Hiển thị các bài đăng có nhãn Sống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sống. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

 


KHÔNG SỐNG BẰNG NHỮNG SỰ GIẢ DỐI: LỜI KÊU GỌI LÒNG CAN ĐẢM VÀ SỰ THẬT TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY



Alexander Solzhenitsyn

Nguyễn Trung Kiên dịch

[*Solzhenitsyn viết bài tiểu luận này vào năm 1974 và nó đã lan truyền trong giới trí thức Moscow vào thời điểm đó. Nó được đề ngày 12 tháng Hai, cùng ngày mà cảnh sát mật đột nhập vào căn hộ của ông và bắt ông. Ngày hôm sau, ông bị trục xuất sang Tây Đức. Bài tiểu luận này là một lời kêu gọi lòng can đảm về đạo đức và là ánh sáng cho tất cả chúng ta – những người luôn coi trọng sự thật.*]



*

CÓ LÚC CHÚNG TA thậm chí không dám thì thầm. Bây giờ chúng ta viết và đọc sách báo ngoài luồng, và đôi khi khi tụ tập trong phòng hút thuốc ở Viện Khoa học, chúng ta thẳng thắn phàn nàn với nhau: Họ đang giở trò gì với chúng ta, và họ đang lôi chúng ta đi đâu? Vô cớ khoe khoang thành tựu về công nghệ vũ trụ khi mà nghèo đói và sự tàn phá đang tràn ngập quê nhà. Đề cao các chế độ man rợ xa xôi. Kích động nội chiến. Và chúng ta đã liều lĩnh nuôi dưỡng Mao Trạch Đông bằng chi phí của mình – và chúng ta sẽ là những người bị bắt đi lính để chống lại ông ta, và sẽ buộc phải đi. Có lối thoát nào ở đây không? Và họ đưa ra xét xử bất kỳ người nào họ muốn, rồi họ đưa những người ôn hòa vào trại tập trung – luôn luôn là họ, còn chúng ta thì bất lực.

Mọi thứ gần như đã chạm đáy. Một cái chết của linh hồn mang tính phổ quát đã chạm đến tất cả chúng ta, và cái chết thể xác sẽ sớm bùng phát và tiêu diệt cả chúng ta và con cái của chúng ta – nhưng như trước đây chúng ta vẫn mỉm cười một cách hèn nhát và lầm bầm rằng mình chẳng liên quan gì. Nhưng chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó? Phải chăng chúng ta không có sức mạnh?

Chúng ta đã mất nhân tính một cách vô vọng đến mức để đổi lấy khẩu phần lương thực khiêm tốn hàng ngày, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi nguyên tắc, từ bỏ linh hồn, từ bỏ mọi nỗ lực của những người đi trước và mọi cơ hội cho con cháu của chúng ta – miễn sao đừng làm phiền đến sự tồn tại mong manh của chúng ta. Chúng ta thiếu lòng kiên định, niềm tự hào và sự nhiệt tình. Chúng ta thậm chí không sợ cái chết hạt nhân rộng lớn, và chúng ta không sợ Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chúng ta đã trú ẩn trong các kẽ hở. Chúng ta chỉ sợ những hành động được thúc đẩy bởi lòng can đảm dân sự.

Chúng ta chỉ sợ bị tụt lại phía sau đàn gia súc và đi một mình – và đột nhiên nhận thấy mình không còn bánh mì trắng, không còn gas để sưởi và không có hộ khẩu tại Moscow.

Chúng ta đã được truyền dạy trong các khóa học chính trị, và theo cách tương tự đã được nuôi dưỡng ý tưởng để sống thoải mái, và phần còn lại của cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội của mình. Cuộc sống hàng ngày định hình nên nhận thức. Nó liên quan gì đến chúng ta? Điều gì ở nó là bất khả đối với chúng ta?

Nhưng chúng ta có thể – mọi thứ. Nhưng chúng ta dối mình để an toàn. Và không phải họ là người phải chịu trách nhiệm về mọi thứ – chính chúng ta, chỉ chúng ta. Những cái khóa mõm đã được nhét vào miệng của chúng ta. Không ai muốn lắng nghe chúng ta và không ai yêu cầu chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể buộc họ phải lắng nghe nghe? Suy nghĩ của họ là không thể thay đổi.

Sẽ là tự nhiên nếu ta bỏ phiếu để loại bỏ họ – nhưng không có cuộc bầu cử nào ở nước ta. Ở phương Tây, người ta biết về các cuộc đình công và biểu tình phản đối – nhưng chúng ta quá bị áp bức, và đó là một viễn cảnh khủng khiếp đối với chúng ta: Làm sao một người có thể đột ngột từ bỏ công việc của mình và xuống đường? Tuy nhiên, những con đường chết chóc khác được khảo sát trong suốt thế kỷ qua bởi lịch sử nước Nga cay đắng của chúng ta không dành cho chúng ta, và thực sự chúng ta không cần chúng.

Giờ đây, những sự trừng phạt đã hoàn thành công việc của mình, khi mọi thứ đã được gieo trồng đã nảy mầm trở lại, chúng ta có thể thấy rằng những người trẻ tuổi và đầy kiêu mạn, những người nghĩ rằng họ sẽ kiến tạo nên một đất nước công bằng và hạnh phúc thông qua khủng bố, nổi loạn đẫm máu và nội chiến, tất cả trong số họ đã bị nhầm lẫn. Không, cảm ơn, hỡi những kẻ đã nhào nặn nên nền giáo dục này! Bây giờ chúng ta biết rằng các phương pháp bỉ ổi sẽ tạo ra những kết quả bỉ ổi. Hãy để cho bàn tay của chúng ta được sạch sẽ!

Một vòng luẩn quẩn – nó đã khít chưa? Và có thực sự là không có lối thoát? Và chỉ còn một việc để chúng ta làm, đó là chờ đợi mà không hành động? Có lẽ điều gì đó sẽ xảy tự nó xảy ra? Nó sẽ không bao giờ xảy ra miễn là chúng ta hàng ngày thừa nhận, mở rộng và củng cố – và không tách mình khỏi khía cạnh dễ nhận thấy nhất của nó: Những sự dối trá.

Khi bạo lực xâm nhập vào cuộc sống yên bình, khuôn mặt của nó rạng rỡ với sự tự mãn, như thể nó đang giăng biểu ngữ và la toáng lên: “Ta là bạo lực đây. Hãy chạy đi, nhường đường cho ta – ta sẽ nghiền nát chúng mi”. Nhưng bạo lực sẽ nhanh chóng già đi. Và nó đã đánh mất niềm tin vào bản thân, và để duy trì một bộ mặt đáng kính, nó kết nạp sự giả dối làm đồng minh của nó – vì bạo lực không phải ngày nào cũng đè lên vai tất cả mọi người. Nó đòi hỏi chúng ta chỉ tuân theo những sự giả dối và sống với những sự giả dối đó hàng ngày – tất cả lòng trung thành dành cho những sự giả dối đều nằm ở đó.

Và điểm mấu chốt đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất để giải phóng bản thân không bị lãng quên của chúng ta nằm ngay ở đây: Các cá nhân không tham gia vào những sự giả dối. Dù dối trá che dấu mọi thứ, dù dối trá bao trùm lấy mọi thứ, nhưng ta sẽ không tiếp tay cho chúng.

Điều này sẽ tạo ra sự vượt ngục thoát cái nhà tù tưởng tượng vốn được hình thành nên bởi sự không hành động của chúng ta. Đó là điều dễ dàng nhất đối với chúng ta, nhưng lại tạo ra sự tàn phá thảm khốc nhất đối với những sự giả dối. Bởi vì khi người ta từ bỏ sự giả dối, nó chỉ đơn giản là cắt đứt sự tồn tại của chúng. Giống như bệnh nhiễm trùng, chúng chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể sống.

Chúng ta không tự hô hào bản thân. Chúng ta chưa đủ trưởng thành để tiến vào các quảng trường và gào lên sự thật của chúng ta hoặc để thể hiện những gì chúng ta đang nghĩ. Điều đó không cần thiết.

Điều đó thật nguy hiểm. Nhưng chúng ta hãy từ chối nói điều mà chúng ta không nghĩ.

Đây là con đường của chúng ta, con đường dễ dàng và dễ tiếp cận nhất, mà đã có tính đến sự hèn nhát cố hữu vốn đã sâu rễ bền gốc trong mỗi chúng ta. Và nó dễ dàng hơn nhiều – thậm chí còn nguy hiểm khi nói điều này – hơn là kiểu bất tuân dân sự mà Gandhi chủ trương.

Con đường của chúng ta là xóa bỏ ranh giới băng đảng. Nếu chúng ta không dán những mảnh xương và vây của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta không khâu những mảnh vải vụn thối rữa lại với nhau, chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến những sự giả dối trở nên bất lực và lắng xuống nhanh chóng.

Cái mà lẽ ra nên bị lột truồng sau đó sẽ thực sự bị lột truồng trước toàn thế giới.

Vì vậy, trong sự rụt rè của chúng ta, mỗi người chúng ta hãy đưa ra lựa chọn: Cho dù có ý thức, chúng ta vẫn là nô lệ của sự giả dối – tất nhiên, điều đó không phải vì khuynh hướng, mà là để nuôi sống gia đình, nuôi dạy con cái của mình bằng tinh thần dối trá – hoặc từ bỏ những sự giả dối và trở thành một người lương thiện đáng được cả con cái và người đương thời kính trọng.

Và từ ngày đó trở đi, mỗi chúng ta:

• Do đó, sẽ không viết, ký tên hoặc in ấn theo bất kỳ cách nào một cụm từ mà theo ý kiến của ta là đang bị bóp méo để sai với sự thật.

• Sẽ không thốt ra cụm từ như vậy trong cuộc trò chuyện riêng tư, không thốt ra trước sự chứng kiến của nhiều người, không tự mình hay thay mặt người khác thốt ra, không thốt ra khi bị người khác nhắc nhở, kích động;

• Sẽ không mô tả, nuôi dưỡng hoặc truyền bá một ý tưởng nào mà ta chắc chắn nhận thấy nó sai lầm hoặc bị bóp méo so với sự thật, cho dù đó là trong hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc.

• Sẽ không trích dẫn ngoài ngữ cảnh, bằng lời nói hay bằng văn bản, một trích dẫn duy nhất để làm hài lòng ai đó, để làm yên ấm cái tổ ấm của chính mình, để đạt được thành công trong công việc của mình, nếu ta không chia sẻ hoàn toàn ý tưởng được trích dẫn, hoặc nếu nó có không phản ánh chính xác vấn đề đang được đề cập.

• Sẽ không cho phép mình bị buộc phải tham gia các cuộc biểu tình hoặc mít-tinh nếu chúng trái với mong muốn hoặc ý chí của mình, sẽ không giăng một áp-phích hoặc khẩu hiệu mà ta không hoàn toàn chấp nhận.

• Sẽ không giơ tay biểu quyết cho một đề xuất mà ta không thông cảm chân thành, sẽ không bỏ phiếu, cả công khai lẫn bí mật, cho một người mà ta cho là không xứng đáng hoặc đáng ngờ.

• Sẽ không cho phép mình bị lôi kéo đến một cuộc họp mà có thể sẽ diễn ra một cuộc thảo luận gượng ép hoặc bị bóp méo về một vấn đề. Sẽ ngay lập tức rời khỏi một cuộc họp, phiên họp, bài giảng, buổi biểu diễn hoặc chiếu phim nếu ta nghe thấy một người nói dối, hoặc tuyên truyền vô nghĩa hoặc vô liêm sỉ về ý thức hệ.

• Sẽ không đăng ký hoặc mua báo hoặc tạp chí trong đó thông tin bị bóp méo và sự thật chính yếu bị che giấu. Tất nhiên chúng ta đã không liệt kê tất cả các sai lệch có thể và cần thiết từ sự giả dối. Nhưng một người thanh lọc bản thân sẽ dễ dàng phân biệt các trường hợp khác bằng cách nhìn nhận sự thanh lọc của mình.

Không, mọi người lúc đầu sẽ không giống nhau. Lúc đầu, một số sẽ bị mất việc làm. Đối với những người trẻ muốn sống với sự thật, điều này, ngay từ đầu sẽ làm phức tạp cuộc sống trẻ trung của họ rất nhiều, bởi vì những lời tán tụng bắt buộc bị nhồi nhét bởi những sự giả dối, và cần phải lựa chọn.

Nhưng không có kẽ hở cho bất kỳ ai muốn trung thực. Vào bất kỳ ngày nào, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất một trong những lựa chọn nêu trên, ngay cả trong trường hợp an toàn nhất về khoa học kỹ thuật. Sự thật hoặc giả dối: Hướng tới sự độc lập về tinh thần hoặc về sự nô lệ tinh thần.

Còn nếu một người nào không đủ can đảm để bảo vệ linh hồn mình – đừng để hắn tự hào về quan điểm “tiến bộ” của mình, đừng để hắn khoe khoang rằng hắn là một viện sĩ hay một nghệ sĩ nhân dân, một nhân vật nổi tiếng hay một vị tướng. Hãy để hắn tự nói với chính mình: “Ta là một con cừu trong bầy cừu, và là một kẻ hèn nhát. Đối với ta tất cả đều như vậy, miễn là ta được ăn no và mặc ấm”.

Ngay cả con đường này, con đường khiêm tốn nhất trong tất cả các con đường phản kháng, cũng sẽ không dễ dàng cho chúng ta. Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều so với việc tự thiêu hoặc tuyệt thực: Ngọn lửa sẽ không bao phủ cơ thể ta, nhãn cầu của ta, sẽ không bùng phát vì sức nóng, và bánh mì nâu cùng nước sạch sẽ luôn có sẵn cho gia đình ta.

Một dân tộc vĩ đại của châu Âu, những người Tiệp Khắc, dân tộc mà chúng ta từng phản bội và lừa dối: Họ đã không cho chúng ta thấy làm thế nào mà một bộ ngực dễ bị tổn thương có thể đứng vững ngay cả khi chống lại xe tăng nếu có một trái tim xứng đáng bên trong lồng ngực?

Bạn nói rằng điều này sẽ không dễ dàng ư? Nhưng nó sẽ là điều dễ dàng nhất trong tất cả những lựa chọn khả thi. Nó sẽ không phải là một lựa chọn dễ dàng cho một thể xác, nhưng nó là một lựa chọn duy nhất cho một linh hồn. Đúng vậy, đó không phải là một con đường dễ dàng. Nhưng đã có những người, thậm chí hàng chục người trong số họ, qua nhiều năm đã duy trì tất cả những quan điểm này và sống với sự thật.

Vì vậy, bạn sẽ không phải là người đầu tiên đi theo con đường này, nhưng sẽ tham gia cùng những người đã đi. Con đường này sẽ dễ dàng hơn và ngắn hơn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta thực hiện nó bằng nỗ lực chung và nắm chặt tay nhau. Nếu có hàng nghìn người cùng đi với chúng ta, họ sẽ không thể làm gì chúng ta. Nếu có hàng chục nghìn người cùng đi với chúng ta, thì chúng ta thậm chí sẽ không nhận ra sự thay đổi của đất nước của mình.

Nếu quá sợ hãi, chúng ta nên ngừng phàn nàn rằng ai đó đang làm chúng ta ngạt thở. Chính chúng ta đang làm điều đó. Sau đó, chúng ta hãy cúi đầu xuống nhiều hơn nữa, chúng ta hãy than khóc, và hỡi người anh em, sự tiếp tay của các nhà sinh học, vốn sẽ giúp cho nỗ lực của họ để đọc được những suy nghĩ của chúng ta, ngay cả điều này cũng sẽ trở nên vô ích và vô vọng.

Và nếu chúng ta có đôi chân đầy sợ hãi, ngay cả khi bước đi những bước đầu tiền này, thì chúng ta đã trở thành kẻ vô dụng và vô vọng, và sự khinh bỉ của Pushkin nên dành lại cho chúng ta:

“Tại sao lại phải trao hoa trái của tự do cho bầy gia súc?

Di sản của chúng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cái ách chiếc roi”./.

*

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Harari – Có Phải Chúng Ta Đã Hạnh Phúc Hơn Trong Thời Đồ Đá?



Cuộc sống hiện nay có khiến chúng ta hạnh phúc không? Chúng ta đã thành tựu được nhiều nhưng chúng ta cũng đã thiệt mất rất nhiều. Có phải con người đã thích hợp hơn với một đời sống của kiếm ăn bằng săn bắn hái lượm?


Chúng ta có nhiều quyền năng hơn những tổ tiên của chúng ta, nhưng chúng ta có nhiều hạnh phúc hơn không? Những nhà sử học hiếm khi dừng lại để suy nghĩ về vấn đề này, nhưng cuối cùng, không phải lịch sử là về câu hỏi đó? Sự hiểu biết của chúng ta và sự phán xét của chúng ta, hãy tạm nói, về sự truyền bá trên thế giới của tôn giáo tin chỉ một gót chắc chắn tùy thuộc vào việc chúng ta kết luận rằng liệu nó nâng cao hay hạ thấp những mức độ hạnh phúc của thế giới. Và nếu sự lan truyền của tôn giáo tin chỉ một gót đã không có tác động đáng ghi nhận nào đến hạnh phúc của thế giới, vậy nó đã làm được khác biệt gì?




Với sự nổi lên của chủ nghĩa cá nhân và sự suy thoái của những hệ ý thức tập thể, hạnh phúc có thể được cho là trở thành giá trị cao nhất của chúng ta. Với sự tăng trưởng lớn lao đến kỳ diệu trong sự sản xuất của con người, hạnh phúc cũng đang tiếp nhận mức độ quan trọng chưa từng có về kinh tế. Nền kinh tế tiêu thụ đang ngày càng chuyển sang cung ứng hạnh phúc hơn là cung cấp sinh kế tối thiểu hoặc ngay cả cung cấp sự giàu có hay sung túc, và một hợp xướng gồm nhiều giọng nói hiện đang kêu gọi một thay thế những đo lường GDP với những chỉ số thống kê về hạnh phúc, như thước đo kinh tế cơ bản. Chính trị dường như cũng làm theo. Quyền truyền thống với sự “theo đuổi hạnh phúc” thì được chuyển hóa, khó nhận thấy, vào trong hình thái của một ‘quyền hưởng hạnh phúc’, có nghĩa là nó đang trở thành nhiệm vụ của chính phủ để bảo đảm hạnh phúc cho những công dân của mình. Năm 2007, Ủy ban Europe đã bắt đầu tung ra “Vượt khỏi GDP” để xem xét liệu có thể thực hiện được việc dùng một chỉ số an sinh để thay thế hoặc bổ sung cho GDP. Những sáng kiến ​​tương tự gần đây đã được phát triển ở nhiều nước khác – từ Thailand đến Canada, từ Israel đến Brazil.


Hầu hết những chính phủ vẫn chú trọng vào sự thành tựu tăng trưởng kinh tế, nhưng khi được hỏi tăng trưởng như thế có gì là tốt, ngay cả những nhà tư bản ‘quyết liệt đến chết’ hầu như luôn luôn quay sang hạnh phúc. Giả sử chúng ta bất chợt gặp (thủ tướng United Kingdom) David Cameron, và đòi hỏi muốn biết tại sao ông quá quan tâm đến tăng trưởng kinh tế. “Vâng,” ông có thể trả lời, “tăng trưởng là điều cần thiết để cung cấp cho người ta mức sống cao hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, nhà ở lớn hơn, xe ô tô nhanh hơn, kem ăn ngon miệng hơn.” Và, chúng ta có thể hỏi thêm nữa, mức sống cao hơn thì có gì quá tốt thế?“Không rành rành ra đấy sao?” Cameron có thể trả lời, “Nó làm người ta hạnh phúc hơn.”


Hãy giả sử, để biện luận cho gọn, rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể chứng minh một cách khoa học rằng những tiêu chuẩn sống cao hơn không chuyển thành hạnh phúc lớn hơn. “Nhưng David,” chúng ta có thể nói, “nhìn vào những nghiên cứu lịch sử, tâm lý và sinh học này. Chúng chứng minh vượt khỏi bất kỳ một nghi ngờ hợp lý nào rằng việc có nhà lớn hơn, kem ngon hơn và thậm chí thuốc men tốt hơn không làm tăng hạnh phúc của con người”. “Thật vậy sao?” Ông ta sẽ ngạc nhiên thở hắt ra, “Tại sao chả ai nói với tôi cả! Chà, nếu đúng như vậy, hãy quên những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tôi đi. Tôi sẽ bỏ tất cả, và nhập đoàn sống chung với một cộng đồng hippie.”


Đây là một trường hợp rất khó có thể xảy ra, và không chỉ vì cho đến nay chúng ta hầu như không có nghiên cứu khoa học nào về lịch sử dài hạn của hạnh phúc. Những học giả đã nghiên cứu lịch sử của tất cả mọi sự vật việc – chính trị, kinh tế, bệnh tật, tình dục, thực phẩm – nhưng hiếm khi họ đã hỏi chúng tất cả ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc con người. Trong những mười năm qua, tôi đã viết một lịch sử của loài người, theo dõi sự biến đổi của loài chúng ta từ một con ape không đáng kể ở Africa thành chủ nhân của cả hành tinh. Không phải là dễ dàng để hiểu những gì đã biến Homo sapiens thành một kẻ giết hại hàng loạt môi trường sinh thái; tại sao đàn ông lại thống trị phụ nữ trong hầu hết những xã hội loài người; hoặc tại sao chủ nghĩa tư bản đã trở thành tôn giáo thành công nhất từ ​​trước tới nay. Không dễ để giải quyết những câu hỏi như vậy bởi vì những học giả đã đưa ra rất nhiều trả lời khác nhau và mâu thuẫn nhau. Ngược lại, khi đánh giá thành tựu sau cùng – không biết hàng nghìn năm của phát minh và những khám phá có khiến chúng ta hạnh phúc hơn không – thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng những học giả đã bỏ quên ngay cả việc nêu lên câu hỏi. Đây là thiếu xót lớn nhất trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử.


Quan điểm Whig về lịch sử


Mặc dù có ít học giả đã nghiên cứu lịch sử dài hạn của hạnh phúc, hầu hết mọi người đều có một vài ý tưởng về nó. Một định kiến ​​phổ biến – thường gọi đặc biệt là “quan điểm Whig về lịch sử” – xem lịch sử như sự diễn hành khải hoàn của tiến bộ. Mỗi những nghìn năm qua đều chứng kiến ​​những khám phá mới: canh nông, bánh xe, chữ viết, kỹ thuật in, động cơ hơi nước, thuốc kháng sinh. Con người thường dùng quyền năng mới tìm được để làm giảm bớt những khổ sở và thực hiện những ước vọng. Theo đó, sự tăng trưởng theo cấp số nhân về quyền năng con người phải có kết quả là sự tăng trưởng theo cấp số nhân về hạnh phúc. Người thời nay hạnh phúc hơn những người thời trung cổ, và những người thời trung cổ đã hạnh phúc hơn những người thời đồ đá.


Nhưng quan điểm về tiến bộ này gây rất nhiều bất đồng. Mặc dù ít người sẽ tranh luận về sự kiện rằng quyền năng con người đã phát triển từ thời bình minh của lịch sử, nhưng tương liên giữa quyền năng với hạnh phúc là điều kém rõ ràng hơn nhiều. Thí dụ, sự ra đời của nông nghiệp đã làm tăng sức mạnh tập thể của nhân loại với cấp số nhiều bội phần. Tuy nhiên, nó không nhất thiết đã cải thiện số phận cá nhân. Trong hàng triệu năm, cơ thể con người và não thức đã thích nghi để chạy đuổi theo loài dê núi, trèo cây để hái táo, và dọ dẫm chỗ này sang chỗ kia để tìm nấm. Ngược lại, cuộc sống nhà nông, gồm những giờ đằng đẵng dài hết ngày trong công việc nông nghiệp nặng nhọc: cày xới, làm cỏ, thu hoạch và gánh từng thùng lấy nước sông. Lối sống như vậy có hại cho lưng, đầu gối và khớp xương con người, và làm tê cóng não thức con người.


Đổi lấy tất cả những công việc nặng nhọc này, những người làm ruộng thường nhận được chế độ ăn uống tồi tệ hơn so với những người săn bắn hái lượm, và khổ hơn vì kém bổ dưỡng và đói nhiều hơn. Những vùng định cư đông đúc của họ trở thành lò sinh sản những bệnh truyền nhiễm mới, phần lớn chúng có gốc từ những động vật thuần hóa trong những trại nuôi. Nông nghiệp cũng mở đường cho sự phân chia giai cấp xã hội, cho sự khai thác bóc lột và có thể cả chế độ gia trưởng. Từ cái nhìn theo hướng hạnh phúc cá nhân, “cách mạng nông nghiệp”, theo lời của nhà khoa học Jared Diamond, là sự “sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại”. [1]


Tuy nhiên, trường hợp của cách mạng nông nghiệp không phải là một lệch lạc duy nhất. Sự diễn hành của tiến bộ từ những nhà nước-thành phố Sumer đầu tiên đến những đế quốc Assyria và Babylonia, đều đã đi kèm với sự suy thoái ngày càng tăng trong địa vị xã hội và tự do kinh tế của phụ nữ. Thời Phục hưng của Europe, với tất cả những khám phá và sáng chế tuyệt vời của nó, đã giúp ích cho ít người ngoài vòng giới hạn của giới ưu tú chọn lọc phái nam. Sự lan truyền của những đế quốc Europe đã thúc đẩy sự trao đổi trong công nghệ, ý tưởng và sản phẩm, nhưng đây không phải là những ‘tin lành’ cho hàng triệu người bản địa America, người da đen Africa and thổ dân Australia.


Không cần phải khai triển thêm. Những học giả đã kỹ lưỡng đập tan cái nhìn Whig về lịch sử, nhưng câu hỏi duy nhất còn lại là: tại sao nhiều người vẫn tin vào nó?


Thiên đường đã mất


Có một định kiến ​​cũng ngang thế nhưng đối nghịch hoàn toàn, có thể được gọi là “cái nhìn lãng mạn về lịch sử”. Định kiến này cho rằng giữa quyền lực và hạnh phúc có tương quan ngược nhau. Khi nhân loại có được nhiều quyền lực hơn, nó tạo ra một thế giới máy móc lạnh lẽo, vốn ít thích hợp với những nhu cầu thực sự của chúng ta.


Cái nhìn lãng mạn không bao giờ mệt mỏi với việc săn tìm mặt tối của mọi khám phá. Chữ viết đã là nguyên nhân của bòn rút sưu thuế. Kỹ thuật in đã sinh ra tuyên truyền và tẩy não đại chúng. Cômputơ biến chúng ta thành những zômbie. Những chỉ trích gay gắt nhất tất cả dành riêng cho ‘ba ngôi’ bất lương là chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ. Ba ‘ông ba bị’ này đã gây xa lạ, lạc lõng cho người ta với môi trường tự nhiên, với cộng đồng nhân loại, và thậm chí với những sinh hoạt hàng ngày của họ. Những công nhân nhà máy thì không gì khác hơn một răng cưa bánh xe cơ khí, một nô lệ cho những đòi hỏi của những máy móc và lời lãi của tính toán tiền bạc. Tầng lớp trung lưu có thể an hưởng những điều kiện làm việc và nhiều tiện nghi vật chất tốt hơn, nhưng nó trả cho chúng một giá cắt cổ của sự tan rã xã hội và hoang vắng tinh thần. Từ một hướng nhìn lãng mạn, đời sống của những nông dân trung cổ thì ưa chuộng hơn so với của những công nhân nhà máy và của những nhân viên văn phòng thời nay, và đời sống của những người săn bắn hái lượm là tốt nhất tất cả.


Tuy nhiên, cái nhìn lãng mạn nhấn mạnh việc nhìn vào mặt tối của mỗi khám phá mới lạ thì cũng giáo điều như sự tin tưởng Whig vào tiến bộ. Thí dụ, trong hai trăm năm qua, y học thời nay đã đánh bại những đội quân của những bệnh tật vốn vẫn rình rập loài người, từ bệnh lao và bệnh sởi đến bệnh tả và bạch hầu. Tuổi thọ trung bình đã tăng vọt và tỉ lệ trẻ em chết non trên thế giới đã giảm từ khoảng 33% xuống dưới 5%. Ai có thể ngở vực rằng điều này đã tạo ra một đóng góp to lớn cho hạnh phúc, không chỉ của những đứa trẻ có thể chết, nhưng còn của cha mẹ, anh chị em và bạn bè của chúng?


Thiên đường bây giờ


Một lập trường uyển chuyển hơn đồng ý với cái nhìn lãng mạn, cho đến thời hiện nay, rằng không có tương quan rõ ràng giữa quyền năng và hạnh phúc. Nông dân thời trung cổ thực sự có thể đã khốn khổ hơn tổ tiên săn bắn hái lượm của họ. Nhưng lập trường lãng mạn thì sai lầm trong phán xét khắc nghiệt của họ về những gì là phẩm chất của thời hiện nay. Trong vài trăm năm qua chúng ta không chỉ có quyền năng to lớn, nhưng quan trọng hơn, những hệ ý thức nhân văn mới cuối cùng đã chặt chẽ gò ép quyền năng tập thể của chúng ta vào sự phục vụ hạnh phúc cá nhân. Mặc dù có một số thảm họa như Holocaust và mua bán nô lệ xuyên Atlantic (như chuyện đã kể), chúng ta đã cuối cùng ở khúc rẽ ngoặt cuối và đã bắt đầu tăng trưởng một cách hệ thống hạnh phúc trên toàn thế giới. Những chiến thắng của y học thời nay chỉ là một trong những thí dụ. Những thành tựu chưa từng có khác gồm sự suy giảm những chiến tranh quốc tế; sựsụt giảm mạnh về bạo động trong gia đình; và sự loại bỏ nạn đói với quy mô lớn. (Xem The Angels of Our Nature của Steven Pinker) [2]


Tuy nhiên, điều này nữa, cũng là một sự giản lược hóa. Chúng ta chỉ có thể chúc mừng chúng ta về những thành tựu của Homo sapiens thời nay nếu chúng ta hoàn toàn làm ngơ trước số phận của tất cả những loài động vật khác. Phần lớn sự phong phú trong việc bảo vệ con người khỏi những bệnh tật và nạn đói đã tích luỹ bằng tổn thất của những con khỉ trong thí nghiệm, những con bò sữa và gà trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp. Trong hai trăm năm qua, hàng chục tỷ của chúng đã là đối tượng nạn nhân của một chế độ khai thác công nghiệp, mà sự tàn ác của nó không có tiền lệ nào đã thấy trong những sử sách ghi từng năm của hành tinh Trái Đất.


Thứ hai, khung thời gian mà chúng ta đang nói đến thì rất ngắn. Ngay cả nếu chúng ta chỉ tập trung vào số phận của con người, thật khó để biện luận rằng đời sống của người bình thường làm thợ mỏ xứ Wales, hay làm ruộng nước Tàu năm 1800 thì tốt hơn so với đời sống của người săn bắn hái lượm bình thường 20.000 năm trước. Hầu hết mọi người bắt đầu tiếp nhận những thành quả của y học thời nay không sớm hơn năm 1850. Những trận đói kém chết hàng loạt và những chiến tranh lớn tiếp tục tàn phá phần lớn nhân loại cho đến giữa thế kỷ 20. Mặc dù vài chục năm gần đây đã cho thấy tương đối là trong một thời hoàng kim của nhân loại ở những nước đã phát triển, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu điều này có phải trong nền tảng là một thay đổi của dòng chảy lịch sử, hay chỉ là một cơn sóng nhất thời của may mắn: 50 năm thì đơn giản là chưa đủ thời gian hầu có thể căn cứ vào đó để thiết lập những tổng quát hóa triệt để và toàn diện.


Thật vậy, thời hoàng kim hiện có ngày nay có thể quay ra là đã gieo những hạt giống của thảm họa tương lai. Trong vài những mười năm qua, chúng ta đã làm xáo trộn sự cân bằng sinh thái của hành tinh chúng ta trong vô số những cách thức phức tạp, và không ai biết hậu quả cảu chúng sẽ là gì. Chúng ta có thể đang phá hủy nền tảng của sự thịnh vượng của con người trong một cơn truy hoan cuồng loạn của sự tiêu thụ bất cần liều lĩnh.


Cô đơn và buồn xám?


Ngay cả khi chúng ta chỉ tính đến những công dân của những xã hội giàu có ngày nay, những người với cái nhìn lãng mạn có thể chỉ ra rằng sự thoải mái và an ninh của chúng ta có cái giá phải trả của chúng. Homo sapiens đã tiến hóa như một động vật xã hội, và những điều kiện thỏa mãn hạnh phúc chúng ta thường nhận ảnh hưởng từ phẩm chất của những quan hệ nhân văn nhiều hơn từ những tiện ích gia đình, khối tiền gửi nhà băng, hay ngay cả sức khỏe của chính chúng ta. Thật không may, sự cải thiện to lớn trong những điều kiện sinh hoạt vật chất mà người phương Tây giàu có đã được hưởng trong hơn trăm năm vừa qua đã đi kèm với sự sụp đổ của những cộng đồng thân mật nhất.


Mọi người trong thế giới phát triển đều dựa vào nhà nước và thị trường cho hầu hết mọi thứ họ cần: thức ăn, nhà ở, giáo dục, y tế, an ninh. Do đó nó đã trở thành có thể tồn tại mà không cần có những gia đình mở rộng hoặc bất kỳ bạn bè thực sự nào. Một người sống trong một binđing nhiều tầng cao ở London, bất cứ nơi nào cô đi đâu, đều có hàng ngàn người xung quanh, nhưng cô có thể không bao giờ đến thăm gia đình hay người ở ngay bên cạnh, và có thể chỉ biết rất ít về những đồng nghiệp nơi cô làm việc hàng này. Ngay cả bạn của cô cũng có thể chỉ là những bạn gặp trong quán rượu. Nhiều tình bạn ngày nay gồm không gì nhiều hơn nói chuyện và có dịp vui chung cùng nhau. Chúng ta gặp một người bạn ở quán rượu, gọi điện thoại hoặc gửi email cho người ấy, để chúng ta có thể giải tỏa tức giận chúng ta gặp phải về những gì đã xảy ra hôm nay trong văn phòng, hoặc chia sẻ những suy nghĩ của chúng ta về vụ bê bối mới nhất trong hoàng gia. Tuy nhiên, làm sao bạn có thể thực sự biết một người chỉ từ những bàn luận, đàm thoại?


Ngược lại với bạn bè kiểu ‘quán rượu’ như vậy, bạn bè trong thời đồ đá tùy thuộc vào nhau cho sự sống còn của họ. Con người sống trong những cộng đồng gắn bó mật thiết, và bạn bè là những người mà bạn đã cùng đi săn loài voi ma mút khổng lồ. Bạn đã cùng sống sót những chuyến đi dài và những mùa đông khó khăn. Bạn đã chăm sóc lẫn nhau khi một trong những người bạn ngã bệnh, và chia sẻ những mẩu thức ăn cuối cùng của bạn vào những lúc cần. Những người bạn như vậy biết nhau sâu sắc hơn nhiều cặp vợ chồng ngày nay. Thay thế những mạng lưới bộ lạc bấp bênh như vậy với sự an toàn của những nền kinh tế thời nay và những quốc gia, rõ ràng là có những ưu thế to lớn. Nhưng phẩm chất và chiều sâu của những quan hệ thân mật thì có nhiều phần đã bị thiệt hại.


Ngoài những quan hệ nông cạn hơn, con người thời nay cũng chịu khổ từ một thế giới cảm giác nghèo nàn hơn rất nhiều. Những người săn bắn hái lượm cổ xưa sống trong giây phút hiện tại, có nhận thức bén nhọn về thính giác, vị giác và khứu giác. Sự sống còn của họ tùy thuộc vào nó. Họ lắng nghe những cử động nhỏ nhất trên cỏ để tìm xem có phải một con rắn có thể đang nấp ở đó không. Họ cẩn thận quan sát chùm lá rừng để tìm trái cây và tổ chim. Họ ngửi gió để dò dẫm nguy hiểm đang đến gần. Họ di động với nỗ lực tối thiểu để giữ nhẹ nhàng và tránh tiếng động, và biết những cách ngồi, bước và chạy nhanh nhẹn và hiệu quả nhất. Liên tiếp và dùng cơ thể dưới nhiều cách khác nhau đã cho họ sự khéo léo thể chất vốn người ngày nay không thể nào có được, ngay cả sau nhiều năm tập yoga hay tàichí.


Hôm nay chúng ta có thể đi đến siêu thị và chọn hàng ngàn món ăn khác nhau. Nhưng bất cứ món gì chúng ta chọn, chúng ta có thể ăn nó trong vội vàng trước một TV, không thực sự chú ý đến hương vị. Chúng ta có thể đi nghỉ mát đến hàng nghìn địa điểm tuyệt vời. Nhưng bất cứ nơi nào chúng ta đến, chúng ta có thể chơi với điện thoại thông minh của chúng ta thay vì thực sự nhìn ngắm nơi này. Chúng ta có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết, nhưng lựa chọn này là gì, khi chúng ta đã mất khả năng thực sự để chú ý?


Tốt, bạn đã trông mong gì?


Ngay cả nếu bạn không đồng ý với bức tranh này của sự giàu có thời Pleistocene, thời băng giá cuối cùng với sự xuất hiện của loài người, được thay thế với sự nghèo nàn của thời hiện nay, rõ ràng là sự gia tăng to lớn về quyền năng con người đã không sánh ngang được với sự gia tăng về hạnh phúc của con người. Chúng ta mạnh hơn ngàn lần so với tổ tiên săn bắn hái lượm của chúng ta, nhưng ngay cả quan điểm Whig lạc quan nhất cũng không thể tin rằng chúng ta hạnh phúc hơn ngàn lần. Nếu chúng ta nói với cụ cố bà của chúng ta về cách chúng ta sống, với thuốc chủng và thuốc giảm đau, và nước phân phát từ vòi công cộng và tủ lạnh nhét đầy thức ăn, cụ cố có thể đã vỗ tay trong ngạc nhiên và nói: “Cháu đang sống trong thiên đường! cháu có thể thức dậy mỗi sáng với một bài hát trong lòng, và trải qua những ngày sáng sủa dưới nắng trời, đầy biết ơn và lòng tốt với tất cả mọi người.” Vâng, nhưng chúng ta không thế! So với những gì hầu hết mọi người trong lịch sử đã mơ ước, chúng ta có thể sống đang sống trên thiên đường. Nhưng vì lý do nào đó, chúng ta không cảm thấy rằng chúng ta đang như thế.


Một giải thích đã được những nhà khoa học xã hội cung cấp, những người gần đây đã tái khám phá một khôn ngoan của thời cổ: hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ít hơn vào những điều kiện khách quan và nhiều hơn nữa vào những trông mong của chính chúng ta. Những trông mong, tuy nhiên, có khuynh hướng thích nghi với những điều kiện. Khi mọi sự vật việc cải thiện, những kỳ vọng tăng lên, và do đó thậm chí những cải tiến ấn tượng vượt bực trong những điều kiện, nhưng có thể vẫn khiến chúng ta không hài lòng như trước đây. Trong sự theo đuổi hạnh phúc, mọi người bị mắc kẹt trên khuynh hướng “thích ứng với hạnh phúc” [3] nổi tiếng, chạy nhanh hơn và nhanh thêm hơn nhưng không đi đến đâu cả.


Nếu bạn không tin điều đó, hãy hỏi Hosni Mubarak. Người Egypt trung bình ít có khả năng chết vì đói, vì dịch hạch hoặc vì bạo hành dưới thời Mubarak làm tổng thống hơn bất kỳ chế độ nào trước đây trong lịch sử Egypt. Trong mọi khả năng, chế độ của Mubarak cũng ít tham nhũng hơn. Tuy nhiên, vào năm 2011 những người Egypt đã xuống đường trong giận dữ để lật đổ Mubarak. Vì họ có những kỳ vọng cao hơn nhiều so với tổ tiên của họ.


Thật vậy, nếu hạnh phúc chịu ảnh hưởng mạnh bởi kỳ vọng thì một trong những trụ cột trung tâm của thế giới thời nay, truyền thông đại chúng, dường như được may cắt để ngăn chặn sự gia tăng đáng kể trong những mức độ hạnh phúc toàn cầu. Một người đàn ông sống trong một ngôi làng nhỏ cách đây 5.000 năm, đã tự đánh giá mình khi so sánh với 50 người đàn ông khác cùng làng. So với họ, người ấy trông khá ‘bảnh’. Ngày nay, một người đàn ông sống trong một ngôi làng nhỏ so sánh mình với những ngôi sao điện ảnh và những người mẫu, những người mà người này nhìn thấy hàng ngày trên màn hình và biển quảng cáo khổng lồ. Người dân làng thời nay của chúng ta chắc chắn có thể ít hài lòng hơn với cách người ấy nhìn.


Trần kính trong xuốt ngăn cản của sinh học


Những nhà sinh vật học tiến hóa đưa ra một giải thích bổ sung cho thuyết thích ứng với hạnh phúc. Họ cho rằng cả hai, những kỳ vọng của chúng ta và hạnh phúc của chúng ta đều không thực sự do những yếu tố chính trị, xã hội hay văn hóa ấn định, nhưng do hệ thống sinh hóa của chúng ta. Không ai bao giờ được làm cho hạnh phúc, họ biện luận, sau khi được tăng lương hay lên chức, hay trúng xổ số, hay ngay cả cho rằng mình đã tìm được tình yêu chân thực. Mọi người được làm cho hạnh phúc bởi một điều và một điều duy nhất – những cảm giác dễ chịu trong cơ thể của họ. Một người vừa được thăng chức và nhảy lên sung sướng thì không thực sự phản ứng với tin mừng này. Cô đang phản ứng với những kích thích tố khác nhau chảy nhanh trong những mạch máu của cô, và với cơn bão của những tín hiệu điện nhấp nháy giữa những phần não khác nhau của cô.


Tin xấu là những cảm giác dễ chịu đó đều nhanh chóng giảm xuống. Nếu năm ngoái tôi được thăng chức, tôi có thể vẫn đang giữ chức vị mới đó, nhưng những cảm giác rất dễ chịu mà tôi cảm thấy khi đó đã giảm bớt từ lâu. Nếu tôi muốn tiếp tục cảm thấy những cảm giác như vậy, tôi phải có một thăng chức khác nữa. Và một khác nữa. Đây tất cả là lỗi của sự tiến hóa. Tiến hóa không quan tâm với tự thân hạnh phúc cho mỗi người: nó chỉ quan tâm đến sự sống còn và tái sinh sản, và nó đơn thuần dùng hạnh phúc và khổ sở như những kích thích, như những gậy nhọn để thúc trâu bò. Sự tiến hóa bảo đảm rằng bất kể chúng ta đạt được gì, chúng ta vẫn không hài lòng, mãi mãi mong tìm nắm bắt nhiều hơn. Hạnh phúc là như vậy, một hệ thống những trạng thái cân bằng bên trong. Cũng giống như hệ thống sinh hóa của chúng ta duy trì nhiệt độ cơ thể và mức đường trong phạm vi của những ranh giới hạn hẹp, nó cũng ngăn cản mức độ hạnh phúc của chúng ta, không cho vượt quá những ngưỡng cửa nhất định.


Nếu hạnh phúc thực sự được xác định bởi hệ thống sinh hóa của chúng ta, thì tăng trưởng kinh tế, cải cách xã hội và những cách mạng chính trị thêm hơn nhiều nữa, đều sẽ không làm thế giới của chúng ta trở nên hạnh phúc nhiều hơn. Cách duy nhất đột nhiên và nhận thấy nổi bật để nâng cao mức độ hạnh phúc toàn cầu là dùng những thuốc tâm thần, kỹ thuật di truyền và những vận dụng xoay sở trực tiếp khác trên cơ sở hạ tầng cấu trúc sinh hóa của chúng ta. Trong tác phẩm Brave New World, Aldous Huxley [4] đã dự phóng một thế giới trong đó hạnh phúc là giá trị cao nhất, và mọi người liên tục dùng thuốc soma, vốn nó làm cho mọi người hạnh phúc nhưng không gây tổn hại đến năng suất và hiệu quả của họ. Loại thuốc này dựng thành một trong những nền tảng của Nhà nước Thế giới, không bao giờ bị những chiến tranh, cách mạng hay đình công đe dọa, vì tất cả mọi người đều cực kỳ hài lòng, hết sức thỏa mãn với những điều kiện đang có của họ. Huxley đã trình bày thế giới này như một không tưởng khùng khiếp của sai lạc và thất bại hoàn toàn. Ngày nay, ngày càng nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người bình thường đang áp dụng nó như mục đích của họ.


Suy nghĩ lại


Có những người nghĩ rằng hạnh phúc thì thực sự không quan trọng như thế, và rằng định nghĩa sự hài lòng cá nhân như mục đích của xã hội loài người là một sai lầm. Những người khác đồng ý rằng hạnh phúc là sự tốt lành cao nhất, nhưng nghĩ rằng hạnh phúc không chỉ là một nội dung của những cảm xúc dễ chịu. Hàng ngàn năm trước, những nhà sư đạo Phật đã đi đến được kết luận ngạc nhiên rằng sự theo đuổi những xúc cảm xúc dễ chịu thì thực ra là gốc rễ của đau khổ, và rằng hạnh phúc nằm ở hướng đối nghịch. Những cảm giác dễ chịu đều chỉ là những rung động phù du và vô nghĩa. Nếu năm phút trước, tôi cảm thấy vui vẻ hoặc yên bình, giờ đây cảm giác đó đã biến mất và tôi cũng có thể cảm thấy tức giận hoặc buồn chán. Nếu tôi đồng hóa hạnh phúc với những cảm giác dễ chịu và khao khát có kinh nghiệm này càng thêm nhiều hơn nữa, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên tục theo đuổi chúng, và thậm chí nếu tôi nhận được chúng, chúng ngay lập tức biến mất và tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Việc theo đuổi này không mang lại thành tựu lâu dài. Ngược lại: tôi càng khao khát những cảm giác dễ chịu này, tôi càng trở nên căng thẳng và không hài lòng hơn. Tuy nhiên, nếu tôi học cách nhìn thấy cảm giác của mình về những gì chúng thực sự là – những rung động phù du và vô nghĩa – tôi mất hứng thú theo đuổi chúng, và có thể hài lòng với bất cứ gì tôi kinh nghiệm. Vì chạy theo sau một gì đó vốn cũng tan biến nhanh như nó phát sinh thì không ý nghĩa gì nữa? Đối với đạo Phật, sau đó, hạnh phúc không phải là những cảm giác dễ chịu, nhưng đúng hơn là sự khôn ngoan, yên bình thanh thản và tự do đến từ sự hiểu biết bản chất chân thực của chúng ta.


Đúng hay sai, tác động thực tế của những quan điểm có thể chọn lựa loại như vậy thì rất nhỏ. Đối với thế lực khổng lồ tư bản, hạnh phúc là vui sướng. Chấm hết, không ‘nhưng’ hay ‘và’, … gì gì nữa. Với mỗi năm trôi qua, sự khoan dung của chúng ta đối với những cảm giác khó chịu giảm đi, trong khi sự thèm muốn của chúng ta với những cảm giác dễ chịu tăng lên. Cả hai, nghiên cứu khoa học và hoạt động kinh tế đều chuyển hướng nhắm đến cứu cánh đó, mỗi năm sản xuất thuốc giảm đau tốt hơn, thêm những vị kem mới, nệm giường thoải mái hơn và nhiều trò chơi mê đến nghiện hơn cho những điện thoại thông minh, để chúng ta không phải chịu đựng một khoảnh khắc buồn chán nào đương khi chờ xe buýt.


Tất cả điều này khó mà goi là đủ, dĩ nhiên. Do luật tự nhiên của tiến hóa, con người không thể làm cho thích ứng được với kinh nghiệm sự vui sướng bất biến, vì vậy kem mới và những trò chơi trong điện thoại sẽ không thành công. Nhưng nếu đó là những gì loài người dẫu sao vẫn mong muốn, để chế tạo lại những cơ thể và những não thức của chúng ta sẽ là cần thiết. Chúng ta đang cố gắng làm việc đó.


Yuval Noah Harari
[Were we happier in the stone age? The Guardian (5 Sep 2014)]


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Nov/2018)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com


[1] Jared Diamond, giáo sư UCLA. Trong Guns, Germs and Steel năm 1997, ông viết rằng mặc dù chúng ta tin rằng nông nghiệp đã khiến chúng ta có thể sống giàu có, khỏe mạnh và lâu hơn, nhưng thực tế nó là tai họa cho loài người. Theo Diamond, nông nghiệp đã phát triển khoảng 12.000 năm trước, và từ đó con người đã bị kém dinh dưỡng và nhiều bệnh tật hơn so với tổ tiên thời săn bắn hái lượm của họ. Tệ hại hơn, vì nông nghiệp cho phép sự dự trữ thực phẩm, và cho phép một số người có thể làm những việc khác ngoài việc tìm kiếm thức ăn, nó dẫn đến sự phát minh ra nhiều hơn và tốt hơn về vũ khí, quân đội, chiến tranh, đưa đến phân chia giai cấp giữa những người có/làm chủ cái ăn và những người không có cái ăn, và bất bình đẳng phái tính (trọng nam khinh nữ).
[2] The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (2011) – tác giả, giáo sư tâm lý Harvard – nhấn mạnh vào những động lực con người – cảm thông, tự chủ, ý thức đạo đức thông thường, và lý trí — nói ràng chúng hướng chúng ta tránh xa bạo động, và đến cộng tác hòa hợp, và vị tha.
[3] hedonic treadmill (hedonic adaptation): máy tập chạy tìm hạnh phúc (sự thích ứng với hạnh phúc): Một lý thuyết mô tả khuynh hướng của một người để duy trì ở mức tương đối ổn định của hạnh phúc, mặc dù những thay đổi tích cực hay tiêu cực đối với mục tiêu sinh kế hoặc cuộc sống. Ví dụ như một người kiếm được nhiều tiền hơn và đạt được những mục tiêu cuộc sống nhất định nào đó, những trông mong và ao ước của họ tăng tỷ lệ tương đối với những thành tựu này, kết quả là không có thêm được gì lâu dài trong hạnh phúc.
[4] Brave New World (1932) Thế Giới Tương lai Mới của Aldous Huxley (1894-1963) - vẫn được xem như một khuôn mẫu cho tất cả những tiểu thuyết khoa học sau đó về thế giới kinh hoàng vì không tưởng nhưng thất bại. Trong khi kể câu chuyện về một văn minh trong đó khổ sở và đau đớn đều được xóa sạch nhưng với giá của sự tự chủ, tự do ý chí của con người. Brave New World thăm dò những tác dụng của kỹ thuật làm mất nhân tính con người, và hàm ý rằng khổ đau là thiết yếu để đời sống con người có ý nghĩa. Nhà nước Thế giới là một xã hội tương lai tác phẩm này phác họa. Trong đó, hôn nhân, gia đình và sinh sản được loại bỏ, và trẻ sơ sinh được chế tạo dùng kỹ thuật di truyền và nuôi lớn trong những lọ thủy tinh. Sau đó những công dân đều được program để có năng lực sản xuất và luôn được hài lòng sung sướng, tất cả qua một kết hợp của thao túng tạo tác về sinh học, và điều kiện hóa những trạng thái tâm lý, và một loại thuốc gọi là soma.

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

HÃY CHUẨN BỊ CHO MỘT SỰ TAN RÃ




Lê Tâm Minh



Ảnh minh họa

Đề tài nầy nghe có vẻ như không hề thích hợp với thế giới mà chúng ta đang sống. Hai chữ “tan rã” nói lên một sự tuyệt vọng khủng khiếp của một cái chết giữa một thế giới sinh động, đáng yêu và đầy sáng tạo hứa hẹn. Ai cũng sợ chết và muốn được hiện hữu vĩnh viễn. Thế mà thần chết không hề tha sót người nào. Vì vậy, từ ngữ “tan rã” được hiểu đầu tiên là tan rã thân xác. Ôi ! chuyện đó còn lâu lắm, biết tới nó làm gì ? Trên đời nầy còn rất nhiều chuyện để làm mà ! Thế rồi, lớn lên học hành, bon chen, đi làm, lập gia đình, làm lụng cực nhọckiếm cơm, sinh con, nuôi con , v.v…, toan tính đủ thứ, tranh dành, chụp giựt, tưởng chừng như mình sẽ không bao giờ chết. Làm như thế để tự cảm thấy mình hiện hữu hay sao, để rồi đùng một cái, một cơn bệnh trổ ra, bị thần chết rước đi trong đau khổ luyến tiếc ?

1) Diệt thuyết và Thường thuyết:

Ai có suy nghĩ thâm sâu, đều không vừa ý một cuộc đời như vậy, huống chi nó lại sẽ kết thúc một cách bất ngờ đau đớn nữa: cái chết ! Tất cả chỉ là một con số không. Nghĩ như vậy và ôm ấp điều nầy ắt rơi vào chủ nghĩa hư vô (Nihilism). “ Khốn thay cho kẻ nào ôm giữ sa mạc, vì sa mạc lớn dần”. Đó là câu nói của nhân vật tưởng tượng Zarathustra trong tác phẩm “ Zarathustra đã nói như thế ” ( Ansi parlait Zarathustra, Thus spoke Zarathustra) của triết gia Đức Nietzsche, ám chỉ rằng con người là những con lạc đà ngu si, bị chất lên lưng đầy những đảm đang gánh vác đi trong sa mạc, để rồi kết cuộc cũng chẳng được gì ngoài việc tiếp tục cái nghiệp phi lý nầy một cách vô tận.

Thật ra, hư vô chủ nghĩa không phải đầu tiên phát xuất từ triết gia Tây phuơng nầy, mà hẳn đã có từ lâu đời trong một vài trường phái tôn giáo của Ấn Độ trước thời đức Phật Thích Ca, gọi là Diệt thuyết. Chết là hết. Cái chết xóa sổ tất cả, chấm dứt tất cả. Tất cả đi vào hư vô, vào một con số không to tướng trong đó mọi giá trị đều sụp đổ và không còn gì để nói thêm nữa. Như là một nỗi tuyệt vọng não nùng, Diệt thuyết nầy dễ dàng làm mồi cho thuyết hiện sinh kiểu duy vật hoặc chủ nghĩa vô thần. Cả hai chủ thuyết nầy có thể làm nơi nương tựa cho những kẻ vô đạo bất nhân: không nhân, không quả, không tội, không phước. Tương tự Diệt thuyết cổ xưa nầy, một kiểu Diệt thuyết mới ngày nay lại xuất hiện, tự xưng là “Phật giáo”, quan niệm rằng chuyển biến của tâm tư từ sát na nầy sang sát na khác chính là luân hồi, và ngoài ra không có kiếp sau nào hết, chết là hết. [ Quí vị có thể tham khảo Tà kiến nầy đã được tôi nêu ra ở bài viết “ Thoát khỏi luân hồi” trong Đặc san Hiện Thực số 40/2017]. Ngược lại với Diệt thuyết là Thường thuyết, chủ trương rằng con người có một cái bản ngã thường hằng, đó là linh hồn bất tử, là tự ngã (Atman) hay Tiểu ngã, sống hòa hợp với Đại Ngã (Brahman) cũa vũ trụ. Cả hai Tiểu Ngã và Đại Ngã nầy đều bất biến và trường tồn vĩnh cữu. Đại Ngã của vũ trụ được xem là bản thểcủa muôn loài, hay là Thượng Đế, v.v... Để điều hành vũ trụ, Thượng Đế nầy lại có 3 ngôi: Sáng tạo(thần Brahman), Huỷ diệt (thần Shiva) và Bảo tồn (thần Vishnu). Khác hơn thế, người theo chủ thuyết Duy vật, tuy không tin có linh hồn, nhưng tin vào một Qui luật tự nhiên của vật chất. Qui luật nầy thường hằng bất biến, chi phối và điều hành thế giới vật chất của họ. Ngoài ra, tất cả những triết thuyết nào trên thế giới, bất kể là triết đông hay triết tây, chủ trương thế giới hay vũ trụ và con người có một bản thểthường hằng bất biến, bất kể là lấy tên gì (chẳng hạn như Đại Ngã Bà La Môn hay Thượng đế, v.v.), đều là những loại Thường thuyết. Những lý luận của Thường thuyết xem như khá hữu lý và có tính cáchthuyết phục hơn Diệt thuyết. Tuy nhiên, ngày xưa, khi bị chất vấn để dò hỏi về chân lý của ngoại đạo, trong tháI độ lặng thinh, đức Phật không trả lời chi cả. Sau nầy, các đệ tử của ngài hiểu rằng ngài đã bác bỏ cả hai, Diệt thuyết lẫn Thường thuyết vào thời đó.

Gần đây, ý niệm về Big Bang (tiếng nổ lớn) là nguyên nhân tạo thành vũ trụ đã làm lung lay niềm tincủa con người vào một đấng Sáng Tạo. Nếu thế giới có bản chất thường hằng hay một bản thể bất biếnnào đó, sao lại không ở lì như vậy mà lại phát ra tiếng nổ Big Bang ? Như vậy trong 2 thời kỳ tiền Big Bang và hậu Big Bang, cái nào là thường hằng bất biến ? Rõ là mâu thuẫn phi lý khi gán cho vũ trụ có một bản thể thường hằng bất biến. Nhưng khoa học vẫn là sự thật không thể chối cãi. Ngược lại với hiện hữu độc lập là hiện hữu trong thế tương quan gồm tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi sự vật, trong đó mọi cái gọi là bản chất hay bản thể nào đó đều phải tan biến đi không còn gì nữa. Hiện hữu trong thế tương quan là giáo lý cốt lõi của đức Phật Thich Ca với tên gọi là thuyết Duyên khởi( Pratyasamutpada). Theo thuyết nầy, không có sự hiện hữu nào độc lập, hiện hữu độc lập là một điềukhông tưởng, và do đó, không có một hữu thể nào là bản thể thường hằng bất biến. Thử suy nghĩ về 2 điểm:

1) Nếu thế gian nầy có một bản thể thường hằng bất biến thì nó phải hiện hữu độc lập. Bất kể là có con người hay không có con người, nó vẫn là thế ấy và không bị ảnh hưởng. Nó không có liên quan gì đến con người thì làm sao con người có thể hội nhập được vào nó để nhận lấy nó là bản thể của chính mình ? Tính bất khả tới gần nầy (the inaccessibility) của hữu thể ấy có thể ví như đi du lịch vào một quốc gia mà không thể mua vé, không thể có hộ chiếu và giấy thông hành, do là không có liên quan gì, thì làm sao vào được ? Nếu bản thể thường hằng nầy là thật có (thí dụ như Thượng đế, Đại Ngã hay Qui luật, v.v..) thì mọi sự tu hành, thiền tập hay hành thiện đều vô nghĩa vì không thể tới gần được những thực thể được gọi là cao cả ấy. Trong đạo Phật, nếu gọi chúng là những thực thể thì không đúng, phải nên gọi là “ảo thể” vì chúng vốn không có thật. Hướng về chúng là chạy theo ảo tưởng của chính mình, dĩ nhiên cũng có thể có ích lợi cho mọi người nếu ảo tưởng đó là thiện hoặc cũng có thể gây ác hại nếu ảo tưởng đó là ác, nhưng tuyệt nhiên không thể nào có giác ngộ giải thoát, cái mà người theo chủ thuyết Thường thuyết nầy gọi là “ nhập vào bản thể” hay “đường vào bản thể “ hay “đắc đạo”, v.v….

2) Còn nếu cho rằng thế gian hay vũ trụ hàm chứa luôn con người trong đó thì cái bản thể bất biếnthường hằng ấy của thế gian ở đâu không thấy, mà chỉ thấy sanh lão bệnh tử, một sự vô thường trơ tráo. Nếu bản chất nào là thường hằng thì ác là vẫn luôn là ác, không thể tu hành đắc đạo được, còn thiện là vốn thiện, không cần phải tu hành chi cả. Ác cũng không đáng trách, thiện cũng không đáng hoan nghênh, phi lý không ?

Tất cả những điều phi lý nầy cho chúng ta thấy rằng : bản thể thường hằng bất biến là một điều không tưởng, là một sản phẩm của trí tưởng tượng . Lý thuyết về Thường thuyết nầy trong kinh Phạm Võnggọi là Thường trú luận, một loại vọng tưởng về quá khứ, là một tà kiến với 4 luận chấp trong số 62 món tà kiến mà đức Phật đã giảng dạy.(Xem Trường Bộ Kinh- Kinh Phạm Võng- Digha-Nikaya- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali). Với Thường thuyết nầy, ý niệm về linh hồn, về Thượng đế, hoặc về Qui luật được thành lập. Nhưng trong giáo lý đạo Phật, chúng ta luôn hiểu rằng: 1) Không có một linh hồn nào như vậy 2) Không có một Thượng đế nào như vậy và 3) Không có một qui luật nào như vậy.

Linh hồn: đức Phật thay thế chữ linh hồn bằng từ ngữ “thân trung ấm” để tránh hiểu lầm đó là một cái gì cố định và có bản chất hay tự tính. Thân trung ấm là một tập hợp, là một loại uẩn (skandha) không có tự tánh cố hữu, luôn thay đổi (thí dụ như khi thiện, khi ác)

Thượng đế: con người lọt vào ý niệm tôn thờ một “Thượng đế” khi chủ trương một phần thường trú luận và một phần vô thường luận, cho rằng: bản ngã và thế giới là thường hằng đối với một hạng hữu tình (Thượng đế, Hóa sanh chủ, Sáng tạo chủ) và vô thường đối với hạng hữu tình khác (chúng sanhđến sau trong thế giới ấy). Người tới sau trong thế giới nầy tưởng lầm rằng người tới trước sanh ra mình. Người tới trước do cô độc ban đầu, ước nguyện muốn có nhiều người tới ở chung; ước nguyệnđược thành tựu bèn vọng tưởng rằng chính mình sanh ra những kẻ tới sau. Đây là những vọng tưởngvề quá khứ của cả 2 loại hữu tình nói trên. Vọng tưỏng nầy là vô minh, là một tà kiến . Do vì nhờ có tu nên thấy biết được một đời quá khứ, chứ không thấy biết được nhiều đời trước nữa. Tà kiến nầy cũng được phân biệt thành 4 loại luận chấp trong số 62 món tà kiến mà đức Phật đã giảng dạy (Xem Trường Bộ Kinh- trang 17 kinh Phạm Võng, Thượng Tọa Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali).

Qui luật: thuyết vô thường đánh ngã tất cả những gì được gọi là thường hằng. Vì vậy không có qui luật nào cố định được xem như là bản thể.

2) Thuyết Duyên khởi và Tính Không:

Cả 3 ý niệm trên về linh hồn, Thượng đế và Qui luật đều trở thành phi lý trước thuyết Duyên khởi ( Pratityasamutpada= Dependent Origination) của đức Phật Thích Ca. Thuyết đó là: các pháp trên thế gian đều hiện hữu trong thế tương quan (tương liên, tương tác và tương tạo= interdependence, conditioning co-production), nên không có sự hiện hữu nào độc lập. Lý vô thường ( Impermanence) xuất hiện từ đây: sự vật luôn thay đổi nên không có bản chất bất biến, không có tự tính, đây là lý Vô ngã. Sự thay đổi tương tục nối tiếp nhau trong dòng thời gian tạo ra lý Nhân quả ( Theory of Cause and Effect= Karma). Từ lý Vô thường, con người có sinh lão bệnh tử. Từ Sinh Tử và Nhân quả, thuyết Luân hồiđược thành lập. Vì pháp thế gian biến đổi vô thường tương tục từ vô thủy đến vô chung, nên nó không có chơn tướng riêng, và do vậy cũng không có tên gọi nào cho xứng về phương diện tuyệt đối, đây gọi là vong thân danh từ, tức là Tính Không về đối tượng. Thuyết Nhị đế xác định tên gọi tương đối theo qui ước thế gian (thí dụ cái bàn, cái ghế,v.v…). Đó là Tục đế, còn tên gọi tuyệt đối thì bị vong thân, trở thành không tên trong Chân đế. Tính Không về chủ thể (người quan sát) là Tâm Không. Người chứng được Tính Không là người có Tâm Không (tâm rỗng rang trước đối vật), thấy được Tướng Không của sự vật ( “Thị chư pháp Không tướng” trong Bát Nhã Tâm Kinh), thấy sự vật là vô tướng. Đó là người đã dứt bặt Tham Sân Si.



So sánh Tính Không trong Hư vô chủ nghĩa và Tính Không trong Phật giáo, chúng ta thấy có một khác biệt lớn lao, đó là lý Nhân quả. Hư vô chủ nghĩa khơi dậy một nỗi tuyệt vọng tận đáy lòng khi mọi giá trịvề hành vi hay đạo đức đều bị sụp đổ trong ý niệm rằng: không nhân không quả, không tội không phước, chết là hết. Ngược lại, lý nhân quả trong đạo Phật dựng lại cho con người mọi ý nghĩa sáng tạocủa cuộc sống, một niềm tin về mọi giá trị của những hành vi của mình. Lại có thêm thuyết luân hồi, báo tin mừng cho mọi người biết rằng chúng ta không bao giờ chết, mà chỉ chuyển sang một thân thể khác ở kiếp sau, tuy không có một linh hồn được hiểu sai theo quan niệm thường kiến của mọi người.

3) Phật giáo có phải là vô thần không ?

Đạo Phật không tin vào một bản thể thường hằng bất biến, hay một Thượng đế siêu phàm vĩnh cữu. Điều nầy dẫn tới sự hiểu lầm hoặc nghi vấn rằng: đạo Phật là vô thần ? Sự thật là không. Chẳng hạn như Tông phái Tịnh độ Tông tuy tin rằng đức Phật A Di Đà là vô lượng thọ, là hiện hữu lâu dài không tính đếm nổi, nhưng không có nghĩa là đức Phật nầy hiện hữu vĩnh cữu, nghĩa là đến một thời điểm nào đó cũng sẽ lui mất. Lui mất đi rồi thì đi đâu và làm gì, ở đâu ? Chỉ có Phật với Phật mới biết. Phàm phu chưa giác ngộ như chúng ta chỉ có thể ước lượng rằng ngài biến thành một vị Phật khác ở một cõi Phậtkhác do một nguyện lực mới phát khởi tự chính ngài, và điều nầy không tạo ra do một bản chất bất biếncố hữu nào hết. Phật tánh là một cái gì sinh động, biến thiên không dừng nghỉ, chứ không phải là chết cứng, cố đặc theo một công thức hay qui luật nào hết, nghĩa là hoàn toàn sáng tạo. Vì vậy thuyết Vô ngã của đức Phật chi phối luôn cả Phật tính và Niết Bàn: hai thứ nầy cũng đều thiếu vắng tự tánh. Đối với người phàm phu như chúng ta, khi cái chết đến, thân xác tan rã biến thành một dạng năng lượng có ý thức gọi là trung ấm thân trước khi nhập thai hoặc sanh vào một thân xác mới, hữu hình hoặc vô hình trong 6 nẻo luân hồi: trời, người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, hoặc nếu có tu, đắc quả Vô Sanh thành A La Hán. Thuyết Duyên khởi trong ý nghĩa sự tương liên, tương tác và tương tạo giữa các chúng sinh hữu hình và vô hình, làm thành thuyết cứu độ của các vị Phật đã thành và của các vị Bồ tát, đối với các chúng sanh khác đang trên con đường tu tập. Đây là điều rõ ràng rằng đạo Phật không phải là vô thần.

4) Sự khác nhau giữa Phật và chúng sinh:

Trong kinh điển có ghi lời Phật rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” ngụ ý dạy rằng mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, là một mầm mống, một hạt giống để trở thành Phật, ví như một chiếc gương bị bụi Tham Sân Si bu bám, khiến nó lu mờ, vô minh. Chỉ cần ra công lau chùi, nó sẽ trở nên sáng bóng. Tham sân si (tam độc) cũng không có thực chất, không có tự tính, đều là những cấu hợp (aggregates), tạo nên thân thể con người, gọi là thân ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Khi tam độcnầy tan rã, hành giả chứng được Tánh không (tâm rỗng rang trước đối vật) từ địa hạt vi mô (từng giây phút) đến địa hạt vĩ mô (một thời gian dài), đắc quả giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Thân xác vật chấtkhông còn nữa. Đổi lại, hành giả nầy có được một thân mới có trí tuệ siêu việt, là thân năng lượng dưới dạng ánh sáng thuần khiết, có thể đi đây đi đó vô giới hạn để gặp gỡ giúp đỡ những người mình muốn giúp.

Người phàm phu và bậc giải thoát chỉ khác nhau ở chỗ là mê mờ và sáng suốt, nhưng cả hai đều đồng một Tánh giác (Tánh biết): Biến kế sở chấp tánh hoặc Y tha khởi tánh hay Viên thành thật tánh cũng đồng một thể, ví như cùng là nước trong đại dương, bất kể là lúc nổi thành sóng dữ gào thét (Biến kế sở chấp của Tham Sân Si) hay yên lặng như tờ lúc biển yên (Viên thành thật của vô tâm). Đó là phân tích theo Duy thức học tức Pháp Tướng tông. Tuy nhiên, với cái nhìn phóng khoáng về cùng một Tánh biết nói trên, Pháp Tánh tông (hay Thiên thai tông) qui gán hai đối cực lại thành một thể: Phật và chúng sanh là một (đã thành và chưa thành), Niết Bàn và Sanh tử là một, Giải thoát và Luân hồi là một, Bồ đềvà Phiền não là một. Ý niệm nầy của Pháp Tánh tông thật là hết sức vi diệu, nhưng lại trừu tượng khó hiểu nếu không được cụ thể hóa bằng hình ảnh một đồng xu gồm 2 mặt sấp và ngữa: Ngữa lên là Phật, lật lại là Chúng sanh, ngữa lên là Niết Bàn, lật lại là Sanh tử, ngữa lên là Giải thoát, lật lại là Luân hồi, ngữa lên là Bồ đề, lật lại là Phiền não. Đó chỉ là giả dụ trong cái nhìn phóng khoáng mà thôi trong bình diện vi mô (từng giây phút), chứ thật ra, trên bình diện vĩ mô (một thời gian dài), lật sấp muốn trở thànhlật ngữa, đồng xu (tức hành giả) phải trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập trong chánh pháp. Ví dụ về đồng xu nầy cũng cho ta thấy rằng: Niết Bàn hoặc Phật tánh, hay Giải thoát, không hề có một bản chấtbất biến trường tồn nào hay một bản thể vĩnh cữu nào chi phối. Và cũng nên nhớ rằng mặt sấp hay mặt ngữa của đồng xu không phải là một trò chơi hên xui của Hư vô chủ nghĩa, mà là một sự chuyển mình trong nỗ lực phi thường của hành giả bị chi phối bởi luật Nhân quả (karma) trong quá trình vĩ mô dài hạn mà ta gọi là tiệm ngộ. Không có cái gọi là “Hoát nhiên đại ngộ” hay đốn ngộ của “Pháp ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ chơn tâm, Kiến tánh thành Phật” . Ý nghĩa đốn ngộ nầy chỉ là thấy được một loé sáng rồi vụt mất trong đêm tăm tối (trong nghĩa vi mô) mà thôi. Nếu kiến tánh thành Phật dễ như vậy thìngười ta thành Phật hết rồi !

5) Tan rã và buông bỏ:

Trong môn Tâm lý học, Tham Sân Si được xem là bản ngã (self, ego) của con người. Tam độc Tham Sân Si nầy có thể rút gọn lại thành một cái ngắn gọn là Tánh tham, vì Sân và Si cũng từ Tham mà ra. Với thuyết Vô ngã, tánh Tham, như bao nhiêu pháp khác, cũng không có tự tánh của nó. Nó chỉ là một cấu hợp, là một uẩn (skandha). Đề tài “Hãy chuẩn bị cho một sự tan rã “ không phải chỉ có nghĩa là chuẩn bị cho cái chết, mà bây giờ là chuẩn bị cách thức để đập tan bản ngã. Hãy nhìn kỹ: Bản ngã, cũng như Tham Sân Si, vốn không có thật. Chúng ta không cần đập nó tan rã, mà chỉ cần buông bỏ nó. Những tâm tánh đặc trưng của các cõi là: tánh tham và dâm dục ở cõi quỉ đói, tính phóng dật thích thúở các cõi trời, tính kiêu mạn đố kỵ ở cõi A Tu La, tính ghen tỵ ở cõi người, tính thù hận giận dữ ở các cõi địa ngục, là những đối tượng bên trong cần buông bỏ. Ngoài ra, những đối tượng bên ngoài gồm thế giới và người thân cũng là những sợi dây oan trái ràng buộc, tù hãm chúng ta trong một cái rọ kiên cốkhó thoát ra được. Cách đối trị hai loại đối tượng bên trong và bên ngoài nầy đã được đề cập trong bài ”Thoát khỏi luân hồi” trong Đặc san Hiện thực số 40/2017 , quí vị có thể tìm thấy chi tiết ở đó. Dưới đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh và khai triển thêm phần khó làm nhất trong những đối tượng trên, đó là làm thế nào để khắc phục sự tham luyến thế giới và người thân trong giờ phút lâm chung. Nếu khôngkhắc phục được điều nầy, mục tiêu giải thoát sẽ không thể tiến tới được.

1. Tham luyến thế giới, quốc gia, quê hương, làng xóm mình đang sống:

Muốn khắc phục điều nầy cần có những chuẩn bị lâu dài về thói quen sống ẩn dật (hạnh A Lan Nhã) chẳng hạn như không muốn làm nổi bật mình giữa đám đông, cũng như về lối giao tiếp với bạn bè , thí dụ như giữ cân bằng và độc lập với họ. Đại sư Liên Hoa Sanh có khuyên rằng trong giờ phút lâm chunghãy buông bỏ mối quan tâm đối với thế giới nầy

2. Tham luyến người thân trong gia đình:

Đại sư Liên Hoa Sanh khuyên rằng: trong giờ phút lâm chung, hãy buông bỏ sự dính mắc với bất cứ ai mà bạn có mối quan liên mạnh mẽ nhất trong đời nầy.

Điều nầy phải được chuẩn bị từ trước trong thói quen suy nghĩ và hành động, hướng đến mục tiêu làm tròn bổn phận cho ngưòi thân của mình. Đây là nghiệp mà mình phải trả cho họ. Khi tròn bổn phận rồi thì đừng khởi tâm tham luyến nữa. Nếu vì quá thương tiếc không nỡ ra đi thì hãy nên nghĩ rằng: Ta đã từng có cả triệu người cha (hay mẹ, hay con cái) trong nhiều kiếp trước rồi, sao ta không thương tiếc họ đi ? Có ích lợi gì không ?

Nếu nghĩ như thế mà chưa hết tham luyến, hãy nghĩ thêm rằng: tất nhiên ta chắc chắn sẽ gặp lại cha ta, (hay mẹ ta, hoặc con ta). Hãy nhớ rằng, theo Du Già Sư Địa Luận (Yogacarabhumi) được thánh giả Vô Trước (Asanga) ghi chép lại từ Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) thì con người chết đi và đầu thai lại chỉ luẩn quẩn trong vòng những người thân của mình trong vô lượng lần. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì rất hiếm ai tìm đến những nơi xa lạ không quen thuộc, thí dụ như Việt kiều khi đi du lịch, hầu hết là thích về Việt Nam hơn là về những xứ xa lạ như Ả Rập hay A Phú Hãn. Đầu thai lại, dầu là không nhận biết được nhau, nhưng gặp lại là được rồi. Nghĩ như vậy thì giảm bớt được tham luyến. Hãy nghĩ thêm một bước thứ hai nữa là: gặp lại trong hoàn cảnh của kiếp mới chưa chắc sống với nhau được tốt đẹp như kiếp nầy, biết đâu còn tệ hại hơn, do điều kiện sống có thể khác xa. Rồi thì, thân có thể trở thành thù, rồi thù có thể biến thành thân. Tình cảm nào cũng vô thường, cũng có 4 giai đoạn sinh trụ hoại diệt, đừng nên quan trọng nó làm gì. Suy nghĩ với những bước như vậy cho thành thói quen, đến lúc lâm chung sẽ thuần thục, sẽ không bị dính mắc.



Lê Tâm Minh

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

SỐ MỆNH




Nguồn gốc của “số mệnh”

Vì không thể phủ nhận “số mệnh”, nên câu hỏi kế tiếp là “số mệnh” do đâu mà có?

Đây là đề tài được nhiều tôn giáo, nhiều đạo gia, nhiều triết gia quan tâm. Hiện chúng ta có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có thể quy tất cả vào hai quan điểm chính.

1- Số mệnh do một thế lực bên ngoài tạo ra. Như có tôn giáo cho rằng, số mệnh là do trời hay một vị thượng đế sắp đặt.

2- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo ra. Quan điểm này lại được phân thành hai:

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy trong đời này.

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy qua nhiều đời trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong đời này. Có thể xem đây là quan điểm của nhà Phật. Thật ra, nhà Phật không gọi là số mệnh mà gọi là nhân quả nghiệp báo. Vì cuộc đời là một chuỗi nhân quả nghiệp báo tương tục không gián đoạn.

“Số mệnh” của mỗi người mang tính tất định hay bất định?

Chúng ta có thể xem số mệnh là một chuỗi thăng trầm đổi thay trong cuộc đời của một người. Nếu chuỗi đổi thay ấy được xác định một cách rõ ràng theo thời gian, chúng ta có thuyết định mệnh. Trong trường hợp này, số mệnh mang tính tất định.

Thông thường quan điểm cho rằng số mệnh do trời sắp đặt, dễ được diễn dịch thành thuyết định mệnh. Thuyết này có một nhược điểm: Nếu số mệnh là định mệnh, không thể thay đổi thì mọi tạo tác của ta trong đời này trở thành vô nghĩa. Thật ra, đối với một số tôn giáo lớn, dù vẫn cho số mệnh do trời hay thượng đế sắp đặt, nhưng nếu chúng ta sống thuận ý trời, đẹp ý Chúa thì vẫn được những tưởng thưởng xứng đáng. Nói vậy là đã thừa nhận số mệnh có phần bất định.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính chúng ta tự tạo ngay trong đời này, vậy khi chưa có ý thức tạo lập cuộc đời, số mệnh hoàn toàn bất định. Nhiều triết gia phương Tây, dù không đề cập đến số mệnh, nhưng vô tình họ đã ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng con người chỉ sinh ra một lần trong đời, không có quá khứ, không bị ràng buộc bởi quá khứ. “Thượng đế đã chết rồi”(1) nên không còn ai sắp đặt cho ta một số mệnh. Yếu tính của con người là tự do. “Người nào tự mình tự do lựa chọn, tự mình tạo nên mình, tự mình là thành quả của mình, kẻ ấy mới đích thực hiện hữu”(2). Việc cho rằng, chúng ta sinh ra với một số mệnh như tờ giấy trắng, hoàn toàn bất định, số mệnh trở thành thế này hay thế kia tùy theo sự tạo tác của ta, sẽ vấp phải các nhược điểm như đã nói ở phần I.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính ta tạo ra trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong hiện tại thì số mệnh này không hẳn là tất định cũng không hẳn là bất định. Quan điểm này của nhà Phật không vấp phải các nhược điểm trên và cho ra một lý giải hoàn toàn phù hợp với thực tế. Quan điểm này được trình bày đầy đủ qua lý Nhân quả Nghiệp báo.

Theo lý Nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào xuất hiện trong đời đều có nguyên nhân của nó. Các nguyên nhân này do mỗi người tự tạo lấy, thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý nên gọi là "nghiệp nhân". Trong ba nghiệp, ý đóng vai trò chủ đạo.

Những nghiệp nhân thời quá khứ khi đủ duyên cho ra quả thời hiện tại.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và đang được tạo ra ở thời hiện tại, khi đủ duyên sẽ cho ra quả ở thời vị lai.

Quả là những sự kiện xuất hiện trong đời sống của ta.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và hiện tại liên tục cho ra quả thời hiện tại và vị lai. Những quả ấy nối tiếp nhau tạo thành dòng sống của mỗi người. Do không thể truy tìm dược chỗ khởi đầu của dòng sống, nên nói rằng dòng sống đã xuất hiện từ vô thủy(3). Đời người chỉ là một đoạn ngắn trên dòng sống dài như vô tận ấy. Như vậy, chúng ta, ai cũng trải qua vô lượng đời kiếp, trôi lăn trong sanh tử luân hồi cho đến ngày hôm nay. Đời sống hiện tại, là cái quả nối tiếp của những đời quá khứ và là nhân của các đời vị lai.

Các nghiệp nhân được phân thành hai loại, thiện và ác(4). Nghiệp nhân thiện cho ra quả tốt. Nghiệp nhân ác cho ra quả xấu. Nếu quá khứ tạo được nhiều nghiệp nhân thiện thì hiện đời sẽ có nhiều sự kiện tốt xuất hiện trong đời sống của ta. Ngược lại, sẽ có nhiều sự kiện xấu xuất hiện trong đời. Trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều nghiệp nhân, thiện ác lẫn lộn, nên hiện đời cuộc sống có lúc tốt, lúc xấu, lúc thăng, lúc trầm… Chính điều này đã làm nên ý nghĩa của số mệnh.

Như vậy số mệnh không do một vị thượng đế hay một ông trời sắp đặt mà do chính mỗi người tự tạo lấy trong quá khứ và đang được tiếp tục tạo ra trong hiện tại.

Do cuộc sống ở hiện đời là cái quả của những gì chúng ta đã gây tạo từ những đời trước, nên khi sinh ra chúng ta phải thừa hưởng những nghiệp nhân mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ. Như vậy chúng ta không sinh ra với một số mệnh hoàn toàn bất định, mà vẫn có một “số mệnh” chi phối đời sống của chúng ta. Chính “số mệnh” này đã quy định hoàn cảnh, tố chất của mỗi ngươi khi được sinh ra. Do mỗi người đều tạo ra những nghiệp nhân riêng, nên hoàn cảnh của mỗi người khi ra đời cũng riêng khác.

Dù “số mệnh” đã có khi ra đời, nhưng “số mệnh” đó lại do ta tạo ra dưới sự chi phối của lý Nhân quả, nên nó không phải là định mệnh không thể thay đổi. Nếu “số mệnh” là định mệnh thì mọi hành vi tư tưởng của ta trong đời này hoàn toàn vô nghĩa. Sống đạo đức hay phi đạo đức, sống vị kỷ hay vị tha, sống lười biếng hay siêng năng v.v… đều như nhau. Điều này không phù hợp với thực tế. Cho nên, “số mệnh” vẫn có phần bất định.

Ta có thể làm gì với “số mệnh” của chính mình?

Do “số mệnh” có phần bất định, nên chúng ta có thể chỉnh sửa thay đổi “số mệnh” của chính mình. Vì “số mệnh” chịu sự chi phối của lý Nhân quả, nên muốn thay đổi “số mệnh”, chúng ta phải biết cách vận dụng lý Nhân quả.

Như đã nói, chúng ta tạo ra các nghiệp nhân thông qua thân, khẩu và ý. Vì thế chúng ta cũng phải nương nơi thân, khẩu, ý của chính mình mà sửa đổi “số mệnh” của mình. Muốn “số mệnh” tốt đẹp hơn, chúng ta cần làm các việc thiện, hạn chế các việc ác. Do từ nhân tới quả phải mất một khoảng thời gian, nên những việc làm tốt có thể chưa cho quả tốt liền. Lại nữa, nếu những nhân ác ở quá khứ còn nhiều và mạnh, nó sẽ ngăn trở các nghiệp nhân tốt vừa tạo ra cho quả sớm. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy mình đã làm nhiều việc tốt mà hoàn cảnh vẫn chưa thay đổi. Ở đây đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vào lý Nhân quả, kiên trì thực hành, kết quả sẽ đến.

Cách làm trên, là hướng ra ngoài làm các việc thiện thông qua thân và khẩu. Do ý đóng vai trò chủ đạo, nên muốn sửa đổi “số mệnh” một cách tích cực, chúng ta phải hướng vào trong sửa đổi tâm ý của chính mình. Ngoài làm các việc thiện, trong sửa đổi tâm ý sao cho phù hợp với đạo lý, chúng ta sẽ thay đổi được “số mệnh” của chính mình và thành quả sẽ đến ngay trong hiện đời.



Một câu chuyện thời quá khứ

Liễu phàm tiên sinh, tác giả cuốn Liễu phàm tứ huấn, khi còn nhỏ đã mất cha. Thay vì như số đông, đi học để ra làm quan, ông nghe lời mẹ theo nghề thuốc.

Một hôm, tiên sinh lên chùa Từ Vân chơi, gặp một cụ già, râu dài, tướng mạo như tiên. Tiên sinh ngưỡng mộ, tới chào hỏi. Cụ già hỏi:

- Người có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu tú tài. Sao giờ còn lang thang ở đây, không lo học?

Tiên sinh trình bày nguyên do. Rồi hỏi thăm tên họ, quê quán cụ già. Được biết, cụ họ Khổng, người Vân Nam, là người được chân truyền cuốn Hoàng cực kinh thế thư của Thiệu Khang Thiết. Sách này căn cứ Kinh dịch và số học để bói về thời thế đất nước và vận mệnh con người. Nghe vậy, tiên sinh mời cụ về nhà gặp mẹ và nhờ xem số cho mình.

Cụ bói cho tiên sinh không việc nào không đúng, từ việc nhỏ đến việc lớn. Năm nào thi đậu cấp gì, thứ hạng bao nhiêu, năm nào làm quan, bao lâu v.v… cụ đều nói rất chính xác. Tiên sinh ghi chép đầy đủ những gì cụ Khổng đã bói cho: Tuy có làm quan nhưng không đậu được tới cử nhân. Năm 53 tuổi ngày 18 tháng 3 giờ Sửu mất tại nhà. Không có con nối dõi…

Do thấy đời mình diễn ra đúng y những gì mà cụ Khổng đã bói, ngay cả những việc lúc đầu tưởng chừng sai, rốt cuộc cũng không thể sai, nên tiên sinh tin chắc rằng, con người đã có một số mệnh an bài. Việc thăng quan tiến chức, giàu sang hay phú quý đều có thời có lúc của nó, đã được trời ấn định.

Năm 35 tuổi, Tiên sinh có duyên gặp Thiền sư Vân Cốc Pháp Hội trên núi Thê Hà. Ngồi thiền với Thiền sư suốt ba ngày. Sau buổi tọa thiền, Sư hỏi:

- Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân, vì bị những vọng niệm lăng xăng quấy rối. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên môt niệm nào, làm sao được vậy?

Tiên sinh trả lời:

- Sau khi cụ Khổng lấy số mạng cho con, con thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời sắp đặt. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi, nên không còn suy nghĩ.

Thiền sư Vân Cốc bật cười nói:

- Ta tưởng ngươi là kẻ xuất chúng, nào ngờ chỉ là kẻ phàm phu.

Tiên sinh không hiểu, hỏi lại.

Sư đáp:

- Tâm người nếu còn lăng xăng thì còn bị âm dương khí số trói buộc, làm sao bảo là không có số mệnh? Nhưng số mệnh chỉ chi phối người thường, là người sống suốt đời chìu theo tánh mình(5), không biết thay đổi. Còn đối với người có sự chuyển biến mạnh mẽ, số mệnh không thể chi phối. 20 năm nay, Khổng tiên sinh chỉ cho ngươi thấy số mệnh mà ngươi không thể thay đổi số mệnh chút nào. Vậy không phải phàm phu là gì?

Liễu Phàm thắc mắc:

- Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mệnh hay sao?

Thiền sư Vân Cốc đáp:

- Mạng do ta tạo, phước do mình tìm. Kinh thư, Kinh thi đã dạy rõ ràng như vậy. Kinh Phật cũng dạy: “Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang. Mong cầu sinh trai gái sẽ sinh trai gái. Mong cầu sống lâu sẽ sống lâu”.

Tiên sinh không đồng ý:

- Mạnh Tử nói: “Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có lợi ích vì tìm được. Đó là tìm bên trong. Còn tìm không đúng cách thì kết quả phụ thuộc vào số mệnh, tìm như thế vô ích. Vì đó là tìm bên ngoài ta”. Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì ở trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Còn tìm công danh phú quý là cái ở bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được.

Sư trả lời:

- Mạnh Tử nói rất đúng. Chỉ vì ngươi hiểu chưa đúng. Ngươi không nghe Lục tổ nói: “Tâm ta như miếng ruộng, phước họa do mình trồng”, phải ở trong lòng mà gieo thì không gì là không được. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức mà công danh phú quí cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy, mới có lợi ích vì tìm được. Ngược lại, nếu không xem xét trong lòng, chỉ một mực hướng ra ngoài tìm cầu, xem thì thấy có vẻ đúng cách nhưng được hay không thì tùy số mệnh. Cuối cùng trong ngoài đều mất, nên Mạnh Tử nói vô ích là vậy.

Thiền sư Vân Cốc hỏi tiếp:

- Ngươi tự xét lại xem, ngươi có xứng đáng đậu tiến sĩ hay không? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?

Tiên sinh kiểm điểm khá lâu, rồi đáp.

- Dạ con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là người có phước, con không phước. Con không lo xây dựng đức hạnh để tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những phiền toái vụn vặt xảy ra trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung, thường lấy tài mình chèn ép người. Lại hay thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời nói không thận trọng, thường nói bậy. Những điều như thế là tánh vô phước, làm sao xứng đáng với con đường khoa cử. Con cũng không đáng có con, vì chỗ nào càng dơ thì càng nhiều sinh vật, nước trong ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình. Đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sinh sôi, mà tánh con hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sinh sôi, còn khắt khe ích kỷ là nguồn gốc của sự không sinh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác… ngoài ra còn nhiều lỗi lầm không sao nói hết.

Thiền sư Vân Cốc nghe xong, nói:

- Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy. Những cái khác cũng vậy. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báu của mình. Người không biết, sẽ giải thích bằng định mệnh trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chỉ xử lý trên những gì con người có. Có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu(6).

Thiền sư nói tiếp:

- Nay ngươi đã biết được nguyên nhân không đậu tiến sĩ, không có con, thì cứ nhắm vào nguyên nhân đó mà sửa chữa. Phải tích bồi công đức. Phải bao dung lỗi lầm của người khác. Phải hòa thuận yêu thương mọi người. Phải giữ gìn sức khỏe. Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu Tiến sĩ, không có con. Đó là số trời đã định. Nhưng ta vẫn có thể không tuân theo. Từ nay về sau, ngươi phải trau dồi tánh hạnh đạo đức cho nhiều. Hết lòng làm thiện. Tích bồi âm đức. Phước này do mình tạo, không thể không hưởng.

Tiên sinh theo đó mà thực hành.

Đúng như lời của Thiền sư Vân Cốc nói. Cuộc đời của ông không còn diễn biến theo số mệnh mà Khổng tiên sinh đã bói cho. Thay vì sống 53 tuổi, ông sống tới 74 tuổi. Thay vì không đậu cử nhân, ông đậu tới tiến sĩ. Thay vì không có con, ông có một người con trai, sau này cũng đậu tiến sĩ. Vì thế ông đã viết ra cuốn Liễu phàm tứ huấn để dạy con. Trong đó có nói: “Ai cho họa phúc do mình tạo, là lời thánh hiền. Còn cho trời định, là lập luận của hạng phàm tục”.

Như vậy dù sinh ra với một số mệnh, nhưng nếu biết vận dụng lý Nhân quả nghiệp báo một cách đúng đắn, ngoài làm thiện, trong sửa ý, chúng ta vẫn sửa đổi được số mệnh của chính mình.

Chánh Tấn Tuệ
(Thư Viện Hoa Sen)



___________________________

(1) Lời của Nietzsche (1844-1900), một triết gia người Phổ.

(2) Quan điểm của Heidegger và J.P Sartre trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh - P. Foulquié. Thụ Nhân dịch.

(3) Thành Duy Thức Học ghi: “Khế kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma nói “Giới từ vô thủy lại, hết thảy pháp đều nương...”.

(4) Kinh phân thành 3 loại: Thiện nghiệp, ác nghiệp, tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp thuộc phần xuất thế, nên đây không bàn đến.

(5) Tánh, nói đủ là tâm tánh, ở đây chúng ta hiểu là tâm ý, nhưng là cái ý đã được huân tập rất lâu, trải qua nhiều đời. Nó trở thành kiên cố cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thay đổi, nên gọi là tánh. Cái tánh ý này đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra tư tưởng và hành vi của một người. Các nghiệp nhân theo đó mà hình thành và làm nên số mệnh của con người. Nếu sửa được tánh ý này, con người sẽ thay đổi được số mệnh của mình.

(6) Do tùy thuận theo chỗ hiểu của Tiên sinh, nên Thiền sư Vân Cốc cũng nói Trời, nói số mệnh. Qua đó hiển bày nhân quả nghiệp báo chi phối đời sống con người.

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

CHUYỆN CUNG TRĂNG- BAO GIỜ CHO ĐẾN NGÀY XƯA





Chuyện mơ mộng, giàu chất thơ, nhưng chưa tường tận mắt, thường ví như chuyện cung trăng. Bởi trăng cách rất xa loài người, đâu dễ gì lên đến nơi để kiểm chứng. Tiếc là, ngày 20/7/1969, phi thuyền Apollo tí teo bày đặt đáp lên mặt trăng, làm mọi chuyện hết còn thơ mộng.


Chẳng có cây đa, không thấy chú Cuội, bóng dáng chị Hằng càng biệt tăm, lấy đâu ra nguyệt điện để lòe thiên hạ. Chỉ có đất tối thui, thiếu không khí để thở, con người đứng không vững như bay bay. Lại còn phát hiện ra điều rất thật: loài người chỉ nhìn thấy phân nửa phần sáng của mặt trăng do phản chiếu ánh mặt trời, còn nửa kia không bao giờ thấy được. Do vậy ánh sáng mờ ảo của mặt trăng từ lâu còn là ánh trăng lừa dối.


Làm sao để trở lại thời thơ mộng? Cùng lúc,thời hiện tại, do quản lý kém cỏi, xã hội đã biến dạng đến mức không còn được nhận biết đầy đủ. Những hình ảnh tốt đẹp trong đời thường của tình nhân loại, đã dần dần bị méo mó, mọi sự việc đều bị ô nhiễm trầm trọng không như giá trị ban đầu. Tình cảm, nhân bản không còn được tôn trọng. Tin tức xấu xa của cái ác cứ hiển nhiên dồn dập, tạo đà cho bệnh vô cảm ngày càng phát triển. Riết rồi ai cũng tự than: Bao giờ cho đến… ngày xưa!


Mà ngày xưa có gì hay để mong trở lại? Và muốn biết ngày xưa thì tìm ở đâu? Câu hỏi cũng không dễ trả lời. Riêng những người yêu thiên nhiên, đam mê cảnh đẹp, lại chọn cho mình một hướng đi: Tự về nguồn, để tìm lại bóng dáng ngày xưa! Ít ra là để tâm hồn bớt chai lì, Với cảnh sắc diệu kỳ do trời đất tạo nên, hòa với bàn tay lao động tài hoa bồi đắp của những người đi mở lối, và với tình yêu thiên nhiên vốn có sẵn, có thể làm con người gần với chân thiện mỹ.


Để về nguồn, có thể tìm nơi có nước chảy, nước chảy rì rào chầm chậm là nơi gần nguồn. Gần nguồn, chắc nơi đó sẽ gần với ngày xưa?


Lần hồi theo nguồn nước, sẽ lên dần đến vùng cao. Vùng cao có người ở chắc ngày xưa cũng cỡ này. Hỏi chuyện những người ở vùng cao, phát hiện ra có nhiều chuyện tựa cung trăng vì ít thấy xuất hiện ở vùng ngày nay hiện đại.


Phụ nữ H’Mông có thai, đến lúc lâm bồn, phải tự mình đỡ đẻ miễn sao có đứa bé chào đời. Sống chết gì mặc kệ. Khi chồng về nhà, được nấu cho nồi nước nóng là hạnh phúc nhất trên đời, còn không thì ráng chịu. Thế mà vẫn hạnh phúc ấm êm.


Và người phụ nữ, dù đã có mang, nhưng không muốn ở với chồng cũ, vẫn có thể đi tìm người yêu khác. Và người yêu mới này, chỉ biết đó là đứa con của mình, chứ không hề phân biệt nhóm máu hay cần thử AND để làm gì. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn!


Hoá ra, ngày xưa cũng không xa lắm. Nếu biết lang thang về nguồn, đôi khi sẽ gặp ngày xưa với những câu chuyện mơ màng tựa chuyện cung trăng vậy.


Tìm hình ảnh ngày xưa gặp hay hoăc dở tùy người đối diện, hay do hên xui. Nhưng cứ ở mãi một chỗ để than vãn cũng không làm tâm sáng lên bao nhiêu.


Hãy thu xếp hành trang và lên đường bạn nhé!




Tìm trở lại ngày xưa nên thơ
Người bàng hoàng sầu thương trong mơ
Nhung nhớ cất tiếng hát êm trong sương mờ
Một đoàn người hò reo vang vang
Dồn dập dồn giọng ca hiêng ngang
Đó đây vang vang lừng lời yêu nước Nam


Trong gian nan còn tìm thấy hy vọng
Ai chưa quên tổ quốc, xin đồng thanh
Âm ba vang trời, cất tiếng đón mời
Bước lên kết hợp ai còn lẻ loi


Lời bài hát sinh hoạt SVHS trước năm 1975







Tính Nhiệm

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Đức “Dũng” trong đạo Phật




I. Định danh:
Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, NXB Văn hóa – Thông tin, 2005, tr.55, định nghĩa:
“Dũng là mạnh”.
“Dũng là gan tợn hơn người”
(Dũng cảm không chùng trước việc nguy hiểm)
Từ điển Hán - Việt Trần Văn Chánh, NXB Trẻ, TP. HCM, 1997, tr. 292, thì ghi:
“Dũng là dũng cảm, gan dạ, gan góc, mạnh dạn, mạnh bạo, bạo dạn”.
(Dũng khí là tinh thần can đảm).
Từ điển Anh – Việt của Viện Ngôn ngữ học, NXB TP.HCM, 1997 (bản đã tu chỉnh) chuyển dịch:
“Dũng: Bravery; Courage (nghĩa là can đảm)
Dũng khí: Bravery; Courage.
Dũng cảm: Valiant (quả quyết);
Dauntless (không nản lòng, không sợ hãi)”
Khi Từ Hải trong truyện Kim Vân Kiều, hiên ngang chết đứng bởi loạn tên của phục binh Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều đã khóc rằng:
“Khóc rằng: Trí, dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này”
Như thế ý nghĩa của từ “Dũng” phổ biến trong xã hội, trong quần chúng, là ý nghĩa biểu lộ sự gan dạ, dám nghĩ, dám làm.

II. Chữ Dũng trong Khổng học, Lão – Trang kinh:
Học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trong “Đại Cương Triết Học Trung Quốc”, NXBTP.HCM, tập II, 1992, lý luận:
“Dục lập, dục đạt thì phải “lực hành” mà muốn lực hành thì phải có Dũng. Cho nên ở Chương Hiến vấn, Khổng Tử đã nói: ‘Kẻ nhân tức hữu Dũng’...
Nhân mà tới một mức cao, để có thể giúp đời được thì lại cần phải có trí... Nếu không sáng suốt thì chẳng giúp được người mà còn hại cho mình nữa” (tr. 309)
“Bậc trí thì không mê hoặc; bậc nhân thì không lo lắng; bậc dũng thì không sợ sệt”. (tr. 311)
Học giả Nguyễn Duy Cần trong “Trang Tử Tinh Hoa”, NXB Thanh niên, 1999, diễn đạt:
“Chân nhân – Chí nhân, thần nhân, và thánh nhân - là hạng người ‘Vô kỷ, Vô công, Vô danh’” (tr. 141)
Họ làm tất cả vì cuộc đời mà không bị vướng mắc vào tự ngã, vào công trạng, vào danh tiếng.
Tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập tiếp đến các đặc điểm của bậc chân nhân và kết luận: “Có lẽ vì thế mà những công trình vĩ đại văn hóa của những bậc vĩ nhân Đông Phương ngày xưa đã để lại cho đời, phần nhiều đều là vô danh, thật rất khác xa với cái hạnh của người đời nay...” (tr.145) . Và, “nhờ được thế mà lòng họ luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt luôn bình thản”. (tr. 146)
Cùng lập luận ấy, nhận thức ấy, học giả Nguyễn Duy Cần, trong tập sách “Cái Dũng Của Thánh Nhân”, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 9, 10 đã viết:
“Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính điềm đạm (điềm tĩnh) làm căn bản... Cái Dũng của thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của điềm đạm”
Phương Chi, vua Lý Thánh Tông, Việt Nam, trước khi đi chinh phạt Chiêm Thành, đã rút ra một bài học từ giáo lý nhà Phật để lại làm cẩm nang hành động cho Thái phi Ỷ Lan rằng: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” (giữ tâm yên lặng, bất động trước các biến động của cuộc đời).
Nay thử tìm hiểu thêm nội dung của “cái – gọi – là Dũng cảm” biểu hiện trong Phật giáo.

III. Dũng cảm trong giáo lý nhà Phật:

Thật tế ở đời, các cá nhân thường có các điều kiện sống khác nhau, biểu hiện tình cảm và nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau, hành xử với các quyết tâm, nỗ lực bất đồng. Ba lãnh vực tâm thức của tình cảm, lý trí và ý chí như là ba nhân tố cơ bản tổ hợp nên nhân tính, nhân cách của mỗi người qua các thời điểm; chúng có mối liên hệ mật thiết, cơ hữu với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau, mà không độc lập, tách biệt nhau. Có thể nói rằng tâm thức của mỗi người là sự tổ hợp của: Tình + Trí (hay ý) + Chí – đức dũng cảm là thuộc hành hoạt của ý chí - . Vì thế nên Trang Tử đã nói:
“Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân...” (“Cái Dũng Của Thánh Nhân”, Nguyễn Duy Cần, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 11)
Vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo cận đại, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Gia đình Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ sau 1945) đã sinh hoạt với châm ngôn:
Từ bi, Trí tuệ và Dũng cảm (hay gọi là Bi + Trí + Dũng). Đây là nền giáo dục nâng cao phẩm cách con người của Tình + Ý + Chí. Châm ngôn trên nói rõ là: Phật tử mở rộng tình thương, tôn trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; và Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường giải thoát khổ đau cho tự thân và cho tha nhân. Cái Dũng của giáo dục tuổi trẻ Việt Nam của Phật giáo là thế. Đấy là ngôn ngữ (Dũng) của thời đại.
Nếu tìm hiểu trong kho tàng tâm lý học của Theravada và Phật giáo phát triển (tâm lý A-Tỳ-Đàm, Câu Xá, Duy Thức) thì không có nguyên gốc thuật ngữ nào của Phật giáo gọi là Dũng, Dũng cảm, hay Dũng khí. Nhưng nếu đi vào kinh tạng thì nhà học Phật sẽ tìm thấy từ tương đương:
Đức Phật đã dạy trong nhiều kinh của Nam tạng và Bắc tạng rằng: Có bốn nhân tố tâm lý là gốc của mọi hành động sai lầm dẫn đến khổ đau, ưu não cho mình và người là Tham, sân, si và sợ hãi.
Đức Phật cũng dạy có bốn nhân tốë tâm lý giúp con người đi ra khỏi tâm lý sai lầm, đi ra khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não là:
Vô tham, vô sân (từ), vô si (hay minh, trí tuệ) và vô úy (không sợ hãi, hay định tỉnh, như như bất động; hay không dao động).
Vô úy là thái độ sống của người Phật tử chân chính giữa dòng đời vô thường, biến động. Thái độ sống ấy biểu hiện một cách tự nhiên của những tâm hồn nhuần thấm từ bi và trí tuệ. Không có một nỗ lực khác thường nào ở đây để được ngợi ca là can đảm, hay dũng cảm. Chính vì thế mà thái độ sống điềm nhiên ấy thật sự mang bản chất dũng cảm, đúng nghĩa Dũng cảm, bởi dũng cảm luôn có mặt ngay trong tâm thức từ bi, trí tuệ: Có trí tuệ là có dũng cảm; có từ bi là có dũng cảm; và có trí tuệ là có từ bi và dũng cảm – Đây là đặc tính trí tuệ của Phật giáo, của cái thấy biết như thật sự vật và tư duy về như thật sự vật. Rất thật! Thế nên, dưới thời đại Lý, Trần, khi Phật Giáo giữ vai trò chủ đạo Văn hóa, thì Dân tộc Việt Nam đã làm hưng khởi lên sức mạnh Dũng cảm của dòng dõi bậc Thánh, đầy đủ sức mạnh để bình Chiêm, thắng Tống và ba lần đại phá quân Nguyên – Mông. Cái sức mạnh mà Quốc sư Vạn Hạnh đã để lại trong một bài thiền thi của Ngài rằng:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
(“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu sang rụng rời.
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành,”)
Cái sức mạnh mà bài Kinh ngắn (250 chữ) Bát Nhã Tâm Kinh trong thời khóa tụng sớm, chiều hằng ngày của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam – cốt lõi của giáo lý Bát Nhã, Đại thừa Phật giáo – đã nói:
“... Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa, cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”
(Việt dịch: Bồ tát an trú và trí tuệ vô ngã tròn đầy, nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại, nên không sợ hãi, rời xa các tâm tưởng mộng mị sai lầm, cuối cùng được giải thoát hoàn toàn khổ đau. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều an trú vào trí tuệ ấy mà thành bậc đại giác ngộ.)
Sở đắc của chư vị Bồ tát, chư vị Thiền sư xưa nay là sở đắc chỉ một trí tuệ ấy. Sự đóng góp của chư vị Bồ tát và chư vị Thiền sư xưa nay là sự đóng góp chỉ xây dựng một nền Văn hóa vô ngã, vô úy ấy.
Quả thế, nếu con người thường thấy rõ sự thật không có tự ngã của thân tâm mình, không có tự ngã của mọi hiện hữu, thì tâm lý sẽ không vướng mắc vào nội tâm, ngoại cảnh, sẽ tự do tự tại. Trong trạng thái tâm lý của trí tuệ, tự do tự tại ấy, một sức mạnh tâm thức không hạn lượng sẽ bung khởi mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Thần lực, Thần thông (iddhimantu: supernatural powers) sẽ được sử dụng để cứu đời, phục vụ đời. Cái Dũng, hay vô úy, của Phật giáo cũng chỉ nhằm để cứu khổ tự thân và cuộc đời. Đấy là mục đích đầu tiên và sau cùng của một đệ tử Đức Phật. Không có ý nghĩa nào khác hơn thế.

HT THÍCH THIỆN CHƠN

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

HÃY BÀY TỎ CÁI TÔI "SỰ THẬT"




Người Tây Phương cho là bầy tõ cái tôi là bình thường, là lành mạnh. Giữa chỗ đông người họ âu yếm nhau, hôn nhau do bởi sự hành hoạt cái tôi mà ra.

Thế nên trong sinh hoạt công cộng họ ít quan tâm tới đời tư của nhau, ít ngồi lê, đôi mách là vậy.


Ngược lại, Đông Phương, nhất là Tầu và Việt Nam cho rằng cái tôi cần phải dấu đi mới là khiêm nhường, mới là người tốt. Dấu đi, dấu đi, dấu đi nữa cho tới khi nào nó thành bệnh, như đã nói như trên.

Người Đông Phương nói chung, người Việt Nam nói riêng, ngoài mặt thì nói cần phải khiêm nhường, nhưng trong lòng người nào cũng có một cái “tôi” tức cái ngã của họ to như “thái sơn thiên cổ” (Tức Núi lớn ngàn Năm), mà họ không biết. Cũng chỉ vì cái thói quen dấu cái “tôi” xuống đáy lòng cho kỹ. Thế nên khi đối diện với một người hay nói từ “tôi”, hoặc ngay cả khi đọc được người nào hay viết là “tôi” thì họ sẽ rất khó chịu và chủ nhân bị phê bình ngay. Phản ứng này quả là vô ích.

Thế nên người Việt Nam khó đến hợp tác với nhau là vì vậy. Nguyên nhân là do dấu cái tôi ở trong lòng quá kỹ, quá lâu, khiến cái tôi trở thành biến thái, giả dối, nhưng tai hại nhất là sự kèn cựa, đố kỵ

Người Việt chúng ta từ nay hãy bầy tỏ cái “tôi” một cách thoải mái, không nên e dè gì nữa. Miễn cái tôi đó trình bầy được sự thật, cái tôi đó không triệt hạ ai, nói xấu sau lưng ai, là cái tôi tốt. Cái tôi miệt hạ, nhận xét sai lạc, tô vẽ sau lưng người khác, cái tôi đố kỵ, đạp đổ là cái tôi nên tránh.

Bầy tỏ cái “tôi” và chấp nhận những cái “tôi” vô hại của những người chung quanh mình một cách thoải mái, sẽ khiến người Việt đến được với nhau dễ dàng hơn.

.

Trần Tiểu Sinh

NGÀY Ý THỨC VỀ CĂNG THẲNG




Nguyên Giác


Chữ “căng thẳng” là dịch sát nghĩa của chữ “stress” trong tiếng Anh. Ai cũng biết rằng căng thẳng là cội nguồn của rất nhiều tai họa. Căng thẳng ở tấm mức quốc tế sẽ dẫn tới, nặng là chiến tranh, nhẹ là cấm vận. Căng thẳng ở tầm mức xã hội là biểu tình, là rút dao, nổ súng. Căng thẳng ở tầm mức gia đình hễ nặng bạo lực gia đình, nhẹ sẽ là bể chén dĩa, và khi bất khả hòa giải là sẽ ly tan, chỉ hại cho đàn con.


Căng thẳng cũng có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm. Theo Mayo Clinic, hội chứng căng thẳng có thể tác động vào cơ thể của bạn, vào suy nghĩ của bạn, vào cảm thọ của bạn, và vào cả thái độ của bạn. Căng thẳng không hóa giải được sẽ gây bệnh, như cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mập phì và bệnh tiểu đường.


Đó là lý do có một ngày được chọn là Ngày Quốc Tế Ý Thức Về Căng Thẳng. Ngày này trong năm 2017 là mới hôm Thứ Tư ngày 1 tháng 11/2017. Cũng là ngày để các bác sĩ nhắc nhở mọi người cảnh giác về các sát thủ tàng hình đang len lén bước theo các cảm xúc căng thẳng khó đối trị.


Nhưng ý thức là một chuyện, còn khi căng thẳng tới bằng đôi cánh sát thủ tàng hình dĩ nhiên là khó đối trị. Có biết bao nhiêu chuyện trên đời này làm chúng ta căng thẳng. Thí dụ, ra đường, đụng xe. Chạy nhanh một chút, bị cảnh sát phạt. Buổi sáng nổ máy xe, thấy chết bình điện, phải gọi xe kéo tới tiệm sửa xe. Hay khi nghe tin một người thân từ trần. Hay khi nghe chuông điện thoại, nhấc lên nghe, biết tin quê nhà bão lớn, khu phố mấy đứa em đang ở bị ngập lụt, chờ ghe tới cấp cứu. Và vân vân…


Cõi này tất nhiên là bất như ý. Vấn đề là, làm sao kham nhẫn?


Đối phó căng thẳng không khéo là sẽ bệnh. Theo trang WebMD, căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh, và rồi bệnh liên hệ căng thẳng đó chiếm tới 90% toàn bộ các chuyến đi tới phòng mạch để khám bệnh của dân Mỹ. Trong đó, căng thẳng tính chung làm kinh tế Mỹ trung bình mất 600 tỷ đôla/năm.


May mắn vô cùng tận, Đức Phật có phương thuốc thần diệu: Đạo Phật là để nhận ra khổ, và bước vào con đường thoát khổ.


Do vậy, sá gì căng thẳng trong xã hội đời thường… Trí thức quốc tế đã nhận ra sức mạnh tuyệt vời của Phật Giáo, và từ đó Thiền tỉnh thức (Mindfulness) được dùng như công cụ hiệu lực để đối trị căng thẳng.


Vâng, cả các chính trị gia cũng nhận ra như thế. Như bên Anh quốc: hẹn nhau dự một hội nghị thượng đỉnh cấp Bộ Trưởng và Dân Biểu, tới ngồi bên nhau, cùng lim dim mắt, thở phì phò…


Báo Anh quốc The Guardian, số báo ngày 13/10/2017, với bài viết nhan đề “'Way ahead of the curve': UK hosts first summit on mindful politics” (Đi trước vòng cung: Anh quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về chính trị tỉnh thức)…


Một số Bộ Trưởng chính phủ Anh quốc và Sri Lanka (Tích Lan), một dân biểu trong Đảng Likud của Israel, nhiều chính khách từ hai nước trên và Thụy Điển cùng với chính khách từ 15 quốc gia cùng tới tòa nhà Hạ Viện Anh Quốc tuần sau đó để thảo luận xem có Mindfulness có thể giúp được gì cho các nền chính trị quốc tế và cấp quốc gia. Chính khách cao cấp nhất của chính phủ Anh quốc dự thượng đỉnh này là Bộ Trưởng Thể Thao Tracey Crouch.


Đặc biệt, thượng đỉnh về Thiền tỉnh thức này có tham dự của Dân biểu Hoa Kỳ Tim Ryan, người viết sách và tích cực quảng bá Thiền này từ lâu và dự kiến sẽ là ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020. Và cũng đặc biệt, có tham dự của Giáo sư y khoa Jon Kabat-Zinn, người ứng dụng Thiền Phật Giáo để trở thành phương pháp Tình thức để giảm căng thẳng MBSR nhằm chữa các bệnh kinh niên.


Thực tế, MBSR khi ứng dụng để giảm đau tại các bệnh viện, rồi dùng luyện tâm trong quân đội, thư giãn trong công ty, giữ bình lặng trong giáo dục... đã được sửa đổi cho thích nghi với nhiều thành phần ở nhiều môi trường khác nhau. Và có khi các phiên bản Thiền tập mới lại mang tên khác nhau.


Theo The Guradian thống kê, từ năm 2013, đã có 145 dân biểu Anh quốc tham dự một khóa dài 8 tuần lễ để thực tập Thiền tỉnh thức.


Nếu muốn tu giải thoát, sẽ rất là gian nan, cần tận lực không ngừng. Nhưng sẽ rất đơn giản hơn, nếu bạn chỉ muốn giảm căng thẳng, hay giảm đau, hay chữa một vài bệnh.


Sau đây là một số hướng dẫn thực tập căn bản về Thiền tỉnh thức, tổng hợp từ nhiều trang y tế. Bạn có thể chọn cách nào thích nghi, hay xoay chuyển, hay tuần tự thay đổi. Và nên tập suốt ngày, nghĩa là, bất cứ khi nào nhớ tới. Tới khi quen rồi, chỉ cần vài hơi thở, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và các bực dọc sẽ bay biến rất nhanh. Tuy cội nguồn từ Phật giáo, nhưng khi ứng dụng vào y khoa đã gỡ bỏ các yếu tố tôn giáo để thích nghi cho mọi thành phần.


Nếu bạn đang ngồi làm việc trong hãng, hay đang ngồi học ở bệnh viện, có thể ngồi thẳng lưng, mắt chỉ hé mở hướng về phía trước, hơi thở diụ dàng, hướng tâm vào hai lòng bàn chân đang áp sát mặt đất. Giữ hơi thở như thế vài phút sẽ thấy nhẹ nhàng, giúp tăng trí nhớ, lòng vui hơn. Hướng tâm vào dưới hai lòng bàn chân là lời khuyên của nhiều bác sĩ, hẳn là có diệu dụng về sức khỏe.


Nếu bạn đang nằm, thí dụ, sắp ngủ, có thể nằm duỗi người ra, hình dung bắp thịt từ dưới ngón chân lên đỉnh đầu buông xả hết theo hơi thở nhẹ nhàng, cứ như người chết.


Khi bạn ngồi, hay đang đi bộ ngoài hành lang, hãy hít thở sâu, hơi thở nhẹ nhàng, hơi thở tự nhiên, thư giãn toàn thân, không cố gắng gì, thở dài biết thở dài, thở ngắn biết thở ngắn.


Khi bạn đang đi đứng nằm ngồi, hãy cảm nhận về không khí chung quanh, lạnh hay ấm, có ảnh hưởng làm ấm hay lạnh tới làn da và cơ thể của bạn hay không, hãy đón nhận cảm thọ đó, đừng bực dọc, và đừng ưa thích, chỉ để tự nhiên nhận ra.


Khi bạn đi đứng nằm ngồi, hãy nhận ra các niệm khởi trong tâm, lặng lẽ nhận ra như thể bạn đang lùi ra xa để nhìn về sân khấu, nhận ra khi niệm khởi và nhìn cho tới khi niệm biến mất… và rồi tương tự với tất cả niệm. Dần dần, niệm sẽ giảm, tâm bạn sẽ dịu dàng, lặng lẽ…


Bạn có thể cảm thấy khó chịu nơi nào đó trong thân, hãy chú ý về nơi đó của cơ thể, hãy nhận ra nơi đó cảm thọ (như ngứa, nhức, đau, tê…) khởi lên, nhận ra cảm thọ biến đổi (nhiều hơn, hay giảm bớt) và nhận ra cảm thọ biến mất; và có thể bạn cần có hành động thích nghi, thí dụ gãi nhẹ, hay xoa bóp nhẹ nơi đau nhức đó. Hay đơn giản làm việc khác.


Bạn không nên phản ứng tức khắc khi gặp một tình hình bất chợt xảy ra. Hãy tỉnh thức, ngưng giây lâu, suy nghĩ tìm giải pháp. Thí dụ, nhấc điện thoại lên, bị người bên kia đầu dây mắng xối xả… Bạn chớ phản ứng gấp, hãy tỉnh giác, từ từ nghe và suy tính…


Có những khi căng thẳng, bạn tập thể dục hay chạy bộ vài phút, cũng đủ để bình lặng trở lại.


Hãy giữ tâm tỉnh thức với hiện tại; chớ luyến tiếc hay bực dọc gì về quá khứ; chớ mơ tưởng lạc quan hay bi quan về tương lai.


Đôi khi, hãy lặng lẽ lắng nghe hay ngửi mùi hương, chớ phê phán gì, chỉ nghe là nghe và chỉ ngửi là ngửi. Bạn sẽ nhận ra những giây phút tỉnh thức và hạnh phúc khác lạ, nhưng chớ giải thích gì làm chi, cũng chớ níu kéo hay xua đẩy các cảm thọ buồn/vui, ưa/ghét.


Hãy tỉnh thức với từng cử chỉ đang làm trong hiện tại, và giữ tâm thư giãn, sống với “tâm đang là” chớ không phải sống với “tâm phải là” và cũng chớ sống với “tâm cần là.”


Hãy ý thức về các thức ăn thích nghi với cơ thể, và khi ăn hãy nhai thật chậm, tỉnh thức.


Có khi bạn ngồi, hay nằm, hãy thở nhẹ nhàng, và hướng tâm scan cơ thể, hướng tâm rất chậm nghĩ về từng nơi trên cơ thể, chậm chậm từ chân hướng lên đầu. Chỉ cảm thọ từng nơi thôi.


Có những ngày, không đối trị được căng thẳng, vì trong đời có khi bạn phải hứng chịu những sân si vô lý từ người khác (kể cả người mà bạn quý trọng hay yêu thương), bạn hãy đứng dậy đi bộ vài phút ngoài trời, quan sát cảm thọ trên từng làn da.


Tập Thiền tỉnh thức một thời gian, bạn sẽ cảm thấy dễ tập trung tư tưởng hơn, dễ giữ tâm bình lặng thư giãn hơn, tự biết cách đối trị căng thẳng. Lúc đó, hãy tìm kinh sách Phật giáo để đọc, để hiểu tận tường hơn về giáo lý giải thoát – và bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng tận trong từng khoảnh khắc một.


Như thế, trong khi thế giới chỉ có một Ngày Ý Thức Về Căng Thẳng trong một năm, bạn sẽ có trọn năm toàn bộ tới 365 Ngày Hạnh Phúc Với Tỉnh Thức