Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Nho Giáo - Việt Nam đang cần học chổ nào ?



Việt Nam ta, văn hóa gốc là văn minh lúa nước, tuy nhiên với hơn 1000 năm đô hộ đồng hóa cùng nhiều cuộc xâm lăng lớn nhỏ của các triều đại Trung Quốc thì không thể phủ nhận sự du nhập, giao thoa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà chủ đạo là Nho giáo lên văn hóa nước ta.


Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Nho giáo mất vị thế, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970. Ở nước ta cũng vậy. Theo lẽ thường, những gì đã qua, người ta thường cho là cổ hũ, lạc hậu và đi đến phủ định toàn bộ. Phủ định xã hội phong kiến, phủ định luôn Nho giáo.


Lại nữa, ký ức 2000 năm của dân tộc hiện hữu với sự đe dọa chủ quyền đến từ Trưng Quốc, gần đây và bây giờ là sự căng thẳng ở Biển Đông, khiến cho người Việt có tâm lý ghét Trung Quốc. Và cũng theo lẽ thường. khi ghét, người ta bài trừ, và bài trừ toàn bộ, bài trừ Trung Quốc, bài trừ luôn Nho Giáo.


Nay xét thấy :


Trong lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ.


Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi.


Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo.


Lại nữa, một hệ tư tưởng tồn tại hơn 2500 năm, và hiện tại vẫn đang duy trì được một sức ảnh hưởng sâu rộng, được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học, văn hóa ... trên thế giới bỏ công nghiên cứu thì tư tưởng đó khó lòng mà nói là "tư tưởng vứt đi" được.


Chúng ta luôn cầu sự tiến bộ, muốn tiến bộ thì cần học hỏi, học hỏi thì cần gạn lọc để tìm chổ hay, chổ phù hợp với hoàn cảnh của mình mà học, đó là lý do tôi viết bài này trình bày chổ hiểu vốn chưa nhiều (nhưng cũng tự nghĩ là tìm thấy chổ trọng tâm mình cần) của mình về Nho Giáo, rút ra cái chổ cần học theo suy nghĩ tạm thời của cá nhân. Cũng là nhân khi Việt Nam cho mở viện nghiên cứu về Khổng Tử vậy.


Tìm chổ học, chúng ta cần tìm đến cái chân tướng của lý thuyết ấy, việc chỉ nhìn bề mặt, hiện tượng cũng rất dễ dẫn đến sự phủ định một cách nông cạn. Ví như chổ Đạo Phật, nhiều người không nghiên cứu về Kinh - Luận hoặc nghiên cứu mà không hiểu được đến chổ nghĩa cùng tột của Kinh Luận, chỉ thấy một số hiện tượng như có nhiều người tới chùa cầu tài, cầu tự, cầu duyên ... mà quy kết Đạo Phật là mê tín, điều lạ lẫm nhất trong tư tưởng Phật Giáo.


Nay cũng thế, muốn tìm chổ học được của Nho Giáo, ta tìm về cái tư tưởng thật sự của Khổng Tử.


Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ngài bằng các ghi chép do các học trò của ngài để lại.


Lại nữa, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc liền thực thi chính sách "đốt sách chôn Nho", đây là sự kiện khiến cho Kinh, sách bị thất truyền thất bản khiến đời sau có nhiều chổ hiểu lệch lạc.


Nhà Hán lập quốc, khôi phục Nho giáo, từ đây về sau, Nho giáo trở nên cực thịnh ở Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt xã hội. Nhưng cũng vì 2 nguyên nhân kể trên, cũng như để phù hợp với trình độ nhận thức của từng thời kỳ, thêm nữa là những thủ đoạn lợi dụng Nho giáo để trục lợi chính trị mà Nho giáo có nhiều chổ biến tướng sai khác, có xu hướng cực đoan hóa.


Trong quá trình đó, có 2 bước ngoặt, tạo ra nhiều hệ phái trong đó có Hán Nho và Tống Nho.


Từ đời Xuân Thu Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thịnh, vả bấy giờ ở TQ, học thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhất thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ "tôn quân ức thần", quân quyền mới mạnh lên.


Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà Nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh.


Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà Nho mới càng tìm cách để quân quyền ngày một thịnh. Vua Hán hội chư nho gia viết sách Bạch Hổ Thông, các nhà nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc dưới quyền quân chủ nữa, thì sinh ra ra thuyết Tam Cang.


Tam-Cang là: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ. Vua tôi, cha con, chồng vợ; Chúa ở với tôi có đạo-đức, thì tôi thờ chúa mới tận kỳ trung; Cha ở với con từ-thiện, thì con thờ cha chí hiếu; Chồng giữ trọn nghĩa với vợ, thì vợ phải thủ tiết thờ chồng ấy là Tam-cang tức là đời có Ðạo.


Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như là trọng, còn tôi, con, vợ thì khinh. Một bên có quyền, nhưng không cần nghĩa vụ, một bên kém quyền nhưng lại nặng nghĩa vụ với bên kia.


Đẻ sau mà khôn trước! Từ đó các vua, triều đại thay đổi nhau nhưng vẫn trọng thuyết tam cang để gia cố quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân” hay là “tam cang ngũ thường”.


Tống Nho cũng theo thuyết Tam Cang ấy, nhưng có nhiều chổ phát triển lên cực đoan hơn và hình thức hơn, làm cho tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử đang truyền mà gần như là bặt truyền.


Vậy, những gì là tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử và Nho Giáo ?


Khổng Tử dạy có Ngũ Luân rằng : “Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”, “Vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi, cha phải đạo cha, con phải đạo con”, “Làm vua người, đỗ ở nhân, làm tôi người, đỗ ở kính, làm con người, đỗ ở hiếu, làm cha người, đỗ ở từ, giao với người, đỗ ở tín”.
Như vậy chúng ta thấy, tư tưởng của Khổng Tử không hề có sự nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào cũng đối đãi với nhau. Bên nào cũng được buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Phương pháp thì là, bắt đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. “Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc vững vàng mà hành động đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn nhau mà xã hội được yên ổn thái bình.

Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu thương, kính trọng của hai người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu chếch đi một bên thì mất cân bằng mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ nhân đó, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái phước lớn của nhân loại. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Tiếc rằng, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng, nhưng lại là ảnh hưởng của Hán Nho, Tống Nho nên những gì tàn sót lại đều được cho là hủ lậu, không mấy có ấn tượng tốt đẹp với người đương thời.

Nay muốn học, nên học cái bình đẳng có trật tự ấy. Vì sao ?

Xã hội hiện đại ngày nay, càng vǎn minh, con người dường như càng ít quan tâm đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ 20, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau.

Dễ thấy, trò không còn là trò khi chẳng chịu lo học lại còn hỗn với thầy, thầy cũng chẳng còn là thầy khi chẳng làm gương cho trò, cha mẹ bỏ bê con cái, con cái lại chẳng biết đường hiếu kính, làm dân tính đủ đường lách luật, trốn thuế, chống người thi hành công vụ, hối lộ viên chức, làm cán bộ thì nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, tắc trách ... Mỗi người đã không giữ đạo cho riêng mình, trật tự mất đi, các giá trị đạo đức cũng tự đó mà băng hoại.

Nay ứng cái sự bình đẳng có trật tự ấy để biết, mỗi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với xã hội như nhau, nhưng phải giữ "trật tự", con phải đúng là con, cha mẹ phải đúng là cha mẹ, cán bộ phải đúng là cán bộ, dân phải đúng là dân, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ.

Nếu hỏi định nghĩa nào cho "thầy", "trò", "chồng", "vợ" ... thì câu trả lời tất nhiên là những chuẩn mực của xã hội đương thời dành cho địa vị ấy, chứ không thể áp dụng chuẩn mực cũ được, học có gạn lọc là như vậy.

Nói thêm rằng, song song với việc nghiên cứu, chắt lọc được cái đáng học ở Nho Giáo (mà theo cá nhân minh là chổ kể trên) thì cần xóa đi cái cái ảnh hưởng tiêu cực thâm căn cố đế của Hán Nho, Tống Nho lên xã hội đương thời, có như thế mới phát huy được hết tác dụng.

Kể ra đây 3 điều cần sớm gạt bỏ :

Thứ nhất : Tư tưởng khinh nông, dễ dàng nhận thấy tư tưởng của người nông dân ngay nay thường là "nghèo cũng phải cho cu Tèo đi học", "đi học lấy cái chữ, mà thoát khỏi cái cày con trâu con ạ" ... , những người thành đạt cũng từ đó mà sinh ra tâm lý khinh nhờn nghề nông, nhà nước thì "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", có quan tâm nông nghiệp cũng đang trong tâm lý "nghĩa vụ phải làm". Đây rõ ràng là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho Giáo.

Câu hỏi đặt ra là sao không đào tạo nông dân để từ đó có được những người làm nông tay nghề cao, đầu tư cho nông nghiệp để có được những sản phẩm chất lượng cao, mà lại xa rời nông nghiệp vốn là văn hóa gốc rễ của dân tộc.

Thứ hai : Bệnh học chữ, đời xưa, học chữ, thi đỗ, ra làm quan, đời nay cũng cầu cái chữ để cốt tiến thân lập nghiệp, giáo dục cũng thiên về dạy cái chữ, thành ra xã hội nhiều người nói hơn người làm, thừa thầy, thiếu thợ. Đây cũng là một cái ảnh hưởng của nho giáo.

Ngày nay, không chỉ học "cái chữ" mà kĩ năng thực hành, tinh thần, thể chất cũng cực kỳ quan trọng, phải có sự cơ cấu lại, bổ sung thêm, cải cách nền giáo dục để bỏ đi cái tàn sót tư tưởng này.

Thứ ba : Thói quen nịnh trên hiếp dưới, Hán Nho, Tống Nho hình thức hóa Nho Giáo, trọng thứ bậc, giai cấp cấp xa hội, khiến cho kẻ dưới sợ kẻ trên mà sinh xu nịnh, kẻ trên khinh kẻ dưới mà sinh hiếp đáp. Tàn sót đến tận ngày nay.

Vì vậy, phải làm cho dân hiểu luật, nắm bắt được quyền của mình mà không e sợ người trên, thủ tục hành chính đơn giản để dân không thấy phiền hà mà cầu cạnh. Răn đe đủ với người có quyền mà tắc trách, quan liêu.

Ngoài 3 điều ấy, tất nhiên còn nhiều chổ khác nữa, nhưng có lẽ thật khó hệ thống vì nó quá rộng, ở mọi khía cạnh của cuộc sống, vậy nên xin phép không kể ra.

Đông Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét