Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

CHÓ THIẾN



 phot_phet 



Tôi iêu chó lắm, tự bé. Mẹ tôi như hiểu lòng nên bắt đâu về một con nhưng tôi sợ nó một mình đơn côi nên nài mẹ mua thêm con nữa cho có đôi có cặp. Bà bảo người không có ăn, cơm đâu nuôi chó. Tôi năn nỉ và hứa sẽ khéo chăm, ăn ké cám bã của đám lợn gà. Cùng lắm tôi bê đi từng nhà mà xin cứt trẻ. Mẹ tôi đành.

Có một con đốm và một con vàng. Không biết mẹ tôi khéo chọn hay ăn may mà một đực một cái, cả hai lại đốm lưỡi, huyền đề. Bố tôi bảo khôn lắm đấy, chịu khó mà chăm. Tôi vâng dạ rồi đi dọn cho cả hai cái ổ bằng mê rách có lót rơm, đặt ở góc hè mé hiên.

Hai con chó lũn cũn, ngắn tũn, trông iêu cực. Tôi không biết đặt tên gì mà gọi theo màu lông. Chúng là con Đốm, con Vàng. Hẵng bé nên đi đứng đôi khi cứ loạng quạng như thằng say diệu, lại càng iêu.

Tôi chăm chúng ác liệt. Ngày hai bữa canh nước cơm sôi, lại còn bấu trộm vảy nồi cá kho cho thêm mặn mà. Nhiều hôm chắt cả nước đường của cậu út ốm nhưng tu chưa hết. Bởi đúng như mẹ tôi nói, người còn chưa đủ cơm thì chó làm gì có phần. Bữa nào đáy nồi gang cũng kêu đinh tai nhức óc bởi tiếng cạo thìa của mấy anh em. Tôi thương chúng lắm nên khi dọn cơm thường xới trộm một bát nhỏ bỏ gầm chạn rồi lúc dọn mâm lén lút trút canh thừa mắm cặn cho ăn. Nhờ thế mà cũng nhớn nhanh lắm.

Đến khi chúng thay lông và có da có thịt thì việc ăn uống mỗi ngày một tợn trong khi bát cơm nhỏ lại vơi đi. Bụng chúng hóp lại theo những hơi thở khó nhọc. Tôi thấy chúng lân la chuồng lợn liếm cám thừa rồi cong đít ỉa ra thứ bã chát xít rơm rớm máu. Nhiều bận còn lon ton ra cái xí hai ngăn nơi gốc nhãn mé vườn nhưng dường như cũng không sơ múi được gì khi người ta đuổi để giành phần phân kia cho cá. Tôi trông mà động lòng lắm nhưng chẳng biết làm gì. Tôi không dám hỏi mẹ làm sao để lo cái ăn cho chó vì đã hứa là khéo chăm rồi, nhưng cái tôi sợ nhất là bà nghe than vãn mà bán mất đi, thậm chí thịt. Rồi tôi nghe được chuyện bà tôi kể về ngày xa xưa mà qua cách bà nói thì cũng chỉ mới dăm ba năm thôi. Là cái chuyện đói quá phải nấu cháo cám với lá khoai lang mà húp cho đỡ xót ruột. Cám lợn được cho vào cái rây nhỏ, không có thì cho vào cái giần sàng tấm, đưa khéo tay là thứ bột mịn kia sẽ lọt xuống. Nước được đun sôi rồi cho cám mịn vào quấy đều. Rau lang thái nhỏ đổ vào nhanh tay. Thế là thành món cháo cám. Thích húp thì cho nhiều nước, thích ăn đặc kiểu bánh đúc thì giảm nước đi. Mẹ kiếp, quá cái phận hẩm chị vợ anh cu Chàng của ông văn sĩ Kim Lân.

Tôi làm y lời bà kể. Đun xong cũng chấm mút thử vị. Thơm tho lắm nhưng chỉ là cám mới thôi, chứ cám cũ thì hôi một mùi khó tả. Nhưng hai con chó thì hân hoan khủng khiếp, đến bữa là xoắn tít đuôi, khác hẳn cái lối vửa cụp vửa xòe thiểu não khi lân la chuồng lợn hay nhà xí.



Chúng nhớn trông thấy. Thay vì lũn cũn nom đĩnh ngộ hẳn ra. Thay vì ngắn tũn nom cũng ra dáng thanh niên oai vệ. Thay vì liêu xiêu thì giờ đường hoàng lắm lắm. Sủa giọng ồm ồm nhưng dứt khoát thay vì lách nhách mầm non. Chúng đã trưởng thành. Biết ngửi bướm đoi buồi dái nhau rồi hò hét phi nước đại mà quấn quýt. Con Đốm cái còn biết rớt ít giọt máu đào. Con Vàng đực chim thò ra đỏ rực. Sự trưởng thành và bản năng khiến chúng hung tợn hơn. Bằng chứng là tôi quát chẳng còn ăn nhời. Đến bữa lại còn cắn nhau dù bình thường thời quấn quýt. Ác nhất là cứ cào cổng đòi ra với đám chó ngõ, chó làng. Mẹ tôi sợ ra chúng cắn nhau nên dặn đóng tiệt, nhưng tôi biết bà sợ bị trộm chó câu đi, hoặc ít ra mới nhớn ham hố ái ân mà đi xa lạc lối.

Nhưng rồi chúng ngày càng mất nết. Người lạ cũng sủa, người quen cũng cào. Đêm vắng sủa ma vọng hư không đến là sốt ruột. Ai đã từng nghe chó cắn ma thì mới thấy thê thảm và khó chịu đến nhường nào. Mẹ tôi bảo nhẽ phải bán đi hoặc thịt nhưng bố tôi can, trộm cắp đang nhiều, thiến đi để trông nhà rồi tính tiếp. Tôi không hiểu lắm về việc thiến hoạn nhưng thấy không bán hay thịt thời vui lắm. Tôi hùa theo việc thiến hoạn. Miễn chúng còn ở với tôi.

Một ngày mẹ tôi gọi chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm thợ hoạn đến nhà. Chú hành nghề thú y, trừ voi Châu Phi và cá heo Địa Trung Hải chú chưa từng động chạm, chứ còn như ở An-nam, chưa giống gì là chú chưa từng ra tay. Từ hoạn lợn, thiến me cho đến le ve gà trống, chú thạo tất. Nghe đâu nghề này của chú gia truyền, bằng chứng là ông cố nội được các vua nhà Nguyễn điều từ Thanh vào Huế mà đi thiến cho người để làm hoạn quan hay thái giám.

Mẹ tôi dặn thiến con Vàng trước. Nhẽ bà là phụ nữ nên ưu tiên cho giống đực chăng? Nhưng tôi biết là bà làm phép thí dụ, xem chú thiến có lành lặn hay không. Con Vàng đực này khôn, tôi dụ mãi bằng cơm trắng mới buộc được chân chéo cánh khuỷu, mồm thít lạt giang năm bảy vòng. Chú tròng cổ vào cái lỗ tròn của cái gông chó, bắt tôi ấn chặt tay vào đầu nó. Mẹ tôi xăng xái lấy cái chảo nhôm đầy nhọ nồi và cái bình vôi bà nội vưỡn thường ăn giầu để ra một phía. Chú móc trong túi vải ra cái dao thiến, vát hình tam giác nhọn đuỗn mài một mặt sáng choang, vuốt hai đường sấp ngửa vào cái gấu quần mà tôi hiểu là tiệt trùng rồi lại ngậm lên mồm, mặt nhăn nhó mò tìm đôi cẩu hoàn của con Vàng đang teo đi vì sợ. Chú nặn nó lồi lên như cách các cô nàng dậy thì bóp mụn cá, ra lệnh tôi giữ chặt vào. Tôi chưa kịp nghiến răng thì chú đã đưa một đường lem lẻm vào hòn dái con Vàng, rồi nặn phòi ra một viên hình bầu dục trăng trắng. Chú xuýt xoa, bé mà ré to ngang đại cố. Trong khi mẹ tôi đang xâu chỉ thì chú lại xử lý nốt quả bên kia, trình tự thủ tục như hòn khai mạc. Xong chú khâu lại theo lối người ta khâu bì gai hay vén gấu áo, chấm tay bệt vôi đều vào đường chỉ rồi lại bện nhọ nồi lên trên. Tôi hiểu là chú đang sát trùng cho vết mổ. Cả quy trình kéo dài đâu 5 phút. Con Vàng được thả ra, cúp đuôi che dái khuyết, vửa chạy vửa rên rùi chẳng biết rúc xó xỉnh nào.



Tự đận bị thiến con Vàng đâm ra ngoan ngoãn theo lối ngớ ngẩn, hiền lành theo kiểu thi sĩ ngủ mơ. Nói chung rất vô hồn nhạt nhẽo, trừ cái vẻ cố tỏ ra lừ đừ của giống đực. Tôi không hiểu các ông hoạn quan hay thái giám khi xưa bị thiến đi tâm tính có thế không chứ tôi thấy con Vàng hơn cái là sủa to ra hẳn, âm bát (bass) trầm hùng. Khác hẳn với cái giọng the thé ánh kim nhiều tép của bọn áo mão hai chân. Nhẽ bao nhiêu tinh lực thay vì dồn xuống bi giờ xì ra đằng mồm hết cả? Khác cái giống người, hỏng bi là xì ra thanh la não bạt. Phát gớm!

Mẹ tôi thấy chó ngoan ra thì thích lắm. Bà rắp tâm diệt dục nốt con Đốm cái còn lại. Chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm thợ hoạn lại được gọi. Mà trần đời đéo ai như cái nhà chú này, làm lúc đôi việc tréo ngoe bỏ mẹ, là vửa đi nhân giống lại kiêm việc triệt sản. Vẫn như bận trước, tôi bẫy con Đốm bằng bát cơm trắng. Đến đây thì lý giải một tí là tại sao phải nguyên bát cơm, chứ thực ra vài hạt cũng đủ, thậm chí chỉ cần êu êu vuốt ve trìu mến là có thể trói được. Là vì khi thiến xong chúng đau nên bỏ ăn. Mà bỏ ăn thì yếu. Mà yếu thì hay bị nhiễm trùng vì cơ thể mất đi sức đề kháng. Nên phải cho ăn no, tử tế thì phải thêm khúc xương hay cái đầu cá. Rất tiếc là xa xỉ quá và con người phải chầu chực đến tháng mới có phần.

Khác với con Vàng, con Đốm bị rích một đường nhỏ nơi ổ bụng cạnh đùi sau. Tùy tài thợ hoạn mà to hay bé. Như chú Tuyết thì chỉ một lỗ nhỏ đút vừa ngón trỏ. Chú tì ba ngón còn lại lún bụng con Đốm, kết hợp với ngón cái véo lườn, hết bóp lại nặn thì phòi ra miếng đo đỏ to bằng hạt gấc mà chú bảo là hoa chó. Nó giống với cái hoa lợn khi chú thiến bầy heo cái đầu năm. Tôi hiểu đây có thể là buồng trứng hoặc là một cơ quan nào đó kích thích sự động cỡn hoặc lên cơn.

Con Đốm cũng ngoan hẳn, y cái lối tôi tả con Vàng trên kia. Tôi không chắc lắm có bằng cháu của bác gì hay không? Hoặc hơn? Đéo biết!

Các anh đừng tưởng chó thiến thì khôn ra, trừ cái vẻ như tôi đã nói là cố tỏ ra... giống chó. Được cái béo tốt hơn dù có kém đi khẩu phần. Ngoan nhưng ngu thì chả tích sự mẹ gì và tôi cũng chẳng mấy hứng thú chăm nom. Đúng đận vào năm học mới mẹ tôi bán đi cả hai lấy tiền mua cho mấy anh em áo quần sách vở. Mẹ tôi lừa tôi đi vắng thì mới kêu người đến bắt. Việc mắt không thấy nên tim không đau nhưng tôi trống trải mất mấy ngày dài. Mọi nhẽ chỉ nguôi ngoai khi tôi có áo hoa sách mới, thêm đùm kẹo mấu xinh xinh. Chuyện mà hết ở đây thì nhạt hơn cả nước lồn phò hiu trí. Tôi kể nốt một tý vỹ thanh về chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm nghề thợ hoạn, người có cái hân hạnh thiến con Đốm, con Vàng.

Vào đúng khi cao trào triệt sản người lên cao, chú Tuyết từ nghề phối giống lợn kiêm thợ hoạn bỗng chốc ngoi lên làm trạm xá trưởng. To lắm chứ đùa à?. Nghe đâu để ngoi lên được chức này, chú là người tiên phong thắt ống dẫn tinh đầu tiên toàn tỉnh, hình lên cả báo Nhân Dân. Chú là niềm tự hào của tỉnh nhà, lá cờ đầu của cái vinh dự về sự mẫu mực tiền phong. Khỏi phải nói về cái hân hạnh của làng xã, đến nỗi đội thiếu niên được huy động ngày nào cũng trống dong cờ mở cổ động ầm ầm tên chú. Tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái là: toàn xã noi gương đồng chí Tuyết thắt ống dẫn tinh. Dẫn tinh - Dẫn tinh - Dẫn tinh. Thình - thình - thình ( trống đệm).



Mẹ kiếp, hô thế nên thảo nào cả làng cả tổng đẻ ngày một dày, cấm có ngăn được. Chú Tuyết làm trạm xá trưởng đâu được vài năm mà để dân đẻ hăng hái quá, không hiểu bị cắt chức hay xấu hổ thoái bộ. Nhưng có một điều chắc chắn, chức cắt hôm trước thì hôm sau chú đã đi viện tỉnh tháo ống dẫn tinh. Không hẳn là chú muốn sinh thêm con bởi theo chú nói để tránh việc xuất ngược ra đằng mồm. Chắc là vui vẻ thôi, chứ lại chả có nhẽ hehe...?!

Tôi vẫn nuôi và yêu quý chó cho tới tận giờ. Mẹ tôi sau bận đó cũng không thiến hoạn thêm một con nào nữa. Có điều chả hay được bán hoặc được ăn thịt bởi không bị câu mất thời cũng động dục mà lạc lối quay về. Có vài con khôn ngoan và tốt số sống cùng với gia đình tôi, ít thì 8 năm, nhiều thì cũng bằng tuổi cô nàng trăng tròn 16, rồi tự già mà chết. Nhà tôi không ăn mà đem chôn tử tế dù có nhiều bần nông ngỏ ý rình mò.

Hôm rồi lên trang trại thằng Bôm Bốp thấy bầy chó xinh quá nên xin một con đực về nuôi. Bỏ đó đi Sài Gòn công việc gần tuần giời, dặn con vợ già chăm nom cẩn thận. Tối hôm kia về, khi đương đứng ngoài tụt xịp chui nhà vệ sinh giải quyết nỗi buồn kiêm cả khâu oai thì nó chẳng hiểu nhớ chủ giỡn chơi hay mừng vui thái quá mà đu lên vồ ngay đôi cà nơi bộ hạ.

Mẹ con chó! Mai tao thiến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét