Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tản mạn nghìn mắt nghìn tay



Ngày Tết dân ta có thói quen lên chùa cầu phúc cầu an. Vãn cảnh chùa ngày đầu năm mới, vì thế đã dần dà trở thành nét văn hóa của người Việt, không chỉ với phật tử hoặc người trọng tuổi, mà ngay cả những người trẻ, như một vô thức hiển nhiên.
Trong không khí thanh tịnh và mát lạnh của buổi sáng sớm, không gì thú hơn là được thong thả đưa bước trong vườn chùa, tản mạn nghĩ về người, về mình, về cõi sắc không, về ước vọng của một năm mới…
Rất có thể, tản mạn sẽ đưa bạn đến với một trong những thứ mà bạn vừa thấy trong chùa. Đó là bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát, thường được nhớ đến ở dạng nghìn mắt nghìn tay, trong mỗi bàn tay, lại có một con mắt. Lúc đó, có thể sẽ như tôi, bạn sẽ hỏi: vì sao lại nghìn mắt nghìn tay, chứ không phải là nghìn gì khác? Liệu có thông điệp nào của người xưa ẩn dấu trong bức tượng khác thường này?
Với người Việt, trong số những vị Phật và Bồ Tát, thì Phật Bà là gần gũi thân thương hơn cả. Mỗi khi gặp khó khăn thì người ta lại kêu cầu đến Phật Bà chứ không phải là Đức Phật nào khác. Cho đến giờ, đã có nhiều lý giải cho điều này, nhưng xem chừng vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng, ít nhất là với người viết bài này.
Vậy thì làm thế nào bây giờ? À, tốt nhất là làm theo lời Phật dạy: Đừng tin gì cả, hãy tự tìm lý giải cho mình.
Hãy bỏ qua sự tích, lai lịch, ý nghĩa và những giảng giải xưa nay về bức tượng này, để tập trung làm một việc thôi. Đó là hãy ngằm nhìn bức tượng kì lạ này như ta vốn thấy bằng mắt thường, rồi thong thả lần dò xem có điều gì ẩn dấu trong đó hay không?
Về hình tướng, thì tượng Phật Bà khác thường hơn hết thảy so với những bức tượng Phật khác: thay vì chỉ có hai mắt hai tay như các vị khác, tượng Phật Bà lại có đến những nghìn mắt nghìn tay. Liệu sự khác thường này có chỉ dấu gì cho việc người ta thường xuyên kêu cầu đến Phật Bà mỗi khi gặp khó khăn hay không? Nói cách khác, hình tướng nghìn mắt nghìn tay của Phật Bà như chúng ta thấy có phải là kết tụ của một tâm thức xã hội nào đó hay không?
Lần lại những dao tục ngữ, nơi được coi là kết tinh của kho tàng kinh nghiệm bình dân, ta thấy có câu: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Điều đó cho thấy, dân ta đánh giá rất cao tầm quan trọng của hai bộ phận taymắt. Muốn làm giàu thì phải có con mắt quan sát, phải biết nhìn ra cơ hội. Còn muốn vượt qua khó khăn thì phải nhờ đến đôi bàn tay, phải chăm chỉ làm lụng. Có phải vì thế mà mỗi khi gặp khó khăn quá lớn, không thể tự vượt qua, người ta lại nhớ đến Phật Bà – người có nghìn mắt nghìn tay –tức người có quyền năng lớn hơn người thường gấp nghìn lần, để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đã có người hỏi, vì sao không phải là nghìn mắt nghìn tai, liệu có sai sót nhầm lẫn gì giữa taitay ở đây không? Vì để biết được chúng sinh đang trầm luân bể khổ, thì không gì bằng thấy và nghe. Thấy bằng mắt, nghe bằng tai, nên nghìn mắt thì nên có nghìn tai tương ứng?
Rồi ta có thể đi xa hơn một chút nữa: vì sao nhân gian lại muốn người nghìn mắt nghìn tay làm Đấng cứu độ mà không phải là nghìn mắt nghìn tai, nghìn mắt nghìn mồm hay nghìn mắt nghìn gì khác nữa?
Ví như Đấng cứu độ có nghìn nghìn mồm, thì dân chúng chắc là hoảng sợ mà bỏ chạy hết. Các cụ đã chẳng nói miệng ăn núi lở đó sao. Mới chỉ có một miệng mà đã ăn lở cả núi, thì nếu có nghìn mồm, lại có cả nghìn con mắt để kiếm tìm, thì chắc là ăn hết cả xã tắc sơn hà.
Lại nữa, mỗi người mới chỉ có một miệng mà tiếng thị phi tranh cãi đã thấu đến trời xanh, nay lại có nghìn miệng thì chắc nhân gian chìm trong mớ hỗn thanh mà chết. Nên nhất định, Đấng cứu độ chúng sinh không thể có nghìn mắt nghìn mồm được.
Vậy nếu Ngài có nghìn mắt nghìn tai thì sao? Ngài có nghìn mắt để thấy chúng sinh trầm luân bể khổ, mỗi người một cách, có nghìn tai để nghe chúng sinh kêu than, mỗi người một kiểu. Đúng là rất hữu hiệu. Nhưng sau đó thì Ngài làm gì? Sẽ không làm được gì cả, vì Ngài đâu có tay để mà hành động. Sự tồn tại của Ngài phỏng có ích gì?
Vậy nên, Ngài có nghìn mắt nghìn tay là thích hợp hơn hết. Nghìn mắt để thấu hiểu nghìn hoàn cảnh khác nhau, để nhìn nỗi khổ đau của chúng sinh bằng đôi mắt của chính họ. Nghìn tay để hành động. Vì thấu hiểu rồi mà không làm gì cả thì thấu hiểu đó liệu có ích gì?
Nhưng để nhìn được như vậy, thì chỉ cần một đôi mắt là đủ, để cứu giúp thì chỉ cần một đôi tay là đủ, cớ sao phải dùng đến nghìn mắt nghìn tay cho thêm phiền phức?
À, thì ra để nhìn và hiểu chúng sinh, thì không thể chỉ dùng nhãn quan của chính mình. Phải nhìn bằng đôi mắt của họ, theo cách nhìn của họ, quan điểm của họ thì mới thấu hiểu được. Thấu hiểu rồi thì mới hành động cứu giúp được. Mà hành động cứu giúp này cũng phải tương ứng với sự thấu hiểu của từng tình huống. Nên có lẽ vì thế, người xưa đã để mỗi con mắt trong một lòng bàn tay tương ứng.
Phật Bà nghìn mắt nghìn tay có thật hay không, còn là điều khó lòng kiểm chứng, và thực ra cũng không quan trọng. Điều quan trọng là trong xã hội xưa, và cả ngày nay, thì người có thể tác động ngay lập tức đến số phận của dân chúng và có thể ra tay cứu giúp dân chúng là các bậc quan quyền. Nhưng có phải cửa quan xa xôi, người dân thấp cổ bé họng khó lòng nói nên ước vọng của mình, nên họ phải nhờ đến hình tượng Đức Phật nghìn mắt nghìn tay để gửi gắm.
Nếu vậy, thử suy đoán xem họ gửi gắm điều gì?
Họ muốn người công quyền hãy có nghìn con mắt khác nhau, để thấu hiểu cuộc đời bằng nghìn góc nhìn, nghìn quan điểm khác, chứ không phải là góc nhìn và quan điểm của kẻ làm quan. Chấp nhận nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau để thấu hiểu cuộc đời có thể gọi là gì, nếu không phải là dân chủ - theo ngôn ngữ hiệnđại: dân chủ trong nhận thức, không áp đặt quan điểm của mình cho kẻ khác.
Họ muốn người công quyền có nghìn đôi tay khác nhau, để làm theo nghìn cách khác nhau với mỗi trường hợp cụ thể. Làm theo nghìn cách khác nhau chứ không phải theo cách của nhà quan thì có thể gọi là gì, nếu không phải là dân chủ: dân chủ trong hành động, không áp đặt cách làm của mình cho kẻ khác.
Lại nữa, mỗi con mắt lại nằm trong lòng bàn tay, điều này có ý nghĩa gì? Có thể là gì khác, nếu không phải là: đã thấy thì phải hành động. Nếu người công quyền đã có dân chủ trong nhận thức, thì phải có dân chủ trong hành động nữa, thì mới có thể cứu vớt chúng sinh. Chứ nếu chỉ thấy thôi rồi bỏ đó, hoặc cái thấy và cái làm không tương khớp với nhau, thì cái thấy đó cũng chỉ là cái thấy vô nghĩa, kẻ công quyền đó cũng chỉ là kẻ vô tác dụng.
Như vậy, phải chăng ẩn dấu sau bức tượng nghìn mắt nghìn tay này là một ước vọng sâu xa về dân chủ - dân chủ trong nhận thức và hành động - mà người dân xưa gửi đến kẻ quan quyền? Ước vọng này qua bao đời vẫn còn nóng bỏng, vẫn được kì vọng sẽ là Đấng vạn năng cứu độ chúng sinh, nên mỗi lần gặp khó khăn hoạn nạn, chúng sinh vẫn kêu cầu đến?
Lại giật mình đánh thót, nếu có nghìn mắt nghìn tay mà không phải là để cứu giúp, mà là để soi tìm vơ vét khắp nhân gian, thì ôi thôi, người mà chúng sinh tưởng là Đấng cứu độ thì lại hóa ra nguồn khổ đau đại họa.
Ôi cõi đời u mê! Hình tướng giống hệt nhau mà người là Đấng cứu độ, kẻ mang tên Đại họa, làm sao chúng sinh phân biệt bây giờ?
Đành làm theo lời Phật dạy: Đừng tin gì cả, hãy đốt đuốc lên mà tự soi sáng cho mình.
Giáp Văn

Chuyện Voi


Có một anh nọ dắt một con Voi đến cho dân làng xem. Đám đông thi nhau bàn luận: Người khen tầm vóc, kẻ bình dáng đứng dáng đi; người chê bộ lông, kẻ bảo cái tên không được hay cho lắm… Thôi thì đủ cả.
Một anh đứng ngoài thấy vậy, trừng mắt: “Các anh sai hết cả rồi. Đây đâu phải là Voi!”
Đoạn, anh ta cầm dao cắt cái vòi đưa ra, hỏi:
“Đây có phải là Voi không?”
Đám đông lắc đầu.
Rồi anh ta lại cắt ngà, cắt tai, đưa ra hỏi:
“Đây có phải là Voi không?”
Đám đông lại lắc đầu.
Xong anh ta đi vòng ra sau, cắt đuôi giơ lên, hỏi:
“Đây nữa, có phải là Voi không?”
Đám đông hoang mang, lắc đầu.
Rồi anh ta chỉ con vật không vòi, không ngà, không tai, không đuôi, hỏi gắt:
“Cả cái này nữa, có phải là Voi không?”
Đám đông hốt hoảng lắc đầu quầy quậy.
“Vậy là rõ nhé. Chẳng có con Voi nào cả. Tôi đã nói với các anh rồi!”
Nhiều người gật đầu tán thưởng.
Đám đông giải tán.

Một người khả kính kể cho tôi nghe một câu chuyện hay. Tôi chép lại, như sau:
*
* *
Có một anh nọ dắt một con Voi đến cho dân làng xem. Đám đông thi nhau bàn luận: Người khen tầm vóc, kẻ bình dáng đứng dáng đi; người chê bộ lông, kẻ bảo cái tên không được hay cho lắm… Thôi thì đủ cả.
Một anh đứng ngoài thấy vậy, trừng mắt: “Các anh sai hết cả rồi. Đây đâu phải là Voi!”
Đoạn, anh ta cầm dao cắt cái vòi đưa ra, hỏi:
“Đây có phải là Voi không?”
Đám đông lắc đầu.
Rồi anh ta lại cắt ngà, cắt tai, đưa ra hỏi:
“Đây có phải là Voi không?”
Đám đông lại lắc đầu.
Xong anh ta đi vòng ra sau, cắt đuôi giơ lên, hỏi:
“Đây nữa, có phải là Voi không?”
Đám đông hoang mang, lắc đầu.
Rồi anh ta chỉ con vật không vòi, không ngà, không tai, không đuôi, hỏi gắt:
“Cả cái này nữa, có phải là Voi không?”
Đám đông hốt hoảng lắc đầu quầy quậy.
“Vậy là rõ nhé. Chẳng có con Voi nào cả. Tôi đã nói với các anh rồi!”
Nhiều người gật đầu tán thưởng.
Đám đông giải tán.

NÊN NHÌN NHẬN XÃ HỘI MỘT CÁCH CÓ HỌC.

Những suy nghĩ của mọi người đều giống nhau.Tất tất cả mọi người đều bàn về tự do, dân chủ, nhưng ở đây đề nghị mọi người tôn trọng cư dân mạng, không nên dùng những từ "tục tĩu, xỉ nhục" người khác. Dân chủ như thế nào đều thuộc vào bản chất, mục đích của Nhà nước, chính đảng cầm quyền Nhà nước đó, khi Nhà nước mang lại quyền lợi cho ai và như thế nào? Nhà nước XHCN hay TBCN đều vậy cả, quan trọng là Nhà nước đó có mục đích mang lại cho ai và có đại diện cho ý chí của đại bộ phận nhân dân xã hội đó hay không? Cho nên, vấn đề quy kết rằng "đa đảng" mới có dân chủ là hoàn toàn sai lầm, vì nền dân chủ của một quốc gia không đồng nhất với thể chế chính trị mà họ sống, quan trọng là thể chế đó có đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong xã hội đó hay không? Còn về tham nhũng là bản chất của nhà nước, bất cứ nhà nước của giai cấp nào cũng tham nhũng hết, quan trọng là cơ chế quản lý và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như thế nào? Nói vậy để giải thích có hay không có sự đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong một Nhà nước thì vấn đề này vẫn xảy ra mà thôi. cho nên, việc quy kết của các Bác là độc đảng là tham nhũng tiêu cực, là quan liêu là hoàn toàn không có căn cứ để chứng minh.



Lại bàn về bài viết của ông Lê Hiếu Đằng thì tôi lại thấy buồn vì ông nói xấu Đảng nhiều quá. Là một đảng viên 45 tuổi đảng, một nhà lý luận thì bằng cơ sở khoa học mà thuyết trình chứ cần gì phải nói xấu đảng. Phủ bỏ công ơn của người nuôi dưỡng chở che cho mình như vậy, tôi là trí thức trẻ tôi không phải là đảng viên nhưng khi nghe những lời nói của ông sao tôi thấy cảm thương cho ông đến vậy. Ông cho rằng ở thời kỳ ông bị đi tù nhưng vẫn được về đi thi, ông cho đó là một nhà nước tốt đẹp, thế sao lúc đó nhà nước tốt đẹp đó sao ông lại đi chống phá. Đó là việc khi ông đang bị chính quyền Thừa Thiên - Huế (dưới chế độ cũ) “cầm tù”, nhờ có lá đơn của bố ông nên ông được “cho ra tù” để đi thi. Sau đó, ông nêu câu hỏi: “Tôi không biết với chế độ được gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”




Bên cạnh đó nhà nước TBCN chỉ dành cho người giàu, ông có ti ông có nhiều tiền thì được xin về tại ngoại thôi, còn người nghèo thì mãi mãi vẫn là khổ cực. Các ông là người ngoài cuộc bao giờ cũng vỗ ngực cho mình là cao, là thấu hiếu sự đời, cho rằng "phải như Mỹ mới tiến bộ, mới dân chủ" nhưng người trong cuộc, nhân dân Mỹ lại nghĩ khác vè đất nước họ" Chúng tôi sống trong tình trạng bất bình đẳng xã hội trầm trọng, khi mà 1% dân số chiếm tới 50% giá trị của đất nước", nhân dân Mỹ vẫn luôn gọi đó là đất nước của 1%, do 1%, vì 1%. Vậy liệu chăng Ông đang đi xây dựng nhà nước như vậy ư?


Tôi thiết nghĩ ông giỏi thì viết bài để đóng góp vào sửa đổi hiến pháp, sửa đổi những hoạt động của Nhà nước làm thế nào để hạn chế được tham nhũng, mở rộng được dân chủ thì tốt hơn. Là lực lượng trẻ chúng tôi muốn góp sức mình để xây dựng đất nước giàu mạnh chứ chúng tôi không muốn chiến tranh. Mong muốn của tuổi trẻ là cống hiến cho non sông đất nước chứ không chống phá làm giảm sự phát triển của đất nước. Vì mất ổn định chính trị thì sẽ mất ổn định về an ninh và lúc đó ai là người sẽ bảo vệ cho chúng tôi để thực hiện những hoài bão của mình. Con xin các ông cho chúng con yên!


Hải Trang

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

BIỆN MINH








Quân Tử nói trắng là trắng. Tiểu Nhân nói trắng thành đen.

Ngụy Quân Tử đi với Quân Tử thì nói trắng, đi với Tiểu Nhân lại bảo là đen. Con trai Ngụy Quân Tử thấy vậy không bằng lòng, bèn hỏi:

- Thưa cha, bây giờ không có ai, cha hãy cho con biết nó là trắng hay là đen?

- Trắng hay đen không quan trọng! Quan trọng bản thân mình muốn gì.

- Vậy cha muốn gì?

- Ta chỉ muốn làm sao để sống được với cả Quân Tử lẫn Tiểu Nhân. Vậy mà người đời thật ác miệng, họ gọi ta là… – Ngụy Quân Tử thở dài - Sống sao mà khó thế!



Trần Hoàng Trúc

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Vì bạn không đủ tư cách để yêu!



Phần 1: Tình yêu khó khăn hay dễ dãi?

Tôi có quen một nhà tâm lý học, hay tư vấn các chương trình tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình trên báo đài. Anh là người hóm hỉnh và hiểu biết, tuy nhiên anh mắc tật hay ngoái lại quá khứ. Chương trình tư vấn nào tôi làm cùng với anh, cho dù nói về gái ế, trai lười, hay nói về chồng gia trưởng, gái chảnh, đàn bà chê chồng, hay nói về trai công sở sợ tình công sở, thể nào anh cũng thòng được vào đó một câu cửa miệng: “Ngày xưa, người ta quen nhau thoáng chốc trên một chuyến xe ca, anh bộ đội đang đi công tác gặp chị sinh viên nghỉ hè về quê, thế mà còn yêu nhau được nữa là!”

Chao ôi là cái thời, chỉ cần một cái liếc mắt đưa tình là chúng ta đã hiên ngang ngã vào đời nhau! Nó đã trôi qua cách đây tròn nửa thế kỷ rồi! Thời buổi này, đến cò cưa lắm lượt, bánh cưới bảy tầng với cả nhẫn đính hôn, khuyến mãi thêm tuần trăng mật, đến đêm tân hôn vẫn ngã ngửa ra một cái màng trinh giả, nữa là! Tôi mà cứ thằng nào nịnh một câu là nhảy ngay vào lòng nó ngồi, chắc tôi đã cưới chồng trăm lần, nữa là… quen nhau thoáng chốc trên một chuyến xe!

Nên có phải tình yêu giờ đây ngày càng khó khăn hơn? Chúng ta ngày càng chật vật hơn nếu muốn được yêu ai đó? Chắc chắn thế rồi. Quen càng nhiều yêu càng ít. Hứa càng nhiều nói điêu càng lắm. Thà không hứa để khỏi mất lòng ai. Và thà để tình yêu trong lòng còn hơn mang nó ra để làm rầy rà kẻ khác!

Vì với nhiều người, bạn nói yêu người ta, chẳng khác gì bạn cầm một hòn gạch củ đậu giáng vào đầu họ, họ không chết cũng bị trọng thương!

Bạn có biết họ là những ai không? Họ là những người mà bạn đã từng yêu họ, hoặc bạn sắp ngỏ lời với họ, hoặc bạn sắp ràng họ vào đời mình bằng một lời cầu hôn lãng mạn. Nhưng mọi lãng mạn và tình yêu say đắm của bạn sẽ không mang lại cái gì cho họ hơn, ngoài một liều thuốc độc quá liều!

Ví dụ thế này cho dễ hiểu:

- Bạn yêu một cô bạn quen trong chuyến du lịch xa cùng cơ quan. Cô ấy từ Sài Gòn ra Nha Trang tắm biển, bạn từ Hà Nội vào chỉ vì không đi nghỉ cùng cơ quan thì cũng chẳng được nhận tiền nghỉ phép năm. Cho nên… bỗng nhiên gặp tình sét đánh. Dù bạn chẳng bao giờ định bỏ việc đi xa để yêu một con mới gặp mặt đúng nửa buổi sáng. Cô kia cũng chẳng bao giờ định ra Bắc làm dâu hay thậm chí, còn chẳng có thói quen ăn rau muống luộc sấu ngày ngày.

- Hai bạn cùng quê, học chung trường cấp 3. Sau đó cùng ra Hà Nội học đại học, tình yêu thật thuận lợi. Nhưng sau khi tốt nghiệp, chàng phải về quê trông trang trại lợn cho bố, nàng cũng phải tìm cách xin việc về quê để còn cai quản gia đình cho nhà chồng tương lai. Thế nên nàng phải bỏ việc ở Hà Nội, hoặc nếu không, coi như đứt gánh nhân duyên.

- Hai người yêu nhau tha thiết. Dù biết chẳng môn đăng hộ đối, dù biết anh là trai tỉnh lẻ còn nàng là tiểu thư con một gốc thành phố lớn. Dù biết nàng không muốn đi làm dâu còn nhà chàng chẳng đủ giầu để mua căn hộ riêng khi họ cưới. Thế nhưng vẫn cố để yêu nhau. Cố mà cưới nhau. Để rồi cuối cùng li dị chỉ bởi chàng không chịu đựng nổi cảnh chó chui gầm chạn, đi ở rể mà cứ ngậm ngùi thân phận nhà mình nghèo phải ăn bám bố mẹ vợ. Còn nàng cũng không chịu nổi cảnh mẹ chồng suốt ngày gửi tối hậu thư, bắt nàng về quê chồng nuôi vịt trồng rau lang cho trọn đạo con dâu. May mà chưa có con, không thì khổ thân đứa con thơ!

- Và số đông đảo chúng ta chưa đến mức độ bi kịch thế, thì thường tự hỏi: yêu nhau nhưng cách xa nhau quá, vì chàng đi du học, vì nàng bỗng nhiên chuyển công việc về thành phố khác, khoảng cách địa lý xa thế này, yêu xa liệu có bền?

Tôi có chung một câu trả lời cho tất cả các bạn: Tình yêu không phải là cái lá nho để bạn cứ sểnh ra một cái là lấy tình yêu che đậy những chỗ xấu xí của bản thân mình. Nói xin lỗi chứ, bạn chỉ là một kẻ ích kỷ, bạn làm gì có tư cách để mà yêu một người ở xa, một người quá chênh lệch điều kiện, một người sống ở một thế giới khác biệt nhiều với bạn? Bạn chẳng có tư cách gì để yêu họ cả, vậy sao cứ lấy tình yêu ra để mà hành hạ nhau?

Lấy cớ là yêu khó lắm, tìm được người yêu mình khó lắm, yêu được một người thật khó lắm. Nhưng thực ra, cái bạn cần là tìm một người thỏa mãn được cái tôi của bạn, đâu phải là tìm người yêu bạn? Bởi nếu yêu thực sự, điều đầu tiên bạn cần tự hỏi là, tình yêu của mình liệu có làm người ấy hạnh phúc?

Hay bạn chỉ là một hòn đá to như củ đậu bay hiên ngang vào đầu người ấy, khiến đời người ấy từ đó dở yêu dở sống? Nếu yêu thì phải biết nghĩ cho nhau chứ! Bạn là ai để có quyền đòi hỏi anh ấy, hay cô ấy hy sinh đời mình cho những nhu cầu của bạn?

Những nhu cầu mà nói xin lỗi, chỉ là ăn, ngủ, nằm, mặc, dạ vâng, đưa tiền lương tháng, người ta nói xì xào, đẹp mặt, nghĩa vụ làm dâu, v.v… những thứ chẳng liên quan gì tới tình yêu cả. Mà ngay từ trước khi yêu, bạn đã biết chắc chắn mình cần gì, đời mình có gì, tương lai của mình được xây dựng nên từ điều gì.

Và biết, chúng ta chẳng hợp nhau, chúng ta quá lệch pha, nếu cưới sẽ lắm vấn đề, nhưng cứ cố yêu lấy bằng được, cứ lăn xả tới mà tỏ tình, thế thì chẳng gọi là ích kỷ thì gọi là gì? Và một kẻ ích kỷ thì có tư cách gì để tỏ tình với người khác, khi trong sâu thẳm bản chất, nó chỉ yêu mỗi quyền lợi của chính bản thân mình?

Và tỏ tình không phải là vì muốn người ấy hạnh phúc, mà chỉ vì muốn thỏa mãn “nhu cầu yêu” của chính bản thân mình trong giây phút hiện tại?

Tôi tin, cái anh bộ đội đi công tác và cô sinh viên về quê nghỉ hè nửa thế kỷ trước nghĩ nhiều đến người kia hơn khi bước tới với tình yêu. Họ có quyền bước qua mọi khoảng cách về không gian, điều kiện vật chất, hiểu biết về người kia… để đến với tình yêu. Còn bạn 

thì không! 




2. Yêu người xa hay yêu người gần?

Khoảng cách là một vấn đề rất lớn của tình yêu. Có thể các bạn sẽ nói rằng, những người dám yêu xa phải là những người rất dũng cảm, có thể chịu đựng được khoảng cách và sự cô đơn, có thể kiên nhẫn chịu đựng được những thời khắc trống vắng và tủi thân, có thể giận hờn trên điện thoại, làm lành trên facebook, gửi nụ hôn buổi tối qua tin nhắn. Còn tôi thì nói, những người yêu xa là những người rất dũng cảm, bởi có những người yêu ở xa thì tưởng cục vàng, lại gần hóa ra cục vàng vàng.

Trong số chúng ta, chỉ một số ít có đủ tư cách để yêu người ở xa về khoảng cách địa lý hoặc cách biệt về khoảng cách đời sống. Đó là, những người rất tự tại và độc lập, không có nhu cầu quản lý thời gian, bạn bè, ví tiền cũng như quá khứ của người yêu. Đó là, những người có nhu cầu rất ít, đòi hỏi rất ít từ người yêu, lại có năng lực mang cho nhiều hơn. Đó là, những người không ghen tuông nghi ngờ, những người bận rộn vì cuộc sống nhiều thú vui, những người biết nghĩ cho người khác. Đó cũng là, những người có thể không đòi người khác về làm dâu nhà mình, mà nghĩ nhiều đến việc làm sao tạo ra một cuộc sống hạnh phúc cho người mình yêu. Đó cũng là, những người có đủ tài để dễ dàng thay đổi công việc, có đủ tiền để mua nhà mới ở thành phố mới nơi có người yêu dấu, thì cũng không bị chết đói. Những người suy nghĩ cởi mở, không nghĩ rằng dứt khoát yêu tôi là phải về quê tôi phụng dưỡng bố mẹ tôi. Đó là những người, dám thay đổi cuộc sống của mình để đạt tới một cuộc sống cân bằng mới.

Còn đa số chúng ta, mới chỉ gọi một cú điện thoại cho người yêu, mà người yêu đi đường không nghe tiếng chuông, không bắt máy, đã phát điên lên tra hỏi người yêu lý do, thì làm sao có đủ tư cách để yêu xa. Mới động tới công việc đã như bố tướng người khác, ngồi vào mâm rượu là phải người yêu kế bên so đũa, thì làm gì có đủ năng lực để đến với một người ở một thế giới khác? Vậy đã biết thế ngay từ đầu, sao còn tỏ tình, sao còn níu kéo tiếc rẻ chút tình yêu thực ra mới chỉ là rung động buổi ban đầu?

Hãy để trái tim tìm ra cách yêu người khác, và để cái đầu tìm ra cách để đừng trở thành vật cản trên đường người mình yêu. Đừng mang tình yêu ra sát thương cô ấy / anh ấy. Hay lấy tình yêu ra để đầu độc người mình yêu.

Nhìn về phía ngược lại, nếu có một chàng trai nói với bạn: “Anh sẽ đi du học vài năm, vì thế, trước khi lên đường, anh muốn nói với em rằng, anh yêu em!”, thì bạn nghĩ sao? Bạn sẽ nhận lời chứ? Bạn sẽ tình nguyện chờ anh ấy chứ? Bạn sẽ bắt đầu một cuộc marathon tình yêu trên Yahoo chat và Messages của Facebook chứ?

Và bạn sẽ chỉ vì câu nói đó, mà sẵn sàng để mơ ước tuổi 20 được ra biển mùa hè của mình xếp xó chờ khi nào chàng về đi cùng? Bạn sẵn sàng để mơ ước một mình lên máy bay tới một thành phố xa lạ ở tuổi 21 cũng để dành lại chỉ vì chàng nói sẽ về nhà dịp đó? Bạn đã sẵn sàng để đón nhận hàng trăm tối cuối tuần một mình trong suốt tuổi trẻ non nớt của mình? Và một cuộc sống có người yêu mà đơn độc y như không có người yêu?

Nhưng bạn yêu ơi, bạn có bao nhiêu lần được sống tuổi 20? Bao nhiêu lần được sống như mới khám phá ở tuổi 21? Bao nhiêu lần còn hồi hộp mong chờ hơi ấm bàn tay như khi đang ở trong mối tình đầu?

Mà vấn đề nằm ở chỗ, dù bạn có dành tất cả những gì mình có để chờ đợi, thì chờ đợi tình yêu chỉ có nghĩa là… chờ đợi mà thôi, không có nghĩa là, bạn sẽ được nhận những gì xứng đáng với bạn. Bởi, những thứ đáng giá nhất là thời gian và tuổi trẻ đã trôi qua, còn món quà nào và lời hứa nào đền đáp được những thứ bạn đã mất đi? Nhất là khi, những lời hứa càng đẹp đẽ ngọt ngào, lại càng khó trở thành sự thật nhất!

Và, quan trọng nhất là điều này: Những người con trai muốn ràng buộc bạn vào họ ngay cả khi họ không đủ điều kiện để giữ bạn và vun đắp cho tình cảm đó, liệu có phải là người con trai ích kỷ không? Rõ ràng họ nghĩ đến họ nhiều hơn là nghĩ đến bạn! Họ chỉ muốn xếp một cái dép xí chỗ xếp hàng trước trong trái tim bạn mà thôi! Vậy tại sao bạn lại biến trái tim mình thành cái quầy mậu dịch thời bao cấp, ai xếp gạch, xếp dép, xếp bao tải giẻ rách vào đấy trước đều được tính là… đến lượt trước? Và mọi người con trai khác dù tuyệt vời thế nào, dù bên bạn hàng ngày, dù đi về với bạn trên mọi nẻo đường, vẫn chỉ là kẻ dự bị, chỉ bởi vì, họ đã là người đến sau!

Nếu yêu bạn thật lòng, người con trai sẽ để bạn tự lựa chọn cảm xúc và quan hệ, để bạn tự do chọn những gì bạn thấy hạnh phúc, vào bất cứ lúc nào. Chứ không ràng buộc bạn bằng bất cứ thứ gì, một lời tỏ tình từ thế kỷ trước, một lời hứa, một cái hẹn, một lời nói, một danh nghĩa…

Bởi vì nếu thật sự yêu, người con gái sẽ tự nguyện chờ đợi, vượt qua được những khoảng cách và không gian, mà không cần một lời hứa hẹn ràng buộc nào cả. Tôi tin thế.

Trang Hạ


Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Về chuyện du hành (Leszek Kołakowski)


Thái Linh dịch


Chúng ta du hành để làm gì? Vì sao ta thích đi du lịch? Có vẻ như đó là những câu hỏi ngớ ngẩn, bởi ai cũng biết vì sao và để làm gì. Nhưng nhiều việc có vẻ hiển nhiên sau khi được suy ngẫm lại không còn hiển nhiên nữa. Du hành phải chăng là hành xử do bản năng dẫn dắt, và đó là bản năng gì? Phải chăng chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi được trải nghiệm điều gì đó bởi đơn giản là nó mới mẻ, chính cái sự mới lạ cuốn hút chúng ta? Nếu đúng vậy, phải chăng niềm vui thú này thật kỳ quặc? Theo kinh nghiệm của nhiều thế hệ mà chắc hẳn quá trình tiến hóa cách này cách khác đã cấy vào chúng ta, thế giới đối với chúng ta không thân thiện mà có vẻ thù nghịch, do đó ta nên cảnh giác với những gì mới mẻ và lạ lẫm, trân quý những gì trong trải nghiệm đã quen thuộc và an toàn, ngồi yên trong những góc thân quen và đi theo những con đường đã mòn dấu chân. Nhưng lại không phải như thế. Vì sao thời ấu thơ ta say mê đọc những cuốn sách du ký? Vì sao con người chỉ vừa mới xóa bỏ những mảng trắng trên bản đồ thôi, đã lại lao vào những chuyến đi mới đây còn là không tưởng, qua các không gian bao la, và mơ ước về những không gian mỗi ngày một xa hơn?

Cần chú ý rằng khi nói về du hành, chúng ta không liên tưởng tới mọi sự xê dịch trong không gian, mà chỉ nói tới những chuyến du hành có mục đích tự thân, nghĩa là ta không bàn về việc giải quyết việc gì đó mà nếu hoàn cảnh cho phép thì ta muốn giải quyết nó không cần phải đi lại phiền phức.

Các doanh nhân tổ chức những cuộc gặp gỡ ở sân bay trong các phòng họp chuyên phục vụ mục đích này, để rồi ngay sau đó trở về trụ sở của mình, hoàn toàn không du hành mà chỉ giải quyết công việc của mình, nếu có thể, họ sẽ giải quyết cách khác, và điều đó ngày càng trở nên đơn giản hơn. Thậm chí tôi cũng không biết có thể xem các loại hình du lịch đại chúng là du hành hay không, thí dụ khi dân xứ lạnh như người Anh lượn lờ trên một mẩu biển Tây Ban Nha ấm áp, nơi sẵn có quán xá và đồ ăn Anh (xin Chúa rủ lòng), nhưng chính nước Tây Ban Nha thì họ chẳng quan tâm tới. Ở đây ta nói về những chuyến du hành nơi chúng ta, những kẻ du hành, muốn trải nghiệm điều gì đó mới mẻ, muốn tiếp xúc với một hiện thực lạ lẫm nào đó.

Xét cho cùng, có lẽ chúng ta du hành cũng không phải để học hỏi điều gì đó: hầu hết những điều ta biết được khi đi du lịch đều có thể biết mà không cần phải du hành, mà nhiều khi còn biết cặn kẽ hơn; như câu ngạn ngữ La-tinh cổ: „trí óc của những kẻ băng qua biển tìm minh triết không đổi thay, chỉ là bầu trời trên đầu họ thay đổi”. Không, chúng ta không du hành vì kiến thức. Chúng ta cũng không du hành để bứt khỏi những lo toan thường ngày trong chốc lát hay để quên đi những khó khăn, như một ngạn ngữ La-tinh khác: „Nỗi âu lo theo cùng sau yên ngựa”. Không, không phải nỗi khát khao kiến thức hay mong muốn trốn chạy thúc giục chúng ta, mà là sự tò mò, và sự tò mò dường như là một thứ ham muốn biệt lập, không dẫn đến những ham muốn khác. Các học giả nói với ta rằng sự tò mò - nghĩa là nhu cầu tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh một cách vô vị lợi - được con người mang giữ suốt cuộc đời và đây chính là khả năng đặc biệt của loài người.

Chúng ta tò mò không phải vì những điều lạ lẫm hứa hẹn sự thỏa mãn nào đó hay chúng đe dọa điều gì khiến ta phải ngăn ngừa, đơn giản chỉ là chúng ta tò mò. Con người thực hiện nhiều việc và hành động khác nhau vì tò mò trong khi vẫn biết chúng không an toàn, du hành đến những nơi ít ai biết đến hay nguy hiểm, mất mạng khi leo núi hoặc dưới hang sâu. Ta cũng đừng quên chính sự tò mò đã khiến chúng ta bị đuổi khỏi thiên đường, cho nên thời xưa các nhà thần học thường lên án sự tò mò như một tội lỗi từ bản chất. Thiếu tội lỗi ấy chắc chẳng có được mấy tiến bộ và thay đổi trong đời sống con người.

Ngày nay, đôi khi ta có thể đọc được rằng việc nói „khám phá ra châu Mỹ” là vô nghĩa, bởi khi các nhà du hành châu Âu cập bờ biển châu Mỹ, những người anh em da đỏ của chúng ta đã sinh sống ở đó từ lâu và họ hoàn toàn không cần khám phá xứ sở mình. Nhưng đó là nỗi bất bình ngớ ngẩn, bởi khi các tộc người sống cách ly với nhau, hoàn toàn không biết gì về nhau, thì có thể nói ở một thời điểm nào đó họ khám phá ra nhau; nếu các cư dân châu Mỹ nhanh chân hơn với các tiến bộ về thám hiểm và đến châu Âu trước thì có thể nói họ khám phá ra châu Âu. Ngay cả thời nay, khi nỗi tò mò thôi thúc chúng ta đến một xứ sở hay thành phố xa lạ nào đó, có thể nói ta khám phá chúng cho riêng mình, bởi trong sự khám phá này không nhất thiết phải là kiến thức chưa ai từng biết, mà là sự trải nghiệm cái mới. Quả thực đôi khi người ta thực hiện những chuyến du hành tình cảm về những nơi mình biết rất rõ nhưng bỏ quên đã lâu, về xứ sở của thời thơ ấu hay tuổi hoa niên. Những chuyến đi ấy có nằm trong định nghĩa về du hành hay không? Hẳn rồi. Bề ngoài, ta không khám phá ra điều gì mới mẻ, nhưng dường như chúng ta trở lại với chính mình của những năm tháng xa xưa, ta thấy như đang dịch chuyển trong thời gian, và du hành trong thời gian cũng là trải nghiệm điều mới mẻ, bởi mặc dù nơi ấy đã từng quen thuộc, chúng mới mẻ khi ta đến từ một thời gian khác.

Một nhu cầu về cái mới như chính cái mới luôn sống trong ta, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác, cái mới tự nó cuốn hút chúng ta. Và việc cái mới cuốn hút chúng ta là bởi nó liên quan đến trải nghiệm thời gian đặc biệt của loài người. Chúng ta luôn muốn được ở điểm khởi đầu, được có cảm giác rằng thế giới mở ra cho chúng ta, rằng nó vừa mới bắt đầu, và bản thân việc trải nghiệm cái mới trong cảm thức đó dẫn dắt chúng ta, dù chỉ là vào hư ảo. Chắc bởi vậy mà người ta thay vợ đổi chồng: họ có được trong chốc lát trải nghiệm thời gian mới, trải nghiệm về sự khởi đầu.

Giả định rằng sự tò mò hay nhu cầu về cái mới mạnh mẽ như nhau, luôn luôn và không ngừng ở mỗi người, chắc chắn sẽ là không chân xác. Nếu vậy thì cuộc sống của con người trở nên bất khả. Có người mọi nguồn sinh lực đều hướng vào việc bảo tồn, gìn giữ trật tự sẵn có và những người khác là cội nguồn của sự phát triển. Trong thế giới loài người của chúng ta hai nguồn lực ngược chiều này hiển lộ trong nhu cầu về sự bền vững, an toàn, được ở giữa khung cảnh quen thuộc và chính trong nhu cầu về cái mới, sự thay đổi, sự tò mò. Hai khuynh hướng này mâu thuẫn với nhau, nhưng cả hai đều cần thiết để chúng ta dẫn dắt kiếp người. Chắc chắn là có thể phân biệt tính cách con người qua sự dự phần nhiều hơn hay ít hơn của hai nguồn lực xung đột này: từ những người chỉ thích lề lối lệ thường và những thứ quen thuộc, đến những người căm ghét lề lối và chỉ thấy sự khác lạ mới đáng giá.

Ở đây chúng ta nhận thấy rằng bản năng tò mò, tìm kiếm cái mới, niềm vui thích với những gì lạ lẫm là một kiểu sống đã chấp nhận, cho dù vô thức, một hình ảnh nhất định về thế giới, một „triết lý” nhất định. Cụ thể là chấp nhận rằng cõi đời mà ta sống, thế giới trải nghiệm của chúng ta, có một giá trị nào đó. Nếu chúng ta tin như những tín đồ Phật giáo thực thụ rằng cõi đời này chẳng có giá trị gì, chỉ là bể khổ, rằng nó luôn như thế trong mọi phương diện chính ở khắp mọi nơi, những khác biệt chẳng có nghĩa lý gì, rằng không có gì mới mẻ, rằng lịch sử loài người không gì khác hơn là sự lặp lại đơn điệu của chính một nỗi bất hạnh – nếu tin như thế thì chúng ta sẽ không trải nghiệm bất kỳ nhu cầu nào về cái mới, bất kỳ sự tò mò nào, và bởi thế sẽ không trải nghiệm bất kỳ niềm tha thiết du hành nào.

Nhưng chúng ta sẽ không đặt câu hỏi xem các tín đồ đạo Phật có lý hay không. Bởi ở đây ta sẽ rơi vào vực thẳm siêu hình học âm u, điều thật không thích hợp trong bối cảnh phù hoa này, khi ta đang ngẫm ngợi về những chuyến du hành.


(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)

Nỗi cô đơn của các số nguyên tố

Mỗi người có một cuộc chiến đấu riêng, những ai sống đắm mình trong văn chương, chữ nghĩa hẳn đều ý thức được rằng: văn chương không phải là thứ trùng khớp với cuộc đời, nó không mang lại những bài học để ta sống dễ dàng hơn trong cuộc đời. Lắm khi còn ngược hẳn lại. Nhưng, ở mức độ bản thể, một độc giả văn chương chân chính hiểu rằng sống, ở một mức độ không nhỏ, chính là một cuộc chiến đấu sao cho mình không bị biến thành bọ một buổi sáng ngày kia thức dậy.

Một nhà văn cùng thời với Kafka nhưng thành công hơn nhiều lúc sinh thời (nhận giải Nobel Văn chương) là Hermann Hesse cũng đã miêu tả vô cùng sâu sắc nỗi khó ở của con người trong cuốn tiểu thuyết Sói Thảo Nguyên: cuộc chiến đấu trong nội tâm là dai dẳng và vô cùng cam go, giữa các bản thể khác nhau cùng chung sống và không thể loại trừ, kèm cuộc chiến đấu để một phần nào đó của cõi lý tưởng, dẫu nhỏ bé, vẫn còn lại trong con người, dẫu cho điều gì xảy ra và cuộc đời có xấu xa đến đâu đi nữa. Muốn vậy, tất nhiên cần một sự kiên định to lớn, nhưng đồng thời cũng cần nuôi dưỡng một niềm khinh bỉ ở nền tảng.

Cuộc chiến ấy hẳn nhiên khó, bởi nếu không thì ta đã không phải chứng kiến rất nhiều nhà văn sau khi sử dụng hết chút năng khiếu thì “duy trì” bằng cách lâu lâu viết lách vô thưởng vô phạt làm giàu thêm cho danh sách tác phẩm cá nhân nhưng làm nghèo cho kho tàng văn chương, rất nhiều nhà báo ôm ấp cao vọng trở thành nhà báo lớn rồi trượt chân vào những ngóc ngách tầm phào vô nghĩa lý, cách duy nhất để thể hiện lòng can đảm là một cái “like” trên facebook, đại khái là rất nhiều người rời bỏ lý tưởng trong một chớp mắt hoặc trong một quá trình xơ mòn kéo dài.

Bản thân tôi chỉ mong sao ngày này, những ngày sau, buổi sáng được tỉnh dậy với “cảm giác về số chính phương”, dẫu là một số chính phương nhỏ bé, để giữ được toàn vẹn những gì không thể chia nhỏ.

Điều duy nhất khiến tôi tiếc khi cảm thấy mình là một số chính phương nằm ở chỗ: là như vậy, tôi không thể là một số nguyên tố, một vô hạn sung sướng có tính chất khác hẳn - câu chuyện về các số nguyên tố sinh đôi đã được miêu tả trong một vẻ đẹp u ám tuyệt vời bởi nhà văn trẻ người Ý Paolo Giordano; cuốn tiểu thuyết ấy tên là “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố”.
NhLinh

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Huỳnh Ngọc Chênh: tên bồi bút giả dối, ngu dốt và ngụy quân tử


Posted on Tháng Tám 12, 2013 by tumathien

Ngày 8/8/2013, Huỳnh Ngọc Chênh post bài viết “Tôi khát khao vào đảng” và được nhiều tờ báo hải ngoại đưa lại. Đến bài viết này thì Chênh đã lộ bộ mặt của một tên bồi bút giả dối, ngu dốt và ngụy quân tử. Tư Mã Thiên sẽ phân tích bài viết “Tôi khát khao vào đảng” với một bài viết cũng của Chênh là “Tôi và cộng sản”, cả hai bài viết đều có cùng thời điểm khi Huỳnh Ngọc Chênh đã trở cờ.

Giả dối

Trong bài “Tôi khát khao vào đảng” Chênh viết: “Khi tôi bước vào lứa tuổi hai mươi thì đất nước cũng vừa thống nhất, cả nước đặt dưới quyền lãnh đạo của môt đảng duy nhất đó là đảng CSVN. Sau một thời gian nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin cũng như tiếp xúc với thực tế qua các đảng viên, tôi thấy rằng với quan điểm sống và phương pháp tư duy của tôi, tôi không thích hợp với đảng này. Từ đó tôi từ bỏ ý định phấn đấu vào đảng mặc dù tôi vẫn liên tục làm việc trong hệ thống Nhà Nước do đảng nầy độc tôn lãnh đạo”.

Nhưng trong bài “Tôi và cộng sản” thì y viết thế này: “Các chú, các bác, các cậu tôi đang từ miền Bắc trở về hoặc từ trên núi xuống đang giữ các cương vị kha khá ở Đà Nẵng cũng như ở Hòa Vang, đến gợi ý tôi tham gia vào chính quyền mới như làm công an, cán bộ huyện, ngành du lịch…nhưng tôi đều từ chối. Tôi thích về quê làm nông với ba mẹ và em gái của tôi. Chênh viết tiếp: “Cuối cùng tôi thấy nghề dạy học là có thể sử dụng được chuyên môn của mình, hơn nữa lại không dính líu gì nhiều đến chính trị”, hay “Hồi đó tôi không lăn xăn tham gia vào chính quyền không có nghĩa là tôi không yêu chính quyền mới xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, do thích làm nông, không muốn dính đến chính trị chứ không phải là “40 năm tôi luôn khao khát có một tổ chức chính trị hợp pháp nào đó phù hợp với lý tưởng sống, với phương pháp tư duy của tôi để tôi gia nhập”. Đến lúc cuối đời thì Chênh mới khai quật được cái lý tưởng mà y không hề có cách đây 40 năm !

Để củng cố cho điều này, chúng ta có thể đọc lại một bài viết của Huỳnh Ngọc Chênh trên báo Thanh Niên về ngày 30/4 lịch sử khi Chênh là Thư ký tòa soạn của báo này: “Sáng sớm 30-4, các sinh viên Hà Thúc Huy và Nguyễn Tân, Huỳnh Ngọc Chênh cùng một nhóm anh em tập trung ở đại học Vạn Hạnh. Họ đã gặp giáo sư Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái, một lãnh tụ sinh viên tranh đấu và được phân công xuống trường đại học Nông lâm súc đối diện đài truyền hình Sài Gòn để tiếp thu đài…”.

Huỳnh Ngọc Chênh đã kể lại giây phút lịch sử có sự đóng góp công sức của mình với thái độ rất hào hứng. Như vậy là đến mấy chục năm sau thì ông Huỳnh Ngọc Chênh vẫn đang rất sung sướng với cái kết quả do đảng cộng sản Việt Nam tạo ra. Khác hẳn với cái gọi là “để khỏi bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật, tôi phải cắn răng chấp nhận cuộc sống không có đảng, nghĩa là tôi phải lầm lũi cô độc sống giữa cuộc đời”.

Ngu dốt

Dù sao thì Chênh cũng đã thay đổi nhận thức về cộng sản, nhưng lý do tại sao lại thay đổi thì khác: “Tôi làm thẻ thư viện và quen với cô phụ trách ở đó nên mỗi lần tôi mượn được hàng đống sách. Đó là các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…và các sách về triết học Mác Lenin. Trong bốn tháng làm nông, tôi đã đọc say mê rất nhiều sách cũ và sách mới . Tôi tiếp thu chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử một cách nhanh chóng với niềm đam mê thích thú. Tôi là dân khoa học, hơn nữa năm lớp 12, tôi là học sinh rất giỏi môn triết. Hồ Chí Minh và Trường Chinh tôi không thích lắm nhưng tôi rất thích Lê Duẩn. Cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang…” của ông giúp tôi khai phá ra bao nhiêu điều về chủ nghĩa xã hội. Vì quá say mê Lê Duẩn nên sau nầy tôi nhanh chóng bị hụt hẫng bởi chính ông ta. Khi đó tôi đã đi dạy học được một năm, một lần tôi vớ cuốn Stalin Tuyển tập trong thư viện nhà trường, đọc xong tôi ngỡ ngàng. Những gì Lê Duẩn viết đều gần như sao y từ Stalin, chỉ sửa lại đôi chữ cho phù hợp với Việt Nam. Ngay cả cái viết ra tưởng như từ sự xúc động chân thành tận đáy lòng là điếu văn đọc trước linh cửu HCM của Lê Duẩn cũng hao hao giống điếu văn của Staline đọc trước Lê nin. Không lâu sau đó, thần tượng Hồ Chí Minh cũng sụp đổ trong tôi khi tôi phát hiện ra tác giả Trần Dân Tiên ca ngợi bác Hồ hết lời trong tác phẩm “Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của bác Hồ” chính là Hồ Chí Minh. Trái tim hồn nhiên non trẻ của tôi bị một nhát đâm rướm máu”.

Hóa ra cái mà làm cho Chênh chán ghét cộng sản lại có nguyên nhân… cảm tính, chẳng có phương pháp tư duy nào ở đây cả. Huỳnh Ngọc Chênh khoe khoang đọc nhiều sách, học giỏi môn triết, nhưng rốt cục thì ông ta ghét cộng sản không phải vì bản thân ông ta đánh giá lý thuyết đó đúng hay sai mà vì thấy hai bài viết hao hao giống nhau, rồi nghe theo những lời bịp bợm rằng Hồ Chí Minh là Trần Dân Tiên (đọc bài của Đôi Mắt ở đây). Một kẻ khoe khoang trình độ mà lại đưa các lý do ngu dốt như vậy để từ bỏ cộng sản thì còn gì để nói !?

Ngụy quân tử

“Tôi và những người cùng thế hệ không có đảng như tôi, xem như có thể cho qua, thiệt thòi bất hạnh thì cũng đã chịu rồi, cũng đã qua rồi, nào có được sửa lại, nào có bù đắp được đâu”.

Thật tội nghiệp, Huỳnh Ngọc Chênh chịu thiệt thòi, bất hạnh trong 40 năm vừa qua là vì không có một đảng phù hợp cho ông ta. Cái ngụy quân tử ở đây chính là người chính trực không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, Huỳnh Ngọc Chênh có mộng tưởng trở thành lãnh tụ, nhưng vì bất tài nên đến cuối cuộc đời vẫn chỉ có cái giải thưởng công dân mạng do nước ngoài ban cho. Vậy là đổ lỗi cho hoàn cảnh, đáng ra một Huỳnh Ngọc Chênh có thể làm nhiều việc vĩ đại hơn nhưng vì không có một đảng phù hợp nên đành chỉ đến thế thôi.

Có một người quân tử hay một người yêu nước nào đòi phải có đảng thì mới đóng góp được tâm trí, sức lực của mình cho đất nước ? Hàng trăm ngàn, hàng chục triệu con người ở đất nước Việt Nam ngày hôm nay (lớn hơn gấp nhiều lần con số vài triệu đảng viên cộng sản) chắc không cần phải kể tên ra nhưng hàng ngày chúng ta vẫn biết được những đóng góp to lớn, đầy ý nghĩa của họ trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống. So sánh với họ thì ông Huỳnh Ngọc Chênh không cảm thấy nhục nhã sao?

Chẳng lẽ, để tìm một con đường sống khác theo ý thích của mình, Huỳnh Ngọc Chênh đã phải đánh đổi tất cả ? Phải viết, phải nói làm sao để hài lòng quan thầy của y. “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, đối với Huỳnh Ngọc Chênh, đó chỉ có thể là tai tiếng!


(http://tumathien.wordpress.com/2013/08/12/huynh-ngoc-chenh-ten-boi-but-gia-doi-ngu-dot-va-nguy-quan-tu/)
Tư Mã Thiên

CÁI CHẾT CỦA CON CHÓ HÒN SỎI- DIÊN HỰU




          

“Chó nói sao, sủa gâu gâu
Chó đi đâu, chó đi đâu … ăn cứt”

Tôi vừa đổ bao phân thì chợt nghe có tiếng chó sủa phía sau. Giật mình quay lại, thấy con chó già rụng răng Hòn Sỏi đang ở ngay sau lưng tôi, nhỏ dãi thòng lòng. Vẫn bộ lông được khoác áo da người,chải chuốc theo kiểu trí thức chó cổ lỗ sĩ, mõm nhọn hoắt nhe hai cái răng nanh đã cùn, mắt ngầu đục như si dại. Con chó mặc chiếc áo Diên Hựu đen thui, là thẳng tắp, 2 vạt áo cột lại, che trứng dái thòng lòng của nó. Mùi chó tanh nồng toát từ con chó tỏa ra xung quanh làm người tôi phải hắt xì hơi liên tục. Con chó nhìn tôi gật gật đầu van lơn. Bực mình tôi vội xúc một xẻng phân quẳng vào mặt nó . Xong tôi hỏi:

“Con chó Hòn Sỏi mày đói lắm hả! Làm sao mà mày mò vào đây được?“.

“gâu gâu…gừ dừ…gâu gâu gâu…” – Tội nghiệp, chắc đói quá nên nó dục mõ vào mấy cục phân bò vừa nhai vừa sủa, vừa gừ như sợ những con chó khác chạy đến dành phần. Quả nhiên, nghe tiếng sủa của con chó Hòn sỏi, mấy con chó quanh đó đã cháy đến, Cũng may, là nó không dám vào vì vốn đã bị tôi đánh cho vài lần và bọn chó này cũng không đến nỗi đói quá như con chó Hòn Sỏi dù phân bò cũng khá hấp dẫn với chúng, Tôi dám chắc nếu là phân người thì chúng xé rào chui vào mà tranh dành rồi. Thời đại quái gì mà lũ chó càng ngày càng nhiều, dù quán tht chó cũng tăng nhanh nhưng cũng chẳng mấy người  còn thích  thịt chó.Không còn chiến tranh nên lũ chó càng đẻ nhanh,nhất là giống chó hoang như con chó Hòn Sỏi này.

Thời này tiến bộ, văn minh hơn cái ăn , cái mặc cũng ổn hơn xưa, nên người ta nuôi chó nhiều, nhất là phụ nữ bởi bọn chó nuôi rất giỏi nịnh và giỏi liếm.mấy con chó phản chủ cũng ngày càng đông hơn,nhờ mấy cái đống rác, thức ăn thừa thải. Lũ chó cứ tưởng bở, phản chủ đi hoang là có được cái ăn nhưng đâu có dễ như chúng nghĩ. Thời đại văn minh hơn, con người càng lo bảo vệ môi trường sống của mình, các bãi rác ngày càng được thanh lý, dọn dẹp. Vây là lũ chó hoang như Hòn sỏi này phải lâm vào cái cảnh đói triền miên

Thoáng cái là con chó Hòn sỏi đã xơi hết xẻng phân nhưng trông nó cũng còn thèm, tôi quẳng chó nó một xẻng nữa và bảo

“Ăn xong rồi cút đi đấy?“ – Tôi lớn tiếng quát – “Con chó Hòn Sỏi mày không ai nuôi sao hả, Chao ôi! tự do mà đói như mày cũng đáng thương thật.…“.

“Ặc, ặc ,ặc!“ – quá hám ăn nên con chó Hòn sỏi mắc nghẹn, nó sặc trào cả nước mắt ra –

“ Xem ra mày vừa đói vừa ngu”- tôi bảo.

Cái con chó cái bên ngoài rào, có lẽ động đực rên ư ử. Con chó Hòn Sỏi, Vừa cố ngoạm phân, vừa híc hic mũi đánh hơi. Nghe được hơi chó cái động đực, nó vội quày đui chạy biến đi. Tôi nhìn xem nó chui ra ở đâu. Thì ra, nó đào luôn một cái hang chui qua khỏi rào. Đúng là lũ chó hoang xem chừng phải gian manh hơn mất con chó nhà.

Trong phút chút nó đã tiến đến con chó cái bên ngoài , cằm mũi vào đít của con chó cái mà liếm. Con chó cái giả bộ ngúng ngẩy, rồi cũng đứng im đưa đít cho con chó Hòn Sỏi liếm. Đúng lúc, con chó Hòn sỏi gác 2 chân trước lên mình con chó cái, tôi chọi cho nó một cục đá, trúng ngay đầu nó cái bốp. Hoảng sợ ăng ảng kêu rồi sủa rân.

Lũ chó, ở gần chẳng biết mô tê gì cũng thi nhau mà chõ mõm sủa. Đúng là “chó hùa”. Con chó cái tuy không trúng đá, cũng hoảng sợ cắm đầu chạy về nhà nó.

Tôi lấy xẻng xúc đất chèn lại cái hố mà con chó hòn Sỏi đào để chui vào kiếm phân đề xơi. Dù sao, phân bò đi nữa giờ cũng phải mua.

Trời đất!- Tôi kêu lên- nơi cái hố con chó Hòn Sỏi chui vào lũ ve rớt lại đỏ au. Chắc hẳn có đến cả ngàn con. Đàn ve như vậy trên mình nó, hèn chi nó gầy trơ xương, ăn bao nhiêu cho đủ.Tội nghiệp, con chó cái lúc nảy bị nó liếm, lũ ve chắc hẳn cũng đãlây sang.

Thử tưởng tượng xem lũ ve bò kín nó, hết lớp nọ đến lớp kia ra sức hút máu mủ và hủy hoại thân thể của con chó Hòn Sỏi khiến nó ngày càng hám ăn nhưng rồi ...

Một hôm, tôi đi ra chợ thấy con chó Hòn sỏi, nằm bệt bên một thùng rác. Nó không còn đủ sức xô ngã cái thùng rác để bới móc kiếm cái ăn được nữa. Người qua người lại, động lòng trắc ẩn trước một con vật sắp chết,kẻ thì quẳng cho lon sữa uống dở, kẻ thì quẳng cho mu bánh mì … Song, mọi người đều gớm lũ ve nhung nhúc trên người nó nên chẳng có ai dám lại gần. ta . Mấy thằng chuyên bắt chó có lẽ cũng chê nó vừa gầy, vừa già, lại đầy ve nên cũng chỉ ngó qua rồi bỏ đi.

-Tội nghiệp, con chó này chết mất!- một chị phụ nữ lên tiếng.- chị bước đến gần nó, bỗng hoảng hốt kêu lên : trời đất ơi, sao mà ve nhiều đến thế này. Gớm quá.- Chị bịt mũi quay lưng.

Con chó Hòn Sỏi, gom hết hơi tàn bật dậy, ngom vào bắp chân của người phụ nữ.

Anh chồng- của chị phụ nữ- tức giận, sn trên tay cầm cây lau nhà, anh nện tới tấp vào nó. Khi anh ngừng tay, con chó Hòn Sỏi cũng đã vỡ sọ chết ngắt.

Than ôi :

“ Một đời chó hoang Hòn Sỏi
Ăn phân đớp cứt rất rõ ràng
Cứ ngỡ tự do đi tìm Mỹ
Sủa bậy cắn càng chết đói giữa đàng”

( Viết theo lệnh của linh hồn nhà thơ Nguyễn Bính)
         

SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM


Dân trí) - Xã hội phát triển, những giá trị hiện đại lên ngôi, đi đôi với đó là sự mai một những của những giá trị, ứng xử truyền thống. Vậy đâu là nguyên nhân? Tất cả đều do nhận thức mà ra, chúng ta đừng chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh.



(minh họa: Ngọc Diệp)


Chúng ta đã bàn, đã nói rất nhiều đến những vấn đề như sự vô ý thức trong giao thông, vô ý thức nơi công cộng. Rồi nào là y bác sỹ thiếu trách nhiệm, nhận phong bì. Nào tình trạng các điểm du lịch “chặt chém”, chửi mắng du khách...Vậy đâu là nguyên nhân?



Ở một đất nước mà cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém như ta, đường sá đa số nhỏ và xấu, lượng xe ngày một tăng, ngày nào cũng thấy tắc đường, thì ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng. Nhưng tiếc rằng ý thức của nhiều người còn kém quá: Vượt đèn đỏ, bóp còi bừa bãi. Sang đường dùng còi thay xinhan, không nhường đường... là những cảnh thường thấy. Chắc phải có đến 80-90% người điều khiển phương tiện trên đường không biết những luật cơ bản nhất? Cũng đúng thôi, vì nhiều khi công an, cảnh sát còn chạy xe không gương chiếu hậu, đội mũ bảo hiểm rởm, sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe... Những người bảo vệ, thực thi pháp luật mà còn vi phạm, đi xe không “gương” thì dân lấy gì để “soi”. Sự tùy tiện, vô ý thức đã đến mức đáng sợ rồi!



Vượt đèn đỏ là hiện tượng phổ biến trên đường, người ta bỏ thời gian dừng đèn đỏ là mong đến đèn xanh để được đi, chứ không phải đèn xanh rồi nhưng vẫn không đi được vì bị những người cố tình vượt đèn đỏ chiếm hết đường. Nếu không nhường thì lại có thể nhận những cái lườm nguýt, thậm chí là những câu chửi tục tĩu. Giá trị đảo lộn quá mất rồi!



Sống đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình mà vứt bỏ lợi ích của người khác, trên đường tất cả mọi người đều có quyền lợi như nhau (trừ phương tiện được ưu tiên). Có lần thấy nhiều người vượt đèn đỏ quá, tôi quát lên: “Các người không nhìn thấy đèn đỏ à?” nhưng dường như chẳng ai thèm quan tâm, mặt ai cũng tỉnh bơ và vẫn phóng xe ào ào. Lúc ấy tự nhiên thấy lòng buồn thế!



Dừng đèn đỏ, đỗ xe chiếm hết phần đường của phương tiện được phép rẽ phải, người ta không quan tâm đến biển báo được rẽ phải, cũng chẳng quan tâm đến vạch kẻ đường. Dừng cứ dừng, ai rẽ được thì rẽ, mặc xác người khác!!!



Có lần khi dừng đèn đỏ, có 1 xe máy đỗ chắn ngang phần đường cho người đi bộ sang đường, làm mấy du khách nước ngoài lúng túng không biết phải sang đường thế nào vì phần đường của mình bị chặn mất, một anh dừng bên cạnh tôi mỉa mai: “Đúng là người Việt Nam, cứ thể biết bao giờ khá được?” Người Việt mà còn chê người Việt như thế, thì không biết người nước ngoài họ sẽ nghĩ về ta thế nào?



Đi rút tiền ở cây ATM cũng gặp không ít trường hợp bức xúc, đến sau chen vào rút trước, không nhường cho người già, phụ nữ mang thai, người tàn tật. Nhiều khi người ta đang rút tiền trong buồng cũng nhảy vào đứng ngay cạnh, khiến người ta lo sợ như sợ cướp vậy. Văn hóa xếp hàng vẫn xa lạ với nhiều người quá.



Ở nơi công cộng, hiện tượng vứt rác bừa bãi, phì phèo thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày. Rất nhiều lần tôi thấy người ta đứng cạnh thùng rác nhưng vẫn có thể vứt rác ra đường. Ở nước ta, đường sá là bãi rác lớn nhất, bến tàu bến xe là nhà vệ sinh tiện dụng nhất. Luật cấm hút thuốc nơi công cộng xem ra chưa có tác dụng, người ta vẫn hút như không có chuyện gì xảy ra, trong bệnh viện cũng vậy thì nói gì ngoài bệnh viện.



Hiện tượng y bác sỹ nhận tiền, vòi tiền bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì không nói làm gì vì nó diễn ra nhiều quá, nhiều luồng tin phản ánh quá rồi. Nhưng gần đây lại còn có việc ăn bớt vắcxin, thì thật không thể chấp nhận được và không có lý do gì để ngụy biện nữa. Họ đổ lỗi cho hoàn cảnh, do nghèo… Nếu nghèo thì nên tìm việc khác mà làm, chứ đừng làm những việc thất đức như thế!



Rồi giáo viên, giảng viên nhận tiền "chạy" điểm, gạ tình lấy điểm... cũng không có gì xa lạ. Y tế và giáo dục là 2 ngành cần nhiều y và đức nhất, nhưng nó đang bị vấy bẩn bởi những “con sâu” đáng sợ như thế!



Lào mới nhận giải “Điểm đến du lịch tốt nhất thế giới năm 2013”, không biết ngành Du lịch Việt Nam nghĩ gì, chỉ biết rằng bao năm nay người ta vẫn loay hoay đi tìm hướng phát triển. Trong khi đó, nạn “chặt chém”, chửi bới và thậm chí là cả hành hung du khách vẫn diễn ra. Mức sống ngày nay đã cao hơn, người dân nhiều người đã có thể đi du lịch. Nhưng người ta đi du lịch để giải trí, để thư giãn, khám phá chứ đâu phải để bị nghe chửi và bị lừa đảo???



Tất nhiên, những gì tôi viết trên đây không phải là tất cả. Vẫn còn rất nhiều người tốt, hiểu biết, tham gia giao thông với ý thức cao. Nhiều y bác sỹ hết lòng vì người bệnh, nhiều giáo viên tận tụy vì học trò... Quan trọng là chúng ta đừng để những điều tốt đẹp ấy bị che mờ bởi những thói xấu, thói vô ý thức, vô văn hóa. Muốn như vậy, thì không ai khác ngoài chúng ta, phải sống có trách nhiệm với những việc làm và hành động của chính mình.


Được như vậy, cuộc sống và xã hội sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu!

Hoàng Hưng
Có một câu nói rất hay: dù nấu ăn hay trong tình yêu bạn cũng cần dùng đến 100% trách nhiệm. Không chỉ là nấu ăn hay tình yêu mà trong cả cuộc sống thường nhật cũng cần đến 100% trách nhiệm. Nếu không bạn sẽ không bao giờ được người khác yêu mến. Bởi vì khi “bỏ của chạy lấy người” bạn không còn đáng để người khác tôn trọng nữa.
Với chính mình
Hãy sống có trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời của chính bạn đừng bao giờ để những người xung quanh bạn phải ghét bỏ bạn bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của mình. Khi có ý thức phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân bạn sẽ mạnh mẽ hon, chín chắn hơn cũng như kiên cường hơn trong cuộc sống. Khi biết rằng có rất nhiều giây phút trong cuộc đời, chúng ta không thể bấu vứu vào ai ngoại trừ bản thân chúng ta… bạn sẽ có trách nhiệm hơn với chính mình.
Với những người xung quanh
Khi yêu thương một ai đó bạn hãy có trách nhiệm với mối quan hệ đó, dù hai người là bạn, là người yêu hay người thân thì bạn cũng cần có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ mối quan hệ của hai người. Đừng bao giờ tự tay phá bỏ những mối quan hệ tốt đẹp chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của bản thân.
Đừng bao giờ cho mình cái quyền được “vùi dập” người khác bạn nhé, dù đặt vào đó bao nhiêu tâm huyết, tình cảm thì bạn hãy nhớ đặt 100% trách nhiệm vào trong đó. Dù có chuyện gì xảy ra bạn cũng sẽ không buông tay người bạn của mình, không bỏ mặc họ với đau khổ và thất bại nặng nề. Bạn sẽ giúp đỡ họ và vực họ dậy khỏi thung lũng khổ đau nhé. Hãy sống có trách nhiệm với những người xung quanh bạn.
Với những việc mình làm
Dù làm gì thì bạn cũng đừng làm qua loa nhé, đừng làm chỉ để đã làm mà hãy làm thật tốt những gì người khác giao cho bạn. Với những việc bạn làm cũng vậy đã làm hãy làm thật tốt: đừng nghĩ mình phải bỏ ra quá nhiều mồ hôi công sức mà hãy nhớ rằng những gì mình bỏ ra chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Khi bạn làm công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cao bạn sẽ khiến cho những người xung quanh cũng làm được như thế. Bạn đừng quên rằng, bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm mới làm tốt được. Hãy thử nghĩ, một tập thể mà ai cũng thiếu trách nhiệm với công việc thì công việc sẽ ra sao, tập thể đó sẽ ra sao?
Với những gì mình nói
Lời nói có sức mạnh cực kỳ to lớn, nó giống như một mũi dao vô hình đâm thẳng vào tâm hồn con người và nằm mãi trong đó. Luôn luôn khiến người khác cảm thấy nhức nhối về những lời nói của một ai đó, vĩnh viễn không thể quên được. Vậy nên nếu khi nói chuyện với một người nào đó, bạn không chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói chắc chắn sẽ có ngày bạn phải ân hận. Người xưa nói “uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói”, đó là khuyên chúng ta nên cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương lẫn nhau.
Nếu bạn không tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, thích gì nói nấy thì những người xung quanh sẽ chẳng bao giờ xem trọng lời nói của bạn đâu. Vậy nên, trước khi nói cho “thỏa miệng” bạn hãy học cách chịu trách nhiệm lời nói của mình, những gì bạn nói ra hãy ghi nhớ chúng để tự vấn lại chính mình khi cần thiết.
Trách nhiệm là từ nặng nề nhất mà con người chúng ta ai cũng phải gánh vác trên người. Nếu không gánh lấy trách nhiệm thì bạn và những người thân của bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc. Chúng ta kết nối với nhau bằng những mối quan hệ và thứ ràng buộc lẫn nhau đó chính là trách nhiệm. Trước khi chối bỏ trách nhiệm của mình, bạn hãy tự hỏi bản thân làm như thế bạn có ân hận và day dứt không bạn nhé.



Đọc báo Tuổi trẻ cuối tuần,bài: "Sống có trách nhiệm" của Nguyễn Thị Oanh.
* Ý kiến: Sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình,với xã hội, với quê hương, với nhân loại, với tâm linh & tín ngưỡng của mình. Một trong những cái hay của người Nhật là họ sống có trách nhiệm & biết nhận lấy trách nhiệm.
“Sống có trách nhiệm” là chủ đề sinh hoạt, học tập của ngành giáo dục TP.HCM năm 2007 này. Đây là một chủ đề rất hay vì tinh thần trách nhiệm cá nhân đã phai mờ nhiều sau nhiều thập kỷ bao cấp.
Đối với học sinh, đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi trường tự chọn lựa hình thức sinh hoạt. Trường Nguyễn Thị Minh Khai đã làm khá chu đáo với hai cuộc hội thảo toàn trường, một dành cho học sinh, một dành cho giáo viên. Hai cuộc hội thảo được chuẩn bị bởi hai cuộc khảo sát xã hội học trên 2.334 học sinh ba khối 10-11-12 và 115 giáo viên. Nội dung các câu hỏi đề cập việc dạy và học, chuyện nghỉ ngơi thư giãn, kỷ cương nhà trường và mối quan hệ thầy trò.
Ở đây chúng tôi chỉ xem xét câu hỏi về mối quan hệ thầy trò trong khía cạnh dạy người mà thôi. Nội dung câu hỏi giống nhau cho học sinh và giáo viên: “Khi gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống, các em có tìm đến thầy/cô để tâm sự hay xin lời khuyên không?”. Câu trả lời khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Nếu đặt trọng tâm ở dạy người thì sự dẫn dắt học sinh ngoài giờ học thuộc về trách nhiệm của giáo viên. Đối với thanh thiếu niên, ngoài cha mẹ, thầy cô là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Có thể ở nước ta nhiệm vụ này chưa được qui định một cách chính thức trên giấy trắng mực đen và vai trò người thầy bị bó hẹp trong nhiệm vụ “đứng lớp”. Nhưng dù sao con số cũng làm ta giật mình. Sự đánh giá của giáo viên lạc quan hơn nhận xét của học sinh rất nhiều.
Con số áp đảo trên 60% học sinh “không bao giờ” tìm đến thầy cô có nghĩa gì đây?
Trong khi chỉ 12% giáo viên cho rằng học sinh không bao giờ tìm tới họ.
Lý do vì sao? Lẽ ra nếu cả đôi bên được trả lời thêm câu hỏi mở này thì ta sẽ khám phá nhiều điều lý thú. Nhưng dù sao tình hình cũng khá báo động.
Chắc các trường khác cũng không khác mấy với Trường Minh Khai. Trong buổi hội thảo tổ chức ngày 24-3 vừa qua, thầy cô có nêu lên một số ý kiến như học sinh thích hỏi bạn đồng trang lứa hơn, trường đã có phòng tham vấn tâm lý...
Nhưng ý kiến được đưa ra nhiều nhất là thầy cô không có giờ. Dạy xong một lớp phải nhanh chóng chạy qua lớp khác hay đi làm nhiệm vụ khác...
Và câu trả lời về nghỉ ngơi giải trí của thầy cô cũng làm ta giật mình. Giáo viên không có thời gian hay chỉ có dưới một giờ để nghỉ ngơi giải trí chiếm tới 67,8%! Có mặt tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT, đã nhấn mạnh khía cạnh dạy người cho học sinh. Vì theo ông, giáo viên đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhưng chỉ về mặt thời gian vật chất thôi, giáo viên cũng đã không hoàn thành nổi nhiệm vụ dạy người của mình. Và ai chịu trách nhiệm về đời sống tinh thần của giáo viên trong tình trạng họ làm việc không kịp thở đây?
Chỉ một cuộc điều tra bỏ túi tại một trường học đã cho ta nhiều ý tưởng khác để nghiên cứu tiếp. Rất cần biết tại sao học sinh không tìm đến giáo viên khi chúng có vấn đề. Cũng cần đặt câu hỏi tại sao cho giáo viên. Có thể trong các câu trả lời ta phát hiện về mặt kỹ năng, giáo viên chưa được trang bị đủ để tiếp cận và tham vấn cho học sinh.
Kết quả chắc chắn sẽ gợi lên nhiều đề tài tập huấn, bồi dưỡng lý thú và cần thiết. Nó cũng sẽ bắt ta nghiên cứu kỹ hơn về trách nhiệm của ngành giáo dục đối với giáo viên..



HỌC SINH THẦY CÔ

Rất thường xuyên 1,32% 3%
Thường xuyên 4,4% 13%
Thỉnh thoảng 29% 73%
Không bao giờ 60,49% 12%

ghi chú: phần trả lời của giáo viên
nhiều hơn 100% vì có người đánh dấu ở nhiều
câu trả lời


Nguồn:
Tuổi trẻ cuối tuần
Sống có ý nghĩa là sống có trách nhiệm
TTO - Câu hỏi của bạn Trần Thị Minh đặt ra khi bạn có cảm giác rằng bạn chưa thật sự có một cuộc sống có ý nghĩa thực sự, là khi bạn so sánh những phút giây sống hiện tại với những người xung quanh mình, với những ước mơ, hoài bão chưa đạt được của mình.
Thiết nghĩ, không phải ai trong chúng ta, những người hàng ngày tồn tại (tôi nghĩ TỒN TẠI khác với SỐNG) qua tháng năm đều có cảm nhận về sự tồn tại của mình đến dằn vặt, băn khoăn, lo lắng như bạn.
Thay vào đó, không ít những người trẻ trong chúng ta đang hoang phí sự sống để rồi tự huỷ hoại ước mơ, hoài bão, lý tưởng của mình cũng như niềm tin tưởng của gia đình, bạn bè và xã hội. Họ ăn chơi, nghiện ngập, đòi hỏi và tiêu phá những giá trị vật chất không do mình tạo nên với sự dửng dưng, vô cảm và trở nên lạc lõng trước sự bứt phá của cuộc sống vốn khi nào cũng cần sức lao động, kiến thức, sự dấn thân, tinh thần lao lên phía trước của người trẻ trong mọi mặt trận.
Sống có ý nghĩa, có dễ không?
Nếu chúng ta nhìn nhận ý nghĩa thực sự của cuộc sống một cách nghiêm túc, câu trả lời được đưa ra cho mỗi người là: "Khó!". Sự dằn vặt, lo lắng về bản thân mình của một người trẻ 22 tuổi như bạn đã phần nào nói lên sự "khó" ấy.
Làm sao đây, khi chúng ta hàng ngày vẫn phụ thuộc vào gia đình trong khi lại chưa có hành động thực tế nào cho thấy sự phụ thuộc của ta mang lại niềm tin tưởng nào đó. Làm sao đây, khi những cố gắng của ta cho đến bây giờ vẫn chưa cho thấy ý nghĩa nào được tạo ra, chưa cho thấy tương lai nào thực sự rõ ràng, chưa cho thấy một kết quả nào có thể nắm bắt một cách cụ thể.
Người trẻ, khi đặt ra những câu hỏi như trách mắng bản thân mình như thế, khẳng định rằng họ đã và đang đấu tranh với bản thân thật quyết liệt để tìm ra hướng đi cho cuộc sống vốn chưa trọn vẹn hiện tại đang diễn ra trong đời sống mỗi ngày.
"Live each day as it comes!" (Sống trọn mỗi ngày khi nó đến!), câu cách ngôn ưa thích mà tôi được thầy giáo giạy Anh văn trong một trung tâm ngoại ngữ truyền dạy và nhắc nhở cách đây hai ba năm bây giờ vẫn ám ảnh và theo tôi như một sự thách đố! Sống ý nghĩa, theo tôi có lẽ là bằng cách sống trọn vẹn mỗi ngày ta được ban cho. Nhưng làm sao để sống trọn vẹn, sống không uổng phí từng phút giây. Sẽ không bao giờ dễ dàng để mỗi ngày đến, mỗi chúng ta biết làm sao cho có ý nghĩa với mọi việc, với mọi người mà ta

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

BUỒN


NGẬM NGÙI...THU!
(Bé Cái Lầm)


Heo may gió nhẹ rung cành

Kìa Thu! Ngơ ngác giật mình, lá rơi
Tha phương đất khách quê người
Ngóng về đất mẹ, ngậm ngùi nhớ thương


BUỒN



Buồn như đã chín trên cành

Sao em không hái để dành tặng tôi
Mùa thu đưa gió gọi mời
Em về nhặt lá vàng rơi gói buồn

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Một số báo mạng ở Việt Nam đang nhồi vào đầu độc giả những hiểu lầm tai hại

Những ngày gần đây cư dân mạng Việt Nam đang xôn xao trước thông tin “Đồng tiền Việt Nam có giá trị thấp nhất thế giới” đang được đăng tải trên các báo mạng. BBT xin gửi đến bạn đọc bài phân tích của tác giả Cục Gạch cùng các ý kiến của cư dân mạng quanh vấn đề này.
Mấy ngày trước, đọc được cái bài “Những đồng tiền ít giá trị nhất thế giới” mà anh lá cải Telegraph đăng tôi đã phì cười.




Một số tờ báo ở Việt Nam đang nhồi vào đầu độc giả những hiểu lầm tai hại


Những tưởng là chuyện đùa cho vui vì bản chất câu chuyện cũng hết sức tầm phào nhưng rồi thấy nó lần lượt xuất hiện trên hàng loạt tờ báo điện tử, trang tin điện tử của Việt Nam thì tôi không khỏi giật mình.

Giật mình vì các báo Việt Nam ‘hồn nhiên’ đến thế khi mang vấn đề an ninh tiền tệ (sinh mạng của cả 1 nền kinh tế) ra đùa giỡn và nhồi vào đầu độc giả những hiểu lầm rất tai hại.
Giật mình vì các Biên tập viên làm báo ở Việt Nam hồn nhiên một cách đáng ngạc nhiên. Các bạn cứ lấy con số 33.000 VND = 1 bảng Anh hay 126 yên Nhật = 1 bảng Anh để kết luận là đồng tiền có giá trị kém nhất thế giới. Lạy hồn. Tự hỏi là các vị đã bao giờ nghe đến cái gọi làSức mua tương đương PPP (Purchasing Power Parity) hay chưa?
Bạn đang làm việc ở thành phố với thu nhập 10 triệu/tháng nhưng vẫn phải xoay xở khó khăn lắm mới đủ sống nhưng nếu ở quê, chỉ với thu nhập 5 triệu bạn đã có thể sống khá sung túc. Hoặc, nếu đang ở Tokyo, một lần đi cắt tóc bạn sẽ mất khoảng 20-30 đô la nhưng ở Hà Nội bạn chỉ mất 1-2 đô la… Đó là những ví dụ thô sơ nhất về PPP.


VnExpress đã nhiều lần đầu độc độc giả với những thông tin hiểu lầm rất tai hại như thế này!

Trong bài “Những đồng tiền rẻ nhất thế giới”, VnExpress đã nói: Theo Telegraph, một xu (Anh) ngày nay chẳng mua được gì nhưng vẫn có giá hơn đồng tiền Việt Nam. Nếu đổi ngang, khoảng 33.000 đồng mới bằng một bảng Anh (1,54 USD). Thật sự ngây thơ lồ lộ! Không biết là có độc giả nào nhắc nhở không nhưng sau đó 1 vài tiếng VnExpress đã xóa bỏ phần nói về đồng tiền Việt Nam nhưng vẫn để các đồng khác. Nhưng bài của các tờ báo khác copy từ VnExpress thì vẫn còn nguyên. Đây không phải là lần đầu tiên VnExpress đầu độc độc giả với những thông tin hiểu lầm rất tai hại như thế này! (Xem lại bài viết: VnExpress làm cộng đồng mạng hiểu sai Nghị định 72 của Chính phủ)


Trang VinaCorp copy lại nội dung từ VnExpress

Ví dụ sâu hơn chút nữa. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái thị trường năm 2012, GDP của Mỹ là 15.643 tỷ USD (GDP bình quân đầu người là 49.802 USD), Việt Nam là 136 tỷ USD (GDP bình quân đầu người là 1.523 USD).
Tuy nhiên, để so sánh chính xác hơn sự khác nhau về mức sống thì lại phải cần đến cách thứ ba. Đó là quy đổi đồng đô-la sang sức mua tương đương (PPP), sử dụng một “rổ” hàng hóa và dịch vụ làm đại diện. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới tính toán thấy để mua được một rổ hàng hóa điển hình có giá 1 USD ở Việt Nam thì một người dân ở Mỹ phải bỏ ra gần 4 USD.
Vì vậy, để so sánh trên cơ sở ngang bằng sức mua của đồng đô-la, GDP của Việt Nam phải được điều chỉnh tăng lên 4 lần. Kết quả là năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của VN tính theo tỷ giá hối đoái là 1.523 USD, còn tính theo PPP là 6.092 USD.
(Cục Gạch)
Phản ứng của một số cư dân mạng:
- Huong Jend: Ngay ở bài gốc trên Tele, dân Anh nó cũng nhảy vào ném đá ầm ấm rồi, mà một số tờ báo vẫn ngu ngốc trans về. Nó còn tồi tệ hơn cả vụ dịch bài Mẹ chồng Tăng Thanh Hà là nữ tỷ phú này nọ. Chán quá!
- Hai Kieu: Đọc đã thấy nó “rẻ tiền” rồi. Cứ bốc bừa mấy loại tiền vào rồi làm cái bảng, xong kết luận là cái này nhất cái kia bét… Ngu xuẩn!
- Lê Mỹ: Mình thấy rất nhiều bạn nhà báo dính đến cái này mà quên rằng Tiền là 1, Cờ tổ quốc là 2, là những điều cần cân nhắc khi viết. Thực tế, nếu nói đổi theo bảng Anh mà suy ra tiền VN có giá trị thấp nhất thế giới cũng chả đúng, cái này chắc những người làm hay học kinh tế đều hiểu.
- Vanhoa Sahuynh: Dân Việt Nam vẫn sống khỏe, chả có ai chết đói, mà ngược lại Hạnh phúc nhì Thế giới!!!
- Khải Tq: Cái này nguy hiểm thật dễ gây sự hiểu nhầm
- Choet Sung: Số liệu này chưa được kiểm chứng, lại gây tâm lý không tốt cho người dân. Đổi tiền rẻ không thể dựa trên tỷ giá mà đánh giá, nó phải dựa trên ngang bằng sức mua!

Nam Yết (tổng hợp)

Bận, căn bệnh của thời đại

Lilia

Hôm nay tôi là một người bất hạnh nhất trên trần gian này, vì tôi đang nhàn rỗi, trong khi tất cả thế giới quanh tôi đều bận quay cuồng.

Hãy nhìn xung quanh mà xem. Những gương mặt đăm chiêu đang mải mê suy nghĩ. Những bước chân hối hả. Sinh viên khoa Luật lúc nào cũng vội vã đi đâu đó. Vội vã vào lớp, vội vã cắm cúi ghi chép, vội vã ăn qua loa quả táo hay kẹp bánh mì, vội vã vào thư viện mượn tài liệu đem đi photocopy để tối về nhà đọc, vội vã đem trả, rồi thế là vội vã chạy hộc tốc đến một văn phòng luật sư nào đó, một công ty nào đó, một tòa án nào đó, hay vội vã giải quyết những công việc riêng nào đó có trời mới biết được. Các giáo sư, trợ giảng thì trông còn khổ sở hơn. Họ tất bật với nghĩa vụ làm thầy của mình, lúc nào cũng bị một lũ sinh viên dai như đỉa đói với hàng mớ yêu sách bám riết. Trong khi miệng giải đáp vô số thắc mắc của học trò, đầu họ nghĩ tới một vụ kiện, một chuyến đi hội thảo ở nước ngoài, một bài báo họ vừa viết, một đạo luật mới ban hành với những điểm họ không vừa ý, hay một cuộc hẹn với bác sĩ mà họ không thể hủy bỏ...

Ông giáo sư đỡ đầu của tôi, prof.dr.hab. T. Dybowski, năm nay gần 70 tuổi. Một năm phải mổ xẻ tới hai lần, nằm viện hơn bốn tháng, vậy mà vẫn vừa làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, vừa đến trường giảng dạy, nhận vài luận án, hàng chục luận văn tốt nghiệp, và hỏi thi hàng trăm sinh viên để thỉnh thoảng phải tống cổ một vài đứa ra khỏi phòng thi trong cơn đau tim vì tức giận (ví dụ như khi một anh chàng sinh viên tội nghiệp, thay vì "hợp đồng bán" [umowa sprzedazy], lại cứ lặp đi lặp lại từ "hợp đồng mua bán"[umowa kupno-sprzedazy] y như một gã lái buôn chưa từng giở qua bộ luật dân sự). Có những lần tôi gửi hoa và thiệp tới bệnh viện thăm ông mà lòng nghẹn ngào\. Cùng với tuổi già, sức khỏe của ông mỗi ngày một kém, vậy mà ông vẫn làm việc không mệt mỏi, và đằng sau vẻ khó tính bề ngoài là cả trách nhiệm và tình thương yêu dành cho sinh viên.

Nhưng ta hãy trở lại với hiện tại, khi tôi đang nhởn nhơ ngồi gõ keyboard còn mọi người thì bận bịu.

Sự thể chẳng lấy gì làm lạc quan hơn khi người ta nhận được thư bạn bè. Trong mười lá thư thì có tới chín lá bắt đầu bằng câu "xin lỗi nhé, dạo này bận quá...", "hồi này công việc ngập đầu ngập cổ", "mình bận túi bụi" hay những câu đại loại như vậy. Ai ai cũng hối hả đến không có thời gian mà thở nữa, từ đứa em bé mới học cấp I, cấp II hay đứa bạn đã đi làm. Một bức thư Việt Nam tôi mới nhận: " Sáng em đi học Kinh tế, chiều học Tin, tối học Đại học Ngoại ngữ. Em vẫn đi học đàn guitar..." "Em tới lớp ngồi chép bài, giờ nghỉ chỉ là 5' or 10' không đủ để mà làm gì. Chỉ kịp ngoái sang người bên cạnh nói vài câu". Và rồi kết luận "Mọi thứ cứ diễn ra đều đều, rất chán".

Những bức e-mail cũng chẳng khá hơn. Mặc dù viết e-mail tốn ítthời gian hơn viết một lá thư nhiều, những e-mail mà tôi chờ đợi cũng chỉ vỏn vẹn vài dòng với những chữ "bận", "bận" và lại "bận" tiêu biểu của thời đại.

"Đối với mọi người, chỉ cần bạn có một cái tên là đủ
Thay cho bạn, người ta chỉ nhìn thấy một gương mặt"
(lời một ca khúc trong vở musical Metro của Ba Lan)

Gặp một người bạn ngoài đường. "Dạo này thế nào?". "Cũng bình thường, nhưng bận lắm". Và thế là vội vàng chia tay. Có bao giờ bạn gặp một người quen và cùng với câu chào "Dạo này thế nào?", bạn thực sự quan tâm đến những gì đang xảy đến với người đó? Có thể đằng sau gương mặt bình thản kia là biết bao nhiêu khó khăn chồng chất. Có thể người đó thực sự muốn nói với bạn một điều gì đó, muốn trút một chút nỗi lòng, hay đơn giản chỉ là muốn chuyện trò với bạn 15-20 phút..., thế nhưng khi nhìn thấy dáng dấp tất bật của bạn thì tất cả những gì đang chất chứa trong lòng họ bỗng nhiên tự động - không hiểu bằng phép thần thông nào - biến thành mấy chữ "mọi sự đều bình thường" muôn thuở.

Tôi mới gặp lại Lukasz Filipiak, một người bạn trước khá thân ra trường cách đây ba năm. Lâu lắm rồi, có lẽ gần một năm, chúng tôi không gặp và cũng không liên lạc qua điện thoại, mặc dù cả hai người cùng ở Warszawa. Đơn giản chỉ là do bận quá. Bạn tôi làm ở Văn phòng Pháp lý của Quốc hội, đồng thời thực tập tại Tòa án Thành phố. Hàng ngày đi làm tới 9-10 giờ tối mới về, nhiều hôm đến quá nửa đêm. Không được nghỉ ngơi kể cả thứ bảy. Ngày chủ nhật dành cho việc ngủ bù. Vốn là con chiên rất ngoan đạo, vậy mà bây giờ hiếm hoi lắm mới sắp xếp được một buổi đi nhà thờ. Đằng sau bộ quần aó được chuẩn bị chu đáo, gương mặt vui vẻ và tác phong nhanh nhẹn lịch thiệp kia là những đêm thiếu ngủ, những núi công việc và những mệt mỏi triền miên. Người Warszawa chính gốc, 27 tuổi, đẹp trai và giỏi giang, con nhà gia giáo, tính tình vui vẻ dễ chịu, vậy mà vẫn chưa có người yêu. "Lilia thấy đấy, chẳng cô nào chịu nổi cảnh này. Một anh bạn cùng làm với mình đang lục đục thường xuyên với vợ cũng chỉ vì luôn phải đi làm về muộn, nghĩ thấy sợ quá!"

Nhưng hình như chúng ta lại cảm thấy có chút gì đó tự hào khi mình bận rộn, và nếu như ai đó nói là bạn nhàn rỗi, bạn sẽ phản đối ngay. Một người bạn tới Ba Lan chơi, kể cho tôi nghe chuyến chu du "vòng quanh châu Âu" của anh. Tôi thán phục : "Cũng tung tẩy quá nhỉ!" Thế là anh bạn vội vàng đính chính: "Không, bình thường anh cũng bận lắm, đây là vì hứa hẹn với bạn bè từ lâu rồi..." Dường như thảnh thơi để có thời gian cho riêng mình là tội lỗi, là một cái gì đó đáng sợ, đáng tránh né!

Nhưng tôi có thể nói gì đây khi chính tôi bình thường cũng chẳng mấy rảnh rỗi, cũng hay kêu ca một cách vô ý thức rằng tôi rất bận, cũng viết những bức thư ngắn ngủi, cũng chào "dạo này thế nào?" với một ngữ điệu vô tâm, và nếu như đôi khi có được một chút thời gian nhàn hạ hằng mơ ước thì bỗng lại cảm thấy mình như có lỗi, như thừa thãi, như bất hạnh...
"Bạn muốn đập vỡ tấm kính
Nhưng nó cong lại
Và đằng kia là tất cả mọi người
Còn phía đối diện là bạn"

Ngợi ca những giấc mơ

Wisława Szymborska


Thái Linh dịch

Trong mơ
tôi vẽ như Vermeer van Delft.

Tôi nói thành thạo tiếng Hy Lạp
không chỉ với người sống.

Tôi lái chiếc xe hơi
ngoan ngoãn nghe lời.

Tôi tài hoa,
viết ra những trường ca vĩ đại.

Tôi nghe thấy những giọng nói
không tệ hơn lời thần thánh uy nghiêm.

Các bạn hẳn sẽ ngạc nhiên
vì tôi chơi dương cầm với ngón nghề tuyệt kỹ.

Tôi bay lượn như cần phải thế
nghĩa là bay lên từ chính mình.

Khi ngã xuống từ mái nhà
tôi rơi êm ru trên cỏ.

Với tôi chẳng có gì là khó
việc thở dưới nước sâu.

Tôi không phàn nàn gì đâu:
tôi khám phá ra Atlantis.

Tôi cảm thấy vui thích
vì luôn kịp tỉnh giấc trước khi qua đời.

Khi chiến tranh vừa được châm ngòi,
tôi lập tức trở mình sang phía khác.

Tôi là, nhưng không buộc phải là
đứa con của thời đại.

Vài năm trước tôi nhìn thấy
có hai mặt trời.

Chim cánh cụt thì mới hôm kia thôi.
Hoàn toàn sắc nét.

QUẦN LỌT KHE


Bão đổ về rậm rập
Gió thổi tung hất váy
He hé quần lọt khe
Phận đàn bà em che

Sang - hèn cũng một kẽ
Buồn - vui cũng một khe
Giấu hai bờ thương-nhớ
Quần lọt khe em che

Phận đàn bà nứt nẻ
Đau đớn đời chia sẻ
Quần lọt khe em che
Chờ quân tử em khoe