Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông y. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đông y. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH DỊCH

 

Giai đoạn đầu: Miễn dịch thang

Phương thuốc này chủ yếu dùng để nâng cao khả năng miễn dịch. Miễn dịch thang do Hoàng kỳ, Phòng phong và Bạch truật tổ hợp thành, có thể dùng lúc bình thường để duy trì sức khỏe và tăng cường miễn dịch, để chính khí trong cơ thể được đầy đủ, không cho tà khí ngoại lai có thể xâm nhập vào cơ thể. Có thể được dùng khi xác định rằng xung quanh không có người bị nhiễm hoặc tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân.

Lưu ý: Nếu đã bị sốt không thích hợp dùng Miễn dịch thang để tránh các bệnh tà nhập lý (bệnh nhập sâu vào trong) gây khó chữa.

Giai đoạn hai: Kháng độc thang

Phương thuốc này được sử dụng để làm giảm số lượng virus, ngăn chặn virus ẩn náu trong cơ thể và loại bỏ các virus còn sót lại. Người nhiễm bệnh rất có thể đang ở xung quanh bạn, chẳng hạn như gặp qua trên xe buýt, hoặc tay vịn, ghế ở những nơi công cộng, v.v. Lúc này, có thể sử dụng Kháng độc thang gồm Kim ngân hoa, Bản lam căn, và Chích cam thảo để ngăn ngừa và điều trị virus lây qua đường hô hấp, giống như triệt để làm sạch và tiêu độc bên trong cơ thể.

Giai đoạn thứ ba: Thanh quán nhất hào

Thầy thuốc Trần nhấn mạnh Thanh quán nhất hào là phương thức dùng khi virus đã xâm nhập vào cơ thể, cơ thể mắc các bệnh về đường hô hấp gây ra tình trạng viêm nhiễm và sốt. Lúc này chỉ có thể uống Thanh quán nhất hào. Nếu virus chưa xâm nhập cơ thể, không thích hợp dùng Thanh quán nhất hào. Trong trường hợp này, sức đề kháng của chúng ta ngược lại sẽ giảm.

Ông cho biết, Thanh quán nhất hào có công dụng thanh lọc đường hô hấp và giải phong nhiệt ở phần thượng tiêu, có thể khai huyệt Định Suyễn, loại bỏ nhiệt đàm, nùng đàm do nhiễm trùng, giảm đau cơ và hạ sốt. Thanh thuốc này gồm mười loại dược liệu Đông y như sau:

Hoàng cầm: thanh thượng tiêu phong nhiệt, có thể kháng khuẩn và kháng virus;

Bản lam căn bắc: có thể kháng khuẩn, kháng virus, giảm số lượng virus;

Qua lâu thực: Có thể loại bỏ nhiệt đàm, thanh phế nhiệt và cải thiện tình trạng viêm phổi;

Kinh giới, Phòng phong: Có thể tán phong nhiệt, tiêu trừ đau nhức cơ bắp và hạ sốt;

Bạc hà: giảm ho, hóa đờm, giải phong nhiệt, giảm đau nhức cơ bắp;

Ngư tinh thảo (Diếp cá): chống vi khuẩn, chống virus, làm hết ho;

Hậu phác: có thể ôn trung, hạ khí, khai huyệt Định Suyễn

Chích cam thảo: kiện tỳ hòa vị, điều hòa tác dụng của các loại thuốc;

Tang diệp (Lá dâu tằm): Đi vào kinh phế và can, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt .

Lâm Mộc & Xuân Hoàng biên dịch

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

10 loại cây giải độc trong trường hợp nguy cấp nhất bạn phải biết để cứu sống mọi người




Nếu bị rắn cắn hay ngộ độc thực phẩm, chúng ta có thể sử dụng các loại cây dưới đây để khử độc tức khắc.

Trong y học cổ truyền, các vị thuốc có công dụng giải độc rất phong phú, và là những thảo dược cứu cánh cho rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm, khi y học hiện đại chưa có mặt ở nước ta.


1. Bòn bọt chữa độc rắn

Bòn bọt còn gọi là cây bọt ếch, chè bọt, cây sóc…, tên khoa học là Glochidion eriocarpum Champ. Loại cây này được dùng để chữa rắn độc cắn, bằng cách lấy lá tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương. Nếu bị dị ứng sơn cũng có thể lấy cả cành lá sắc lấy nước để rửa. Ngoài ra, bòn bọt còn được dùng để chữa ỉa chảy, lỵ trực khuẩn, phù thũng…

2. Cam thảo đất chữa ngộ độc

Dược liệu này còn được gọi là cam thảo nam, thổ cam thảo, tên khoa học là Scoparia dulcis L. Cam thảo đất có vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt, chữa cảm sốt, say sắn, ngộ độc nấm bằng cách dùng 100 g cây tươi rửa sạch, sắc lấy nước uống.

3. Cây mua giải độc sắn

Có tên khoa học là Melastoma D. Don, cây mua thường dùng để giải ngộ độc sắn bằng cách lấy 60-100 g lá hoặc rễ sắc uống. Ở nước ta có nhiều loại mua, người ta còn dùng cây mua lùn để giải độc sắn và chữa rắn độc cắn: lấy rễ giã nát, hãm với nước sôi hoặc sắc lấy nước uống.

4. Đậu xanh giải độc mọi trường hợp

Tên khoa học là Vigna radiata (L) Wilezek, đậu xanh có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi tiểu. Để giải độc, lấy 100 g đậu xanh rửa sạch, nghiền sống, chế nhiều nước rồi uống, hoặc nhai luôn 1-2 nắm hạt sống rồi uống nhiều nước. Có thể lấy cả hạt ninh nhừ ăn, nếu chỉ có vỏ hạt thì sắc lấy nước uống.


Cũng có thể dùng bột đậu xanh khuấy với nước nguội để uống. Hạt đậu xanh dùng giải độc trong mọi trường hợp, đặc biệt khi say sắn và ngộ độc nấm.

6. Kim ngân chữa độc lá ngón, nấm độc

Tên khoa học là Lonicera japonica Thunb, cành lá và hoa kim ngân thường được dùng để chữa bệnh và giải độc, bằng cách mỗi ngày dùng 12 g hoa (kim ngân hoa) hay 20 g cành lá (kim ngân đằng) sắc lấy nước uống.

Nước sắc kim ngân được dùng để giải độc do cà độc dược, cỏ sữa lá to, hạt dây cam thảo, lá ngón và nấm độc. Có thể dùng lá kim ngân tươi nhai kỹ rồi nuốt lấy nước. Kim ngân thường dùng riêng hoặc kết hợp với bồ công anh, sài đất.

7. Ổi chữa độc gây tiêu chảy

Tên khoa học là Psidium guajava L., quả ổi xanh, lá non hoặc búp ổi đường dùng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn quả xanh có thể giải độc ba đậu và các chất độc gây ỉa chảy.

8. Rau má giải độc gan

Tên khoa học là Centella asiatica (L.) Urb, rau má có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát gan và lợi tiểu. Để giải độc lá ngón hoặc say sắn, lấy cả cây rau má rửa sạch, giã nát, hòa với nước ấm rồi gạn lấy nước uống.

Có thể dùng chữa ngộ độc nấm với cách làm tương tự, hoặc lấy rau má 160 g đem sắc với 80 g đường phèn, lấy nước uống, hoặc lấy 160 g rau má và 400 g củ cải tươi, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống.

9. Rau mùi chữa nhiễm độc thức ăn

Tên khoa học là Coriandrum sativum L., rau mùi thường dùng để chữa nhiễm độc thức ăn, bằng cách lấy khoảng 120 g hạt mùi đem sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

10. Sắn dây chữa rắn độc cắn

Còn gọi là cát căn, lá, hoa, rễ củ và bột sắn dây thường được dùng để giải độc bằng cách: lấy củ sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hoặc củ khô (cát căn) sắc lấy nước uống.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Cây cà ri


Cây cà ri (curry) có tên khoa học Murraya koenigii, họ Rutaceae. Cây có dạng bụi, cao khoảng 1 – 2m, lá mọc đối xứng từ 17 – 21 đôi, hình giống như trái xoan nhưng không đều, mép hơi có răng. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành ngù ở ngọn. Thân và lá có lông mịn; lá có vị đắng nhẹ và rất thơm. Quả mọc thành chùm, khi chín mọng có màu tím sẫm, bên trong có một, hai hạt. Người ta dùng lá, quả, vỏ và rễ cây cà ri làm gia vị, thực phẩm và làm thuốc.



Trái cây cà ri – Ảnh Wikipedia

Theo y học cổ truyền Ấn Độ, lá cà ri được xem như một loại thuốc bổ, tăng cường hoạt động của bao tử và đôi khi còn được dùng như một loại thuốc xổ nhẹ. Người ta cũng thường lấy lá cà ri trộn với một vài thảo dược có tính ấm như đinh hương, nghệ, hồ lô ba, rau mùi, gừng, quế, thảo quả, hồi, ngò… để làm gia vị ướp thực phẩm. Mỗi ngày dùng 15g lá cà ri ép lấy nước, cho thêm một ít bơ sữa sẽ có một loại xốt để trộn với rau cải.


– Trị chứng tiêu chảy: lá cà ri dồi dào chất alkaloid carbazole đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh tiêu chảy. Để điều trị bệnh này, bạn chỉ cần giã nát lá cà ri rồi vắt lấy nước uống trực tiếp.

– Khó tiêu, buồn nôn: lá cà ri còn có thể khắc phục chứng khó tiêu và buồn nôn rất hiệu quả. Bạn chỉ cần ép lấy nước cốt lá cà ri trộn với nước ép chanh tươi và đường vào rồi uống.

– Lá cà ri cũng rất hữu ích trong việc cải thiện thị lực, ngăn chặn đục thủy tinh thể mắt vì nó chứa nhiều vitamin A.


– Lá cà ri rất có lợi cho việc chăm sóc tóc: Bạn chỉ cần lấy nước ép lá cà ri thoa vào tóc và massage da đầu, sau đó gội lại bằng nước sạch thì tóc rất óng mượt, không bị bạc sớm.

– Lá cà ri cũng có khả năng kiểm soát lượng cholesterol xấu trong máu và giúp cơ thể loại bỏ chất béo không có lợi cho sức khỏe. 
Lá và hoa cà ri- Ảnh Wikipedia

– Một lợi ích khác nữa của lá cà ri là có thể làm giảm các tác dụng phụ có thể xảy ra khi bệnh nhân bị ung thư điều trị bệnh bằng phương pháp hóa trị, xạ trị.

– Lá cà ri cũng là thức ăn tốt cho bệnh nhân tiểu đường, kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm lượng triglycerid và cholesterol trong máu, giúp người bệnh giảm cân

– Lá cà ri có khả năng ngăn ngừa ung thư nhờ chất ancaloit và chất chống ôxy hóa mạnh mẽ đồng thời, bảo vệ tế bào gan và tăng cường thải độc cho gan, cải thiện hệ tiêu hóa. Dịch chiết từ rễ cây cà ri còn có tác dụng bổ thận, chữa các chứng đau và các rối loạn có liên quan tiết niệu và sinh dục.

– Đối với phụ nữ mang thai bị nghén, hãy trộn một muỗng cà phê nước ép từ lá cà ri với một muỗng cà phê mật ong cùng nửa muỗng cà phê nước cốt chanh để kiểm soát cơn buồn nôn.

– Ngoài ra, bạn cũng có thể vò nát lá cà ri để làm thuốc đắp lên chỗ bị bỏng và vết bầm tím sẽ giúp mau lành vết thương.

Chú ý: Không nên nhầm lẫn cây cà ri với một cây khác cũng được gọi là cây cà ri hay điều nhuộm có tên khoa học Bisa orellana, họ Bixaceae, trái màu đỏ lớn như trái chôm chôm thường dùng để làm màu tự nhiên trong thực phẩm.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Hồng quân




Nhóm cây : Cây thuốc




Cây hồng quân, còn được gọi là bồ quân, bù quân, mùng quân trắng hay mùng quân rừng, hoặc cây quân, danhh pháp khoa học là Flacourtia jangomas, là loài cây thân gỗ thuộc họ Liễu sống trong các rừng mưa trên núi hoặc ở vùng đất thấp. Loài cây này được trồng nhiều ở Đông Nam Á và Đông Á, ở một số nơi đã trở thành cây hoang dã. Cây này có thể có nguồn gốc từ châu Á nhiệt đới như tại Ấn Độ.
Hồng quân là cây bụi thấp, cao đến 10 m. Hoa màu xanh hoặc trắng. Quả ăn tươi, ăn chín hoặc làm mứt, vỏ cây dùng làm thuốc trong đông y.


Cành và quả hồng quân

Tại Việt Nam, hồng quân thường chỉ mọc ở trung du miền đồi núi phía bắc, mỗi năm có quả một lần vào tháng 8 dương lịch đến tháng 9 thì quả chín. Quả bồ quân có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Thân cây bồ quân còn có gai nên rất khó trèo...


Cành và quả hồng quân


Quả hồng quân chín

Quả hồng quân chín

Trong y học

Theo kinh nghiệm dân gian, nước sắc rễ cây hồng quân có tác dụng chữa khỏi cho đàn ông chừng 40 – 50 tuổi trở lên mắc chứng đái dắt, đái khó, thường hay mót rặn lâu nhưng có cảm giác đi không hết bãi, hơi thở hôi nồng, đau ê ẩm vùng bọng đái, bàng quang…

Chỉ cần dùng vài mẩu rễ cây hồng quân rửa sạch, bỏ vào ống nứa hay nồi nhỏ, nấu lên theo công thức 3 bát nước, sắc cho còn 1 bát, uống trong ngày. Những mẩu rễ này có thể sắc di sắc lại vài lần.

Uống liên tục chừng 3 ngày thì những tình trạng đã nêu trên sẽ hết. Người bệnh có giấc ngủ êm, giảm cho đến hết phản xạ đi tiểu đêm. Chấm dứt tình trạng khét khắm, do quần áo, trang phục nội y dính những giọt nước tiểu sót rỉ ra triền miên trong ngày…

Điều tra tại Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên năm 2001 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến như sau: 61% trường hợp 60 – 74 tuổi, 28% trường hợp 55 – 59 tuổi; 11% trên 75 tuổi. Sau 20 ngày điều trị bằng uống cao lỏng cây hồng quân với liều 0,1ml/kg/ngày, tất cả các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu trên lâm sàng đều giảm đi rõ rệt.

Đặc biệt, mất hẳn các triệu chứng cầu bàng quang căng to, đau tức vùng hạ vị.

Trong 20 bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt, sau đợt điều trị bằng uống cao lỏng cây hồng quân đều không cần đòi hỏi phải phẫu thuật. Hình ảnh siêu âm cuối cùng cho thấy, thể tích khối u giảm trung bình 3,5 cm3. Đồng thời, qua siêu âm còn nhận thấy nhiều chỗ vôi hóa biến mất, thể tích bàng quang co trở lại gần như mức bình thường.

Khi thăm khám trực tràng, các bệnh nhân trên đều có tuyến tiền liệt mềm, nhận biết rõ rãnh giữa điển hình. Có 1 trường hợp thể tích khối u tăng thêm 1 cm3 nhưng lại không cần phải mổ vì sau đợt điều trị, các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu được cải thiện rõ rệt. Người bệnh đã tiểu tiện thành tia, thành bãi lớn.

Trường hợp này cũng được thăm dò lại trực tràng thấy khối u mềm ra, phân biệt rõ rãnh giữa của tuyến, tuy vẫn còn to.

Các tác giả thống nhất nhận định: Cao lỏng cây hồng quân hoặc nước sắc 3/1 của 100g thân hoặc cành cây hồng quân, uống hàng ngày và liên tục trong một tuần lễ có khả năng điều trị đối với những trường hợp bệnh mới xuất hiện.

Nam giới từ 40 – 50 tuổi trở lên khi đã biết chắc chắn không bị chấn thương, không bị các loại bệnh nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, chỉ đơn thuần là đi tiểu khó khăn, khó chịu ở vùng cổ bàng quang, hạ vị, nên dùng cao lỏng cây hồng quân hoặc nước sắc 3/1 của cây hồng quân.

Sử dụng cây hồng quân như trên còn có thể giúp đàn ông lớn tuổi tránh được u xơ tiền liệt tuyến.