Hiển thị các bài đăng có nhãn HOÀI TRINH- Măc Tường Ly. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn HOÀI TRINH- Măc Tường Ly. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Rừng và cây







Một tác phẩm nghệ thuật chân chính- dù dài hay ngắn-không thể chấm dứt ở trang cuối cùng và không bao giờ hết khả năng kể chuyện.

Khi câu chuyện về các nhân vật kết thúc,tác phẩm phải nhập vào tâm hồn và ý thức người đọc( hoặc nghe đọc) phải tiếp tục tác động như một lực lượng nội tâm của họ.Nó sẽ là sự dằn vặt suy tư và cũng là ánh sáng của lương tâm không bao giờ tàn lụi, không bao giờ khuất phục, thỏa hiệp hay đầu hàng mà còn luôn luôn dũng cảm vùng lên, khắc phục cảnh ngộ trái ngang, san bằng chướng ngại để tiến tới, hướng thẳng về đỉnh cao của Vinh Quang và Danh Dự!

Trong tất cả cuộc đời mà " Vinh, Nhục , Lợi ,Danh vừa đủ nếm", có lẽ ngày nay chỉ còn sót lại điều này,điều mà anh đã nhập tâm từ lúc mới bắt đầu có ý thức và trách nhiệm của người cầm bút. Và trãi qua bao thăng trầm của cuộc sống nó vẫn còn nguyên vẹn, mỗi ngày càng thêm rạng rỡ và sắc nét hơn trong những suy nghĩ của anh nên anh rất trân trọng nó.

Từ lâu, tưởng chừng như anh đã quên đi ý nghĩ " có một chỗ ngồi" trên chiếu những người làm văn nghệ- một ý nghĩ mà không một người cầm bút nào không nuôi nấng trong đầu óc mình ngay từ khi quyết định chọn nghề cầm bút làm khởi điểm và cứu cánh của đời mình- vì nhiều lý do rất phức tạp và cũng khá đau buồn.Tuy vậy, anh cũng không tha thứ cho bất cứ sự dễ dãi, tánh bao biện,háo danh nào hoặc chạy theo lợi nhuận một cách đáng khinh,làm giảm giá tri nghề nghiệp.

Ý thức trách nhiệm đòi hỏi phải có những cố gắng lớn lao và một sự tập trung cao độ sức sống tiềm tàng và tích lũy được vào những trang viết của mình, ít nhiều gì nó cũng phải là một sự ký thác, là những đường máu tâm tư, phản ánh toàn diện những mâu thuẫn phức tạp trong cuộc sống phong phú và sinh động của thời đại.

Cũng không phải mới hôm nay mà đã từ lâu rồi, anh đã đặt ra cho mình nguyên tắc làm việc..." để gia đình và bè bạn- đúng với nghĩa của nó- khỏi phải xấu hổ" khi đọc những gì của anh viết. và anh cũng đã hết sức tự hào, hãnh diện gì mình đã giữ được lương tri cầm bút trước những cám dỗ của cuộc sống phồn hoa.

Mỗi lúc bắt đầu một trang viết mới, anh lại tự đặt cho mình không biết bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là vấn đề phải dứt khoát.

Năm nay, trước thềm năm mới, anh lại cành thấy bối rối, băn khoăn trong việc chọn đề tài...

...." Nỗi niềm thương nhớ về những người đồng đội cũ mỗi năm như vơi dần, phai lợt lần trong ký ức mình...

Biết làm sao?

Đây không phải là dấu hiệu của sự vong tình, bội nghĩa đối với người xưa- những người đã từng chia sớt ngọt bùi, chung chịu gian lao nguy hiểm- mà chỉ là điều tất yếu.

Năm tháng, sự việc mỗi ngày một chồng chất,một liên quan gắn bó chặt chẽ bên trong cuộc sống mới sôi động, dập dồn những biến chuyển mới nhịp nhàng với lực đi lên của thế hệ đã làm mất chỗ của quá khứ xa xưa. Mỗi phút dừng chơn là một phút chậm trể và cũng là dấu hiệu của sự suy thoái... huống gì là ngoái nhìn ngược lại thời gian!

Nhiều người đã nghĩ như vậy. Và có lúc mình cũng bị lôi cuốn vào nhịp sống đó để luôn luôn kịp thời, thích nghi với phong cách mới.Nhưng căn bản con người có những cái gần như không thể biến đổi mà chỉ phai mờ đến mức độ nào đó thôi. Những cái gì đã bị coi như là quên lãng rất có thể được bất chợt nhớ lại với tất cả những tình tiết chi li, sâu đậm nhất

Trong đời mình đã có bao lần Quên rồi Nhớ, Nhớ rồi Quên?

_Tao uống cho say để Nhớ những gì khi tỉnh tao không dám Nhớ và cũng để Quên những gì khi say tao mới có thể Quên!
Câu nói đầu môi của một thằng bạn cũ mỗi khi say đã trăn trở, ám ảnh mình, ray rứt, vày vò tâm hồn mình nhiều năm nay.Cũng may là con người dễ nhớ, mau quên của mình không bị ảnh hưởng lập luận người say đó lâu nên mình cũng chưa bao giờ phân tách, tìm hiểu chính xác, tận tường giá trị- nếu có- của nó. Dù sao cái lập lờ đó cũng làm cho mình xót xa. Và hôm nay câu đó lại trở lại với mình. Mình không thể không suy nghĩ một cách nghiêm túc được.

Phải thẳng thừng lột xác và hóa kiếp cái vỏ nghệ sĩ cũ lửng lơ, chập chờn hồn mộng tỉnh say, quên quên, nhớ nhớ, lạc lõng giữa không gian để và bắt nó thiết thực nhìn thẳng vào cuộc sống với đôi mắt sáng trong, nghiêm chỉnh, khối óc tỉnh táo và con tim nhiệt tình, sục sôi dòng máu nóng thủy chung.

Phải biết Nhớ những gì đáng Nhớ và Quên những gì nên Quên.

Không thể nhập nhằng trộn lẫn Ánh Sáng và Bóng Tối, nhuộm Không Gian và Thời Gian vào một sắc màu nhàn nhạt, lờ mờ và nhìn cả Người lẫn Việc dưới một màn sương mù dày đặc, không còn phân biệt được gì cả.

Ánh sáng và Bóng Tối.
Ngày và Đêm

Ranh giới phân biệt phải rõ ràng, dễ xác định.Dù có kẹt nằm trong vùng tranh chấp của hai cực đó cũng phải nhận cho ra cái khác nhau của nó. Bằng không sẽ mất phương hướng.Và hiệu quả của nó là... đúng hay sai, tốt hay xấu, chánh nghĩa hay phi nhân!?

Nhà văn Ma-nen- en-cốp-phi-nhô-Lô-pết nổi tiếng của Cu-Ba đã viết ở trang mở đầu tiểu thuyết" Người đàn bà cuối cùng và cuộc chiến đấu sắp tới" những dòng sau:

" Ở đây chúng ta cần ít quan tâm đến việc treo những tấm bảng mà quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu các nguyên nhân và tác dụng của các sự việc. Trung thành với cách mạng không có nghĩa là phản bội cá nhân. Chỉ có quan tâm đầy đủ đến con người chúng ta mới có thể xây dựng được Chủ nghĩa xã hội."

" Có người không nhìn thấy rừng thông chỉ gì chú ý những cây thông."

" Có người mãi ca ngợi rừng thông trong khi những cây thông đang thúi rửa"

Ở đây chúng ta cần phải nhìn cả rừng thông và cả từng cây thông, bởi vì suy cho cùng, không có những cây thông thì không có rừng thông".

Ma-nu-en- cốp-phi-nhô-lô-pết Là một trí thức tiến bộ đã tham gia cách mạng giải phóng Cu-ba, hiện đang công tác tại vụ văn học Bộ văn hóa Cu-ba. Với quyển tiểu thuyết " Người đàn bà cuối cùng và cuộc chiến đấu sắp tới" ông đã được trao giải thưởng nhà văn Châu mỹ. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán rất chạy, trên các nước XHCN cũng như TBCN."

....Từ lâu, nhiều người đã trách mình " chỉ nhìn thấy Cây mà không thấy Rừng".Thật là một sự ngộ nhận,hay đúng hơn là cái nhìn hời hợt, máy móc,cho thấy rằng những người đó chỉ nói...qua một lối nói chung chung, ngoài ra không có một nhận xét cụ thể nào về con người mình cả.


Không, không phải mình không thấy Rừng, chưa thấy Rừng đâu. Trái lại, chẳng những mình đã thấy Rừng mà còn vào Rừng nữa. Vào khá sâu để có thể thấy được nhiều loại cây đang mọc trong đó và nhận mặt từng loại cây để biết tình trạng của mỗi loại cây và cả những loại dây leo, những lọai cây ăn bám như tầm gửi nữa...

Mình chẳng dựa vào cây mà nhận xét Rừng nhưng dám mạnh dạn nói Rừng sẽ chẳng còn là Rừng nếu còn để quá nhiều cây ăn bám, các loại cây chỉ biết nương vào bóng những cây khác để sống,những lọai dây leo bò thật nhanh,vươn vòi, tỏa ngọn phất phơ trên cao nhưng không thể lừa được những người tinh mắt, không làm họ lầm tưởng đó là một loại cổ thụ...ngất trời.

Rừng lớn uy nghiêm gió lạnh băng
Biển to sôi nổi sóng muôn trùng
Đêm sâu thầm kín bao điều ác
Ám ảnh hồn tôi đến hải hùng

Rừng cũng như Biển, như Đêm sâu quả thật là bí hiểm... cũng do đó mình mới đặc biệt quan tâm tìm hiểu Rừng,Biển to và Đêm sâu theo nghĩa trắng lẫn nghĩa đen của nó. Mình cũng đã thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cái có ích lẫn cái tai hại...

Mình không lầm nhưng lại bị hiểu lầm.Buồn cười thật. Nhưng cũng may, ngoài hững người hiểu lầm mình vẫn có những người hiểu đúng về mình, và rất thông cảm về mối quan tâm của mình.

Nhưng câu chuyện về Rừng và Cây không phải không có những mặt phức tạp của nó.Nếu không phải là người có bản lãnh để tiếp cận nó một cách khéo léo, đúng khía,đúng cạnh, tách rời được các loại tầm gửi, các loại giây leo khỏi các thân cây, ruồng, chặt, dọn dẹp sạch sẽ, quang đang cả khu Rừng mà tránh được cảnh bứt mây động rừng, đồng thời phân biệt được các mầm non đáng được bảo quản, chở che, uốn nắn.

...Liệu mình có chủ quan để vô tình rơi vào khuynh hướng sai lầm trí thức tiểu tư sản không? Nhứt quyết là không. Mình cũng không phiến diện , tả khuynh...Mình không tách rời Con Người với Sự Việc. Cái gì mất? Cái gì được? Cái gì đang tan rả phải tan rả cái gì đang hình thành phải hoàn chỉnh ,vươn lên...

Không thể không quan tâm đến con người nhưng cũng không thể tách rời con người khỏi tập thể.Không tủ tiêu cá tánh, bản năng con người, có tâm huyết, có nhiệt tình với phương châm : Mỗi người vì mọi người,mọi người vì mỗi người.". Mình không ngại chuyện " Bứt dây động Rừng" nữa mà chỉ sợ mình chưa có đủ tư cách bứt mây, chưa chọn đúng sợi mây cần bứt. Thế thôi!

Chưa bao giờ mình thấy yêu cái nghề cầm bút của mình-cái nghề mà mình đã chọn từ lúc mới bước vào đời sống tư lập- hơn lúc này.Nhưng liệu mình còn có được bao nhiêu ngày để nhớ và ghi với những suy nghĩ của mình, đóng góp phần nào cho lớp người sau những gì mình đã thấy, đã nghe và đã biết gì cuộc sống hôm qua, hôm nay...

Nhưng mình đã sống như thế nào? Mình đã làm được gì? Và chưa làm những gì? Thế hệ chúng ta cái quan trọng là làm được bao nhiêu chứ đâu phải là sống được bao lâu? Mình có đủ thành thật và can đảm nói hết sự thật hay không? Hay là tránh né, đảo lộn, bóp méo tất cả, không phản ánh đúng con người của mình với những cái đúng, cái sai, cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở...

..." Bản chất của một giai cấp là định mệnh không thể vượt qua.Nhưng muốn đập tan những ảnh hưởng ràng buộc của nó trong con người, phải trải qua nhiều cuộc vật lộn đau đớn, lâu dài".

...Thực tế đã chứng minh mình là một người có tinh thần cầu tiến, có lương tâm trong sáng, nhiệt tình cách mạng,thù ghét tất cả hững gì tàn bạo, bẩn thỉu trong cuộc sống. Nhưng cũng vì vậy mà lúc nào mình cũng sục sôi ý nghi phản kháng, chống đối những ngang trái, hẹp hòi, phi lý dù rằng những sự việc đó xãy ra cho người khác chứ không phải cho mình...để rồi cả đời, lúc nào cũng bị vày vò, trăn trở, thắc mắc, băn khoăn... không một giờ khắc nào tìm được sự yên ổn cho tâm hồn!

...Một nhược điểm lớn lao, tai hại nữa của mình là sự cầu toàn, luôn luôn đòi hỏi một sự tuyệt đối( trong tình bạn, tình yêu, trong chân lý...và cả trong Cách mạng).Biết là sai lầm sao mình không khắc phục?Do đó, mặc dù con người mình không phải là con người xấu, hèn hạ, mình vẫn trở thành khó chịu, cái gai đối với mọi người(kể cả người thân) và cả với chính mình. Hẳn nhiên, một số kẻ không thích, không ưa mình đã không ngần ngại gì mà không tìm cách xuyên tạc mình...Trường hợp của mình đâu phải là các biệt.Không ít người đã suy nghĩ như mình...hiện đang còn sống cũng như có nhiều người đã hy sinh.Phút cuối cùng của họ đều hiên ngang, anh dũng như bất cứ chiến sĩ Cách mạng chân chính nào trước giặc thù.

Đời người Sống, Chết chỉ một lần thôi.
Sống đừng Sống Mất
Chết phải Chết Còn


Do đó phải thận trọng từng bước đi, đừng để sa chơn xuống bùn nhưng phải biết coi thường hiểm nguy, mạnh dạn vượt thoát để tiến lên tới đích. Thà đi vào cái Chết để tìm sự Sống còn hơn là núp vào cái Sống để chịu chết dần, chết mòn trong cái chết nhục nhã muôn đời...

Cái sống của mình hiện nay... tuy chưa chưa đến nỗi là Sống Mất nhưng cũng gần như ... mất rồi chứ còn gì nữa?

Đời là một tác phẩm nghệ thuật. Không ai làm lại hai lần một tác phẩm...dù là một tác phẩm dơ dang!Mình không thể là bản sao của ai mà cũng không muốn ai là bản sao của mình cả. Cái khác hẳn của con người- so với các sinh vật khác-là cái cá tánh...và đòi hỏi được phát huy cá tánh-không phải xô bồ, hỗn độn- theo qui luật tiến, biến của cuộc sống.

Hôm nay không phải là Hôm qua...và dĩ nhiên càng không phải là Ngày mai. Cũng không có những nguyên tắc chết, những nguyên tắc cứng đơ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.Trường hợp ngoại lệ, cá biệt không phải là không cần thiết, không phải là vô ích... nhứt là trong thời đại nguyên tử, vũ khí hạt nhân, chiến tranh các vì sao.

Mình cũng không muốn là một chiếc lá bị cuốn theo chiều gió, mà phải là một sinh vật có ý thức, tự nguyện đi theo một con đường, làm một công việc mà mình hiểu và biết một cách rõ ràng, tường tận nó sẽ đưa mình đến đâu?


Lời sau cùng:

Một con ếch nằm đáy giếng bao giờ cũng coi trời là nhỏ.Chuyện đó không đáng trách bởi tầm nhìn bị hạn chế của nó. Đáng trách là chú ếch muốn phình bụng để được to bằng con bò