Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Lòng can đảm tự nhiên



GYLON FERGUSON | NGUYỄN VĂN NGHỆ dịch

Sáng nay tôi bắt đầu liệt kê những điều tôi sợ. Giống như nhiều người, tôi sợ chết. Tôi cũng sợ những cái chết của những người trong gia đình tôi, bạn bè tôi và những người tôi yêu thương. Tôi sợ mất những người thân yêu, và tôi sợ mất tình yêu, sợ cô độc. Và tôi có những nỗi sợ hãi liên quan đến cơ thể mỗi ngày mỗi già đi của tôi. (Tôi tập thể dục như vậy là đủ chưa? Tôi uống đủ thuốc bổ không? Làm sao né tránh được căn bệnh do di truyền?). Là một hành giả đi trên con đường học Phật để đạt đến giác ngộ, tôi cũng đã biết sợ sức mạnh của những thói quen thâm căn cố đế – thói quen vô minh, thói quen phản ứng có tính tự vệ, thói quen luôn không quan tâm đến cái thực tế mà mình trải nghiệm – kể cả thực tế của sự âu lo.

Khóa tu học mà tôi gọi là “Lòng Can Đảm Tự Nhiên” dựa trên những truyền thống trí tuệ cổ xưa về lòng dũng cảm và từ bi là những thứ mà bây giờ là quý báu hơn bao giờ hết. Khóa tu học này phác họa một phương pháp từng bước một, lấy sự sợ hãi làm con đường trực tiếp đưa đến việc biến đổi chính chúng ta và thế giới của chúng ta. Mục đích của con đường này là để đạt đến một cuộc sống khôn ngoan và hỷ lạc trong sự hòa hợp sâu sắc với tha nhân và với thế giới tự nhiên.

Sự thực hành tâm linh đích thực mang lại cho chúng ta một phương cách để đối diện với thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài chúng ta và để mang hai thế giới có quan hệ với nhau này vào trong một cuộc đối thoại sinh động và đầy tình thương. Làm bạn với nỗi sợ hãi của chúng ta – nếm trải mùi vị của nó, nghiền ngẫm nó, thân thiết gần gũi với nó – sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa. Chúng ta có thể phát triển một sức mạnh và sự tự tin bên trong chúng ta không tùy thuộc vào những cuộc thăng trầm của thế giới hiện tại của chúng ta với những chuyện được mất liên tục suốt tuần suốt tháng. Ở giữa cơn đói khát, bạo động, sự cay nghiệt, và sự hèn nhát bên trong và bên ngoài chúng ta, phương pháp Lòng Can Đảm Tự Nhiên mời gọi bạn đi trên con đường của lòng dũng cảm cùng với tổ tiên tinh thần của chúng ta, những người dũng cảm trong suốt lịch sử đã biểu lộ vô úy trong cuộc sống hằng ngày.

Lòng Can Đảm Tự Nhiên bắt đầu bằng việc khám phá ra rằng lòng can đảm là bản chất tự nhiên của chúng ta. Bản chất tự nhiên này biểu lộ như là sự tự tin mà chúng ta chứng tỏ hằng ngày trong việc đương đầu với những thách thức của các mối quan hệ gia đình, công việc, tiền bạc và sức khỏe. Phương pháp này xác nhận rằng chúng ta vốn là dũng cảm – và rằng chúng ta có thể làm mạnh mẽ thêm và làm chín muồi chủng tử vô úy bẩm sinh này qua việc thực hành thiền định tỉnh giác. Như đạo sư Suzuki Roshi đã khuyên các đệ tử của ngài, “Các con vốn đã hoàn hảo rồi, và các con vẫn còn có thể tốt hơn nữa”. Con đường tu học được phác họa ở đây xuất phát từ sự nhận biết lòng can đảm bẩm sinh thông qua một loạt những trải nghiệm có định hướng trong việc đối mặt với bốn nỗi sợ hãi chính yếu: sợ chính mình, sợ tha nhân, sợ khoảng không và sợ biểu lộ.

Làm bạn với chính mình – với cơ thể, cảm xúc của mình và những trạng thái khác nhau của tâm mình

– là nền tảng của toàn bộ cuộc hành trình đi vào lòng can đảm. Như Chogyam Trungpa Rinpoche tóm lược: “Sau rốt, đây là định nghĩa của dũng cảm: không sợ hãi chính mình”. Đôi khi chúng ta tránh gặp người khác là do chúng ta thiếu tin tưởng vào chính mình, không tin mình có đủ lòng từ bi, sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Do đó, một tình bạn sâu đậm với chính con người mình sẽ mở ra khả năng có được mối quan hệ đầy tình thương mến với tha nhân. Do đó, khi mở rộng lòng mình một cách tự nhiên, có hệ thống, chúng ta sẽ biết được cách chuyển tiếp sự thấu cảm mà chúng ta đã vun đắp được đối với chính mình đến với những chúng sinh khác: gia đình, bạn bè, ngay cả với thú vật nuôi trong nhà và trong thế giới thiên nhiên quanh chúng ta. Điều này có nghĩa là biến đổi thái độ cố hữu sợ hãi tha nhân của chúng ta thành ra lòng yêu mến và cảm thông vô hạn để làm phương cách sống chủ yếu của chúng ta.

Con đường dẫn đến sự vô úy hoàn toàn tỉnh giác này tiếp tục khi chúng ta biết cách mở lòng mình ra để đi vào không gian chung quanh chúng ta; hãy buông bỏ đi và thôi đừng lo lắng lượng định xem chúng ta đang tiến bộ hay thụt lùi trên cuộc hành trình này và đang tiến bộ hay thụt lùi như thế nào. Chúng ta khám phá ra rằng tiếng nói phê phán bên trong ta thường giám sát quá mức sự tiến bộ của chúng ta. Trớ trêu thay, kẻ phê phán chỉ trích quá bận rộn bên trong ta nói không rõ ràng và mang lại kết quả ngược với sự mong đợi. Tin tưởng vào lời bình phẩm dường như lan man không ngừng chảy qua đầu óc chúng ta chỉ làm cản trở chúng ta trở thành những con người can đảm như chúng ta vốn thật sự như thế. Sự thận trọng quá mức như vậy dĩ nhiên là xuất phát từ lòng sợ hãi. “Nếu tôi không tự kiểm tra mình thường xuyên, ắt tôi sẽ mắc phải lỗi lầm?”. Buông bỏ việc liên tục đánh giá và so sánh mình với người khác sẽ dẫn đến những hành vi dũng cảm và từ bi một cách tự nhiên. Cũng giống như chúng ta học một bước khiêu vũ nhuần nhuyễn đến độ chúng ta không cần phải liên tục nhìn xuống chân nữa. Cuối cùng chúng ta cảm nhận được tiếng nhạc và động tác; và chỉ với chừng ấy thôi chúng ta kết hợp hoàn hảo với bạn nhảy và nhảy đúng nhịp điệu.

Sau cùng, điều thách thức chính yếu của chúng ta trên con đường tu tập là đi vào hành động sáng tạo để đương đầu với lòng sợ hãi biểu lộ của chúng ta. Cho đến nay, nhiều người trong chúng ta rất quen với việc trải qua thời gian ngồi trên đệm thiền như là là một hình thức biểu lộ tỉnh giác của lòng từ bi và dũng cảm trong việc đối diện với chính mình. Nhưng vào một thời điểm nào đó, bước đi cốt yếu kế tiếp trên con đường tu tập là thiền định dấn thân. “Đừng chỉ ngồi đó mà thôi, hãy làm một điều gì đi”. Khi mà những vấn đề đối diện với thế giới chúng ta và những mối đe dọa sự tồn vong tập thể của chúng ta trên hành tinh này hiện ra to lớn hơn bao giờ hết, chúng ta không thể tách biệt cuộc hành trình trong nội tâm chúng ta ra khỏi sự đáp ứng tự nhiên của nó trong sự thể hiện bên ngoài. Câu hỏi thúc bách nhất đối với những hành giả tâm linh như chúng ta trở thành câu hỏi như thế này: Ở trong gia đình và nơi làm việc của chúng ta, trong khu vực chúng ta ở hay trong cộng đồng sinh thái của chúng ta, chúng ta đang bộc lộ sự tỉnh thức hay sự yếu đuối, sự hèn nhát hay can đảm?

Định nghĩa lại “nghệ thuật” như là bất kỳ một hoạt động nào xuất phát từ sự nhu hòa và lòng trân quý, thầy tôi, ngài Trungpa Rinpoche, gọi đó là việc thực hành “nghệ thuật trong đời sống hằng ngày”. Việc nấu một bữa ăn rồi dọn dẹp sau đó có thể được thực hiện với sự tỉnh giác và sự cẩn trọng của một cuộc sống đầy nghệ thuật. Lúc đó chúng ta là những nghệ sĩ của cuộc đời chúng ta và của số phận tập thể của chúng ta, cùng nhau tạo dựng một tương lai thảm khốc hay lành mạnh: điều này tùy thuộc vào chúng ta. Cầu mong cho tất cả những chủng tử bẩm sinh của lòng can đảm tự nhiên của chúng ta đơm hoa kết trái thành những cộng đồng của lòng dũng cảm đầy từ bi. .

Tiến sĩ Gaylon Ferguson tu học dưới sự hướng dẫn của các vị thiền sư Phật giáo Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche và Sakyon Mipham Rinpoche. Ông là giáo sư tại Đại học Naropa và là tác giả các cuốn sách Natural Wakefulness: Discovering the Wisdom We Were Born With (2009) và Natural Bravery: Fear and Fearlessness as Path to Awakening Society (2013). Ông đã hướng dẫn các khóa tu trong 35 năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét