Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Ngôn ngữ đêm



Đinh Trường Chinh










Trong góc tối hút sâu, hơi thở em còn vang trên hành lang trí nhớ. Anh trốn tìm đêm bằng hơi thở kiệt sức cuả chính mình.
Cố níu giữ giấc mơ.
Thơ rơi xuống bờ vực vô hình.
Giọt nước em cứa đứt lưỡi khuya.
Anh giãy chết.


Những lời kinh rơi đều từng hòn sỏi.
Trong giấc mơ, em là bãi cát trải dài trang giấy vàng khuya ố chữ. Anh rã lời thơ điếng lạnh bào thai.
Biển trôi những xác chữ loáng mặt đêm, dạt lưng em rũ rượi.
Anh trườn vai bám dọc thân xuôi.
Ðại dương cuốn ngộp chúng ta.
Trôi chìm mất nhau dưới trời rực tím.
Lật nghiêng trái đất vong thân.


Ðêm khát tiếng dương cầm, khát vầng trăng úa.
Nhổ neo trong giấc mơ, bài thơ chưa trọn chữ.
Vỗ cánh bay lên những vì sao.
Ðeo lấy mặt không gian đuối lãng.


Trong màu đêm hoen rỉ, trăng dội mặt tường đóng váng xanh mưa. Trăng truy tìm những buồm mây kiệt sức.
Thơ chảy vào anh những giấc mơ tan.
Những hòn sỏi rơi xuống đồi nằm quẩn hút.
Ðêm đè lên mặt sông trong mùa sương thoi thóp.


Anh bỗng vô thân khi thiếu em.
Cuối cơn mơ anh bồng những sợi sương mù.
Ngỡ là em.
Ngỡ ngực khuya.
Trầm vang vào nỗi chết anh.
Rất thật!

Một ngày mùa xuân trong đời em Duyên Magic



Du Uyên






Tôi là Duyên, Duyên Magic, 30 tuổi, độc thân.

Duyên là tên cúng cơm, Magic là tên của trung tâm giải phẫu thẩm mỹ mà tôi đang làm chuyên viên tư vấn.

Mỗi ngày, xem mail là một phần công việc. Hôm nay có 17 cái mail do khách hàng gửi đến. 17 câu hỏi hóc búa lẫn tâm sự. Cái vui, cái não nề. Hôm nay tôi phải trả lời 23 cú điện thoại, những cú điện thoại có nội dung cũng tương tự như vậy.

“Ngực chị 89 rồi mà ông xã chị ra đường vẫn dòm ngực gái, chị có nên đặt túi không? Sẵn em tư vấn chi phí và quá trình phẫu thuật...”

“Duyên ơi, mũi chị vừa sửa ở em về, đi xem bói, thầy bảo không hợp, chị muốn chỉnh lại tí xíu được không em?”

“Chị ơi, em chưa gom đủ tiền hụi. Hay đặt một bên trước rồi vài tháng sau đặt tiếp bên kia nha chị? Em sợ để tiền tiêu hết.”

Vậy đó, dở khóc dở cười. Nhưng hai túi silicon trên vú em là bát cơm của chị, em đặt trước một bên là chị ăn cơm lưng bát!

Thiên hạ nói, “Phụ nữ xấu thì không có quà.” Những gì liên quan đến nhan sắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của quý mợ. Do vậy, ở xứ này và có lẽ ở mọi nơi trên trái đất, công nghiệp làm đẹp đang phát triển lên tầm hiện đại, và ít tốn kém so với trước. Bây giờ không cần phải mất cả núi tiền mới mong “mông má” lại nhan sắc như ý muốn, mà chỉ cần dư dả tí chút là có thể tân trang nhan sắc lên tầm hiện đại.

Tôi tiếp xúc với những người phụ nữ thích làm mình đẹp, thật ra ai mà chả thích, nhưng tất nhiên, phải có điều kiện tài chánh! Họ có thể là quý bà thành đạt, bản lĩnh trên thương trường, hoặc họ là quý cô sành sỏi trên tình trường, uyên bác và chảnh choẹ trên bục giảng; nhưng phần lớn khi đến với tôi họ đều có chung nét mặt e dè, tâm trạng lo âu, nửa đề phòng nửa háo hức. Tôi thấy mình oai, lời tôi nói là lời thánh phán!

Độn mông là đời lên hương. Cắt mi mắt là thay đổi số phận.

Tôi làm cho trung tâm này đã 2 năm. Sếp tôi là Việt kiều Úc, là chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ trên 10 năm kinh nghiệm. Hài hước, lịch lãm, phong độ, hiện đang độc thân sau hai lần ly dị, một ở Úc và một ở Việt. Một phần khách hàng nữ do khoái ông mà đến.

Khó biết được vẻ đẹp trai của ông là bao nhiêu phần trăm tự nhiên, bao nhiêu phần trăm nhân tạo. Điều tôi thích nhất ở ông là tiền lương luôn sòng phẳng, trả đúng ngày, và khoản hoa hồng 10% khá là hậu hĩnh. Tôi từng nghĩ mình sẽ tán tỉnh ông, có lẽ ông cũng nghĩ đến điều đó. Nhưng chưa ai ra chiêu trước, có trời mới biết vì sao!



o O o



Văn phòng. 8:30 AM.

Có tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa, cười rạng rỡ với người phụ nữ trước mặt:

“Chào chị, mời chị vào. Chị là chị Vân? Hôm qua mình nói chuyện qua điện thoại?”

“Đúng rồi em!” Chị khách cười nhẹ, thoải mái.

Ngồi xuống ghế, chị nói:

“Chị có thể bắt đầu chứ?”

“Vâng, em nghe.”

“Chị muốn cắt mắt...”, thoáng đỏ mặt, “... em cho chị biết quá trình và chi phí.”

Tôi xoay cái bảng sau lưng, kéo nhẹ một bức ảnh, căng cây thước, nhìn thẳng vào mắt chị đúng 3 giây để tìm đôi mắt thích hợp trong khung hình.

“Theo quan niệm của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, đôi mắt đẹp là một đôi mắt có mí to rõ, hay còn gọi là mắt hai mí. Khuôn mặt chị rất hài hoà, chỉ vì đôi mắt một mí hơi nhỏ, bọng to nên trông sụp sệ. Trước hết, em sẽ nói về quy trình tạo mắt hai mí, loại bỏ bọng mắt. Đây, như chị thấy, mí mắt bao gồm các lớp: da, cơ, mỡ và các túi mỡ quanh mắt. Phần da ở đây rất mỏng, rất dễ tổn thương nên bàn tay chạm tới chúng phải là tay chuyên nghiệp. Nhẹ nhàng và tỉ mỉ. Ở đây có chuyên gia kinh nghiệm nên chị yên tâm. Các chuyên gia sẽ tạo ra mí mắt mới. Sau đó, họ sẽ loại da dư và mỡ dư, giúp đôi mắt có vẻ tươi trẻ, hết sụp mí và vẻ u sầu. Chị sẽ được miễn phí chăm sóc sau hậu phẫu, các bác sĩ chỉ định dùng thuốc, thay băng hàng ngày. Em cam kết sau một tuần, chị sẽ hài lòng, chỉ với giá 500 đô. Chị có thắc mắc gì không?”

“Không, nhưng có thể giảm giá cho chị chút ít làm quen không em? Nhưng thôi khoan đã, chị muốn suy nghĩ thêm đã.”

Tất nhiên, giảm chứ. Nhan sắc tuy không phải là mớ rau, nhưng vẫn có thể giảm giá chút ít. Tuy nhiên chị khách đã đứng dậy.

Con cá đầu tiên suýt cắn câu, nó bơi vờn quanh miếng mồi và sẽ quay trở lại, tôi tin vậy. Người ta đặt niềm tin vào nhiều điều mơ hồ, thậm chí trừu tượng, như đặt tương lai vào thế giới đại đồng chẳng hạn, còn tôi, tôi tin vào sự mất niềm tin đối với nhan sắc trời cho của khách hàng.



o O o



10:00 AM.

“Cháu cho cô ý kiến về tạo hình môi đi...”

“Vâng. Phẫu thuật tạo hình môi là một tiểu phẫu không mất nhiều thời gian. Rất nhẹ nhàng, không đau, vì có loại thuốc tê thoa đặc biệt, khi thoa vào, môi cô sẽ tê cứng, hoàn toàn không thấy đau khi phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật này là làm cho môi dày thành môi mỏng và tạo những đường gợn nhỏ gợi cảm. Phần môi thừa cần cắt bỏ đi nằm ở đường ranh giới môi ướt - môi khô trở vào trong niêm mạc, do đó sau phẫu thuật thu gọn môi sẽ không thấy sẹo trên vùng môi. Bác sĩ sẽ đo vẽ thật chính xác trước phẫu thuật và chỉ khâu là loại chỉ tự tan nên không cần cắt chỉ. Phẫu thuật này rất nhẹ nhàng, ít sưng, nên không ảnh hưởng đến sinh hoạt, kể cả ăn uống. Sau ba ngày, chỉ tan, cô sẽ có một làn môi tươi tắn, mịn màng, không có bất cứ dấu hiệu nào về phẫu thuật. Giá chỉ 350 đô. Trung tâm sẽ bảo hành 10 năm cho môi của cô, cô sẽ được kiểm tra bất cứ khi nào cần. À, khách hàng sẽ được tặng một suất xăm chân mày hoặc làm hồng nhũ hoa cho hoá đơn trên 500 USD nữa cô ạ. Cháu nghĩ cô nên làm thêm tẩy trắng răng để có được suất tặng này nha.”

“Cháu giải thích cặn kẽ lắm, nhưng giá vậy có cao không cháu? Cô nghe nói trung tâm ở đường 3/2 chỉ có vài triệu thôi.”

“Trung tâm của cháu quan tâm về chất chứ không về lượng. Mỗi ngày chỉ phẫu thuật chừng 10 ca thôi. Ngoài các chuyên gia kinh nghiệm ra, thì các dụng cụ, thuốc, băng gạc, máy móc đều là hàng cao cấp. Cháu cam đoan không thẩm mỹ viện nào hoàn hảo đến từng khâu như thế, ngay cả việc bảo hành 10 năm là cô đủ thấy uy tín của trung tâm đối với khách hàng rồi.”

Bà khách im lặng suy nghĩ và có vẻ “bắt lửa” rồi. Tôi bồi thêm cú chót, hạ gục luôn:

“Cô rất sáng suốt khi quyết định đến với Magic. Môi cô rất gợi cảm, chỉ cần định hình khuôn và cắt bớt một chút sẽ thành môi trái tim duyên dáng. Tháng sau, chú sẽ mê cô hơn cả 20 năm trước và mọi người sẽ thấy cô khác hẳn, tin cháu đi.”

Bà khách ngẩng lên cười, “Cháu cho cô xem bảng hợp đồng, khi nào thì tiến hành đây?”

Tôi lấy cuốn danh sách dày cộm, cố ý cho bà khách thấy lượng khách hàng khổng lồ của trung tâm.

Tèng téng teng... Con cá thứ hai, cắn câu!



o O o



Hắn mình dây, khuôn mặt khá thanh tú. Tôi biết hắn chuyển giới, có lẽ là chưa hoàn thành.

“Chị, độn mông ...”

Tôi tỏ ra không ngạc nhiên, “Em là Nga?”

“Qua điện thoại, tôi nghĩ chị rất đẹp và trẻ!”

“Cảm ơn em, sao em nghĩ thế?”

“Giọng chị rất đặc biệt. Sao chị làm ở trung tâm thẩm mỹ mà trông thường thế?” Hắn hờ hửng, chẳng thèm nhìn mặt tôi lấy một cái.

“Chị rất vui khi em khen giọng chị. Thật ra chị cũng muốn đẹp lắm nhưng không có điều kiện, em à. Chị luôn thầm ghen tỵ với từng người khách hàng, em tin không?”

“Nếu có điều kiện, chị sẽ làm gì trên cơ thể mình?”

“Nâng mũi và bơm ngực! Có thể là kéo chân thêm vài centimet nữa càng tốt, chị luôn mặc cảm về chiều cao của mình. À, còn hút bớt một ít mỡ ở mông nữa.”

“Em không biết chị đang thật thà hay cố hài hước nữa?! Thôi, chị nói về quy trình nâng mông đi.”

“Đây là kỹ thuật mới nhất, một cuộc cách mạng của phẫu thuật thẩm mỹ nói chung và nâng mông nói riêng do trung tâm này độc quyền. Nâng mông tương đối khó hơn nâng ngực rất nhiều vì bộ phận này được sử dụng khá nhiều so với ngực. Có khá nhiều cách nâng mông cũ, gây đau đớn và lâu lành, nhưng bây giờ ta đã có một phương pháp tối ưu đó là nâng mông nội soi. Em có thể đi lại, nằm ngồi sau 48 giờ, cắt chỉ sau 7 ngày và có thể... ấy ngay ngày hôm sau.”

Hắn cười, có vẻ thú vị với động từ “ấy” mà tôi vừa nói.

“Nâng mông nội soi là sao chị?”

“Nâng mông nội soi được xem là bước đột phá trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, với nhiều cải tiến, khắc phục được những hạn chế của các phương pháp nâng mông thông thường. Đây là phương pháp nâng mông bằng cách đặt túi độn mông vào bên trong, làm cho mông trở nên cao và đầy đặn hơn. Quá trình nâng mông nội soi được thực hiện theo các bước sau đây... ” tôi mở ra tấm bảng ghi đầy đủ 5 bước, vừa chỉ vừa nói. “Bước 1: Tư vấn và thăm khám, đo vòng mông. Bước 2: Xét nghiệm. Bước 3: Thực hiện gây tê vô cảm giúp khách hàng không có cảm giác đau đớn, khó chịu. Bước 4: Tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ cắt, tạo một vết rạch dọc nhỏ ở rãnh liền mông, sau đó đặt túi độn mông trong khoang giữa cơ mông lớn và cơ mông bé. Khoang đặt túi độn được bóc tách chính xác và đúng vị trí, phù hợp với kích thước của túi độn để đảm bảo không có sự xê dịch của túi độn. Túi độn sẽ nằm trong phần nửa trên của mông. Bước 5: Cân đối hai bên mông. Sau khi đặt túi độn vào đúng vị trí bác sĩ sẽ điều chỉnh để hai bên mông cân đối, sau đó sẽ tiến hành đóng kín vết mổ bằng chỉ khâu thẩm mỹ. Thời gian tiến hành nâng mông trong khoảng 2 tiếng.”

“Sau đó thì sao?”

“Sau đó em sẽ được đưa vào phòng hậu phẫu, ngủ thật ngon. Có chuyên viên massage, thư giãn với hương tinh dầu, nghe nhạc thư giãn đến khi em có thể về.”

“Giá thế nào hả chị?”

“2.500 USD. Em sẽ được miễn phí tẩy lông vĩnh viễn và tiêm một lần hooc-môn nữ. Thật tuyệt đúng không?”

“Em nghĩ nó hơi cao, ngay cả so với ở Bangkok!”

“Chị lại nghĩ nó rất bèo vì em sẽ được bảo hành 10 năm nữa đấy.”

“Làm sao biết được là có sống thêm được 10 năm cho hết bảo hành hả chị? Chị có thể bớt giá cho em không?”

“Chị sẽ bớt em 10%, đó là lấy ra từ số hoa hồng của chị, vì chị thấy sự khát khao thay đổi số phận của em.”

“Được rồi, chị làm hợp đồng đi, em thích chị rồi đó.”

“Chị cũng bị thích em rồi. Nhanh không thì chị yêu em mất.”

Con cá thứ ba, cắn câu!



o O o



Con cá thứ tư...

Con cá thứ năm...

Con cá thứ vô tận...

Vậy đó, một ngày trong đời của tôi — Duyên Magic — sẽ có vài con cá như vậy hoặc có khi vêu mỏ, chẳng có mống nào. Những con cá cần được điều chỉnh mông, môi, má, mắt, mi, ngực, chân, mũi... nghĩa là mọi bộ phận chưa hoàn chỉnh trên cơ thể. Tôi là cánh tay nối dài của tay chuyên gia Việt kiều Úc. Hắn là cánh tay nối dài của Thượng đế.

Magic, Magic, Magic...

Cái mà chúng tôi không có là cái Thượng đế chưa sáng tạo ra.

Tôi muốn căng biểu ngữ trên mọi góc phố:

“Làm đẹp để giữ chủ quyền những gã đàn ông của đời mình!”

“Hãy nói không với vòng mông 46!”

“Làm đẹp là yêu nước!”

“Hãy xăm chân mày và làm hồng nhũ hoa trước khi quá muộn!”

Nghĩ cho cùng thì những sì-lo-gân này rất lương thiện và chính đáng, ít nhất là chúng lương thiện và chính đáng hơn mọi băng-rôn đỏ rực đến nhức mắt để mừng xuân và mừng cái con tườu gì đó mà người ta treo ở mọi góc phố trên đất nước này.

Tèng téng teng... Chị em ơi, mùa xuân đến rồi đó!


Tính biểu tượng của màu sắc



Cirlot, Juan Eduardo





Đoàn Khương Duy dịch từ bản tiếng Anh.
Nguyễn Tiến Văn hiệu đính.





JUAN EDUARDO CIRLOT

(1916-1973)


Juan Eduardo Cirlot, người Tây-ban-nha, là một thi sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, nhà thần thoại học, nhạc sĩ, và dịch giả. Đầu những năm 1940, cùng với Alfonso Buñuel, ông đã dịch thơ của Paul Éluard, André Breton, và Antonin Artaud. Ông bắt đầu viết phê bình mỹ thuật từ năm 1943; in tập thơ đầu tay từ năm 1946; ra mắt tác phẩm âm nhạc đầu tay từ năm 1948; xuất bản cuốn Igor Stravinsky (về âm nhạc của Stravinsky) và cuốn Diccionario de los ismos[“Từ điển về các chủ nghĩa”] năm 1949. Sau đó, ông bước vào lĩnh vực nghiên cứu biểu tượng học và mỹ thuật thời Gothic, xuất bản cuốn El Ojo en la Mitología: su simbolismo [“Con mắt trong thần thoại học: Tính biểu tượng của nó”] năm 1954.

Cirlot mất năm 1973 vì bệnh ung thư tụy tạng. Những tác phẩm của ông đã xuất bản gồm có 10 tập thơ và 13 cuốn sách nghiên cứu, trong đó cuốnDiccionario de símbolos tradicionales (“Từ điển về những biểu tượng truyền thống”, 1958) [bản Anh ngữ, A Dictionary of Symbols (1962)] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Dưới đây, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ một bài viết thú vị của Juan Eduardo Cirlot do Đoàn Khương Duy trích dịch từ cuốn A Dictionary of Symbols.


___________





Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Có nhiều sự suy xét liên hệ đến mặt ý nghĩa của màu sắc mà ta có thể nói qua một chút. Có sự phân chia một cách chung chung về măt quang học và về tâm lí học thực nghiệm. Nhóm đầu tiên gồm những màu “tăng tiến” (advancing) và có tính ấm, tương ứng với những cách thức đồng hóa, tính hoạt động và cường độ của màu sắc (gồm các màu đỏ, cam vàng và rộng hơn nữa là màu trắng), và nhóm thứ hai mang tính lạnh, là những màu “lùi” (retreating), tương ứng với những quá trình tách biệt, tính thụ động và quá trình làm suy yếu (gồm các màu xanh dương, chàm, tím và rộng hơn nữa là màu đen), màu xanh lá cây là màu trung gian, chuyển tiếp và trải đều cho cả hai nhóm. Màu sắc có cách dùng phụ khác trong việc đưa vào những mẫu hình vẽ trên huy hiệu. Thứ tự từng dãy của khoảng phạm vi màu sắc chính là điều cơ bản, được tạo thành khi dãy màu sắc (mặc dù trong một cái nghĩa có phần trừu tượng) làm thành một loại tập hợp hữu hạn của các màu sắc hoàn chỉnh, khác biệt nhau và có trật tự. Mối quan hệ dạng thức giữa, một mặt là, một chuỗi sáu hay bảy sắc thái của màu sắc — vì thỉnh thoảng cũng khó mà phân biệt màu xanh với màu chàm, hoặc màu xanh da trời với màu xanh biển — và, ở mặt khác, một chuỗi nguyên âm — có bảy nguyên âm trong tiếng Hi-lạp — cũng như các nốt nhạc trong khung nhạc, mối quan hệ này chỉ ra một sự giống nhau cơ bản giữa ba dãy này với nhau và cũng là giữa chúng với sự phân chia của tầng trời, theo tư tưởng sinh vật học thiên văn cổ đại, thành bảy phần (mặc dù thực tế thỉnh thoảng người ta chia thành chín phần).

Biểu tượng học về màu sắc thường xuất phát từ một trong các nguồn sau: (1) đặc tính vốn có của từng màu sắc, được nhận biết theo trực giác như là một thực tế khách quan; (2) mối liên hệ giữa màu sắc và biểu tượng hành tinh được kết nối với màu sắc theo cách truyền thống; hoặc (3) mối liên hệ mà luận lí học cơ bản, sơ khai nhận biết được. Tâm lí học và phân tâm học hiện đại dường như đặt nặng vấn đề thứ ba trong số những cách thức này hơn cả vấn đề đầu tiên (cách thức thứ nhì hoạt động với vai trò cây cầu bắt ngang giữa hai vấn đề còn lại). Do vậy, Jolan de Jacobi, trong quá trình nghiên cứu của bà ta về tâm lí học Jung, đã phát biểu chính xác từng chữ thế này: ‘Sự tương ứng của các màu sắc đối với các chức năng theo thứ tự thì biến đổi theo những nền văn hoá và những nhóm người khác nhau và thậm chí trong số những cá nhân; như là một quy tắc chung, tuy nhiên,...màu xanh, màu của bầu không khí loãng, của bầu trời trong vắt, thì đại diện cho quá trình suy tư; màu vàng, màu của mặt trời nhìn từ đằng xa, xuất hiện mang ánh sáng ra khỏi vùng bóng đêm bí hiểm, chỉ biến mất trở lại vào bóng đêm, màu vàng này là trực giác, cái chức năng có thể nắm được trong một khoảnh khắc loé sáng cho sự thông hiểu nguồn gốc và các xu hướng của những sự kiện bất thường; màu đỏ, màu của mạch máu di chuyển và của ngọn lửa, là cho những cảm xúc dâng trào và dữ dội; trong khi đó màu xanh lá cây, màu của những vật sinh trưởng trên trái đất, hữu hình và cảm quan được tức thì, đại diện cho chức năng của cảm giác’.[1]

Cái quan trọng nhất của các biểu tượng xuất phát từ những quy luật đi trước là những điều này: màu đỏ liên hệ với máu, các vết thương, sự giãy chết, và sự thăng hoa; màu cam liên hệ với ánh lửa và ngọn lửa; màu vàng là với ánh sáng mặt trời, là của sự soi sáng, của phổ biến tri thức và của sự tổng quát hoá toàn diện; màu xanh lá cây là với cây cỏ, nhưng cũng có thể được liên hệ với cái chết và sự giận dữ tột cùng (do vậy màu xanh là đường liên kết giữa màu đen — của khoáng vật — và đỏ — của máu và động vật — cũng như giữa đời sống động vật với sự tan rã và cái chết); màu xanh nhạt liên hệ với bầu trời vào buổi ban ngày, và cũng liên hệ với mặt biển hiền hoà; màu xanh đen liên hệ với bầu trời buổi đêm, với mặt biển bão tố; màu nâu và màu hoàng thổ liên hệ với đất; và màu đen thì liên hệ với vùng đất được gieo hạt. Vàng tương ứng với khía cạnh huyền bí của mặt trời; bạc là với mặt trăng. Những kết luận khác nhau được rút ra từ những nhà tâm lí học và từ những nhà tư tưởng truyền thống, bí truyền, mấy kết luận này đã rõ ràng trong những phần tóm gọn ở trên có thể được giải thích bằng một thực tế rằng trong quan điểm của các nhà tâm lí học, những cảm giác biểu tượng được hình thành trong tâm trí có thể chỉ là tình cờ, còn theo như lí thuyết bí truyền, ba cái chuỗi (của sắc thái màu sắc, của các nguyên tố thành phần và vẻ ngoài tự nhiên, và của cảm giác hoặc phản ứng) là kết quả của một nguyên do đơn lẻ và đồng thời, hoạt động ở những tầng lớp sâu thẳm nhất của thực tại. Vì lí do này mà Ély Star và những người khác khẳng định rằng bảy màu sắc có mối tương tự nhau một cách biệt lập với bảy trạng thái tâm hồn, với bảy đức tính (từ quan điểm tích cực), với bảy thói xấu (từ quan điểm tiêu cực), với những dạng hình học, những ngày trong tuần và bảy hành tinh.[2] Thật sự điều này là một khái niệm có liên hệ với ‘lí thuyết tương ứng” hơn là với biểu tượng học của màu sắc phù hợp. Nhiều người nguyên thuỷ theo trực giác đã cảm nhận được các liên kết gần gũi tồn tại giữa toàn bộ các khía cạnh khác nhau của thế giới thực: ví dụ như người da đỏ Zuni ở miền Tây Hoa-kì cống nạp hàng năm cho các thầy tư tế của họ bằng “bắp bảy màu”, mỗi màu ứng với một vị thần hành tinh. Mặc dù vậy, thật đáng để ghi nhớ trong tâm trí những cái thiết yếu nhất của những sự tương ứng này. Ví dụ: lửa được tượng trưng bởi màu đỏ và cam; không khí bởi màu vàng; cả hai màu xanh lá cây và tím đều tượng trưng cho nước; và màu đen hay màu hoàng thổ tượng trưng cho đất. Thời gian thường được biểu tượng bằng sự óng ánh của tơ lụa. Về những sắc thái khác nhau của màu xanh, trải dài từ màu gần đen cho đến màu thanh ngọc sáng trong, thì có nhiều sự phỏng đoán. Những nhận xét hợp lí nhất theo ý kiến chúng tôi là những nhận xét sau: ‘Màu xanh, biểu tượng cho đường thẳng dọc’ — và về trạng thái không gian hoặc tính biểu tượng học của các tầng lớp — ‘mang ý nghĩa về độ cao và độ sâu (trời xanh bên trên, biển xanh phía dưới)’.[3] ‘Màu sắc mang biểu tượng về một thế lực có xu hướng bứt lên trên ở trong cái khuôn mẫu của bóng tối (hoặc là của u ám và cái ác) và của ánh sáng (hoặc của sự soi sáng, vinh quang và cái thiện). Do vậy, màu xanh đen được xếp chung nhóm với màu đen, và màu xanh da trời, giống như màu vàng trong trẻo, được xếp cặp cùng với màu trắng’.[4] ‘Màu xanh là bóng tối được làm cho hữu hình ra.’ Màu xanh, giữa trắng và đen (là ngày và đêm) chỉ ra tình trạng cân bằng ‘biến đổi theo sắc thái’.[5]

Có niềm tin rằng những màu sắc có thể được phân thành nhóm theo những vấn đề thiết yếu cơ bản của chúng, và trong nội tại của xu hướng toàn cục để đặt những hiện tượng vào những nhóm đối nghịch nhau, tuỳ theo màu sắc đó mang giá trị dương (liên hệ với ánh sáng) hoặc âm (liên hệ với bóng tối), niềm tin đó được lặp đi lặp lại thậm chí trong lĩnh vực mĩ học ngày nay, với việc hệ thống màu sắc không chỉ được dựa trên ba màu chính là đỏ, vàng, xanh dương mà còn dựa trên sự đối nghịch hàm ý của màu vàng (hoặc trắng) hay xanh dương (hoặc đen), lấy màu đỏ như là màu chuyển giao gián tiếp giữa hai màu này (các giai đoạn là: vàng, cam, đỏ, tím, xanh dương) và màu xanh lá cây là màu chuyển giao trực tiếp (hay là màu tổng kết lại), điều này là quan điểm của Kandinsky và Herbin.

Tóm lại, những sự diễn giải như thế về biểu tượng học của màu sắc, cái mà trong quan điểm chúng tôi là điều tối quan trọng, là như sau: màu xanh dương (đại diện cho đặc tính của Jupiter và Juno với vai trò là nam thần và nữ thần của thiên đàng)[6] biểu tượng cho niềm tin tôn giáo, sự cống hiến và sự trong sạch;[7] màu xanh lá cây (màu có liên hệ với Venus và Tự nhiên) là kí hiệu cho sự phồn thực của đất đai,[6][7] cho sự thông cảm và khả năng thích nghi với hoàn cảnh;[7] màu tím tượng trưng cho sự hoài cổ và các kí ức, vì nó được tạo thành từ màu xanh dương (chỉ sự cống hiến) và màu đỏ (sự cảm thụ); [7] màu vàng (đặc tính của Apollo, vị thần mặt trời) chỉ tính khoan dung, trực giác và trí tuệ;[6][7] màu cam, là cho sự kiêu hãnh và tham vọng;[6][7] màu đỏ (đặc tính của Mars, vị thần chiến tranh), tượng trưng cho cảm xúc mạnh mẽ, tình cảm và nguyên lí truyền sức sống;[6][7] màu xám là tượng trưng cho sự trung hoà, tính vị kỉ, sự trầm cảm, sức ì và sự thờ ơ — những ý nghĩa này bắt nguồn từ màu sắc của những đám tro tàn;[6][7] màu tía (màu áo choàng của các hoàng đế La-mã, hoặc của giáo chủ hồng y) cho một sự kết hợp có tính tương đồng, mặc dù thế nó là hoàn toàn đối nghịch, với màu tím, và tượng trưng cho quyền lực, cho tính duy linh và cho sự thăng hoa;[6][7] màu hồng (màu thịt) là cho thú nhục dục và các cảm xúc.[6][7]

Người ta có thể tiếp tục với những diễn giải thế này cho đến vô hạn, đưa ra thêm ngày càng nhiều ý nghĩa chính xác hơn cho ngày càng nhiều sắc thái màu sắc chuẩn xác hơn, nhưng làm thế thì sẽ rơi vào cái bẫy của biểu tượng học, đó là, sự cám dỗ để phát triển thêm nữa một hệ thống cứng nhắc của các trùng ngôn. Dù sao, điều quan trọng là nhớ đến sự tương tự giữa sắc thái màu sắc (đó là, cường độ màu sắc, hoặc mức sáng — vị trí của nó trên cái khung ở giữa hai cực đối nhau của đen và trắng) và tính biểu tượng học theo tầng lớp tương ứng của sắc thái đó. Nó cũng phải được nhớ rằng tính thuần khiết của màu sắc sẽ luôn luôn có điểm đối ứng với tính thuần khiết của ý nghĩa biểu tượng. Tương tự vậy, các màu chính sẽ tương ứng với những cảm xúc chính, trong khi những màu ở hàng thứ hai hay thứ ba sẽ thể hiện biểu tượng của một khối phức tạp y như vậy. Trẻ con theo bản năng sẽ gạt bỏ toàn bộ những màu sắc được trộn lẫn vào nhau hoặc không thuần khiết, bởi vì các màu đó chẳng mang ý nghĩa gì với chúng. Ngược lại, nghệ thuật của các nền văn hoá phát triển và tinh tế luôn rực rỡ nhờ vào những sắc thái màu kết hợp với nhau một cách khéo léo, với màu tía nhạt pha vàng, màu hồng gần như thành tím, màu hoàng thổ có chút xanh lá, v.v.. Để ta xem xét một số ứng dụng thực tế của biểu tượng học màu sắc, bằng cách làm rõ cái ở trên. Theo Beaumont, màu sắc có sự tạo nghĩa đặc biệt trong biểu tượng học của Trung-hoa, vì nó tượng trưng cho cấp bậc hoặc quyền uy; ví dụ như màu vàng, vì nó liên hệ với mặt trời, nên màu vàng được xem như là đặc quyền linh thiêng của hoàng gia.[8] Đối với người Ai-cập, màu xanh dương được dùng để tượng trưng cho chân lí.[9] Màu xanh lá cây có vai trò vượt trội trong nghệ thuật Thiên Chúa giáo bởi vì giá trị của nó được xem như là cầu nối giữa hai nhóm màu sắc.[10] Vị thánh mẫu của Ấn-độ được tượng trưng bởi sắc đỏ (ngược lại với tính biểu tượng thông thường của màu trắng vốn là màu của tính nữ), bởi vì bà ta được liên kết với nguyên lí của sự sáng tạo và màu đỏ bản thân nó là màu sắc của tính hoạt động.[11] Màu đỏ cũng là màu của máu, và vì lí do này mà người tiền sử sẽ nhuộm đỏ cho bất kì vật gì mà người đó muốn mang lại sự sống; và người Trung-hoa dùng cờ hiệu màu đỏ để làm bùa may mắn.[12] Cũng vì lí do là màu của máu, nên khi vị tướng La-mã được đón chào trong niềm vui chiến thắng thì ông ta được chở trên cỗ xe ngựa được kéo bởi bốn con ngựa trắng được mang giáp mạ vàng (đóng vai trò là biểu tượng của mặt trời), và trên mặt vị tướng được sơn màu đỏ. Schneider sau khi xem xét phương diện thiết yếu của sắc đỏ dựa trên các quá trình luyện đan thì đã kết luận rằng màu đỏ phải có liên hệ với lửa và sự tinh chế.[13]

Một bằng chứng thú vị cho cái dấu hiệu điềm gở và bi kịch của màu cam — một màu mà theo quan điểm của Oswald Wirth thực ra là màu của ngọn lửa, sự dã man, sự tàn bạo và tính vị kỉ — được đưa ra sau đây trong một đoạn văn trich từ nhà đông phương học Heinrich Zimmer: ‘Sau khi Đức Phật Tương lai xuống tóc và đổi bộ đồ hoàng tộc của ông ta để lấy cái áo choàng màu vàng cam của một người khất sĩ khổ hạnh (những người đó không được xã hội loài người chấp nhận đã tự nguyện dùng những bộ đồ màu vàng cam vốn ban đầu là mảnh vải dùng để phủ lên những kẻ tử tội được đưa đến pháp trường xử tử)...’.[11] Để kết thúc những nhận xét dựa trên ý nghĩa huyền bí của màu sắc, chúng ta sẽ chỉ ra một số điểm tương ứng trong lĩnh vực luyện đan. Ba giai đoạn chính của “Tác phẩm Lớn” (the Great Work) (biểu tượng của sự tiến hoá tinh thần) là (1) vật chất sơ nguyên (prime matter) (tương ứng với màu đen), (2), thuỷ ngân (màu trắng) và (3) lưu huỳnh (màu đỏ), kết lại với thành phẩm là một “hòn đá” (kim loại vàng). Màu đen liên hệ với trạng thái lên men, phân huỷ, sự che khuất, sự sám hối; màu trắng liên hệ với sự soi sáng, sự vươn lên, thiên khải và sự tha thứ; màu đỏ liên hệ với nỗi đau khổ, sự thăng hoa và tình yêu. Và kim loại vàng là trạng thái của sự vinh quang. Như vậy chuỗi đen - trắng - đỏ - kim loại vàng ý chỉ con đường của sự vươn lên về mặt tinh thần. Cái ngược lại hay là chuỗi đi xuống có thể được thấy trong một khung màu bắt đầu từ màu vàng (đó là, kim loại vàng trong cái nghĩa phủ định của điểm khởi hành hoặc điểm khởi sinh thay vì là điểm đến), màu xanh dương (cõi trời), màu xanh lá cây (tự nhiên, hoặc là đời sống tự nhiên trước mắt), màu đen (là “sa đoạ” theo nghĩa của thuyết tân Plato).[14] Trong một số niềm tin truyền thống, màu xanh lá cây và màu đen được xem như là một dạng thể hiện tổng hợp của phân xanh. Ví lí do này, chuỗi tăng dần của xanh lá cây – trắng – đỏ tạo thành một biểu tượng ưa thích của người Ai-cập và của các tu sĩ Celtic cổ xưa. [2][15]

René Guénon cũng chỉ ra một thực tế mang tính tạo nghĩa rằng Dante, người đặt ra hệ thống biểu tượng truyền thống của ông ta, đã cho Beatrice xuất hiện trong bộ đồ màu xanh lá cây, trắng và đỏ, biểu hiện của sự hi vọng, niềm tin và lòng bác ái và tương ứng với ba bình diện (của luyện đan) mà ta đã đề cập.[16] Tính biểu tượng phức hợp của các màu sắc trộn lẫn nhau bắt nguồn từ các màu nguyên thuỷ mà từ đó chúng được tạo thành. Do vậy mà, ví dụ, màu xám và màu hoàng thổ có liên hệ với đất đai và cây cối. Không thể biết được tất cả các khái niệm mà bắt nguồn từ cái ý nghĩa ban sơ. Do đó, nhóm Ngộ giáo (Gnostics) đã phát triển ý tưởng rằng, bởi vì màu hồng là màu trùng với màu thịt, nên nó cũng là màu của sự phục sinh. Quay trở lại màu cam, lời giải thích tuyệt vời từ các nhân vật trùng ngôn trong tác phẩm có tính luyện đan Abraham người Do-thái chứa đựng một hàm ý màu cam là “màu của tuyệt vọng”, và tiếp tục: ‘Một người đàn ông và một người đàn bà được sơn màu cam lên mình và đứng nổi trên khung cảnh một vùng đất mang màu xanh da trời, ý chỉ rằng họ không được đặt hi vọng của mình vào thế giới này, vì màu cam thể hiện cho sự tuyệt vọng và cái nền xanh da trời là dấu hiệu của hi vọng ở cõi trời.’ Và cuối cùng, quay trở lại màu xanh lá cây, đây là màu của những khuynh hướng đối nghịch: nó là màu của cây cỏ (hoặc, nói cách khác, là của cuộc sống) và là màu của tử thi (hay là của cái chết); vì lẽ đó, người Ai-cập đã sơn vị thần Osiris (vị thần của cây cỏ và của người chết) bằng màu xanh lá cây. Tương đồng vậy, màu xanh lá cây giữ một vị trí chính giữa trong thang màu sắc hàng ngày.


Dịch tại Sài-gòn,
20101118.

Dưới vòm trời là những mái nhà



Jalau Anưk



... Phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới bầu trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh và mọi người.


Cứ đi đi! – Phía trước là con đường
bởi chẳng thể bới tìm mãi những tàn tích năm xưa
để vỗ ngực tự hào
ngủ vùi sâu quá khứ
liệt vòng sinh nở
chai khối ưu tư

Cứ đi đi!
bởi chẳng thể ngoảnh nhìn mãi một thời
em chưa phôi thai
anh chưa nở kiếp làm người trần thế
đừng tưởng chỉ có em đau là thật
mà cọng cỏ ven đường cũng úa héo khóc mưa khan

Ngọn tháp là của ngày xưa
ngôn ngữ đẹp là của Ariya ngày xưa
điệu múa kì ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa
bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thuở thiếu thời
là của ngày xưa
của ngày xưa tất...
bây giờ lai căng
lập dị
khác thường
áo vá em mặc hôm nay
lời nói em thốt ra cùng anh hôm nay
dáng đi của em hôm nay
tâm tưởng em hôm nay
ngôi nhà em ở hôm nay
còn gì là chúng – của ngày xưa
sao em không xót?
Đừng quên nghe em!

Đừng lần về mãi những hồi ức năm xưa
để luôn tưởng đôi vai mình dài rộng
em còn gánh nổi không em?
treo bhaw trên xà nhà những ciet sách
em còn đội vững nữa không em?
một buk nước nhẹ tênh
từ dòng mương quê trải dài miền đất khát
thử hát lên đi em – Thei mai...!
thử têm cho Rija Praung vài kapu hala!
thử đứng trước patuw hayơp!
thử viết vài dòng akhar thrah
thử nói harat Chăm
em sẽ thấy mình cỡ bằng hạt cát
giữa mênh mông sa mạc
chông chênh / nép mình sợ gió

Đi đi em – Mặc cho những câu chuyện ngày xưa đêm trăng bà kể
vẫn đè lên hơi thở dốc anh
bủa vào trăn trở em
ùa về ác mộng em
dù có ẩm mốc, hoang sơ
tháp vẫn đứng rưng rưng
em và anh vẫn sống giữa loài người – gần lắm
rồi sẽ ấm cơn mưa giông
nước sẽ tuôn về miền đất khát
còn bầu trời vẫn sáng
đêm vẫn thức gác
tháp ngủ giấc không tròn

Cánh đồng hạn triền miên
bầu vú mẹ cạn khô
mặc bầy dê ốm gầy trên triền dốc
em thơ húp vội nước cơm
rồi nín khóc chờ
... hoang vắng trôi đi

Quạnh hiu những mái nhà
trần truồng những tấm thân gầy
em và anh
mừng nước mát đầu mùa
đục ngầu rơi từ máng xối lâu năm
lũ ếch khô thân rũ người khát nước
lao vào nước / hát mừng nước
ểnh òn ... ểnh ả ...
chưa hết sướng đã qua xiên
nằm gọn trên đóm lửa hồng
củi khô không thiếu
xì xèo nước xát lên than
... rát buốt
em và anh
mừng vui buổi tiệc
mừng mưa đầu mùa
Có nhớ không em?

Nắng choáng mặt người
mưa mù đồng vụ
nắng làm nứt đất
mưa ngập thối cây
lũ lúa vừa cháy hôm qua
chưa kịp lột da
chưa kịp xanh đầu ngọn
mưa đánh gục mất rồi
khuỵu gối / gãy thân / nằm bẹp vô vọng
khóc thương người trồng

Lũ kéo ầm ầm
thân trần cha run / áo tả tơi mẹ rách
ném mình vào gió / phóng bừa vào mưa
bởi có em và anh
há hốc mồm đòi sống

Thương thay loài xương rồng luôn thuỷ chung mòn mỏi đứng nhìn/ chứng giám/ khô queo thân/ treo trước cổng nhà/ đuổi hết những hồn ma
cho bác, cho dì, cho thím, cho cô, cho mẹ, cho em...
sinh nở
làm đời tục luỵ
để có người còn nhớ đến hôm qua
Đừng quên nghe em!

*

Cứ đi đi! – Phía trước là con đường
đừng mãi vỗ tay thán phục những chú dế ngây ngô
bị nắm râu quay tròn
choáng ngợp không nhìn thấy kẻ thân
giương càng / gồng mình / lao vào nhau / đá nhau / cắn nhau / xé nát thân nhau
rồi ngã gục
làm mồi cho loài kiến
... suốt mùa đông / quên tiếng gáy

Đừng giả vờ khóc thương con thằn lằn xấu số
mà ngày xưa anh và em đánh chết trên tường vách đất
để chơi trò ma chay / hoả táng / vờ khóc nỉ non
rồi cười ngặt nghẽo
u u mê mê / kì bí lạ thường – ong khin

Đi đi em!
phía trước – Sau bụi chuối gầy còm là ánh đèn
sau ngõ ngách lầy lội là thẳng tắp lối đi
sau lụp xụp mái hiên / mục ruỗng bờ rào
là xanh đồi cỏ / là mượt lúa non / là bát ngát trăng thanh / là rì rào sóng thở / là rạo rực lời hẹn hò ta nguyện sống bên nhau

Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoải đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe dalikal bà kể

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố
toả hơi em vào phố
chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố
và lớn lên cùng phố
phố sẽ trải ngực mình / mở đôi vai mình
để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên


phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh và mọi người.


_________
Chú thích:
ariya: thơ, trường ca; ciet: giỏ đựng sách Chăm; Thei mai: một bài dân ca Chăm; ong khin: cấm kị; patuw hayơp: bia đá; Rija praung: một lễ của Chăm;akhar thrah: chữ Chăm truyền thống; dalikal: truyện cổ; kapu hala: miếng trầu têm.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Chiến tranh chưa bao giờ qua đi

Anh Long về đám giỗ ba tôi quả là điều bất ngờ. Thấm thoát đã hơn 20 năm chúng tôi không gặp nhau và cũng không liên lạc. Anh là bạn học thời trung học của anh Quí- anh kế tôi và lớn hơn tôi đến 5 tuổi. Ngày nhỏ, tôi vẫn thích anh và anh Danh tụ lại ở nhà tôi chơi đàn thổi sáo. Rồi anh và anh Danh đi lính, sang chiến trường Cam-Pu-Chia. Hai anh cùng ở chung một đại đội thuộc trung đoàn Gia định. Kết thúc chiến tranh, chỉ có anh trở về. Anh Danh thì vĩnh viễn nằm lại trên đất bạn. Anh tôi, sau khi được tin anh Danh hy sinh thì anh bẻ sáo, vài tháng sau, dù đang học đại học nhưng anh lại tình nguyện nhập ngũ. Cũng may, anh đã không ra chiến trường, anh được đưa về trung đoàn hậu cần mà phần lớn lính trung đoàn là sinh viên tình nguyện. Từ đó, anh không bao giờ thổi sáo nữa. Anh long kể,  trong chiến dịch " tốc chiến, tốc thắng" trung đoàn của anh từ KongPhongCham đánh thẳng vào Phnôm-Phênh và chỉ trong 7 ngày đêm đã vào thủ đô Cam-Pu-Chia với  157 người còn nguyên lành. Anh Danh ngã xuống trong đêm tiến quân ngày thứ tư.Anh trúng đạn ở đùi.Đại đội cứ thế mà xông lên những người lính ngã xuống nằm lại chờ cứu thương. Vết thương của anh Danh không nặng nhưng anh chết vì mất máu quá nhiều. Khi nghe tin anh Danh mất, anh vẫn không thể nào tin được. Rồi cũng chính anh bị thương và khi xuất ngủ anh vẫn mang trong đầu một miểng đạn B40 không lấy ra được cho đến bây giờ.

Nhiều năm không gặp, nhưng anh Long cũng không khác mấy nên tôi nhận ra anh ngay. Duy chỉ mái tóc của anh thì đã bạc trắng.Vẫn cặp kính cận to đùng. Không rõ ngày trước khám nghĩa vụ quân sự như thế nào mà người cận thị đến 4 độ như anh lại trúng tuyển.Lúc tôi về Sài Gòn anh tôi đã đi lính.Tôi ở một mình,thỉnh thoảng anh Long lại qua chơi. Có tối, nhậu xong anh ngủ lại.

Khác





Hoàng Ngọc Thư






I.



Tôi có thị giác của loài chó.

Tôi cất giữ những mảng đen xám đậm nhạt trong các ngăn cùng màu đàng sau đôi mắt, nhưng chúng không theo một thứ tự nào. Những mảng mặt, góc vườn, mảnh trời. Những ve vuốt của bàn tay, dấu in bước chân, ánh mắt ấm ngời. Những sợi mưa giăng nghiêng mành trời đôi lúc làm hoen ố hoặc nhấn chìm vạn vật vào một vũng sền sệt màu lông chuột khiến tôi vội vã lục tìm các mảng xám nhạt nhất trong các ngăn ký ức để tự trấn an.

Tôi chờ đợi quả cầu chói lọi — vật thể duy nhất có màu xám sáng gần như trắng — nhô lên đàng sau dải đảo thẫm màu trên mặt biển khi không gian đen đặc quánh thả tôi về những tầng xám đậm nhạt lơ lửng: nơi tôi mải tìm nhưng không bao giờ thấy dấu vết nào của hàng nghìn bận tôi đã để lại, trên đường tôi dò dẫm tìm lối thoát khỏi vòng giam cầm của các mảng xám. Rồi như mọi lần, khi tôi sắp đến được một khoảng nhạt màu nhất cũng là lúc tôi vẫy chào và tiếc nuối nhìn theo quả cầu lấp lánh chìm dần xuống mặt biển.

Tôi đẫm đen.

*

Tôi có vị giác của loài cá.

Giữa muôn nghìn vị khác, tôi phân biệt được hàng trăm độ mặn. Tôi xác định được mức đục, lượng muối và độ đặc: từ những giọt loãng và nhạt như người ta để rơi trên các màn kịch trong và ngoài sân khấu, cho đến những dòng đặc thẫm và nồng vị gỉ sét tràn ra từ vết cắt. Tôi tìm bình yên dưới đáy nước, chui rúc trong các lớp bùn ngập ngụa mùi vật thể rữa nát hầu ru ngủ vị giác chong chong của mình: cứ mỗi chênh lệch ở độ mặn là nó ném tôi vào một cõi hỗn tạp mới, nơi ký ức dung nạp mọi ấn tượng hình tượng cảm quan ngu muội đau đớn ghê sợ chán ngán hy vọng có cùng độ mặn.

Tôi gặm nhấm mình để giảm bớt các trạm vị giác trên người.

Tôi còn chỉ lại bộ xương và hai phần ba thân thể.

*

Tôi có thính giác của loài dơi.

Tôi nghe tiếng thổn thức giữa đô thị náo nhiệt xe cộ đi lại tấp nập. Tôi nghe lời van xin giữa tiếng bom đạn. Tôi nghe tiếng kinh cầu trong làn gió thổi qua sa mạc. Tôi uống lấy tiếng hát của người thuỷ thủ hoà lẫn trong con sóng dội vào bờ từ khơi xa.

Tôi nghe nhịp tim của người chơi đàn guitar giữa bản flamenco cuồng nhiệt. Tôi nghe hơi thở của người hoạ sĩ làm rung động đôi mi cô gái trẻ trong tranh. Tôi nghe tiếng chữ tranh cãi nhau giữa trang sách mở ngỏ.

Tôi tự chẩn mạch nhưng chỉ nghe tiếng nhựa cây rì rào trong cành lá.

*

Tôi có khứu giác của loài bị đoạ.

Tôi ngửi thấy mùi căm thù đắng ngạt như vết hằn bánh xe nghiến cháy mặt đường. Tôi choáng váng buồn nôn trước mùi kinh tởm từ ánh nhìn của kẻ giàu sang quét ngang tay chân lở lói của người hủi. Mùi sợ hãi tanh tưởi toả ra từ người bị nạn thường bám dai dẳng trên da trên tóc trên màng phổi tôi sau nhiều ngày. Mùi giận dữ hầm hập ngột ngạt như nhà cây xanh đóng kín ngập ngụa thuốc trừ sâu. Mùi ghen tỵ vảng vất như thức ăn ôi khiến những người xung quanh ăn mất ngon.

Mùi thèm khát của người yêu khiến tay chân tôi vụng về luống cuống. Mùi hạnh phúc như quả ngọt thơm tràn trên môi. Tự do thơm mùi biển trong làn gió sớm thường khiến tôi rũ bỏ áo quần để được lặn ngụp thoả thuê như đứa trẻ.

Tôi chưa có đủ khả năng diễn đạt hoặc tìm ra ví dụ tương đồng cho mùi thường quyến rũ tôi ngay cả trong giấc ngủ. Đó là mùi của khám phá (và của những người thám hiểm) có lần tôi tình cờ mang về sau khi ngẫu hứng trèo vào trong tranh.

Tôi đếm những cuộc săn lùng thì giờ để tôi dùng đi tìm mùi hương mới.

*

Tôi mang xúc giác của loài thân mềm.

Tôi cảm nhận được các chấn động trong không gian hay dưới nước từ xa và giấu mình trong tấm vỏ cứng. Thỉnh thoảng tôi hé mở khi cần đi tìm thức ăn hoặc tin chắc rằng bốn bề đều im ắng. Tôi trao đổi thông tin bằng mắt và hiểu rằng những thông điệp của mình thỉnh thoảng bị hiểu nhầm hoặc thất lạc. Tôi tập dùng các cơ mắt với hy vọng chúng sẽ giúp tôi ra dấu cho kẻ đối diện hiệu quả hơn vì tôi không có mặt; nhưng tôi suýt bị nuốt sống mấy lần nên đành phải dùng lại lối thông tin của loài câm.

Thỉnh thoảng tôi ứa ra những giọt mặn với nồng độ muối cao.



II.



Một hôm tôi hé mở.

Vực xoáy rứt tôi ra khỏi vỏ bọc rồi cuốn tôi quay cuồng trong những tầng đen mù mịt.

Vòng xoáy chậm dần rồi ngừng lại.

Tôi rơi trong chân không qua những tầng xám nhạt dần.

Tôi rơi nhanh hơn.

Ánh sáng chói lọi từ dưới chiếu lên buộc tôi hé mắt nhìn.

Thân thể tôi chằng chịt những đường rạn đen hoắm.

Mắt tôi nổ ra.

Trắng nuốt tôi.



III.



Tôi ngồi trên bậc thềm. Nắng sớm trong veo rọi nghiêng qua kẽ lá như những sợi tơ óng mượt.

Tôi khép mắt: xung quanh tôi tràn ngập màu sắc khiến tôi choáng ngợp.

Một loạt hình ảnh, âm thanh chợt kéo đến trong tâm thức. Tôi cố tập trung theo dõi nhưng các khung ảnh loang vào nhau nhoè nhoẹt; âm thanh méo mó, đứt quãng như thể tôi đang xem lại một cuốn phim trắng đen cũ đã bị hỏng nhiều chỗ.

Tôi mở mắt, nhìn xuống, và thấy nghẹt thở: tôi lành lặn nguyên vẹn trong hình thể một đứa trẻ.

Tôi muốn cười.

Khá nhiều mảng tôi đã mất. Đó là cách tốt nhất để ghép các mảnh vỡ và mớ vụn còn lại.

*

Trong tay trái tôi là một chiếc lọ nhỏ. Tôi từ từ mở các ngón rồi nâng chiếc lọ thuỷ tinh nằm ngang trong lòng bàn tay lên gần tầm mắt. Bên trong lọ là một hỗn hợp các chất lỏng màu xám đậm nhạt với tỷ trọng khác nhau. Tôi nghiêng tay: lớp cặn đen, xám tro và một ít hạt màu nhạt như cát chao đảo rồi trượt theo thành lọ dồn về một phía.

Tôi chỉ cần uống hết lọ này là được trả về nếp sống cũ: vị giác tôi sẽ được phục hồi để phân biệt vài trăm độ mặn và vô số mực đắng. Tôi sẽ không nhầm lẫn giữa mùi nồng nực của tham lam và hương nồng nàn của đam mê. Vạn vật quanh tôi lần nữa sẽ thu mình về giữa muôn trùng những tầng trắng xám đen qua thị giác của loài chó. Mắt tôi sẽ cố giãi bày thứ ngôn ngữ sâu lắng của loài câm.

Để che đậy những mảnh vỡ và rạn nứt không chữa được, tôi lại vùi mình dưới đáy bùn sâu hầu được ngủ yên qua số thế kỷ còn lại và những biến động không thể tránh khỏi.

Đau từ những đường rạn sâu và các mảnh đã mất khiến tôi ngỡ ngàng.

Tôi nuốt.

*

Trong tay phải tôi là một chùm bóng bay rực rỡ sắc cầu vồng. Tôi nheo mắt nhìn lên: bầu trời xanh ngát trên cao bị che khuất gần hết bởi chùm bong bóng lớn gấp ba lần thân thể tôi.

Tôi nhìn xuống đôi chân mình: cổ chân phải tôi mang một đai sắt được xích chặt vào trụ đá dưới chân thềm.

Thảo nào tôi đã không bay lên với chùm bóng khổng lồ.

Tôi sợ chiều cao.

Tôi ngại gió.

Tôi bị choáng bởi màu sắc rực rỡ.

Bầu trời rộng quá, biết chỗ nào cho tôi ẩn náu?



IV.



Tôi hít sâu. Gió sớm mang theo hương biển lướt qua những tàn cây. Mùi tự do lùa qua tóc, mơn man trên mặt, thấm vào da làm lành các vết thương, và cuốn đi dư âm của những niềm đau.

Tôi nguyên vẹn và hoàn hảo như một đứa bé mới chào đời.

Tôi nhìn xuống đôi chân trần trên bậc đá — đôi chân của tôi ngày còn bé.

Tôi từ từ đứng lên. Chùm bong bóng kéo tay tôi, nhấc tôi lên khỏi mặt đất.

Tôi nhón mũi chân trái, mắt vẫn không rời đai sắt quanh cổ chân phải.

Tôi vừa tìm thấy cái chốt nhỏ ngay trên xương mắt cá phía trong của cổ chân phải.

Tôi hít sâu. Rồi ghìm hơi thở. Mũi chân trái rà tới rồi ấn nhẹ lên nút.

Tách.

Đai sắt mở ra. Chùm bong bóng trên cổ tay phải kéo tôi vút lên.

Tôi mở tay trái. Chiếc lọ rơi nhanh rồi mất hút khỏi tầm mắt.

Một mảng đen xám đậm nhạt nhờ nhờ mấy vệt trắng loang ra, nuốt dần các màu khác.

Tôi đưa tay trái che mắt, nhìn lên: mặt trời rực rỡ chiếu qua những chiếc bong bóng trong veo hắt lên tôi sắc cầu vồng.

Bầu trời xanh ngát và tôi tan vào nhau.



V.



Nhiều thế kỷ sau, các bộ lạc trên vùng núi xa còn truyền nhau huyền thoại về một cơn mưa nhiều màu đã mang đến đứa trẻ chỉ biết mỉm cười và trò chuyện bằng mắt.


Sydney 12/2013



Kẻ trộm



Vũ Trọng Quang



Lúc ba giờ đêm
thời khắc của nhà thơ
và kẻ trộm.
Rimbaud

Tôi sáng tạo tôi
một kẻ trộm mới
một hoàn cảnh tối đen khác

Lén vào nhà em thức khuya sáng mờ mệt mỏi
tĩnh vật đoá hoa cắm chai rượu
hồi hộp trộm với lấy
hồi hộp buồng phổi thèm khói

Chờ đợi em buông rèm sáng tắt ngái ngủ
trả lại đoá rác bên rượu ngã
mùi hương trộn mùi thuốc
bay mất theo đêm

Tôi sáng tạo tôi
tôi giao phối tôi
tôi dắt tay tôi
tôi chạy trốn tôi
một thủ phạm trong sáng



TẢN MẠN VỀ NGƯỜI SÀI GÒN







Nguyễn Thị Hậu

Trong những lúc “trà dư tửu hậu” hay “ngồi đồng” ở quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, chúng tôi nói đủ chuyện : từ chuyện lịch sử tới tin tức xã hội, từ văn hóa tới kinh tế… Nói gì thì cuối cùng vẫn quay về chuyện CON NGƯỜI - cái gốc của mọi chuyện. Bởi vì xã hội nào tạo nên con người ấy, con người nào phản ánh xã hội ấy.
Những người bạn của tôi, và cả tôi nữa, hầu hết đã sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền nhiều tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/ vào/ về Sài Gòn sinh sống. Có thể coi chúng tôi là “người nhập cư” vì cha mẹ không sinh sống ở Sài Gòn và chúng tôi không sinh ra tại đây, nhưng cũng có thể coilà “người Sài Gòn” bởi vì chúng tôi đã trưởng thành, lập gia đình, làm việc cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí có lẽ “nhắm mắt xuôi tay” cũng ở đây. Nhưng thế hệ con cái chúng tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, mặc dù quê quán ghi trên Chứng minh nhân dân ở đâu thì chúng vẫn tự nhận là “người Sài Gòn chánh hiệu”. Tất nhiên, nếu coi hộ khẩu là điều kiện tiên quyết thì chúng tôi phải được coi là người Sài Gòn “xịn”.
Ở Sài Gòn khái niệm “người nhập cư” thường được sử dụng trong cơ quan công quyền để phân biệt người có hộ khẩu và người không/ chưa có hộ khẩu ở Sài Gòn, nhằm mục đích “quản lý hành chánh”. Giới nghiên cứu hay gắn khái niệm này với loại hình “kinh tế phi chính thức” trong việc nghiên cứu hoạt động kinh tế của đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Còn trong đời sống hàng ngày hầu như người Sài Gòn ít sử dụng cách nói “người nhập cư” hay “dân nhà quê”, “dân tỉnh” mặc dù ở miền Tây Nam bộ hay gọi người Sài Gòn là “người thành phố”, đi Sài Gòn là “lên thành phố”. Vậy thì tôi, vừa với tư cách là “người nhập cư” vừa là “người Sài Gòn” có thể biết gì, hiểu gì về Người Sài Gòn? Có thể bắt đầu từ vài nhận biết có phần rời rạc sau đây chăng?
Đầu tiên, “người Sài Gòn” là sự hòa nhập về văn hóa (tính cách, lối sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục…) của người Việt, người Hoa và những tộc người “bản địa”. Người ta cứ quen nói rằng “Sài Gòn 300 năm” nhưng đó chỉ là nói về thời kỳ thiết lập nền hành chính của Chúa Nguyễn từ 1698 mà quên mất/ chưa biết Sài Gòn còn có quá khứ hơn 3000 năm của văn minh Đồng Nai – Cửu Long. Văn minh ấy do những tộc người khác “Việt” dựng nên. Rồi từ thế kỷ XVI – XVII, người Việt, người Hoa đã dấn bước vào vùng đất này, từ đó Sài Gòn, Nam bộ có thêm lớp chủ nhân mới. Cùng với người Khmer, người Mạ, người Chăm… sự hòa nhập truyền thống, văn hóa của tất cả những chủ nhân đã tạo nên Sài Gòn và người Sài Gòn mới mẻ, năng động và chân tình.
Khi nói đến người Việt người ta hay nói đến truyền thống lịch sử lâu đời và hào hùng, bốn ngàn năm văn hiến, văn minh sông Hồng, con rồng cháu tiên, những triều đại nổi tiếng chiến thắng ngoại xâm... Còn khi nói đến người Việt (ở) Nam bộ thì đầu tiên là kể về điều kiện tự nhiên thuận lợi của đồng bằng sông Cửu Long: vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất rộng người thưa, ít bị thiên tai như bão lụt hạn hán… Sau mới nói về nguồn gốc “lưu dân” và 300 năm hình thành. Nghiên cứu gia phả nhiều dòng họ, gia đình ở Nam bộ phần lớn được ghi nhận “thời ông cố ông sơ” từ miền Trung đi ghe theo biển vô Nam, đầu tiên định cư trên những giồng đất vùng cửa sông… rồi từ đó ngược các nhánh Cửu Long vào sâu vùng ngập trũng, khai phá đồng bằng và khai thác tự nhiên. Công cuộc khai phá này chẳng hề dễ dàng thuận lợi chút nào! Do đó tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu: tất cả hướng đến thực tế, không lý thuyết suông, không giáo điều, lấy hiệu quả lao động làm mục đích chính. Không hay than vãn, người Nam bộ bình thản “làm chơi ăn thiệt”. Đây chỉ là một cách nói đơn giản hóa, “coi vậy mà hổng phải vậy”, coi khó khăn đã qua như một việc chơi chơi, còn kết quả thực sự mới là quan trọng, là đã “có ăn”.
Người Sài Gòn/ Nam bộ di chuyển càng xa cái “gốc” đồng bằng sông Hồng thì sợi dây truyền thống càng dãn ra. Những tính chất của không gian “nông thôn làng xã” khép kín biến đổi theo thời gian, bị/ được đứt gãy do phải thích ứng với không gian địa – xã hội khác. Thay vào đó là sự tự lập và tính linh hoạt ứng phó với hoàn cảnh điều kiện mới và từ đó tạo ra truyền thống mới, dám thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh, thích nghi nhanh, chịu đổi mới “làm đại nghen? Ừa, làm đại đi” là phong cách làm ăn Sài Gòn/ Nam bộ. Làm đi, có sai cũng không sao, làm lại/ sửa sai mấy hồi! Quan trọng là không mặc cảm sợ sai và sửa sai nhanh.
Ở Sài Gòn/ Nam bộ “dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những điều khác lạ, cái mới. Là bởi người Việt trên bước đường lưu chuyển vào đây đã trải nghiệm qua những vùng đất toàn những điều mới lạ. Cùng với sự nhạt đi của tính chất phong kiến gia trưởng, việc tiếp xúc sớm với các giá trị dân chủ, bình đẳng của văn minh phương Tây làm cho người Sài Gòn khá cởi mở và trong các mối quan hệ xã hội và trong gia đình. Tính chất dân chủ trong xã hội phát triển nhanh, biểu hiện ở chỗ cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng và vì thế vai trò và trách nhiệm cá nhân cao “dám làm dám chịu”.
“Làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm dám chịu”… sự liên kết gắn bó, hòa trộn ba đặc điểm trên tạo nên người Sài Gòn/ Nam bộ. “3 trong 1” từ ứng xử đến làm ăn, trong sinh hoạt… không tách rời một đặc điểm nào, hình thành tính cách và làm nên hiệu quả của “công chuyện làm ăn” của người Sài Gòn.
Nói về Nam bộ thì không có hay ít có sự phân biệt văn hóa và người Nam bộ nói chung với văn hóa và người Sài Gòn nói riêng (có chăng có thể phân biệt chút ít giữa Đông và Tây Nam bộ). Nếu không quá khắt khe có thể coi người/văn hóa Sài Gòn là đại diện cho người/ văn hóa Nam bộ, từ giọng nói, ngôn ngữ, ẩm thực, tính cách, làm ăn… Có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn khi cần thì hỏi nhau “quê đâu” mà không hề có ý phân biệt người “nhà quê” hay “thành phố”. Giai đoạn đương đại, quá trình dân cư của Sài Gòn cũng khác với nhiều đô thị khác: Thời kỳ chiến tranh Sài Gòn là nơi mà nhiều người từ các tỉnh miền Trung đổ vào, từ miền Tây Nam bộ lên, nhất là khi chiến sự ác liệt. Sau năm 1975 Sài Gòn cũng là nơi có tình trạng thay thế dân cư lớn nhất và kéo dài cho đến nay: Người (thị dân) Sài Gòn ra đi bằng nhiều con đường, lúc ồ ạt khi chẳng mấy ồn ào; Người các tỉnh lại liên tục đổ vào Sài Gòn tới nay chưa hề giảm bớt. Còn Hà Nội trong chiến tranh dân cư rời bỏ thành phố đi về (tản cư, sơ tán) nông thôn, sau chiến tranh mới trở lại thành phố. Tuy nhiên Hà Nội và Sài Gòn cũng có một số điểm giống nhau: 1/ Sau khi chiến tranh chấm dứt khá nhiều người Hà Nội “gốc” và Sài Gòn “xịn” đã rời thành phố đi nơi khác sinh sống, tạo ra khoảng trống trong cơ cấu dân cư là tầng lớp thị dân lâu đời; 2/ Chính quyền thiết lập sau chiến tranh (Hà Nội 1954 và Sài Gòn 1975) đều do (hầu hết) những người (kháng chiến) ở nông thôn, rừng núi trở về lãnh đạo, tổ chức chính quyền chưa kịp thích nghi với những đô thị lớn nhất nước và 3/ hiện nay hai thành phố này có số lượng người nhập cư nhiều nhất. Những đặc điểm này để lại cho Hà Nội và Sài Gòn nhiều khó khăn trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại.
Nhưng, ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống, chắc chắn trở thành “người Sài Gòn”, bởi Sài Gòn phóng khoáng và rộng rãi mang lại cơ hội cho mọi người, bởi Sài Gòn không tự coi mình là đặc biệt khi đang sống bằng nguồn lực của chính mình và của những người đến từ mọi miền, đồng thời Sài Gòn cũng luôn chia sẻ, đóng góp những gì mình có cho cả nước.
Là kẻ hậu sinh trong việc nghiên cứu về văn hóa Sài Gòn/ Nam bộ; lại chưa được coi là “người Sài Gòn chánh hiệu”, vậy mà dám “tản mạn” về Sài Gòn và người Sài Gòn, âu cũng do cái tính “làm đại” của người Sài Gòn/ Nam bộ đã nhiễm vào người. Kính mong các bậc trưởng thượng về “Sài Gòn học, Nam bộ học” lượng thứ.
Sài Gòn 23/11/2012

CHÓ THIẾN



 phot_phet 



Tôi iêu chó lắm, tự bé. Mẹ tôi như hiểu lòng nên bắt đâu về một con nhưng tôi sợ nó một mình đơn côi nên nài mẹ mua thêm con nữa cho có đôi có cặp. Bà bảo người không có ăn, cơm đâu nuôi chó. Tôi năn nỉ và hứa sẽ khéo chăm, ăn ké cám bã của đám lợn gà. Cùng lắm tôi bê đi từng nhà mà xin cứt trẻ. Mẹ tôi đành.

Có một con đốm và một con vàng. Không biết mẹ tôi khéo chọn hay ăn may mà một đực một cái, cả hai lại đốm lưỡi, huyền đề. Bố tôi bảo khôn lắm đấy, chịu khó mà chăm. Tôi vâng dạ rồi đi dọn cho cả hai cái ổ bằng mê rách có lót rơm, đặt ở góc hè mé hiên.

Hai con chó lũn cũn, ngắn tũn, trông iêu cực. Tôi không biết đặt tên gì mà gọi theo màu lông. Chúng là con Đốm, con Vàng. Hẵng bé nên đi đứng đôi khi cứ loạng quạng như thằng say diệu, lại càng iêu.

Tôi chăm chúng ác liệt. Ngày hai bữa canh nước cơm sôi, lại còn bấu trộm vảy nồi cá kho cho thêm mặn mà. Nhiều hôm chắt cả nước đường của cậu út ốm nhưng tu chưa hết. Bởi đúng như mẹ tôi nói, người còn chưa đủ cơm thì chó làm gì có phần. Bữa nào đáy nồi gang cũng kêu đinh tai nhức óc bởi tiếng cạo thìa của mấy anh em. Tôi thương chúng lắm nên khi dọn cơm thường xới trộm một bát nhỏ bỏ gầm chạn rồi lúc dọn mâm lén lút trút canh thừa mắm cặn cho ăn. Nhờ thế mà cũng nhớn nhanh lắm.

Đến khi chúng thay lông và có da có thịt thì việc ăn uống mỗi ngày một tợn trong khi bát cơm nhỏ lại vơi đi. Bụng chúng hóp lại theo những hơi thở khó nhọc. Tôi thấy chúng lân la chuồng lợn liếm cám thừa rồi cong đít ỉa ra thứ bã chát xít rơm rớm máu. Nhiều bận còn lon ton ra cái xí hai ngăn nơi gốc nhãn mé vườn nhưng dường như cũng không sơ múi được gì khi người ta đuổi để giành phần phân kia cho cá. Tôi trông mà động lòng lắm nhưng chẳng biết làm gì. Tôi không dám hỏi mẹ làm sao để lo cái ăn cho chó vì đã hứa là khéo chăm rồi, nhưng cái tôi sợ nhất là bà nghe than vãn mà bán mất đi, thậm chí thịt. Rồi tôi nghe được chuyện bà tôi kể về ngày xa xưa mà qua cách bà nói thì cũng chỉ mới dăm ba năm thôi. Là cái chuyện đói quá phải nấu cháo cám với lá khoai lang mà húp cho đỡ xót ruột. Cám lợn được cho vào cái rây nhỏ, không có thì cho vào cái giần sàng tấm, đưa khéo tay là thứ bột mịn kia sẽ lọt xuống. Nước được đun sôi rồi cho cám mịn vào quấy đều. Rau lang thái nhỏ đổ vào nhanh tay. Thế là thành món cháo cám. Thích húp thì cho nhiều nước, thích ăn đặc kiểu bánh đúc thì giảm nước đi. Mẹ kiếp, quá cái phận hẩm chị vợ anh cu Chàng của ông văn sĩ Kim Lân.

Tôi làm y lời bà kể. Đun xong cũng chấm mút thử vị. Thơm tho lắm nhưng chỉ là cám mới thôi, chứ cám cũ thì hôi một mùi khó tả. Nhưng hai con chó thì hân hoan khủng khiếp, đến bữa là xoắn tít đuôi, khác hẳn cái lối vửa cụp vửa xòe thiểu não khi lân la chuồng lợn hay nhà xí.



Chúng nhớn trông thấy. Thay vì lũn cũn nom đĩnh ngộ hẳn ra. Thay vì ngắn tũn nom cũng ra dáng thanh niên oai vệ. Thay vì liêu xiêu thì giờ đường hoàng lắm lắm. Sủa giọng ồm ồm nhưng dứt khoát thay vì lách nhách mầm non. Chúng đã trưởng thành. Biết ngửi bướm đoi buồi dái nhau rồi hò hét phi nước đại mà quấn quýt. Con Đốm cái còn biết rớt ít giọt máu đào. Con Vàng đực chim thò ra đỏ rực. Sự trưởng thành và bản năng khiến chúng hung tợn hơn. Bằng chứng là tôi quát chẳng còn ăn nhời. Đến bữa lại còn cắn nhau dù bình thường thời quấn quýt. Ác nhất là cứ cào cổng đòi ra với đám chó ngõ, chó làng. Mẹ tôi sợ ra chúng cắn nhau nên dặn đóng tiệt, nhưng tôi biết bà sợ bị trộm chó câu đi, hoặc ít ra mới nhớn ham hố ái ân mà đi xa lạc lối.

Nhưng rồi chúng ngày càng mất nết. Người lạ cũng sủa, người quen cũng cào. Đêm vắng sủa ma vọng hư không đến là sốt ruột. Ai đã từng nghe chó cắn ma thì mới thấy thê thảm và khó chịu đến nhường nào. Mẹ tôi bảo nhẽ phải bán đi hoặc thịt nhưng bố tôi can, trộm cắp đang nhiều, thiến đi để trông nhà rồi tính tiếp. Tôi không hiểu lắm về việc thiến hoạn nhưng thấy không bán hay thịt thời vui lắm. Tôi hùa theo việc thiến hoạn. Miễn chúng còn ở với tôi.

Một ngày mẹ tôi gọi chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm thợ hoạn đến nhà. Chú hành nghề thú y, trừ voi Châu Phi và cá heo Địa Trung Hải chú chưa từng động chạm, chứ còn như ở An-nam, chưa giống gì là chú chưa từng ra tay. Từ hoạn lợn, thiến me cho đến le ve gà trống, chú thạo tất. Nghe đâu nghề này của chú gia truyền, bằng chứng là ông cố nội được các vua nhà Nguyễn điều từ Thanh vào Huế mà đi thiến cho người để làm hoạn quan hay thái giám.

Mẹ tôi dặn thiến con Vàng trước. Nhẽ bà là phụ nữ nên ưu tiên cho giống đực chăng? Nhưng tôi biết là bà làm phép thí dụ, xem chú thiến có lành lặn hay không. Con Vàng đực này khôn, tôi dụ mãi bằng cơm trắng mới buộc được chân chéo cánh khuỷu, mồm thít lạt giang năm bảy vòng. Chú tròng cổ vào cái lỗ tròn của cái gông chó, bắt tôi ấn chặt tay vào đầu nó. Mẹ tôi xăng xái lấy cái chảo nhôm đầy nhọ nồi và cái bình vôi bà nội vưỡn thường ăn giầu để ra một phía. Chú móc trong túi vải ra cái dao thiến, vát hình tam giác nhọn đuỗn mài một mặt sáng choang, vuốt hai đường sấp ngửa vào cái gấu quần mà tôi hiểu là tiệt trùng rồi lại ngậm lên mồm, mặt nhăn nhó mò tìm đôi cẩu hoàn của con Vàng đang teo đi vì sợ. Chú nặn nó lồi lên như cách các cô nàng dậy thì bóp mụn cá, ra lệnh tôi giữ chặt vào. Tôi chưa kịp nghiến răng thì chú đã đưa một đường lem lẻm vào hòn dái con Vàng, rồi nặn phòi ra một viên hình bầu dục trăng trắng. Chú xuýt xoa, bé mà ré to ngang đại cố. Trong khi mẹ tôi đang xâu chỉ thì chú lại xử lý nốt quả bên kia, trình tự thủ tục như hòn khai mạc. Xong chú khâu lại theo lối người ta khâu bì gai hay vén gấu áo, chấm tay bệt vôi đều vào đường chỉ rồi lại bện nhọ nồi lên trên. Tôi hiểu là chú đang sát trùng cho vết mổ. Cả quy trình kéo dài đâu 5 phút. Con Vàng được thả ra, cúp đuôi che dái khuyết, vửa chạy vửa rên rùi chẳng biết rúc xó xỉnh nào.



Tự đận bị thiến con Vàng đâm ra ngoan ngoãn theo lối ngớ ngẩn, hiền lành theo kiểu thi sĩ ngủ mơ. Nói chung rất vô hồn nhạt nhẽo, trừ cái vẻ cố tỏ ra lừ đừ của giống đực. Tôi không hiểu các ông hoạn quan hay thái giám khi xưa bị thiến đi tâm tính có thế không chứ tôi thấy con Vàng hơn cái là sủa to ra hẳn, âm bát (bass) trầm hùng. Khác hẳn với cái giọng the thé ánh kim nhiều tép của bọn áo mão hai chân. Nhẽ bao nhiêu tinh lực thay vì dồn xuống bi giờ xì ra đằng mồm hết cả? Khác cái giống người, hỏng bi là xì ra thanh la não bạt. Phát gớm!

Mẹ tôi thấy chó ngoan ra thì thích lắm. Bà rắp tâm diệt dục nốt con Đốm cái còn lại. Chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm thợ hoạn lại được gọi. Mà trần đời đéo ai như cái nhà chú này, làm lúc đôi việc tréo ngoe bỏ mẹ, là vửa đi nhân giống lại kiêm việc triệt sản. Vẫn như bận trước, tôi bẫy con Đốm bằng bát cơm trắng. Đến đây thì lý giải một tí là tại sao phải nguyên bát cơm, chứ thực ra vài hạt cũng đủ, thậm chí chỉ cần êu êu vuốt ve trìu mến là có thể trói được. Là vì khi thiến xong chúng đau nên bỏ ăn. Mà bỏ ăn thì yếu. Mà yếu thì hay bị nhiễm trùng vì cơ thể mất đi sức đề kháng. Nên phải cho ăn no, tử tế thì phải thêm khúc xương hay cái đầu cá. Rất tiếc là xa xỉ quá và con người phải chầu chực đến tháng mới có phần.

Khác với con Vàng, con Đốm bị rích một đường nhỏ nơi ổ bụng cạnh đùi sau. Tùy tài thợ hoạn mà to hay bé. Như chú Tuyết thì chỉ một lỗ nhỏ đút vừa ngón trỏ. Chú tì ba ngón còn lại lún bụng con Đốm, kết hợp với ngón cái véo lườn, hết bóp lại nặn thì phòi ra miếng đo đỏ to bằng hạt gấc mà chú bảo là hoa chó. Nó giống với cái hoa lợn khi chú thiến bầy heo cái đầu năm. Tôi hiểu đây có thể là buồng trứng hoặc là một cơ quan nào đó kích thích sự động cỡn hoặc lên cơn.

Con Đốm cũng ngoan hẳn, y cái lối tôi tả con Vàng trên kia. Tôi không chắc lắm có bằng cháu của bác gì hay không? Hoặc hơn? Đéo biết!

Các anh đừng tưởng chó thiến thì khôn ra, trừ cái vẻ như tôi đã nói là cố tỏ ra... giống chó. Được cái béo tốt hơn dù có kém đi khẩu phần. Ngoan nhưng ngu thì chả tích sự mẹ gì và tôi cũng chẳng mấy hứng thú chăm nom. Đúng đận vào năm học mới mẹ tôi bán đi cả hai lấy tiền mua cho mấy anh em áo quần sách vở. Mẹ tôi lừa tôi đi vắng thì mới kêu người đến bắt. Việc mắt không thấy nên tim không đau nhưng tôi trống trải mất mấy ngày dài. Mọi nhẽ chỉ nguôi ngoai khi tôi có áo hoa sách mới, thêm đùm kẹo mấu xinh xinh. Chuyện mà hết ở đây thì nhạt hơn cả nước lồn phò hiu trí. Tôi kể nốt một tý vỹ thanh về chú Tuyết bán tinh lợn giống kiêm nghề thợ hoạn, người có cái hân hạnh thiến con Đốm, con Vàng.

Vào đúng khi cao trào triệt sản người lên cao, chú Tuyết từ nghề phối giống lợn kiêm thợ hoạn bỗng chốc ngoi lên làm trạm xá trưởng. To lắm chứ đùa à?. Nghe đâu để ngoi lên được chức này, chú là người tiên phong thắt ống dẫn tinh đầu tiên toàn tỉnh, hình lên cả báo Nhân Dân. Chú là niềm tự hào của tỉnh nhà, lá cờ đầu của cái vinh dự về sự mẫu mực tiền phong. Khỏi phải nói về cái hân hạnh của làng xã, đến nỗi đội thiếu niên được huy động ngày nào cũng trống dong cờ mở cổ động ầm ầm tên chú. Tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái là: toàn xã noi gương đồng chí Tuyết thắt ống dẫn tinh. Dẫn tinh - Dẫn tinh - Dẫn tinh. Thình - thình - thình ( trống đệm).



Mẹ kiếp, hô thế nên thảo nào cả làng cả tổng đẻ ngày một dày, cấm có ngăn được. Chú Tuyết làm trạm xá trưởng đâu được vài năm mà để dân đẻ hăng hái quá, không hiểu bị cắt chức hay xấu hổ thoái bộ. Nhưng có một điều chắc chắn, chức cắt hôm trước thì hôm sau chú đã đi viện tỉnh tháo ống dẫn tinh. Không hẳn là chú muốn sinh thêm con bởi theo chú nói để tránh việc xuất ngược ra đằng mồm. Chắc là vui vẻ thôi, chứ lại chả có nhẽ hehe...?!

Tôi vẫn nuôi và yêu quý chó cho tới tận giờ. Mẹ tôi sau bận đó cũng không thiến hoạn thêm một con nào nữa. Có điều chả hay được bán hoặc được ăn thịt bởi không bị câu mất thời cũng động dục mà lạc lối quay về. Có vài con khôn ngoan và tốt số sống cùng với gia đình tôi, ít thì 8 năm, nhiều thì cũng bằng tuổi cô nàng trăng tròn 16, rồi tự già mà chết. Nhà tôi không ăn mà đem chôn tử tế dù có nhiều bần nông ngỏ ý rình mò.

Hôm rồi lên trang trại thằng Bôm Bốp thấy bầy chó xinh quá nên xin một con đực về nuôi. Bỏ đó đi Sài Gòn công việc gần tuần giời, dặn con vợ già chăm nom cẩn thận. Tối hôm kia về, khi đương đứng ngoài tụt xịp chui nhà vệ sinh giải quyết nỗi buồn kiêm cả khâu oai thì nó chẳng hiểu nhớ chủ giỡn chơi hay mừng vui thái quá mà đu lên vồ ngay đôi cà nơi bộ hạ.

Mẹ con chó! Mai tao thiến!

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

ĐẠO VĂN HAY CẮT DÁN TRONG MÊ SẢNG ?





Chân Phương



Đọc mấy trang thơ cuối tuần này (25-5-2012) trên Tiền Vệ, tôi phát hiện một số điều quái lạ và buồn cười trong bài thơ Trở Giấc của Trần Hữu Dũng - hình như tác giả đã cắt dán và vay mượn “tự nhiên” các câu chữ và tứ thơ chủ yếu từ hai bài Le Grand Jeu và One-Way Traffic Blues của tôi (trước đó post trênlitviet và sáng tạo.org, rồi đăng lại vào đầu tháng 5 -2012 trên website amvc ).



Tôi sẽ dùng phương pháp so sánh văn bản trình bày song song các câu hoặc đoạn thơ, và nhường phần kết luận cho độc giả. (Đối với các câu chữ khả nghi:in nghiêng là mượn tứ, in đậm là sao chép từ ngữ).





Le Grand Jeu- Chân Phương                 Trở giấc -Trần Hữu Dũng

mỗi ngày                                                                      Ngày ngày
tôi tiếp tục cắt dán                                       Cắt vụn những giấc mơ
tưởng tượng thành ngôn từ          Thành vô số cánh bướm bay lả tả       
mượn cát sóng cỏ cây đá mây
bày trò chơi ký hiệu                     Thong thả đọc câu thần chú
thong thả sưu tập                          Trấn an chính mình
mật mã cùng thần chú                   Cố thoát khỏi hẻm vực tối tăm

cánh chim khai mạc rạng đông là dụ ngữ

treo bài thơ tỏ tình
trong nghĩa trang các giấc mơ

làm hacker
đột nhập các địa chỉ email                       Lẻn trèo vào facebook
hò hẹn với đám đàn bà mang mặt nạ      Làm tình với người yêu ảo

nhẫn nại biên soạn
                    Gấp rút soạn cuốn tự điển cho bọn cá cược chính trị
đại từ điển bách khoa cho loài mộng du …

đứng trước mấy nhà bảo tàng
bán đại hạ giá những bản đồ quá vãng
                                                 Ngồi vỉa hè kể chuyện tiếu lâm đen
để làm gì?                          Đấu hót với những thần tượng mục nát
                                    Thong thả bơi trong biển sương mù dối trá
bọn cháy túi huyền thoại
lũ thua bạc triết học

hỏi tôi
để làm gì?

để chống trả phép thuật của Maya                               Đêm đêm
                                    Tôi học cách chống trả sự vây hãm, rẻ tiền
biết ngụy trang
tro bụi và không khí

chẳng hạn dưới dạng phim bộ tivi
đầy quỉ thần bằng cao su  
                                    Núp dưới dạng bộ phim nhiều tập trên tivi
đấu đá trước thiên đàng giấy bồi
                                      Giữa đám gái vú mông phẫu thuật õng ẹo
hoặc mớ vú mông phẫu thuật 
                 Trái cây Tàu ướp hóa chất và thuốc bổ làm từ thai nhi
giữa trái cây đồ nhựa hay mấy chùm hoa giấy
                                        Em hiện ra như nhánh hoa lys tinh khiết




Bài thơ của Trần Hữu Dũng chưa hết, dù sao độc giả nào chịu khó theo dõi sự đối chiếu đến đây đã có thể nhận thấy nhiều trùng lặp không tình cờ hoặc sắp xếp trước sau chẳng vô ý chút nào! Nhưng đến hai đoạn cuối thì tôi bật ngửa cười to khi bắt được quả tang một sự đạo văn ngô nghê và trắng trợn!



Mách có chứng! Trên LitViet ngày 12-5-2012, tôi giới thiệu và dịch vài bài của Rade Drainac, nhà thơ gốc Serbia. Ở đoạn cuối của hai bài thơ Cảnh Trí vàLá có mấy câu như sau:



Bằng hơi rặn cuối người đàn bà nơi bệnh viện
Hạ sinh mặt trời… ( Cảnh Trí)



Nhỏ như con bướm, một phi cơ vừa được phát minh
Tín hiệu này tốt đấy. Bravo! … ( Lá )


Đoạn áp chót trong bài Trở Giấc nói trên là mớ câu chữ dưới đây:

Tự nhủ uống say mèm để quên đi
Ám ảnh thù hận, nhát dao đâm lén
Tưởng tượng kỳ quặc
Về người đàn bà ở bệnh viện Từ Dũ
Rặn một hơi dài - Hạ sinh mặt trời
Tín hiệu tốt cho một khởi đầu mới!

Rồi đến phần cuối, Trần Hữu Dũng đã tặng cho bài thơ của mình phát súng ân huệ như sau:

Trở giấc
Vòng quay
Bánh xe ẩn dụ từ ngữ
Lăn hoài Lăn hoài…



vì đây là tứ thơ và mấy câu xuất thần của tôi khi dứt điểm bài thơ One-way traffic blues. Mời các độc giả - bồi thẩm đoàn đọc lại bài này;



ONE-WAY TRAFFIC BLUES

gần một giờ sáng
mưa giông lập xuân
gần hai giờ sáng
xa lộ ướt trơn

gần ba giờ sáng
phóng về Boston

gần bốn giờ sáng
em tôi cô đơn

gần năm giờ sáng
kiếp buồn di dân

gần sáu giờ sáng
Hoa Kỳ trở giấc

gần bảy giờ sáng
ca mới bắt đầu



* * *

highway expressway
váng vất tay lái

runway freeway
chóng mặt vòng quay

this way ?
that way ?

bánh xe ẩn dụ
lăn hoài lăn hoài


* *



Trần Hữu Dũng là một ngòi bút có nhiều sáng tác , thường xuất hiện trên Tiền Vệ, Văn Chương Việt,…và hình như ông cũng là hội viện Hội Nhà Văn VN. Nếu bài thơ Trở Giấc có ghi chú minh bạch xuất xứ của các câu và tứ “có nghi vấn” thì có thể coi như

Trần Hữu Dũng đã “họa vận” mấy bài của Chân Phương.

Dĩ nhiên, trò chơi văn nghệ này khả dĩ; và đôi lúc vẫn xảy ra trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng trong sự cố mà chúng ta đã mất thời giờ khảo sát trên đây, ẩn hiện một ý đồ khó hiểu! Đã đến lúc dừng bút, xin trao lại cho dư luận thông minh quyền phán xét .








ảo ảnh phù du

Thơ : Phù Du

ảo ảnh phù du



tôi người bám víu mộng mơ
em người ảo ảnh xa mờ chân mây
hành trình hóa kiếp ăn mày
ngổn ngang ân huệ viết cay mắt già
bàn tay mộng tưởng thăng hoa
nửa trời gấc đỏ em xa tay gầy.

1970




mai sau



mai sau có nát lời thề
rêu xanh rẽ ngọn trở về thương đau
xin em ngôn ngữ phút đầu
cho dù chung cuộc tình sâu vẫn còn.

1970




sợi tóc


sợi tóc khô về nguồn ca hoan
nắng thủy tinh kết áo em vàng
một ngõ cũ mờ chân khói tím
đón em vào màu da cỏ non.

1970



mơ hồ



ngày như chết trong vòm mắt đục
ta mơ hồ ngủ khỏi trăm năm
xem tình xưa như ngày xưa xa xăm
sống là đã chết mơ màng trong mộng
một ngọn gió rơi trên tiếng vọng
ngỡ ngàng như nghe thoáng hoang vu
người đi còn để lại mùa thu
trên sầu tắt nắng hanh đầu ngõ
trên buồn úa nửa vùng lau cỏ
trong vang vang hơi buốt vào hồn
người đi còn để lại mắt khói sương
ta còn như ngủ với hoang đường
đong trên tay chưa đầy tiếng khóc
ta còn như sáng và còn như tắt
soi bóng người với đom đóm con tim
chuỗi tháng ngày chớp nháy với im lìm
trăm năm vẫn tình xưa ấp ủ
trăm năm vẫn lối mòm ủ rũ
dù cho người một phút ngạo cười
dễ đã chết những ngày tháng lạ
ta cơ hồ ngủ khỏi đôi mươi
dễ đã chết một lời cảm tạ?

1971