Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Thế giới ảnh khỏa thân của Dương Quốc Định: Phương Đông huyền bí ( beauty of Vietnamese women )



Trong hàng nghìn năm qua, phương Đông luôn là một vùng đất bí ẩn và đầy quyến rũ, mời gọi những bước chân lữ hành lên đường khám phá…

Đó là vùng đất của những minh triết cổ xưa, những kho báu vô giá, và không thể thiếu những mỹ nhân mang vẻ đẹp chim sa cá lặn.

Cảm nhận điều này qua các tác phẩm do nghệ sĩ Dương Quốc Định thực hiện:





























































Chúng ta đã thực sự tin nhân dân?


Chúng ta đã thực sự tin nhân dân?

 Tiến sĩ Lý Lê Kiên Thành

.Nhưng người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu.
.Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!



Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra. Đến thời điểm này, Đảng đã tròn 85 tuổi, với 70 năm lãnh đạo đất nước.

Là con trai của một người Cộng sản đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, tôi có một khao khát tột cùng, là Đảng sẽ thực sự vững mạnh, sẽ thực sự là Đảng của dân tộc, của nhân dân, quên mình vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân…

Nhưng những đêm vắt trán nằm suy nghĩ về đất nước, tôi hiểu chúng ta còn thiếu và sai nhiều. Một trong những cái sai đó là chúng ta chưa thực sự biết tin dân!

Ở châu Âu, Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ bé, không giáp biển, không tài nguyên thiên nhiên. Đất nước Thụy Sĩ không có ngôn ngữ chung: 40% nói tiếng Pháp, 30% nói tiếng Đức, 20% nói tiếng Italia và một số nói thổ ngữ…

Nhưng nước Thụy Sĩ có thịnh vượng không? Rất thịnh vượng!

Vì sao nước Thụy Sĩ thịnh vượng, với hoàn cảnh đất nước phức tạp như thế?

Đó là vì cái gì họ cũng trưng cầu dân ý. Mọi quyết định lớn nhỏ của đất nước giàu có đó, đều được Chính phủ Thụy Sỹ thực hiện trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến nhân dân.

Khi Chính phủ trưng cầu dân ý có nên hạn chế lương của người giám đốc công ty chỉ được cao hơn 12 lần so với lương của công nhân không? Người Thụy Sĩ bảo không. Họ nói người tài đã ít, chúng ta muốn giàu thì phải tôn trọng người tài!

Khi Chính phủ hỏi nhân dân, người Pháp làm 35 giờ một tuần, chúng ta có nên làm theo không? Người Thụy Sĩ nói không, nước mình nghèo nên mình vẫn phải làm 40 giờ một tuần…

Nhờ đó, Chính phủ Thụy Sĩ biết nhân dân cần gì, muốn gì. Mọi quyết định hệ trọng của đất nước đều được sự góp ý và đồng thuận của nhân dân.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi sang gặp Tổng thống Thụy Sĩ, đã từng được Tổng thống Thụy Sĩ tiếp đón trong một bốt bưu điện, với chỉ một cái giường, một cái bàn, hai cái ghế.

Theo luật, Tổng thống nước họ không được ở khách sạn mà phải ở nhà của bưu điện. Và người làm Tổng thống của họ không có quyền hành gì ghê gớm mà là do các Bộ trưởng thay nhau làm tổng thống trong vài tháng.

Tổng thống chỉ đơn thuần sẽ có vai trò báo cáo lại với nhân dân. Nghĩa là ở đất nước đó, người dân giám sát chính phủ một cách gần như tuyệt đối và có quyền đồng ý hay phủ quyết với mọi việc chính phủ làm.

Đó chính là ví dụ rõ nét nhất về sự giám sát và làm chủ của nhân dân.

Đó là lý do khiến Thụy Sĩ trở thành quốc gia được cả thế giới tôn trọng về những thành tựu đã đạt được.

Việc thừa nhận vai trò của người dân và lắng nghe ý kiến của người dân là bài học mà chúng ta phải học từ đất nước này!

Năm 1284, khi quân Nguyên Mông mang 50 vạn quân xâm lược nước ta lần thứ hai, nhà Trần đã biết tổ chức Hội nghị Diên Hồng, để hỏi ý kiến nhân dân về việc chủ hoà hay chủ chiến.

Nhờ nhân dân cả nước đồng lòng đánh giặc, nhà Trần đã đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới khi đó.

Nghĩa là từ cả nghìn năm trước, những người đứng đầu đất nước ta thời kỳ đó đã biết hỏi ý kiến nhân dân, biết tin nhân dân, và biết cách để quân dân trên dưới một lòng trong những quyết định lớn lao của dân tộc.

Và thực tế đã chứng minh, khi có được sự đồng lòng, thì một dân tộc nhỏ bé cũng có thể trở thành vĩ đại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta cũng mang vóc dáng đó, và cũng vì thế mà ta đã chiến thắng được Mỹ.

Nhưng ngày hôm nay, Đảng còn tin vào sự sáng suốt của dân như đã từng tin trong quá khứ hay không?
Tôi vẫn thường nghĩ đi nghĩ lại, là tại sao, Đảng Cộng sản Việt Nam chọn con đường theo tư tưởng của Karl Marx, lấy giai cấp công nhân là nòng cốt, ngay từ thuở ban đầu chưa có thành công gì mà lại có thể hấp dẫn quần chúng nhân dân ở một đất nước nông nghiệp như nước ta thuở trước?

Điều đặc biệt là Đảng đã thu hút được những người tinh túy nhất của xã hội vào trong lòng nó, hấp dẫn được cả dân tộc tham gia vào sự nghiệp đó.

Năm xưa, khi bà mẹ miền Bắc gửi con vào miền Nam đánh giặc, khi bà má miền Nam đào hầm nuôi giấu bộ đội, họ – những người phụ nữ ấy, chẳng thể hiểu thế nào là Chủ nghĩa Xã hội, cũng chẳng biết ông Karl Marx, ông Lenin là ai.

Nhưng họ vẫn theo Đảng, theo Bác Hồ. Không phải họ chọn chúng ta vì lý thuyết đó, mà vì thời điểm ấy, ngay khi ra đời Đảng đã đặt mục đích của giai cấp, mục tiêu của giai cấp nằm trong lòng mục đích, mục tiêu của dân tộc.

Chưa bao giờ ở thời đó Đảng đặt vị trí của giai cấp, vị trí của Đảng lên cao hơn mục đích, lý tưởng của cả dân tộc này.

Và khi biết đặt mục đích của dân tộc, của đất nước lên cao, không phải vì một nhóm người nào, Đảng đã quy tụ được những người ưu tú nhất vào trong hàng ngũ của mình và có được sự ủng hộ mãnh liệt nhất của cả đất nước này.

Suốt một thời gian dài, Đảng gần như dựa hết vào người dân, người dân nuôi, người dân bảo vệ, người dân ủng hộ. Người Cộng sản có thể gửi gắm cả tính mạng mình cho nhân dân khi bị kẻ thù uy hiếp.

Nhưng khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc “nhìn xuống” nhân dân của mình.

Bác Hồ nói “người lãnh đạo là người đầy tớ của nhân dân”. Nhưng một số người Cộng sản, khi đã trở thành quan chức, khi đã đi xe hơi, ở nhà lầu thì họ không còn nhìn thấy phần “đầy tớ” thực thụ của họ trước nhân dân.

Tôi cho anh quyền ở cái nhà này, đi cái xe này, nhưng anh phải làm như trâu như ngựa cho tôi. Đó mới là thân phận thực sự, là ý nghĩa thực sự, bản chất thực sự của hai từ “đầy tớ”.

Cũng có nghĩa là, anh chỉ là người lái xe ôtô, còn người chủ thực sự là tất cả những người mua xe đó, ngồi trong xe đó, và bất kể anh muốn lái chiếc xe đó đi theo con đường nào, lái nhanh hay lái chậm, đều phải có được sự đồng thuận từ chủ nhân thực sự của nó, là nhân dân.

Người lãnh đạo ở Thụy Sĩ hiểu một điều, nếu người dân không đồng ý thì anh sẽ không được nắm quyền. Quyền đó là người dân trao cho anh, chứ không phải tự anh sinh ra đã có.

Người Cộng sản Việt Nam cũng phải hiểu điều đó!

Nhưng tôi vẫn lo sợ rằng, cách mà chúng ta đang điều hành bây giờ có thể đó đây phần nào đã làm lu mờ đi vai trò của nhân dân với tư cách “làm chủ”.

Những cụm từ “Đảng soi đường”, “Đảng chỉ lối”, “Đảng dẫn dắt” mà chúng ta vẫn hay dùng, vô hình trung đã khiến cho tất cả chúng ta đều có cảm giác Đảng đang vượt lên cả dân tộc và làm cho vai trò rất lớn của nhân dân phần nào bị lu mờ đi.

Tôi rất lo sợ, qua năm tháng, chính những câu chữ đó cũng đã tạo ra sự ngộ nhận cho chính những người trong Đảng.

Nhưng người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu.

Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!

Năm nay là tròn 70 năm Đảng lãnh đạo đất nước, nhưng theo tôi nhớ chúng ta chưa một lần trưng cầu ý dân.

Phải mãi đến ngày 25/11/2015, đúng một tháng trước, sau rất nhiều lần nâng lên đặt xuống, Luật Trưng cầu dân ý mới được Quốc hội chính thức thông qua, trong khi đó đáng lẽ là điều phải làm từ lâu lắm rồi!

Lẽ nào đất nước mình tốt đẹp đến mức, hùng mạnh đến mức không còn bất cứ vấn đề nào cần thiết để trưng cầu ý dân?

Tất cả chúng ta đều biết sự thật không phải vậy! Những người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã báo động về sự tồn vong của Đảng, sự tồn vong của dân tộc trước sự tha hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên.

Những ai thẳng thắn nhất, sòng phẳng nhất đều phải đối diện với sự thật này.

Một đảng cộng sản đã từng được nhân dân che chở từ những ngày đầu, nhờ nhân dân mà trở nên hùng mạnh, nhờ dân tộc mà trở thành Đảng lãnh đạo, không có lý do gì lại không nhờ nhân dân hiến kế để sửa chữa những vấn đề của mình.

Nếu không làm được việc này, chỉ có thể là vì chúng ta đã chưa thực sự tin vào nhân dân và không hiểu được đến tận cùng sức mạnh của nhân dân. Mà, muốn tin nhân dân, thì phải có trí tuệ, phải có lòng dũng cảm.

Tôi mãi băn khoăn một điều, tại sao ở nước ta, hình thức bầu cử là “Đảng cử, dân bầu” mà không phải là “Đảng cử, dân cử, dân bầu”, để nhân dân cũng được quyền trực tiếp đề cử và lựa chọn những người lãnh đạo mà họ thực sự mong muốn?

Tôi cũng mãi băn khoăn một điều, khi Quốc hội – cơ quan đại diện cho nhân dân giám sát Đảng và Nhà nước mà lại có đến 90% là đảng viên thì mình sẽ hình dung được cách làm của Quốc hội như thế nào?

Khi một cơ quan của dân và không nhiều người dân ở trong đó đến như vậy, thì chúng ta đã tin dân hay chưa? Tất nhiên Quốc hội đang phấn đấu thay đổi tỷ lệ này trong khóa tới.

Với những chính sách ràng buộc khiến 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, vô hình trung, chúng ta đã khiến Quốc hội không còn là cơ quan nói lên tiếng nói của dân. Mà cơ quan dân cử phải là của dân, đó là lẽ đương nhiên.

Những sự ràng buộc đó chỉ chứng tỏ rằng bản thân chúng ta không tự tin vào sự sáng suốt của người dân, chúng ta không đủ dũng cảm để tin vào người dân như chúng ta đã từng tin trong quá khứ.

Trước đây sự sống còn của Đảng là do người dân, và tất cả những đảng viên đều hiểu điều đó. Vậy mà giờ đây, khi vận mệnh của Đảng đang khó khăn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chúng ta lại không dám hỏi ý kiến dân.

Trước đây khi chúng ta muốn nói điều gì với dân, chỉ dùng một tờ truyền đơn là người dân tin.

Trong khi đó hiện chúng ta có đến khoảng 800 đầu báo mà chúng ta lại lo sợ nhân dân sẽ hiểu sai về Đảng khi đọc những tiếng nói trái chiều trên những trang báo lề trái. Đó là điều phi lý mà tôi không cắt nghĩa được.

Lẽ nào chúng ta không đủ tự tin vào sự nhận thức của nhân dân? Vào khả năng phân biệt đúng sai của nhân dân trước những luận điệu đó?

Thật ra có lẽ điều đáng sợ nhất hôm nay, điều mà người Cộng sản nên lo lắng nhất hôm nay, không phải là những bài viết mà chúng ta quy kết là “phản động”, là “chống phá” trên mạng xã hội. Điều đáng sợ là tại sao người dân bây giờ lại ít mua báo?

Ngày xưa những bài báo làm nức lòng người nhất là trên báo Nhân Dân, ngược lại ngày nay những tờ báo như vậy hầu như không bán được ở sạp, vậy mà không lãnh đạo nào để ý, hay cảm thấy lo lắng, khi mà điều đó đã đánh động rằng, tiếng nói của Đảng và dân đang ngày càng cách xa nhau.

Thế giới đang thay đổi theo từng giờ, từng ngày.

Mọi thứ đều phải đổi mới, đương nhiên dòng sông không chảy thì sẽ thành một vũng nước, con chim không đập cánh thì sẽ trở thành một bộ xương ở gốc cây và cá nhân một người Cộng sản, mặc dù vẫn là con người ấy, chính thể ấy nhưng vẫn phải đổi thay từng bước.

Ngày hôm nay, Đảng Cộng sản cũng cần phải thay đổi để tránh những nguy cơ ấy.

Đầu tiên, có lẽ là học cách tin vào sự sáng suốt của nhân dân!

————–

http://antgct.cand.com.vn/So-tay/Chung-ta-da-thuc-su-tin-nhan-dan-377799/

Biểu hiện của người có văn hóa



Thế nào là người có văn hóa? Nhiều khi có những kẻ “chữ nghĩa đầy mình” lại hành xử vô văn hóa. Ngược lại, có những người dù ít học nhưng luôn hành xử tinh tế và lịch thiệp. Dưới đây là những đặc điểm của người có văn hóa.

Họ trân trọng cá tính con người, vì vậy luôn độ lượng, nhẹ nhàng và nhường nhịn… Họ không nổi đóa lên khi không vừa ý.

Họ bỏ qua những câu chuyện lúc ầm ĩ, lúc lạnh lùng. Bỏ qua những sai sót của người khác, những câu châm chọc, sự có mặt của người lạ trong nhà.

Họ có lòng trắc ẩn không chỉ với những người ăn mày, hay những con mèo. Tâm hồn họ đau đáu cả với những điều mắt thường không trông thấy được.

Họ tôn trọng tài sản của người khác, và vì vậy luôn nỗ lực trả hết các khoản nợ.

Họ trung thực và sợ sự dối trá như sợ lửa. Họ không nói sai cả trong những điều vặt vãnh. Nói dối là xúc phạm người nghe và hạ thấp người nói trong mắt người nghe.

Họ không phô trương, hành xử ở nơi công cộng như ở nhà, không phỉnh phờ lớp người trẻ tuổi… Họ cũng không ba hoa, không giãi bày tâm sự những khi không được hỏi đến. Tôn trọng người khác, họ thường im lặng.

Họ không tự hủy hoại mình để khơi dậy lòng cảm thông và sự chăm sóc, giúp đỡ của kẻ khác. Đó là việc làm của kẻ yếu đuối, hay mất phương hướng.

Họ không phù phiếm. Họ chẳng quan tâm đến những trò hư vinh, như việc quen biết các nhân vật danh tiếng, lời thán phục của đám tha nhân, làm trung tâm ồn ào nơi quán rượu…

Nếu họ có tài năng, thì họ biết trân trọng nó. Vì nó họ hi sinh những chuyện rượu chè, bài bạc, những việc lăng nhăng…

Họ cần sự tươi mới, tao nhã, sắc sảo nên không đánh giá cao đối tác ở khả năng giường chiếu. Họ không phải là con heo, hay ngựa…

Để hoàn thiện bản thân, họ luôn học hỏi, tìm tòi, suy ngẫm… Họ trân trọng thời gian đến từng phút từng giây.

Sưu tầm

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Tại sao Phật giáo gần như biến mất khỏi Ấn Độ


Philippe Cornu -Hoàng Phong dịch

Lời giới thiệu của người dịch : Ông Philippe Cornu là đương kim Chủ tịch Đại học Phật giáo Âu châu, Giảng sư tại Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây Tạng, Trung Hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự điển Bách khoa Phật giáo.



Sau đây là một bài báo ngắn do nữ ký giả Cathérine Golliau phỏng vấn ông, đăng trên một tờ tạp chí lớn của nước Pháp là Le Point (số ngoại lệ với chuyên đề về nên Văn minh Ấn độ, số 3 tháng 7 và 8, năm 2008).
Báo Le Point: Có phải đấy là một phản ứng chống lại đạo Bà-la-môn hay không?

P. Cornu : Đức Phật xuất hiện vào một thời điểm mà các bản kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn bị chỉ trích là chỉ biết chú trọng đến nghi lễ, một số người không chấp nhận khía cạnh ấy của đạo Bà-la-môn đứng ra soạn thảo các kinh điển mới gọi là Upanisad, các kinh này quan tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân. Con đường của đức Phật nằm trong bối cảnh diễn tiến đó của kinh điển Upanisad, tuy nhiên tính cách đặc thù trong luận lý và kinh nghiệm của đức Phật khác hẳn các hình thức cải tiến của đạo Bà-la-môn qua các kinh điển Upanisad như vừa kể.

Báo Le Point : Đâu là những khác biệt chính yếu cho thấy những điểm trái ngược giữa hai trào lưu đó?

P. Cornu: Trọng tâm trong những lời giáo huấn của đức Phật là tính cách vô thường của tất cả mọi sự vật, sự kiện không hề có một “cái ngã” trường tồn, và những gì mà thông thường người ta gọi là sự tương liên hay là sự tương tạo dựa vào nhiều điều kiện, nguyên tắc ấy cho thấy mọi hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên đới với nhau, những hiện tựơng này làm điều kiện giúp cho những hiện tượng khác hiện hữu.

Tham vọng muốn kiểm soát mọi vật thể và lòng ước mong chận đứng, bằng bất cứ giá nào, những chuyển động của vô thường, sẽ làm phát sinh những hiểu biết sai lầm về thế giới này và do đó chỉ đem đến khổ đau mà thôi.
Tại sao lại như thế?

Bởi vì tất cả những hành vi của chúng ta đều nhắm vào ý đồ kiểm soát thế giới này và mọi sự hiện hữu, và sự căng thẳng đó nhất thiết sẽ tạo ra một hố sâu khổng lồ ngắn cách một bên là những gì chúng ta mong muốn được nhìn thấy và tin rằng những thứ ấy là hiện thực, và bên kia là bản thể đích thực của hiện thực.

Báo Le Point : Tuy thế Phật giáo và Ấn độ giáo đôi khi lại sử dụng một số ngôn từ giống nhau…

P. Cornu : Đúng thế, nhưng ý nghĩa thì lại khác nhau. Hãy lấy thí dụ chữ “karma” (nghiệp) (1). Trong đạo Bà-la-môn thuộc hệ thống kinh điển Vệ-đà, karma tượng trưng cho một hành vi mang tính cách nghi lễ giúp hội nhập với thế giới thiêng liêng. Đối với Đạo Bà-la-môn cải tiến trong hệ thống kinh điển Upanisad, thì chữ karma lại mang ý nghĩa về luân lý : tùy theo hành vi mang phẩm tính thiện hay ác, sẽ tạo ra một loại khả năng tiềm tàng, và chính khả năng ấy sẽ chín muồi khi tái sinh trong một kiếp sống thuận lợi hay bất thuận lợi về sau.
Ngoài ra, Ấn Độ giáo lại chủ trương một hình thức định mệnh: chẳng hạn khi rơi vào một giai cấp nào thì phải tùy thuộc vào giai cấp ấy và không thể nào thoát ra được, bởi vì karma đã quyết định như thế.
Trong khi đó đối với Phật giáo, karma là một hành vi, và trước hết là một ý đồ trong tâm thức. Phật giáo phân biệt rõ rệt karma nguyên thủy làm nguồn gốc và hậu quả phát sinh sau đó từ karma, đấy là hai thứ khác nhau không thể lầm lẫn được. Sự phát sinh của hậu quả không thể tránh khỏi, nếu ta không làm gì cả để hoá giải nó, và hơn thế nữa ta còn có thể tinh khiết hoá cả karma trước khi nó chín muồi.
Mặt khác, karma không ép buộc con người phải sống một cách thụ động trong một cấu trúc xã hội đã quy định sẳn : mỗi cá nhân phải tự nắm lấy vận mệnh của mình để tự giải thoát cho chính mình ra khỏi karma, vì đó là một thứ động cơ thúc đẩy gây ra khổ đau, cần phải được khắc phục. Người ta cũng có thể tìm hiểu theo phương cách tương tợ đối với chữ “samsara” (luân hồi). Chữ samsara mang một ý nghĩa giống nhau trong cả hai nền triết học Bà-la-môn và Phật giáo, tức có nghĩa là sự hiện hữu dựa vào nhiều điều kiện.
Nhưng đối với Ấn Độ giáo, con người chỉ có thể thoát ra khỏi samsara khi nào linh hồn hay “cái ngã” (atman) được giải thoát để hội nhập với thể dạng Nhất Nguyên Vĩ Đại.
Trong khi đó đối với Phật giáo, samsara trước hết là một sự quán nhận, phát sinh từ nhiều điều kiện, về một sự hiện hữu do karma và dục vọng của chính mình tạo tác, vì thế mỗi cá nhân phải tự giải thoát chính mình ra khỏi cảnh giới luân hồi.Vì vậy, cần phải định nghĩa trở lại các ngôn từ trong từng trường hợp một.
Vòng quay Samsara (luân hồi)

Báo Le Poìnt: Phật giáo có thu nạp các vị trời (2) của Ấn giáo hay không?

P. Cornu: Có. Toàn bộ hậu cảnh huyền thoại của Ấn giáo đã được thu nạp vào Phật giáo. Nhưng ở đây cũng phải nhắc lại thêm một lần nữa, tuy Phật giáo đã thu nạp nhưng thu nạp với ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.

Thật vậy, theo Phật giáo các vị trời đều được xem là thuộc vào cảnh giới samsara (luân hồi). Vi chính các vị trời vẫn còn vướng mắc trong sự lầm lẫn ! Dù cho họ có một đời sống lâu dài đi nữa, nhưng khi karma đã cạn, họ sẽ rơi vào một cảnh giới khác của samsara. Họ không thể thoát khỏi bản chất có tính cách toàn diện của khổ đau.

Báo Le Point : Nhưng tại sao nền triết học ấy chủ trương tìm kiếm sự giải thoát, lại còn cần đến các vị trời?

P. Cornu : Đức Phật không hề tìm cách bài bác bất cứ một thứ gì. Ngài chỉ đơn giản đặt mọi sự vật vào đúng vị trí của chúng. Các vị trời không phải là mục đích cũng không phải là những nhu cầu của Ngài, và đương nhiên không hề là một đối tượng cho sự nương tựa.
Trong Phật giáo người ta nương tựa vào nguyên tắc của Giác ngộ, vào những lời giáo huấn đưa đến Giác ngộ, và vào tập thể những người đã chọn những lời giáo huấn ấy. Đấy là những gì mà người ta gọi là Tam Bảo : Đức Phật, Dharma (đạo Pháp) và Sangha (Tăng đoàn).

Đức Phật là nguyên tắc của Giác ngộ, vì thế Ngài là một vị hướng dẫn; Dharma là những lời giáo huấn và cách thức tu tập mà Đức Phật đã khuyên bảo để giúp đưa đến Giác ngộ ; Sangha là tập thể Tăng đoàn, nhất thiết họ là những tu sĩ, những vị hiền nhân.
Các vị trời được xem như những gì mang tính cách truyền thống lâu đời : người ta kính trọng các vị ấy như những người láng giềng và xem họ là những biểu hiện mang tính cách dân gian, những vị ấy rồi sẽ tự xoá mờ, dần dần từng chút một, trước một mục đích cao rộng hơn. Chính sự bao dung đó đã giải thích sự thành công của Phật giáo. Đó là một nền triết học thật mềm dẽo đủ sức để thích ứng với tất cả mọi nền văn hoá.

Báo Le Point : Phật giáo không chấp nhận giai cấp trong xã hội. Vậy có phải Phật giáo chống lại trật tự xã hội của Đạo Bà-la-môn hay chăng ?

P. Cornu: Từ nguyên thủy, chủ đích của đức Phật không phải là thay đổi trật tự xã hội. Nhưng chỉ để thiết lập một dòng tu sĩ, nhưng vì vị thế tự đứng ra bên ngoài thế giới này, nên dòng tu sĩ ấy đã mở cửa đón nhận tất cả mọi cá nhân, thuộc tất cả mọi nguồn gốc và giai cấp, đúng hơn phải nói là Đức Phật đã tạo ra một sự dứt bỏ.

Báo Le Point: Phật giáo sau đó đã phát triển thật mạnh mẽ trong đế quốc của vua A-Dục. Tại sao Phật giáo đã chủ trương niềm tin về “vô ngã” lại có thể phù hợp được với sức mạnh của uy quyền ?

P. Cornu: Nền triết học đó không hề tìm cách thay đổi một xã hội, nhưng chỉ chủ trương sự biến cải cá nhân trong lòng của mỗi cá nhân : nhưng nếu vì thế mà xã hội có thay đổi đi nữa, thì đó chính là nhờ từng cá nhân đã tu tập để tự biến cải tận đáy lòng của chính họ.
A-Dục là một vị đế vương xuất thân từ dòng dõi võ bị ; triều đại khởi sự bằng chém giết: và chính vào thời điểm đó ông ta đã ý thức được khổ đau là gì và đã quy y.
Nhưng chúng ta cũng không nên lầm lẫn : quả thật có một huyền thoại mạ vàng về sự kiện vua A-Dục quy y làm một phật tử, và đã đem đến thanh bình và hạnh phúc cho toàn cõi đế quốc của ông. Trong đó có một phần sự thật, vì thực tế không hoàn toàn chỉ có màu hồng, dù sao đi nữa vua A-Dục cũng là một vị vua độc đoán...

Báo Le Point :Làm thế nào để giải thích Phật giáo đã chinh phục được cả Á châu lại biến mất ở Ấn độ, trong khi Ấn giáo gần như không bành trướng ra khỏi Ấn độ nhưng vẫn tiếp tục sinh động trên bán lục địa này?

P. Cornu: Phật giáo đối đầu với Ấn giáo, giống như là một hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn khi Phật giáo tiếp xúc với Đạo này, Phật giáo ăn sâu vào các cấu trúc xã hội và được chính quyền nâng đỡ. Nhưng về sau đã bị các đạo quân Hồi giáo tiêu diệt khi xâm chiếm lãnh thổ Ấn độ.
Phật giáo chủ trương thiết lập những Đại học to lớn, chẳng hạn như Na-lan-đà, gồm hàng ngàn tu sĩ, đấy là nhưng nơi tập trung đông đảo về nhân sự nên dễ bị tiêu diệt. Ấn giáo dựa vào cấu trúc gia đình vì thế khó bị hủy diệt hơn (3).
Cũng nên thẳng thắn mà nói: chính những đạo quân Hồi giáo đã làm cho Phật giáo biến mất ở Ấn độ giữa buổi bình minh của thế kỷ XIII.

GHI CHÚ THÊM CỦA NGƯỜI DỊCH

1- Karma : tức là nghiệp. Kinh sách Tây phương không dịch mà thường dùng thẳng một số ngôn từ có tính cách đặc thù của Phật giáo dưới hình thức chữ Phạn. Chẳng hạn như các chữ Dharma, samsara, nirvana, atman v.v… Kinh sách tiếng Việt quen dùng các từ dịch từ tiếng Hán, và người đọc cũng đã quen với ý nghĩa của các từ ấy. Tuy nhiên người dịch xin giữ lại các từ tiếng Phạn đúng như trong nguyên bản của bài viết này, chỉ thêm từ tương đương gốc tiếng Hán giữa hai dấu ngoặc.
2- Các vị trời ở đây có nghĩa là các thánh nhân, thiên nhân, thần linh, các đấng thiêng liêng, v.v… được tôn thờ trong Đại thừa Phật giáo. Một số có nguồn gốc Ấn giáo, một số phát xuất từ các nên văn hoá địa phương tùy theo quốc gia nơi Phật giáo phát triển.
3- Thật ra Phật giáo đã bắt đầu suy thoái trước đó. Người Hung nô hết sức thù nghịch với Phật giáo, và vào thế kỷ thứ V, các đạo quân của họ xâm chiếm Tây bắc Ấn độ, đã tàn phá tất cả các trung tâm Phật giáo trong vùng này. Chính quyền trung ương Ấn độ cũng bị tan rã, Hoàng triều Gupta xụp đổ. Phật giáo di chuyển dần về các vùng trung tâm trên lãnh thổ Ấn. Các vương quốc phía Nam tuy không thù nghịch hẳn với Phật giáo, nhưng cũng không hổ trợ Phật giáo như các vua chúa của vùng Bắc Ấn.
Sau người Hung nô, các đạo quân Hồi giáo phát xuất từ Afghanistan lại xâm chiếm nước Ấn, họ tàn phá trung tâm Đại học Na-lan-đà vào năm 1199, thiêu hủy thư viện khổng lồ của Na-lan-đà và giết hết các tu sĩ.
Biến cố đó đánh dấu sự chấm dứt cuối cùng của một trang lịch sử vô cùng rực rỡ của Phật giáo kéo dài mười bảy thế kỷ trên đất Ấn.
Nguồn: wwwthuvienhoasen.org

10 lý do bất ngờ và thú vị khiến bạn muốn đọc sách ngay


1. Đó là việc duy nhất trên đời này có thể đảm bảo rằng bạn sẽ không hối hận: thử Google cụm từ “hối hận vì đọc sách” đi, bạn sẽ nhận được 0 kết quả.

 

2. Sách mang đến cho bạn thứ còn quan trọng hơn cả kiến thức, đó là trí tưởng tượng: Kiến thức thì duy trì thế giới nhưng trí tưởng tượng mới là thứ tạo nên thế giới và thay đổi thế giới. Kiến thức thì có giới hạn còn trí tưởng tượng thì không.

3. Rất nhiều những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời người khác và sẽ có một cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn, hãy tìm ra nó: Sở dĩ bạn chưa thích đọc sách vì chưa tìm được đúng cuốn sách mình cần. Nhất định sẽ có cuốn sách dù cho không thay đổi được cuộc đời bạn thì ít nhất cũng thay đổi được nhận thức, suy nghĩ và tư duy của bạn. Mà bạn nhớ không “thay đổi tư duy, thay đổi vận mệnh”

4. Sách là thứ rẻ tiền nhất khiến cho bản thân bạn trở nên đáng giá: thử so sánh với những thứ đồ như trang phục, trang sức, đồ công nghệ, xe cộ… hay bất cứ thứ gì bạn muốn sở hữu đi. Sách là thứ rẻ tiền nhất để mua nhưng lại là thứ hiệu quả nhất khiến cho cái đầu bạn bớt nghèo.

5. Sách giết mọi khoảng thời gian trống vô nghĩa giúp cuộc sống của bạn ý nghĩa hơn: Lãng phí thời gian mà không làm được gì là lý do khiến mọi người buồn chán và thất vọng. Sách sẽ khiến cho mọi thời gian trống của bạn đều trở nên ý nghĩa: khi chờ đợi, khi di chuyển hay thậm chí cả khi đi toilet cũng không bị lãng phí nữa.


6. Hãy luôn mang theo một cuốn sách theo bên mình, bạn sẽ không đơn độc: Kể cả khi bạn đi bất kì đâu, bất kì lúc nào, với bất cứ ai. Dù cho bạn ở một mình hay trong đám đông. Hãy cứ mang theo một cuốn sách. Nó sẽ luôn bên bạn cho tới khi bạn rời bỏ nó. Còn thứ gì chung tình hơn thế nữa?

7. Hơi khó tin nhưng sách sẽ giúp bạn trở nên thân thiện, dễ gần hơn: Bởi vì hỏi một ai đó “bạn đang đọc sách gì vậy” thì dễ dàng hơn rất nhiều lần để hỏi “bạn đang làm gì cái điện thoại vậy?”

Những người đọc sách thường rất thân thiện và thích chia sẻ, nên nếu bạn thấy ai đó đang đọc sách, hãy lại gần và hỏi “bạn đang đọc sách gì vậy?” Và muốn câu hỏi trở nên chất lượng hơn thì chính bạn cũng nên là người đọc trước đã.

8. Kho báu dễ dàng gầy dựng và truyền lại cho các thế hệ sau: So với một sự nghiệp lớn để cho con cháu thì tủ sách là việc vô cùng dễ dàng.
Hãy chú trọng việc truyền giao tình yêu kiến thức cho con cái bởi vì ai đó đã nói “Nếu con tôi tài giỏi, nó sẽ tự kiếm đc những gì nó cần. Nếu nó ngu thì tôi để lại bao nhiêu nó cũng sẽ làm mất hết bấy nhiêu. Vậy tôi để lại tài sản cho nó làm gì?”

9. Đó là việc đơn giản, dễ thực hiện nhất… trong tất cả những việc nên làm: K tin thử so sánh với việc tập thể thao, nuôi động vật, nấu ăn, chơi nhạc cụ, từ bỏ chất gây nghiện… mà xem. Để đọc sách, bạn chỉ cần biết chữ là đủ.

10. Người bình thường chỉ sống 1 cuộc đời. Khi bạn đọc sách bạn có thể sống rất nhiều cuộc đời trong cùng một đời người. Và không còn gì tuyệt hơn việc được sống rất nhiều cuộc đời trong cùng một đời không đúng sao?

Ngoài ra:
– Sách là cánh cửa thần kì đưa bạn đến những thế giới khác, những nơi bạn k nghĩ có tồn tại trên đời
– Sách khiến cho một người xấu cũng trở nên đẹp hơn, thiện cảm hơn
– Là con đường ngắn nhất để kết nối với những bộ óc vĩ đại
– Nếu bạn đang tìm kiếm thứ gì đó nhưng k biết là gì và cũng k biết tìm ở đâu, hãy thử đọc sách. Hãy lật tung những trang sách, rồi bạn sẽ thấy thứ bạn muốn thấy và tìm ra thứ bạn cần tìm. Vì sách chứa gần hết câu trả lời của mọi câu hỏi.

Sau cuối, cho dù tôi có đưa thêm n hay n+1 lý do nữa thì cũng chỉ có 1 lý do thần thánh duy nhất khiến bạn không/chưa đọc sách: đó là LƯỜI.
Lười là bệnh nan y khó chữa. Loại bệnh tàn phá hiện tại và cản trở tương lai. Nếu bạn không tự chữa thì không ai giúp bạn được đâu!

Nguồn: Phi Tuyết

10 LOẠI CÂY CẢNH GIẢI ĐỘC KHÍ TRONG NHÀ




Những loại cây cảnh dưới đây không chỉ làm đẹp, mà còn làm tươi mới không khí trong phòng, nhờ tác dụng "lọc" bỏ những hơi độc như benzen, formaldehyde..

Chúng cũng nhả ra các hóa chất lành mạnh, làm sạch lại không khí. Nếu bạn muốn cải thiện điều kiện sống trong nhà, nên trồng những "chiếc máy hút bụi" tự nhiên sau:

1. Hoa cúc



Trong khi hầu hết các loại cây cảnh có tác dụng lọc sạch không khí không phải là cây có hoa, thì hoa cúc là một ngoại lệ.Chúng có tác dụng tốt nhất trong việc loại bỏ benzen - hóa chất dùng trong nhiều loại bột giặt, hồ dán, nhựa, sơn. Loài hoa này cần ánh mặt trời, vì thế hãy đặt chúng gần cửa sổ. Cũng vì là cây có hoa, nên nó không thể sống quanh năm như các loại cây cảnh trong nhà khác.

2. Hoa đồng tiền



Là biểu tượng của mùa xuân. Chúng cũng rất hữu ích trong việc lọc khí benzen - thường có mặt trong nhiều loại sơn. Vì thế, nếu bạn vừa sơn lại phòng, nên đặt một chậu hoa đồng tiền để loại bỏ các hạt benzen lơ lửng trong không khí.

3. Hoa đỗ quyên



Trong khi hoa đồng tiền là lựa chọn cho mùa xuân, thì đỗ quyên có thể là lựa chọn tốt nhất cho mùa thu, vì chúng thích hợp với nhiệt độ mát mẻ. Chúng hấp thụ chủ yếu formaldehyde - tìm thấy trong nhiều loại vật liệu dán tường, lớp cách nhiệt. Vì thế, hoa đỗ quyên là lựa chọn tốt cho gian bếp.

4. Nha đam



Nha đam nổi tiếng nhất với khả năng làm lành vết thương. Gel trong lá cây này có thể làm dịu vết bỏng, vết cắt, vết côn trùng đốt và các dạng kích ứng da khác. Nhưng nó còn có tác dụng làm sạch không khí. Nha đam dễ dàng hấp thu benzen và formaldehyde. Cây mọc tốt khi có nắng, vì vậy hãy để nơi cửa sổ có nắng chiếu tới.

5. Cây nhện



Lá cây có khả năng hấp thu mạnh mẽ benzen, formaldehyde, CO và xylene - một hóa chất sử dụng nhiều trong công nghiệp da và cao su. Cây chịu được khắc nghiệt, thích hợp với bạn nào không có nhiều thời gian chăm sóc.

6. Cây lưỡi hổ



Cây lưỡi hổ rất quen thuộc, và thực sự sẽ gây ngộ độc nếu bạn ăn vào. Ngược lại, nó cũng có tác dụng giải độc, vì lọc được các khí như formaldehyde. Cây dễ sống, do vậy phù hợp với người ít có thời gian chăm sóc. Vì formaldehyde bay hơi chủ yếu từ các sản phẩm vệ sinh cá nhân, nên cây lưỡi hổ sẽ có hiệu quả nhất khi đặt trong nhà tắm.

7. Vạn niên thanh



Cây không cần nhiều ánh sáng mặt trời, mà lá vẫn có thể xanh ngay cả khi bạn đặt trong bóng râm. Vì thế, cây phù hợp để đặt ở phòng không có nhiều ánh sáng. Nó hấp thụ formaldehyde rất tốt.

8. Cây thường xuân



Mặc dù loài cây này lọc được formaldehyde, nó cũng có thể làm sạch không khí có mùi xú uế. Cây cần ánh sáng, vì thế nên đặt ở cửa sổ của nhà tắm.

9. Cây cọ cảnh





Cây lọc được cả benzen và formaldehyde cũng như trichloroethylene - hóa chất dùng trong quá trình giặt khô. Vì thế, nó thích hợp để đặt trong phòng giặt khô, hoặc phòng có nhiều đồ có thể giải phóng formaldehyde, chẳng hạn phòng ngủ hoặc phòng khách.

10. Cây huệ bình (lan Ý)



Loài cây này đứng đầu bảng trong danh sách các loài cây lọc sạch không khí của cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA). Không chỉ hấp thụ formaldehyde, benzen và trichloroethylene, nó còn hấp thụ cả xylene và toluene - hóa chất tìm thấy trong dầu hỏa. Cây sống được trong bóng râm và chỉ cần tưới nước tuần một lần, vì thế là lựa chọn tốt cho những người không có thời gian. Vì hấp thụ được nhiều hóa chất, nên nó có thể đặt ở bất cứ đâu trong nhà.

tuyết


Nguyễn xuân Thiệp





tuyết rơi

một người ngồi vẽ. những chiếc lá bàng

từ ký ức. ấu thời

chờ ngày nắng ửng



tuyết đổ

trên những bờ tường

người đi tìm những ngọn nến. của mùa thu đông cũ

đốt lên

trong căn nhà. hư

bóng ai về. đứng khóc



tuyết phủ

người lầm lũi đi

gọi thầm

tên ai

chiều. quạnh

xám. đường trơn. không ánh lửa



tuyết trắng

một con quạ đứng kêu

trên đỉnh ngọn sồi già

sao mùa xuân chưa trở lại



sao mùa xuân chưa trở lại

những bông daffodils. vàng. của tôi

giờ ở đâu

tình tôi

thơ tôi

giờ ở đâu

Văn hóa “tán”



 Lê Thị Liên Hoan



  


Thôi cũng chả sao. Suy cho cùng, bất cứ món gì, có văn hóa cũng hơn là không có. Ngay đến hắt xì hơi hay ngáp, người văn hóa cũng thực hiện sang trọng, lịch sự và dễ thương hơn kẻ tầm thường. Nhưng cũng chả biết có phải do “quán triệt” điều đó một cách sâu sâu quá hay không nhiều ông hay nhiều bà, không phải loại tầm thường đâu nhé, có tên có tuổi và có địa chỉ hẳn hoi, tán về văn hóa, hay nói cách khác gọi là văn hóa đủ thứ trên đời. Gọi là đủ thứ bởi tôi tin rằng, dù văn hóa có phong phú và mở rộng tới đâu thì cũng chả thể nào bất cứ cái gì cũng gọi tên thành văn hóa được. Văn hóa phải có học hành, có tuyển chọn, có chắt lọc và phải giúp ích cho đời.

Nhưng các vị học giả vĩ đại và.. tỉ mẩn kia không khi nào lại tin như thế. Họ có biệt tài và có khả năng nhìn thấy văn hóa ở khắp nơi, ở chỗ họ ăn, họ làm việc, chỗ họ đi lại, ngồi hoặc… nằm!

Chả tin thì các bạn cứ thử giở mọi tờ báo xuân những dịp đầu năm. Báo xuân, đấy là cơ hội, là thời điểm, là dịp tuyệt vời để các nhà phát minh văn hóa bộc lộ khả năng mãnh liệt của mình.



Cứ theo các nhà học giả báo xuân, thì vô địch về văn hóa là phở. Đấy là món ăn chả biết bao nhiêu lần được các nhà học giả lẫn học thuật tán dương. Đã có “bánh chưng” là vụ Nguyễn Tuân, phở đương nhiên trở thành hoàng đế của văn hóa ẩm thực.

Sau đó tới… người vạn thứ trên đời, các nhà học giả cứ như phù thủy, chạm tay hay chạm bát vào món nào, món đó biến thành văn hóa ngay tắp lự.

Ông thì kêu mùi hoa sữa là tâm hồn Hà Nội, ông lại quả quyết hoa sấu mới đúng. Bà thì viết về cái lạnh se lòng, bác thì miêu tả tiếng leng keng của… xe xích lô. Chú thì xúc động về tiếng ve sầu, em lại say sưa với mảng tường rêu. Thậm chí đến những hàng nước chè vừa chật chội, vừa đáng ngờ về vệ sinh bày ngổn ngang trên vỉa hè cũng được các vị kêu rằng đặc trưng, nứt riêng đầy văn hóa.

Tóm lại, vào dịp đầu năm, mở báo ra ai cũng phải giật mình sao lại may mắn thế, hạnh phúc thế vì chung quanh đầy văn hóa từ trong ngõ đến tận trong nhà, chỉ tiếc rằng mình không phát hiện ra.

Ôi, tôi thì tôi ngờ lắm. Tôi nghi lắm. Tôi cảm giác nhiều thứ, nhiều món các vị “tán” trên báo nếu không phải văn hóa thì cũng chưa phải, chẳng qua là các vị cứ gọi thế cho sang.

Văn hóa gì một mảng tường rêu? Văn hóa gì các chị ngồi xổm bên hàng nước chè chén ở đầu thế kỷ XXI, bàn đủ thứ chuyện bằng mồm.

Không có món nào mà các nhà phát minh văn hóa để xổng. Nhất là những gì dân dã, chân quê. Một nhánh hoa mùi, một giọt nước mái tranh, một tiếng cú kêu, một mùi khói bếp… đều bị các vị tóm lấy, nhào nặn và gọi bằng đủ thứ tên âu yếm.

Lạ nhỉ, sao văn hóa dày đặc như thế mà cuộc sống vẫn cơ bản, nhọc nhằn, ứng xử với nhau vẫn chưa cao. Sao đâu cũng là nét đặc trưng, nét riêng biệt mà khách du lịch đến ta vẫn không bằng đến chỗ khác?

Văn hóa chắc chắn phải rèn luyện, phải học hành và phải tuyển chọn chứ không thể trở nên đủ mọi thứ vớ vẩn hoặc nửa vớ vẩn mà các vị chuyên gia “tán” cứ liên tiếp phát minh.

Tôi tin một cách ngây ngô, dại khờ như thế đấy. Chắc tôi văn hóa loại xoàng!

—————–

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/van_hoa_tan.html

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Giê-su qua cái nhìn của người Phật Tử






G.S. André Bareau (*)
Người dịch: Lại Như Bằng

“Giê-su qua cái nhìn của người Phật tử”: đây là một đề tài lý thú, nhưng quả thực là khó. Trước hết, trong tất cả những đạo lớn của thế giới, có lẽ đạo Phật là đạo xa cách đạo Ki-tô nhất trên những giáo lý cơ bản và trên nhiều điểm quan trọng, mặc dù vẫn gần gũi, hay có vẻ gần gũi, trên nhiều điểm khác. Thứ đến, vì hình thức hành đạo rất đa dạng của đạo Phật qua thời gian và không gian, vì sự hội nhập của đạo Phật vào nhiều nền văn minh khác nhau, vào nhiều dân tộc khác nhau, mà có thể có những “cái nhìn về Giê-su” rất khác nhau giữa những người Phật tử. Sau hết, nếu chúng ta biết khá rõ về cái nhìn của người Phật tử, nhất là Phật tử thời nay, về đạo Ki-tô, chúng ta rất ít khi được nghe họ nói quan niệm của họ về cá nhân Giê-su.

Trước khi tìm hiểu người Phật tử thực sự nghĩ sao, tôi thiết nghĩ cần phải xét xem, căn cứ theo giáo lý cơ bản của kinh điển nguyên thủy, đã được ghi chép lại từ hơn 20 thế kỷ nay, người Phật tử sẽ phải nghĩ thế nào về người sáng lập đạo Ki-tô.

Như quý vị đã rõ, đạo Phật là một đạo có đặc điểm, rất khó hiểu cho người phương tây chúng ta, là không những từ chối không chấp nhận một Thượng Đế độc nhất, thường hằng, quyền phép vô biên, tạo hóa mọi sự vật, chủ tể mọi loài trong vũ trụ, mà còn không chấp nhận một cá thể thường hằng tương đương với cái mà chúng ta gọi là linh hồn. Chính vì phủ nhận nguyên tắc một cá thể thường hằng mà người Phật tử không thể chấp nhận một Đấng Tạo Hóa như người phương tây chúng ta vẫn quan niệm.

Cần nói cho rõ: Đạo Phật chưa bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của các thần linh, trái lại nữa là khác, theo đạo Phật có hằng hà sa số các vị trời, hàng triệu thần tiên đủ loại, lớn nhỏ, thiên thần cũng như địa thần; có những vị thù thắng vi diệu, thân toàn ánh sáng sống bằng lạc thọ, có những vị thân thể thô thiển hơn nhưng người trần không thấy nổi, tất cả đều quyền phép oai vũ hơn người trần rất nhiều. Các vị trời và thần này, dù oai linh quyền phép đến đâu đi nữa cũng vẫn bị hạn chế trong thời gian sống và trong quyền phép của mình. Mỗi vị sinh ra bằng hóa hiện ra giữa các vị trời, sống rất lâu, hàng tỷ năm (người Ấn Độ thường vẫn hay phóng đại khi phải vận dụng trí tưởng tượng vốn rất phong phú), sống sung sướng an lành, không đau đớn, không phiền não lo âu, không bịnh tật, không chết chóc như các loài hữu tình khác, là loài người hay không phải là loài người. Nhưng đời sống này dĩ nhiên sẽ phải có kết thúc, cũng như mọi sự mọi vật đã có bắt đầu, đã được sanh ra. Một ngày kia, vị trời này sẽ mất đi, bỗng nhiên biến đi, không đau đớn lo âu, và sẽ tái sinh như bất cứ một hữu tình nào khác, vào cõi trời, hoặc cõi người, hoặc cõi súc sinh, hoặc cõi ngạ quỷ, tùy theo nghiệp quá khứ của vị đó. Vốn không thường hằng, vốn được sinh ra và mất đi như các hữu tình khác, dĩ nhiên vị trời này không thể là đấng tạo ra vũ trụ và những loài sinh sống trong đó. Quyền phép dù rộng lớn đến đâu đi nữa nhưng vẫn có giới hạn, vị trời này không thể là chủ tể mọi loài, mọi sự, mọi vật.

Không chấp nhận một Đấng Tạo Hóa, theo quan niệm chúng ta thường có bên phương tây Ki-tô giáo, người Phật tử dĩ nhiên không thể chấp nhận tính thiên khải của Giê-su. Đối với họ, dựa theo lịch sử, Giê-su chỉ là một con người. Tuy nhiên, với tất cả những đức tính hiển nhiên của ngài, chắc chắn sau đó ngài đã sinh vào cõi trời dựa theo luật nhân quả, do sự “chín mùi” của các thiện nghiệp của ngài. Tóm lại, dưới con mắt của đạo Phật, con người Giê-su, sau khi chết, chắc đã trở thành một vị trời, nghĩa là một loại siêu nhân của một đẳng cấp nào đó, biểu hiện bởi những tính chất, những quyền phép, với đời sống lâu dài, với sinh hoạt đặc biệt; sinh hoạt này có thể là sự quán chiếu chân lý (contemplation de la vérité) hay chỉ là quán trí tiếp cận chân lý (méditation d’approche), hay chỉ là hưởng thụ lạc thú của thiên giới dưới mọi hình thức khác nhau, có dục tính hay không dục tính, hoặc kiểm xét sinh hoạt của loài người. Khi vị Giê-su trở thành trời chết đi thì, trong một tương lai xa hay gần, tùy theo địa vị hiện tại của ngài trên cõi trời, ngài sẽ tái sinh lại, cũng như vô số lần khác trong quá khứ. Chắc ngài sẽ sanh lại cõi trời hay cõi người tùy theo các đức tính và các thiện nghiệp của ngài, ngài sẽ không bị thu hút vào những cõi xấu xa như những kẻ tham ác, những loài súc sinh, ngạ quỷ. Nói cách khác, trong đời sống tương lai, Giê-su có thể còn giữ được tính trời của mình, theo ý nghĩa của đạo Phật, hay sinh vào cõi người , và trong trường hợp này sẽ hành động như một vị Cứu tinh (Messie), trong giới hạn mà đạo Phật đã định cho vai trò này. Như vậy, đạo Phật không phủ nhận tính trời của Giê-su, tính trời được hiểu theo một ý nghĩa nào đó, cũng như không phủ nhận tính người của ngài; tuy nhiên hai tính này không thể tồn tại cùng một lúc mà phải kế tiếp nhau.

Nếu con người Giê-su sanh ra cách đây ngót hai mươi thế kỷ đã trở thành một vị trời, người Phật tử có thể dễ dàng chấp nhận chuyện này, thì, cũng như mọi vị trời khác, ngài rất đáng được kính trọng, đáng được tôn sùng, vì vô số thiện nghiệp của ngài trong các đời sống trước; tính trời của các vị chứng minh cho những thiện nghiệp của các vị trong các kiếp trước. Hơn nữa, nghi lễ của đạo Ki-tô không đòi hỏi sát sanh, cũng giống như nghi lễ đạo Phật, vì sát sanh để cúng tế là phạm vào một trong những giới cấm cơ bản chung cho cả hai đạo, người Phật tử không thể chê trách gì tín đồ Ki-tô khi những người này tôn thờ Thầy của họ, Chúa của họ. Còn hơn thế nữa, không gì ngăn cản người Phật tử tôn sùng Giê-su cũng như tôn sùng các vị thần linh khác xuất xứ từ Ấn Độ Giáo; trong nhiều chùa ta thường gặp đền thờ các vị thần này.

Thật vậy, ngược với đạo Ki-tô, sinh ra trong những điều kiện hoàn toàn khác, đạo Phật không những chưa bao giờ phủ nhận sự hiện hữu hoặc phủ nhận tính trời của vô số vị trời của Ấn Độ cổ xưa, hay của các xứ mà đạo Phật truyền tới, mà đạo Phật cũng không hạ thấp các vị trời đó xuống hàng những loài quỷ, xấu xa và tàn bạo, hiện thân của mọi điều xấu. Ngược lại, đạo Phật đã thu nhập tất cả những vị này, kể cả những vị vốn rất hung dữ cũng được mau chóng chuyển hóa. Còn hơn thế nữa, đạo Phật đã nâng các vị thần này lên hàng mẫu mực cho Phật tử cư sĩ, nhưng không thể là mẫu cho hàng tăng sĩ vì đời sống quá sung sướng của cõi trời khiến các vị trời không thể thành tu sĩ khổ hạnh, không thể trì hành các giới luật nghiêm túc và khắc khổ, con đường duy nhất đưa đến giải thoát, Niết-bàn.

Trong thiên giới phong phú và phức tạp được đạo Phật công nhận, rất hiếm có những vị trời còn giữ tính dữ dằn hoặc là căm thù đối với loài người. Nếu có, thường chỉ là những vị địa tiên thuộc những tầng thấp nhất, những vị tiểu thần của một thôn xóm nào đó, hay là Mâra, thần chết, đối thủ chính và dai dẳng của đức Phật, vì ngài dạy cho muôn loài phương pháp để thoát khỏi sự chết, hay đúng hơn những sự chết kế tiếp nhau, hệ quả của những sự tái sinh. Thật ra, Mâra là một hình ảnh có tính biểu tượng, chỉ được dùng trong đạo Phật, và theo truyền thuyết thì thường thường lố bịch hơn là ghê gớm, ngay cả lúc vị thần này xua đoàn quân quỷ do nó sanh ra để tấn công đức Phật và đức Phật đã xua tan chúng chỉ bằng một ý niệm của ngài.

Những vị trời, ngoại trừ một vài vị rất hiếm, đều là những hữu thể hiền hoà xứng đáng được tôn kính; theo giáo lý nhà Phật thì đây là một chuyện rất dễ hiểu, vì nếu các ngài hưởng được hạnh phúc của cõi trời là vì các ngài thừa hưởng quả báo của vô số thiện nghiệp trong những đời trước. Trở lại đề tài của chúng ta, nếu con người Giê-su đã trở thành một vị trời, và đứng trên quan niệm Phật giáo thì chuyện này rất đáng tin, ngài xứng đáng được mọi người tôn kính, không những chỉ tín đồ đạo Ki-tô, mà cả những người Phật tử và những người theo đạo khác cũng vậy.

Con người Giê-su trở thành một vị trời do đó được kính trọng, phải chăng điều này có nghĩa là giáo lý của ngài dạy cách đây hai ngàn năm cũng phải được trọng vọng như vậy? Nói cách khác, với người Phật tử, giáo lý của Giê-su, đạo Ki-tô, có đáng được trọng vọng bằng những thiện nghiệp của ngài không? Chắc chắn là đáng trong chừng mực mà giáo lý của ngài phù hợp với lời dạy của Đấng Thế Tôn, nghĩa là có ích lợi cho con người, giúp con người tiến bộ trên con đường giải thoát hay ít ra giúp tái sinh trong cõi trời hay cõi người chứ không bị rơi vào những cõi xấu xa khác. Trái lại, cũng không đáng, vì giáo lý của Giê-su không dẫn con người tới Niết-bàn, hay đúng hơn khiến con người ngừng lại dọc đường, chỉ dẫn đến tái sinh nơi thiên đàng của một vị trời trong một thời gian có giới hạn, dù giới hạn này có dài lâu đến đâu đi nữa, và làm cho con người lầm tưởng rằng sẽ được ở đó vĩnh viễn. Tóm lại, giáo lý của Giê-su chỉ dành cho cư sĩ, những người muốn có một đời sống tương lai càng sung sướng, càng lâu dài càng tốt, trong khi giáo lý của đức Phật nhắm những tu sĩ, những người, sau khi thấu rõ tính chất vô thường, sự giới hạn trong không gian và thời gian, của vạn vật, kể cả hạnh phúc trong cõi trời, không vừa lòng với hạnh phúc đó, quyết định đạt đến Niết-bàn, chấm dứt mọi tái sinh, dù trong cõi nào đi nữa.

Hệ luân lý Giê-su truyền dạy cho tín đồ ngài hầu như in hệt hệ luân lý đức Phật dạy cho Phật tử. Không những cả đôi bên đều ngăn cấm làm điều ác, lớn hay nhỏ, như giết người, trộm cắp, tà hạnh, hưởng thụ, dối trá, phóng dật, v.v…, mà cả đôi bên cũng đều luôn luôn khuyên bảo tín đồ mình nuôi dưỡng và thể hiện những đức tính như lòng nhân ái, lòng từ bi, tính kiên trì, lòng từ thiện, lòng khoan dung mỗi khi bị xúc phạm, … Cả hai đều thấy rõ là sự thể hiện hệ luân lý chung này chỉ là bước đầu, rất cần thiết nhưng không đầy đủ, trên con đường dài đưa đến mục tiêu tối hậu do các vị sáng lập đạo giáo vạch ra cho tín đồ của mình, thiên đàng cho người theo đạo Ki-tô, Niết-bàn cho Phật tử. Tóm lại, cùng truyền dạy một hệ luân lý chung như là bước đầu cơ bản, Giê-su và đức Phật lúc đầu dẫn đắt tín đồ của mình trên cùng một con đường, một con đường dài và khó khăn cho nhiều người nhưng không thể tránh khỏi để chuẩn bị cho chặng đường sau, cho một đời sống đạo hạnh, tu luyện tâm linh để đạt đến một quả vị nào đó.

Ngoài những điểm tương đồng kể trên, giáo lý của Giê-su và giáo lý của đức Phật khác biệt nhau rất xa. Với đức Phật, giáo lý của Giê-su sai lạc, không đúng với sự thật, không đúng với những Thánh đế mà tu sĩ Gotama đã “giác ngộ.” Như vậy, giáo lý đạo Ki-tô, dù với hệ luân lý cao đẹp, là dẫn dắt tín đồ mình sanh vào một cõi trời, nhưng lại ngăn chận không cho tiến xa hơn, tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi, đạt đến Niết-bàn, vì làm cho tín đồ mình hiểu sai lầm rằng hạnh phúc trên cõi trời là mục đích cao cả nhất. Đối với người Phật tử, Giê-su đáng tôn kính vì đã dẫn dắt, bằng hệ luân lý của ngài, con người đến cõi sung sướng, nhưng ngài cũng không hoàn hảo vì đã truyền cho tín đồ một đạo lý sai lạc. Giáo lý này sai lạc vì nó dựa lên lòng tin nơi một vị trời độc nhất, thường hằng và tạo hóa mọi vật, tin vào một linh hồn vĩnh cửu, ẩn trong mỗi con người. Nó sai lạc vì nó không chấp nhận lẽ vô thường, lẽ vô ngã, do đó đưa đến phiền não khổ đau, của mỗi hữu tình. Nó còn sai lạc vì nó khuyên dạy tín đồ phát triển lòng sùng bái vị trời của họ và lòng thương yêu những con người khác, cả hai tính này đều có cơ sở là tham ái, trong khi đức Phật khuyên dạy phải xa lìa tham ái dưới mọi hình thức vì nó là một chướng ngại quan trọng trên con đường giải thoát, ngài khuyên dạy phải phá chấp một cách triệt để, và trong tuyệt đối, không chấp chước cả đến những đức tính cao cả nhất, như lòng nhân ái, lòng từ bi, lòng từ thiện, lòng khoan dung.
Như vậy, đối với Phật tử, Giê-su là một con người đáng kính trọng, tôn sùng, là một vị thánh nhân và chắc đã trở thành trời sau khi là một con người, cách đây ngót hai mươi thế kỷ. Tuy vậy ngài vẫn thua kém đức Phật, dù đức Phật vẫn còn là người trong kiếp sống cuối cùng, trong khi Giê-su có lẽ đã thành trời trong đời sống đó. Thật ra, dưới con mắt những người Phật tử, tôn sư của họ, dù vẫn còn sống trong cõi người, đã tự nâng mình lên cao hơn mọi vị trời, đã “giác ngộ” Chân như, tìm ra con đường đưa đến Niết-bàn, điều mà không một vị trời nào có thể làm nổi chính vì tính trời của họ. Thật vậy, hạnh phúc vô hạn của các vị trời khiến các ngài không thấu rõ được phiền não khổ đau tiềm ẩn trong mỗi hữu tình, dù có mang hình thái nào đi nữa. Chính sự chứng ngộ khổ đau này, đối với người Phật tử, là bước đầu trên con đường rất dài và rất khó khăn đưa đến sự giải thoái khỏi vòng luân hồi.

Sau khi đã tìm hiểu cái nhìn mà người Phật tử lẽ ra phải có về Giê-su, dựa trên giáo lý cơ bản mà người Phật tử đã học hỏi và tin theo, chúng ta xét trong tựhc tế họ nghĩ sao về Giê-su, lần này ta dựa trên những lời nói của chính họ.

Muốn như vậy, tôi dã dựa vào bốn trong những người cộng tác xuất sắc nhất của tôi, mỗi vị có một sự hiểu biết thấu đáo về quan niệm của những người Phật tử, trên mỗi khía cạnh khác nhau. Thượng tọa Thích Thiện Châu, Tiến sĩ Văn chương, vốn là một vị tôn đức của Phật giáo Việt nam. Ông Mohan Wijayaratna, sinh ra trong một gia đình song giáo, Ki-tô và Phật, sắp trình luận án Tiến sĩ về một số khía cạnh của Phật giáo Tích lan và cũng đã từng viết nhiều bài báo rất đáng chú ý, một trong những bài này nói về đề tài chúng ta bàn đến hôm nay, dưới con mắt người Tích lan. Đức Cha Eugène Denis, Tiến sĩ Văn chương và nghiên cứu viên tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS), sống tại Thái Lan từ hơn ba mươi năm nay và đang nghiên cứu đạo Phật xứ này. Ông Paul Magnin, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS), đã từng sống lâu năm tại các xứ Viễn đông, nhất là tại Đài Loan, chuyên nghiên cứu về đạo Phật Trung quốc. Tôi cũng phải nói đến quyển sách quý báu do đồng nghiệp và cũng là bạn thân của tôi, Giáo sư Jacques Gernet, xuất bản cách đây hai năm tại nhà xuất bản Gallimard dưới tựa đề “Trung quốc và đạo Ki-tô, tác động và phản ứng” (Chine et christianisme, ation et réaction); tác phẩm này cho ta biết và hiểu quan niệm của người Trung quốc, người Phật tử hay người theo đạo khác, về đạo Ki-tô và về Giê-su trong những thế kỷ XVII và XVIII.

Lẽ ra, trong chừng mực nào đó, ta phải gắn bó sự tìm hiểu cái nhìn của người Phật tử về Giê-su với cái nhìn của họ về đạo Ki-tô. Nhưng vấn đề này tự nó cũng rất phức tạp khiến ta không có thì giờ bàn tới bữa nay.

Cái nhìn của Phật tử về Giê-su thay đổi tùy thời điểm lịch sử, tùy xứ, tùy tông phái. Nhưng ngày nay nó có xu hướng trở nên đồng nhất.

Người Trung quốc vào thế kỷ XVII và XVIII có một cái nhìn nghiêm khắc nhất, tuy nhiên rất khó mà phân định đâu là phần của đạo Phật, đâu là phần của đạo Khổng hay đạo Lão. Với người trung Quốc, Giê-su chỉ là một người, bị kết án tử hình vì làm loạn, làm xáo trộn trật tự xã hội, điều tối kỵ đối với truyền thống Á đông. Cái chết khổ nhục của Giê-su, bị hành hình trên cây Thập ác như một tên tội phạm, sự đau đớn phải trải qua, theo người Phật tử, chỉ là kết quả của ác nghiệp trong quá khứ, nghiệp càng ác, quả báo càng nặng. Thuyết nghiệp báo khiến một số Phật tử nghĩ rằng đời trước Giê-su đã giết người. Hơn nữa, không dủ sức thoát khỏi cực hình, tự cứu thoát bằng phép tắc nhiệm mầu thì làm sao Giê-su có thể cứu người khác? Nếu Giê-su là Thượng đế tối cao, khi ngài đầu thai làm người, đất trời không ai cai quản, kết quả sẽ khủng khiếp vô cùng. Còn nếu ngài giáng sinh từ Thượng đế thì ngài thua đức Phật xa, vì chẳng cần ai giúp sức, dù là thần thánh hay gì gì đi nữa, đức Phật tự mình đã tìm ra giáo lý giải thoát và tự lấy quyết định truyền bá giáo lý này. Dù sao đi nữa, nếu Giê-su là một vị trời, ngài chỉ có thể là một vị trời như muôn ngàn vị khác, chịu theo quy luật nghiêm khắc của quả báo tái sinh, và do đó thấp hơn đức Phật, người đã ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Sự kiện Giê-su giáng sinh chẳng có gì đáng chú tâm, vì thực ra, nó chỉ là một hiện tượng mà người Phật tử coi là tương đối và tùy theo điều kiện mà sanh ra, trong dòng sanh tử luân hồi vô thường của thế giới. Hơn nữa, sự giáng sinh này mâu thuẫn với tính chúa-ba-ngôi mà giáo lý Ki-tô gán cho ngài. Còn các phép lạ của Giê-su chẳng thấm vào đâu so với các oai phép Phật đã tung ra, bao trùm cả vũ trụ vô thủy vô chung, bao gồm hằng hà sa số thế giới.

Thời nay, những mâu thuẫn cũ giữa hai đạo đã giảm bớt, cái nhìn của Phật tử về Giê-su cũng nhẹ nhàng hơn. Dĩ nhiên, người Phật tử không nhìn nhận, không thể nhìn nhận Giê-su là vị Cứu thế, hay là Đấng Tạo Hóa, thường hằng và tối thắng, vì những danh hiệu này đối với Phật tử hoàn toàn vô nghĩa, hay chỉ định những ảo vọng do vô minh tạo ra. Dĩ nhiên, người Phật tử cũng không thể đặt Giê-su cao hơn đức Phật, như một nhà truyền giáo nọ đã vụng về cố gắng chứng minh rằng đức Phật là kẻ đi trước chuẩn bị cho Giê-su xuất hiện. Và dĩ nhiên, người Phật tử không chấp nhận có sự phục sinh của Giê-su, vì khái niệm phục sinh không có trong giáo lý đạo Phật, cũng như không có trong giáo lý Ấn độ hay đạo Jaĩna. Sự tái sinh sau khi chết hoàn toàn khác với sự phục sinh của đạo Ki-tô.

Ngoài những giới hạn kể trên, giới hạn suy ra dựa vào lời dạy của đức Phật, hầu như mọi người Phật tử thời nay đều có thiện cảm với Giê-su. Họ cảm mến ngài, kính phục nữa, nhưng không phải vì vậy mà họ mảy may có ý cải đạo theo đạo Ki-tô. Họ sẵn sàng nêu lên những điểm tương đồng giữa Giê-su và đức Phật: Một đời sống trong sạch, được hướng dẫn bởi một hệ luân lý cao cả, vô vị lợi, thấm nhuần bởi lòng nhân ái, lòng từ bi, lòng từ thiện, lòng khoan dung, cho đến hy sinh cả tính mạng của chính mình. Theo họ, cả Giê-su lẫn đức Phật đều đáng kính, cả hai đều là những vị thánh nhân hiền đức như nhau.

Thượng tọa Thích Thiện Châu có đưa thêm vài ý khá lý thú, dựa trên giáo lý Đạo Phật Phát Triển (Mahayana), một phong trào canh tân trong đạo Phật cách đây hai mươi thế kỷ; đạo Phật Việt Nam bắt nguồn từ đó, cũng như rất nhiều hình thái khác của đạo Phật tại Viễn đông và Trung đông. Giáo lý Ba Thân Phật cho phép ta hiểu tính chất của Giê-su rõ hơn là giáo lý nguyên thủy, hiện còn thịnh hành tại Tích Lan và Đông Nam Á. Giáo lý Phát Triển quan niệm là đức Thế tôn có ba thân: Hóa thân hay ứng thân, người thường thấy được, với thân này Phật đã sanh ra, sống một đời sống bình thường của mọi người rồi chết đi; Báo thân, ngài dùng thân này để hiện ra giữa các vị Bồ-tát, tức là những vị xả thân cứu đời để thành Phật trong một thời gian rất xa nữa; và Pháp thân, là thật thể của các pháp trong vũ trụ, thân như thật và vĩnh cửu, các hữu tình đều có thân này, nhờ thế mà trong tương lai, có thể rất xa, tất cả đều có thể thành Phật. Ta có thể áp dụng Lý Ba Thân này vào trường hợp Giê-su để giải thích tính chất vừa trời vừa người của ngài, giải thích cách nào ngài vừa ở đời cứu nhân độ thế, vừa ngự trị trên ngôi tối thượng tuyệt đối. Thân thứ nhất có thể coi là thân mà mọi người bình thường trông thấy, là thân của Giê-su lịch sử, đã sanh ra, truyền đạo, đau khổ và chết đi trên cây Thập ác. Thân thứ hai là báo thân huyền diệu mà ba đệ tử Pierre, Jean và Jacques đã chiêm ngưỡng trên núi. Thân thứ ba là thân trời, người thường không thể nghĩ bàn, thân Cha trong quan niệm Ba Ngôi của đạo Ki-tô. Cách so sánh này, giữa hai giáo chủ, giúp cho người Phật tử hiểu biết dễ dàng hơn về Chúa cứu thế và Kinh thánh, và kính trọng ngài hơn. Thượng tọa Thích Thiện Châu đưa ra một hình ảnh tuyệt đẹp: “Ta có thể yêu mến sự tinh khiết của hoa sen, và cùng lúc thưởng thức cái đẹp của hoa huệ và hoa hồng.”(*)

Vị tăng sĩ Việt Nam nêu ra một điểm gần gũi nữa, giữa đạo Ki-tô và tông Tịnh độ, một tông phái ở Viễn đông khá quan trọng chỉ tôn thờ Phật A Di Đà, hay “Vô lượng quang Phật”, một vị Phật trước đây đã nguyện đón về đất “Tịnh Độ” tất cả hữu tình niệm danh hiệu ngài. Phật A Di Đà có một vị cộng tác nổi tiếng nhất trong các hàng Bồ tát, đó là Bồ tát Quan Thế Âm, đại từ đại bi, luôn luôn sẵn sàng hiện ra cứu giúp những kẻ hoạn nạn và đã từ chối không thành Phật chừng nào tất cả hữu tình chưa đạt Niết bàn. Hình ảnh Quan Thế Âm rất gần với hình ảnh Giê-su, do đó những người tu theo Đạo Phật Phát Triển, nhất là tông Tịnh độ, có thể tôn kính Giê-su như một vị Bồ tát. Đạo Phật Phát Triển cho rằng các vị Phật tương lai này, ngoài những đức tính như lòng từ bi, trí tuệ, lòng nhân ái, lòng nhẫn nại, v.v… còn “giỏi về phương tiện” để cứu vớt hữu tình, làm những phép lạ, do đó Phật tử các tông phái Phát Triển chấp nhận dễ dàng là Giê-su thực sự có phép lạ.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thiện Châu nói thêm, Phật tử thuộc các tông phái Phát Triển [với quan niệm tôn kính về Giê-su như đã nói ở trên] không tránh khỏi ngỡ ngàng trước những lời cuối cùng có lẽ Giê-su đã thốt ra trên cây Thập ác: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao lại bỏ rơi con?.”

Như vậy, trong các tôn giáo lớn, đạo Phật là đạo xa cách đạo Ki-tô nhất, về mặt giáo lý cũng như phương cách hành đạo, nhưng, ngược lại, cũng là đạo biết đánh giá cao nhất giá trị tâm linh của đạo Ki-tô. Điều đó càng đúng vào thời đại này, khi mà đạo Ki-tô đã từ bỏ thái độ thù địch cố hữu của mình với mọi tín ngưỡng khác để chấp nhận rằng các đạo giáo đó không phải là âm mưu của quỷ dữ, mà là những cố gắng nhiều khi rất đáng quý nhằm xoa dịu phiền não khổ đau của con người bằng cách hiến dâng họ những hy vọng vào một ngày mai xán lạn hơn. Những quan hệ thường thường rất nồng hậu giữa Phật tử và tín đồ Ki-tô, và nhất là giữa những người đại diện của các cộng đồng đôi bên tại trung Á và đông Á, là những khích lệ lớn và có nhiều ý nghĩa. Trong các kết quả đáng chú ý nhất, phải kể cái nhìn kính trọng và có thiện cảm của đa số người Phật tử thời nay với con người Giê-su, dù là Phật tử xứ nào đi nữa, hay thuộc tông phái nào đi nữa.

(*)Bài thuyết trình của G.S. André Bareau (Giáo sư Collège de France) tại Trung Tâm Văn Hóa Tin Lành dòng Luther, Paris, ngày 11 Tháng 12 năm 1984.

Lời người dịch: Muốn biết rõ tư tưởng của Hòa thượng Thích Thiện Châu về vấn đề này, nên tìm đọc tài liệu bằng tiếng Pháp “Approche du bouddhisme et du christianisme” của HT Thích Thiện Châu
Ngoài ra, vào những thời điểm đó (1980-1990) người theo đạo Ca-tô tại Pháp cũng có nhiều suy nghĩ về vấn đề này. Tìm đọc Tập san Lumière et Vie số 193, tháng 8-1989 (Lyon), đặc biệt với bài của Linh mục Pierre de Béthune: “Le dialogue chrétien-bouddhiste, une expérience spirituelle”.

NGUYÊN TẮC VÀNG KHI TRỒNG CÂY PHONG THỦY





Trong thuật phong thủy nhà ở, lựa chọn loại cây trồng hợp phong thủy ngoài việc cung cấp khoảng không gian xanh cho ngôi nhà còn giúp gia đình bạn khỏe mạnh và hòa thuận hơn.

Theo phong thủy học, không phải bất cứ loại cây nào cũng có thể trưng bày trong không gian sống nhà bạn. Có một số những loại cây sẽ mang lại sinh khí, may mắn cho gia chủ nhưng cũng có một số loại cây lại mang tới những điều không may mắn. Do vậy, việc lựa chọn loại cây trước khi đưa ra quyết định trồng chúng trong nhà bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng.



Trồng cây xanh làm không gian sống sinh động hơn.

Chẳng hạn như, các loài cây có lá nhỏ và dài hoặc mọc quá um tùm thường khiến gia đình nảy sinh mâu thuẫn, có thể gây tranh cãi, và sức khỏe. ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống gia đình và sức khỏe. Bên cạnh đó, những loại cây có tán lá rộng, tròn và đầy đặn hoặc các loài hoa hay các loại cây có màu lá đậm sẽ tượng trưng cho tiền tài, giàu sang và mang đến nhiều may mắn.



Cây có tán lá rộng được trồng trong phòng khách.

Trên thực tế, những cây thân leo thiên về âm tính, mặc dù hiệu quả trang trí rất tốt nhưng nếu mọc quá xanh tốt sẽ khiến không gian sống của bạn ẩm ướt, ảnh hưởng tớt sức khỏe. Vì thế bạn nên kiểm soát chúng nếu mọc trong vườn nhà.



Dây leo thường mọc dày và nhanh tạo thành vòm cổng xinh xắn.

Cây xanh cung cấp oxi cho không gian sống của bạn nhưng nếu bạn trồng quá nhiều thì không khí ẩm ướt và có khi rất nhiều sinh vật ký sinh hoặc côn trung gây hại ẩn náu trong đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.



Cây dây leo trang trí đã mọc quá dày và rối mắt.

Ngoài ra, mật độ cây trồng quá dày cũng che lấp ánh sáng vào phòng khiến dương khí bị che đi, ảnh hưởng đến vận may, sự thịnh vượng của gia chủ. Vì thế, khi lựa chọn cây xanh để trồng bạn nên dành chút thời gian để chăm sóc, cắt tỉa, không để cho chúng phát triển tự do vì nếu để như thế chúng sẽ phá hủy nguồn khí tốt tồn tại quanh nhà bạn.



Trồng nhiều cây quanh nhà phải thường xuyên chăm sóc cắt tỉa.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại cây và vị trí đạt cũng rất quan trọng. Theo quy tắc truyền thống về ngũ hành bạn có thể dựa vào đặc tính của cây trồng, tính cách con người và môi trường sống để bố trí các loại cây khác nhau ở vị trí phù hợp tạo ra hiệu quả về phong thủy. Cây cối không chỉ làm ngôi nhà thêm xanh mà còn mang lại nhiều may mắn nếu bài trí đúng theo phong thủy nhà ở.

Hồ nước, bể cá hay hòn non bộ trước nhà còn là điểm tụ thủy và tiểu cảnh rất thú vị nếu khéo léo sắp xếp. Cây cối xanh tươi là nơi sinh khí cư ngụ, do vậy sắp xếp hài hòa giữa cây xanh và mặt nước trong nhà chính là giải pháp hữu hiệu và thân thiện với môi trường, giúp cải tạo tích cực khí hậu nơi đó.



Cây xanh hài hòa với mặt nước giúp môi trường trở nên thân thiện hơn.

Phong thủy phòng khách có liên quan mật thiết đến sự hài hòa của vân mệnh và tương lai của gia đình cũng như các mốt quan hệ bên ngoài. Cây hợp phong thủy phòng khách thường là những loại cây hoa nhỏ. Kê các chậu cây lớn tại phòng khách vừa làm không gian chật chội vừa là nơi trú ngụ của muỗi và các côn trùng.



Cây cảnh nhỏ đặt trên bàn là yếu tố không nên thiếu cho phòng khách nhà bạn.

Theo phong thủy, các loài cây như hoa lan, trúc quân tử, anh thảo,… là các loài cây mang đến may mắn và tài lộc. Tuy nhiên bạn không cần phải trồng quá nhiều loại cây trang trí mà chỉ trồng rải rác nhấn nhá nét đẹp ở những nơi cửa sổ, ban công, trên bàn hay cạnh ti vi.

Trồng cây trong phòng ngủ cũng có lợi cho sự nghỉ ngơi và giấc ngủ, hoa lan quân tử có tác dụng thư giãn tinh thần, những loại họa có mùi thơm nhẹ mang lại cảm giác dễ ngủ. Tuy vậy, bạn cũng chỉ nên trồng một cây hoa hay chậu hoa nho nhỏ trong phòng ngủ.

Trên đây là những nguyên tắc quan trọng mà chúng tôi đã chia sẻ để giúp bạn trồng cây theo phong thủy nhà ở, mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình.