Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

12 giờ khuya



Âu Thị Phục An





nỗi bất an chồm dậy
quá khứ bịt mắt
dòng máu luân lưu qua trái tim bầm dập

những kẻ đã đi qua đời tôi
đã vào cuối đường hầm
cuộc chia ly có trật tự

tiếng than khóc trên những nấm mồ
bao giờ cũng vậy
là khóc cho chính mình

tiếng gõ của đồng hồ
thắp nén nhang khuya
tôi gọi hồn ảo ảnh

thời khắc giữa hai miền
là cái chợp mắt bất chợt
cái ngáp nửa đêm
làm giật mình chiếc bóng .

MẤY ĐIỀU NGỘ RA SAU KHI ĐỌC TÁC PHẨM “THẦY GOTAMA VÀ 8.000 ĐỆ TỬ”

 Phạm Thành Trai



Về sự tích của Đức Phật Thích Ca cũng như giáo lý của Ngài thì trên 2.500 năm qua đã có nhiều người viết nên sử sách và ra công nghiên cứu sâu sắc. Nhưng chưa phải mọi người đã biết hết, hiểu sâu và thực hiện thành công giáo lý cao siêu và thâm diệu của nhà Phật. Cho nên sau khi đọc “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” của nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận, một tác phẩm văn học đạt giá trị cao cả hai mặt: Nội dung tư tưởng và nghệ thuật văn chương thì tôi được ngộ ra mấy điều trong giáo lý của Đức Phật. Một giáo lý đã trở thành lương tâm của nhân loại, thành tri thức của khoa học, thành đạo lý làm người.
Quyển tiểu thuyết này được Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp giấy phép và nó được phát hành rộng rãi trong cả nước vào tháng 4 năm 2014.
Điều ngộ đầu tiên, đó là PHẬT KHÔNG XA VỜI, PHẬT Ở BÊN TA.
Thật ra mà nói, khi chưa có tác phẩm “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” của nhà văn Trần Như Luận thì mọi người cũng đã biết về sự tích và giáo lý của Đức Phật qua tryền thuyết dân gian, qua nhiều tác phẩm văn chương và cả những công trình nghiên cứu khác. Nhưng khi đọc trên nghìn trang tiểu thuyết với bạt ngàn chi tiết đời thực và vô cùng sinh động về cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa, của Phật Thích Ca Mâu Ni với bút pháp đối sánh giữa hai tuyến nhân vật đối lập qua lớp ngôn ngữ hiện đại nhưng cũng rất đỗi đời thường của bác sĩ Trần Như Luận, thành viên của Nhóm nghiên cứu sức khỏe vị thành niên Tổ chức y tế thế giới, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học tỉnh Bình Định …thì tôi mới được ngộ ra mấy điều như vừa đề cập ở trên và vượt qua cái biết đã từng có lâu nay đó là giáo lý nhà Phật cực kỳ khó hiểu còn Niết Bàn là một cõi xa vời không bao giờ đạt tới.
Nhưng với “thầy Gotama và 8.000 đệ tử” thì tác giả đã khéo léo “kéo” Ông Phật hay nói đúng hơn là đem giáo lý diệu vợi của Ngài và Niết Bàn xa vời về gần lại với sự hiểu biết của con người. Trên cơ sở đó, mọi người có điều kiện nhận thức đâu là giáo điều, đâu là giáo lý, đâu là tín ngưỡng, đâu là cuồng tín cúng bái dị đoan mà ra sức rèn luyện đạo đức, tu tập phẩm hạnh, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, cho Niết Bàn hiện hữu trên trần gian. Như Bác Hồ đã câu thơ:

Trần mà như thế kém gì tiên”. (Mừng thọ Bác 60 tuổi)

Sự gần gũi của Đức Phật với cuộc sống thế nhân, trước hết và trên hết, đó chính là Phật Thích Ca là một con người có thật trong lịch sử, chứ không phải là một nhân vật huyền thoại như một số sách vở và truyền thuyết dân gian vẫn còn lưu giữ. Đó là bà hoàng hậu Mayâ đã mơ thấy một con voi trắng 6 ngà bay nhập vào người bà. Và trên đường về quê để sinh con theo cổ tục Ấn Độ, khi đến khu vườn Lumbini, bà thấy đóa hoa Vô Ưu trắng, nghìn năm mới nở một lần, bèn đưa tay trái hái nên động thai mà sinh thái tử Siddhartha từ nách, đúng vào lúc mặt trời vừa mọc, nhằm ngày Rằm tháng Vesak Ấn Độ tương đương tháng Tư Trung Quốc. Khi vừa sinh ra, Ngài đã đi được 7 bước. Mỗi bước đi có hiện ra một hoa sen nâng đỡ chân Ngài và tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất… Chuyện hoang đường như thế, nhưng hiện giờ không phải đã hết người tin.
Ngài là một thái tử, tên là Siddhârtha, họ Gautama, sinh vào năm 624 trước Công nguyên, ở phía Bắc Ấn Độ. Cha là vua Suddhodana trị vì dân tộc Sakya (chính là nước Népal ngày nay, dưới chân núi Himalaya), Mẹ là hoàng hậu Mayâ, vợ là một công chúa, tên là Yasodharâ và con đầu lòng đặt tên là Râhula. Ngài ra đi tìm phương cứu khổ ở tuổi 29 và qua 6 năm tu tập và đại ngộ ra ánh sáng Chân lý cứu khổ ở tuổi 35 và tịch diệt ở tuổi ở tuổi 80.
Như vậy, Đức Phật ra đời như từ một nhu cầu của lịch sử nhân loại, từ sự bức thiết phải có một con người cụ thể biết tìm đường cứu khổ, biết tìm cách giải thoát mọi lầm than cho nhân loại. Và có lẽ trước tiên là tìm cách cứu lớp người bần cùng đang bị đọa đày trong một xã hội đầy khổ đau loạn lạc, cực kỳ lạc hậu, mê tín dị đoan đến độ man rợ không thể tưởng được. Như chuyện bò cái chết thì sụp lạy, đem đi thờ, còn trẻ em và gái trinh thì bắt đem treo cổ và xẻ lấy thịt để tế thần. (trang 201, tập 1) và sự phân chia giai cấp hết sức nặng nề. Chính lực lượng thần linh cộng với vương quyền đã gây nên sự thống khổ không kể xiết cho kiếp người, cho giai cấp cần lao của dân tộc Sakya tức đất xứ Népal ngày nay và của cả Ấn Độ, một đất nước rộng lớn có một nền văn minh khá sớm với bộ kinh Vệ Đà ra đời trước Công Nguyên trên 1.500 năm.
Đoạn văn sau đây phần nào nói lên cái điều ngộ ra vừa đề cập ở trên: “Ông lão hơi mỉm cười. Thầy Gotama phải đâu là pho tượng thần để thờ tự, lễ bái và cầu cạnh. Trong một giấc mơ gần đây, chính thầy đã từng nói cho lão biết rằng ở nơi vương quốc trí tuệ không hề có chỗ cho những kẻ hèn mọn quanh năm suốt tháng chỉ biết cúi đầu van xin, lạy lục và quỵ lụy. Thầy không hề ở trên cao để lão phải ngước nhìn. Thầy đang ở ngay bên cạnh” (trang 54, tập 2)
Và sâu sắc hơn nữa, đó là: “Đã phải trải qua hằng vạn kiếp làm trâu bò, dê ngựa, thầy mới được làm người. Và thầy cũng đã trải qua tám vạn kiếp người với bao sự mê đắm, hận thù, tham lam. Cứ mỗi kiếp người là một bài học kinh nghiệm đáng nhớ trên bước đường tu tập. Cứ bắt đầu mỗi kiếp người, thầy lại tự đặt cho mình một cái mốc mới để theo.” (trang 64, tập 1).
Phật ở bên ta cũng chính là ở những lời dạy sát thực với cuộc sống và đấy tính triết học. Chẳng hạn như câu: “Trong mọi nỗi phiền toái ở đời, ai can dự vào đó càng nhiều, càng nặng, thì tâm càng nhiễu loạn. Phản ứng càng mạnh bao nhiêu, tâm càng bất an bấy nhiêu. Khi tâm cắm rễ vào thế tục càng nhiều, nỗi bất an càng chồng chất thì kí ức càng đậm, nghiệp càng nặng. Vậy, cách tốt nhất là đừng tạo nghiệp thêm nữa” (trang 115- 116, tập 1), hay: “Thù hận người khác thì cũng chẳng làm gì được người ta mà chính là làm hại tâm hồn, trí óc mình”, hay “Hận thù không thể dập tắt bằng thù hận mà chỉ có thể dập tắt bằng tình thương”.
Và rất nhiều lời dạy của thầy Gotama hiện trên nghìn trang tiểu thuyết mà mỗi khi đọc được, tôi giật mình cảm thấy Đức Phật như đang ở trong ruột gan ta. Có lẽ lời trao đổi sau đây của thầy Gotama với một vị vua làm cho ta thêm thấm thía ý nghĩa của chữ TU. Đó là câu: “Không nhất thiết phải khoác áo kasaya mới gọi là tu. Hoàng thượng có thể thực hành tu tập trong mọi cảnh ngộ. Đầu tiên, cương quyết đừng làm những việc ác. Luôn tích cực làm những việc thiện. Đừng để tâm mình mê muội làm tôi tớ cho hận thù, tham lam, kiêu ngạo. Hãy luôn nuôi dưỡng lòng từ bi, buông xả hết, tha thứ hết, đừng để tâm bị bám víu vào những phiền toái của cuộc đời. Thưa bệ hạ, đó chính là tu vậy” ( trang 407, tập 2)
Đó là chưa kể những cái nhìn mang tầm khoa học hiện đại của Phật Thích Ca đã cuốn hút sự suy nghĩ, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học tự nhiên và xã hội. Xin nhắc lại một câu của Đức Phật đã nói với mấy tu sĩ: Đừng bảo ta uống bát nước này là không sát sanh. Đó là điều hoàn toàn không thể hiểu đối với thính chúng cách đây gần 3 thiên niên kỷ. Nhưng ngày nay, với kính hiển vi điện tử có độ phóng đại trên triệu lần thì ta dễ dàng nhận ra hàng vạn vi sinh vật có trong bát nước. Và bây giờ, đến lượt chúng ta cũng không thể nào hiểu được cái nhìn thiên lý nhãn của Đức Phật vào lúc bấy giờ.Và nhiều vấn đề khác của vũ trụ, của nhân sinh với Trí Huệ Bát Nhã, Phật Thích Ca đã có cái nhìn thấu thị mà chỉ với nền văn minh tiến bộ, với nền khoa học hiện đại mới chứng minh được, mới tỏ rõ tính chân lý ở cái nhìn, lời nói của Đức Phật. Và lần này nữa, với «Thầy Gotama và 8.000 đề tử» , tác giả Trần Như Luận đã cho tôi ngộ được phần nào Trí Huệ Bát Nhã của Đức Phật ở câu trả lời cho một đạo sĩ: Những quy luật về vật lý điều khiển vật chất. Những quy luật về sinh vật điều khiển các cơ thể sống. Quy luật nhân quả chi phối hành vi của chúng sinh. (trang 131, tập 2) Trước cái nhìn như là thần linh về những vấn đề thuộc các lĩnh vực khoa học của Đức Phật cách đây trên 2.500 năm thì đã có nhiều nhà khoa học thần phục . Trong số những nhà khoa học thiện tâm ấy, có lẽ trước hết phải kể đến Albert Einstein. Đó là nhà khoa tự nhiên đã tìm ra quy luật Tương đối, là bộ óc vĩ đại nhất của loài người đã quan tâm, gia công nghiên cứu và phát biểu về Đạo Phật như sau “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học. Vì Phật giáo bao trùm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.” (Vấn đề cơ bản của triết học Phật giáo- Thích Tâm Thiện). Như vậy là chẳng những Phật ở bên ta mà còn chiếm lĩnh cả tâm hồn và trí tuệ của cả những nhà khoa học đại tài trên toàn thế giới.
Bên cạnh những lời dạy thiết thực trong cuộc sống thì vai trò người THẦY thay cho vị trí tuyệt vời cao diệu của Đức Phật cũng đã làm cho mọi người thấy Phật gần gũi với mình hơn. Chính từ nội hàm của từ “Thầy” ấy đã khêu gợi, động viên mọi người ra công học hỏi, nâng cao sự hiểu biết tính khoa học và triết học sâu sắc của giáo lý nhà Phật. Hay từ CUNG DƯỠNG thay cho từ “cúng dường” cũng làm cho chúng ta có một nhận thức chân chính và sâu sắc về sự tín ngưỡng với Phật Thích Ca, với giáo lý của Ngài. Đó là điều mà đã quá nhiều lần Đức Phật từng răng bảo: Phật không phải là một đấng thần linh. Phật chỉ là người đã giác ngộ còn các ngươi là người sẽ giác ngộ.
Đây chính là sự góp phần vào việc phát huy văn hóa dân tộc, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại và đả phá sự mê tín dị đoan, ngoại lai đang tràn lan trên Đất Nước ta thông qua sự cải cách và dụng ngôn của nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận.
Chính vì vậy mà trong một luận văn tiến sĩ có tên “Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý – Trần với Phật giáo, đại đức Thích Minh Trí đã có đoạn viết về vị trí thầy Gotama, người thầy vĩ đại của nhân loại như sau: “Đức Phật đã giảng tới những tư tưởng sâu hơn, rộng hơn, bao hàm cả những pháp thế gian cũng như pháp xuất thế gian. Cho đến trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những lời giáo huấn của Ngài đã trở thành một hệ thống tư tưởng đầy đủ. Hệ thống giáo lý này có thể áp dụng cho mọi tầng lớp, từ vua quan cho đến thứ dân. Đặc biệt, phương pháp diễn giải của Đức Phật là tùy thuộc vào căn cơ trình độ, tùy từng địa điểm, tùy từng địa phương mà thuyết giảng bài pháp nào cho phù hợp, chính vì thế Đức Phật còn được tôn xưng là nhà đại sư phạm, một đại danh y.”.

Điều ngộ thứ hai của tôi đó là “HÃY QUÝ LẤY KIẾP NGƯỜI”. Đây là một thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn và triết lý nhân sinh mà nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận đã chú tâm đem đến cho bạn đọc. Ngộ được ý nghĩa sâu xa của điều này, lòng tôi như được bừng sáng. Vì lâu nay tôi cũng như nhiều người khác vẫn mơ hồ về kiếp người, cho rằng cõi trần gian là tạm bợ. Con người sống đây chẳng qua là sống gửi, chỉ chết đi thì mới thực sự trở về một cõi vĩnh hằng nào đó, như Niết bàn, như Thiên đường chẳng hạn. Còn cõi ta bà trần thế này là tạm bợ, vớ vẩn, nhọc nhằn, là gian truân khổ ải không đáng để mà sống!
Thật là một suy tư, nhận thức sai lệch về ý nghĩa trong đại của kiếp người. Chính thầy Gotama đã xác thực từ chính cuộc đời Ngài: “Đã phải trải qua hằng vạn kiếp làm trâu bò, dê ngựa, thầy mới được làm người”. Và hình như sợ chúng sinh trầm luân trong bể khổ nên dễ dàng quên khuấy đi điều ấy, nên Thầy đã lại nhắc: “Được sinh ra trong cõi người chẳng phải dễ dàng gì đâu… Cho nên, đã làm người, hãy biết quý lấy kiếp người. Ai không biết giữ gìn thân mạng thì sẽ không có cơ hội để chứng nghiệm mọi chân lý của cuộc đời này”. (trang 404, tập 2)
Như vậy rõ ràng là để có được một kiếp người như hiện tại, chúng ta đã phải trải qua hàng vạn kiếp khổ ải, nhọc nhằn khác. Cái giá mà chúng ta phải trả hay được trả gì đó để có được kiếp người là cực kỳ to lớn không đo đếm được, hay nói đúng nghĩa hơn là vô giá. Bởi vì cũng chỉ từ kiếp người này chúng ta mới có cơ sở vật chất để xây dựng, mới có cơ hội tu tập để thành người giác ngộ, mới có điều kiện đạt trạng thái Niết Bàn ở ngay trên cõi thế này.
Chắc là đã quán triệt giáo lý nhà Phật và da diết yêu cuộc đời này, nên nhà thơ Việt Phương mới viết bài thơ GIẢI khá dài, tôi xin trích mấy câu:
Đời này nếu có luân hồi
Trăm lần xin chỉ làm người trần gian
…………………………
Một đời tích oán nuôi hờn
Thì thôi một giọt tình thương cũng vừa
Từ bao giờ đến bây giờ
Người thương người để nắng đùa trong cây
Bàn tay đỡ lấy bàn tay
Nâng niu cuộc sống mỗi ngày người ơi!” 

Và theo logich của quy luật phát triển thì nếu ai chối từ kiếp sống này hay sống một cách bê tha thối nát, bất cần đời làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân quần thì chắc chắn họ sẽ bị đào thải. Họ không thể tiếp tục “trụ hạng” ở kiếp người được nữa mà phải xuống làm súc vật ở kiếp sau. Và muốn trở lại làm kiếp người lần nữa, theo tinh thần của giáo lý nhà Phật thì có đấy, nhưng phải qua sự chuyển biến hằng vạn vạn kiếp nữa!. Ý nghĩa tích cực và cốt thiết của lời Phật dạy chính là ở chỗ khuyến cáo mọi người là phải biết quý giá kiếp người, phải ra sức hành thiện, loại ác, sống mình vì mọi người, hãy yêu thương lẫn nhau để được thoát khổ ngay trên trần gian này. Bởi vì cũng chính sự trầm luân khổ ải của cõi thế này mà Phật ra đời. Ra đời để cứu khổ cho chúng sinh. Như trong dân gian đã có câu thơ:

Phật ra đời cứu khổ
Chúa xuống thế làm người”

Những bậc vĩ nhân ra đời cũng chính vì con người. Và cũng chính từ kiếp sống thế nhân này mà con người mới có điều kiện trở nên vĩ nhân, thành bậc thánh hiền. Ý nghĩa biện chứng của giáo lý nhà Phật là ở lời kêu gọi ấy. Sự động viên thiết thực và đầy tính nhân bản của Phật Thích Ca cũng là ở lời kêu gọi thiết tha, nồng nàng ấy. Thế mà một số người không nhỏ đã mơ hồ, vội lìa bỏ kiếp người để đi tìm hạnh phúc ở một cõi trời khác thì quả là một đại sai lầm, không có cơ hội để sửa chữa, hoặc đang hào hứng trở lại “kiếp heo, kiếp dê” ngay trên cõi thế thì đúng là chuyện buồn nôn nuôn thưở! Như ngay ở thời thầy Gotama cũng đã có lắm chuyện lằn nhằn. Như cha dượng ngủ và có con với con riêng của vợ, (trang 90, tập 1), hay mẹ vợ ăn nằm với chàng rể để lộ ra khiến con gái thấy trời như sụp đổ, (trang 530, tập 1) thì kể ra cũng oái ăm thật. Nhưng nó không bằng một góc nhỏ so với mặt bằng đang rộng mở của lối sống xô bồ, thác loạn và khốn kiếp không thể tưởng được của một thời đại gọi là văn minh ngày nay.
Và lời kêu gọi ”Hãy quý lấy kiếp người” của Đức Phật vẫn còn vang vọng mãi đến ngàn sau khi kiếp người còn đứng trước những thảm họa diệt vong bởi những thế lực hung tàn cũng chính do con người tạo ra. Đó là chiến tranh, dịch bệnh, là môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, là không gian sinh tồn của nhân loại bị tàn phá tệ hại, đến nỗi thiên nhiên phải “trả thù”, như cách nói của Frederick Engels. Đó là mưa lũ, núi lở, tuyết tan, biển ngập, động đất, sóng thần…., và cả những tai họa tự gây ra… Trước những thiên tai địch họa khủng khiếp ấy thì cái “Trăm năm trong cõi người ta” cũng chỉ một bóng câu qua cửa, một chớp mắt mà thôi. Cuộc đời con người thật mong manh và ngắn ngủi. So với thời gian trường tồn của những thiên hà trong vũ trụ bao la, khôn cùng thì nó cũng chỉ một sát na vô thường.
Cho nên sau khi phát quang ngộ Đạo, với 45 năm trời, thầy Gotama như một trái tim vĩ đại đã không ngừng vỗ nhịp để tiếp “máu đỏ” cho muôn vạn trái tim con của chúng sinh và mong chúng cũng tự bền bĩ vỗ nhịp như trái tim mình. Đây là một cuộc “tiếp lửa” vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Mọi lòng chúng sinh đều phát sáng, ngộ Đạo là cũng nhờ sự soi sáng của ngọn lủa thiêng ấy. Đến phút chót, trước khi tịch diệt, Đức Phật còn hỏi các đệ tử: “Các con có điều gì hỏi thầy nữa không? Hãy hỏi đi kẻo sau này không có cơ hội như thế này nữa” (trang 504, tập 2). Một câu hỏi chan chứa tình yêu thương và cũng tràn ngập nỗi niềm lo lắng đối với kiếp sống của chúng sinh. Vì Đức Phật cũng đã bao lần nói rõ rằng : Ta chỉ là người vạch lối, chỉ đường, còn có vượt được bờ mê đến bến giác hay không là chính ở sự tự vận động của chúng sinh. Đích đến, không ai đi thay cho mình cả. Chúng sinh phải biết tựa vào kiếp người để mà vươn tới đời Phật. Sự vươn tới đó chính là sự chuyên tâm tu tập, ra sức thực hiện cho được ”tam học”. Đó là: Giới đức, định tĩnh, và trí huệ. Những đạo pháp này đã được thầy Gotama giải thích như sau:

Giới đức là những phép tắc ứng xử, những quy định chuẩn mực nhằm tự kiềm chế bản thân một cách đầy minh triết và tự nguyện. Mỗi giới đức đều có cách giải thích căn nguyên hết sức thấu đáo. Định tĩnh, đó là khả năng hòa nhập kỳ diệu vào cái thế giới bao la, cái thế giớ có năng lượng vô biên, tại đó tâm ta không còn bị u mê ám chướng che lấp. Còn trí huệ, đó là một biển tri thức xuyên suốt vạn vật. Khi có nó, mọi thao túng của nguồn máy luân hồi sẽ không còn cơ may phát triển.” (trang 237, tập 1)

Không những khẩn thiết kêu gọi ”Hãy quý lấy kiếp người” mà Thầy Gotama còn giải thích rõ ràng về những nội dung của nó, về cách tu tập, thiền định nữa để chúng sinh hiểu sâu sắc về vai trò và vị trí của loài người trong giáo lý tự giải thoát của Ngài. Chỉ vì sự khốn khổ của kiếp người mà Phật xuất hiện. Và cũng chính con người là lực lượng đem ánh sáng giáo lý của Ngài tới đích. Tính biện chứng và ý nghĩa duy vật của giáo lý nhà Phật là ở trong lời kêu gọi ấy.
Và điều ngộ thứ ba cũng là ngộ cuối cùng sau khi đọc đọc quyển tiểu thuyết này. Đó là Đạo Phật là ĐẠO LÀM NGƯỜI.

Đạo làm người ấy hiện hữu và thấm đẫm trên từng trang đời của thái tử Tất Đạt Đa, của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và trong giáo lý cao siêu thâm diệu của Ngài. Càng đọc “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” của nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận, tôi càng ngộ ra rằng chính Đạo Phật đã đưa ra nhiều răng dạy làm người là biết quên mình vì nghĩa lớn, là quyết chí ra tìm đường cứu khổ, giải phóng sự trầm luân cho nhân dân, cho đồng loại.
Bước đầu, cũng từ vị trí một con người, nhưng thái tử Siddartha đã hơn người ở chỗ là đã sớm trầm tư: “Liệu con người có thể vượt qua thân phận nhỏ nhoi sinh lão bệnh tử này chăng? Liệu bên cạnh cái nẻo hẹp cố hữu đã trở nên trớ trêu, oan nghiệt ấy, phải chăng có một con đường thênh thang đầy ánh sáng chói lọi mà xưa nay chưa ai tìm thấy? Nếu ta mãi buông xuôi đời mình trong bể trầm luân thì đâu là con dường giải thoát? (nên trớ trêu, oan nghiệt ấy cảm nhanh nỗi đau của người khác và sớm có ý thức tìm cách giải những nỗi đau khổ ấy.” (trang 23,tập 1).Thái tử không chìu theo ý vua cha để nối ngôi báu và chấp nhận xa vợ xa con mà quyết chí ra đi tìm phương cứu khổ cho mình và cho mọi người. Đây ý thức và ý chí vượt lên, thực hiện Đạo làm người của thầy Gotama.
Và có lẽ không ai hiểu sâu ý nghĩa sự hòa hiếu như Đức Phật: “Thầy cho rằng trong gia đình nếu anh em không hòa thì cốt nhục cũng chia lìa. Vợ chồng không hòa thì gia nghiệp chẳng thành, con cái phải đau khổ suốt đời vì gần cha thì xa mẹ, có mẹ thì chẳng có cha. Xóm giềng nếu không hòa thì sinh ra rầy ra, kiện cáo, có khi chém giết lẫn nhau. Quốc gia bất hòa thì sinh ra giặc giã, loạn li, nhân dân đói khổ. Cả nhân loại bất hòa thì chiến trang nối tiếp chiến tranh, nhân sinh điêu đứng, đạo đức suy tàn, xã hội lầm than.” (trang 21, tập 2)
Và Đạo Phật cũng là Đạo của Đất trời, đạo của nhân sinh. Đạo Phật chính là tên gọi thứ hai của tình yêu thương, của lòng nhân ái.
Tạo hóa đã sinh ra con người, thì cũng chỉ có con người mới hiểu được Tạo hóa, mới tìm ra những quy luật hoạt động của thiên nhiên và sống hòa điệu với thiên nhiên. Con người trở thành lực lượng trung tâm của Đất Trời. Cho nên nhiệm vụ, cũng là sự nghiệp vinh quang nhất của mỗi con người chính là góp phần tích cực vào sự cứu khổ nhân loại, thành mẫu đời đẹp mãi lưu danh hậu thế. VuaTrần Nhân Tông, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh … là những mẫu đời đẹp của Đất Nước ta mà tên riêng được thay bằng từ NGƯỜI viết hoa..
Cho nên việc trở về với chính mình với chính CON NGƯỜI. “Đó là cuộc-trở- về - vĩ - đại- nhất (trang 544, tập 2). Từng lúc, từng nơi, con người đã đánh mất mình và sa xuống loài thú. Ngay thời Đức Phật cũng đã có nhiều nhân vật mặt người dạ thú, điển hình là tên Savastika. Đó là một gã thợ săn, ngủ và có con với Punna, con riêng của vợ, thành tướng cướp, giết con, rồi thành “vua”. Tội ác của hắn thì chất thành núi, còn vàng bạc châu báu thì chứa đầy kho. Nhưng rồi cuối cùng, đời lão cũng trắng tay. Và lão tự thấy đời mình còn chút ít giá trị là nhờ học Đạo làm người và mơ thấy Phật ở bên mình.
Không chỉ mơ thấy Phật mà sẽ thành người giác ngộ, nếu ngay từ lúc đầu hắn biết ra công tu tập theo sự hướng dẫn của thầy Gotama. Thực tế đã có nhiều người biết học và thực hành Đạo làm người và đi theo con đường của Đức Phật đã hương dẫn, chuyên tâm tu tập đạo hạnh đã trở thành những bậc cao tăng. Đó cũng là những con người có đủ bi, trí, dũng, đủ sức loại bỏ sự u mê ám chướng và trừ được tham, sân, si,… thì Niết Bàn không đâu xa mà ở ngay trong cõi lòng mình. Vâng, một cõi lòng thanh thản. Như chính thầy Gotama đã trả lời cho tu sĩ Rahula, con trai của mình: “Niết Bàn chính là trạng thái thanh thản tột cùng” (trang 568, tập 2).
Và chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành bất tử là chính vì Ngài đã biết tìm cách giải thoát cho con người khỏi vòng luân hồi sinh, tử. Cho nên người đời đã bảo Đạo Phật chính là Đạo làm người vậy.

Phạm Thành Trai
----

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

HIỆN SINH LÀ MỘT CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN





JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)



Chúng ta cần xét lại câu hỏi hoàn toàn trên bình diện triết học: “Chủ nghĩa Hiện sinh là gì ?”

Phần lớn những ai dùng từ này ắt sẽ rất bối rối khi biện minh cho nó, vì ngày nay nó đã trở thành một thứ thời thượng, nên người ta sẵn sàng tuyên bố rằng anh nhạc sĩ này hay anh họa sĩ nọ là một “nhà hiện sinh”. Một anh chuyên viết tin vặt cho tờ Clartés ký thêm chữ “Nhà hiện sinh” ; và thực ra, từ này ngày nay đã được dùng quá rộng rãi đến nỗi nó không còn biểu đạt được điều gì nữa cả. Có vẻ như vì thiếu một học thuyết tiền phong [avant-garde] tương tự như thuyết Siêu thực [surréalisme], nên những người thích gây điều ong tiếng ve [scandale], hay thích gây phong trào, đều hướng tới triết học hiện sinh, hơn nữa, một triết học chẳng mang lại cho họ điều gì trong lĩnh vực này,

Thực ra, nó [chủ nghĩa Hiện sinh] chính là học thuyết ít tai tiếng nhất, chân chất nhất và chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn và các nhà triết học mà thôi. Tuy vậy, nó có thể được định nghĩa dễ dàng. Điều rắc rối là có hai loại các nhà hiện sinh : loại thứ nhất là các nhà hiện sinh Kitô giáo, và tôi liệt Jaspers[1] và Gabriel Marcel[2] (cả hai đều tự nhận là người Công giáo) vào trong số đó ; loại thứ hai là các nhà hiện sinh vô thần, cần phải liệt Heidegger[3] và các nhà hiện sinh Pháp khác và chính tôi vào số này. Điểm chung giữa họ chỉ là ở chỗ họ cho rằng hiện hữu đi trước trước bản chất, hay nói cách khác, họ xuất phát từ tính chủ thể [subjectivité].

Cần phải hiểu điều đó như thế nào mới đúng ? Khi ta xét một vật phẩm, chẳng hạn như một cuốn sách hay một con dao rọc giấy, vật này được người thợ chế tạo theo gợi hứng của một khái niệm nào đó, và nó được quy chiếu đến khái niệm “dao rọc giấy”, và cũng được quy chiếu như vậy đến một kỹ thuật sản xuất có sẵn, vốn là bộ phận của khái niệm và thực chất là một công thức chế tạo. Như vậy, dao rọc giấy vừa là một vật được sản xuất theo một phương cách nào đó vừa có một công dụng xác định, và không ai có thể cho rằng một người nào đó làm ra một con dao mà lại không biết con dao ấy dùng làm việc gì. Vì thế, chúng tôi sẽ nói rằng với con dao thì bản chất – tức là toàn bộ các công thức chế tạo và các thuộc tính cho phép làm ra nó và định nghĩa nó – có trước sự hiện hữu ; và như vậy, trước mặt tôi, sự hiện diện của một con dao nào đó hay một cuốn sách nào đó là được quy định. Vậy là chúng ta có một viễn quan kỹ thuật [vision technique] về thế giới, và trong viễn quan này ta có thể nói : “sự sản xuất đi trước sự hiện hữu”.

Khi chúng ta quan niệm Thượng đế là một đấng sáng tạo, thì trong một thời gian dài, vị Thượng đế này được đánh đồng với một người thợ siêu phàm ; và dù học thuyết mà chúng ta đang xét có là gì đi nữa, ngay cả một học thuyết như học thuyết của Descartes hay học thuyết của Leibniz [4], chúng ta luôn thừa nhận rằng ý chí (volonté) ít nhiều theo sau giác tính (entendement), hay ít ra là đi cùng với giác tính, và Thượng đế, khi sáng tạo ngài biết rõ những gì ngài đang sáng tạo. Như vậy, khái niệm « con người », trong tinh thần của Thượng đế, là có thể so sánh với khái niệm « dao rọc giấy » trong tinh thần của nhà công nghiệp ; và Thượng đế tạo ra con người dựa theo những kỹ thuật và một khái niệm hoàn toàn giống như người thợ chế tạo một con dao rọc giấy dựa theo một định nghĩa và một kỹ thuật. Như vậy, mỗi một cá nhân con người là sự hiện thực hóa của một khái niệm nào đó tồn tại trong giác tính thánh thần.

Vào thế kỷ XVIII, nơi chủ nghĩa vô thần (athéisme) của các triết gia, ý niệm Thượng đế bị gạt bỏ, nhưng không vì thế mà người ta gạt bỏ tư tưởng cho rằng bản chất có trước sự hiện hữu. Ý niệm này, đâu đâu chúng ta cũng gặp lại nó một ít : ở Diderot [5], ở Voltaire [6], và cả ở Kant [7]. Con người là kẻ sở hữu một bản tính người (nature humaine). Bản tính người này, một khái niệm về con người, được tìm thấy ở tất cả mọi con người. Điều này có nghĩa là mỗi một con người là một hình mẫu đặc thù của một khái niệm phổ quát : « con người » ; ở Kant, ông rút từ tính phổ quát ấy ra rằng vượn người, người nguyên thủy, cũng như người thị dân đều được gộp vào cùng một khái niệm và có cùng những tính chất căn bản. Như vậy, lại một lần nữa, bản chất của con người có trước sự hiện hữu có tính lịch sử ấy mà chúng ta sẽ gặp lại trong tự nhiên.

Thuyết Hiện sinh vô thần, mà tôi đại diện, có tính nhất quán hơn. Nó tuyên bố rằng nếu Thượng đế không hiện hữu, thì ít ra có một tồn tại (un être) trong đó sự hiện hữu đi trước bản chất, một tồn tại hiện hữu trước khi có thể được định nghĩa bằng một khái niệm bất kỳ nào, và tuyên bố rằng tồn tại ấy chính là « con người », hay nói như Heidegger là « thực tại-người » (réalité-humaine). Ở đây, « sự hiện hữu đi trước bản chất » có nghĩa là gì ? Câu này có nghĩa là trước tiên con người phải hiện hữu, gặp gỡ, xuất hiện trong thế giới đã, rồi sau đó mới được định nghĩa. Con người, theo quan niệm của người hiện sinh, nếu không thể định nghĩa được, chính là vì trước hết nó là hư vô. Nó chỉ tồn tại sau đó, và sẽ tồn tại như những gì nó sẽ được tạo ra. Như vậy, không có bản tính người, vì không có Thượng đế để nghĩ ra cái bản tính ấy. Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn tỏ ra.

Con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo ra. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết Hiện sinh. Đó cũng là điều mà người ta gọi là tính chủ thể, và người ta vin vào danh từ ấy để trách cứ chúng tôi. Nhưng qua đó chúng tôi muốn nói gì nếu không phải là việc con người có một phẩm giá cao hơn hòn đá hay cái bàn ? Vì chúng tôi muốn nói rằng trước tiên con người phải hiện hữu, tức là nói rằng trước tiên con người phải là kẻ tự ném mình vào một tương lai, và phải là kẻ ý thức về việc tự dự phóng vào tương lai. Con người trước hết là một dự phóng đang được sống về mặt chủ thể, thay vì là một thứ rêu, là một thứ nấm mốc hay một búp súp-lơ ; không có gì hiện hữu một cách có sẵn cho sự dự phóng ấy, không có gì tồn tại nơi thiên đường khả niệm (ciel inteligible), và con người trước hết sẽ là những gì mà nó dự định tồn tại. Không phải những gì nó muốn tồn tại. Vì thông thường chúng ta hiểu « muốn » là một quyết định có ý thức, và đối với phần đông trong số chúng ta, quyết định ấy là đi sau những gì mà con người đã tự làm nên chính mình. Tôi có thể muốn gia nhập một đảng phái, viết một cuốn sách, lập gia đình, tất cả những điều đó chỉ là sự biểu hiện của một sự lựa chọn nguyên thủy hơn, tự khởi hơn những gì mà người ta gọi là ý chí. Nhưng nếu đúng là sự hiện hữu đi trước bản chất, thì con người chịu trách nhiệm về những gì nó đang tồn tại. Như vậy, bước đi đầu tiên của thuyết Hiện sinh là đặt mọi người vào việc chiếm lĩnh những gì mình đang tồn tại, và đặt lên con người toàn bộ trách nhiệm về sự hiện hữu của mình. Và khi chúng tôi nói rằng con người chịu trách nhiệm về chính mình, thì chúng tôi không muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm về cái cá nhân chật hẹp của mình, mà muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người.

Từ “thuyết chủ thể” (subjectivisme) có hai nghĩa: thứ nhất, nó muốn nói đến sự lựa chọn của bản thân chủ thể cá nhân; thứ hai, nó muốn nói đến tính bất khả của con người về việc vượt qua tính chủ thể người. Chính nghĩa thứ hai là nghĩa sâu xa của thuyết Hiện sinh. Khi chúng tôi nói rằng con người tự chọn lựa, thì chúng tôi hiểu rằng mỗi một người trong số chúng ta tự lựa chọn, nhưng qua đó, chúng tôi cũng muốn nói rằng trong khi tự lựa chọn ta lựa chọn tất cả mọi người. Thực vậy, không một hành vi nào trong các hành vi chúng ta khi sáng tạo nên con người mà chúng ta muốn tồn tại mà lại không đồng thời tạo ra một hình ảnh về con người như chúng ta cho là nó phải tồn tại. Lựa chọn tồn tại này hay tồn tại khác chính là khẳng định cùng một lúc giá trị của những gì mà chúng ta lựa chọn, vì chúng ta không thể nào chọn cái xấu hơn (le mal) ; những gì mà chúng ta lựa chọn, đó luôn là cái tốt hơn (le bien), và không có cái gì có thể là tốt (bon) đối với chúng ta mà không là tốt đối với mọi người.

Hơn nữa, nếu sự hiện hữu đi trước bản chất và nếu chúng ta muốn hiện hữu cùng một lúc với việc chúng ta nhào nặn nên hình ảnh của mình, thì hình ảnh ấy có giá trị đối với tất cả mọi người và đối với toàn bộ thời đại của chúng ta. Như vậy, trách nhiệm của chúng ta lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể nghĩ đến, vì nó liên quan đến toàn thể nhân loại. Nếu tôi là người công nhân, và nếu tôi quyết định gia nhập một nghiệp đoàn Kitô giáo chứ không phải là người cộng sản, nếu qua sự gia nhập này, tôi muốn chỉ ra rằng thực chất sự cam chịu là giải pháp phù hợp với con người, và vương quốc của con người không phải ở trên mặt đất, thì tôi không chỉ vận vào trường hợp của mình : tôi muốn được cam chịu cho mọi người, do đó bước đi của tôi đã dấn mình vào toàn thể nhân loại. Và nếu, xét một cách cá nhân hơn, tôi muốn lập gia đình, có con cái, thậm chí nếu cuộc hôn nhân ấy chỉ tùy thuộc vào hoàn cảnh của tôi, hay vào đam mê của tôi, hay vào sự ham muốn của tôi, qua đó tôi không chỉ cam kết với chính mình mà còn cam kết với toàn thể nhân loại đang trên con đường của chế độ một vợ một chồng. Như vậy, tôi chịu trách nhiệm với chính mình và với mọi người, và tôi đã sáng tạo ra một hình ảnh nào đó về con người mà tôi đã lựa chọn ; khi chọn lấy chính tôi, tôi chọn loài người.

Điều này cho phép chúng ta hiểu những gì mà các từ che đậy hơi chút khoa trương như : sự lo âu (angoisse), tình trạng bị bỏ rơi (délaissement), sự tuyệt vọng (désespoir). Rồi các bạn sẽ thấy, chúng cực kỳ giản dị.

Trước hết, ta hiểu thế nào về sự lo âu ? Người hiện sinh sẵn sàng tuyên bố rằng con người là sự lo âu. Điều này có nghĩa như sau : con người dấn mình vào và nhận ra rằng nó không chỉ là kẻ mà nó đã chọn để tồn tại, mà đồng thời nó còn là một kẻ lập luật đang lựa chọn cho toàn thể nhân loại, nó không thể thoát khỏi cái cảm thức về trách nhiệm toàn diện và sâu xa của mình. Hẳn là có nhiều người không tỏ ra lo âu nhưng chúng tôi khẳng định là họ che đậy sự lo âu của họ, họ trốn tránh nó. Chắc chắn nhiều người tin rằng trong lúc hành động chỉ có họ mới dấn thân thôi, và một khi ta nói với họ rằng: “Nhưng nếu mọi người cũng làm như vậy thì sao ? ». Họ nhún vai đáp: “Chẳng ai làm thế đâu ». Nhưng thực ra, ta phải luôn tự hỏi : « Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều làm như vậy ? » Và ta chỉ có thể thoát khỏi cái ý nghĩ không yên ấy bằng một thứ ngụy tín(mauvaise foi). Người nói dối rồi tự lấp liếm, bằng cách nói rằng : « chẳng ai làm thế đâu », là một người đang cắn rứt lương tâm mình, vì hành vi nói dối bao hàm một giá trị phổ biến được gán cho lời nói dối. Ngay khi giá trị ấy bị che giấu thì sự lo âu xuất hiện. Đây là sự lo âu mà Kierkegaard gọi là « nỗi lo âu của Abraham ». Chắc hẳn các bạn đều biết câu chuyện này. Một thiên sứ đã lệnh truyền cho Abraham phải hy sinh đứa con trai của ông : mọi sự sẽ tốt đẹp nếu đó đích thực là thiên sứ, người đã đến và nói : « Ngươi là Abraham, ngươi sẽ hy sinh đứa con trai của ngươi ». Nhưng bất cứ ai [trong trường hợp ấy] cũng có thể tự hỏi trước hết : « Đó có thật là vị thiên sứ không ? », và tiếp theo : « Tôi có thậf là Abraham không ? », « Ai sẽ chứng thực cho tôi điều này ? ». […]. Không có gì cho thấy tôi là Abraham, và tuy vậy tôi luôn buộc phải thực hiện những hành vi gương mẫu.

Đối với mọi người, mọi sự diễn ra như thể toàn thể nhân loại đang hướng mắt vào những gì mình đang làm và đang noi theo những gì mình đang làm. Và mỗi người sẽ phải tự nhủ rằng « Tôi có thực là người có quyền hành động đến nỗi nhân loại phải noi theo những hành vi của tôi không ? Và nếu người nào không tự nhủ điều này thì đó là anh ta đang che giấu sự lo âu.

Và khi nói về « tình trạng bị bỏ rơi », thì chúng tôi chỉ muốn nói rằng Thượng đế không hiện hữu, và điều cần thiết là từ đó ta phải rút ra cho hết những hệ quả. […] Người hiện sinh nghĩ rằng điều rất khó xử là Thượng đế không hiện hữu, vì mọi khả năng tìm thấy các giá trị trong thiên đường khả niệm sẽ mất đi cùng với Ngài ; không còn có bất cứ cái thiện tiên nghiệm nào nơi thiên đường ấy nữa, vì không có ý thức vô hạn và hoàn hảo nào để suy tưởng về nó ; không ở đâu nó được viết rằng : « cái thiện đang hiện hữu », « cần phải trung thực », « không được nói dối », vì rõ ràng chúng ta đang tồn tại trên một bình diện chỉ có những con người mà thôi. Dostoïevski [8] nói : « Nếu Thượng đế không hiện hữu, mọi sự đều được phép. » Đấy chính là điểm xuất phát của thuyết Hiện sinh. Thực vậy, mọi sự đều được phép nếu Thượng đế không hiện hữu, và do đó, con người bị bỏ rơi, vì con người không tìm thấy ở trong nó cũng như ở ngoài nó một khả năng nào để bám lấy. Trước hết, con người không tìm thấy sự bào chữa nào.

Nếu quả thật là sự hiện hữu đi trước bản chất, thì ta sẽ không bao giờ có thể giải thích bằng cách quy chiếu đến một bản tính người bị đông cứng đã cho nào ; nói cách khác, không có thuyết tất định, con người là tự do, con người được tự do. Mặt khác, nếu Thượng đế không hiện hữu, chúng ta sẽ không tìm thấy trước mặt mình những giá trị và những mệnh lệnh khiến cho hành vi của chúng ta được chính đáng. Như vậy, phía sau chúng ta cũng như phía trước chúng ta, trong miền ánh sáng của các giá trị, chúng ta không có những biện minh hay những bào chữa. Chúng ta chỉ một mình, không có sự bào chữa. Đó là những gì tôi thể hiện bằng cách nói rằng con người bị kết án phải tự do. « Bị kết án », bởi vì con người không tự tạo nên chính mình, nhưng mặt khác, « phải tự do » bởi vì một khi bị quăng ném vào thế giới, con người chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình đã làm. Người hiện sinh không tin vào sức mạnh của đam mê, và không bao giờ nghĩ rằng một đam mê mãnh liệt là một dòng thác cuộn phá dẫn con người đến những hành vi nào đó như một tiền định, và do đó là một sự bào chữa [cho những hành vi của mình]. Người hiện sinh cho rằng con người chịu trách nhiệm về sự đam mê của mình.

ĐINH HỒNG PHÚC trích dịch

(từ nguyên bản tiếng Pháp)

THẢO LUẬN
Bình luận luận điểm của Sartre: “hiện hữu đi trước bản chất”.
Đối với Sartre, theo nghĩa nào tôi chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người.
Bạn có đồng ý với Dostoïevski rằng: “Nếu Thượng đế không hiện hữu, mọi sự đều được phép.”?



Nguồn: Đinh Hồng Phúc. Triết học trong cuộc sống – Các bài đọc chọn lọc. Tập bài giảng môn “Triết học trong cuộc sống” tại Đại học Hoa Sen, niên khóa 2013.




[1] Karl Theodor Jaspers (1883-1969) là nhà tâm thần học và triết học người Đức, đại diện cho triết học hiện sinh Kitô giáo. Các công trình chính của ông : Triết học (1932), Lý tính và hiện hữu (1935), Triết học hiện sinh(1938), Dẫn luận triết học (1950), Lý tính và phản lý tính trong thời đại chúng ta (1950).


[2] Gabriel Marcel (1889-1973) là nhà triết học, phê bình văn học, và là nhà soạn kich người Pháp, đại diện cho phương án Kitô giáo trong triết học hiện sinh. Các công trình chính của ông : Sự hiện hữu và tính khách quan (1914), Tồn tại và Có (1935), Những con người chống con người (1951), Con người nghi vấn (1955),Phẩm giá con người (1964).


[3] Martin Heidegger (1889-1976) là nhà triết học Đức, có vai trò rất lớn đối với sự hình thành và phát triển thuyết Hiện sinh và các thuyết khác như Thông diễn học (Gadamer) và Hậu-cấu trúc (Derrida và Foucault). Công trình chính : Sein und Zeit (Tồn tại và thời gian, 1927).


[4] Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646-1716) là nhà triết học Đức. Các công trình triết học chính: Luận văn về Siêu hình học, 1686, Những tiểu luận mới về giác tính của con người, 1705, Đơn tử luận 1714. (ND).


[5] Denis Diderot (1713-1784): nhà văn, nhà triết học và nhà bách khoa thư người Pháp, sáng lập và chủ trì bộ Bách khoa thư (1750), một công trình vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của phong trào Khai minh ở Pháp. (ND).


[6] Voltaire (1694-1778), tên thật là Franois-Marie Arouet, là nhà văn, nhà triết học người Pháp, đại biểu lỗi lạc của trào lưu tư tưởng Khai minh. Các tác phẩm chính: Chàng Candide hay chủ nghĩa lạc quan (1759),Những lá thư triết học (1734). (ND).


[7] Emmanuel Kant (1724-1804) là nhà triết học duy tâm siêu nghiệm Đức, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với toàn bộ triết học Tây phương hiện đại.


[8] Fedor Mikhaïlovitch Dostoïevski (1821-1881) là một đại văn hào Nga, được coi là một trong những người góp phần quan trọng cho sự hình thành thuyết Hiện sinh. (ND).

HỮU CẦU TẤT KHỔ







Trong Tứ diệu đế (bốn chân lý nhiệm màu) để giải thoát, mở đầu là khổ đế (chân lý về sự phổ biến, tuyệt đối và triệt để của cái khổ). Trong khổ đế mở đầu là cầu bất đắc khổ , tức là mong muốn, truy cầu mà không đạt được là một loại khổ. Cái này phổ biến, dễ hiểu, có lẽ không cần chứng minh. Ta mong muốn điều gì mà không đạt được, không thể đạt được, hay không toại nguyện là nguồn của đau khổ và chính nó là khổ. Sự cầu thật đa dạng, có nhu cầu về cả vật chất, tinh thần,cầu cho cá nhân, cho xã hội, cho chúng sinh... Cầu thực chất cũng là nhân dục, một cách gọi khác của nhân dục. Nhân dục càng lớn, cái khổ càng nhiều. Cái sự được như ý ở đời này có bao nhiêu?

Theo đó, cầu mà đạt được thì sẽ sướng, cầu đắc thì sung sướng, hoan lạc? Chưa chắc. Ngẫm ra, cầu được cũng có thể vẫn khổ. Khi ta theo đuổi điều gì thì mong nó đạt tới, nhưng biết đâu cái đạt được đó lại là nguyên nhân của những cái khổ khác. Mong có cái ô tô, được nó biết đâu lại là nguyên nhân của tai nạn chết người nào đó. Kẻ cầu quan cao chức trọng, biết đâu làm quan lại khổ hơn, mong làm dân mà không được nữa. Người ta đôi khi đạt được rồi, sinh ra thỏa mãn, hết động lực, trống rỗng, lại rơi vào bi kịch khác... Đó là chưa nói tới chuyện, cầu mà đạt được thì cái cầu tiếp theo sẽ to lớn hơn cái cầu trước và là nguyên nhân cho cái khổ lớn hơn. Cho nên bổ sung thêm cho Tứ diệu đế rằng : Cầu đắc diệc khổ ( cầu được cũng khổ).

Phương án của Đạo gia: thiểu tư quả dục, tư tưởng ít, nhân dục ít là cách để hạn chế khổ, điều này có vẻ khả thi. Khổ đã không tránh thì cố gắng làm cho nó bớt bớt đi. Ít cầu đi thì bớt khổ đi, vì được cũng khổ, không được cũng khổ mà. Nho gia chủ trương điều tiết kiềm chế nhân dục, cho nhân dục khoảng tự do trong khuôn khổ, chỉ thích cái được phép làm thực chất là kiềm chế, điều tiết cả sự sung sướng và sự khổ, không được sướng quá, không để rơi vào trạng thái khổ quá. Điều này đối với những người thích hưởng lạc và tự do phóng khoáng thì hẳn là không thích thú gì, nhưng nhìn từ góc độ xã hội và với tính hiệu quả thực tế của nó thì không phải không hữu ích.

Người xưa theo đạo thượng thừa Thiền, luyện tâm để đạt tới Vô cầu (không truy cầu theo đuổi bất cứ điều gì để đạt tới an lạc). Cầu bất đắc khổ, cầu đắc diệc khổ, vô cầu nhi lạc. Vô cầu là đã gần tới tâm không.

Vô cầu là đắc đạo rồi. Nhưng làm thế nào để Vô cầu? Theo đuổi sự vô cầu mà không phù hợp với tâm tính và sở nguyện của ta thì mong muốn Vô cầu lại thành ra một thứ cầu vô cùng khó đạt và có khi đó là nguồn của một cái khổ lớn. Làm phàm nhân ở đời chắc vẫn phải cầu thôi. Cầu mà đắc đừng lấy thế làm vui quá, cầu bất đắc cũng đừng lấy thế làm khổ quá, tự điều tiết được chút nào tốt chút đó, nhậm vận tùy duyên đành vậy.



NGUYỄN KIM SƠN

Môn lý luận văn học trong trường đại học hiện nay



Huỳnh Như Phương



1. Tình hình dạy và học môn lý luận văn học trong trường đại học hiện nay

Từ những năm 60 thế kỷ trước đến nay, dưới nhà trường xã hội chủ nghĩa, môn lý luận văn học (LLVH) vẫn được xem là môn học quan trọng không chỉ đối với sinh viên ngành ngữ văn mà cả các ngành có liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Môn này thường được phân bổ đều từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, bao gồm các học phần cơ sở và các học phần chuyên đề. Riêng các học phần cơ sở, việc phân bổ giờ dạy ở các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm khác nhau trong khoảng từ 105 tiết đến 150 tiết. Từ năm học 2005, chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 01 ngày 12-01-2005 quy định số giờ dạy môn cơ sở LLVH thống nhất cho tất cả các trường là 135 tiết. Đối với sinh viên chuyên ngành văn học, trước khi hệ tín chỉ được áp dụng ở một số trường, môn này vẫn là một trong hai môn thi tốt nghiệp: điều đó càng nói lên tầm quan trọng của nó.

Trong các bộ giáo trình LLVH được biên soạn vào những thập niên cuối thế kỷ trước, cấu trúc của chương trình LLVH thường bao gồm các phần: 1) Nguyên lý chung (còn gọi là Nguyên lý tổng quát hay Cơ sở lý luận chung); 2) Tác phẩm văn học; 3) Loại thể văn học; 4) Phương pháp sáng tác và trào lưu văn học (có sách thêm:Trường phái văn học). Ở một số giáo trình, phần 2 và 3 được gộp chung, xem loại thể như một phương diện cấu thành của tác phẩm. Cũng có giáo trình cơ cấu thêm phần Phương pháp luận nghiên cứu văn học, nhằm bổ sung kiến thức cho sinh viên, tuy đây là một bộ môn ngày càng trở nên độc lập so với LLVH.

Trong bộ chương trình khung nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn LLVH bao gồm 3 phần: 1) Nguyên lý LLVH (45 tiết); 2) Tác phẩm văn học và loại thể văn học (60 tiết); 3) Tiến trình văn học (30 tiết). Ở đây những người soạn chương trình tránh dùng, như tiêu đề của một học phần, khái niệm Phương pháp sáng tác (hayPhương pháp nghệ thuật) vốn ra đời vào những năm 30 thế kỷ trước cùng lúc với khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; thay vào đó bằng khái niệm Tiến trình văn học có nội hàm rộng hơn, vốn cũng là một “đặc sản” ít nhiều được thử thách của LLVH xô-viết mà cho đến nay vẫn được sử dụng trong những bộ LLVH xuất bản ở Nga đầu thế kỷ 21[1].

Hiện nay trong các trường đại học ở nước ta đang lưu hành khoảng 10 bộ giáo trình LLVH, bao gồm những bộ được dịch từ tiếng Nga, những bộ của các tác giả trong nước biên soạn hai thập niên trước nay được tái bản và những bộ mới xuất bản những năm đầu thế kỷ này. Mỗi bộ giáo trình đều có những thế mạnh và ưu điểm riêng, vì vậy các giảng viên thường giới thiệu một danh mục sách tham khảo cho sinh viên học tập môn này. Theo sự khảo sát chưa đầy đủ của chúng tôi, được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trong sinh viên các trường là bộ LLVH của Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình. Bộ này được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành lần đầu những năm 1986-1988 gồm ba tập và đã được tái bản hai lần dưới hình thức một tập khổ lớn dày hơn 700 trang. Công trình này đã kế thừa hai bộ Cơ sở LLVH khá phổ biến trước đây của các tác giả thuộc bộ môn LLVH các trường đại học ở Hà Nội và Vinh: một do NXB Giáo dục (bốn tập, 1970-1971), một do NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp (ba tập, 1980-1983). Được biên soạn ngay “đêm trước” thời kỳ đổi mới, nên bộ sách nói trên phần nào tránh được những hạn chế của những công trình mà nó chịu ơn, đồng thời đã bổ sung vào nội dung giảng dạy những vấn đề có ý nghĩa khoa học như tư tưởng LLVH cổ ở phương Đông và Việt Nam, tính quốc tế và tính nhân loại của văn học, nhà văn và quá trình sáng tác, bạn đọc và tiếp nhận văn học…

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn LLVH trên thế giới cũng như trước nhu cầu của một công chúng ngày càng nâng cao về kiến văn và trình độ, chính tác giả của các bộ sách công phu và dày dặn nói trên cũng thấy cần phải viết lại giáo trình về lĩnh vực này với những điều chỉnh và bổ sung hợp lý. Nỗ lực đó được ghi nhận qua hai công trình mới xuất bản gần đây cùng do NXB Đại học Sư phạm: Lý luận văn học (Tập I: Văn học, nhà văn, bạn đọc) do Phương Lựu chủ biên (2002) và Giáo trình lý luận văn học (Tập I: Bản chất và đặc trưng văn học) do Trần Đình Sử chủ biên (2004). Một dành cho sinh viên đại học, một dành cho sinh viên cao đẳng, cả hai cuốn này đều có phần câu hỏi hướng dẫn ôn tập ở cuối mỗi chương, riêng cuốn thứ hai còn bổ sung phần trích yếu tư liệu và thư mục tham khảo cho từng vấn đề.

So với các học phần lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, việc dạy và học môn LLVH có những đặc điểm và yêu cầu riêng của nó. Có lẽ sau môn triết học và mỹ học, thì đây là môn học có sức khái quát và trừu tượng hơn cả. Sinh viên ngữ văn hiện nay, một mặt do cái nền học vấn các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường trung học có chiều hướng sa sút, mặt khác do được tuyển vào ngày càng đông, nhất là ở các đại học dân lập, nên trình độ tiếp thu không đồng đều, yếu về tư duy khái quát, về tinh thần và phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Đa số sinh viên học LLVH như một món nợ phải trả cho nhà trường, thầy dạy gì thì học nấy, ít chịu đọc thêm sách tiếng Việt chứ chưa nói sách tiếng nước ngoài. Đó là một sự thực.

Nhưng còn một sự thực khác: trong từng lớp học, bao giờ cũng có khoảng 10% sinh viên yêu thích môn LLVH. Họ quan tâm đến những vấn đề trừu tượng; họ có tiếng Anh để có thể dịch những đoạn văn lý luận, phê bình mà thầy giáo giao cho, có thể vào các trang web để tìm các tài liệu mà thầy giáo không cung cấp; họ cũng mạnh dạn đặt lại các vấn đề mà thầy giáo khẳng định nếu được khuyến khích trong một không khí cởi mở của lớp học. Việc dạy LLVH cần phải hướng đến những sinh viên xuất sắc đó, phát hiện ra họ và từ họ mà tác động đến cái đa số thầm lặng và trì trệ kia. Ở trường chúng tôi, những sinh viên trong lớp cử nhân tài năng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc này: họ cung cấp cho thầy giáo những tài liệu mà thầy không có điều kiện cập nhật, bài thuyết trình của họ được sao chụp cho cả lớp cùng đọc trở thành kiến thức bổ sung cho bài giảng, những ý kiến thắc mắc của họ khiến thầy giáo phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về bài giảng của mình cho năm học tới…

Đánh giá hoạt động LLVH hiện nay, một nhận định được nhiều người chia sẻ là LLVH chậm trễ, nếu không muốn nói là tụt hậu, so với sáng tác. LLVH không những không định hướng được cho sáng tác mà còn tỏ ra lúng túng, thậm chí bất lực trong việc lý giải, tổng kết và rút ra quy luật từ những hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống văn học. Nhận định này chắc chắn có cơ sở khách quan của nó.

Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn nhìn thực trạng từ một góc độ khác. Đó là nên chăng, chúng ta không chỉ đặt vấn đề về sự chậm trễ của LLVH so với sáng tác mà còn – và có lẽ quan trọng hơn – là đặt vấn đề LLVH chậm trễ so với chính nó, nghĩa là so với những yêu cầu đặt ra cho nó như một bộ môn khoa học, vừa quan hệ với sáng tác, mà cũng vừa độc lập so với sáng tác. Không có sáng tác hay thì khó có lý luận – phê bình sâu sắc, điều đó không sai. Nhưng trong điều kiện tương tác của những yếu tố văn hóa giữa một thế giới hội nhập như hiện nay, một nền văn học chưa có nhiều sáng tác độc đáo vẫn có thể thụ hưởng những thành tựu lý luận sâu sắc.

Vả chăng, chúng ta cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định rằng hiện nay ở nước ta, về sáng tác, có những nhà văn đi tiên phong, còn về lý luận thì các nhà khoa học lại giẫm chân tại chỗ. Theo thiển ý, nói một cách công bằng, thì cả sự “tiên phong” lẫn sự “chậm trễ” đều có mặt ở cả hai giới sáng tác và lý luận – phê bình.

Chính vì vậy, chúng tôi trộm nghĩ rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nên xem thực tiễn sáng tác là chuẩn mực và trình độ để lý luận và phê bình soi chiếu hay vươn tới. Nói lý luận gắn liền với thực tiễn, cần hiểu đó là thực tiễn đời sống nói chung, trong đó có thực tiễn văn học, mà một trong những nhân tố quan trọng là công chúng. Công chúng hiện nay đang cần được thụ hưởng những tinh hoa không chỉ trên bình diện sáng tác mà cả trên bình diện lý luận – phê bình. Đến lượt nó, LLVH tác động vào thực tiễn không chỉ qua trung gian của người sáng tác mà còn qua nhiều mối quan hệ phức tạp với công chúng nói chung. Nâng cao trình độ cảm thụ, thị hiếu và phán đoán thẩm mỹ của công chúng cũng là một cách tác động tích cực vào thực tiễn.

Trong chiều tác động ngược lại, vai trò của người đọc đối với sự phát triển của LLVH tuy không trực tiếp như đối với sự phát triển của sáng tác, nhưng cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một điều kiện và môi trường công chúng nào đó, LLVH có đẳng cấp cao sẽ trở nên lạc lõng. LLVH thiếu bản lĩnh sẽ chiều theo lỗ tai của một công chúng nông nổi, hời hợt. Vì vậy lỗi để xảy ra tình trạng chậm trễ về LLVH hiện nay có một phần thuộc về bạn đọc. Sở dĩ còn tồn tại một loại lý luận – phê bình văn học gàn dở, thô lậu là vì có một bộ phận bạn đọc ưa thích loại lý luận – phê bình đó và có một số ít tờ báo, nhà xuất bản làm bà đỡ cho nó để “phục vụ” số bạn đọc kia.

Chưa có điều kiện làm một cuộc điều tra xã hội học, với sự ghi nhận còn chủ quan của mình, chúng tôi thấy rằng tỉ lệ người đọc sách LLVH đông nhất hiện nay không phải là những nhà sáng tác mà là sinh viên các ngành ngữ văn và văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, nâng cao chất lượng dạy và học LLVH ở các trường đại học là một điều kiện, một nhân tố quan trọng để nâng cao tính tích cực xã hội của LLVH. Những người sinh viên được đào tạo căn cơ, bài bản về LLVH sẽ góp phần sửa chữa những khiếm khuyết trong tiếp nhận văn học hiện nay và hình thành một công chúng lý tưởng cho đời sống văn học. Họ không chỉ là người đọc sách mà còn là độc giả văn học, để mượn cách phân biệt của P. Vjazemski. Đầu tư tâm huyết, tài năng, trí tuệ và công sức cho việc biên soạn và giảng dạy LLVH ở đại học là một kênh đầu tư có hiệu quả để tác động đến sự đổi mới toàn bộ cơ thể văn học của chúng ta.

Trong tinh thần đó, chúng tôi xin nêu mấy đề nghị cải tiến về nội dung, cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy và việc biên soạn giáo trình LLVH ở đại học.

2. Mấy đề nghị cải tiến việc giảng dạy môn lý luận văn học trong trường đại học

Trước hết chúng tôi muốn khẳng định rằng phương châm mà chúng tôi coi trọng là “kế thừa gắn liền với đổi mới, kế thừa để đổi mới có hiệu quả và đổi mới để kế thừa trong sáng tạo”. Tôi nói điều này mà không sợ bị hiểu nhầm mình chẳng qua chỉ là một “kẻ chuyên rào đón trước”, vì thực sự đây là nói về LLVH trong nhà trường mà thực tiễn đã chứng minh rằng những gì gắn liền với lĩnh vực giáo dục nếu kế thừa thuần tuý hoặc đổi mới thuần tuý thì chỉ có thất bại mà thôi.

2.1. Về nội dung giảng dạy và cấu trúc chương trình

Đối với những vấn đề cơ bản của văn học, theo chúng tôi, giáo trình LLVH nên tập trung vào bốn chủ điểm là văn học và xã hội, văn học và văn hóa, văn học và cái đẹp, văn học và ngôn ngữ. Đó cũng là các mối quan hệ thiết thân của văn học từ rộng đến hẹp, và giải quyết các mối quan hệ này, sẽ đồng thời giải quyết vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học.

Ở vấn đề thứ nhất, chúng ta có thế mạnh là truyền thống văn học dân tộc và ảnh hưởng của LLVH mác-xít từ ngoại sinh đã trở thành nội sinh. Chúng ta có một loạt các luận chứng về chức năng xã hội của văn học và trách nhiệm xã hội của nhà văn từ các nhà kinh điển, các nhà lý luận mác-xít và các nhà văn hóa tiến bộ. Chúng tôi quan niệm rằng, đối với một giáo trình cơ bản cho sinh viên Việt Nam, thì điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh chưa phải là vấn đề hình thức ngôn từ mà là tinh thần xã hội của văn học. Tuy nhiên, một số phương diện của vấn đề này trước đây được lý giải có phần xác quyết quá, nay có lẽ không có sức thuyết phục nữa: nguồn gốc lao động của văn học, thế giới quan và sáng tác… Trong phần này, giáo trình cũng có thể gắn văn học với cuộc sống nóng bỏng của thế giới hiện đại qua các vấn đề nữ quyền, bảo vệ môi trường, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc…

Vấn đề thứ hai lưu ý chúng ta đặt văn học trong bối cảnh văn hóa của dân tộc và của khu vực. Không thể hiểu thế giới nghệ thuật ngôn từ, nếu không nắm vững những đặc điểm văn hóa bản địa của một dân tộc cùng sự giao thoa, tiếp biến và dung hợp văn hóa trong lịch sử. Ở đây, chúng ta cũng có thể thấy được mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, đạo đức, phong tục, tập quán… mà ảnh hưởng của nó vừa tạo ra những tác động thuận chiều, vừa gây nên những phản ứng nghịch chiều trong nghê thuật. Cần nhấn mạnh tính khoan dung văn hóa trong văn học dân gian và văn học cổ điển Việt Nam.

Ở vấn đề thứ ba, văn học được xem xét như một hoạt động thẩm mỹ bên cạnh các loại hình nghệ thuật khác. Cùng với các hoạt động nghệ thuật, văn học góp phần khám phá và sáng tạo ra những giá trị theo quy luật của cái đẹp. Đặt văn học trong hệ thống các loại hình nghệ thuật, chúng ta càng nhận ra đặc trưng của nó. Về vấn đề này, chúng ta có thể tiếp thu từ các giáo trình văn học của Nga xuất bản mấy thập niên qua và cũng không xa lạ với các giáo trình của ta trong thời kỳ Đổi mới.

Vấn đề thứ tư sẽ nâng cao tính hiện đại của LLVH: ở đây ta có thể viện dẫn đến nhiều luận điểm của các nhà ngôn ngữ học, phong cách học và thi pháp học để làm rõ đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ. Việc giới thiệu F. de Saussure, R. Jakobson, các trường phái hình thức luận, cấu trúc luận được đẩy mạnh trong những năm gần đây là điều kiện thuận lợi để triển khai vấn đề này, tuy đã được đề cập trong các giáo trình trước, nhưng cần được nhận thức sâu hơn trong người dạy và người học [2].

Về nghề văn, các giáo trình hiện nay của chúng ta đã đi sâu làm rõ nhà văn như là chủ thể sáng tạo văn học, các khái niệm cá tính sáng tạo, phong cách, tâm lý sáng tạo văn học và lao động của nhà văn. Ở một phía khác, các chuyên gia về mỹ học tiếp nhận ở nước ta tuy ít nhưng có thực học đã giúp ích rất nhiều cho việc biên soạn và giảng dạy phần lý luận về người đọc.

Theo chúng tôi, phần đổi mới rõ nhất trong giáo trình LLVH hiện nay là phần viết về tác phẩm văn học như một cấu trúc nghệ thuật trong tính chỉnh thể của nó. Đó là nhờ học tập những thành tựu của thi pháp học, tự sự học… Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nên cân nhắc khi vận dụng một số khái niệm không có ý nghĩa phổ biến trong việc phân tích tác phẩm. Chẳng hạn, khái niệm “quan niệm nghệ thuật về con người”, trong tiếng Việt, dễ gây nhầm lẫn với khái niệm “quan điểm nghệ thuật”. Trong tinh thần của M. Bakhtin, có lẽ khái niệm này chỉ nên vận dụng vào tác phẩm của những nhà văn lớn như F. Rabelais, F. Dostoievski… Gần đây, ở ta, có một số nhà nghiên cứu lại sử dụng khái niệm này theo hàm nghĩa của khái niệm “điểm nhìn nghệ thuật” (point of view) như điểm xuất phát từ vị trí của người trần thuật trong tương quan với nhân vật vốn chỉ liên quan đến văn xuôi hư cấu mà thôi. Vậy mà hiện nay trong nhiều công trình nghiên cứu, nhất là trong các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, khái niệm này được áp dụng đại trà cho các nhà văn – lớn cũng như trung bình, và tác phẩm – văn xuôi cũng như thơ.

Theo sự cảm nhận của một số đồng nghiệp cũng như của bản thân chúng tôi, phần gây khó khăn và lúng túng nhất hiện nay là “Tiến trình văn học”. Như trên đã nói, thuật ngữ này được khai sinh từ lý luận văn học Nga và việc luận giải cũng chưa thật rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, ta có thể đặt tên phần này là “Các khuynh hướng và trào lưu văn học” (hay “Các hệ thống nghệ thuật” như cách dùng của I. Volkov). Nhưng điều đáng nói hơn cả là không thể chỉ dạy các trào lưu cổ điển, lãng mạn, hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa như những năm 70 về trước, mà cũng không thể đưa các trào lưu khác vào chung “các loại chủ nghĩa hiện đại” để tiện phê phán như những năm 80 về sau. Theo thiển ý, sinh viên cần được tìm hiểu một cách khách quan các trào lưu đã để lại dấu ấn trong tiến trình văn học, như những hiện tượng lịch sử có tính quy luật.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ giáo trình LLVH nên dành một chương về nghiên cứu và phê bình văn học, trong đó xác định đối tượng và nhiệm vụ các bộ môn hợp thành của khoa nghiên cứu văn học [3].

2.2. Về phương pháp giảng dạy và việc biên soạn giáo trình

Trong việc giảng dạy LLVH, theo chúng tôi, bên cạnh việc đúc kết những thành tựu lý luận theo một hệ thống nhất quán, cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với các trường phái lý luận cụ thể thông qua việc đọc văn bản của những người sáng lập. Vì vậy, trong các giáo trình, nên có phần phụ lục in lại những trang văn tiêu biểu từ các lý thuyết văn học trên thế giới được dịch sang tiếng Việt. Tất nhiên, càng nên khuyến khích sinh viên đọc trực tiếp các lý thuyết từ nguyên bản. Và như vậy, người thầy giáo chỉ định hướng mà không thay thế sinh viên trong việc khám phá những tư tưởng lý luận của các học giả nổi tiếng.

Khi viết giáo trình, ta thường đi theo phương pháp diễn dịch; nhưng khi dạy học lại nên theo phương pháp quy nạp. Người dạy học có thể xuất phát từ những hiện tượng văn học cụ thể để dẫn sinh viên đi đến những khái quát lý thuyết. Nhiều sách lý luận ở nước ngoài thường gắn một vấn đề lý luận văn học với một trích đoạn tác phẩm, từ đó phân tích để rút ra những kết luận tương ứng. Ngay khi dùng phương pháp diễn dịch, thì các thí dụ minh họa cũng nên đa dạng và thật sự tiêu biểu, không nên chỉ xoay quanh vài ba nền văn học hoặc vài ba trào lưu văn học mà thôi. Thiết nghĩ, trước khi bắt tay viết một giáo án hay giáo trình LLVH, bên cạnh đề cương cấu trúc và các luận điểm, cần có một đề cương các tác phẩm được phân tích để dẫn chứng.

Tính đến tình trạng tiếp thu không đều của sinh viên hiện nay, việc trình bày trong sách và trên lớp các vấn đề lý luận văn học cần thật khúc chiết, mạch lạc, tránh rườm và rối. Giáo trình khác sách chuyên khảo, không phải vì nó giản lược hơn mà vì nó cơ bản hơn. Chúng tôi quan niệm rằng thà cho sinh viên hiểu một số vấn đề cơ bản thôi mà hiểu cặn kẽ, “đến đầu đến đũa”, còn hơn là cái gì cũng biết mà biết không tới nơi tới chốn. Về mặt kỹ thuật, các phương tiện giảng dạy hiện đại như overhead, projector không thể là điều xa lạ đối với người dạy lý luận. Chúng ta cũng nên tham khảo cách viết giáo trình mang tính thực tiễn cao của một số trường đại học nước ngoài: có lược thuật nội dung ở đầu mỗi chương, có tóm tắt đóng khung ở cuối mỗi chương, có những định nghĩa được in đậm, có sơ đồ và hình ảnh minh họa, có câu hỏi và thư mục vắn tắt cho từng phần, có phụ lục giải thích các thuật ngữ và chỉ dẫn chi tiết về tác gia và tác phẩm ở cuối sách. Bộ sách dành cho sinh viên của nhà xuất bản Ellipses (Paris) là một dẫn chứng.

Có nên tổ chức thi viết giáo trình LLVH như đề nghị của một số người nêu ra gần đây? Nước ta đã có nhiều cuộc thi văn học, có lẽ không nên thêm một cuộc thi nữa. Nhưng cần khuyến khích từng cơ sở đào tạo hay một nhóm giảng viên liên trường hợp tác biên soạn các bộ giáo trình khác nhau: có bộ lớn gồm nhiều tập, thực hiện trong nhiều năm; có bộ tinh giản nhưng cập nhật [4], để phổ biến rộng rãi cho cả giáo viên, sinh viên đại học và cao đẳng. Sau khi đã có một số giáo trình ra đời, cần có một hội đồng thẩm định và đánh giá để chọn được vài ba giáo trình chất lượng nhất dùng làm sách giáo khoa chính thức hay khuyến cáo các trường sử dụng. Chúng ta còn nghèo, không thể phân tán sức lực và thời gian. Hình như việc biên soạn giáo trình theo một vài dự án gần đây không được thông báo công khai để thu hút các chuyên gia, mà chỉ là việc riêng của một số người có quan hệ tốt với cơ quan chủ quản mà thôi.

3. Kết luận

Sự phát triển của LLVH, trong một chừng mực nào đó, có thể được xem là thước đo sự phát triển của đời sống văn hóa và trình độ tư tưởng của xã hội nói chung. So sánh những giáo trình LLVH trong nhà trường nước ta hiện nay với các nước tiên tiến sẽ cho thấy chúng ta đang ở trình độ nào. Sinh viên khoa Ngữ văn các trường đại học của ta, sau khi tốt nghiệp, muốn theo đuổi chương trình sau đại học về LLVH ở nước ngoài có thể sẽ phải học lại và học thêm rất nhiều thứ, không chỉ ở Pháp, Mỹ mà cả ở Nga, Trung Quốc là những nước gần gũi với ta trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc hiện nay lại giới thiệu nhiều lý thuyết văn học, kể cả trong nhà trường, trong khi vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của tư tưởng mác-xít. Là vì chỉ có một không khí như vậy mới tạo điều kiện cho những tìm tòi trong xã hội, mới nâng cao trình độ công chúng lên, mới làm phong phú đời sống tinh thần của đất nước, mới góp phần cho sự xuất hiện của những Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca…

Do những hoàn cảnh khắc nghiệt của lịch sử, chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội để tạo ra những bước tiến trong công việc nghiên cứu LLVH ở nước ta. Năm 1975 khi đất nước thống nhất là một dịp tốt để chúng ta làm phong phú đời sống lý luận và văn hóa nói chung, nhưng rồi cấm vận, chiến tranh biên giới… khiến chúng ta không kịp sửa đổi những nhược điểm của nền lý luận thời chiến. Năm 1986 lại là một dịp may nữa, nhưng sự nghiệp đổi mới đã chưa phát triển được như chúng ta mong muốn. Giờ đây, bước qua thế kỷ 21 rồi, trong khi tiếp xúc với một thế giới đa dạng, nhiều nguồn thông tin phong phú qua sách báo, internet, chúng ta không thể theo đuổi một nền lý luận phong bế. Nói gì thì nói, trong vài ba thập niên nữa, nếu không khắc phục tình trạng chậm trễ của lý luận – phê bình văn học thời kỳ này, các thế hệ sau sẽ trách cứ chúng ta và lúc đó chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được nữa.

Những người thầy giáo dạy LLVH còn hạn chế về năng lực như chúng tôi không có tham vọng làm một điều gì to tát để nâng cao mặt bằng lý luận, mà chỉ có thể chuẩn bị cho những hạt mầm khi được gieo xuống sẽ có điều kiện thuận lợi để mọc thành cây xanh. Chúng tôi mong được ủng hộ để thực hiện điều tâm nguyện chính đáng của mình.



(Tham luận tại Hội thảo “Lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc”, Hà Nội, 3-2006.

Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4, tháng 4-2006).



[1] Trong bộ sách Teorija literatury (bốn tập), do Yu. Borev chủ biên (NXB IMLI RAN, Moskva, 2001-2005), tập IV lấy tên là Tiến trình văn học, nhưng trong tập I (Văn học), sau các chương Nhập môn lý luận văn học, Thế giới thi ca, Tính siêu nghệ thuật của văn học, Các phương pháp và phong cách văn học, Ngôn từ nghệ thuật là chương Về khái niệm phương pháp sáng tác. Trong Teorija literatury của V. E. Khalizev (NXB Đại học, Moskva, 1999), tác giả vẫn dùng khái niệm “tiến trình văn học”, nhưng đặt tên chương cuối là Các quy luật phát triển của văn học.

[2] Sách Nguyên lý văn học của Đồng Học Văn và Trương Vĩnh Cương (NXB Đại học Bắc Kinh, 2001) dành hẳn một chương cho vấn đề Văn bản văn học và giải mã văn bản.

[3] Chương này có thể tiếp thu kinh nghiệm từ các sách Lược khảo văn học (Tập 3: Nghiên cứu và phê bình văn học) của Nguyễn Văn Trung (NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1968); Theory of literature của R. Wellek và A. Warren (NXB Penguin Books, 1956); Théorie de la litérature do A. Kibédi Varga chủ biên (NXB Picard, Paris, 1981).

[4] Tương tự như các sách Literary Theory. A very short introduction của Jonathan Culler (Oxford University Press, 1997); Literary Theory. An introduction của Terry Eagleton (The University of Minnesota Press, 2001);Beginning Theory. An introduction to literary and cultural theory của Peter Barry (Manchester University Press, 2002).

Thơ Phương Uy




Thiếu nữ và trăng - tranh Đinh Cường



NƠI CÓ NHỮNG GIẤC MƠ



Nơi có những buổi sáng vàng nắng lung linh

Em chạy đuổi tuổi mình

Mãi miết

Phía bên kia bờ phù du

Có gì là bất diệt?

Hay chỉ là nắng vàng ngập trong từng buổi mai lên?

Có một nơi nào chỉ có anh và em

Em không hình hài và anh chỉ là tên gọi

Ta mộng mị đời nhau

Mệt nhoài trong đắm đuối

Ảo hóa tình yêu thành giấc mơ trôi

Rốt lại nỗi đau là có thật trong đời.



Nơi đó có giấc mơ

Cơn mê vùi của con dế náu mình trong cỏ

Rung sợi dây đàn làm bằng những lỗi lầm và ướp nỗi buồn lên đó

Tấu vang những ca từ tiều tụy nhớ mong


Nơi đó em trôi giữa miên viễn thinh không

Biến thiên hình hài giữa trăm triệu sao trời vạn kỷ

Sợi dây đàn nỗi buồn và những ca từ tiều tụy

Là bản cầu hồn đưa tiển buổi chia xa...

Nơi đó tình yêu không là những bông hoa

Chỉ là những nụ hồng thui chột giữa đêm đen ảo giác

Chỉ là những nét kỉ hà khắc lên trái tim lầm lạc

Là những lỗi lầm đâm chết hết yêu thương.

( Dẫu rằng lỗi lầm cũng là một phần tất yếu của yêu thương)

Nơi giấc mơ em có những cánh chuồn

Lặng thinh bao điều không ấp úng

Để một ngày gió tràn qua thung lũng

Anh là giấc mơ bình thản quay lưng mãi miết không về

Sau tất cả những tháng ngày mụ mị giữa cơn mê

Có những giấc mơ cuối cùng em cũng lơi tay đánh mất

Không phải bởi lãng quên mà chỉ tại bởi một điều rất thật

Có một giấc mơ là có thêm một niềm tuyệt vọng giữa cuộc đời (*)

Nơi đó em nhìn anh ra đi và nước mắt em rơi....



Phương Uy

P/s: Thơ Phan Tuấn Anh







THẾ KỈ CỦA NHỮNG CƠN MƯA





Những nỗi niềm khô queo tận đáy
Cạn ngày
Còn lại gì giữa những kẽ tay?
Sợi buồn mang mang kí ức.
Không còn tình yêu.
Bởi tình yêu là những điều chưa chắc chắc là có thực
Thập kỷ của những cơn mưa.
Không cần biết hạnh phúc – hay niềm vui – hay cái sướng ( hoặc những gì đại loại như thế) đã chín hay chưa.
Tất cả hỗn mang bên thềm vực gió.
Những khuôn mặt cười – Những cánh dơi bóng đêm và những con châu chấu ma bay vật vờ không tọa độ.
Mộng du giữa trận tàn phai.
Không còn hứng thú để chờ đợi mỗi sớm mai
Bởi sớm mai, thực ra không phải là sự bắt đầu – xuất phát – hay khởi nguyên cho một cái gì mà chỉ là kết cùng cho đêm tối.
Chỉ là sự chuyển hóa từ thời – khắc – không – nhìn- thấy – mặt – trời sang thời – khắc - nhìn – thấy – mặt – trời.
Nhưng có ý nghĩa gì trong một bình minh mưa ngập lối?




Thế kỷ của những cơn mưa.


Không còn nỗi nhớ
Bởi nỗi nhớ chỉ tồn tại khi ta xác lập những thói quen
( Ràn rạt quất đau mặt người
Mưa kéo dài không câm nín)
Nỗi nhớ hình như cũng chỉ là sự ngưng đọng của tình yêu
Mà tình yêu thì vốn đã không hiện tồn, không rõ ràng như những đám mây mang điện tích.
Sự sợ hãi mọc mầm trên đôi cánh thiên di.
Nỗi nhớ có tồn tại bằng những li cà phê
Trong tin nhắn của em đến vào mỗi sáng?
Giữa thế giới dày đặc những ảo hình mị gạt
Nỗi nhớ được dán lên bằng những chiếc avatar như những chiếc mặt nạ cười đồng loạt như nhau.
Nỗi nhớ cũng chỉ là mộ địa của nỗi đau.
Thiên niên kỷ của những cơn mưa.


Không còn kỹ năng để viết nỗi một câu thơ
Bởi thế giới của tôi từ lâu đã mất đi ngôn từ và cảm xúc
Vui sướng buồn đau được thay bằng những icon cười nhăn nhở và lăn lộn
Âm nhạc, hoa hồng cũng mang mã số trên lưng.
Và em!
Cũng chỉ là những chuỗi kí tự được mã hóa hiện về từ cõi muôn trùng.







KHÚC XẠ ĐÊM



Đêm
Lấy tiêu bản cơn mưa
Cất vào trong chiếc hộp cũ kỹ
Bật liêu trai trong tiếng sáo vàng mùa
Ngồi nhớ ngày còn xem chú vịt Donal đóng phim ma mà quên đóng cửa
Biết rằng đã xa xưa…

***

Đêm im lặng
Nói chuyện với bức tường
Có gì ở phía bên kia giấc ngủ?
Giấc mơ màu tro nguội
Lạnh tâm tư

***

Đêm màu xanh lá cây
của ngọn đèn quả ớt treo trên tường
Cơn gió ướt nặng
Không thể cất cánh bay lên
Chỉ lùa lê thê trong căn nhà không cánh cửa
Bức ảnh hoen ố của ngày hôm qua
Rơi bên thềm giấc ngủ
Mang khuôn mặt của người đã chết
Trên bàn thờ

***

Những dòng chữ vay mượn
Chen kín trang giấy
Thể hiện một cơn nhức đầu lúc nửa đêm
Có nên im lặng
Cho một sự sợ hãi?

***

Thôi! Hãy cố gắng bước đến bên cửa sổ
Để nhìn thấy bình minh trong chiếc tổ đỏ ối đường chân trời
Hát câu ca về một miền tự do
Nơi cơn gió mang về cho anh mùi nắng thơm cổ tích.



PHƯƠNG UY

Văn chương và im lặng




Văn chương Việt Nam 25 năm vừa qua là phiên bản nhiệt đới gió mùa của câu văn khét tiếng của Adorno: "Còn làm thơ sau Auschwitz thì thật man rợ".

Không phải ngay sau 1975, mà dường như có khoảng chờ đợi mười lăm năm, quãng mười lăm năm để mọi thứ chất độc có sẵn bắt đầu phát tác, để biến dòng máu trở thành dòng máu độc tím ngắt bệnh hoạn. Phong cảnh văn chương Việt Nam 25 năm vừa rồi đến lúc đòi hỏi phải được thấu hiểu, hiểu một cách đau đớn và tàn nhẫn: câu hỏi chính yếu không phảiVăn chương để làm gì? mang hương vị của Saint-Germain-des-Prés, mà làThế quái nào mà vẫn có văn chương được?

Phải cảm nhận được từ trong sâu thẳm (vì là chuyện dòng máu), khi những ảo tưởng lúc đầu đã tan biến như bọt biển, như bình minh dịu dàng ngay sau đó bị mặt trời hung bạo gần xích đạo đốt sạch, phải ý thức được rằng sa mạc của miền nhiệt đới nghĩa là thiêu đốt, hoang vu và độc địa.

Phải cảm nhận được rằng mọi thứ đều lệch lạc, và mọi hành động của ta chỉ có thể tiếp tay cho tình trạng lệch lạc kia. Sự khô cằn ấy không có cứu rỗi, còn không có đến một ảo ảnh ốc đảo. Không có văn chương và nhà văn đích thực khi không có sự thấu hiểu phong cảnh chung: hãy nhìn lại thời của các nhà thơ viết ra Kiều, Cung oán, Chinh phụ, họ cũng phải có cảm nhận đau đớn tột cùng, cũng đã phải làm một công việc mênh mông như biển, là gột rửa sự bẩn thỉu của dòng máu.

Chỉ có nhà văn lớn khi nhà văn ấy biết im lặng.

Ở ranh giới của sự thoái hóa dòng máu chung, thật ra đã có sẵn một phương thuốc, nhưng phương thuốc ấy đã không được hiểu, bị lờ đi, trong đà cuốn của dòng máu bệnh: bệnh hoạn thì mới mạnh mẽ, điều ấy không thể khác. Phương thuốc đã nằm ngay trong Nỗi buồn chiến tranh: trong cuốn tiểu thuyết ấy, nỗi buồn mới là quan trọng, nó chính là phương thuốc trị bệnh cho máu, nhưng người ta lại tưởng quan trọng là phần chiến tranh. Một cơ hội đã bị bỏ qua, một cách còn thảm khốc hơn cả cuộc chiến tranh. Không biết buồn, con người đã không biết dùng sa mạc của nỗi buồn để chống lại sa mạc của phong cảnh chung.

25 năm ấy, chỉ vài người tạo ra được một thứ văn chương không nhiễm bẩn, đấy là khi họ ý thức được rằng phải tạo ra một thế giới riêng hẳn, không có gì chung với tất cả, chỉ tiếp giáp tối thiểu, để có thể ngăn chặnngay từ đầu dòng máu bẩn. Những người ấy lạc loài tự nguyện: Nguyễn Ngọc Tư của một cõi đồng bằng miền Tây, Nguyễn Bình Phương với một miền đồi núi phía Bắc, và Bùi Ngọc Tấn trong thế giới tù tội.

Và một số, rất ít, rất khác nhau, nhưng chung nhau ở một đặc điểm mà tôi tin là rất ít người nhận ra: những nhà văn rất mỏng, có sự tồn tại thoáng qua. Sự thoáng qua này, rồi sau đó là biến mất và im lặng, không tố cáo, mà là một sự nhận ra đầy buồn nản, sự hiểu ra rằng thế quái nào mà lại có văn chương. Xuất hiện với mầm mống đầy đủ cho những sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhưng họ nhanh chóng biến mất, quay hẳn lưng lại với văn chương, bỏ đi - để giũ cho sạch thứ máu bẩn đã ám vào mình. Mỗi người là vài tập truyện ngắn: đó là trường hợp của Phan Triều Hải, Đỗ Phước Tiến, Ngô Phan Lưu và Nguyễn Nguyên Phước. Ở chiều ngược lại là những văn chương phun trào, những vòi nước thế quái nào lại đặt vào giữa vùng sa mạc, thi nhau tưới nước lên cát. Những sự tồn tại như thế cũng hợp lý, vì sự tồn tại nào cũng hợp lý hết: văn chương Nguyễn Đình Tú tồn tại là để sau này người ta thấy một thời văn chương Việt Nam có thể ngớ ngẩn như thế nào.

Nhưng rồi cũng đến hạn, máu độc cũng sẽ dần loãng, mấy năm sắp tới chắc chắn sẽ rất nhiều bất ngờ.

Nhị Linh

LỜI THỀ LÁ SEN


Lá sen chưa kịp đi tu,
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng.

Yêu em, mua cốm làng Vòng,
Nâng niu, anh gói trong lòng lá sen.

Lời thề hôm ấy của em:
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa.

Không ngờ! Anh thật không ngờ!
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?!


NGUYỄN ĐĂNG LUẬN

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Lòng can đảm tự nhiên



GYLON FERGUSON | NGUYỄN VĂN NGHỆ dịch

Sáng nay tôi bắt đầu liệt kê những điều tôi sợ. Giống như nhiều người, tôi sợ chết. Tôi cũng sợ những cái chết của những người trong gia đình tôi, bạn bè tôi và những người tôi yêu thương. Tôi sợ mất những người thân yêu, và tôi sợ mất tình yêu, sợ cô độc. Và tôi có những nỗi sợ hãi liên quan đến cơ thể mỗi ngày mỗi già đi của tôi. (Tôi tập thể dục như vậy là đủ chưa? Tôi uống đủ thuốc bổ không? Làm sao né tránh được căn bệnh do di truyền?). Là một hành giả đi trên con đường học Phật để đạt đến giác ngộ, tôi cũng đã biết sợ sức mạnh của những thói quen thâm căn cố đế – thói quen vô minh, thói quen phản ứng có tính tự vệ, thói quen luôn không quan tâm đến cái thực tế mà mình trải nghiệm – kể cả thực tế của sự âu lo.

Khóa tu học mà tôi gọi là “Lòng Can Đảm Tự Nhiên” dựa trên những truyền thống trí tuệ cổ xưa về lòng dũng cảm và từ bi là những thứ mà bây giờ là quý báu hơn bao giờ hết. Khóa tu học này phác họa một phương pháp từng bước một, lấy sự sợ hãi làm con đường trực tiếp đưa đến việc biến đổi chính chúng ta và thế giới của chúng ta. Mục đích của con đường này là để đạt đến một cuộc sống khôn ngoan và hỷ lạc trong sự hòa hợp sâu sắc với tha nhân và với thế giới tự nhiên.

Sự thực hành tâm linh đích thực mang lại cho chúng ta một phương cách để đối diện với thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài chúng ta và để mang hai thế giới có quan hệ với nhau này vào trong một cuộc đối thoại sinh động và đầy tình thương. Làm bạn với nỗi sợ hãi của chúng ta – nếm trải mùi vị của nó, nghiền ngẫm nó, thân thiết gần gũi với nó – sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa. Chúng ta có thể phát triển một sức mạnh và sự tự tin bên trong chúng ta không tùy thuộc vào những cuộc thăng trầm của thế giới hiện tại của chúng ta với những chuyện được mất liên tục suốt tuần suốt tháng. Ở giữa cơn đói khát, bạo động, sự cay nghiệt, và sự hèn nhát bên trong và bên ngoài chúng ta, phương pháp Lòng Can Đảm Tự Nhiên mời gọi bạn đi trên con đường của lòng dũng cảm cùng với tổ tiên tinh thần của chúng ta, những người dũng cảm trong suốt lịch sử đã biểu lộ vô úy trong cuộc sống hằng ngày.

Lòng Can Đảm Tự Nhiên bắt đầu bằng việc khám phá ra rằng lòng can đảm là bản chất tự nhiên của chúng ta. Bản chất tự nhiên này biểu lộ như là sự tự tin mà chúng ta chứng tỏ hằng ngày trong việc đương đầu với những thách thức của các mối quan hệ gia đình, công việc, tiền bạc và sức khỏe. Phương pháp này xác nhận rằng chúng ta vốn là dũng cảm – và rằng chúng ta có thể làm mạnh mẽ thêm và làm chín muồi chủng tử vô úy bẩm sinh này qua việc thực hành thiền định tỉnh giác. Như đạo sư Suzuki Roshi đã khuyên các đệ tử của ngài, “Các con vốn đã hoàn hảo rồi, và các con vẫn còn có thể tốt hơn nữa”. Con đường tu học được phác họa ở đây xuất phát từ sự nhận biết lòng can đảm bẩm sinh thông qua một loạt những trải nghiệm có định hướng trong việc đối mặt với bốn nỗi sợ hãi chính yếu: sợ chính mình, sợ tha nhân, sợ khoảng không và sợ biểu lộ.

Làm bạn với chính mình – với cơ thể, cảm xúc của mình và những trạng thái khác nhau của tâm mình

– là nền tảng của toàn bộ cuộc hành trình đi vào lòng can đảm. Như Chogyam Trungpa Rinpoche tóm lược: “Sau rốt, đây là định nghĩa của dũng cảm: không sợ hãi chính mình”. Đôi khi chúng ta tránh gặp người khác là do chúng ta thiếu tin tưởng vào chính mình, không tin mình có đủ lòng từ bi, sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Do đó, một tình bạn sâu đậm với chính con người mình sẽ mở ra khả năng có được mối quan hệ đầy tình thương mến với tha nhân. Do đó, khi mở rộng lòng mình một cách tự nhiên, có hệ thống, chúng ta sẽ biết được cách chuyển tiếp sự thấu cảm mà chúng ta đã vun đắp được đối với chính mình đến với những chúng sinh khác: gia đình, bạn bè, ngay cả với thú vật nuôi trong nhà và trong thế giới thiên nhiên quanh chúng ta. Điều này có nghĩa là biến đổi thái độ cố hữu sợ hãi tha nhân của chúng ta thành ra lòng yêu mến và cảm thông vô hạn để làm phương cách sống chủ yếu của chúng ta.

Con đường dẫn đến sự vô úy hoàn toàn tỉnh giác này tiếp tục khi chúng ta biết cách mở lòng mình ra để đi vào không gian chung quanh chúng ta; hãy buông bỏ đi và thôi đừng lo lắng lượng định xem chúng ta đang tiến bộ hay thụt lùi trên cuộc hành trình này và đang tiến bộ hay thụt lùi như thế nào. Chúng ta khám phá ra rằng tiếng nói phê phán bên trong ta thường giám sát quá mức sự tiến bộ của chúng ta. Trớ trêu thay, kẻ phê phán chỉ trích quá bận rộn bên trong ta nói không rõ ràng và mang lại kết quả ngược với sự mong đợi. Tin tưởng vào lời bình phẩm dường như lan man không ngừng chảy qua đầu óc chúng ta chỉ làm cản trở chúng ta trở thành những con người can đảm như chúng ta vốn thật sự như thế. Sự thận trọng quá mức như vậy dĩ nhiên là xuất phát từ lòng sợ hãi. “Nếu tôi không tự kiểm tra mình thường xuyên, ắt tôi sẽ mắc phải lỗi lầm?”. Buông bỏ việc liên tục đánh giá và so sánh mình với người khác sẽ dẫn đến những hành vi dũng cảm và từ bi một cách tự nhiên. Cũng giống như chúng ta học một bước khiêu vũ nhuần nhuyễn đến độ chúng ta không cần phải liên tục nhìn xuống chân nữa. Cuối cùng chúng ta cảm nhận được tiếng nhạc và động tác; và chỉ với chừng ấy thôi chúng ta kết hợp hoàn hảo với bạn nhảy và nhảy đúng nhịp điệu.

Sau cùng, điều thách thức chính yếu của chúng ta trên con đường tu tập là đi vào hành động sáng tạo để đương đầu với lòng sợ hãi biểu lộ của chúng ta. Cho đến nay, nhiều người trong chúng ta rất quen với việc trải qua thời gian ngồi trên đệm thiền như là là một hình thức biểu lộ tỉnh giác của lòng từ bi và dũng cảm trong việc đối diện với chính mình. Nhưng vào một thời điểm nào đó, bước đi cốt yếu kế tiếp trên con đường tu tập là thiền định dấn thân. “Đừng chỉ ngồi đó mà thôi, hãy làm một điều gì đi”. Khi mà những vấn đề đối diện với thế giới chúng ta và những mối đe dọa sự tồn vong tập thể của chúng ta trên hành tinh này hiện ra to lớn hơn bao giờ hết, chúng ta không thể tách biệt cuộc hành trình trong nội tâm chúng ta ra khỏi sự đáp ứng tự nhiên của nó trong sự thể hiện bên ngoài. Câu hỏi thúc bách nhất đối với những hành giả tâm linh như chúng ta trở thành câu hỏi như thế này: Ở trong gia đình và nơi làm việc của chúng ta, trong khu vực chúng ta ở hay trong cộng đồng sinh thái của chúng ta, chúng ta đang bộc lộ sự tỉnh thức hay sự yếu đuối, sự hèn nhát hay can đảm?

Định nghĩa lại “nghệ thuật” như là bất kỳ một hoạt động nào xuất phát từ sự nhu hòa và lòng trân quý, thầy tôi, ngài Trungpa Rinpoche, gọi đó là việc thực hành “nghệ thuật trong đời sống hằng ngày”. Việc nấu một bữa ăn rồi dọn dẹp sau đó có thể được thực hiện với sự tỉnh giác và sự cẩn trọng của một cuộc sống đầy nghệ thuật. Lúc đó chúng ta là những nghệ sĩ của cuộc đời chúng ta và của số phận tập thể của chúng ta, cùng nhau tạo dựng một tương lai thảm khốc hay lành mạnh: điều này tùy thuộc vào chúng ta. Cầu mong cho tất cả những chủng tử bẩm sinh của lòng can đảm tự nhiên của chúng ta đơm hoa kết trái thành những cộng đồng của lòng dũng cảm đầy từ bi. .

Tiến sĩ Gaylon Ferguson tu học dưới sự hướng dẫn của các vị thiền sư Phật giáo Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche và Sakyon Mipham Rinpoche. Ông là giáo sư tại Đại học Naropa và là tác giả các cuốn sách Natural Wakefulness: Discovering the Wisdom We Were Born With (2009) và Natural Bravery: Fear and Fearlessness as Path to Awakening Society (2013). Ông đã hướng dẫn các khóa tu trong 35 năm nay.

Nợ tình



Truyện ngắn
Vũ Hùng



Nợ tình chưa trả cho ai... - Nguyễn Du





Sân bay Tân Sơn Nhất, một ngày hè năm 1991.

Viên đại tá đến muộn. Ông ngồi đợi trên chiếc ghế băng kê trong góc phòng. Người sĩ quan tuỳ tùng thay ông xếp hàng làm thủ tục. Trời Saigòn nắng chang. Buổi trưa oi bức. Hàng người trước quầy đăng kí chậm chạp chuyển dịch.

Lát sau, có hai người cũng đến muộn vội vã đi vào. Hai người đàn bà, một già một trẻ. Chắc là hai mẹ con. Cô gái đứng ngay vào hàng, sau viên sĩ quan tuỳ tùng còn người mẹ đến ngồi trên chiếc ghế trước mặt viên đại tá.

NGƯỜI XƯA
Họ thoáng nhìn nhau.
Viên đại tá bàng hoàng. Mình gặp người đàn bà này ở đâu? Ông tự hỏi. Quen quá nhưng... xa xôi quá, ông chưa nhớ ra. Ông cố gắng lục tìm trong kí ức đã mệt mỏi của mình...

Người đàn bà cũng bàng hoàng. Người đàn ông này trông quen quen. Mắt bà thoáng nhíu lại làm một vài nếp nhăn hiện trên vầng trán. Bà cũng đang lục tìm quá khứ.

Viên đại tá có thể đứng dậy, đến gần bên ghế của người đàn bà: Xin lỗi, tôi trông chị quen quá, hình như ta đã gặp nhau ở đâu... Nhưng ông không làm vậy. Ông cố gắng nhớ lại. Những quân nhân chuyên nghiệp như ông, gần hết đời cống hiến cho trận mạc, đâu có gặp nhiều đàn bà để mà lẫn lộn người nọ với người kia. Ông tự bảo thể nào ông cũng nhớ ra.

Người sĩ quan tuỳ tùng đã làm xong thủ tục.
- Thưa thủ trưởng, đây là thẻ lên máy bay. Chúc thủ trưởng những ngày nghỉ vui vẻ. Em xin gửi lời thăm chị và các cháu.

- Cám ơn cậu! Nhớ chuyến bay ngày tôi vào, mang xe ra đón.

Cô gái cũng vừa làm xong thủ tục.

- Mẹ ơi! Vé và thẻ lên máy bay của mẹ đây. Mẹ về bình an nhé! Hè sang năm con sẽ ra Hà nội thăm mẹ và các em.

Chắc là trong lúc xếp hàng, cô gái đã nói chuyện với ngươi sĩ quan tuỳ tùng. Cô quay lại chỉ sang phía viên đại tá:

- Mẹ ngồi cạnh ông kia ạ!

Và nói với ông:

- Chào bác ạ! Mẹ cháu không quen đi máy bay, nếu có bị say, xin bác vui lòng giúp đỡ. Cám ơn bác!


Nhìn cô gái, viên đại tá như bừng tỉnh. Khuôn mặt cô bầu bầu. Ông đã nhớ ra: mẹ cô cũng từng có khuôn mặt này. Ngày mới ra trường, ông và Minh, một người bạn cùng khóa, đã gặp mẹ cô và Cúc, bạn của bà, trong một chuyến đò xuôi sông Lô, sông Đáy. Hai cô gái ngày ấy mặc áo màu xẫm. Hai khuôn mặt bầu bầu, trăng trắng thấp thoáng trong khoang thuyền...

Người đàn bà cũng sửng sốt khi nhìn thẳng vào mặt ông. Bà cũng đã nhớ ra. Bốn mươi năm trước, một chiều chạng vạng trên bến Tuyên Quang, có hai chàng trai bước xuống con đò. Họ trẻ măng. Hai sĩ quan vừa tốt nghiệp một trường võ bị ở tận bên Tàu trở về...

Bà đứng dậy, kêu lên khe khẽ: Anh Toàn!

Viên đại tá cũng đứng dậy: Huệ!

Bốn mượi năm không gặp lại, họ có bao điều để nói với nhau. Chuyện của chính họ. Rồi chuyện của đôi bạn cùng xuôi chuyến đò năm ấy: Cúc và Minh...


BẾN CŨ

Máy bay đã cất cánh.
Qua phút nôn nao ban đầu, Huệ thì thầm kể:

... Tháng Tư 1951.

Đã thành lệ, mỗi tháng Huệ và Cúc vẫn xuôi về Sơn Tây cất hàng một lần. Sau chuyến đò trăng tháng Ba năm ấy là chuyến đò tháng Tư. Tình cờ lần này Huệ và Cúc lại xuôi trên con đò tháng trước. Đi lại nhiều lần, hai cô gái đã nhiễm cái mê tín của những người làm ăn trên sông nứoc: gặp con đò đã từng đưa tới cho họ tình yêu, chuyến xuôi lần này nhất định sẽ bình yên và may mắn.

Chiều muộn con thuyền chở Huệ và Cúc nhỗ sào, rời thị xã Tuyên Quang. Thuyền đến gần bến Then thì trời sáng. Ông lái lại ghé vào lùm cây rậm cắm sào. Một vài con đò xuôi ở phía sau cũng ghé theo.

Như lần trước ông lái lại bắc tấm ván gỗ cho mọi người lên bờ. Bà lái vo gạo và nhóm bếp. Bên các thuyền khác, người ta cũng nhen lửa nấu cơm. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói râm ran. Nắng lên, hứa hẹn một ngày đẹp trời, tươi sáng.
Cúc ló đầu ra khỏi khoang:

- Vẫn bến cũ, Huệ ạ! Vẫn lùm cây của chuyến đó lần trước!

-Thôi Cúc ơi, hãy lên bờ với tao đã!

Cúc nằm yên, kéo tấm chăn mỏng lên sát cằm.

- Thôi mày lên một mình, tao chẳng lên đâu. Tao nhớ anh Minh quá! Nhớ đến cồn cào cả ruột gan!

- Tao cũng nhớ anh Toàn quá! Nhưng mà thôi, ngồi dậy! Hãy lên bờ đã nào!

- Các anh ấy bảo phải đến một nơi lạ nước, lạ người...

- Chắc là nước Lào, mày ạ, Huệ nói.

- Nước Lào ở đâu hả mày?

- Có được đến bao giờ đâu mà biết. Nhưng chắc là xa lắm!

- Chẳng biết các anh ấy đã đến nơi chưa?

- Chắc là chưa, mới được một tháng. Các anh ấy còn về thăm nhà cơ mà.

- Ừ! Chắc là chưa đến.

- Nhưng mà thôi Cúc ạ, mày đừng nhắc nữa. Đừng làm các anh ấy máy mắt, sốt ruột.

Cúc không trả lời, vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình, mắt nhìn tận đâu đâu:

- Biết thế giữ thêm các anh ấy một vài ngày.

- Mày tham quá, Cúc ơi!
... Huệ nói tiếp:

- Cái số nó run rủi hay sao ấy, anh Toàn ạ! Em giục nó lên bờ mấy lần mà nó không chịu lên. Giá nó đừng nhớ anh Minh quá, cứ theo em thì đâu đến nỗi! Em đã bước ra ngoài khoang thuyền, không mang cái bị cói của em, nó còn gọi em lại và bảo: thời chiến, người đi đâu thì của phải đi theo đấy.

Huệ chui lại vào khoang lấy cái bị cói rồi lên bờ. Mấy phút sau, hai chiếc máy bay đã bay tới. Thấy những làn khói vương trên ngọn cây, chúng vòng lại. Huệ nằm chúi mặt xuống đất.

Một chiếc lao xuống, cắt bom. Chớp loé. Huệ gần như không nghe tiếng nổ, chỉ thấy tai mình tức nhói như muốn thủng. Rồi hai ánh chớp nữa lại loé lên. Tất cả chỉ vài ba phút.

Khi im ắng trở lại, Huệ vẫn chưa hoàn hồn. Về bến, Huệ chỉ còn thấy một vực nước sâu hoắm. Tất cả đã biến mất, cả lùm cây lẫn những con đò.

- Cúc ơi! Mày ở đâu? Cúc ơi...

Huệ tuyệt vọng gọi mãi xuống làn nước xoáy rồi đi vào làng, chờ một chuyến đò đêm để trở lại thị xã Tuyên Quang.

- Sau chuyến ấy, em nghỉ anh Toàn ạ. Không còn cái Cúc, một mình lủi thủi không sao đi nổi. Em khóc mãi không thôi!


GỌI CÚC GIÙM TÔI!

Huệ hỏi:
- Còn anh Minh thì sao, anh?

- Sau ngày chia tay với các em, bọn tôi...

Huệ vội ngắt lời:

- Đừng trang trọng thế, anh Toàn ơi! Cứ coi chúng em như những ngày xưa...

- ... bọn anh đi xa lắm! Những ngày đầu, nhớ các em quá. Khi chia tay với gia đình, lại thêm một nỗi nhớ nhà. Hai tháng sau bọn anh mới tim đến được đơn vị. Có đông anh em, có công việc, nỗi nhớ mới nguôi nguôi.

Đến Lào, Toàn được điều động về ban Tham mưu của Trung đoàn quân Tình nguyện còn Minh được bổ xung cho đại đội quân báo.

Ở một chiến trường lạ nước lạ người, quân báo là nơi của trường kì gian khổ, suốt đời cơm nắm, muối rang. Nơi của vô vàn cạm bẫy. Nơi được coi là xung kích của xung kích, mũi nhọn của những mũi nhọn. Lính tráng đã xếp quân báo vào hàng những đơn vị "Ngày đi thì có, ngày về... thì không!"

Khi hai đứa chia tay để về đơn vị mới, Minh bảo Toàn:

- Nhiều đêm mình vẫn mơ thấy Cúc. Xuôi ngược sông nước bấp bênh, nguy hiểm quá!

- Cầu cho các em được bình an, Toàn nói. Nếu có rủi ro, xin cứ bắn cả sang đây, chúng tôi gánh chịu.

- Cái đêm gần về đến bến Sơn Tây, Cúc hỏi mình nếu trời cho sống sót thì có lấy Cúc làm vợ hay không?

- Cậu trả lời thế nào?

- Có! Nhưng rụt rè. Bây giờ thì quyết tâm, nếu sống sót. Mình đã hỏi mã số hòm thư của đơn vị. Bao giờ quen đơn vị mới, sẽ viết thư về.

Chuyện giữa đường đã trở thành nỗi khắc khoải, nợ nần. Nhưng bức thư chưa kịp gửi...

Về đơn vị chưa bao lâu, Minh theo một phân đội lên đường chuẩn bị chiến dịch. Hàng năm, bộ đội Pathet Lào phối hợp với quân Tình nguyện Việt Nam mở hai chiến dịch lớn: chiến dịch Thu Đông và chiến dịch Xuân Hè. Đã bao năm, máu lửa chiến dịch này tiếp nối miên man vào máu lửa chiến dịch kia.

Phân đội của Minh đi sâu vào vùng tạm chiếm để gây cơ sở và điều tra tình hình địch: các đồn bốt, cách bố phòng, lực lượng phòng vệ, lực lượng ứng chiến...

Một buổi, trên đường hành quân, phân đội đã rơi vào ổ phục kích. Một viên đạn xuyên qua ngực Minh, phá rộng ở phía sau lưng. Không khí từ phổi tự do trào qua lỗ thủng làm dòng máu chảy ra phập phồng những bong bóng đỏ.

Khiêng được Minh về nơi đóng quân thì Minh đã mê man. Đào tạo bao năm tháng, thử thách chỉ mới được vài ngày.

Đôi môi đã nhợt của Minh mấp máy. Đội trưởng quân báo cúi xuống lắng nghe. Đã bao lần chứng kiến những phút hấp hối cùa đồng đội, anh biết đó là những lời trối trăng quan trọng. Anh có bổn phận phải nói lại với ban Quân lực Trung đoàn để ghi vào hồ sơ tử vong của họ. Nhiều khi đó là những ý nguyện chính trị ấp ủ từ lâu: niềm mong ước được kết nạp đảng tại mặt trận.

Mọi việc sẽ được xem xét ngay trong chiến dịch. Một ngày nào đó, giữa lúc các trận đánh gay go nhất đang tiếp diễn, Đảng ủy mặt trận sẽ đặc cách truy tặng danh hiệu đảng viên cho những ai đã hi sinh, vừa lập được chiến công xuất sắc lại vừa có lập trường tư tưởng và ý nguyện chính trị rõ ràng. Trong giờ phút quyết định thắng bại, thông báo rộng rãi việc đó trên toàn mặt trận là một cách có hiệu quả để động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

Tuy mới về và lần đầu tham gia một chuyến trinh sát, với tác phong nhanh nhẹn xông pha, không sợ khó khăn nguy hiểm, Minh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của toàn đội và đội trưởng.

Minh là người thứ nhất hi sinh trong chiến dịch. Cái chết đầu tiên của mỗi chiến dịch bao giờ cũng thiêng liêng và gây xúc động mạnh mẽ. Lúc này cấp bậc chẳng còn ý nghĩa gì, chỉ còn tình đồng đội và tình thương. Đội trưởng tự bảo: nếu Minh theo đuổi lí tưởng chính trị như nhiều chiến sĩ khác, anh sẽ báo cáo lại và hết sức giúp cho người bạn đồng đội trẻ tuổi mà anh yêu mến đạt được ý nguyện cuối cùng.

- Minh nói gì vậy, anh? Những người đứng xung quanh vội hỏi, vẻ chờ đợi.

- Minh nói nhỏ quá , nghe không rõ!

Cặp mắt Minh vẫn nhắm nghiền nhưng đôi môi bỗng lại mấp máy. Nếu có linh hồn, chắc lúc này linh hồn Minh đã sắp bay đi. Đội trưởng ghé sát xuống mặt Minh. Mấy tiếng gọi yếu ớt vọng đến tai anh thoang thoảng:

- Cúc ơi! Em đâu rồi? Gọi Cúc giùm tôi...

*
Máy bay đã lên hết độ cao và đang bay ra khỏi vùng đồi núi vào vùng biển Đông. Tiếng động cơ vọng trong khoang đều đều. Nhìn qua khung cửa tròn, thấy những đám mây lang thang phủ bóng râm xuống cát trắng.

Huệ hỏi:

- Có thế giới bên kia không, anh Toàn ơi!

- Không biết nữa.

- Nếu có, chắc linh hồn Cúc và Minh đã tìm được nhau và đang dắt nhau bay...

Toàn nhìn xuống mặt biển, nơi bóng mây trôi giạt như những mảnh đời vô định. Huệ thì nghĩ về chuyến đò trăng năm xưa:

- Nhưng linh hồn chưa đủ cho tình yêu, phải không anh Toàn? Muốn yêu đương trọn vẹn, phải có "thể xác", không thì yêu đương bằng gì? Chắc Cúc và Minh đã đầu thai vào một kiếp khác để có "thể xác" mà trả nợ nhau.

- Chẳng biết có một thế giới tâm linh như Huệ nghĩ không?

- Chắc là có, anh ạ! Thế giới ấy không hình hài, mình không nhìn thấy đấy thôi. Nhưng bốn mươi năm vẫn còn ngắn quá, chưa đủ để đầu thai trở lại kiếp người, anh Toàn nhỉ. Người ta bảo đầu thai làm kiếp người lâu lắm, khó lắm, vì dù nhiều đau khổ, kiếp người vẫn là hơn cả. Có lẽ Cúc và Minh chỉ mới kịp đầu thai để thành một cặp vợ chồng thú rừng hay một cặp vợ chồng chim câu...


VH.

Một cuộc diễu hành





Ghi chú của tác giả:

Câu chuyện về café (hà nội), cuộc diễu hành của các đại từ quan hệ, đặc biệt các đại từ nhân xưng, trò chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, thử thách khả năng biến thể của “tôi” và “không-tôi” và sự trống trải tự do của việc là những cá nhân trong các trò chuyện sống và các quan hệ tình yêu đủ dạng thức.

một cuộc diễu hành
tôi nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, đặc sản thăm thẳm này hẳn phải thuộc về hà nội, café hà nội, hắn bảo tôi, nhưng em thật chẳng hà nội girl chút nào, không mấy khi nghe em gọi anh xưng em, hầu như chỉ nghe tiếng tôi, xa cách, mơ hồ, giữ ý, như là sợ điều gì nguy hiểm, làm cho kẻ này cũng không biết xưng hô với cô poet này như thế nào cho phải, tôi cười vô hại, tôi chưa bao giờ hà nội girl, và tôi tự biết mình không nguy hiểm, huống gì tôi cũng biết cách giỡn chơi với nguy hiểm đôi khi, có điều một thói tật có lẽ vĩnh viễn của tôi là không nhạy cảm về tuổi tác, quan hệ gia tộc, tình trạng nhân thân và vị thế xã hội, tôi không mấy khi bận tâm người đang nói chuyện cùng mình đáng tuổi ông bà, bố mẹ, chú bác, anh hay em,married or single, thậm chí cũng thận trọng chuyện họ trai hay gái hay lưỡng lự giới tính hay phi giới tính, cũng không biết họ nhà nọ, lều kia, văn sĩ lớn nhỏ, quan chức to bé, một loạt những thứ hầm bà lằng ngầm quy định cách dùng đại từ nhân xưng trong tiếng việt, đó, tốt hơn chẳng tự chuốc bận tâm, não tôi có cách tư duy và xử lý vấn đề đôi khi đơn giản như thế đó, nghĩa là xử lý một vấn đề bằng cách bỏ qua nó, chúng tôi không có you & i một giuộc cho gọn, vấn đề này tiếng anh mấy người có vẻ giải quyết đơn giản như không, tôi nhìn bóng mình trong cái đặc sản thăm thẳm của hà nội, đọc email bạn tôi đang sống tại mỹ dằn vặt lựa chọn ngôn ngữ viết, nghĩ tới chuyện phải xử lý mối quan hệ cơ hồ đang dần trở nên mệt mỏi tới vô vọng với các đại từ tiếng việt mà ne/ve dần chọn viết tiếng anh, ah, không, tôi không biết nói sao về ey, chuyện này, trong tiếng việt hả, love like hate, ngoại trừ đám quan hệ rầy rà khó kiểm soát, tôi thích gọibạn xưng tôi, cậu xưng tớ, ấy tớ, mi ta, thuần túy bạn bè, tao, mày vài hãn hữu, mình tôi, đôi khitôi/ta, người, hay tôi mình, hai mà một, hai trong một, thương mến, đưa đẩy yêu đương, ân tình, đắm đuối, you, ngôi thứ hai, người, âm tiếng việt cũng có nghĩa là a human, hay humans, cái đặc sản thăm thẳm của hà nội đang loãng dần, quay lại chuyện xưng hô của bọn mình nhé, we’re all in the same gang, eh, i just know you are the person i am talking to, i don’t care what else, chàng đổi sắc giọng, trở nên quá chừng trìu mến, trời ơi, cô poet này, em giống tôi, mở, rộng rãi và trống trải, ước gì mình nói chuyện với nhau nhiều hơn nữa, tôi nghĩ thầm, chỉ cần mặc nỗi trống trải bay lượn thế thôi, đôi khi đã như cả bầu trời, đã đủ thăm thẳm, tại sao cần trò chuyện, cần nói với nhau, cần nghiêm chỉnh nói với nhau với các đại từ nhân xưng đúng cách, người biết đấy, xưng hô với tôi là chuyện tùy duyên, tùy hứng, tùy tình, đừng lo giữ lễ, tôi không muốn lợi dụng sự rắc rối của tiếng việt để gây hoang mang, đôi khi làm người ta có cảm giác đánh cược cả một mối quan hệ, thậm chí đánh cược cả một đời tình ái, kinh hoàng hơn, người biết đấy, mấy sự chuyển hóa từ tôi bạn sang em anh, tôi mình, đằng ấy đằng này, đó đây đây đó dễ dàng trở thành một trò chơi nguy hiểm, cái đặc sản thăm thẳm lễnh loãng hà nội này tiếp tục cứu vớt sự ngắc ngứ trong việc dùng đại từ của tôi, đặc biệt cho những dạng quan hệ phá cách, ah, tôi như thể đang phải lòng sự rắc rối của mớ đại từ tiếng việt này, thứ tình khó khăn này, sự hỗn loạn không hẳn vô hướng này, sự mập mờ mềm mại này, nhưng tôi yêu em theo một cách không dễ được chấp nhận lúc này, khi mấy người đang cần rõ ràng, right, một thứ tình tạm thời phi giới tính, gốc nguồn, phi phân tầng quan hệ xã hội, đòi hỏi bình đẳng cao nhất có thể, hay kiểm duyệt một cách quá đỗi tinh vi, chàng nói, mà thôi tôi lại nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm,tôi biết mình cần đổi đề tài, cả đời tôi chưa từng đi khỏi hà nội quá vài trăm cây số, hẳn nhiên tôi chưa từng tới paris, nhưng hà nội, nhất là cái góc phố này của hà nội, người ta vẫn so sánh như một paris nhỏ, một góc paris, ah ừ, văn chương pháp thì tôi yêu nhiều chứ, rất dễ phải lòng, phải lòng một ảo tưởng của nỗi say đắm, cũ kĩ, phải lòng đến nỗi dễ thành liều mạng, ừ, hẳn nhiên rồi, tôi sẽ phải đến paris một ngày gần nhất, chỉ để biết rằng có thể mình cũng fall in love so easilynhư một khách bộ hành, có thể rồi mình cũng công dân toàn cầu, không bận bịu nơi chốn, gốc gác,rồi tôi sẽ tất cả i & you cho gọn gàng, tôi, người, con người này, con người ấy, okay, coi như vấn đề tôi và ngôi thứ hai đã tạm xong, bây giờ, tôi có thể tập trung nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, ngẫm nghĩ về thứ đặc sản nhàn rỗi của hà nội, tôi cần cân nhắc thêm về đại từ quan hệ khi nói về kẻ ấy, nem, right, ngôi thứ ba, số ít, nếu biết rõ là male, khi thấy thân yêu hơn, tôi sẽ xưng thiếp và gọi hắn là chàngtrong những câu chuyện gẫu, cậu tỉnh lại đi, bạn nói, bọn đàn ông toàn đặt bẫy, hám gì, tôi và hắn, thậm chí nó, gã, y, thằng chả, trung tính hơn thì nghỉ, một từ thuở nguyễn du, chẳng phải hay hơn những chàng ấy, nàng ấy, di sản tự lực văn đoàn, anh ấy, anh ta xã hội chủ nghĩa, kẻ ấy, người ấy, quá mơ mộng, hay sao, tôi bỗng tự thấy mình đổi sắc giọng, tôi trở nên quá chừng trìu mến, trời ơi, hắn, chàng, người ấy, con người ấy, quá chừng giống tôi, mở, rộng rãi và trống trải, ước gì, nhưng mà thôi, chỉ cần mặc nỗi trống trải bay lượn thế thôi, đôi khi đã như cả bầu trời, đã đủ thăm thẳm, tại sao cần trò chuyện, cần nói với nhau, cần nghiêm chỉnh nói với nhau với các đại từ nhân xưng đúng cách, cứ tùy duyên, tùy hứng, tùy tình, đừng lo giữ lễ, tôi sẽ không lợi dụng sự rắc rối của tiếng việt để gây hoang mang, để đánh cược tâm hồn trống trải dễ thương tổn của mình vào một mối quan hệ, thậm chí cả một đời người, một số phận, thứ trò chơi nguy hiểm này, bạn bình luận, điên thật rồi, you are nuts about him right, thất tình nữa rồi, eh, tôi nói, không phải, tớ e tớ dám đánh đổi cả đời mình cho vài khoảnh khắc, đừng có ảo tưởng về soulmatenữa được không kưng, casual lovers thì hay, okay, chứ cùng sống, chịu sao thấu, ừ, tôi nói, chỉ tại tôi vẫn còn hết sức rắc rối với các đại từ nhân xưng tiếng việt, nặng nợ chưa xong, nhưng tôi thú nhận i am nuts about him you know, tôi cần tỉnh táo, tôi biết, vậy nên cần xử lý mối quan hệ của tôi với các đại từ, cậu thấy những bước tiến bộ đáng kể của tớ trong viết lách rồi đấy, cặp đại từ ướt át thuở học trò em – anh, xác định về giới, đã tự nhiên thành tôi – hắn, nỗ lực trung tính, nhưng hắn vẫn rất male trong tiếng việt, bạn nói, mà mày – ah, cậu tự nhiên đổi giọng thế a? – nhất định không còn chắc mình là nữ, nhưng vẫn chết vì bọn đàn ông, không, tôi cãi, hắn hiện tại đang là lựa chọn tối ưu, nó vốn dĩ trung tính, không giàu biểu cảm, thái độ, đúng được với cả trai lẫn gái, chỉ tại sau gã chí phèo của nam cao hồi nửa đầu thế kỉ xx, không ai không nghĩ hắn là một kẻ bị cuộc đời làm bần cùng hóa, và tệ hơn, tha hóa về nhân tính, nên hắn nghiễm nhiên mang thân phận bị ruồng bỏ, bị miệt thị, và sẽ có thể nghe thảm khốc hơn nếu đó là một con đực bị miệt thị, tôi chỉ đang nỗ lực dùng lại hắn bản nguyên hơn, ngôi thứ ba, số ít, kể cũng hơi vướng víu nam tính, chứ không lẽ phải viết ch(n)àng, sến bà cố, ne/ve, xe tạo ra rồi đâu có dám dùng, bạn rầu rĩ trong email lúc tôi vẫn bận nhìn bóng mình trong ly đen đá thăm thẳm, i mới dùng xem trong bài luận, bác giáo sư ở đây cảnh giác đỏm dáng, màu mè, tội nghiệp đám đại từ được tạo ra trong mấy cơn phấn khích nửa mùa và chẳng ai dám dùng vì sợ trở nên kì cục, ừ, tôi khuấy lanh canh café, độ thăm thẳm đang loãng dần, bóng tôi nhòe nhoẹt, email lại, nhân tiện nói cho nem bài thơ tôi đang vật vã với các đại từ, tôi định làm một cuộc diễu hành của tất cả các đại từ nhân xưng tiếng việt, xáo trộn, nháo nhào, biến đổi, tẩy xóa, you kết thúc giai đoạn anh em từ lâu rồi phải không, có vẻ như đang định thanh toán nốt giai đoạntôi hắn à, thất tình nữa rồi à, a broken relationship right, ừ, tôi chịu ne tinh thật, nhận ra tôi biến đổi qua từng trang viết, đoán trước cả sự biến đổi có thể nữa, quả là giai đoạn anh em em anh yêu đương đắm đuối, mệt nhọc, kiệt quệ, phấn khích của tôi đã chuyển sang giai đoạn tôi hắn, độc thoại hơn, thản nhiên hơn, lạnh lẽo, khó gần hơn, nhất định đòi giữ khoảng cách, đòi độc lập, nhất định tránh định vị chính xác các quan hệ, không trông đợi, nhất định học cách không trông đợi, học cách phân tích sự vật và con người một cách tỉnh táo, tôi chịu ne tinh thật, nhưng ne chưa biết rằng có thể tôi đang, hoặc sắp in a relationship, hay in some relationships, tôi – hắn không còn hợp thời nữa, outdated rồi, tôi muốn làm hòa lại với cuộc đời, tôi muốn trò chuyện trở lại, muốn trìu mến, yêu thương, dịu dàng, hàn gắn trở lại, tôi không muốn tan vỡ, khô khốc, cằn cỗi nữa, tôi tiếp tục tự vấn mình trong cái thăm thẳm đang loãng ra này, thôi đi, đó chỉ là café, bạn nói, thôi đi cậu, làm gì mà lúc nào thế giới cũng như sắp sập chỉ bởi một/vài gã trai chẳng biết đang lang bạt ở xứ sở nào với những con người nào khác, chỉ là các traps thôi, hãy tự giúp mình, traps or gaps, thôi làm thơ đi, nghe vần đấy, không, tôi nói, chỉ tại tôi vẫn còn hết sức rắc rối với các đại từ nhân xưng, nặng nợ chưa xong, cần nghiên cứu và xử lý tốt các câu hỏi nghiên cứu này, tôi viết có khác gì tôi sống, cậu biết đó, quan niệm tình yêu của tôi đang thay đổi một cách đáng kể, có lẽ không dễ được chấp nhận lúc này, một thứ tình nỗ lực bình đẳng tuyệt đối, bất chấp các phân tầng, các nhãn hiệu xã hội, thử thách các giới hạn đạo đức thông thường, xem đi tới đâu, giới hạn nào, sự vô giới hạn nào, vực sâu nào, trời thẳm nào, hẳn nhiên phải chấp nhận tan vỡ, đau thương, broken hearted, khi chỉ mình mình thay đổi, sẽ sớm ổn, tôi nói, khi tớ viết xong bài thơ lằng nhằng về các đại từ này, bạn tắt phụt đèn online facebook, vớt vát một câu, đủ thăm thẳm chưa, thôi biến đi, làm thơ đi, điên rồi, tặng cậu thêm câu nữa cho vào bài thơ tình ái lằng nhằng này, enjoy being broken hearted all the time then and take good care of all pronouns nhé, okay, ừ, đủ thăm thẳm chưa, chưa bao giờ đủ, tôi cần mẫn nghiên cứu bóng mình trong màu đen đang loãng ra này, đặc sản này nhất định không phải thuộc về hà nội, có thể sớm thôi một thứ đặc sản thăm thẳm toàn cầu, hay một thế giới phi đặc sản, tôi dành một chút lưu luyến và hoài nhớ, cả một chút thương xót những đại từ nhân xưng tiếng việt tôi đã tránh dùng, tôi đã cố ý xóa bỏ, triệt tiêu, những mối quan hệ tôi làm thành phá cách, hỗn loạn, không cố định, tôi vẫn còn hão huyền đòi biến đổi thế giới từ những thay đổi tự tôi, nhỏ bé, lố bịch, quan hệ ngôi thứ nhất tôi với một ngôi thứ hai, tôi/ta/mình/tao/tớ/mình/đằng này… – bạn/mình/cậu/mi/mày/người/đằng ấy/ấy…, quan hệ tôi và ngôi thứ ba, tôi – hắn/gã/y/thị/ch(n)àng/anh ấy/kẻ ấy/cô ấy/ả…, biến hóa bất tận, nguyên lý cốt lõi là tình yêu, okay, không bận tâm giới tính, phi quan hệ xã hội, giai tầng, không nhãn hiệu, thế có được chăng, tôi buộc phải loại trừ mấy thuật ngữ kinh tế học, workable hay sustainable, không, just love, don’t care about anything else, không tưởng quá, hoang đường, ừ thì, ly café thăm thẳm của tôi đã loãng rồi, tôi đã cơ hồ kiệt sức, nói cho cùng, vẫn là cái ý tưởng đó, tôi muốn loại bỏ cả tôi nếu có thể, để mơ mộng, lẫn tan vào sự vô cùng của vũ trụ, của một vũ trụ đầy tình yêu, nhưng cả khi bỏ hoang đám đại từ này như cỏ dại, thì tôi, hắn, nàng ấy, cô ấy, ả, vẫn tồn tại, she, he, ne, ve, xe, nem, xem, blah blah, thôi được, người cứ mặc tôi, tôi sẽ học cách enjoy being broken hearted all the time, để có thể take good care of all pronouns, nhé, để có thể là bất cứ ai và có thể chẳng là ai, someone and no one, ở đây và mãi ngoài kia, những tôi không tôi, những cái bóng loãng mãi trong một ly đen đá, một đặc sản thăm thẳm không bao giờ hà nội

Café, 03.05.2015 –
Nhã Thuyên