Hiển thị các bài đăng có nhãn Thế giới. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thế giới. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Harari – Có Phải Chúng Ta Đã Hạnh Phúc Hơn Trong Thời Đồ Đá?



Cuộc sống hiện nay có khiến chúng ta hạnh phúc không? Chúng ta đã thành tựu được nhiều nhưng chúng ta cũng đã thiệt mất rất nhiều. Có phải con người đã thích hợp hơn với một đời sống của kiếm ăn bằng săn bắn hái lượm?


Chúng ta có nhiều quyền năng hơn những tổ tiên của chúng ta, nhưng chúng ta có nhiều hạnh phúc hơn không? Những nhà sử học hiếm khi dừng lại để suy nghĩ về vấn đề này, nhưng cuối cùng, không phải lịch sử là về câu hỏi đó? Sự hiểu biết của chúng ta và sự phán xét của chúng ta, hãy tạm nói, về sự truyền bá trên thế giới của tôn giáo tin chỉ một gót chắc chắn tùy thuộc vào việc chúng ta kết luận rằng liệu nó nâng cao hay hạ thấp những mức độ hạnh phúc của thế giới. Và nếu sự lan truyền của tôn giáo tin chỉ một gót đã không có tác động đáng ghi nhận nào đến hạnh phúc của thế giới, vậy nó đã làm được khác biệt gì?




Với sự nổi lên của chủ nghĩa cá nhân và sự suy thoái của những hệ ý thức tập thể, hạnh phúc có thể được cho là trở thành giá trị cao nhất của chúng ta. Với sự tăng trưởng lớn lao đến kỳ diệu trong sự sản xuất của con người, hạnh phúc cũng đang tiếp nhận mức độ quan trọng chưa từng có về kinh tế. Nền kinh tế tiêu thụ đang ngày càng chuyển sang cung ứng hạnh phúc hơn là cung cấp sinh kế tối thiểu hoặc ngay cả cung cấp sự giàu có hay sung túc, và một hợp xướng gồm nhiều giọng nói hiện đang kêu gọi một thay thế những đo lường GDP với những chỉ số thống kê về hạnh phúc, như thước đo kinh tế cơ bản. Chính trị dường như cũng làm theo. Quyền truyền thống với sự “theo đuổi hạnh phúc” thì được chuyển hóa, khó nhận thấy, vào trong hình thái của một ‘quyền hưởng hạnh phúc’, có nghĩa là nó đang trở thành nhiệm vụ của chính phủ để bảo đảm hạnh phúc cho những công dân của mình. Năm 2007, Ủy ban Europe đã bắt đầu tung ra “Vượt khỏi GDP” để xem xét liệu có thể thực hiện được việc dùng một chỉ số an sinh để thay thế hoặc bổ sung cho GDP. Những sáng kiến ​​tương tự gần đây đã được phát triển ở nhiều nước khác – từ Thailand đến Canada, từ Israel đến Brazil.


Hầu hết những chính phủ vẫn chú trọng vào sự thành tựu tăng trưởng kinh tế, nhưng khi được hỏi tăng trưởng như thế có gì là tốt, ngay cả những nhà tư bản ‘quyết liệt đến chết’ hầu như luôn luôn quay sang hạnh phúc. Giả sử chúng ta bất chợt gặp (thủ tướng United Kingdom) David Cameron, và đòi hỏi muốn biết tại sao ông quá quan tâm đến tăng trưởng kinh tế. “Vâng,” ông có thể trả lời, “tăng trưởng là điều cần thiết để cung cấp cho người ta mức sống cao hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, nhà ở lớn hơn, xe ô tô nhanh hơn, kem ăn ngon miệng hơn.” Và, chúng ta có thể hỏi thêm nữa, mức sống cao hơn thì có gì quá tốt thế?“Không rành rành ra đấy sao?” Cameron có thể trả lời, “Nó làm người ta hạnh phúc hơn.”


Hãy giả sử, để biện luận cho gọn, rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể chứng minh một cách khoa học rằng những tiêu chuẩn sống cao hơn không chuyển thành hạnh phúc lớn hơn. “Nhưng David,” chúng ta có thể nói, “nhìn vào những nghiên cứu lịch sử, tâm lý và sinh học này. Chúng chứng minh vượt khỏi bất kỳ một nghi ngờ hợp lý nào rằng việc có nhà lớn hơn, kem ngon hơn và thậm chí thuốc men tốt hơn không làm tăng hạnh phúc của con người”. “Thật vậy sao?” Ông ta sẽ ngạc nhiên thở hắt ra, “Tại sao chả ai nói với tôi cả! Chà, nếu đúng như vậy, hãy quên những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tôi đi. Tôi sẽ bỏ tất cả, và nhập đoàn sống chung với một cộng đồng hippie.”


Đây là một trường hợp rất khó có thể xảy ra, và không chỉ vì cho đến nay chúng ta hầu như không có nghiên cứu khoa học nào về lịch sử dài hạn của hạnh phúc. Những học giả đã nghiên cứu lịch sử của tất cả mọi sự vật việc – chính trị, kinh tế, bệnh tật, tình dục, thực phẩm – nhưng hiếm khi họ đã hỏi chúng tất cả ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc con người. Trong những mười năm qua, tôi đã viết một lịch sử của loài người, theo dõi sự biến đổi của loài chúng ta từ một con ape không đáng kể ở Africa thành chủ nhân của cả hành tinh. Không phải là dễ dàng để hiểu những gì đã biến Homo sapiens thành một kẻ giết hại hàng loạt môi trường sinh thái; tại sao đàn ông lại thống trị phụ nữ trong hầu hết những xã hội loài người; hoặc tại sao chủ nghĩa tư bản đã trở thành tôn giáo thành công nhất từ ​​trước tới nay. Không dễ để giải quyết những câu hỏi như vậy bởi vì những học giả đã đưa ra rất nhiều trả lời khác nhau và mâu thuẫn nhau. Ngược lại, khi đánh giá thành tựu sau cùng – không biết hàng nghìn năm của phát minh và những khám phá có khiến chúng ta hạnh phúc hơn không – thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng những học giả đã bỏ quên ngay cả việc nêu lên câu hỏi. Đây là thiếu xót lớn nhất trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử.


Quan điểm Whig về lịch sử


Mặc dù có ít học giả đã nghiên cứu lịch sử dài hạn của hạnh phúc, hầu hết mọi người đều có một vài ý tưởng về nó. Một định kiến ​​phổ biến – thường gọi đặc biệt là “quan điểm Whig về lịch sử” – xem lịch sử như sự diễn hành khải hoàn của tiến bộ. Mỗi những nghìn năm qua đều chứng kiến ​​những khám phá mới: canh nông, bánh xe, chữ viết, kỹ thuật in, động cơ hơi nước, thuốc kháng sinh. Con người thường dùng quyền năng mới tìm được để làm giảm bớt những khổ sở và thực hiện những ước vọng. Theo đó, sự tăng trưởng theo cấp số nhân về quyền năng con người phải có kết quả là sự tăng trưởng theo cấp số nhân về hạnh phúc. Người thời nay hạnh phúc hơn những người thời trung cổ, và những người thời trung cổ đã hạnh phúc hơn những người thời đồ đá.


Nhưng quan điểm về tiến bộ này gây rất nhiều bất đồng. Mặc dù ít người sẽ tranh luận về sự kiện rằng quyền năng con người đã phát triển từ thời bình minh của lịch sử, nhưng tương liên giữa quyền năng với hạnh phúc là điều kém rõ ràng hơn nhiều. Thí dụ, sự ra đời của nông nghiệp đã làm tăng sức mạnh tập thể của nhân loại với cấp số nhiều bội phần. Tuy nhiên, nó không nhất thiết đã cải thiện số phận cá nhân. Trong hàng triệu năm, cơ thể con người và não thức đã thích nghi để chạy đuổi theo loài dê núi, trèo cây để hái táo, và dọ dẫm chỗ này sang chỗ kia để tìm nấm. Ngược lại, cuộc sống nhà nông, gồm những giờ đằng đẵng dài hết ngày trong công việc nông nghiệp nặng nhọc: cày xới, làm cỏ, thu hoạch và gánh từng thùng lấy nước sông. Lối sống như vậy có hại cho lưng, đầu gối và khớp xương con người, và làm tê cóng não thức con người.


Đổi lấy tất cả những công việc nặng nhọc này, những người làm ruộng thường nhận được chế độ ăn uống tồi tệ hơn so với những người săn bắn hái lượm, và khổ hơn vì kém bổ dưỡng và đói nhiều hơn. Những vùng định cư đông đúc của họ trở thành lò sinh sản những bệnh truyền nhiễm mới, phần lớn chúng có gốc từ những động vật thuần hóa trong những trại nuôi. Nông nghiệp cũng mở đường cho sự phân chia giai cấp xã hội, cho sự khai thác bóc lột và có thể cả chế độ gia trưởng. Từ cái nhìn theo hướng hạnh phúc cá nhân, “cách mạng nông nghiệp”, theo lời của nhà khoa học Jared Diamond, là sự “sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại”. [1]


Tuy nhiên, trường hợp của cách mạng nông nghiệp không phải là một lệch lạc duy nhất. Sự diễn hành của tiến bộ từ những nhà nước-thành phố Sumer đầu tiên đến những đế quốc Assyria và Babylonia, đều đã đi kèm với sự suy thoái ngày càng tăng trong địa vị xã hội và tự do kinh tế của phụ nữ. Thời Phục hưng của Europe, với tất cả những khám phá và sáng chế tuyệt vời của nó, đã giúp ích cho ít người ngoài vòng giới hạn của giới ưu tú chọn lọc phái nam. Sự lan truyền của những đế quốc Europe đã thúc đẩy sự trao đổi trong công nghệ, ý tưởng và sản phẩm, nhưng đây không phải là những ‘tin lành’ cho hàng triệu người bản địa America, người da đen Africa and thổ dân Australia.


Không cần phải khai triển thêm. Những học giả đã kỹ lưỡng đập tan cái nhìn Whig về lịch sử, nhưng câu hỏi duy nhất còn lại là: tại sao nhiều người vẫn tin vào nó?


Thiên đường đã mất


Có một định kiến ​​cũng ngang thế nhưng đối nghịch hoàn toàn, có thể được gọi là “cái nhìn lãng mạn về lịch sử”. Định kiến này cho rằng giữa quyền lực và hạnh phúc có tương quan ngược nhau. Khi nhân loại có được nhiều quyền lực hơn, nó tạo ra một thế giới máy móc lạnh lẽo, vốn ít thích hợp với những nhu cầu thực sự của chúng ta.


Cái nhìn lãng mạn không bao giờ mệt mỏi với việc săn tìm mặt tối của mọi khám phá. Chữ viết đã là nguyên nhân của bòn rút sưu thuế. Kỹ thuật in đã sinh ra tuyên truyền và tẩy não đại chúng. Cômputơ biến chúng ta thành những zômbie. Những chỉ trích gay gắt nhất tất cả dành riêng cho ‘ba ngôi’ bất lương là chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ. Ba ‘ông ba bị’ này đã gây xa lạ, lạc lõng cho người ta với môi trường tự nhiên, với cộng đồng nhân loại, và thậm chí với những sinh hoạt hàng ngày của họ. Những công nhân nhà máy thì không gì khác hơn một răng cưa bánh xe cơ khí, một nô lệ cho những đòi hỏi của những máy móc và lời lãi của tính toán tiền bạc. Tầng lớp trung lưu có thể an hưởng những điều kiện làm việc và nhiều tiện nghi vật chất tốt hơn, nhưng nó trả cho chúng một giá cắt cổ của sự tan rã xã hội và hoang vắng tinh thần. Từ một hướng nhìn lãng mạn, đời sống của những nông dân trung cổ thì ưa chuộng hơn so với của những công nhân nhà máy và của những nhân viên văn phòng thời nay, và đời sống của những người săn bắn hái lượm là tốt nhất tất cả.


Tuy nhiên, cái nhìn lãng mạn nhấn mạnh việc nhìn vào mặt tối của mỗi khám phá mới lạ thì cũng giáo điều như sự tin tưởng Whig vào tiến bộ. Thí dụ, trong hai trăm năm qua, y học thời nay đã đánh bại những đội quân của những bệnh tật vốn vẫn rình rập loài người, từ bệnh lao và bệnh sởi đến bệnh tả và bạch hầu. Tuổi thọ trung bình đã tăng vọt và tỉ lệ trẻ em chết non trên thế giới đã giảm từ khoảng 33% xuống dưới 5%. Ai có thể ngở vực rằng điều này đã tạo ra một đóng góp to lớn cho hạnh phúc, không chỉ của những đứa trẻ có thể chết, nhưng còn của cha mẹ, anh chị em và bạn bè của chúng?


Thiên đường bây giờ


Một lập trường uyển chuyển hơn đồng ý với cái nhìn lãng mạn, cho đến thời hiện nay, rằng không có tương quan rõ ràng giữa quyền năng và hạnh phúc. Nông dân thời trung cổ thực sự có thể đã khốn khổ hơn tổ tiên săn bắn hái lượm của họ. Nhưng lập trường lãng mạn thì sai lầm trong phán xét khắc nghiệt của họ về những gì là phẩm chất của thời hiện nay. Trong vài trăm năm qua chúng ta không chỉ có quyền năng to lớn, nhưng quan trọng hơn, những hệ ý thức nhân văn mới cuối cùng đã chặt chẽ gò ép quyền năng tập thể của chúng ta vào sự phục vụ hạnh phúc cá nhân. Mặc dù có một số thảm họa như Holocaust và mua bán nô lệ xuyên Atlantic (như chuyện đã kể), chúng ta đã cuối cùng ở khúc rẽ ngoặt cuối và đã bắt đầu tăng trưởng một cách hệ thống hạnh phúc trên toàn thế giới. Những chiến thắng của y học thời nay chỉ là một trong những thí dụ. Những thành tựu chưa từng có khác gồm sự suy giảm những chiến tranh quốc tế; sựsụt giảm mạnh về bạo động trong gia đình; và sự loại bỏ nạn đói với quy mô lớn. (Xem The Angels of Our Nature của Steven Pinker) [2]


Tuy nhiên, điều này nữa, cũng là một sự giản lược hóa. Chúng ta chỉ có thể chúc mừng chúng ta về những thành tựu của Homo sapiens thời nay nếu chúng ta hoàn toàn làm ngơ trước số phận của tất cả những loài động vật khác. Phần lớn sự phong phú trong việc bảo vệ con người khỏi những bệnh tật và nạn đói đã tích luỹ bằng tổn thất của những con khỉ trong thí nghiệm, những con bò sữa và gà trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp. Trong hai trăm năm qua, hàng chục tỷ của chúng đã là đối tượng nạn nhân của một chế độ khai thác công nghiệp, mà sự tàn ác của nó không có tiền lệ nào đã thấy trong những sử sách ghi từng năm của hành tinh Trái Đất.


Thứ hai, khung thời gian mà chúng ta đang nói đến thì rất ngắn. Ngay cả nếu chúng ta chỉ tập trung vào số phận của con người, thật khó để biện luận rằng đời sống của người bình thường làm thợ mỏ xứ Wales, hay làm ruộng nước Tàu năm 1800 thì tốt hơn so với đời sống của người săn bắn hái lượm bình thường 20.000 năm trước. Hầu hết mọi người bắt đầu tiếp nhận những thành quả của y học thời nay không sớm hơn năm 1850. Những trận đói kém chết hàng loạt và những chiến tranh lớn tiếp tục tàn phá phần lớn nhân loại cho đến giữa thế kỷ 20. Mặc dù vài chục năm gần đây đã cho thấy tương đối là trong một thời hoàng kim của nhân loại ở những nước đã phát triển, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu điều này có phải trong nền tảng là một thay đổi của dòng chảy lịch sử, hay chỉ là một cơn sóng nhất thời của may mắn: 50 năm thì đơn giản là chưa đủ thời gian hầu có thể căn cứ vào đó để thiết lập những tổng quát hóa triệt để và toàn diện.


Thật vậy, thời hoàng kim hiện có ngày nay có thể quay ra là đã gieo những hạt giống của thảm họa tương lai. Trong vài những mười năm qua, chúng ta đã làm xáo trộn sự cân bằng sinh thái của hành tinh chúng ta trong vô số những cách thức phức tạp, và không ai biết hậu quả cảu chúng sẽ là gì. Chúng ta có thể đang phá hủy nền tảng của sự thịnh vượng của con người trong một cơn truy hoan cuồng loạn của sự tiêu thụ bất cần liều lĩnh.


Cô đơn và buồn xám?


Ngay cả khi chúng ta chỉ tính đến những công dân của những xã hội giàu có ngày nay, những người với cái nhìn lãng mạn có thể chỉ ra rằng sự thoải mái và an ninh của chúng ta có cái giá phải trả của chúng. Homo sapiens đã tiến hóa như một động vật xã hội, và những điều kiện thỏa mãn hạnh phúc chúng ta thường nhận ảnh hưởng từ phẩm chất của những quan hệ nhân văn nhiều hơn từ những tiện ích gia đình, khối tiền gửi nhà băng, hay ngay cả sức khỏe của chính chúng ta. Thật không may, sự cải thiện to lớn trong những điều kiện sinh hoạt vật chất mà người phương Tây giàu có đã được hưởng trong hơn trăm năm vừa qua đã đi kèm với sự sụp đổ của những cộng đồng thân mật nhất.


Mọi người trong thế giới phát triển đều dựa vào nhà nước và thị trường cho hầu hết mọi thứ họ cần: thức ăn, nhà ở, giáo dục, y tế, an ninh. Do đó nó đã trở thành có thể tồn tại mà không cần có những gia đình mở rộng hoặc bất kỳ bạn bè thực sự nào. Một người sống trong một binđing nhiều tầng cao ở London, bất cứ nơi nào cô đi đâu, đều có hàng ngàn người xung quanh, nhưng cô có thể không bao giờ đến thăm gia đình hay người ở ngay bên cạnh, và có thể chỉ biết rất ít về những đồng nghiệp nơi cô làm việc hàng này. Ngay cả bạn của cô cũng có thể chỉ là những bạn gặp trong quán rượu. Nhiều tình bạn ngày nay gồm không gì nhiều hơn nói chuyện và có dịp vui chung cùng nhau. Chúng ta gặp một người bạn ở quán rượu, gọi điện thoại hoặc gửi email cho người ấy, để chúng ta có thể giải tỏa tức giận chúng ta gặp phải về những gì đã xảy ra hôm nay trong văn phòng, hoặc chia sẻ những suy nghĩ của chúng ta về vụ bê bối mới nhất trong hoàng gia. Tuy nhiên, làm sao bạn có thể thực sự biết một người chỉ từ những bàn luận, đàm thoại?


Ngược lại với bạn bè kiểu ‘quán rượu’ như vậy, bạn bè trong thời đồ đá tùy thuộc vào nhau cho sự sống còn của họ. Con người sống trong những cộng đồng gắn bó mật thiết, và bạn bè là những người mà bạn đã cùng đi săn loài voi ma mút khổng lồ. Bạn đã cùng sống sót những chuyến đi dài và những mùa đông khó khăn. Bạn đã chăm sóc lẫn nhau khi một trong những người bạn ngã bệnh, và chia sẻ những mẩu thức ăn cuối cùng của bạn vào những lúc cần. Những người bạn như vậy biết nhau sâu sắc hơn nhiều cặp vợ chồng ngày nay. Thay thế những mạng lưới bộ lạc bấp bênh như vậy với sự an toàn của những nền kinh tế thời nay và những quốc gia, rõ ràng là có những ưu thế to lớn. Nhưng phẩm chất và chiều sâu của những quan hệ thân mật thì có nhiều phần đã bị thiệt hại.


Ngoài những quan hệ nông cạn hơn, con người thời nay cũng chịu khổ từ một thế giới cảm giác nghèo nàn hơn rất nhiều. Những người săn bắn hái lượm cổ xưa sống trong giây phút hiện tại, có nhận thức bén nhọn về thính giác, vị giác và khứu giác. Sự sống còn của họ tùy thuộc vào nó. Họ lắng nghe những cử động nhỏ nhất trên cỏ để tìm xem có phải một con rắn có thể đang nấp ở đó không. Họ cẩn thận quan sát chùm lá rừng để tìm trái cây và tổ chim. Họ ngửi gió để dò dẫm nguy hiểm đang đến gần. Họ di động với nỗ lực tối thiểu để giữ nhẹ nhàng và tránh tiếng động, và biết những cách ngồi, bước và chạy nhanh nhẹn và hiệu quả nhất. Liên tiếp và dùng cơ thể dưới nhiều cách khác nhau đã cho họ sự khéo léo thể chất vốn người ngày nay không thể nào có được, ngay cả sau nhiều năm tập yoga hay tàichí.


Hôm nay chúng ta có thể đi đến siêu thị và chọn hàng ngàn món ăn khác nhau. Nhưng bất cứ món gì chúng ta chọn, chúng ta có thể ăn nó trong vội vàng trước một TV, không thực sự chú ý đến hương vị. Chúng ta có thể đi nghỉ mát đến hàng nghìn địa điểm tuyệt vời. Nhưng bất cứ nơi nào chúng ta đến, chúng ta có thể chơi với điện thoại thông minh của chúng ta thay vì thực sự nhìn ngắm nơi này. Chúng ta có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết, nhưng lựa chọn này là gì, khi chúng ta đã mất khả năng thực sự để chú ý?


Tốt, bạn đã trông mong gì?


Ngay cả nếu bạn không đồng ý với bức tranh này của sự giàu có thời Pleistocene, thời băng giá cuối cùng với sự xuất hiện của loài người, được thay thế với sự nghèo nàn của thời hiện nay, rõ ràng là sự gia tăng to lớn về quyền năng con người đã không sánh ngang được với sự gia tăng về hạnh phúc của con người. Chúng ta mạnh hơn ngàn lần so với tổ tiên săn bắn hái lượm của chúng ta, nhưng ngay cả quan điểm Whig lạc quan nhất cũng không thể tin rằng chúng ta hạnh phúc hơn ngàn lần. Nếu chúng ta nói với cụ cố bà của chúng ta về cách chúng ta sống, với thuốc chủng và thuốc giảm đau, và nước phân phát từ vòi công cộng và tủ lạnh nhét đầy thức ăn, cụ cố có thể đã vỗ tay trong ngạc nhiên và nói: “Cháu đang sống trong thiên đường! cháu có thể thức dậy mỗi sáng với một bài hát trong lòng, và trải qua những ngày sáng sủa dưới nắng trời, đầy biết ơn và lòng tốt với tất cả mọi người.” Vâng, nhưng chúng ta không thế! So với những gì hầu hết mọi người trong lịch sử đã mơ ước, chúng ta có thể sống đang sống trên thiên đường. Nhưng vì lý do nào đó, chúng ta không cảm thấy rằng chúng ta đang như thế.


Một giải thích đã được những nhà khoa học xã hội cung cấp, những người gần đây đã tái khám phá một khôn ngoan của thời cổ: hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ít hơn vào những điều kiện khách quan và nhiều hơn nữa vào những trông mong của chính chúng ta. Những trông mong, tuy nhiên, có khuynh hướng thích nghi với những điều kiện. Khi mọi sự vật việc cải thiện, những kỳ vọng tăng lên, và do đó thậm chí những cải tiến ấn tượng vượt bực trong những điều kiện, nhưng có thể vẫn khiến chúng ta không hài lòng như trước đây. Trong sự theo đuổi hạnh phúc, mọi người bị mắc kẹt trên khuynh hướng “thích ứng với hạnh phúc” [3] nổi tiếng, chạy nhanh hơn và nhanh thêm hơn nhưng không đi đến đâu cả.


Nếu bạn không tin điều đó, hãy hỏi Hosni Mubarak. Người Egypt trung bình ít có khả năng chết vì đói, vì dịch hạch hoặc vì bạo hành dưới thời Mubarak làm tổng thống hơn bất kỳ chế độ nào trước đây trong lịch sử Egypt. Trong mọi khả năng, chế độ của Mubarak cũng ít tham nhũng hơn. Tuy nhiên, vào năm 2011 những người Egypt đã xuống đường trong giận dữ để lật đổ Mubarak. Vì họ có những kỳ vọng cao hơn nhiều so với tổ tiên của họ.


Thật vậy, nếu hạnh phúc chịu ảnh hưởng mạnh bởi kỳ vọng thì một trong những trụ cột trung tâm của thế giới thời nay, truyền thông đại chúng, dường như được may cắt để ngăn chặn sự gia tăng đáng kể trong những mức độ hạnh phúc toàn cầu. Một người đàn ông sống trong một ngôi làng nhỏ cách đây 5.000 năm, đã tự đánh giá mình khi so sánh với 50 người đàn ông khác cùng làng. So với họ, người ấy trông khá ‘bảnh’. Ngày nay, một người đàn ông sống trong một ngôi làng nhỏ so sánh mình với những ngôi sao điện ảnh và những người mẫu, những người mà người này nhìn thấy hàng ngày trên màn hình và biển quảng cáo khổng lồ. Người dân làng thời nay của chúng ta chắc chắn có thể ít hài lòng hơn với cách người ấy nhìn.


Trần kính trong xuốt ngăn cản của sinh học


Những nhà sinh vật học tiến hóa đưa ra một giải thích bổ sung cho thuyết thích ứng với hạnh phúc. Họ cho rằng cả hai, những kỳ vọng của chúng ta và hạnh phúc của chúng ta đều không thực sự do những yếu tố chính trị, xã hội hay văn hóa ấn định, nhưng do hệ thống sinh hóa của chúng ta. Không ai bao giờ được làm cho hạnh phúc, họ biện luận, sau khi được tăng lương hay lên chức, hay trúng xổ số, hay ngay cả cho rằng mình đã tìm được tình yêu chân thực. Mọi người được làm cho hạnh phúc bởi một điều và một điều duy nhất – những cảm giác dễ chịu trong cơ thể của họ. Một người vừa được thăng chức và nhảy lên sung sướng thì không thực sự phản ứng với tin mừng này. Cô đang phản ứng với những kích thích tố khác nhau chảy nhanh trong những mạch máu của cô, và với cơn bão của những tín hiệu điện nhấp nháy giữa những phần não khác nhau của cô.


Tin xấu là những cảm giác dễ chịu đó đều nhanh chóng giảm xuống. Nếu năm ngoái tôi được thăng chức, tôi có thể vẫn đang giữ chức vị mới đó, nhưng những cảm giác rất dễ chịu mà tôi cảm thấy khi đó đã giảm bớt từ lâu. Nếu tôi muốn tiếp tục cảm thấy những cảm giác như vậy, tôi phải có một thăng chức khác nữa. Và một khác nữa. Đây tất cả là lỗi của sự tiến hóa. Tiến hóa không quan tâm với tự thân hạnh phúc cho mỗi người: nó chỉ quan tâm đến sự sống còn và tái sinh sản, và nó đơn thuần dùng hạnh phúc và khổ sở như những kích thích, như những gậy nhọn để thúc trâu bò. Sự tiến hóa bảo đảm rằng bất kể chúng ta đạt được gì, chúng ta vẫn không hài lòng, mãi mãi mong tìm nắm bắt nhiều hơn. Hạnh phúc là như vậy, một hệ thống những trạng thái cân bằng bên trong. Cũng giống như hệ thống sinh hóa của chúng ta duy trì nhiệt độ cơ thể và mức đường trong phạm vi của những ranh giới hạn hẹp, nó cũng ngăn cản mức độ hạnh phúc của chúng ta, không cho vượt quá những ngưỡng cửa nhất định.


Nếu hạnh phúc thực sự được xác định bởi hệ thống sinh hóa của chúng ta, thì tăng trưởng kinh tế, cải cách xã hội và những cách mạng chính trị thêm hơn nhiều nữa, đều sẽ không làm thế giới của chúng ta trở nên hạnh phúc nhiều hơn. Cách duy nhất đột nhiên và nhận thấy nổi bật để nâng cao mức độ hạnh phúc toàn cầu là dùng những thuốc tâm thần, kỹ thuật di truyền và những vận dụng xoay sở trực tiếp khác trên cơ sở hạ tầng cấu trúc sinh hóa của chúng ta. Trong tác phẩm Brave New World, Aldous Huxley [4] đã dự phóng một thế giới trong đó hạnh phúc là giá trị cao nhất, và mọi người liên tục dùng thuốc soma, vốn nó làm cho mọi người hạnh phúc nhưng không gây tổn hại đến năng suất và hiệu quả của họ. Loại thuốc này dựng thành một trong những nền tảng của Nhà nước Thế giới, không bao giờ bị những chiến tranh, cách mạng hay đình công đe dọa, vì tất cả mọi người đều cực kỳ hài lòng, hết sức thỏa mãn với những điều kiện đang có của họ. Huxley đã trình bày thế giới này như một không tưởng khùng khiếp của sai lạc và thất bại hoàn toàn. Ngày nay, ngày càng nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người bình thường đang áp dụng nó như mục đích của họ.


Suy nghĩ lại


Có những người nghĩ rằng hạnh phúc thì thực sự không quan trọng như thế, và rằng định nghĩa sự hài lòng cá nhân như mục đích của xã hội loài người là một sai lầm. Những người khác đồng ý rằng hạnh phúc là sự tốt lành cao nhất, nhưng nghĩ rằng hạnh phúc không chỉ là một nội dung của những cảm xúc dễ chịu. Hàng ngàn năm trước, những nhà sư đạo Phật đã đi đến được kết luận ngạc nhiên rằng sự theo đuổi những xúc cảm xúc dễ chịu thì thực ra là gốc rễ của đau khổ, và rằng hạnh phúc nằm ở hướng đối nghịch. Những cảm giác dễ chịu đều chỉ là những rung động phù du và vô nghĩa. Nếu năm phút trước, tôi cảm thấy vui vẻ hoặc yên bình, giờ đây cảm giác đó đã biến mất và tôi cũng có thể cảm thấy tức giận hoặc buồn chán. Nếu tôi đồng hóa hạnh phúc với những cảm giác dễ chịu và khao khát có kinh nghiệm này càng thêm nhiều hơn nữa, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên tục theo đuổi chúng, và thậm chí nếu tôi nhận được chúng, chúng ngay lập tức biến mất và tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Việc theo đuổi này không mang lại thành tựu lâu dài. Ngược lại: tôi càng khao khát những cảm giác dễ chịu này, tôi càng trở nên căng thẳng và không hài lòng hơn. Tuy nhiên, nếu tôi học cách nhìn thấy cảm giác của mình về những gì chúng thực sự là – những rung động phù du và vô nghĩa – tôi mất hứng thú theo đuổi chúng, và có thể hài lòng với bất cứ gì tôi kinh nghiệm. Vì chạy theo sau một gì đó vốn cũng tan biến nhanh như nó phát sinh thì không ý nghĩa gì nữa? Đối với đạo Phật, sau đó, hạnh phúc không phải là những cảm giác dễ chịu, nhưng đúng hơn là sự khôn ngoan, yên bình thanh thản và tự do đến từ sự hiểu biết bản chất chân thực của chúng ta.


Đúng hay sai, tác động thực tế của những quan điểm có thể chọn lựa loại như vậy thì rất nhỏ. Đối với thế lực khổng lồ tư bản, hạnh phúc là vui sướng. Chấm hết, không ‘nhưng’ hay ‘và’, … gì gì nữa. Với mỗi năm trôi qua, sự khoan dung của chúng ta đối với những cảm giác khó chịu giảm đi, trong khi sự thèm muốn của chúng ta với những cảm giác dễ chịu tăng lên. Cả hai, nghiên cứu khoa học và hoạt động kinh tế đều chuyển hướng nhắm đến cứu cánh đó, mỗi năm sản xuất thuốc giảm đau tốt hơn, thêm những vị kem mới, nệm giường thoải mái hơn và nhiều trò chơi mê đến nghiện hơn cho những điện thoại thông minh, để chúng ta không phải chịu đựng một khoảnh khắc buồn chán nào đương khi chờ xe buýt.


Tất cả điều này khó mà goi là đủ, dĩ nhiên. Do luật tự nhiên của tiến hóa, con người không thể làm cho thích ứng được với kinh nghiệm sự vui sướng bất biến, vì vậy kem mới và những trò chơi trong điện thoại sẽ không thành công. Nhưng nếu đó là những gì loài người dẫu sao vẫn mong muốn, để chế tạo lại những cơ thể và những não thức của chúng ta sẽ là cần thiết. Chúng ta đang cố gắng làm việc đó.


Yuval Noah Harari
[Were we happier in the stone age? The Guardian (5 Sep 2014)]


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Nov/2018)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com


[1] Jared Diamond, giáo sư UCLA. Trong Guns, Germs and Steel năm 1997, ông viết rằng mặc dù chúng ta tin rằng nông nghiệp đã khiến chúng ta có thể sống giàu có, khỏe mạnh và lâu hơn, nhưng thực tế nó là tai họa cho loài người. Theo Diamond, nông nghiệp đã phát triển khoảng 12.000 năm trước, và từ đó con người đã bị kém dinh dưỡng và nhiều bệnh tật hơn so với tổ tiên thời săn bắn hái lượm của họ. Tệ hại hơn, vì nông nghiệp cho phép sự dự trữ thực phẩm, và cho phép một số người có thể làm những việc khác ngoài việc tìm kiếm thức ăn, nó dẫn đến sự phát minh ra nhiều hơn và tốt hơn về vũ khí, quân đội, chiến tranh, đưa đến phân chia giai cấp giữa những người có/làm chủ cái ăn và những người không có cái ăn, và bất bình đẳng phái tính (trọng nam khinh nữ).
[2] The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (2011) – tác giả, giáo sư tâm lý Harvard – nhấn mạnh vào những động lực con người – cảm thông, tự chủ, ý thức đạo đức thông thường, và lý trí — nói ràng chúng hướng chúng ta tránh xa bạo động, và đến cộng tác hòa hợp, và vị tha.
[3] hedonic treadmill (hedonic adaptation): máy tập chạy tìm hạnh phúc (sự thích ứng với hạnh phúc): Một lý thuyết mô tả khuynh hướng của một người để duy trì ở mức tương đối ổn định của hạnh phúc, mặc dù những thay đổi tích cực hay tiêu cực đối với mục tiêu sinh kế hoặc cuộc sống. Ví dụ như một người kiếm được nhiều tiền hơn và đạt được những mục tiêu cuộc sống nhất định nào đó, những trông mong và ao ước của họ tăng tỷ lệ tương đối với những thành tựu này, kết quả là không có thêm được gì lâu dài trong hạnh phúc.
[4] Brave New World (1932) Thế Giới Tương lai Mới của Aldous Huxley (1894-1963) - vẫn được xem như một khuôn mẫu cho tất cả những tiểu thuyết khoa học sau đó về thế giới kinh hoàng vì không tưởng nhưng thất bại. Trong khi kể câu chuyện về một văn minh trong đó khổ sở và đau đớn đều được xóa sạch nhưng với giá của sự tự chủ, tự do ý chí của con người. Brave New World thăm dò những tác dụng của kỹ thuật làm mất nhân tính con người, và hàm ý rằng khổ đau là thiết yếu để đời sống con người có ý nghĩa. Nhà nước Thế giới là một xã hội tương lai tác phẩm này phác họa. Trong đó, hôn nhân, gia đình và sinh sản được loại bỏ, và trẻ sơ sinh được chế tạo dùng kỹ thuật di truyền và nuôi lớn trong những lọ thủy tinh. Sau đó những công dân đều được program để có năng lực sản xuất và luôn được hài lòng sung sướng, tất cả qua một kết hợp của thao túng tạo tác về sinh học, và điều kiện hóa những trạng thái tâm lý, và một loại thuốc gọi là soma.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Tập Cận Bình & bước nhảy lùi vĩ đại của Trung Quốc





Jonathan Tepperman */
Huỳnh Hoa dịch


BLA: Một bài phân tích đáng xem về Trung Quốc và lãnh đạo không giới hạn nhiệm kỳ Tập Cận Bình. Những tựa nhỏ chúng tôi đặt thêm để dễ đọc. Chúng ta hãy cùng chờ xem Trung Quốc sẽ sụp đổ như thế nào? hay là chống chọi như thế nào - dưới sự lãnh đạo của tuổi trẻ tài cao Tập Cận Bình? Cũng như kết cục nào đang chờ đón Tập Cận Bình ở phía bên kia đỉnh núi.


<< Chỉ trong một thời gian ngắn, Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực đến cực đỉnh tại Trung Quốc. Tập yêu cầu toàn quân đội phải thề tuyệt đối trung thành với mình (chứ không phải là nhân dân, tổ quốc). Tập đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những kẻ cuồng quyền lực nhất - giai đoạn hiện đại.


Trong nhiều thập niên, Trung Quốc (TQ) đã xoay xở tránh được phần lớn những vấn đề mà các chế độ độc tài thường phải hứng chịu. Nhưng giờ đây, trò chơi quyền lực cá nhân của Tập Cận Bình có nguy cơ phá hủy mọi thứ Trung Quốc đã làm được một cách kỳ diệu.

Những thành tựu kỳ diệu trong 40 năm qua

Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã từng bước thực hiện được một danh sách dài những thành tựu nổi bật. Giai đoạn từ 1978 - 2013, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân 10%/năm, đưa mức thu nhập trung bình của người lao động tăng lên 10 lần. Sự tăng trưởng này đã giúp khoảng 800 triệu người thoát ra khỏi đói nghèo; và Trung Quốc còn giảm được 85% mức tử vong của trẻ sơ sinh, cũng như nâng tuổi thọ bình quân của người dân thêm được 11 năm.

Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc đã đạt được những thành tựu như vậy trong khi chính phủ nước này vẫn rất hà khắc về chính trị, điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử thế giới và tưởng chừng rất, rất khó thực hiện. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Orville Schell miêu tả thành tích này như là “một trong những phép lạ gây sửng sốt nhất về phát triển kinh tế trong lịch sử thế giới”.

Nhưng những thành tựu kỳ diệu của Trung Quốc đã là nguyên nhân làm cho những gì đang xảy ra ở đất nước này, ngày hôm nay, trở nên thật bi thảm và gây hoang mang.


Tập Cận Bình & sự sùng bái cá nhân


Dưới vỏ bọc chống tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang từng bước xóa bỏ hầu như mọi cải cách đã thực hiện, vốn làm cho Trung Quốc đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục trong bốn thập kỷ qua. Thay cho một hệ thống dù khiếm khuyết, nhưng cực kỳ thành công, ông Tập đã xây dựng lên một sự SÙNG BÁI CÁ NHÂN to lớn, chỉ tập trung vào duy nhất cá nhân ông ta. Tập đã thâu tóm mọi quyền hành vào tay mình nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, kể từ thời Mao Trạch Đông.

Nhìn trong ngắn hạn, những nỗ lực của Tập có thể làm cho Trung Quốc bớt tham nhũng và ổn định hơn. Nhưng bằng việc hủy diệt nhiều cơ chế đã giúp cho phép lạ Trung Quốc xảy ra, có nguy cơ Tập sẽ đảo ngược những kết quả ấy và biến Trung Quốc thành một nhà nước cảnh sát khác nữa (hãy nghĩ tới một phiên bản Bắc Triều Tiên khổng lồ và cởi mở hơn): không có hiệu quả, vô tích sự, dễ đổ vỡ và hiếu chiến.


Đó là điều đáng lo không chỉ cho 1,4 tỉ người dân Trung Quốc, mà cho tất cả chúng ta.

Để hiểu điều gì đang làm cho chiến dịch xây dựng đế quốc cá nhân của Tập trở nên nguy hiểm như thế, trước hết cần hiểu những gì đã làm cho Trung Quốc trở nên phi thường trong thời gian dài như vậy?


Xuyên suốt lịch sử hiện đại, đa số các nhà độc tài và các nhà nước độc đảng đều có chung một số đặc điểm căn bản. Quyền lực nằm trong tay của một nhóm nhỏ các cá nhân. Để giữ quyền lực, các cá nhân này đàn áp những người bất đồng và cai trị bằng sự đe dọa. Bởi vì đám công chức quan liêu và dân chúng sống trong sợ hãi, họ cạnh tranh nhau để bợ đỡ các ông chủ. Không ai nói lên sự thật, nhất là khi sự thật ấy làm cho họ và các lãnh đạo của họ trông xấu xí đi.


Kết quả là, các bạo chúa tự cô lập – mà cái tôi của họ được thổi phồng lên bằng những lời xu nịnh thường xuyên và khúm núm – tự thấy mình ngày càng xa rời thực tế, xa rời phần còn lại của thế giới (hãy nghĩ tới Kim Jong Un, Bashar al-Assad hoặc Robert Mugabe) và rốt cuộc họ cai trị một cách tùy hứng, cai trị theo bản năng với rất ít ý thức về những gì đang thật sự xảy ra ở đất nước họ. Tác động của sự ngu muội này đối với chính sách đối nội và đối ngoại thật là thảm họa.

Trong khoảng 35 năm – tính từ khi Mao chết và Đặng Tiểu Bình phát động các cuộc cải cách của ông ta vào cuối thập niên 1970 cho đến khi Tập lên nắm quyền năm 2012 – Trung Quốc đã tránh được nhiều cạm bẫy kiểu này và đi ngược lại quy luật về các chuẩn mực chính trị bằng cách xây dựng cái mà các học giả gọi là chế độ “độc tài thích nghi” (adaptive authoritarian).


Trong khi vẫn duy trì chủ nghĩa cộng sản trên danh nghĩa, Trung Quốc đã tiếp thu nhiều hình thức của chủ nghĩa tư bản thị trường và một số cuộc cải cách tự do khác. Tất nhiên, hệ thống cũ vẫn có tính đàn áp cao độ (hãy nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn) và còn xa mới hoàn hảo xét về nhiều phương diện. Tuy vậy, nó cho phép Chính phủ Trung Quốc thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả phi thường và tránh được nhiều chứng bệnh mà các chế độ độc tài khác mắc phải. Chế độ kiểm duyệt chẳng hạn, chưa bao giờ biến mất, nhưng các đảng viên cộng sản có thể không tán thành và tranh luận các ý tưởng, còn các báo cáo nội bộ đôi khi tỏ ra thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên.

Nhưng đã không còn như vậy nữa. Ngày nay, họ Tập đang hủy hoại một cách có hệ thống hầu như mọi phương diện từng làm cho Trung Quốc trở nên khác biệt, từng giúp Trung Quốc hoạt động tốt như thế trong quá khứ. Những nỗ lực của Tập có thể làm gia tăng quyền lực và uy tín của ông ta trong ngắn hạn, làm suy giảm một số hình thức tham nhũng. Tuy nhiên, cân nhắc kỹ, chiến dịch của Tập sẽ có những hệ quả thảm khốc trong dài hạn cho đất nước ông ta và cho cả thế giới.


Đặng Tiểu Bình biết phân bổ quyền lực cho nhiều người

Có lẽ, đặc trưng "bất thường" nhất của hệ thống mà Đặng Tiểu Bình đã tạo ra, là cách PHÂN BỔ QUYỀN LỰC CHO NHIỀU NHÀ LÃNH ĐẠO. Thay vì để một người thực hành uy quyền tối cao, như phần lớn các chế độ độc tài, Đặng Tiểu Bình phân chia quyền lực cho Tổng bí thư đảng (người cũng thường nắm vị trí chủ tịch đảng), Thủ tướng chính phủ và Bộ chính trị.

Đặng hy vọng một hệ thống như vậy sẽ bảo đảm không một cá nhân nào có thể tái thâu tóm kiểu quyền lực mà Mao từng có – bởi vì quyền lực không kiểm soát của Mao đã dẫn tới những sai lầm và lạm dụng khủng khiếp, chẳng hạn như các công cuộc Đại Nhảy vọt (trong đó ước tính khoảng 45 triệu người đã chết) và Cách mạng Văn hóa (trong đó bản thân Đặng đã bị thanh trừng và con trai của ông ta bị tra tấn tàn khốc tới mức anh ta trở thành bại liệt). Như ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna College, giải thích, mô hình lãnh đạo tập thể mà Đặng thiết kế đã giúp loại bỏ những ý tưởng xấu và thúc đẩy những ý tưởng tốt bằng cách đề cao sự cân nhắc cẩn thận mà không khuyến khích việc mạo hiểm.

Tập Cận Bình thanh trừng khốc liệt để củng cố quyền lực

Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập đã ra sức dỡ bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể ở một số phương diện.


Trước hết, nhân danh đấu tranh với tham nhũng – một mục tiêu quan trọng mà Trung Quốc đang rất cần – ông ta đã THANH TRỪNG MỘT SỐ LƯỢNG LỚN QUAN CHỨC mà tội lỗi thật sự của họ, dưới cái nhìn của Tập, là KHÔNG THỂ HIỆN ĐẦY ĐỦ LÒNG TRUNG THÀNH với nhà lãnh đạo tối cao.


Việc Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), Chủ tịch Interpol (Cảnh sát quốc tế), người bị Trung Quốc đột ngột bắt giam hai tuần trước, chỉ là một trường hợp nổi bật nhất và mới nhất; câu chuyện của ông ta là hết sức bất thường.

Trong vòng 6 năm qua, có khoảng 1,34 triệu quan chức tại Trung Quốc bị biến thành mục tiêu – một con số gây sửng sốt, và hơn 170 nhân vật lãnh đạo ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng bị bãi nhiệm (đa số bị cầm tù). Cảnh ngộ của Mạnh, cũng giống cảnh ngộ của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) – Bí thư thành ủy đầy quyền lực của thành phố Trùng Khánh, bị hạ bệ năm 2012 – chứng tỏ rằng không ai được miễn nhiễm với sự trừng trị của Tập.


Từ năm 2012 đến nay (2018) số ủy viên ban chấp hành trung ương đầy quyền lực của đảng Cộng sản bị thi hành kỷ luật còn nhiều hơn cả thời kỳ dài từ cuộc Cách mạng Cộng sản tới năm ấy.


Tập Cận Bình muốn "ngai vàng" vĩnh viễn

Không hài lòng với việc chỉ xóa bỏ mọi sự cạnh tranh, Tập còn củng cố quyền lực bằng việc BÃI BỎ GIỚI HẠN NHIỆM KỲ đối với chức vụ của ông ta và từ chối đề cử một người kế vị, như những người tiền nhiệm của ông ta vẫn làm vào giữa thời gian cầm quyền của họ.



Hình ảnh Tập Cận Bình (phải) đang "trao đổi" với Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lật Chiến Thư tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 11/3/2018, ngay trước phiên họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc về vấn đề sửa đổi hiến pháp.


Một cuộc biểu quyết nhanh chóng và nghiêm ngặt đã diễn ra. Gần 3.000 đại biểu QH Trung Quốc đã bỏ phiếu với tỉ lệ đồng thuận lên đến gần 100% (3 phiếu trắng, 1 phiếu không hợp lệ) để thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp nước này, bao gồm xóa bỏ quy định về giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch (của Tập Cận Bình), đồng thời ghi vào hiến pháp Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Bức ảnh này đã lột tả được nét gian hùm và sự nịnh hót, cũng như khiếp sợ của hạ cấp của Tập. Khi nghe công bố kết quả, Tập đã mỉm cười. (Ảnh: Reuters)




Tập cũng đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào vị thế trang trọng trong Hiến pháp Trung Quốc (một vinh dự mà chỉ Mao và Đặng có được); thâu tóm quyền kiểm soát trực tiếp các lực lượng vũ trang, tự biến mình thành “chủ tịch của mọi thứ” bằng cách tạo ra một số lượng lớn các nhóm hoạt động về chính sách, trải rộng từ tài chính đến vấn đề Đài Loan và an ninh mạng – tất cả đều báo cáo trực tiếp cho ông ta.

Một phương diện quan trọng thứ hai của hệ thống cũ là quan chức các cấp đều có thể kỳ vọng được thăng thưởng nếu có thành tích tốt. Đây không hoàn toàn là chế độ nhân tài, và hệ thống vẫn đầy sự tham nhũng và sự bảo trợ đỡ đầu. Nhưng cả hai khía cạnh này thực sự đã phục vụ một sự nghiệp chung ở một điểm chủ yếu: nếu một công chức làm tốt công việc của mình, anh ta hoặc chị ta có thể hy vọng có được một phần thành quả và được thăng tiến đều đặn.


Tập xây dựng một hệ thống dựa trên sự sợ hãi


Ông Tập trái lại, đã “thay thế hệ thống dựa trên sự khích lệ bằng hệ thống dựa trên sự sợ hãi” như nhận định của ông Bùi. Và sự chuyển dịch này kéo theo hai vấn đề lớn. Trước hết, nó làm méo mó những ưu tiên của quan chức, từ ưu tiên cho kết quả làm việc sang ưu tiên cho việc thể hiện lòng trung thành. Vấn đề thứ hai, theo Alexander Gabuev, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moscow, là “khi nỗi sợ hãi là tất cả những gì bạn có, công chức trở nên sợ hãi tới mức họ không dám làm gì mà không có mệnh lệnh rõ ràng từ cấp trên. Thế là toàn bộ guồng máy quan chức trở nên thụ động. Không việc gì được hoàn thành cả”.

Một tài sản có liên quan của hệ thống cũ là cách thức mà nó khuyến khích chính quyền các địa phương – ở cấp làng xã, quận hạt và tỉnh thành – thử nghiệm các sáng kiến mới, từ công cuộc xây dựng thị trường tự do bốn mươi năm về trước đến cho phép sở hữu tư nhân về đất đai trong thời gian gần đây. Những cuộc thử nghiệm như vậy đã biến Trung Quốc thành một đất nước có hàng trăm phòng thí nghiệm chính sách, cho phép nó thử nghiệm những giải pháp khác nhau cho nhiều vấn đề theo những cách thức an toàn, lặng lẽ và ít rủi ro trước khi quyết định có nên áp dụng đại trà hay không. Hệ thống này đã giúp Bắc Kinh tránh được những quyết định phi lý và những sai lầm thảm họa mà nó đã từng có dưới thời Mao – chẳng hạn như trong thời kỳ Đại Nhảy vọt những năm 1958–1962, các quan chức kế hoạch ở trung ương nhấn mạnh rằng nông dân Tây Tạng phải trồng lúa mì bất chấp thực tế khu vực núi cao đất đai cằn cỗi hoàn toàn không phù hợp với loại cây trồng đó.

Tất nhiên, Bắc Kinh đã chấp nhận một mức độ tự trị nào đó để cho phép các quan chức địa phương được thử nghiệm những điều mới mẻ. Ông Tập, trái lại, có vẻ như nhìn những lối suy nghĩ độc lập ấy như là những mối đe dọa không tha thứ được. Theo mệnh lệnh của ông, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu ngăn chặn những chương trình thử nghiệm quy mô nhỏ. Sebastian Heilmann của trường đại học Trier của Đức dự tính số lượng các cuộc thử nghiệm ở cấp tỉnh đã giảm từ mức 500 cuộc năm 2010 xuống còn khoảng 70 cuộc năm 2016 và có lẽ đã giảm nhiều hơn nữa kể từ lúc ấy. Thay vào đó, một lần nữa các chính sách lại được ban bố từ trên đỉnh, với rất ít sự quan tâm tới các điều kiện của địa phương.

Một ví dụ mới nhất: Cũng như ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc khét tiếng về ăn cắp và áp dụng các sáng tạo của nước ngoài, các quan chức Trung Quốc từ lâu đã làm điều tương tự trong lĩnh vực chính sách; họ nghiên cứu cẩn thận những gì được thực thi ở các nước khác rồi áp dụng những bài học ấy vào trong nước (Ví dụ tốt nhất cho sự bắt chước này tất nhiên chính là công cuộc xây dựng xây dựng thị trường tự do ở Trung Quốc, theo các mô hình của Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ).


Giống như đối với những sáng kiến khác của ông Đặng, ông Tập cũng đã cắt xén thực tế này bằng cách làm cho các quan chức cấp tỉnh thành khó tương tác với người nước ngoài hơn. Năm 2014, chính quyền bắt đầu tịch thu hộ chiếu của công chức. Cũng như nhiều hạn chế khác được chính phủ thực thi gần đây, động thái này được biện minh nhân danh cuộc đấu tranh chống tham nhũng – nhìn bề ngoài, ý tưởng tịch thu hộ chiếu là để ngăn chặn các quan chức ăn bẩn chạy ra khỏi nước. Nhưng thực tế là chính sách này gần đây đã được mở rộng xuống cả các giáo viên tiểu học, và được tăng cường bằng những sự hạn chế liên quan khác – giờ đây các quan chức phải xin phép mới được tham dự các cuộc họp và hội nghị với nước ngoài và phải báo cáo về thời gian ở nước ngoài theo từng tiếng đồng hồ một – cho thấy rằng ưu tiên thật sự là giới hạn sự tiếp xúc với người nước ngoài và các ý tưởng của họ.

Cuộc đàn áp của Tập có ý nghĩa gì cho tương lai của Trung Quốc và cho chúng ta?


Trong khi cần luôn luôn cẩn trọng khi dự đoán sự thất bại của Trung Quốc – như lịch sử tóm tắt ở trên cho thấy quốc gia này rất giỏi trong việc tìm đường đi tránh những vấn đề mà về lý thuyết sẽ kìm hãm nó – thật khó để tránh cái kết luận u ám rằng nước Trung Quốc của Tập đang nhanh chóng trở nên ít khác thường hơn và giống một nhà nước cảnh sát điển hình hơn.

Trên bình diện nội trị, việc hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã trở nên ít linh hoạt và nhanh chóng. Không khó tìm những ví dụ cho lối tiếp cận cứng nhắc hơn, cũng như những mặt tiêu cực của nó. Cứ xem trong mùa đông vừa qua, khi Chính phủ bắt buộc các hệ thống cung cấp hơi sưởi ấm trên toàn quốc phải chuyển đổi ngay lập tức từ chạy bằng than sang chạy bằng khí đốt. Điều này nghe có vẻ khôn ngoan ở một đất nước bị ô nhiễm như Trung Quốc. Nhưng mệnh lệnh được thi hành một cách bất ngờ trên khắp nước, không có ngoại lệ. Thế là ở miền Bắc lạnh giá của Trung Quốc, nhiều lò đốt bằng than bị dỡ bỏ trước khi các lò đốt bằng khí gas được lắp đặt – khiến cho nhiều thị trấn hoàn toàn không có hơi ấm để sưởi, dân chúng bị buộc phải đốt cùi bắp để sinh tồn.

Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường hiện hành thì sẽ có thêm rất nhiều trường hợp mà những chính sách với ý định tốt được thực hiện một cách vội vã và vụng về, dẫn tới nhiều hậu quả tai hại hơn rất nhiều. Bởi vì các chế độ độc tài cá nhân rất kém cỏi trong việc thừa nhận lỗi lầm – không được phép làm gì, nói gì có hại cho huyền thoại về lãnh đạo toàn năng – Trung Quốc sẽ có khả năng trở nên kém linh hoạt trong việc sửa chữa những sai lầm một khi nó đã gây ra. Hoặc trong việc đối mặt với những vấn đề tiềm ẩn đang kéo nền kinh tế xuống, chẳng hạn như sự phụ thuộc nặng nề vào các doanh nghiệp nhà nước kềnh càng và không hiệu quả – bộ phận doanh nghiệp đã trở nên to lớn hơn, nhiều quyền lực hơn kể từ khi Tập lên cầm quyền; mức nợ công cao một cách nguy hiểm, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương; và một xu hướng ứng phó với mỗi vụ suy giảm kinh tế bằng cách bơm thêm tiền vào hệ thống, nhất là cho các dự án hạ tầng cơ sở không cần thiết.


Trong thực tế, Trung Quốc không chỉ không có khả năng xử lý bất kỳ khuyết điểm nào trong các khuyết điểm này, mà nó còn có vẻ làm cho tình hình tệ hại thêm. Đó chính là điều mà Trung Quốc đã làm vào ngày 7 tháng 10, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố thêm một chương trình kích thích tốn kém khác nữa: kế hoạch chi ra 175 tỉ đô la nhằm vực dậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khủng hoảng kinh tế gây bất ổn nghiêm trọng

Với mỗi động thái phá vỡ ngân sách mới, và trong hoàn cảnh không có sự cải cách, khả năng Trung Quốc phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế gây bất ổn nghiêm trọng – mà những nhà đầu tư có cái nhìn bi quan về Trung Quốc như Ruchir Sharma, phụ trách khối các thị trường đang nổi lên của Morgan Stanley từng cảnh báo nhiều năm trước – sẽ tiếp tục tăng lên. “Vấn đề lớn là liệu có thể một trong những quả bom hẹn giờ – nợ xấu, thị trường bất động sản quá nóng, doanh nghiệp nhà nước phình to lên – sẽ bùng nổ hay không”, Gabuev nói. “Do sự tập trung quyền lực của ông Tập nên không có ai nói cho ông ta những lời cảnh báo trước nếu một trong những quả bom này sắp nổ. Và bởi vì ông ta không thật sự hiểu biết rõ về kinh tế vĩ mô, còn mọi người thì ngại không dám nói ngược với hoàng đế cho nên có một rủi ro rất lớn là ông ta sẽ quản trị sai lầm khi nó xảy ra”. Thật vậy, sự ứng phó của Chính phủ Trung Quốc trước bất kỳ sự bất ổn nào đều có vẻ thật ngu ngốc. Như Schell giải thích: “Tập đã thực sự đưa Trung Quốc vào rủi ro rất lớn. Và bởi vì công cụ duy nhất của ông ta là đàn áp, nếu sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu, rất có thể chúng ta sẽ thấy thêm nhiều cuộc trấn áp nữa”.

Những dự báo như vậy làm cho mọi người lo lắng. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới về một số mặt, cho nên nếu nó sụp đổ, cả hành tinh này sẽ phải trả giá.

Nhưng lịch sử của các chế độ độc tài khác, chẳng hạn như nước Nga của Vladimir Putin hoặc Bắc Hàn của dòng họ Kim, cho thấy trò chơi quyền lực không ngừng nghỉ của Tập có thể sinh ra nhiều hệ lụy tệ hại hơn nữa. Từ khi nắm được quyền lực, Tập đã vạch ra một chính sách đối ngoại hiếu chiến hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm của ông ta, đã làm hầu như mọi nước láng giềng và cả Hoa Kỳ xa lánh, bằng việc đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan, và dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở các quần đảo tranh chấp.

Nếu như các vấn đề kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ, Tập có thể thử gia tăng căng thẳng ở những mặt trận này nhằm lôi kéo người dân ra khỏi cuộc khủng hoảng trong nước. Sự cám dỗ của hành vi đó tỏ ra mạnh mẽ đặc biệt nếu Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ tiếp tục chọc ngoáy Trung Quốc bằng việc tăng cường chiến tranh thương mại và công khai phê phán Trung Quốc.




* * *
Tình hình còn có thể đáng sợ hơn nếu những vấn đề kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong trường hợp đó, nhà nước Trung Quốc có thể sụp đổ – kết cục điển hình của các chế độ độc tài điển hình khi đối mặt với các cú sốc kinh tế, với các mối đe dọa từ bên ngoài (đặc biệt là từ một thất bại trong chiến tranh) hoặc với sự nổi loạn của dân chúng – nhưng là một sự sụp đổ, mà do kích thước khổng lồ của Trung Quốc, có thể sinh ra những hậu quả cực kỳ khủng khiếp cho nhân loại.

Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta nên hy vọng rằng Trung Quốc bằng cách nào đó một lần nữa sẽ tìm được con đường vượt qua lực hút chính trị và tiếp tục là một ngoại lệ đối với mọi quy luật – bất chấp những nỗ lực đang tiến hành của ông Tập nhằm làm cho Trung Quốc trở nên "bình thường" - theo ý nghĩa tệ hại nhất của từ này.


(*) Jonathan Tepperman là tổng biên tập tạp chí Foreign Policy.
Bản gốc: https://foreignpolicy.com/2018/10/15/chinas–great–leap–backward–xi–jinping/
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/ChinaLeapBackward_FP_trans.html

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Tử huyệt của nhà lãnh đạo chuyên quyền







Nguồn: Alina Polyakova & Torrey Taussig, “The Autocrat’s Achilles’ Heel“, Foreign Affairs, 2 Febrary 2018.

Biên dịch: Huỳnh Hoa

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại. Nga và Trung Quốc – hai cường quốc được lèo lái bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – đang tích cực thử thách độ bền của trật tự quốc tế khi phương Tây dường như đang thoái trào. Tổng thống Nga Vladimir Putin, không hề bối rối vì những cuộc cấm vận của phương Tây, không chỉ dẫn dắt một chiến dịch tung tin giả mạo ở các nước dân chủ phương Tây để lũng đoạn các cuộc bầu cử quan trọng mà còn tiếp tục duy trì sự chiếm đóng của Nga ở bán đảo Crimea và vùng Donbas ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang khai triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc ra Biển Đông và sức mạnh kinh tế trên khắp châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.

Cả hai quốc gia này đều tìm cách tác động tới các nhà nước dân chủ thông qua việc sử dụng “sức mạnh bén” (sharp power). Nhận biết tầm với của Nga và Trung Quốc đang mở rộng, chính phủ của ông Trump đã có quyết định đúng đắn khi nhìn nhận hai quốc gia này là những đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong bản Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng quốc gia mới công bố gần đây. Lần đầu tiên kể từ ngày 11/9/2001, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc chứ không phải là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu được coi là ưu tiên số một của an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Dường như không có biện pháp hiệu quả nào để kiểm soát những tham vọng ngày càng lớn của Putin và Tập. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo này có thể đang thực hiện một lỗi lầm chiến lược. Họ đang đặt cược tương lai và triển vọng quốc tế của đất nước họ vào một chỗ: chính bản thân họ. Trong suốt sự thống trị của mình, Putin và Tập đã có những bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát cá nhân của họ đối với quyền lực. Trong ngắn hạn, đây có thể là một cơ chế tạo sự ổn định nhưng về lâu dài, nó có thể làm trầm trọng thêm những mối căng thẳng nội bộ cố hữu đến mức cuối cùng có thể xói mòn sự cai trị của họ.

Là nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm của hai quốc gia lớn, Putin và Tập cùng đối mặt với hai tình trạng khó xử tương tự nhau: đó là quản lý cuộc cạnh tranh khốc liệt trong giới tinh hoa để thể hiện lòng trung thành và giành quyền kế vị, và cân bằng các tham vọng quốc tế với tình trạng căng thẳng sâu sắc giữa chính phủ trung ương và các khu vực bất ổn trong nước. Khi cả hai nhà lãnh đạo này tìm cách giành thêm nhiều “thắng lợi” để biện minh cho quyền kiểm soát cá nhân của họ ở trong nước, có khả năng họ sẽ theo đuổi mạnh mẽ những chính sách đối ngoại rủi ro hơn, liều lĩnh hơn.

Trong khi Hoa Kỳ cân nhắc cách tiếp cận của mình cho thời kỳ mới của chính trị siêu cường, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ cần phải tính tới chuyện tình trạng căng thẳng nội bộ trong nước cố hữu của các hệ thống cá nhân sẽ tác động tới nghị trình và chính sách ngoại giao của Putin và Tập như thế nào.

DAO KIẾM ĐÃ CHÌA RA

Các nhà lãnh đạo chuyên quyền phải là những người quản lý tốt. Vị trí của một nhà độc tài chỉ được bảo đảm bởi mạng lưới các thành viên trung thành trong giới tinh hoa của ông ta. Nhưng lòng trung thành chính trị, ngay cả dưới các chế độ chuyên chế, cũng thường xuyên thay đổi. Hoàn toàn có thể chắc chắn rằng Putin sẽ chiến thắng trong cuộc tái tranh cử chức tổng thống vào tháng Ba tới. Như vậy, cuộc cạnh tranh thực thụ nằm ở cuộc đấu đá nội bộ trong giới tinh hoa ở Kremlin – có thời những cuộc chiến tranh nội bộ này được giấu kín nhưng nay chúng ngày càng được phơi bày ra trước mắt công chúng. Ngay cả các đồng minh của Putin, chẳng hạn như Igor Sechin – người đứng đầu tập đoàn Rosneft, cũng đang chấp nhận các rủi ro chính trị để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Hồi tháng 11 năm 2016 Sechin đã thực hiện một chiến dịch đột ngột để hạ bệ bộ trưởng bộ kinh tế Nga Aleksei Ulyukayev qua việc tiết lộ sự tham gia của ông này trong một âm mưu hối lộ. Đã có những dấu hiệu cho thấy vòng kiềm tỏa của ông Putin với giới tinh hoa, và với Sechin nói riêng, đã bị nới lỏng. Được biết ông Putin đã yêu cầu ông Sechin ra điều trần về vụ Ulyukayev nhưng Sechin từ chối, giáng một cái tát công khai vào nhà lãnh đạo Nga.

Trong lúc trò chơi cung đình ở Moscow gia tăng cường độ trong thời gian trước cuộc bầu cử tháng Ba, ông Putin sẽ cần chứng tỏ cho giới tinh hoa đang lo âu và dao động rằng ông ta vẫn là nhà lãnh đạo được nhân dân chọn lựa. Để tái khẳng định sứ mệnh được người dân giao cho, ông Putin được biết đang tìm cách đạt được mục tiêu 70/70: thắng một cuộc bầu cử có 70% số cử tri đi bỏ phiếu và giành được 70% số phiếu bầu. Ít ra ông ta cũng cần phải vượt qua kết quả bầu cử năm 2012 (65% số cử tri đi bầu và giành được 64% số phiếu). Về khía cạnh này, hầu như không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm [4 năm] ngày nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea, một canh bạc ngoại giao đã giúp cho tỷ lệ ủng hộ ông Putin tăng thêm 21 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Trái lại, việc nước Nga can thiệp vào Syria chỉ mang về cho ông Putin thêm 5 điểm phần trăm, từ 83% lên 88%. Ngoài những cuộc bầu cử, ông Putin còn phải nạp lại năng lượng cho đám đông cử tri ủng hộ ông bằng cách thúc đẩy những cảm xúc dân tộc-dân túy chủ nghĩa – cho đến nay, xâm lấn nước ngoài đã là công thức duy nhất để đạt được mục đích ấy.

Không giống như nước Nga của ông Putin, cuộc cạnh tranh trong giới tinh hoa Trung Quốc bị thu gọn trong hệ thống độc đảng đã được thiết chế hóa. Nhưng công cuộc củng cố quyền lực nhanh chóng của ông Tập đang thử thách những giới hạn của mô hình lãnh đạo tập thể của Trung Quốc. Tập được coi là nhà cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông. Cuộc thâu tóm các chức vụ chính thức của Tập (hiện thời ông ta nắm 13 chức vụ khác nhau) đã lên đến cực điểm khi đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thánh hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong hiến pháp của quốc gia [chi tiết này có thể tác giả nhầm, đại hội đảng chỉ có thể đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào cương lĩnh của đảng chứ không đưa vào hiến pháp của quốc gia – ND]. Hơn thế nữa, chiến dịch chống tham nhũng khắc nghiệt của Tập, gọi là “đả hổ diệt ruồi” đang thử thách lòng trung thành của giới tinh hoa Trung Quốc. Cho dù Tập lên cầm quyền với sứ mệnh làm trong sạch hàng ngũ của đảng, việc Tập nhổ tận gốc các cán bộ cấp cao và cấp trung đã làm cho nhiều người trong đảng cảm thấy phân vân, không biết sự ưu ái của ông này sẽ đặt ở đâu – và không muốn thử nghiệm chuyện này. Những trường hợp nổi tiếng liên quan tới các “con hổ” bao gồm cả các tướng lãnh như Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxing) – cả hai đều là phó chủ tịch quân ủy trung ương và đều bị buộc tội tham nhũng nghiêm trọng. Việc các ông tướng này bị thất sủng là lời nhắc nhở rằng trong đảng không có vị trí cao cấp nào là an toàn – một cảm xúc sẽ mang lại cho ông Tập nhiều kẻ thù hơn là tay chân thân tín.

Hiện thực mới của Trung Quốc cho thấy nếu ông Tập thể hiện sự ủng hộ cho một cuộc thay đổi chính sách – cho dù quyết đoán hơn hay thận trọng hơn – quyết định của ông ta sẽ không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào từ hàng ngũ chóp bu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Điều này có thể mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một ý thức sai lầm về niềm tin vào những khả năng của đất nước họ và dẫn tới kết quả là sự đồng tâm nhất trí trong các cố vấn của Tập. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng tỏ, các chiến lược ngoại giao được nghĩ ra dưới hai tiêu chuẩn này thường kết thúc bằng các thảm họa.

CĂNG THẲNG TRUNG TÂM-NGOẠI VI

Các nước lớn cai trị bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – những người tập trung quyền kiểm soát – tất yếu sẽ đương đầu với những căng thẳng nội bộ giữa trung tâm và ngoại vi. Theo cơ cấu chính trị, sự quản lý tài chính của nước Nga có tính tập trung cao: các nguồn tài chính như doanh thu sản xuất dầu khí và thuế chảy về Moscow từ các khu vực giàu tài nguyên để phân bổ về những tỉnh nghèo tài nguyên. Trong khi nền kinh tế bùng nổ đầu thập niên 2000 nhờ giá dầu cao thì điện Kremlin có thể duy trì vũ điệu cân bằng, giữ hòa bình giữa 85 tỉnh thành của nước Nga. Nhưng khi giá dầu lao dốc năm 2015 và tiếp tục giữ mức thấp một cách ngoan cố thì ngân sách nhà nước dựa vào dầu khí bị tổn hại rất trầm trọng. Những cuộc cấm vận của phương Tây cũng bắt đầu có tác dụng, góp 1,5% vào sự sút giảm tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Nga năm 2015.

Khi ngân khố nhà nước co lại cùng với nền kinh tế nói chung, Moscow đã gia tăng rất nhiều phần ngân sách mà các tỉnh phải nộp về trung ương, và các tỉnh này đã bắt đầu phản kháng công khai. Nỗi oán giận đang tăng lên ở vùng Sakhalin giàu tài nguyên dầu mỏ, nơi mà Moscow đòi chia phần lớn hơn từ doanh thu dầu khí. Mùa thu năm ngoái, Moscow thông qua một đạo luật liên bang mới, tìm cách thâu tóm khoảng 75% tiền thuế và tiền chia phần từ dự án Sakhalin-2 đang có nhiều lợi nhuận. Theo luật hiện hành, Moscow chỉ được chia 25%. Các thống đốc và dân chúng địa phương, hiện sống nhờ thu nhập khiêm tốn, đã công khai bày tỏ nỗi phẫn uất của họ thông qua các cuộc biểu tình phản kháng. Cũng trong thời gian này, các vùng miền đối mặt với sự cắt giảm ngân sách cũng than phiền rằng họ không nhận được đủ tiền từ Moscow để duy trì các dịch vụ căn bản và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Trên khắp nước Nga, các chính quyền vùng miền đang đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều quyền kiểm soát ngân sách của họ hơn. Khả năng của điện Kremlin nhằm xoa dịu tình hình hoặc đàn áp đối lập đã bị hạn chế bởi nhu cầu liên tục có thêm nhiều tiền và tầm kiểm soát giới hạn ở bên ngoài thủ đô Moscow và thành phố St. Petersburg. Không có sự tăng trưởng kinh tế trong tầm nhìn, Putin sẽ phải đối mặt với tình trạng Catch-22 (bế tắc không lối thoát): nỗi oán hận gia tăng ở các tỉnh đi kèm với nhu cầu thường xuyên phải thúc đẩy sự ủng hộ của dân chúng thông qua các chiến dịch tốn kém ở nước ngoài.

Tập Cận Bình cũng phải xử lý vấn đề mối căng thẳng giữa trung ương và ngoại vi, trong lúc ngự trị trên sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ái quốc sôi nổi trên khắp Trung Quốc. Bài diễn văn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà Tập đọc trước đại hội 19 [của đảng Cộng sản] hồi tháng 10 đầy những xúc cảm dân tộc chủ nghĩa. Ông ta tái khẳng định lời hứa sẽ thúc đẩy một “cuộc trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Hoa” và thề sẽ khôi phục vị trí xứng đáng của nước này trên thế giới. Bằng một giọng điệu huênh hoang, Tập khoe khoang dự án Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông như là một trong những thành quả vĩ đại nhất của ông ta. Nhưng những kế hoạch đầy tham vọng của Tập đối với Trung Quốc, cả với trong nước lẫn quốc tế, đều có giá của chúng. Tập đã phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để trấn áp những cộng đồng dân chúng bất mãn của Trung Quốc, như ở Hong Kong và Tân Cương. Những nỗ lực này có nghĩa là phải bảo đảm sự ổn định quốc nội, sự an toàn của chế độ và cảnh cáo tất cả các công dân Trung Quốc phải hậu thuẫn cho “giấc mộng Trung Hoa” của Tập.

Vào tháng 11-2017, đại hội nhân dân toàn quốc [tức quốc hội] Trung Quốc yêu cầu vùng lãnh thổ bán tự trị Hong Kong phải tuân thủ “Luật quốc ca” của Trung Quốc, theo đó mọi hành vi sỉ nhục hoặc không tôn trọng bài quốc ca Trung Quốc đều là phi pháp và bị phạt tù giam. Hành động này có lẽ là một phản ứng chống lại những người biểu tình không phục tùng ở Hong Kong, những người đã từng la ó khi bài quốc ca Trung Quốc được cất lên trong các trận đấu bóng đá gần đây. Có thời là hình mẫu cho một nước Trung Quốc cởi mở và phồn vinh, khả năng của Hong Kong trong việc chống chọi với hệ thống chuyên chế ngày càng lấn tới của Trung Quốc đang phai mờ dần. Ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc, Tập đã thực thi sự giám sát hà khắc và áp bức của cảnh sát đối với toàn bộ khối dân Uighur thiểu số. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng những biện pháp này là nhằm xử lý mối đe dọa khủng bố, những quan hệ căng thẳng cũng nhắm tới nỗi oán hận đang gia tăng trong cộng đồng dân chúng địa phương đối với chính quyền trung ương.

Sự bất đồng nội bộ đặt đảng Cộng sản Trung Quốc vào vị trí khó khăn. Một mặt, ông Tập nhắm tăng cường tính chính danh nội bộ của ông ta thông qua những lời kêu gọi dân tộc chủ nghĩa, trong khi mặt khác, ông tìm cách tái bảo đảm cho các lân bang đang lo ngại rằng đất nước ông mong muốn hòa bình và hợp tác. Nhìn về phía trước, nếu Tập nhận thấy rằng, dập tắt sự bất ổn nội bộ bằng tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa và thể hiện sức mạnh về những lợi ích cốt lõi như Biển Đông quan trọng hơn là trấn an các quốc gia láng giềng thì sự ổn định có thể sẽ bị tổn hại.

ỔN ĐỊNH ĐẾN KHI KHÔNG CÒN NỮA

Khi Putin và Tập xử lý những mối căng thẳng nội bộ trong giới tinh hoa và dân chúng, [thế giới] sẽ trở nên ngày càng khó đấu tranh với chiến lược đối ngoại của họ. Trong lúc theo đuổi những lợi ích an ninh quốc gia của mình, Hoa Kỳ sẽ cần phải cân nhắc chống lại một Trung Quốc hung hăng hơn và một nước Nga hay thay đổi. Mặc dù những thách thức mà Putin và Tập đặt ra sẽ xâm chiếm suy nghĩ của Hoa Kỳ trong nhiều năm tháng sắp tới, nhưng trong ngắn hạn, chính phủ Trump cần phải có những bước đi cụ thể để ứng phó với hai nhà nước cạnh tranh này.

Cuộc can thiệp của Putin vào Ukraine và Syria dường như bất ngờ với chính quyền Obama, và hậu quả là phản ứng của Hoa Kỳ diễn ra chậm chạp và thận trọng. Cần phải phản ứng nhanh và quyết liệt hơn đối với những cuộc can thiệp của Nga trong tương lai. Trong khi không thể nào biết chính xác ông Putin có thể nắm bắt cơ hội sắp xảy ra để phát động một cuộc tấn công quy ước hoặc phi quy ước vào đất nước nào, lãnh thổ nào, chính phủ Trump vẫn cần phải chuẩn bị cho hàng loạt hành vi xâm lấn có thể xảy ra, cho dù đó là một cuộc chiến tranh nửa bí mật nửa công khai chống lại các quốc gia chung biên giới với Nga hoặc tiếp tục các chiến dịch tung tin giả ở phương Tây.

Tuy vậy, những tham vọng toàn cầu của Tập mới đặt ra thách thức lớn nhất trong dài hạn cho nước Mỹ. Trung Quốc có được lợi thế thời gian; năng lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng tương đối so với Hoa Kỳ. Vì vậy, chính phủ Trump ngay bây giờ nên tận dụng lợi thế hiện có. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên đầu tư vào các mối quan hệ đối tác đã thiết lập từ lâu, xây dựng quan hệ với các quốc gia khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để làm giảm những khích lệ cho hành vi xâm lược từ phía Trung Quốc.

Cuối cùng, sự củng cố quyền kiểm soát của Putin và Tập sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thành công và sai lầm của chính phủ của họ. Họ không thể đổ trách nhiệm cho ai được. Đổi lại, Putin và Tập sẽ có thể ứng phó với áp lực tăng trưởng kinh tế và chính trị bằng cách tìm thêm nhiều quyền kiểm soát ở trong nước trong khi chấp nhận rủi ro lớn hơn ở nước ngoài. Đối nội, điều đó có nghĩa là những biện pháp hà khắc hơn để bịt miệng phe đối lập, trung hòa cuộc cạnh tranh chính trị và hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Nhưng đàn áp là phương cách tốn kém để bảo đảm sự tuân phục lâu dài của công dân. Có thể Putin và Tập sẽ thấy cách thức dễ dàng hơn để nâng cao tính chính danh là mô tả chế độ của họ như là “người bảo vệ của nhân dân”, chống lại những thế lực thù địch bên ngoài và như vậy họ có thể cảm thấy nhu cầu theo đuổi những chiến thuật hung hăng ở nước ngoài cho dù những động lực này cuối cùng sẽ chỉ làm sâu thêm sự rạn nứt trong mỗi chế độ. Putin và Tập trông giống như những nhà lãnh đạo độc tài quyền lực nhất thế giới, nhưng câu châm ngôn xưa cũ vẫn còn áp dụng được: các chế độ chuyên chế ổn định cho đến khi chúng không còn nữa.

Alina Polyakova là nhà nghiên cứu thuộc chương trình Chính sách đối ngoại, Viện Brookings, Mỹ; còn Torrey Taussig là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chương trình Chính sách đối ngoại của Viện Brookings và tại Trung tâm Belfer về khoa học và những vấn đề quốc tế thuộc trường Kennedy của Đại học Harvard.

Nguồn: Viet-studies

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Thượng tầng kiến trúc và hạ tầng kinh tế ngày nay




Trong chưa tới mười năm Hãng Apple đã bán hơn 1 tỷ iPhone trên khắp thế giới.
http://bfmbusiness.bfmtv.com/entreprise/1-milliard-d-iPhone-vendus-en-9-ans-quels-produits-font-mieux-qu-Apple-1034396.html
Khi iPhone 7 chào đời, nội tuần đầu, Apple bán được hơn 10 triệu cái, cũng trên khắp thế giới. Khách hàng phải ghi tên sắp hàng trước mới mua được.
Để hoàn thành một cái iPhone, người ta sử dụng nguyên liệu, linh kiện tới từ khoảng 150 quốc gia, cuối cùng lắp ráp tại Trung Quốc rồi bán khắp thế giới.
Một cái iPhone dùng khoảng 250 000 bằng sáng chế (brevets).
https://www.igen.fr/iPhone/2016/12/le-cout-invisible-et-eleve-des-licences-de-brevets-dans-les-smartphones-98303
e tutti quanti.
Tư bản toàn cầu hoá là như thế.
Thế nghĩa là gì ?
1/ Ba bốn chục năm qua, lực lượng sản xuất đã phát triển và xã hội hoá với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Đòn bẩy của sự phát triển đó đương nhiên là kiến thức khoa học, cũng đang bùng nổ với một tốc độ chưa từng thấy.
Đưa kiến thức khoa học vào những quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh, để không ngừng phát triển lực luợng sản xuất, theo Marx cách đây hơn 150 năm, là "nhiệm vụ" lịch sử của phương thức sản xuất tư bản. Ít có "sản phẩm" nào có tính chất xã hội cao bằng kiến thức khoa học : nó do vô vàn người tạo ra, xuyên qua vô vàn thế kỷ và nó là của bất cứ ai có khả năng học, tiếp thu, sử dụng và phát triển nó.
2/ Một thị trường tương xứng
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một thị trường tương xứng để tồn tại, phát triển : thị trường toàn cầu ở cả hai khâu :
a/ thị trường hàng hoá, vừa để mua nhanh và rẻ tất cả những phương tiện sản xuất cần thiết, vừa để bán sản phẩm với giá cao nhất, mang lại tỷ lệ lời cao nhất. Không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có thể một mình đáp ứng đòi hỏi trên.
b/ thị trường sức lao động, để "mua" vừa nhanh vừa rẻ tất cả những người làm thuê có những kiến thức và kỹ năng đủ mặt, đủ trình độ, để sản xuất sản phẩm loại ấy.
Thị trường tương xứng với lực lượng sản xuất ở mức mới này được gọi là thị trường toàn cầu và nền kinh tế nó biểu hiện thì gọi là kinh tế thị trường toàn cầu hoá. Nó là hình thái đã hình thành, còn đang phát triển của phương thức sản xuất tư bản ở mức toàn cầu xuyên qua nhiều thượng từng kiến trúc như : OMC, UE, các hiệp ước kinh tế chính trị giữa các vùng địa lý, giữa các lục địa, v.v. Thế thôi. Cũng đủ chết người, không ít, và tha hoá con người, cũng không ít. Nhưng chẳng thể vòng tránh được.
3/ Một hình thái quan hệ sản xuất "mới"
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một hình thái quan hệ sản xuất tương xứng để tồn tại, phát triển : Tư bản tài chính – Người làm thuê.
Từ thế kỷ 19 cho tới nửa đầu thế kỷ 20, ở Châu Âu, người ta quen hình dung quan hệ sản xuất tư bản dưới hình thái : Chủ Xí Nghiệp – Công Nhân (Patron–Ouvriers). Dễ hiểu : đó là thời đại tư bản công nghiệp ở mức Quốc Gia thống trị những nền kinh tế. Tư bản thường hiện thân như những nhà máy đồ sộ với hàng nghìn công nhân và một ông chủ, vừa là Chủ tư bản đích thực của xí nghiệp (Tư bản sở hữu), vừa là Giám đốc chỉ huy toàn bộ sinh hoạt sản xuất và kinh doanh của xí nghiệp (tư bản chức năng). Hình thái tư bản này khó có khả năng dung dưỡng và phát triển những lực lượng sản xuất mới kiểu trên. Tuy vậy, nó vẫn còn tồn tại ở mức rất đáng kể. Ở Pháp, còn có vài ông chủ tư bản lớn cỡ quốc tế kiểu ấy.
Hình thái tư bản thống trị thế giới ngày nay, tư bản tài chính, đã hình thành ngay trong thế kỷ 19 ở Châu Âu, xuyên qua những ngân hàng và những công trình đồ sộ đòi hỏi vốn đầu tư không cá nhân nào có được : những đường xe lửa xuyên lục địa, những Kênh Suez, e tutti quanti.
Tư bản tài chính có mấy đặc điểm sau :
a/ nó là một số tiền khổng lồ có thể vượt PIB của nhiều quốc gia trên trái đất này.
b/ quyền xử dụng nó không tuỳ thuộc quyền lực chính trị của Nhà Nước nào, mà là quyền lực "tư nhân", quyền lực "tư hữu", nhưng không là quyền lực của ông chủ lớn nhất nào. Ngoại lệ : tư bản nhà nước, Fonds Souverains, đặc biệt các "nước dầu lửa", Na Uy, Trung Quốc… :
https://www.google.fr/search?client=firefox-b&dcr=0&q=fond+souverain+classement&sa=X&ved=0ahUKEwj_1unUspjXAhXJ1qQKHWqYBUMQ1QIIgQEoAg&biw=1101&bih=622
c/ chủ đích thực của nó đông lúc nhúc, thành ra vô danh, vô diện, vô lực.
Ta đang nhân chuyện iPhone tán gẫu, vậy lấy Hãng Apple làm thí dụ. Chủ của nó là ai ? Bạn nào cho tôi một dáp án thoả đáng, tôi ngả mũ chào. Nó thế này :
https://www.zonebourse.com/APPLE-4849/societe/
– 99.99% chủ nhân của Apple có thể thay tên đổi dạng bất cứ lúc nào. Những Tim Cook, Steve Jobs, về mặt này, chỉ là tiểu chủ vặt, rêu rao cho bàn dân ồ mê ly, mê ly đời ta thôi.
– 10 chủ nhân lớn nhất (từ 6.64% cổ phiếu tới 0.80% cổ phiếu !) không là ai cả, là những công ty kiểu Apple đằng sau đó có một đống chủ nhân như… Apple !
Marx đã từng nhận định sắc bén, than ôi triết : Tư Bản, tự nó là một thực thể xã hội tính (le capital, en soi, est un être social) : nó do lao động của nhiều người mà hình thành, nó vận động được nhờ lao động phối hợp của nhiều người.
Quá trình xã hội hoá của tư bản cũng là quá trình vô nhân hoá nó : 1 cổ phiếu của Steve Jobs trong Apple = 1 cổ phiếu của… The Vanguard Group, Inc. Thế thôi.
d/ Vai trò đặc thù của Tư bản chức năng
Trong hoàn cảnh như thế, ai có thể làm sếp những Hãng kiểu Apple ?
Những người khiến nó có khả năng sản xuất, buôn bán, có lời, phát triển, qua đó khiến tiền của các ông chủ đích thực của tư bản tài chính ung dung tiến bước trên con đường : Tiền → Tiền' ; Tiền' > Tiền .
Ông Steve Jobs thuộc loại người như thế. Ông chỉ là chủ của 0.5% cổ phiếu của Apple :
http://www.boursier.com/actualites/economie/les-petits-secrets-de-steve-jobs-enfin-reveles-10393.html
nhưng ông là lãnh đạo hành sự tối cao, không ai phản đối, của Apple trong nhiều năm. Steve Jobs, Tim Cook và những người cộng tác viên của họ trong ban lãnh đạo (executive board) của Apple là hiện thân của tư bản chức năng, là những người có khả năng thúc đẩy tư bản vận động, tiền đẻ ra tiền. Họ có quyền lực không nhờ làm chủ nhiều cổ phiếu mà nhờ tài năng : sáng tạo, tổ chức, quản lý, quảng cáo, buôn bán… Ở một số nước, Pháp chẳng hạn, một trong những tài năng quyết định là tài năng xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ với… quyền lực chính trị và tài chính !
Càng ngày hai bộ mặt xưa kia thống nhất của tư bản, Tư bản sở hữu và tư bản chức năng, càng tách rời nhau. Tư bản sở hữu dĩ nhiên nắm quyền quyết định cuối cùng trong Ban Quản Trị (Conseil d'administration) của Hãng : ai gom được nhiều cổ phiếu nhất theo phe mình, người ấy quyết định. "Anh" Tư bản sở hữu có thể đuổi tổng giám đốc bất cứ lúc nào. Nhưng sau đó, làm gì để khiến tiền đẻ ra tiền ? "Thuê" một anh tư bản chức năng khác ! "Anh" Tư bản sở hữu, xét cho cùng, là một đống tiền vô danh vô diện, không có khả năng điều khiển cụ thể một Hãng lớn nhỏ nào cả. Ngược lại, anh tư bản chức năng, dù chỉ là chủ của một cổ phiếu thôi[1], là người cần thiết để đảm bảo sự vận hành của tư bản.
Tình hình trên đặt ra một câu hỏi : phải chăng quá trình phát triển của phương thức sản xuất tư bản đã khai sinh ra một giai cấp mới, hoàn toàn không có định nghĩa trong quan hệ sản xuất của Marx : giai cấp tư bản chức năng ?
Nếu có, "Mâu thuẫn" tay ba giữa tư bản sở hữu, tư bản chức năng và người làm thuê sẽ vận động thế nào ? Điều chắc chắn, đó không là chuyện chữ nghĩa hão : chỉ nhìn những hục hặc túi bụi giữa bộ chưởng bộ kinh tế và tài chính Pháp Macron (thời Hollande), đại diện cho Nhà Nước Pháp, chủ 20% cổ phiếu của Hãng Renault, với Tổng giám đốc của Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn, cũng đủ thấy : không phải chuyện đùa và không phải ông Macron thắng ! Có nhiều ví dụ khác.
Mâu thuẫn giữa tính xã hội ngày càng sâu rộng của lực luợng sản xuất và tính tư hữu trong quan hệ sản xuất có thể vận hành ra sao ? Điều chắc chắn, mâu thuẫn này, ngày nay, bao gôm mâu thuẫn giữa quyền lực kinh tế phi quốc gia của tư bản tài chính và quyền lực chính trị quốc gia ở mọi nước. Nó thể hiện rõ trong mâu thuẫn giữa chủ quyền quốc gia định đoạt đường lối kinh tế của một nước với những rằng buộc của những hiệp định siêu quốc gia trong những tổ chức quốc tế. Thí dụ : mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc của Liên Hiệp Châu Âu (Union Européenne) với thượng tầng kiến trúc của từng nước trong UE trong quyền lập pháp. Coi tình hình ngày càng hỗn loạn của UE trong mấy năm qua thì thấy.


Phan Huy Đường
2017-10-29




[1] theo luật pháp của Pháp, anh tổng giám đốc (Directeur Général, PDG) một hãng phải có ít nhất một cổ phiếu mới có tư cách đại diện giới chủ đối với người làm thuê.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Nghịch lý của nền chính trị bản sắc







Nguồn: Kemal Derviş, “The Paradox of Identity Politics,” Project Syndicate, 12/05/2015.

Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Cuộc tổng tuyển cử gần đây của Vương quốc Anh đã cung cấp một ví dụ rõ ràng về cách mà vấn đề bản sắc dân tộc đang định hình lại bộ mặt chính trị của châu Âu. Đảng Dân tộc Scotland (SNP), một phiên bản cánh tả của nền chính trị bản sắc, đã vượt qua Công đảng ở Scotland, cho phép Đảng Bảo thủ giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội (Vương quốc Anh). Chính phủ của Thủ tướng David Cameron – người tập trung vào bản sắc của người Anh hơn là vận mệnh chung của Vương quốc Anh với châu Âu – chắc chắn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục tư cách thành viên của mình tại Liên minh Châu Âu, với những hệ quả không thể lường trước.

Trong nhiều thập niên, cuộc tranh luận chính trị ở châu Âu chủ yếu tập trung vào các chính sách và các thể chế kinh tế. Đảng Bảo thủ ủng hộ một nền kinh tế được định hướng bởi khu vực tư nhân, thị trường tự do, thuế thấp, giảm chi tiêu của chính phủ và hàng hóa công hạn chế. Những nhà tự do và những nhà dân chủ xã hội ủng hộ nền kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân, thị trường, hội nhập châu Âu và tăng cường thương mại, đi kèm với việc trợ cấp cho người nghèo và mức thuế mang tính chất tái phân phối thu nhập đáng kể, mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ và một phần sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và tài chính.

Trong hệ thống lưỡng cực này, các bên bất đồng về các sắc thái của chính sách kinh tế, nhưng lại đồng thuận rộng rãi về các giá trị dân chủ, dự án châu Âu, và sự cần thiết phải thích nghi và quản lý toàn cầu hóa, chứ không chối bỏ toàn bộ. Tuy nhiên, với sự thành công ngày càng tăng của những lời kêu gọi cho bản sắc và chủ nghĩa dân tộc sắc tộc hay tôn giáo được phục hồi, điều đó đang thay đổi. Phải chăng những bóng ma hồi đầu và giữa thế kỷ 20 đang quay trở lại?

Vấn đề này đặc biệt liên quan đến châu Âu, nhưng nó cũng có ý nghĩa toàn cầu. Ví dụ, tại Trung Đông, nền chính trị bản sắc đang thể hiện bản thân dưới hình thái tồi tệ nhất: cuộc đụng độ hỗn loạn và bạo lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia, được minh chứng bằng sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.

Lòng trung thành với một bản sắc theo nhận thức có thể có các thành phần vô hại và hữu ích, chẳng hạn như thúc đẩy ngôn ngữ của khu vực. Vấn đề với nền chính trị bản sắc là nó đặt nhóm “cầm quyền” mâu thuẫn với nhóm “khác” theo nhận thức – một cách tiếp cận có thể dễ dàng nuôi dưỡng chủ nghĩa sô vanh, phân biệt đối xử ác cảm, và sự đối đầu công khai.

Một lý do chính cho sự tái trỗi dậy của nền chính trị bản sắc ở châu Âu là toàn cầu hóa, điều đã hạn chế khả năng của các quốc gia hoặc dân tộc trong việc kiểm soát nền kinh tế của họ. Thật vậy, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên liên kết chặt chẽ lẫn nhau, và thị trường thế giới rất quyền lực, nên dường như các chính sách quốc gia ít có cơ hội làm gián đoạn các dòng vốn siêu linh hoạt.

Trong khi toàn cầu hóa đã góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng nói chung, nó lại mang lại nhiều lợi ích nhất cho những người thuộc giới tinh hoa toàn cầu mới. Trong khi đó, nhiều người ở châu Âu phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế lớn hơn, do các công nghệ mới hay sự cạnh tranh từ những công nhân giá rẻ ở nơi khác. Trừ khi họ có thể nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của mình – và, trong một số trường hợp, chuyển sang một ngành công nghiệp hay một địa điểm mới – họ phải đối mặt với những cơ hội kinh tế hạn chế. Những nhóm yếu thế này là đặc biệt lớn trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây và hiện phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nhưng ngay cả những người tương đối giàu có cũng đang thất vọng với một vài đặc điểm của toàn cầu hóa. Họ có thể phản đối việc dùng thuế của họ để “trợ cấp” cho những người nghèo hơn mà không cùng chung bản sắc với họ, chẳng hạn những người nhập cư, người Bỉ nói tiếng Pháp, người miền Nam nước Ý, hoặc người Hy Lạp.

Khi đề cập đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại, hội nhập châu Âu, và toàn cầu hóa kinh tế, những người cực hữu và cực tả thường chia sẻ cùng quan điểm. Ví dụ, tại Pháp, nhiều người ủng hộ Đảng Mặt trận Dân tộc đã bầu cho những người cộng sản cách đây 30 năm. Và quả thật, chương trình kinh tế của Đảng Mặt trận Dân tộc khá giống với chương trình của Mặt trận Cánh tả (một khối cử tri gồm Đảng Cộng sản và Đảng Cánh tả Pháp).

Dĩ nhiên, khi đề cập đến vấn đề di cư và nhân quyền, truyền thống tư tưởng quốc tế chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội đã ngăn chặn những người cực tả tiếp nhận quan điểm dân tộc chủ nghĩa hay phân biệt chủng tộc cực đoan. Tuy nhiên, với việc những đảng này đang cạnh tranh với phe cực hữu để giành những cử tri đã thất vọng như nhau, chủ nghĩa nhân văn của họ về những vấn đề này đã trở thành một trở ngại chính trị nghiêm trọng, điều có thể giải thích tại sao phe cánh hữu cực đoan gần đây đã thành công hơn trong bầu cử.

Trong khi đó, sự nổi lên của các phong trào chính trị định hướng bởi bản sắc là một thách thức lớn đối với các đảng chính trị truyền thống của châu Âu. Những người bảo thủ chính thống, được nhận thức rộng rãi là đang phục vụ những lợi ích kinh tế của người giàu, phải tìm cách để thể hiện mình như những người theo chủ nghĩa dân túy – nhưng không tỏ ra thái quá như những đối thủ cực hữu về vấn đề di cư và nhân quyền. Cameron đã thành công trong hành động cân bằng tinh tế này – và đã được các cử tri tưởng thưởng. Những nhà Cộng hòa chính thống ở Hoa Kỳ, chịu áp lực từ những lực lượng cực đoan hơn trong đảng của mình, cũng phải đối mặt với thách thức tương tự.

Đối với các đảng trung tả, nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn. Họ phải mang đến cho các cử tri một chương trình kinh tế thiết thực thân thiện với thị trường và mở cửa đối với thương mại quốc tế, trong khi hứa hẹn mang lại những lợi ích rõ rệt cho khoảng 60-70% dân số nghèo hơn, những người đang thất vọng một cách dễ hiểu với sự thiếu tiến bộ kinh tế. Nếu chính sách kinh tế của một đảng cánh tả được xem là yếu ớt so với chương trình nghị sự của phe cánh hữu, nhóm dân số nghèo nhất sẽ hướng về các lực lượng sô vanh chủ nghĩa và những lời hứa giả dối của họ về việc bảo vệ người nghèo trước những hệ quả của toàn cầu hóa.

Các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ kỳ, Đan Mạch, và Bồ Đào Nha – chưa kể đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm sau – sẽ cho thấy những phiên bản riêng của họ về những thách thức này. Đặc biệt, phe cánh tả sẽ phải bảo vệ các nguyên tắc bình đẳng và dân chủ, trong khi tìm cách quản lý sự toàn cầu hóa không thể đảo ngược, kể cả thông qua hợp tác quốc tế. Nghịch lý lớn là nếu sự trỗi dậy của nền chính trị bản sắc tiếp tục tiếp diễn, các chính phủ thậm chí sẽ ít có khả năng hơn trong việc giải quyết những vấn đề đang thúc đẩy điều đó.

Kemal Derviş, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và cựu Quản trị viên Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), là phó Chủ tịch Viện Brookings.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Chủ nghĩa dân túy và phe nhà giàu mới nổi






Nguồn: Ian Buruma, “The Populism for the Rich,” Project Syndicate, 04/11/2016.


Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng


Gần đây tôi tham gia một chuyến tham quan Cung điện Quốc hội ở Bucharest, một công trình khổng lồ tốn kém được xây dựng vào những năm 1980 theo lệnh của nhà độc tài người Rumani quá cố Nicolae Ceauşescu, người đã bị hành quyết trước khi có thể nhìn thấy nó được hoàn thành. Các số liệu thống kê mà hướng dẫn viên của chúng tôi kể lại thật đáng kinh ngạc: dinh thự lớn thứ ba trên thế giới, 20.500 mét vuông trải thảm, một triệu mét khối đá cẩm thạch, 3.500 tấn pha lê. Các cầu thang bằng đá cẩm thạch khổng lồ đã phải xây dựng nhiều lần cho phù hợp chính xác với bước chân của nhà độc tài, một người đàn ông nhỏ bé.


Để xây dựng công trình kỳ quái tân cổ điển này, cả một dải đất của thành phố, một khu vực tươi đẹp có những ngôi nhà, nhà thờ và giáo đường Do Thái thế kỷ 18, đã bị san bằng, di dời 40.000 người. Hơn một triệu người làm dự án này không nghỉ cả ngày lẫn đêm. Nó đã làm nhà nước vỡ nợ khá lớn, ngay cả khi người dân của Ceauşescu phải sống trong cảnh không có điện và không được sưởi ấm trong phần lớn thời gian. Nước này vẫn tốn hơn 6 triệu USD một năm để duy trì cung điện, nay là tòa nhà quốc hội Rumani và một bảo tàng nghệ thuật, bỏ lại 70% không được sử dụng.


Công trình tốn kém của Ceausescu là một tượng đài cho sự cuồng vọng. Nhưng nó không hề độc đáo, ngoại trừ kích thước (dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cố cạnh tranh với nó về quy mô bằng cung điện mới của ông ở Ankara). Suy nghĩ giống nhau của một kiểu những kẻ vĩ cuồng nhất định, hoặc ít nhất có chung một khiếu thẩm mỹ kiến ​​trúc, thực sự rất đáng chú ý. Những kế hoạch tái thiết Berlin của Hitler đã phản ánh trường phái khổng lồ tân cổ điển giống như vậy. Và nội thất của cung điện ở Bucharest, một kiểu phong cách vua Louis XIV quy mô lớn, chỉ là một phiên bản xa xỉ hơn của khu nhà ở của Donald Trump ở Florida và New York.


Những nơi này là cái mà bạn sẽ bắt gặp khi những kẻ ngoài cuộc thiếu nền móng xã hội ôm mộng làm Ông Vua Mặt trời (biệt danh của Vua Louis XIV – NBT). Nhắc đến Trump giống như Hitler và Ceauşescu có lẽ là không công bằng. Trump không phải là một tên bạo chúa giết người. Và nền tảng xã hội của ông thì phức tạp hơn.


Hitler là con trai của một quan chức hải quan nhỏ, còn Ceauşescu có xuất thân từ nông dân nghèo. Cả hai con người này đều cảm thấy mình nhỏ bé và quê kệch trong các thành phố thủ đô của mình. Cách chế ngự tầng lớp tinh hoa đô thị phức tạp hơn là đàn áp dữ dội tầng lớp này và xây dựng lại các thành phố theo những giấc mơ vĩ đại của mình.


Trump cũng muốn mọi thứ mang tên mình to lớn và sáng sủa hơn mọi thứ khác. Nhưng ông sinh ra ở New York và được thừa hưởng một khoản tiền đáng kể từ cha mình, Fred Trump, một nhà phát triển bất động sản với một danh tiếng có phần đáng ngờ. Thế nhưng dường như ông cũng sôi sục oán giận đối với tầng lớp tinh hoa, những người có thể coi thường ông là một kẻ mới phất thô kệch, với những tòa nhà chọc trời màu vàng lố bịch và những biệt thự lỗi thời chứa đầy ghế và đèn chùm lớn mạ vàng.


Chủ nghĩa dân túy hiện đại thường được mô tả như một cuộc chiến giai cấp mới giữa những người hưởng lợi từ một thế giới toàn cầu hóa với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Những người ủng hộ Trump ở Hoa Kỳ và Brexit ở Vương quốc Anh nói chung có học vấn thấp hơn “giới chính thống” mà họ phản đối. Nhưng đáng lẽ họ đã không bao giờ có thể tiến xa như khi chỉ có một mình. Đảng Trà ở Mỹ có lẽ vẫn tương đối ngoài lề nếu không có những người ủng hộ và những kẻ mị dân đầy quyền lực. Và đây thường là những kẻ nhà giàu mới, chia sẻ sự cay đắng của những người đi theo họ.


Đây rõ ràng là trường hợp của Ý, nơi cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người có nền tảng gần giống Trump, đã tìm cách khai thác những ước mơ và nỗi bất bình của hàng triệu người. Phong trào dân túy ở các nước khác cho thấy một mô hình tương tự. Ở Thái Lan, tài phiệt người Thái gốc Hoa Thaksin Shinawatra, con trai của một người cha mới giàu giống như Berlusconi và Trump, đã chống lại giới tinh hoa xã hội và chính trị của Bangkok, trở thành thủ tướng với sự ủng hộ của cử tri tỉnh lẻ và nông thôn, trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Ở Hà Lan, một tầng lớp người giàu mới gồm những ông trùm bất động sản đã ủng hộ nhà dân túy cánh hữu Pim Fortuyn và người kế nhiệm thô bạo hơn của ông, Geert Wilders.


Giới nhà giàu mới là một lực lượng quan trọng trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tương đương những người nghèo và có học vấn thấp hơn, những người cảm thấy bị các tầng lớp tinh hoa bỏ rơi. Bất chấp những bất bình đẳng rất lớn về của cải, họ có chung một cơn oán giận sâu sắc đối với những người mà họ nghi là coi thường họ. Và họ không hoàn toàn sai. Bất kể tiền mới có thể mua được bao nhiêu cung điện hoặc du thuyền đi chăng nữa, tiền cũ vẫn sẽ tiếp tục khinh thường người thâu tóm tiền mới. Tương tự, tầng lớp thị dân có học thức có xu hướng xem thường những cử tri ủng hộ Brexit hoặc chống lưng cho Trump là ngu dốt và vô giáo dục.


Những nỗi bất bình mà người giàu mới cũng như người bị bỏ lại phía sau cảm thấy hòa trộn lại đã thúc đẩy chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể dẫn đến chế độ độc tài, với các bạo chúa được tự do theo đuổi những huyễn tưởng kỳ quái với cái giá được chi trả bởi hàng triệu người nằm dưới quyền kiểm soát của họ.


Cho đến nay, ở châu Âu và Mỹ, những kẻ mị dân mới chỉ có thể mang tới những giấc mơ: lấy lại đất nước của chúng ta, làm cho nó vĩ đại trở lại, và cứ thế. Để ngăn chặn những giấc mơ như vậy trở thành những cơn ác mộng chính trị, cần nhiều điều hơn ngoài chuyên môn kỹ trị, hoặc những lời kêu gọi phép lịch sự và chừng mực. Những người oán giận không thể dễ dàng bị thuyết phục bởi lý do rõ ràng. Họ phải được cung cấp một tầm nhìn khác.


Vấn đề hôm nay, trên toàn thế giới, là một tầm nhìn thay thế như vậy không hề có sẵn trong tay. Cuộc cách mạng Pháp đã diễn ra hơn hai thế kỷ trước. “Tự do, bình đẳng, bác ái” ngày nay chỉ còn là một khẩu hiệu lịch sử. Nhưng đây có thể là một thời điểm tốt để cập nhật nó.


Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.


- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/12/chu-nghia-dan-tuy-va-phe-nha-giau-moi-noi/#sthash.COnzokfW.dpuf

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Hãy suy nghĩ lại về dân chủ






Nguồn: Dani Rodrik, “Rethinking Democracy,” Project Syndicate, 11/07/2014.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Xét trên nhiều khía cạnh, thế giới chưa bao giờ dân chủ hơn bây giờ. Hầu như chính phủ nào cũng ủng hộ dân chủ và nhân quyền, ít nhất là bằng lời nói. Mặc dù bầu cử có thể không được tự do và công bằng, thao túng bầu cử trên quy mô lớn lại ít xảy ra, và cái thời mà chỉ có nam giới, người da trắng, hoặc những người giàu mới có thể bỏ phiếu đã qua lâu rồi. Các cuộc khảo sát toàn cầu của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) cho thấy tỉ lệ các quốc gia “tự do” đã tăng một cách ổn định từ năm 1970 – một xu hướng mà nhà khoa học chính trị quá cố ở Đại học Harvard là Samuel Huntington gọi là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa.

Việc phổ biến các chuẩn mực dân chủ từ các nước phương Tây tiên tiến tới phần còn lại của thế giới có lẽ là những lợi ích quan trọng nhất của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt với dân chủ. Các chính phủ dân chủ ngày nay hoạt động kém, và tương lai của họ vẫn còn đáng ngờ.

Ở các nước tiên tiến, sự bất mãn với chính phủ xuất phát từ việc các chính phủ bất lực trong việc đưa ra các chính sách kinh tế hiệu quả cho tăng tưởng và giúp người nghèo cũng được hưởng lợi (inclusion). Trong các nền dân chủ mới của thế giới đang phát triển, không đảm bảo được các quyền tự do dân sự và tự do chính trị là một nguồn bổ sung gây nên sự bất mãn.

Một nền dân chủ thật sự, nơi có sự kết hợp giữa nguyên tắc đa số với tôn trọng các quyền lợi của các nhóm thiểu số, cần có hai loại thể chế. Thứ nhất, các thể chế đại diện – chẳng hạn như các đảng phái chính trị, quốc hội, và hệ thống bầu cử – là cần thiết để đưa ra những lựa chọn phổ biến và biến chúng thành hành động chính sách. Thứ hai, dân chủ yêu cầu có các thể chế kiểm soát, chẳng hạn như một nền tư pháp và truyền thông độc lập, phát huy các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và ngăn chặn chính quyền lạm dụng quyền lực. Đại diện mà không có giới hạn – bầu cử mà không có nền pháp quyền – là nguyên liệu cho sự chuyên chế của số đông.

Dân chủ theo ý nghĩa này – điều mà nhiều người gọi là “dân chủ tự do” – chỉ phát triển mạnh mẽ sau khi xuất hiện các quốc gia – dân tộc (nation-state), và sự nổi dậy và huy động quần chúng tạo ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do mà nhiều nước dân chủ lâu đời nhất hiện đang trải qua phản ánh áp lực mà mô hình quốc gia – dân tộc phải đối mặt.

Các quốc gia – dân tộc bị tấn công từ cả bên trên và bên dưới. Toàn cầu hóa kinh tế đã làm các công cụ chính sách kinh tế quốc gia bị cùn đi và các cơ chế truyền thống về trợ giúp tài chính cho người nghèo và tái phân phối để củng cố công bằng xã hội bị suy yếu. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách thường dùng áp lực cạnh tranh (dù thật hay tưởng tượng) xuất phát từ nền kinh tế toàn cầu để biện minh cho việc không đáp ứng các yêu cầu của người dân, và viện dẫn chính những áp lực tương tự khi thực hiện các chính sách không được lòng dân như thắt chặt tài khóa.

Một hậu quả là sự nổi lên của các nhóm cực đoan ở châu Âu. Đồng thời, các phong trào ly khai như ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) và Scotland đang thách thức tính chính danh của các quốc gia – dân tộc trong hình hài hiện tại khi tìm cách phá vỡ các quốc gia này. Cho dù họ làm được quá nhiều hay quá ít, nhiều chính phủ các nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính đại diện.

Ở các nước đang phát triển, các thể chế kiềm chế thường không hoạt động. Những chính phủ được bầu lên thường trở nên tham nhũng và thèm khát quyền lực. Họ lặp lại hoạt động của các chế độ dành cho giới tinh hoa mà họ thay thế, kiểm soát chặt chẽ báo chí và tự do dân sự, và làm suy yếu (hay kiểm soát) các cơ quan tư pháp. Kết quả là điều đó tạo ra các nền “dân chủ phi tự do” hoặc “chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh.” Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và Thái Lan là một số ví dụ điển hình gần đây của loại hình này.

Khi dân chủ không mang lại thành công về kinh tế hay chính trị, có lẽ chúng ta cũng đoán được rằng một số người sẽ tìm kiếm các giải pháp ở chế độ độc tài. Và đối với nhiều nhà kinh tế, phương pháp gần như luôn được ưa thích hơn là giao chính sách kinh tế cho các cơ quan kỹ trị để tách chúng khỏi “đám đông điên loạn.”

Với sự độc lập của ngân hàng trung ương và các quy tắc tài khóa của mình, Liên minh châu Âu đã tiến xa trên con đường này. Các doanh nhân ở Ấn Độ đang nhìn một cách nuối tiếc về phía Trung Quốc và mong các lãnh đạo của họ có thể hành động mạnh dạn và quyết liệt như vậy – nghĩa là độc đoán hơn – để giải quyết những thách thức về cải cách của đất nước này. Ở các nước như Ai Cập và Thái Lan, sự can thiệp của giới quân sự được xem như một điều cần thiết tạm thời nhằm chấm dứt sự thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo dân cử.

Những phản ứng độc tài này cuối cùng cũng tự chuốc lấy thất bại bởi vì chúng làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn dân chủ. Tại châu Âu, chính sách kinh tế cần tính chính danh dân chủ nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường đáng kể sự thảo luận thấu đáo và trách nhiệm giải trình dân chủ ở cấp EU, hoặc bằng cách tăng quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong việc thiết lập chính sách kinh tế.

Nói cách khác, châu Âu đang phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa liên minh chính trị nhiều hơn hoặc liên minh kinh tế ít hơn. Chừng nào châu Âu còn trì hoãn việc chọn lựa thì dân chủ còn bị ảnh hưởng.

Ở các nước đang phát triển, can thiệp của quân đội vào chính trị quốc gia sẽ làm suy yếu triển vọng lâu dài cho dân chủ, bởi vì nó cản trở sự phát triển của các “văn hóa” cần thiết, bao gồm những thói quen ôn hòa và thỏa hiệp giữa các nhóm dân sự cạnh tranh. Chừng nào quân đội vẫn còn là trọng tài chính trị cuối cùng thì các nhóm này sẽ tập trung chiến lược của họ vào giới quân sự chứ không phải vào nhau.

Các thể chế kiểm soát có hiệu quả không xuất hiện qua một đêm; và có vẻ như giới cầm quyền sẽ không bao giờ muốn tạo ra chúng. Nhưng có một khả năng là khi ta bị thất cử và phe đối lập lên cầm quyền, thì các thể chế này sẽ bảo vệ ta khỏi bị trù dập vào ngày mai tương tự như khi chúng bảo vệ những người đó khỏi bị ta trù dập hôm nay. Vì vậy, triển vọng mạnh mẽ cho cạnh tranh chính trị bền vững là một điều kiện tiên quyết quan trọng để nền dân chủ phi tự do dần dần trở thành nền dân chủ tự do.

Những người lạc quan tin rằng các công nghệ và phương thức quản trị mới sẽ giải quyết tất cả các vấn đề và kéo các nền dân chủ vào trung tâm của quốc gia – dân tộc như là ngựa kéo cỗ xe. Những người bi quan lo ngại rằng nền dân chủ tự do hôm nay sẽ không đủ sức đáp lại các thách thức bên ngoài tạo ra bởi các quốc gia phi tự do như Trung Quốc và Nga với nền chính trị thực dụng cứng rắn. Nhưng dù lạc quan hay bi quan, nếu dân chủ muốn có một tương lai thì nó sẽ cần phải được xem xét lại.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/07/22/hay-suy-nghi-lai-ve-dan-chu/#sthash.KPS1jZRs.dpuf

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do








Nguồn: Ross Douthat, “The Crisis for Liberalism,” The New York Times, 19/11/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một cuộc khủng hoảng đối với chủ nghĩa bảo thủ; hậu quả của nó là một khủng hoảng của chủ nghĩa tự do. Cánh hữu, bất ngờ giành được quyền lực, đang tạm dừng nhìn lại mình trong lúc chờ xem chủ nghĩa Trump có ý nghĩa như thế nào trên thực tế. Cánh tả, bất ngờ mất đi quyền lực, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu tranh luận họ đã mất phương hướng như thế nào.

Rất nhiều lập luận đó đã xoay quanh khái niệm “chính trị bản sắc,” được dùng để tóm gọn tầm nhìn về chủ nghĩa tự do chính trị như một liên minh của các nhóm khác nhau – người đồng tính, da đen, gốc Á, gốc Tây Ban Nha, phụ nữ, người Do Thái, người Hồi giáo, v.v. – gắn kết với nhau trong một cuộc chiến chung chống lại bá quyền mục nát của người Mỹ Cơ Đốc giáo da trắng.

Tầm nhìn này đã có một sức hấp dẫn dễ nhận thấy trong kỷ nguyên Obama, khi nó giành được Nhà Trắng hai lần và dường như hứa hẹn giành được đa số chính trị lâu dài trong tương lai. Và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đáng lẽ phải củng cố lời hứa đó, vì nó là cuộc đối đầu giữa liên minh đa dạng của chủ nghĩa tự do với tầm nhìn rõ ràng phản động của Donald Trump.

Nhưng thay vào đó, năm 2016 lại phơi bày hai điểm yếu của chủ nghĩa tự do: người da trắng theo đuổi một nền chính trị bản sắc của riêng mình, và phụ nữ và các nhóm thiểu số không sợ Trump như mà đa số nhà tự do chủ nghĩa dự đoán, và không thống nhất bầu cho Hillary.

Vì thế, giờ đây chủ nghĩa tự do bản sắc phải hứng chịu chỉ trích từ hai hướng. Từ trung tả, nó bị phê phán là một thế lực phi tự do và gây phân rã, đẩy những người da trắng, có thiên hướng tình dục đúng với sinh học, và dị tính luyến ái có thiện chí sang cánh hữu và ngăn cản chủ nghĩa tự do nói ngôn ngữ của giá trị chung. Từ cánh tả, nó bị phê phán là một biểu hiện của đặc quyền giai cấp, ít quan tâm đến công bằng kinh tế miễn là người Hồi giáo dòng Sufi đồng tính da đen được góp mặt trong show truyền hình siêu anh hùng mới nhất trên Netflix.

Cả hai phê phán này đều có những điểm có lý. Nhưng tôi không chắc chúng nắm bắt được đầy đủ sức kéo của một nền chính trị bản sắc, nguồn năng lượng đưa nó lên trên những tầm nhìn dựa trên giai cấp và mang tính hình thức về chủ nghĩa tự do.

Đúng là nền chính trị bản sắc thường phi tự do, cả trong việc chú trọng vào những trải nghiệm nhóm hơn là chủ nghĩa cá nhân, lẫn trong mạng lưới của những điều tuyệt đối về đạo đức –những từ cấm kỵ, những người phát ngôn linh thiêng, những tranh luận bị cấm đoán – mà nó tìm cách giăng lên diễn ngôn của chủ nghĩa tự do cánh tả. Đúng là nó cũng đề cao siêu hình hơn vật chất, đề cao sự công nhận hơn sự tái phân phối.

Nhưng các xã hội tự do luôn phụ thuộc vào nền tảng phi tự do hoặc “tiền tự do” (pre-liberal) để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người – ý nghĩa, sự thân thuộc (trong một cộng đồng), một chiều dọc về cuộc sống con người, một hy vọng về sự bất tử – mà cả John Stuart Mill lẫn Karl Marx đều không giải quyết thỏa đáng.

Trong lịch sử nước Mỹ, nền tảng đó có nhiều hình thức: Những mối quan hệ của đời sống gia đình, quyền lực của tôn giáo (thường là Tin Lành), một chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt, và một nền văn hóa Anglo-Saxon mà người nhập cư được kỳ vọng là phải đồng hóa theo.

Mỗi nền tảng trong số này thường thể hiện những điều tệ hại của chủ nghĩa phi tự do: bất khoan dung tôn giáo, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa sô vanh, sự đàn áp quyền lực cá nhân và gia đình. Nhưng chúng cũng cung cấp những nền tảng chung về đạo đức, văn hóa và siêu hình mà các nhà cải cách chính trị – những người theo chủ nghĩa bãi nô, những người truyền bá phong trào Tin mừng xã hội (Social Gospellers), những người theo Chính sách Kinh tế mới (New Dealers), những người đấu tranh cho dân quyền – dựa vào để mở rộng hứa hẹn của chủ nghĩa tự do.

Ngược lại, phần lớn nền chính trị cánh tả sau thập niên 1960 là một thử nghiệm trong việc cắt đứt các xã hội phương Tây khỏi những nền tảng đó, như lời bài “Imagine” (Tưởng tượng) của John Lennon. Không thiên đường hay tôn giáo, không quốc gia hay biên giới hay lòng trung thành địa phương dưới bất kỳ hình thức nào – đây thường là những giá trị của phe trung tả và cực tả, của các nhà tân tự do vốn mong quản lý nền kinh tế tư bản toàn cầu, và của các nhà tân Marxist vốn mong vượt qua.

Không may là những giá trị của “Imagine” đơn thuần là không đáp ứng đủ những nhu cầu của đời sống con người. Con người có một ước vọng đoàn kết mà chủ nghĩa thế giới không thể thỏa mãn, những lợi ích phi vật chất mà sự tái phân phối không thể đáp ứng, và sự khao khát những điều linh thiêng mà chủ nghĩa thế tục không thể trả lời.

Vì thế, khi tôn giáo hao mòn, gia đình suy yếu, và lòng yêu nước phai nhạt, các hình thức nhóm bản sắc khác chắc chắn sẽ tự khẳng định mình. Không phải ngẫu nhiên mà nền chính trị bản sắc đặc biệt mạnh mẽ ở các trường đại học ưu tú, những thể chế hậu tôn giáo và hậu dân tộc chủ nghĩa tự ý thức nhất; cũng không phải ngẫu nhiên mà những làn sóng gần đây của các cuộc biểu tình ở các trường đại học và hoạt động xã hội và đạo đức hóa tình dục thường xuyên gợi nhớ về phong trào tái thức tỉnh tôn giáo. Sinh viên đại học hiện nay sống trọn vẹn nhất trong xã hội không tưởng kiểu Lennon mà chủ nghĩa tự do hậu thập niên 1960 tìm cách xây dựng, nhưng thường thấy nó không thoải mái: Người sinh viên ấy muốn có cảm giác thuộc về một cộng đồng, một nền tảng đạo đức cá nhân, và một tiêu chuẩn về công lý cao hơn tiêu chuẩn mà một nền chính trị cả hình thức đơn thuần lẫn vật chất tuyệt đối cung cấp.

Vì vậy, với chủ nghĩa tự do ngày nay, vốn phải đối mặt với một chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và những mâu thuẫn nội bộ của chính mình, việc giải quyết những yếu kém chính trị của chính trị bản sắc bằng cách trở nên dân túy và bớt đúng đắn chính trị hơn có thể sẽ không đủ. Cả hai điều này sẽ là những thay đổi đáng muốn, nhưng chúng vẫn không thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của con người. Với những nhu cầu đó, một tầm nhìn sâu sắc hơn chủ nghĩa tự do đơn thuần vẫn là cần thiết – một cái gì đó như “vì Chúa và gia đình và đất nước,” dù nghe có phản động.

Nó phản động, nhưng nó chính là những điều nền tảng, lâu đời hơn mà chủ nghĩa tự do ngày nay đã đánh mất. Cho đến khi tìm lại được chúng, nó sẽ phải đối mặt sự phân lập trong nội bộ liên minh của mình cũng như chủ nghĩa Trump từ bên ngoài, và nó sẽ đấu tranh để chế ngự cả hai.

Ross Douthat, cây viết xã luận của The New York Times, là tác giả cuốn Bad Religion: How We Became a Nation of Heretics (New York: Free Press, 2012)

- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/09/cuoc-khung-hoang-cua-chu-nghia-tu/#
sthash.EX1JWkob.dpuf