Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

TÔI ĐẾN ĐÂY











Tôi đến đây
Bước bình minh
Đốt vong lông ma quỷ
Đã ăn những giấc mộng hồn nhiên
Của con cái chúng ta

Tôi đến với kiếm sắc. Lời
Chém những giả dối
Rạch nát những ngụy trang
Kêu đúng tên tội ác
Những ác trược trần gian
Bóng tối

Trên cánh đồng. Người. Và quỷ. Và mẹ mìn.
Rậm rạp những cây ăn thịt người
Lúc nhúc thú tính chúng dọn lên, mời nhau
-Và đổ vào cổ họng kẻ khác- máu và phân
Cả những mảnh xương khô, những- cái- giống, rất bé
Tôi sẽ đến cùng chị
Gom tất cả nước mắt và máu của những bà mẹ
Chúng ta sẽ cùng gieo hạt
Mọc lên triệu triệu hoa trái tim của nhân tính
Tôi biết dù
Cổ chúng ta sẽ rách. Máu chúng ta sẽ cạn
Những con chim đỗ quyên thổ huyết
Gọi. Kêu. Đòi
Một chân trời xanh. Cho con cái chúng ta nguyên vẹn. Lớn lên

Tôi biết dòng máu trong tôi. Trong chị
Ứ đau mầm núi lửa
Nhưng phún xuất thạch ấy
Sẽ làm tuyệt chúng hết những loài cây quỷ
Hiến dâng phù sa màu mỡ của hạt lành
Con cái chúng ta được sống
Bình yên. Mạnh khoẻ

Nhịp đập trái tim tôi
Trái tim chị
Gióng lên, từng ngày từng phút từng giây
Đập tan những miểng thuỷ tinh
Đang găm vào bàn chân đau đớn của con cái chúng ta
Chúng ta sẽ kết lưới tấm khiên chở che
Bằng hạt lệ nhỏ
Bằng dòng máu sôi
Bằng lời thép nóng
Cho dẫu bằng bàn tay yếu đuối
Chúng ta vẫn có thể nắm được những bàn tay bé nhỏ tin cậy. Trông chờ
Dù cho có thể chúng ta chỉ đủ sức
Che bằng cái bóng của mình
Che bằng chữ của mình
Che bằng lưỡi của mình
Và che bằng trái tim quyết liệt của mình
Tôi đến đây

Nguyễn Thị Khánh Minh
10.2013

Con Bọ Trên Guồng Quay



Gã đứng nhìn về phía trước. Cái nhìn tự tin, nhưng không biểu lộ đang nhìn vào cái gì cả. Tôi tin như thế vì ở đầu này sân tập, bước đều trên một máy duy nhất với tốc độ được lập trình sẵn trong cái guồng quay đều nhàm chán diễn ra suốt ba mươi phút mỗi ngày, mắt tôi luôn nhìn phía trước. Tôi nhìn thấy gã trắc diện và mọi động tác tập thể dục của gã không ra ngoài tầm nhìn của tôi. Không hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy gã, tôi cho rằng mình đang nhìn một thế kỷ đi qua. Thật lạ lùng và vô nghĩa. Làm thế nào một gã đàn ông khoảng năm mươi lăm tuổi đang tập thể dục lại có thể đại biểu cho một thế kỷ chuyển động cho được. Tôi có bất bình thường trong suy nghĩ hay chính tôi cũng là một gã điên rồ và ngu ngốc nếu cố bày tỏ sự suy nghĩ bất chợt của mình cho người khác hiểu?

Thực ra tôi đang chiêm ngưỡng những thành quả của thế kỷ. Dù Willy đứng cách tôi sáu mươi feet đang làm những động tác nóng người thường ngày trước khi kéo hai quả tạ bằng hai sợi dây lò xo, tôi cũng nhận ra trên tầm nhìn của mình trước khi đến gã, là người con gái chừng hai mươi tuổi, bên phải, đang từng bước tập động tác chân để tiêu mỡ hông qua dụng cụ leo lên cầu thang. Cô ta vừa bước vừa nói chuyện trên cell phone, một tai đang nghe nhạc qua ipod đeo trên cánh tay phải. Mắt cô chăm chú đọc một quyển sách dày mà tôi nghĩ phải là bài học ở trường. Cô ta cũng là biểu tượng của thế kỷ. Cô đang diễn tả cái chức năng đặc biệt multitasking của máy tính điện tử. Multitasking biểu hiện chức năng đặc thù của windows và windows là khát vọng của con người. Bill Gates đã cho loài người thỏa mãn khát vọng của mình khi sáng tạo ra nhu liệu Windows và trở thành tỉ phú sau khi cấu tạo được bộ óc con người bằng máy và mở đầu cho một kỷ nguyên người máy.

Cô gái bên phải tôi đang là biểu tương của một PC, và nhiều windows đang mở ra để cùng làm việc cùng một lúc. Tên cô là Jenny. Jenny đang làm cùng một lúc bốn công việc khác nhau. Trả lời phone, học bài, nghe nhạc và tập thể dục. Không phải multitasking là gì? Không phải là biểu tượng thế kỷ hay sao, vì ở thế kỷ trước, lúc tôi bằng tuổi cô ta, cha mẹ, anh chị em, bạn bè tôi chưa có người nào làm được cộng việc mà Jenny đang làm.

Bên trái cô ta là một người đàn ông mập. Người này là nhân viên của phòng tập thể dục. Nhìn phía sau lưng ông ta trên bộ đồng phục, sẽ thấy hàng chữ in màu trắng trên nền đỏ: “Chúng tôi là lực sĩ”. Nếu đó là một định nghĩa để miêu tả mỗi nhân viên phòng tập thể dục thì thật đáng thất vọng. Điểm này có thể trái ngược với tinh thần quảng cáo sản phẩm, vì nếu ông ta là lực sĩ, tất nhiên không ai đến phòng tập này. Ông ta mập đến độ cái bụng phía trước thiếu điều rơi xuống đất. Ông cũng là biểu tượng của thế kỷ! Thế kỷ của quảng cáo! Quảng cáo làm cho người ta thích, đôi khi say mê nhưng chưa chắc là thực. Người ta ai cũng có thể thích qua cảm tính, qua bản năng, như từ một ước muốn đến hiện thực dù không xa, nhưng chưa có gì chắc chắn là thật như gã đàn ông trước mặt. Tôi nhớ câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” và trường hợp này không sai. Không có loại lực sĩ nào mà thân thể đầy mỡ như gã. Thế nhưng gã vẫn lượn lên lượn xuống phòng tập. Đi lòng vòng giữa đám người đổ mồ hôi làm công việc tiêu bớt năng lượng dư thừa của mình trên hằng trăm cái máy tập thể dục.

Tôi không thèm nhìn gã nhân viên ấy nữa, mà quay về công việc của mình là nhìn xuống cái đồng hồ đo trước mặt xem mình hôm nay đã đốt hết bao nhiêu năng lượng, chạy được bao xa và trung bình bao nhiêu vòng đạp một phút. Ngẩng đầu lên, tôi lại thấy cái nhìn không nhìn của Willy và cái cười không cười của anh ta. Thật đặc biệt, và bên phải tôi Jenny tiếp tục multitasking.

Tôi chạy tiếp thêm năm phút, đo nhịp tim để tự củng cố niềm tin rằng “tập thể dục đều đặn rất tốt cho lứa tuổi sau năm mươi” mà đôi khi trong đầu cứ lởn vởn câu “mê tín dị đoan” vì cứ mỗi lần nghĩ đến văn minh nhân loại, tôi đồng thời nghĩ đến cái vòng tròn và từ cái vòng tròn này, tôi cho rằng càng văn minh, con người càng trở về tinh thần bộ lạc của thời xa xưa. Tôi bướng bỉnh phán đoán rằng đấy là tuyệt vọng chứ không phải hi vọng, bởi người ta đang tranh thủ cuộc đời này một cách tiêu cực. Một phát minh ra đời với lý do nếu không có nó, con người sẽ lâm vào cảnh hiểm nghèo hơ n như những cái máy chung quanh tôi, con người sẽ nguy vì mập, mà mập là đầu mối của bao căn bệnh chết người. Con người ngày hôm nay say mê, thờ phụng sản phẩm và tin vào sản phẩm bằng niềm tin bộ lạc, để rồi sản phẩm trở thành thần thánh cứu chuộc con người. Tôi nhét hai cái earphone vào tai và mở ipod. Nhạc êm dịu dễ chịu và có một chút thoải mái khiến thân thể như nhẹ hơn và tôi bắt đầu chạy bằng đầu ngón chân. Cách này, theo võ thuật đông phương là đề khí, làm nhẹ trọng lượng thân thể, cho nên không gây tiếng động, khác với gã thanh niên bên cạnh, đang chạy mà như mang cả toa xe lửa gầm thét chạy theo sau. Chạy kiểu này mệt hơn bình thường, nhưng tôi tin rằng mình có sức khỏe khá mới thực hiện được.

Tôi ngừng chạy và chiếc máy ngoan ngoãn dừng lại. Tôi chạy đến đâu nhỉ? Bắt đầu chạy cuối thế kỷ và dừng lại đã đầu một thế kỷ khác? Willy cười. Lại cười trong những động tác nặng nhọc thế này. Thật là một gã lạc quan lạc loài. Tôi đến gần, gã nhìn tôi nhưng vẫn tiếp tục cười và nâng tạ. Tôi nhìn vầng trán cao, mái tóc bạc hất ra sau. Toàn khuôn mặt đầy nếp nhăn nhưng Willy trông khỏe, không mập như đa số những gã Mỹ lớn tuổi khác trong phòng tập. Tôi chào. Willy đứng dậy:

- Mày khỏe không?

- Cám ơn, tao được được. Nếu khỏe, tao đã không vào đây.

Willy cười. Chúng tôi quen nhau. Gã biểu lộ sự thích thú trên mặt khi biết tôi là người Việt Nam. Will nói như gào trong cái ồn ào của những chiếc máy tập thể dục đang vận hành tối đa công suất:

- Tao là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đây.

- Ồ! Thật hả?!

Tôi cũng gào lên trả lời. Willy móc trong túi cá nhân mang theo một chiếc nón vải xanh dương, trên có thêu chữ Đà Nẵng màu vàng. Hắn chỉ cho tôi hai chữ này rồi nói:

- Hồi xưa tao đóng ở đây. Rất nhiều cô gái Việt Nam thích tao.

- Tao thấy Tom Selleck cũng có cái mũ có chữ Đà Nẵng, không biết nó có phải cựu chiến binh như mày hay không?

Willy cười cười lắc đầu, đôi mắt như mơ màng rồi nói “Ôi con gái Việt Nam! Tuyệt vời!”

Tôi cười, gã nói không sai. Lịch sử cũng hay nhắc đến lính viễn chinh và các cô gái địa phương! Willy lấy chai nước trong túi ra uống một hơi dài. Lấy tay chùi những giọt nước trên bộ râu hai phần ba bạc trắng, Willy nói vào tai tôi. “Mày có thường đến đây không?”. Tôi gật đầu. “Mày còn đi làm hay không?” Tôi lại gật đầu. “Mày có tham dự cuộc chiến tranh?” Tôi gật đầu và nói vào tai Willy:

- Tao là sĩ quan quân báo.

Một người đàn bà Mỹ to béo đến gần Willy, gã nói, “Bồ tao”. Tôi đưa tay ra dấu chào hai người và nói “Hẹn mày dịp khác” rồi ra sau đi tắm. Chiếc máy của tôi đã có một cô gái Mỹ to mập khác đang chạy. Tôi nhìn chung quanh mọi người đều chạy và mọi người đều mập. Tôi nghĩ đến những con bọ mập trên guồng quay. Tôi cũng là con bọ mập ấy. Bụng tôi to thêm làm chiếc quần chật và khó thở khi cuối xuống cột dây giày. Tôi thở dài và hòa mình vào đám mập trần truồng đi tắm.

Ra bãi đậu xe, Willy và cô bồ đứng nói chuyện đằng xa thấy tôi, gã cười và ra dấu chào. Tôi chào lại rồi lên xe. Nắng gắt, trong xe khá oi bức, tôi mở máy lạnh và mở nhạc. Một bản soft rock dễ chịu. Tôi ngửa lưng lái xe ra khỏi bãi đậu và trở về nhà. Buổi trưa thứ Bảy, bầu trời tháng Tám cao, xanh ngắt không một gợn mây nhỏ. Xe chạy nối đuôi nhau. Bản nhạc chấm dứt. Chương trình luật pháp. Một cô gái gọi vào hỏi thủ tục ly dị. Hai phút sau một cô gái khác, rồi mụ đàn bà khác hỏi làm thế nào để đuổi thằng chồng ra khỏi nhà mau nhất. Mụ đàn bà vừa hỏi vừa thở hào hễn và cô phát ngôn cáu gắt, “Chồng mày nói gì?” - “Nó bảo tao là con chó cái!” - “Nói như thế chưa đủ ly dị đâu!” - “Nhưng tao không muốn sống với nó nữa.” Tôi nói nho nhỏ sau khi mở sang một đài FM khác, “Tao cũng cho rằng mày là chó cái và tao muốn ly dị!” Nói xong, tôi cười một mình, nhớ đến Willy và Đà Nẵng. Tôi tự nhủ, ngày mai nói chuyện với hắn nhiều hơn về một nơi chốn xa xăm hay về trong cơn mơ. Đài FM 103.5 đang hát một bản nhạc nổi tiếng của Backstreet Boys. Khi nghe đến câu It’s hard to see in a crimson love… Tôi nhớ màu hoa phượng và buồn lạ lùng.

Hôm qua có người con gái nói với tôi, “Tôi chọn nơi này làm quê hương”. Tôi hỏi, “Thế nơi sinh đẻ của cô thế nào?” Cô ta trả lời quyết liệt, “Nơi đó không phải là quê hương của tôi”. Tôi hỏi “Tại sao”. Cô ta dứt khoát, “Nơi đó không văn minh, ở đây văn minh hơn. Tôi chọn nơi nào văn minh là quê hương của tôi.” Vẻ mặt cô kiêu hãnh. Tôi nói, “Cô anh dũng hơn những người da đen.” “Tại sao?” - “Vì hơn trăm năm sau người da đen mới chịu nhận nơi này làm quê hương, trong khi cô mới đến đây chưa được ba thập niên cô đã quên nơi cô sinh ra.” Cô ta nói cô là kỹ sư tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Tôi suy nghĩ, không biết đại học Mỹ nào đào tạo cô và đời sống ở đây làm cho cô trả lời như thế, hay bản thân cô trả lời như một phẫn nộ với bóng tối quá khứ? Tôi đi ra cửa sổ nhìn dãy núi xa xa. Mây mùa thu vẫn xây thành trên đỉnh núi giống như quê hương miền Trung của tôi và hồn tôi vẫn lạc loài trôi nổi trên không gian vô định này, trong khi thân xác lại chạy lòng vòng trên guồng quay! Tôi nghe tận đáy lòng hỏi, “Sao quê hương ruồng bỏ tôi như thế?!”

Chiều xuống từ sân sau. Bóng nắng vàng nhạt hạ trên tàng hoa giấy đỏ. Tiếng lá rơi mà tôi nghe chừng như tiếng mưa rơi. Trước khi ra sân ngồi, tôi bỏ một đĩa hát và nghe vọng ra một phần nhạc ngày còn bé tôi hợp ca tại một trường trung học cao nguyên. Âm thanh bi tráng. Trường ca của một dân tộc vọng lại trong một linh hồn đang vất vưởng lang thang trên quả địa cầu. Tổ tiên tôi từ ải Nam Quan đi đến mũi Cà Mau, và tôi, từ Cà Mau vượt biển ra đi. Tôi đi như trốn chạy dân tộc mình, cho đến khi nhận ra quê hương ruồng bỏ thì tóc đã bạc trắng, và trong cái vòng tròn thời gian, không gian vô giới hạn, tôi là con bọ mập già đã chạy lòng vòng đến hai thế kỷ!



***



Từ xa, Willy đưa tay lên làm dấu uống rượu với tôi. Tôi gật đầu và nhìn đồng hồ trên máy. Còn hơn mười phút. Tôi mở ipod. Một bản nhạc của kẻ lưu đày - Nostalgia - Buồn ngất ngây vì tiếng kèn kéo dài áo não. Tôi nhìn đằng trước. Vẫn những cô Jenny và những gã Willy đang cố làm cho thế kỷ này nhẹ bớt vì những tảng mỡ dư thừa trên thân thể của họ. Đôi mắt tôi di chuyển trên một vòng cung 180 độ. Đi từ quang cảnh này đến động tác kia, trồi sụt, lên xuống, đôi khi không ăn nhập với nhau như một quang cảnh trong tranh siêu thực. Mồ hôi ướt một khoảng lưng và ngực. Tôi thở phào khi thấy chiếc máy chậm dần rồi dừng lại. Sờ bụng, tôi cảm giác nó nhỏ lại và săn chắc hơn. Willy đến gần nói, “Tắm xong đi bar.” Tôi gật đầu và đi về phía nhà tắm. Tôi để ý Willy thường ra dấu cụng ly với bạn bè trong câu lạc bộ. “Tên này nghiện rượu.” Tôi nghĩ như vậy.

Ra khỏi câu lạc bộ thể dục, Willy và một gã Mỹ cỡ tuổi hắn thân thể gầy ốm một cách đáng khâm phục nếu thật sự hắn không mang bệnh nan y nào, đang chờ tôi ngoài bãi đậu xe. Tôi biết được Nick qua Willy giới thiệu. Chúng tôi đi chung xe, Willy lái về hướng Anaheim. Nick không phải cựu chiến binh như tôi tưởng. Hắn là thầy giáo đang dạy trung học, bộ môn English. Nick đầu tóc dài hoa râm, râu quai nón cũng bạc màu trên đôi má hõm như thiếu ăn, đôi mắt sâu mỏi mệt như mất ngủ kinh niên, nhưng toàn khuôn mặt phảng phất nét nghệ sĩ. “Chúng ta đi uống rượu, ngắm ngực đàn bà”. Tôi cười nghe Willy nói và hỏi thêm sở thích tôi là gì. “Tao thích uống rượu, hút xì gà và nghe nhạc.” - “Vợ mày đâu?” - “Tao sống độc thân.” Nick thì thầm vào tai tôi, “Tao cũng vậy, mày có thích văn chương không?” Tôi gật đầu nói:

- Thích, nhưng tao vẽ tranh. Nick và Willy gật gù. Tôi hỏi:

- Mày dạy English chắc thích văn chương. Mày có sáng tác gì không?

- Tao thủ dâm mà!

Nick tỉnh bơ trả lời, Willy phá lên cười khi thấy tôi há hốc.

- Nó nói làm thơ đấy. Làm thơ với nó là thủ dâm.

Tôi ngơ ngác. Willy lại cười, trong khi Nick nói như giải thích:

- Khi làm thơ tao thích thú, khoái lạc. Không phải thủ dâm là gì. Mày có hiểu không?

- Hơi hiểu. Mày có thể nói thêm chút nữa đi.

- Tao không cần ai hiểu thơ tao làm nó ra làm sao, nhưng tao khoái lạc là đủ. Nếu có kẻ nào đó thích thú thơ tao, có lẽ nó là người chia xẻ được cảm giác thủ dâm của người khác vậy!

Tôi gật đầu đồng tình rồi nói:

- Bây giờ tao hiểu và thích cách giải thích của mày. Tao chắc mày làm thơ hậu hiện đại?

- Có thể như vậy. Hay giống như vậy vì tao chưa bao giờ nắm được định nghĩa của nó.

Nick tự hào trả lời và tròn mắt khi nghe tôi nói, “Tao có đám bạn làm chủ một câu lạc bộ thơ hậu hiện đại, hôm nào tao đưa mày đến đó để gia nhập vào hội các thi sĩ hậu hiện đại, lúc ấy mày thủ dâm thoải mái.” Gã Nick cười, đầu gục gặc như một con dế nhủi và tôi nói với hắn, “Mày hậu hiện đại đến từng cử chỉ, lời nói!” Gã hỏi tôi, “Mày thích nhạc gì nào?” Tôi trả lời, “Jazz.” - “Mày thích khi nào?” - “Lúc tao mới đến Mỹ.” Nick hỏi, “Lý do mày thích nhạc Jazz?” Tôi nói:

- Dù nhiều người thích Jazz, nhưng với tao, mỗi khi nghe Jazz tao lại thấy mình trôi nổi trên một không gian riêng lẻ và gặp lại ký ức đã mất từ ba thập niên trước. Tao cũng thực sự khoái lạc khi nghe nhạc Jazz!

Nick gật gù và ra dấu bước ra khỏi xe. Chiếc Mustang cobra cổ lổ sỉ của Willy đậu trước một cái hộp màu đỏ sậm như máu khô. Kín mít. Trên cửa ra vào đóng im ỉm in đôi môi tím, phía dưới một tấm bảng ghi “Chỉ cho phép trên 21 tuổi vào quán”. Sân đậu xe trống trải, có lẽ quán vắng khách vì còn sớm. Từ sân đậu xe đến đường, một khoảng không gian mênh mông và tôi thấy mình như đang lềnh bềnh trong đó.

Willy lục trong xe lấy một gói thuốc lá Winston và rút một điếu hút. Gã đưa cho tôi, tôi lắc đầu. Nick đốt một điếu và chúng tôi đứng trước cái hộp đỏ ấy nhìn trời đất. Trời về chiều như mát hơn, dòng xe cộ vẫn nối đuôi nhau trên một con đường dài không thấy đầu lẫn đuôi. Chúng tôi đang đứng đoạn giữa của con đường. Tôi biết con đường này đi ra biển. Có thể nó bắt đầu từ núi phía sau lưng tôi và chấm dứt ở biển đằng trước mặt. Trên con đường này, người ta ra đi rồi trở về. Riêng tôi, tuy có nơi ra đi nhưng không nơi trở về. Càng đi càng thấy mình lặng lẽ hơn trong cái ồn ào chung quanh. Lặng lẽ đến độ đáng sợ. Willy dụi điếu thuốc vào gốc cọ và chúng tôi vào quán.

Đi trên một hành lang tù mù, chúng tôi đến một khoảng sáng là một căn phòng khá rộng. Bên trái là quầy rượu dài có hai cô gái cùng một gã thanh niên đang ngồi ở cuối quầy nói chuyện. Không ai khác, quán yên tĩnh và lập tức ồn ào khi Willy chồm người qua quầy chào hỏi rôm rả với cô gái cao lớn tóc nâu mặt áo trễ ngực. Hình như họ quen nhau từ trước. Nick và tôi ngồi ở đầu quầy. Cô gái thứ hai tóc vàng mang hai cái ly đặt trước mặt rồi chào hỏi chúng tôi. Nick và tôi gọi hai chai bia. Trên kệ cao sau quầy bày rất nhiều loại rượu. Ngoài rượu mạnh còn có rượu mùi pernod, rượu pha cocktail và một dãy rượu Gin, vodka trắng. Nick chỉ cái sàn vuông nhẵn bóng phía sau hỏi, “Sao không thấy các em?” Cô gái trả lời:

- Sáu giờ chiều họ mới đến làm việc.

Chung quanh sàn nhảy sắp nhiều ghế rải rác. Ở giữa sàn có viết chữ topless thật to màu trắng. Nhớ lại Willy nói uống rượu ngắm đám con gái để ngực trần ở đây. Rót bia vào ly, tôi cụng ly với Nick. Uống một hơi như giải tỏa cái nóng mang từ bên ngoài còn sót lại trên thân thể. Tôi hỏi tên cô gái đứng trong quầy. Cô gái trả lời “Donna”, tôi giới thiệu tên tôi rồi chồm qua quầy bắt tay cô gái, nói “Tên cô hay lắm!”, tôi nói như thói quen, nhưng khi buột ra khỏi miệng, tôi mới nhớ đến bản nhạc ngày xưa tôi và bạn bè thường hát lúc còn học đại học. Trong tôi, hình ảnh ký ức bây giờ được mang trở lại như để xác định qui chế hiện tại của bản thân, một con người đánh mất phần đời vì cơn sóng cuồng bạo lịch sử. Thân xác còn đó nhưng như cái cây vật vờ trôi nổi trên dòng thời gian, bởi không chỗ bám víu để có thể sản sinh một niềm tin. Tôi hỏi Nick, “Mày uống rượu không? Tao gọi một shot Tequila.” Nick gật đầu, bảo “Tao ra ngoài mua xì gà”, rồi biến mất trong hành lang tù mù phía sau. Tôi nói thì thầm “Mày thật điệu nghệ!”

Donna mở nhạc. Một bản blue miền Nam buồn kể lể. Willy đến bên tôi ngồi, hỏi “Nick đâu?”. Tôi nói đi mua xì gà. Hắn gọi một ly Jameson, làm một hơi cạn, rồi ra dấu một ly nữa. Willy bắt đầu kể với tôi về những ngày ở Đà Nẵng. “Lúc bấy giờ tao chỉ biết làm cách nào để khỏi chết. Nón sắt người chết nhiều đến độ đổ cát vào có thể xây thành lô cốt. Đơn vị tao đóng ở Khe Sanh, suốt ngày trong hầm nghe đạn pháo của địch và ta. Thế nên, khi được phép cuối tuần, Đà nẵng là thiên đường. Những cô gái tóc dài nhỏ nhắn yêu kiều. Những con đường vắng xe và không thấy bóng chiến tranh. Tao yêu và làm tình vội vã với những cô gái Việt Nam bán bar, như là nỗi khao khát bình an trong cái bất trắc luôn đe dọa tính mạng mình.” Willy nói trong khi mắt nhắm lại như hồi tưởng cảm giác cũ. Tôi uống nửa ly rượu. Tequila nhạt hơn rượu nếp Hốc Môn Bà Điểm. Tôi như nhớ vị ngọt ở cổ, thứ nước cay nồng đậm đà quyến rủ mà tôi đã ngồi uống trong chiếc sân đầy những chậu mai chiếu thủy, chung quanh vườn là những thân cau cao ốm vươn lên bầu trời xanh tháng chạp. Những ly rượu chiều xuân của thế kỷ trước trên quê hương tôi.

Willy uống cạn ly whisky thứ ba. Như đã cơn khát rượu, hắn từ tốn hỏi “Mày có ở Đà Nẵng không?” Tôi lắc đầu, “nhưng tao có người yêu ở đó.” Tôi vừa trả lời vừa nhớ đến tên người con gái gầy ốm có đôi mắt buồn áo não, đứng dưới tàng dương xanh gần khu phố cổ Hội An, đầu tháng hai năm 1975. Willy hỏi: “Cô ta bây giờ thế nào?” “Đã chết trong chiến tranh!” Tôi trả lời rồi hỏi thêm:

- Trong suốt thời gian ở Việt Nam, mày có bị thương lần nào không?

- Chỉ một lần nhưng suýt chết. Mày thấy tao hay cười chứ?

Tôi gật đầu tò mò hỏi:

- Tại sao?

Willy kéo ghế đến gần tôi thì Nick trở lại, đưa cho chúng tôi mỗi người một điếu xì gà Trung Mỹ. Chúng tôi đốt thuốc trong khi cô gái cao lớn tóc nâu đi mở máy hút khói. Willy vạch sau ót cho tôi thấy vệt sẹo cắt mỏng, dài sau mang tai kéo đến hai phần ba phía sau đầu. Hắn nói:

- Tao bị một mảnh 130 ly của Việt cộng. Nó cắt gân hàm phía mặt. Bác sĩ nối lại rồi, nhưng làm như chiều dài không đủ, nên cử động miệng cơ hàm không còn bình thường như trước.

Willy ngừng nói, uống một hơi cạn ly rượu, rít một hơi xì gà, nhả khói lên trần rồi tiếp:

- Mày biết không, bây giờ, khi tao nói, cái gân ấy cứ kéo miệng tao nhếch lên như đang cười. Ngay cả tao khóc hay đau khổ gì gì đi nữa!

Nick và tôi đều cười trong khi Willy cũng cười, nhưng theo ánh mắt, tôi nghĩ Willy đang nhăn mặt. Tôi nói:

- Như thế cũng tốt, vì ai cũng thiện cảm với mày. Con người ta thường được khuyên làm gì cũng bắt đầu bằng nụ cười kia mà.

Tôi vừa nói vừa nhớ lại những lần nâng kéo tạ ở câu lạc bộ thể dục. Khi kéo và nâng tạ, hầu như ai cũng nhăn mặt trừ Willy. Nick ngẩng đầu nhả khói xì gà lên trần, hỏi tôi sau khi Willy đi vào nhà vệ sinh, “Mày vẽ tranh loại gì?” “Tao vẽ ấn tượng.” “À mày không vẽ hậu hiện đại.” “Nếu vẽ hậu hiện đại có nghĩa tao thủ dâm như mày à.” Tôi cười và nói tiếp:

- Tao từng vẽ tranh siêu thực, nhưng càng vẽ càng thấy cô đơn!

- Có cô đơn mới sáng tác được chứ.

Nick nói. Tôi trả lời, “Có lẽ là cô lập đúng hơn. Đầu óc tao thích hợp với hiện thực cụ thể. Thế nên, dù có muốn cách mạng, tao cũng phải từ cái trước mặt mà bắt đầu. Tao có thể vẽ từ cảm hứng của một giấc mơ, dẫu nó là ác mộng đi nữa, cái ám ảnh ấy cũng có hình thù nhất định.”

Nick lắc đầu:

- Tao không đồng ý. Nghệ thuật là biểu lộ. Tao thích biểu lộ cái mà chưa ai thấy hoặc biết. Paul Klee nói, nghệ thuật không tái tạo cái đã thấy mà làm thấy cái chưa thấy.(1) Mày xem tranh ông ta chưa?

Tôi hiểu Nick, tôi không thiếu bạn bè văn nghệ kiểu hắn. Nhìn thẳng vào đôi mắt sâu xanh thẫm mỏi mệt của Nick, tôi nói, “Tao đã xem tranh P. Klee, nhưng tranh ông ta không phải hậu hiện đại, còn riêng tao, chỉ thích biểu lộ hay tái tạo sự vật, nhưng sự vật này không vô nghĩa.” Nick lắc đầu, thiết tha nói:

- Mày không có tự do. Mày có hiểu nghệ thuật là tự do hay không?

Tôi trả lời:

- Tao luôn quan niệm nghệ thuật bắt đầu bằng khát vọng. Nếu là khát vọng, nó có tự do hay không? Một khi nghệ thuật không phải là khát vọng mà là tham vọng, hẳn nhiên nó không có tự do. Không thể có khát vọng hư vô được, bởi trong khát vọng có hi vọng. Thế nên, mày cứ thỏa mãn cho chính mình mãi. Sáng tạo tự nó mang tính bệnh lý!

Nick chăm chú nghe tôi nói. Sau khi tôi nói xong, hắn nhẹ nhàng bảo, “Mày nói hơi giống những nhà đạo đức xã hội.”

Tôi cười buồn, trong thâm tâm như thấy lại cả quá trình cuộc đời mình, rồi tự nhủ, "Ai thấm thía ý nghĩa tự do bằng dân tộc tôi!" Từ một cậu bé trong một làng quê êm đềm đẹp như tranh vẽ, cho đến những năm tháng chiến tranh đổ lửa xuống dãi đất miền Trung yêu dấu, tôi nhìn quen những điều vốn trừu tượng, biểu hiện bằng sự cụ thể phũ phàng trước mắt hoặc ngược lại. Bấy giờ đừng nói lựa chọn, mà chỉ biết chấp nhận. Từ cuộc sống êm đềm hạnh phúc kia cho đến chia lìa đau khổ, đôi khi chỉ bằng một quả bom, một trái lựu đạn, hay một viên đạn nhỏ bé vô tình.

Nghệ thuật hình thành trong tôi mang dần ý nghĩa cứu chuộc. Thế nên, sáng tác dưới bất kỳ khía cạnh nào đều mang ý nghĩa nhân bản. Dẫu biểu hiện nỗi chia lìa trong tình yêu, sự khốn cùng của đất nước, hay hoàn cảnh bất hạnh con người, nghệ thuật bấy giờ cũng nói lên khát vọng được hàn gắn, xây đắp, và an ủi bằng nỗi niềm trắc ẩn của bản chất con người. Viết, vẽ về quê hương, là luôn nói đến cái mà quê hương vốn có nhưng đang mất, hay đang tan rã dần, trước tham vọng của chính con người hay hư vô chủ nghĩa. Làm nghệ thuật là đấu tranh, dù có thể đấu tranh với chính mình. Thế nên, dẫu biểu hiện sự bất lực, nó cũng mang một ý nghĩa nào đó. Thế nó có tự do không? Còn thứ tự do theo kiểu Nick thì quá xa xỉ với dân tộc tôi. Tôi nói với Nick:

- Tao có tự do khi chọn lựa cho mình phương thức sáng tác. Nhìn tác phẩm nghệ thuật, người thưởng ngoạn sẽ biết tác phẩm ấy có tự do hay không!

- Tao hiểu và mong được xem tranh của mày.

Cuối quầy, Willy đang nói chuyện hăng say với đám khách mới vào. Nick hất hàm về phía Willy nói, “Mày có biết nó là chủ tịch hội cựu chiến binh của thành phố Cyps, và tao là người vận động gây quĩ cho hội ở các đại học cộng đồng. Thỉnh thoảng tao tổ chức nói chuyện văn nghệ với sinh viên để vận động tiền bạc cho các sinh họat nghệ thuật thành phố . Nếu cần, tao có thể giúp mở các cuộc triển lãm tranh hay nhiếp ảnh nghệ thuật.”

Tôi nói, “Chúc mừng mày, Nick” rồi gọi thêm rượu. Ly thứ ba làm tôi ngất ngây. Tiếng kèn saxo bất ngờ trổi lên khiến tôi giật mình. Một gã da đen đang ngồi ngất ngưỡng trên chiếc ghế cao giữa sàn thổi kèn. Tôi hỏi Willy khi Nick gọi hắn đến ngồi với chúng tôi. Willy nói, “Eric biểu diễn đêm nay với hai cô partner ngực trần.” Cái quầy rượu dài lúc này đã khá đông người. Một số người mang rượu đến ngồi gần sàn biểu diễn uống và nói chuyện rỉ rả.

Khi cô gái đầu tiên ra sàn biểu diễn đã bảy giờ tối. Sinh hoạt cái bar này có vẻ gia đình. Không hối hả hoặc ồn ào như những bar mà tôi đã có dịp đến uống rượu. Dường như chỉ có ba chúng tôi nói chuyện, còn lại tưởng chừng ai nấy đều im lặng, chậm rãi thưởng thức cuộc vui.

Mọi người chăm chú nhìn cô gái tóc nâu váy ngắn, ngực trần, uốn éo thân trên theo tiếng kèn thê thiết của gã da đen. Cô gái hơi lớn tuổi, ngực to như hai quả dưa hấu ngày Tết. Tôi nói thế với Nick, hắn cười, nói, "Đàn bà Mỹ thích bơm vú và mông, vì đàn ông Mỹ ngoài hamburger ra, chỉ ưa hai thứ ấy". Tôi nhìn chung quanh sàn biểu diễn, dưới ánh sáng nhấp nháy xanh đỏ của hộp đèn xoay tròn trên cao, mọi người chăm chú vào cô gái ngực trần giữa sàn.

Tiếng kèn chậm dần như kể lể, rồi vút cao và hạ dần xuống khàn đục. Cô gái ngồi trên sàn ưỡn bờ ngực cao theo âm thanh. Cô đứng dậy, lắc nhanh cặp vú khổng lồ, chậm lại, người xoay tròn, đi vòng đến trước gã da đen đang gò mình thổi những nốt nhạc cuối cùng. Âm thanh tắt hẳn. Im lặng. Một vài tiếng vỗ tay rời rạc sau khi đèn bật sáng. Rất nhiều tiền tip trên mặt sàn. Mọi người nâng ly rượu bia của mình lên uống, như vừa được ăn một món ăn ngon. Vẻ mặt ai cũng bằng lòng thỏa mãn.

Tôi đứng lên, nói vào tai Willy, “Tao mệt, muốn về sớm.” Hắn cười nhưng tôi biết hắn nhăn mặt. “Thêm nửa giờ nữa đi, Dina chưa ra biểu diễn. Mày phải biết, rất xuất sắc.” Tôi gật đầu, rồi đi vào toilet. Nước mát lạnh làm tôi dễ chịu hơn, nhưng cổ khản đặc vì lâu không hút thuốc lá. Điếu xì gà Cuba chỉ hút một phần ba, nhưng hình như làm tôi uống rượu mau say hơn.

Uống ngụm nước lạnh xong, tôi ra quầy ngồi để tìm chỗ tựa. Nick ngồi đó một mình, làm như không thích thú gì cuộc vui trước mắt. Mắt hắn nhìn xa vắng. Tôi hỏi, “Mày chưa hề lập gia đình?” “Không, ba lần rồi, nhưng ly dị. May mắn không có con.” Nick nói, đôi mắt không rời sàn nhảy, nơi cô gái thứ hai đang uốn lượn trên sàn như con rắn. Trong ánh đèn nhiều màu chớp tắt, đôi vú cô gái như hai quả bóng trắng, nhảy múa lên xuống qua lại, theo tiếng kèn ma quái của gã nhạc công da đen. Nick hỏi vào tai tôi. “Mày cũng li dị?”

- Không. Vợ tao chết vì bệnh. Tôi trả lời và nói thêm:

- Tao có đứa con gái, đang học đại học.

Nick nói lời chia buồn. Thấy nhiều người đang ngồi trên quầy di chuyển về phía sàn biểu diễn, tôi hỏi Nick, “Gì thế?” “Dina đang chuẩn bị những pha đặc biệt. Mày có thích đến gần xem không?” Tôi lắc đầu, “Tao muốn yên tĩnh. Mày và Willy thường đến đây phải không?” Nick và tôi xoay lưng lại sàn nhảy nói chuyện. Nick bảo:

- Willy thường đến hơn, tao chỉ thích chơi nhạc và làm thơ.

Tôi ngạc nhiên:

- Mày chơi nhạc cụ gì? Tài tử hay chuyên nghiệp? Nick đưa tay chỉ ra phía sau:

- Ba năm trước, tao từng đứng ở chỗ Eric chơi kèn Saxo và Dina biểu diễn.

- À! Thế ra mày quen với Dina từ trước.

- Dina là vợ thứ ba của tao.

Nick bình thản trả lời rồi nói thêm:

- Dina không bình thường đâu, cô ta là lesbian.

Hình như câu nói cũng hàm ý nguyên nhân ly dị của Nick. Tôi lắc đầu vì cái vòng lẩn quẩn của một chiếc khung, và người ta thay phiên làm trò. Tôi hỏi Nick:

- Mày có thường đến câu lạc bộ thể dục không?

- Thỉnh thoảng. Tao không thích thể dục, thể dục không có tự do. Nếu cần rèn luyện thân thể, mỗi trưa sau tiết dạy, tao ra sân đánh tennis hoặc basket ball.

Nick chậm rãi nói, và móc trong túi quần jean một cái business card nhàu nát đưa cho tôi. “Số điện thoại của tao, hôm nào rảnh, mày đưa tao đến câu lạc bộ những người làm thơ hậu hiện đại chơi.”

Khi chúng tôi ra về lúc mười giờ, quán bar vẫn còn đông khách. Nick bảo quán mở cửa đến nửa đêm và có nhiều đợt biểu diễn. Lái xe ra khỏi bãi đậu, Willy hỏi tôi có thấy vui không? Tôi trả lời, vui nhưng không bằng thời trẻ tuổi. Nick nói:

- Mày hay nhớ dĩ vãng. Tao thì không bao giờ. Nếu cứ nhớ chuyện cũ, tao chết mất, vì có nhiều chuyện khi nghĩ đến thì có ngay câu hỏi, “Sao mình còn sống đến ngày hôm nay được nhỉ?”

Willy la lên, “Tao đồng ý Nick. Đám cựu chiến binh tụi tao, thằng nào hay nhớ đến chuyện cũ đều chết cả, không chế t thì cũng dở khùng dở điên. Hãy thoải mái sống, tao bây giờ thất nghiệp, chỉ đến trường học thêm làm niềm vui. Tao thấy thoải mái với những giờ tập thể dục cùng cô bạn gái mới. Rồi đi uống rượu như ngày hôm nay. Tao không làm thơ như Nick, nhưng tao cũng sáng tác được cho mình và bạn bè niềm vui. Khi nào mày buồn cứ nói với tao.” Willy lại sốt sắng cho tôi số cell phone của hắn với nụ cười cố hữu trên miệng của mình.

Bước ra khỏi xe Willy, tôi chào hai người bạn mới với tâm trạng vui vui, giống như có một thời chúng tôi quen nhau đâu đó lâu rồi.

Trên đường lái xe về nhà, tôi suy nghĩ những cái chung của các con bọ già, và khám phá ra mình đã từng chia sẻ với Willy một cuộc chiến tranh, với Nick một bức tranh cùng một bài thơ dang dở. Lúc bấy giờ, đài FM 103.5 đang loan bản tin về việc thành công trong việc tạo ra thuốc chủng ngừa bệnh Aid.

( 1) Art does not reproduce what is visible but makes things visible. (Paul Klee)

Lê Lạc Giao

Khờ Dại Trong Sương Ngợp



NGUYỄN MAN NHIÊN

















Tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng?



(Kienthuc.net.vn) - "Cán bộ có "tố chất tham nhũng" thì trong môi trường nào, vị trí nào cũng luồn lách để tham nhũng", nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh, Ban Nội chính T.Ư chia sẻ.
Tuyệt đối hóa thì chẳng có cán bộ đâu!

TP HCM vừa tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2013, theo đó, đã điều chuyển 1.023 cán bộ, công chức, viên chức tại 36 cơ quan, đơn vị tại TP HCM nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Là người có bề dày công tác phòng chống tham nhũng, theo ông, giải pháp này có đủ sức nặng?

Tham nhũng là đặc tính của quyền lực. Chống tham nhũng là chống người có quyền có chức mà tham lam. Việc chuyển vị trí công tác là nhằm đẩy cán bộ ra xa nơi họ có nhiều điều kiện để tham nhũng nhất. Nhiều nơi đã thực hiện việc điều chuyển này nhưng hiệu quả chưa cao. Có người bị điều chuyển bằng cách lên cấp cao hơn để tránh xa những "ì xèo" ở đơn vị cũ.
Thế thì rõ là trong chính cơ quan điều chuyển ấy cũng có vấn đề?
Điều chuyển cán bộ là chủ trương tốt bởi cán bộ sẽ ít có cơ hội hơn thực hiện hành vi tham nhũng của mình, nhưng có sự vụ lợi ở đây là người ta có thể hối lộ để được chuyển đến vị trí khác, vị trí cao hơn để thực hiện hành vi tham nhũng mới. Thế nên tôi vẫn phải nói, cẩn thận kẻo điều chuyển lại giúp người ta có cơ hội để tham nhũng hơn.

Nhưng ở trong một môi trường mới, cơ hội để tham nhũng của cán bộ sẽ thấp hơn?
Nếu người đó trong sáng thì đương nhiên là thế. Nhưng cái người đã tham nhũng ở đơn vị A, khi được điều chuyển sang đơn vị B thì kiểu gì nó cũng có các hành vi tham nhũng mới. Quan trọng là chính cái cơ quan điều chuyển đó có trong sáng không. Tôi đã từng đề xuất điều chuyển một đồng chí từ địa phương về trung ương. Nhưng trước khi phân công công tác, tôi cũng phải thẳng thắn nói rõ với đồng chí ấy những ì xèo ở địa phương về những vấn đề nọ kia mà dư luận nói.

Vì sao chính ông cũng điều chuyển người "không trong sạch" từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn?
Trong điều kiện hiện nay, nếu tuyệt đối hóa thì không có cán bộ đâu. Nếu bảo phải tìm một người không có tí khuyết điểm nào, thì chắc không ai là cán bộ. Nên không mong muốn tìm được người trong sạch sáng ngời, mà chỉ mong tìm được người có ít những nhược điểm hơn để sử dụng thôi.


Ông Ngô Minh Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh, Ban Nội chính T.Ư.

Cũng trong báo cáo tổng kết phòng chống tham nhũng, TP HCM đã đề xuất với các cơ quan trung ương cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố có sự bao che hoặc kết luận quá nhẹ đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân đã để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Nghĩa là xử lý nhẹ tội tham nhũng cũng là hình thức tham nhũng?

Thì đúng thế còn gì. Chính trong những người làm công tác phòng chống tham nhũng có thể cũng có tham nhũng. Họ có nhiều điều kiện để thực hiện hành vi tham nhũng. Là bởi cơ quan phòng chống tham nhũng không độc lập. Giả sử chủ tịch tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống, xử lý tham nhũng, thế nếu chính chủ tịch tham nhũng thì ai là người phát hiện, ai là người xử lý?

Trước giờ đã có trường hợp nào bị xử lý chưa ạ?
Đến giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy những người làm sai, sai trong việc bắt, sai trong việc xử... bị xử lý. Việc trừng trị người tham nhũng mới chỉ có nói chứ chưa làm, đặc biệt là việc xử lý người xử lý nhẹ. Là bởi người tham nhũng là người có chức có quyền. Việc xử không đúng, việc nương nhẹ, xử cho có... diễn ra phổ biến lắm.

Nếu những người làm công tác phòng chống tham nhũng sẽ bị xử nặng nếu làm sai nhiệm vụ, hẳn sẽ khiến họ cảm thấy áp lực mà không dám sai nữa?
Ôi, họ thiếu gì cách để bao che cho nhau. Cấp này thì có cấp khác, quen nhau nhờ nhau, thậm chí nhờ tiền để được giảm tội, xóa tội... Đó chính là tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng. Vậy nên tôi mới đề xuất đơn vị phòng chống tham nhũng là đơn vị độc lập với tất cả các đơn vị khác. Để người có quyền đi làm phòng chống tham nhũng thì sợ là công tác đó hỏng mất.

Nhưng như ông vừa nói, nếu cầu toàn quá thì không lấy đâu ra cán bộ?
Tôi không cầu toàn quá đâu, nhưng chí ít trong chính những người đi làm phòng chống tham nhũng thì cũng phải có quyết tâm, có sự "tương đối trong sạch" chứ không cần "trong sạch". Đừng dính dáng nhiều quá đến các bê bối thì mới có thể xử lý được. Ít nhất cũng phải có tư cách để làm việc đó.
Chưa thấy ai bị tử hình vì tham nhũng

Theo ông thì chế tài xử lý người tham nhũng hiện nay đã đủ mạnh, đủ sức răn đe chưa?
Chưa đâu, nếu không muốn nói là quá nhẹ. Mới chỉ làm các vụ việc nhỏ nhặt, hời hợt thôi. Các vụ việc lớn bị phanh phui rất hiếm. Chống tham nhũng mà lại làm từ dưới lên chứ không phải làm từ trên xuống thì khó thành công.

Giờ nếu quy trách nhiệm thật nặng cho người làm công tác phòng chống tham nhũng, nếu họ làm sai thì sẽ bị xử nặng như người tham nhũng, thì liệu chúng ta có thể hy vọng vào sự đột phá?
Nếu ở cấp nào cũng nghiêm như thế thì hẳn là sẽ có một trật tự nghiêm ngặt. Nhưng khổ nỗi muốn nghiêm cũng khó. Hồi tôi còn làm thư ký cho ông Lê Đức Thọ, ông chỉ đạo tôi phải vào tận TP HCM để nói với đồng chí trong đó là đề nghị chuyển ngay 2 người con của đồng chí đó từ tàu viễn dương lên bờ. Lúc đó, việc cán bộ cho con cái làm việc trên tàu viễn dương gần như là tham nhũng. Tháng sau ông Thọ lại nhắc, tôi lại phải vào tận nơi truyền đạt. Tháng sau nữa ông lại tiếp tục nhắc. Nhắc đến lúc đồng chí ấy phải thực hiện thì thôi. Đấy, ai đủ mạnh mẽ để làm đến cùng thì sẽ hiệu quả.

Ở Việt Nam chưa có ai bị tử hình vì tội tham nhũng, TP HCM cũng đề xuất chưa bỏ mức án tử hình với nhóm tội phạm tham nhũng, điều này có phù hợp không?
Việt Nam thì chưa có ai bị tử hình vì tham nhũng. Có những trường hợp tham nhũng khủng khiếp mà chỉ bị xử qua loa. Nên có luật chỉ là một chuyện, thực thi nó thế nào mới là vấn đề.

Xin cảm ơn ông!
Nếu trả lời vì sao tình trạng tham nhũng lại báo động như hiện nay thì đó chính là chính sách. Chính sách tạo điều kiện cho người ta tham nhũng. Phải rà soát lại chính sách xem cái gì là phù hợp thì giữ lại, cái gì không thì phải phá bỏ đi. Mục đích là chống đặc quyền đặc lợi của người có quyền. Cái đó nó làm hư cán bộ. Người ta đua nhau làm cán bộ, đua nhau tham nhũng, có 1 cái nhà thì muốn có 2 cái. Lòng tham của con người không bao giờ có giới hạn.



Tô Hội (Thực hiện)

Thay đổi thái độ - thay đổi cuộc sống



Nếu muốn cuộc sống luôn tròn trịa, sao không tự mình tròn trịa từ trong Tâm?

Phụ nữ là một nửa của thế giới, phụ nữ làm đẹp cho mình cũng là tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp. Thế nên, người phụ nữ cần sống vui vẻ, hòa thuận từ trong gia đình ra đến xã hội, để cái Tâm được an lạc, thì tự khắc họ sẽ đẹp từ trong ra ngoài.
Nếu muốn cuộc sống luôn tròn trịa, sao không tự mình tròn trịa từ trong Tâm?

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Xin được mượn bài thơ vịnh “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, để ca ngợi vẻ đẹp hình thức tự nhiên bên ngoài tấm lòng son sắt nhân hậu của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.

Cũng xin được mượn nghĩa đen của bốn câu thơ này để bày tỏ lòng xót thương đến với thân phận chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân của vụ việc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thất bại và ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non”

Vẻ đẹp của chị Huyền cũng như bao phụ nữ Việt Nam khác, đặc biệt vẻ đẹp ấy luôn được nhân đôi trong mắt người thân của chị, vì người thân hiểu được tâm tình của chị khi đi làm đẹp vì mong họ tự hào về mình; suy cho cùng, làm đẹp tự tôn trọng chính mình, tôn trọng mình là tôn trọng mọi người. Thế nhưng nguyện vọng tốt đẹp ấy đã bị vùi dập dưới tay nghề của một bác sĩ thiếu sót cả về kỹ năng và y đức, để giờ đây thân xác của chị phải chịu cảnh “ ba chìm bảy nổi với nước non” trong nhiều ngày.

Thiết nghĩ, giờ đây, bác sĩ vô lương tâm kia có bị trách mắng bao nhiêu, cũng không làm vơi đi nỗi đau thương của người thân về sự ra đi tức tưởi của chị. Sự vô lương tâm đó từ đầu đến cuối vụ việc đều do vô minh dẫn dắt; rồi đây bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải chịu quả báo nhãn tiền là đối mặt với pháp luật. Nhân quả luôn công bằng.



Thật đáng tiếc, những con người vô minh như vậy trên xã hội này còn rất nhiều. Như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết :

“Nếu muốn cuộc đời luôn tròn trịa
Sao không tự mình tròn trịa từ trong tâm”


Thật vậy, con người chỉ có thể thay đổi chính suy nghĩ và hành động của bản thân, mới có thể thay đổi cuộc sống của mình. Chúng ta khó có thể bắt con người thay đổi bản tính, càng không thể bắt người khác theo ý mình, vì họ không thuộc quyền sở hữu & chi phối của ta.

Cũng vậy, thân thể con người vốn bao gồm bốn yếu tố đất (xương, thịt, nội tạng), nước (máu), gió (hơi thở), lửa (nhiệt độ), chúng hợp về lại tan, bốn yếu tố đó tách riêng chẳng có yếu tố nào mang tên “ Ta”; vì thế nó không phải của ta, nên thân ta sẽ không trẻ đẹp và khỏe mạnh mãi và sống mãi như ý muốn được. Vậy nên, thế đó :

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Con người không thể làm chủ thân xác của mình, vì thân ấy rắn nát, đẹp xấu thế nào là do tạo hóa làm nên “đất, nước, gió, lửa” hợp nên mà thành, nhưng thứ duy nhất ta có thể làm chủ dễ dàng hơn, đó là tâm ý mình.

Tâm ý mình cần biết buông bỏ những khoản chăm sóc không quá cần thiết đối với thân xác này, vì nó vốn không thuộc về mình, vậy nên ngay cả bản thân mình còn không giữ cho thân xác mình thoát khỏi quy luật tạo hóa “ lão, bệnh, tử”; vậy thì người khác cũng không thể.

Tâm ý chúng ta cũng cần tự tin hơn, vì bên trong mỗi con người đều có một viên ngọc quý – đó là tâm hồn luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ, cũng giống như chiếc bánh trôi dù rắn hay nát vì tay kẻ nặn, nhưng vẫn luôn có phần nhân đường ngọt ngào vẫn nguyên vẹn. Chính cái Tâm – cái nhân bên trong vỏ bọc mới quan trọng.

Vì đức Phật dạy “Tướng do Tâm sinh”, và “ Nhất minh tinh sinh lục hòa hợp” (Kinh Lăng Nghiêm): Có nghĩa là ánh hào quang từ một cái Tâm trong sáng hiền thiện có thể toát ra từ sáu cửa sổ giác quan con người, làm vẻ ngoài luôn tươi sáng, hài hòa, vì cả sáu giác quan đều đồng hướng thiện; thật vậy, khi thân ta biết làm việc tốt giúp đỡ người khác, thân ta đẹp, mắt ta luôn nhìn nhận đúng đắn và nhìn vào điểm tốt của người khác, mắt ta đẹp, ý nghĩ trong sáng thiện lành ảnh hưởng đến ánh mắt nụ cười trở nên thánh thiện. Cái đẹp chỉ giản dị vậy thôi mà đẹp mãi.

Vậy đấy, phụ nữ là một nửa của thế giới, phụ nữ làm đẹp cho mình cũng là tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp. Thế nên, người phụ nữ cần sống vui vẻ, hòa thuận từ trong gia đình ra đến xã hội, để cái Tâm được an lạc, thì tự khắc họ sẽ đẹp từ trong ra ngoài; khi đó mọi sự trang điểm chỉ là phần phụ trang trí cho vẻ ngoài được như ý thích của bản thân vậy.

Người Roma chiếm 15% dân số nhưng phải sống cô lập - lỗi do ai?












Lunik 9, khu người Roma định cư tại thành phố Košice - CH Slavak, khu chung cư xây từ thập niên 197x: Không cửa sổ, không cửa ra vào, không vòi nước, không lò sưởi. Giữa các nhà là bãi rác ngập đầu, đường phố không có một ánh đèn, thùng rác trống rỗng và được những đứa trẻ ở đó sử dụng để chơi. Xe taxi không ai dám tới khu vực này. Xe cảnh sát một lần tới để can thiệp vụ đánh nhau, chưa làm xong nhiệm vụ thì đã bị ai đó tháo mất 4 bánh xe.

Cả khu vực 6000 người Roma này chỉ có 19 người có công ăn việc làm, còn lại đều thất nghiệp. Trong số những người đi làm, dù có trình độ cũng vẫn chỉ là công nhân quèn, cho dù chức tổ trưởng cũng không tới lượt chứ không nói gì tới lãnh đạo hay chức tước gì khác.
"Dưới thời cộng sản, chúng tôi được đối xử công bằng hơn. Có trình độ thì làm lãnh đạo, không có trình độ thì làm công nhân. Thời ấy trong trường học và chỗ làm không kỳ thị chủng tộc như bây giờ".
Thành phố Košice, từng đoạt giải "thành phố văn hóa" của châu Âu, cũng là một trong những điểm nóng vi phạm nhân quyền thuộc vào bậc nhất tại EU. Bức tường xây để ngăn khu vực chung cư của người Roma với thành phố kéo dài 2Km là một điểm khiến EU nhức nhối nhất hiện nay. "Trước khi có bức tường, người dân mất cắp hàng ngày. Từ khi có tường, việc đó đã không còn xảy ra." người dân ở đó kể.

Cả nước Slovak có khoảng 380.000 người Roma, chiếm 15% dân số. Họ đã có mặt ở đây khoảng hơn 1000 năm qua nhưng chưa bao giờ họ được coi là công dân thực sự của đất nước này. Thời điểm mà họ coi là được đối xử công bằng nhất trong lịch sử là khi chế độ cộng sản tại đây chưa sụp đổ, lúc mà Séc và Slovak còn là một quốc gia chưa chia cắt như bây giờ.
15% dân số, một tỷ lệ rất lớn, nếu không thể hội nhập vào xã hội, lỗi do ai?

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

CƠ MAN NỖI NHỚ





THẠCH THẢO


Không phải hình viên đạn
Đôi mắt nồng nàn ấm lửa chiều đông
Mơ hồ như câu hò thiêm thiếp bên sông
Đêm chết đuối
Trăng bạt ngàn thao thức
Vòng tay nguyệt thực
Những giọt sáng màu tinh cầu bối rối
Khúc sonate hụt hẫng nhịp phách

Ta lặn vào nhau_chìm hư thực
Có bờ vai chàng chăn cừu bật thức
Nâng giấc mơ quả trứng vàng lơ
Đêm đầy sao.
Có phải là anh?

Một nửa em tìm cháy bỏng
Lặn vào anh
Lặn vào cơ man nỗi nhớ
Đêm ốc đảo
Sóng gào hờ hửng
Cách nhau một sợi tóc

Gọi tên.

Cõi Già Trên Đất Lạ



Tác giả: Andrew Lam



(GNA: Andrew Lam là một nhà văn trẻ, Việt Kiều, khá thành công trong những bài viết của ông về cộng đồng Việt cho độc giả Mỹ. GNA xin vinh dự gởi đến các BCA một bài commentary tiêu biểu của Andrew)






Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.

Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.

Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Chúng ta bị buộc phải ra đi khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, và chúng ta đã sống xa xứ từ lúc đó. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.

Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.

Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.

Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.

Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?

Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!

Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.

Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.

Andrew Lâm (Aging in a Foreign Land)
Cõi Già Trên Đất Lạ [Nguyễn Đức Nguyên chuyển ngữ]
thuật lại theo lời kể của mẹ anh, bà Ngọc Bich Lâm(Lâm Quang Thi).

Andrew Lam là một biên tập viên của NAM (New American Media) và cũng là tác giả cuốn Perfume Dreams: Reflection on the Vietnamese Diaspora ( Những Giấc Mơ Hương: Hoài Niệm Cuộc Sống Xa Quê) (Heyday Books, 2005). Cuốn sách này gần đây đoạt giải thưởng Beyond Margins 2006 của Trung Tâm Văn Bút Mỹ (PEN American Center).

NĂM MƯƠI ĐIỀU ĐÁNG YÊU CỦA VIỆT NAM

188 / 193 nước ủng hộ Cuba


Đại hội đồng liên hợp quốc bỏ phiếu về việc Mỹ cấm vận Cuba với kết quả áp đảo:
Tổng số 193 nước bỏ phiếu, trong đó có 2 nước đồng ý việc cấm vận, 188 nước phản đối và 3 nước không có ý kiến. Chúng ta xem thử trò chơi dân chủ trong Liên hợp quốc thú vị ra sao nếu Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế.

Công dân Việt Nam ít vi phạm hình sự nhất trong số người nước ngoài tại Nga





© Photo: «The Voice of Russia»



Công dân Việt Nam thường ít vi phạm pháp luật Nga hơn so với những người nhập cư từ các nước khác. Đó là ý kiến khi phát biểu tại Duma Quốc gia của bà Ekaterina Egorova, phó giám đốc thứ nhất Cơ quan di trú Liên bang Nga.

Trả lời phỏng vấn Ban tiếng Việt đài "Tiếng nói nước Nga", bà Ekaterina Egorova nói:

“Người Việt Nam tại Nga hoàn toàn không phải là nhóm vi phạm hình sự. Nói như vậy không có nghĩa là họ không vi phạm luật nhập cư, nhưng họ không có khả năng thực hiện bất kỳ tội phạm bạo lực nào. Không quan sát thấy xu hướng vi phạm hình sự trong môi trường của họ.”

Trong một cuộc phỏng vấn với bình luận viên Aleksei Lenxov của chúng tôi, bà Egorova dẫn ra các dữ liệu chính xác. Năm ngoái, người Việt Nam tại Nga chỉ chiếm 0,2% tội phạm hình sự trong tổng số tất cả tội phạm người nước ngoài. Trong số tất cả người nước ngoài vi phạm luật cư trú và lao động bất hợp pháp, ngươi Việt Nam chỉ chiếm 2%. Phó giám đốc Cơ quan di trú LB Nga cho biết:

“Không có gì bí mật là ở Nga thường xuyên phát hiện các xưởng may đen có người Việt Nam làm việc. Nhưng lỗi này không chỉ riêng người lao động, mà còn là lỗi của những người đưa họ từ Việt Nam sang và các chủ Nga tổ chức các xưởng đen đó.”

Các xưởng may ngầm đã sử dụng phần lớn công dân Việt Nam, họ đã bị bắt giữ vào mùa hè này trong quá trình kiểm tra chợ, công trường xây dựng và các khu vực kho bãi Moskva. Sau đó họ được đưa về tập trung tại trại ở thủ đô Nga. Bà Ekaterina Egorova giải thích:

“Cảnh sát khi đó tiến hành kiểm tra các đối tượng, không chỉ bắt giữ người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp. Không đặt ra chỉ thị bắt giữ công dân một nước cụ thể nào cả. Nhưng tại địa bàn trên lại có các xưởng bất hợp pháp của ngời Việt Nam.”

Trong những tháng qua, nhiều xưởng đen như vậy đã bị phát hiện tại Moskva và ngoại ô. Hàng trăm người lao động Việt Nam bị bắt giữ. Đối với mỗi người trong số họ chúng tôi có cách tiếp cận riêng, bà Ekaterina Egorova nhấn mạnh:

“Chúng tôi không quyết định số phận họ theo kiểu chung chung. Bởi vì mỗi người có một số phận và hoàn cảnh riêng. Người nào có đầy đủ giấy tờ cần thiết thì được thả ngay. Người nào đến Nga bằng giấy phép du lịch mà ở lại lao động sẽ tiến hành làm thủ tục đưa về nước. Theo quy định, chi phí do chủ lao động chịu, hoặc có trường hợp thông qua ngân sách liên bang, nhưng không phổ biến.”

Người trả lời phỏng vấn đài chúng khẳng định rằng rằng người lao động nhập cư Việt Nam rất cần thiết cho nước Nga. Bà nói:

“Đó là những người lao động trầm tĩnh và chăm chỉ. Điều chính yếu là phải đưa họ vào với bộ phận lao động di cư hợp pháp để họ không bị bác lột tàn nhẫn. Ngày 31 tháng 10, chúng tôi sẽ thảo luận về những vấn đề này với các đồng nghiệp từ Bộ Công an Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng nỗ lực chung của chúng tôi sẽ giúp cải thiện tình hình hiện nay của người di cư Việt Nam ở Nga trở nên văn minh hơn.”

Trong vài ngày tới thỏa thuận liên chính phủ Nga - Việt Nam về lao động tạm thời của người Nga tại Việt Nam và người Việt Nam tại Nga sẽ có hiệu lực. Tài liệu này đã được Duma Quốc gia Nga thông qua.

Khép lại vấn đề phục hồi căn cứ hải quân của Nga tại Cam Ranh









Hãy chọn thứ tiếng


Liên bang Nga






© Flickr.com/JeriSisco/cc-by-nс-sa 3.0



Ông Vitaly Naumkin, giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho rằng cảng Cam Ranh của Việt Nam đã có thể Trạm hậu cần dành cho các tàu của Hải quân Nga. Tuy nhiên, vấn đề về sự phục hồi quy mô đầy đủ căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh sẽ không được đem vào chương trình nghị sự giữa Moscow và Hà Nội, ông Naumkin cho biết khi trả lời phỏng vấn "Interfax".

"Theo tôi, vấn đề này đã được đóng lại. Chúng tôi rời khỏi đó có nghĩa là đã đi hẳn,” - ông nói.

Tuy nhiên, ông Naumkin bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam sẽ cho phép Nga sử dụng cảng như là một điểm dịch vụ hậu cần cho tàu của Hải quân, giống như cảng Tartus của Syria.

"Có thể tàu chiến và tàu của chúng tôi đến đó để tiếp nhiên liệu, nhận tiếp tế và sửa chữa nhỏ," – ông Naumkin nói.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh Viktor Ozerov nói rằng thượng nghị sĩ ủng hộ việc khôi phục lại căn cứ hải quân tại Việt Nam. Năm 1979, Moscow và Hà Nội đã ký một thỏa thuận trong thời gian 25 năm về việc sử dụng cảng Cam Ranh với tư cách là căn cứ của Hải quân Liên Xô. Sau đó, nó đã trở thành trạm hậu cần 922 của Hạm đội Thái Bình Dương. Tại cảng có thể hiện diện đồng thời 10 tàu nổi, 8 tàu ngầm với cơ sở nổi, 6 tàu phụ trợ của Hải quân. Trong năm 2001, chính phủ Nga quyết định không gia hạn hợp đồng với Việt Nam và rút về trước thời hạn. Các binh sĩ cuối cùng của Nga rời vịnh Cam Ranh tháng 5 năm 2002.

Bí ngô mặt quỷ ghê rợn nhất đêm Halloween



Nhà điêu khắc Ray Villafane đã tạo ra những quả bí ngô mang mặt quỷ ghê rợn như vừa bước ra từ các bộ phim kinh dị.




Một tác phẩm điêu khắc bí ngô ấn tượng của anh Villafane.

Nhóm điêu khắc của Villafane còn có 2 thành viên khác là Andy Bergholtz và Chris Vierra. Mỗi mùa Halloween, 3 người lại tất bật chuẩn bị cho những buổi biểu diễn trên toàn thế giới. Năm nay, những quả bí ngô ấn tượng của họ đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trong đó có Đức, Thụy Sĩ và Hong Kong (Trung Quốc).



Để làm được quả bí ngô có hồn như vậy, anh Villafane cần lựa chọn những quả đặc ruột nhất, trọng lượng của quả cũng là một yếu tố quan trọng.




































Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Tôi tín thác






Tôi tín thác vào bể khổ
Để hàng ngày lội lại lội qua
Vì biết kiếp này chưa ngộ
Nên tu chay, mặn ta bà

Tôi tín thác vào nhân quả
Để trồng cây sân ra trái si
Nên kiếp này vay mượn, quên trả
Nợ chưa mòn mà ta đã ra đi!

Tôi tín thác vào cõi hư vô
Để lỡ bước vô mà không hư
Nếu có hư thì hư thân ngoại
Còn “nội thất”: rau cỏ vô ưu!

Tôi tín thác tất cả vào em
Để mai kia mốt nọ tắt đèn
Em lo phúng điếu gom di chúc
Trộn tro chung. Lại khởi nghiệp duyên!

Tôi tín thác điều gì ở tôi?
Nhứt chín nhì bù lỡ vận rồi
Đường về đứt gánh, quê hương khóc
Tôi cũng khóc đây. Lục bình trôi!

Nghiêu Minh

Blog




Tương quan giữa người viết và người đọc là một tương quan lỏng lẻo. Người viết thường ẩn mặt và người đọc thường giấu mặt. Người viết bám lấy bàn viết hơn là xuất hiện ngoài đời thường. Hồi còn ở trong nước, sách từ tay người viết tới tay người đọc qua ngả trung gian của nhà sách. Quyển sách phất phơ giữa chợ, ai thương thì mang về. Người viết và người đọc lơ nhau. Ít khi người viết trông thấy một độc giả đọc sách của mình. Qua tới hải ngoại, vì không gian rộng lớn trải dài trên khắp các lục địa (chắc phải trừ Phi châu!), nhịp cầu trung gian của nhà sách coi bộ hụt nhịp, sách không tới tay người đọc. Người viết thường đích thân mang đứa con tinh thần tới tận tay người đọc qua các buổi ra mắt sách được tổ chức khắp nơi. Người viết phải lộ mặt và người đọc cũng hết giấu mặt. Ông Mai Thảo khi còn sinh thời không thích sự lộ mặt này của người viết. Ông bảo người viết phải ngồi bên bàn viết, còn sân khấu chỉ “dành cho Hùng Cường”!

Tung một cuốn sách ra giữa dòng đời, người viết không biết nó được đón nhận ra sao ngoài việc biết được sách bán chạy hay không. Sách được đọc ra sao, nâng niu thế nào, đọc xong phản ứng của người đọc ra sao, người viết mù câm. Vẫn có đó một khoảng trống bao la khó vượt qua. Đối với một tác phẩm văn nghệ được đăng trên những tạp chí văn nghệ, khoảng trống có ngắn bớt. Kỳ báo sau có thể có tiếng vang cho bài viết của mình.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc từng ra sách, từng làm báo in,cũng không thấy hoặc thấy rất ít dấu vết độc giả của mình. “Tôi làm báo từ lâu, ngay từ lúc mới rời Việt Nam sang định cư tại Pháp. Sang Úc, tôi cũng làm tờ Việt (1998-2001), tờ tạp chí văn học tiếng Việt thực sự chuyên nghiệp đầu tiên tại Úc. Ngoài ra, bài vở của tôi cũng được đăng tải trên hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại. Rồi tôi viết sách. Viết khá nhiều. Và tất cả, theo các nhà xuất bản, đều thuộc loại bán được. Có thể nói, sau hơn hai mươi năm cầm bút, tôi có một lượng độc giả nhất định, chắc chắn không ít hơn bất cứ một cây bút chuyên về lý luận hay phê bình văn học nào. Vậy mà, trong một thời gian rất dài, tất cả các độc giả ấy đều giấu mặt, xa cách, vô danh, có cảm tưởng không hề hiện hữu bao giờ. Thì, thật ra, cũng có một số người lên tiếng đâu đó. Một số người viết thư hoặc gửi email đến tôi để bày tỏ cảm nghĩ này nọ. Nhưng, thứ nhất, con số ấy không nhiều; thứ hai, họ vẫn lên tiếng với tư cách cá nhân, thứ ba, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều là những người tán đồng hoặc ít nhiều mến mộ tôi; và thứ tư, họ vẫn là những độc giả cô đơn, khuất lánh: Tôi nghe họ như nghe những tiếng thầm thì, từ xa. Có khi xa lắc. Và chậm. Có khi thật chậm, nhiều lúc cả mấy năm, thậm chí, hàng chục năm sau khi bài viết đã đăng hoặc sách đã xuất bản. Nghe như những tiếng vọng muộn màng của một hòn đá ném vào hư không. Thăm thẳm”.

Nhưng từ khi có internet khoảng trống này thu hẹp lại nhiều. Qua điện thư hai bên đã có đối thoại nhưng đối thoại vẫn hạn chế trong hai cá nhân với nhau. Rồi các website được thiết lập, khoảng cách gần thêm chút nữa. Hầu như người viết nào cũng có những trang nhà riêng để post bài và liên lạc với độc giả. Khi thì trang nhà hạn chế trong các bài viết của chính mình như trường hợp trang nhà của tôi, khi thì cho đăng tùm lum các bài viết của người khác nữa như trường hợp các website của Du Tử Lê, Luân Hoán chẳng hạn. Nhưng cho tới khi các blog ra đời thì hai bên viết và đọc thân cận với nhau mới mật thiết.

Tại các trang blog, có mục comment dưới mỗi bài viết để các độc giả có thể để lại nhận xét hoặc ý kiến liền ngay sau khi đọc. Có những blog dành quyền lựa lọc trước khi cho comment xuất hiện, có những blog cho tự do tuyệt đối, người đọc nhận xét như thế nào là hiện nguyên con ngay lập tức trên màn ảnh. Mỗi loại có cái hay riêng. Kiểm soát trước sẽ tránh được những trường hợp của những comment viết quá đà. Không kiểm soát trước thì các commentphản ảnh trung thực và nhanh chóng hơn nhưng nhiều khi gặp những trường hợp quá khích không thận trọng khi viết.

Dủ thế nào thì khi mở blog, một tác giả cũng có cái thú biết được bài viết của mình được đón nhận như thế nào, điều mà với sách và báo in không thể có được. Đây là một cái thú hết sức hồi hộp. Thỉnh thoảng tôi có post bài trênblog của ông bạn Nguyễn Xuân Hoàng trong trang nhà của đài VOA. Bài của mình lên là có quyền trông chờ nhữngcomment của độc giả. Dù khen hay chê, dù bàn hay tán như thế nào thì cũng cứ khoái cái bụng. Ít nhất đã “gặp” được độc giả. Hòn đá mình ném đi đã có tiếng dội lại. Tiếng dội có ra sao cũng cứ mừng cái đã!

Ông nhà văn Nguyễn Quang Lập diễn tả nỗi mừng như vậy một cách hết sức hồn nhiên: “Thời đó còn Yahoo 360, mình thấy có mấy ông nhà văn cũng lập blog, nghĩ bụng mấy ông này buồn cười, khi không lại bờ lóc bờ leo, rõ là dở hơi chập mạch, hi hi. Thế rồi bỗng dưng mình nghiện blog từ khi nào không biết. Con gái học lớp 9 lập cho mình cáiblog, nói ba viết đi. Nó giục năm lần bảy lượt, nể con quá mới viết đại một entry ngắn. Viết xong post lên xong rồi cũng quên đi, không để ý. Ba bốn ngày sau sực nhớ mới mở ra xem, có tới mấy chục cái còm (comments- phản hồi, nhận xét) đổ xuống không biết tự lúc nào, thật quá ngạc nhiên. Đa số các còm đều chào hỏi và bình luận, có những bình luận rất sâu sắc, chẳng khác gì một bài phê bình ngắn gọn súc tích của giới phê bình chuyên nghiệp. Không ngờ văn học mạng có tính tương tác hay đến vậy. Xưa có một truyện ngắn đăng lên, giỏi lắm có vài cái thư bạn đọc, vài ba cú điện thoại bạn bè động viên chia sẻ. Thường thì ít khi nhận được những bình luận từ bạn đọc, tác phẩm đăng lên cứ như lọt thỏm vào hư vô, chẳng biết thiên hạ có đọc không, người ta khen chê thế nào. Văn học mạng hoàn toàn khác, chỉ cần mình post bài lên, vài phút sau đã thấy vài chục người, vài trăm người, thậm chí vài ngàn người vào đọc. Chừng một giờ sau bắt đầu nhận được vài chục cái còm, nếu cái mình viết có chút gì đó thú vị thì còm đổ xuống rào rào, một ngày có tới cả vài trăm comments, đặc biệt có entry số còm đổ xuống cả ngàn, không thèm nói ngoa”.

Vui thật vui. Thường thì ai cũng vậy, làm chuyện chi mà có người hưởng ứng, nếu vỗ tay thì càng hay, thú vị hết biết. Mình không cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời. Làm văn nghệ được độc giả chú ý tới, đã hết biết! Chỉ có ở thời đại này, thời của blog, sự tương tác giữa người viết và người đọc mới thắm thiết, rộn rã. Đó là chất xúc tác làm cây viết (hay ngón tay?) của mình hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho biết là trong bốn năm viết blog,số trang viết của ông gấp đôi số trang viết của 30 năm cẩm bút cộng lại. Được vậy vì blog có cái thần riêng. Lậm vào là mê.

Blog là một không gian tươi rói. Những bài viết trên blog thường là những bài có tính thời sự nóng bỏng. Nói một cách dân dã, đọc blog như vừa ăn vừa thổi. Vậy nên người viết và người đọc đều thú vị như nhau. Người viết khi tung bài lên blog thường nín thở theo dõi phản ứng của người đọc. Càng nhiều comment càng khoái. Khoái tới nỗi có những người “phục còm”, nín thở chờ mong những phản hồi của người đọc. Nhiều khi chờ còm còn hồi hộp hơn chờ người yêu! Vẫn ông chủ blog Quê Choa Nguyễn Quang Lập suýt soa: “Hạnh phúc của nhà văn là được bạn đọc đón đợi và chia sẻ, hơn ba chục năm cầm bút chưa khi nào mình mới được tận hưởng hạnh phúc của nhà văn như thời này. Đã quá trời!… Bây giờ thì nghiện rồi, nghiện nặng. Lắm khi mệt mỏi quá cũng muốn bỏ nhưng không cách sao bỏ được. Nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog thì không thể. Đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vàoblog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu pv (lượt người truy cập). Thấy nhiều người còm, pv tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng. Xưa mới mở blog, những ngày đầu thấy pv một, hai trăm đã sướng củ tỉ. Một ngày có một, hai trăm lượt người vào đọc cái của mình đâu phải chuyện đùa. Đến khi pv lên đến một ngàn/ ngày thì tâm hồn treo ngược cành cây. Đến bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc mơ”.

Những độc giả chịu khó viết phản hồi được gọi là những…còm sĩ cũng “lên đồng” với nhà văn. Họ cũng say sưa dự phần vào việc viết. Trò chuyện với nhà văn chán, họ xoay qua trò chuyện với nhau. Vậy là có những còm sĩ viết qua viết lại tranh luận bàn tán với nhau khiến ranh giới giữa người viết và người đọc bị xoá mờ. Không còn người viết và người đọc. Họ hoà đồng vào cùng viết về một vấn đề nào đó. Nhà văn thu hẹp vị trí thành người khơi mở vấn đề, sau đó các còm sĩ tranh luận rộn rã với nhau. Có những còm sĩ hăng hái comment đều đều trở thành một cái tên quen thuộc chẳng kém gì tên tuổi của nhà văn. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói về hiện tượng tan hoà của người viết người đọc này: “Gần đây, mỗi lần tôi nói chuyện với bạn bè hay có khi chỉ là người quen tình cờ gặp gỡ đâu đó, đề tài hầu như bao giờ cũng xoay quanh các bài viết của tôi trên blog. Thì cũng bình thường. Trước kia, cũng thế. Phần lớn các bài viết của tôi đăng hoặc trên báo in hoặc trên website đều có khá nhiều phản hồi và cũng là đề tài trong các buổi chuyện gẫu. Nhưng từ ngày tôi viết trên blog thì khác. Người ta không chỉ nói về bài viết của tôi. Mà còn, có khi, nhiều hơn, về các ý kiến phản hồi ở dưới mỗi bài. Nhiều người khoe là mỗi ngày họ vào blog không phải một mà là hai, ba, hoặc, thậm chí, năm bảy lần. Dĩ nhiên không phải để đọc lại bài viết của tôi. Mà là để theo dõi các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Và người ta nhớ tên một số người thường đóng góp ý kiến. Người ta bình luận. Người ta phân tích không những cái đúng cái sai mà còn cả các hậu ý, có khi là hậu ý chính trị, đằng sau các ý kiến ấy. Nhiều buổi nói chuyện để lại trong tôi ấn tượng là người ta không quan tâm mấy đến bài viết của tôi mà chỉ tập trung vào các ý kiến của người đọc. Đó là một điều lạ”.

Blog, như vậy, trở thành một mạng xã hội. Các chế độ độc tài bưng bít tin tức thấy sức mạnh của blog nên cũng phải nhanh chóng xía vô. Họ xua một số người ra làm còm sĩ với nhiệm vụ bênh vực một cách kín đáo cho chế độ. Dần dần họ có cả một đội ngũ những người chuyên đóng vai độc giả viết còm để mong hướng dẫn dư luận có lợi cho họ. Đó là đội ngũ mà dân còm sĩ gọi là “dư luận viên”. Đội ngũ này càng đông khi các blog phê bình, chỉ trích nhà nước độc tài bưng bít dư luận càng nhiều. Đó là những blog được gọi là “lề trái”, blog của những người không chấp nhận thân phận một đoàn cừu ngoan ngoãn đi theo chế độ. Đó là những blog như Quê Choa, Anh Ba Sàm, Bô Xít Việt Nam, Dân Làm Báo… Càng ngày càng xuất hiện nhiều. Vô số kể. Một hàng ngũ các blogger công khai chống đối chế độ không cần giấu giếm. Họ thuộc đủ thành phần, đã từng đi theo chế độ cũng có, từng chống đối chế độ cũng có, thanh niên sinh viên yêu nước cũng có. Thành phần trẻ chiếm đa số. Những con người can đảm này không một chút sợ sệt. Họ dùng tên thật, công khai địa chỉ, số điện thoại. Họ hiên ngang kết hợp nhau lại, truyền sức sống cho nhau, người này bị bắt có người khác đứng lên. Tù đầy chằng là cái đỉnh chi với những con người quả cảm này. Tên tuổi của họ nay đã đậm nét trong lòng những người yêu nước. Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy, Phương Bích, Điếu Cày, Người Buôn Gió, Tô Hải…Số lượng những con người bất khuất ngày càng đông. Nhiều lắm, kể ra không hết. Có những người đã bị tù tội có án, có những người bị theo dõi trù dập, có những người bị công an giả danh côn đồ, hay côn đồ được thuê, đón đường đánh đập tàn nhẫn. Máu me đã đổ, thương tích đã khắc lên thân thể những người không một tấc sắt trong tay. Vậy mà họ vẫn kiên trì, bước lên trên những trò ti tiện, đểu cáng mà đi.

Tôi vừa đọc được trên blog “Dân Làm Báo” một vụ “cướp giật” mới nhất. Nạn nhân là blogger Nguyễn Hoàng Vi. Cô kể lại: “Đêm qua, sau khi từ nhà bạn tôi về quán cafe của mấy đứa em. Tôi đi bộ ra đầu đường đón xe về nhà mẹ. Ra đến đầu đường hẻm thì đã có 4 thanh niên tuy lạ mà quen ngồi trên 2 xe máy chờ sẵn. Tính tôi cũng thích đi bộ mỗi khi được theo. Nên khi những người này theo, tôi mặc kệ, cứ đi bộ từ từ kiếm xe. Qua ngã tư Nguyễn Oanh & Phan Văn Trị ở Quận Gò Vấp, thì một xe bất ngờ áp sát gần tôi. Người thanh niên ngồi sau nắm tay tôi lôi đi một đoạn rồi giật phăng dây túi xách tôi đeo trên người rồi chạy mất. Xe còn lại cũng chạy lướt qua tôi rồi nhanh chóng biến mất. Tôi chạy theo la “Cướp! Cướp!” nhưng không kịp. Có người đến giúp xem tôi có bị làm sao không và gọi báo người nhà. Trong lúc đợi người nhà, một xe chở hai thanh niên đi theo mà không có tham gia giật đồ của tôi quay lại, đứng phía bên kia đường nhìn tôi nhếch mép cười. Đợi người nhà lâu, tôi thì đau cả người nên có người đã giúp đỡ đưa tôi về nhà. Về đến nhà, ngay lập tức tôi nhờ bạn tôi định vị giúp cái IPad của tôi đã bị cướp đang ở đâu (qua phần mềmFind My iPhone) thì bạn tôi báo là không tìm được vị trí vì có thể đã bị tắt nguồn, tháo sim ra rồi.”

Trả lời cho câu hỏi về “lạ và quen” của bốn khuôn mặt kẻ cướp trên hai xe gắn máy, Nguyễn Hoàng Vi nói: “Lạ vì tôi chẳng biết họ, nhưng quen vì họ hay đi theo tôi ngày này qua ngày nọ, cả ngày lẫn đêm mỗi khi tôi rời khỏi nhà, nên riết tôi quen mặt nhưng mà không biết tên tuổi, thông tin gì của họ cả. Thỉnh thoảng tôi có gặp mặt họ ở một vài sự kiện như biểu tình, tham dự phiên tòa, dã ngoại nhân quyền…”

Chẳng phải đây là lần đầu blogger này bị làm khó. Trước đây Nguyễn Hoàng Vi đã bị bắt vào đồn công an, bị lột hết quần áo. Cô đã quen với thân phận của người yêu nước ngày nay trong xã hội vô cảm của tà quyền. Bị liên miên đánh đập và làm nhục như vậy, cô có sợ không? Sức mấy!

Vẫn cứ hiên ngang đường ta ta cứ đi. “Vụ cướp đêm hôm qua làm ảnh hưởng và gây cản trở ít nhiều đến những việc tôi đã, đang và sẽ làm. Nhưng nó không thể làm tôi ngưng hoạt động được. Mà ngược lại, nó nhắc nhở tôi phải cẩn thận, có ý thức và trách nhiệm hơn với những việc tôi đang làm. Và phải nỗ lực hoạt động hơn nữa. Tôi không có nhận định gì ngoài việc tự rút ra bài học cho bản thân và cũng muốn chia sẻ để mọi người chú ý cẩn thận và đề phòng với mọi chuyện có thể xảy ra thôi”.

Tất cả những blogger đều can đảm như Nguyễn Hoàng Vi. Họ đã bước ra ngoài chiếc computer. Họ dấn thân. Chưa bao giờ tôi thấy chữ “dấn thân” nhọc nhằn như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy chữ “dấn thân” cao quý đến như vậy. Tôi ít khi đội mũ nhưng vẫn có cách ngả mũ riêng. Nghĩ tới họ và tự thẹn với mình!

10/2013
Song Thao

Nho Giáo - Việt Nam đang cần học chổ nào ?



Việt Nam ta, văn hóa gốc là văn minh lúa nước, tuy nhiên với hơn 1000 năm đô hộ đồng hóa cùng nhiều cuộc xâm lăng lớn nhỏ của các triều đại Trung Quốc thì không thể phủ nhận sự du nhập, giao thoa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà chủ đạo là Nho giáo lên văn hóa nước ta.


Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Nho giáo mất vị thế, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970. Ở nước ta cũng vậy. Theo lẽ thường, những gì đã qua, người ta thường cho là cổ hũ, lạc hậu và đi đến phủ định toàn bộ. Phủ định xã hội phong kiến, phủ định luôn Nho giáo.


Lại nữa, ký ức 2000 năm của dân tộc hiện hữu với sự đe dọa chủ quyền đến từ Trưng Quốc, gần đây và bây giờ là sự căng thẳng ở Biển Đông, khiến cho người Việt có tâm lý ghét Trung Quốc. Và cũng theo lẽ thường. khi ghét, người ta bài trừ, và bài trừ toàn bộ, bài trừ Trung Quốc, bài trừ luôn Nho Giáo.


Nay xét thấy :


Trong lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ.


Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi.


Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo.


Lại nữa, một hệ tư tưởng tồn tại hơn 2500 năm, và hiện tại vẫn đang duy trì được một sức ảnh hưởng sâu rộng, được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học, văn hóa ... trên thế giới bỏ công nghiên cứu thì tư tưởng đó khó lòng mà nói là "tư tưởng vứt đi" được.


Chúng ta luôn cầu sự tiến bộ, muốn tiến bộ thì cần học hỏi, học hỏi thì cần gạn lọc để tìm chổ hay, chổ phù hợp với hoàn cảnh của mình mà học, đó là lý do tôi viết bài này trình bày chổ hiểu vốn chưa nhiều (nhưng cũng tự nghĩ là tìm thấy chổ trọng tâm mình cần) của mình về Nho Giáo, rút ra cái chổ cần học theo suy nghĩ tạm thời của cá nhân. Cũng là nhân khi Việt Nam cho mở viện nghiên cứu về Khổng Tử vậy.


Tìm chổ học, chúng ta cần tìm đến cái chân tướng của lý thuyết ấy, việc chỉ nhìn bề mặt, hiện tượng cũng rất dễ dẫn đến sự phủ định một cách nông cạn. Ví như chổ Đạo Phật, nhiều người không nghiên cứu về Kinh - Luận hoặc nghiên cứu mà không hiểu được đến chổ nghĩa cùng tột của Kinh Luận, chỉ thấy một số hiện tượng như có nhiều người tới chùa cầu tài, cầu tự, cầu duyên ... mà quy kết Đạo Phật là mê tín, điều lạ lẫm nhất trong tư tưởng Phật Giáo.


Nay cũng thế, muốn tìm chổ học được của Nho Giáo, ta tìm về cái tư tưởng thật sự của Khổng Tử.


Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ngài bằng các ghi chép do các học trò của ngài để lại.


Lại nữa, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc liền thực thi chính sách "đốt sách chôn Nho", đây là sự kiện khiến cho Kinh, sách bị thất truyền thất bản khiến đời sau có nhiều chổ hiểu lệch lạc.


Nhà Hán lập quốc, khôi phục Nho giáo, từ đây về sau, Nho giáo trở nên cực thịnh ở Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt xã hội. Nhưng cũng vì 2 nguyên nhân kể trên, cũng như để phù hợp với trình độ nhận thức của từng thời kỳ, thêm nữa là những thủ đoạn lợi dụng Nho giáo để trục lợi chính trị mà Nho giáo có nhiều chổ biến tướng sai khác, có xu hướng cực đoan hóa.


Trong quá trình đó, có 2 bước ngoặt, tạo ra nhiều hệ phái trong đó có Hán Nho và Tống Nho.


Từ đời Xuân Thu Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thịnh, vả bấy giờ ở TQ, học thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhất thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ "tôn quân ức thần", quân quyền mới mạnh lên.


Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà Nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh.


Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà Nho mới càng tìm cách để quân quyền ngày một thịnh. Vua Hán hội chư nho gia viết sách Bạch Hổ Thông, các nhà nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc dưới quyền quân chủ nữa, thì sinh ra ra thuyết Tam Cang.


Tam-Cang là: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ. Vua tôi, cha con, chồng vợ; Chúa ở với tôi có đạo-đức, thì tôi thờ chúa mới tận kỳ trung; Cha ở với con từ-thiện, thì con thờ cha chí hiếu; Chồng giữ trọn nghĩa với vợ, thì vợ phải thủ tiết thờ chồng ấy là Tam-cang tức là đời có Ðạo.


Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như là trọng, còn tôi, con, vợ thì khinh. Một bên có quyền, nhưng không cần nghĩa vụ, một bên kém quyền nhưng lại nặng nghĩa vụ với bên kia.


Đẻ sau mà khôn trước! Từ đó các vua, triều đại thay đổi nhau nhưng vẫn trọng thuyết tam cang để gia cố quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân” hay là “tam cang ngũ thường”.


Tống Nho cũng theo thuyết Tam Cang ấy, nhưng có nhiều chổ phát triển lên cực đoan hơn và hình thức hơn, làm cho tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử đang truyền mà gần như là bặt truyền.


Vậy, những gì là tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử và Nho Giáo ?


Khổng Tử dạy có Ngũ Luân rằng : “Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”, “Vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi, cha phải đạo cha, con phải đạo con”, “Làm vua người, đỗ ở nhân, làm tôi người, đỗ ở kính, làm con người, đỗ ở hiếu, làm cha người, đỗ ở từ, giao với người, đỗ ở tín”.
Như vậy chúng ta thấy, tư tưởng của Khổng Tử không hề có sự nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào cũng đối đãi với nhau. Bên nào cũng được buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Phương pháp thì là, bắt đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. “Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc vững vàng mà hành động đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn nhau mà xã hội được yên ổn thái bình.

Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu thương, kính trọng của hai người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu chếch đi một bên thì mất cân bằng mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ nhân đó, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái phước lớn của nhân loại. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Tiếc rằng, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng, nhưng lại là ảnh hưởng của Hán Nho, Tống Nho nên những gì tàn sót lại đều được cho là hủ lậu, không mấy có ấn tượng tốt đẹp với người đương thời.

Nay muốn học, nên học cái bình đẳng có trật tự ấy. Vì sao ?

Xã hội hiện đại ngày nay, càng vǎn minh, con người dường như càng ít quan tâm đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ 20, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau.

Dễ thấy, trò không còn là trò khi chẳng chịu lo học lại còn hỗn với thầy, thầy cũng chẳng còn là thầy khi chẳng làm gương cho trò, cha mẹ bỏ bê con cái, con cái lại chẳng biết đường hiếu kính, làm dân tính đủ đường lách luật, trốn thuế, chống người thi hành công vụ, hối lộ viên chức, làm cán bộ thì nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, tắc trách ... Mỗi người đã không giữ đạo cho riêng mình, trật tự mất đi, các giá trị đạo đức cũng tự đó mà băng hoại.

Nay ứng cái sự bình đẳng có trật tự ấy để biết, mỗi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với xã hội như nhau, nhưng phải giữ "trật tự", con phải đúng là con, cha mẹ phải đúng là cha mẹ, cán bộ phải đúng là cán bộ, dân phải đúng là dân, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ.

Nếu hỏi định nghĩa nào cho "thầy", "trò", "chồng", "vợ" ... thì câu trả lời tất nhiên là những chuẩn mực của xã hội đương thời dành cho địa vị ấy, chứ không thể áp dụng chuẩn mực cũ được, học có gạn lọc là như vậy.

Nói thêm rằng, song song với việc nghiên cứu, chắt lọc được cái đáng học ở Nho Giáo (mà theo cá nhân minh là chổ kể trên) thì cần xóa đi cái cái ảnh hưởng tiêu cực thâm căn cố đế của Hán Nho, Tống Nho lên xã hội đương thời, có như thế mới phát huy được hết tác dụng.

Kể ra đây 3 điều cần sớm gạt bỏ :

Thứ nhất : Tư tưởng khinh nông, dễ dàng nhận thấy tư tưởng của người nông dân ngay nay thường là "nghèo cũng phải cho cu Tèo đi học", "đi học lấy cái chữ, mà thoát khỏi cái cày con trâu con ạ" ... , những người thành đạt cũng từ đó mà sinh ra tâm lý khinh nhờn nghề nông, nhà nước thì "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", có quan tâm nông nghiệp cũng đang trong tâm lý "nghĩa vụ phải làm". Đây rõ ràng là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho Giáo.

Câu hỏi đặt ra là sao không đào tạo nông dân để từ đó có được những người làm nông tay nghề cao, đầu tư cho nông nghiệp để có được những sản phẩm chất lượng cao, mà lại xa rời nông nghiệp vốn là văn hóa gốc rễ của dân tộc.

Thứ hai : Bệnh học chữ, đời xưa, học chữ, thi đỗ, ra làm quan, đời nay cũng cầu cái chữ để cốt tiến thân lập nghiệp, giáo dục cũng thiên về dạy cái chữ, thành ra xã hội nhiều người nói hơn người làm, thừa thầy, thiếu thợ. Đây cũng là một cái ảnh hưởng của nho giáo.

Ngày nay, không chỉ học "cái chữ" mà kĩ năng thực hành, tinh thần, thể chất cũng cực kỳ quan trọng, phải có sự cơ cấu lại, bổ sung thêm, cải cách nền giáo dục để bỏ đi cái tàn sót tư tưởng này.

Thứ ba : Thói quen nịnh trên hiếp dưới, Hán Nho, Tống Nho hình thức hóa Nho Giáo, trọng thứ bậc, giai cấp cấp xa hội, khiến cho kẻ dưới sợ kẻ trên mà sinh xu nịnh, kẻ trên khinh kẻ dưới mà sinh hiếp đáp. Tàn sót đến tận ngày nay.

Vì vậy, phải làm cho dân hiểu luật, nắm bắt được quyền của mình mà không e sợ người trên, thủ tục hành chính đơn giản để dân không thấy phiền hà mà cầu cạnh. Răn đe đủ với người có quyền mà tắc trách, quan liêu.

Ngoài 3 điều ấy, tất nhiên còn nhiều chổ khác nữa, nhưng có lẽ thật khó hệ thống vì nó quá rộng, ở mọi khía cạnh của cuộc sống, vậy nên xin phép không kể ra.

Đông Tuyền