Lilia
Hãy nhìn xung quanh mà xem. Những gương mặt đăm chiêu đang mải mê suy nghĩ. Những bước chân hối hả. Sinh viên khoa Luật lúc nào cũng vội vã đi đâu đó. Vội vã vào lớp, vội vã cắm cúi ghi chép, vội vã ăn qua loa quả táo hay kẹp bánh mì, vội vã vào thư viện mượn tài liệu đem đi photocopy để tối về nhà đọc, vội vã đem trả, rồi thế là vội vã chạy hộc tốc đến một văn phòng luật sư nào đó, một công ty nào đó, một tòa án nào đó, hay vội vã giải quyết những công việc riêng nào đó có trời mới biết được. Các giáo sư, trợ giảng thì trông còn khổ sở hơn. Họ tất bật với nghĩa vụ làm thầy của mình, lúc nào cũng bị một lũ sinh viên dai như đỉa đói với hàng mớ yêu sách bám riết. Trong khi miệng giải đáp vô số thắc mắc của học trò, đầu họ nghĩ tới một vụ kiện, một chuyến đi hội thảo ở nước ngoài, một bài báo họ vừa viết, một đạo luật mới ban hành với những điểm họ không vừa ý, hay một cuộc hẹn với bác sĩ mà họ không thể hủy bỏ...
Ông giáo sư đỡ đầu của tôi, prof.dr.hab. T. Dybowski, năm nay gần 70 tuổi. Một năm phải mổ xẻ tới hai lần, nằm viện hơn bốn tháng, vậy mà vẫn vừa làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, vừa đến trường giảng dạy, nhận vài luận án, hàng chục luận văn tốt nghiệp, và hỏi thi hàng trăm sinh viên để thỉnh thoảng phải tống cổ một vài đứa ra khỏi phòng thi trong cơn đau tim vì tức giận (ví dụ như khi một anh chàng sinh viên tội nghiệp, thay vì "hợp đồng bán" [umowa sprzedazy], lại cứ lặp đi lặp lại từ "hợp đồng mua bán"[umowa kupno-sprzedazy] y như một gã lái buôn chưa từng giở qua bộ luật dân sự). Có những lần tôi gửi hoa và thiệp tới bệnh viện thăm ông mà lòng nghẹn ngào\. Cùng với tuổi già, sức khỏe của ông mỗi ngày một kém, vậy mà ông vẫn làm việc không mệt mỏi, và đằng sau vẻ khó tính bề ngoài là cả trách nhiệm và tình thương yêu dành cho sinh viên.
Nhưng ta hãy trở lại với hiện tại, khi tôi đang nhởn nhơ ngồi gõ keyboard còn mọi người thì bận bịu.
Sự thể chẳng lấy gì làm lạc quan hơn khi người ta nhận được thư bạn bè. Trong mười lá thư thì có tới chín lá bắt đầu bằng câu "xin lỗi nhé, dạo này bận quá...", "hồi này công việc ngập đầu ngập cổ", "mình bận túi bụi" hay những câu đại loại như vậy. Ai ai cũng hối hả đến không có thời gian mà thở nữa, từ đứa em bé mới học cấp I, cấp II hay đứa bạn đã đi làm. Một bức thư Việt Nam tôi mới nhận: " Sáng em đi học Kinh tế, chiều học Tin, tối học Đại học Ngoại ngữ. Em vẫn đi học đàn guitar..." "Em tới lớp ngồi chép bài, giờ nghỉ chỉ là 5' or 10' không đủ để mà làm gì. Chỉ kịp ngoái sang người bên cạnh nói vài câu". Và rồi kết luận "Mọi thứ cứ diễn ra đều đều, rất chán".
Những bức e-mail cũng chẳng khá hơn. Mặc dù viết e-mail tốn ítthời gian hơn viết một lá thư nhiều, những e-mail mà tôi chờ đợi cũng chỉ vỏn vẹn vài dòng với những chữ "bận", "bận" và lại "bận" tiêu biểu của thời đại.
"Đối với mọi người, chỉ cần bạn có một cái tên là đủ
Thay cho bạn, người ta chỉ nhìn thấy một gương mặt"(lời một ca khúc trong vở musical Metro của Ba Lan)
Gặp một người bạn ngoài đường. "Dạo này thế nào?". "Cũng bình thường, nhưng bận lắm". Và thế là vội vàng chia tay. Có bao giờ bạn gặp một người quen và cùng với câu chào "Dạo này thế nào?", bạn thực sự quan tâm đến những gì đang xảy đến với người đó? Có thể đằng sau gương mặt bình thản kia là biết bao nhiêu khó khăn chồng chất. Có thể người đó thực sự muốn nói với bạn một điều gì đó, muốn trút một chút nỗi lòng, hay đơn giản chỉ là muốn chuyện trò với bạn 15-20 phút..., thế nhưng khi nhìn thấy dáng dấp tất bật của bạn thì tất cả những gì đang chất chứa trong lòng họ bỗng nhiên tự động - không hiểu bằng phép thần thông nào - biến thành mấy chữ "mọi sự đều bình thường" muôn thuở.
Tôi mới gặp lại Lukasz Filipiak, một người bạn trước khá thân ra trường cách đây ba năm. Lâu lắm rồi, có lẽ gần một năm, chúng tôi không gặp và cũng không liên lạc qua điện thoại, mặc dù cả hai người cùng ở Warszawa. Đơn giản chỉ là do bận quá. Bạn tôi làm ở Văn phòng Pháp lý của Quốc hội, đồng thời thực tập tại Tòa án Thành phố. Hàng ngày đi làm tới 9-10 giờ tối mới về, nhiều hôm đến quá nửa đêm. Không được nghỉ ngơi kể cả thứ bảy. Ngày chủ nhật dành cho việc ngủ bù. Vốn là con chiên rất ngoan đạo, vậy mà bây giờ hiếm hoi lắm mới sắp xếp được một buổi đi nhà thờ. Đằng sau bộ quần aó được chuẩn bị chu đáo, gương mặt vui vẻ và tác phong nhanh nhẹn lịch thiệp kia là những đêm thiếu ngủ, những núi công việc và những mệt mỏi triền miên. Người Warszawa chính gốc, 27 tuổi, đẹp trai và giỏi giang, con nhà gia giáo, tính tình vui vẻ dễ chịu, vậy mà vẫn chưa có người yêu. "Lilia thấy đấy, chẳng cô nào chịu nổi cảnh này. Một anh bạn cùng làm với mình đang lục đục thường xuyên với vợ cũng chỉ vì luôn phải đi làm về muộn, nghĩ thấy sợ quá!"
Nhưng hình như chúng ta lại cảm thấy có chút gì đó tự hào khi mình bận rộn, và nếu như ai đó nói là bạn nhàn rỗi, bạn sẽ phản đối ngay. Một người bạn tới Ba Lan chơi, kể cho tôi nghe chuyến chu du "vòng quanh châu Âu" của anh. Tôi thán phục : "Cũng tung tẩy quá nhỉ!" Thế là anh bạn vội vàng đính chính: "Không, bình thường anh cũng bận lắm, đây là vì hứa hẹn với bạn bè từ lâu rồi..." Dường như thảnh thơi để có thời gian cho riêng mình là tội lỗi, là một cái gì đó đáng sợ, đáng tránh né!
Nhưng tôi có thể nói gì đây khi chính tôi bình thường cũng chẳng mấy rảnh rỗi, cũng hay kêu ca một cách vô ý thức rằng tôi rất bận, cũng viết những bức thư ngắn ngủi, cũng chào "dạo này thế nào?" với một ngữ điệu vô tâm, và nếu như đôi khi có được một chút thời gian nhàn hạ hằng mơ ước thì bỗng lại cảm thấy mình như có lỗi, như thừa thãi, như bất hạnh...
"Bạn muốn đập vỡ tấm kính
Nhưng nó cong lại
Và đằng kia là tất cả mọi người
Còn phía đối diện là bạn"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét