Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Hầu chuyện Trần Xuân Bách




PHAN BA


Tôi đã đặt những câu hỏi với tư cách một nhà báo mong muốn tìm thấy lộ trình đi tới tự do dân chủ cho dân tộc. Rất tiếc vì nhiều lý do, ý kiến tâm huyết của anh, một nhà cách mạng, một trí thức lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam mà tôi ghi chép nhiều buổi, đã không thể phổ biến đúng lúc. Lý do là vì nền “báo chí nói tiếng nói của Đảng” không cho phép, nhưng lý do chính mà tôi phải nhận là bởi sự hèn kém của mình. Phần hồi ức này, tôi xin ghi lại một số câu hỏi và giải đáp của anh không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà nó vẫn đang còn nguyên giá trị thời sự trong tình hình hiểm nghèo của đất nước trước họa ngoại xâm, và nội xâm, đang rất cần dân chủ hóa để tăng nội lực của dân tộc. Và đây cũng là món nợ ân tình đối với anh, nhiều năm nay lòng tôi luôn bứt rứt (theo Blog Phan Ba).
.




Cuối tháng 9 năm 1989, tôi từ Sài Gòn ra, vừa đến trụ sở báo Lao Động (51 Hàng Bồ, Hà Nội) thì cô Phạm Thị Châu, trưởng phòng hành chính đến gặp. Cô trao tấm danh thiếp của anh Trần Xuân Bách gửi cho tôi và háo hức kể: Xe đỗ trước cơ quan, bác ấy đi vào, nói “tôi xin gặp anh Tống Văn Công”. Em trả lời: “Thưa bác, anh Công về Sài Gòn. Hiện đang có mặt hai phó tổng biên tập là anh Huy Đan và Phạm Văn Nhàn. Bác có thể gặp anh nào ạ?” Bác ấy mở cặp lấy danh thiếp đưa cho em, nói: “Khi nào anh Công ra, đồng chí đưa giùm tôi nhé, nói là tôi đang đợi anh ấy gọi”.




Từ lâu tôi đã được ba người bạn có dịp gần gũi anh Trần Xuân Bách là nhà văn Nguyễn Khải gần anh khi còn làm báo quân khu 3 thời chống Pháp, dịch giả Lê Minh Đức gần anh ở ban Dân vận Trung ương và anh Đinh Gia Bảy ủy viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng làm việc dưới quyền của anh Bách lúc giúp bạn ở Campuchia, kể nhiều chuyện về anh Bách, “một người tài đức song toàn”. Tôi cũng được đọc nhiều bài viết của anh, rất hâm mộ, nhưng chưa có dịp gặp, không ngờ tôi lại được anh tìm! Trước khi vào Sài Gòn, tôi đã dự hội nghị nghiên cứu Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (Khóa 6), nên cảm nhận việc anh Trần Xuân Bách đến tìm là điều quan trọng.


Xin nhắc lại một kết luận của Nghị quyết trung ương 7:


Về tình hình thế giới:


Công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã thu được những thành tựu nhất định, nhưng ở một số nước gặp khó khăn gay gắt, có nước chủ nghĩa xã hội đang đứng trước thách thức lớn. Lợi dụng tình hình khó khăn trên đây ở một số nước xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ mở cuộc phản kích quyết liệt vào chủ nghĩa xã hội, bằng những thủ đoạn rất xảo quyệt: Răn đe về quân sự; cổ vũ chủ nghĩa đa nguyên chính trị; dùng kinh tế khuyến khích việc cải cách theo hướng phát triển kinh tế tư nhân, thị trường tự do tư bản chủ nghĩa.


Tình hình trong nước:


Những khó khăn về kinh tế và xã hội đã và đang bắt đầu xuất hiện ở nước ta, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: các lực lượng bên ngoài đang tập trung đả kích, xuyên tạc Đảng ta không mạnh dạn cải cách chính trị, hạn chế dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tác, phê bình.


Trong bốn khuyết điểm dẫn đến tình hình trên, có:”Buông lỏng công tác tư tưởng, thiếu tinh thần chiến đấu chống những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, những hành động và lời nói sai trái.


Nghị quyết nhấn mạnh những nguyên tắc của chính sách: Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị.


Như vậy, anh Trần Xuân Bách đang là nhân vật có “vấn đề”!


Sau khi cô Châu rời khỏi phòng, tôi gọi điện ngay cho anh Trần Xuân Bách. Giọng anh rất vui: “Bảy giờ tối, tôi đợi anh nhé”. Tôi đáp: “Tôi muốn cùng anh Phạm Văn Nhàn phó tổng biên tập đến thăm anh?” Anh Bách rất vui vẻ: “Ồ, càng nhiều anh em càng vui”.


Tôi không muốn một mình đến anh Bách .Tôi kể chuyện này với phó tổng biên tập Phạm Văn Nhàn (hiện nay, anh Nhàn ở khu nhà tập thể báo Lao Động, quận Cầu Giấy). Anh Nhàn nói: “Anh ấy bảo càng nhiều anh em càng vui, vậy ta rủ thêm Lưu Văn Hân, vì Hân quen thân với bên vợ anh Bách”. Tôi gọi điện rủ, anh Hân rất vui vẻ nhận lời (anh Lưu Văn Hân lúc ấy là Vụ trưởng Vụ báo chí, Bộ Văn hóa Thông tin, anh Trần Hoàn là bộ trưởng).


Ba chúng tôi đến biệt thự của anh Bách trên đường Phan Đình Phùng bằng chiếc u-oat của báo Lao Động do tài xế cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến lái. Có vài người mặc thường phục đứng trên vỉa hè dòm ngó. Tôi bảo với người bảo vệ là chúng tôi được anh Bách hẹn. Anh bảo về gọi điện thoại vào nhà xin ý kiến. Tôi cứ tưởng anh Bách sẽ cho người giúp việc ra đón chúng tôi, không ngờ anh đích thân chạy ra cổng. Tôi nói “chúng tôi đến quá một người!” Anh Bách cười vui “cảm ơn các anh, tôi rất vui!” Anh đưa chúng tôi lên lầu. Chị Bách chờ sẵn, mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn kê sát tường. Chị pha cà phê, gọt táo và cùng ngồi với chồng tiếp khách. Thấy bên cạnh tấm lịch treo tường có kẹp bài thơ, ký tên Bách Xuân, tôi hỏi đùa: “Muốn xin anh bài thơ này đăng trang văn nghệ của báo?” Anh nhìn chị, cười đáp: “Thơ mình chỉ dành riêng cho một bạn đọc này thôi”. Có lẽ, chị Bách nghĩ rằng mấy ông khách thấy chị quá trẻ so với anh, nên đã vui vẻ kể: “Hồi em mới lấy anh ấy, các bạn cứ trêu, sau lấy ông chồng quá đát vậy? Em trả lời, nhưng tâm hồn anh ấy rất trẻ!” Sao mấy chuyện vui, tôi kể cho anh Bách nghe về lớp nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 7 của cán bộ cốt cán toàn quốc trước đây hơn một tuần. Anh Bách nghe rất chăm chú.


Lớp nghiên cứu này do ông Đào Duy Tùng ủy viên Bộ Chính trị phụ trách khối tư tưởng văn hóa thuyết trình. Ông nghe phản ánh ý kiến học viên ở các tổ thảo luận, tổng kết đợt học và giải đáp thắc mắc. Sau khi nghe ông Tùng giảng ở hội trường, ban tổ chức lớp học chia học viên theo ngành công tác vào các tổ thảo luận. Tôi dự thảo luận ở tổ báo chí, gồm các tổng biên tập, báo chí, đài, nhà xuất bản ở trung ương (có lẽ các tổ viên ngày ấy chỉ mỗi nhà thơ Hữu Thỉnh còn có mặt trong nguồn máy hiện hành). Tổ trưởng hướng dẫn thảo luận là anh Thái Linh, phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (đến Đại hội 7, anh Thái Ninh là trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, anh Hữu Thọ phó trưởng ban thường trực). Khi thảo luận câu hỏi “Vì sao Đảng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị”. Bùi Tín, phó tổng biên tập Báo Nhân Dân xin phát biểu. Bùi Tín cho biết, anh rất lúng túng khi bị nhiều đồng chí đảng viên các đảng bạn ở Phương Tây hỏi vì sao đảng Cộng sản Việt Nam lại không chấp nhận đa nguyên. Theo Bùi Tín, bản chất cuộc sống là đa nguyên, thực tế Việt Nam cũng đang có những yêu tố đa nguyên: bên cạnh đảng Cộng sản có đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội; Mặt trận Tổ quốc gồm có nhiều tổ chức Nông dân, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… mỗi giới có tờ báo nói tiếng nói của mình. Phải đa nguyên mới thực sự dân chủ. Anh Bùi Tín nói hơn 30 phút. Cả tổ im lặng lắng nghe. Tổ trưởng Thái Ninh ghi ghi chép chép, không tỏ ra sốt ruột. Không ngờ hôm sau, khi tổng kết và trả lời thắc mắc, ông Đào Duy Tùng đã gay gắt phê phán: “Thật đáng chê trách, tại hội nghị này, gồm những cán bộ tuyên huấn cốt cán của Đảng, lại có một đồng chí nồng nhiệt cổ vũ đa nguyên chính trị! Đồng chí đó không biết rằng, đa nguyên là luận điệu mị dân của các chính trị gia tư sản? Bọn chúng gồm những tập đoàn tài phiệt, cần có đa nguyên để cạnh tranh với nhau. Giai cấp công nhân có sứ mệnh độc quyền lãnh đạo cách mạng, chỉ cần liên minh chiến lược với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng. Chủ nghĩa xã hội thực hiện tập trung dân chủ, phải chống đa nguyên. Hôm nay đòi đa nguyên, rồi ngày mai sẽ đòi đa đảng, phải không?”


Anh Bách trầm ngâm, rồi nói: “chúng ta đã thực hiện đa nguyên kinh tế, vậy phải thực hiện đa nguyên chính trị, bước tới bằng hai chân mới cân bằng, không bị vấp váp”.


Hơn 10 giờ khuya, anh Bách tiễn chúng tôi ra tận cổng. Trước khi chia tay, tôi đề nghị: bất cứ lúc nào, anh rảnh, tôi xin mời anh đến nơi tôi ở, số 14 Trần Bình Trọng, đối diện với Bộ Công an. Tôi muốn được anh giải đáp cho một số câu hỏi. Và tôi gợi ý: Anh nên cho dừng xe ở Nguyễn Du, rồi đi bộ vào cổng, tôi sẽ đón bên trong. Kể ra cũng buồn cười, đón ông ủy viên Bộ Chính trị mà phải lén lút như quan hệ với kẻ gian! Hồi đó, tôi vẫn nghĩ nơi ở của mình kín đáo lắm, nên đã từng tiếp đón nhiều bạn bè có lý lịch mà phía an ninh coi là không được trong sáng như Nguyễn Kiến Giang, Lê Đạt, Dương Tường, Phạm Thị Hoài… mãi sau này, tôi mới biết là mọi việc xảy ra ở báo Lao Động đều có trong hồ sơ của cơ quan an ninh! Biết đâu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng không phải là ngoại lệ!


Chỉ vài hôm sau, anh Bách hẹn đến, từ hôm đó tôi may mắn được hầu chuyện anh. Tôi đã đặt những câu hỏi với tư cách một nhà báo mong muốn tìm thấy lộ trình đi tới tự do dân chủ cho dân tộc. Rất tiếc vì nhiều lý do, ý kiến tâm huyết của anh, một nhà cách mạng, một trí thức lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam mà tôi ghi chép nhiều buổi, đã không thể phổ biến đúng lúc. Lý do là vì nền “báo chí nói tiếng nói của Đảng” không cho phép, nhưng lý do chính mà tôi phải nhận là bởi sự hèn kém của mình. Phần hồi ức này, tôi xin ghi lại một số câu hỏi và giải đáp của anh không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà nó vẫn đang còn nguyên giá trị thời sự trong tình hình hiểm nghèo của đất nước trước họa ngoại xâm, và nội xâm, đang rất cần dân chủ hóa để tăng nội lực của dân tộc. Và đây cũng là món nợ ân tình đối với anh, nhiều năm nay lòng tôi luôn bứt rứt.


Hỏi: Tháng 6 năm 1988, Nghị quyết Trung ương 5 cho rằng khuyết điểm nghiêm trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Nghị quyết cho rằng “mở rộng dân chủ, đi đôi với tăng cường kỷ luật”, và phải “chống những mưu đồ lợi dụng dân chủ và công khai để chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân”. Đến tháng ba năm 1989, Nghị quyết Trung ương 6 nhắc lại phải “mở rộng dân chủ, dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật”. Tháng tám năm 1989, Nghị quyết Trung ương 7 kết luận: “Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị”.


Những kết luận nói trên, cho thấy “dân chủ” như một khái niệm rất mơ hồ, có thể thu hẹp lại, hoặc mở rộng ra. Nhưng mở rộng ra thì phải kèm với “tập trung”, với “kỷ luật”, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ, hoặc bị bọn phản động có “mưu đồ lợi dụng dân chủ, công khai, chống lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân?”


Đáp: Dân chủ không hề có chỗ cho thứ tự vô chính phủ nảy nở. Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản hiến pháp được xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử tự do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền tự do của con người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu tuyên ngôn độc lập nước ta, đã nhắc lại tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, nói đến các quyền tự do của con người mà tạo hóa cho họ. Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do ấy. Cho nên dân chủ là quyền lực của dân, với tư cách là con người tự do. Dân chủ không phải do lòng tốt của những người lãnh đạo muốn bạn ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở rộng, thấy bất tiện thì thu hẹp.


Đại hội 6 kết luận lấy “dân làm gốc”. Dân chủ sẽ khởi động trí tuệ toàn dân tộc, “gốc” sẽ ngày càng vững mạnh, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm. Chế độ dân chủ không có chỗ cho những ai muốn lợi dụng, bè phái. Chỉ có chế độ độc đoán, quan liêu, khép kín mới là rất tốt cho những kẻ xấu làm dụng quyền lực làm những điều phi pháp.


Hỏi: Chế độ dân chủ như vừa miêu tả ở trên có trái với “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà Nghị quyết Trung ương 7 kêu gọi xây dựng và phát huy?


Đáp: Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều, lai ghép chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm dân chủ, duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ nghĩa phải cải tổ, đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ, đạt tới các tiêu chí của thời đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.


Chúng ta đã đổi mới kinh tế, thực hiện sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường. Đã đến lúc phải đổi mới chính trị, dân chủ hóa xã hội, từng bước thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Marx và Engels đã đề ra trong tuyên ngôn Cộng sản: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.


Không đổi mới chính trị nhịp nhàng với đổi mới kinh tế thì đến một lúc nào đó sự phát triển kinh tế cũng sẽ bị chựng lại, bởi những rào cản quan liêu, tham nhũng, hạn chế sáng kiến. Đổi mới kinh tế là thực hiện đa nguyên kinh tế, kinh tế nhiều thành phần sẽ làm cho xã hội có sự phân tầng, mỗi giai tầng có quyền lợi, nguyện vọng khác nhau, từ đó nảy sinh đa nguyên chính trị. Đổi mới chính trị là từng bước chấp nhận đa nguyên chính trị song song với đa nguyên kinh tế, đúng như Marx, Engels: “Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của ấy”. (Lời tựa cho tuyên ngôn của đảng Cộng sản bản tiếng Đức, 28-6-1883).


Từ một xã hội khép kín, một quốc gia đóng cửa, chúng ta khởi xướng đổi mới, mở cửa, làm bạn với tất cả các nước. Vậy thì trong nước cũng phải là một xã hội mở, chấp nhận tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều tiếng nói có quan điểm khác biệt đối thoại, thương thảo, quyết định thuộc về đa số, nhưng thiểu số được tôn trọng và bảo vệ. Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người và quyền công dân theo hiến pháp, không được ban hành luật lệ vi hiến để hạn chế các quyền ấy. Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nhưng quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, đảng phải nằm trong chứ không nằm ngoài và không được đứng trên xã hội.


Hỏi: Chúng ta có sợ đa nguyên chính trị sẽ làm suy yếu đảng Cộng sản Việt Nam và cuối cùng là mất quyền lãnh đạo? Bởi vì chấp nhận đa nguyên chính trị thì phải thực hiện các quyền tự do, trong đó có quyền lập hội, từ đó xuất hiện đảng đối lập có cương lĩnh cạnh tranh với đảng Cộng sản?


Đáp: Đó chính là sự ngộ nhận của những ai có thói quen độc quyền chân lý, theo chủ nghĩa giáo điều. Xu thế thời đại là tự do, dân chủ. Cách mạng khoa học kĩ thuật, bùng nổ thông tin, giao lưu quốc tế làm cho xu thế đó chuyển động rất nhanh chóng và có tính dây chuyền. Không ai có thể bưng bít thông tin, ngoảnh mặt trước đòi hỏi của nhân dân, ngăn chặn sự vận động tất yếu của cuộc sống. Bản chất của cuộc sống là đa nguyên. Đổi mới chính là thuận theo bản chất cuộc sống xã hội vốn mang tính đa nguyên cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trên kia đã nói, đang nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội, có nghĩa là thế nào? Đổi mới chính trị, trước hết Đảng phải tự đổi mới mình, phải trở thành đảng dân tộc, kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại. Đảng phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi.


Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà nước, không duy trì chế độ đảng trị, toàn trị. Nhà nước là công cụ của dân. Nhà nước quản lý theo luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại, nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho nhà nước vững mạnh mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm quyền, tham nhũng làm thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước.


Kinh tế thị trường đòi hỏi phải có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Trong hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels cho rằng “hình thức thương mại, bởi lực lượng sản xuất đang có quyết định ở một giai đoạn lịch sử và trở lại quyết định lực lượng sản xuất, đó là xã hội dân sự” và “xã hội dân sự bao gồm toàn bộ thương mại vật chất của các cá nhân ở một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất”. Hai ông cho rằng, xã hội dân sự tồn tại ở mọi thời đại với tư cách tổ chức xã hội trực tiếp bắt nguồn từ sản xuất và thương mại, đồng thời tạo thành nền tảng của nhà nước và mọi kiến trúc thượng tầng tinh thần khác. Các chế độ độc tài, phát xít Hitler, Mussolini thực hiện chế độ toàn trị xóa bỏ xã hội dân sự đã bị thất bại. Mô hình xô viết Stalin cũng xóa bỏ xã hội dân sự là nguyên nhân đưa tới quan liêu hóa, khủng hoảng xã hội. Tình trạng đó chúng ta phải khắc phục. Nhiều năm qua các đoàn thể quần chúng đều bị chính trị hóa, hành chính hóa, không đại diện quyền lợi cho đoàn viên, hội viên, hạn chế sáng kiến của họ, quan trọng hơn là chỉ tiêu sự góp ý thẳng thắn của họ đối với đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước. Thực hiện quyền tự do lập các hội, đoàn, các câu lạc bộ, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân, tương ái, tự trang trải về tài chính, đó chẳng những đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng mà còn khôi phục xã hội dân sự, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, làm lành mạnh kinh tế thị trường.


Trong môi trường dân chủ, thượng tôn pháp luật, đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như mọi tổ chức và cá nhân có điều kiện để phát triển lành mạnh. Đảng Cộng sản Việt Nam có một quá trình lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khởi xướng đổi mới, nay lại mạnh mẽ tự đổi mới mình để trở thành đảng của dân tộc, không dùng quyền lực thay cho năng lực, trí tuệ. Dân chủ đưa Đảng vào lòng dân tộc. Liệu có đảng đối lập nào đưa ra cương lĩnh trái với lợi ích dân tộc mà giành được lòng dân đối với đảng Cộng sản? Chỉ có làm ngược lại, không chịu đổi mới chính trị, cố giữ thể chế độc quyền, trong khi xã hội đã chuyển sang đa nguyên về kinh tế, đa nguyên thành phần xã hội, tài nguyên tư tưởng, văn hóa thì như vậy không khác nào đặt bản trong tình thế của một cây cổ thụ đứng đơn độc trước bão tố!


Hỏi: Có nên duy trì các chỉ đạo báo chí của Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương như hiện nay? Thực dân Pháp đã từng chấp nhận quyền tự do báo chí đối với nhân dân nước Việt Nam thuộc địa. Chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hai lần thực hiện tự do báo chí, lần đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám cho đến toàn quốc kháng chiến, lần thứ hai sau 30 tháng tư 1975 với báo tư nhân Tin Sáng cho đến tháng 6 năm 1981. Cả hai lần ấy, báo chí tư nhân đều có những đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đổi mới chính trị, phải chăng đã đến lúc chuyển tự do báo chí tự quyền “tự do của tập thể” sang “quyền tự do của mỗi người” như Marx, Engels nói, như Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi? Trong sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi gọi báo tức là một tờ báo về chính trị, về kinh tế thì văn học như chúng ta đã thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền lập ra”. Tại sao chúng ta không thực hiện ước nguyện của Hồ Chí Minh từ năm 1919 về quyền tự do báo chí trong bản yêu sách gửi hội nghị Hòa Bình Versailles?


Đáp: Ngày 24 tháng 9 năm 1982, Việt Nam đã ký kết gia nhập Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước này có quy định quyền tự do ngôn luận: mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; được tự do ngôn luận bao gồm tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến bằng các hình thức tuyên truyền miệng, viết ra, in, tự do sáng tạo các hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.


Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên cam kết không hạn chế hoặc hủy bỏ những quyền tự do tính phổ biến của nhân loại đã được quy định ở đây. Nhà nước ta sẽ phải sớm sửa đổi luật báo chí, luật lập hội, thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội như các quốc gia dân chủ trên thế giới.


Cuối năm 1989 anh Trần Xuân Bách có bài phát biểu “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” Nội dung bài ấy tương tự những điều anh trả lời trên đây. Nhiều người cho rằng anh Trần Xuân Bách chưa bao giờ nói đến “đa đảng”. Thật ra chấp nhận đa nguyên chính trị tức là chấp nhận sự có mặt của các tầng lớp, các nhóm có lợi ích khác nhau, có quan điểm chính trị khác nhau, cùng tồn tại, hợp tác và đấu tranh. Chấp nhận đa nguyên chính trị tức là đã chấp nhận đa đảng sẽ diễn ra ngày sau đó.


Dịp tết 1990, vài tháng trước khi bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh Trần Xuân Bách có sáng tác bài thơ sau đây.


Bài thơ khai bút 1990


Ngày xuân nhớ cụ Tú Xương,
Cố nhân chính trực, đồng hương nghĩa tình.
Lẳng lặng mà nghe tiếng nói dân.
Lấy dân làm gốc phải nghe dân.
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu.
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần.


Nhà thơ Hải Như đề nghị thay chữ “mình” cho chữ “người” ở câu cuối. Anh Bách tiếp thu nhưng bảo, lấy làm tiếc vì đã phổ biến cho nhiều bạn bè.


Chiều thứ 5, ngày 22 tháng 3 năm 1990, anh Bách gọi điện bảo tôi, 7 giờ tối đến nhà anh, có chuyện rất cần biết. Cả ba anh em, Lưu Văn Hân, Phạm Văn Nhàn và tôi cùng đến. Trên lề đường trước nhà anh có nhiều người mặc thường phục đứng trên vỉa hè săm soi số xe. Anh Bách vẫn ra tận cổng đón chúng tôi. Chị Thịnh vẫn vui vẻ pha cà phê, gọt táo mời bạn bè. Anh Bách kể chuyện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khai mạc từ ngày 12-3. Anh đã bị phê phán rất dữ dội. Anh cho rằng, mình chắc chắn sẽ bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có ý kiến đòi khai trừ anh ra khỏi Đảng. Tôi tỏ ý băn khoăn, chẳng lẽ lại có thể xảy ra điều tồi tệ đến mức ấy, hoàn toàn trái với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật của Đại hội 6? Anh Bách kể: “Một đồng chí trong Bộ Chính trị cho rằng, việc làm của đồng chí Trần Xuân Bách đã khiến cho đồng chí, bạn bè lo âu, còn kẻ thù thì vô cùng mừng rỡ”. Một người đã bị nhận xét tới mức đó thì làm sao có thể coi trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương?” Anh Bách cho biết nhận xét đó không phải là ý kiến cá biệt, quan trọng hơn, đó là quan điểm của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Chỉ có hai ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt cho rằng, từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, anh Bách muốn công cuộc đổi mới phải “đi hai chân” để đất nước phát triển và đảng vững mạnh.


Hôm ấy, chia tay anh chị, chúng tôi buồn rười rượi, dù anh động viên: “Cho dù sắp tới sự nghiệp đổi mới có bị khó khăn hơn. Tuy nhiên cái gì thuộc về quy luật, xu thế thì nó vẫn cứ đi tới, dù có chậm”.


Ngày 27-3-1990 Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa 6, thông qua nghị quyết có những nội dung quan trọng như sau:


… Nghị quyết đã chỉ ra tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng các nước xã hội chủ nghĩa đối với nước ta, trước hết là về các mặt chính trị, tư tưởng: một số người hoài nghi chủ nghĩa xã hội, giảm lòng tin đối với Đảng và nhà nước, một số cán bộ, đảng viên tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm sai lầm về cải tổ, cải cách của nước ngoài một cách máy móc, giáo điều; một số ít phần tử cơ hội bất mãn đang đẩy mạnh hoạt động chống lại sự lãnh đạo của đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, đòi dân chủ không giới hạn.


Hội nghị nhận định: đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đang còn nước ta là một trọng điểm chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình bằng những thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa và quân sự rất thâm độc. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa hai con đường chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa ta và địch trên phạm vi thế giới, ở nước ta và ba nước Đông Dương đang diễn ra gay gắt, quyết liệt và phức tạp.


Việc Bộ Chính trị và ban bí thư tự phê bình và Trung ương góp ý kiến phê bình Bộ Chính trị, ban bí thư được tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, chân thành và thân ái, với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, đã góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong trung ương.


Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 đã quyết định cách chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư trung ương, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.”


Sau khi anh Bách bị cách chức, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin nhận anh về làm cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Nhưng lúc này chính cái ghế của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng đang lung lay. Cũng như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch hiểu rất rõ nguyên nhân suy sụp của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, trái với xu thế thời đại. Nguyễn Cơ Thạch có quan điểm, về đối nội, dân chủ hóa xã hội, đối ngoại cần mau chóng quan hệ bình thường với Hoa Kỳ và thế giới dân chủ. Trong khi đó, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều người trong Bộ Chính trị cho rằng phe xã hội chủ nghĩa suy sụp là do các thế lực thù địch đứng đầu là đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại. Do đó, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng phải cầu hòa với Trung Quốc. Trung Quốc dù có tư tưởng bành trướng thì cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa anh em. Để lấy lòng Bắc Kinh, Bộ Chính trị đứng đầu là tổng bí thư Nguyễn Văn Linh loại bỏ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch một cách vô nguyên tắc, không cho tham gia đoàn cấp cao đi Hội nghị Thành đô. Sau khi Nguyễn Cơ Thạch bị loại, anh Bách cũng xin nghỉ việc.




Sau 20 năm nhìn lại, thực tế diễn ra trên thế giới và trong nước đã cho thấy ý kiến Trần Xuân Bách hoàn toàn chính xác.


Tình hình thế giới:


Do duy trì quá lâu mô hình xô viết cho đến ngày sụp đổ đã khiến cho nhân dân các nước Nga và Đông Âu cạn niềm tin đối với các đảng Cộng sản và cánh tả. Ở liên bang Nga, suốt 20 năm qua, thời hậu Liên Xô, đảng Cộng sản, tổng bí thư G. Zyuganov chỉ nhận được tối đa khoảng 20% số phiếu trong các cuộc bầu cử. Trong khi đó, Đảng Nhân dân Campuchia thì chấp nhận “cuộc chơi” đa đảng đã bị lép vé, nhưng nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc, nay đã giành được thế thượng phong trên chiến trường đất nước. Hiện nay, đợt sóng dân chủ lần thứ tư đang cuồn cuộn, nước Miến Điện gần sát Việt Nam đã chuyển từ quân phiệt sang dân chủ.


Sau 20 năm tái lập quan hệ đồng chí, trên cơ sở “16 chữ vàng” và “4 tốt” với Trung Quốc, ta càng ngày càng bị họ dồn ép: thành lập thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa; mời thầu dầu khí ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của ta; xua hàng vạn tàu cá, tàu vũ trang vào vùng biển Trường Sa; đòi “lấy máu người Việt làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa!”


Kỷ niệm 10 năm hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), chính phủ Việt Nam tuyên bố: Việt Nam nhất quán chủ trương sẵn sàng cùng Hoa Kỳ nổ lực đưa quan hệ hai nước Việt Mỹ lên tầm cao mới. Ngày 2 tháng 8 năm 2012 Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết ủng hộ vai trò ASEAN trong vấn đề biển Đông, ủng hộ tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực đóng góp vòng đàm phán thứ 13 hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Tình hình trong nước:


Nghị quyết trung ương 4 (khóa 11) nhận định “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Tham nhũng đã từ vài “con sâu” trở thành cả “bầy sâu”. Sự khiếu kiện đất đai dai dẳng bởi nạn cướp đất, đẩy nông dân tới bước phản ứng bằng bạo lực. Đội quân chủ lực của cách mạng giải phóng dân tộc đã nãy sinh cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn làm bom tự tạo chống cưỡng chế phi pháp. Một trăm hộ dân Văn Giang đương đầu với 1000 cảnh sát vũ trang. Giai cấp công nhân được mệnh danh là giai cấp lãnh đạo, có đến 30 % số người bị suy dinh dưỡng. Họ đã tổ chức hơn 5000 cuộc đình công đòi tiền lương, cải thiện bữa ăn, nhiều cuộc huy động từ 5.000 đến 10.000 người, nhưng vẫn bị coi là bất hợp pháp, vì không được sự chỉ đạo của công đoàn! Trí thức bị cấm phản biện bằng Nghị định 97 của thủ tướng. So sánh tư thế của nhà nước Việt Nam với nhà nước Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, người Việt không khỏi hổ thẹn. Mỹ sẵn sàng giúp Philippines bảo vệ chủ quyền, trong khi đó đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện dân chủ, nhân quyền làm điều kiện “thế chấp”!


Nghĩ về vận nước, không khỏi chua xót nhớ Trần Xuân Bách! Nguyện vọng khoán hộ của Kim Ngọc tuy đã thành hiện thực, từng đưa Việt Nam vào hàng nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai thế giới. Nhưng cho đến nay, giấc mơ về quyền sở hữu ruộng cày và cuộc sống no đủ với hạt gạo do mình làm ra của người dân vẫn còn xa ngái!


Ngày 20-5-2002 tại nhà anh Trần Xuân Bách ở (Trung Tự) Hà Nội, nhà thơ Hải Như đã viết bài thơ tặng anh:


Trần Xuân Bách


Chắc chắn lịch sử sau này sẽ dành một trang về anh,
– khách quan phán xử
Tôi chỉ xin lưu ý nhỏ mai đời:
Cái Trần Xuân Bách mất rõ rồi, nhưng còn cái được,
Tuyệt vời sao!
Chia sẻ tiếng sét giáng xuống đời anh,
Có một người đàn bà nguyện làm ngọn thu lôi vượt qua giông bão.
(Chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ “liên quan” đè lên cơm áo).
Trần Xuân Bách. Anh là nạn nhân và cũng là tác giả tội ác.
Đúng không nào?
Trên chục năm dài lê thê con chim bằng gậm nhấm nỗi cô đơn
Tâm hồn vẫn sáng trong không rũ buồn vì khép cánh…
Câu “chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ ‘liên quan’ đè lên cơm áo” tôi cảm thấy như chỉ trích riêng mình!


Sau khi anh Trần Xuân Bách bị kỷ luật, tôi còn tiếp tục làm Tổng biên tập báo Lao Động ba năm nữa, nhưng không đến thăm anh một lần nào! Tôi tự bào chữa: vì thời gian này tôi phải liên tục đối phó với quá nhiều áp lực, chống đỡ cho tờ báo. Vì tôi đặt tòa soạn báo Lao Động ở Sài Gòn; gia đình, vợ con tôi cũng ở Sài Gòn, cho nên thời gian tôi có mặt ở Hà Nội rất eo hẹp. Nhưng mọi lý do vẫn không đủ để cho tôi có thể từ chối cho mình một chữ “Hèn”! Anh Hải Như an ủi: “Mình biết, rất nhiều anh nhờ anh Bách mà leo lên ‘quyền cao chức trọng’, nhưng sau khi anh bị kỷ luật, suốt bao năm có anh nào dám đến thăm ông thầy cũ của họ đâu!”




Ngày anh Bách qua đời (1-1-2006), nhà thơ Hải Như viết bài “Vĩnh biệt người bạn cùng quê”, có câu này:


“Ngày anh đi xa, trên báo Nhân Dân, bạn đọc thấy những gì thuộc về anh đều được trả lại”







Nhà thơ Hải Như cũng đã không chính xác khi vội mừng “những gì thuộc về anh đều được trả lại”! Cho dù điếu văn có nhắc lại tất cả công lao của Trần Xuân Bách, cho dù đã kể ra đủ các loại huân chương mà anh đã được trao tặng, cho dù cuối cùng, anh đã được nằm trong nghĩa trang Mai Dịch, nơi chỉ dành riêng cho các vị đại công thần của chế độ

Tri kỷ ơi!





Tác giả: KD/KD

———————-

Viết cho ngày 18/6…..



Ta đã đi cuối đất cùng trời
Để tận cùng trời cuối đất gặp nhau
Rưng rưng lạ lẫm
sương trắng một mầu

Bàn tay trong bàn tay run run nắm chặt
29 năm nổi trôi được mất

Đen trắng cuộc đời
bẽ bàng nhân thế
Ở hai đầu không gian quạnh quẽ
Có đêm nào thao thức nhớ nhau

Có đêm nào giấc ngủ đằm sâu
Ngỡ định mệnh rồi mất nhau mãi mãi
Hồn ngơ ngác cơn xé đau bải hoải
Cánh hoa mong manh hóa đá
về đâu

Một ngọn đèn khêu thắp đêm thâu
Em ngược gió
Phạc phờ bão giông dầu dãi
Cô độc hành trình đầu non đất bãi
Chân cứng đá mềm gieo hạt ngày mai
Quá khứ thương đau nguyên vẹn
hình hài
Nhưng cây đã lớn đời vẫn ra hoa trái
Ngọt lành đắng cay đôi bờ xa ngái
Mắt nhớ đỏ hoe bến đậu góc trời

Vẫn tiếng chim kêu bạn chiều chơi vơi
Vẫn bông cúc cuối thu mướt mải
Lời nguyền số phận bao giờ hóa giải
Cho Hà thành mây trắng nắng vàng
Và tình yêu trọn vẹn dung nhan
Sẽ đến ngày rạch ròi Thiện Ác
Trả lại ta những đêm trắng rạng ngời
Cho ta vai tựa vai đắm đuối mắt cười
sóng sánh
Có phải không người hỡi
Tri kỷ ơi


Hà Nội 27/8/2018

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

TÌNH YÊU- SỰ KẾT NỐI LINH HỒN





Tác giả: Hamvas Béla.

Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung.











1



Về những gì Hy lạp cổ đại tạo ra tôi có một phản luận. Giả sử, vì một lẽ nào đấy tôi không chấp nhận thi ca của họ; tôi không chấp nhận kiến trúc của họ; triết học, truyền thuyết của họ; tôi có thể nói, cái này cái kia hay hơn, hoàn chỉnh hơn, trong sáng hơn, nồng nhiệt hơn, trung thực hơn, cao cả hơn.



Nhưng có một cái tôi không thể phản đối. Đấy là tượng của Hy lạp. Tôi không thể không chấp nhận. Bên các bức tượng Hy lạp không có bất kỳ bức tượng nào hoàn chỉnh hơn, con người hơn, trong sáng hơn, trung thực. Chắc có thể, không bao giờ có một nền điêu khắc như thế nữa.



Trong tất cả những gì người Hy lạp đã sáng tạo ra, có thể tìm thấy một chút nhiễu nhương, giả dối, thô bạo, phân vân nào đấy. Nhưng ở những bức tượng thì không. Độc nhất chỉ tượng Hy lạp mang lại cho tôi khả năng có thể đối diện với con người của thượng đế. Những gì người Hy lạp sáng tạo ra tôi có thể đưa ra một ý kiến phản đối; nhưng với tượng của Hy lạp, tôi chấp nhận ngay lập tức mà không giải thích và không đưa ra lý do nào hết.



Một dân tộc, một thời đại, một thời điểm, một giống người khác có thể sáng tạo ra hình ảnh con người thượng đế trung thực hơn trong thi ca, trong triết học, trong thế giới của lịch sử và đời thường. Nhưng con người thượng đế trong điêu khắc chỉ một lần và mãi mãi duy nhất một lần, chỉ văn hóa Hy lạp nhận ra và sáng tạo nên.



Đối tượng duy nhất của toàn bộ điêu khắc Hy lạp: con người thượng đế. Cùng lắm với điêu khắc Hy lạp có thể bắt chước hoặc bị chinh phục, ngoài ra không có gì khác.



Giữa các bức tượng Hy lạp là vô số thân hình đàn bà, thiếu nữ, có Aphrodite hoặc trần truồng, hoặc phủ chút khăn, hoặc đang cởi quần áo, hoặc đang chuẩn bị tắm. Cái bồn tắm trước đêm tân hôn của người đàn bà trẻ chắc chắn không liên quan gì đến hành động vệ sinh thân thể hoặc mang tính chất y học. Sự miêu tả này đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo. Có thể cho rằng người đàn bà trẻ muốn trao tấm thân rạng rỡ nở hoa một cách trong sạch cho vòng tay ôm ấp đầu tiên. Và chắc là như vậy, nếu từ bức tượng không tỏa ra một thứ ánh sáng vũ trụ, thiên thần. Tượng Hy lạp không bao giờ là con người, luôn luôn và trong mọi trường hợp chỉ, nó là con người thượng đế.



Trẻ con ngây thơ tin rằng ngôi sao không phải là một thiên thể giống, như Mặt trời mà là một kẽ hở nhỏ trên tấm mành bầu trời đêm; và ánh sáng của thế giới bên kia chiếu vào lấp lánh thông qua kẽ hở nhỏ này. Bức tượng người đàn bà trẻ đang chuẩn bị tắm như có một kẽ hở nhỏ, mở ra, mở ra vũ trụ. Mọi bức tượng đều như một ngôi sao.



Việc cởi quần áo là một tượng trưng, mang tính chất tôn giáo. Người đàn bà trẻ trước đêm tân hôn cởi quần áo; không phải là quần áo mà là thứ phủ lên bản chất thật sự của nàng. Nàng cởi bỏ chính mình. Để gội rửa khỏi bản thân những thứ không phải là chính nàng.



Bởi vì, kẻ sẽ thành một bộ phận của vòng tay ôm ấp, kẻ đó mới là nàng? Sự giải thích này bị bỏ lửng. Chỉ trở lại ý nghĩ ban đầu. Đối tượng của tượng Hy lạp là con người thượng đế. Đối tượng của bức tượng người đàn bà trẻ là cô gái thượng đế. Bức tượng này là cô gái thượng đế. Và khi người đàn bà trẻ cởi quần áo, hành động linh thiêng này không là gì khác ngoài động tác phép thuật của nhà điêu khắc cởi bỏ tấm mành che phủ con người: vật chất; để lồ lộ phơi phới một cô gái thượng đế.



Cái bồn tắm linh thiêng gợi nhớ tới cái chết. Đêm tân hôn và cái chết, linh hồn đều cởi bỏ quần áo, gột rửa khỏi mình tất cả những gì phủ lên bản chất của mình. Người chết cần được tắm rửa, trước khi trả họ cho quyền lực vũ trụ. Đây là sự tắm rửa tượng trưng. Bởi không có ý nghĩa gì trước khi vùi xác chết vào đất lại cần tắm rửa lau chùi cho xác chết. Cái bồn tắm của cái chết và đêm tân hôn là nghi thức linh thiêng của việc tan hòa toàn bộ linh hồn.



Cô gái Hy lạp, khi cầm lên bình nước, bước ra khỏi đống áo quần để tắm rửa; lúc đó, một cách đích thực và vẹn toàn, trong toàn bộ sự sống của mình, con người duy nhất trần truồng một lần, không che phủ bất kỳ cái gì lên bản chất của nó, và gột rửa đi tất cả mọi cái gì không thuộc về nó.



Đây là câu giải thích về ánh sáng siêu phàm của bức tượng cô gái; cảm nhận từ bức tượng, như qua một kẽ hở của tấm mành bầu trời đen đặc, một tia sáng trong sạch rạng rỡ xuyên qua. Bức tượng cô gái Hy lạp mô tả một khoảnh khắc, khi người đàn bà trong cái bồn tắm linh thiêng gột rửa cái bên ngoài để hiện ra cái linh hồn thượng đế chói sáng.



Đấy là bản thể; cái thực thể chuẩn bị bước đến đêm tân hôn; sẵn sàng tham dự và chuẩn bị chạm vào vòng tay ôm ấp của một người đàn ông? Bởi vậy bức tượng tỏa ngời rạng rỡ, bởi vậy như một ngôi sao, bởi vậy dường như thông qua bức tượng có thể nhìn sang được thế giới bên kia?



Không. Đêm tân hôn mà Linh hồn thượng đế chuẩn bị không liên quan gì đến vòng tay ôm ấp của người đàn ông. Không liên quan bởi không phải vì thế cô gái gột rửa cái tự nhiên khỏi bản thân mình. Càng không phải vì thế để thể hiện mình trong bản chất thượng đế. Đêm tân hôn ở đây mang một ý nghĩa khác hẳn.



Cái Linh hồn, không thân xác trút bỏ áo quần, và chất lỏng linh thiêng nằm trong bình nước bên cạnh; nàng sẽ gột đầu, rửa ráy da thịt, cơ thể; hình hài nàng sẽ tan rã và không đọng lại gì, để có thể nắm giữ được.



Cái Linh hồn sáng chói bên trong nàng, cô gái thượng đế, luôn rạng rỡ trên bức tượng, tỏa sáng cho bức tượng. Con mắt thô bỉ và trần tục của con người hiện đại không thể hiểu được sắc đẹp tầm thường đã bị bỏ xa thế nào với ánh sáng thiên thần phản chiếu từ những nàng con gái cẩm thạch này.



Người ta cố gắng giải thích bằng nghề nghiệp, bằng thị hiếu, bằng kiến thức, bằng tài năng. Không bao giờ nghề nghiệp, thị hiếu, kiến tức, tài năng sáng tạo được cái gì đã bước qua tự nhiên. Cái lấp lánh trong bức tượng cô gái không phải là vật chất, là hình thức, là sắc đẹp, là tỷ lệ vàng. Tất cả không liên quan gì đến cái đẹp linh thiêng này.



Con mắt của kẻ thô tục chỉ nhìn thấy hình dáng một người đàn bà khêu gợi. Nhưng ở đây, người đàn bà này không hề khêu gợi. Một người đàn bà là một người đàn bà. Người đàn bà này là một Linh hồn và Linh hồn này là một cô gái, một thiếu nữ. Đây chính là suối nguồn của nữ tính. Đây là nguồn gốc.



Có một khoảnh khắc lấp lánh trong sự chiêm ngưỡng phi vật chất, trong thế giới bên kia, trong ánh sáng của thiên đường vĩnh cửu, nơi từ đó sinh ra đàn bà. Đây là khoảnh khắc khi con người nhìn thấy tận mắt nguồn gốc thượng đế của đàn bà. Một giây phút cũng không được phép quên rằng đối tượng duy nhất của điêu khắc Hy lạp là con người thượng đế, và cô gái Hy lạp là người đàn bà thượng đế.

Tấm thân xinh đẹp và quyến rũ của người đàn bà ở đây là hình thức thể hiện, và công cụ là chất liệu đá cẩm thạch. Đây là tín hiệu của vũ trụ và sự đồng nhất thiên nhiên giúp chúng ta hiểu được sự vật định nói lên điều gì.



Nhưng bản thân bức tượng không làm nên từ thân xác, không từ vật chất và đá cẩm thạch. Bức tượng làm nên từ Linh hồn trong một khoảnh khắc, Linh hồn được mô tả khi người đàn bà trong bể tắm linh thiêng tắm rửa và một lần duy nhất trong đời hiển hiện trong bản chất thượng đế cổ xưa và đích thực.



Truyền thuyết Hy lạp kể lại rằng, nữ thần của các vị thần, nàng Hera mỗi năm một lần tẩy rửa lại sự trinh trắng của mình để dâng hiến cho Zeus, chúa tể của các vị thần. Hera biết rằng nếu tẩy rửa bụi trần gian và biến thành Linh hồn, nàng sẽ một lần nữa biến thành người đàn bà cổ, thành trinh nữ cổ, trong trắng như ánh sáng, rạng ngời như ngôi sao. Sẽ quay lại nguồn gốc của đàn bà, đặt lên mình hình hài đàn bà đầu tiên; lấy lại bản chất đầu tiên của đàn bà và trở nên mới mẻ trở lại; sẽ là người đàn bà quay lại với linh hồn thượng đế.



2



Cái Linh hồn được bức tượng cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch miêu tả hoàn toàn khác một linh hồn đàn ông. Không phải sự bổ sung, sự tương ứng của linh hồn đàn ông, không phải tính chất tiêu cực hay tích cực hay là một nửa của linh hồn đàn ông. Không phải vậy.



Nguồn gốc của đàn bà hoàn toàn khác so với của đàn ông. Linh hồn của đàn bà cũng hoàn toàn khác của đàn ông. Có những người thích đặt tên cho Linh hồn này là cảm xúc. Đàn bà là một thực thể cảm xúc; bởi không suy nghĩ, không nhìn thấu suốt, chỉ yêu, căm thù, có cảm tình hoặc ghét bỏ, hay khóc, dễ cười, hay bực bội thất thường, hay thay đổi, bấp bênh như nóng, như lạnh, nhờ nhờ, lạnh lùng như âm thanh, như xúc cảm, như âm nhạc.



Những người khác lại cho rằng không phải cảm xúc là đặc tính của đàn bà mà là sự nhậy cảm; bởi vì đàn bà nắm bắt rất nhanh cái đụng chạm tới họ, và tinh tế phản ứng lại như một bông hoa. Thực ra sự nhậy cảm không liên quan gì đến cảm xúc và các giác quan. Bởi sự nhậy cảm không tự nhiên có mà là đặc tính của Linh hồn.









Và chính vì vậy đàn bà có thể trở nên hết sức tinh tế cũng như hết sức thô tục; có thể trở nên hết sức cao quý nhưng cũng có thể hết sức trụy lạc bởi cái số phận từng trải đụng chạm vào cái thực thể nhậy cảm vô cùng này. Và cái gì đàn bà đã trải qua, mang một ảnh hưởng định mệnh.



Không phải xúc cảm hay sự nhậy cảm là đặc tính cơ bản của linh hồn đàn bà. Về đàn ông ai cũng có thể nói đặc tính của họ là tư duy, hay hành động, hoặc tinh thần hoặc sự sáng tạo. Một cách như thế nào đó, theo nghĩa bóng, điều này có thể hiểu được. Nếu không tìm ra bản chất một cách chính xác, thì cũng không hoàn toàn sai.



Nhưng nếu người ta nói về người đàn bà là một thực thể nhạy cảm, đầy cảm xúc hoặc nói một cách khác theo ý thích của họ; thì ngay từ xa đã không đụng chạm gì tới bản chất của đàn bà. Chỉ có đúng một từ có thể chỉ ra và chỉ đúng linh hồn và bản chất của đàn bà, đó là từ: đàn bà. Không là gì khác. Vì bằng một cách khác không thể hiểu được, với từ này không thể hiểu theo nghĩa bóng; bằng nghĩa bóng không thể gợi lên người đàn bà.



Trong số phận của người đàn ông có những sự vật ưu tiên vượt quá cả giới tính. Nhưng đàn bà, giới tính đứng ưu tiên đầu tiên. Ở đàn bà đấy không phải là thế gian, là mục đích; cái tuyệt đối và tận cùng đều có mặt ở đàn bà như mọi cái khác: xúc cảm hay sự nhậy cảm.



Khái niệm đàn bà với những đặc thù cá tính của họ rộng lớn hơn và hoàn toàn khác hẳn. Nghĩa là đàn bà, không thể hoàn thiện bằng bất cứ điều gì, từ ngữ này không thể thay thế bằng bất cứ từ ngữ nào khác. Không thể liệt và hiểu được khái niệm đàn bà từ khái niệm đàn ông, thiên nhiên, thế gian, hoặc giống cái.



Có thể có một kiến thức về bản chất đàn ông. Nếu con người chỉ để ý tới khối lượng khổng lồ của những cuốn sách nghiên cứu cá tính đã đủ thấy kiến thức này thật đáng kể. Nhưng toàn bộ tủ sách nghiên cứu cá tính này đến một từ ngữ nhỏ cũng không liên quan đến đàn bà. Thậm chí toàn bộ kho sách tâm lý học của văn học thế giới cũng không biết tý gì về đàn bà.



Đàn bà không có lịch sử, chỉ có truyền thuyết; so với điều này tâm lý học về họ vẫn còn là cái gì đơn giản hơn nhiều. Cái có nghĩa là sự trực tiếp. Cái có nghĩa là một hiện thực vô cùng khó khăn.



Cái ánh sáng sao và linh hồn rạng ngời của các cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch biết rõ điều này. Không thể nhầm lẫn được. Không thể gán cho người đàn bà bất kỳ điều gì khác, chỉ là người đàn bà nếu đúng đấy là một người đàn bà. Và tôi không cho rằng tất cả các dạng đàn bà là cái cái gì khác ngoài một người đàn bà.



Đấy là ánh sáng và sự rạng ngời chói mắt của một thế giới cao hơn thế giới vật chất. Đấy là thực thể không hình hài, đấy là linh hồn đàn bà; điều này rõ ràng đến nỗi nếu những bức tượng biến mất, hình dạng của chúng tan ra, lúc đó cũng không thể nào nói thêm điều gì khác ngoài một câu: đấy là đàn bà.



3



Câu nói tình yêu là sự hợp nhất giữa hai nửa bị cắt rời cũng nhầm lẫn như câu tình yêu là một cộng với một. Tình yêu không phải là sự đối xứng. Chưa chắc Swedenborg hoặc Welkisch hoặc Jung đã suy nghĩ đúng khi họ hình dung một cách tương xứng mối quan hệ của đàn ông và đàn bà. Ở đây chẳng có gì xảy ra hết ngoài điều truyền thuyết của Platon đã viết, hai nửa bị cắt rời bởi sự ghen tuông của thượng đế gặp gỡ nhau.



Sự bí ẩn của tình yêu chính là ở chỗ một người đàn ông hoàn toàn khác và một người đàn bà hoàn toàn khác, những kẻ hoàn cảnh thế gian, nguồn gốc, cá tính, hình dáng hoàn toàn xa lạ và khác hẳn nhau, đây là thực thể có khả năng sắp xếp một cách đối xứng với nhau, là hai kẻ gặp gỡ và tan vào nhau làm một.



Trong thế giới động vật, tính dục có thể là sự hợp nhất các thực thể sắp đặt vị trí cho cân bằng tương xứng bên phải bên trái, trên dưới, tích cực và tiêu cực; có thể là như vậy. Nhưng ở con người tình yêu làm tan hòa những thế giới, hoà tan các thực thể khác biệt vào làm một với nhau. Đấy là điều chắc chắn.



Bởi vì, nếu chỉ là sự hợp nhất của các phần tử bổ sung lẫn nhau, khó có thể đạt tới điều này, rằng mỗi con người cần phải sống và trải qua những khao khát dày vò thông suốt đến tận gốc rễ siêu hình của họ, và nếu không sống từng trải, con người sẽ nghèo nàn như một kẻ ăn mày mù lòa.

Cái kỳ diệu bất ngờ và khoảnh khắc không thể tưởng tượng nổi trong sự thần bí của tình yêu chính là vì những kẻ hòa tan làm một với nhau không thể và không bao giờ thuộc về nhau. Không ai có thể tìm thấy câu giải thích về tình yêu trong tự nhiên; chỉ có tính dục trong tự nhiên mà thôi. Để tình yêu cháy bùng lên, cần sự can thiệp của thượng đế, thiếu điều này các thực thể và các thế giới khác biệt nhau không bao giờ gặp gỡ lẫn nhau.



4



Điều chắc chắn, nguồn gốc của tình yêu khác của tính dục. Tình yêu là mối quan hệ của người đàn bà thượng đế với người đàn ông thượng đế. Trong mối quan hệ này hai kẻ có nguồn gốc, thời gian xuất hiện, bản chất siêu hình khác hẳn nhau; là hai thực thể không cân xứng, không thể gọi cùng tên, gặp gỡ nhau trong sự thần bí thượng đế và tan hòa vào nhau thành một.



Ngược lại, tính dục là sự thỏa mãn lẫn nhau của những thực thể tự nhiên trộn vào nhau một cách tương ứng và đối xứng. Kant có lý, một đàn ông và một đàn bà làm hoàn thiện con người, đấy là trong tự nhiên.



Trong tình yêu, sự gặp gỡ của một người đàn ông thượng đế và một người đàn bà thượng đế không chỉ là một con người hoàn thiện, còn cao hơn thế nữa. Cao hơn bằng thượng đế cao hơn tự nhiên. Người đàn ông và người đàn bà gặp gỡ và tan hòa làm một trong tình yêu là sự hội nhập vô cùng bí hiểm, là sự sáng tạo của hai linh hồn.



Từ tính dục sản sinh ra một thực thể tự nhiên mới. Từ tình yêu sản sinh ra linh hồn mới. Nếu hai thực thể tự nhiên hợp nhất thiếu tình yêu, lúc đó là sự hợp nhất thực thể tự nhiên hoang dã. Đây là trường hợp của thế giới động vật, nó nhà như vậy. Cũng có một loại tình yêu trong đó hai linh hồn gặp gỡ và giao tiếp không có sự đụng chạm xác thịt. Đấy là tình yêu mà hoa trái sinh ra là thứ linh hồn phi vật chất.



Con người lầm lẫn tình yêu với tình dục. Nhiều khi họ cho rằng đấy là tình yêu, thứ chỉ là tình dục, và tưởng rằng không có ngoại lệ, trong mọi tình yêu đều kết thúc bằng tình dục. Và con người tin rằng các thực thể đều do tính dục sinh ra.



Các thực thể do tình yêu sáng tạo, tình dục chỉ khoác áo quần cho nó, khiến nó bức bối và kiểu gì cũng cần phải cởi bỏ. Sáng tạo chỉ hai linh hồn làm được, và đấy là tình yêu được xây dựng lên không có giao tiếp xác thịt.



Khi tình dục hạ nhiệt, kết thúc; khi hai linh hồn tràn ngập một sức mạnh của thực thể thượng đế; khi mọi đụng chạm và ý nghĩ mon men đến gần hiện lên như một sự xỉ nhục và hoảng sợ; khi kẻ khác, kẻ lạ, một thực thể không quen biết nhóm lên một ngọn lửa từ tự nhiên, như chớp, lóe sáng, đây là khoảnh khắc sáng tạo trong Tình yêu Linh hồn.





Xin đừng tin rằng khoảnh khắc này hiếm hoi.



Tất cả những ai đã từng sống một số phận gần như chìm trong mịt mù, sẽ nhớ đến những giây phút bốc lửa trong gian phòng đêm một mình, hoặc trong rừng vào một ngày phương nam, hoặc trên đỉnh núi, ngoài biển khơi, khi ngả lưng trong đám cỏ ngát vị hoa quả trái cây một chiều hè êm ả, khi người đàn bà thượng đế cho dù xuất hiện ở khoảng cách không thể với tới, hay ở đó, trong tầm tay, nàng cuốn hút đến mức một cái gì đó bật ra từ đấy, lúc đó người đàn bà cho dù ở xa hàng trăm kilomet vẫn nắm lấy và tiếp nhận.



Ai không trải qua giây phút sáng tạo, sự sáng tạo của Linh hồn, sẽ không biết chút gì từ bức tượng cô gái Hy lạp thượng đế. Và không biết rằng nàng con gái chuẩn bị cho một giao hoan như thế. Nàng bước vào bể tắm thần bí để rũ đi tất cả những gì ngáng con đường bước vào sự giao hoan linh hồn.



Nhiều linh hồn đã được sinh ra trong một đêm động phòng tình yêu linh thiêng, nhiều hơn cả con người tự nhiên sinh ra từ đêm tân hôn tình dục. Và những linh hồn này làm sinh sôi nảy nở thêm không gian thượng đế, không gian mà ánh sáng của nó lóe sáng thông qua bức tượng cô gái bằng cẩm thạch như qua một kẽ hở của bức mành trên bầu trời tối đen.



(Trích tiểu luận triết học: CÂU CHUYỆN VÔ HÌNH- NXB TRI THỨC 2012)

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Tụng ca Sáng Tạo – Nasadiya Sukta





Tụng ca Sáng Tạo

Nasadiya Sukta (the Hymn of Creation)

Nasadiya Sukta


1.
Một trong những bài tụng ca đươc nhắc đến nhiều nhất trong Rig Veda là Nasadiya Sukta và cũng được gọi là Tụng ca Sáng Tạo (the Creation Hymn). Từ ‘Nasadiya’ có gốc từ ‘ná ásat’ nghĩa ‘không phải cái không-là-có’ (not the nonexistent) [1]. Nasadiya Sukta là tụng ca thứ 129 của sách (Mandala) thứ 10, trong tập Rig Veda (10:129).
Thường được xem như một trong những bản văn viết về sau trong Veda, có lẽ được viết vào khoảng thế kỷ 9, TCN. Như tất cả những bản văn trong Veda, chúng đều đã được lưu truyền bằng tụng đọc từ rất lâu, đến nghìn năm, trước khi được chép thành văn tự, Như thế, Nasadiya Sukta có lẽ là bản văn được biết (còn giữ được) đầu tiên của nhân loại nói về vũ trụ và sự khởi thuỷ của thế giới.



2.
Những lý luận trừu tượng - một giọng triết lý đặc biệt trưởng thành thay vì tín ngưỡng thần bí thường thấy ở những tương tự khác – trong bài tụng ca này đã mang đến cho nó rất nhiều chú ý, không chỉ trong ngành học-India, lịch sử tôn giáo mà còn rất nhiều những học giả, triết gia, người đọc khác nữa. Dòng suy nghĩ của nó gần gũi tuyệt diệu với những suy nghĩ về vũ trụ của những triết gia Hellas thời cổ, cho đến những nhà vật lý, triết gia ngày nay. Tác giả cho thấy sự trầm tưởng về chính câu hỏi muôn thuở – có thể có một gì là ‘đầu tiên’ không, hay nói khác đi, có thể đã từng có một sự ‘tạo thiên lập địa’ hay ‘sáng thế’ hay không. Và nó kết thúc với những gì có vẻ giống như một bất ngờ hết sức bất ngờ, một nghịch lý đến cùng cực, gần như là người viết vô danh của nó trêu ngươi chúng ta. Đây là những dòng cuối cùng của nó (theo bản của Max Müller):


Ai là người biết từ đâu sáng tạo lớn lao này đã nảy sinh?
Ai mà từ người ấy tất cả những sáng tạo tuyệt vời này đã đến.
Cho dù ý chí người ấy đã tạo ra hoặc đã câm nín,
Nhà tiên tri cao nhất ở trên tầng trời cao nhất,
Vị ấy biết điều đó - hay thậm chí vị ấy không biết.


Chủ yếu, Rig Veda10: 129 cho thấy một nghịch lý không tan được; trong đó suy tưởng con người từ quá khứ đến hiện tại đều vướng mắc: Làm thế nào vũ trụ có thể nảy sinh thành là-có?, tức là, làm sao một gì đó có thể ra từ không-gì? Làm thế nào có thể có một khởi đầu, nhưng trước đó lại không có gì? Tất cả, trở về với câu hỏi, Leibniz đã phát biểu: ‘Tại sao lại có một gì đó thay vì là không có gì?


Câu hỏi trên của Leibniz đơn giản chỉ tự nhận rằng nó không có một trả lời. Bertrand Russell tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong một tranh luận nổi tiếng trên radio năm 1948; khi hỏi tại sao ông nghĩ vũ trụ là-có (hiện hữu). Ông đã trả lời: “tôi sẽ nói rằng vũ trụ thì giản dị là có-đó, và chỉ thế thôi”.


Theo giải thích này, vũ trụ sẽ là một gì những triết gia gọi là ‘một thực tế phũ phàng’ – một gì đó vốn không có một giải thích. Điểm Russell nêu lên là không phải rằng con người đã chưa giải thích được tại sao có một gì đó hơn là không có gì, nhưng là sẽ không thể có giải thích cho câu hỏi đó được. Mặc dù ngày nay, một trả lời phổ thông cho câu hỏi lớn lao của Leibniz là nói rằng vũ trụ thì sau cùng không giải thích được, nó vẫn là một thao thức, không hoàn toàn thỏa mãn trí tuệ (mặc dù dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là câu trả lời thì sai). Trí tuệ của một thời vẫn chỉ biết và tin rằng – ‘vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy’


3.
Sau đây là bản tôi tạm dịch, bản văn rất khó hiểu, nếu chỉ đọc nó ngoài Rig Veda. Theo chân những học giả phương Tây, nhấn mạnh vào thái độ hoài nghi triết học, và quan điểm về sáng tạo vũ trụ vẫn có ở phương Đông; vũ trụ tự nó vẫn có đó, như Russell đã phát biểu ở trên, và thêm nữa ở đây, thần thánh ra đời sau; họ không sáng tạo vũ trụ, nếu họ có; đúng như ý nghĩa trong tên gọi sukta này, Nasadiya: nói và hoài nghi về một gì trước không-Có lẫn Có.
Chính yếu tôi dựa trên một bản dịch đã phổ biến (không phải là bản hay nhất) và nổi tiếng của Arthur Llewellyn Basham (1914-86), người đã giới thiệu tụng ca này – trong The Wonder That was India (1954) – với thế giới phương Tây:


Tụng ca Sáng Tạo


Khi đó, ngay cả cái Không đã không, cũng không cái Có,
Đã không có khí trời khi đó, cũng không vòm cao trên nó.
Cái gì đã trùm lên nó? Nó đã ở đâu? Trong giữ gìn của gì?
Đã có chất lỏng vũ trụ ở đó, trong sâu thẳm không hiểu được?


Khi đó không có chết, cũng không không-chết
cũng không đuốc cháy của có đêm và ngày.
Cái Một thở không hơi gió, và tự duy trì.
Khi đó, có cái Một đó và không gì khác.


Trước hết đã chỉ có tối đen bọc trong tối đen
Tất cả điều này chỉ là chất lỏng vũ trụ không sáng.
Một đó vốn đã đi vào là-có, được bao bọc trong không-gì,
Cuối cùng đã nổi lên, sinh từ sức mạnh của Nóng


Ban đầu, ham muốn giáng xuống nó –
đó là hạt giống nguyên thủy, được sinh ra từ não thức.
Các nhà hiền triết đã tìm kiếm cõi lòng họ với khôn ngoan
biết rằng đó thì họ hàng với kia vốn thì không.


Và họ đã kéo dài dây của chúng qua khoảng không,
và biết gì ở trên, và gì ở dưới.
Những quyền năng gieo giống đã tạo những sức mạnh phi thường màu mỡ.
Dưới là sức mạnh, và trên nó là xung lực.


Nhưng, sau tất cả, ai biết, và ai có thể nói
Tất cả từ đâu đã đến, và sự sáng tạo đã xảy ra như thế nào?
những thần linh, chính họ tất cả đều muộn hơn sự sáng tạo,
cho nên ai biết thực sự nó đã phát sinh từ đâu?


Từ đâu tất cả sáng tạo có nguồn gốc của nó,
Người ấy, cho dù người đã theo phong cách nó hay đã không,
Người ấy, người tra cứu nó tất cả từ những tầng trời cao,
Người ấy biết – hay có lẽ thậm chí người ấy không biết




Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2018)








Nasadiya Sukta (Sankrit)[2]
(the Hymn of Creation)


1.
नासदासींनॊसदासीत्तदानींनासीद्रजॊनॊव्यॊमापरॊयत्।
किमावरीव: कुहकस्यशर्मन्नभ: किमासीद्गहनंगभीरम्॥१॥
nāsad āsīn no sad āsīt tadānīṁ nāsīd rajo no vyomā paro yat |
kim āvarīvaḥ kuha kasya śarmann ambhaḥ kim āsīd gahanaṁ gabhīram
Then even nothingness was not, nor existence, There was no air then, nor the heavens beyond it.
What covered it? Where was it? In whose keeping
Was there then cosmic water, in depths unfathomed?


2.
नमृत्युरासीदमृतंनतर्हिनरात्र्या।आन्ह।आसीत्प्रकॆत: ।
आनीदवातंस्वधयातदॆकंतस्माद्धान्यन्नपर: किंचनास॥२॥
na mṛtyur āsīd amṛtaṁ na tarhi na rātryā ahna āsīt praketaḥ |
ānīd avātaṁ svadhayā tad ekaṁ tasmād dhānyan na paraḥ kiṁ canāsa
Then there was neither death nor immortality Nor was there then the torch of night and day.
The One breathed windlessly and self-sustaining. There was that One then, and there was no other.


3
तम।आअसीत्तमसागूह्ळमग्रॆप्रकॆतंसलिलंसर्वमा।इदम्।
तुच्छॆनाभ्वपिहितंयदासीत्तपसस्तन्महिनाजायतैकम्॥३॥
tama āsīt tamasā gūl̥ham agre 'praketaṁ salilaṁ sarvam ā idam | tucchyenābhv apihitaṁ yad āsīt tapasas tan mahinājāyataikam
At first there was only darkness wrapped in darkness. All this was only unillumined water.
That One which came to be, enclosed in nothing, arose at last, born of the power of heat.


4.
कामस्तदग्रॆसमवर्तताधिमनसॊरॆत: प्रथमंयदासीत्।
सतॊबन्धुमसतिनिरविन्दन्हृदिप्रतीष्याकवयॊमनीषा॥४॥
kāmas tad agre sam avartatādhi manaso retaḥ prathamaṁ yad āsīt | sato bandhum asati nir avindan hṛdi pratīṣyā kavayo manīṣā
In the beginning desire descended on it. That was the primal seed, born of the mind.
The sages who have searched their hearts with wisdom know that which is kin to that which is not.


5.
तिरश्चीनॊविततॊरश्मीरॆषामध: स्विदासी३दुपरिस्विदासीत्।
रॆतॊधा।आसन्महिमान्।आसन्त्स्वधा।आवस्तात्प्रयति: परस्तात्॥५॥
tiraścīno vitato raśmir eṣām adhaḥ svid āsī3d upari svid āsīt | retodhā āsan mahimāna āsan svadhā avastāt prayatiḥ parastāt
And they have stretched their cord across the void, and know what was above, and what below.
Seminal powers made fertile mighty forces. Below was strength, and over it was impulse.


6.
कॊ।आद्धावॆदक।इहप्रवॊचत्कुत।आअजाताकुत।इयंविसृष्टि: ।
अर्वाग्दॆवा।आस्यविसर्जनॆनाथाकॊवॆदयत।आबभूव॥६॥
ko addhā veda ka iha pra vocat kuta ājātā kuta iyaṁ visṛṣṭiḥ | arvāg devā asya visarjanenāthā ko veda yata ābab || 6 ||
But, after all, who knows, and who can say Whence it all came, and how creation happened?
The gods themselves are later than creation,
so who knows truly whence it has arisen?


7.
इयंविसृष्टिर्यत।आबभूवयदिवादधॆयदिवान।
यॊ।आस्याध्यक्ष: परमॆव्यॊमन्त्सॊआंगवॆदयदिवानवॆद॥७॥
iyaṁ visṛṣṭir yata ābabhūva yadi vā dadhe yadi vā na |
yo asyādhyakṣaḥ parame vyoman so aṅga veda yadi vā na veda || 7 ||
Whence all creation had its origin,
he, whether he fashioned it or whether he did not, he, who surveys it all from highest heaven,
he knows - or maybe even he does not know.






Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2018)
(Còn tiếp...)


http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Tôi nhấn mạnh – với những từ ngữ dịch theo tôi ‘là-có’ và ‘không-là-có’, – thay vì ‘’hiện hữu / phi hiện hữu (hay ‘tồn tại’,…) như hiện vẫn quen dùng. Những từ này, đã bị lạm dụng, nghĩa đã thành từ mơ hồ đến hàm hồ. (Nội dung của chúng là những khái niệm đặc biệt trong triết học phương Tây, nên để hiểu nghĩa, chúng ta phải quay trở về với những 'exist,existence/nonexist, nonexistence'; những từ Tàu vẫn dùng, không trọn ý; Như thế, chúng ta có thể dịch chúng thẳng sang tiếng Việt là: là-có và không-là-có. Dễ hiểu hơn)
Chúng ta chỉ có thể biết được những gì có mặt trong thực tại, cho rằng biết được, it nhiều, ‘sự có’ của chúng. (Đó là câu hỏi về ‘sự có’ , chưa nói đến câu hỏi về sự thật sau đó: ‘nó có đó nhưng nó có thật không’). Những gì có, sự vật việc có, tôi gọi chúng là-có (exist/être), ngược lại, là không là-có, tôi nhấn mạnh không-là-có; chúng ta đoán biết và cho rằng một gì đó nếu nó không-là-có (như bình trà giả định bay trong không gian của Russell); còn những gì ngoài [có + không-có], chúng ta không thể bàn/nói/biết được.
Thế nên, bài tụng ca trên chỉ nói về Có và ngược lại với nó là không-là-Có (hiểu như một tập hợp Có khác, nhưng là một tập hợp trống). Khi người ta nói đến Có và Không (Hữu và Vô), chỉ có nghĩa nếu nói đến Có trong tương quan với không-là-Có, còn những gì ngoài chúng, như khi chúng ta muốn gọi đến một gì đó như cái Không (tự thân), hiểu như không phải là không Có, chúng ta không thể nói được, vì chúng ta tuyệt không có ý niệm dù mơ hồ nào về nó. Đây là quan điểm đã có từ lâu của Parmenides, khi ông nói chúng ta chỉ có thể nói được về cái Có; từ cổ Hellas (xem thêm Plato-Parmenides).
Theo tôi, đó là câu 1 ở trên: trước khi Có và không-Có, đã có/là gì chúng ta không thể biết, sau đó cả Có và không-Có khởi sinh cùng một lúc.
[2] Nghĩa từng chữ trong mỗi câu:
sukta– một bài thánh ca Veda, được nói hay đọc hay đọc, nói tốt, hùng biện, trì tụng hay diễn đạt, lời nói khôn ngoan, bài ca ngợi;
āsya - để nói một lời, nói rõ;
paramēṣti - cấp trên, trưởng, quyền trên;
prajāpati - thần tính chủ trì qua sinh sản, người bảo vệ cuộc sống
dēvatā - vị thần, thần tính;
bhāvavṛtta - liên quan đến sự sáng tạo hay vũ trụ;
bhāva - đi vào sự tồn tại, liên tục trở thành, thịnh vượng, biến đổi và chuyển hóa thành, tối cao;
vṛtta - đặt trong chuyển động, trở thành biểu hiện, biến đổi, phương tiện tồn tại hoặc cuộc sống
chanda - làm hài lòng, lôi cuốn, mời gọi, ca ngợi, thú vị, mong muốn


1.
na asad āsīn nō sad āsīt tadānīṃ na āsīd rajō nō vyōmā (a)parō yat |
kim āvarīvaḥ kuha kasya śarmann ambhaḥ kim āsīd gahanaṃ gabhīram || 1 ||
(a) na - không, cũng không, không, không như, như; asad (asat) - không tồn tại, không thực thể, không-là, không đúng, không thực; āsīn - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; nō - cũng không, không, hay không; buồn (ngồi) - tồn tại, là sự thật; āsīt - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; tadānīṃ - tại thời điểm đó, khi đó (b) na - không, cũng không, không như, như; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; rajō (rajas) – khí quyển, không khí, bầu không khí, không gian thanh tao, toàn bộ bầu trời hay bầu trời; nō - cũng không, không, hay không; vyōmā (vyōman) - trời, bầu trời, không khí, không khí, ête; parō (paras) - xa hơn, xa hơn nữa, đi, ở phía bên kia của; yat (yad) - cái nào, bất cứ thứ gì, (c) kim - cái gì, như thế nào, từ đâu, tại sao, tại sao; āvarī (āvāra) - nơi trú ẩn, lưu giữ, che đậy; vaḥ - mang, giữ; kuha - ở đâu; kasya – của ai;śarmann - nơi trú ẩn, bảo vệ, thoải mái (d) ambhaḥ (ambhas) - nước thiên thể, sức mạnh; kim - cái gì, như thế nào, từ đâu, tại sao, tại sao; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, đang ngồi, tồn tại; gahanaṃ (gahana) - sâu, dày đặc, dày, không thấm, không thể hiểu được, không thể giải thích được, khó hiểu; gabhīram (gabhīra) - vực thẳm sâu thẳm hay bí ẩn


2.
na mṛtyur āsīd amṛtaṃ na tarhi na rātryā ahna āsīt prakētaḥ |
ānīd avātaṃ svadhayā tad ēkaṃ tasmād dhānyan na paraḥ kiṃ chanāsa || 2 ||
(a) na - không, không, không, như, như; mṛtyur (mṛtyu) - cái chết; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; amṛtaṃ (amṛta) - bất tử; na - không, không, không, như, như; tarhi - tại thời điểm đó, sau đó, tại thời điểm đó (b) na - không, không, không, như, như; rātryā (rātri) - đêm, tĩnh lặng về đêm; ahna– ngày, hàng ngày, nhiều ngày; āsīt - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; prakētaḥ (praketa) - ngoại hình, sự xuất hiện, phân biệt (c) ānīd (āna) - thở; avātaṃ (avāta) - không gió, không có gió, không rắc rối; svadhayā (sva dhayā) - bởi tự lực, quyền lực cố hữu, xung lực riêng; tad - đó; ēkaṃ - cái Một, một mình, cô đơn (d)tasmād (tasmāt) - từ đó, vào lý do đó, do đó; dhā - (cái Một đó) ban tặng; anyan (anya) - khác hơn; na - không, cũng không, không, như, như; paraḥ (paras) - ngoài, khác hơn; kiṃ-chanāsa (kim-cana) - không có cách nào, ở một mức độ nhất định, thỏa đáng


6.
kō addhā vēda ka iha pra vōchat kuta ājātā kuta iyaṃ visṛṣṭiḥ |
arvāg dēvā asya visarjanē nāthā kō vēda yata ābabhūva || 6 ||
(a) kō - ai, cái gì; addhā - chắc chắn, thực sự; vēda - để biết; ka - ai, cái gì; iha - ở đây, trong thế giới này;pra - về điều đó; vōchat (vāc, vāca) - được nói (b) kuta (kutas) - bằng cách nào, từ đâu; ājātā - được tạo ra, phát sinh; kuta (kutas) - bằng cách nào, từ đâu; iyaṃ - cái này; visṛṣṭiḥ - Sáng tạo riêng biệt, Sáng tạo chi tiết, Sáng tạo với cường độ, đa dạng (c) arvāg (arvāk) - sau này, sau; dēvā - Thượng đế, Trời, thần thánh;asya – chỗ ở; visarjanē - sản phẩm, sáng tạo, sắp ra mắt; nā - phải không? (d) āthā - thế thì, người nào khác, làm sao khác; kō - ai, cái gì; vēda - để biết; yata - nơi mà; āba – sự bắt đầu; bhūva (bhu) – đi đến thành hiện hữu


7.
iyaṃ visṛṣṭir yata ābabhūva yadi vā dadhē yadi vā na |
yō asyā adhyakṣaḥ paramē vyōman sō aṅga vēda yadi vā na vēda || 7 ||
(a) iyaṃ - cái này; visṛṣṭir – sự Sáng tạo riêng biệt, Sáng tạo trong chi tiết; yata - nơi mà; āba - bắt đầu;bhūva (bhu) - hiện hữu (b) yadi vā - nếu-hoặc-nếu, dù-hoặc, dù-hay-không, tuy nhiên; dadhē - để giữ, sở hữu, để cho; yadi vā na - dù có hay không (c) yō - như, kể từ; asyā – chỗ ở, trú ngụ; adhyakṣaḥ (adhyaka - giàu có trong tri thức) - giám sát, chứng kiến ​​với mắt, có quyền năng nhận biết; paramē (parama) - tối đa, cùng cực, xa nhất, cao nhất; vyōman - trời, ête, không gian (d) sō - để kết luận, để hoàn thành; aṅga - quả thực, đúng; vēda - để biết; yadi vā - nếu-hoặc-nếu, dù-hay, dù-hay-không, tuy nhiên; na - không; vēda - để biết