Hiển thị các bài đăng có nhãn thơ hay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thơ hay. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

CÓ MỘT NGÀY NHƯ THẾ !?


(Thân tặng các đồng nghiệp của tôi)



Hôm nay là một ngày khuyết tật tinh thần
tôi mang đến gương mặt ngu dân thường thấy
những lời lẽ, những giả thiết… thôi không tung tẩy
treo bút lên trời ngắm gió mây bay

Niềm tin là thứ xa xỉ trong một trò chơi
gieo khát vọng thượng lưu bằng phân hóa học
bón giấc mơ xanh vào những ngày nắng khóc
tôi bứng gốc quên mình cho phi lý trổ bông

Có một ngày như thế ở trong lòng
cơn say chở gánh hát mơ hồ vào huyệt mộ
tôi nghe tiếng rên siết của những thây ma trong tuồng cổ
họ mơ ước được làm người

Có một ngày tôi mơ đến chân trời
tự do nói và tự do viết
tự do biểu tình mà không ai bắt, giết
tự do hôn Tổ quốc của riêng mình
Có một ngày như thế hiện sinh !? 

MINH ĐAN

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

CHỈ LÀ...





Chỉ là có những điều không thể nói thành lời
chỉ là có những yêu thương rất đơn giản…
vậy thôi!


Như sau một ngày trở về nhà thấy mình như một đứa trẻ cần niềm vui
được nhìn Má nấu một nồi canh chua cho cả nhà ăn tối
có Ba ngồi hỏi han với tiếng cười thân quen quá đỗi
không gian của những cuộc đời gần gũi
vì cần có nhau…

Cho buổi sáng hôn lên má người mình yêu thương để bước ra phố xá ồn ào
thấy mình đủ niềm tin dù ngày mưa hay bão
thấy mình ở giữa những đám đông và bụi đường huyên náo
thấy mình có lúc muốn hét lên khi đối diện với nỗi lo cơm áo
rồi sau đó lặng lẽ bước đi…

Đôi khi biết mình muốn đứng im trong một khuya trời tối đầy sao trời
tự nói chuyện với trái tim đang giữ nhiều chua xót
sao cứ phải đòi hỏi trên môi toàn là vị ngọt
biết rằng sống cho mình thì đừng đặt nỗi đau lên vai những người khác
làm ơn đừng bắt ai gánh vác
chỉ để mình được vui…

Chỉ là một cái nắm tay có khi cứu được một con người
chỉ là có khi lắng nghe thôi mà làm bớt đi một đêm trắng
chỉ là có khi cúi xuống cũng đã là câu trả lời cho những điều ân hận
chỉ là có khi một nụ cười cũng trở thành yêu thương vô tận
giúp sống sót trong cuộc đời…

Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi
rồi muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé
đến khi biết cắn răng cuộn tròn mình trong góc tối mới nhận ra giá trị của hơi thở
của giọng nói, tiếng bước chân, của thanh âm “Xin lỗi” trước một giây đổ vỡ
đâu phải ai cũng có thể bắt đầu…

Đâu phải ai cũng có thể nhận ra mình ảo tưởng quá lâu
đâu phải ai cũng biết mình đang làm đau những người bên cạnh
đâu phải ai cũng tự choàng khăn khi trời trở lạnh
đâu phải ai cũng ít ỏi những vết thương dù bên ngoài lành lặn
mặc từng giờ đều thứ tha…

Chỉ là, có rất nhiều yêu thương đơn giản
trong mỗi ngày đi qua…

Đào Bích Hạnh

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Tri kỷ ơi!





Tác giả: KD/KD

———————-

Viết cho ngày 18/6…..



Ta đã đi cuối đất cùng trời
Để tận cùng trời cuối đất gặp nhau
Rưng rưng lạ lẫm
sương trắng một mầu

Bàn tay trong bàn tay run run nắm chặt
29 năm nổi trôi được mất

Đen trắng cuộc đời
bẽ bàng nhân thế
Ở hai đầu không gian quạnh quẽ
Có đêm nào thao thức nhớ nhau

Có đêm nào giấc ngủ đằm sâu
Ngỡ định mệnh rồi mất nhau mãi mãi
Hồn ngơ ngác cơn xé đau bải hoải
Cánh hoa mong manh hóa đá
về đâu

Một ngọn đèn khêu thắp đêm thâu
Em ngược gió
Phạc phờ bão giông dầu dãi
Cô độc hành trình đầu non đất bãi
Chân cứng đá mềm gieo hạt ngày mai
Quá khứ thương đau nguyên vẹn
hình hài
Nhưng cây đã lớn đời vẫn ra hoa trái
Ngọt lành đắng cay đôi bờ xa ngái
Mắt nhớ đỏ hoe bến đậu góc trời

Vẫn tiếng chim kêu bạn chiều chơi vơi
Vẫn bông cúc cuối thu mướt mải
Lời nguyền số phận bao giờ hóa giải
Cho Hà thành mây trắng nắng vàng
Và tình yêu trọn vẹn dung nhan
Sẽ đến ngày rạch ròi Thiện Ác
Trả lại ta những đêm trắng rạng ngời
Cho ta vai tựa vai đắm đuối mắt cười
sóng sánh
Có phải không người hỡi
Tri kỷ ơi


Hà Nội 27/8/2018

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Tụng ca Sáng Tạo – Nasadiya Sukta





Tụng ca Sáng Tạo

Nasadiya Sukta (the Hymn of Creation)

Nasadiya Sukta


1.
Một trong những bài tụng ca đươc nhắc đến nhiều nhất trong Rig Veda là Nasadiya Sukta và cũng được gọi là Tụng ca Sáng Tạo (the Creation Hymn). Từ ‘Nasadiya’ có gốc từ ‘ná ásat’ nghĩa ‘không phải cái không-là-có’ (not the nonexistent) [1]. Nasadiya Sukta là tụng ca thứ 129 của sách (Mandala) thứ 10, trong tập Rig Veda (10:129).
Thường được xem như một trong những bản văn viết về sau trong Veda, có lẽ được viết vào khoảng thế kỷ 9, TCN. Như tất cả những bản văn trong Veda, chúng đều đã được lưu truyền bằng tụng đọc từ rất lâu, đến nghìn năm, trước khi được chép thành văn tự, Như thế, Nasadiya Sukta có lẽ là bản văn được biết (còn giữ được) đầu tiên của nhân loại nói về vũ trụ và sự khởi thuỷ của thế giới.



2.
Những lý luận trừu tượng - một giọng triết lý đặc biệt trưởng thành thay vì tín ngưỡng thần bí thường thấy ở những tương tự khác – trong bài tụng ca này đã mang đến cho nó rất nhiều chú ý, không chỉ trong ngành học-India, lịch sử tôn giáo mà còn rất nhiều những học giả, triết gia, người đọc khác nữa. Dòng suy nghĩ của nó gần gũi tuyệt diệu với những suy nghĩ về vũ trụ của những triết gia Hellas thời cổ, cho đến những nhà vật lý, triết gia ngày nay. Tác giả cho thấy sự trầm tưởng về chính câu hỏi muôn thuở – có thể có một gì là ‘đầu tiên’ không, hay nói khác đi, có thể đã từng có một sự ‘tạo thiên lập địa’ hay ‘sáng thế’ hay không. Và nó kết thúc với những gì có vẻ giống như một bất ngờ hết sức bất ngờ, một nghịch lý đến cùng cực, gần như là người viết vô danh của nó trêu ngươi chúng ta. Đây là những dòng cuối cùng của nó (theo bản của Max Müller):


Ai là người biết từ đâu sáng tạo lớn lao này đã nảy sinh?
Ai mà từ người ấy tất cả những sáng tạo tuyệt vời này đã đến.
Cho dù ý chí người ấy đã tạo ra hoặc đã câm nín,
Nhà tiên tri cao nhất ở trên tầng trời cao nhất,
Vị ấy biết điều đó - hay thậm chí vị ấy không biết.


Chủ yếu, Rig Veda10: 129 cho thấy một nghịch lý không tan được; trong đó suy tưởng con người từ quá khứ đến hiện tại đều vướng mắc: Làm thế nào vũ trụ có thể nảy sinh thành là-có?, tức là, làm sao một gì đó có thể ra từ không-gì? Làm thế nào có thể có một khởi đầu, nhưng trước đó lại không có gì? Tất cả, trở về với câu hỏi, Leibniz đã phát biểu: ‘Tại sao lại có một gì đó thay vì là không có gì?


Câu hỏi trên của Leibniz đơn giản chỉ tự nhận rằng nó không có một trả lời. Bertrand Russell tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong một tranh luận nổi tiếng trên radio năm 1948; khi hỏi tại sao ông nghĩ vũ trụ là-có (hiện hữu). Ông đã trả lời: “tôi sẽ nói rằng vũ trụ thì giản dị là có-đó, và chỉ thế thôi”.


Theo giải thích này, vũ trụ sẽ là một gì những triết gia gọi là ‘một thực tế phũ phàng’ – một gì đó vốn không có một giải thích. Điểm Russell nêu lên là không phải rằng con người đã chưa giải thích được tại sao có một gì đó hơn là không có gì, nhưng là sẽ không thể có giải thích cho câu hỏi đó được. Mặc dù ngày nay, một trả lời phổ thông cho câu hỏi lớn lao của Leibniz là nói rằng vũ trụ thì sau cùng không giải thích được, nó vẫn là một thao thức, không hoàn toàn thỏa mãn trí tuệ (mặc dù dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là câu trả lời thì sai). Trí tuệ của một thời vẫn chỉ biết và tin rằng – ‘vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy’


3.
Sau đây là bản tôi tạm dịch, bản văn rất khó hiểu, nếu chỉ đọc nó ngoài Rig Veda. Theo chân những học giả phương Tây, nhấn mạnh vào thái độ hoài nghi triết học, và quan điểm về sáng tạo vũ trụ vẫn có ở phương Đông; vũ trụ tự nó vẫn có đó, như Russell đã phát biểu ở trên, và thêm nữa ở đây, thần thánh ra đời sau; họ không sáng tạo vũ trụ, nếu họ có; đúng như ý nghĩa trong tên gọi sukta này, Nasadiya: nói và hoài nghi về một gì trước không-Có lẫn Có.
Chính yếu tôi dựa trên một bản dịch đã phổ biến (không phải là bản hay nhất) và nổi tiếng của Arthur Llewellyn Basham (1914-86), người đã giới thiệu tụng ca này – trong The Wonder That was India (1954) – với thế giới phương Tây:


Tụng ca Sáng Tạo


Khi đó, ngay cả cái Không đã không, cũng không cái Có,
Đã không có khí trời khi đó, cũng không vòm cao trên nó.
Cái gì đã trùm lên nó? Nó đã ở đâu? Trong giữ gìn của gì?
Đã có chất lỏng vũ trụ ở đó, trong sâu thẳm không hiểu được?


Khi đó không có chết, cũng không không-chết
cũng không đuốc cháy của có đêm và ngày.
Cái Một thở không hơi gió, và tự duy trì.
Khi đó, có cái Một đó và không gì khác.


Trước hết đã chỉ có tối đen bọc trong tối đen
Tất cả điều này chỉ là chất lỏng vũ trụ không sáng.
Một đó vốn đã đi vào là-có, được bao bọc trong không-gì,
Cuối cùng đã nổi lên, sinh từ sức mạnh của Nóng


Ban đầu, ham muốn giáng xuống nó –
đó là hạt giống nguyên thủy, được sinh ra từ não thức.
Các nhà hiền triết đã tìm kiếm cõi lòng họ với khôn ngoan
biết rằng đó thì họ hàng với kia vốn thì không.


Và họ đã kéo dài dây của chúng qua khoảng không,
và biết gì ở trên, và gì ở dưới.
Những quyền năng gieo giống đã tạo những sức mạnh phi thường màu mỡ.
Dưới là sức mạnh, và trên nó là xung lực.


Nhưng, sau tất cả, ai biết, và ai có thể nói
Tất cả từ đâu đã đến, và sự sáng tạo đã xảy ra như thế nào?
những thần linh, chính họ tất cả đều muộn hơn sự sáng tạo,
cho nên ai biết thực sự nó đã phát sinh từ đâu?


Từ đâu tất cả sáng tạo có nguồn gốc của nó,
Người ấy, cho dù người đã theo phong cách nó hay đã không,
Người ấy, người tra cứu nó tất cả từ những tầng trời cao,
Người ấy biết – hay có lẽ thậm chí người ấy không biết




Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2018)








Nasadiya Sukta (Sankrit)[2]
(the Hymn of Creation)


1.
नासदासींनॊसदासीत्तदानींनासीद्रजॊनॊव्यॊमापरॊयत्।
किमावरीव: कुहकस्यशर्मन्नभ: किमासीद्गहनंगभीरम्॥१॥
nāsad āsīn no sad āsīt tadānīṁ nāsīd rajo no vyomā paro yat |
kim āvarīvaḥ kuha kasya śarmann ambhaḥ kim āsīd gahanaṁ gabhīram
Then even nothingness was not, nor existence, There was no air then, nor the heavens beyond it.
What covered it? Where was it? In whose keeping
Was there then cosmic water, in depths unfathomed?


2.
नमृत्युरासीदमृतंनतर्हिनरात्र्या।आन्ह।आसीत्प्रकॆत: ।
आनीदवातंस्वधयातदॆकंतस्माद्धान्यन्नपर: किंचनास॥२॥
na mṛtyur āsīd amṛtaṁ na tarhi na rātryā ahna āsīt praketaḥ |
ānīd avātaṁ svadhayā tad ekaṁ tasmād dhānyan na paraḥ kiṁ canāsa
Then there was neither death nor immortality Nor was there then the torch of night and day.
The One breathed windlessly and self-sustaining. There was that One then, and there was no other.


3
तम।आअसीत्तमसागूह्ळमग्रॆप्रकॆतंसलिलंसर्वमा।इदम्।
तुच्छॆनाभ्वपिहितंयदासीत्तपसस्तन्महिनाजायतैकम्॥३॥
tama āsīt tamasā gūl̥ham agre 'praketaṁ salilaṁ sarvam ā idam | tucchyenābhv apihitaṁ yad āsīt tapasas tan mahinājāyataikam
At first there was only darkness wrapped in darkness. All this was only unillumined water.
That One which came to be, enclosed in nothing, arose at last, born of the power of heat.


4.
कामस्तदग्रॆसमवर्तताधिमनसॊरॆत: प्रथमंयदासीत्।
सतॊबन्धुमसतिनिरविन्दन्हृदिप्रतीष्याकवयॊमनीषा॥४॥
kāmas tad agre sam avartatādhi manaso retaḥ prathamaṁ yad āsīt | sato bandhum asati nir avindan hṛdi pratīṣyā kavayo manīṣā
In the beginning desire descended on it. That was the primal seed, born of the mind.
The sages who have searched their hearts with wisdom know that which is kin to that which is not.


5.
तिरश्चीनॊविततॊरश्मीरॆषामध: स्विदासी३दुपरिस्विदासीत्।
रॆतॊधा।आसन्महिमान्।आसन्त्स्वधा।आवस्तात्प्रयति: परस्तात्॥५॥
tiraścīno vitato raśmir eṣām adhaḥ svid āsī3d upari svid āsīt | retodhā āsan mahimāna āsan svadhā avastāt prayatiḥ parastāt
And they have stretched their cord across the void, and know what was above, and what below.
Seminal powers made fertile mighty forces. Below was strength, and over it was impulse.


6.
कॊ।आद्धावॆदक।इहप्रवॊचत्कुत।आअजाताकुत।इयंविसृष्टि: ।
अर्वाग्दॆवा।आस्यविसर्जनॆनाथाकॊवॆदयत।आबभूव॥६॥
ko addhā veda ka iha pra vocat kuta ājātā kuta iyaṁ visṛṣṭiḥ | arvāg devā asya visarjanenāthā ko veda yata ābab || 6 ||
But, after all, who knows, and who can say Whence it all came, and how creation happened?
The gods themselves are later than creation,
so who knows truly whence it has arisen?


7.
इयंविसृष्टिर्यत।आबभूवयदिवादधॆयदिवान।
यॊ।आस्याध्यक्ष: परमॆव्यॊमन्त्सॊआंगवॆदयदिवानवॆद॥७॥
iyaṁ visṛṣṭir yata ābabhūva yadi vā dadhe yadi vā na |
yo asyādhyakṣaḥ parame vyoman so aṅga veda yadi vā na veda || 7 ||
Whence all creation had its origin,
he, whether he fashioned it or whether he did not, he, who surveys it all from highest heaven,
he knows - or maybe even he does not know.






Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2018)
(Còn tiếp...)


http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Tôi nhấn mạnh – với những từ ngữ dịch theo tôi ‘là-có’ và ‘không-là-có’, – thay vì ‘’hiện hữu / phi hiện hữu (hay ‘tồn tại’,…) như hiện vẫn quen dùng. Những từ này, đã bị lạm dụng, nghĩa đã thành từ mơ hồ đến hàm hồ. (Nội dung của chúng là những khái niệm đặc biệt trong triết học phương Tây, nên để hiểu nghĩa, chúng ta phải quay trở về với những 'exist,existence/nonexist, nonexistence'; những từ Tàu vẫn dùng, không trọn ý; Như thế, chúng ta có thể dịch chúng thẳng sang tiếng Việt là: là-có và không-là-có. Dễ hiểu hơn)
Chúng ta chỉ có thể biết được những gì có mặt trong thực tại, cho rằng biết được, it nhiều, ‘sự có’ của chúng. (Đó là câu hỏi về ‘sự có’ , chưa nói đến câu hỏi về sự thật sau đó: ‘nó có đó nhưng nó có thật không’). Những gì có, sự vật việc có, tôi gọi chúng là-có (exist/être), ngược lại, là không là-có, tôi nhấn mạnh không-là-có; chúng ta đoán biết và cho rằng một gì đó nếu nó không-là-có (như bình trà giả định bay trong không gian của Russell); còn những gì ngoài [có + không-có], chúng ta không thể bàn/nói/biết được.
Thế nên, bài tụng ca trên chỉ nói về Có và ngược lại với nó là không-là-Có (hiểu như một tập hợp Có khác, nhưng là một tập hợp trống). Khi người ta nói đến Có và Không (Hữu và Vô), chỉ có nghĩa nếu nói đến Có trong tương quan với không-là-Có, còn những gì ngoài chúng, như khi chúng ta muốn gọi đến một gì đó như cái Không (tự thân), hiểu như không phải là không Có, chúng ta không thể nói được, vì chúng ta tuyệt không có ý niệm dù mơ hồ nào về nó. Đây là quan điểm đã có từ lâu của Parmenides, khi ông nói chúng ta chỉ có thể nói được về cái Có; từ cổ Hellas (xem thêm Plato-Parmenides).
Theo tôi, đó là câu 1 ở trên: trước khi Có và không-Có, đã có/là gì chúng ta không thể biết, sau đó cả Có và không-Có khởi sinh cùng một lúc.
[2] Nghĩa từng chữ trong mỗi câu:
sukta– một bài thánh ca Veda, được nói hay đọc hay đọc, nói tốt, hùng biện, trì tụng hay diễn đạt, lời nói khôn ngoan, bài ca ngợi;
āsya - để nói một lời, nói rõ;
paramēṣti - cấp trên, trưởng, quyền trên;
prajāpati - thần tính chủ trì qua sinh sản, người bảo vệ cuộc sống
dēvatā - vị thần, thần tính;
bhāvavṛtta - liên quan đến sự sáng tạo hay vũ trụ;
bhāva - đi vào sự tồn tại, liên tục trở thành, thịnh vượng, biến đổi và chuyển hóa thành, tối cao;
vṛtta - đặt trong chuyển động, trở thành biểu hiện, biến đổi, phương tiện tồn tại hoặc cuộc sống
chanda - làm hài lòng, lôi cuốn, mời gọi, ca ngợi, thú vị, mong muốn


1.
na asad āsīn nō sad āsīt tadānīṃ na āsīd rajō nō vyōmā (a)parō yat |
kim āvarīvaḥ kuha kasya śarmann ambhaḥ kim āsīd gahanaṃ gabhīram || 1 ||
(a) na - không, cũng không, không, không như, như; asad (asat) - không tồn tại, không thực thể, không-là, không đúng, không thực; āsīn - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; nō - cũng không, không, hay không; buồn (ngồi) - tồn tại, là sự thật; āsīt - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; tadānīṃ - tại thời điểm đó, khi đó (b) na - không, cũng không, không như, như; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; rajō (rajas) – khí quyển, không khí, bầu không khí, không gian thanh tao, toàn bộ bầu trời hay bầu trời; nō - cũng không, không, hay không; vyōmā (vyōman) - trời, bầu trời, không khí, không khí, ête; parō (paras) - xa hơn, xa hơn nữa, đi, ở phía bên kia của; yat (yad) - cái nào, bất cứ thứ gì, (c) kim - cái gì, như thế nào, từ đâu, tại sao, tại sao; āvarī (āvāra) - nơi trú ẩn, lưu giữ, che đậy; vaḥ - mang, giữ; kuha - ở đâu; kasya – của ai;śarmann - nơi trú ẩn, bảo vệ, thoải mái (d) ambhaḥ (ambhas) - nước thiên thể, sức mạnh; kim - cái gì, như thế nào, từ đâu, tại sao, tại sao; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, đang ngồi, tồn tại; gahanaṃ (gahana) - sâu, dày đặc, dày, không thấm, không thể hiểu được, không thể giải thích được, khó hiểu; gabhīram (gabhīra) - vực thẳm sâu thẳm hay bí ẩn


2.
na mṛtyur āsīd amṛtaṃ na tarhi na rātryā ahna āsīt prakētaḥ |
ānīd avātaṃ svadhayā tad ēkaṃ tasmād dhānyan na paraḥ kiṃ chanāsa || 2 ||
(a) na - không, không, không, như, như; mṛtyur (mṛtyu) - cái chết; āsīd (āsīt) - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; amṛtaṃ (amṛta) - bất tử; na - không, không, không, như, như; tarhi - tại thời điểm đó, sau đó, tại thời điểm đó (b) na - không, không, không, như, như; rātryā (rātri) - đêm, tĩnh lặng về đêm; ahna– ngày, hàng ngày, nhiều ngày; āsīt - ngồi, đang nghỉ ngơi, ngồi, tồn tại; prakētaḥ (praketa) - ngoại hình, sự xuất hiện, phân biệt (c) ānīd (āna) - thở; avātaṃ (avāta) - không gió, không có gió, không rắc rối; svadhayā (sva dhayā) - bởi tự lực, quyền lực cố hữu, xung lực riêng; tad - đó; ēkaṃ - cái Một, một mình, cô đơn (d)tasmād (tasmāt) - từ đó, vào lý do đó, do đó; dhā - (cái Một đó) ban tặng; anyan (anya) - khác hơn; na - không, cũng không, không, như, như; paraḥ (paras) - ngoài, khác hơn; kiṃ-chanāsa (kim-cana) - không có cách nào, ở một mức độ nhất định, thỏa đáng


6.
kō addhā vēda ka iha pra vōchat kuta ājātā kuta iyaṃ visṛṣṭiḥ |
arvāg dēvā asya visarjanē nāthā kō vēda yata ābabhūva || 6 ||
(a) kō - ai, cái gì; addhā - chắc chắn, thực sự; vēda - để biết; ka - ai, cái gì; iha - ở đây, trong thế giới này;pra - về điều đó; vōchat (vāc, vāca) - được nói (b) kuta (kutas) - bằng cách nào, từ đâu; ājātā - được tạo ra, phát sinh; kuta (kutas) - bằng cách nào, từ đâu; iyaṃ - cái này; visṛṣṭiḥ - Sáng tạo riêng biệt, Sáng tạo chi tiết, Sáng tạo với cường độ, đa dạng (c) arvāg (arvāk) - sau này, sau; dēvā - Thượng đế, Trời, thần thánh;asya – chỗ ở; visarjanē - sản phẩm, sáng tạo, sắp ra mắt; nā - phải không? (d) āthā - thế thì, người nào khác, làm sao khác; kō - ai, cái gì; vēda - để biết; yata - nơi mà; āba – sự bắt đầu; bhūva (bhu) – đi đến thành hiện hữu


7.
iyaṃ visṛṣṭir yata ābabhūva yadi vā dadhē yadi vā na |
yō asyā adhyakṣaḥ paramē vyōman sō aṅga vēda yadi vā na vēda || 7 ||
(a) iyaṃ - cái này; visṛṣṭir – sự Sáng tạo riêng biệt, Sáng tạo trong chi tiết; yata - nơi mà; āba - bắt đầu;bhūva (bhu) - hiện hữu (b) yadi vā - nếu-hoặc-nếu, dù-hoặc, dù-hay-không, tuy nhiên; dadhē - để giữ, sở hữu, để cho; yadi vā na - dù có hay không (c) yō - như, kể từ; asyā – chỗ ở, trú ngụ; adhyakṣaḥ (adhyaka - giàu có trong tri thức) - giám sát, chứng kiến ​​với mắt, có quyền năng nhận biết; paramē (parama) - tối đa, cùng cực, xa nhất, cao nhất; vyōman - trời, ête, không gian (d) sō - để kết luận, để hoàn thành; aṅga - quả thực, đúng; vēda - để biết; yadi vā - nếu-hoặc-nếu, dù-hay, dù-hay-không, tuy nhiên; na - không; vēda - để biết

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

CON ĐƯỜNG KHÔNG CÔ ĐƠN





Nguyễn Hoàng Đức

Không có em
Anh mới có dịp ngắm lại chiếc bóng của mình
dọc con đường mưa nhè nhẹ

Không em trong vòng tay
Anh cố xiết bóng mình cô quạnh
hồn gặp thân
thân gặp bóng
bỗng chớp lên ý tưởng
chỉ có trong cô đơn
ta mới được uống cạn chính mình
ta chạy trốn ta
ta rượt bắt ta từng bước
và ôm ta trọn vẹn
trong vòng tay xiết lấy
hững hờ bờ vai quen thuộc
vẫn lại là mình!

Và cứ thế
mỗi lần anh bắt được mình
lại cảm thấy lòng sao trống rỗng!
chẳng khác nào chiếc đấu kia
đang tự đong lấy vỏ của mình
trò chơi vô ích chăng?
Anh tự nhủ
Ồ, không!
mỗi lần câu hỏi đó nhen lên
là một lần
em len vào một chút
dâng lên... dâng lên...
đầy tràn... và anh bỗng thấy
trong cuộc rượt bắt chính mình
nỗi cô đơn không thể nào vượt qua khoảng trống
vực thẳm gót chân em khơi lại phía sau mình
ôi, chỉ có em, có em thôi!
mới lấp được khoảng không hun hút đó
để nỗi cô đơn của anh gặp lại mình
để hai nỗi cô đơn của đôi ta chồng khít lại
lấp tràn khoảng không băng giá
gom thành một khối cô đơn chẳng còn cô đơn nữa!

Trong cô đơn
Anh không uống được mình
Như chiếc miệng chẳng thể nào uống nổi vầng môi!

Trong cô đơn
Anh không thấy được anh
Như mắt làm sao thấy nổi con ngươi!

Trong cô đơn
Anh không nghe thấy anh
Như đôi tai không nghe nổi hốc thẳm lặng câm của chúng!

Và em xuất hiện
Tình yêu là huyền nhiệm
Khi anh uống lấy em
Nghĩa là anh đang trở thành nước uống!

Khi anh lắng nghe em
Anh liền hóa âm thanh
vọng đến tai em nhịp đập của ái tình!
Ôi kỳ diệu tình yêu
Khi trao ban cũng là khi nhận lấy!

Ước gì, phía kia
cuối con đường mờ mịt trong mưa
khi nỗi cô đơn của anh sắp bắt kịp mình
bất ngờ bắt gặp em!

Và em ơi
Ánh mắt anh sẽ đổ xuống mắt em
tất cả suối nguồn khao khát
mong uống cạn những lớp sóng thủy triều
dâng nhớ nhung từ mắt em
vô tận...

Con đường không còn cô đơn nữa
Nó đã hóa con đường
Ta chạy trốn nỗi cô đơn của ta
Không phải đến với ta
Mà tìm đến với nàng
tiếng chân bước chẳng còn lạc lõng
nghe từng bước vang lên
có một hòa thanh
của tiếng chân ai vọng đến
cuối con đường...

Hà Nội
tối 26/3/1997

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

MÀU





Thăm thẳm tầng cao nhìn xuống phố

hỏi em thấy màu gì?


em đoán sương hư vô trong suốt

tan vào cánh hoa lạc mất giữa chừng rơi

rơi vào màu đen tối dưới kia

đám đông đang làm gì mà màu sẫm thế?

uống cà phê chặn cơn ngáp vặt hết chuyện bàn

lệch sang vài centimet

cái gì xam xám lờ mờ?

à vệt rêu tường chùa, ngói mới long nên nắng vội hỏi thăm

một con mèo vàng từ đâu trườn tới

rũ nắng từ bộ lông xa xăm, hay mình đang tưởng tượng?

chấm mờ kia là cụm cây xanh, dụi mắt,

thôi, cô không hỏi nữa

biết rồi, sắc hình của độ cao tự sát

không có trong bảng màu....

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

LỤC BÁT TẢN THẦN





Thơ: Nguyễn Hàn Chung




Liếc tiên Bùi Giáng báng dùi
liếc thần Nguyễn Đức Sơn ngồi vọc cu

Liếc Hoài Khanh Phạm Thiên Thư
Nguyễn Khắc Hiếu Nguyễn Tố Như họ Đồng

Lục bát à ! Dễ như không
dễ như gái nhảy trên chông gót trần

Ham chơi lục bát tản thần
cũng không liều lĩnh bỏ vần mê trai

Tân hình thức đã tam tai
hậu hiện đại lại bá vai côn đồ

Liếc gái gú liếc con bồ
thử chơi chiêu tự cởi đồ ra sao

Cho cùng dẫu có rớt ao
còn hơn tự trói mình vào nếp nhăn

Bây chừ gân cốt còn căng
không chơi lỡ cái đê hèn phản cung!

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

CHỢ ĐỜI NHƯ TẤM BÌA CARTON




Chiều đã nặng rụng dần sau đỉnh dốc
Ta lang thang ngắm cuộc chợ đang tàn
Em rao gì? Lệ khô thành phấn ép
Trát lên mình như mặt nạ bìa carton

Chị chồm hổm viết thơ lên váy ướt
Đợi ngày mai nắng rộ tãi ra ngâm
Mùi thơ ẩm bốc lên cùng rau ủng
Chất đêm qua bên miệng cống tanh ngòm
Anh lê lết ngón đàn thương não ruột
Sẩm sờ ca bài cũ đã chán òm
Bà lão rụng trơ hàm răng không tuổi
Nhai miếng trầu hạnh phúc ứa trên cằm
Ngày vãn chợ đồng xu thôi lách cách
Lão ăn xin ngồi kiểm toán gia tài
Có người nọ rao bán mình cả buổi
Thêm ân tình
Khốn nạn!
Chẳng ai mua!
...
Ka
20.3.2018

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con…





Thơ : Nguyễn Phong Việt

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con, con nhé
ngay cả khi con không còn là đứa trẻ
với đầy những tổn thương…


Mẹ vẫn luôn ở đây dù không còn ánh sáng nào nữa của ngọn đèn đường
để đợi bước chân của con về trong khuya tối
cứ đi thật chậm thôi con, rồi sẽ tới
ngoài kia cuộc đời dù ngông nghênh, xốc nổi
cứ yên tâm, con vẫn còn một mái nhà…

Mẹ không chắc trong lòng mẹ đang giữ lại bao nhiêu thứ tha
khi từng ngày từng năm từng tháng
mẹ đã dành nó để vuốt tóc con, ôm con vào lòng những khi con ngoảnh mặt
nhưng mẹ hứa mẹ sẽ cho hết
kể cả khi mẹ không còn gì…

Mẹ vẫn luôn ở đây như mọi khi
con vấp ngã, con ốm đau, con khóc quấy
mẹ biết rất nhiều lần con ghét mẹ đến mức không thèm nhìn dù vẫn thấy
trái tim của một đứa con, mẹ biết vẫn luôn là vậy
tìm cách từ chối những ân cần…

Mẹ vẫn luôn ở đây lúc con mỏi gối chồn chân
nhìn ra chung quanh biết cuộc đời xa lạ
con không cần làm gì và cũng không cần phải mặc cả
mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá
đã có gốc rễ lo vun trồng…

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con, con biết không!

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

NGƯỜI ĐÀN BÀ GOM RÁC




Không mặc áo gấm(*)
người đàn bà đi vào đêm
khẩu trang xanh che khuất lúm đồng tiền
mắt lá răm chẳng làm cay được gió
mà ánh nhìn như chấp cả trời đêm


Người đàn bà lẫn vào phố xá
những ngôi nhà dửng dưng
khép ngàn con mắt cửa
những bóng người vội vã quay lưng
người đàn bà âm thầm
đối diện với rác rưởi
bàn tay gom những mẩu vụn thời gian
những mẩu vụn phù sinh đã bốc mùi xú uế

Từ rác thải
người đàn bà nhận mặt cuộc đời
vỏ bia lon, đồ hộp
những đôi giày lỗi mốt
những cọng rau đứt bữa xác xơ…
giàu sang hay nghèo hèn
phàm phu hay hiền triết
có ai không nhận phần sạch sẽ về mình?

Người đàn bà đêm đêm gom rác
tấm lòng sạch trong.
------
(*) Mượn ý dân gian “Áo gấm đi đêm”.
Lê Khánh Mai

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

THI NHÂN



Thơ : Chân Phương






mở cánh cổng bình minh

nhìn thiên thu bốc lửa

bước vòng quanh ngọn cỏ

rình đợi ý sơ sinh



nhảy qua mọi chân trời

đập đầu vào tuyệt đối

tung hứng các vì sao

nghịch đùa cùng cát bụi



đóng kịch với chiêm bao

giữa điệp trùng sân khấu

mặt trước với mặt sau

viết hay là hiện hữu ?



những điệu hát vô tri

kêu gào trong đất đá

mặt trời thức thâu đêm

ngắm bóng trăng tàn tạ



diện mục oà sóng vỡ

đau nhức nhịp thiên hà

bản lai duềnh tăm bọt

bên mép mạn đà la



giao hoan và hấp hối

mỗi giây mỗi chào đời

ngậm trái vú Maya

chờ mọc răng học nói

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

NHẬP THẾ

Thơ Nguyễn Thị Thùy Linh








Em không biết mình, con chim xanh cánh xòe nạm ngọc
Hay con lươn trơn đứng dậy bằng đuôi?
Ngác ngơ đi vào thế giới
Nhớ nhung thế tục nồng nàn

Em đã nín thở nhiều giờ trong tưởng tượng
Để sống và vượt qua nỗi cồn cào lá nhú
Đã đập tan sự im lặng này
Bằng sự im lặng khác
Im hơn sâu hơn

Chúng có cùng tần sóng không anh?
Như khi em khóc
Dòng sông liệu có ngưng thở vài giây
Tiếc cho những giọt nước tự quyên sinh xuống cỏ


Trên bãi cát lạnh
Sóng đang ăn những quả chín đầu mùa
Tựa đôi mắt em vừa khóc
Khi run rẩy nói rằng
Trước mặt đất hoàn toàn trong sạch
Em sẽ trút xuống bộ da thịt thiêng liêng này
Chỉ để làm một bông hoa nhỏ
Mọc trên võng mạc thế gian
Và máu của hoa tràn về cứu rỗi.

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

NHỮNG TRANG BÁO CŨ


Uông Thái Biểu


Những gương mặt mãn nguyện rói tươi cân đai mũ mạo
Những gương mặt đớn đau sầu não
Những con chữ đen trên thảm giấy trắng
Những con chữ tràn ra cả lề


Người ký tên giờ này ở đâu
Nhân vật tôi cũng chưa hề gặp
Có lẽ họ đã đi rất xa
Có lẽ họ đã về với đất
Giấy thì trắng mà mực lại đen


Những cuộc điều tra
Những lần giương ống kính
Những lời lẽ đanh thép dữ dằn
Những lời tụng ca hết ý
Giấy thì trắng mà mực lại đen
Như những hàng phím đối nghịch màu sắc
trên cây đàn dương cầm


Những lời khen thật-giả-sượng sùng
Những lời chê -thô bạo- khoác màu trung thực
Thật may sự thật không có màu gì cả
Giấy trắng và mực đen


Những con chữ từng sắc như mũi tên
Những khuôn hình ngọt như lát cắt
Giấy trắng như thảm cỏ hư vô
Năm tháng úa vàng màu thiên cổ của đất

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

NHỚ NÚI - DÒNG TỰ SỰ CỦA NHÀ THƠ UÔNG THÁI BIỂU



Nhận được tập thơ " Nhớ núi" của Nhà báo Uông Thái Biểu gửi tặng qua chị Thu Hương( Báo Tây Ninh), tôi thật sự bất ngờ. Mười mấy năm chưa lần gặp lại,cũng không liên lạc, ấy vậy mà Biểu vẫn nhớ dù anh không nhớ rõ chữ lót tên tôi.

Gặp nhau trong một dịp tôi tham gia Trại sáng tác ở Đà Lạt do Hội Văn nghệ Tây ninh tổ chức, lúc đó, Biểu đang là phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân và cà phê với nhau gần trọn một buổi chiều. Duy chỉ có vậy nhưng cũng đủ để nhớ về nhau.,


Đọc bài thơ đầu tiên "Điệp Khúc", tôi đã bị cuồn hút ( cũng có thể nói đây là lần đọc thơ anh) bởi cái chất trầm lắng, sâu đọng và đặc biệt là cái cách dụng chữ vừa xưa, vừa nay đan xen nhau hết sức tự nhiên và tài tình của anh.

Không hoài cổ, cũng không bài xích "văn minh thành thị" nhưng chừng như ở anh có cái gì đó của sự hoài nghi, trăn trở, ray rứt và tự vấn...của một kẻ nặng tình trước sự đổi thay của con người và xã hội.

Điệp Khúc là một bài thơ hay trong tập thơ " Nhớ Núi" của anh

ĐIỆP KHÚC

Vẫn thế buồn vui của ngàn năm cũ
yêu ghét vẫn như xưa như thưở ông bà
em vẫn là em mai xanh mai bạc
hành tinh vẫn gần sát gót chân ta

Khắc khoải kêu một đời chim di trú
một đời mây bảng lảng đội trên đầu
sông vẫn cứ vơi đầy trong đục
cây một đời vấn vít gió Luy Lâu

Em gõ phím lập trình trên máy tính
những
ghét
yêu
cao thượng
thấp hèn
trên mặt đất hàng triệu người cày cấy
hàng triệu người ngồi nhặt trắng chia đen

Có lực hút gì mà ghê gớm vậy
những hạt li ti gắn mấy tỉ trên đầu
con cá buồn hiu đạp mình sông lạnh
chờ một ngày Lã Vọng ghé buông câu

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Những tiếng thì thầm





bạn thân ơi,
nói thật là:
suốt một đời đứng đắn
tôi vẫn có rất nhiều điều
ân hận
rất nhiều điều
chẳng dám nói to.
như chuyện sáng nay thôi,
dù rất nhỏ,
cũng khiến tôi lấn cấn đến giờ.
có người ủng hộ tôi,
bảo: chả sao, chuyện bằng con muỗi.
nói thêm lại hóa dở hơi.
tôi cũng cho nó chẳng đáng phải nhắc trên đời.
giết con muỗi ai coi là suy đồi nhân cách?


nhưng cũng có người
dù không nghiêm mặt trách.
vẫn chỉnh huấn tôi: điều đó không nên.
tôi thì cho là họ đạo mạo thành quen.

nhưng,
không hiểu sao,
kể từ lúc ấy,
tôi cứ thấy buồn buồn thế vậy
cứ thấy lòng bứt rứt không yên,
cố thả lỏng người, hai mắt láo liên,
để cái vấn đề không trở thành thể rắn.
nhẹ như khí, chẳng thành hình,
không có trong đầu mình thì cũng chẳng trong đầu người khác.
đừng cho nó hiển ngôn là được,
vì chẳng có từ nào để diễn tả tương đương.
nếu ngữ ngôn như một đại lượng đo lường,
thì nó nhỏ thôi,
chỉ bằng 0,00000000….n 1 phần trăm của chiều ngôn ngữ.
nên sẽ rất sai lệch khi dùng câu chữ,
nói ra sẽ cấp thêm cho nó ti tỉ lũy thừa.

bạn thân à,
dù cố dửng dưng, tưng tửng như lá với nước mưa,
tôi vẫn thấy có chút gì cắn rứt,
dù chuyện nhỏ thôi, có điên mới quy về đạo đức,
họ và tôi là hai hệ thống khác nhau
tôi chẳng sai đâu.
nhưng từ lúc thấy trong người bứt rứt,
tôi biết hệ thống của mình đã bị thâm nhập
bởi những yếu tố ngoài,
qua tiến trình nội hóa.

thế nên,
bạn thân ạ,
chuyện không thể giữ mãi trong người,
tôi lại chẳng đủ can đảm để nói to,
vậy nên, ghé sát tai đây:
……abcdđ@#$%^&*…..
……………………….
(rất nhỏ)

suỵttttt!!!!

Nguyễn Hồng Phúc

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

LỤC BÁT TỰ DO

HOÀNG XUÂN TUYỀN



1.
Tự do nào! Tự do nào!
Tự do ta dắt ta vào miền thơ
Con đường lục bát cam go
Bao con chữ mất tự do thành vè.
2.
Tứ mờ mịt, lời lê thê
Nửa phố thị, nửa thôn quê - nửa mùa
Tưởng rằng trí tuệ có thừa
Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu.
3.
Tự do? Ai bảo sao đâu!
Mỗi dòng mỗi nản, mỗi câu mỗi buồn
Tự do chấp chới cánh chuồn
Một mình một bước một đường một xa.
4.
Tự do đây. Tự do mà!
Tự do đáy giếng cũng là tự do?
Trời kia - nắp ấm tròn vo
Hé mắt ếch, cất tiếng ho: - Xin chào!
5.
Tự do nào! Tự do nào?
Tự do thét, tự do gào - tự do?
Kiếm tìm lục bát quanh co
Bước cao bước thấp lò dò ta đi.
6.
Tự do nhất, tự do nhì
Tự mình mình đã biết gì tự do.
Vần vèo thêm quẩn chân thơ
Non tay biết đến bao giờ hết non.
7.
Tự do mất, tự do còn
Tự do dựa dẫm héo mòn tự do.
Ý gầy guộc, nghĩa ốm o
Lo trâu sứt sẹo, sợ bò trắng răng.
8.
Tự do cây - ngát hương xanh
Tự do ta - ngọt đầu cành chiêm bao.
Tự do! Nào tự do nào!
Tự ta chọn, tự mình trao cho mình.
9.
Tràng giang đại hải linh tinh
Đương đà lục bát, bất thình lình ... tự do
Ta tự do - Thơ tự do!

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

HỌC LẠI YÊU THƯƠNG



Thơ : Thymianka



Bắt đầu từ đâu ta học được yêu thương
Chắc không phải từ khi biết yêu một người khác giới
Hẹn hò đầu tiên
Nụ hôn đầu tiên
Lần đầu làm chuyện ấy...
Mọi cái giản đơn hơn
Như thể rất lâu rồi...

Ta biết yêu thương như hơi thở lúc chào đời
Chỉ hít vào thở ra bằng buồng tim lá phổi
Bằng bản năng và bằng si mê đắm đuối
Bằng thân phận đời người qua năm tháng dần trôi

Chợt nhận ra chưa học cách yêu người
Để một ngày tình yêu vuột qua tầm tay với
Chỉ là ánh mắt gửi trao, một bàn tay nắm vội
Hay tách trà khuya xua giá lạnh bên ngoài


Nào phải xa xôi nào cần chọn lựa ý lời
Yêu thương ấy ngỡ tràn đầy cho và nhận
Bỗng có ngày ta băn khoăn tự vấn
Cái ta cho người...
Thật đúng cách hay chưa?

Học lại yêu thương từ lúc chợt nghi ngờ
Cái ta cho đi phải chăng là vĩ đại
Nên ta đợi người một món quà tặng lại
Suốt đời mình...
Ta làm một sân ga!

Học lại yêu thương khi tóc biếc đã chớm ngà
Học lại cách yêu người để yêu mình thêm chút nữa
Khi yêu thương lên tiếng chối từ
Xin đừng buông tay nhau lần nữa
Một cánh cửa lòng vẫn mở để chờ nhau...
---

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Vô tình





(Puskin) 

Vô tình anh gặp em
Rồi vô tình thương nhớ
Đời vô tình nghiệt ngã
Nên chúng mình yêu nhau

Vô tình nói một câu
Thế là em hờn dỗi
Vô tình anh không nói
Nên đôi mình xa nhau

Chẳng ai hiểu vì đâu
Đường đời chia hai ngả
Chẳng ai có lỗi cả
Chỉ vô tình mà thôi

Vô tình suốt cuộc đời
Anh buồn đau mải miết
Vô tình em không biết,
Hay vô tình em quên?
Anh buồn đau mải miết,
Cả cuộc đời không quên!

Chỉ vô tình mà thôi,
Chẳng ai có lỗi cả;
Đường đời chia hai ngả,
Chẳng ai hiểu vì đâu

Vô tình anh không nói,
Vô tình nói một câu,
Thế là em hờn dỗi,
Thế là mình xa nhau.

Giá như mình yêu nhau,
Đời chắc không nghiệt ngã,
Trời cũng thương, cũng nhớ,
Cho mình gặp lại nhau.

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Tự do và niềm tin



Thơ Vinh Anh



"Con chim gần chết tiếng hót nghe thương
Con người gần chết lời nói phải"

Tôi thật sự chưa hiểu hai tiếng tự do
Dù nhiều lần đã nói
Đọc bài của ông* thấy lòng đau nhói
Những trang viết xưa nay ông chất chứa tủi hờn

Hỏi có bao giờ ta được tự do không
Tôi cũng đã đi tìm “cái tôi” chân lí
Nhân cách bao con người chờ thời gian ngẫm nghĩ
Viết được như ông, tôi đã vợi phần nào

Ôi làm công dân nước mình mới kỳ làm sao
Sống trong khổ nghèo vẫn cứ giả mình sướng
Triền miên trong chiến tranh
Vẫn gồng mình chịu đựng
Lý tưởng đặt vào đâu xa xa...

Tôi mâu thuẫn đi tìm “cái tôi đánh mất”
Chẳng thấy tự do cũng chẳng tự hào
Lại thêm chút phiền khi nghĩ đến công lao
Ta góp cho đất này có trở thành nhảm nhí

Thật vậy không? Kính thưa các đồng chí...

Tôi đã đọc viễn cảnh quê tôi từ khi lên mười
Nửa thế kỉ đã trôi
Sao người dân quê tôi vẫn lam lũ quá
Vẫn biết đấy đời là vất vả
Nên hãy cụ thể hơn cho những con người
Ảo tưởng làm gì những hành tinh xa xôi...

Không ai sống cả đời với lễ hội hoá trang
Càng không thể một vòng tay ôm tròn trái đất
Dẫu có ngợi ca dân quê tôi chân chất
Dẫu có ngợi ca đất quê tôi ngọt mật
Xin với một tấm lòng: hãy để lại niềm tin.

Niềm tin là thiêng liêng, dân quê tôi thao thức nhiều rồi!

*Nguyễn Khải: Đi tìm cái tôi đã mất