Levi-Strauss. Ba thế hệ của thuyết nhân văn
“Les Trois humanismes”. Xuất bản lần đầu trên tạp chí Demain (1956, số 35). Được xuất bản bằng tiếng Nga trong tạp chí “Niên giám của Hiệp hội Triết học Liên Xô”, 1987-1988. Bài này dịch từ bản tiếng Nga.
Tiêu đề bài có thể được dịch là “ba làn sóng” hoặc “ba thế hệ” của chủ nghĩa nhân văn (thuyết nhân văn), vì nói đến ba hình hệ nối tiếp nhau trong nghiên cứu về văn hóa con người.
Đối với hầu hết chúng ta, nhân học dường như là một ngành khoa học mới, là bằng chứng về sự tò mò tinh tế của con người hiện đại. Trong lĩnh vực thẩm mỹ của chúng ta, các tác phẩm nghệ thuật sơ khai mới chỉ có vị trí cách đây chưa đầy năm mươi năm. Bản thân sự quan tâm đến các xã hội nguyên thủy thì có nguồn gốc xưa hơn một chút – các công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về lĩnh vực này xuất hiện khoảng năm 1860, tức là vào thời đại mà Charles Darwin đặt ra vấn đề tiến hóa trong lĩnh vực sinh học. Sự tiến hóa này, theo những người cùng thời với ông, cũng phản ánh sự tiến hóa của con người về mặt xã hội và tinh thần.
Nghĩ về dân tộc học theo cách này là một nhầm lẫn về vị trí thực sự mà tri thức của các dân tộc nguyên thủy chiếm giữ trong thế giới quan của chúng ta. Dân tộc học không phải là một khoa học riêng lẻ và cũng không phải là một khoa học mới: nó là hình thức lâu đời nhất và tổng quát nhất của cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa nhân văn (humanism).
Khi, vào cuối thời Trung cổ và trong thời kỳ Phục hưng, mọi người khám phá lại Hy Lạp-La Mã cổ đại, và khi các tu sĩ Dòng Tên đưa tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp vào nền tảng của giáo dục, thì hình thức dân tộc học đầu tiên đã xuất hiện. Phục hưng đã phát hiện ra trong văn học cổ đại không chỉ những khái niệm và lối suy nghĩ bị lãng quên, mà nó còn tìm ra phương tiện để đặt nền văn hóa của mình vào phối cảnh thời gian, để so sánh các khái niệm của mình với các khái niệm của thời đại khác và dân tộc khác.
Những người chỉ trích nền giáo dục cổ điển đang nhầm lẫn về bản chất của nó. Nếu thực sự việc học tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh chỉ đơn giản là để thông thạo những ngôn ngữ đã chết, thì đúng là không mấy ích lợi. Nhưng — và các giáo viên tiểu học nhận thức rõ điều này — thông qua phương tiện ngôn ngữ và đọc văn bản, học sinh được thấm nhuần phương pháp tư duy, trùng khớp với phương pháp dân tộc học (tôi gọi nó là “kỹ thuật chuyển đổi” – Technique de depaysement. Xem giải thích chi tiết hơn về khái niệm này trong cuốn “Nhiệt đới buồn”).
Sự khác biệt duy nhất giữa văn hóa cổ điển và văn hóa dân tộc học chỉ là khác biệt về quy mô của thế giới được biết đến trong các thời đại tương ứng. Vào đầu thời kỳ Phục hưng, vũ trụ của con người bị giới hạn trong lưu vực Địa Trung Hải. Sự tồn tại của các thế giới khác chỉ có thể được phỏng đoán. Nhưng, như chúng ta đã nói, không một bộ phận nào của nhân loại có thể hiểu được bản thân mình mà không thông qua việc hiểu biết các dân tộc khác.
Vào thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, cùng với sự tiến bộ của các khám phá địa lý, chủ nghĩa nhân văn cũng tiến bộ. Ngay cả Rousseau và Diderot cũng chỉ phỏng đoán về các nền văn minh riêng lẻ. Nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu hòa nhập vào bức tranh của thế giới. Không có khả năng tạo ra một thuật ngữ riêng, nền khoa học đại học của chúng ta, vốn chỉ định việc nghiên cứu các loại văn hóa này bằng thuật ngữ “triết học phi cổ điển”, đã thừa nhận rằng đó là cùng một phong trào nhân văn, ở một lãnh thổ mới (giống như đối với người xưa, gọi tên siêu hình học (metaphysics) cho mọi thứ có sau vật lý học). Thể hiện sự quan tâm đến nền văn minh cuối cùng đang suy tàn, trong cái gọi là xã hội nguyên thủy, dân tộc học xuất hiện như là giai đoạn thứ ba trong sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn. Giai đoạn này đồng thời là giai đoạn cuối cùng, vì sau đó không còn gì để con người khám phá về bản thân mình – ít nhất là trên phạm vi rộng (bởi vì còn có một loại nghiên cứu khác, nghiên cứu sâu, mà không thể nhìn thấy điểm kết thúc).
Nhưng còn có một mặt khác của vấn đề. Phạm vi của hai loại chủ nghĩa nhân văn đầu tiên – cổ điển và phi cổ điển – bị giới hạn không chỉ về mặt định lượng mà còn cả về mặt chất lượng. Các nền văn minh cổ đại đã biến mất khỏi bề mặt trái đất và chỉ có thể tiếp cận nhờ các văn bản và di tích văn hóa. Với các dân tộc ở Phương Đông và Viễn Đông vẫn đang tồn tại, thì phương pháp nghiên cứu họ vẫn như cũ, bởi vì người ta tin rằng các nền văn minh ở xa như vậy chỉ đáng được quan tâm nhờ những sản phẩm tinh chế nhất của họ.
Dân tộc học là lĩnh vực của những nền văn minh mới và những vấn đề mới. Những nền văn minh này không trao tài liệu thành văn vào tay chúng ta, bởi vì họ hoàn toàn không có ngôn ngữ viết. Và vì trình độ phát triển kỹ thuật của họ thường rất thấp, nên họ đã không để lại cho chúng ta những tượng đài mỹ thuật. Do đó, nhà dân tộc học cần trang bị cho chủ nghĩa nhân văn của mình những công cụ nghiên cứu mới.
Các phương pháp dân tộc học cùng lúc vừa thô sơ hơn lại vừa tinh tế hơn so với các phương pháp của những nhà nghiên cứu trước dân tộc học, của các nhà ngữ văn và sử học. Những xã hội này cực kỳ khó tiếp cận, và để thâm nhập vào họ, nhà dân tộc học phải đặt mình ra bên ngoài (nhân chủng học vật lý, công nghệ, tiền sử), và cả sâu bên trong, bởi vì anh ta hòa đồng với nhóm mà mình chung sống, và phải đặc biệt chú ý – bởi vì anh ta chẳng có thông tin nào khác – những sắc thái tinh vi nhất của đời sống tâm trí của người bản xứ.
Về mọi mặt, dân tộc học vượt ra ngoài chủ nghĩa nhân văn truyền thống. Lĩnh vực nghiên cứu của nó bao gồm toàn bộ trái đất có người sinh sống, và phương pháp luận của nó tích lũy các quy trình liên quan đến cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.
Ba chủ nghĩa nhân văn kế tiếp nhau tích hợp và nâng cao tri thức của con người theo ba hướng. Thứ nhất, theo nghĩa không gian, và là “bề ngoài” nhất (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thứ hai, trong tập hợp các công cụ nghiên cứu: chúng ta đang dần bắt đầu hiểu rằng, nếu do các tính chất đặc biệt của các xã hội “tàn dư” đã trở thành đối tượng nghiên cứu, thì nhân học buộc phải tạo ra các công cụ tri thức mới, và chúng có thể được áp dụng hiệu quả vào việc nghiên cứu cả các xã hội khác, bao gồm xã hội của chính chúng ta.
Thứ ba, chủ nghĩa nhân văn cổ điển bị giới hạn không chỉ bởi đối tượng của nó, mà những người được hưởng lợi từ nó cũng là một giai cấp đặc quyền. Ngay cả chủ nghĩa nhân văn ngoại lai (exotic) của thế kỷ 20 cũng gắn liền với các lợi ích công nghiệp và thương mại đã nuôi sống nó, và nó phải mang ơn. Sau chủ nghĩa nhân văn quý tộc thời Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn tư sản thế kỷ XIX, dân tộc học đã đánh dấu sự xuất hiện của một chủ nghĩa nhân văn phổ quát, cho cả hành tinh của chúng ta.
Tìm kiếm nguồn cảm hứng của mình trong những xã hội bị hạ nhục và bị khinh miệt nhất, dân tộc học tuyên bố rằng không có gì của con người mà lại xa lạ với con người, và do đó trở thành trụ cột của chủ nghĩa nhân văn dân chủ, đối lập với tất cả các loại chủ nghĩa nhân văn trước đây vốn được tạo ra cho các nền văn minh đặc quyền. Bằng cách huy động các phương pháp và công cụ vay mượn từ tất cả các ngành khoa học, và đặt tất cả những điều này vào phục vụ con người, dân tộc học muốn dung hòa con người và thiên nhiên trong một chủ nghĩa nhân văn phổ quát duy nhất.
Dịch từ tài liệu tiếng Nga.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa