Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Blog




Tương quan giữa người viết và người đọc là một tương quan lỏng lẻo. Người viết thường ẩn mặt và người đọc thường giấu mặt. Người viết bám lấy bàn viết hơn là xuất hiện ngoài đời thường. Hồi còn ở trong nước, sách từ tay người viết tới tay người đọc qua ngả trung gian của nhà sách. Quyển sách phất phơ giữa chợ, ai thương thì mang về. Người viết và người đọc lơ nhau. Ít khi người viết trông thấy một độc giả đọc sách của mình. Qua tới hải ngoại, vì không gian rộng lớn trải dài trên khắp các lục địa (chắc phải trừ Phi châu!), nhịp cầu trung gian của nhà sách coi bộ hụt nhịp, sách không tới tay người đọc. Người viết thường đích thân mang đứa con tinh thần tới tận tay người đọc qua các buổi ra mắt sách được tổ chức khắp nơi. Người viết phải lộ mặt và người đọc cũng hết giấu mặt. Ông Mai Thảo khi còn sinh thời không thích sự lộ mặt này của người viết. Ông bảo người viết phải ngồi bên bàn viết, còn sân khấu chỉ “dành cho Hùng Cường”!

Tung một cuốn sách ra giữa dòng đời, người viết không biết nó được đón nhận ra sao ngoài việc biết được sách bán chạy hay không. Sách được đọc ra sao, nâng niu thế nào, đọc xong phản ứng của người đọc ra sao, người viết mù câm. Vẫn có đó một khoảng trống bao la khó vượt qua. Đối với một tác phẩm văn nghệ được đăng trên những tạp chí văn nghệ, khoảng trống có ngắn bớt. Kỳ báo sau có thể có tiếng vang cho bài viết của mình.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc từng ra sách, từng làm báo in,cũng không thấy hoặc thấy rất ít dấu vết độc giả của mình. “Tôi làm báo từ lâu, ngay từ lúc mới rời Việt Nam sang định cư tại Pháp. Sang Úc, tôi cũng làm tờ Việt (1998-2001), tờ tạp chí văn học tiếng Việt thực sự chuyên nghiệp đầu tiên tại Úc. Ngoài ra, bài vở của tôi cũng được đăng tải trên hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại. Rồi tôi viết sách. Viết khá nhiều. Và tất cả, theo các nhà xuất bản, đều thuộc loại bán được. Có thể nói, sau hơn hai mươi năm cầm bút, tôi có một lượng độc giả nhất định, chắc chắn không ít hơn bất cứ một cây bút chuyên về lý luận hay phê bình văn học nào. Vậy mà, trong một thời gian rất dài, tất cả các độc giả ấy đều giấu mặt, xa cách, vô danh, có cảm tưởng không hề hiện hữu bao giờ. Thì, thật ra, cũng có một số người lên tiếng đâu đó. Một số người viết thư hoặc gửi email đến tôi để bày tỏ cảm nghĩ này nọ. Nhưng, thứ nhất, con số ấy không nhiều; thứ hai, họ vẫn lên tiếng với tư cách cá nhân, thứ ba, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều là những người tán đồng hoặc ít nhiều mến mộ tôi; và thứ tư, họ vẫn là những độc giả cô đơn, khuất lánh: Tôi nghe họ như nghe những tiếng thầm thì, từ xa. Có khi xa lắc. Và chậm. Có khi thật chậm, nhiều lúc cả mấy năm, thậm chí, hàng chục năm sau khi bài viết đã đăng hoặc sách đã xuất bản. Nghe như những tiếng vọng muộn màng của một hòn đá ném vào hư không. Thăm thẳm”.

Nhưng từ khi có internet khoảng trống này thu hẹp lại nhiều. Qua điện thư hai bên đã có đối thoại nhưng đối thoại vẫn hạn chế trong hai cá nhân với nhau. Rồi các website được thiết lập, khoảng cách gần thêm chút nữa. Hầu như người viết nào cũng có những trang nhà riêng để post bài và liên lạc với độc giả. Khi thì trang nhà hạn chế trong các bài viết của chính mình như trường hợp trang nhà của tôi, khi thì cho đăng tùm lum các bài viết của người khác nữa như trường hợp các website của Du Tử Lê, Luân Hoán chẳng hạn. Nhưng cho tới khi các blog ra đời thì hai bên viết và đọc thân cận với nhau mới mật thiết.

Tại các trang blog, có mục comment dưới mỗi bài viết để các độc giả có thể để lại nhận xét hoặc ý kiến liền ngay sau khi đọc. Có những blog dành quyền lựa lọc trước khi cho comment xuất hiện, có những blog cho tự do tuyệt đối, người đọc nhận xét như thế nào là hiện nguyên con ngay lập tức trên màn ảnh. Mỗi loại có cái hay riêng. Kiểm soát trước sẽ tránh được những trường hợp của những comment viết quá đà. Không kiểm soát trước thì các commentphản ảnh trung thực và nhanh chóng hơn nhưng nhiều khi gặp những trường hợp quá khích không thận trọng khi viết.

Dủ thế nào thì khi mở blog, một tác giả cũng có cái thú biết được bài viết của mình được đón nhận như thế nào, điều mà với sách và báo in không thể có được. Đây là một cái thú hết sức hồi hộp. Thỉnh thoảng tôi có post bài trênblog của ông bạn Nguyễn Xuân Hoàng trong trang nhà của đài VOA. Bài của mình lên là có quyền trông chờ nhữngcomment của độc giả. Dù khen hay chê, dù bàn hay tán như thế nào thì cũng cứ khoái cái bụng. Ít nhất đã “gặp” được độc giả. Hòn đá mình ném đi đã có tiếng dội lại. Tiếng dội có ra sao cũng cứ mừng cái đã!

Ông nhà văn Nguyễn Quang Lập diễn tả nỗi mừng như vậy một cách hết sức hồn nhiên: “Thời đó còn Yahoo 360, mình thấy có mấy ông nhà văn cũng lập blog, nghĩ bụng mấy ông này buồn cười, khi không lại bờ lóc bờ leo, rõ là dở hơi chập mạch, hi hi. Thế rồi bỗng dưng mình nghiện blog từ khi nào không biết. Con gái học lớp 9 lập cho mình cáiblog, nói ba viết đi. Nó giục năm lần bảy lượt, nể con quá mới viết đại một entry ngắn. Viết xong post lên xong rồi cũng quên đi, không để ý. Ba bốn ngày sau sực nhớ mới mở ra xem, có tới mấy chục cái còm (comments- phản hồi, nhận xét) đổ xuống không biết tự lúc nào, thật quá ngạc nhiên. Đa số các còm đều chào hỏi và bình luận, có những bình luận rất sâu sắc, chẳng khác gì một bài phê bình ngắn gọn súc tích của giới phê bình chuyên nghiệp. Không ngờ văn học mạng có tính tương tác hay đến vậy. Xưa có một truyện ngắn đăng lên, giỏi lắm có vài cái thư bạn đọc, vài ba cú điện thoại bạn bè động viên chia sẻ. Thường thì ít khi nhận được những bình luận từ bạn đọc, tác phẩm đăng lên cứ như lọt thỏm vào hư vô, chẳng biết thiên hạ có đọc không, người ta khen chê thế nào. Văn học mạng hoàn toàn khác, chỉ cần mình post bài lên, vài phút sau đã thấy vài chục người, vài trăm người, thậm chí vài ngàn người vào đọc. Chừng một giờ sau bắt đầu nhận được vài chục cái còm, nếu cái mình viết có chút gì đó thú vị thì còm đổ xuống rào rào, một ngày có tới cả vài trăm comments, đặc biệt có entry số còm đổ xuống cả ngàn, không thèm nói ngoa”.

Vui thật vui. Thường thì ai cũng vậy, làm chuyện chi mà có người hưởng ứng, nếu vỗ tay thì càng hay, thú vị hết biết. Mình không cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời. Làm văn nghệ được độc giả chú ý tới, đã hết biết! Chỉ có ở thời đại này, thời của blog, sự tương tác giữa người viết và người đọc mới thắm thiết, rộn rã. Đó là chất xúc tác làm cây viết (hay ngón tay?) của mình hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho biết là trong bốn năm viết blog,số trang viết của ông gấp đôi số trang viết của 30 năm cẩm bút cộng lại. Được vậy vì blog có cái thần riêng. Lậm vào là mê.

Blog là một không gian tươi rói. Những bài viết trên blog thường là những bài có tính thời sự nóng bỏng. Nói một cách dân dã, đọc blog như vừa ăn vừa thổi. Vậy nên người viết và người đọc đều thú vị như nhau. Người viết khi tung bài lên blog thường nín thở theo dõi phản ứng của người đọc. Càng nhiều comment càng khoái. Khoái tới nỗi có những người “phục còm”, nín thở chờ mong những phản hồi của người đọc. Nhiều khi chờ còm còn hồi hộp hơn chờ người yêu! Vẫn ông chủ blog Quê Choa Nguyễn Quang Lập suýt soa: “Hạnh phúc của nhà văn là được bạn đọc đón đợi và chia sẻ, hơn ba chục năm cầm bút chưa khi nào mình mới được tận hưởng hạnh phúc của nhà văn như thời này. Đã quá trời!… Bây giờ thì nghiện rồi, nghiện nặng. Lắm khi mệt mỏi quá cũng muốn bỏ nhưng không cách sao bỏ được. Nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog thì không thể. Đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vàoblog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu pv (lượt người truy cập). Thấy nhiều người còm, pv tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng. Xưa mới mở blog, những ngày đầu thấy pv một, hai trăm đã sướng củ tỉ. Một ngày có một, hai trăm lượt người vào đọc cái của mình đâu phải chuyện đùa. Đến khi pv lên đến một ngàn/ ngày thì tâm hồn treo ngược cành cây. Đến bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc mơ”.

Những độc giả chịu khó viết phản hồi được gọi là những…còm sĩ cũng “lên đồng” với nhà văn. Họ cũng say sưa dự phần vào việc viết. Trò chuyện với nhà văn chán, họ xoay qua trò chuyện với nhau. Vậy là có những còm sĩ viết qua viết lại tranh luận bàn tán với nhau khiến ranh giới giữa người viết và người đọc bị xoá mờ. Không còn người viết và người đọc. Họ hoà đồng vào cùng viết về một vấn đề nào đó. Nhà văn thu hẹp vị trí thành người khơi mở vấn đề, sau đó các còm sĩ tranh luận rộn rã với nhau. Có những còm sĩ hăng hái comment đều đều trở thành một cái tên quen thuộc chẳng kém gì tên tuổi của nhà văn. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói về hiện tượng tan hoà của người viết người đọc này: “Gần đây, mỗi lần tôi nói chuyện với bạn bè hay có khi chỉ là người quen tình cờ gặp gỡ đâu đó, đề tài hầu như bao giờ cũng xoay quanh các bài viết của tôi trên blog. Thì cũng bình thường. Trước kia, cũng thế. Phần lớn các bài viết của tôi đăng hoặc trên báo in hoặc trên website đều có khá nhiều phản hồi và cũng là đề tài trong các buổi chuyện gẫu. Nhưng từ ngày tôi viết trên blog thì khác. Người ta không chỉ nói về bài viết của tôi. Mà còn, có khi, nhiều hơn, về các ý kiến phản hồi ở dưới mỗi bài. Nhiều người khoe là mỗi ngày họ vào blog không phải một mà là hai, ba, hoặc, thậm chí, năm bảy lần. Dĩ nhiên không phải để đọc lại bài viết của tôi. Mà là để theo dõi các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Và người ta nhớ tên một số người thường đóng góp ý kiến. Người ta bình luận. Người ta phân tích không những cái đúng cái sai mà còn cả các hậu ý, có khi là hậu ý chính trị, đằng sau các ý kiến ấy. Nhiều buổi nói chuyện để lại trong tôi ấn tượng là người ta không quan tâm mấy đến bài viết của tôi mà chỉ tập trung vào các ý kiến của người đọc. Đó là một điều lạ”.

Blog, như vậy, trở thành một mạng xã hội. Các chế độ độc tài bưng bít tin tức thấy sức mạnh của blog nên cũng phải nhanh chóng xía vô. Họ xua một số người ra làm còm sĩ với nhiệm vụ bênh vực một cách kín đáo cho chế độ. Dần dần họ có cả một đội ngũ những người chuyên đóng vai độc giả viết còm để mong hướng dẫn dư luận có lợi cho họ. Đó là đội ngũ mà dân còm sĩ gọi là “dư luận viên”. Đội ngũ này càng đông khi các blog phê bình, chỉ trích nhà nước độc tài bưng bít dư luận càng nhiều. Đó là những blog được gọi là “lề trái”, blog của những người không chấp nhận thân phận một đoàn cừu ngoan ngoãn đi theo chế độ. Đó là những blog như Quê Choa, Anh Ba Sàm, Bô Xít Việt Nam, Dân Làm Báo… Càng ngày càng xuất hiện nhiều. Vô số kể. Một hàng ngũ các blogger công khai chống đối chế độ không cần giấu giếm. Họ thuộc đủ thành phần, đã từng đi theo chế độ cũng có, từng chống đối chế độ cũng có, thanh niên sinh viên yêu nước cũng có. Thành phần trẻ chiếm đa số. Những con người can đảm này không một chút sợ sệt. Họ dùng tên thật, công khai địa chỉ, số điện thoại. Họ hiên ngang kết hợp nhau lại, truyền sức sống cho nhau, người này bị bắt có người khác đứng lên. Tù đầy chằng là cái đỉnh chi với những con người quả cảm này. Tên tuổi của họ nay đã đậm nét trong lòng những người yêu nước. Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Phương Uyên, Huỳnh Thục Vy, Phương Bích, Điếu Cày, Người Buôn Gió, Tô Hải…Số lượng những con người bất khuất ngày càng đông. Nhiều lắm, kể ra không hết. Có những người đã bị tù tội có án, có những người bị theo dõi trù dập, có những người bị công an giả danh côn đồ, hay côn đồ được thuê, đón đường đánh đập tàn nhẫn. Máu me đã đổ, thương tích đã khắc lên thân thể những người không một tấc sắt trong tay. Vậy mà họ vẫn kiên trì, bước lên trên những trò ti tiện, đểu cáng mà đi.

Tôi vừa đọc được trên blog “Dân Làm Báo” một vụ “cướp giật” mới nhất. Nạn nhân là blogger Nguyễn Hoàng Vi. Cô kể lại: “Đêm qua, sau khi từ nhà bạn tôi về quán cafe của mấy đứa em. Tôi đi bộ ra đầu đường đón xe về nhà mẹ. Ra đến đầu đường hẻm thì đã có 4 thanh niên tuy lạ mà quen ngồi trên 2 xe máy chờ sẵn. Tính tôi cũng thích đi bộ mỗi khi được theo. Nên khi những người này theo, tôi mặc kệ, cứ đi bộ từ từ kiếm xe. Qua ngã tư Nguyễn Oanh & Phan Văn Trị ở Quận Gò Vấp, thì một xe bất ngờ áp sát gần tôi. Người thanh niên ngồi sau nắm tay tôi lôi đi một đoạn rồi giật phăng dây túi xách tôi đeo trên người rồi chạy mất. Xe còn lại cũng chạy lướt qua tôi rồi nhanh chóng biến mất. Tôi chạy theo la “Cướp! Cướp!” nhưng không kịp. Có người đến giúp xem tôi có bị làm sao không và gọi báo người nhà. Trong lúc đợi người nhà, một xe chở hai thanh niên đi theo mà không có tham gia giật đồ của tôi quay lại, đứng phía bên kia đường nhìn tôi nhếch mép cười. Đợi người nhà lâu, tôi thì đau cả người nên có người đã giúp đỡ đưa tôi về nhà. Về đến nhà, ngay lập tức tôi nhờ bạn tôi định vị giúp cái IPad của tôi đã bị cướp đang ở đâu (qua phần mềmFind My iPhone) thì bạn tôi báo là không tìm được vị trí vì có thể đã bị tắt nguồn, tháo sim ra rồi.”

Trả lời cho câu hỏi về “lạ và quen” của bốn khuôn mặt kẻ cướp trên hai xe gắn máy, Nguyễn Hoàng Vi nói: “Lạ vì tôi chẳng biết họ, nhưng quen vì họ hay đi theo tôi ngày này qua ngày nọ, cả ngày lẫn đêm mỗi khi tôi rời khỏi nhà, nên riết tôi quen mặt nhưng mà không biết tên tuổi, thông tin gì của họ cả. Thỉnh thoảng tôi có gặp mặt họ ở một vài sự kiện như biểu tình, tham dự phiên tòa, dã ngoại nhân quyền…”

Chẳng phải đây là lần đầu blogger này bị làm khó. Trước đây Nguyễn Hoàng Vi đã bị bắt vào đồn công an, bị lột hết quần áo. Cô đã quen với thân phận của người yêu nước ngày nay trong xã hội vô cảm của tà quyền. Bị liên miên đánh đập và làm nhục như vậy, cô có sợ không? Sức mấy!

Vẫn cứ hiên ngang đường ta ta cứ đi. “Vụ cướp đêm hôm qua làm ảnh hưởng và gây cản trở ít nhiều đến những việc tôi đã, đang và sẽ làm. Nhưng nó không thể làm tôi ngưng hoạt động được. Mà ngược lại, nó nhắc nhở tôi phải cẩn thận, có ý thức và trách nhiệm hơn với những việc tôi đang làm. Và phải nỗ lực hoạt động hơn nữa. Tôi không có nhận định gì ngoài việc tự rút ra bài học cho bản thân và cũng muốn chia sẻ để mọi người chú ý cẩn thận và đề phòng với mọi chuyện có thể xảy ra thôi”.

Tất cả những blogger đều can đảm như Nguyễn Hoàng Vi. Họ đã bước ra ngoài chiếc computer. Họ dấn thân. Chưa bao giờ tôi thấy chữ “dấn thân” nhọc nhằn như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy chữ “dấn thân” cao quý đến như vậy. Tôi ít khi đội mũ nhưng vẫn có cách ngả mũ riêng. Nghĩ tới họ và tự thẹn với mình!

10/2013
Song Thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét