Hiển thị các bài đăng có nhãn Hán nôm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hán nôm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Sắc bất ba đào, dị nịch nhân



Câu đối

Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách ( Đàm Thận Huy)
Sắc bất ba đào, dị nịch nhân ( Nguyễn Giản Thanh)

Đàm Thận Huy hiệu là Mặc Trai, tự là Mặc Hiên Tứ, thụy là Trung Hiến, người làng Hương Mạc (còn gọi là làng Me), huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm quan đến chức Tán trị công thần Lễ bộ Thượng thư, Tú Lâm Cục kiêm Hàn Lâm Viện Thị Độc trưởng Hàn Lâm Viện Sư, Thiếu bảo Nhập Thị Kinh Diên tước Lâm Xuyên Bá. Năm 1525, vua Chiêu Tông bị Đăng Dung bắt. Đàm Thận Huy đã tuẫn tiết ở vùng Yên Thế, Thương Hạ (Bắc Giang).

Một hôm, trời mưa to nên đã đến giờ tan học mà các học trò vẫn phải nán lại chưa thể về được, nhân đó Đàm Thận Huy ra vế đối cho các học trò.
Vế ra: 雨無鈐鎖能留客 Vũ vô kiềm tỏa, năng lưu khách (Mưa, dù không xích không khóa, cũng có thể giữ chân khách ở lại)
Nguyễn Giản Thanh đối: 色不波濤易溺人 Sắc bất ba đào, dị nịch nhân (Sắc đẹp, dù chẳng phải sóng gió, cũng dễ làm cho người ta chìm đắm. Câu đối lấy ý từ điển cố Trung Hoa: đời vua Minh Huệ Đế, Trần Hoá Chiêu ở huyện Tế Hàng, tỉnh Sơn Đông có người vợ là Lương Tiểu Nga rất xinh đẹp. Ở cùng huyện có nhà phú hộ tên là Trát Hiếu Sắc. Hiếu Sắc thấy Tiểu Nga đẹp, tìm cách kết bạn với Hoá Chiêu. Lập tâm chiếm cho được vợ bạn, Hiếu Sắc bỏ ra rất nhiều tiền để giúp bạn trong việc làm ăn hoặc lúc nguy khốn. Qua hai năm, sau khi chiếm được cảm tình của nhà bạn, Háo Sắc rủ Hoá Chiêu ngồi thuyền đi buôn, mọi vốn liếng đều do mình chịu cả. Thuyền đi một tháng đến Hàng Châu, Hiếu Sắc phục rượu cho Hoá Chiêu say rồi xô xuống biển. Mấy lần Hoá Chiêu trồi lên đều bị tên phản bạn nhấn xuống cho chìm, cuối cùng chàng phải vùi thây dưới đáy biển. Chừng ấy, Hiếu Sắc mới tri hô lên cho bè bạn hay và mượn thuyền đến vớt bạn nhưng không được. Hiếu Sắc cho thuyền trở về, khóc lóc báo tin dữ cho mẹ và vợ Hoá Chiêu, bỏ tiền cúng bái và cùng Tiểu Nga để tang. Từ đó, Hiếu Sắc càng tỏ ra hết lòng lo lắng mọi việc nhà cho vợ bạn khiến mẹ Hoá Chiêu cảm động và ép dâu là Tiểu Nga ưng Háo Sắc làm chồng đền công ơn giúp đỡ. Hai người ăn ở với nhau ít lâu, nhân vô ý, Hiêú Sắc để lộ việc mình âm mưu hại bạn. Tiểu Nga đến huyện đường đầu cáo và trả được thù cho chồng cũ. Nhưng nàng nhận thấy vì nhan sắc của mình mà cả hai người chồng đều bị chết, Tiểu Nga thắt cổ tự tử)
Đàm Thận Huy nhận xét: "Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp". Quả nhiên, Nguyễn Giản Thanh làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá.
Nguyễn Chiêu Huấn đối: 月有彎弓不射人 Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân (Trăng có cung loan mà không bắn người)
Đàm Thận Huy đánh giá: "Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hoà, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn! Người này làm quan thanh liêm, bản chất lương thiện rất được lòng dân". Đàm Thận Huy thích câu của Nguyễn Chiêu Huấn có ý trung hậu, ông bèn gả con gái lớn là Thúy cho ông học trò hiền lành này. Đến khoa thi, nghe tin Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, ăn khao hơn một tháng trời. Thấy vợ hối tiếc mãi, Đàm Thận Huy bảo rằng “Anh này đỗ trạng nguyên thì anh kia rồi cũng phải đỗ bảng nhãn. Tuy kém hơn, nhưng bụng nó trung hậu, con cháu chắc sẽ khá hơn nhiều.” Sau khoa thi kế tiếp, lúc Đàm Thận Huy đang tắm ngoài ao thì nghe tin con rể Huấn vừa đỗ tiến sĩ. Ông không kịp mặc quần áo, cứ thế chạy về nhà hô to với cụ bà rằng “Huấn cũng đỗ ông nghè rồi đấy!” Đến khi xướng danh, quả nhiên ông Huấn đỗ bảng nhãn.
Lại một trò nữa (khuyết danh) lên tiếng: Phân bất uy quyền dị khủng nhân (Cục cứt chẳng có uy quyền gì mà khiến người ta phải sợ)
Đàm Thận Huy cho rằng người đối câu này về sau tuy rất giàu có nhưng lại keo kiệt bủn xỉn, kết quả người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Nguồn : WiKi

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Phán tăng đồ 判僧徒


Thơ » Việt Nam » Lý » Đàm Dĩ Mông





判僧徒


方今僧徒頗與夫相半。自結伴侶,妄立師資,聚類群居,多為穢行。或於戒場精舍公行酒肉,或於禪房凈院私自奸淫。晝伏夜行,有如狐鼠。


敗俗傷教,漸漸成風。此而不禁,久必滋甚。



Phán tăng đồ


Phương kim tăng đồ phả dữ dịch phu tương bán. Từ kế bạn lữ, vọng lập sư tư, tụ loại quần cư, đa vi uế hành. Hoặc ư giới trường tinh xá công hành tửu nhục, hoặc ư thiền phòng tịnh viện tư tự gian dâm. Trú phục dạ hành, hữu như hồ thử.


Bại tục thương giáo, tiệm tiệm thành phong. Thử nhi bất cấm, cửu tất tư thậm.



Trong Việt sử lược còn ghi lại một lời tâu này của ông với vua Lý Cao Tông về việc hạn chế nhà chùa và bắt các sư sãi hoàn tục. Lời tâu này giúp hiểu thêm về những cuộc đấu tranh tư tưởng giữa Phật và Nho trong giai đoạn này.


Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977





Bản dịch của Phạm Tú Châu


Hiện nay, số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch. Tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu. Hoặc ở nơi giới trường, tinh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà tiêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, như phường cào chuột.


Bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, dần dần đã thành thói quen. Nay không cấm đi, lâu ngày càng tệ.


Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM LÀ NGHĨA THẾ NÀO?






Truyền Bình

 

Câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 trích từ kinh Kim Cang, nhờ nghe câu này mà anh tiều phu Huệ Năng hoát nhiên tỏ ngộ, sau đó có cơ hội làm bài kệ “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” 菩提本無樹 明鏡亦非台 本來無一物 何處惹塵埃 trình cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn của Thiền tông và được truyền y bát để trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Lục Tổ và các môn đồ làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, thiền sử ghi nhận có hơn 5000 người kiến tánh.

Kinh Kim Cang, tên đầy đủ là Kim cang (cương) bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (zh. 金剛般若波羅密多經, sa. vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) là một bộ kinh liễu nghĩa (tức nói ý nghĩa rốt ráo chứ không phải nghĩa phương tiện, do đó không dễ hiểu đối với người bình thường). Có ít nhất 6 bản dịch từ Phạn sang Hán trong đó bốn dịch giả người Ấn (Cưu Ma La Thập, Đạt Ma Cấp Đa, Chân Đế -真諦Paramartha- và Bồ Đề Lưu Chi) và hai dịch giả người Hoa, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Trong đó phổ biến nhất là bản dịch của Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什 Kumārajīva 344-413, dịch vào đời Diêu Hưng nước Hậu Tần trong thời kỳ các dị tộc xâm chiếm Trung Quốc sau nhà Tây Tấn, trước sau dựng lên tất cả 16 nước, thời kỳ mà sử gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa (năm dị tộc xâu xé nước Trung Hoa).

Nội dung kinh là cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu Bồ Đề, bày tỏ ý nghĩa thù thắng, rốt ráo của Phật pháp . Bộ kinh kết luận bằng bài kệ :

一切有爲法 Nhất thiết hữu vi pháp
如夢幻泡影 Như mộng huyễn bào ảnh
如露亦如電 Như lộ diệc như điện
應作如是觀 Ưng tác như thị quán

Tất cả các pháp hữu vi tức là pháp có sinh có diệt, đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thật sự vững chắc, nên xem xét nhận thức như thế.

Ý kinh nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo ảnh, không phải thật, do đó không nên chấp trước cho là thật. Ngày xưa khoa học chưa phát triển nên trong nguyên tác, các bản dịch và luận giải đều chưa có dẫn chứng khoa học, nên ý nghĩa của câu chủ đề trên còn khá mơ hồ. Ngày nay chúng ta có điều kiện hơn, vì khoa học đã phát triển, nên có điều kiện giải thích cụ thể rõ ràng hơn.

Bây giờ chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của câu chủ đề :

應無所住而生其心 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm

Ưng vô sở trụ : Đây là câu bàng thái cách (subjonctif) với nghĩa cần phải không có chỗ trụ, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : Il faut que vous soyez nonlocal. Hoặc tiếng Anh : You must be nonlocal.

Nhi sinh kỳ tâm : thì cái tâm ấy mới xuất hiện: pour que cet esprit apparaisse. Hoặc tiếng Anh : for the appearing of this mind. Cái tâm ấy tức là tâm giác ngộ.

Thế nào là không có chỗ trụ, tại sao không thể có chỗ trụ ? Đây là chỗ cần dùng khoa học để dẫn chứng. Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng. Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng. Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng. Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng. Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Tâm thức của con người chúng ta cũng luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận. Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn五蘊 hay còn gọi là Ngũ Ấm五陰, đó là Sắc色,Thọ受,Tưởng想, Hành行,Thức識 .Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết. Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không五蕴皆空 Năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật nên không thể có chỗ trụ.

Nguyên lý vô sở trụ đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học. Vô sở trụ còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện. Vô sở trụ còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của Sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng. Xem loạt bài về

SỰ KẾT THÚC CỦA KHOA HỌC

Khoa học lượng tử tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài! :

Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.

Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.

Tóm lại vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là không nên không có chỗ trụ. Kinh nói :

若以色見我 Nhược dĩ sắc kiến ngã
以音聲求我 Dĩ âm thanh cầu ngã
是人行邪道 Thị nhân hành tà đạo
不能見如來 Bất năng kiến Như Lai

Nếu lấy vật chất để thấy ta (ta là Như Lai) nghĩa là hình dung ta dưới hình thức vật chất với 32 tướng tốt, phương phi tuấn tú, sức mạnh vô địch v.v…Hoặc lấy âm thanh để cầu ta, nghĩa là dùng tiếng nói để tán thán, cầu khấn ta, hay dùng âm nhạc để diễn tả những phẩm đức của ta trong những bài thánh ca tuyệt hay. Thì người đó đã đi sai đường, không thể thấy được Như Lai, nghĩa là không thể giác ngộ. Tóm lại không thể trụ ở các pháp trần.

Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không ? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.

Vô sở trụ còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trên blog này, đã nói rất nhiều về hiện tượng này, nếu cần xem lại thì bấm vào đây :

KHẮP KHÔNG GIAN, KHẮP THỜI GIAN VÀ VÔ SỐ LƯỢNG CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như : Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km. Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.

Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.

Thế nào là nhi sinh kỳ tâm ? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng ? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh có kể câu chuyện để biểu thị tính vô lượng cũng như tính bất định xứ của không gian và thời gian, như sau:

Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Đại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Đức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Được thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát nói rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Câu chuyện trên giống như truyện thần thoại bịa đặt, nhưng thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất giống như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.

Tóm lại Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật. Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.

Truyền Bình (Duy Lực Thiền)




Sau
In Trang




Ý KIẾN BẠN ĐỌC

12/04/20161:03 SA
Đàm thanh Giang
Khách

Đồng nhận định với đạo hữu Diệu Mai , các Kinh liễu nghĩa chỉ ra trung đạo (thể là nhất nguyên) để diễn bày thường phải dùng lối phủ định để hiểu ý, nay người viết lại lấy khoa học (mà cái thấy là tương đối và nông can hơn nhiều) để chia chẻ phân tích (đa nguyên) thì đúng là lầm lẫn.



14/03/20163:54 SA
Thiện Quang
Khách

Giải thích: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Ưng: nên thế, cần phải, hãy.
Vô sở trụ: Không có trụ chỗ nào, đừng trụ vào đâu cả. Dịch “vô sở trụ” là “không có chỗ trụ” là sai văn pháp, từ đó suy diễn sai theo.
Lưu ý ngữ cảnh: “Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
Ưng như thị sanh thanh tịnh tâm = nên như vầy sanh cái tâm thanh tịnh [để trang nghiêm cõi Phật], hay nên sanh cái tâm thanh tịnh như vầy: “bất ưng trụ … kỳ tâm.”
“Bất ưng trụ” được lập lại 2 lần, dịch là “không nên trụ”, “không nên trú”, “không nên trú ở”, “không nên trụ vào”. Trú là động từ.
Ưng vô sở trụ: Dịch sát là “nên không trụ vào chỗ nào”, “phải không trụ vào chỗ nào”, “hãy đừng trụ vào đâu cả”. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là đối tượng của tâm thức. Đoạn trên, Phật dạy không nên trụ vào “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Trụ đồng nghĩa với thủ, chấp thủ, thủ đắc. Cho nên đoạn sau, Phật dạy “chớ nên trụ vào chỗ nào cả”, “chớ nên thủ đắc bất cứ gì”, thì ngay nơi đó là tâm thanh tịnh.
Kỳ tâm = cái tâm ấy, tâm kia. Cái tâm thanh tịnh [để trang nghiêm cõi Phật] nói ở đoạn trên.
Trong Pháp bảo đàn kể câu chuyện về một chàng tiều phu không biết chữ, chưa vợ con, còn mẹ già. Một hôm nhân bán củi mà được nghe tụng Kim cương, liền đốn ngộ. Hỏi về kinh Kim cương thì được biết ngũ tổ Hoằng Nhẫn dạy ai cũng nên tụng kinh ấy. Tiều phu liền thu xếp cho mẹ già, lặn lội đến Hoàng Mai yết kiến ngũ tổ. Rồi một đêm, tế nhị và bí mật, ngũ tổ lấy ca sa trương ra che kín thiền thất, đem kinh Kim cương giảng cho. Giảng đến câu "hãy đừng trụ vào bất cứ nơi nào mà sinh tâm ra" thì tiều phu đại ngộ tất cả các pháp không ngoài tự tánh, và thưa rằng: “không ngờ tự tánh vốn tự trong sáng, không ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt, không ngờ tự tánh vốn tự đủ cả, không ngờ tự tánh vốn không dao động, không ngờ tự tánh vốn sinh vạn pháp.” Đó là cuộc truyền ngôi tổ vị thứ 6, anh chàng tiều phu liền thành lục tổ Huệ Năng. Sau này lục tổ khuyên người làm theo chánh định Bát nhã bằng cách tụng niệm Kim cương, với lời nói giản dị: “Lúc nào, chỗ nào tâm cũng đừng ngu, ngu một chút là bát nhã mất một chút, trí một chút là bát nhã sanh một chút.”
Trung A hàm, kinh Phân biệt quán pháp: “Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn? Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn. Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn.” … “Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô tưởng trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong. Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo trú vào bên trong.” (Thích Tuệ Sỹ dịch)
Lưu ý: “Không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.” Đó chẳng phải là “ưng vô sở trụ” hay sao?



14/03/20163:19 SA
Thiện Quang
Khách

Hán: 佛告須菩提:「於意云何?如來昔在然燈佛所,於法有所得不?」 「世尊!如來在然燈佛所,於法實無所得。」 「須菩提!於意云何?菩薩莊嚴佛土不?」 「不也,世尊!何以故?莊嚴佛土者,則非莊嚴,是名莊嚴。」 「是故須菩提,諸菩薩摩訶薩應如是生清淨心,不應住色生心,不應住聲、香、味、觸、法生心,應無所住而生其心。」

Âm: "Phật cáo Tu-bồ-đề: 「Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ? 」 「Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc. 」 「Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ? 「Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tắc phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. 」 「Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. 」

Nghĩa: “Phật hỏi Tu-bồ-đề: - Ý ông nghĩ sao? Như Lai xưa kia, nơi đức Phật Nhiên Đăng, có được pháp gì? - Bạch Thế Tôn! Nơi đức Phật Nhiên Đăng, thật sự Thế Tôn không có được pháp gì. - Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có chăng Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật? – Không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Sự trang nghiêm cõi Phật, [Thế tôn nói] là phi trang nghiêm, [thế nên] gọi đó là trang nghiêm. – Do vậy, Tu-bồ-đề, các đại Bồ-tát hãy sanh cái tâm thanh tịnh như vầy: không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm ra, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm ra, hãy không trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm [thanh tịnh] kia.”

Anh ngữ: “The Buddha addressed Subhuti: "What do you think? When the Tathagata was formerly staying with the Buddha Dipamkara, in the Dharma he had attainment, no?"
"No, World Honored One. When the tathagata was staying with the Buddha Dipamkara, in the Dharma he really had no attainment."
"Subhuti, what do you think? The bodhisattva adorns the buddhaland, no?"
"No, World Honored One. What is the reason? The adornment of the buddhalands is not adornment. This is called 'adornment'."
"This is why, Subhuti, that bodhisattva-mahasattvas should thusly give rise to the purified mind. They should not dwell in forms when giving rise to that mind; they should not dwell in sounds, odors, tastes, sensations, or dharmas when giving rise to that mind. They should dwell nowhere while giving rise to their thoughts.”
[The Diamond Sutra (Vajracchedika Prajnaparamita Sutra)
Translated from Kumarajiva's Chinese [T235] by Charles Patton]



Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Về chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君



ĐÌNH VĂN TUẤN

Theo truyền thuyết và sử sách, thủy tổ người Việt Nam là Lạc Long Quân, có tên húy là Sùng Lãm, là con trai của Kinh Dương Vương và Long nữ (con gái của Động Đình Quân).

Ảnh: internet


Lạc Long Quân kế nghiệp cha, làm vua nước Xích Quỷ, sau lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, được 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Cuối cùng, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia ly, Lạc Long Quân đem 50 con về thủy phủ còn Âu Cơ và 50 người con trai đến ở đất Phong Châu, cùng tôn người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự. Bài viết này, cố gắng tìm hiểu lý do nào cổ nhân đã cố ý viết chữ 貉 nhưng lại đọc không theo phiên thiết là “lạc” và LẠC có ý nghĩa, tượng trưng gì? Mục đích của chúng tôi là cố gắng giải mã bí ẩn của chữ LẠC trong Lạc Long Quân với giới hạn của huyền sử, sử liệu và văn tự, ngữ âm chứ không bàn luận hay khẳng định gì về nguồn gốc dân tộc Việt.

1. Chữ 貉 và âm đọc “lạc” qua tài liệu Việt - Hoa

Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉 龍君, xuất hiện lần đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái(1) (khuyết danh, khoảng đời Trần), sau đó có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư(2) (Ngô Sĩ Liên, 1697), Việt sử diễn âm(3) (khuyết danh, khoảng đời Mạc), Thiên Nam minh giám(4), Thiên Nam ngữ lục(5) (khuyết danh, khoảng đời Lê-Trịnh), Đại Nam quốc sử diễn ca(6),

Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Việt sử tiệp lục diễn Nghĩa(7) (khuyết danh), Việt sử cương mục tiết yếu(8), Đặng Xuân Bảng, (đời Nguyễn),… đều thống nhất tự dạng 貉 (không tìm thấy tự dạng khác như 雒 hay 駱). Về sách viết bằng chữ Quốc ngữ, ký âm chữ La tinh thì sớm nhất hiện còn là tập chép tay về lịch sử nước An Nam của Bento Thiện(9) viết vào năm 1659, tiếp đến là Notes historiques sur la nation annamite của P. Le Grand de La Liraÿe (1866), Tóm lại về sự tích các đời vua nước Annam, Trương Vĩnh Ký (1877), Lược biên Nam Việt sử ký lịch triều niên kỷ (1894), Georges Maspero (cũng viết chữ Hán là 貉), Quảng tập viêm văn (1898), Edmond Nordemann (cũng viết chữ Hán là 貉, Nam Việt lược sử, Nguyễn Văn Mại (1919)(10), Tối tân Quốc văn tập đọc(11) (Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907, cũng viết chữ Hán là 貉)… tất cả đều ký âm chữ La tinh là “Lạc”. Đặc biệt là chữ 貉 còn thấy dùng để viết thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) trong Lĩnh Nam Chích quái, Việt điện u linh và chắc chắn phảiđọc là LẠC chứ không thể là HẠC hay MẠCH. Điều này chứng tỏ các văn bản khoảng đời Trần còn lưu lại đã xác định 貉 được tiền nhân đọc là LẠC. Chữ Lạc 貉 cũng xuất hiện trong sách học Hán Nôm xưa và các bộ từ, tự điển như Ngũ thiên tự dịch quốc ngữ(12), 1909 của Nguyễn Bỉnh, đã ghi: “貉 Lạc, cầy hương” và Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)(13), 1931: “Lạc Long Quân 貉龍君”; Hán Việt từ điển giản yếu(14) của Đào Duy Anh, 1932, sách này được hai nhà Nho là Phan Bội Châu và Lâm Mậu duyệt lãm, từ điển ghi: “貉 Lạc: Một loài thú giống con ly và “貉龍君 Lạc Long quân”; Nam Hoa tự điển(15) của Nguyễn Trần Mô, 1940: “貉 (Lạc) con lạc”. Không chỉ người Việt đọc 貉 là “lạc”, chúng tôi thấy tiếng Quảng Đông cũng đọc là [lok3], Khách Gia là [log6], Triều Châu là [log8](16), vậy rất có khả năng cả Việt lẫn Lưỡng Quảng… đã lưu lại vết tích Hán âm thượng cổ. Thật vậy 貉 có âm thượng cổ(17) là [glaag] (Trịnh Trương Thượng Phương 郑张尚芳, Phan Ngộ Vân 潘悟云) ta thấy [glaag] rất giống với “lạc”. Đây chính là những chứng cứ xác thật khẳng định một truyền thống từ ngàn xưa mà không hề có một nhàNho uyên thâm Hán học nào, cho dù đó là một bậc vua chúa hay các sử thần, các văn nhân… mọi thờiđại lên tiếng phản đối hay tự ý sửa lại. Như thế, cách đọc “lạc” 貉 là một cách đọc chữ Hán của người Việt cổ xưa chứ không phải là một sự sai lầm truyền kiếp.

Không một nhà Nho hay một người biết chữ Hán nào dám đọc 貉 ra “lạc” được, trong khi từ thư Hán chỉ có âm “hạc”, “mạch” nếu không có một sự thật là: chữ 貉, thời cổ đại có âm “lạc” vì thế dân gian truyền khẩu biết bao đời nay về tên thủy tổ luôn là “Lạc” Long Quân. Từ trước đến nay, có lẽ chỉ có An Chi là khẳng định chữ 貉 trong 貉龍君 không thể đọc là “lạc” mà là “hạc” qua một bài viết đăng trên một tờ báo không chuyên về lịch sử, ngữ văn, như sau: “Tên của “Lạc Long Quân” 貉龍君 bị đọc sai ở chữ 貉. Chữ này tuyệt nhiên không có âm “lạc”, tác giả dựa vào Hán ngữ đại tự điển đã ghi 3 âm: “1. mạch (mạc bạch thiết 莫白切); 2. hạc (hạ các thiết 下各 切); 3. mạ (mạc giá thiết 莫駕切)” để khẳng định 貉 không hề có âm “lạc”. Từ đó ông đã đi đến giả định: “chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴 (…) chữ hạc 貉 ở đây có thể “thông” với chữ hạc 鶴 về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.”(18) Như trên chúng tôi đã xác nhận: cách đọc “lạc” 貉 là một tập truyền xưa nay của tổ tiên người Việt chứ không đơn giản là một sự sai lầm truyền kiếp, cho nên nếu chỉ dựa vào từ thư, phiên thiết mà không tham chiếu những tài liệu liên quan về lịch sử, văn tự, ngữ âm xưa nay sẽ là một phương pháp phiến diện, chủ quan. Cách đọc “hạc” 貉 tuy đúng “phiên thiết” nhưng lại sai về ngữ âm lịch sử. Tên gọi “hạc” 鶴 (loài chim) là rất phổ biến, nghĩa là nếu viết về chim hạc, tự nhiên sẽ viết ngay là chữ 鶴 hay dị thể 鹤 chứ không có chuyện dùng chữ đồng âm, khác nghĩa được. Cho nên không thể suy đoán tùy tiện rằng: “về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết” để cho hạc 貉 có thể “thông” với hạc 鶴 nên muốn viết sao thì viết. Xưa nay, tài liệu chữ Hán ở Việt Nam không thấy ghi nhận dùng hạc 貉 thay cho hạc 鶴, trái lại chỉ có chuyện dùng 貉 thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) vì chúng đồng âm “lạc”. An Chi hay bất cứ ai biết chữ Hán đều không thể cả tin vào phiên thiết rồi máy móc đọc một cách phản lịch sử là Âu Hạc,Hạc hầu, Hạc tướng được! Đây là một chứng cứ góp phần phủ nhận chữ 貉 trong 貉龍君 phải đọc là “hạc” theo An Chi. Thực ra, trước đây trong bài viết Hùng Vương hay Lạc Vương?(19), An Chi với bút hiệu Huệ Thiên đã từng tin vào âm đọc “lạc”: “Chúng ta là con cháu đức Lạc Long Quân, thuộc nòi giống Lạc Việt, lại làm “vua” của Lạc dân (= dân Lạc)…” và sau này ông đã tự phủ nhận bằng một định kiến về 貉 phải đọc là “hạc” rồi từ đó ông đã phê phán, kết tội cổ nhân một cách trịch thượng, vô căn cứ(20). An Chi còn suy đoán “Lạc” trong Lạc Long Quân có thể chỉ về chim Hạc dựa vào tên đất Bạch Hạc (Phong Châu). Nhưng, thật ra, theo truyền thuyết, sau khi Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm cai trị nước Xích Quỷ, thì tên gọi Lạc Long Quân mới xuất hiện. Đến khi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi sinh 100 con trai và sau khi hai người chia tay mới có chuyện 50 con theo mẹ về đất liền là đất Phong Châu nay là Bạch Hạc và đất này trở thành kinh đô nước Văn Lang của vua Hùng.

2. Ý nghĩa của chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君

Trước đây dựa vào chữ 雒 chỉ loài hậu điểu, ở miền Giang Nam, Đào Duy Anh(21) đã nêu giả thuyết vật tổ chim Lạc của người Lạc Việt thời văn minh Đông Sơn và hầu như tác giả coi mọi chữ Lạc 貉 (viết lầm từ 駱), 駱, 雒 và chữ Hùng 雄 (viết lầm từ 雒) đều là một. Nhưng theo chúng tôi, nguyên ý của Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng có tên là “Lạc” chứkhông nhấn mạnh về một tộc người mang tên Lạc và Lạc phải là một tên gọi trồng cấy một thực vật nàođó trên ruộng có nước triều lên xuống, nên ở ngữ cảnh này nếu chỉ về loài chim là không thích hợp. Hơn nữa, tự hình 雒 của Giao Châu ngoại vực ký chưa chắc là tự hình ban đầu. Chữ Lạc viết bằng 2 tự dạng 雒 và 駱. Theo Khang Hy tự điển(22) thì 雒: “雒音洛, 本作駱” (âm lạc, vốn viết là 駱), vậy đây là 2 chữ đồng âm khác nghĩa. Liên quan đến chữ “Lạc” ở Giao Chỉ còn thấy chép là Lạc - Việt 駱-越 ở các sáchTiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thủy kinh chú(24). Hai văn bản Giao Châu ngoại vực ký và Quảng Châu kýcó lẽ xuất hiện cùng thời vì chính Thủy Kinh chú đã từng trích dẫn Quảng Châu ký (裴淵,廣州記曰…, Bùi Uyên, Quảng Châu ký chép…). Nhưng, chúng tôi cho rằng, đoạn văn cô đọng từ Quảng Châu ký với chữLạc 駱 và dựa vào các sách xưa hơn là Sử ký, Hán thư đều viết là chữ Lạc 駱 rất có thể xuất hiện sớm hơn (hoặc gần nguyên gốc) đoạn văn sáng sủa của Giao Châu ngoại vực ký với chữ Lạc 雒. Như thế, luận cứ của Đào Duy Anh không thuyết phục vì đã ngộ nhận chữ 雒 như một chữ gốc và dựa vào ý nghĩa để lập giả thuyết mà thực ra dù là 駱 hay 雒 chúng chỉ là chữ ký âm mà thôi.

Chữ 貉, nguyên nghĩa chỉ về động vật (như con cầy) và các dân tộc phương Bắc hay Đông Di, Triều Tiên chắc chắn không phù hợp với cổ Việt cho nên cần phải tìm hướng khác về ngữ âm để truy nguyên. TheoKhang Hy tự điển dẫn Tập vận, Vận hội, Chính vận cho biết chữ 貉: “本作貈” (vốn viết 貈). Chữ 貈 này đáng chú ý ở phần bên phải là chữ 舟 (thuyền), khiến ta liên tưởng đến những chiếc thuyền trên trống Đồng Đông Sơn. Phải chăng đây chính là ẩn ý của chữ 貉 ám chỉ tộc người sinh sống ở vùng sông nước, thường gắn bó với việc giao thông bằng thuyền? Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, có tài xuống thủy phủ, lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ rồi sinh ra Sùng Lãm - Lạc Long Quân. Sùng Lãm sinh ra dưới thủy phủ và thường sống gắn bó với thủy phủ hơn là trên đất liền. Sau khi lên ngôi, Sùng Lãm lấy danh hiệu là LẠC Long Quân, vua Rồng LẠC. Lạc Long Quân là nòi giống rồng, đứng đầu thủy tộc và sau khi chia tay với Âu Cơ, đã đem 50 con về thủy phủ chia trị các nơi. Chúng tôi suy đoán rằng: LẠC là một tên gọi ám chỉ cội nguồn của vua, con của Rồng, sinh ra từ thủy phủ và âm “lạc” là cách đọc tiếng Hán ở cổ Việt của chữ Hán là 貉 hay 貈. Vậy 貉 hay 貈 là chữ ký âm tiếng cổ Việt, nhưng tiếng ấy là gì? Âm Hán thượng cổ của 貈 được phục nguyên là [gloowg] và của 貉 là [glaag](25), cả 2 âm này đều tựa như “lạc” của người Việt và của các tộc Hoa Nam [lok3], [log6], [log8]. Từ “lạc” (Lạc Long Quân) trong tiếng Việt xưa nay là một từ mất nghĩa nhưng dựa vào suy luận trên về cội nguồn của vua Rồng sinh ra và sống gắn bó với thủy phủ, ta có thể xác định đó là môi trường, quê hương NƯỚC. Vậy, LẠC Long Quân chính là vua Rồng - NƯỚC. Chữ Lạc 貉 là một dạng ký âm tiếng cổ Việt của “nước” hay “nác”(26). Theo Nguyễn Tài Cẩn(27), Nguyễn Ngọc San(28), phụ âm đầu “n” bắt nguồn từ dr, r, d, t, đa số Mường nói nước là “dac”, “tac” nhưng ở tiếng Mường Thải, Tân Phong phát âm “nước” là [drac] và đặc biệt là các Mường Vang, Mặc, Khênh, Thịnh Lang, Cao Dương, Tăm, Nèn, Khơi(29)... lại phát âm theo “r” là “rac”. So sánh âm Hán thượng cổ của 貉 [glaag] và âm Mường-Việt [rac] ta thấy tương đồng: “gl” đọc lướt sẽ như “l”, vì âm Hán xưa không có âm rung “r” nên thường dùng “l” để ký âm, chẳng hạn như An Nam tức sự(30) đời Nguyên đã dùng 掠 [liɑk] để ghi âm tiếng cổ Việt chỉ 水 (nước) là [rac] hay An Nam dịch ngữ đời Minh đã dùng 弄 [luŋ] để ký âm cho tiếng Việt chỉ 闊 là rộng và ở chữ Nôm, ký âm “rồng” bằng long 龍. Kết quả này phù hợp với giả thuyết trước đây của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc(31) về cách đọc “lạc” trong Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng và kể cả Lạc Long quân, Lạc Việt là một từ tố Việt-Mường rac: nước. Tác giả hiểu rằng, tên gọi Lạc điền ám chỉ về ruộng rặc, rộc = ruộng nước vì lẽ, tài liệu Hán cho biết Lạc điền là ruộng có nước triều lên xuống mà yếu tố nước rất quan trọng cho việc trồng cấy. Một nhà nghiên cứu khác cũng đã từng đồng thuận với cách đọc hiểu của chữ Lạc là “nước” như Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đó là Lê Hữu Mục: “chữ Lạc theo chữ nôm là LÁC và hiểu LÁC là nước theo quá- trình phát-triển của nó từ LÁCđến ĐÁC và từ ĐÁC đến NÁC để dừng lại cuối cùng ở âm NƯỚC như ta biết hiện nay” và tác giả cũng nhìn nhận: “Từ nước từ ngàn xưa đã nằm sẵn trong những danh-xưng LẠC ĐIỀN 貉田 và LẠC DÂN 貉民”(32).

Tuy nhiên, luận cứ Lạc = nước của các tác giả trên, theo chúng tôi có mấy điểm không thuyết phục: Tài liệu Hán như Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng cótên là “Lạc” chứ không phải ám chỉ về sự lên xuống của thủy triều. Nước triều lên xuống chỉ là một thuộc tính của ruộng Lạc. Cả người Hán lẫn Việt thời thượng cổ đều đã biết sử dụng ruộng nước để trồng cấy. Yếu tố “nước” luôn cần thiết với các dân tộc sống bằng nông nghiệp. Nên theo chúng tôi, nước triều lên, xuống không gây chú ý bằng tên một sản vật địa phương mà người Hán chưa biết. Do đó Lạc điền nên hiểu là ruộng trồng cấy một loài thực vật nào đó ở ruộng có nước triều lên xuống. Hơn nữa, giả thuyết này chưa giải quyết thỏa đáng về sự phức tạp của các tự dạng 貉 (Lạc Long quân), 駱, 雒 (Lạc điền, Lạc dân…) và đặc biệt là 雄 (Hùng điền, Hùng dân…) trong Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn. Theo quan điểm chúng tôi, chữ 貉 không có cơ sở để đánh đồng với các chữ 駱,雒,雄. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 có phải là Lạc 駱, 雒 trong Lạc điền, Lạc vương… và cổ nhân Việt cố ý gán ghép vào Long quân? Trong thư tịch Hán, chữ 貉 xuất hiện duy nhất trong sách Thông Điển (đời Đường) với Lạc Việt 貉越 nhưng Lạc Việt lại ở huyện Trung Lư, không thuộc Giao Chỉ, tuy nhiên sách Đông quán Hán ký (thời Đông Hán), Hậu Hán thư khi chép về Lạc Việt Trung Lư lại không viết là 貉越 mà dùng 駱越. Vậy có thể 貉 và 駱 có tự dạng giống nhau nên dễ lầm lẫn (chỉ một lần trong thư tịch Hán). Sử liệu Hán viết Lạc Việt 駱越 để phiếm chỉ dân sống ở Giao Chỉ, Cửu Chân và ở Trung Lư và có khi cho Lạc Việt 駱越 là Tây Âu 西甌 nên không chắc rằng chữ “Lạc” dù ở văn cảnh nào, thuần túy chỉ dân Lạc ở cổ Việt (như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký). Trường hợp này cũng như tên gọi Việt, phiếm chỉ các tộc thuộc Bách Việt vùng Hoa Nam, trong đó kể cả Lạc Việt ở Giao Chỉ. Không thể tùy tiện cho rằng nhà Nho Việt đã đọc Thông Điển rồi bắt chước cách viết 貉 = 駱 để ghi chép về Lạc Long Quân trong Lĩnh Nam chích quái. Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng nhận định rằng sử sách Việt đã lộn từ chữ 駱 sang chữ 貉 vì tự hình giống nhau. Trong thư tịch Việt, có nhiều chỗ đã dùng 貉 khi chép về Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng chứ không dùng 駱, 雒, tuy nhiên Đại Việt sử ký toàn thư khi viết về Trưng Trắc lại viết giống sách Hán với chữ 雒, họ Lạc 雒, con gái của Lạc tướng 雒將 huyện Mê Linh. Hiện tượng này có thể là do thói quen viết chữ của nhà Nho Việt khi thấy chữ Lạc 貉 trong Lạc Long quân là chữ đồng âm với Lạc (駱,雒) nên hễ thấy chỗ nào có “lạc” là cũng viết là 貉. Do đó, theo chúng tôi, chữ Lạc 貉 trong 貉龍君 không phải là chữ Lạc 駱,雒 trong Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng(32).

Chúng tôi chỉ đồng thuận với Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc và Lê Hữu Mục về sự tương đồng ngữ âm Hán - Việt khi đoán định LẠC= NƯỚC. Nhưng bằng một truy nguyên khác, dựa vào gốc tích, huyền sử, chúng tôi xác định NƯỚC (nác, rac) chỉ gắn liền với danh hiệu LẠC Long quân mà thôi.

3. Lời kết

Danh hiệu Lạc Long Quân 貉龍君 của huyền sử Việt Nam từ bao đời nay, đã để lại cho hậu thế một bí ẩn từ chữ Hán là 貉 vì chữ này không đọc theo từ thư, phiên thiết Hán là “hạc”, “mạch” mà lại là LẠC. Kế tiếp các công trình khảo cứu trước đây của các học giả, nhà nghiên cứu sử học, bằng một truy nguyên khác, chúng tôi đã đi đến một kết luận: Chữ 貉, xưa vốn là chữ 貈, có lẽ người cổ Việt đã chọn tự dạng này vừa để ký âm vừa gợi nhớ đến cuộc sống gắn bó với thuyền trên sông nước như vẫn còn lưu dấu tích trên trống đồng Đông Sơn. Do văn tự biến đổi theo thời gian, nên đến khoảng đời Trần, soạn giả Lĩnh Nam chích quái đã lưu lại tự dạng 貉 là chữ đồng âm của 貈. Âm Hán thượng cổ của 貈[gloowg] và 貉[glaag] rất gần với cổ âm người Việt là “lạc” nên có khả năng dùng để ký âm cho tiếng Mường - Việt là [rac], nghĩa là NƯỚC (nác). Cách đọc “lạc” 貉 của tiền nhân Việt là đúng đắn chứ không phải là một cách đọc sai lầm vì có căn cứ ngữ âm lịch sử của tiếng Hán [glaag] và phương ngôn tiếng Hán như Quảng Đông [lok3], Khách Gia [log6], Triều Châu [log8]. Vậy, ban đầu, ở thời kỳ giao tiếp Hán - Việt (Triệu Đà đến Hán thuộc), 貉 được người cổ Việt phát âm là “lạc” và dùng để ký âm cho tiếng Mường-Việt là [rac] và 貉龍君 sẽ là vua Rồng (龍 君) mang tên NƯỚC [rac] (貉). Ý nghĩa của NƯỚC rất phù hợp với danh hiệu LẠC Long Quân vì theo huyền sử, Lạc Long Quân là người sinh ra từ NƯỚC, thủy phủ bởi mẹ là là Long nữ, con gái của vua hồ Động Đình vì thế khi Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai là Sùng Lãm, Sùng Lãm đã xưng danh hiệu là LẠC Long Quân để luôn nhớ về quê mẹ, nguồn cội sinh ra từ NƯỚC của mình. Lạc Long Quân rất thường hay sống ở thủy phủ và sau khi chia tay với Âu Cơ, vua đã đem 50 người con trai trở về quê ngoại ở thủy phủ. Âu Cơ đã đem 50 người con trai khác lên vùng đất liền, cao ráo ở Phong Châu và tôn người con trưởng lên làm vua gọi là vua Hùng (Hùng Vương). Huyền sử lại cho biết, dân Văn Lang khi xuống nước đánh cá, thường hay bị loài giao xà làm hại nên vua Hùng đã truyền dạy lấy mực xăm lên mình giống hình Long Quân để không bị thủy quái hại nữa. Sử sách cho biết tục xăm mình theo hình rồng gọi là “thái long” đến đời Trần vẫn còn thịnh hành. Đây cũng là một dấu tích nhớ đến cội nguồn, thủy tổ người cổ Việt là Lạc Long Quân.

Đ.V.T
(SDB17/06-15)

.....................................................
1. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (chữ Hán), nguồn: Vietnamese Nôm Preservation Foundation (VNPF), http://lib. nomfoundation.org/collection/1/

2. Đại Việt sử ký toàn thư (tập IV, kèm nguyên bản chữ Hán), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

3. Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm, chú thích, biên dịch), Việt sử diễn âm (bản chữ Nôm), Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1997.

4. Thiên Nam minh giám - Gương sáng trời Nam (bản chữ Nôm), Hoàng Thị Ngọ (phiên âm, chú giải), Nxb. Văn Học. 1994.

5. Nguyễn Thị Lâm (khảo cứu, sưu tầm, biên soạn) Thiên Nam ngữ lục (bản chữ Nôm), Nxb. Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

6. Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca (bản chữ Nôm), Lã Minh Hằng (khảo cứu, phiên âm, chú thích), Nxb. Văn Học. 2008.

7. Việt Sử Tiệp Lục Diễn Nghĩa, bản chữ Nôm, nguồn: http://www.trangnhahoaihuong.com.

8. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (bản chữ Hán), Hoàng Văn Lâu (dịch), Nxb. Khoa học xã hội, 2000.

9. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659 (tái bản), Nxb. Tôn giáo, 2008.

10. Nguồn sách của các tác giả P. Le Grand de La Liraÿe, Trương Vĩnh Ký, Edmond Nordemann từ các website: Archive. org, Gallica.bnf.fr, Books.google.com, Persee.fr.

11. Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb. Văn hoá, 1997.

12. Ngũ thiên tự dịch quôc ngữ 五千字譯國語, Nguyễn Bỉnh, nguồn: http://hannom.nlv.gov.vn.

13. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Ha Noi, Imp. Trung Bac Tan Van, 1931.

14. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nhà in Tiếng dân, Huế, 1932.

15. Nguyễn Trần Mô, Nam Hoa tự điển, (Imp. Thuy-ky), Hà Nội, 1940.

16. Nguồn tự điển: http://dictionary.sina.com.hk/p/word/%B8%E8#top. www.mogher.com/. Zdic.net

17. 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx

18. An Chi, Lạc Long Quân nghĩa là gì? Đương Thời Xuân Nhâm Thìn 2012.

19. Huệ Thiên, Hùng Vương hay Lạc Vương? Đăng trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb. Trẻ, 2004.

20. Sau bài Lạc Long Quân nghĩa là gì?, đến bài Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai, nguồn: http://petrotimes.vn. An Chi đã ngầm chỉ trích cổ nhân đã sai lầm, ông viết: “Chúng tôi không cho rằng, các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”, có nghĩa là, thực tế xưa nay mọi người (kể cả dân gian, trí thức) đã lưu truyền âm đọc “lạc” là vì dốt nát! Đáng tiếc hơn, ông đã lấy tên tuổi của học giả Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược để quy tội: “chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần”. Nhưng, như chúng tôi đã chứng minh trong bài, luận điểm của An Chi không khoa học vì thiếu thuyết phục, phiến diện và đầy chủ quan, cảm tính.

21. Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2005.

22. Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997.

23. Các tài liệu chữ Hán như Thủy kinh chú, Thái Bình quảng ký, Hán thư… tham khảo từ trang mạng Chinese Text Project, website: http://ctext.org/pre-qin-and-han

24. Các âm Hán thượng cổ tra cứu theo 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx

25. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.

26. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb. Giáo Dục (tái bản), 1997.

27. Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (Tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.

28. Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi (nhiều tác giả), Nxb. Ủy ban huyện Tân Lạc, Sở VHTT Hà Sơn Bình, 1988.

29. An Nam tức sự 安南即事, nguồn: http://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=224481&remap=gb

30. Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, Thử tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “Lạc” trong Hùng vương dựng nước (tập IV), Nxb. Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

31. Lê Hữu Mục, Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam (1), nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn.

32. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 không phải là chữ Lạc 駱,雒 hoặc Hùng 雄 trong Lạc/Hùng điền, Lạc/Hùng dân, Lạc/Hùng vương, Lạc/Hùng hầu, Lạc/Hùng tướng được sử sách Hán - Việt ghi chép. Về danh xưng Lạc 駱,雒 và Hùng 雄 chúng tôi sẽ viết một khảo cứu khác.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Giải Nghĩa Từ Hán Việt - Những Điều Cần Suy Gẫm





I / Xuất Xứ của Từ Hán Việt

Từ thuở khởi đầu dựng nước, Tiền nhân ta đã hình thành và phát triển một nền văn minh rực rỡ. Đó là nền Văn Minh Lúa Nước, cùng lúc chữ viết cũng được hình thành. Chữ Viết này, ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt Cổ, tượng Thanh có hình dáng như con nòng nọc, được thể hiện trên các Trống Đồng cũng như trên các di chỉ khảo cổ được tìm thấy (*).



Qua hằng ngàn năm Bắc Thuộc, các vương triều phương bắc thực hiện mạnh mẽ chính sách đồng hoá dân bản địa, như trường hợp Sĩ Nhiếp đã phá huỷ và cấm lưu hành chữ viết thời Hùng Vương, bắt dân ta học chữ Hán. Tuy không bị đồng hoá, nhưng nước ta vẫn bị ảnh hưởng nhiều về văn hoá học thuật của người Tàu. Chữ Việt Cổ đã dần mai một và đi vào quên lãng.
Sau thời gian dài Bắc thuộc, các triều đại của chúng ta hầu hết đều lấy chữ Hán làm chữ viết chính trong nước.
Để thuận tiện, Tiền nhân đã phiên âm chữ Hán theo giọng đọc của người Việt. Chữ hán phiên âm được viết ra theo chữ Quốc ngữ gọi là từ Hán Việt.



Chữ Việt Cổ Trên Trống Đồng

II / Điều Cân Nhắc Khi Giải Nghĩa Từ Hán Việt.


Cũng từ cách viết các phiên âm thành chữ Quốc ngữ, do không có chữ gốc là Hán Tự, nên đã xuất hiện những cách giải nghĩa từ Hán Việt khiến người xem đôi lúc phải dở khóc dở cười.


Có 5 nguyên nhân khiến chúng ta thường giải nghĩa sai từ Hán Việt:


1 - Nghĩa chữ thay đổi :

Thí dụ như chữ "Lang Bạt: 狼跋 "


- " 狼跋其胡 Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại Danh từ thay thế cho danh từ “lang”, còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú.


Hầu hết Tự Điển ngày nay đều giải nghĩa là trôi dạt lang thang đó đây.

Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh:
- Lang Bạt Kỳ Hồ là con sói đạp cái bọc da ở trước cổ nó. Không thể đi được (ý chỉ sự lúng túng.). Người mình lại thường dùng mấy chữ ấy theo nghĩa trái hẳn .


Ngày nay từ Lang Bạt đã trở thành Từ Nôm mang nghĩa: Đi nơi này nơi khác không định chỗ nào.


2 - Một từ Hán Việt có nhiều Hán Tự khác nhau:


Như chữ Phụ. Chỉ một chữ Phụ này thôi, Hán Tự có nhiều chữ khác nhau, mỗi chữ lại nhiều nghĩa:
1. [腐] hủ, phụ 2. [跗] phụ 3. [輔] phụ 4.[阝] 5.[附] phụ 6 .[鮒] phụ 7. [賻] phụ 8. [負] phụ 9. [埠] phụ 10. [婦] phụ 11. [拊] phụ 12. [祔] phụ 13.[父] phụ, phủ 14. [駙] phụ, phò 15. [傅] phó, phụ 16. [柎] phu, phủ, phụ


3- Từ Hán Việt sử dụng thông dụng đã trở thành từ Nôm:

- 鍾
chung : tụ họp, của chung.
- 鍾 Chung cư : chỗ ở chung,
- 贒
hiền : hiền lành tốt bụng.


Vũ trụ, tạo hoá, thiên nhiên, tự nhiên...


4 - Cùng một từ Hán Việt nhưng nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau:


- Chữ Minh : chữ Hán có nhiều cách viết, nhưng chúng ta vẫn đọc, viết là Minh

冥 minh : u ám tối tăm ; 冥 月 Minh Nguyệt : trăng mờ


明 Minh : Sáng sủa ; 明月 Minh Nguyệt : trăng sáng

Chúng ta thấy Minh Nguyêt nếu viết bằng chữ Hán là hai chữ khác nhau, nghĩa cũng khác nhau. Nhưng khi viết bằng chữ Việt, nếu đứng riêng rẽ, chúng ta sẽ không biết phải giải nghĩa thế nào cho đúng.

5 - Một Từ Hán Việt theo nghĩa Việt có nhiều nghĩa:

- Như chữ Phụ :
-婦 phụ : người vợ; người đàn bà có chồng.
- phụ : ba , người sanh ra mình

Chữ Phụ đi chung với chữ Hiền ; Hiền Phụ ta sẽ được hai cách giải nghĩa.
: người vợ hiền
: Người ba hiền


Ngoài ra, do xã hội ngày càng phát triển, có những tiện nghi mới phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngôn ngữ cũng phải có nhiều từ mới để theo kịp sự tiến bộ của nhân loại. Chính vì thế đã xuất hiện nhiều từ ghép giữa Từ Nôm và Từ Hán Việt. Đó là qui luật phát triển ngôn ngữ, những từ mới này, nếu không hợp lý, sẽ tự đào thải, chúng ta không thể cho ra phán quyết đúng sai. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách giải nghĩa của chúng ta.

Qua những điều kể trên, khi muốn đinh nghĩa các từ Hán Việt, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh tình trạng giải thích chỉ một chiều.
....

Giải Mã chữ Việt Cổ


(*) Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh, Czech.. đã xác nhận: “Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng, có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh…

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu


Về đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu

Hoàng Tuấn Công

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Mừng thọ GS Vũ Khiêu


Thư của ông Hoàng Minh Tuyển (hmtuyenvkttv@gmail.com) gửi Tuấn Công thư phòng: “Tôi là Hoàng Minh Tuyển, Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam. Tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi thường vào Thư Phòng và rất thích các bài viết (....) Chúng tôi đang băn khoăn về câu đối Thủ Tướng tặng cho cụ Vũ Khiêu không biết dịch thế nào cho phải:

Sơn Hà Linh Khí Tại
Kim Cổ Nhất Hiền Nhân


Xin anh cho biết câu đối này có chỉnh không? Hình như sai luật đối? Về nghĩa có vẻ hơi bị đề cao quá phải không anh?
Nhân đây cũng đề nghị anh cho biết ý nghĩa đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tặng GS Vũ Khiêu.
Mong anh cắt nghĩa thấu đáo. Cảm ơn anh nhiều.


HTC: Cảm ơn ông Hoàng Minh Tuyển đã quan tâm đến chuyện chữ nghĩa củaTuấn Công thư phòng.

Thưa ông, thú thực ban đầu chúng tôi cũng không tin có một đôi câu đối như vậy tặng GS Vũ Khiêu. Sau khi tìm hiểu mới thấy báo chí có đưa tin chính thức, kèm ảnh với lời chú thích “Ngày 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tặng hoa, chúc mừng Thượng thọ Giáo sư Vũ Khiêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân". Ảnh: Đức Tám – TTXVN -Thể thao văn hóa.vn).
Vì ông yêu cầu cắt nghĩa “thấu đáo” nên chúng tôi cũng xin trả lời cặn kẽ như sau:
-Về mặt hình thức: đây là bức “Trung đường liên” (中堂聯). Tức hình thức câu đối viết vào một tấm biển lớn hình vuông hoặc chữ nhật, đặt ở vị trí trang trọng giữa phòng khách, (phân biệt với "Doanh liên" 楹聯 -câu đối treo hai bên cột trụ). Xem ảnh thấy rõ phía dưới bức “Trung đường liên” là tượng bán thân của GS Vũ Khiêu. Như vậy, đôi dòng chữ "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân"giống như lời đề từ, lời bình cho bức tượng cụ Vũ Khiêu vậy.
Chúng tôi gọi "Trung đường liên" là căn cứ vào hình thức trình bày. Nhưng, xét đến thể loại, có lẽ chỉ nên gọi đây là bức "Trung đường" (dạng bức trướng) thì đúng hơn. Vì như ông Hoàng Minh Tuyển đã tinh ý nhận xét, hình như “sai luật đối” hoặc đối “không chỉnh”. Tuy nhiên, đây là đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu-một bậc thầy về cổ văn, chúng ta chẳng thể hồ đồ kết luận. Bởi vậy về mặt thể loại, chúng tôi thử đưa ra mấy cách phân tích và loại trừ như sau:


Sơn-Hà Linh-Khí Tại
Kim-Cổ Nhất Hiền-Nhân


Những từ có gạch nối là từ ghép, không thể tách rời nhau. Nếu xếp vào diện danh từ đối với danh từ thì “sơn hà” có thể đối với “kim cổ”. Hai vế chỉ có hai từ"tại" và "nhất" là từ đơn. Theo luật “đối lời”, trước tiên muốn đối được, chúng phải đứng đối xứng với nhau ở vị trí giữa vế nọ với vế kia. Tuy nhiên, chữ “tại” đứngcuối vế đầu, chữ “nhất” đứng giữa vế sau nên không thể có chuyện đối được. Tiếp đến, hai chữ “linh khí” ở vế đầu không thể đối với chữ “nhất” ở vế hai, vì một đằng là từ ghép (linh khí), một đằng là từ đơn (nhất); một đằng là danh từ, một đằng là số từ đóng vai trò làm tính từ trong câu. Như vậy, ta thấy rằng: hai chữ “linh khí” ở vế thứ nhất không tìm được “đối” (thủ) ở vế thứ hai. Vế trên còn sót lại chữ “tại” ở vị trí cuối cùng cũng chẳng biết “đối đáp” với ai, vì ở vế dưới hai chữ cuối cùng là từ ghép “hiền- nhân”.
Như vậy, xét yêu cầu phải đối từng cặp từ, đối ý, đối lời, bằng trắc đối nhau...thì hai câu "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hoàn toànkhông đối và không phải là câu đối.
Phải chăng, ý tác giả: "sơn hà" với "kim cổ" là đối lời, còn "linh khí tại" với"nhất hiền nhân" là đối ý? Tuy nhiên, cách đối này chỉ phù hợp với dạng câu đối phú dài dằng dặc có khi tới mấy chục chữ. Ví như câu đối của Tam Nguyên Yên Đổ khóc vợ, mỗi vế có tới 34 chữ:
-Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc;
-Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm”
Trong đó: “Nhà chỉn cũng nghèo thay” và “Bà đi đâu vội mấy” là đối ý, có thể chấp nhận được trong thể loại câu đối phú. Tuy nhiên, người hay chữ không lạm dụng đối ý nhiều. Bởi vậy ta thấy số chữ còn lại của cụ Nguyễn Khuyến dù “cách cú” nhưng xét từng chữ đều vừa đối ý vừa đối lời rất chỉnh; thành ngữ, từ láy, bằng trắc đối nhau chan chát rất tài tình. Trong khi câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hai cặp từ “sơn hà” với “kim cổ” chỉ là đối “cưỡng”. Mỗi vế còn lại 3 chữ: “linh khí tại” và “nhất hiền nhân” gọi là “đối” với nhau chẳng qua do mỗi cụm từ đảm nhận một ý mà thôi.

Nói thế hóa ra Thủ tướng đã tặng, và Nhà nghiên cứu văn hóa GS Vũ Khiêu-Chuyên gia câu đối, phú, văn tế, chúc văn... đã nhận món quà Mừng thọ Trăm tuổi là một đôi câu đối thất luật? Theo tôi, chưa đủ căn cứ để kết luận như vậy. Vì sao? Vì rất ít khả năng tác giả kém tới mức soạn đôi câu đối mỗi vế 5 chữ mà rốt cuộc chỉ có hai cặp từ tạm đối được với nhau. Bởi vậy, có thể đây vốn chỉ là hai câu ca ngợi GS Vũ Khiêu chứ tác giả không có ý làm câu đối. Việc nó “bỗng” trở thành đôi “câu đối” là do người trình bày. Thế rồi người viết bài, đưa tin cứ ngỡ (hoặc căn cứ vào thông tin của Ban tổ chức?) một (hoặc hai) câu văn chia làm hai vế, trình bày theo chiều dọc, hai bên “đối xứng”, mỗi bên có số chữ bằng nhau là “câu đối”. Nếu vậy, sai sót là do khâu biên tập của các báo: Thể thao văn hóa, Đại đoàn kết, Tạp chí Sông Hương...khi đồng loạt đăng bài, ảnh, kèm chú thích “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân".


Về nội dung: Tuy không được thấy nguyên văn chữ Hán, nhưng chúng tôi đoán(gọi là đoán, nhưng có thể nói là chính xác tới 99,9%, vì khó có chữ khác lọt vào đây) mặt chữ như sau: 山河靈氣在, 今古一賢人 = Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất hiền nhân.

Trước tiên, căn cứ từ điển, chúng tôi xin giải nghĩa từng từ như sau:
*Vế đầu trong câu:
-Sơn hà 山河= núi sông (ở đây được hiểu như đất nước, giang sơn)
-Linh khí 靈氣, Đào Duy Anh giải nghĩa: “Cái khí thiêng”. Hán ngữ đại từ điển (Tàu) đưa ra mấy nghĩa đáng chú ý: 1.Thông tuệ hoặc tú mỹ đích khí chất (có khí chất thông tuệ và đẹp tốt); 2.Tiên nhân đích khí chất (có khí chất của người tiên); 3.Chỉ mỹ hảo đích danh thanh (ý chỉ người có thanh danh tốt đẹp lắm)
-Tại 在 : ở; còn; còn sống.
*Vế sau trong câu:
-Kim cổ 今古: từ xưa tới nay.
-Nhất 一: đứng đầu; một; duy nhất.
-Hiền nhân 賢人: bậc tài đức kiêm toàn.


Sau đây là một số cách hiểu:
1.Cách hiểu thứ nhất: Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là người đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay ( nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng thứ nhất).Ở đây, có thể do yêu cầu của thể lọai câu đối, tác giả lược bớt chữ "đệ" trong "đệ nhất", dùng chữ "nhất" với vai trò tính từ: đứng đầu, đầu tiên.
2.Cách hiểu thứ hai: Sơn hà linh khí tại = Linh khí sơn hà ở đây = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (Hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Kim cổ một người hiền = Từ xưa tới nay, chỉ có một hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân). Cấu trúc của "nhất hiền nhân" này rõ ràng và thông dụng hơn trong ngữ pháp Hán văn so với cách hiểu thứ nhất.


1.Về cách hiểu thứ nhất:
- Theo chúng tôi, nội dung bức trướng phù hợp với “cung bái” (kính viếng), hơn là "cung hạ” (kính mừng). Vì sao? Vì chỉ với người đã khuất, người ta mới nói ra cái ý như "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh".“Tinh anh” hay “linh khí” chỉ có thể tồn tại mãi mãi một khi nó lìa khỏi “quán trọ”“thể phách”. Các bức hoành phi trên bàn thờ, người ta cũng hay dùng những câu như: “Hạo khí trường tồn” (Khí chất tốt đẹp còn mãi trường tồn) “Anh thanh như tại” (Thanh danh đẹp tốt vẫn như lúc còn sống) để xưng tụng, tưởng nhớ người đã khuất. Hoặc đôi câu đối thờ: “Vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” (Muôn thuở lòng son cùng nhật nguyệt, Ngàn năm nghĩa khí tựa sơn hà). Ở đây “Sơn hà linh khí tại” có thể được hiểu: dù (cụ, ông, ngài) đã chết nhưng tài năng, đức độ, sự nghiệp vẫn còn sống mãi với non sông đất nước. Chết mà như còn sống vậy!


Chúng ta có thể ví dụ trong văn cảnh khác. Khi Bác Hồ còn sống, có thể hô:“Hồ Chí Minh muôn năm!”. Nhưng chỉ sau khi mất, người ta mới (có thể) đưa ra câu khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Hoặc khi Bác còn sống, thiếu nhi hát: “Ngày ngày chúng cháu ước mong, Mong sao Bác sống muôn đời...” [1] Nhưng các cháu không thể hát mừng: “Bác còn sống mãi với non sông đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương...” [2] khi thực tế Bác vẫn còn sống và đang đi thăm các cháu.


Nói tóm lại, với bất cứ người nào, khi đang còn sống, dẫu muốn đề cao đến mấy cũng không ai nói "gở", ca ngợi là ông (cụ, ngài...) vẫn đang “còn sống” với (như) cái gì đó. Thế nên, trong Truyện Kiều, đoạn Từ Hải chết đứng, Nguyễn Du mới viết: "Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng". Linh khí sống mãi với núi sông tức đã về cõi “bất tử”, về với tổ tiên, với cát bụi và thế giới cỏ cây, phiêu du mây nước rồi. Còn nếu muốn chúc thọ thì chúc sống lâu trăm tuổi, sống lâu muôn tuổi, trăm năm có lẻ, thọ như tùng bách...như ta vẫn thường nghe.
Đến đây, có bạn đọc sẽ nói rằng: cụ Vũ Khiêu năm nay đã 100 tuổi, đằng nào mà chẳng đến lúc...Câu đối hay như vậy, mừng trước để Cụ đọc, sau này thờ luôn cũng chẳng sao. Người ta vẫn đóng thọ đường, xây dựng sinh phần trước đấy thôi. Đây cũng là một ý tốt. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên tắc chưa chết thì chưa thắp hương, chưa phúng viếng. Thậm chí đã chết nằm đó rồi, nhưng chưa phát tang thì cũng chưa thể bái lạy, khấn vái.


- Vế thứ hai "Kim cổ nhất hiền nhân" (Từ xưa cho tới nay, cụ là bậc hiền nhân duy nhất, đứng đầu) cũng là cách xưng tặng dành cho người đã chết. Vì sao? Tục ngữ Việt Nam có câu "Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng tốt" (Xưa, bảy mươi là "ngấp nghé miệng lỗ"-Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Tục ngữ gốc Hán cũng nói rằng "Cái quan định luận" (蓋棺定論), nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài lại, (sau khi chết) mới có thể bàn luận đúng sai, hay dở về một con người nào đó. Đến đây, có bạn đọc lại nói rằng, cụ Vũ Khiêu nay đã ở tuổi 100, con người, sự nghiệp của Cụ đã rõ, đánh giá, tôn vinh lúc này cũng là được rồi. Tuy nhiên, dù bất thành văn nhưng cũng là luật. Nhà tu hành khổ hạnh “Đã được ba tháng ba năm” nhưng “Còn một ngày nữa mà không hoàn thành” (vì phạm giới) thì cũng không thể nào đắc đạo. Con người ta có khi xấu nay, tốt mai hoặc tốt nay xấu mai. Nhiều trường hợp đã “cái quan” rồi, đã “định luận” rồi, vậy mà có khi hàng trăm năm sau đang còn phải “luận định” lại. Bởi vậy, nếu câu "Kim cổ nhất hiền nhân" không dành cho người đã chết thì cách xếp thứ bậc, ca ngợi người sống như vậy cũng là trái.


“Hiền nhân, quân tử” là khái niệm của Nho gia, một danh xưng chưa bao giờ có giấy chứng nhận. Hán ngữ Đại từ điển (Tàu) định nghĩa “Hiền nhân: Tài đức kiêm lược đích nhân 德才兼备的人” (Người có tài và đức gọi là hiền nhân) Từ điển tiếng Việt định nghĩa “hiền nhân”: người có đức lớn, tài cao theo quan niệm thời trước. Hán Việt từ điển, mục từ “Hiền” (賢) Đào Duy Anh giải nghĩa: “Người có đức hạnh, tài năng”, nhưng phần trích dẫn từ ngữ, hai chữ “hiền nhân” 賢人 lại chỉ được giải thích là: “Người có đức”. Tài đến mức nào, đức lớn đến mức nào thì được gọi là hiền nhân? Không có sách nào quy định. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của chúng ta, hiền nhân tất phải là bậc tài cao, đức lớn; hình ảnh, nhân cách, tài năng, tư tưởng của họ có ảnh hưởng quan trọng tới nhân quần, tác động lớn tới thời đại (Trong văn chương Việt, còn một khái niệm "hiền nhân, quân tử" khá "độc đáo" nữa. Đó là"Hiền nhân, quân tử ai mà chẳng, Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo"-Hồ Xuân Hương. Chúng tôi xin loại trừ "hiền nhân" này)


Ở đây chúng tôi xin không bàn đến chuyện GS Vũ Khiêu có phải là "hiền nhân" hay không. Nhưng nếu nói rằng GS Vũ Khiêu đứng đầu (hoặc duy nhất) trong các bậc hiền nhân từ xưa tới giờ (Kim cổ nhất hiền nhân) e rằng không còn là chuyện “đề cao quá” như ông Hoàng Minh Tuyển nói nữa, mà là phạm thượng! Vì sao? Xin lấy một ví dụ nhỏ để liên tưởng: Trong bài thơ “Bác ơi”, Tố Hữu viết:“Bác đã lên đường theo tổ tiên, Mác-Lê-nin thế giới Người Hiền”. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông. Vậy“Cứ trong ý tứ mà suy”, Hồ Chủ tịch, Mác-Lê-nin là những “người hiền”, những “người hiền tiền bối” và là bậc thầy vĩ đại của cụ Vũ Khiêu. Thế mà cụ Vũ Khiêu lại được tôn xưng là “Cổ kim nhất hiền nhân”, đứng đầu, duy nhất “thế giới người hiền” từ xưa tới nay, chẳng phải là “phạm thượng” lắm sao?
Trong văn chương hay thực tế có một số danh xưng như “Thiên hạ đệ nhất kiếm”, “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”... nhưng “nhất”ở đây là “nhất”, duy nhất trong một phạm vi, thời điểm (không gian và thời gian) nhất định nào đó. Nếu nói ai “nhất”, (hoặc duy nhất) từ cổ chí kim là điều cực khó. Đặc biệt “nhất hiền nhân” một khái niệm khó đo đếm, so sánh lại càng không có cơ sở. Phải chăng, tác giả muốn nói: nước Việt có nhiều hiền nhân, nhưng chỉ có GS Vũ Khiêu đáng gọi là "nhất hiền nhân" từ cổ chí kim vì Cụ đang minh mẫn ở tuổi 100, lại được phong Anh hùng, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, xưa nay chưa ai từng có?


2.Về cách hiểu thứ hai:
Sơn hà linh khí tại = Linh khí non sông ở đây = Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu. Hoặc Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân =Kim cổ một người hiền = Từ xưa tới nay, chỉ có một hiền nhân (đó là cụ Vũ Khiêu).


Cách hiểu này có vẻ không “sái”, phù hợp với “cung hạ”. Tuy nhiên, căn cứ vào chữ nghĩa vẫn không tránh khỏi "phạm thượng". Vì sao? Vì ý thứ nhất “Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu” khiến người ta liên tưởng đến lời điếu văn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch...” Phải chăng, vốn ý tác giả muốn dùng từ "nguyên khí" nhưng nó lại thành "linh khí": Sơn hà nguyên khí tại (Cụ Vũ Khiêu là nguyên khí, hiền tài của quốc gia, sơn hà) ?
Ý thứ hai: Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi hiền nhân là Cụ (Vũ Khiêu).Kiểu tôn xưng “vô tiền khoáng hậu”, đứng trên tất cả các bậc hiền nhân này càng không ổn.


Riêng câu “Kim cổ nhất hiền nhân” theo chúng tôi còn có thể hiểu theo cách thứ 3: Người thông hiểu chuyện cổ kim, xưa nay nhất chính là bậc Hiền nhân Vũ Khiêu. Và cách thứ 4: Từ cổ chí kim, chỉ có bậc hiền nhân mới đáng gọi là tôn quý.Tuy nhiên, 2 cách hiểu, nhìn nhận, đánh giá này càng không có cơ sở.



Trong Hán tự có hiện tượng gọi là đồng âm, dị tự, dị nghĩa. Tức là đọc giống nhau, nhưng tự dạng (tự hình) và nghĩa khác nhau. Thế nên đến đây, ông Hoàng Minh Tuyển hoặc bạn đọc có thể sẽ thắc mắc: 99,9% là mặt chữ Hán dịch ngược trong đôi "câu đối" phiên âm Quốc ngữ như phương án đã phân tích, vậy còn 0,1% khả năng là gì? Theo chúng tôi, có hai chữ đáng chú ý, đó là "hà" 河 trong "sơn hà" 山河 và "cổ" 古 trong "kim cổ" 今古:
-Vế đầu: Ngoài chữ "hà" 河 nghĩa là sông, còn có một chữ "hà" 霞nghĩa là ráng mây. Sơn hà 山霞 có thể hiểu là ráng mây chiều tà trên rặng núi. Sơn hà linh khí tại 山 霞 靈 氣 在 nghĩa là Linh khí chỉ còn như ráng mây chiều tà trên đỉnh núi.
-Vế thứ hai: Ngoài chữ "cổ" 古 là xưa, còn có một chữ "cổ" 鼓 nghĩa là"cái trống, đánh trống". Kim cổ 今鼓 nghĩa là cái trống ngày nay, hoặc ngày nay có cái trống. Kim cổ nhất hiền nhân 今鼓一賢人 nghĩa là: ngày nay cái trống kêu to thì được gọi là hiền nhân (!)

Thật vô lý! Thế nên, khả năng có 0,1% có chữ Hán khác "lọt vào" chúng tôi xin được loại bỏ hoàn toàn.
Như vậy, tuy chữ nghĩa "sờ sờ" ra đó, nhưng chữ có nghĩa đen, nghĩa bóng; có nghĩa gốc, nghĩa ngọn; lại có chơi chữ, chiết tự, “ý tại ngôn ngoại” nên chúng tôi chẳng dám chủ quan ấn định một cách hiểu duy nhất nào đó. Ngược lại đã thử tìm hiểu, xem xét dưới nhiều góc độ để tìm ra một cách hiểu hợp lý, tích cực nhưng xem ra vẫn chưa thấy ổn với cách hiểu nào. Có lẽ do kiến thức hạn hẹp của mình nên cách hiểu hay, hiểu đúng của tác giả câu đối chúng tôi chưa thể nhìn ra?


Về đôi câu đối: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”, mà ông Hoàng Minh Tuyển hỏi. Theo chúng tôi, đây là đôi câu đối Nôm rất chỉnh, có nhịp điệu, đối nhau chan chát, nghe rất hay, và có thể hiểu: GS Vũ Khiêu là một Triết gia Cách mạng; là một Nghệ sĩ Anh hùng. Tuy nhiên, "rằng hay thì thật là hay", nhưng nghe...có vẻ không đúng và ... “hở miếng”. Vì sao ? Vì:


-GS Vũ Khiêu là người có nghiên cứu về triết học chứ không phải là, (chính là)"Triết gia"-Nhà triết học. Vì Nhà triết học phải là người đề xuất học thuyết, tư tưởng, chứ không phải là Nhà nghiên cứu về học thuyết, tư tưởng của Nhà triết họcnào đó. "Triết gia" chính là cách gọi tắt "Triết học gia"-Nhà triết học. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giải nghĩa: “Triết gia-nhà triết học-các triết gia Hi Lạp cổ đại”.


Có lẽ, ý tác giả đôi câu đối muốn dùng chữ “triết nhân” chăng? (triết 哲 với nghĩa người hiền trí, có trí tuệ thông minh, sáng suốt, như: hiền triết, tiên triết...). Đào Duy Anh giải nghĩa: “Triết nhân: người hiền trí”. Hán ngữ đại từ điển:“哲人:智慧卓越的人” (Triết nhân: trí tuệ trác việt đích nhân -Triết nhân: người có trí tuệ trác việt). Như vậy, nếu có chăng, GS Vũ Khiêu chỉ có thể được gọi là “triết nhân” chứ không thể là “triết gia” (Đây chỉ là ví dụ về cách sử dụng chữ nghĩa. Chúng tôi không có ý cho rằng GS xứng đáng được gọi là triết nhân)
-GS Vũ Khiêu là Nhà nghiên cứu văn hóa, chứ không phải “Nghệ sĩ”. Vì GS không chuyên sáng tác, cũng chẳng biểu diễn môn nghệ thuật nào. Từ điển tiếng Việtđịnh nghĩa: "Nghệ sĩ: 1.người chuyên hoạt động [sáng tác hoặc biểu diễn] trong một bộ môn nghệ thuật. nghệ sĩ nhiếp ảnh-tâm hồn nghệ sĩ;2.danh hiệu thường dùng để gọi diễn viên hay ca sĩ có tài năng xuất sắc”. Phải chăng, ý tác giả muốn nói: GS Vũ Khiêu là một “Anh hùng” mang tâm hồn, phong cách “Nghệ sĩ”?


Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, hai từ “trong” và “giữa” trong đôi câu đối“Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” hơi tối nghĩa và thiếu chặt chẽ. Nó khiến người ta có thể hiểu thành:


-“Triết gia trong cách mạng = GS Vũ Khiêu chỉ xứng đáng là một “Triết gia” trong (số) những người làm chính trị, cách mạng.
- Nghệ sĩ giữa anh hùng = GS là một “Nghệ sĩ” đứng giữa hàng ngũ những người “Anh hùng” chứ không phải bản thân GS là “Anh hùng”. Hoặc: GS chỉ đáng được gọi là “Nghệ sĩ” trong hàng ngũ những người “Anh hùng” mà thôi. Như thế hóa ra, “Triết gia” hay “Nghệ sĩ” ở đây đều hoàn toàn “nghiệp dư” hay sao? Nếu bỏ hai từ “trong” và “giữa” đi, đôi câu đối sẽ chặt chẽ, dễ hiểu, kín kẽ hơn (dù có vẻ không hay): Triết gia Cách mạng; Nghệ sĩ Anh hùng (Triết gia làm Cách mạng, Nghệ sĩ lại Anh hùng)


Các cụ xưa dạy văn giống võ ở chỗ: câu chữ, quyền cước tung ra dù mạnh mẽ, đẹp mắt đến mấy nhưng sơ hở, thiếu kín kẽ, thì kể như chưa hay, chưa giỏi. Thậm chí là nguy hiểm.


Trở lại với vấn đề đang bàn. Ông Hoàng Minh Tuyển quan tâm tới đôi câu đối và chữ nghĩa Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu là có lý. Bởi chuyện tôn xưng tên tuổi, danh hiệu của Nhà nước với một cá nhân không đơn giản biểu hiện tình cảm mà còn thể hiện tôn ty trật tự trong xã hội. Đặc biệt đối với những người có danh vọng; hình ảnh, tên tuổi của họ có ảnh hưởng trong xã hội lại càng không thể khinh suất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách nay hơn 500 năm, chỉ là chuyện xưng hô trong triều đình, quân doanh thôi, nhưng vua Lê Thánh tông từng phải chấn chỉnh: “Sắc Lễ bộ yết bảng cho trăm quan và các quân rằng: Kể từ nay, nếu không phải là bậc túc nho danh vọng, tuổi cao đức lớn thì không được gọi bừa là "tiên sinh". (Đại Việt sứ ký toàn thư-Bản kỷ thực lục-Quyển VIII-Kỷ nhà Lê).
Danh quá kỳ thực dễ gây nên sự huyễn hoặc, đảo điên và gieo mầm loạn. Bản thân người được tặng, nếu có liêm sỉ cũng sẽ không dám nhận. Bởi vậy, ông Mạnh tử mới nói rằng: “Thanh văn quá tình, quân tử sỉ chi - 聲 聞 過 情 君子 恥 之(Danh quá thực tình là điều người quân tử lấy làm hổ thẹn) Thế nhưng, một điều khó hiểu là tại sao GS Vũ Khiêu vẫn mãn nguyện ngước nhìn "mười chữ vàng" vấn vít trên nền vân mây cùng đôi rồng chầu phía trên bức tượng đồng của chính ông?


Chúc thọ, mừng tặng quà sao cho có ý nghĩa, mãn nguyện người trao, vui lòng, hợp ý người nhận, trên dưới trông vào đều ngợi khen là việc khó. Mừng tặng bằng chữ nghĩa lại càng khó hơn. Có vẻ như hai đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu “trục trặc” trong khâu nào đó chăng?


Đến đây, chắc hẳn sẽ có “kẻ chê, người cười” HTC rằng: nói người khác "phạm thượng" nhưng bản thân mình còn "phạm thượng" hơn! Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, câu chuyện chữ nghĩa với ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc khiến tôi nhớ đến một câu chuyện chữ nghĩa khác. Lê Thánh tông là ông vua nổi tiếng hay chữ. Thơ văn của ông gồm cả chữ Hán và chữ Nôm: Thiên Nam dư hạ, Sĩ hoạn trâm quy, Xuân vân thi tập, Hồng Đức quốc âm thi,... Ông có những vần thơ Nôm tinh tế, mẫu mực, cổ kính mà rất hiện đại như: “Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh”. Thế nhưng có một triều thần dám thẳng thừng chê văn thơ của ông là "phù hoa, vô dụng" (xưa tội này có thể bị chém đầu). Người đó là Nguyễn Bá Ký!

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chết. Trước đó, Bá Ký cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can. Vua dụ rằng: "Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ "phù hoa vô dụng" kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý".
Đến đây chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng: "Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi!" (Đại Việt sử ký toàn thư-Bản kỷ thực lục, Quyển XII-Kỷ nhà Lê).


Câu chuyện này góp phần giải thích tại sao, Lê Thánh tông không chỉ là ông vua giỏi mà còn được tôn là vị Minh Quân. Ông là vua sáng nên có nhiều tôi hiền. Và dù Bá Ký chê thế nào, Lê Thánh tông vẫn là một trong những ông vua hay chữ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.


Tôi chẳng dám ví mình giống như Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký. Nhưng có lẽ khi mải bàn chuyện chữ nghĩa đã không tránh khỏi tội “phạm thượng”, "khi quân" như Bá Ký. Tuy nhiên, ngày xưa, Bá Ký chẳng những không bị mất đầu mà còn được ngợi khen có lòng trung, thì ngày nay câu chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng có đến tai Thủ tướng và GS Vũ Khiêu, tôi tin rằng, dẫu không được khen ngợi thì các vị cũng chẳng nỡ trách phạt.
Cuối cùng chúng tôi dám mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khuăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!
Như vậy, trong khả năng kiến thức hạn hẹp, chúng tôi đã cố gắng giải thích. Nếu phải thất vọng, mong ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc thông cảm cho, và tiếp tục quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.


HTC Thanh Hóa 28/9/2014


Chú thích:
-[1] và [2] Lời các Bài hát Thiếu nhi, ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

BÀI THƠ THẦN NĂM ẤT MÙI






Nguyễn Khắc Mai

Tôi chào đón năm Ất Mùi này (2015) với bài thơ Thần đã ra đời vào năm Ất Mùi 1655, đúng 360 năm trước. Lịch xưa tính đúng chẵn sáu hội (mỗi hội 60 năm). 

Đây là bài thơ đã được ghi lại trong Đại Nam Thực Lục – một bộ sử biên niên ghi lại thời kỳ các Chúa Nguyễn rồi Nhà Nguyễn trị vì đất nước.

Bấy giờ, Chúa Hiền, Nguyễn Phúc Tần, một đêm nằm mộng thấy thần nhân hiện lên đọc cho nghe bài thơ. Hôm sau nhà Chúa đã đọc lại cho đình thần nghe, và cho rằng đó là lời mách bảo của thần linh (xem ĐNTL TI, NXB Giáo Dục, tr63).

Nguyên văn :

Tiên kết nhân tâm thuận.
Hậu thi đức hóa chiêu.
Chi diệp kham tồi lạc.
Căn bản dã nan dao (diêu)

Dịch nghĩa:

Trước hết phải cố kết nhân tâm cho thuận.
Sau là thi hành (chính trị) đạo đức để quy tụ mọi người.
Dẫu cành lá có gãy rụng.
Gốc rễ chẳng hề lung lay.

Trong văn học Việt Nam, người ta cho rằng đây là bài thơ thần thứ hai. Bài đầu là bài thơ “Nam quốc sơn hà”, tương truyền đã vang lên trong đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát, ở ven sông Như Nguyệt, nơi phòng tuyến chống quân nhà Tống xâm lược, thời Lý Thường Kiệt.

Nếu bài thơ trước (Nam quốc sơn hà) là tinh thần, ý chí của dân Việt quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Đất Nước, quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng, được coi như một tuyên ngôn Độc lập, thì bài thơ sau là một “minh triết” chính trị. Bài thơ góp vào, làm nên sự phong phú sâu sắc của tư tưởng, đạo trị nước của Việt Nam. Cũng nên lưu ý một tình tiết tế nhị. Đó là bài thơ xuất hiện lúc đất Nước còn phân ly. Lực lượng nào muốn thắng, gồm thâu thiên hạ, đều phải chú ý đến những vấn đề cốt tử: Thi hành đức hóa, cố kết lòng người…

Ngoại trừ hoàn cảnh xuất hiện, phân tích kỹ 20 chữ của bài ngũ ngôn tứ tuyệt này, có thể rút ra được nhiều điều bổ ích, thú vị. Điều ấy, không những có ích cho những người lãnh đạo quốc gia ở tầm vĩ mô, mà còn có lợi cho cả công việc ứng xử ở tầm cơ sở, vi mô, của một gia đình, một doanh nghiệp, một cộng đồng xã hội, một chính đảng…

Chữ tiên, (trước hết) là nói tầm quan trọng của vấn đề. Câu đầu, đưa ra ba triết lý quan trọng: kết, nhân tâm và thuận. Ba chữ này, là ba phạm trù rất cơ bản để nhận thức và ứng xử xã hội. Ngẫm về chữ kết, đã có điều thú vị, nó có vẻ dễ hiểu, thậm chí người ta nghe đã nhàm tai, nào kết đoàn ta là sức mạnh trong một bài hát Tàu, nào đoàn kết, đại đoàn kết…Chữ kết, người xưa viết với bộ “mịch”, có ý nói về sự bó bện cho bền chặt.Ý nghĩa là sự tập hợp cái nhiều (đa) thành cái một (nhất). Người ta phải “kết” cái nhiều lại để thành một cho mạnh cho bền chắc…nhưng không bao giờ lại thủ tiêu các thành viên, thành tố. Nếu hiểu kết mà chỉ nhăm nhăm coi trọng cái một mà bỏ cái nhiều, chỉ chú ý đến cái chung, mà bỏ cái riêng, thì chẳng còn ý nghĩa kết gì nữa. Đó là quy luật tự nhiên, huống chi là quy luật xã hội! Không thấy ý nghĩa “kết”, không thể gắn bó con người được. Phải hiểu và làm chữ kết trong thế vừa đề cao cái một, mà phải coi trọng cái đa, những thành tố riêng rẽ, để tạo thành cái “Kết”. Trong tự nhiên, người ta dễ hiểu và làm theo quy luật ấy. Như cái máy tính điện tử, nếu không coi trọng từng chi tiết, từng linh kiện, làm sao có thể có được chất lượng cao của bộ máy! Nhưng trong ứng xử xã hội, con người lại tầm thường đến độ ngu xuẩn, là muốn kết mà không muốn làm cho mọi thành tố mạnh lên!

Hai chữ nhân tâm cũng nên luận. Không nên chỉ hiểu đơn giản là lòng người. Phải thấy nhân là con người và cả cái tâm của nó. Nếu không biết nuôi dưỡng con người bằng một “politique” nhân văn, con người sẽ đói, sẽ khổ, sẽ méo mó bất thành nhân dạng, có thể thành quái thai, chỉ có phần con mà mất đi phần người.Trong trường hợp ấy, không thể có cái tâm đúng nghĩa.Tâm không chỉ là lòng người, nó là tổng hòa của cái trí, cái biết cái thức, thiếu tâm hồn, thiếu tri thức không thành người. Như vậy vấn đề nhân tâm không chỉ thuần túy là tinh thần, ý thức, tình cảm, tâm hồn. Phải tính cả những giá trị vật chất của con người cho con người, vì con người. Những thể chế, thiết chế, chế độ phản bội lại con người không thể gọi là nhân văn, lại có thể cố kết con người, làm mạnh con người. Còn chữ “Thuận”. Minh triết Việt biết đánh giá cao ý nghĩa chữ thuận – thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Nhưng thuận không chỉ có nghĩa là cùng nhau, còn có cái nghĩa là theo quy luật, theo thiên tính, nhân tính, nhân tình. Con người từng đánh mất chữ thuận, nên đã làm cho con người, cho xã hội không hòa, địa không lợi, thiên không còn thời.

Vì thế, sau cái tiên kết, là nói hậu thi. Những điều phải thi hành, phải làm tiếp theo để thể hiện cho được sự cố kết, làm vững mạnh con người, làm cho nhân tâm thuận, nghĩa là làm cho tiến hóa nhân cách, nhân vị, nhân sinh làm cho tiến hóa xã hội.

Thi hành “đức hóa”, nghĩa là thi hành một nền chính trị đạo đức, nhân văn, một nền kinh tế đạo đức, nhân văn; một nền văn hóa giáo dục đạo đức nhân văn. Mọi sự tuyên bố chủ nghĩa, lý thuyết này nọ mà không theo tiêu chí ấy, đều là lừa dối, chỉ đạt tới dự nhất thời, nửa vời, đẩy con người và xã hội đi tới ngày càng suy đồi, tan rã. Không phải ngẫu nhiên, mà ngày nay đang xuất hiện nhiều những cảnh báo về cái ác tràn lan*, và đang đề xuất những tư duy lành mạnh, cổ vũ cho một tinh thần, một thái độ, một tâm thức “minh triết” trong đời sống. Bruce Lloyd**(Anh quốc) tha thiết đề nghị hãy kiến tạo xã hội minh triết, kinh tế minh triết. Còn Gandhi (Ấn) từ 1934, đã hô hào xây dựng nền giáo dục minh triết.

Thi hành đức hóa còn có nghĩa là thực hiện một đường lối, một phương thức quản trị, điều khiển, tổ chức, quản lý có nhân văn, đạo đức, coi trọng con người hơn là coi trọng giá trị vật chất gia tăng. Những cộng đồng, những xã hội vĩ mô và vi mô chỉ nhăm nhăm lợi ích giá trị vật chất gia tăng, bỏ rơi, bỏ quên con người, xã hội của con người đều không thể biện hộ cho tính “phản động” của mình. Người ta đang phải nói nhiều về nền chính trị có khuôn mặt người, kinh tế có tính người, văn hóa có tình người…

Đó là sự nuôi dưỡng, vun trồng, bồi đắp cho cái gốc, cái rễ (căn và bản) của con người, của xã hội, của Đất Nước, của nhân loại. Đó chính là bài học, là triết lý, là phương châm để một gia đình, một doanh nghiệp, một chính đảng, một nhà nước vận hành đạt tới nhân văn, tiến hóa. Nhãn tiền sự thoái hóa trông thấy trên Đất Nước ta và cả trên thế giới đều có thể chiêm nghiệm từ ý nghĩa bài thơ Thần này.

Xin chép lại bài thơ Thần đã xuất hiện đúng năm Ất Mùi (1655) và đôi lời thô thiển, nói lên cảm nghĩ của mình để hầu chuyện ban đọc bên chén rượu, chén trà xuân, năm này, cũng là một năm Ất Mùi của Dân tộc.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chữ NHẪN




Trên đầu chữ NHẪN một con dao
Làm việc không NHẪN họa rước vào
Nếu ai NHẪN được qua cơn giận
Việc xong mới thấy chữ NHẪN cao




Trong chữ Hán: chữ Nhẫn được hình thành từ 
心 (tâm) + 刃(nhận) = 忍
Chữ 心 (tâm)
(Nhận) 刃 nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết.
忍 Nhẫn có nghĩa là nhịn. Như làm việc khó khăn cũng cố làm cho được gọi là kiên nhẫn 堅忍.Nhẫn là lòng khoan dung độ lượng. 
Tại sao chữ nhận 刃 (nhận) nằm trong chữ Tâm 心 gọi là nhẫn. Tức là người tạo chữ muốn nói. Trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như tham, sân, si, ngã mạn, ganh ty…Chúng ta luôn thức tỉnh những thứ làm nguy hại đến tâm tu hành. Do vậy chúng ta nhẫn nhịn. Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau: 
心 tâm + đao 刀 + bộ chủ丶thành chữ Nhẫn
đao 刀 nghĩa con dao, là chỉ cho sự nguy hiểm. Nó được ví như tâm sân phiền não có tính chất nguy hiểm đến tâm tu hành. Nó tìm ẩn bên trong cái Tâm.
Người tu chữ Nhẫn cần có 丶(chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủ丶này nằm trên bộ đao 刀. Ý nghĩa này rất hay muốn Nhẫn thì chú ta phải làm chủ cái nguy hiểm (bộ chủ nằm trên bộ đao)
Muốn có được bộ chủ 丶này đòi hỏi chúng ta phải tu tập. Thấy được bản chất của cơn sân giận là nguy hiểm luôn tiềm ẩn bên trong tâm (căn bản phiền não). Nó làm cho tâm con người nổi sân một cách điên rồ. Nên khi gặp hoàn cảnh chướng ngại chúng ta biết “Nhẫn” một chút. Nếu không một khi tâm sân nổi lên thì tình cảm gia đình sứt mẻ, tình bạn bè xa nhau. Chúng ta luôn thấy rằng tâm sân chính là kẻ thù độc hại lớn nhất của tâm. Một khi tâm sân nổi lên đốt hết cả rừng công đức, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng, “nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”. Vậy làm cách nào để thắng được tâm sân, và thực hành “Tâm nhẫn”. Chúng ta chỉ cần đi tìm 丶(chủ) để bỏ con đao trong tâm 
Muốn có được (bộ chủ)丶này. Chúng ta phải tu tập từ bi quán, thiền định để tâm mình hằng ngày bình thản an lạc. Khi tâm bình thì thế giới bình “tướng tự tâm sinh”. Khi chúng ta thực tập thiền định, tâm vắng lặng thì “trí tuệ” phát sinh (nhân định tức huệ). Khi có trí tuệ rồi chúng ta sẽ làm chủ được con đao刀 (phiền não). Bấy giờ trong bất kỳ nghịch cảnh chướng ngại nào chúng ta cũng làm chủ được cái nguy hại, làm chủ được cái tâm của mình. Ví dụ: tự nhiên ở đâu có người đến mắng chửi nhục mạ mình. Nếu mình không có trí tuệ không làm chủ được sự việc đó, thì tâm sân nổi lên dẫn đến đánh nhau, gây tai hại cả hai. Nếu như mình có trí tuệ làm chủ lúc đó. Mình quán xét sự việc đó, chuyện này ở đâu tự nhiên đem đến. Chắc là do kiếp trước mình đã gieo nghiệp ác thù hận với người này. Nên hôm nay người đó đến đòi nợ. Nhờ mình tu hành có phước, nên chủ nợ đến đòi nợ, mình có nợ thì trả cho họ là xong “Nhẫn” nhịn họ không sao, mọi việc sẽ tốt đẹp. Mình có nợ hôm nay trả hết nợ thì vui, tâm an lac. Nếu họ nổi sân là họ đã tạo nghiệp sai. Mình lại nổi tâm sân y như họ cả hai đều sai. Dẫn đến thù hận đời này sang đời kia biết bao giờ chấm dứt. 
Theo đạo Phật chữ “Nhẫn” là một trong sáu phương pháp tu gọi (Lục độ) của Bồ tát gồm: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. Chúng ta là hành giả đang trên bước đường tu tập. Đừng bao giờ cho mình đã thắng và làm chủ được tâm sân. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh chướng duyên phiền não. Nên quán tưởng kẻ thù đó chính là người bạn thân nhất của mình, là thiện tri thức trên lộ trình tu tập của mình. Họ giúp chúng ta có điều kiện để tu “Nhẫn”.

Nói thì dễ lắm nhưng khi thực hành thật là khó. bởi vì hằng ngay chúng ta luôn ôm ấp cái bản ngã của mình, sống ích kỷ, giận hờn, ganh tỵ, đố kỵ. Lúc nào cũng xem mình là trên hết. Đây chính là nguyên nhân ngăn cản chúng ta tu chữ “nhẫn”. Những thứ đó như là đao刀 nằm trong tâm. Như từ trước đến giờ chúng ta luôn sống sai lầm thế này. Thì bây giờ chúng ta suy nghĩ sống tu tập chữ “Nhẫn”. hằng ngày cố gắng tu từ bi quán, thực hành thiền định để tâm được an định bấy giờ chúng ta sẽ có丶(trí tuệ) để bỏ con đao sân giận kia. Cuộc sống chúng ta luôn được an vui. 

Thích Trí Giải