Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Đức “Dũng” trong đạo Phật




I. Định danh:
Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, NXB Văn hóa – Thông tin, 2005, tr.55, định nghĩa:
“Dũng là mạnh”.
“Dũng là gan tợn hơn người”
(Dũng cảm không chùng trước việc nguy hiểm)
Từ điển Hán - Việt Trần Văn Chánh, NXB Trẻ, TP. HCM, 1997, tr. 292, thì ghi:
“Dũng là dũng cảm, gan dạ, gan góc, mạnh dạn, mạnh bạo, bạo dạn”.
(Dũng khí là tinh thần can đảm).
Từ điển Anh – Việt của Viện Ngôn ngữ học, NXB TP.HCM, 1997 (bản đã tu chỉnh) chuyển dịch:
“Dũng: Bravery; Courage (nghĩa là can đảm)
Dũng khí: Bravery; Courage.
Dũng cảm: Valiant (quả quyết);
Dauntless (không nản lòng, không sợ hãi)”
Khi Từ Hải trong truyện Kim Vân Kiều, hiên ngang chết đứng bởi loạn tên của phục binh Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều đã khóc rằng:
“Khóc rằng: Trí, dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này”
Như thế ý nghĩa của từ “Dũng” phổ biến trong xã hội, trong quần chúng, là ý nghĩa biểu lộ sự gan dạ, dám nghĩ, dám làm.

II. Chữ Dũng trong Khổng học, Lão – Trang kinh:
Học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trong “Đại Cương Triết Học Trung Quốc”, NXBTP.HCM, tập II, 1992, lý luận:
“Dục lập, dục đạt thì phải “lực hành” mà muốn lực hành thì phải có Dũng. Cho nên ở Chương Hiến vấn, Khổng Tử đã nói: ‘Kẻ nhân tức hữu Dũng’...
Nhân mà tới một mức cao, để có thể giúp đời được thì lại cần phải có trí... Nếu không sáng suốt thì chẳng giúp được người mà còn hại cho mình nữa” (tr. 309)
“Bậc trí thì không mê hoặc; bậc nhân thì không lo lắng; bậc dũng thì không sợ sệt”. (tr. 311)
Học giả Nguyễn Duy Cần trong “Trang Tử Tinh Hoa”, NXB Thanh niên, 1999, diễn đạt:
“Chân nhân – Chí nhân, thần nhân, và thánh nhân - là hạng người ‘Vô kỷ, Vô công, Vô danh’” (tr. 141)
Họ làm tất cả vì cuộc đời mà không bị vướng mắc vào tự ngã, vào công trạng, vào danh tiếng.
Tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập tiếp đến các đặc điểm của bậc chân nhân và kết luận: “Có lẽ vì thế mà những công trình vĩ đại văn hóa của những bậc vĩ nhân Đông Phương ngày xưa đã để lại cho đời, phần nhiều đều là vô danh, thật rất khác xa với cái hạnh của người đời nay...” (tr.145) . Và, “nhờ được thế mà lòng họ luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt luôn bình thản”. (tr. 146)
Cùng lập luận ấy, nhận thức ấy, học giả Nguyễn Duy Cần, trong tập sách “Cái Dũng Của Thánh Nhân”, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 9, 10 đã viết:
“Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính điềm đạm (điềm tĩnh) làm căn bản... Cái Dũng của thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của điềm đạm”
Phương Chi, vua Lý Thánh Tông, Việt Nam, trước khi đi chinh phạt Chiêm Thành, đã rút ra một bài học từ giáo lý nhà Phật để lại làm cẩm nang hành động cho Thái phi Ỷ Lan rằng: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” (giữ tâm yên lặng, bất động trước các biến động của cuộc đời).
Nay thử tìm hiểu thêm nội dung của “cái – gọi – là Dũng cảm” biểu hiện trong Phật giáo.

III. Dũng cảm trong giáo lý nhà Phật:

Thật tế ở đời, các cá nhân thường có các điều kiện sống khác nhau, biểu hiện tình cảm và nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau, hành xử với các quyết tâm, nỗ lực bất đồng. Ba lãnh vực tâm thức của tình cảm, lý trí và ý chí như là ba nhân tố cơ bản tổ hợp nên nhân tính, nhân cách của mỗi người qua các thời điểm; chúng có mối liên hệ mật thiết, cơ hữu với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau, mà không độc lập, tách biệt nhau. Có thể nói rằng tâm thức của mỗi người là sự tổ hợp của: Tình + Trí (hay ý) + Chí – đức dũng cảm là thuộc hành hoạt của ý chí - . Vì thế nên Trang Tử đã nói:
“Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân...” (“Cái Dũng Của Thánh Nhân”, Nguyễn Duy Cần, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 11)
Vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo cận đại, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Gia đình Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ sau 1945) đã sinh hoạt với châm ngôn:
Từ bi, Trí tuệ và Dũng cảm (hay gọi là Bi + Trí + Dũng). Đây là nền giáo dục nâng cao phẩm cách con người của Tình + Ý + Chí. Châm ngôn trên nói rõ là: Phật tử mở rộng tình thương, tôn trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; và Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường giải thoát khổ đau cho tự thân và cho tha nhân. Cái Dũng của giáo dục tuổi trẻ Việt Nam của Phật giáo là thế. Đấy là ngôn ngữ (Dũng) của thời đại.
Nếu tìm hiểu trong kho tàng tâm lý học của Theravada và Phật giáo phát triển (tâm lý A-Tỳ-Đàm, Câu Xá, Duy Thức) thì không có nguyên gốc thuật ngữ nào của Phật giáo gọi là Dũng, Dũng cảm, hay Dũng khí. Nhưng nếu đi vào kinh tạng thì nhà học Phật sẽ tìm thấy từ tương đương:
Đức Phật đã dạy trong nhiều kinh của Nam tạng và Bắc tạng rằng: Có bốn nhân tố tâm lý là gốc của mọi hành động sai lầm dẫn đến khổ đau, ưu não cho mình và người là Tham, sân, si và sợ hãi.
Đức Phật cũng dạy có bốn nhân tốë tâm lý giúp con người đi ra khỏi tâm lý sai lầm, đi ra khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não là:
Vô tham, vô sân (từ), vô si (hay minh, trí tuệ) và vô úy (không sợ hãi, hay định tỉnh, như như bất động; hay không dao động).
Vô úy là thái độ sống của người Phật tử chân chính giữa dòng đời vô thường, biến động. Thái độ sống ấy biểu hiện một cách tự nhiên của những tâm hồn nhuần thấm từ bi và trí tuệ. Không có một nỗ lực khác thường nào ở đây để được ngợi ca là can đảm, hay dũng cảm. Chính vì thế mà thái độ sống điềm nhiên ấy thật sự mang bản chất dũng cảm, đúng nghĩa Dũng cảm, bởi dũng cảm luôn có mặt ngay trong tâm thức từ bi, trí tuệ: Có trí tuệ là có dũng cảm; có từ bi là có dũng cảm; và có trí tuệ là có từ bi và dũng cảm – Đây là đặc tính trí tuệ của Phật giáo, của cái thấy biết như thật sự vật và tư duy về như thật sự vật. Rất thật! Thế nên, dưới thời đại Lý, Trần, khi Phật Giáo giữ vai trò chủ đạo Văn hóa, thì Dân tộc Việt Nam đã làm hưng khởi lên sức mạnh Dũng cảm của dòng dõi bậc Thánh, đầy đủ sức mạnh để bình Chiêm, thắng Tống và ba lần đại phá quân Nguyên – Mông. Cái sức mạnh mà Quốc sư Vạn Hạnh đã để lại trong một bài thiền thi của Ngài rằng:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
(“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu sang rụng rời.
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành,”)
Cái sức mạnh mà bài Kinh ngắn (250 chữ) Bát Nhã Tâm Kinh trong thời khóa tụng sớm, chiều hằng ngày của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam – cốt lõi của giáo lý Bát Nhã, Đại thừa Phật giáo – đã nói:
“... Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa, cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”
(Việt dịch: Bồ tát an trú và trí tuệ vô ngã tròn đầy, nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại, nên không sợ hãi, rời xa các tâm tưởng mộng mị sai lầm, cuối cùng được giải thoát hoàn toàn khổ đau. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều an trú vào trí tuệ ấy mà thành bậc đại giác ngộ.)
Sở đắc của chư vị Bồ tát, chư vị Thiền sư xưa nay là sở đắc chỉ một trí tuệ ấy. Sự đóng góp của chư vị Bồ tát và chư vị Thiền sư xưa nay là sự đóng góp chỉ xây dựng một nền Văn hóa vô ngã, vô úy ấy.
Quả thế, nếu con người thường thấy rõ sự thật không có tự ngã của thân tâm mình, không có tự ngã của mọi hiện hữu, thì tâm lý sẽ không vướng mắc vào nội tâm, ngoại cảnh, sẽ tự do tự tại. Trong trạng thái tâm lý của trí tuệ, tự do tự tại ấy, một sức mạnh tâm thức không hạn lượng sẽ bung khởi mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Thần lực, Thần thông (iddhimantu: supernatural powers) sẽ được sử dụng để cứu đời, phục vụ đời. Cái Dũng, hay vô úy, của Phật giáo cũng chỉ nhằm để cứu khổ tự thân và cuộc đời. Đấy là mục đích đầu tiên và sau cùng của một đệ tử Đức Phật. Không có ý nghĩa nào khác hơn thế.

HT THÍCH THIỆN CHƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét