Hiển thị các bài đăng có nhãn Tư liệu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tư liệu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Levi-Strauss. Ba thế hệ của thuyết nhân văn

 

Levi-Strauss. Ba thế hệ của thuyết nhân văn

“Les Trois humanismes”. Xuất bản lần đầu trên tạp chí Demain (1956, số 35). Được xuất bản bằng tiếng Nga trong tạp chí “Niên giám của Hiệp hội Triết học Liên Xô”, 1987-1988. Bài này dịch từ bản tiếng Nga.

Tiêu đề bài có thể được dịch là “ba làn sóng” hoặc “ba thế hệ” của chủ nghĩa nhân văn (thuyết nhân văn), vì nói đến ba hình hệ nối tiếp nhau trong nghiên cứu về văn hóa con người.

Đối với hầu hết chúng ta, nhân học dường như là một ngành khoa học mới, là bằng chứng về sự tò mò tinh tế của con người hiện đại. Trong lĩnh vực thẩm mỹ của chúng ta, các tác phẩm nghệ thuật sơ khai mới chỉ có vị trí cách đây chưa đầy năm mươi năm. Bản thân sự quan tâm đến các xã hội nguyên thủy thì có nguồn gốc xưa hơn một chút – các công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về lĩnh vực này xuất hiện khoảng năm 1860, tức là vào thời đại mà Charles Darwin đặt ra vấn đề tiến hóa trong lĩnh vực sinh học. Sự tiến hóa này, theo những người cùng thời với ông, cũng phản ánh sự tiến hóa của con người về mặt xã hội và tinh thần.

Nghĩ về dân tộc học theo cách này là một nhầm lẫn về vị trí thực sự mà tri thức của các dân tộc nguyên thủy chiếm giữ trong thế giới quan của chúng ta. Dân tộc học không phải là một khoa học riêng lẻ và cũng không phải là một khoa học mới: nó là hình thức lâu đời nhất và tổng quát nhất của cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa nhân văn (humanism).

Khi, vào cuối thời Trung cổ và trong thời kỳ Phục hưng, mọi người khám phá lại Hy Lạp-La Mã cổ đại, và khi các tu sĩ Dòng Tên đưa tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp vào nền tảng của giáo dục, thì hình thức dân tộc học đầu tiên đã xuất hiện. Phục hưng đã phát hiện ra trong văn học cổ đại không chỉ những khái niệm và lối suy nghĩ bị lãng quên, mà nó còn tìm ra phương tiện để đặt nền văn hóa của mình vào phối cảnh thời gian, để so sánh các khái niệm của mình với các khái niệm của thời đại khác và dân tộc khác.

Những người chỉ trích nền giáo dục cổ điển đang nhầm lẫn về bản chất của nó. Nếu thực sự việc học tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh chỉ đơn giản là để thông thạo những ngôn ngữ đã chết, thì đúng là không mấy ích lợi. Nhưng — và các giáo viên tiểu học nhận thức rõ điều này — thông qua phương tiện ngôn ngữ và đọc văn bản, học sinh được thấm nhuần phương pháp tư duy, trùng khớp với phương pháp dân tộc học (tôi gọi nó là “kỹ thuật chuyển đổi” – Technique de depaysement. Xem giải thích chi tiết hơn về khái niệm này trong cuốn “Nhiệt đới buồn”).

Sự khác biệt duy nhất giữa văn hóa cổ điển và văn hóa dân tộc học chỉ là khác biệt về quy mô của thế giới được biết đến trong các thời đại tương ứng. Vào đầu thời kỳ Phục hưng, vũ trụ của con người bị giới hạn trong lưu vực Địa Trung Hải. Sự tồn tại của các thế giới khác chỉ có thể được phỏng đoán. Nhưng, như chúng ta đã nói, không một bộ phận nào của nhân loại có thể hiểu được bản thân mình mà không thông qua việc hiểu biết các dân tộc khác.

Vào thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, cùng với sự tiến bộ của các khám phá địa lý, chủ nghĩa nhân văn cũng tiến bộ. Ngay cả Rousseau và Diderot cũng chỉ phỏng đoán về các nền văn minh riêng lẻ. Nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu hòa nhập vào bức tranh của thế giới. Không có khả năng tạo ra một thuật ngữ riêng, nền khoa học đại học của chúng ta, vốn chỉ định việc nghiên cứu các loại văn hóa này bằng thuật ngữ “triết học phi cổ điển”, đã thừa nhận rằng đó là cùng một phong trào nhân văn, ở một lãnh thổ mới (giống như đối với người xưa, gọi tên siêu hình học (metaphysics) cho mọi thứ có sau vật lý học). Thể hiện sự quan tâm đến nền văn minh cuối cùng đang suy tàn, trong cái gọi là xã hội nguyên thủy, dân tộc học xuất hiện như là giai đoạn thứ ba trong sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn. Giai đoạn này đồng thời là giai đoạn cuối cùng, vì sau đó không còn gì để con người khám phá về bản thân mình – ít nhất là trên phạm vi rộng (bởi vì còn có một loại nghiên cứu khác, nghiên cứu sâu, mà không thể nhìn thấy điểm kết thúc).

Nhưng còn có một mặt khác của vấn đề. Phạm vi của hai loại chủ nghĩa nhân văn đầu tiên – cổ điển và phi cổ điển – bị giới hạn không chỉ về mặt định lượng mà còn cả về mặt chất lượng. Các nền văn minh cổ đại đã biến mất khỏi bề mặt trái đất và chỉ có thể tiếp cận nhờ các văn bản và di tích văn hóa. Với các dân tộc ở Phương Đông và Viễn Đông vẫn đang tồn tại, thì phương pháp nghiên cứu họ vẫn như cũ, bởi vì người ta tin rằng các nền văn minh ở xa như vậy chỉ đáng được quan tâm nhờ những sản phẩm tinh chế nhất của họ.

Dân tộc học là lĩnh vực của những nền văn minh mới và những vấn đề mới. Những nền văn minh này không trao tài liệu thành văn vào tay chúng ta, bởi vì họ hoàn toàn không có ngôn ngữ viết. Và vì trình độ phát triển kỹ thuật của họ thường rất thấp, nên họ đã không để lại cho chúng ta những tượng đài mỹ thuật. Do đó, nhà dân tộc học cần trang bị cho chủ nghĩa nhân văn của mình những công cụ nghiên cứu mới.

Các phương pháp dân tộc học cùng lúc vừa thô sơ hơn lại vừa tinh tế hơn so với các phương pháp của những nhà nghiên cứu trước dân tộc học, của các nhà ngữ văn và sử học. Những xã hội này cực kỳ khó tiếp cận, và để thâm nhập vào họ, nhà dân tộc học phải đặt mình ra bên ngoài (nhân chủng học vật lý, công nghệ, tiền sử), và cả sâu bên trong, bởi vì anh ta hòa đồng với nhóm mà mình chung sống, và phải đặc biệt chú ý – bởi vì anh ta chẳng có thông tin nào khác – những sắc thái tinh vi nhất của đời sống tâm trí của người bản xứ.

Về mọi mặt, dân tộc học vượt ra ngoài chủ nghĩa nhân văn truyền thống. Lĩnh vực nghiên cứu của nó bao gồm toàn bộ trái đất có người sinh sống, và phương pháp luận của nó tích lũy các quy trình liên quan đến cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.

Ba chủ nghĩa nhân văn kế tiếp nhau tích hợp và nâng cao tri thức của con người theo ba hướng. Thứ nhất, theo nghĩa không gian, và là “bề ngoài” nhất (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thứ hai, trong tập hợp các công cụ nghiên cứu: chúng ta đang dần bắt đầu hiểu rằng, nếu do các tính chất đặc biệt của các xã hội “tàn dư” đã trở thành đối tượng nghiên cứu, thì nhân học buộc phải tạo ra các công cụ tri thức mới, và chúng có thể được áp dụng hiệu quả vào việc nghiên cứu cả các xã hội khác, bao gồm xã hội của chính chúng ta.

Thứ ba, chủ nghĩa nhân văn cổ điển bị giới hạn không chỉ bởi đối tượng của nó, mà những người được hưởng lợi từ nó cũng là một giai cấp đặc quyền. Ngay cả chủ nghĩa nhân văn ngoại lai (exotic) của thế kỷ 20 cũng gắn liền với các lợi ích công nghiệp và thương mại đã nuôi sống nó, và nó phải mang ơn. Sau chủ nghĩa nhân văn quý tộc thời Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn tư sản thế kỷ XIX, dân tộc học đã đánh dấu sự xuất hiện của một chủ nghĩa nhân văn phổ quát, cho cả hành tinh của chúng ta.

Tìm kiếm nguồn cảm hứng của mình trong những xã hội bị hạ nhục và bị khinh miệt nhất, dân tộc học tuyên bố rằng không có gì của con người mà lại xa lạ với con người, và do đó trở thành trụ cột của chủ nghĩa nhân văn dân chủ, đối lập với tất cả các loại chủ nghĩa nhân văn trước đây vốn được tạo ra cho các nền văn minh đặc quyền. Bằng cách huy động các phương pháp và công cụ vay mượn từ tất cả các ngành khoa học, và đặt tất cả những điều này vào phục vụ con người, dân tộc học muốn dung hòa con người và thiên nhiên trong một chủ nghĩa nhân văn phổ quát duy nhất.

Dịch từ tài liệu tiếng Nga.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Những hướng phát triển của dân tộc học

 Những hướng phát triển của dân tộc học

Đối với nhiều người, việc ngành nhân học đang có giá trị quan trọng đến vậy trong tư duy hiện đại có vẻ như là một nghịch lý. Ngành khoa học này hiện rất phổ biến, bằng chứng không chỉ là việc có nhiều phim và sách về thám hiểm, mà còn là mối quan tâm của nhiều trí thức đối với bản thân ngành nhân học.
Vào cuối thế kỷ 19, trong nỗ lực hiểu biết triết học về con người và xã hội, đầu tiên người ta vời đến sinh học, sau đó đến xã hội học, lịch sử và triết học.
Trong vài năm trở lại đây, nhân học đã đảm nhận vai trò này, và ngày nay người ta mong đợi là nó sẽ cung cấp những tư tưởng cũng sâu sắc như thế về thế giới của chúng ta, về triết học của hiện tại và tương lai.
Cách tiếp cận như vậy đối với nhân học dường như bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Là một quốc gia trẻ đang tìm cách tạo ra học thuyết nhân văn của riêng mình, Hoa Kỳ đã đoạn tuyệt với tư duy truyền thống của châu Âu. Họ thấy không có cơ sở gì để chỉ ngưỡng mộ các nền văn minh Hy Lạp và La Mã mà bỏ qua các nền văn minh khác. Chuyện đó xảy ra là vì ở Cựu Thế giới trong thời kỳ Phục hưng, khi Con người được công nhận là đối tượng quan trọng và cần thiết nhất của khoa học, chỉ có mỗi hai nền văn minh này là đã được nghiên cứu đầy đủ.
Trong thế kỷ 19 và đặc biệt là trong thế kỷ 20, hầu như tất cả các xã hội loài người đều có thể tiếp cận được để nghiên cứu. Nhận thức được điều này, chúng ta không nên giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình. Xem xét nhân loại trong sự thống nhất của nó, chúng ta không thể không thừa nhận rằng trong số 99% xã hội loài người, thực chất là toàn bộ phần hành tinh có người sinh sống, chúng ta sẽ không thể tìm thấy những phong tục, tín ngưỡng hoặc thể chế mà không phải là đối tượng của nghiên cứu nhân học.
Điều này đặc biệt được thể hiện rõ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi những góc chưa được biết đến nhất, xa xôi nhất của địa cầu, đột nhiên xâm nhập vào phạm vi cuộc sống và tâm thức của chúng ta. Đấy là những quốc gia nơi những dân tộc “hoang dã” cuối cùng đã tìm chỗ ẩn náu cho mình: cực bắc của Châu Mỹ, New Guinea, các vùng sâu của Đông Nam Á và một số đảo thuộc quần đảo Indonesia.
Sau chiến tranh, một số địa danh, từng đầy bí ẩn và lãng mạn, còn lại trên bản đồ của chúng ta chỉ đơn giản như là các điểm hạ cánh trên lộ trình của máy bay. Với sự phát triển của hàng không và sự gia tăng dân số nhanh chóng, thế giới đã trở nên nhỏ hơn, và các phương tiện thông tin liên lạc và giao thông ngày càng được cải thiện không cho phép chúng ta phớt lờ các dân tộc khác hoặc thờ ơ với số phận của họ.
Ngày nay, không còn một dân tộc, dù xa xôi và lạc hậu đến đâu, không tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các dân tộc khác. Và những tâm tư, nguyện vọng và nỗi sợ hãi của họ không thể không ảnh hưởng đến an ninh, hạnh phúc và thậm chí là sự tồn tại của những dân tộc mà sự tiến bộ về vật chất đã từng mang lại cho họ cảm giác vượt trội.
Dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể thờ ơ với số phận của những thợ săn da đầu cuối cùng của New Guinea – vì lý do đơn giản là giờ đây họ cũng đang tỏ ra quan tâm đến chúng ta! Nghe thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng kết quả của những cuộc tiếp xúc giữa chúng ta với họ có nghĩa là giờ đây cả hai là thành phần của cùng một thế giới và trong tương lai gần sẽ trở thành thành phần của cùng một nền văn minh.
Bởi vì, ngay cả những xã hội có hệ tư tưởng khác nhau nhất, mà phong tục tập quán của chúng đã phát triển theo những cách khác nhau trong nhiều thiên niên kỷ, kiểu gì cũng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau khi tiếp xúc với nhau.
Ảnh hưởng này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, đôi khi chúng ta nhận thức rõ ràng về nó, và thường thậm chí không nhận ra nó.
Tất cả các nền văn minh được coi là phát triển cao (có thể đúng hoặc sai) – Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, và theo một bình diện khác, nền văn minh của tiến bộ công nghệ, hiện đang gắn kết chúng lại với nhau – trong quá trình lan rộng, đã hấp thụ các yếu tố của lối sống “nguyên thủy”, tư duy “nguyên thủy”, hành vi “nguyên thủy”, mà luôn là đối tượng nghiên cứu của nhân học. Những yếu tố “nguyên thủy” như vậy đã sửa đổi những nền văn minh này từ bên trong mà ta không hề hay biết.
Những dân tộc được gọi là “nguyên thủy” hay “cổ đại” không biến mất, không hóa thành hư không. Ngược lại, họ bị nền văn minh xung quanh đồng hóa nhanh hoặc chậm. Còn nền văn minh kia, đến lượt nó, có được một tính chất phổ quát.
Vì vậy, sự quan tâm đối với các dân tộc nguyên thủy không những không giảm, mà ngược lại, mỗi ngày một tăng lên. Chúng ta hãy lấy ví dụ này: nền văn minh vĩ đại mà phương Tây vô cùng tự hào, đã bén rễ trong toàn bộ khu vực sinh sống trên hành tinh của chúng ta, thể hiện ở khắp mọi nơi như một loại “lai” (hybrid). Nhiều yếu tố tinh thần và vật chất xa lạ nhập vào dòng chảy của nó, mà nó phải tính đến. Chính vì điều này mà các vấn đề của nhân học đã không còn là chủ đề quan tâm chỉ dành cho một nhóm hẹp các chuyên gia, là thành tựu của các nhà khoa học và nghiên cứu. Mỗi người trong chúng ta đều quan tâm trực tiếp đến chúng.
Vậy thì điều nghịch lý mà tôi đã nói ngay từ đầu là gì? Trên thực tế, có hai nghịch lý, nếu chúng ta xuất phát từ thực tế rằng khoa học của chúng ta chủ yếu quan tâm đến việc nghiên cứu các dân tộc “nguyên thủy”.
Giờ đây, khi công chúng đã hiểu được ý nghĩa thực sự của ngành khoa học này, thì chính đáng để đặt câu hỏi, liệu nhân học đã đi đến giai đoạn không còn gì để nghiên cứu? Bởi lẽ chính những thay đổi, vốn khơi dậy sự quan tâm ngày càng tăng về mặt lý thuyết đối với các dân tộc “nguyên thủy”, thực tế đã dẫn đến sự biến mất của họ. Thật ra, hiện tượng này không phải là mới. Vào năm 1908, khi tác giả cuốn Cành Vàng J. Fraser thành lập bộ môn nhân học tại Đại học Liverpool, ông đã ra sức kêu gọi các nhà khoa học và chính phủ quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra cách đây nửa thế kỷ khó có thể so sánh với sự biến mất nhanh chóng đến kinh ngạc của các dân tộc “nguyên thủy” mà chúng ta đang chứng kiến ​​hiện nay.
Hãy xem vài ví dụ. Vào thời điểm người da trắng bắt đầu đến định cư tại Úc, có 250 nghìn người bản xứ. Bây giờ chỉ còn lại không quá 40 ngàn. Theo dữ liệu chính thức, họ sống trong các khu bảo tồn hoặc gần các mỏ. Trong trường hợp thứ hai, họ từ lâu đã từ bỏ các phương pháp thu lượm lương thực truyền thống và buộc phải tích trữ rác, bí mật lục lọi các hố rác ở sân sau của các làng thợ mỏ. Nhưng ngay cả những người bản địa đã rút lui xa vào sa mạc cằn cỗi cũng không được yên thân: họ cũng bị xua đuổi khỏi đó, vì những khu vực này là cần thiết cho việc xây dựng các căn cứ hạt nhân hoặc bãi phóng tên lửa.
Hoặc lấy ví dụ New Guinea, nước được bảo vệ bởi một môi trường tự nhiên đặc biệt khắc nghiệt. Đất nước này, với dân số bản địa lên đến vài triệu, dường như vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng của những người nguyên thủy thực sự. Nhưng cả ở đây, nền văn minh cũng đang xâm chiếm nhanh chóng đến nỗi 600.000 cư dân của khu rừng núi trung tâm, những người mà chúng ta không hề có khái niệm gì vào hai mươi năm trước, bây giờ là nguồn lao động để xây dựng đường xá, còn trong rừng rậm, bạn thường có thể nhìn thấy biển chỉ đường và cột mốc được thả xuống bằng dù! Bây giờ cũng không có gì lạ khi các đội lao động được tuyển dụng từ vùng nội địa của đảo và được vận chuyển bằng đường hàng không đến các mỏ và đồn điền ven biển.
Nhưng cùng với nền văn minh, những căn bệnh chưa từng được biết đến trước đây đã đến những khu vực này, mà người dân địa phương chưa phát triển khả năng miễn dịch. Bệnh lao, sốt rét, đau mắt hột, bệnh phong, kiết lỵ, bệnh lậu, giang mai và căn bệnh bí ẩn được gọi là “kuru” hiện đang hoành hành ở đó và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Kuru là hệ quả của sự tiếp xúc giữa con người “nguyên thủy” với nền văn minh. “Kuru” là một sự thoái hóa di truyền luôn kết thúc bằng cái chết và y học thì bất lực.
Ở Brazil, từ năm 1900 đến năm 1950 có một trăm bộ lạc đã tuyệt chủng. Bộ lạc Kaingang ở bang São Paulo năm 1912 có khoảng 1200 người, đến năm 1916 thì còn lại 200 người. Hiện tại, số thành viên của bộ tộc này chỉ còn 80 người.
Có 20.000 người trong bộ lạc Munduruku vào năm 1925, và còn lại 1200 người vào năm 1950. Bộ lạc Nambikwara, năm 1900 có 10.000 người, năm 1940 chỉ có khoảng một nghìn người sống sót. Có 2.500 người thuộc bộ lạc Kayapo trên sông Araguaia vào năm 1902, đến năm 1950 chỉ còn lại 10 người. Bức tranh tương tự đối với bộ lạc Timbira – 1000 người vào năm 1900 và 40 người vào năm 1950.
Làm sao có thể giải thích một sự tuyệt chủng nhanh chóng như vậy? Trước hết, bằng cách nhập khẩu bệnh tật từ các nước phương Tây, mà cơ thể của người dân địa phương không thể chống lại. Số phận bi thảm của bộ tộc Urubu, một trong những bộ tộc da đỏ ở đông bắc Brazil, rất điển hình về khía cạnh này. Năm 1950, chỉ vài năm sau khi họ được phát hiện, Urubu bị nhiễm bệnh sởi. Trong vài ngày, trong số 750 người có 160 người chết. Một trong những nhân chứng đã để lại mô tả như sau về dịch bệnh này: “Chúng tôi phát hiện ngôi làng đầu tiên bị bỏ hoang. Tất cả cư dân đều rời bỏ nó, bởi vì họ tin rằng bằng cách này họ sẽ có được khỏi bệnh, mà theo quan điểm của họ, là một linh hồn tấn công các ngôi làng. Chúng tôi tìm thấy những cư dân của ngôi làng này trong rừng. Hầu như tất cả họ đều trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Kiệt sức, run rẩy vì sốt, họ nằm dưới cơn mưa tầm tã. Các biến chứng về đường ruột và phổi khiến chúng suy yếu đến mức chúng không thể tự kiếm được thức ăn. Họ thậm chí không có nước, và họ chết không chỉ vì bệnh tật, mà còn vì đói và khát. Trẻ con bò trên mặt đất, cố giữ lửa không tắt trong mưa, mong giữ ấm; những người đàn ông, bị đốt cháy bởi sốt, không thể di chuyển; những người phụ nữ đã mê man đẩy ra khỏi mình những đứa trẻ bất lực đang đòi bú.”
Năm 1954, một khu định cư dành cho người da đỏ được thành lập trên sông Guapora ngăn cách Brazil và Bolivia, trong đó có 400 người từ bốn bộ lạc khác nhau tụ họp. Trong vòng vài tháng, tất cả họ đều chết vì bệnh sởi.
Ngoài các bệnh truyền nhiễm, một vấn đề nghiêm trọng là thiếu vitamin và thức ăn, cũng như các bệnh về hệ thống mạch máu, tổn thương mắt và sâu răng. Các bộ lạc địa phương không biết đến những căn bệnh này vào thời điểm họ sống theo lối sống truyền thống, tất cả đều xuất hiện khi người da đỏ bắt đầu sống trong các ngôi làng và ngừng ăn thức ăn thu lượm được trong rừng.
Trong những điều kiện như vậy, ngay cả những biện pháp truyền thống đã được thử nghiệm, chẳng hạn như rắc than bột lên vết bỏng nặng, cũng không còn tác dụng chữa lành. Ngay cả những bệnh đặc hữu cũng có tác động bất lợi đến cơ thể, ví dụ như giun ở trẻ em bắt đầu chui ra qua tai và miệng.
Các yếu tố khác, ít trực tiếp hơn, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của người da đỏ, chẳng hạn như sự sụp đổ hoàn toàn của cấu trúc xã hội và cách sống của họ. Cuộc sống của bộ lạc Kaingang, mà chúng tôi đã đề cập, phải tuân theo các quy tắc xã hội nghiêm ngặt mà tất cả các nhà nhân học đều biết: cư dân của mỗi làng được chia thành hai nhóm và đàn ông từ nhóm này chỉ được kết hôn với phụ nữ từ nhóm khác. Cùng với sự suy giảm dân số, nền tảng của cách sống của họ đã bị phá hủy. Do hệ thống khắc nghiệt của Kaingang, không phải người đàn ông nào cũng có thể tìm được vợ và anh ta sẽ phải chịu cảnh độc thân nếu anh ta kiêng kết hôn trong nhóm của mình (theo họ, cuộc hôn nhân như vậy có nghĩa là loạn luân, anh ta chỉ được phép làm vậy với điều kiện rằng sẽ không có con). Trong tình cảnh như vậy, cả một dân tộc có thể biến mất trong vòng vài năm.
Sau khi xem xét tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng khó khăn hơn không chỉ để nghiên cứu cái gọi là các dân tộc “nguyên thủy”, mà ngay cả việc đưa ra một định nghĩa thỏa đáng về thuật ngữ này. Trong những năm gần đây, ở một số quốc gia có vấn đề về các dân tộc “nguyên thủy”, người ta đã nỗ lực sửa đổi các định nghĩa được đưa ra trong luật bảo vệ các dân tộc này. Cả ngôn ngữ, văn hóa hay ý thức thuộc về nhóm đều không còn có thể là tiêu chí hiệu quả nữa. Dựa trên một cuộc khảo sát do Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện, trong một báo cáo của mình, tổ chức này nhấn mạnh rằng khái niệm văn hóa nguyên thủy (bản địa) đang dần biến mất và bị thay thế bởi các khái niệm nghèo đói và thiếu thốn.
Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề. Có những nơi khác trên thế giới mà dân số, đối tượng truyền thống của nghiên cứu nhân học, lên tới hàng chục và hàng trăm triệu người và tiếp tục tăng; thì một quá trình như vậy đang xảy ra, ví dụ, ở Trung Mỹ, ở dãy Andes, ở Đông Nam Á và ở châu Phi.
Nhưng ngay cả ở những nước này, số phận của các nhà nhân học cũng không khá hơn, mặc dù trong trường hợp này, những khó khăn không nằm ở định lượng, mà ở những thay đổi về chất. Bất kể ý chí và mong muốn của họ như thế nào, các dân tộc này đang trong quá trình biến đổi, và nền văn minh của họ đang tiếp cận với nền văn minh của phương Tây, vốn chưa bao giờ là chủ đề hay lĩnh vực của nhân học. Quan trọng hơn, sự phản đối đối với nghiên cứu nhân học ngày càng gia tăng trong các dân tộc này. Có trường hợp một số bảo tàng nhân học buộc phải đổi tên và bắt đầu được gọi là “bảo tàng nghệ thuật và phong tục dân gian”.
Các nhà kinh tế học, tâm lý học và xã hội học được đón nhận nồng nhiệt tại các trường đại học của các quốc gia trẻ mới giành được độc lập gần đây. Tuy nhiên, không thể nói rằng các nhà nhân học cũng được đón nhận như vậy.
Có vẻ như nhân học đang trở thành nạn nhân của một âm mưu kép của các dân tộc. Một mặt là những dân tộc đang lẩn tránh nó, vì họ đang biến mất khỏi mặt đất theo nghĩa đen. Mặt khác là những dân tộc còn lâu mới chết, mà ngược lại đang trải qua một sự “bùng nổ” về gia tăng dân số, và hoàn toàn thù địch với nhân học vì những lý do tâm lý và đạo đức.
Nhóm đầu không đặt ra bất kỳ vấn đề cụ thể nào đối với các nhà nhân học. Chúng ta chỉ có thể tăng tốc độ nghiên cứu, sử dụng vài năm còn lại theo ý của chúng ta để thu thập càng nhiều tài liệu càng tốt về những hòn đảo đang biến mất của nhân loại. Những tư liệu như vậy có tầm quan trọng thiết yếu đối với chúng ta, bởi vì, không giống như khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn không thể thiết lập một thí nghiệm theo ý mình.
Mọi kiểu xã hội của tín ngưỡng hay thể chế, mọi lối sống đều là một thử nghiệm sẵn có đã được tạo ra qua hàng nghìn năm và là duy nhất về bản chất. Với sự biến mất của các xã hội, tất cả các khả năng nghiên cứu chúng sẽ biến mất vĩnh viễn, và cơ hội làm giàu kiến ​​thức của chúng ta trong lĩnh vực này sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.
Đó là lý do tại sao các nhà nhân học coi đó là điều cần thiết, trước khi các xã hội này biến mất và các phong tục xã hội của họ bị phá hủy, việc phát triển các phương pháp quan sát hoàn hảo hơn, giống như các nhà thiên văn học nhờ đến sự trợ giúp của bộ khuếch đại điện tử để bắt được ánh sáng vô tận của các ngôi sao đang lùi dần khỏi chúng ta…
Trong trường hợp thứ hai, ít nghiêm trọng hơn, nó liên quan đến các dân tộc có nền văn minh không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng đối phó với nguy cơ này khó hơn nhiều. Thật vậy, có lẽ sẽ có thể xua tan sự ngờ vực của những người trước đây từng là đối tượng của nghiên cứu nhân học, bằng một đề xuất đơn giản rằng sau này những nghiên cứu này sẽ không còn là “một chiều”? Có lẽ khoa học của chúng ta sẽ lấy lại được vị trí của mình nếu chúng ta mời các nhà dân tộc học châu Phi hoặc Melanesia nghiên cứu chúng ta một cách tự do như chúng ta sẽ nghiên cứu họ.
Sự có đi có lại như vậy sẽ là điều đáng mong đợi, nó sẽ làm phong phú thêm nhân học, mở rộng tầm nhìn và mở ra trước mắt những con đường phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không được nuôi hy vọng hão huyền giải quyết vấn đề chính theo cách này, bởi vì điều này không tính đến những lý do sâu xa ẩn chứa thái độ tiêu cực đối với nhân học của một bộ phận các dân tộc bị đô hộ vào thời của họ. Họ sợ rằng dưới chiêu bài giải thích nhân học về lịch sử, thứ mà họ cho là không thể dung thứ được, sự bất bình đẳng sẽ được chứng minh là sự đa dạng cần có của nhân loại.
Cho phép tôi đưa ra một mệnh đề, mà mặc dù đến từ một nhà nhân học, nhưng không có gì đáng nhục nhã và là một quan sát khoa học thuần túy. Người dân của thế giới phương Tây sẽ không bao giờ có thể – trừ phi bằng cách đạo đức giả – trở thành “kẻ man rợ” trong mắt những người mà họ đã đàn áp. Đối với chúng ta, những người đó tồn tại vào thời điểm đó chỉ như là đối tượng nghiên cứu khoa học hoặc đàn áp chính trị và kinh tế. Còn chúng ta, theo quan điểm của họ, chịu trách nhiệm về số phận, đối với họ dường như là một lực lượng tích cực mà rất khó để thiết lập quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Cho dù nghịch lý đến đâu, thì cảm giác đồng cảm với các dân tộc này chắc chắn đã khiến nhiều nhà nhân học chấp nhận ý tưởng về đa nguyên, vốn khẳng định sự đa dạng của nền văn hóa nhân loại, đồng thời phủ nhận khả năng phân loại các nền văn hóa thành “cao hơn” và “thấp hơn”.
Đồng thời, chính là những nhà nhân học đó, và nhân học nói chung, hiện đang bị buộc tội là cố tình phủ nhận sự phân chia các nền văn minh này, tìm cách che giấu nó và do đó ít nhiều trực tiếp góp phần duy trì sự phân chia đó.
Do đó, nếu nhân học muốn duy trì vị trí của mình trong thế giới hiện đại, không ngoa khi nói rằng điều này sẽ đạt được với cái giá của những thay đổi sâu sắc hơn nhiều so với việc mở rộng phạm vi hoạt động của nó (cho đến nay là rất hạn chế) bằng cách áp dụng công thức của trẻ con: “Chúng tôi sẽ cho bạn chơi đồ chơi của mình, nếu bạn cho chúng tôi chơi đồ chơi của bạn.”
Nhân học phải thay đổi chính bản chất của nó, phải thừa nhận rằng hầu như không thể vì lý do logic và đạo đức mà tiếp tục coi xã hội chỉ là đối tượng nghiên cứu mà một số nhà khoa học muốn bảo tồn. Giờ đây, những xã hội này đã trở thành những thực thể tập thể và đòi hỏi quyền đối với những thay đổi mà họ cần.
Sự thay đổi của đối tượng của nhân học như vậy đòi hỏi sự thay đổi về mục tiêu và phương pháp của nó. May mắn thay, điều này có vẻ khá khả thi, bởi vì dấu hiệu nổi bật của khoa học chúng ta luôn là quy tắc không coi bất cứ điều gì là tuyệt đối, mà bắt đầu từ mối quan hệ cụ thể giữa người quan sát và người được quan sát, và luôn tính đến sự cần thiết phải thay đổi của các phương pháp khi các quan hệ này thay đổi.
Không nghi ngờ gì, tính đặc thù của nhân học luôn là nghiên cứu các hiện tượng tại chỗ hoặc “từ bên trong”. Thật vậy, lý do cho điều này là không thể nghiên cứu từ xa hoặc “bên ngoài”. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, cuộc cách mạng vĩ đại của thời đại chúng ta là toàn bộ các nền văn minh đang trở nên tự nhận thức và cùng với việc xóa bỏ nạn mù chữ, bắt đầu nghiên cứu quá khứ, truyền thống của họ và mọi khía cạnh độc đáo của nền văn hóa của họ còn tồn tại cho đến ngày nay.
Hãy lấy Châu Phi làm ví dụ. Nếu nó không còn là đối tượng nghiên cứu của người ngoài, điều này không có nghĩa là nghiên cứu khoa học sẽ dừng lại. Trong quá trình nghiên cứu lục địa này, nhà nhân học – người quan sát ngoài – sẽ được thay thế bằng các nhà khoa học địa phương hoặc người nước ngoài hoạt động theo cách giống như các đối tác châu Phi của họ.
Họ sẽ không còn là nhà nhân học, mà là nhà ngôn ngữ học, nhà ngữ văn, nhà sử học nghiên cứu các sự kiện và tư tưởng. Nhân học sẽ sẵn sàng chấp nhận sự chuyển đổi như vậy sang các phương pháp mới, hiệu quả hơn và cải tiến hơn, đồng thời tự tin rằng nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình, lưu giữ nhiều giá trị nhân văn cho tri thức khoa học.
Đối với tương lai của chính nhân học, nó dường như đi theo hai con đường được xác định bởi các vị trí truyền thống của nó. Một mặt, đây là sự mở rộng phạm vi địa lý, vì chúng ta phải thâm nhập ngày càng nhiều vào những vùng xa xôi hẻo lánh để tiếp cận những dân tộc cuối cùng được gọi là “nguyên thủy”, mà hiện nay ngày càng ít đi. Đồng thời nó sẽ phát triển theo nghĩa nhận thức, khi chúng ta trở nên quan tâm đến các thực thể mà chúng ta có một di sản phong phú, và sự hiểu biết về chúng đang đều đặn tăng lên.
Mặt khác, việc xóa bỏ cơ sở vật chất của các xã hội nguyên thủy cuối cùng khiến thế giới bên trong của họ trở thành đối tượng nghiên cứu của chúng ta, chứ không phải vũ khí, công cụ và đồ gia dụng đã biến mất. Khi nền văn minh phương Tây ngày càng trở nên phức tạp hơn và lan rộng ra toàn thế giới, nó bắt đầu có những dấu hiệu khác biệt rõ rệt, vốn luôn là đối tượng nghiên cứu của nhân học, và nhân học chỉ có thể phát hiện ra chúng bằng cách so sánh các nền văn hóa rất khác nhau và xa nhau. Đây chính là chức năng vĩnh viễn của nhân học. Và, như các nhà nhân học khẳng định, nếu có một “sự khác biệt tối ưu” nào đó được coi là điều kiện vĩnh viễn cho sự phát triển của nhân loại, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng, sự khác biệt giữa các xã hội riêng lẻ và các nhóm trong các xã hội này sẽ biến mất chỉ để xuất hiện trở lại trong một hình dạng khác.
Dịch từ bản tiếng Nga.
PHAN PHƯƠNG ĐẠT

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Cần từ bỏ việc ghép cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” với Tư tưởng Hồ Chí Minh (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 138)

 


Cần từ bỏ việc ghép cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” với Tư tưởng Hồ Chí Minh (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 138)



Tương Lai



Chủ đề này vốn chiếm lĩnh một điểm nhấn suy ngẫm và tìm kiếm thông tin trong nội dung nghiên cứu của tôi. Gần đây lại càng giục giã phải viết, khi mà trên sách báo chính thống và trên hệ thống truyền thông nhà nước rộ lên những thông tin phê phán việc tách rời cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” ra khỏi “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Người ta cho đó là “một sai lầm” nhằm “hạ thấp Tư tưởng Hồ Chí Minh”, có ý đồ xuyên tạc với dụng ý xấu nhằm làm chệch hướng tư tưởng của Đảng.

Tạp chí Cộng sản ra ngày 30.3.2022 viết: “Một trong những thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị thường sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ là tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ hiện hành trên đất nước ta. Do đó, nhận diện, bóc trần thủ đoạn này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay”.

Cái “nền tảng tư tưởng” đó là gì vậy? Liệu có phải là cái gọi là “văn hoá Đảng” được phô ra một cách kệch cỡm và liều mạng: “Văn hoá Đảng chính là đỉnh cao những giá trị văn hoá của nhân loại, của dân tộc, của giai cấp được thấm sâu và kết tinh trong mỗi cán bộ, đảng viên và trong mỗi tổ chức của Đảng”.[1]

Cái gọi là “sự kết tinh” đó phải chăng là trong 10 năm qua, con số bị kỷ luật lên đến 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng năm 2021, đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng (khiển trách 159 tổ chức, cảnh cáo 64 tổ chức), cao hơn nhiều so với bình thường.[2]



Điều này không lạ. “Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng [tha hoá] cũng tuyệt đối” sự đúc kết trở thành quy luật của nhà sử học Lord Acton đã trở nên quá quen thuộc trong báo chí và truyền thông đối diện với một thực trạng tồi tệ của sự băng hoại về đạo lý xã hội, về sự xuống cấp của văn hoá, về sự hư hỏng của người có quyền lực. Từ quyền lực cỏn con cho đến quyền lực của “lên tận đỉnh chín tầng cao” ngày càng bi đát theo cấp số nhân. “Ít người nhận thức được những mối nguy hiểm của quyền lực chính trị rõ ràng như Lord Acton. Ông hiểu rằng những người nắm quyền thường đặt quyền lợi của chính họ cao hơn tất cả và sẽ làm tất cả mọi việc nhằm giữ được quyền lực. Họ thường xuyên nói dối. Họ vu cáo những người cạnh tranh…”.

Nhưng câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà vấn đề này lại được xới lên khi những tin nóng về “cái lò của ông Trọng” đang giữ nhịp sống động thu hút độc giả cho các thông tin trên các tờ báo chính thống, kể cả các “siêu báo” và hệ thống truyền thông Nhà nước cũng như trên các báo mạng – với những lời bình luận nổ như ngô rang – về các vụ án tham nhũng. Các nhà báo chẳng cần phải “câu viu”, mà “viu” [view] nóng đã ngày lại ngày đến đều đều từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Đảng, các cơ quan Điều tra và Chấp pháp của Nhà nước về các tội trạng lớn nhỏ từ Trung ương đến địa phương như vừa nêu. Ông Tổng Trọng còn kể ra rất rạch ròi và dõng dạc các con số đảng viên và cán bộ các cấp từ cơ sở đến Trung ương, cả đến Uỷ viên Bộ Chính trị bị kỷ luật ấy. Thoạt nghe cứ như đó là “thành tích” của ông ta, cho dù có lúc ông ta cũng giả vờ “buồn” để báo chí theo đó mà tụng ca hoặc dè bỉu, tuỳ theo chỗ đứng của họ trong bộ máy cầm quyền đang rệu rã, hay giữa lòng dân đang chán ngán.

Phải chăng là bộ máy truyền thông được chỉ thị cần phải làm loãng bớt đi không khí nặng nề của đời sống đang bị đảo lộn, lại được nóng thêm bởi ngọn lửa với củi khô củi tươi từ “lò ông Trọng” trong cuộc chiến loại bỏ đối thủ phả vào. Cũng có lời bình: Chưa chừng đó là một tín hiệu “kiên định lập trường” gửi đến Bắc Kinh khi mà sức ép từ “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” đang tăng thêm trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động mang tính đột biến.

Với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do Putin phát động, “cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21 xáo trộn tình hình địa chính trị và địa kinh tế thế giới hiện thời, đẩy thế giới vào một cục diện mới đa cực rất phức tạp”[3]. Trong “cục diện mới đa cực” ấy, nổi lên sự đối dầu giữa thể chế độc tài phản dân chủ ở phương Đông mà cốt lõi là sự cấu kết của Putin và Tập Cận Bình với cuộc đấu tranh của nhân dân Ucraina bảo vệ độc lập, dân chủ và tự do, bảo vệ chuẩn giá trị về phẩm giá con người được sự hậu thuẫn của phương Tây mà EU và Mỹ là cốt lõi.

Thì chẳng phải trong chỉ dẫn của tạp chí Cộng sản về “nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” cũng đã hé mở ra điều đó, với cục diện mới của thế giới đã bỏ xa cái thời Việt Nam nằm trong “hai Phe bốn Mâu thuẫn” khi mà “Phe” xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ. Điều này chỉ làm rõ thêm ý kiến của Võ Văn Kiệt cách nay đã 27 năm trong Thư gửi Bộ Chính trị ngày 9.8. 1995: “Cần đánh giá thực chất quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Sự thật hiện nay là 4 nước xã hội chủ nghĩa tuy có những mối quan hệ với nhau ở mức độ nhất định, song không thể hành động, và không có giá trị trên trường quốc tế, như một lực lượng kinh tế và chính trị thống nhất. Nói riêng về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thì tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa trong những mối quan hệ giữa những nước này. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tồn tại không ít điểm nóng. Thuần tuý nói về chủ nghĩa xã hội thì cả 4 nước xã hội chủ nghĩa còn lại đều nói còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi con đường riêng phù hợp của từng nước”.

Trong bối cảnh mới, bằng sự câu kết với Putin, “Tập Cận Bình đã lái “Giấc mộng Trung Hoa” theo xu hướng cực đoan, thách thức trật tự quốc tế cũ do Mỹ cầm đầu, và muốn thay thế bằng luật chơi mới của Trung Quốc, bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn (như Việt Nam và ASEAN) là đồng minh và đối tác của Mỹ. “Vì thế, chỉ có dân chủ hóa và thoát Trung, mới thoát khỏi định mệnh như cái vòng kim cô về ý thức hệ, đã kìm hãm và kéo lùi lịch sử Việt Nam nhiều thập kỷ. Biển Đông vừa là nguy cơ có thể mất chủ quyền, vừa là cơ hội để thoát Trung. Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội đổi mới. Vì vậy, phải đổi mới thể chế chính trị đã lỗi thời trước khi quá muộn”.[4]

Cần làm rõ vấn đề “tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin” được cho là “xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ hiện hành trên đất nước ta” trong bối cảnh thế giới mới đòi hỏi phải “đổi mới thể chế chính trị đã lỗi thời trước khi quá muộn”. Vậy thì, thử bàn xem, việc tách rời cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi Tư tưởng Hồ Chí Minh là “hạ thấp” hay “đề cao” Tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay? Để trả lời phải làm rõ một số vấn đề sau đây:

- Liệu có hay không một “Chủ nghĩa Mác-Lênin” với một “Chủ nghĩa Mác” và một “Chủ nghĩa Lênin” không?

- Liệu có đúng là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là sự vận dụng sáng tạo “Chủ nghĩa Mác-Lênin” vào Việt Nam không?

- Thực chất và cốt lõi của “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là gì?

Thật ra thì điều này không có gì mới. Cách nay 15 năm trong một tham luận gửi đến Hội thảo “Về phương pháp luận nghiên cứu “Chủ thuyết phát triển” và Tư tưởng Hồ Chí Minh” tổ chức tại TP HCM ngày 8.4.2009 theo Thư mời của Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, tôi đã viết:

“Nếu nói thật gọn thì tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam tiên tiến và có hiệu quả nhất. Tư tưởng đó được hình thành từ xa xưa, biến chuyển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc, được làm giàu đẹp và độc đáo thêm trong quá trình tiếp biến hàng ngàn năm với nhiều hệ tư tưởng, nhiều nền văn minh phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, rồi từ thế kỷ XIX với nhiều hệ tư tưởng và nhiều nền văn minh ở phương Tây, được đột biến và nâng cao về chất. Tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của sự xuất hiện tư tưởng Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ XX khi gặp được luận cương của V.I. Lênin về dân tộc và những gợi ý về tư tưởng lý luận của K. Marx đáp ứng được khát vọng cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, tư tưởng ấy tiếp tục phát triển sáng tạo trong thực tiễn, trong tình cảm sục sôi tìm đường cứu nước, gắn kết với việc phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc và sự tiếp thu những thành quả hiện đại của tư tưởng loài người. Điểm nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng yêu nước, là đặt tổ quốc lên trên hết và trước hết, vì thế, Hồ Chí Minh đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy đó làm động lực của phát triển chứ không phải "đấu tranh giai cấp", càng không phải là "đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản". Tiến trình hình thành tư tưởng ấy trong gần 2/3 đầu thế kỷ XX, in đậm dấu ấn riêng của cuộc đời hoạt động, bản lĩnh và nhân cách Hồ Chí Minh”.[5]

Nói như vậy cũng có nghĩa là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “học thuyết của K. Marx” vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh tuý nhất, cũng có nghĩa là đúng nhất, của lý luận Marx, Engels, Lenin. Trong quá trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hoá của cả loài người. Thì chẳng phải Hồ Chí Minh đã viết đó sao: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.[6]

Có lẽ vì bác bỏ sự khẳng định phải gắn liền cái gọi là “Chủ nghĩa Mác Lênin” với “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đó mà cách nay 13 năm, nhân danh Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tô Huy Rứa đã huỷ lời mời không để tôi đến dự Hội thảo “gọi là khoa học” đó, không cho đọc tham luận, cũng chẳng giải thích, cũng không một lời xin lỗi! Dẫn ra chuyện này chỉ để nói lên thói trịch thượng quen thuộc và tính dai dẳng của sự ngoan cố quyết giữ bằng được một mô hình đã sụp đổ của một ý thức hệ lỗi thời, nhằm củng cố chỗ dựa cho cái ghế quyền lực đã lung lay vì mất lòng dân.

Xin dẫn ra đây giải thích của một nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Marx có trách nhiệm: “Cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” chỉ là vấn đề trong nội bộ Đảng chứ không phải là của dân tộc. Chủ nghĩa này chỉ thành vấn đề với dân tộc khi cuộc chiến tranh giải phóng chấm dứt, Đảng Cộng sản theo lý luận của “Mác-Lênin” cho là đã hoàn thành giai đoạn “cách mạng dân tộc dân chủ”, chuyển ngay sang công cuộc xây dựng xã hội mới (không thông qua chủ nghĩa tư bản) với những biện pháp mang thẳng về từ những nước “anh em” Liên Xô, Trung Quốc. Và đó mới thật sự là thứ chủ nghĩa “Mác-Lênin” đích thực theo cái nghĩa mà chúng ta đã biết khi nhắc đến cuộc Cách mạng Tháng mười Nga “tiên thiên bất túc”: một cuộc cách mạng mang những nguyên lý của Marx ra thực hiện, nhưng đã đi ngược lại hoàn toàn cái mô hình “xã hội cộng đồng chủ nghĩa” do Marx vạch ra cho tương lai. Và cũng từ đó trở đi những phức tạp, khó khăn, những dối trá ngược ngạo, những “nghịch lý” nảy sinh”.[7]

Chính vì những nghịch ấy mà cần phải làm rõ một số vấn đề sau đây:

Sinh thời, Karl Marx không bao giờ tự nhận có một “chủ nghĩa Marx”, thậm chí Marx nói rằng mình không phải là người “Marxism”! Về sau này, do nhu cầu của cách mạng mà những đồng chí của K. Marx, trước hết là F. Engels mới nói đến “Chủ nghĩa Marx” với tính cách là một học thuyết dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân của giai đoạn mới khi Marx đã qua đời. Sự nghiệp của K. Marx đang còn dang dở. Tư tưởng lý luận của Marx cần được bổ sung, sửa chữa và phát triển, điều mà Marx thường xuyên thực hiện trong suốt cuộc đời mình. Cần hiểu rằng, Marx là người mà “sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa kịp hình thành đã sửa chữa”[8]. Vì thế, với chúng ta ngày nay, điều quan trọng nhất là lý luận Marx cần phải được xem xét trong bối cảnh mới mà trước hết phải chỉ ra những gì có thể ghi nhận để tiếp thu và loại bỏ những sai lầm rất lớn của lý luận đó. Điều này thì các nhà khoa học nói chung và những nhà “Marx học” nói riêng đã chỉ ra rất rõ ràng và đầy tính thuyết phục, chỉ có điều ở ta thì chúng bị cấm kỵ không được nói đến!

Phải dám nhìn thẳng vào sự thật để chỉ ra rằng, những sai lầm của lý luận Marx đã đưa đến những hệ lụy quá lớn mà Marx không sao hình dung nổi. Đặc biệt là khi V. Lenin khai thác và áp đặt những luận điểm sai lầm của Marx về bạo lực cách mạng và về chuyên chính vô sản vào nước Nga, đẩy tới những tai hại khủng khiếp của quá trình triển khai những luận điểm ấy trong một chế độ độc tài tàn khốc Stalinist nhân danh Chủ nghĩa Marx-Lenin! Không ai khác, mà chính V.I. Lenin đã thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta không hề coi lý luận Marx như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”.[9]

Có nhiều luận điểm mà đương thời, Marx cũng như Engels đã từng trăn trở, suy tư và đưa ra nhiều gợi ý sửa chữa, nhưng rồi sau này, do những lý do và động cơ khác nhau, người ta đã không chú ý hoặc cố tình bỏ qua, đây cũng là điều phải lưu ý. Có những điều mà đương thời Marx đã nhận ra, đã thay đổi quan điểm và nêu lên những điểm mới để hoặc là sửa chữa, hoặc là bổ sung ví như luận điểm về giai cấp công nhân có thể sử dụng hình thức đấu tranh nghị trường. Trong “Lời nói đầu viết cho bản cương lĩnh của Đảng Công nhân Pháp” viết vào đầu tháng 5 năm 1880 mà sau này những người nghiên cứu cho rằng đó là “Di chúc chính trị” của K. Marx, nhưng nhận định quan trọng đó đã bị bỏ qua. Thay vào đó không thiếu những điều mà người ta cố tình gán ghép cho Marx.

Chỉ đưa ra đây một điều được cho là “quy luật thép” trong “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, thậm chí có lúc được xem như là một trong những luận điểm then chốt dẫn dắt sự đổi mới về vận hành kinh tế, đưa tới một số quyết định về đường lối chính sách quản lý kinh tế sau Đại hội VI, xem như là sự trở lại với quan điểm đúng. Đó là quan điểm về “quy luật tất yếu giữa trình độ phát triển của lực lượng sản xuất với tính chất của quan hệ sản xuất”. Ấy vậy mà, xem xét thật kỹ những thành tựu nghiên cứu đáng tin cậy về Marx trong nửa sau thế kỷ XX, người ta cho rằng đây không phải là tư tưởng của Marx, đúng hơn, đây chỉ phản ánh một kết quả nghiên cứu của Marx ở giai đoạn chưa thật “trưởng thành” để đạt độ “chín” về lý luận mà sau này K. Marx đã không nhắc đến nữa. Luận điểm này không đứng đơn độc mà nó liên quan đến một loạt những vấn đề cơ bản về “hình thái kinh tế xã hội”, về mối liên hệ tương tác giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Về sau này, những nhà nghiên cứu về Marx cho rằng, thật ra, những ý kiến trên chưa thể hiện được tư duy của K. Marx của giai đoạn sau này, giai đoạn lý luận đạt độ “chín” khi viết bộ “Tư bản”.

Trong hệ thống tư tưởng lý luận của K. Marx, không có sự phân biệt một cách rạch ròi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất như hai “vật” khác nhau cùng tồn tại trong một tổng thể là phương thức sản xuất. Phạm trù đích thực trong tư duy lý luận của Marx không phải là vật mà là quan hệ! Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là những quan hệ khác nhau của cùng một sự vật là nền kinh tế. Khi nhìn nền kinh tế ấy ở góc độ trong mối liên hệ giữa những con người với nhau thì đó là quan hệ sản xuất, khi nhìn nền kinh tế ấy ở góc độ mối liên hệ giữa con người với tự nhiên thì đó là lực lượng sản xuất. Người đầu tiên nói đến quy luật của sự phù hợp giữa trình độ lực lượng sản xuất và tính chất của quan hệ sản xuất là J. Stalin. Rồi sau đó, là sự tung hô, xem đó là “quy luật thép”.

Hệ quả sự tác động của “quy luật thép” ấy khó mà kể hết ra, chỉ nêu một ví dụ tiêu biểu, đó là luận điểm “Cách mạng xã hội chủ nghĩa sau khi giành được chính quyền mới tự giác thực hiện từ đầu, từ không đến có về tất cả mọi mặt” cũng do J. Stalin nêu lên, gắn liền với năm phương thức sản xuất nối tiếp nhau ra đời.

Điều này hoàn toàn xa lạ với tư tưởng lý luận của Marx mà về khái niệm “chủ nghĩa xã hội”. Diễn đạt các hình thái kinh tế xã hội theo kiểu khép kín và cắt khúc lịch sử ra từng đoạn tách rời nhau chính là sự xuyên tạc tư tưởng lý luận của Marx. Marx chưa bao giờ nói như vậy mà trong tư duy của ông, xã hội loài người trải qua ba hình thái xã hội: hình thái tiền kinh tế, hình thái kinh tế và hình thái hậu kinh tế. Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp mà trong sự hiểu biết còn hết sức hạn hẹp, tôi chỉ sơ lược gợi lên vài ý vắn tắt và có phần đơn giản trong phạm vi bài viết ngắn.

Hình thái kinh tế là gì? Là hình thái có kinh tế thị trường có hàng hoá ở những mức độ khác nhau. Lịch sử loài người đã trải qua một thời kỳ hình thái xã hội không có hàng hoá Marx gọi là hình thái xã hội tiền kinh tế. Tiếp đó, khi xã hội bắt đầu có hàng hoá, có thị trường thì đó là hình thái kinh tế. Hình thái xã hội này kéo dài mấy thiên niên kỷ với hàng hoá, với thị trường phát triển từ thấp đến cao, lên đến cao nhất là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong những dữ kiện của thời kỳ ấy, Marx nhận định đây là giai đoạn “cao nhất” của chủ nghĩa tư bản để rồi dẫn đến hình thái hậu kinh tế mà ở giai đoạn cao của nó chính là chủ nghĩa cộng sản!

Phải nắm được thực chất tư tưởng của Marx về vấn đề này là “hình thái kinh tế của xã hội” chứ không phải “hình thái kinh tế xã hội”. Truy tìm từ văn bản thì năm 1894, Lenin dịch ra tiếng Nga là “hình thái kinh tế – xã hội”, sau đó, Lenin chữa lại là “hình thái kinh tế của xã hội”. Thêm từ “của” vào mới diễn đạt được đúng logic tư duy của Marx. Theo Marx, trên những nét lớn, các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư bản hiện đại có thể xem là những thời đại tiến dần lên hình thái kinh tế của xã hội. Nơi nào không có phương thức sản xuất “châu Á” thì là “phương thức cổ đại”, tức là chiếm hữu nô lệ.

Ở đây, Marx không hề nói các hình thái kinh tế nối tiếp nhau, mà là nói về hình thái kinh tế của xã hội, trong đó, ông nhìn nhận rất rõ sự đóng góp to lớn của chủ nghĩa tư bản trong lịch sử loài người, “chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại… có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội”. Chính Marx đã viết trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” rằng: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử… Chính giai cấp tư sản là giai cấp đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của loài người có khả năng làm được những gì… Sự đảo lộn liên tiếp ấy của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng ấy làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước”. Nhưng, cũng chính K. Marx lại “là người đầu tiên đã đặt một miếng sắt nung vào giữa mặt chủ nghĩa tư bản để hằn lên đấy một dấu vết không sao có thể xoá đi được” như lời một nhà nghiên cứu ở phương Tây đánh giá về K. Marx!

Cần nói thêm, chính cái gạch nối giữa hai từ kinh tế và xã hội này (kinh tế – xã hội) được dùng rất phổ biến và rộng rãi, không chỉ ở các “giáo trình chuẩn” mà cả trong những văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước đã gây nên biết bao những ngộ nhận, những lúng túng trong nhận thức lý luận cũng như trong chỉ đạo thực tiễn. Phải đi ngược trở lại sự sai lầm của chuyện “cắt khúc” lịch sử ra những đoạn tách rời nhau của các “phương thức sản xuất” do nhiều nguyên nhân và ý đồ, song có một nguyên nhân quan trọng là diễn đạt không đúng tư duy lý luận của Marx về về hình thái kinh tế của xã hội. Không thật tường minh về điều này thì cũng không thể hiểu được luận điểm của Marx gợi mở về phương pháp luận trong tư duy về con đường phát triển. phân biệt cho được đâu là tư tưởng lý luận của Marx, đâu là sự hiểu không đúng hoặc là sự xuyên tạc Marx.

Mặc dầu Marx đã nhìn thấy khoa học kỹ thuật đã trở thành và đang trở thành lực lượng sản xuất, ông cũng đã thấy được xu thế của khoa học tiến lên tự động hoá với những tác động to lớn của nó: “Khoa học do vận động lịch sử sản sinh ra và tham dự vào vận động lịch sử ấy một cách hoàn toàn tự giác, không còn có tính chất lý thuyết suông nữa, khoa học đã trở thành khoa học cách mạng”. Nhưng Marx chưa đánh giá đúng vai trò của trí tuệ, của chất xám trong sự vận động của kinh tế. Điều này thể hiện trong cách quan niệm của Marx về “giá trị thặng dư”. Một vấn đề được xem như là “hòn đá tảng” trong học thuyết kinh tế của Marx. Ở đây chỉ thấy có lao động giản đơn, lao động chân tay, được gọi là “lao động sống” của người công nhân mới tạo ra giá trị thặng dư thì hoàn toàn không đủ. Tuy rằng về sau Marx có nói đến vai trò “nhạc trưởng” trong điều hành và quản lý nền kinh tế lớn. Nhưng xem ra, vai trò ấy chỉ đặt ra như một mệnh lệnh trừu tượng chứ không nêu lên được sự đóng góp có ý nghĩa rất lớn của vai trò quản lý trong qúa trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội, trong sự điều chỉnh các cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, Marx cũng chưa làm sao thấy trước được vai trò quản lý khi khai thác được những thành tựu của khoa học và công nghệ để tự điều chỉnh và thúc đẩy quá trình phát triển hình thái kinh tế của xã hội với chủ nghĩa tư bản phát triển. Cũng liên quan đến những nhận thức nói trên, K. Marx đã có phần nào tuyệt đối hoá vai trò của bạo lực, cho rằng cách mạng là bạo lực, là bạo lực bằng vũ trang khởi nghĩa, hoặc là bạo lực chính trị của quần chúng nổi dậy.

Chính từ nhận thức đó mà Engels khái quát thành luận điểm “bạo lực luôn luôn là bà đỡ cho sự xuất hiện của xã hội mới” mặc dầu về cuối đời, Marx có điều chỉnh lại luận điểm này. Trong mạch tư duy ấy, K. Marx nhấn mạnh vào tính chất phổ biến và thường trực của cách mạng vô sản và dự liệu khả năng cách mạng vô sản sẽ nổ ra đồng loạt, gần như tức khắc ở một loạt nước tư bản phát triển. Người ta cho rằng đây là một dấu vết của lối ngoại suy theo “chủ nghĩa kinh tế” mà sau này Marx cố khắc phục.[10]

Ấy thế mà: “Trong thực tế, cái lộ trình chung cuộc của chủ nghĩa tư bản hiện thực đã không chấm dứt theo cái lôgích tối đa hoá, phân cực hoá như Marx đã hình dung. Chủ nghĩa tư bản đã không chết trên sự giàu sang của nó như một tất yếu mù quáng: mặc dù bản thân vẫn chứa đầy mâu thuẫn nhưng nó đã biết tự điều chỉnh để tồn tại. Giai cấp công nhân vẫn còn là những người làm thuê, bị “bàn tay vô hình”của cơ chế sản xuất tư bản chủ nghĩa làm cho đời sống bấp bênh và do đó vẫn phải tiến hành những cuộc “đấu tranh giai cấp” để cải tiến số phận; nhưng cái lớp người hiện thực ấy đã không trở thành những kẻ vô sản mất hết nhân tính riêng biệt, để từ đó tự sản sinh ra được cái ý thức về một sự giải thoát phổ biến, xây nên một vương quốc tự do mang lại nhân tính cho loài người như Marx đã suy đoán. Cũng vì thế mà cùng với thời gian, những dự kiến của Marx về tương lai ngày càng bị xem là những viễn tưởng mờ mịt. Nhận ra tính chất tư biện và không tưởng trong lý luận của Marx là điều không mới trong giới nghiên cứu chủ nghĩa Marx từ trước đến nay”.[11]

Tôi muốn nói thêm về tai hại của việc nhìn nhận về “vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, một giai cấp chỉ mất có xiềng xích mà được cả thế giới, sẽ đảm đương

sứ mệnh tự giải phóng mình và giải phóng toàn thế giới”. Mệnh đề “công nhân không có tổ quốc” cũng có nguồn gốc từ lập luận này. Liên quan trực tiếp đến vấn đề này là luận điểm “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của lịch sử” mà Marx quá nhấn mạnh đã dẫn đến những hệ luỵ khủng khiếp cho mãi về sau, đến tận hôm nay vẫn chưa thôi.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa mà những nhà nghiên cứu về Marx đã phân tích khá kỹ, đó là đương thời, Marx chưa chú ý đầy đủ đến vấn đề dân tộc. Mặc dầu trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” đã có nói: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức dân tộc”, nhưng trong toàn bộ tư tưởng lý luận của Marx, dân tộc là vấn đề yếu nhất.

Cùng với vấn đề dân tộc, một khiếm khuyết khác nữa là Marx chưa nhìn nhận đúng về vấn đề tâm linh, về tôn giáo của các dân tộc. Tâm linh thường gắn với tính dân tộc. Đã có hàng triệu năm con người sống không có tôn giáo, đến một trình độ phát triển nào đó tôn giáo mới xuất hiện như một nhu cầu tinh thần của con người. Nhu cầu ấy là rất sâu đậm. Mới đầu là tôn giáo có tính chất bộ tộc rồi trải qua cả quá trình mới có tôn giáo dân tộc, và rồi như hiện nay, có tôn giáo mang tính khu vực và có tôn giáo mang tính toàn cầu. K. Marx rất quan tâm đến con người mà lại không chú ý đến vấn đề tâm linh, tôn giáo là một khiếm khuyết không hề nhỏ!

Tóm lại, Marx không có lý luận về cách vượt qua chủ nghĩa tư bản, càng không có một lý luận về xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Mà làm sao có lý luận về chuyện này được khi Marx chỉ có một “thực tiễn” của Công xã Paris kéo dài trong 72 ngày, khởi đầu ngày 18.3.1871 đến 28.5.1871 thì bị dập tắt. Công xã đã thất bại hoàn toàn. Marx viết về sự kiện đẫm máu này như sau: “Pa-ri công nhân, với Công xã của nó, sẽ mãi mãi được người đời ngưỡng mộ coi là tiên khu quang vinh của một xã hội mới. Hình ảnh của những bậc tiên liệt thành viên của Công xã sẽ được đời đời in sâu vào trái tim vĩ đại của giai cấp công nhân”.[12] Đây chỉ là sự tôn vinh không là một đúc kết của lý luận về nhà nước và xã hội mới.

Marx không để lại một lý luận, Marx chỉ để lại một sự nghiệp. Trong sự nghiệp đó, thất bại nhiều hơn thành công. Nhưng đó là một công trình bi tráng nhất của lịch sử nhân loại. Môt khát vọng cao cả muốn đem lại tự do cho con người. Khát vọng về một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Phải chăng vì thế mà một nhà Marx học có uy tín đã viết: “Marx thật là vĩ đại, nhưng giá không có Marx thì tốt hơn”.

Trong chiều sâu của nhận định thâm thuý ấy, tôi đọc thấy ý tưởng Marx không thể không chịu trách nhiệm về những “hiểu nhầm” tai hại về tư tưởng lý luận của Marx, về sự “dung tục hoá, thô thiển hoá” do muốn cho “dễ hiểu” khi đưa tư tưởng lý luận của Marx đến với quần chúng lao khổ… Người ta cho rằng, nếu Marx nhất quán hơn về triết học và khoa học thì chắc sẽ không có sự hiểu sai ấy. Học giả người Mỹ Hal Draper từng đưa ra nhận định, “có ít nhà tư tưởng trong lịch sử hiện đại có tư tưởng bị hiểu nhầm tai hại như vậy, bởi những người Marxist và cả những người chống Marxist”.

Tuy nhiên, không đơn giản để hiểu được rằng: “Chính cái luận đề về con người bị tha hoá và tự tha hoá trên con đường đi tìm tương lai cho mình đó mới là nội dung nền tảng, tồn tại nơi tầng sâu nhất trong những trang viết của Marx. Những giải pháp chính trị mà Marx đưa ra có thể không đủ sức mạnh hiện thực để đương đầu với cái hiện thực mà ông phê phán nhưng sự cảnh tỉnh của ông về tình trạng con người trở nên xa lạ với mình trong những cái do mình làm ra, dưới nhiều hình thức, đã mang một ý nghĩa triết học sâu sắc, nhắc nhở con người phải biết thường trực đối mặt với mình, để nhận ra cho được sự giới hạn mang tính bản thể luận của bản thân, trước khi nghĩ đến việc tìm ra con đường cứu chuộc thế tục nào khác cho cái thế giới mà mình đang sinh sống”.[13]

Và nhà nghiên cứu về sự nghiệp của Marx đã đúng khi đưa ra nhận định: “Nhờ Marx mà phương Tây biết nhận thức lại mình, điều đó cũng đã trở thành hiển nhiên với nhiều nhà tư tưởng của phương Tây, dù đó không phải là những người theo Marx”.[14]

Phải chăng vì thế mà một học giả nghiên cứu về Marx từng viết rằng “nhân loại đang sống trong mặc cảm Marx”, “lịch sử đi tới không thể không có Marx”.

Thì cũng vừa mới đây thôi trong thế kỷ XXI này theo NHK đưa tin: “Cuốn sách bán chạy bất ngờ của một học giả Nhật Bản đang khiến thế hệ độc giả mới suy ngẫm về học thuyết của nhà triết học Đức Karl Marx. Ông Saito Kohei, tác giả của cuốn sách ấy nói rằng: học thuyết của Marx vào những năm cuối đời cho chúng ta biết cần xây dựng một xã hội ra sao trong thời hậu COVID-19. Trong sách, ông đề cập tới cảnh báo của Marx khoảng 150 năm trước về chủ nghĩa tư bản không được kiềm chế, và lấy đó để giải thích cho cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang đối mặt”.

“Nghịch lý này xuất hiện dưới dạng đại dịch vi-rút corona. Tin xấu là COVID-19 không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng, cũng không phải cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà chúng ta phải đối mặt. Biến đổi khí hậu thậm chí còn nghiêm trọng hơn”. Theo Saito Kohei, “Chủ nghĩa tư bản tiến lên phía trước trong bối cảnh các nước phát triển không ngừng mở ra các chân trời mới để tiếp cận lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ. Chủ nghĩa tư bản, theo định nghĩa của Marx, là quá trình gia tăng giá trị và tài sản một cách vô hạn như vậy”.

“Trong kỷ nhân sinh hiện nay, không còn chân trời mới nào để khai thác. Giờ đây ở Mỹ cũng có lốc xoáy và thời tiết ở châu Âu cũng khắc nghiệt như bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Dù sống ở một nước phát triển, chúng ta cũng không thể chạy trốn khỏi các cuộc khủng hoảng như đại dịch vi-rút corona hoặc biến đổi khí hậu”… “Nếu chủ nghĩa tư bản vẫn đang tìm cách mở rộng chỉ để duy trì sự tồn tại thì sao? Đó là lúc chúng ta cần phanh gấp”.[15]

Sự kiện cuốn sách của một trí thức Nhật Bản trở về với Marx để tìm ra những giải pháp cho một vấn nạn toàn cầu hiện nay gợi mở cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn tâm trạng của thế hệ cha anh họ đã đến với Marx trong bối cảnh nào. Hãy lưu ý đến tâm trạng của một học giả Việt Nam nghiên cứu về Marx:

“…cùng với những đảo lộn khủng khiếp về các hệ giá trị cổ truyền, trước những thử thách của thực tế, chủ nghĩa Marx dần dà phơi bày tính chất viễn mơ của nó, nhất là sự ra đời đau đớn và sự sụp đổ thảm hại của cái thế giới phương Đông nhân danh Marx để đối đầu với phương Tây, chủ nghĩa Marx buộc phải thay đổi những kết luận của mình trước sự đổi thay của đời sống, nhưng nó vẫn chưa đánh mất hết sức mạnh của mình với tư cách là một ý hướng phê phán từ nền tảng mọi vấn đề, một triết lý mời gọi một nhân loại biết cảnh giác với những nguy cơ tự tạo ra những sức mạnh dẫn con người đến chỗ đánh mất bản thân. Marx đã chết nhưng cùng với những bất toàn mang tính cấu trúc của chủ nghĩa tư bản, những tư tưởng phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ mai một….

Tuy vậy, khi bình tâm suy nghĩ lại mọi thứ về những cái đã qua đó, đặt nó vào cái khung cảnh tổng thể của cuộc chiến đấu vào lúc bấy giờ với những gian khổ, mất mát, hy sinh triền miên, cái viễn cảnh tuyệt hảo về một xã hội tương lai ấy đã có tác dụng nâng con người lên, giúp chúng tôi vượt qua những thử thách tưởng như không thể vượt qua được để tiếp tục cuộc chiến đấu và đưa cuộc chiến đấu đến ngày chung cuộc. Tôi không biết bây giờ trong những bạn bè còn sống của mình có ai, vào một lúc nào đó bỗng chạnh nhớ đến cái giấc mơ thuở đó hay không nhưng bản thân tôi thì không bao giờ quên được: chính giấc mơ ấy đã khuôn nắn nên con người tôi, giúp tôi biết chia sẻ với đồng loại những ưu tư liên hệ đến số phận chung, không lúc nào từ bỏ cái ý muốn đi tìm một chân trời nào đó xa hơn bản thân mình để cuộc sống thường nhật mang được ý nghĩa nhiều hơn cái nó vốn có”.[16]

Vậy là, “nhờ Marx mà phương Tây biết nhận thức lại mình”. Và chắc chắn không chỉ “phương Tây”, tất cả những con người đang sống trên quả đất đã trở nên quá chật chội này đều có thể cảm nhận được khát vọng cao cả muốn đem lại tự do cho con người. Khát vọng về một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như đã nói ở trên. Đó là khát vọng không thành của một sự nghiệp dở dang do tính chất tư biện và không tưởng trong lý luận của Marx.

Còn về Lenin và “chủ nghĩa Lenin” thì xin có đôi điều như sau: Ở ta, thuật ngữ “Chủ nghĩa Lênin” được xuất hiện năm 1927 trong cuốn “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Lúc ấy chưa xuất hiện thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác-Lênin” vì thuật ngữ này chỉ được tạo ra từ đầu những năm 1930 và chính thống hoá trong tác phẩm “Lịch sử tóm tắt của Đảng Cộng sản (BSV)” do J. Stalin chỉ đạo soạn thảo.

V.I. Lenin không có đóng góp gì đáng kể về lý luận trong cái được gọi là “kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin” mà người ta hay nói đến như đóng góp về triết học, về lý thuyết xây dựng nhà nước, về lý luận xây dựng Đảng thì quả không được bao nhiêu. Về triết học, thường được nhắc đến là “Bút ký triết học”. Song thực ra, ở đây không có đóng góp gì vào kho tàng tư tưởng lý luận của K. Marx cả. Chẳng những thế có nhà “Marx học” đã cho rằng không có một “phản ánh luận Marxism-Leninism” nghiêm chỉnh theo tinh thần học thuyết Marx. “Phản ánh luận Leninism” là hướng đến cuộc thanh trừng về tư tưởng trong nội bộ đảng, tạo ra mô hình nhà nước toàn trị ý thức hệ.

Về nhà nước, đây là điều mà V.I. Lenin suy nghĩ và viết ra từ rất sớm trong “Nhà nước và Cách mạng”, một thời làm sách gối đầu giường của nhiều nhà hoạt động cách mạng giành chính quyền và xây dựng chính quyền. Thế nhưng, với kiểm nghiệm của thời gian, người ta thấy rằng, trong đó, những tư tưởng sâu sắc thể hiện tính đảng cộng sản và lý tưởng cộng sản bị phôi pha hoặc gặp quá nhiều trở ngại đến mức trở thành “ảo tưởng” không thể thực hiện được. Cuối cùng để lại là nỗi day dứt, lo lắng của V.I Lenin ngày càng tăng về tính chất quan liêu và sự tha hoá của bộ máy nhà nước, trong đó có pha thêm vào tính chất nửa man rợ Phương Đông bất chấp luật lệ đã phá bỏ những thiết kế theo chỉ dẫn của K. Marx.

“Nền dân chủ đến tận cùng” theo mong muốn của V.I. Lenin, thì lại trở thành một nền cai trị độc đoán của J. Stalin mà ông đã nhận xét rằng là người tàn nhẫn quá trong chính sách, thiếu tính thẳng thắn trung thực trong quan hệ đồng chí với nhau và nếu làm tổng bí thư thì sẽ tập trung vào tay mình một quyền lực không giới hạn! Cho đến khi V.I. Lenin mất vẫn chưa có lý luận về nhà nước, về cơ cấu và cơ chế hoạt động của nhà nước kiểu mới. Hệ luỵ của điều này thì quả là quá lớn. Đây là cái mà chúng ta đang phải trả giá hàng ngày, mà cái giá này ngày một leo thang theo tốc độ tha hoá của quyền lực mà xem ra, chưa có điểm dừng!

Về Đảng cũng vậy thôi. V.I. Lenin là người đã vạch ra ba căn bệnh lớn nhất của người cộng sản khi đã nắm được chính quyền là: bệnh kiêu ngạo cộng sản, sự ngu dốt, bệnh quan liêu. Về điều này thì ông quả là nhà tiên tri! Quan điểm mà V.I. Lenin đặc biệt nhấn mạnh và ra sức xây dựng là: Đảng phải ở trong quần chúng, Đảng chỉ là giọt nước trong biển cả của khối nhân dân quần chúng. Đảng phải biết tìm mọi cách để gắn bó máu thịt với quần chúng, không được đứng trên quần chúng. Những điều này thực ra chỉ có thể là mong muốn tốt đẹp trong tư tưởng của người lãnh đạo cuộc cách mạng, song lại không trở thành hiện thực được. Điều V.I. Lenin lo lắng nhất: Đảng trở thành nhà nước, làm thay nhà nước, một siêu nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng biến thành “đảng trị” lại được người kế nghiệp ông biến nỗi lo đó thành một sự thật. Một sự thật bi đát mà hậu quả của nó thì chúng ta đã thấm thía miễn phải dẫn giải dài dòng! Điều đáng nói chăng chỉ là, những tri thức về Nhà nước, về Đảng mà một thời chúng ta được răn dạy lại được soạn thảo theo những chỉ dẫn của J. Stalin, người được mệnh danh là “Lênin ngày nay”, những chỉ dẫn ấy lại được khoác cho bộ áo rất sang trọng và cách mạng là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” đang được cố tình gán ghép vào Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ những dòng vắn tắt về K. Marx, F. Engels và V.I. Lenin mà nói đến “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Về “tư tưởng” thì đã dẫn ra ở trên. Ở đây xin trình bày về con người Hồ Chí Minh, về bản lĩnh và nhân cách đã hun đúc nên tư tưởng. Nói như Wilfred Burchett, nhà báo lớn người Úc từng lăn lộn trên các nẻo đường chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam: “Chính là lịch sử 2000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên ông Hồ… một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, có thể nói dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm”. Phải chăng vì thế mà “Thế giới có một bộ mặt khác vì ông Hồ” như Stanley Kuller, chủ biên công trình “Bách khoa về Chiến tranh Việt Nam” nhận định. Cũng ý đó, David Halberstam lại viết: “Hồ Chí Minh là một trong số những nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta: một chút Gandhi, một chút Lenin… nhưng hoàn toàn Việt Nam” (Ho, Random House, New York, 1971).[17]

Cái gì đã tạo nên “một chút Gandhi, một chút Lenin… nhưng hoàn toàn Việt Nam” của nhân vật Hồ Chí Minh mà David đã nhận xét?

Để trả lời câu hỏi đó phải chăng cần dõi theo bước chân của một con người, một sự nghiệp trải dài suốt gần ba phần tư thể kỷ XX trên hành trình cứu nước và xây dựng lại đất nước từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc.

Là người Việt Nam đầu tiên tham gia vào một chính đảng ở châu Âu – Đảng Xã hội Pháp – người ta hỏi ông tại sao, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại Cách mạng Pháp: “tự do, bình đẳng, bác ái””. Rồi khi đã là đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, ngay từ năm 1920, với một lập luận đơn giản song nóng bỏng ngọn lửa yêu nước trong tim, Nguyễn đã thuyết phục đồng chí của mình tại những cuộc tranh luận chuẩn bị cho Đại hội Tours của Đảng: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”. Đằng sau sự ấu trĩ trong nhận thức của một chiến sĩ cách mạng vừa bước vào cuộc đấu tranh thể hiện một mục tiêu trước sau như một.

Chính vì mục tiêu đó mà Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu cho Quốc tế III. Trả lời câu hỏi của một đồng chí: “Đã hiểu tại sao phải tranh luận chưa và vì sao chưa thật hiểu điều đó mà vẫn bỏ phiếu cho Đệ tam”. Nguyễn nói: “Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do, và độc lập của họ. Còn Đệ nhị Quốc tế không hề nhắc đến vận mạng các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Động cơ dẫn dắt Nguyễn Ái Quốc gia nhập Quốc tế III, trở thành một trong những đại biểu sáng lập Đảng cộng sản Pháp cũng không ngoài mục tiêu nói trên: “…như thế dù Đệ nhị, Đệ nhị rưỡi hay Đệ tam Quốc tế phải chăng cũng thế cả. Những Quốc tế ấy đều không phải là cách mạng cả hay sao? Những Quốc tế ấy đều không đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội cả sao? Dù các bạn gia nhập Quốc tế này hoặc Quốc tế nọ các bạn cũng phải đoàn kết nhất trí. Tại sao phải tranh luận nhiều thế? Trong khi các bạn tranh luận ở đây, thì đồng bào chúng tôi đang rên xiết ở Việt Nam”.[18]

Ngay từ 1924, với cách nhìn của một bản lĩnh không chịu khuôn mình vào những công thức được áp đặt, Nguyễn Ái Quốc đã đòi hỏi phải “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản” với lập luận rằng “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước…Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Nguyễn Ái Quốc nhận định rằng, ở Việt Nam, “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”, và chỉ ra rằng “quyền lực của quan lại được cân bằng bắng tính tự trị của xã thôn”.[19]

Từ sự phân tích đặc điểm cụ thể của xã hội nước mình, và để cho “chủ nghĩa Marx sẽ còn đúng cả ở đó”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng “dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Marx bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Marx ở thời mình không thể có được”. Nguyễn Ái Quốc lập luận: “Marx đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.Vì thế Nguyễn đòi hỏi phải “xem xét lại chủ nghĩa Marx về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.[20]

Phạm Văn Đồng nhận xét rất đúng rằng: “Vào thời kỳ ấy, hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ, khó lòng tưởng tượng. Nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”.[21] Còn theo William J. Duiker, tác giả của cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản ở New York năm 2000, “thì đây là một nghịch lý táo bạo, nhưng lại là một thực tế tuyệt vời”.[22]

“Thực tế tuyệt vời” ấy là sự trải nghiệm phong phú, sống động đã rèn đúc nên bản lĩnh và nhân cách Hồ Chí Minh. Sau này khi về nước và trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã gạt bỏ những tư tưởng lý luận sai lầm kiểu Stalinist và Maoist “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào…” để khẳng định rằng: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Cùng với sự khẳng định đó, Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc”.[23]

Bản lĩnh và nhân cách ấy được tôi luyện trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ của một thanh niên mất nước, phải bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước.

Nếu so sánh với Marx, Engel, Lenin thì Hồ Chí Minh trải nhiều cay đắng về thân phận hơn rất nhiều. Và nếu không biết tự vượt lên thân phận cay đắng đó mà chỉ dừng lại lòng căm hận để tạo nên một mặc cảm hờn tủi thì sẽ dẫn đến tâm thế bi quan tiêu cực. Nhưng Hồ Chí Minh đã cất mình lên cao hơn, vì thế mà có khả năng thông cảm với nỗi đau khổ của con người, trước hết là người lao khổ. Bằng sự trải nghiệm của thân phận mình, Hồ Chí Minh dễ dàng đến với con người đủ mọi tầng lớp, dễ dàng cảm thông, chia sẻ.

Xét về học vấn thì Hồ Chí Minh không bằng Marx, Engels, Lenin nhưng về sự trải nghiệm trong thực tiễn đấu tranh với thân phận một người mất nước, đi nhiều, biết nhiều, học được nhiều trong thực tiễn sống động và phong phú, thì Hồ Chí Minh hơn hẳn ba người kia.

Hồ Chí Minh là người của giai đoạn ba phần tư thế kỷ XX so với một phần tư đầu thế kỷ này có những khác biệt rất lớn. Nói về thế kỷ XX người ta đã khái quát bằng một hình ảnh thật độc đáo: nếu lịch sử hơn 4 triệu năm của loài người thu lại trong 1 năm thì thế kỷ 20 chỉ là 13 phút, từ 23 giờ 47 phút đến 24 giờ của ngày 31 tháng 12. Trong 13 phút ấy, đặc biệt trong 5 phút cuối cùng, loài người đã hiểu biết nhiều hơn toàn bộ hệ thống kiến thức tích lũy trước đó, tức là từ khi trên trái đất bắt đầu có con người.

Hồ Chí Minh đã sống vào thời điểm đặc biệt đó. Marx, Engels không thể có và cũng không thể hình dung nổi cái khối lượng tri thức của giai đoạn này, còn Lenin thì cũng chỉ trải qua hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX, chưa đủ để hiểu và tiếp nhận những đột biến của khoa học và kỹ thuật.

Não trạng của người sống ba phần tư sau của thế kỷ XX rất khác với não trạng của người sống ở đầu thế kỷ đó. Điều cần nói thêm là Hồ Chí Minh cũng không có cơ hội để trải nghiệm một phần tư cuối của thế kỷ XX với khối lượng kiến thức khổng lồ mà cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đem lại cho loài người. Đó là một thiệt thòi cho Hồ Chí Minh, thiệt thòi cho đất nước.

Khác với Marx, Engels, Lenin, Hồ Chí Minh đã có trải nghiệm của người đứng ở đỉnh cao quyền lực của một quốc gia độc lập được mở đầu với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Marx và Engels chưa có sự trải nghiệm đó. Lenin thì có được gần 7 năm kể từ 1917 đến 1924, nhưng trong thực tế thì chỉ 4 năm cầm quyền. Sau ngày 30.8.1918 bị ám sát, viên đạn vẫn phải nằm trong cơ thể, ông bị đột quỵ nhiều lần. Tháng 3 năm 1923, ông bị đột quỵ lần thứ ba và phải ngồi xe lăn trong cả phần đời còn lại, thậm chí không thể nói được. Như vậy là Lenin chỉ trải nghiệm người đứng ở đỉnh cao quyền lực được hơn ba năm rồi mất. Gợi lên đôi nét trên chỉ nhằm nói đến “một thực tế tuyệt vời” về con người, cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, “một nhân cách Hồ Chí Minh”.

Từ thân phận một người mất nước, Hồ Chí Minh đủ bản lĩnh lên một tàu biển để rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay lao động và ngọn lửa trong tim, xin làm phụ bếp cho tàu Amiral Latouche Tréville từ Hải Phòng vừa cập bến cảng Sài Gòn ngày 2/6/1911, và hôm sau, 3.6.1911 nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba.

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre…

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!

(Chế Lan Viên – Người đi tìm hình của nước)

Bôn ba qua nhiều châu lục, nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ từ Á sang Âu, từ châu Mỹ sang châu Phi, không nề hà bất cứ nặng nhọc, lầm than kiếm sống để đi, để nhìn, để biết, để hiểu và để suy nghĩ. Chính sự trải nghiệm phong phú và khắc nghiệt đó đã hình thành nên nhân cách Hồ Chí Minh. Một nhân cách nhất quán với lý tưởng “Ái Quốc”, trước sau như một hướng tới mục tiêu cứu nước, giành độc lập cho tổ quốc, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân mình, giải phóng con người – không chỉ người Việt Nam, mà còn là con người cùng khổ đang phải sống trong áp bức, bất công.

Nét nổi trội nhất trong nhân cách của Hồ Chí Minh là nhất quán tin vào dân, tôn trọng dân, không ở trên dân, không ở ngoài dân, có lòng tự hào vô bờ bến vào sức năng động tự thân của dân. Đây là điều hiếm có ở một lãnh tụ, khi đã đứng ở đỉnh cao nhất của quyền lực của một Đảng cầm quyền, quyền lực của bộ máy Nhà nước. Liệu có phải vì thế mà người chủ biên công trình "Bách khoa về Chiến tranh Việt Nam” Stanley Kuller đã viết câu: “Thế giới có một bộ mặt khác vì ông Hồ"?

Là Chủ tịch Nước ngót một phần tư thế kỷ, hiểu rõ cái truyền thống quan liêu của nhà nước phong kiến, Hồ Chí Minh đã gắng công xây dựng một nhà nước một nhà nước “không quan” với một nhận thức rất rõ ràng: “Chính phủ Cộng hoà dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ”.

Cần nhớ rằng đây là bài nói của Hồ Chí Minh ngày 20.2.1947, tại Thanh Hoá, chỉ mấy tuần sau ngày “Toàn quốc Kháng chiến 19.12.1946, đúng hai năm khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Lúc ấy đang ở chùa Thầy – Sơn Tây, thay vì lên Việt Bắc, Hồ Chí Minh quyết định vòng qua Chi Nê – Hoà Bình, đi thẳng vào Thanh Hoá – mảnh đất trù phú từng là căn cứ địa của Lê Lợi mười năm chống giặc Minh – để bàn về chuyện xây dựng lại đất nước, sao cho “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm![24] Cần lưu ý đến thời điểm đưa ra quyết định táo bạo ấy.

Một quyết định vừa thiết thực, vừa bất ngờ và rất độc đáo mang tầm vóc của một thiên tài. Một quyết định thể hiện được cái nhìn rất sâu, rất xa về sự nghiệp gian khổ sắp tới với nhiều thách đố nghiệt ngã, nhưng vẫn vững niềm tin chắc thắng. Trong suốt cuộc kháng chiến kéo dài 8 năm, chống một đế quốc hùng mạnh và rất ngoan cố, chỉ kém cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi 2 năm, Hồ Chí Minh đã nhiều lần có những quyết định táo bạo và độc đáo như thế. Những quyết định mang tầm vóc thiên tài ấy với những giải pháp cũng táo bạo và độc đáo như thế. Có thể gọi đó là “giải pháp Việt Nam”.

Vì, đã là giải pháp cho sự nghiệp cứu nước cứu dân ra khỏi vòng nô lệ, giải phóng con người Việt Nam, giành lại tự do, hạnh phúc và quyền dân chủ cho con người trong một thế giới đầy biến động, phải là giải pháp của Việt Nam. Không thế thì không thể gọi là giải pháp. Nói theo ngôn từ của Shakespeare thì đó là “to be or not to be”. Tư duy của Hồ Chí Minh về giải pháp Việt Nam thật tường minh trong những quyết định táo bạo, thiết thực như với sự kiện vừa nêu và nhiều sự kiện khác…

Phạm Văn Đồng là người sống gần gũi với Hồ Chí Minh hơn nhiều người khác đã có nhận xét rất đúng: “Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh của dân tộc, về hướng đi của thời đại. Bản lĩnh đó hình thành trong quá trình lâu dài rèn luyện qua đấu tranh cách mạng. Con người với bản lĩnh đó là con người tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, đồng thời là con người của mọi dân tộc, của mọi người, thắm đượm hương vị non sông đất nước Việt Nam, thấm nhuần vẻ đẹp của thành quả văn minh xưa nay của loài người… Hồ Chí Minh là người linh hoạt, chủ động, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ tuổi thanh niên đến cuối đời. Có thể nói con người ấy có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn… Hồ Chí Minh là người thiết thực, dám nghĩ, dám làm những điều lớn lao, táo bạo, nhưng không bao giờ viển vông hoặc say sưa hăng bốc, rất kỵ với bệnh chủ quan, duy ý chí, bệnh huênh hoang hình thức”.[25]

Có được những phẩm tính đó vì Hồ Chí Minh là con người hoà đồng với thời đại, với thế giới nhưng luôn là con người Việt Nam, “hoàn toàn Việt Nam” như David Halberstam viết. Phần minh triết trong tư tưởng Hồ Chí Minh hoà quyện với nét thông tuệ dân gian của sự khôn ngoan dân dã quen thuộc, đã tạo nên nét độc đáo của phẩm tính Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cách Hồ Chí Minh tự tay cắt một nụ hoa hồng từ một nhánh non, gai chưa đủ nhọn và sắc trong vườn hoa tự tay mình chăm bón để đưa tặng nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, nói lên sự lịch lãm “rất tây” của một người Phương Đông biết dẻo dai vung gàu dai tưới nước như một nông dân. Là người rất sành sõi thơ Đường và làm thơ Đường khá thuần thục đồng thời cũng thoải mái làm thơ nôm na “chúc Tết” đồng bào đã phần nào nói lên nét hoà quyện đó.

Từ những điều vắn tắt vừa nêu mà bàn về việc cố tình ghép cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” vào “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, và cho rằng không đồng tình với sự gán ghép ấy là “thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị thường sử dụng để chống phá”, vì thế, “nhận diện, bóc trần thủ đoạn này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay” như tạp chí Cộng sản đã hung hăng tuyên bố. Đó là một sự nông cạn và hàm hồ trong tư duy, quen thói ăn theo nói leo theo lối “độc quyền chân lý, áp đặt tư tưởng, tuỳ tiện quy kết” của người nông cạn về hiểu biết, nhưng lại huênh hoang tự huyễn vì đang có quyền lực trong tay.

Làm như thế là hạ thấp Tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu chưa muốn nói đấy mới là xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh ở phần tinh hoa và là cốt lõi của tư tưởng ấy. Đã đến lúc phải nói rõ cần phải vứt bỏ việc gán ghép cái gọi là “Chủ nghĩa Mác Lênin” với “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, vứt bỏ nhận thức nông cạn và thô thiển cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là “sự vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam.

Hãy trả về cho cuộc sống cái giá trị vốn có của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một sự thật lịch sử đã được chứng minh. Đừng bóp méo lịch sử theo những ý đồ đen tối, mượn hình ảnh Hồ Chí Minh làm bình phong che đi cái diện mạo đen tối mà thể chế độc quyền toàn trị phản dân chủ đã tạo ra, với sự băng hoại về đạo lý xã hội, sự xuống cấp thê thảm về văn hoá, kéo theo sự tha hoá của con người, đặc biệt là người có quyền đối lập với sự lam lũ khó khăn của những người yếu thế trong xã hội.

Chúng ta đang phải sống trong thời điểm “Đất nước những năm thật buồn” như tên gọi một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Càng buồn khi anh viết:

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?

Tôi càng buồn và thông cảm với nỗi buồn của anh khi nhớ lại anh cũng là người đứng trong những người từng ở trên đỉnh cao quyền lực khi là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Nhưng tôi nhớ là Tô Đông Pha có nói người giỏi thơ thì nói ý mà không nói tên. Còn, người đỡ đầu cho bài thơ “làm thay đổi nước Mỹ” Lawrence Ferlinghetti thì cho rằng thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của tất cả mọi người.

Tôi nghĩ rằng, chính chúng ta phải nắm vận mệnh của chúng ta để góp phần nắm lấy vận mệnh của dân tộc trong một không gian đầy sợ hãi này, xua tan đám mây đen đang vần vũ che kín bầu trời.

Xem ra phải nhắc lại câu thơ Hồ Chí Minh:

Sự vật vần xoay đà định sẵn

Hết mưa là nắng hửng lên thôi [26]

晴天 Tình thiên Trời hửng

事物循環原有定,Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định Sự vật vần xoay vốn định sẵn,

雨天之後必晴天 Vũ thiên chi hậu tất tình thiên Sau ngày mưa tất đến ngày nắn

片時宇宙解淋服 Phiến trì vũ trụ giải lâm phục Trong chốc lát, vũ trụ đã cởi bộ áo ướt,

萬里山河晒錦氈 Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên Muôn dặm non sông phơi màu chăn gấm

Ngày 22.7.2022