Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Có phải cứ có vua thì gọi là “phong kiến”?





Phong kiến vốn là gọi tắt lại của “phong tước kiến địa” (ban tước hiệu và đất đai).

Chữ này bắt nguồn từ chế độ ban đất Trung Quốc thời Chu với các nước chư hầu dưới thiên tử. Các chư hầu thời ấy được chia làm 5 tước, từ cao xuống thấp: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nhà Chu phong đất và tước cho con cháu họ hàng và công thần, làm thành các nước chư hầu bao quanh đất của Thiên tử nhà Chu.


Vị trí của nhà Chu so trên bản đồ Trung Quốc ngày nay

Như vậy tương đương trong tiếng Tây, chữ phong kiến là feudalism – một chế độ xã hội châu Âu thời Trung đại, khi các nước được chia thành các lãnh địa, cai trị bởi các Lãnh chúa được nhà vua ban tước (các lãnh chúa được phong làm 5 hoặc 6 bậc tùy theo hệ thống từng quốc gia).


Thứ bậc trong chế độ phong kiến ở Âu châu. Trên cùng là tăng lữ, kế là vua, kế nữa là lãnh chúa. Hình từ Internet

Ở Nhật Bản, chế độ phong kiến là các daimyō lãnh chúa địa phương dưới Thiên hoàng hoặc Shōgun. Sau cải cách Minh Trị, chính quyền Nhật cận đại đã dẹp bỏ chế độ này, phân chia lại đẳng cấp quý tộc theo 5 bậc của hệ thống triều đình Anh quốc, nhưng dùng các chữ Hán của nhà Chu Công-Hầu-Bá-Tử-Nam để dịch các tước hiệu.


Chế độ phong kiến xưa ở Nhật: trên cùng là vua, kế là Shōgun, dưới là các daimyō, dưới nữa là nông dân. Các samurai phục vụ cho cả hai tầng lớp shogun và daimyo. Hình từ Internet

Khi chủ nghĩa Marxist phát triển ở Việt Nam, chữ “phong kiến” được dùng quá nhiều đến nỗi bây giờ chúng ta thường hiểu một cách nhập nhằng “phong kiến” là “quân chủ”. Quân chủ là hình thái nhà nước có ông vua cai trị. Còn phong kiến là khi ông vua chia đất và phong tước cho các quý tộc, mỗi vùng được phong đất giống như một nước riêng. Nhiều học giả nước ta đầu thế kỷ 20 (điển hình là Phan Khôi, xem link [2]) cho rằng Việt Nam không có chế độ phong kiến nếu xét đúng về mặt xã hội. Thời kỳ gần giống “phong kiến” nhất có lẽ là Loạn 12 sứ quân trước thời Đinh và thời Trần lúc các vương gia được phong thái ấp.

Trong các nước quân chủ hiện nay, không còn nước nào là “phong kiến”. Chế độ “phong kiến” vừa mới được chính thức bãi bỏ ở Scotland về mặt pháp lý năm 2000, sau khi đạo luật “Bãi bỏ Chiếm hữu Phong kiến năm 2000″ được thông qua.


Lâu đài Eilean Donan ở Scotland có từ thế kỷ 13, giờ thì có thể thuê để trú thử vài đêm hưởng cảm giác. Hình từ trang này

Tuy nhiên “tàn dư” phong kiến vẫn còn sót lại trong tên của một số nước châu Âu như “Công quốc Monaco”, “Công quốc Liechtenstein” (đều là dịch từ chữ Principality) hay “Đại công quốc Luxembourg” (Grand Duchy). Người đứng đầu Luxembourg không phải là Hoàng đế hay Vua mà là một vị đại Công tước (Grand Duke hay Großherzog). Người đứng đầu Monaco hay Liechtenstein là một vị mang tước Prince. Tước vị Prince đáng lẽ dịch đúng thì phải là Vương tử, hay Thân vương, ở dưới vua một tí và cao hơn Công tước một tí, khi dịch sang tiếng Việt thì gặp một số trục trặc vì dịch là Vương thì bị nhầm với vua (“vương quốc” thì dùng để dịch chữ kingdom rồi), nên người ta hay gom Prince với Duke vào chung và dịch là Công tước hết. Vài chỗ (ví dụ wikipedia tiếng Việt) gọi là Thân vương quốc, nhưng chữ này có vẻ rất luộm thuộm.


Prince Alois và Princess Sophie của Liechtenstein đến dự lễ lên ngôi của Vua Willem Alexander và Hoàng hậu Maxima của Hà Lan tại New Church, 30. 4. 2013, Amsterdam, Hà Lan.

Anh là một nước có người đứng đầu là vua nên gọi là vương quốc. Trong liên hiệp Anh có nước Wales, và trên danh nghĩa thì thái tử nước Anh luôn được ban tước Thân vương xứ Wales (Prince of Wales), tức là người đứng đầu xứ Wales, nên về mặt lý thuyết, Wales cũng có thể coi là một Công quốc, nằm trong Vương quốc Anh.


Thái tử Charles, Prince of Wales, và thái tử phi Diana (ở Việt Nam hay gọi là Công nương Diana), Princess of Wales, (1961 – 1997) tại lâu đài Balmoral, Scotland nơi họ hưởng tuần trăng mật. Ảnh Getty

*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét