan hát về mỗi sớm mai tinh khiết
Ta cầm tay nhau đi xuống cõi con người
Sự sống bắt đầu sinh sôi
Bắt đầu từ chữ A đến tận cùng chữ Z
Bắt đầu từ hạt đã gieo
Mọc lên hoa trái của tình yêu
Bắt đầu từ em
Với những điều cũ xưa nhưng bây giờ lại mới
Bởi là em
Này em, đêm đã đêm
Anh mở cửa ngóng về phía chân mây
Tìm kiếm một ngôi sao vừa mọc
Đêm nay em đang ngủ một mình
Anh vẫn giữ trái tim em trong ngực
Hát lên những lời ca không còn đơn độc.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

TÔI TÌM TÔI








Tôi tìm tôi
mệt nhoài không thấy
Ngày vật vờ
đêm ngủ trên non
Núi vẫn cao
suối rừng vẫn
chảy
Chuyện xưa nay
được mất có còn

Dòng suối chạy
đi đâu em biết
Thương đời nhau
không biết đâu về
Đá nghin năm
có tên không tuổi
Có đau không
nước chảy đá mòn

Có buồn không
suối khô sông cạn
Nắng bên này
đồng cháy bên đây
Nước xa khơi
chất đầy nần nợ
Tôi thấy tôi
nửa giọt Trăng ngày

Vĩnh Thuyên








Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Trí tưởng tượng thật ngây ngô



Khaly Chàm




thời gian luôn chuyển dịch và va chạm
với sự phát tán sóng âm siêu tần số
hệ thần kinh thính giác không thể thích nghi để cảm nhận

khoảng cách có thể là vô tận
dường như bản thể tôi đang rơi
hàng tỉ tế bào bay vòng theo quy luật tự nhiên
vũ trụ vẫn mãi là màu xanh

chỉ một đường biên hiện trong mắt đêm
tiếng reo vui của lửa
khẳng định giới hạn khi hình dung từ
lời nói lẩn trốn nơi đâu dưới vòm trời này ?
mầm ánh sáng tự nó bù trừ vào những hạt bị cháy nổ

hành tinh đang trống rỗng
trên mặt đất yên tĩnh
sao có quá nhiều xác chết
“tôi tin rằng ngày sau loài người sẽ sống lại”
trí tưởng tượng thật ngây ngô

TN 11/2013

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

AI ĐÁNH THỨC VÀO ĐÊM


Hà Nhữ Uyên





Dụi đầu vào săm soi miền ký ức
chân đau tê hồn lỡ trượt thềm rêu
tôi hòn đá đã rơi tòm xuống vực
cúi hôn lên bóng lật sấp hiên chiều.

Em bứt đứt ngọn tình tôi tơi tả
sót cành khô cô độc trái tương tư
ai kim chỉ cho tôi về may vá
manh áo tình treo rách nửa đời hư.

Buồn lì lợm cứ dây dưa lẽo đẽo
tự vuốt ve đâu vớt vát được gì
tôi ray đời nằm mỏi mê hoen rỉ
chuyến tàu em còi rúc tiếng chia ly.

Giấu hờ hững giữa chăn xô gối lệch
dấu em xưa tóc trải lụa nhung mềm
trên võng đời đưa lời ru bạc thếch
hứng hạt mưa ai đánh thức vào đêm.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Hiện thể trong ý tưởng

Khaly Chàm


con mắt đỏ sẫm màu gạch nung
ngàn năm qua khoét sâu vào vách thời gian
ánh sáng lẩn khuất trong tận cùng gốc rễ vô hình

làm sao cho những vết cắt bóng tối được nối liền
trống rỗng hình hài tôi
sẽ mất hút theo tiếng gọi tiền kiếp

chúng ta bên bờ vực im lặng
ngôn từ nhiễm độc lô nhô khối u ác tính
âm thanh cụt lưỡi trôi lềnh bềnh ngang đường chân trời

mẹ già hoá khói chui qua lỗ thủng mái quê
sần sùi những ngón tay em che không kín mặt
bàn chân đàn bà trần trụi nứt nẻ
đội nước lên núi níu giữ vầng mây

không tìm thấy một cõi tầng nào
khi linh hồn muốn vượt thoát
sự khai mở những con đường
quay vòng từ khởi điểm nhảy múa
trong mắt những ngọn đèn thắp sáng
quá khứ tĩnh tại trầm uất màu gạch nung

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

BÓNG DÁNG THẦY TÔI…





Kính dâng thầy



Thưa thầy! Con là học trò cũ của thầy…
Đứa học trò mê văn, giấu truyện ở trên cây



Mỗi áng thơ văn, có dáng dấp bóng hình thầy
Đôi mắt sáng, nụ cười bình dị
Giọng bình văn tri âm, tri kỷ
Nhận… thiếu hiểu biết về mình. Khuyên cố gắng từ đây!

Con học sử nhận ra lời thầy dạy
Nên sửa mình, dáng thẳng lưng ngay
Biết phân biệt người trung kẻ nịnh
Yêu quê hương từ chính những dân cày!

Con giỏi toán, nhưng không tính điều hơn thiệt
Trong yêu mẹ, cha, anh chị em, cô bác xóm giềng…
Biết cao thấp, không cào bằng tất cả
Cộng là thêm, trừ là bớt. Công bằng.

Thầy chưa chỉ đường đời… gió bụi
Bài tập làm văn xưa hỏi mơ ước điều gì?
“Miếng khi đói” và…”Trông nồi… trông hướng”
Biết sẻ chia, và giúp chỉ đường đi…

Có ai hỏi công danh? Thầy cười “Dân vạn đại”
“Phụ mẫu chi dân”, sợ khó vuông tròn
Ba bốn chục mái đầu xanh. Đạo thầy gìn giữ
Trang giấy đầu đời, khuyên những điểm son!

Bài khoa học, bài công dân, địa lý…
Thầy gom trong: Mở mang dân trí nước nhà
Không đóng cửa học điều hay, mới lạ
Dân tộc tự cường tổ quốc gấm hoa.

Ngày mỗi ngày con bước đi xa
Cứ thấy bóng thầy trong từng công việc
Nhỏ nhặt nhất, và điều to lớn nhất
Có bóng dáng thầy như bóng dáng cha…

Mỗi việc con làm, mỗi điều con nói
Cân phân đạo lý, nghĩa tình
Cứ nghĩ mọi người như ruột thịt
Không chia bè, kết nhóm bất minh.

Nên cứ mỗi khi muốn dối gian, hiểm ác
Hoặc làm điều gì trái với lương tâm
Bóng dáng thầy gợn qua, cơn gió mát
Xóa sạch trong con mọi suy nghĩ lỗi lầm…

Cũng có lúc gặp người bỏ tiền, treo danh lợi
Cần ở con một chút xíu… lơ là…
Chợt bóng thầy thổi vào con bão dữ
Con lại quay về… sợ làm bạn quỹ ma…

Thầy trên cao, chìm khuất giữa hương hoa
Gửi thơm cho học trò mỗi người một ít
Dạ thưa thầy,… Con vẫn là con nít
Gữa bóng thầy hư ảo khói nhang xa…



Tháng 11.2013
TRẦN HOÀNG VY

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

PHỐ MỌI…


Không biết tên đó ai đặt và có từ lúc nào. Nhưng tôi đã có mặt ở đây hơn nửa năm rồi. Một dãy nhà được ngăn ra làm mười phòng. Mỗi phòng 16m2, toillet đầy đủ. Có ghi số thứ tự nơi cửa. Tôi mướn phòng thứ 1.

Phòng thứ 2 của ông lão mua đồ cổ đến từ Bình Định. Gọi bằng lão vì ông cũng quá lục tuần. Có lúc, tôi cảm giác ông như con sâu giấu mình vào cây lá. Như một dòng suối giấu mình vào biển khơi. Như một thiền sư giấu mình vào hệ luỵ trần gian. Ông cũng am hiểu khá nhiều về Kinh Dịch. Những lúc rỗi rảnh, ông thường tâm sự với tôi. Ông vốn là nhà sư, nhưng trung niên rồi mới xuất gia. Có lúc tôi trêu ông “ Ba cô gái đẹp lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa nhà sư- Sư về sư ốm tương tư- Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”. Đi tu không bao lâu thì hoàn tục về cũng lấy một ni cô hoàn tục. Hai người ăn ở với nhau có được một cô con gái. Hai mươi năm sau, vợ ông lên chùa tu lại. Ông giang bạt sông hồ. Cuối đời làm nghề chấm Tử vi và mua đồ cổ.
Buổi chiều, ông cởi chiếc xe đạp cà tàng của ông về. Trên xe treo bọc trà khô. Gặp tôi ông hú hí :
-Qua chơi nhà thơ (thấy nét thư sinh của tôi nên ông gọi thế)
Gặp một thân chủ cũ, họ mời vào nhà chơi và tặng cho mấy gam trà ngon.
Tôi để trần sang phòng ông :
-Hôm nay có mua được món nào không bố ?
Ông khệ nệ tháo cái bọc sau ba ga :
-Được hai cái sừng nai, mỗi cái gần 80cm, cũng tàm tạm..
-Vậy là bố già vô mánh rồi !
Ông lui cui đun ấm nước điện, cần mẫn pha trà. Tráng trà kỹ lưỡng. Rót trà ra ly, đẩy sang tôi.
-Chà..trà thơm quá. Tôi nói.
-Không định lấy, nhưng con bé năn nỉ quá..
-Cầm lòng không đậu hả bố ? Tôi cướp lời.
-Chú mầy thiệt…à nầy, báo cho chú mầy một việc nhé. Tao quan sát thiên nhiên thấy có điều kỳ lạ, nên đêm qua tao lấy quẻ thử, phát hiện ra trong vòng một tháng nữa sẽ mất một lãnh đạo lớn. Không quân (ý ông nói không có lính, tức người về hưu). Không biết đích danh là ai, nhưng chắc chắn người nầy quê ở miền trung
-Chắc chưa bố ?
-Chắc chắn. Tao dùng Tứ trụ dự đoán học rồi Mai hoa dịch số, đều thấy y chang nhau.
Và điều nầy là thật. Khoảng chừng hai tuần sau, ngài thủ tướng mất, quê ông ở Quảng Ngãi.
Ông thường trao đổi với tôi nhiều về những tin ông dự đoán. Chuyện kể trên là một trường hợp. Ngoài ra chuyện ở Afghanistan, Irag và gần đây là xung đột giữa Israel với Li Băng
Palestine. Ông dự đoán chính xác 80, 90%. Nhưng không biết bố già có đoán được chừng nào bố mất không? Khi tôi viết những dòng nầy là bố già đã về quê ở Bình Định để dự lễ vu qui của con gái.

Phòng thứ 3 là hai cô bé đến thuê phòng cho ba tháng hè. Chuẩn bị lên lớp 12. Học thêm ở đâu đó, nhưng sáng nào cũng đi. Hai người đi chiếc xe gắn máy Trung quốc. Trưa về nấu cơm ăn, ngủ. Chiều khoảng 17, 18 giờ, hai cậu thanh niên chạy chiếc Attila đến, đóng cửa rù rì rồi cười thét lên, liên tục, liên tục.. Khoảng 20 giờ chở nhau đi ăn và về giỡn tiếp. Hai mươi hai giờ, hai cậu thanh niên về. Hai cô gái lấy điện thoại di động ra chơi games. Chúa nhật thì cha mẹ từ dưới quê lên. Gồng gánh nào gạo, trái cây, thức ăn. Tổ chức đi chợ nấu cơm. Thứ hai lại thui thủi về quê. Bỏ con lại với kỳ vọng con mình sẽ vào lớp 12 hiên ngang năm nầy. Nhưng hỡi ơi, các con của các bà vẫn mạnh khoẻ, tươi tắng. Đang tận dụng hết thời gian tự do hợp pháp để tìm cách đốt hết tiền của cha mẹ. Tuổi của yêu đương, mộng mơ và tìm hiểu. Không có người lớn bên mình. Ai biết điều gì sẽ xảy ra với những người kém bản lĩnh mà nhiều đam mê.

Phòng 4, hai vợ chồng thanh niên. Chồng dân Quảng Ngãi, vợ quê An Giang. Không biết làm sao họ lại gặp nhau được. Kết hôn có giấy đăng ký đàng quàng. Chồng bỏ mối loại kính mắt Hàn Quốc (dỏm) đủ loại từ thượng vàng hạ cám. Hai ba ngày đi giao hàng một lần. Vợ ở nhà trang điểm kỹ lưỡng. Đóng cửa chờ chồng, không đi đâu ngoài đi chợ. Vợ chồng mới cưới nên săn sóc nhau chu đáo. Không hề nghe cự cãi bao giờ. Chồng đẹp mà vợ cũng rất xinh. Trông họ rất mặn nồng ân ái. Tôi thường bắt gặp nàng ngồi ngay cửa sổ với cái gương xinh xinh. Chăm sóc gương mặt mình còn hơn chuyên viên thẩm mỹ viện. Tôi thầm nghĩ anh chồng nên bỏ nghề bán mắt kính qua bán mỹ phẩm có lẽ hay hơn.

Phòng số 5. Hai vợ chồng giáo viên, chồng dạy cấp 1, vợ là thợ may. Vợ chồng nầy là thành viên lâu năm nhất trong số những người thuê phòng ở đây. Vợ đi may ở nhà may tư nhân. Do nàng dâu và gia đình chồng không hợp nhau, nên chồng nghe lời vợ đi mướn nhà ở riêng chứ tài chánh họ không đến đỗi. Lấy nhau sáu , bảy năm gì đó nhưng chưa có con. Anh chồng thi thoảng lại về trể và say bí tỉ. Mỗi lần như vậy thì có nghe rổn rảng một chút rồi người vợ sụt sịt khóc. Có tiếng khóc thì chiến trường êm ả lại. Sáng ra, chục lần như một thì y như là lưng của thầy giáo chừng cả trăm dấu tròn đỏ. Kết quả của một trận giác hơi.
Người vợ cũng hiền lành, có lần cô qua phòng cho tôi con rùa vải dùng để chùi chân do chính tay cô may. Tôi cũng một lần mang ơn cô ta, chẳng là có lần vào khoảng 22 giờ đêm, tôi bỗng dưng đau bụng lạ thường, đi cầu liên tục. Tôi qua quán mua thuốc uống, gặp tôi cô hỏi và lát sau mang qua cho tôi ly rượu thuốc đặc quánh của thầy giáo, bảo là thuốc gia truyền chuyên trị về tả lỵ. Mà quả thật, uống xong khoảng 10 phút là tôi nghe êm êm và không còn đi cầu nữa.

Phòng số 6. Vô hình trung là cái quán nhỏ chuyên cung cấp đồ dùng và một ít thực phẩm cho những phòng trọ chúng tôi. Chủ quán là người ngoài năm mươi, chắc quê ông ở gần căn cứ Long Bình (nơi mà ngày trước quân đội Mỹ dùng làm kho chứa thuốc nổ, đạn dược) nên ông nói chuyện nổ quá trời. Cái gì cũng số 1 la mã. Chưa bao giờ chịu thua ai trong việc tranh cãi chuyện gì đó. Tôi ở Hà Nội 3 năm, nhưng chưa biết cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương dài bao nhiêu, chùa một cột cao bao nhiêu. Nhưng ông biết chính xác số đo trong khi chưa hề một lần đặt chân lên xứ bắc. Thi thoảng ông cũng phát biểu linh tinh về xã hội. Với tôi, ông là người khó cải tạo tư tưởng sống cho phù hợp với tình trạng xã hội bây giờ. Bởi ông là quân nhân quân lực VNCH trước 75.

Phòng số 7. Thuê phòng là cô bé mười chín tuổi, quê ở một huyện xa trong tỉnh. Tháng đầu cô đến với chiếc honda đam của Nhật sản xuất trước 75. Nét mặt đẹp thơ ngây như bức tượng. Cô nói làm tiếp viên cho một nhà hàng. Quả thật vậy, có lần được bạn bè mời tôi chầu nhậu tươi mát tại nhà hàng karaoke Ngọc Lan. Tôi đã gặp cô ngồi chung bàn. Cô ngồi với bạn tôi. Cô bé thẹn thùn nhưng tôi vờ như không quen biết. Sau vài chai bia, cô mất sự bẽn lẽn ban đầu và cô chủ động tấn công tôi. Cô xin đổi đào với tôi, nhưng cô gái ngồi với tôi không chịu. Khổ nỗi điều nầy làm tôi phải tránh mặt cô nhiều ngày sau đó. Rồi một chiều, chiếc honda đam đâu không biết. Cô rạng rở với bộ đồ dạ hội. Chễm chệ trên chiếc Nouva màu trắng tinh. Cô chạy suýt nữa đụng phải cánh cửa phòng cô. Cũng từ ngày đó, cô đau cái cổ rất nặng. Tôi nghĩ thế, vì thấy mỗi lần ngồi trên xe chạy, cổ cô đều ngước lên trời. Mới vừa rồi, nửa đêm công an xét phòng. Trong phòng của cô có người đàn ông lớn tuổi, cô nói chú họ. Nhưng cũng bị phạt hành chánh vì không có tên trong danh sách đăng ký.

Phòng số 8. Phòng nầy có vẽ đặc biệt. Cặp ông, bà trên năm mươi. Không biết người phương nào, gia đình ra sao. Dù ngoài năm mươi nhưng người đàn bà cũng còn mặn mà lắm. Đủ cho thấy bà có một thời vàng son. Người đàn ông như một cao thủ võ lâm. Tóc dài, râu ria quay hàm, ông cũng là người mà từng ‘một thời để yêu và một thời để chết’. Tin từ hành lang phòng số 5, chúng tôi biết ông bà nầy có gia đình giàu có, con cái thành đạt. Giờ hai người vào chùa làm công quả, mướn phòng chỉ để nghỉ buổi trưa, còn tối thì về nghỉ ở gia đình. Nhưng cũng nhiều đêm ngủ lại. Người đàn ông mua cơm hộp và nước khoáng về sử dụng. Hình như họ ăn chay, bố già phòng số 2 nói với tôi, họ ăn chay nhưng ngủ mặn. Tin đáng tin cậy là họ yêu nhau khi còn trẻ, hoàn cảnh không thể cưới nhau. Ông có vợ, bà có chồng. Chồng bà sau nầy bị bệnh chết. Vợ ông kia vẫn còn, nhưng họ lại là chị em bà con bạn dì. Chuyện y như trong phim.

Phòng số 9, cũng hai ông bà. Người đàn ông ngoài ba mươi, người đàn bà ngoài bốn mươi. Chênh lệch nhau chắc một con giáp. Anh chàng hiền lành ít nói. Đi bán vé số dạo với chiếc xe đạp bèo, người đàn bà cũng đi bán vé số, nhưng ngày bán vài ngày nghỉ. Lâu lâu có một bé trai chừng 10 tuổi đến ngủ vài ngày rồi biến mất. Nghe nói đó là tác phẩm của hai người. Bố già phòng số 2 coi tướng người đàn bà nầy, ông nói thọ nhưng nghèo suốt đời. Chuyện tình yêu trắc trở, ít nhất là vài ba đời chồng bởi phá tướng. Đàn bà gì mà ăn nói sang sảng như Lương Sơn Bạc, còn nghèo vì tướng đi dách dách sảnh, ấn đường u tối.

Phòng số 10, là phòng cuối cùng. Một người đàn ông. Ông ngoài ngũ tuần, là nhà văn hay nhà thơ gì đó. Ông còn là cộng tác viên của nhiều tuần báo, website. Rõ ràng kiến thức của ông uyên bác. Chuyện gì cũng biết. Khác với ông phòng số 6 biết chuyệt vặt. Ông phòng số 10 ngon lành hơn, các nhà văn nhà thơ nước ngoài. Từ Châu âu, châu á, châu mỹ, châu phi. Ở đâu ngài cũng biết nốt. Từ Eric Maria Remarque, William Saroyan, Henry Miller, Rimbaud. Jean Paul Sartre, Ernest Hemingway. Đến Lý bạch, Trương Kế, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị dài dài qua Kim Dung, Quỳnh Dao. Muốn nghe tác phẩm nào, của nhà văn nhà thơ nào là ông đọc danh dách, như một tự điển sống. Đang nói về hiện sinh của Sartre, mình nói qua Phạm Công Thiện thì ông phát cho nghe Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm ngay. Vũ Đức Sao Biển chuyên nghiên cứu về Kim Dung, nếu gặp ông cũng phải botay.com. Ông nhắc từng câu chuyện, từng nhân vật, nào là Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ thiên đồ long đao, Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký.v.v…Hỏi về Quang Dũng ông đọc cho nghe một loạt : Đôi mắt người sơn tây, Tây tiến, Đôi bờ, Quán bên đường. Đang ngon trớn như vậy thử đá qua thơ đường. Y như máy cassette ông mở liền Thôi Hiệu, có lần ông đọc cho tôi nghe nguyên tác bài Hoàng Hạc Lâu :

Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất biến bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch hán dương thụ
Phương thảo thê thê anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Ông nói ngày trước Tản Đà dịch bài nầy với thể thơ lục bát, ông không tâm đắc. Ông có người bạn dịch bài nầy với thể thơ thất ngôn bát cú đường luật y như nguyên tác, và ông tằng hắng, không phải đọc mà là ngâm :

Bặt bóng người xưa cỡi hạc vàng
Còn đây trơ lại mái lầu hoang
Hạc vàng một vút không lưu luyến
Mây trắng ngàn năm luống bẽ bàng
Sông lạnh Hán dương cây rạng rở
Bãi thơm Anh vũ cỏ miên man
Quê hương khuất nẻo chiều nghiêng bóng
Gợi khách sầu lây khói sóng tràn

Tiếc rằng tôi không biết về văn thơ. Song với hai câu chót, tôi nghe sao ngậm ngùi quá. Tôi cười nói với ông:
-Thiệt tình, chú đọc thơ cho cháu nghe, giống y như nước đổ trên đầu vịt..
Ông há mồm hỏi tôi :
-Vậy chứ thắng Út mầy làm nghề gì ?
-Dạ…con là bác sĩ…thú vật./-

hồchíbửu.

Tây Ninh nỗi nhớ





Trăng quê nhà
Phố nhỏ mình ta căn gác vắng
Khói thuốc mông lung nhớ mái tóc dài
Nhớ chiều tan học quen tiếng guốc
Đâu ngờ dâu bể lạc tình ai !

Đời quanh quẩn rày đây, mai đó
Gạo chợ nước sông, một kiếp người
Nhìn khói đốt đồng thương quê mẹ
Mà nghe nước mắt cứ chực rơi !

Mấy chục năm rồi, ta bạc tóc
Nhớ mẹ ru kẽo kẹt võng đưa
Nhớ tiếng quốc kêu lòng thổn thức
Vẫn chưa quên được tiếng gà trưa !

Đêm nay ta thấy trăng gác núi
Treo nỗi buồn ta một phía trời
Một vầng trăng nhưng mỗi nơi mỗi khác
Một cuộc đời nhiều ngã rẽ, em ơi !


Tây Ninh nỗi nhớ
Anh ôm những buồn, vui lẫn lộn
Tháng ngày trôi, quên, nhớ không rời
Những góc phố, con đường đã khác
Tòa Thánh vàng vạt nắng chiều rơi !

Qua Bàu Năng, ngày cơn mưa muộn
Gặp lại em mà ngỡ trong mơ
Mấy mươi năm, mắt buồn vẫn thế
Tân Uyên xưa, đất khách bây giờ !

Em Dầu Tiếng theo chồng xa xứ
Bạn bè anh già khú hết rồi
Đêm nay trăng xuống, Hòa Thành đẹp
Rượu tình, rượu nghĩa đã mềm môi !

Anh nhớ lại, thời làm văn nghệ
Bạn Củ Chi, Định Quán gặp hoài
Con thuyền cũ trôi vào quá khứ
Nay đếm hoài chưa giáp bàn tay !

Núi Bà Đen, Trảng Bàng thêm nhớ
Vắt hồn anh chảy xuống khổ thơ
Xin quá giang đường xuân lụa nắng
Còn em yêu, đứng nép cửa chờ !

Trúc Thanh Tâm
(Châu Đốc)