Hiển thị các bài đăng có nhãn phiếm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phiếm. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Trạng thái nhiễm độc của tự do



Nguyễn Trần Bạt
Sách "Sức mạnh của cái đúng"

Giáo sư André Nayer chuyên nghiên cứu về luật học, nguyên là Hiệu phó Đại học Free University of Brussels - Bỉ. Ông thường xuyên sang làm việc tại Việt Nam và giảng bài tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Giáo sư Nayer và tác giả đã có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề phát triển và các vấn đề luật học.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ Châu Âu của ông đang gặp khó khăn. Tôi đã linh cảm về sự khó khăn này từ lâu nhưng không ngờ nó đến với Châu Âu sớm thế.

André Nayer: Nhưng đấy cũng chưa phải là đã hết. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Pháp sẽ là một cuộc bầu cử rất thú vị, là một điểm cần quan sát để thấy được chiều hướng của châu Âu. Có một cuộc chiến tranh nảy lửa được gây ra bởi những người cánh tả. Những gì diễn ra ở châu Âu, ở Mỹ liên quan đến Donald Trump và Triều Tiên đều là biểu hiện của một hiện tượng.

Nguyễn Trần Bạt: Theo ông đó là hiện tượng gì?

André Nayer: Giá trị của nhà nước pháp quyền có thể bị biến mất.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng thế giới đang nhiễm độc tự do.

André Nayer: Ông vừa mở ra một vấn đề rất quan trọng. Có lẽ tôi phải suy nghĩ lại về chuyện này.

Nguyễn Trần Bạt: Nhân loại quên mất rằng tự do và dân chủ thật sự là kết quả của giáo dục. Tự do và dân chủ không phải là vô điều kiện. Tôi lấy ví dụ về châu Âu. Châu Âu đã phạm phải sai lầm khi kết nạp khá bừa bãi nhiều quốc gia.

André Nayer: Châu Âu làm như vậy là nhằm ngăn cản chiến tranh có thể diễn ra ở đó.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ châu Âu đã kéo chiến tranh đến gần mình hơn thông qua việc kết nạp thành viên một cách bừa bãi. Phản ứng của Ba Lan gần đây thể hiện điều ấy rất rõ.

André Nayer: Tôi thấy việc mở rộng ấy chủ yếu là mở rộng về thị trường, chứ không hoàn toàn là vấn đề tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Theo tôi sự thiếu giáo dục là không thể tránh khỏi.

Nguyễn Trần Bạt: Thiếu giáo dục và không ra khỏi tâm lý chiến tranh lạnh đã làm cho châu Âu phát triển sang hướng Đông một cách vội vã. Phương Tây phải trả giá cho việc này. Lòng nhân hậu của những người thiếu giáo dục ở tây Âu đến sớm hơn, nhiều hơn và được cổ vũ hơn nhiều so với khả năng giáo dục để con người trở nên cẩn trọng của phương Đông.

André Nayer: Theo tôi không phải hoàn toàn do sự mở rộng lòng tốt hay tư tưởng, mà do tiền bạc. Họ quá vội vàng phát triển thị trường sang phía Đông mà quên mất rằng ở đấy người ta không muốn có giáo dục.

Nguyễn Trần Bạt: Câu nói vừa rồi của ông chứng minh thêm một lần nữa về nhận xét của tôi là lòng tốt của phương Tây phát triển một cách thái quá. Các ông tự nhận khuyết điểm về tính vụ lợi của phương Tây, nhưng tính vụ lợi của phương Tây vẫn ở mức dưới sự thiếu giáo dục. Trong các nhà chính trị phương Tây, chỉ có mỗi Donald Trump nhận ra nhược điểm trong nhận thức về sự phát triển tâm lý của con người. Ông ấy đã làm một cuộc cách mạng chính trị hết sức thành công và nắm quyền một cách ngoạn mục.



André Nayer: Phương Tây là xã hội phúc lợi. Lâu quá rồi họ mất khả năng chiến đấu cho tự do, cho giáo dục. Tâm lý bảo vệ quyền lợi của họ hầu như chỉ hướng vào việc kiếm tiền.

Nguyễn Trần Bạt: Kiếm tiền dần dần trở thành một tâm lý tương đối hòa bình, làm cho người phương Tây mất cảnh giác về các mặt khác. Tôi nghĩ thế giới sẽ gay go.

André Nayer: Như ông nói thì khủng hoảng sắp tới của thế giới cũng ảnh hưởng nặng nề cho thế giới và cho cả người Việt Nam, người Trung Quốc. Công nghệ mới phát triển sẽ kiểm soát từng người một. Tôi rất lo sợ như ông nói dân chủ ngày càng bị bỏ lại phía sau nhiều hơn. Vậy hệ thống chính trị tiếp theo sẽ thế nào, phải chăng là rất kinh khủng?

Nguyễn Trần Bạt: Stephen Hawking đã nói đến sự toàn thắng của trí tuệ nhân tạo và sự cáo chung của con người. Ông ấy đang lo trí tuệ nhân tạo sẽ tiêu diệt con người.

André Nayer: Tôi nghĩ tôi với ông cùng quan tâm đến nhiều thứ giống nhau. Google cách đây vài tháng phát hiện ra hai máy tính ở hai nơi trên thế giới liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ không ai biết được, nó tự động làm thế để giải quyết một vấn đề. Các kỹ sư ở Google không ai hiểu được chuyện đó. Stephen Hawkingcũng nói rằng phải cẩn thận, chúng ta có thể tạo ra sự kết thúc của mình.

Bây giờ tạm gác chuyện châu Âu lại, chuyển sang châu Á. Ông thấy vấn đề châu Á hiện nay như thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Châu Á sẽ vẫn tiếp tục làm những việc khờ khạo như trước đây họ từng làm. Họ định bắt chước châu Âu để lập cộng đồng ASEAN. Bây giờ họ còn khuyến khích xã hội bàn về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tức là cuộc cách mạng phát triển trí tuệ nhân tạo. Sự hiện đại của phương Tây về mặt xã hội học và khoa học công nghệ sẽ là hai gọng kìm của một giai đoạn thống trị mới của phương Tây với châu Á. Lần này, phương Tây thiếu một yếu tố trong các cuộc xâm chiếm châu Á mới, đó là âm mưu chính trị, và người châu Á tự cung cấp cho mình âm mưu chính trị. Âm mưu chính trị của châu Á kết hợp với trí tuệ nhân tạo và xã hội học phương Tây sẽ tạo ra một cuộc bao vây mới đối với người châu Á. Người châu Á sẽ tự nô dịch mình một cách cực kỳ thành công. Trump mường tượng tình huống tương tự như vậy cho mình và sợ. Tất cả các phản ứng của Trump bây giờ là sợ cái mà tôi vừa mô tả, nhưng cái đấy không xảy ra ở Mỹ, chỉ xảy ra Trung Quốc thôi. Không phải Trump vô cớ muốn xây dựng bức tường với Mexico, ông ấy sợ các cuộc cách mạng.

André Nayer: Cuộc cách mạng tiếp theo sẽ không giống với cuộc cách mạng lần trước. Biết đâu lại có sự phối hợp giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Vậy tiếp theo sẽ thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Tiếp theo đó là bắt nạt tất cả những kẻ yếu hơn.

André Nayer: Tương lai có lẽ là rất đen tối ?

Nguyễn Trần Bạt: Châu Âu liệu có trở thành vùng đất nguy hiểm đối với người châu Âu không, đấy là một vấn đề.

André Nayer: Bây giờ ở châu Âu, nhiều người cũng đã bàn đến kế hoạch B, nhưng vấn đề là rời châu Âu thì đi đâu bây giờ.

Nguyễn Trần Bạt: Không có ở đâu an toàn, cho nên tốt nhất phải giữ sự an toàn lại cho mình.

André Nayer: Trong xã hội có rất nhiều loại người. Ví dụ, ở Mỹ có nhiều nhóm người khác nhau, một nhóm thiểu số sẽ nghĩ cách làm thế nào có tự do, có giáo dục. Vậy ở châu Á có sự phân chia như vậy không?

Nguyễn Trần Bạt: Ở châu Á, trên thực tế, các nhóm con người không được phân chia bằng nhau, không được phân chia bằng quyền lợi mà đang được phân chia bằng những thông tin ngẫu nhiên nó nhận được thành một thói quen. Do đó, các nhóm ấy rất nhanh chóng tan rã và trở thành thực phẩm quan trọng cho các âm mưu chính trị.

André Nayer: Đó là vấn đề lớn ở châu Á nhiều hơn là ở châu Âu. Ở Pháp hiện nay có một nhóm rất lạ có tên là Chống lại các thông tin độc. Những thông tin giả dối, gây chiến chẳng hạn, họ sẽ chứng minh là sai. Nhưng điều này chỉ có thể làm được khi có tự do ngôn luận. Tôi rất lo ở Việt Nam và Trung Quốc không có điều này, vậy ai sẽ chống lại?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi hơi nghi ngờ kết luận ở châu Á không có tự do. Ở châu Á chỉ thiếu quyền tự do chứ không thiếu tự do. Đấy cũng là tình thế để tạo ra năng lực đề kháng của người châu Á đối với các thông tin như ông nói. Nhưng khả năng ấy phát triển chậm hơn nhiều so với khả năng sử dụng mặt tiêu cực của người châu Á.

André Nayer: Không hiểu ở châu Á có thiếu giáo dục, giáo dục có bị chậm gần như ở châu Âu không?

Nguyễn Trần Bạt: Ở châu Á, Nhà nước chậm trễ, Chính phủ chậm trễ trong việc tiến hành các công việc, còn người dân thì chưa chắc, họ có thể tự giáo dục. Thanh niên châu Á sử dụng các phương tiện thông tin sớm hơn, nhiều hơn và nhanh hơn phương Tây. Vì thế có thể nói rằng Chính phủ các nước châu Á chậm hơn nếu có sự đụng độ về phát triển công nghệ thông tin với các Chính phủ phương Tây, nhưng người dân thì chưa chắc. Ông nên nhớ rằng các công ty phương Tây vẫn đến thuê người Việt làm phần mềm hay từng bộ phận phần mềm và rất nhiều trò chơi thu hút nhất thế giới hiện nay xuất hiện từ châu Á, đặc biệt là Nhật, Đài Loan, bắt đầu có cả ở Việt Nam. Rủi ro của châu Á nằm ở chỗ các chính phủ không ý thức được những rủi ro mà xã hội có thể tạo ra cho chính mình.

André Nayer: Tôi rất đồng ý với ông về chuyện đấy, nhưng tôi nghĩ rủi ro đến do họ không cẩn thận, nghĩ đến quyền lực và lợi ích của mình nhiều hơn là rủi ro. Cho nên lớp trẻ vừa chơi vừa thể hiện.

Nguyễn Trần Bạt: Lớp trẻ nghịch chứ không chơi. Nó không tìm thấy hạnh phúc ở trong các trò chơi của mình, mà nó thể hiện sự liều lĩnh trong đó, kể cả các trò chơi nghe rất nổi tiếng như khởi nghiệp. Ví dụ, chúng tôi luôn luôn biểu dương nền kinh tế tri thức nhưng quên mất rằng tất cả các máy rút tiền đều bị tấn công hàng đêm ở Sài Gòn bằng những công cụ còn thông minh hơn cả cái máy ấy. Bây giờ Việt Nam bắt đầu là một cửa ngõ, là một lỗ thủng lớn của tội phạm quốc tế về các công nghệ hiện đại.

André Nayer: Chính phủ quá chậm so với công nghệ nói chung chứ không phải người dùng công nghệ, bởi công nghệ phải đi kèm với đầu tư hạ tầng và cả hệ thống luật để điều chỉnh. Việt Nam chưa có cả luật liên quan đến các vấn đề công nghệ lẫn lực lượng quản lý. Luật không dùng để giúp công nghệ phát triển mà là vũ khí để ngăn chặn nó, đóng cửa nó.

Nguyễn Trần Bạt: Người ta có biết nó là ai đâu mà ủng hộ hay chặn nó. Bây giờ tôi nói với ông hiện tượng thế này, có một thương gia đang chạy đua trở thành tỷ phú theo các tiêu chuẩn của Forbes. Người Việt không hiểu được tại sao ông ta lại có thể trở thành tỷ phú, ông ta không làm gì mà tài sản tăng lên rất nhanh thông qua chứng khoán. Người ta nghi ông ta tổ chức ra một nhóm công ty con, dùng tiền đầu tư lòng vòng trong nhóm công ty này, tạo ra doanh thu ảo, làm đẩy giá cổ phiếu của công ty trên thị trường. Chính vì thế, Forbes không chịu đưa ông ta vào danh sách tỷ phú, mặc dù số cổ phần mà ông ta nắm giữ có giá trị lên đến hàng tỷ đô la ở thời điểm hiện tại. Một nhà báo có tiếng đến hỏi tôi hiện tượng tỷ phú có ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tôi trả lời rằng nếu không sản xuất, không có mặt hàng nào xuất hiện thì không có ảnh hưởng gì tích cực đến nền kinh tế. Tương tự, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế Việt Nam, các tiến bộ khoa học đến Việt Nam cũng chưa chắc ảnh hưởng một cách tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tất cả các pha tích cực nhất của sự phát triển các tư tưởng trên thế giới, đặc biệt là của phương Tây sẽ dồn các bộ phận tiêu cực nhất, nghèo nhất của châu Á vào chân tường. Hiện tượng Donald Trump mà người ta đang lo ngại ở Mỹ sẽ xuất hiện ở châu Á và các cuộc cách mạng rất có thể sẽ xuất hiện ở châu Á và châu Mỹ la tinh

André Nayer: Ở châu Âu chúng tôi đang đấu tranh với Hiệp định CETA giữa Châu Âu với Canada, bởi vì nó có những cam kết mà theo chúng tôi là không công bằng. Ông có nghĩ rằng Hiệp định thương mại với châu Âu cũng là một khởi đầu cho một sự áp bức nào đấy đối với người Việt Nam không?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không nghĩ các Hiệp định thương mại có thể áp bức được Việt Nam, bởi vì người Việt Nam không được rèn luyện để cam chịu bất cứ áp bức nào.

André Nayer: Tôi chưa định nói đến thực tế, tôi mới chỉ giả định trên phương diện lý thuyết thôi.

Nguyễn Trần Bạt: Về lý thuyết, người Việt Nam luôn luôn sẵn lòng tuân thủ tất cả những Hiệp định thương mại nào có lợi cho mình, mà với cách giải thích của phương Tây thì bất kỳ Hiệp định thương mại nào cũng có lợi cho Việt Nam. Thực ra, phương Tây sử dụng các FTA để mong làm biến đổi những người cộng sản Việt Nam. Ví dụ, TPP có một yếu tố là công đoàn độc lập, đấy là công cụ có thể khống chế những người cộng sản.

André Nayer: Trong nội dung của FTA châu Âu - Việt Nam cũng có một phần gọi là phần quyền cơ bản, có một phần liên quan đến công đoàn, nhưng nó không như TPP.

Nguyễn Trần Bạt: Người Việt Nam chỉ cần nhờ nhờ thế là đủ rồi. Và đấy là cái thông minh của người châu Âu.

André Nayer: Chính phủ có nhận ra được ảnh hưởng của những thứ này đối với người dân không?

Nguyễn Trần Bạt: Chính phủ chưa nhận ra một cách có hệ thống. Để nhận ra một cách có hệ thống đòi hỏi phải đối phó rất cẩn thận và rất có giáo dục, mà làm như vậy rất tốn kém. Cho nên, chống lại tất cả các ngẫu nhiên chính trị bằng sức mạnh của chính quyền vẫn là đối sách cơ bản. Không hiểu điều ấy, không chơi được với những người cộng sản. Tôi có nói chuyện với David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông ấy hỏi: Tại sao chúng tôi không thắng được ở Đông Dương? Tôi trả lời: “Vì các ông không biết hợp tác với những người cộng sản “. Họ thay thế việc cho xã hội tự do bằng việc cho ông tự do đến giảng ở Việt Nam, đấy cũng là một sự thay đổi.

André Nayer: Tôi nhận ra điều ấy từ lâu rồi. Tôi đã nói cách đây 10 năm là tôi sẽ không quay lại, nhưng tôi vẫn quay lại tiếp tục chương trình giảng dạy. Có lẽ nếu tôi biết nói tiếng Việt thì tôi sẽ không được tự do giảng bài ở Việt Nam, vì tôi trở nên nguy hiểm.

Nguyễn Trần Bạt: Có lẽ họ hiểu sau ngần ấy năm, ông sẽ đủ khôn ngoan, biết nói những điều để vẫn tiếp tục được chào đón. Không người nước ngoài nào có khả năng đưa tự do đến cho người Việt, nhưng có khả năng giúp người Việt tìm kiếm tự do ở phương Tây.

André Nayer: Lần nào tôi sang đây, các bạn tôi cũng nói y hệt về những người cộng sản, sự khác biệt không nhiều lắm. Những người cộng sản ở Đông Âu, ở Hungary cũng vậy, chẳng có gì thay đổi.

Nguyễn Trần Bạt: Các ông hiểu sai, phương Tây hiểu sai. 30 năm trước đây, những người cộng sản giữ bằng được quyền lãnh đạo của mình. 30 năm sau, họ giữ cả cái đấy lẫn túi tiền mà họ kiếm được trong 30 năm. Không biết giữa hai thứ đó, họ tha thiết giữ cái nào hơn. Nhưng tôi khẳng định rằng họ giữ cả hai với một khát vọng dữ dội như nhau.

André Nayer: Ở châu Âu chắc sẽ có nhiều người nhìn Trump như là biểu tượng cho việc chỉ cần nói dối và nịnh giống như Trump là có thể thành công trong chính trị.

Nguyễn Trần Bạt: Đấy là một nhận định hời hợt. Không ý thức được về sức mạnh của người nghèo, không biết cách lôi kéo người nghèo vào cuộc, không thắng như Trump được. Nhận ra cái sơ suất của chủ nghĩa tư bản trong toàn cầu hóa thì rất nhiều người làm được, kể cả Joshep Stiglitz cũng sớm nhận ra chuyện này, nhưng ông ta không làm được như Trump. Trump là một người có năng lực chính trị khổng lồ.

André Nayer: Tôi muốn đợi xem tình hình Syria bây giờ, bởi vì đây là khủng hoảng chính trị quốc tế đầu tiên của Trump. Tôi chờ đợi điều thú vị sẽ xảy ra. Ông có nghĩ là Trump sẽ bị mất quyền?

Nguyễn Trần Bạt: Không. Thế giới phải học cách để sống với những điều mình không thích. Trump là ví dụ đầu tiên về sự không thích ấy. Hôm nay, có một người học được cách sống với người mà mình không thích, với những việc mình không thích, đó là Tập Cận Bình. Putin ngày hôm qua cũng học được một bài đau với 59 phát tên lửa của Trump. Tôi cho rằng Trump rất thông minh.

André Nayer: Tôi cảm giác đây là phiên đấu trí giữa Trump và Putin.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ bằng 59 phát tên lửa, Trump đã cười giễu cả nước Mỹ vì mọi người đang nghi rằng Trump và Putin móc ngoặc với nhau.

André Nayer: Ông thấy quan hệ Việt - Trung có gì thay đổi không?

Nguyễn Trần Bạt: Những người dại dột nghĩ rằng nó có thể thay đổi, còn những người thông minh biết là nó không thay đổi. Đối với người Việt, Trung Quốc là một vấn đề lớn, xử lý phải rất cẩn thận.

André Nayer: Khi nhìn về tự do và dân chủ của châu Âu mà cụ thể là Tây Âu, tôi thấy trong nền tảng dân chủ của xã hội có những kẽ nứt rất mạnh. Để sống được cuộc sống của mình một cách bình yên, tự do, ngày nào người ta cũng phải chui qua cái khe ấy. Không biết như thế còn được gọi là dân chủ, tự do không?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ vấn đề của con người không phải là dân chủ, mà là trí khôn và các quyền tự do của mình. Ở đâu con người cũng chỉ tồn tại được nếu đủ trí tuệ, trí khôn và có một số quyền. Con người không mấy khi thảo luận với nhau về những vấn đề này mà chỉ có giới trí thức thảo luận với nhau mà thôi. Giới trí thức thảo luận với nhau về tự do, dân chủ nói chung chứ không phải các quyền tự do, dân chủ hàng ngày. Đôi khi chúng ta nhầm lẫn là con người thiếu tự do và dân chủ, nhưng thực ra là con người thiếu các quyền cụ thể. Các nhà chính trị khi hoạt động không thể lôi kéo con người bằng các quyền cụ thể, mà chủ yếu bằng tự do, dân chủ mang tính lý thuyết. Thực ra đó chỉ là món khai vị, món thường xuyên của giới trí thức cũng như giới chính trị để lôi kéo công chúng cho mục đích của mình. Đôi khi, họ say mê quá đến mức xem luôn đó là món chính. Người dân bình thường, người nghèo nghe những chuyện ấy chán quá và họ theo Trump. Trump đã thành công trong việc tận dụng sai lầm của giới trí thức cũng như giới chính trị. Ông ấy biết người nghèo chán các khái niệm tự do, dân chủ chung chung nên ông ấy đã trả cho họ một món khác, đó là hứa hẹn về công ăn việc làm và thu nhập để có được sự ủng hộ chính trị và ông ấy thắng.

Tôi đã viết ở đâu đó rằng cách mạng trong điều kiện ngày nay là cơ hội khổng lồ của những kẻ cơ hội. Trump được coi là một kẻ cơ hội. Mọi kẻ cơ hội đều ngắn hạn, nhưng nguy hiểm là ở chỗ họ rất đông và luôn có những kẻ cơ hội kế tục, nhiều khi còn to hơn cả Trump. George Soros đã rất nhiều lần thể hiện tài năng của mình bằng cách bắn phá vào chủ nghĩa tư bản. Sau Trump có phải là George Soros không? Có phải Murdoch không? Sau trường hợp của Trump sẽ là những kẻ cơ hội khổng lồ mà chúng ta không thể lường trước được.

André Nayer: Tôi cũng nói với các học sinh của tôi rằng luật pháp có thể có một chút ý nghĩa khi có xung đột quyền lợi, nhưng vấn đề quyền là cái gì. Tôi đã đọc luật dân sự Việt Nam, trong đó nói rất rõ về quyền tự do kinh doanh. Tôi hỏi sinh viên của tôi điều đó có ý nghĩa gì trong cuộc sống đời thường của bạn không? Rõ ràng nó không có ý nghĩa gì cả, vì cái quan trọng nhất là cái bạn sống hàng ngày.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ chỉ cần một chút hy vọng nho nhỏ vào công lý, chứ không phải là luật pháp, đã là có giá trị rồi. Nếu nó không quan trọng như vậy thì tại sao giới trí thức và giới chính trị lại nói về nó?

André Nayer: Tôi là người giảng dạy về luật. Khi sang đây dạy, tôi hỏi các bạn bên này cho xem một số bản án đã xử để nghiên cứu. Tôi thấy có những vụ án không thể thua được về mặt luật pháp, nhưng chắc chắn có người đã phải trả tiền cho ai đó. Khi phối hợp vào bài giảng, tôi phải đi tìm một số án lệ được phổ cập hóa làm ví dụ phân tích nhưng không thể tìm thấy. Vậy làm thế nào để chỉ cho sinh viên thấy được công lý là cái gì? Việc giảng dạy về luật pháp ở đây quả thật là rất khó.

Nguyễn Trần Bạt: Cho nên phải có một bài giảng phụ: số phận là giá của công lý.

André Nayer: Đối với tôi, luật pháp không phải trên giấy mà là những thể chế, những quy trình đang được áp dụng.

Nguyễn Trần Bạt: Khi ông đã hiểu như thế tức là ông hạnh phúc hơn chúng tôi. Ông có thể nhìn thấy công lý bị bẻ cong, bị mua bán, ông có thể định giá công lý được trên các án lệ, còn chúng tôi thì chưa.

André Nayer: Ở phương Tây, cái giá của công lý, sự mua bán công lý là như thế, nó được hợp pháp hóa dưới hình thức trọng tài. Tôi có kinh nghiệm 20 năm là hòa giải viên nên tôi hiểu, nhưng cái tôi muốn hướng tới là lớp trẻ định giải quyết cuộc sống của mình như thế nào? Tôi hỏi sinh viên là bây giờ có một vấn đề gì, bạn sẽ giải quyết như thế nào, ngay lập tức, câu trả lời là họ sẽ dùng mạng lưới quan hệ, gần như không ai nhắc đến công lý hay luật pháp sẽ phán xử như thế nào.

Nguyễn Trần Bạt: Thường người ta chỉ tham khảo pháp luật chừng nào phải ra tòa, còn chưa phải ra tòa thì họ tìm trọng tài như ông. Ở Việt Nam, hàng ngày, trùng trùng điệp điệp các hoạt động trọng tài. Tôi nghĩ những chuyện ấy diễn ra trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa và hội nhập giúp người Việt nhận ra rằng những thứ diễn ra ở đây cũng diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. 20 năm trước, tôi tham dự một bữa cơm cùng Đại sứ Anh với sự có mặt của hoàng tử Andrew. Có một người hỏi Đại sứ Anh rằng ở Anh có tham nhũng không. Ngài Đại sứ trả lời lâu quá không thấy nên chúng tôi quên rồi. Nhưng đến nay, không có một vị Đại sứ nào ở phương Tây dám nói như thế, bởi vì tham nhũng chuyên nghiệp nhất là ở phương Tây. Trong những sự tham nhũng lớn nhất Việt Nam có thì có rất nhiều khía cạnh học từ các phương pháp phương Tây.

André Nayer: Trước thời kỳ Pháp đô hộ, theo tôi tham nhũng nằm trong bản chất con người, kể cả phương Tây hay phương Đông. Cái dừng nó lại vẫn phải là công lý. Trọng tài và hòa giải trọng tài đứng đằng sau chỉ là một phần, đến một điểm nào đấy vẫn cần đến tòa án, đấy là tượng trưng cho sự có mặt của công lý.

Nguyễn Trần Bạt: Thời đại nào công lý cũng quan trọng. Trước thời Pháp thuộc, Việt Nam cũng có các thành tích. Trần Thủ Độ đã sử dụng hình phạt chặt tay những kẻ ăn trộm, cho nên khi đi lên biên giới, thấy những kẻ cụt tay, người ta nhận ra đấy là những người đã từng ăn trộm. Các vua triều đại phong kiến Việt Nam cũng từng ban hành luật pháp. Nhà Lê có Bộ luật Hồng Đức rất nổi tiếng, đã từng trở thành đề tài để bảo vệ luận án tiến sĩ của một số luật sư người Việt ở trường Harvard. Ở phương Tây, luật pháp được coi như công cụ cơ bản để thực thi công lý. Còn ở châu Á, công lý được hiểu thành luân lý, công lý nặng về đạo đức.

André Nayer: Tôi mô tả như thế này ông thấy sao: có ba cái vòng tròn, vòng đầu tiên là đạo đức, vòng thứ hai là tôn giáo, vòng thứ ba là luật pháp, phần giao thoa ở giữa ba vòng tròn ấy là công lý.

Nguyễn Trần Bạt: Đấy là một mô tả đẹp, thậm chí thông minh. Tuy nhiên, cái vùng giao ấy rất hẹp, mấy ai có đủ may mắn để lọt vào vùng giao giữa ba vòng tròn ấy?

André Nayer: Giờ đây, mỗi người phải tự hỏi mình xem làm người như thế nào và tự tìm cho mình đường để mình tự do nhất.

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ có hai sự đi tìm với hai động lực. Nếu đi tìm công lý như một lối thoát cho mình thì ta đi tìm ở bên ngoài. Nhưng đi tìm công lý như là một lối thoát tinh thần tức là chúng ta đi tìm sự công bằng. Cả hai cái ấy đều khó.

André Nayer: Người Việt hiện nay đang đối mặt với vấn đề gì?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ người Việt đang đứng trước một sự thay đổi lớn. 2 năm trước đây, người Việt hoàn toàn tin vào toàn cầu hóa, vào hội nhập và các giá trị phương Tây. Tuy nhiên, vẫn có một vài người hoài nghi một cách tỉnh táo, trong đó có tôi. Đây là sự phân vân rất lớn về tương lai của người Việt. Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị của Mỹ và khủng hoảng của Châu Âu làm cho người Việt không hoàn toàn tin vào phương Tây nữa. Ngay cả các nhà ngoại giao phương Tây ở Việt Nam cũng không còn tự tin khi nói với chúng tôi về những giá trị mà họ vẫn tuyên truyền trước đây.

André Nayer: Ở châu Âu có rất nhiều người Việt. Những tiếng nói của họ có ảnh hưởng đến quan niệm của người Việt ở đây không?

Nguyễn Trần Bạt: Có ảnh hưởng, nhưng nó không làm cho sự kính trọng tăng lên. Hay nói cách khác, ảnh hưởng của họ không đáng kể. Có một thời kỳ, họ là biểu tượng của sự thành đạt mà chủ yếu là do kiều hối. Dần dần, Việt Nam cũng phát triển lên, người Việt ở trong nước bắt đầu có những thành công thương mại lớn hơn và nhiều người trở nên giàu có hơn người Việt ở châu Âu.

André Nayer: Ông có nghĩ người Việt ở châu Âu thích về Việt Nam để sống không?

Nguyễn Trần Bạt: Việt Nam là chỗ rất nhiều người muốn đến, không phải chỉ với người Việt. Khi xem bộ phim Đông Dương, tôi mới hiểu ra sự hấp dẫn của xứ này, đặc biệt khi nó được mô tả bằng văn hóa của phương Tây. Tôi là người có may mắn gặp gỡ rất nhiều người quay trở lại Việt Nam. Tôi đã gặp những nhà ngoại giao Hoa Kỳ có trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh Đông Dương, như Giáo sư Leonard Unger, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Wood Cock, người có trách nhiệm trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề đền bù chiến tranh ở Việt Nam. Họ rất thích quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, có một người Mỹ không như thế, đó là Ngoại trưởng Henry Kissinger. Ông ta nói với tôi tại Washington DC rằng “Tôi có một lời thề là không quay trở lại đó nữa”. Trong hàng nghìn người tôi gặp chỉ có một người như thế, bởi vậy tôi vẫn cho rằng Việt Nam là một nước nhiều người muốn quay lại.

Tôi đã hỏi nhiều nhà ngoại giao một cách riêng tư, tại sao nhiều người muốn quay trở lại. Họ cũng không biết phân tích thế nào. Tôi hỏi liệu có phải phụ nữ Việt Nam đẹp không. Tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam đẹp có lẽ cũng là một trong yếu tố để họ quay lại. Người phụ nữ Việt Nam rất thích đàn ông phương Tây, giống như phụ nữ của những nước khác. Họ muốn đến phương Tây bằng cách bám vào con tàu có tên là đàn ông phương Tây, vì đó là cách đơn giản nhất. Cho nên trong những sự dễ thương mà người Việt có, có cả những nghi án. Tôi nghĩ người Việt phải cố gắng phấn đấu để trở nên thành đạt đến mức phụ nữ không phải tìm đến giải pháp lấy đàn ông phương Tây nữa. Một trong những yếu tố cần phải phấn đấu để đạt được là Chính phủ Việt Nam đáng để người ta có thể yêu.

André Nayer: Chúng ta rất hiểu nhau. Hẹn ông tiếp tục có dịp cùng nhau trao đổi. Cảm ơn ông!

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Các “mê lộ” tấn công của Trung Quốc




Tác giả: Tô Văn Trường

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!… (TVT)

Phân tích các dữ kiện lịch sử cho thấy bành trướng Đại Hán là tư tưởng xuyên suốt các triều đại từ thời phong kiến đến Trung Hoa hiện đại ngày nay. Việt Nam là địa bàn cửa ngõ để triển khai sự bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á nhưng trong suốt hàng nghìn năm các triều đại phong kiến tiến hành nhiều cuộc viễn chinh nhưng không chinh phục được, đó là lịch sử vẻ vang tự hào của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Từ giai đoạn sau thắng lợi cách mạng 1949 lập nên nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do tác động của các lực lượng và xu thế chính trị quốc tế, chiến lược bành trướng Trung Hoa có nhu cầu mạnh mẽ hơn, đồng thời có những thay đổi lớn về tư duy cũng như chính sách triển khai thực hiện rất tinh vi uyển chuyển được xây dựng trong ngắn hạn hay dài hạn tùy tình huống mà đối phương rất khó nhận biết, hoặc nhận biết được thì đã muộn không kịp ứng phó tương tự “trận đồ bát quái” Khổng Minh lập ra thời Tam Quốc

Ở giai đoạn này, Việt Nam lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn trước đây do cả vị trí địa lý cũng như vị thế chính trị. Nếu chi phối được Việt Nam theo ý đồ Trung Quốc thì chiến lược bành trướng Trung Hoa xuống phía nam và làm chủ Biển Đông sẽ hiện thực được nhanh chóng nhất. Đây cũng chính là sự lo ngại nhất của các nước Đông Nam Á và lãnh đạo an ninh thế giới.

Cách đây hơn 5 năm, tôi viết bài “Mê lộ tám hướng tấn công của Trung Quốc”, đến hôm nay nếu có bổ sung và cập nhật thì hợp lý nhất đó là kiểm điểm lại trong các năm qua Trung Quốc đã tiến thêm như thế nào một cách cụ thể trên cả 8 hướng đó.

Còn ngoài 8 hướng phá Việt Nam ra, có thể thấy thêm gì nữa không? Đó là Trung Quốc đã và tiếp tục chia rẽ ASEAN, mua chuộc, ép buộc và đi đêm với các thế lực quốc tế nhằm cô lập Việt Nam về mọi mặt khiến tiếng nói của Việt Nam trở nên lạc lõng và yếu ớt khi có biến cố bất lợi trên Biển Đông hoặc các tranh chấp khác với Trung Quốc xảy ra.

Cũng nên “kiểm toán” lại xem chính Việt Nam đã ngu ngơ hay vô tình tiếp tay thực hiện các mũi tấn công đó trong thời gian qua ra sao. Có lẽ rõ ràng nhất là chính quyền đang đánh mất lòng tin của người dân khi nhiều hoạt động yêu nước chống ngoại xâm lại bị đàn áp, cố tình hiểu sai lệch, bóp méo và chụp cho cái mũ của con ngáo ộp Việt Tân.

Tám hướng cũng đã là quá đủ để Trung Quốc có thể hạ gục đối thủ nhỏ bé như Việt Nam. Hướng thứ tám là hướng thâm độc và là hướng quyết định thành công của mọi hướng khác.

Gần đây, ngừời dân cả nước quan tâm, phản đối luật 3 đặc khu kinh tế và dự án đường cao tốc Bắc Nam (do một tập đoàn Trung Quốc đề xuất) vì thấy rõ bàn tay “lông lá” của Tầu và bài học về dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “tiền mất tật mang” đã nhãn tiền.

” Dùng người Việt để trị người Việt và đồng hóa người Việt …” xưa nay nhiều kẻ ngoại xâm đã làm, kể cả Tàu trước đây. Cuối cùng, hướng này vẫn cứ thất bại thảm hại. Có lẽ vận nước mình còn lớn lắm.

Sách lược “lấy bất biến ứng vạn biến “cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh” cứu nước khi nước còn chưa nguy ” mới là thượng sách. Chỉ cần chống lại hướng thứ tám bằng nội lực vươn lên của chính mình, nỗ lực vượt lên chính mình để cải tổ thể chế và hòa giải dân tộc thì hướng thứ tám của Tàu sẽ trở nên vô dụng.

Đọc Tam Quốc, trong lịch sử trận đồ bát quái do Khổng Minh sáng tạo ra chỉ có hai người có thể phá nổi: Người thứ nhất là Hoàng Thừa Ngạn (bố vợ Khổng Minh ) và người thứ hai là Khương Duy ( học trò và là người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh). Tướng Ngô là Lục Tốn nếu không có Hoàng Thừa Ngạn chỉ đường chắc chắn sẽ chết tại trận đồ Bát Quái này của Khổng Minh.

Từ lâu, các thế hệ cầm quyền bành trướng Trung Hoa đã bày trận Bát quái này với người “đồng chí” Việt Nam. Ai sẽ là người Việt Nam có đủ tài năng, trí tuệ và bản lãnh phá trận này đây?.

Người ta, thường vẫn hay dùng hình ảnh của tảng băng nổi trên mặt biển để nói về phần NỔI (ý là phần lộ diện : nhỏ) và phần CHÌM (ý là phần tiềm tàng : lớn) –đó là theo lý thông thường , nhưng … ở ta thì cái tảng băng (cũng hình chóp) đó lại … lộn ngược lềnh bềnh nên rất khó đảo lại nhưng … lại rất dễ tan, mau tan chảy! Cái hệ thống “lộn tùng phèo” này có vô số thứ để bàn theo kiểu … “hội đồng chuột” (bàn cách treo chuông vào cổ mèo) nếu chưa đảo ngược lại được!

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhau điểm lại việc Trung Quốc dã tâm tấn công một cách có hệ thống như “mê lộ” tám hướng vào nước ta .

Hướng thứ nhất

Bằng mọi cách ngăn chặn mọi cơ hội Việt Nam độc lập tiếp xúc với văn minh thế giới, luôn tạo ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc dưới chiêu bài phe XHCN. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã dùng viện trợ quân sự và kinh tế để VN thắng Pháp ở mức loại bỏ ảnh hưởng của Pháp, không để Mỹ tiếp xúc với VN mà dùng biện pháp hòa bình nửa vời chia đôi 2 miền Bắc – Nam VN thực chất là gây tình trạng dẫn đến đối đầu Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ (không chỉ 2 miền VN mà cả nước Mỹ cũng bị rơi vào “bẫy” này).

Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc (trong khi Mỹ đang lúng túng, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Sa). Việt Nam thống nhất (thực chất không theo mong muốn của Trung Quốc) mặc dù Mỹ tích cực vận động bình thường hóa quan hệ 2 nước giúp VN phát triển mong muốn của thế giới và Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc tiếp tục xúi giục (bẫy tiếp) VN thực hiện ý đồ/ tham vọng thiết lập Liên Bang Đông Dương, tiếp theo là đem quân sang Campuchia thực chất là các bẫy để thế giới nhận thấy VN rất hiếu chiến và mưu đồ bành trướng khó hợp tác!

Đến 1979 gây chiến tranh biên giới nói là cho VN, nhưng thực chất là cho cả thế giới bài học: “Chỉ Trung Quốc có thể dạy được VN mà thôi”, lãnh đạo CS VN không muốn sụp đổ hãy đến Thành Đô.

Từ đó đến nay, VN cứ từ bẫy này sang bẫy khác trong cái vòng luẩn quẩn hay “mê lộ” này, lãnh đạo VN chưa dám dù chỉ nghĩ tới thoát bẫy, đó và chỉ là: độc lập tiếp thu văn minh nhân loại, mà lịch sử VN đã ghi nhận người khởi xướng đúng đắn (nhà trí thức Phan Châu Trinh) hơn 100 năm trước mà chưa thực hiện: “Khai dân trí, hậu dân túy, vị dân sinh” chứ không phải cố nứu và phát triển các chương trình “câu giờ với lịch sử”: “đổi toàn vẹn lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông”! Ngoài các hướng của mê lộ sau đây, theo thời gian nếu VN vẫn không có được tầng lớp tinh hoa, thì cái mê lộ này sẽ ngày càng phát triển có khi còn ngoài mong đợi của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Sáu tỉnh biên giới phía bắc của nước ta bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt “gặm nhấm”. Ngày nay, các địa danh Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc vv…chỉ còn là hoài niệm trong sách giáo khoa và những câu ca dao của dân Việt. Chúng ta phải mất 6 năm điều đình, nhún nhường, phân định để xây được hơn 1500 cọc mốc bê tông biên giới Việt Trung cao 10-15 m, sâu trung bình 20 m nhưng vẫn chưa phải là bình yên vì đổ cho dân tại chỗ có “quậy phá” chỉ vì cho rằng mồ mả của người dân Trung Quốc vẫn còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam!

Hướng thứ hai

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!

Hướng thứ ba

Phía Tây- Nam, ‘phiên dậu” của nước ta ở Campuchia và Lào nhiều vùng đất rộng lớn đã được Trung Quốc đầu tư, mua bán. Trước đây, các du học sinh người Lào còn thích sang Việt Nam học tập nhưng ngày nay địa điểm đến của họ là Trung Quốc vì học bổng cao gấp 30 lần so với Việt Nam, lại còn được cho về phép vv…Sau tầng lớp cán bộ trung kiên gắn bó với Việt Nam già, mất đi dễ hiểu “đòn xoay trục” của Tầu như thế nào với tầng lớp kế cận ở các nước phía Tây Nam của nước ta.

Hướng thứ tư

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa (gần 100% là liên quan đến nước). Hằng năm, nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 – 2013) ở nước ta,thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Hai nguồn nước chính tác động đén Việt Nam là sông Hồng và sông Mekong đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quản lý nước là phải quản lý lưu vực sông nhưng Trung Quốc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn bất chấp đến các hậu qủa phải hứng chịu của Việt Nam ở hạ lưu. Tệ hơn, họ còn không cho ta biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng lưu, đây là nguy cơ không nhỏ về “chiến tranh nguồn nước” trong tương lai.

Hướng thứ năm

Hàng hóa từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam qua các con đường từ nhập khẩu, tiểu ngạch đến buôn lậu. Chất lượng các sản phẩm qua những hàng hóa đã kiểm nghiệm hầu hết đều vượt mức báo động cho phép, gây tổn hại sức khỏe của nhân dân ta. Người Trung Quốc đi khắp nơi thu mua các sản phẩm không giống ai như lá điều khô, đỉa, móng trâu, hoa thanh long, lá khoai non, thảo quả, cây culi, cây long khỉ vv…giá cao bất thường rồi đồng loạt rút bỏ gây điêu đứng cho bà con nông dân thiếu thông tin, nhẹ dạ , gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả năng lượng, giao thông đều rơi vào tay Trung Quốc do bỏ giá thầu rẻ, và giỏi “đi đêm”, nhưng lúc thực thi lại đưa công nghệ lạc hậu, thi công kéo dài, dùng đủ phép để đội giá đầu tư so với được duyệt để lại hậu quả “tiền mất – tật mang” cho Việt Nam.

Hướng thứ sáu

Xâm chiếm Hoàng sa của Việt Nam, tự vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Sự kiện giàn khoan HD 981 càng lột tả bộ mặt thật về thủ đoạn trắng trợn, dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa thêm các giàn khoan khác đến Biển Đông chứng tỏ Việt Nam không còn đường lùi, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Mời xem bài “Phải kiện nhưng kiện cái gì, như thế nào, khi nào?” và bài “Hôn nhân ý thức hệ món quá trớ trêu của số phận” (tác giả Tô Văn Trường).

Hướng thứ bảy

Vịnh Hạ Long đã có đường ranh giới Việt – Trung từ thời người Pháp ông Mac Mohon ký kết với nhà Mãn Thanh. Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng tìm cách lấn lướt sang ta đến khoảng 50 km2 và thường xuyên gây khó cho hoạt động của ngư dân Việt Nam vì họ người đông lại có tầu to.

Hướng thứ tám

Đất nước muốn phát triển cần có những người lãnh đạo có phẩm hạnh, trí tuệ và tài năng. Từ lâu, Trung Quốc đã can thiệp vào công tác nhân sự của ta. Thủ đoạn truyền thống của Trung Quốc là “cấy mối thân tình”, mua chuộc bằng mọi cách kể cả hù dọa người yếu bóng vía, tạo nên ân tình từ cấp trung ương đến địa phương. Đối với nhân dân ta không thể mua chuộc được thì họ tuyên truyền thất thiệt gây chia rẽ giữa lãnh đạo Nhà nước và nhân dân. Ngày nay, có thể nói “tai mắt” của Trung Quốc len lỏi khắp nơi, tác động khôn lường đến cả chính trị và kinh tế xã hội của Việt Nam.

Mù mờ

Trong bối cảnh mù mờ, Nhà nước chỉ cho cán bộ và nhân dân biết một phần về những việc làm với tư cách đại diện cho cả một dân tộc, đây là một sự bất công đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết những gì cho ông Chu Ân Lai về biển đảo, lãnh hải của Việt Nam năm 1958, một điều mà chỉ những ai chú ý tìm hiểu lắm mới biết! Hội nghị Thành Đô năm 1990 có những nội dung gì, ngoài những điều mà báo chí đã đưa? Nội dung của việc trao khu khai thác bauxite cho Trung Quốc ở Tây Nguyên là gì, trong bao nhiêu năm, nội dung của việc cho thuê rừng phòng hộ ở biên giới Việt-Trung là thế nào? Rất nhiều người Việt Nam không được biết rõ, và khi đọc từng đoạn trong tin tức từ báo chí “lề trái”, người ta không còn biết tin vào đâu nữa!

Tại sao trước kia công an giải tán các đoàn biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại các biển đảo của Việt Nam, bắt, giết ngư dân, thậm chí còn theo dõi, bắt người Việt Nam vô tội chỉ vì đã có những biểu cảm của lòng yêu nước, và gần đây lúc lại nới lỏng. lúc thắt chặt? Vậy thì phải đợi Trung Quốc hung dữ hơn thì dân ta mới được phép phản đối chăng? Tại sao nhiều vị chóp bu của Việt nam hầu như không nói gì trước những sự việc trọng đại như Trung Quốc hạ dàn khoan trái phép HD 981, hay những vụ lộn xộn ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thái Bình, Cần Thơ vv…?

Vĩ Thanh

Dân tộc đã có không chỉ các ngoại xâm hiện thực mà ta đã chiến thắng, mà còn ngoại xâm và nội xâm không lộ diện mà ta chưa thắng, nên dân tộc ta vẫn cứ nghèo so với thế giới. Nước nhà đã độc lập nhưng toàn vẹn lãnh thổ thì chưa và nguy cơ ngày càng lớn. Mỗi người dân, đặc biệt là trí thức nghĩ gì?

Đến lúc này, mà người ta vẫn còn gọi nhau là đồng chí. Thực chất chỉ còn là đồng chí “bán phần”, hay là “bán phần đồng chí” như văn phạm Tàu vì chỉ có nửa phần “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ vàng là đồng. Chưa có lúc nào người dân và chính quyền lại sống trong ngờ vực như ngày nay vì Nhà nước không minh bạch với dân. Trước hết, Ban chấp hành Trung ương và các vị đại biểu Quốc hội có quyền được biết các ý kiến của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư về quan điểm và các đối sách đối với Trung Quốc.

Phương ngôn có câu im hơi, lặng tiếng là một đức hay. Nếu danh dự bắt buộc phải lên tiếng mà lặng im thì là một sự hèn nhát (La Cordaire). Ta căm ghét thái độ dửng dưng chỉ cần thêm một bước là dẫn tới phản bội và một bước nữa đã là tội ác trước lương tâm (I.V. Bodarev).

Một lần Byron, thi hào Anh sau khi đứng làm mẫu cho người bạn là nhà điêu khắc Torvansen tạc tượng chân dung của mình, bỗng nhiên ông kêu lên : “không, bạn không tạc hình tôi mà là hình hài của một anh chàng yên ổn nào đó! Tôi hoàn toàn không giống bức tượng này !”. Torvansen hỏi lại : “thế, có gì là xấu nếu ta sung sướng ?”.

Khuôn mặt Byron vụt tái đi vì tức giận và ông la lớn : “Torvansen! hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa cương và đất sét vậy . Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỷ chúng ta . Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự cay đắng, lòng can đảm và nỗi đau khổ của suy tư ?”…

Theo Ts Phạm Gia Minh, Đảng chỉ có được khi đất nước còn, mất nước thì Đảng như cá không có nước. Thật đáng thương và đáng giận cho những ai lú lẫn, không ý thức được rằng, nước trong đó họ bơi đang cạn dần và nóng lên nhanh chóng!

Dù cho kẻ bán nước có “thẻ xanh” nhưng dân nước Việt không bao giờ quên lời dạy của Vua Lê Thánh Tông (1473) : ”Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Đầu năm nói chuyện ăn Tết theo dương lịch




Từ độ hơn chục năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về là chúng ta lại phải chứng kiến một bản nhạc cũ mèm được những cái loa rè của đám trí thức thân phương Tây phát đi phát lại không biết nhàm. Ấy là chuyện Việt Nam ta nên ăn Tết theo Tây lịch để được văn minh, hiệu quả về kinh tế và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lập luận về văn minh là rất nhàm, phương Tây ăn Tết theo dương lịch, phương Đông ăn Tết theo âm lịch, người Hồi giáo hay Do Thái giáo đều nghỉ ngơi theo lịch riêng của họ, đằng nào cũng là văn minh và có bản sắc riêng của cả. Lấy cái chuẩn mực nào để nói cái nào văn minh hơn cái nào, thật là thô thiển hết chỗ nói. Như ông bà ta vẫn nhắn nhủ, ấy là cái đám me Tây nên cứt tây cũng thơm. Phương Tây văn minh hơn hết là tư duy từ thời thuộc địa, các đế quốc phương Tây nhồi vào đầu các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để dễ bề cai trị. Bây giờ các nước Châu Á độc lập tự do, kinh tế cũng đã khởi sắc, cớ gì ngu dại tin vào điều đó nữa.

Lập luận về hiệu quả kinh tế mới nghe thì xuôi tai nhưng kỳ thực là bịp bợm. Họ nói rằng ăn Tết theo dương lịch để cho đỡ gián đoạn việc sản xuất, bán hàng cho phương Tây. Điều này là vô nghĩa, thực tiễn công nghiệp hiện đại cho thấy điều đó được xử lý rất dễ dàng về mặt kỹ thuật, tức là sản lượng hụt đi do nghỉ lễ thì sẽ được làm bù trước đó hoặc sau đó. Bên cạnh đó vẫn còn một khía cạnh nữa mà các nhà giả trí thức bịp bợm của chúng ta lờ tịt đi, ấy là chuyện Việt Nam hiện giờ xuất khẩu đi khắp thế giới chứ không phải mỗi phương Tây, trong đó Trung Quốc cũng là một bạn hàng lớn. Nếu bây giờ lấy cái lập luận về hiệu quả kinh tế đó áp vào thì những người bán hàng cho Trung Quốc sẽ đòi phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc, những người bán hàng cho Ấn Độ sẽ đòi ăn Tết theo lịch Ấn Độ... vậy thì sẽ phải nghe ai. Nếu nghe một người thì những người khác sẽ hỏi lại rằng tại sao tôi phải hy sinh lợi nhuận của mình cho anh kia, anh có chia cho tôi đồng nào không? Thế đấy, những chuyện về kinh tế này chả đi đến đâu hết. Lại còn có một chuyện nữa là người ta kêu ca tết âm với tết dương gần nhau nên người lao động có tâm lý ăn chơi từ tết dương đến tết âm rồi chơi cả tháng giêng, chuyện này cũng vớ vẩn nốt. Thực tế tháng trước Tết âm lịch là tháng làm hàng bù cho kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trước Tết đều tăng ca, công nhân thì tích cực vì có thêm lương thưởng. Sau Tết thì hoạt động mua sắm tiêu dùng giảm đi, do đã chi tiêu trước Tết, do vậy các doanh nghiệp đều có sản lượng thấp sau Tết, vì thế người lao động có nhiều thời gian rảnh rang để đi lễ hội hơn. Một ví dụ điển hình là ngành lắp ráp ô tô, trước Tết, hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô đều chạy hết công suất, làm việc 3 ca/ngày, sản lượng ô tô bán ra các tháng trước Tết cực lớn. Tháng sau Tết thì là thảm họa của các đại lý bán xe vì ai mua xe được đã mua từ trước Tết, sau Tết họ chạy đi chơi lễ hội, không mấy ai đi mua xe cả. Các trí giả của chúng ta khi nói về hiệu quả kinh tế cũng lờ tịt đi một khía cạnh thứ ba, họ giả định rằng sự thống trị về thương mại quốc tế thì sẽ thống trị về văn hóa, tức là giờ chúng ta bán hàng cho phương Tây thì phải ăn Tết theo dương lịch cho nó toàn cầu hóa. Câu hỏi ngược lại: Nếu Trung Quốc thống trị thương mại thế giới thì Việt Nam và cả phương Tây sẽ phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc? Đến đây thì các bạn hẳn đã biết câu trả lời, các trí giả của chúng ta sẽ tự vả vào miệng họ mà khăng khăng nói rằng, kinh tế có mạnh nhưng Trung Quốc vẫn kém văn minh, không nên theo Trung Quốc. Thực tế cho thấy các nước phương Tây giờ đây cũng đua nhau tổ chức lễ tết âm lịch của Trung Quốc để mong phát tài.

Cuối cùng, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là chuyện hài hước nhất tôi được nghe trong đời mình. Người Việt giờ ra đường đều mặc áo phông, quần jeans, uống cafe kiểu phương Tây, lúc cần lịch sự thì mặc veston, nói tiếng Anh ào ào trong làm ăn, đâu có thứ gì của Trung Quốc mà kêu ảnh hưởng. Việc buôn bán làm ăn với Trung Quốc của Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chuyện buôn bán không phải là ảnh hưởng hay phải thoát ảnh hưởng gì hết. Về mặt chính trị thì Việt Nam đã từng bước ký hiệp định phân chia biên giới rõ ràng với Trung Quốc để khẳng định sự độc lập của mình, chỉ có một phần tranh chấp trên những đảo ngoài khơi, nhưng chuyện tranh chấp đó là bình thường giữa các quốc gia ở gần nhau và Việt Nam không chỉ có tranh chấp duy nhất với Trung Quốc, còn có những nước khác như Malaysia, Đài Loan, Philippines. Nếu có đòi lại đảo thì đòi mấy nước kia chắc chắn dễ hơn đòi Trung Quốc, nhưng các trí giả hậm hực của chúng ta thường lờ tịt điều đó đi, họ chỉ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, tránh phải động tới các đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản quá khứ và hiện tại

Người ta thường ca ngợi rằng Nhật Bản bỏ âm lịch theo dương lịch nên sau 100 năm đã trở thành giàu thứ hai thế giới nhưng người ta quên mất rằng Trung Quốc chả cần bỏ cái gì, chỉ cần 40 năm đã thành giàu thứ hai thế giới và đang trên đà trở thành giàu nhất thế giới.

Người Nhật bỏ âm lịch theo dương lịch vào năm 1873, nhưng họ giàu lên là nhờ quá trình tư bản hóa thành công giai đoạn sau Thế Chiến Thứ 2, chứ không phải việc bỏ âm lịch. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản mặc dù hùng mạnh nhưng chỉ là một đế quốc nhỏ ở Phương Đông. Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi nước Nhật thua trận và trở thành thị trường của Mỹ và phương Tây thì mới nhanh chóng phất lên, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Việc nói Nhật Bản giàu lên nhờ bỏ âm lịch là tào lao.

Sau hơn một thế kỷ ăn Tết theo dương lịch thì người Nhật Bản lại đang muốn khôi phục lại bản sắc của mình. Họ muốn khôi phục Tết theo âm lịch.

Một vị công sứ Nhật Bản đã nói rõ rằng:

"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".
Lý do của Nhật Bản rất rõ ràng, họ muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng với sức kết nối cộng đồng mạnh mẽ để gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hàn Quốc khôi phục Tết âm lịch

Người ta hay nhắc đến Nhật Bản như là hình mẫu bỏ âm lịch để giàu có nhưng lại quên mất nước láng giềng Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục lại Tết âm lịch sau gần 100 năm bị từ bỏ.

Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản và buộc người Triều Tiên phải sử dụng dương lịch như họ, điều này có nghĩa là Triều Tiên cũng phải ăn Tết theo dương lịch. Thế nên đối với người Triều Tiên khi đó, Tết theo dương lịch là biểu tượng của sự ô nhục, của sự mất nước. Suốt thời kỳ bị Nhật Bản cai trị, TriềuTiên cũng không vì ăn Tết theo dương lịch mà giàu lên được.

Sau đó Triều Tiên bị tách thành hai miền Bắc-Nam, miền Nam được gọi là Hàn Quốc. Nắm chính quyền ở Hàn Quốc là cựu các sĩ quan quân đội đánh thuê cho Nhật, họ vẫn làm ăn với Nhật Bản và áp dụng dương lịch cho đến tận năm 1985. Khi đó, người Hàn Quốc đấu tranh dữ dội để bỏ Tết theo dương lịch và khôi phục âm lịch, điều này không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc, họ muốn có bản sắc riêng và đoạn tuyệt với cái dấu hiệu ô nhục của thời mất nước. Vào năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết âm lịch. Cùng với việc Tết âm lịch được khôi phục, hàng loạt các nghi lễ và phong tục truyền thống cũng được khôi phục, điều này đã góp phần tạo ra một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa độc đáo và gia tăng các mối liên kết cộng đồng.

Hàn Quốc đã đi ngược dòng, thậm chí với sự giàu có của mình, các nước phương Tây cũng phải nở nụ cười cầu tài, chúc người Hàn Quốc ăn Tết âm lịch vui vẻ hàng năm. Giờ đây có ai dám nói Hàn Quốc lạc điệu với thế giới, âm lịch hay bị Hán hóa không?


Việt Nam trên con đường đi tới

Việc kêu gào đòi bỏ âm lịch để ăn Tết theo dương lịch ở Việt Nam thể hiện rõ một mặt là sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, họ muốn phá vỡ các mối liên kết cộng đồng để thay nó bằng quan hệ tiền-hàng lạnh lùng, bởi vì sự thống trị của họ dựa vào quan hệ đó, mặt khác thể hiện sự yếu thế của họ, họ không có khả năng dựa vào những điều kiện văn hóa xã hội sẵn có của Việt Nam mà phải dựa vào sức mạnh của tư bản quốc tế, thế nên họ muốn tất cả mọi thứ phải dập khuôn theo phương Tây. Mặc dù những lập luận của đám trí giả trong vấn đề này rất tào lao và dễ dàng bị bẻ gãy, họ giống như những con rối mua vui cho đám báo lá cải mỗi độ xuân về, song không vì vậy mà chúng ta quên mất động cơ thật sự ẩn giấu sau việc này.

Nếu ai đó hỏi tôi về việc ăn Tết theo dương lịch thì tôi sẽ trả lời như thế này: Khi nào Việt Nam đủ giàu, cả thế giới sẽ chung vui Tết âm lịch với Việt Nam.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chuyện 231 cái tát !





Thiên hạ đang làm ầm lên chuyện cô giáo bắt học sinh tát bạn. Tổng cộng số cái tát lên đến 230 cái ( không tính cái tát của cô). Người ta lên án cô giáo nhưng không ai dặt vấn đề là tại sao 23 em học sinh lại đều phải nghe lời cô giáo để tát bạn mình mỗi người 10 cái?
Vấn đề nhân tính ở đây thế nào? Nếu học sinh không đồng ý tát bạn mình thì cô giáo này sẽ hành xử ra sao?
Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì 23 em học sinh có phạm phải tội đồng lõa hay không?
Không biết 23 đứa trẻ "tát bạn " này lớn lên chúng sẽ là những người thế nào? Có lẽ, cha mẹ các em cũng cần phải suy nghĩ về việc giáo huấn con mình!
Cũng ở lứa tuổi này, năm lớp 8 để phản đối lời nói đối của cô giáo chủ nhiệm hơn nửa lớp chúng tôi đã bỏ lớp ra ngoài trước mặt thầy hiệu phó.
Vì sao học trò bây giờ không có được hành động như chúng tôi ?
Nếu con tôi có hành động tát bạn mình như vậy thì hẳn tôi buộc nó xin lỗi bạn mình và nhận lại 10 cái tát từ bạn mình( Bạn không tát trả thì chính tôi sẽ tát nó)
Mới thấy, nền giáo dục ngày nay( nhà trường và gia đình) đã không còn biết dạy trẻ con về lòng tự trọng. Thật đáng xấu hổ cho những bậc cha mẹ đã lên tiếng sỉ vả, lên án cô giáo khi chính con mình là người đã thực hiện hành vi tát bạn mình theo lệnh cô giáo.
Và thật "tởm" cho cái giới truyền thông "bu lu bu loa" ngày nay.
Hành vi sai trái của cô giáo này cũng chỉ đáng bị đuổi việc, cấm hành nghề dạy học!

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Đạo văn kiểu Tây khác gì đạo văn kiểu Ta?






Nhà văn Anh - Ian McEwan bị cáo buộc đã sử dụng hồi ký của một nữ cựu y tá và tác giả của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Lucilla Andrews, khi viết cuốn “Đền tội”. Mặc dù trong lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của mình, ông đã ghi xuất xứ từ cuốn hồi ký của Andrews! Nhiều tác giả lớn đã lên tiếng bênh vực McEwan, kể cả nhà văn vừa đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro. Nhà văn Úc Thomas Keneally, tác giả cuốn sách được chuyển thể thành phim “Bản danh sách của Schindler” nói về vụ này như sau: "Tác phẩm văn học được xác định bởi giá trị của sự gia tăng chất lượng mà tài liệu thô trong tay nhà văn mang lại, tôi tin rằng những gì McEwan đã bổ sung cho nguyên bản không khiến ai nghi ngờ".





Quan niệm việc đạo văn trong lịch sử văn học thế giới


TRẦN HẬU


Khi bàn về nạn đạo văn trong các công trình khoa học, mọi chuyện tương đối đơn giản: bất cứ trích dẫn nào cũng phải được trình bày đúng, còn tính mới khoa học của tác phẩm phải được chứng minh rõ ràng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nói về tác phẩm văn học, về quyền tác giả đối với việc xem xét lại kinh nghiệm của người khác và tác phẩm của người khác? Trong cuốn sách của mình “Viết như Tolstoy”, nhà báo Mỹ Richard Cohen phân tích các thủ pháp và mánh khóe của nhà văn, và một trong những mánh khóe ấy được ông gọi là đạo văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Có phải bao giờ đạo văn cũng bị xử tệ?
Ngay trong thời cổ đại, các triết gia Hy Lạp đã khẳng định rằng nghệ thuật luôn luôn là sự bắt chước một cái gì đấy lý tưởng đã tồn tại. Sáng tác các vở kịch về những đề tài thần thoại nhất định để hàng năm trình diễn chúng trong các lễ hội, rõ ràng các nhà viết kịch cổ đại không thể tránh khỏi sự lặp lại và vay mượn trực tiếp. Thời La Mã cổ đại, sự sao chép và cải biên các kiệt tác được coi là một công việc hoàn toàn bình thường. Terence, Horace, Ovidius và Cicero không hiếm khi sao chép các tác phẩm của người khác.
Nhà viết kịch thời đại Baroque Lope de Vega đã sáng tác hơn 200 vở kịch. Lúc bấy giờ, nhà hát là nơi giải trí chủ yếu của nhân dân, trong vài ngày phải hoàn thành một vở kịch mới, vì khán giả không muốn xem những gì vừa diễn tuần trước, Lope de Vega và các đồng nghiệp của ông buộc phải xào xáo các vở kịch của mình, vay mượn các cốt truyện, nhân vật và lời thoại, làm cho các tình tiết trở nên ly kỳ để tạo ra cảm giác mới mẻ. Và dĩ nhiên, không ai nghĩ tới việc phê phán Shakespeare vì ông đã mượn câu chuyện về Cleopatracủa Plutarchus mà không trích dẫn xuất xứ. Điều chủ yếu là ông đã làm điều đó một cách tài tình.
Việc soạn lại cốt truyện khác đã thúc đẩy sự phát triển của nền văn học các dân tộc. Trên thực tế, toàn bộ nền văn hóa vay mượn đều xuất phát từ hình thức sơ đẳng nhất của đạo văn (sao chép không ghi rõ nguồn gốc), đó là khi một tác giả trích dẫn một tác giả khác, nhưng kín đáo đến mức chỉ những độc giả dày dạn kinh nghiệm mới phát hiện ra. Vì vậy một thời gian dài, kỹ năng đạo văn một cách thông minh và khéo léo được coi như một phẩm tính của nhà văn tài giỏi.
Mark Tvain cũng nói rằng: “99% những gì tạo ra trí tuệ của chúng ta là đạo văn - dưới dạng thuần túy và sơ khai của nó”.
Xin cho biết danh mục tài liệu tham khảo của bạn
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là giai đoạn xem xét lại khá cơ bản đạo văn như một hiện tượng. Số lượng tác phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, nguồn tài liệu có thể tiếp cận khắp nơi, và người ta đạo văn cũng nhiều, hơn nữa, không cần phải thật khéo léo. Trong khoa học, đã xuất hiện các phần mềm máy tính đặc biệt phát hiện đạo văn. Trong giới văn học, cuộc tranh luận về sự vay mượn đã chuyển sang hình thức kiện tụng, còn các nhà văn phải trả giá cho những vụ tai tiếng công khai bằng những tổn thất về danh tiếng (nghĩa là tiền bạc).
Trong cuốn sách bán chạy của Stephen Ambrose “Tầng cao xanh” nói về các phi công quân sự, người ta tìm thấy những đoạn văn dài chép từ một cuốn sách lịch sử, không ghi rõ xuất xứ. Về sau, đạo văn được phát hiện trong những cuốn tiểu thuyết trước đó của tác giả. Ambrose quả quyết rằng chỉ một phần nhỏ các tác phẩm của ông được sao chép của những người khác, nhưng ông không thể phục hồi danh dự.
Một vụ tai tiếng khác xảy ra với nhà văn Anh Ian McEwan, một trong những tác giả thành công nhất của nền văn xuôi đương đại. Ông bị cáo buộc đã sử dụng hồi ký của một nữ cựu y tá và tác giả của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Lucilla Andrews khi viết cuốn “Đền tội”, mặc dù trong lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của mình, ông đã ghi xuất xứ từ cuốn hồi ký của Andrews! Nhiều tác giả lớn đã lên tiếng bênh vực McEwan, kể cả nhà văn vừa đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro. Nhà văn Úc Thomas Keneally, tác giả cuốn sách được chuyển thể thành phim “Bản danh sách của Schindler” nói về vụ này như sau: "Tác phẩm văn học được xác định bởi giá trị của sự gia tăng chất lượng mà tài liệu thô trong tay nhà văn mang lại, tôi tin rằng những gì McEwan đã bổ sung cho nguyên bản không khiến ai nghi ngờ".
Rõ ràng, đó là phẩm chất chủ yếu phân biệt nhà văn với một kẻ đạo văn. Cả hai đều ăn cắp, nhưng nhà văn trả lại một cái gì đó lớn hơn. Nghĩa là, nhà văn được phép làm điều đó? Tuy nhiên, càng ngày sự tồn tại của Luật Bản quyền tác giả và cơ hội nhận được thu nhập từ văn học càng lớn đã đánh mất của nhà văn sự tự do sử dụng các tài liệu xuất xứ. Và thật khó nói một cách rõ ràng tự do này kết thúc ở đâu?
Cuộc đời người khác như nguồn một tài liệu
Vấn đề đạo văn liên quan tới không chỉ trách nhiệm pháp lý của tác giả mà cả trách nhiệm đạo đức. Việc sử dụng tác phẩm của người khác không được phép có thể gây ra thiệt hại đạo đức hoàn toàn cụ thể. Sau đây là một số ví dụ.
Năm 2004, khi nghiên cứu về những tên giết người hàng loạt, theo lời khuyên của bạn bè, nhà tâm thần học Dorothy Lewis đã đọc kịch bản của một vở diễn của nhà hát Broadway, và Dorothy phát hiện ra mình là nhân vật chính trong một tác phẩm của người khác. Kịch bản cũng nói về một nhà nữ tâm thần học, tuy nhiên, bà ta không chỉ nghiên cứu về những kẻ giết người hàng loạt mà thậm chí đã đem lòng yêu một tên trong đó. Tác phẩm đầy những chi tiết tiểu sử và trích dẫn lấy từ bài báo về Lewis.
Nhà viết kịch Anh Bryony Lavery, tác giả kịch bản thừa nhận với nhà báo rằng đã sử dụng bài viết của anh ta trong kịch bản của mình: “Tôi nghĩ rằng có thể thanh thản sử dụng tài liệu đó. Thậm chí tôi không nghĩ rằng phải xin phép bạn, tôi cho rằng đó là tin tức”. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp tác giả thực sự làm tăng giá trị của bản gốc, thì giải quyết thế nào với nỗi đau mà anh ta đã gây ra cho nguyên mẫu? Liệu tác giả có chịu trách nhiệm về những lo âu, dằn vặt ấy không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một số khán giả của vở kịch sẽ suy nghĩ và kể lại với những người khác rằng Dorothy Lewis quả thật là tình nhân của kẻ giết người hàng loạt kia?
Việc khai thác các hình tượng và cốt truyện từ những tin tức và chuyện tiếu lâm nói chung là một kỹ năng quan trọng của nhà văn đối với lịch sử văn học thế giới. Rất có thể, chúng ta sẽ không được đọc “Bà Bovary” nếu như sinh thời Gustave Flaubert không nghe được câu chuyện Delphine Delamare đã phản bội chồng và tự tử. Đơn giản là thông thường chúng ta không coi tình huống này là đạo văn, vì chúng ta không quan tâm: liệu những người thân của Delamare có băn khoăn về việc nhà văn mô tả họ như thế không; và nói chung, họ có muốn những câu chuyện này trở thành cơ sở của các tác phẩm hay không?
Các nhà văn cổ điển cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận khi sử dụng “tài liệu sống”. Ví dụ, Thomas Mann đã phải xin lỗi nhà viết kịch Gerhart Hauptmann. Không, Mann không sử dụng tài liệu từ các vở kịch của Hauptmann. Ông sử dụng chính Hauptmann, lấy những đặc điểm của nhà viết kịch gán cho một trong những nhân vật của mình trong tiểu thuyết “Ngọn núi phù thủy”.
Cuốn tiểu thuyết tự truyện “Hãy nhìn ngôi nhà của mình, Thiên thần” của nhà văn Mỹ cổ điển Thomas Wolfe đã gây tai tiếng thực sự tại thị trấn Asheville quê hương của nhà văn. Các cư dân ở đây phát hiện ra mình trong các nhân vật của cuốn sách, họ tức giận vì tác giả viết nhiều điều quá lộ liễu về họ; thậm chí họ nhớ cả những cảnh mà Wolfe đã bịa ra.
Wolfe nhận được những bức thư trách móc, xúc phạm, thậm chí đe dọa, nhiều năm sau ông không dám trở về thị trấn của mình. Cuộc trục xuất tạm thời này là một hình phạt nặng nề, cay đắng và bất công đối với ông. Bởi ông mong muốn điều tốt đẹp chứ hoàn toàn không có ý định vu khống ai hết.
Ông bố của nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie cũng phản ứng như vậy, khi lần đầu tiên đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những đứa trẻ lúc nửa đêm” và phát hiện ra ở đấy nguyên mẫu văn học của mình. Mặc dù là một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, bức chân dung trào phúng của một kẻ nát rượu cũng khiến ông nổi giận.
Câu chuyện cuối cùng chúng tôi kể kết hợp tất cả những hình thức đạo văn nói trên: đó là cùng một lúc nhà văn vừa sử dụng bất hợp pháp tác phẩm, vốn sống của người khác vừa thâm nhập vào bí mật đời tư người thân của mình. Chẳng bao lâu sau khi F. Scott Fitzgerald cưới Zelda Sayre, cuốn nhật ký cũ của bà bị mất tích bí ẩn. Thế rồi hai năm sau, bà bỗng phát hiện ra trong cuốn tiểu thuyết mới của chồng “Đẹp và đáng nguyền rủa” một đoạn chép từ cuốn nhật ký bị đánh mất của bà! Mà không chỉ thế, phu quân của bà còn đưa vào tiểu thuyết một số câu trong các bức thư của bà.
Fitzgerald sử dụng thủ pháp này nhiều lần, nhưng một lần Zelda đã trả thù ông. Vốn là một nhà văn, năm 1932, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết “Hãy cứu tôi, bản nhạc valse”, trong đó bà mô tả tỉ mỉ cuộc sống riêng của họ. Trò nghịch ngợm này đã thành công: Scott nổi cơn thịnh nộ, mặc dù thực ra ông ta xứng đáng phải nhận điều đó.
Nghề văn là như vậy: những cuốn sách khác, ý tưởng khác, cuộc đời khác – tất cả đều là nguyên liệu đối với tác giả. Và cho dù điều đó làm phật lòng các đồng nghiệp hay người thân, có lẽ, độc giả sẽ tha thứ tất cả. Tất nhiên, trong trường hợp đó là một cuốn sách hay.







Nguồn: Văn Nghệ Công An

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Học để thành tài hay để thành người?





Học để thành người. Làm người thì phải biết sống đúng với vai trò xã hội của mình và mẫu số chung trong tất cả diều kiện để sống đúng là tính trung thực.
“Phải để cho đứa trẻ là, hay trở thành chính bản thân nó”.- câu nói của Gs. Hồ Ngọc Đại đã gói gọn Công nghệ giáo dục mà ông đưa ra.
Đáng tiếc rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng câu nói của ông và tôi biết chắc những người chỉ trích ông chưa bao giờ dự một buổi dạy "trình diễn của Gs. Hồ Ngọc Đại.
" Hãy để cho đứa trẻ chính là bản thân của nó" - đó là TÍNH TRUNG THỰC.
Đáng buồn, một xã hội đang băng hoại bởi sự GiẢ DỐI do llối giáo dục mang tính "ÁP ĐẶT" tạo ra đang được thay đổi bởi lối giáo dục mang lại TÍNH TRUNG THỰC lại không được đồng thuận bởi chính tầng lớp được xem là TRÍ THỨC.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Cải cách ngôn ngữ Việt là hoang tưởng?







Nghe mấy vị Giáo sư, Giáo sự, Tiến sĩ , Tiến sị...bảo cải cách ngôn ngữ Việt là để người nước ngoài dễ học, chỉ muốn chửi thề.Tham vong quá lớn trở thành thành hoang tưởng. Người nước ngoài là ai? Là Anh, là Pháp, là Nhật, là Tàu hay Nga? Được mấy người học? Học ngôn ngữ Việt làm tế cha gì khi mà 4000 năm văn hiến chỉ nằm gỏn lọn trong vài cuốn sách!
Trừ khi họ phát hiện ra ngôn ngữ Việt có thể giao tiếp giới thế giới bên ngoài Trái đất.
Chả thấy một công trình nguyên cứu nào cho ra hồn về nguồn gốc tiếng Việt.
Chả phải người nước ngoài vẫn bảo nghe người Việt nói như nghe chim hót? Vậy phải chăng tiếng nói của người Việt bắt nguồn từ sự bắt chước tiếng nói của muôn loài? Chẳng phải tổ tiên của người Việt có nửa phần là loài chim đó sao?
Luôn luôn tự hào tiếng Việt giàu và đẹp, phong phú và đa dạng... điều này đúng thôi bởi Tiếng Việt là tiếng nói của Bách Việt kia mà! Đã giàu đẹp, phong phú và đa dạng rồi thì cải cách cho nó nghèo xấu, đơn điệu và nhàm chán chăng?


Mấy vị nghiên cứu bao năm chẳng lẽ không thấy người Việt xem ngôn ngữ thế giới là của trời cho, cứ vậy mà "chôm" về xài. Mà đã xài đồ "chùa" thì ai dại đi chọn đồ dỡ đồ dỏm mà xài chứ!
Tiếng nói, chữ Viết người Việt đều "chôm" ráo trọi. "Chôm" chữ Hán tạo ra chữ Nôm nhưng khổ nỗi cái chữ của hơn một tỷ dân kia xài cũng chẳng ngon lành.
Thời may, được cái chữ viết từ trên trời rơi xuống là chữ viết hiện nay xài cả trăm năm vẫn chưa hết.
Ngôn ngữ Việt luôn luôn tự thân vận động và phát triển đâu cần đến mấy bộ óc của mấy vị giáo sư, giáo sự, tiến sĩ , tiến sị...
Chỉ trong vòng mấy mươi năm ( sau 1975) người Việt đã khiến toàn thế giới kinh ngạc về sự thông minh và tài năng đó sao? ( mà đâu cần phải sử dụng ngôn ngữ Việt)
Bây giờ nói gara ai mà chả biết là nơi chứa xe ô tô. Nói cũng gọn viết cũng gọn chỉ với 3 chữ cái!
Làm ơn, dành thời gian tìm cách dạy cho lũ nhỏ sống tử tế, để mấy mươi năm xây dựng XHCN cái gì cũng phát triển chỉ có đạo đức xã hội và nhân cách con người là suy đồi!
Đừng hoang tưởng mà nghĩ đến việc cải cách ngôn ngữ Việt bởi sẽ phải cải cách mãi mãi

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

KHÔNG ĐẬP BÌNH CŨNG VỠ!





Mở đầu CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG ( cũng là cuộc chiến CHỐNG GIẶC NỘI XÂM) Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu " Đập chuột sợ bể bình". Câu nói này của ông đã phản ảnh đúng thực trạng " GIẶC THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM.".Ông đã xem 'THAM NHŨNG LÀ GIẶC NỘI XÂM" .

Giặc nội xâm làm mất chế độ đã đành, sao lại có thể lá " MẤT NƯỚC" ?


Ông đã từng bước tiến hành và " ĐỐT LÒ".Lò được đốt những cây " CỦI KHÔ" được đưa vào chụm và khi lò đủ nóng để có thể đốt " CỦI TƯƠI" không phải sợ lửa tắt.

NHƯNG CỦI TƯƠI CHƯA ĐƯỢC ĐƯA VÀO...

Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và hơn 58.000 đảng viên vi phạm, trong đó có trên 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Như vậy, phải có 2700 đảng viên bị khởi tố hình sự? ( ước chi Danh sách 2700 đảng viên này được công bố cho toàn dân được biết thì hay biết mấy. Các vị ĐBQH 'gà mờ" của chúng ta chắc cũng không biết và cũng không muốn biết!)

Khai mạc Hội nghi toàn quốc về Công tác Phòng chống Tham Nhũng ngày 25/6/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu : " CUỘC CHIẾN CHỐNG GIẶC NỘI XÂM CÒN KHÓ KHĂN , GIAN KHỔ, LÂU DÀI, CHỊU SỨC ÉP TỪ NHIỀU PHÍA"

SỨC ÉP TỪ PHÍA NHÂN DÂN LÀ ĐIỀU HIỂN NHIÊN!
THẾ CÒN NHIỀU SỨC ÉP NÀO KHIẾN CUỘC CHỐNG NỘI XÂM CÒN KHÓ KHĂN, GIAN KHỔ VÀ LÂU DÀI?

PHẢI CHĂNG TỒN TẠI SỨC ÉP TỪ GIẶC NỘI XÂM VÀ NGOẠI BANG?

CHUỘT VẪN Ở TRONG BÌNH.

Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực BCĐ, Trưởng ban Nội chính trung ương - trước hội nghị đã lưu ý "Quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng"

CHUỘT VẪN Ở TRONG BÌNH VẪN ĐƯỢC ĂN VÀ SINH SẢN NẾU NHƯ VIỆC CHỬA BỆNH CÂY KHÔNG LÀNH !

Cây hỏng loại bỏ chưa xong chửa bệnh cây là vô ích!
Ông Phan Đình Trạc nên chăm sóc một khu rừng thì sẽ hiểu. Đáng tiếc vì ông chưa bao giờ "trồng rừng"!

Lũ chuột sinh sôi đến ngày nào đó sẽ " TỰ PHÁ VỠ BÌNH" .
KHÔNG ĐẬP BÌNH CŨNG VỠ!

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

LÝ THUYẾT VỀ MINH BẠCH VÀ BIKINI





Có quan điểm được nâng lên tầm lý thuyết khi biện hộ rằng, sự minh bạch giống y phục với phụ nữ. Trước công chúng, có thể người phụ nữ phục sức đơn giản, hay… cởi gì gì chăng nữa, song không thể vượt qua giới hạn bikini. Bởi nếu vượt qua, sẽ thành con dở hơi hoặc con điên. Minh bạch cũng thế.

Cái lý thuyết trên xem ra “hạp” với việc kê khai tài sản của 1.000 cán bộ ở nước ta hiện nay.


Tự kê khai rồi nhét vào hồ sơ, OK.

Nhưng kê khai rồi phải kiểm tra, giám sát thì lại rất nhậy cảm, khó làm vì động chạm đến quyền riêng tư.

Có lẽ nó nhậy cảm, khó làm như minh bạch và bikini vậy ?

Vương Xuân Tình

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Muốn dân tin- hãy thực hiện theo Di chúc Cụ Hồ

Tác giả: TS Nguyễn Ngọc Chu


Nếu không thể “cách mạng” triệt để về quyền lực của Quốc hội thì cũng có thể đi một bước quá độ. Đó là biến Ban chấp hành Trung ương Đảng thành Thượng Viện và Quốc Hội là Hạ viện. (NNC).






Khi ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với cử tri Thủ Thiêm hôm 20/6/2018 rằng “ Thành phố không gạt bà con. Thành ủy này không gạt bà con”, người viết đọc ra trong đó một vị… chát đắng?


Đó là không phải Dân không muốn tin, mà Dân không dám tin chính quyền nữa. Vì sao?


Vậy làm thế nào để lấy lại lòng tin của Dân?


KHÓC CHO MỘT MẶT BẰNG THƯỢNG THƯ, NGHỊ SĨ


Khi ông Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dùng hai từ THU GIÁ thì cả xã hội sững sờ. Sử dụng hai từ THU GIÁ vô nghĩa và không có trong tiếng Việt, ông Thể đã tự phơi bày mức độ thảm hại của cái bằng tiến sĩ mà ông sở hữu. Nhưng đó chưa phải là điều mấu chốt. Điều mấu chốt nằm ở chỗ, để bảo vệ cho việc tự do điều chỉnh phí BOT của các nhóm lợi ích, mà một ông Thượng thư mang học vị tiến sĩ đã chịu biến thành mù chữ, mù cả luật pháp. Nói mù luật pháp vì nếu thay THU GIÁ cho THU PHÍ mà tránh được pháp luật thì một người TỬ TÙ tự mình gọi mình TẠM TÙ có thoát chết được không? Đó là sự trơ trẽn chỉ có trong thời nay.


Nhưng không chỉ có ông Thể, tiếp ngay sau đó lại đến lượt ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, vin vào Luật, cũng đề xuất GIÁ thay cho PHÍ. Ông Nhạ cũng không chỉ tự làm xấu học vị học hàm của mình, mà còn làm tổn thương đến chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của quốc gia.


Không hết, lại đến lượt ông nghị Nguyễn Đức Kiên bảo vệ hai từ THU GIÁ làm cho dư luận phẫn nộ và tê tái, vì một người trình độ như ông Kiên mà lại leo lên được đến ghế Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội.


Rồi tiếp đến là ông Võ Trọng Việt “dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” làm cả xã hội cười nghiêng ngả, dù cười xong muốn khóc. Không phải lo quốc tế chê cười trình độ của Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam, mà là lo cho nền an ninh quốc phòng của nước nhà đang nằm trong những cánh tay không tương xứng.


Có bao nhiêu ông thượng thư và ông nghị như ông Thể, ông Nhạ, ông Kiên, ông Việt? Họ không chỉ là nỗi hài hước của dân mà còn là tai vạ. Một mặt bằng thượng thư và nghị sĩ thấp đến mức tủi hổ như vậy thì Đất nước làm sao có cơ hội để đuổi kịp các nước tiên tiến!


THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN ĐBQH


Người dân từ ngàn xưa vốn chỉ muốn bình yên. Nhưng khi họ, cực chẳng đã, phải cất lên tiếng nói phản kháng lo lắng, thì đó không chỉ là vì họ bị dồn đến đường cùng, mà còn bởi chính là lúc vận nước đang bị đe dọa.


Một mặt bằng thượng thư và nghị sĩ thấp như hiện nay, chẳng những không thể đưa Đất nước bắt kịp bước đi nhân loại, mà hoàn toàn không thể đối phó được với kẻ thủ thâm hiểm đang ngày một bành trướng lớn mạnh.


Đã đến lúc phải thay đổi phương thức bầu cử ĐBQH. Rằng mọi ứng cử viên muốn tham gia ứng cử để trở thành ĐBQH thì bắt buộc phải thu được một số lượng chữ ký tối thiểu của cử tri, chẳng hạn là 50 000, và tiến hành tranh cử trực tiếp theo khu vực. Chứ không thể là cách Đảng cử và Dân điền phiếu như hiện nay. Lúc đó chất lượng ĐBQH sẽ hoàn toàn khác biệt.


THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN NHÂN SỰ CAO CẤP


Trong Di chúc của mình Cụ Hồ viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Thực trạng hàng ngũ lãnh đạo của Đảng mỗi ngày một yếu kém hơn như hiện nay là vì dân chủ trong Đảng chưa được thực hành rộng rãi.


Đã đến lúc phải “cách mạng” cách thức lựa chọn cán bộ, nhân sự lãnh đạo cao cấp, từ những người đứng đầu các tỉnh, những vị trí vô cùng quan trọng đến những người giữ chức bộ trưởng trong chính phủ…trở lên.


Tương tự như trong bầu cử ĐBQH nêu ở trên, mỗi một ứng viên ứng cử vào vị trí UVTƯ Đảng phải thu được một lượng chữ ký tối thiểu, chẳng hạn là của 10 000 đảng viên. Sau đó là tranh cử với các ứng viên khác bằng phổ thông đầu phiếu của toàn bộ đảng viên nơi địa phương mà ứng cử viên muốn tranh chức UVTƯ Đảng. Nếu làm được như vậy, trình độ các UVTƯ Đảng sẽ dần dần được nâng cao chất lượng, vượt xa so với hiện tại.


Từ các UVTƯ Đảng, bằng cách đối đầu loại trực tiếp giữa hai địa phương qua phổ thông đầu phiếu toàn bộ đảng viên của hai địa phương, giống như thể thức bóng đá, mà tìm ra nhân sự cao cấp, ưu tú. Người chiến thắng tất có trí tuệ vượt trội.


Hàng ngũ lãnh đạo Đảng mà mạnh thì Đảng tất mạnh. Hàng ngũ lãnh đạo của Đảng mà yếu thì Đảng tất yếu. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thông qua quyền bàu cử trực tiếp của các đảng viên sẽ lựa chọn cho Đảng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi.


GIẢI PHÁP QUÁ ĐỘ


Thực tế hiện nay, mọi việc quan trọng đều do Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định trước, rồi mới chuyển sang Quốc hội bỏ phiếu. Cho nên Quốc hội ít có thực quyền. Minh chứng gần đây nhất là về Dự thảo luật Đặc khu. Bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã thừa nhận: “Bộ Chính trị đã quyết định rồi, Dự thảo không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật”.


Bởi thế, muốn lấy lại lòng tin của Dân trước hết Quốc hội phải thực quyền, đồng thời các ĐBQH phải là đại diện do chính Dân lựa chọn.


Nếu không thể “cách mạng” triệt để về quyền lực của Quốc hội thì cũng có thể đi một bước quá độ. Đó là biến Ban chấp hành Trung ương Đảng thành Thượng Viện và Quốc Hội là Hạ viện.


Làm được những điều nêu trên tất sẽ rất có lợi cho Đất nước.


HÃY LÀM THEO DI CHÚC CỤ HỒ


Lịch sử không có chữ nếu. Nên không nhắc lại lịch sử từ Đại hội Tour. Không nhắc đến những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho TT Mỹ Truman. Không nhắc đến những lời Stalin khi gặp Hồ Chủ Tịch. Không nhắc đến Cải cách ruộng đất và Trung Quốc. Chỉ biết một thực tế là vào thời điểm cuối cùng trước khi từ giã cõi đời, trong Di chúc Cụ Hồ đã ghi: “Xây đựng một nước Việt Nam, hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, và giàu mạnh”.


Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc xâm lược, vì sao dân tộc Việt Nam thắng lợi? Đó là bởi khi đó Đảng hòa mình vào Dân, cùng toàn Dân dành độc lập cho Đất nước. Đó là lúc Đảng không sợ mất quyền lực mà đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên hết. Từ ngàn xưa các thời Đinh Lý Trần Lê, chưa có Đảng nhưng dân tộc Việt Nam bất khuất đã đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.


Những lời vấn an của ông Nguyễn Thiện Nhân “không gạt bà con” cho thấy niềm tin của Dân lúc này. Muốn lấy lại lòng tin của Dân, thì đừng lo mất quyền lực, mà hãy lo làm sao để Tổ Quốc cường thịnh, Dân được ấm no.


Những tiền bối của Đảng đều ý thức sâu sắc rằng, không thể níu giữ quyền lực bằng cấm đoán, lao tù và súng đạn. Cụ Hồ đã nhìn xa nên không ngừng khuyên nhủ đội ngũ cán bộ dưới quyền phải thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng. Có dân chủ trong Đảng thì mới có dân chủ trong xã hội.


Nếu thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, 4.5 triệu đảng viên của Đảng được tự do bàu cử lãnh đạo của mình thì Đảng sẽ tất mạnh.


Vào cùng một thời điểm trong vũ trụ bao la, nơi này có mặt trời sinh ra thì nơi khác mặt trời tan biến. Đến vũ trụ không cùng mà còn không ngừng thay đổi, huống chi một đất nước, một nền pháp trị đang phải hoàn thiện bởi còn quá nhiều khiếm khuyết…

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

AI LÀ KẺ BÁN NƯỚC




Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng đã dần giành lại niềm tin của nhân dân lao động và trí thức trong và ngoài nước.

Việc xử lý Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm, Trọc Hệ, Phan Văn Vĩnh, Đinh La Thăng...những mắc xích quan trọng của "Băng Nhóm lợi ích" đã làm rúng động cả hệ thống Tham Nhũng.


Bên cạnh đó là những Cải cách đúng đắn từ Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Giáo dục, Bảo Hiểm Xã Hội., Bộ thông tin truyền thông.. nhất là đề án cải cách tiền lương đã cho thấy Đảng đang đang đồng hành cùng Nhân nhân.

Việc thay đổi Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị( con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) là Tối hậu thư đối với "Băng nhóm lợi ích" và những kẻ Tham nhũng đang còn tại vị trong Đảng, Quốc Hội và Chính Phủ. Những sai phạm ở Phú Quốc, Thủ Thiêm ...lần lược được phơi bày. Đặc biệt trên mạng Xã Hội hàng loạt những sai phạm của các quan chức lớn nhỏ( luôn có dấu hiệu tham nhũng) được tiết lộ...nhận được sự ủng hộ rất lớn của đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.

Với đà này, sẽ không ít những vị Đại biểu quốc hội đương nhiệm sẽ bị vạch trần bởi mạng Xã hội. Điều đó cũng giải thích vì sao 80% ĐBQH bỏ phiếu thông qua Luật An Ninh Mạng. Chúng ta đều biết hầu hết các ĐH quốc hội đều là quan chức Nhà Nước đương nhiệm! Tìm được một quan chức Nhà nước trong sạch thì được mấy người.
"Tham nhũng" là " Quốc nạn" . Từ "tội phạm Tham nhũng" tiến đến sự phản bội dân tộc, sẳn sàng bán đứng đất nước cho ngoại bang.

Luật Đặc khu, Luật an ninh mạng được đưa ra đúng vào thời điểm khí thế toàn dân tham gia chống " Tham nhũng" lên đến cao trào.
Mấy ngày qua, phản ứng của đồng bào trong và ngoài nước cho thấy niềm tin vào công cuộc cải tổ của TBT Nguyễn Phú Trọng, Vào một Chính phủ kiến tạo không khỏi bị giảm sút.
Và Ai là người được lợi?




Vàng thiệt không sợ lửa

Chúng ta đều quen thuộc với câu " Vàng thiệt thì không sợ lửa",

Tiền thân của Luật An ninh Mang phải chăng là Nghị định 72/2013 NĐ-CP do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/072013 vốn được xem là nhằm hạn chế "Tự do ngôn luận". Cũng chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là người " Kiên quyết cấm Báo chí Tư nhân".

Chỉ mới đây, ,ngày 1/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

So với quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thi hành, Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không còn phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng như chuẩn bị hồ sơ cấp phép trong các lĩnh vực thông tin điện tử, viễn thông… Nghị định 27/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.

Nghị Định còn chưa kịp triển khai rộng rãi thì Luật An ninh mạng được trình.Mục tiêu của Luật An ninh mạng được ông Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nói trên tờ VnExpress: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”. Với phát biểu này khiến người ta hiểu rằng Luật An Ninh Mạng ngăn chặn " việc truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước"- và để làm được điều đó thì phải "hạn chế việc sử dụng internet, mạng xã hội " của người dân.

Cũng với phát biểu đó, Luật An ninh mạng là giúp người dân có ý thức trong việ phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình.

Bảo vệ bản thân và gia đình ai? Phải chăng đó là những "QUAN THAM"!

Lẽ nào, ở cương vị của ông lại không hiểu tinh thần của Nghị định 28/2018 mà Thủ tướng chính phủ vừa ban hành. Và chắc ông cũng không nghe, không biết gì vế những phát biểu của Bô trưởng Bộ Công An Tô Lâm ?

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đã thống nhất xem quyền sử dụng internet là một trong những quyền của con người.

Thế giới se nghĩ gì trước phát biểu của Ông Nguyễn Thanh Hồng- Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam,?

Có điều, dưới con mắt của nhiều vị Đại biểu quốc hội thì Luật An ninh mạng ( trong lúc biểu tình chống Luật Đặc Khu đang rầm rộ) là cần thiết , có thể bảo vệ được chế độ, phòng chống được tội phạm và bảo vệ được bản thân và gia đình của công dân.


Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ 1/1/2019) quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng gồm:
1

Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2

Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3

Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4

Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5

Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6

Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của Luật này.

Chuyên gia an ninh mạng Dương Ngọc Thái đã lên tiếng cảnh báo những sai lầm nghiêm trọng của Luật an ninh mạng: Nguy cơ vừa mất an ninh quốc gia vừa kìm hãm sự phát triển đất nước.

Xen bài ( https://www.facebook.com/phamdinhtructhu/posts/2128362267445683)


Thế nhưng Luật an ninh mạng được thông qua với đa số phiếu.

Có ý kiến cho rằng Chính phủ nên công khai danh sách những đại biểu bấm nút đống ý. Điều này hoàn toàn đúng đắn. Không thì những vị này cũng tự công khai danh tính mình để dân ngưỡng mộ và biết đâu trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục dành cho lá phiếu bầu. Để có một Chính phủ Minh bạch thì trước hết quốc hội nên thực hiện sự minh bạch.


( còn tiếp)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

BÂY GIỜ KÝ GIẢ ĂN LƯƠNG NÊN ĐÂU CẦN PHẢI ĂN MÀY TỰ DO



BÂY GIỜ KÝ GIẢ ĂN LƯƠNG
NÊN ĐÂU CẦN PHẢI ĂN MÀY TỰ DO
CỚ CHI DÂN CHÚNG PHẢI LO
LUẬT AN NINH MẠNG NHẬP KHO ĂN MÀY

Năm 1972 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.

Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.

Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam; Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ – nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà...

Danh xưng ban đầu là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày", nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò... gọi chung là "công nhân liên thuộc".

Ban tổ chức quyết định chọn ngày 10 tháng 10 năm 1974 làm ngày xuống đường biểu tình. Nón lá, bị, gậy (các vật dụng của ăn mày) được chuẩn bị sẵn. Các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày". Các lực lượng cũng được bố trí theo vòng trong, vòng ngoài, sẵn sàng đối phó với việc bị khủng bố từ phía chính quyền. Chính quyền Sài Gòn cũng đã được ban tổ chức chính thức thông báo.

Suốt trong ngày 9/10/1974, rất nhiều thành phần trong giới báo chí, quần chúng cảm tình với báo chí, nghị sĩ, dân biểu... đã đến Câu lạc bộ báo chí (số 15 Lê Lợi) để bày tỏ cảm tình, tiếp tế bánh mì, thuốc lá, cà phê, cam, chanh...

Sáng 10-10-1974, một nguồn tin cho biết, chính quyền Sài Gòn sẽ "không đàn áp bằng vũ lực, không giải tán nhưng cũng không cho ký giả xuống đường đi ăn mày". Thực sự, chính quyền đã bố trí một lực lượng binh lính, mật thám, xe Jeep... để đàn áp.

Đúng 8 giờ sáng, Nguyễn Kiên Giang thay mặt Ban tổ chức đọc bản tuyên bố "Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu".

Sau khi lệnh xuất phát được ban ra, đoàn người bắt đầu tìm cách phá hàng rào bao vây của cảnh sát, vì thế đã xảy ra xô xát. Trước quảng trường bao quanh Câu lạc bộ báo chí, cảnh sát tổ chức một hàng rào mạnh chặn ngang đường Lê Lợi, nhằm ngăn cản đoàn biểu tình đi theo lộ trình đã được vạch sẵn từ trước: xuống chợ Bến Thành, vòng công trường Quách Thị Trang rồi trở về quảng trường trước trụ sở Hạ viện (nay là Nhà hát Thành phố). Nhưng cuối cùng đoàn người biểu tình đã phá vỡ hàng rào cảnh sát, kéo nhau đi. Đi đầu đoàn biểu tình là Ban tổ chức với biểu ngữ: "10-10-1974, ngày báo chí đi ăn mày". Cùng với đoàn ký giả đi ăn mày còn có các khẩu hiệu khác: "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức". "Tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Đả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", v.v... Hai bên đoàn biểu tình là Biệt đoàn ký giả nhân dân tự vệ, có nhiệm vụ chống đỡ cho đoàn ký giả nếu xảy ra đàn áp.

Trong ngày 10/10/1974, đoàn ký giả đã hoàn thành lộ trình định sẵn, kết thúc thành công cuộc xuống đường biểu tình. Sau khi giải tán, một số nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt - đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện để canh giữ quà biếu nhận đường từ quần chúng. Tại đây đã diễn ra một cuộc đàn áp của cảnh sát, trực tiếp chỉ huy là Giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn. Nhiều người bị đánh đập bằng dùi cui, trong đó nặng nhất là dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng.

Đoàn biểu tình đặt ông Dũng lên băng ca, khiêng đến đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để "nằm vạ đòi công lý", nhưng giữa đường bị cảnh sát chặn lại, đàn áp bằng vũ lực, cuối cùng phải quay trở lại Hạ viện.

Cả hai đài Tiếng nói Hoa Kỳ và BBC đều nhìn nhận đây là "cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 3 năm qua". Uy tín của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu càng bị suy giảm nặng nề.

NGUỒN : wiki

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

KHÔNG 99 NĂM. KHÔNG 70 NĂM. KHÔNG ĐẶC KHU. ĐỪNG TẠO CƠ HỘI CHO KẺ THÙ XÂM CHIẾM ĐẤT ĐAI CỦA TỔ TIÊN MỘT CÁCH HỢP PHÁP



KHÔNG 99 NĂM. KHÔNG 70 NĂM. KHÔNG ĐẶC KHU. ĐỪNG TẠO CƠ HỘI CHO KẺ THÙ XÂM CHIẾM ĐẤT ĐAI CỦA TỔ TIÊN MỘT CÁCH HỢP PHÁP

I. ÁT CHỦ BÀI ĐÃ BỊ LẬT TẨY

Đến bây giờ thì át chủ bài đã bị lật tẩy. Không chỉ những người quan tâm đến luật đặc khu, mà cả đất nước đều rõ tỏ, là đặc khu Vân Đồn nhắm vào Trung Quốc.

Dự thảo luật đặc khu, Điều 54, khoản 4, đã được cộng đồng mạng “phổ cập”:
“Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam.”

Người Trung Quốc được ưu ái đặc biệt ở đặc khu Vân Đồn, được ghi rõ rành rành trong luật đầu tư. Vân Đồn là dành đặc biệt cho người Trung Quốc.

Với điều khoản này, 1 tỷ 414 triệu 688 ngàn 453 người Trung Quốc, (theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp quốc ngày 07/06/2018), chỉ cần chứng minh thư mà không cần hộ chiếu, sẽ được tự do ra vào Vân Đồn tùy thích!

Thế còn 96 triệu 429 ngàn 667 người Việt Nam (cũng thống kê của Liên Hợp Quốc ngày 07/06/2018) có được tự do ra vào Thâm Quyến bằng chứng minh thư không? Không!

Mở đặc khu để thêm bị thấp hèn thì mở làm gì!

II. KHÔNG CHÍNH DANH

Đường đường là luật đầu tư của một quốc gia sao còn giấu giếm sự thật. Rõ ràng người dự thảo luật đã cố tình giấu hai từ Trung Quốc để che mắt nhân dân. Nhưng sao cả gần 500 vị ĐBQH đã thảo luận luật đặc khu hôm 23/5/2018 mà không thấy ai chỉ thẳng ra điều này? Cầm quyền mà giấu dân là không chính danh.

Bới thế, Quốc Hội phải trừng trị những kẻ đã cố ý đẩy Quốc Hội vào tình cảnh không chính danh.

III. THÂM QUYẾN, ĐẶNG TIỂU BÌNH VÀ CON TÌ HƯU

Thâm Quyến là một đặc khu cũ rích không đáng để học. Nếu muốn học thì gần có Singapore, xa hơn là Nhật, xa nữa là Đức, Mỹ. Trên thế gian này thiếu gì nơi học mà phải học Thâm Quyến.

Nhưng Bộ KH và ĐT lại lấy tiền thuế của dân để đưa đoàn nhà báo đi tham quan Thâm Quyến, nhằm cổ súy cho mở đặc khu kiểu Thâm Quyến, đi ngược lại lòng dân, làm một điều lãng phí có tội, nên phải nói đôi điều.

1. Về tính thời sự, đặc khu Thâm Quyến mở ra khi Trung Quốc còn đóng cửa với thế giới bên ngoài, vào thập niên 1980, nhưng Việt Nam cũng đã mở cửa hơn 30 năm, từ cuối thập niên 1980, đã tiếp xúc với các nền kinh tế tiên tiến nhất như như Nhật, Mỹ, châu Âu, hơn hẳn Thâm Quyến rồi, nên Thâm Quyến không có gì mới lạ với Việt Nam nữa. Tính thời sự của Thâm Quyến đối với Việt Nam bằng 0.

2. Đặng Tiểu Bình không đặt đặc khu ở Thượng Hải, Đại Liên hay một nơi nào khác mà ở Thâm Quyến vì Thâm Quyến cạnh Hồng Kông, để đón lõng dòng đầu tư từ Hồng Kông, do các nhà tư bản Hồng Kông đối phó với việc Hồng Kông sẽ nhập vào Trung Quốc năm 1997. Thâm Quyến phát triển là nhờ chủ yếu từ đầu tư của người Hoa Hồng Kông.

3. Cho nên sau Thâm Quyến, đặc khu Chu Hải ở gần đó không thành công. Vì dòng đầu tư chính từ Hồng Kông đã đổ vào Thâm Quyến.

4. Tại sao lại Thâm Quyến? Là vì con Tì Hưu.

Tì Hưu là con vật ăn vào mà không ỉa đái ra. Thần thoại Hy lạp có bao nhiêu con quái vật mình người đầu thú hay ngược lại, nhưng không có con nào quái đản như con Tì Hưu.

Con Tì Hưu là lòng tham vô độ, đi ngược với tuần hoàn tự nhiên. Chỉ có lòng tham và tính nghịch tặc vô độ mới nghĩ ra được con Tì Hưu. Con tì Hưu là sản phẩm của người Tàu.

Cũng chỉ có Đặng Tiểu Bình, kẻ có lòng tham vô độ và nghịch tặc tày trời, nên mới mở đặc khu ở Thâm Quyến, đón dòng tiền từ Hồng Kông, không cho chảy ra khỏi Trung Hoa. Đặng Tiểu Bình là một đại Tì Hưu.

5. Bởi thế, bất cứ ai trong Chính Phủ và Quốc Hội, trước khi nghĩ rằng mình có tài khống chế được Trung Quốc khi mở ra đặc khu Vân Đồn, thì hãy tự hỏi rằng có đủ trí tuệ để nghĩ ra được con Tì Hưu quái đản hay không. Nếu không đủ trí tuệ để nghĩ ra được con Tì Hưu, thì đừng mở đặc khu Vân Đồn, vì không cản trở được Trung Quốc thâu tóm.

IV. TRUNG QUỐC SẼ THÂU TÓM ĐẶC KHU VÂN ĐỒN NHƯ THẾ NÀO?

Trung Quốc có muôn ngàn mưu kế để thâu tóm Vân Đồn mà Việt Nam không có cách nào ngăn chặn được. Mở đặc khu Vân Đồn là giúp cho Trung Quốc thâu tóm Vân Đồn một cách hợp pháp. Đơn giản bởi Trung Quốc có rất nhiều tiền, lòng tham không giới hạn, nhẫn tâm, thâm độc.

Trung Quốc không chỉ thâu tóm Vân Đồn mà còn thâu tóm các tập đoàn lớn của Việt Nam khi cổ phần hóa. Đã cổ phần hóa thì không thể cưỡng lại được đấu giá. Mà đấu giá thì kẻ nhiều tiền sẽ thâu tóm. Sabeco là một thí dụ điển hình.

Đừng nghĩ rằng tỷ phú gốc Hoa quốc tịch Thái thâu tóm Sabeco không dính dáng đến Trung quốc. Nếu quả thực chưa dính dáng thì biến thành của Trung Quốc cũng không khó gì.

VTV vào phút chỏt hôm nay đã mua bản quyền world cup từ Infront Sports & Media với giá trên dưới chừng 10 triệu usd. Nhưng ít người nhớ rằng năm 2015 Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt của Trung Quốc đã chi khoảng 1,1 tỉ USD để sở hữu Infront Sports & Media. Sống động hơn, hãy nhớ lại hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm Varyag của Liên Xô vì không có tiền và do Liên Xô tan rã mà nằm phơi sương gió ở cảng Ôdexa. Một tỷ phú Hồng Kông thấy “lãng phí”nên xin được mua về làm sàn nhảy trên cảng với giá 2 triệu USD. Điều kiện là động cơ cùng các thiết bị điện tử, kỹ thuật quân sự trên tàu phải được dỡ bỏ thì mới được bán. Nhưng đồng tiền đã đưa đường chỉ lối để cuối cùng hàng không mẫu hạm Varyag được chia gói chuyển về Hồng Kông nguyên vẹn. Ít năm sau thì tự nhiên nó“tàng hình thành Liêu Ninh”.

Trung Quốc đã có một thương vụ xiếc ngoạn mục, tốn dăm triệu USD mà có được chiếc hàng không mẫu hạm đáng giá nhiều trăm triệu đô la. Hơn cả là sở hữu công nghệ hàng không mẫu hạm. Rút ngắn cả chục năm trong cuộc chạy đua hàng không mẫu hạm với Nga và Mỹ.

Trung Quốc sẽ thâu tóm Vân Đồn trực tiếp, hay qua bàn tay người khác, lúc này hay dăm mười năm sau. Dưới vỏ bọc của các nhà đầu tư phương Tây, Hoa Kiều các nước, và mua lại các đại gia Việt Nam đang hối hả đầu tư tại Vân Đồn để kiếm lời. Vì mục tiêu quân sự, lãnh thổ và bành trướng, Trung Quốc không đếm xỉa đến giá cả. Còn kẻ đã đi làm giàu thì không thể cưỡng lại những núi tiền.

Khi trở thành đặc khu, chuyện thâu tóm Vân Đồn đối với Trung Quốc “dễ như trở bàn tay”. Đừng mơ hồ là chúng ta có chủ quyền.

Chúng ta có chủ quyền, thế mà ở Đà Nẵng người Trung Quốc xây phố Tàu, người Trung Quốc mua đất rầm rầm, nhưng ông BT Bộ TN &MT trả lời trước QH là không thấy, và còn ngồi chờ người đến báo!

Chúng ta có chủ quyền, không có từ nào nói đến Trung Quốc, mà Trung Quốc thắng thầu khắp mọi nơi.

Chúng ta có chủ quyền, nhưng đến ông bộ trưởng “thét ra lửa” Đinh La Thăng cũng phải ngậm đắng nuốt cay, không đuổi được nhà thầu Trung Quốc.

Huống hồ chi là mở đặc khu, với chỉ định mở cửa đích danh cho người Trung Quốc, thì chủ quyền đặc khu chỉ còn là cái bóng bóng.

Có người phản bác tại sao lại chia rẽ với Trung Quốc. Chúng ta không chia rẽ với nhân dân Trung Quốc, mà là chống lại kẻ cầm quyền độc tài ở Trung Quốc có dã tâm thôn tính nước ta, đang ăn cướp biển đảo của ta, ngày đêm xua đuổi đâm chìm thuyền đánh cá của ngư dân nước ta, không cho chúng ta khai thác đầu khí ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

V. VÂN ĐỒN HỨNG CÁI GÌ?

Những người cổ súy cho đặc khu đang vẽ ra những nguồn thu khổng lồ nhiều chục tỷ đô la. Trong lúc đó thì ngân sách đang thâm hụt phải đảo nợ, nên Chính phủ và Quốc hội khó mà cưỡng lại chiếc bánh vẽ lợi nhuận đặc khu.

Trên thực tế thì sẽ rất khác xa. Nguồn thu sẽ không như bản vẽ. Ở Vân Đồn sẽ không có hy vọng đón dòng đầu tư công nghệ cao. Thay vào đó là cơn sốt bất động sản. Tiếp đến là sòng bạc và phố đèn đỏ. Cùng với dòng khách du lịch là những tệ nạn xã hội.

Trung Quốc có nhiều điều kinh khủng. Nhưng không phải ở nền công nghiệp 4.0 mà một số lãnh đạo Việt Nam hay dùng, cũng như những kẻ sính từ khác là cửa miệng. Những người bảo vệ Trung Quốc vì đặc khu, hãy chỉ ra những sáng chế cách mạng bước ngoặt nào của Trung Quốc đi trước Mỹ, Nga, Đức, Nhật? Chưa bao giờ. Hiện thời Trung Quốc còn đi sau. Trung Quốc chỉ là kẻ nhái công nghệ siêu hạng.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “thầy nào trò nấy”. Chẳng hạn như trong bóng đá, có những ông thầy không dạy về kỹ thuật, mà chỉ dạy tiểu xảo chèn kéo đánh nguội đối thủ. Đi theo Trung Quốc là học làm hàng nhái, là làm đồ giả, là học tiểu xảo.

Cho nên nếu ai đó nghĩ rằng, mở đặc khu Vân Đồn để học công nghệ tân tiến của Trung Quốc thì thật nhầm to. Đừng cao giọng về “phượng hoàng”.

Sau những nguy hiểm về quân sự và lãnh thổ, điều đáng lo ngại mà Vân Đồn phải hứng chịu là những băng nhóm tội phạm từ Trung Quốc tràn sang tìm nơi trú ẩn, hành nghề, lừa đảo. Một cơ chế vào ra tự do cho người Trung Quốc là tấm thẻ xanh cho những kẻ tội phạm trốn tránh. Trung Quốc là nước ngầm khuyến khích tội phạm di cư ra nước ngoài.

Có người mong rằng mở đặc khu thì có các cường quốc đến làm rào cản Trung Quốc. Lại là một giấc mơ tự sướng. Quan hệ với các cường quốc nằm ở tầng khác. Không phải ở những mưu nhỏ này. Hơn thế nữa Trung Quốc là cáo già của phép “nhân kế nó dùng kế mình”.

VI. DỨT KHOÁT KHÔNG CẦN ĐẶC KHU

Chìa khoá không nằm ở đặc khu. Thí điểm thể chế đặc khu không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Muốn giải quyết vấn đề cốt lõi thì cả nước phải là một đặc khu với một cơ chế mới.

Cả chục khu công nghiệp, trong đó có Dung Quất, Chu Lai , đã thất bại thảm hại. Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc chưa thành công sau đã hai chục năm. Số phận ba đặc khu mới rồi cũng sẽ như vậy.

Mở đặc khu là lợi ích nhóm. Những kẻ bảo vệ lợi ích nhóm đang thúc đẩy thông qua luật đặc khu bằng mọi giá. Vì đồng tiền chúng bất chấp an nguy của Tổ Quốc.

Con đại bàng đã nhìn thấy mồi ở khoảng cách 3 km từ trời xanh, mà con thỏ thì chỉ đang nhìn thấy bụi cỏ trước mắt. Không phải vẽ ra tai hoạ, mà phải nhìn thấy trước được tại hoạ.

Sự khác biệt mang tính nguyên tắc giữa Thâm Quyến và Vân Đồn nằm ở chỗ , Thâm Quyến là Trung Quốc mở đặc khu cho người Trung Quốc, còn Vân Đồn là Việt Nam mở đặc khu cho người Tàu.

Nạn kiều năm 1976-1978 đã là một trong những nguyên do cơ bản để tên giặc già Đặng Tiểu Bình xua quân đánh chiếm nước ta ròng rã 10 năm trời. Nạn kiều cũng là nguyên do mà nhân dân Ucraina hiện đang hứng chịu cuộc nội chiến đau thương phân chia đất nước.

Dân tộc Việt Nam không cần đặc khu. Không phải đầu tư nước ngoài, mà con người và cơ chế mới quyết định sức bật của đất nước. An nguy của Tổ Quốc là tối thượng. Lợi ích nhóm không có nghĩa gì trước vận mệnh của Dân Tộc.

Không 99 năm. Không 70 năm. Không đặc khu. Hãy ngừng luật đặc khu. Đừng tạo cơ hội cho kẻ thù xâm chiếm đất đai của Tổ Tiên một cách hợp pháp.

Đừng nghĩ rằng bỏ đặc khu là phải chịu thua dân. Một chính quyền mà cố thắng chính nhân dân của nước mình thì tất sẽ sụp đổ.

NGUYỄN NGỌC CHU