Yết Kiêu & Dã Tượng
Xin được mở đầu chùm bài nhỏ này bằng một bức tranh của họa sĩ mà tôi yêu mến: Mai Duy Minh.
Mai Duy Minh sinh tại Hải Phòng, năm 1976, rồi ra Hà Nội học Mỹ thuật Yết Kiêu khóa 1994 – 1999. Hiện anh sống và làm việc tại Hải Phòng, thuộc nhóm họa sĩ theo đuổi trường phái Hiện thực – thứ hiện thực mạnh mẽ và quyết bám chắc lấy cái chuyển động của đời sống, chán ngán với những bức tranh nho nhỏ vẽ con mèo nằm bên bình hoa hay tĩnh vật con cá trên cái đĩa v.v… – loại tranh tĩnh đặt vào thời nào cũng vẫn là thế, không phải là trường tồn mà là nhàm chán đến phi thời gian.
Hải Phòng là một thành phố nay đã buồn và như bị bỏ lại, không phải là lùi hẳn lại như vào quên lãng hẳn như những trung tâm đã bị dời đi, chỉ như một nơi lỗi mốt so với các đô thị “đáng sống” khác. Mai Duy Minh sau bao nhiêu năm lăn lộn ở Hà Nội và các phong cách vẽ khác nhau (có khi vẽ cả những bức rất như “làm hàng”, loại dễ treo trong các khách sạn sang hay nhà các tùy viên sứ quán có vợ Việt), đã trở về Hải Phòng và lựa chọn một lối vẽ khắc nghiệt khác, nhưng như thế hình như càng đẹp hơn. Tôi tạm gọi là “hiện thực khắc nghiệt của tay bất mãn”.
“Đường Mây”, 2011, một bức mà theo tôi là rất “chợ” của Mai Duy Minh
Nhắc đến Mai Duy Minh là ai cũng nói đến bức tranh bát cơm khổng lồ với đôi bàn tay nhăn nheo bưng có tên “Miền Đất Hứa”. Tranh có kích thước khổng lồ (5.4m x 2m) không hiểu hiện treo ở đâu, đã bán được chưa. Nhưng hôm nay tôi muốn bàn về bức “Tam Bạc” giản dị của anh. Tôi chỉ được xem qua mạng, chưa có dịp đến nơi xem trực tiếp, không biết khổ tranh thế nào. Màu trên máy có thể khác xa với màu bên ngoài. Những bạn nào đã có cơ hội xem bên ngoài xin hãy góp thêm vào cho xôm tụ. Câu này tôi cũng sẽ nhắc đi nhắc lại trong những bài sắp tới.
Mai Duy Minh, “Tam Bạc”, sơn dầu, 2012. (Các bạn bấm vào hình để phóng to)
Tam Bạc trong tranh này là phố cổ Tam Bạc, nằm bên bờ sông Tam Bạc. Trước kia phố mang tên nhà tư sản Việt Nam chuyên ngành tàu biển là ông Bạch Thái Bưởi, sau đổi lại là phố Tam Bạc. Gốc thì phố có nhiều người Hoa sống và làm ăn. Giờ đây xuống Hải Phòng chơi, người ta không thể không nhẩn nha đi dọc phố cổ này và cảm giác trộn lẫn giữa phố cổ Hà Nội với phố cổ Hội An, với điểm đặc trưng là màu vàng của vôi nhà của những ngôi nhà lầu cũ.
Một đoạn phố phố bên sông Tam Bạc. Ảnh của decu_decu
Mai Duy Minh chọn một căn nhà lầu phố chợ trên phố này làm chủ thể cho bức tranh mình vẽ. Nhà hai mặt tiền, cấu trúc mái nhọn kế mái bằng tạo lớp. Cửa sổ nhỏ và cao, sơn xanh đậm. Tường vôi vàng rất “phố cổ”.
Nhìn từ bên hông. Ảnh từ trang này
Nhà này nhìn ra bến đò ngang trên sông, và có lẽ cũng là chủ thể trong nhiều tác phẩm của các tay máy Hải Phòng.
.
“Tam Bạc” vẽ lối tả thực nhưng tôi không nghĩ Mai Duy Minh đã ngồi bên sông, nhìn căn nhà mà làm phác thảo, hoặc vẽ trực tiếp với giá vẽ ngoài trời. Có thể anh đã vẽ từ một cái ảnh chụp, sau khi zoom ra cho gần lại và to lên. Nhưng dù thế nào, đây là một bức tranh đã vẽ ở thì quá khứ, mang nhiều tính chất của hoài niệm. Hoài niệm của ta về một kiến trúc thường không có người, trong tranh này phố Tam Bạc là phố buôn bán sầm uất nhưng cũng không có người – không có cả đến vật dụng của con người đang sống. Bến đò cũng vắng tanh… Nhưng phố trong tranh vẫn sống, bởi vì nó chứa một thứ gì đó cựa quậy. Thứ gì ta còn chưa rõ, phải xem kỹ tranh hơn nữa.
Chi tiết tranh
Trạnh Mai Duy Minh vốn có một phổ màu vàng rất rộng, với độ trong đục thay đổi tùy tranh, tùy đề tài. Nếu như trong “Miền Đất Hứa” là một màu vàng của Siêu thực tràn ngập các đối tượng trong tranh, với sắc độ dâng dần, từ mặt đất vàng xỉn lam lũ, lên tột cùng ước mơ là màu vàng trong của những ngón tay bưng bát cơm trắng ngà…,
“Miền đất hứa”, Mai Duy Minh, sơn dầu, 540 x 200cm, 2011
… thì trong bức “Tam Bạc”, màu vàng chỉ dành riêng cho đối tượng chính là cái nhà góc phố với cửa sổ xanh, các ngôi nhà khác được đánh màu xanh hoặc xám hoặc nâu nâu nhạt nhẽo, để “nhân vật chính” sáng bừng lên trong ánh đèn spotlight rọi vào. Ở đây, màu vàng của ngôi nhà này được nâng lên, thành một màu vàng sau khi đã lọc qua sự nhớ lại, là một màu vàng của quá khứ, không còn thật nữa, tương tự màu kỷ niệm của người đi xa nhớ về nơi cũ thì màu bao giờ cũng sai đi, rực rỡ hơn, khiến sau này quay lại ngỡ ngàng và cả bẽ bàng vì không nhận ra! Ta bắt chước Đoàn Phú Tứ gọi đó là thứ “màu thời gian“.
Chi tiết tranh
Đã là trí nhớ thì nhập nhoạng, cái nổi rõ nét quá đà, cái mờ đi tù mù. Trong “Tam Bạc”, những hàng phượng không nở hoa, bóng xanh chỉ là mảng xanh lẫn lộn lá với cành thành một khối. Trong khi ấy những thanh rào bên bờ sông lại rõ từng nét, và rõ cả đến xà bần, rác rến nơi mép sông, vết gạch vỡ ở trụ hàng rào, những bậc thang dẫn xuống bến đò. Họa sĩ vẽ rất tỉ mỉ những chi tiết ấy. Sự tỉ mỉ này chính là những cử động của ký ức, làm cho bức tranh này tuy không người mà vẫn có sự sống động của sinh hoạt.
Chi tiết bờ sông trong tranh
*
Đi Hải Phòng rất dễ dàng. Từ Hà Nội lấy xe khách ở Lương Yên hay lấy tàu ở Long Biên, ngồi đọc xong quyển sách nhỏ hoặc chơi game là đã tới thành phố hoa phượng đỏ, bình an và vẫn còn nét ngang tàng, kiêu hãnh của những “anh chị” sông nước một thời. Nhìn thấy sự trộn lẫn giữa cái bạo liệt một thuở với cái yên ả về hưu của thành phố này giúp tôi lý giải việc Mai Duy Minh chọn hướng đi hiện tại cho đường sáng tác của anh. Những bức tranh của Mai Duy Minh, giá như không quá to, vẫn đẹp như thế này nhưng khổ nhỏ đi, cô đọng nữa vào, thì sẽ dễ dàng đi vào các bộ sưu tập không cần của các tay mua tranh thế giới, mà của chính những tay chơi tranh Việt Nam. Sở hữu tranh của Mai Duy Minh chính là sở hữu ký ức về nước mình, ghi lại bằng tranh và nét tài hoa của một người đã định được hướng đi bền vững.
*