Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

BÀI HỌC VỀ SỰ NỔI GIẬN CỦA NGƯỜI VIỆT





Tác giả: Xuân Dương

Nước Việt ta kể từ ngày dựng cờ lập quốc, vung gươm mở cõi, chưa bao giờ nước rộng, người đông như ngày nay.

Người Việt trải mấy nghìn năm lịch sử, cay đắng và oanh liệt song hành, ngoại bang xâm lược nào cũng đánh thắng, chỉ thua mỗi chính mình.

Trong chiến tranh giữ nước, người Việt có đủ đức hy sinh, tình đoàn kết và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương
Tiếc thay, và có lẽ đó cũng là điều tiếc nhất, trong gần nửa thế kỷ xây dựng kinh tế người Việt dần đánh mất niềm tin vào một bộ phận (khá đông đảo) những người lãnh đạo cũng như không ít định hướng sai lầm trong chỉ đạo, điều hành.

Tình đoàn kết, nghĩa cộng đồng bị mai một mà câu chuyện nông dân “trồng hai luống rau”, cán bộ trồng rau trong nhà (để khỏi phải ăn rau bẩn) chỉ là một trong nhiều biểu hiện.

Thua do mình tự làm hại mình thì còn biết trách ai?

Làm vua, làm lãnh đạo hay dân đen rồi cũng đến lúc chỉ còn ba tấc đất, khác chăng là có người danh lưu trong sách, kẻ khác tiếng để trên đời.

Làm quân vương tránh cho đất nước khỏi binh đao, khỏi cảnh nồi da nấu thịt là vua sáng; tránh cho dân tộc khỏi nỗi sỉ nhục kiếp nô lệ, khiến bất kỳ kẻ ngoại bang nào cũng không dám khinh nhờn, khiến người dân ra nước ngoài có thể ngẩng cao đầu mới là đấng minh quân.

Lãnh đạo một quốc gia, không thể là lãnh đạo một nhóm người, càng không thể là lãnh đạo một dòng tộc.

Đem cái lợi ích của dòng tộc, của thiểu số mà gán cho quốc gia, dân tộc không phải là cách làm của người có tầm nhìn xa trông rộng, càng không phải là cách làm của bậc vĩ nhân.

Suốt chiều dài lịch sử, thời cơ, vận hội của mỗi quốc gia, dân tộc như chim trên trời, như cá dưới nước, không níu kéo được nó sẽ vuột mất.

Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Báo Hà Nội Mới
Người Việt bước vào năm 2018 với nhiều thành công về kinh tế, với những chuyển biến bước đầu về phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn đó nỗi đau của cuộc chiến chống xâm lược đầu xuân năm 1979, của vết thương chiến tranh vẫn chưa lành trong gia đình hơn 500.000 liệt sĩ chưa tìm được danh tính, của di chứng chất độc da cam trong thế hệ sinh sau ngày thống nhất đất nước,…

Phải chăng điều quan trọng nhất trong đồ thị hình sin của sự thăng trầm là chúng ta đã vượt qua điểm cực tiểu, đã bắt đầu một chu kỳ cất cánh mới?

Vậy cực tiểu của tình trạng kinh tế xã hội là gì?

Là sự làm ăn thua lỗ triền miên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà nguyên nhân chính là sự yếu kém của những người được giao trọng trách quản lý.

Là tình trạng tham nhũng của một bộ phận không hề nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên đến mức nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải nói: “Họ ăn của dân không từ một cái gì”!

Là những quy định mà Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. [1]

Là tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức khiến ba ngày tết cũng vẫn có cảnh nổ mìn, giết người khiến cả xã hội bất an.

Là một nền giáo dục mù mờ về định hướng và rối loạn về phương pháp.

Liệt kê hết những “tham nhũng vô bờ” mà một bộ phận chức quyền thực hiện suốt mấy chục năm qua cứ như một giấc mơ hãi hùng khiến đời sau không dám tin nước Việt văn hiến có lúc lại như thế.

Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc
May thay điều đó đang bắt đầu biến chuyển.

Năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020.

Lo kinh tế là quan trọng, lo định hướng còn quan trọng hơn.

Chớp mắt một cái đã gần hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Vậy đâu là định hướng của nước Việt ba mươi năm tới, khi nửa thế kỷ đâu tiên của thiên niên kỷ thứ ba sẽ trôi qua?

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là gì? Có phải đã được giải thích bởi các đặc trưng: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”?

Suốt ba kỳ đại hội, từ Đại hội Đảng lần thứ 10 đến Đại hội 12, định hướng xây dựng nước Việt Nam là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Có nhất thiết phải có sự khác nhau giữa tên nước và tiêu chí xây dựng đất nước?

Liệu có bộ tiêu chí nào ngắn gọn nhất nhưng lại kết hợp đầy đủ cả “Độc lập, tự do, hạnh phúc” với “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”?

Đích đến của Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” có gì khác với tiêu chí của các nước tiên tiến trên thế giới?

Nếu khác thì cần một con đường mới, nếu không khác thì có nên học tập, đi tắt, đón đầu để rút ngắn thời gian và công sức mà lại tránh được rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra?

Quá nhiều tiêu chí quốc gia là văn minh hay manh mún?

Một đất nước diện tích hơn 300.000 km2 mà có tới 63 tỉnh, thành phố là văn minh hay manh mún?

Một nền giáo dục mà có tới ngót trăm đơn vị chủ quản bao gồm các tỉnh, bộ, ngành, tập đoàn, tổ chức chính trị xã hội là văn minh hay manh mún?

Một Chính phủ vừa quản lý, vừa kinh doanh là văn minh hay manh mún?

Sống trong một “không gian manh mún” tầm suy nghĩ của con người liệu có được rộng mở, có thoát khỏi tâm lý chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng?

Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Người Việt xưa bị ngoại bang đô hộ hàng nghìn năm, tồn tại là mục tiêu duy nhất.

Có tồn tại, không bị đồng hóa, mới giữ được ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, mới quật khởi hết thế hệ này đến thế hệ khác để giành tự do, độc lập.

Ngày nay, người Việt không thể sống theo kiểu “tồn tại” cổ xưa, không thể duy trì nòi giống bằng bất kỳ giá nào.

Mỗi cá nhân – hay suy rộng ra cả một chủng tộc – không thể có trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể còi cọc.

Khi mà nhân loại bước vào kỷ nguyên số, khi nền kinh tế thế giới trở thành nền kinh tế tri thức thì sự còi cọc về thể chất chính là rào cản cho sáng tạo.

Định hướng cho tương lai phải chăng cần phải là chiến lược phát triển con người cả tầm vóc, lòng tự tin và trí thông minh?

Thế giới ngày nay gọi là văn minh, nhưng các nước lớn vẫn âm mưu chia chác trên lưng nước yếu (chứ không phải nước nhỏ).

Nước nhỏ mà có sức mạnh, kinh tế phát triển thì mọi âm mưu sau lưng họ đều phải dè chừng.

Xóa mặc cảm là một nước nghèo, khơi dậy lòng tự tin, giải phóng sự sáng tạo của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ, khích lệ người lao động tự làm chủ vận mệnh của mình,…

Phải chăng đó chính là định hướng mà bất kỳ người lãnh đạo cũng phải ghi nhớ?

Trên thế giới này, những nhân vật vĩ đại nhất như Phật tổ, Chúa Giê-su, Thánh Ala, Khổng tử,… không người nào nắm vương quyền, cũng chẳng ai chinh chiến đánh đông dẹp bắc, họ đều là những nhà tư tưởng, những người truyền bá lòng vị tha, tính cộng đồng và tôn trọng sự đa dạng sinh học của thế giới.

Vấn đề là niềm tin mà họ quảng bá được quần chúng tự nguyện đón nhận chứ không phải bằng những lợi ích vật chất vẽ ra một cách hào nhoáng, càng không phải bằng các biện pháp cưỡng chế.

Giáo hội Thiên chúa đã từng dùng dàn thiêu và các hình phạt khắc nghiệt đối với những tín đồ có chính kiến khác với giáo lý chính thống.

Nhà thiên văn học Galileo Galilei bị Tòa án Dị giáo kết án chung thân vì ông cho rằng trái đất tròn và quay quanh mặt trời.

Phải mất gần 400 năm, sau nhiều cân nhắc, Tòa thánh Vatican mới đi đến quyết định xóa án cho Galileo, gián tiếp nhận lỗi và công nhận hình phạt dành cho Galileo là sai.

Mỗi tôn giáo, mỗi thể chế chính trị ngay khi bắt đầu nắm quyền lực trong tay cũng đồng thời tạo ra lực lượng ủng hộ và chống đối.

Sự tồn tại của hai lực lượng đó chính là động lực của sự phát triển, điều này được khẳng định trong quy luật Mâu thuẫn, một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lênin.

Sẽ là ngây thơ nếu mong muốn cả cộng đồng đều nhìn về một hướng, đều răm tắp tuân theo một hiệu lệnh.

Phủ nhận hay không chấp nhận những quan điểm trái chiều trong dân chúng không chỉ là sai lầm về chiến lược trị quốc mà còn nguy hiểm bởi nó đi ngược mọi quy luật phát triển xã hội loài người.

“Khen đúng chỉ là bạn ta, chê đúng mới là thày ta”, nếu người lãnh đạo chỉ muốn nghe lời khen, họ có thể có nhiều bạn nhưng họ sẽ không có thày, điều này đã được tiền nhân cảnh báo “không thày đố mày làm nên”.

Có hai đối tượng mà người đứng đầu nên sợ: “Sợ dân và sợ chính mình”.

Sợ dân để biết cách làm theo ý dân, để đừng bao giờ xem dân như đối tượng cai trị chứ không phải chủ nhân đất nước.

Sợ chính mình để không phạm sai lầm, để không bị hào quang quyền lực làm lóa mắt, để không vì phe nhóm của mình mà xem nhẹ sơn hà, xã tắc.

Chúng ta nói nhiều về các “nhóm lợi ích” nhưng chưa chỉ ra được cụ thể đặc điểm của những nhóm đó là gì.

Cũng tương tự khái niệm “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa biến chất nhưng chưa chỉ rõ là những ai, nằm ở đâu?

Nếu khẳng định ở Trung ương không có chuyện chạy chức, chạy quyền như ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì rõ ràng “bộ phận không nhỏ” hay “nhóm lợi ích” chỉ còn lại ở địa phương, ở các bộ ngành, liệu điều này có hoàn toàn chính xác?

Cuộc chiến chống nội xâm mà cụ thể là chống lại các “nhóm lợi ích” chưa đạt thắng lợi cuối cùng cho thấy có nhiều điều cần được nghiên cứu, hoàn thiện.

Quan trọng nhất hiện nay là xác định “nhóm lợi ích” nào là “mạnh” nhất, có khả năng chi phối cả kinh tế lẫn chính trị – và đương nhiên là cả khả năng chi phối các “nhóm” khác.

Nếu không hoặc chưa xác định được “nhóm lợi ích” đầu sỏ, nếu cứ tập trung vào một số nhóm lợi ích “râu ria” thì khó tránh bị nhân dân nghi ngờ chúng ta mới chỉ đang “ném đá ao bèo”.

Các vụ xem xét kỷ luật, các vụ án điểm liên quan đến ngành ngân hàng, đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đến một số cán bộ lãnh đạo cao cấp vừa được xét xử cho thấy đây mới chỉ là những trận đánh mang tính thăm dò đối phương – nói theo ngôn ngữ quân sự là các trận đánh nghi binh.

Trận đánh lớn cuối cùng phải là vào hang ổ của tham nhũng, của nhóm lợi ích, vào thành trì vốn rất khó nhận diện của giặc nội xâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chống nội xâm khó vì là ta tự đánh vào ta”, cuộc chiến này càng khó hơn vì có lúc “ta” ở đây lại là những hậu duệ hoặc người đã nghỉ hưu chứ không chỉ là những “đồng chí chưa bị lộ”.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khi bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng đã có câu nói nổi tiếng:

“Phải chuẩn bị 100 quan tài, 99 chiếc cho các quan chức tham nhũng và một dành cho bản thân”. [2]

Câu nói của ông Chu Dung Cơ cho thấy chống nội xâm với hành trang là sự liêm khiết chắc chắn chưa đủ mà còn cần dũng khí và sự hy sinh.

Khi người ta ở vào tuổi “cổ lai hy” sống thêm năm nào “lãi” năm ấy thì có gì phải sợ, thế nên người viết tin rằng trong vòng 5-10 năm tới, nhất định cuộc chiến “ta đánh vào ta” sẽ đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, sẽ dạy cho đám sâu mọt bài học về sự nổi giận của người Việt.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/…/thu-tuc-hanh-chinh-voi-dan-gio-cay-n…

[2]http://danviet.vn/…/cuu-thu-tuong-chu-dung-co-tai-xuat-voi-…

———–

http://giaoduc.net.vn/…/Bai-hoc-ve-su-noi-gian-cua-nguoi-Vi…

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Hoàng Hữu Phước Gửi Thư Cho Tổng Bí Thư Về Những Vấn Đề Liên Quan Đến Tướng Lĩnh Bộ Công An




Hoàng Hữu Phước, MIB

22-02-2018

*********

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

————

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 02 năm 2018

Ref. No. CV001/HHP-2018



Kình gửi: Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Đồng kính gửi: Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam



V/V: AN NGUY CỦA QUỐC GIA TỪ ĐẠI ÁN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐÔNG Á.



Kính thưa Tổng Bí Thư:

Tôi ký tên dưới đây là Hoàng Hữu Phước, Nghị Sĩ Khóa XIII, kính lời chào trân trọng đến Tổng Bí Thư và kính trình bày nội dung sau có liên quan đến các tướng lĩnh Bộ Công An đối với đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.

Là người từng được Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh mời dự tuyển vào Ngành An Ninh Tình Báo(1) ngay khi tôi vừa tốt nghiệp đại học, tôi được nghe giới thiệu rằng lực lượng Công An chính là “thanh bảo kiếm của nhân dân”. Cũng vì vậy, tôi nhận thức rằng thanh bảo kiếm ấy phải luôn hiệu quả ngời sáng trong tuyệt đối bảo vệ an ninh chính trị uy tín uy thế cho quốc gia, mà các lãnh đạo cấp cao điều phối quản lý hoạt động của thanh bảo kiếm ấy không thể bị liệt vào danh sách nhúng chàm của các đôi tượng “thuộc diện nghi vấn” việc có dấu hiệu liên quan đến những khuất tất hoặc bao che cho các thế lực tham nhũng trong các đại án tham nhũng mà gần đây cụ thể là vụ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.

Theo thông tin tôi nhận được từ nội bộ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, Trung Tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, người lãnh đạo toàn bộ hệ thống điều tra và trại giam, bị cho là người thuộc diện nghi vấn rất cần được Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nhanh chóng vào cuộc điều tra vì các dấu hiệu “bất thường” sau trong Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á:

1) Ông Trần Văn Đình hiện nay đang là thành viên Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, là em trai ruột của Trung Tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An. Trước khi Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có một nhân vật có tên Trần Văn…. là anh em của hai Ông Trần Văn Đình và Trần Văn Vệ có một khoản tiền rất lớn ở Ngân Hàng Đông Á và đã nhanh chóng rút ra trước ngày ngân hàng này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

2) Bên cạnh đó Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh là cổ đông lớn góp vốn và cử đại diện của Thành Ủy làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á trong suốt nhiều năm dài. Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng TMCP Đông Á hiện nay là Ông Nguyễn An lại chính là cháu vợ của Tổng Giám Đốc Trần Phương Bình; Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng Giám Đốc là em dâu của Ông Trần Phương Bình. Ông Nguyễn Ngọc Trân, người nhiều năm là Giám Đốc Khối Công Nghệ có toàn quyền và có năng lực can thiệp hay chỉnh sửa vào hệ thống của ngân hàng lại chính là em ruột của Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nghĩa là cùng có quan hệ thân tộc với Ông Trần Phương Bình.

3) Do trong thực tế đã và đang tồn tại các quan hệ “quyền lực” và “mật thiết” nêu trên nên không thể không có các quan ngại rằng ắt sẽ có sự thiên lệch hoặc ngụy tạo chứng cớ để đổ oan cho người vô tội. Vào ngày 30/08/2017 nhận được lời kêu cứu của Công dân Nguyễn Thị Ái Lan qua “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân hàng TMCP Đông Á” tôi đã chuyển đơn kêu cứu của công dân đến Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đơn trình bày của gia đình công dân Nguyễn Thị Ái Lan thì vào chiều tối Thứ tư ngày 27/12/2017 điều tra viên của C46 – Bộ Công An bất thình lình mời công dân Nguyễn Thị Ái Lan khi công dân đang làm việc tại ngân hàng lên gặp và di lý ngay ra Hà Nội tạm giam ngay trong tối ngày 27/12/2017 mà thân nhân không nhận được bất kỳ lệnh tạm giam nào được ký bởi Viện Kiểm Sát. Mãi đến ngày hôm sau Thứ năm 28/12/2017 điều tra viên C46 mới mang thông báo số 565/C46-P10 do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra ký tên và đóng dấu tại Hà Nội ngày 27/12/2017 thông báo “Hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công An”, đến nhà công dân Nguyễn Thị Ái Lan và đồng thời tiến hành khám xét nhà, trong biên bản khám xét ghi rõ “Không tạm giữ đồ vật, tài liệu gì”.



Theo đơn kêu oan của Cha ruột Công dân Nguyễn Thị Ái Lan ký ngày 02 tháng 01 năm 2018 đã có nêu các nội dung quan trọng như:

“Tôi xin đính kèm theo đơn này bản sao lá đơn kêu oan do con gái ruột của tôi là Nguyễn Thị Ái Lan đã ký ngày 30/08/2017 liên quan đến nội dung trích đoạn nguyên văn nêu trên và gửi kèm bản sao thông báo số 565/C46-P10 do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Ngọc ký tên và đóng dấu tại Hà Nội ngày 27/12/2017.

“Tất cả các nội dung lý giải được nêu lên trước đây và được trích đăng lập lại như trên cho thấy tuyên bố mang tính khẳng định rằng con gái tôi ‘Đã có hành vi: Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ như ghi trong Thông báo số 565/C46-P10 do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Ngọc ký tên và đóng dấu tại Hà Nội ngày 27/12/2017 là không chính xác, không đúng luật pháp do khẳng định tội danh khi chưa có phán quyết của tòa án sau quá trình xét xử công khai chính thức, hoàn toàn có nội hàm gây ức chế cho con gái tôi và toàn gia đình chúng tôi, dẫn đến tâm lý chung rằng ắt có sự khống chế buộc con gái tôi phải bị buộc vào trọng tội mà cháu nó không chủ động, cố tình, hay có thẩm quyền phạm phải. ‘Quản lý kinh tế’ chưa bao giờ là phạm trù con gái tôi được phân công quyền hạn phải chịu trách nhiệm bằng giấy trắng mực đen, cũng như chưa bao giờ là phạm vi quyền lực được ghi trong hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động, bản miêu tả công việc tại cơ quan, và bản phân công bổ nhiệm mà con gái tôi được trao quyền lực lãnh đạo để liên đới liên can đến nội dung “cố ý làm trái các quy định của nhà nước.

“Vì lý do trên, tôi muốn kêu oan cho con gái tôi là Nguyễn Thị Ái Lan, đòi hỏi cơ quan chức năng phải:

1) Thay đổi nội dung ‘thông báo’, bỏ cụm từ ‘Đã có hành vi: cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’, để thay thế bằng ‘Để điều tra về các hành vi có thể liên quan đến việc các lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ và cấp lại ngay cho gia đình Nguyễn Thị Ái Lan bản thông báo mới này.

2) Trong điều tra phải có tính đến các tình tiết theo nội dung của đơn kêu oan ngày 30-8-2017 mà con gái tôi là Nguyễn Thị Ái Lan đã gửi đến Ông Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước và ông Đại biểu này đã chuyển đến Tổng Bí Thứ Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xem xét. (Bản sao đơn kêu oan ký ngày 30-8-2017 cũng được đính kèm theo thư này).”



Theo các thông tin được công khai bởi cơ quan truyền thông báo chí, trước đây, Thanh tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra Đại Tá Trần Văn Vệ, nguyên Giám Đốc Công An Tỉnh Thái Bình, do có đơn tố cáo của Báo Người Cao Tuổi (2), mà báo đã nêu rằng

“Trong 11 vấn đề xác minh kết luận đều không lí giải cụ thể song vội công khai xác nhận: ‘Không đúng bản chất sự việc, mang tính suy diễn cá nhân và gán ghép trách nhiệm cho ông Vệ’. Điều này đoàn xác minh Thanh tra Bộ Công an cố tình bao che cho những sai phạm về trách nhiệm của ông Vệ. Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật đã xác lập người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra tại tổ chức, đơn vị, địa phương mình quản lí.

“Là Giám Đốc Công An quản lí trật tự an ninh chính trị như ông Vệ lại để mặc cho tội phạm hoành hành, bỏ lọt tội phạm, phá phách rừng ngập mặn, thi công công trình kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng, tệ nạn xã hội, tham nhũng tràn lan… như 11 vấn đề đã nêu chẳng lẽ ông Vệ không phải chịu liên đới trách nhiệm?

“Rõ ràng, đó chỉ là quan điểm riêng của Đoàn xác minh chứ không phải là quan điểm của lãnh đạo Bộ Công An? Vụ án tham nhũng gần 600 triệu đồng tại Hội VHNT Thái Bình, tội phạm Trịnh Trung Thông phải lĩnh 3 năm án tù là một minh chứng phản ánh đúng bản chất vụ việc. Nếu ông Vệ không chuyển về Bộ Công an thì vụ án này chắc chắn ‘chìm xuồng’. Đáng tiếc, trước những bằng chứng và lí luận xác đáng của Báo Người Cao Tuổi, nhà báo Nguyễn Trọng Thắng trong buổi đối thoại tại Trụ sở Công An tỉnh Thái Bình, Thiếu tướng Nguyễn Thế Báu, Chánh Thanh tra Bộ Công an (nay đã về hưu) mềm mỏng vỗ về chia tay nhà báo:‘Thôi, bác là đàn anh, bác rộng lượng tha thứ cho chú Vệ’.

“Về tình người, về cá nhân quả lời khuyên giải của ông Báu là nhân ái, nhưng đối với Đảng ta, chế độ ta, nhân dân ta thì không thể tha thứ cho loại cán bộ thoái hóa biến chất ‘leo cao, chui sâu’ vào bộ máy công quyền như trường hợp tướng Trần Văn Vệ.”



Vì vậy, có thể nói phía sau những dấu hiệu “bất thường”, những “quan hệ quyền lực chằng chịt” của Đại Án Ngân Hàng TMCP Đông Á là sự an nguy của Quốc Gia trong đại cuộc Phòng Chống Tham Nhũng đặc biệt khi lãnh đạo cấp cao của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra lại có quan hệ thân tộc với lãnh đạo cấp cao của Ngân Hàng TMCP Đông Á.



Với tư cách là Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII tôi kính đề nghị Ủy Ban Kiêm Tra Trung Ương tiến hành điều tra làm rõ các vấn đề trên. Ngoài ra, để tránh việc gia đình công dân Nguyễn Thị Ái Lan lo sợ do tác động của các dèm pha “ngoại lai” có nội dung tiêu cực như bức cung, nhục hình hoặc thậm chí thủ tiêu nhân chứng, tôi kính đề nghị ngay lập tức thay đổi biện pháp “tạm giam” hiện nay thành biện pháp “cho tại ngoại điều tra đối với công dân Nguyễn Thị Ái Lan” để tránh việc tạm giam và gây oan sai cho người vô tội và thay đổi nội dung “thông báo”, bỏ cụm từ “Đã có hành vi: cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, để thay thế bằng “Để điều tra về các hành vi có thể liên quan đến việc các lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và cấp lại ngay cho gia đình Nguyễn Thị Ái Lan bản thông báo mới này mà gia đình đã hoàn toàn đúng khi nêu lên các khúc mắc trên.



Do tại Thành Phố Hồ Chí Minh tôi không thể tin tưởng vào bất kỳ lãnh đạo nào của Đảng và Chính Quyền(3) hay Mặt Trận(4) kể cả Ban Dân Nguyện Quốc Hội (5), tôi xin kính gởi thư này đến Tổng Bí Thư để nêu lên ý kiến quan ngại của cá nhân tôi đối với tiền đồ tổ quốc, đồng thời làm tròn bổn phận một Nghị Sĩ của Khóa XIII với nhân dân.



Trân trọng kính chào,

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị Sĩ Khóa XIII

Tham khảo:

(1) Hoàng Hữu Phước và Ngành An Ninh Tình Báo: Tôi Và Ngành An Ninh Tình Báo

(2) Nội dung tố cáo của Báo Người Cao Tuổi: http://me.phununet.com/wiki-news/dien-bien-vu-to-cao-nguyen-gd-cong-an-thai-binh-tran-van-ve/5c-3404sc-578312n.html

(3) Đảng và Chính Quyền Thành Phố Hồ Chí Minh: Nguyễn Thị Quyết Tâm

(4) Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam: Thư Gởi Chủ Tịch Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn

(5) Ban Dân Nguyện Quốc Hội: Thư Gởi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Hồ sơ đính kèm:

1) Đơn Cha Ruột Kêu Oan Cho Con Gái Là Nguyễn Thị Ái Lan “Trong Đại Án Ngân Hàng TMCP Đông Á do Ông Nguyễn Tường ký ngày 02/01/2018.

2) Thông báo số 565/C46-P10 do Thiếu Tướng Nguyễn Duy Ngọc- Phó Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra ký ngày 27/12/2017 tại Hà Nội.

3) Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp Về Việc Cơ Quan Điều Tra Ép Cung Người Vô Tội Trong “Đại Án Ngân Hàng TMCP Đông Á” do Công Dân Nguyễn Thị Ái Lan ký ngày 30/08/2017.

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Kẻ Bên Ngoài


Truyện ngắn của Tru Sa




Thế là, hắn đã quay lại.

Đã có người thấy hắn trước tôi. Có lẽ không phải chỉ một mà nhiều người đã thấy hắn trước tôi. Lạ gì chứ, khu phố này chẳng hề mất an ninh tới mức cần đến lệnh giới nghiêm. Hắn hoàn toàn có thể đi lại tự do, nằm lăn giữa đường ngủ, thậm chí tán tỉnh các cô gái trẻ đẹp…Bộ dạng hắn vốn nhếch nhác. Bộ đồ xô gai chẳng biết mặc từ bao giờ đã rách tan nát, sánh đặc vì đất và bụi bẩn. Hắn không cao lắm nhưng gầy rộc. Xương nhô hết ra ngoài. Má hắn hóp sâu, cái miệng lúc nào cũng há để lộ ra hàm răng xỉn đen, vàng ố. Hắn chột bên mắt phải. Mắt trái thì lúc nào cũng mở trừng trừng, trắng dã. Hắn đi đất, hai bàn chân phồng rộp to tướng như bánh đa nhưng cũng chai sần và dày như da trâu. Mỗi bước đi của hắn đều để lại những dấu chân đen kịt bùn đất. Đã có lần tôi thấy dòi rơi ta từ người hắn. Những con dòi béo múp, ngoe nguẩy nhằm bò khỏi dấu chân hắn. Nếu không ai dẫm nát hoặc bị kiến ăn thì lũ dòi sẽ trở lại vo ve quanh hắn.

Hắn chẳng một lần gây hấn với tôi. Tôi cũng luôn tránh mặt hắn vì lý do mình quá sạch sẽ. Ấy thế mà tôi lại luôn thấy hắn gai mắt. Có lẽ vì bộ dạng nhếch nhác, thối hoắc mùi rác rưởi của hắn chăng? Đây chẳng phải lý do lớn để tôi thấy cần phải loại bỏ hắn khỏi tầm mắt mình. Nhưng rõ ràng là thế. Khi nhìn thấy hắn thọc tay vào bới thùng rác, rồi hí hửng khi tìm được một miếng thịt thừa, hoặc chút patê còn dính lại trên một mẩu bánh mỳ đã mốc trắng tôi thấy phát tởm. Lúc đấy tôi đã muốn kết liễu hắn ngay, bằng gì cũng được. Nhưng tôi đã không xuống tay. Gia cảnh của hắn tôi không được biết, cũng chẳng ai biết. Giống như hầu hết kẻ vô gia cư, hắn vạ vật ngoài đường xá, gầm cầu, bãi rác hoặc ghế đá công viên. Không biết vì sao gần đây hắn lại thường xuyên lui tới khu phố này. Nhiều người cũng không ưa gì hắn. Họ không nói ra nhưng tôi biết là thế. Họ bố thí đồ ăn cho hắn, cho hắn uống nước, thậm chí còn hỏi thăm. Tôi biết tỏng. Họ nói thế vì có người nhìn họ, cũng vì đó là cách để họ giống con người hơn. Rất nhiều người muốn đập chết hắn. Đừng nghĩ là tôi võ đoán bởi đã có người làm thế. Kẻ đầu tiên tấn công hắn còn là chú ruột tôi. Chú tôi rất ôn hòa, dường như cả đời chẳng hại ai bao giờ. Chú tôi không bia rượu, thịt cá rất ít khi ăn. Mỗi tháng chú tôi thường đi lễ chùa, quỳ rất lâu dưới tượng tam bảo. Tôi nghĩ ông chú mình có căn tu, hoặc quá dư thừa lương thiện. Cái chết của chú tôi sẽ nhẹ nhõm như cất một hơi thở. Từ khi hắn xuất hiện chú tôi bắt đầu thay đổi. Tôi vẫn nhìn thấy sự nhã nhặn, ôn hòa của chú nhưng đấy là khi chú tôi chưa ở một mình. Lúc mọi ô cửa khép lại, chú tôi bước vào phòng thì vẻ mặt méo hẳn đi. Quả đấm cứ thế giáng nhiều lần vào vách tường. Miệng chú không ngừng chửi rủa. Ở vách tường bên kia, qua khe nứt tôi thấy chú đấm đá tay chân như đang vật lộn với một ác quái vô hình. Tiếng chửi không to lắm nhưng thế là đủ để tôi thấy choáng tai. Mấy lời nguyền rủa này sẽ hủy hết kinh phật trong bụng chú mất thôi.

Chú tôi lén lút rời khỏi nhà, mang theo một cây gậy. Cũng như chú, tôi lén lút đi theo. Đêm hôm đấy tôi nhớ như in. Chú tôi xô ngã hắn xuống đất rồi bổ nhiều nhát gậy lên đầu hắn. Vẻ mặt chú tôi hung ác lạ thường. Chân mày nhướn cao lên, gân xanh nổi cộm từng sợi. Mỗi nhát gậy bổ xuống đều hết lực. Nếu đèn sáng hơn có thể tôi sẽ thấy cả mạt cưa. Nhìn chú tôi thỏa thê lắm. Hắn chẳng phản kháng, chỉ bò lăn dưới đất. Hắn không kêu tiếng nào, cũng chẳng chạy trốn. Con mắt trái của hắn nhìn chú tôi, cũng như nhìn cả tôi. Sau đấy, đội dân phòng đã phát hiện ra và giải chú tôi về đồn. Tôi không rõ chuyện sau đấy thế nào. Nghe người nhà tôi nói lại thì chú tôi khóc rất nhiều. Ai hỏi chú chỉ khóc. Bởi chú tôi chưa tiền án, tiền sự nên chỉ bị phạt hành chính. Trở về nhà. Chú tôi không nói gì về chuyện đã xảy ra. Bởi phòng tôi liền kề với phòng chú nên chú làm gì tôi đều biết. Qua bức vách, tôi nghe thấy tiếng gõ mõ. Chú có đọc một bài kinh. Sớm hôm sau, gia đình tôi phát hiện ra chú đã treo cổ trong phòng. Thật lạ, tối hôm đấy tôi không nghe thấy tiếng gì đổ vỡ ở phòng chú cả. Hay do tôi ngủ say quá. Cái mõ, quyển kinh nằm tứ tung dưới đất. Hàng chục viên hạt tràng rơi khắp nhà.

Còn hắn, vẫn lang thang trong khu phố. Nghe kể, trên phường từng gô cổ hắn lại để điều tra về thân thế nhưng không có kết quả. Sau một thời gian tạm giam, hắn được thả ra.

*

Chưa một ai nghe thấy hắn nói bao giờ. Hắn từng vươn vai, ngoác miệng ngáp nhưng không thành tiếng. Lúc xin ăn, hắn chỉ chìa tay. Bị đánh đau, hắn cũng chẳng kêu lấy một tiếng. Lúc nhồm nhoàm ăn, tôi vẫn thấy cái lưỡi của hắn. Giả thiết bị mất một mẩu lưỡi là không thể. Bị câm bẩm sinh? Có lẽ là thế. Người hắn dính đầy đất và cáu ghét. Chắc hắn cũng chẳng tắm gội. Cơ thể hắn lở loét mủ và mụn cóc. Người đi đường luôn bịt mũi mỗi khi thấy hắn. Móng tay hắn đen kịt đất. Quần hắn rách đến tận đầu gối. Vảy đen đóng thành từng lớp dày. Họ nhường hẳn đường rộng cho hắn. Sang đường hắn chẳng đợi đèn đỏ. Xe cộ phóng vèo vèo, còn hắn điềm nhiên mà đi. Hắn không né, không vẫy tay xin đường, ngay cả chút sợ hãi khi một chiếc xe phóng vọt qua mặt. Tôi mong một chiếc xe tải không cầm lái kịp đâm thẳng vào hắn. Ác cảm về con người lở loét này vẫn không chịu rời tôi ra. Cái chết của chú tôi hắn vô can nhưng không hoàn toàn là vô tội. “Như một con chó ghẻ…” – Tôi nói thẳng ra miệng mà không sợ bị ai phán xét. Từng tuần trôi qua, hắn vẫn chưa chịu rời khu phố. Khu này đâu phát đạt tới mức trở thành miếng ngon cho những kẻ lười. Vẫn có người cho hắn đồ ăn. Đều là đồ ăn thừa nhưng chưa đến mức ôi thiu. Tôi đã một vài lần đụng mặt hắn trên đường. Nhìn gần tôi càng thấy ghê tởm. Trên người hắn không chỉ là mùi hôi từ quần áo, cáu ghét hay đất bẩn. Có cả mùi thối của cứt đái, bùn cống và thật kinh khủng khi tôi thấy một tổ dòi trong thịt hắn. Con mắt trái, ngọn đèn soi đường duy nhất chỉ một màu trắng đục. Mắt hắn không hề có lòng đen. Cũng không có lấy một sợi thần kinh trong tròng mắt. Kì lạ thay dù không hề có đồng tử, hình ảnh tôi vẫn in lại trong đấy. Tôi thù nhất con mắt hắn. Bởi nó đủ lớn để tôi soi được mặt mình. Để hình mình phản chiếu trong mắt con vật này thì thật sỷ nhục. Tôi nôn một bãi nhưng không quên ý nghĩ muốn tẩn cho hắn một trận. Lúc đó ngoài đường có người và tôi đã phải lấp sát ý bằng cách rẽ sang lối khác.

Tối hôm đấy tôi không ngủ được vì nóng. Hắn vẫn vảng vất trong đầu tôi. Uống một cốc nước lạnh, tôi bớt nóng hơn nhưng tinh thần vẫn đờ đẫn. Tôi dị ứng với mùi xú uế. Kể cả khi đấy là mùi từ người mình. Nghĩ rằng ngoài đường sẽ mát hơn, tôi ra khỏi nhà. Tôi mặc mỗi chiếc áo ba lỗ, quần đùi, dép tổ ong. Tôi cao 1m80, vì tập thể hình thường xuyên nên tôi khá cường tráng. Ăn mặc thế này có khi lại hút hồn được một cô nàng hư hỏng. Ngoài đường mát, kha khá người đi lại.

Đi được một lúc tôi gặp hắn. Hắn ngồi dựa vào cánh cửa kéo của cửa hàng quần áo. Cửa hàng đóng lâu rồi. Hè vắng, thỉnh thoảng lại có gió mát, thằng cha này cũng thật khéo chọn địa điểm. Hai tay hắn đặt trên bụng. Một đàn ruồi bay quanh người hắn tạo thành những vòng xoắn ốc không giao nhau. Hắn đang ngủ thì phải. Mùi hôi thối chẳng dịu đi mà nồng nặc hơn khi có cơn gió thổi qua. Cần phải đi thế nhưng tôi đã ở lại. Trong đầu tôi lúc đấy chẳng nghĩ gì. Thứ quái gì đã níu tôi lại, và còn sai khiến để bàn chân tôi bước lên từng bước, thật chậm về phía hắn. Ngọn đèn cao áp không sáng lắm để tôi có thể thấy trọn vẹn thân hình hắn. Như vậy cũng tốt. Cứ nhá nhem thế này tôi sẽ không phát hoảng nếu có nhìn thấy một đoạn thịt chảy mủ vàng bị rữa đến tận xương. Nhịp tim tôi vẫn ổn định. Hắn kia, ngay trước mặt tôi. Chợt, con mắt trái đáng lẽ đã nhắm lại mở thô lố. Hắn thấy tôi và nhỏm dậy. Tôi ở gần hắn lắm, lúc nhìn vào mắt hắn tôi còn thấy cả bộ mặt mình. Nỗi thù hằn từ đây. Chính cái ảnh tôi trong mắt hắn. Ở cái màu trắng đục, chỉ thấy tôi đang đứng. Trông tôi lở loét không khác gì hắn. Nhìn vào mắt tôi, hắn có thấy mình. Cũng lở loét, chắc thế. Nhưng lúc này đây các ngón tay tôi đã chụm lại thành quả phật thủ. Một quả đấm, thêm một quả nữa. Đấm, rồi đạp, cùi trỏ vào mặt, vào bụng, rồi hạ bộ. Định ngừng tay để chạy đi vì sợ bị ai bắt gặp nhưng lúc thấy bản mặt lở loét của mình trong mắt hắn, sát ý trong tôi lại sôi sục. Hắn co quắp trong trận đòn. Mỗi cú đánh của tôi đều hết lực. Cả người hắn giãy lên. Chưa bao giờ tôi đấm mạnh và điên cuồng đến thế. Quả đấm dính vào người hắn nhưng vẫn tiếp tục ấn mạnh vào như muốn xuyên thủng con người hắn. Cũng lạ là chẳng một ai can tôi. Có thể đoạn đường này quá vắng hoặc họ thấy nhưng thây kệ.

Một lúc sau, khi chắc chắn hắn đã chết hẳn tôi mới dừng tay. Đèn cao áp vẫn mờ mờ nhưng tôi vẫn có thể thấy đôi bàn tay dính đầy máu. Ruồi bay toán loạn, nhiều con chui cả vào tai tôi. Toàn thân tôi nhễ nhại mồ hôi và máu. Thịt hắn dính một ít lên ngón tay tôi. Không phải thịt, có lẽ là mủ, một đoạn ruột, chất nhầy hoặc cái gì đấy kinh tởm hơn. Con mắt trái đã không mở ra. Nó còn chẳng lồi lên sau vành mắt, giống như đã biến mất khỏi hốc mắt. Tôi rất sợ nếu ai đó đã thấy tôi và lén lút chạy trốn để hôm sau sẽ báo với chính quyền. Mồ hôi tôi vã ra. Sống lưng lạnh buốt như dựa phải một phiến băng. Không kịp phi tang hắn, tôi chạy khỏi hiện trường. Cái áo ba lỗ tôi đã vứt vào thùng rác. Về đến nhà tôi lăn ra giường ngủ vì quá mệt.

Tôi cứ nghĩ chỉ ít ngày nữa trên An Ninh Thủ Đô sẽ có một bài viết về nghi án khu phố này. Còng số tám mở sẵn, chỉ đợi đôi tay tôi giơ ra. Tôi đâm ra sợ ra ngoài, sợ tiếng đỗ xe ngoài cổng hoặc ngay đến một tiếng bấm chuông của người đưa sữa đậu nành cũng làm tôi rùng mình.

Đến chiều, tôi thấy hắn qua khung cửa sổ. Sợ rằng mình nhìn nhầm tôi chạy xuống đường để nhìn thật rõ. Đúng là hắn. Vẫn cái áo xô gai rách bươm, cơ thể lúc nào cũng nồng nặc như cái xe rác. Con mắt trái mắt láo liên. Cứ cho rằng trận đánh hôm qua không lấy nổi mạng hắn thì hắn cũng phải bị thương nặng đến mức đi không nổi. Tôi vẫn nhớ là mình đã bẻ ngược tay hắn ra sau, có cả tiếng xương gãy rôm rốp. Một cú đấm hết lực của tôi có thể làm vỡ đôi cả gạch nung cơ mà. Giờ đây hắn đi lại bình thường ngay trước mắt tôi. Tay còn huơ hoắng, còn chìa ra, còn bốc cơm nguội ở âu…

Hắn thấy tôi. Rồi chìa tay xin ăn. Tôi đứng yên đó, chỉ tay ra hướng khác. Hắn đi. Mái tóc hắn rối bù, bết cứng lại, nhiều sợi chổng lên chổng xuống. Dáng đi hắn vẫn thế, lúc lệch sang trái, khi rẽ sang phải, rất chậm. Ác cảm với hắn vẫn còn đấy. Ngay lúc hắn ngoảnh ra, rồi con người tôi hiện ra trong con mắt trắng đục đấy tôi đã điên tiết rồi. Chẳng rõ vì sao. Tôi chỉ biết là thế.

*

Tôi thường đi xa khỏi khu phố để không nhìn thấy hắn. Công việc hiện tại của tôi là người mẫu ảnh. Chỉ là hợp đồng ngắn hạn, thậm chí chẳng cần đến hợp đồng. Hễ họ cần là gọi cho tôi. Nhiều chỗ đã yêu cầu tôi làm người mẫu đồ lót. Tôi nhận lời ngay. Để giữ vóc dáng và cơ bắp tôi thường xuyên tập thể hình. Dạo này tôi tập thường xuyên hơn. Ý nghĩ muốn đập chết hắn vẫn thôi thúc. Rất khó để quên cái bản mặt hắn. Có phải những thứ kinh tởm thường dễ nhớ hơn, hay vì tôi đã một lần gây tội với hắn nên chẳng quên được.

Ở phòng tập đều là những tay đàn ông vạm vỡ. Nhiều lứa tuổi ở đây, chúng tôi vẫn thường bắt chuyện hoặc giúp đỡ nhau khi tập. “Thế có ai biết thằng cha đấy không?” – Tôi hỏi. “Chịu.” – Họ nói. Chỉ rất ít người là biết hắn. Số người lẻ đấy hoặc ở cùng khu phố tôi, hoặc ở khu phố bên cạnh, cũng có thể mấy người ở xa nhưng đã từng nhìn thấy hắn. Liệu đã người nào trong phòng tập này đã hành hung hắn chưa. Tôi hỏi và họ nói chưa. Tôi biết họ nói dối. Nhiều người có quả đấm to hơn tôi. Bụng sáu múi, bộ ngực vồng to, săn chắc lại trông như loài tinh tinh. Có người còn nâng được tạ 100. Nếu họ cũng thấy gai mắt thì sẽ như tôi, tấn công hắn khi trời tối. Và tôi tin thế nào hắn cũng sẽ trở lại trước mặt họ. Nhìn chằm chằm họ bằng con mắt trái đục ngầu. Hình của họ được chiếu ngược lại trong con mắt quạ tha đấy. Họ sẽ thấy mình bị lở loét, bị thối rữa. Không khó tin nếu họ thấy răng lợi mình bị tụt ra, mọi cơ bắp teo lại như cái xác khô. Mấy cô nàng điệu đà thường kiêu hãnh về nhan sắc sẽ ốm cả tháng trời nếu lỡ nhìn vào con mắt hắn. Cái kẻ này đây, sẽ chẳng tổ chức từ thiện nào chịu chứa chấp. Ngay đến lũ người vô gia cư thường tụ tập ở gầm cầu, công viên hoặc các công trường bỏ hoang cũng chẳng kết bạn với hắn. Mấy người đấy dù bẩn thỉu nhưng vẫn còn thấy vía người. Hắn thì không. Tôi nghĩ hắn chỉ mang bộ dạng người, hoặc là một dạng Zombie.(1)

Đài báo hai hôm nữa sẽ có một trận mưa lớn. Mấy hôm nay trời oi, chốc chốc lại mưa bóng mây. Nhiều người ra đường phải mang theo áo mưa và ô. Có người mặc sẵn vào phòng khi cơn mưa đột ngột đến, phun ướt họ rồi trốn vào trong nắng. Đường xá nửa ướt, nửa khô ráo. Nắng không quá gắt nhưng oi quá. Lúc nào tôi cũng thấy khô cổ. Khu phố tôi ở có một địa điểm café. Quán đẹp, mặt tiền đẹp nhưng giờ chẳng mấy khách lui tới. Nguyên do là từ hắn. Dù hắn chẳng bao giờ vào quán xin café uống nhưng việc hắn có mặt đã làm vấy bẩn không gian, khiến tách café ngon mang mùi bùn hầm mộ. Có lần hắn nằm ngủ ngay ngoài quán. Người ở quán chửi bới, rồi hất nước, hắn vẫn chẳng buồn rời đi. Không ai kéo hắn đi cả vì hắn quá bẩn thỉu còn người dân phố này thì quá sạch sẽ. Ruồi bay thành từng đàn quanh hắn. Tôi nghĩ hắn chẳng còn mấy thịt đâu. Ruồi đã xơi hết rồi. Cũng có thể hắn giống như người đàn ông trong bộ phim The Fly(2) mà tôi từng hãi hùng tới mức không dám xem lại lần thứ hai.

“Thằng bỏ mẹ đấy dai thế không biết.” – Một người nói.

“Ai đập chết nó đi.” – Một người khác nói vào.

“Ai đập đi.” – Hình như một người nữa.

Sau đấy nhiều cái miệng luyến thoắng. Rồi chỉ mặt nhau. Tôi không buồn nhìn ra xem có ai quen hoặc người nào hăng máu nhất. Một hồi tranh cãi, đôi co nhau, tất cả đưa ra biểu quyết hòa bình. Lý do họ kết lại câu chuyện là về tình người, giá trị sống, quyền làm người và một mớ hầm bà lằng khác cốt để gột lại danh dự mình sau những lời đao phủ.

Mỗi khi hắn đi qua dãy nhà nào, thì cửa ngõ nhà đấy lại thối hoắc. Mấy dấu chân đen vẫn có thôi, thậm chí còn có dòi ngoe nguẩy dưới đất. Nước hoa, nước xịt phòng, thậm chí đến thuốc tẩy cũng không át đi mùi hắn. Nhà tôi hắn cũng từng viếng qua. Cũng để lại dấu chân đen, cũng để lại dòi. Người nhà tôi đã rửa sạch lại ngõ bằng nước xà phòng. Bọn trẻ con bị cha mẹ quản chặt hơn. Trừ lúc đi học, còn thì chúng không được ra ngoài phố. Đấy chỉ là sự lo lắng của những người lớn. Họ sợ rằng bọn trẻ sẽ bị lây bệnh của hắn. Còn gì đáng sợ hơn việc một ngày nào đấy lại có một đứa trẻ giống hắn. Thời bình rồi, người ta sợ phải giết người lắm, trừ phi có ai đấy thay mặt họ giết người mà họ vẫn vô can và còn có cơ hội đứng ngoài lên tiếng như một nhà lương tâm bất đắc chí.

“Mẹ kiếp, tởm quá đi…” – Lại một người nữa chửi rủa.

Tôi bỏ tách café lại rồi ra quầy gửi tiền.

*

Tôi ngủ không được vì nóng. Điều hòa vẫn chạy kia mà. Khắp nơi trong phòng nhà nghỉ vẫn mát lạnh. Vậy mà tôi vẫn thấy nóng. Cái cơn nóng này đây không làm tôi đổ mồ hôi, cũng không khiến da tôi khô rang lại. Chúng thôi thúc tôi phải tìm đến nước. Nước ở tủ lạnh, rồi nước lã tôi bật ở vòi nhà tắm cũng không làm cơn nóng trong người tôi dịu xuống. Không lẽ phải uống đến no căng bụng để hạ hoàn toàn cơn nóng? Hơi nóng từ thân nhiệt tôi thì phải. Cái cảm giác này tôi từng nhiều lần trải đến nhưng không giống lắm. Nửa thân dưới của tôi vẫn ổn định tới mức tôi còn kiểm soát được. Tay tôi nóng ran. Lúc xiết lại thành quả đấm tôi thấy nắm quyền mình như bốc cháy. Mở cửa rèm tôi thấy trời đã tối. Lúc đặt phòng tôi có nhìn đồng hồ. Ba giờ chiều. Sau khi dùng bữa qua loa tôi đã đi ngủ ngay vì quá mệt. Thế mà đã tối mịt rồi sao. Tôi không chắc giấc ngủ mình kéo dài đến thế. Mở điện thoại. Tôi thấy mới 6h chiều. Có lẽ hệ thống báo giờ ở điện thoại trục trặc.

Đi xuống trả phòng, tôi có hỏi giờ cô gái lễ tân. 6h10, không trễ lấy một giây.

Ra khỏi nhà nghỉ, tôi tính gọi cho vài đứa bạn để đi Bar hoặc lai rai ở quán café, không thì trở về nhà dùng bữa với gia đình. Tôi dần không thấy đường vì quá tối. Mây đen rất dày và không ngừng kéo đến. Nhiều nhà đã tắt hết đèn. Một giọt nước va xuống đầu tôi. Thêm vài giọt nước, rơi trúng vai, mặt. Mây kéo đen cả khu phố, rồi vạn giọt nước dội xuống khắp nơi như một cuộc dội bom. Mấy kẻ qua đường trú mưa ở các mái hiên. Số khác mua áo mưa hoặc ráng phóng xe thật nhanh, mong về kịp đến nhà. Tôi không kịp chạy đến mái hiên nào vì mọi luồng sáng đã tắt cạn. Mắt tôi không mở nổi vì bị nước văng vào. Tôi thấy rát và vì cơn mưa quá lớn nên dù có mở to mắt cũng chẳng nhìn rõ.

Chạy loanh quanh một hồi, quần áo tôi ướt nhẹp. Trong tiếng mưa tôi nghe thấy một thứ tiếng khác. Dù âm vang này vẫn bị lẫn vào tiếng mưa nhưng tôi vẫn nghe được đại khái. Tiếng ai đấy đang chửi bới. Chính là thế. Màn mưa vẫn rất dày. Nhiều khe nứt dưới đường đã bị đổ tràn. Cống dềnh lên hôi thối. Tôi không thấy rõ mấy nhưng có lẽ lòng đường cũng bắt đầu ngập.

Tiếng này rất gần. Đi vài chục bước nó đã sát bên tai. Mắt vẫn xót, khó mở to nổi nhưng tôi vẫn thấy hàng mấy chục người đang tụ tập lại. Họ chẳng đứng yên mà đang huơ hoắng. Kẻ cầm gậy, kẻ lăm lăm viên gạch, số khác thì đạp chân. Tiếng họ chửi rủa, gào thét ầm ĩ và hoàn toàn át đi tiếng mưa. Tôi chen vào không khó khăn gì.

“Ra thế…”

Giữa lòng đám người là hắn. Cái tên lở loét không tên tuổi lúc nào cũng đeo bám khu phố và sinh tồn bằng việc xin ăn. Giờ hắn nằm còng quoeo nơi đây, cô độc hứng chịu trận đòn từ bọn chúng tôi. Mặt mũi mấy người này trông hung dữ. Nét mặt họ làm tôi nhớ đến người chú của mình. Chính là thế. Cái tia nhìn hả hê này không khác nhau là mấy. Tôi không can họ mà đứng yên đó. Có người muốn đẩy tôi để chen vào nhưng tôi quá khỏe để bị xô ngã. Mưa vẫn xối xả. Một tầng mây đen nữa lại phủ lên. Khu phố tối thêm và tôi cũng không nhìn rõ mặt đám người hung dữ này. Nhiều đầu gậy bổ xuống. Rồi có kẻ lấy chiếc ghế nhựa đập mạnh tới mức vỡ tung ra. Hắn giật đùng đùng nhưng chẳng hét tiếng nào. Tôi không đủ sức để cản nổi bọn người này, thế nên tôi đã dồn sức, hô một tiếng lớn để bọn người này tạm dừng. Chỉ cần nửa giây ngắn, tôi sẽ có thể đem pháp luật ra để hăm dọa họ. Cũng lúc này đây, một ít mây đen lại hé ra. Chút ánh sáng đâm xuống chỗ chúng tôi và soi bừng khuôn mặt hắn. Con mắt trái độc nhất của hắn. Và tôi thấy hình mình được chiếu lại. Da mặt tôi giống như bức tường bị ngấm nước nhiều năm, đang tróc ra từng mảng. Cái mũi tôi như bị gọt mất, trơ ra hai hốc đen. Bởi lý do da đã bị tróc nên tôi thấy thịt, rồi xương mình lồi ra ngoài. Cái miệng đã ngấu nghiến không ít đàn bà giờ thật thảm hại. Viền môi lở loét, thậm chí một nửa môi đã tuột đi đâu mất. Tôi nhìn thấy rõ từng cái răng của mình. Tôi chỉ nhìn được thế vì cái lỗ nhỏ, mang đến ánh sáng đã bị mây đen lấp mất. Trời lại mưa. Tiếng hạt mưa chạm mái tôn nghe ào ào như núi lở.

Luồng khí nóng tưởng đã dịu bớt, nay lại được dịp bốc lên. Có gì đấy đã thôi thúc nắm quyền tôi nắm chặt lại và giáng hết sức bình sinh vào tên người đang nằm co cụm trong đám đông. Chẳng phải nỗi oán hận. Cũng không phải lời mách bảo từ trong óc rằng đấy là kẻ mang trên người con số 666(3). Lưỡi lửa đã cuốn vào tôi và tôi cần chạy đến suối. Nhiều tiếng nói vẫn vang quanh tai tôi. Không có tiếng của tôi nhưng mỗi thương tích của hắn đều có dấu tay tôi. Cái mặt đáng kinh tởm của tôi dường như đang cười nhạo chính tôi từ trong con mắt hắn. Không thể nào đấy lại là tôi. Mưa xối xả. Trời tối hơn, không hẳn vì mây đen hay đèn tắt. Tôi không nghĩ lý do nào tốt hơn, nhưng đây có thể là một sự hưởng ứng của cả cộng đồng đang vây quanh hắn.

Xương vỡ, thịt văng, dạ dày, ngũ tạng bắn ra và dính lại người mỗi chúng tôi.

Từ xác hắn rất nhiều ruồi bọ bay ra. Có lẽ thế thôi vì tôi không thấy rõ hẳn. Tôi chỉ nghe thấy tiếng vo ve trong tai, rồi một con côn trùng rẽ màn mưa, đâm lạc vào mặt tôi.

Tôi rã rời vì phải đấm đá quá nhiều. Bọn người quanh tôi nghiêng ngả. Đâm sầm vào nhau. Chưa có sự thỏa chí, và tất cả lại chụm lại như một bầy kên kên. Bủn rủn tay chân, mùi hơi người lẫn lộn. Tôi bị kẹt lại trong đám người. Phải, trái, ở sau đều có người. Người lạ, người quen, nếu có ai rọi đèn vào có khi tôi còn thấy người nhà mình. Vẫn có kẻ muốn chen lên để ít nhất lóc đi một miếng thịt hắn nhưng từng khối người đã tê cứng như bị trát keo dán sắt. Không thở ra hơi, tôi muốn xô hết ra để chạy ra ngoài. Sức lực tôi cạn dần. Từng thân người vẫn chồng chất lại như một bầy kiến lửa. Hắn hẳn đã chết và xác còn bị xé nát ra. Năm mươi mảnh? Có lẽ nhiều hơn thế. Con mắt quái quỷ kia…Sao tôi vẫn thấy nó vẫn mở và soi chiếu ảnh mình bằng thứ hình hài ung hoại.

Mưa xả xuống, dữ dội như một trận bão.

*

Lúc tỉnh lại tôi thấy mình nằm ngoài đường. Mưa tạnh, nắng ấm, và đường thoáng không chút nước đọng. Không một mùi hôi thối. Đường xá không một mảnh rác, vỏ lon hay xác lác. Ngay đến cống rãnh cũng đã thoát đi hết. Trận mưa ngày hôm qua đã rửa trôi tất cả. Mọi vật xinh tươi, nảy nở như vừa qua đại lụt Nô-Ê.

Sự việc ngày hôm qua như khắc lại vào đầu tôi. Trí não tôi dường như chỉ lưu nhớ lại mỗi điều này. Hắn bẹp dí trong vòng vây của chúng tôi. Không chút phản kháng. Bất lực như con vật tế thần đã bị phế đi tứ chi.

Trong một ngày mưa lớn, đường lầy lội, tối, ẩm ướt và nhiều người.

Mặc áo mưa hoặc không. Cầm ô hoặc không.

Kẻ lạ kia bị dồn vào một cái góc hẹp được tạo ra bởi những thân người. Bức tường này cứ thế ngày một dày lên. Thịt đè vào thịt. Chồng chất lên như tường thành. Chúng biết chuyển động, và xoay thành vòng tròn. Cái thân thể lở loét, còi cọc kia bị lóc nham nhở nhưng con mắt thì chưa chịu khép. Nó mở trừng trừng, lồi ra khỏi hốc mắt và giống như một chiếc máy ghi hình, nhiều thước phim được thâu lại.

Hắn không quay về khu phố này nữa.

Người con phố này ngại nhìn nhau. Chào, rồi phớt lờ nhau. Tôi có hỏi hắn và ai cũng đều lắc. Không ai nhớ về ngày hôm đấy ư. Họ quên, còn tôi thì nhớ. Các hình hài nứt toác và bị rút khỏi bộ xương. Không riêng hình tôi mà toàn bộ bọn họ đều bị chiếu ngược thành ác quỷ trong tròng mắt trắng đục đấy.

“Ngày mới tốt lành…”

Cũng trong cái ngày tốt lành đấy, tôi hay tin một người ở khu phố mình đã tự chọc thủng mắt mình. Xe cứu thương đã đến tận nhà để đưa người đấy vào viện.

*

Vào phòng người chú quá cố, tôi bị trượt ngã vì dẫm phải một viên tràng hạt.

Nhìn vào tấm kính cửa sổ, tôi thấy bóng mình lờ mờ. Đi gần về phía tấm kính vài bước, hình tôi rõ hơn. Tôi dẫm vào vài viên tràng hạt nhưng không ngã. Một vài viên dính dưới lòng bàn chân tôi và rơi xuống khi tôi nhấc chân lên.

Nhìn sát vào tấm kính, tôi chợt run lên nhưng vẫn đứng yên.

Mặt mũi tôi vẫn tươi tỉnh. Nửa thân người tôi hòa với chút khung cảnh phía ngoài. Trong tròng mắt mình, hình của tôi được phản chiếu lại. Nó mờ tối trong hạt đen. Tôi nhìn chằm chằm, và cái ảnh mang hình tôi cũng nhìn lại.

Thế là,







(1) Zombie : Thây ma, xác chết sống dậy. Phổ biến trong văn hóa phương Tây từ thế kỉ 19, là nguyên mẫu cho nhiều bộ phim kinh dị.

(2) The Fly : Một bộ phim kinh dị của Mỹ.

(3) 666 : Trong chương cuối của kinh Cựu Tân Ước, ám chỉ dấu ấn của Satan.

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

THƠ TẾT: Ông Đồ Thời Avòng (@)





Trần Ngẫu Hồ


“Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”



Ngay từ 1962, ông Đặng Tiểu Bình đã muốn từ bỏ mô hình XHCN kiểu Stalin và đi theo con đường khác với câu nói: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt”. Ông ta bị Mao Trạch Đông xử lý kỷ luật. Sau khi được phục hồi và sau khi ông Mao chết, năm 1978 ông Đặng lại nói lại câu nói đó và thực tế bắt đầu rẽ theo con đường TBCN mặc dầu vẫn nói là “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Để kết thân với Mỹ, tháng 2/1979 Đặng Tiểu Bình xua quân đánh Việt Nam là đã gửi thông điệp cho Nhà Trắng rằng: “Giữa chúng tôi (Trung Quốc) và Việt Nam không cùng ý thức hệ dù đều là Đảng Cộng sản”.
Đại hội thứ 18 Đảng CS Trung Quốc mới đây không còn đề cập CN Mác – Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông nữa mà chỉ nêu lý luận “ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “tư tưởng Đặng Tiểu Bình”.
Tuy vẫn giữ câu “xây dựng XHCN nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, nhưng người ta có thể cho rằng xã hội Trung Quốc hiện nay là XHTB chưa thật đúng nghĩa, còn do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Mô hình XHCN kiểu Stalin tỏ ra không thích hợp, kìm hãm sản xuất, kìm hãm phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khi đó một số người lãnh đạo lại hưởng đặc quyền đặc lợi sống như đế vương, độc tài độc đoán dẫn đến Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu xụp đổ. Từ đó, chưa ai đưa ra được mô hình XHCN nào khác.
Việt Nam ta tất yếu phải cuốn theo kinh tế thị trường, nhưng lãnh đạo vẫn lấy CN Mác – Lênin làm cơ sở tư tưởng, vẫn chủ trương xây dựng CNXH. Thử hỏi xây dựng CNXH theo mô hình nào? Trong xã hội ta hiện nay, nội dung gì là XHCN, không ai chỉ ra được. Còn nói phát triển kinh tế thị trường “theo định hướng XHCN”. Cái đuôi “theo định hướng XHCN” thật là mơ hồ, vô nghĩa.
Đã không có mô hình, không có nội dung XHCN, thiết nghĩ chỉ nên nêu “lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đã từng ghi là đúng đắn và khả thi. Không cần nêu CN Mác – Lênin mà “chỉ nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ” vì cái gì ở Mác, ở Lênin mà thích hợp với Việt Nam thì Hồ Chí Minh đã tiếp thu, cũng như những gì là hay, là tốt của thế giới, của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, của Khổng Tử, của Tôn Trung Sơn đều đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh.


Nguyễn Trọng Vĩnh

Tử huyệt của nhà lãnh đạo chuyên quyền







Nguồn: Alina Polyakova & Torrey Taussig, “The Autocrat’s Achilles’ Heel“, Foreign Affairs, 2 Febrary 2018.

Biên dịch: Huỳnh Hoa

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại. Nga và Trung Quốc – hai cường quốc được lèo lái bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – đang tích cực thử thách độ bền của trật tự quốc tế khi phương Tây dường như đang thoái trào. Tổng thống Nga Vladimir Putin, không hề bối rối vì những cuộc cấm vận của phương Tây, không chỉ dẫn dắt một chiến dịch tung tin giả mạo ở các nước dân chủ phương Tây để lũng đoạn các cuộc bầu cử quan trọng mà còn tiếp tục duy trì sự chiếm đóng của Nga ở bán đảo Crimea và vùng Donbas ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang khai triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc ra Biển Đông và sức mạnh kinh tế trên khắp châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.

Cả hai quốc gia này đều tìm cách tác động tới các nhà nước dân chủ thông qua việc sử dụng “sức mạnh bén” (sharp power). Nhận biết tầm với của Nga và Trung Quốc đang mở rộng, chính phủ của ông Trump đã có quyết định đúng đắn khi nhìn nhận hai quốc gia này là những đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong bản Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng quốc gia mới công bố gần đây. Lần đầu tiên kể từ ngày 11/9/2001, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc chứ không phải là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu được coi là ưu tiên số một của an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Dường như không có biện pháp hiệu quả nào để kiểm soát những tham vọng ngày càng lớn của Putin và Tập. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo này có thể đang thực hiện một lỗi lầm chiến lược. Họ đang đặt cược tương lai và triển vọng quốc tế của đất nước họ vào một chỗ: chính bản thân họ. Trong suốt sự thống trị của mình, Putin và Tập đã có những bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát cá nhân của họ đối với quyền lực. Trong ngắn hạn, đây có thể là một cơ chế tạo sự ổn định nhưng về lâu dài, nó có thể làm trầm trọng thêm những mối căng thẳng nội bộ cố hữu đến mức cuối cùng có thể xói mòn sự cai trị của họ.

Là nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm của hai quốc gia lớn, Putin và Tập cùng đối mặt với hai tình trạng khó xử tương tự nhau: đó là quản lý cuộc cạnh tranh khốc liệt trong giới tinh hoa để thể hiện lòng trung thành và giành quyền kế vị, và cân bằng các tham vọng quốc tế với tình trạng căng thẳng sâu sắc giữa chính phủ trung ương và các khu vực bất ổn trong nước. Khi cả hai nhà lãnh đạo này tìm cách giành thêm nhiều “thắng lợi” để biện minh cho quyền kiểm soát cá nhân của họ ở trong nước, có khả năng họ sẽ theo đuổi mạnh mẽ những chính sách đối ngoại rủi ro hơn, liều lĩnh hơn.

Trong khi Hoa Kỳ cân nhắc cách tiếp cận của mình cho thời kỳ mới của chính trị siêu cường, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ cần phải tính tới chuyện tình trạng căng thẳng nội bộ trong nước cố hữu của các hệ thống cá nhân sẽ tác động tới nghị trình và chính sách ngoại giao của Putin và Tập như thế nào.

DAO KIẾM ĐÃ CHÌA RA

Các nhà lãnh đạo chuyên quyền phải là những người quản lý tốt. Vị trí của một nhà độc tài chỉ được bảo đảm bởi mạng lưới các thành viên trung thành trong giới tinh hoa của ông ta. Nhưng lòng trung thành chính trị, ngay cả dưới các chế độ chuyên chế, cũng thường xuyên thay đổi. Hoàn toàn có thể chắc chắn rằng Putin sẽ chiến thắng trong cuộc tái tranh cử chức tổng thống vào tháng Ba tới. Như vậy, cuộc cạnh tranh thực thụ nằm ở cuộc đấu đá nội bộ trong giới tinh hoa ở Kremlin – có thời những cuộc chiến tranh nội bộ này được giấu kín nhưng nay chúng ngày càng được phơi bày ra trước mắt công chúng. Ngay cả các đồng minh của Putin, chẳng hạn như Igor Sechin – người đứng đầu tập đoàn Rosneft, cũng đang chấp nhận các rủi ro chính trị để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Hồi tháng 11 năm 2016 Sechin đã thực hiện một chiến dịch đột ngột để hạ bệ bộ trưởng bộ kinh tế Nga Aleksei Ulyukayev qua việc tiết lộ sự tham gia của ông này trong một âm mưu hối lộ. Đã có những dấu hiệu cho thấy vòng kiềm tỏa của ông Putin với giới tinh hoa, và với Sechin nói riêng, đã bị nới lỏng. Được biết ông Putin đã yêu cầu ông Sechin ra điều trần về vụ Ulyukayev nhưng Sechin từ chối, giáng một cái tát công khai vào nhà lãnh đạo Nga.

Trong lúc trò chơi cung đình ở Moscow gia tăng cường độ trong thời gian trước cuộc bầu cử tháng Ba, ông Putin sẽ cần chứng tỏ cho giới tinh hoa đang lo âu và dao động rằng ông ta vẫn là nhà lãnh đạo được nhân dân chọn lựa. Để tái khẳng định sứ mệnh được người dân giao cho, ông Putin được biết đang tìm cách đạt được mục tiêu 70/70: thắng một cuộc bầu cử có 70% số cử tri đi bỏ phiếu và giành được 70% số phiếu bầu. Ít ra ông ta cũng cần phải vượt qua kết quả bầu cử năm 2012 (65% số cử tri đi bầu và giành được 64% số phiếu). Về khía cạnh này, hầu như không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm [4 năm] ngày nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea, một canh bạc ngoại giao đã giúp cho tỷ lệ ủng hộ ông Putin tăng thêm 21 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Trái lại, việc nước Nga can thiệp vào Syria chỉ mang về cho ông Putin thêm 5 điểm phần trăm, từ 83% lên 88%. Ngoài những cuộc bầu cử, ông Putin còn phải nạp lại năng lượng cho đám đông cử tri ủng hộ ông bằng cách thúc đẩy những cảm xúc dân tộc-dân túy chủ nghĩa – cho đến nay, xâm lấn nước ngoài đã là công thức duy nhất để đạt được mục đích ấy.

Không giống như nước Nga của ông Putin, cuộc cạnh tranh trong giới tinh hoa Trung Quốc bị thu gọn trong hệ thống độc đảng đã được thiết chế hóa. Nhưng công cuộc củng cố quyền lực nhanh chóng của ông Tập đang thử thách những giới hạn của mô hình lãnh đạo tập thể của Trung Quốc. Tập được coi là nhà cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông. Cuộc thâu tóm các chức vụ chính thức của Tập (hiện thời ông ta nắm 13 chức vụ khác nhau) đã lên đến cực điểm khi đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thánh hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong hiến pháp của quốc gia [chi tiết này có thể tác giả nhầm, đại hội đảng chỉ có thể đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào cương lĩnh của đảng chứ không đưa vào hiến pháp của quốc gia – ND]. Hơn thế nữa, chiến dịch chống tham nhũng khắc nghiệt của Tập, gọi là “đả hổ diệt ruồi” đang thử thách lòng trung thành của giới tinh hoa Trung Quốc. Cho dù Tập lên cầm quyền với sứ mệnh làm trong sạch hàng ngũ của đảng, việc Tập nhổ tận gốc các cán bộ cấp cao và cấp trung đã làm cho nhiều người trong đảng cảm thấy phân vân, không biết sự ưu ái của ông này sẽ đặt ở đâu – và không muốn thử nghiệm chuyện này. Những trường hợp nổi tiếng liên quan tới các “con hổ” bao gồm cả các tướng lãnh như Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxing) – cả hai đều là phó chủ tịch quân ủy trung ương và đều bị buộc tội tham nhũng nghiêm trọng. Việc các ông tướng này bị thất sủng là lời nhắc nhở rằng trong đảng không có vị trí cao cấp nào là an toàn – một cảm xúc sẽ mang lại cho ông Tập nhiều kẻ thù hơn là tay chân thân tín.

Hiện thực mới của Trung Quốc cho thấy nếu ông Tập thể hiện sự ủng hộ cho một cuộc thay đổi chính sách – cho dù quyết đoán hơn hay thận trọng hơn – quyết định của ông ta sẽ không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào từ hàng ngũ chóp bu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Điều này có thể mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một ý thức sai lầm về niềm tin vào những khả năng của đất nước họ và dẫn tới kết quả là sự đồng tâm nhất trí trong các cố vấn của Tập. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng tỏ, các chiến lược ngoại giao được nghĩ ra dưới hai tiêu chuẩn này thường kết thúc bằng các thảm họa.

CĂNG THẲNG TRUNG TÂM-NGOẠI VI

Các nước lớn cai trị bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – những người tập trung quyền kiểm soát – tất yếu sẽ đương đầu với những căng thẳng nội bộ giữa trung tâm và ngoại vi. Theo cơ cấu chính trị, sự quản lý tài chính của nước Nga có tính tập trung cao: các nguồn tài chính như doanh thu sản xuất dầu khí và thuế chảy về Moscow từ các khu vực giàu tài nguyên để phân bổ về những tỉnh nghèo tài nguyên. Trong khi nền kinh tế bùng nổ đầu thập niên 2000 nhờ giá dầu cao thì điện Kremlin có thể duy trì vũ điệu cân bằng, giữ hòa bình giữa 85 tỉnh thành của nước Nga. Nhưng khi giá dầu lao dốc năm 2015 và tiếp tục giữ mức thấp một cách ngoan cố thì ngân sách nhà nước dựa vào dầu khí bị tổn hại rất trầm trọng. Những cuộc cấm vận của phương Tây cũng bắt đầu có tác dụng, góp 1,5% vào sự sút giảm tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Nga năm 2015.

Khi ngân khố nhà nước co lại cùng với nền kinh tế nói chung, Moscow đã gia tăng rất nhiều phần ngân sách mà các tỉnh phải nộp về trung ương, và các tỉnh này đã bắt đầu phản kháng công khai. Nỗi oán giận đang tăng lên ở vùng Sakhalin giàu tài nguyên dầu mỏ, nơi mà Moscow đòi chia phần lớn hơn từ doanh thu dầu khí. Mùa thu năm ngoái, Moscow thông qua một đạo luật liên bang mới, tìm cách thâu tóm khoảng 75% tiền thuế và tiền chia phần từ dự án Sakhalin-2 đang có nhiều lợi nhuận. Theo luật hiện hành, Moscow chỉ được chia 25%. Các thống đốc và dân chúng địa phương, hiện sống nhờ thu nhập khiêm tốn, đã công khai bày tỏ nỗi phẫn uất của họ thông qua các cuộc biểu tình phản kháng. Cũng trong thời gian này, các vùng miền đối mặt với sự cắt giảm ngân sách cũng than phiền rằng họ không nhận được đủ tiền từ Moscow để duy trì các dịch vụ căn bản và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Trên khắp nước Nga, các chính quyền vùng miền đang đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều quyền kiểm soát ngân sách của họ hơn. Khả năng của điện Kremlin nhằm xoa dịu tình hình hoặc đàn áp đối lập đã bị hạn chế bởi nhu cầu liên tục có thêm nhiều tiền và tầm kiểm soát giới hạn ở bên ngoài thủ đô Moscow và thành phố St. Petersburg. Không có sự tăng trưởng kinh tế trong tầm nhìn, Putin sẽ phải đối mặt với tình trạng Catch-22 (bế tắc không lối thoát): nỗi oán hận gia tăng ở các tỉnh đi kèm với nhu cầu thường xuyên phải thúc đẩy sự ủng hộ của dân chúng thông qua các chiến dịch tốn kém ở nước ngoài.

Tập Cận Bình cũng phải xử lý vấn đề mối căng thẳng giữa trung ương và ngoại vi, trong lúc ngự trị trên sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ái quốc sôi nổi trên khắp Trung Quốc. Bài diễn văn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà Tập đọc trước đại hội 19 [của đảng Cộng sản] hồi tháng 10 đầy những xúc cảm dân tộc chủ nghĩa. Ông ta tái khẳng định lời hứa sẽ thúc đẩy một “cuộc trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Hoa” và thề sẽ khôi phục vị trí xứng đáng của nước này trên thế giới. Bằng một giọng điệu huênh hoang, Tập khoe khoang dự án Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông như là một trong những thành quả vĩ đại nhất của ông ta. Nhưng những kế hoạch đầy tham vọng của Tập đối với Trung Quốc, cả với trong nước lẫn quốc tế, đều có giá của chúng. Tập đã phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để trấn áp những cộng đồng dân chúng bất mãn của Trung Quốc, như ở Hong Kong và Tân Cương. Những nỗ lực này có nghĩa là phải bảo đảm sự ổn định quốc nội, sự an toàn của chế độ và cảnh cáo tất cả các công dân Trung Quốc phải hậu thuẫn cho “giấc mộng Trung Hoa” của Tập.

Vào tháng 11-2017, đại hội nhân dân toàn quốc [tức quốc hội] Trung Quốc yêu cầu vùng lãnh thổ bán tự trị Hong Kong phải tuân thủ “Luật quốc ca” của Trung Quốc, theo đó mọi hành vi sỉ nhục hoặc không tôn trọng bài quốc ca Trung Quốc đều là phi pháp và bị phạt tù giam. Hành động này có lẽ là một phản ứng chống lại những người biểu tình không phục tùng ở Hong Kong, những người đã từng la ó khi bài quốc ca Trung Quốc được cất lên trong các trận đấu bóng đá gần đây. Có thời là hình mẫu cho một nước Trung Quốc cởi mở và phồn vinh, khả năng của Hong Kong trong việc chống chọi với hệ thống chuyên chế ngày càng lấn tới của Trung Quốc đang phai mờ dần. Ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc, Tập đã thực thi sự giám sát hà khắc và áp bức của cảnh sát đối với toàn bộ khối dân Uighur thiểu số. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng những biện pháp này là nhằm xử lý mối đe dọa khủng bố, những quan hệ căng thẳng cũng nhắm tới nỗi oán hận đang gia tăng trong cộng đồng dân chúng địa phương đối với chính quyền trung ương.

Sự bất đồng nội bộ đặt đảng Cộng sản Trung Quốc vào vị trí khó khăn. Một mặt, ông Tập nhắm tăng cường tính chính danh nội bộ của ông ta thông qua những lời kêu gọi dân tộc chủ nghĩa, trong khi mặt khác, ông tìm cách tái bảo đảm cho các lân bang đang lo ngại rằng đất nước ông mong muốn hòa bình và hợp tác. Nhìn về phía trước, nếu Tập nhận thấy rằng, dập tắt sự bất ổn nội bộ bằng tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa và thể hiện sức mạnh về những lợi ích cốt lõi như Biển Đông quan trọng hơn là trấn an các quốc gia láng giềng thì sự ổn định có thể sẽ bị tổn hại.

ỔN ĐỊNH ĐẾN KHI KHÔNG CÒN NỮA

Khi Putin và Tập xử lý những mối căng thẳng nội bộ trong giới tinh hoa và dân chúng, [thế giới] sẽ trở nên ngày càng khó đấu tranh với chiến lược đối ngoại của họ. Trong lúc theo đuổi những lợi ích an ninh quốc gia của mình, Hoa Kỳ sẽ cần phải cân nhắc chống lại một Trung Quốc hung hăng hơn và một nước Nga hay thay đổi. Mặc dù những thách thức mà Putin và Tập đặt ra sẽ xâm chiếm suy nghĩ của Hoa Kỳ trong nhiều năm tháng sắp tới, nhưng trong ngắn hạn, chính phủ Trump cần phải có những bước đi cụ thể để ứng phó với hai nhà nước cạnh tranh này.

Cuộc can thiệp của Putin vào Ukraine và Syria dường như bất ngờ với chính quyền Obama, và hậu quả là phản ứng của Hoa Kỳ diễn ra chậm chạp và thận trọng. Cần phải phản ứng nhanh và quyết liệt hơn đối với những cuộc can thiệp của Nga trong tương lai. Trong khi không thể nào biết chính xác ông Putin có thể nắm bắt cơ hội sắp xảy ra để phát động một cuộc tấn công quy ước hoặc phi quy ước vào đất nước nào, lãnh thổ nào, chính phủ Trump vẫn cần phải chuẩn bị cho hàng loạt hành vi xâm lấn có thể xảy ra, cho dù đó là một cuộc chiến tranh nửa bí mật nửa công khai chống lại các quốc gia chung biên giới với Nga hoặc tiếp tục các chiến dịch tung tin giả ở phương Tây.

Tuy vậy, những tham vọng toàn cầu của Tập mới đặt ra thách thức lớn nhất trong dài hạn cho nước Mỹ. Trung Quốc có được lợi thế thời gian; năng lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng tương đối so với Hoa Kỳ. Vì vậy, chính phủ Trump ngay bây giờ nên tận dụng lợi thế hiện có. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên đầu tư vào các mối quan hệ đối tác đã thiết lập từ lâu, xây dựng quan hệ với các quốc gia khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để làm giảm những khích lệ cho hành vi xâm lược từ phía Trung Quốc.

Cuối cùng, sự củng cố quyền kiểm soát của Putin và Tập sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thành công và sai lầm của chính phủ của họ. Họ không thể đổ trách nhiệm cho ai được. Đổi lại, Putin và Tập sẽ có thể ứng phó với áp lực tăng trưởng kinh tế và chính trị bằng cách tìm thêm nhiều quyền kiểm soát ở trong nước trong khi chấp nhận rủi ro lớn hơn ở nước ngoài. Đối nội, điều đó có nghĩa là những biện pháp hà khắc hơn để bịt miệng phe đối lập, trung hòa cuộc cạnh tranh chính trị và hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Nhưng đàn áp là phương cách tốn kém để bảo đảm sự tuân phục lâu dài của công dân. Có thể Putin và Tập sẽ thấy cách thức dễ dàng hơn để nâng cao tính chính danh là mô tả chế độ của họ như là “người bảo vệ của nhân dân”, chống lại những thế lực thù địch bên ngoài và như vậy họ có thể cảm thấy nhu cầu theo đuổi những chiến thuật hung hăng ở nước ngoài cho dù những động lực này cuối cùng sẽ chỉ làm sâu thêm sự rạn nứt trong mỗi chế độ. Putin và Tập trông giống như những nhà lãnh đạo độc tài quyền lực nhất thế giới, nhưng câu châm ngôn xưa cũ vẫn còn áp dụng được: các chế độ chuyên chế ổn định cho đến khi chúng không còn nữa.

Alina Polyakova là nhà nghiên cứu thuộc chương trình Chính sách đối ngoại, Viện Brookings, Mỹ; còn Torrey Taussig là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chương trình Chính sách đối ngoại của Viện Brookings và tại Trung tâm Belfer về khoa học và những vấn đề quốc tế thuộc trường Kennedy của Đại học Harvard.

Nguồn: Viet-studies

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

TRUYỆN NGẮN: “THOÁT TỤC” CỦA HOÀNG HẢI LÂM








Tôi cố tình bắt chuyến xe cuối ngày, lúc về đến Tĩnh Gia trời đã tối mịt mờ. Thị trấn heo hút sau những ánh đèn. Tôi biết rằng có bấm bụng đèn mới le lói thế. Hai bên đường bạt ngàn lau sậy, nó hiện lên trong trí nhớ tôi. Gió thổi thốc tháo từ lỗ hở tấm kiếng cuốn phăng mảnh rèm rồi rớt xuống sàn xe, ai đó vơ vội nó trùm lên mình cho đỡ lạnh. Trên chặng đường dài, mọi người đều ngủ vì mệt. Tôi thì không, có hơn ngàn năm tôi chưa hề ngủ. Điều đó không có ý nghĩa đối với tôi. Từ lúc rời khỏi nhà cho đến khi ngồi trên xe, tôi bịt mắt lại để che cho phần thịt duy nhất có được trên khuôn mặt mình. Đoạn đường này quá nhiều bụi, nó sẽ làm hỏng mắt và tôi sẽ không còn cơ may tìm kiếm hắn. Người đàn bà ngồi cạnh tôi, lúc tỉnh ngủ thường sửa lại chiếc mũ cho tôi mặc dù đấy là thứ mà tôi không bao giờ để chúng xê dịch. Tôi mặc nhiều áo, toàn những chiếc to dày đắp lên bộ xương để trông giống người bình thường. Ngày sinh tôi ra, người đàn ông hoảng hốt khi nhìn đứa mà ông gọi là con chỉ có duy nhất bộ xương, đôi mắt và mấy thứ nhì nhằng trên cơ thể. Tiếp đó là người đàn bà, vợ của ông ấy, người đã sinh ra tôi. Nhưng tôi không phải là con của hai người này. Tôi sinh năm 44 Sau Công Nguyên, tức họ kém tôi chừng 1900 tuổi. Tôi chạy chọt mãi mới được những suất đầu thai, qua hơn 40 lần chuyển kiếp tôi vẫn là tôi. Cái cửa sinh của người đàn bà và dục vọng của người đàn ông đã không tẩy hết trí nhớ của mình. Nước sông Nại Hà tôi uống trước đó cũng trở nên vô dụng. Tôi vẫn nhớ, nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời mình, nhất là khuôn mặt của hắn. Tôi chỉ mượn tạm đường sinh cho kiếp mình, không ngờ là người ta sợ hãi xương cốt và xem phần thịt là thứ quan trọng nhất ở đời. Cũng có thể, lúc đó cửa sinh của người đàn bà bị rách nát khi cố dùng hết sức đẩy tôi ra. Nhìn vẻ mặt đau đớn của người đàn bà, tôi nói.

- Bình tĩnh lại, tôi không phải là con của ông bà. Đừng buồn vì một đứa con như tôi, tôi sẽ đi ngay sau khi thực hiện xong sứ mệnh của mình.

Họ vẫn cứ buồn, thậm chí ghê sợ khi bộ xương mới sinh ra đã biết nói. Đó không phải là điềm lành, đó là sự quái gở. Tôi giấu nhẹm bí mật của mình, chuyện vì sao tôi tìm hắn và những cuộc đời trước đó của tôi. Thực ra, tôi là con trai của nữ tướng. Năm 43 sau Công Nguyên, ngay khi cầm quân thất thủ, nữ tướng bị dồn đến ngọn núi. Chính hắn đã sai quân lính bắt sống nữ tướng rồi giam bà vào hang động, số quân lính này sau đó bị hắn giết sạch để đảm bảo bí mật. Với nữ tướng, hắn đã cho uống thuốc để bà không còn ý thức được mình. Tôi tượng hình trong bụng mẹ và cảm nhận được sự tàn bạo của hắn đối với nữ tướng, đối với dân tộc này, đối với những người đàn bà ở Tĩnh Gia. Chính hắn đã phát động quân lính tàn sát hết đàn ông ở Tĩnh Gia và cưỡng hiếp toàn bộ đàn bà. Những đứa trẻ sau đó mang hình hài của hắn. Tôi đã không gọi hắn là cha mà gọi cận thần chăm sóc nữ tướng bằng từ thân thuộc đó. Người cận thần chết. Dưới lưỡi dao của hắn, ông ấy nhìn tôi cười trỏn trẻn.

- Ta là một hoạn quan, đời ta chưa hề được nếm thể xác đàn bà. Được con kêu ta bằng cha khi cất tiếng nói đầu đời thế là ta hạnh phúc lắm. Khát vọng được làm cha của ta vẹn toàn, con đừng ân hận vì tiếng gọi cha đó.

Vậy đấy, sự ương bướng của tôi đã gây ra cái chết của một người. Đó là nghiệp chướng để tôi được đầu thai lần đầu tiên. Năm tôi lên bốn tuổi, mẹ tôi bị chính hắn sát hại. Tôi đã không phản ứng gì ngoài đôi mắt nhìn hắn chằm chằm. Bên vách núi, tôi thả lỏng mình xuống biển. Khi chạm mặt nước, tôi đã bước sang thế giới khác. Sau đó có người đón tôi. Sau nữa tôi được người cầm sổ xua trở lại.

- Thiên thần, không có tội, sao lại tới đây?

Mặt nước sáng hôm ấy dập dìu thân xác tôi. Người đứng xa dớn dác, người đứng gần thót tim khi nhận ra đứa trẻ trôi lờ đờ. Con chim kiếc dồn về nơi ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng kêu của nó vang lên, đồng thanh rồi đứt quãng. Kiếc! Kiếc! Kiếc! Thanh âm tràn ngập khắp quanh đồi, dưới chân sóng. Loài chim này khi có người chết sông, chúng quần tụ nhau về kêu đến đứt ruột rồi chết. Xác chúng phủ trên xác người. Nghe đồn rằng, người được 100 con kiếc phủ mình sẽ hóa thành tiên. Tôi cũng không còn cơ may kiểm chứng, cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Tôi chỉ quan tâm đến hắn. Bởi thế, lúc thấy hắn thấp thoáng bước qua chiếc cầu mỏng tang. Bên dưới cầu là dòng nước đỏ nhờ nhợ. Tôi bắt đầu thấy nhột chân, nếu không kịp tôi sẽ mất dấu vết của hắn. Con sông đùng đục hơi, từng màu trắng sáng bốc lên khi bên dưới sông không thôi tiếng gào thét. Nó là sông gì? Tôi không biết. Tôi chưa hề đến đây lần nào cũng chưa hề đủ thời gian để trải nghiệm những câu chuyện của nhân gian. Người đứng trước mặt tôi gọi nó là sông Nại Hà. Tôi chẳng quan tâm đến điều đó, phía trước tôi là hắn, tôi phải đến đó bằng mọi cách, tôi phải qua sông.

- Ngươi được đàn chim kiếc 200 con phủ mình, sao lại không về cõi tiên?

Tôi lờ đi câu hỏi của người đàn ông, cõi tiên không phải là đích đến của tôi. Tiến sát đến người đàn ông cầm cuốn sổ, tôi hỏi một cách từ tốn.

- Thưa ông, làm thế nào để được đi qua đó?

- Phải có tội mới được đầu thai.

- Tôi có tội.

- Chẳng thấy ai như ngươi cả, trở về đi.

- Tôi đã gây ra cái chết của người hầu.

- Tiếng gọi đầu đời của một đứa trẻ không được khép tội.

- Tôi đã có hành động tự sát, tôi thả mình xuống sông...

Người đàn ông lắc đầu nhìn tôi vẻ không hài lòng. Tôi nhanh chóng bước qua cầu, mấy người vừa rớt xuống sông huơ tay lên phía tôi. Chẳng thể nào chìa cho họ một cánh tay khi hàng trăm cánh tay bấu víu vào nhau nhưng chẳng dài thêm được. Hắn đã đi khuất như làn khói. Xứ sở này sương khói vờn lên nhau, từng luồng không khí buốt giá thi nhau ào đến rồi bất giác hơi nóng ở đâu ùn ùn kéo đến. Đã có nhiều vong hồn không cầm được phải tan vào trong sương. Tôi nhắm hờ mắt lại, cảm nhận cho được bước chân hắn đi. Người nào ở cõi nhân gian mang trong mình nhiều tội lỗi thì bước chân của họ khi trở về đây nặng hơn người thông thường. Chình chịch, chình chịch... tôi lần theo. Bao nhiêu ảo ảnh bủa vây chỉ còn cách nhắm mắt lại mới xác định được mục tiêu. Và mục tiêu của tôi đã lén sang cửa tử khác, hắn cứ chết liên hồi và qua mỗi cửa tử mùi quen thuộc của nó dần nhạt phai. Tôi chạy đua với hắn, lần đầu thai kế tiếp tôi mượn thân xác của loài chó. Chỉ có thể như thế tôi mới đánh hơi được hắn. Trong ngôi chùa, hắn là vị sư, tôi là con chó gác cổng chùa. Nơi đây tôi cũng nhận ra nữ tướng. Giờ linh hồn nữ tướng đã gửi vào cô gái đẹp như bức tranh. Cô gái là người mộ đạo. Được sinh ra trong gia đình khuê các, nhiều người con trai đến dạm hỏi nhưng nàng không ưa. Ngày ngày, nàng lên chùa thắp hương khẩn Phật và quét lá bồ đề. Chiều đến nàng nói chuyện với sư thầy. Tôi mảnh mắt nên thấy khóe mắt sư thầy lung linh như ánh nắng chan xuống lá cây sau trận mưa dài. Đêm ấy trời mưa, trên điện tiếng mõ rớt loạn nhịp. Không phải đợi lâu, tôi biết được sự thể diễn ra ở trên điện. Khi nghiêng đôi tai mình, âm thanh đó réo lên. Kỳ thực, đó là tiếng rên của sư thầy, tiếng rên không lẽ thầy bị đau? Luồng ánh sáng len ra từ cánh cửa bị hở, tôi ghé mắt trông, bát hương cháy rừng rực làm lộ tấm thân của người thiếu nữ. Mẹ ơi! Sư thầy là hắn đấy. Tôi mặc sức tru lên thống thiết. Mẹ đã nghe tiếng rên của thầy, nó khỏa lấp tiếng chó của tôi. Thực lòng, tôi không muốn kêu to. Vì như thế, mọi người sẽ biết, những người ở xung quanh đây sẽ biết. Nên tiếng gọi của tôi từng lúc bị bóp ngẹt đi. Thấy tôi tần ngần không yên từ điện chạy xuống bếp rồi từ bếp chạy lên điện. Chú tiểu nhìn vào mắt tôi rồi lên điện. Chú cạy cửa điện bước vào. Trong đó có tiếng vỡ của vật gì đấy. Tôi nghĩ đó là chiếc bình hoa. Sáng hôm sau tôi không còn nhìn thấy chú tiểu nữa. Chỉ nghe tanh nồng mùi máu ở trên điện, tôi phân loại được đó là mùi máu của cả đàn ông và đàn bà.

Sáng sớm tinh mơ, cây bồ đề đang mùa trút lá. Lớp lớp lá thi nhau rớt xuống mặt đường và tạo nên bức tranh khá lý thú. Tôi hay nhìn lá bồ đề rơi, thích nằm cuộn tròn dưới gốc bồ đề to tướng đợi chút nắng lên sớm mai vừa mát mẻ vừa ấm áp. Chợt tôi nghe tiếng kiếc kêu, tôi cứ ngỡ là trong tiềm thức. Nhưng không, đàn kiếc từ đâu bay về đây mù mịt phủ kín cả ngôi chùa. Chúng đồng thanh kêu lên từng hồi sầu thảm. Tôi biết điều tiếp theo sẽ đến với mình, khi lũ kiếc bay thì Lão Mạt ở cạnh chùa đến dắt tôi đi. Tới đoạn ra khỏi cổng chùa lão nói, kiểu như giả dụ tôi nghe thấy được tiếng người thì hãy tha thứ cho lão. Mà nếu tôi không nghe được thì câu nói vừa rồi của lão sẽ tự tha thứ cho mình. Đó là lòng trắc ẩn của người ăn thịt chó.

- Mày đừng oán hận tao. Hãy oán hận sư thầy. Không, hãy oán hận tiếng tru thống thiết của mày ấy. Hay thật đấy, chim kiếc chỉ kêu khi có người chết nước. Mày là chó cũng được chim kiếc quần tụ tiễn đưa...

Tôi thấy mình mắc nợ lũ kiếc. Tôi đã không cứu được mẹ khi hóa thân thành một con chó. Tôi đã không cứu được mẹ khi trước đó tôi là một con người. Tôi sẽ trả món nợ lớn hơn, đó là món nợ của dân tộc tôi. Suy nghĩ này của tôi bị một con chó khác bẻ lại, bằng một câu tiếng người hẳn hoi. Lúc đó người dắt tôi đi dừng chân ở trên đường.

- Trong tim mi mang cả hai dòng máu, của mẹ mi và của cha mi. Dòng máu thù hằn đó là của cha mi. Chỉ có thế mới dẫn đường cho mi hóa thân thành chó.

- Mi là ai? Tôi nghi vấn, chắc hắn là dạng linh hồn tương ứng với tôi nên mới mảnh mắt như thế. Nó nhìn tôi chếch chếch hàm răng nhọn.

- Cứ cho tao là người con khác của hắn đi. Và cái chết của mẹ tao cũng là vực thẳm chôn mẹ mày. Những ngôn từ tao nói với mày và dòng máu chảy trong người tao cũng tương ứng với mày đấy. Tao chưa hề được chim kiếc tiễn đưa, nhưng nếu có tao cũng không muốn thế. Khi làm tiên phải dứt bỏ mọi hận thù nếu không sẽ bị hủy diệt.

Nó quay đi về phía nhà chùa. Tôi nghe tiếng sủa chói tai vang lên ở điện. Và tiếng thét đau đớn của sư thầy chứ không phải là tiếng rền rĩ. Lúc sau có mấy sư chùa mang gậy ra phang. Tôi nhìn thấy trên mõm hắn máu me bê bết. Hắn còn cắp một vật gì đó lủng lẳng. Tôi nhận ra, đó là bộ phận sinh thực khí. Các sư thầy nháo nhác.

- Hãy đánh chết nó đi, nó đã cắn đứt hạ bộ của trụ trì.

Nó chạy nhanh như chớp nhưng không quên đá ánh mắt về phía tôi. Kiểu, tao đã trả được món nợ trước mắt, rất nhẹ nhàng, cho tiệt cái dòng giống thâm độc của hắn đi. Mày nghĩ xa xôi quá nên không đến đích được.

Tôi khự khự khi nhìn hạ bộ bị cắn đứt của sư thầy. Đấy phải là hai hạt xá lị với cây phương trượng. Chợt nghe lòng hả hê. Như vũ trụ xoay vần và cơn gió hút vào lỗ rỗng. Tôi điềm nhiên dựng mắt và nở nụ cười đầy bí hiểm. Chiếc cầu, nơi tôi đi qua nhiều lần sau đó toàn những người quen. Hắn, sư thầy, con chó khác, lão Mạt, nữ tướng và tôi. Tôi thắc mắc, vì sao nữ tướng cũng ở đây? Phải chăng nữ tướng đã chết? Phải chăng nữ tướng mắc tội nên phải chịu đầu thai? Người đàn ông đứng ở mũi cầu nhìn tôi cười cười.

- Nữ tướng đã không giữ được thể xác cho ngọc nữ.

- Nhưng đó là linh hồn, linh hồn không thể nắm bắt thể xác.

- Linh hồn điều khiển thể xác. Không điều khiển được thể xác thì hãy hóa thành sương để đánh nát linh hồn. Dân tộc ngươi cũng là linh hồn, hàng vạn con dân là thể xác. Nếu linh hồn mang tội thì thể xác là vật đền tội, là vật hy sinh. Hàng ngàn năm nay dân tộc ngươi đã hy sinh cả núi sông thể xác. Đã đến lúc dân tộc ngươi cũng phải đầu thai.

Tôi đã khóc, lần đầu tiên trong đời nước mắt tôi ứa ra. Người mang trên mình nhiều sứ mệnh lại có nhiều tội lỗi đến thế. Nếu đầu thai, nữ tướng sẽ đầu thai thành người như thế nào? Và dân tộc tôi? Lúc tượng hình có phải là bộ xương hốc hác như tôi. Liệu cửa sinh của người đàn bà và dục vọng của người đàn ông có thể tẩy sạch họ? Tiếng trống trận bắt đầu dồn xuống, trên sông Nại Hà nữ tướng vung đao.

Con đường đến mộ nữ tướng lau lách nở trắng đồi. Con số 250 chỉ bậc thang từ dưới chân đồi lên đến nơi nữ tướng nằm xuống. Đó là đền thờ vọng. Thực chất thân xác nữ tướng ở nơi nào cũng chẳng ai hay. Tôi cũng không được biết đến điều này. Ở đây gió thổi vi vu, giữa mùa hè mà gió buốt lên từng lúc tựa vong hồn trở về báo oán. Người đàn bà đi cạnh tôi như một người hầu nguyên thủy. Bà ấy chẳng bị tác động gì đến ngoại cảnh xung quanh. Mặc cơn gió rít, bà ấy vẫn cố giữ tấm áo cho tôi đỡ lạnh. Dù gì thì mẹ vẫn yêu thương con. Bà ấy nói với tôi như thế. Từ sâu thẳm trong đáy lòng đó là tình yêu sáng lung linh đối với đứa con tật nguyền. Tôi nói với bà, bà chẳng cần phải thương tôi đâu, biết đâu đó là tội lỗi, biết đâu đó là hành động chứng minh linh hồn không thể điều khiển được thể xác và bà lại đầu thai. Người đàn bà khóc trên mộ nữ tướng, tôi đứng lặng im. Không phải xúc cảm tận nguồn mà tôi nhớ tôi lúc bốn tuổi, tôi nhớ tôi rơi từ vách núi xuống mặt nước thẳm sâu, tôi nhớ luôn hắn mang hình hài của con rồng hiểm ác. Chẳng tượng trưng cho dân tộc gì cả. Một dân tộc đi áp bức dân tộc khác là dân tộc yếu hèn, đấy cũng là tội lỗi và dân tộc đó sẽ đầu thai. Mấy chục ngàn năm như thế, trên sông Nại Hà người người chen lấn nhau, dân tộc xô đẩy nhau, những suất đầu thai chỉ là để báo oán. Tôi cũng báo oán cho mẹ, cho tôi, cho dân tộc mình. Tôi thề hút hết gió trên trần gian để làm nên trận cuồng phong. Người đàn bà đứng cạnh tôi lại mủi lòng.

- Oán hận biết bao giờ mới hóa giải. Trầm luân khổ luôn vạn kiếp người.

- Câu nói này của nữ tướng, lúc bà tỉnh lại bên động Tiên. Tại sao bà biết câu nói đó? Tôi hỏi người đàn bà.

- Câu này của nữ tướng, ngàn năm còn ghi.

- Nhưng chẳng lẽ nợ không đòi, oán không trả?

Người đàn bà lặng im, gió bắt đầu hú lên giữa đồi hoang và tiếng binh đao như tiếng sấm. Ảo ảnh của một ngày tháng 2 năm 40 trôi về trước mắt tôi. Trên ngựa, nữ tướng xung trận, xác quân thù ngã như cỏ cây. Thù nhà, nợ nước, máu chồng... tiến lên. Đội quân tóc dài được hậu thuẫn bởi hàng vạn binh đao tiến về phía trước. Nữ tướng xưng quyền được ba năm, kinh đô thất thủ. Lớp lớp máu xương rớt tỏm xuống vực sâu. Đêm đen lại bủa vây Tĩnh Gia đến hơn mười thập kỷ. Năm 938, dân tộc lại được đầu thai. Hình thể oai nghiêm trong linh hồn oai khí. Hắn chết thêm lần nữa, lúc đó tuổi mới của hắn là 48 còn tôi mới lên 10. Tôi chấp nhận đẩy người cầm sổ xuống sông Nại Hà để được thêm một suất đầu thai. Tôi gặp hắn, giờ tôi và hắn ở trên mặt nước. Những con thuyền tạo thêm sóng gầm thét giữa đại dương. Người đàn bà níu lấy tay tôi. Ánh mắt tôi đục ngầu.

- Bà điên rồi sao? Thuyền chúng ta có thể bị nhấn chìm, tôi cần giết hắn, chỉ mình hắn là rớt hết hàng vạn binh đao.

- Người đó là cha của con mà.

- Thực ra bà là ai? Tôi sẽ giết bà vì sự phản bội.

- Ta là nữ tướng, thuốc của hắn vẫn ngầm chảy trong máu ta, điều đó nhắc ta nhớ rằng con là con của hắn.

- Không, tôi là con trai của cận thần.

- Đừng chối bỏ điều đó.

- Tôi không chối bỏ, tôi đang điều khiển thể xác của mình.

Biển dậy sóng, đường biên chia mặt nước thành hai phía, lớp lớp sóng đối đầu vào nhau. Đại dương máu nhuộm đỏ nhừ. Trời tối thâm u đến chục ngày có lẽ. Sáng sớm, trong ánh bình minh tôi đi trên bờ biển. Từng mảnh tàu vỡ ngổn ngang xếp chồng lên nhau. Không một bóng người. Chỉ nghe bạt ngàn gió thổi xa tít giữa trùng khơi. Những hình ảnh chạy về trong tôi chóng vánh. Mộ nữ tướng, lau lách, đứa bé rớt từ trên cao xuống mõm đá, đứa bé đầu thai...tôi vẫn truy tìm hắn.

Tịnh An Tự nằm lưng chừng núi, chỉ có sư thầy và tôi. Giờ tôi là chú tiểu, tôi mất đi khả năng nhận biết bằng cách đánh mùi. Tiếng mõ cất lên đều đặn giữa đêm. Mùa đông, sư thầy thường đắp chăn ấm cho tôi. Mỗi sớm mai tôi đều nhận được chậu nước ấm để rửa mặt. Tôi nhìn sư thầy nghi vấn, không lẽ thêm một lần nữa hắn lại trốn vào lớp áo cà sa? Năm 95 tuổi, sư thầy viên tịch. Tịnh An chỉ còn mình tôi coi sóc. Sau khách thập phương đến ngày một đông, Tịnh An đời thứ mười ba có đến hai ngàn đồ đệ. Lúc đó tôi đã về trời. Ở xứ sở trời xanh mây biếc, tôi tìm sư thầy. Không có vị la hán nào tên là Vô Phương. Chẳng lẽ, sư thầy đã cố tình ở lại trần thế?

Một đêm giông, tôi nhìn qua tia sấm. Từ dưới cỏ cây mọc lên ngùn ngụt và lớp mưa bắt đầu rớt lên cánh đồng, lên đồi núi Tĩnh Gia có một người băng rừng, lần lượt, chiếc áo cà sa bị bỏ lại, nụ cười bí hiểm hắt lên. Đoàn chim kiếc chưa kịp bay về trời đã bị cơn gió hút vào lòng đại dương sâu thẳm.

(Nguồn: Báo Văn nghệ)




Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Đặc quyền quan cách mạng



Tác giả: nhà báo Nguyễn Thông








Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.


Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.


Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết, chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng, thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ máy cai trị dóng dả tuyên truyền vậy chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Câu này thế hệ chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm, nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn. Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.


Lại nhớ câu thơ trong bài thơ “Hoa và rượu” nổi tiếng một thời, trước cách mạng tháng 8.1945, của thi sĩ tài danh Nguyễn Bính: “Chao ôi là mộng hay là thực/Là thực hay là mộng bấy lâu?”. Xã hội xứ ta suốt gần nửa thế kỷ nay, nếu kể luôn ở cả miền Bắc trước đó hơn 20 năm nữa thì những ¾ thế kỷ, cứ lẫn lộn mộng và thực, thực và mộng. Với người này thì là mộng, nhưng với kẻ kia lại là thực. Xã hội cộng sản không đến cùng lúc cho tất cả mọi người, dân chúng lại càng không được léo hánh tới nó, nhưng trên thực tế nó đã vào nhà không ít quan cách mạng. Oái oăm trớ trêu ở chỗ, những anh ra rả tuyên ngôn về xã hội không còn đặc quyền đặc lợi, bình đẳng thì lại chính là những anh đặc quyền đặc lợi nhất, đòi hỏi riêng tư có từ trong máu, và đã được hưởng cuộc sống thiên đường trước hết.


Thời chiến tranh, người dân dễ mủi lòng trước hình ảnh cán bộ 3 cùng, quần xà lỏn, gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt với dân. Dân chở che, đùm bọc họ bởi dân thấy những con người ấy gần gũi, bình đẳng, không có sự ngăn cách, đáng tin cậy. Bao nhiêu sinh mệnh, máu xương, của cái tiền bạc, cả vật chất lẫn tinh thần gom cả lại đi cùng họ, cùng nhau hướng về một xã hội bình đẳng, không còn bất công, một thế giới đại đồng. Cứ hy sinh đi, rồi sau này “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”. Những người cộng sản từng nói rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Họ thường nói sai, nhưng câu này thì hoàn toàn đúng. Không có dân, không có thể chế này.


Nhưng khi cùng hưởng thụ thành quả thì bắt đầu sinh chuyện.


*Đặc quyền quan cách mạng


Tối 6.2, tôi coi tivi nhà nước thấy cảnh ông Võ Văn Thưởng, yếu nhân phụ trách mảng văn hóa tư tưởng của đảng cầm quyền (họ gọi là tuyên giáo) đi thăm 2 lực lượng quan trọng lúc này: Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (của quân đội) và Cục An ninh mạng (của công an). Ông này thì tôi biết tương đối rõ bởi hồi là người đứng đầu Trung ương Đoàn ông không để lại được dấu ấn, ấn tượng gì cho đám lính lác chúng tôi. Giờ may mắn làm tuyên giáo, ông phải ăn nói như bất cứ anh tuyên giáo nào. Ông ca ngợi này nọ. Ông làm nhiệm vụ bảo vệ đảng của ông.


Tôi biên điều ấy ra để nói rằng người ta thấm nhuần ý thức “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, chả bao giờ tự phơi bày cái xấu của chính họ. Bệnh đặc quyền quan cách mạng là một thói xấu, thậm xấu, có bề dày lịch sử, ông Thưởng biết mà không thể nói, nhưng chúng ta cần chỉ ra cho mọi người thấy, cũng để những người như ông Thưởng biết rằng chẳng có gì giấu được mãi.


Đa số những người cộng sản mắc chứng nói một đằng, làm một nẻo. Thế gian này, nếu tất cả mọi điều như chính người cộng sản nói thì đẹp vô cùng. Các quan hệ xã hội, cách đối nhân xử thế, nếu cứ theo họ tuyên bố, thì mọi thể chế, hình thái xã hội khác đều phải bái phục, vác bút nghiên đến mà học mệt nghỉ.


Như cuối bài phần 1 tôi đã ghi, họ lôi kéo quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, làm cuộc lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới, với nhiều hứa hẹn hấp dẫn, kiểu như dựng lên xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không ngăn cách phân chia tầng lớp, ai cũng hưởng quyền lợi như ai. Tuy nhiên đến khi có thành quả, đáng lẽ cùng hưởng thụ thì bắt đầu sinh chuyện.


Tôi lớn lên ở miền Bắc sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, dần dà tận mắt chứng kiến, cảm nhận cụ thể những mâu thuẫn giữa lý luận, lý thuyết với thực tế. Đội ngũ quan chức cách mạng đặc quyền hình thành, ngày càng đông, lúc đầu chỉ ở cấp trung ương, sau như nạn dịch lan tới tỉnh thành, huyện, xã. Một ông bạn tôi bỏ thành phố về sống ở nông thôn cũng đã lâu, bảo rằng hình như bây giờ chỉ có trưởng thôn còn trong sạch, bởi đơn giản là anh ta chưa có điều kiện cần và đủ để được coi là quan, chứ đám quan xã, chưa cần kể tới quan huyện còn gớm hơn bọn lý trưởng, chánh hội thời anh Pha chị Dậu.


Quan hư, nguyên nhân sâu xa là thể chế hư hỏng. Thể chế chính sách hư ngay cả trong thời chiến tranh, nghèo khó, khi đất nước khó khăn nhất, cái kim sợi chỉ, hột muối giọt dầu cũng thiếu thốn, đáng nhẽ cần thể hiện sự công bằng nhất thì nhà nước lại công khai chia bôi quyền lợi theo kiểu đặc quyền đặc lợi. Một mặt thì tuyên truyền đề cao giai cấp công nông, bốc người cần lao lên tận mây xanh, nhưng mặt khác so đo tính toán với dân từng xu từng hào, giành giật về cho cán bộ không bao giờ chịu thua kém. Thời ấy lan truyền câu thành ngữ đúc kết nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội: “Xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống”, nghĩa là dân chỉ có quyền làm việc, “lao động là vinh quang”; còn quyền hưởng thụ đương nhiên của cán bộ. Điều ai cũng thấy, họ phân chia các loại tem phiếu, cán bộ càng cao hưởng thụ càng nhiều, dân đen luôn ở mức thấp nhất. Phiếu thực phẩm, dân thành phố mỗi tháng được 5 lạng thịt, có ô phiếu định lượng chỉ 20 gam (miếng thịt to bằng 10 viên thuốc cảm), vài ký đậu phụ, còn nông dân hoàn toàn không có chút nào cả thịt lẫn đậu, trong khi đó cán bộ trung ương được cao gấp 10 lần dân phố về tiêu chuẩn thịt, đường sữa thì thoải mái, nhu yếu phẩm khác dồi dào, xài chẳng hết đem tuồn ra chợ đen, kiếm khoản chênh lệch không nhỏ. Người Hà Nội thời bao cấp chả mấy ai không biết những cửa hàng thực phẩm, bách hóa dành cho cán bộ có đặc quyền đặc lợi như Tông Đản, Nhà Thờ dù mình không bao giờ được bén mảng tới. Câu ca “Tông Đản là của vua quan/Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân là của thương nhân/Vỉa hè là của nhân dân anh hùng” ghi lại một quãng lịch sử xã hội đầy bất công ngang trái do chính những người cộng sản chế tạo.


Tiện nói về tem phiếu, ngay cả phiếu vải cũng đầy tính đặc lợi. Cùng chịu chung thời tiết nóng lạnh, cơ thể na ná nhau, nhưng vải lụa cho cán bộ cứ phải phiếu hạng 5 mét, 7 mét tiêu chuẩn/người, đủ loại vải tốt vải bền, nào ốc pho, sơ vi ốt, pô pơ lin, si mi li, sa tanh, còn dân chỉ 3 mét 6 một năm, đủ may một bộ, cũng chỉ quanh đi quẩn lại diềm bâu, chéo go, phin thô, kaki Nam Định… Trời rét, cán bộ được phân phối chăn len chăn dạ, áo đại cán ka ki, chứ dân may lắm chỉ kiếm được tấm mền sợi mỏng, áo sợi dệt kim Đông Xuân cổ lọ ngoài chợ vỉa hè. Ngay cái áo may ô 3 lỗ cũng từng là tiêu chuẩn đánh giá sự “giàu có” của con người, “một yêu anh có may ô”, thật hài hước và bi kịch.


Trung ương tự đặt ra quy định tiêu chuẩn dùng xe, cỡ nào được ngự trên Volga (mà ngay cả Volga cũng phân biệt, ai xe đen, ai xe trắng hoặc màu khác), cỡ nào cho đi Moskvic, Lada. Làng tôi có ông Phòng làm lái xe cho cán bộ trung ương, nghe đâu là ông Lê Thanh Nghị, có lần đưa sếp về Phòng công tác, tranh thủ chạy chiếc Volga đen về qua nhà, cả làng nhìn ngưỡng mộ lòi con mắt, chỉ dính tới Volga cũng đã oách thế rồi.


Cán bộ to đi xe ô tô, cán bộ thấp dùng xe đạp (được nhà nước phân phối), dân quanh năm chỉ diện xe cá nhân, mà họ gọi là xe “căng hải” (nói lái từ chữ hai cẳng, cẳng tức là chân). Đẳng cấp đặc quyền đặc lợi được mặc nhiên xem như chính sách, bất công từ miếng ăn miếng uống, tấm áo manh quần, tới chiếc xe đi lại. Dân được hứa hẹn “có độc lập tự do thì có tất cả” nhưng thực ra chả có gì.


Thời thập niên 80 trở về trước, vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, thiệt hại vật chất không biết bao nhiêu mà kể, miền Bắc dù thắng cuộc nhưng gần như chỉ còn cái xác. Những anh cả anh hai Liên Xô, Trung Quốc thấy Việt Nam thắng được Mỹ có vẻ vênh váo nên cũng ghét, cắt dần viện trợ. Tôi còn nhớ những năm 76-77 chi đó, báo Nhân Dân hãnh diện ca ngợi sức mạnh quân sự của Việt Nam giờ đây mạnh nhất khu vực, riêng hải quân có thể đứng đầu châu Á bởi thu được của hải quân Việt Nam cộng hòa (mà họ gọi là ngụy) cơ man tàu chiến hiện đại, đó là chưa kể đám quân dưới quyền đề đốc Chung Tấn Cang đã lấy không ít chiếc để chạy trốn, chứ nếu không hải quân ta sẽ vào nhóm mạnh nhất địa cầu. Cứ như cách mô tả của tờ báo lớn này thì so với tàu chiến lợi phẩm của ta, tàu dạng Hải Ưng (trong một bộ phim Trung Quốc tôi xem thời niên thiếu) chỉ là con muỗi so với đại bàng. Liên Xô cũng giảm viện trợ và bắt đầu đòi nợ, khi “bạn chí cốt trên tuyến đầu chống Mỹ” chưa có tiền trả thì lấy bằng phương tiện chiến tranh do Mỹ bỏ lại, vơ bèo vạt tép, gom cả hạt điều, tiêu, cà phê, cao su, quần áo may sẵn…, lấy tất. Dùng máu người Việt ngăn được Mỹ rồi, thế là xong nhiệm vụ quốc tế, không cần giúp theo tình hữu nghị anh em nữa. Mỹ thì ngày càng cấm vận gắt gao. Người tài bỏ nước đi từng đàn dù biết có thể bỏ mạng trên hành trình gian khổ. Đất nước vì vậy càng xơ xác, kiệt quệ. Chính ông Nguyễn Văn Linh tại đại hội 6 của đảng cầm quyền cũng phải thừa nhận tình hình đang trên bờ vực.


Thực tế là vậy, nhưng tư duy đặc quyền đặc lợi đã ngấm vào máu cán bộ mất rồi. Sau bao năm chiến tranh gian khổ, giờ phải là lúc được tận hưởng, chia phần. Không thế, ai thèm dấn thân làm cách mạng. Ngay cả những vị từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng sống chết với dân, ngọt bùi chia sớt “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” thời chống Pháp, chống Mỹ cũng ngày càng chễm trệ như ông lớn. Ra đường phải ngựa ngựa xe xe, đến công sở đòi bàn này ghế nọ. Một mặt họ tuyên truyền ca ngợi tấm gương lão thực, giản dị, tiết kiệm của cụ Hồ, kêu gọi dân hãy noi gương cụ, mặt khác họ lên chương trình, kế hoạch chia bôi, giành phần cho cá nhân. Họ mặc nhiên coi đó là chủ trương của đảng, của nhà nước, chứ mình trong sạch, vô can. Dân có thắc mắc lăn tăn điều gì, cứ tìm hiểu chính sách của đảng và nhà nước. Mà dân chúng an phận, ngại đụng đến chính sách (bởi bao tấm gương tày liếp đang đếm kiến trong tù còn sờ sờ ra kia) nên cán bộ cứ ung dung hưởng lợi. Dần dà, đặc quyền đặc lợi trở thành nếp, anh nào nhảy vào bộ máy cai trị cũng nghiễm nhiên ngồi “chiếu hoa cạp điều” vênh váo với làng nước.


Chính sách đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng cán bộ. Tấm gương “đày tớ trung thành phục vụ nhân dân” xưa rồi. Cha làm quan, phải cố dọn đường lôi con cháu vào kế nghiệp chốn quan trường. Nếu chúng tài hèn sức mọn thì đã có cửa chạy chọt mua danh bán tước. Câu kết với nhau, anh lo con tôi, tôi lo cho con anh vào mỗi kỳ cơ cấu, bầu bán, sắp xếp nhân sự. Làm ông nọ bà kia, nếu không được hưởng hơn thiên hạ thì tranh đoạt làm gì. Hơn nhau là hơn ở căn nhà, chiếc xe, lương lậu bổng lộc do chế độ ban phát, không hơn thì thà ở nhà đuổi gà cho vợ. Cứ như thế, đích phấn đấu là những ân thưởng đặc quyền đặc lợi chứ chả phải tổ quốc nhân dân gì sất.


Điều lố bịch nhất là bộ máy cai trị không cần giấu diếm những hành vi vơ vét của họ. Họ nhân danh quốc hội, chính phủ ra những nghị quyết, nghị định quy định đẳng cấp cán bộ được hưởng đặc quyền đặc lợi, coi như luật. Chẳng hạn với cái quyết định số 32/2015 của thủ tướng chính phủ về xe công, họ tự cho phép cán bộ nào được xài xe mấy trăm triệu, cán bộ nào xe tiền tỉ, cán bộ nào xe vô giá. Thậm chí họ còn tùy tiện tới mức ngay cả người đã nghỉ làm việc rồi cũng được hưởng đặc quyền đặc lợi vĩnh viễn, suốt đời. Ví dụ điều 3 nêu rõ: “Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể: 1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 2. Chủ tịch nước. 3. Thủ tướng Chính phủ. 4. Chủ tịch Quốc hội”. Cứ theo như họ cắt nghĩa thì đó là sự biết ơn, đền đáp, có trước có sau, uống nước nhớ nguồn… Thế chả nhẽ những vị ấy khi đương chức đương quyền làm việc không công chắc. Ngồi ghế cao, giữ chức to thì ắt lương cao, bổng lộc nhiều, chức càng thấp thì lương bổng phụ cấp ít theo, không giữ chức gì thì chỉ làm công ăn lương theo giờ, theo sản phẩm, theo hợp đồng. Nông dân có việc của nông dân, thủ tướng có việc của thủ tướng. Không ai đáng trọng hơn ai. Xã hội đã mặc định như vậy, không để ai phải thiệt. Còn làm việc thì còn được trả công. Không làm thì thôi. Sự công bằng là ở đó. Cớ đâu lại tự định ra phép đặc quyền ban phát này nọ. Xin nhớ rằng, tất cả những khoản chi đó đều từ ngân sách, tức là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân.


Khách quan mà nói không phải tất cả cán bộ đều xấu, đều đặc quyền đặc lợi. Có những người tốt, rất tốt, có nhân cách, tự trọng, không hùa theo đám đông hư hỏng. Họ biết từ chối đặc quyền đặc lợi bởi hiểu rằng như thế là vô lý, là chiếm đoạt quyền lợi của dân. Đơn cử như luật sư Trần Quốc Thuận, chồng bà Võ Thị Thắng. Ông Thuận có lẽ là vị lãnh đạo cấp cao có nhân cách nhất trong bộ máy tồn tại bấy nay. Khi còn đương chức Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, ông Thuận dứt khoát ủng hộ chủ trương khoán xe công, tự gương mẫu bắt xe ôm hoặc taxi đi làm. Nhiều người khen ngợi nhưng cũng không ít kẻ dè bỉu, nhất là những anh thấy bị động chạm đến quyền lợi. Nhưng tiếc thay, ông Thuận như một anh Đông Ki Sốt đơn độc, không phá nổi cái bờ tường bảo thủ đặc quyền đặc lợi được trung ương đổ bê tông vững chắc. Quốc hội đã bao nhiêu lần đưa việc khoán xe công, thuê nhà công vụ lên bàn nghị sự, cuối cùng đâu vẫn vào đó, ném đá ao bèo. Quốc hội còn thua, cá nhân ông Thuận ăn nhằm gì.


Một người nữa, chính tôi gặp và trò chuyện nhiều lần. Đó là cụ Lê Quang Ngoạn, bác ruột của chị dâu tôi, bố vợ của bạn đồng nghiệp tôi. Cụ Ngoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, thời những năm 70-80 đóng hàm đại tá, giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ (ngang cỡ thiếu tướng bây giờ). Cụ liêm khiết, tự trọng, nhất định không dùng xe công đưa đón, hằng ngày đi bộ đến nơi làm việc. Sinh thời, có lần cụ tâm sự, mình từ chối đặc lợi chứ không phải quyền lợi. Quyền lợi thì mình hưởng. Mình xứng đáng đến đâu thì hưởng đến ấy, không tham lam, không giành phần của người khác, nhất là tài sản của nhân dân, do nhân dân tạo nên.


Những người như cụ Ngoạn, như luật sư Thuận không nhiều. Như con thiên nga trắng giữa bầy quạ đen. Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ là có thể đánh giá được bản chất xã hội. Bao giờ tỷ lệ phải lật ngược lại thì xã hội mới trở nên tốt đẹp.


Nhà thì đòi nhà to (có những căn nhà, biệt thự tịch thu của sĩ quan, công chức chế độ cũ, cấp cho cán bộ, khi chủ nhân mới bán thu vài nghìn cây vàng), xe đắt tiền, chế độ ăn uống đặc biệt, bác sĩ riêng săn sóc sức khỏe, mua sắm cũng cửa hàng riêng, ốm đau bệnh viện riêng, nghỉ hưu vẫn cố bám lấy quyền lợi đặc biệt, dứt khoát không chịu nhả những gì đã hưởng, khi chết còn đòi mộ to sinh phần lớn nghĩa trang hoành tráng… Tất cả những thứ ấy có vẻ tạo nên một tầng lớp thượng lưu nhưng thực chất nó là cái tổ mối khổng lồ khiến con đê có thể vỡ bất cứ lúc nào.


Đáng buồn cười nhất là bộ máy thể chế này mồm leo lẻo nói không đặc quyền đặc lợi nhưng chẳng ai chịu nhả những phần hà lạm mồ hôi nước mắt của dân. Giá như họ đừng nói thì đã đi một nhẽ.


Chán, chả muốn biên nữa.
Nguyễn Thông