Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

NHẬT KÍ TÌM HIỂU THỰC TRẠNG ĐỘC THÂN CỦA NHÂN VẬT LỊCH SỬ HỒ CHÍ MINH




Trần Xuân An



► Đánh giá một con người, căn cứ vào mức độ cống hiến của người ấy cho dân tộc và nhân loại, chứ không phải căn cứ vào sự bình thường hay không bình thường của bộ phận nào đó trong cơ thể. Người xưa thường nói "nhân bất thập toàn". Nhưng điểm tật về chức năng một bộ phận cơ thể của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người chỉ minh định thể trạng hiền nhân thuần khiết bẩm sinh của họ, như nhân dân Nam Đàn, Nghệ An ca ngợi: "Nam Đàn sinh Thánh". Hồ Chí Minh là thánh nhân cần thiết phải xuất hiện trong tình hình đấu tranh cận - hiện đại, đặc biệt là đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, trước các thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ ngày càng tinh vi, thâm độc.

Bài viết này góp phần vào việc phê bình trong tinh thần dân chủ đối với cuốn "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh" và phê phán tiểu thuyết "Đỉnh cao chói lọi" của nhà văn sa-đích Dương Thu Hương.

► Trong bài viết, khi phân tích tư liệu sấm kí "Nam Đàn sinh Thánh", tôi có đề cập đến giai đoạn lịch sử từ khoảng cuối thế kỉ mười bảy (XVII) đến khoảng cuối thế kỉ mười chín (XIX). Trong quãng thời gian lịch sử này, công lao của các chúa Nguyễn và những thành tựu nội trị, phương cách đối phó trước thách đố do tình thế chung của vương triều Nguyễn vẫn được khẳng định, đề cao, mặc dù tôi không viết thành câu chữ (bởi đã viết nhiều lần ở những bài khác, sách khác). Nhưng cũng không phải công lao, thành tựu và phương cách đối phó cùng tư thế đứng trước thách đố của thời thế ấy không ở trong bối cảnh "Đàng Trong - Đàng Ngoài" tại nước ta, và càng không phải ở ngoài toàn cảnh thế giới trước hiểm họa "truyền đạo" đi đôi với "tìm đất" của thực dân Phương Tây, Âu Mỹ...




1.

Nhật kí ngày 12-01 HB9 (2009)
Cuộc sống độc thân trọn đời của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, từ mấy mươi năm trước, không một ai trên đất nước Việt Nam không biết. Cũng như vậy, nhiều người trên thế giới đã biết đến, như lâu nay chúng ta từng tiếp xúc với nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn. Và lòng ngưỡng mộ trong nước, ngoài nước về Hồ Chí Minh không vì thế mà suy giảm hay tăng lên. Nhưng trong thời gian gần đây, nhất là khi cuốn “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” tung ra trên mạng toàn cầu, kế đến là xuất hiện tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương với bản điện tử và bản in giấy, vấn đề trở nên ồn ào đáng lưu ý.

Tôi không muốn viết một điều gì về sử học, về người thật, việc thật, nếu không có đầy đủ tư liệu gốc, tư liệu khả tín trong tay. Những trang viết suy diễn, dựa vào những gì “nghe nói”, nghe kể”, chỉ tổ làm mất uy tín của người cầm bút mà thôi.

Trước đây, tôi đã từng đọc và suy ngẫm nhiều về một khổ thơ của Nguyễn Đình Thi, vốn được ông viết từ 1950, trước chiến thắng Điện Biên Phủ, và đã tái bản nhiều lần:

“Nơi đây sống một người tóc bạc

Người không con mà có triệu con

Nhân dân ta gọi Người là Bác

Cả đời Người là của nước non”

(“Quê hương Việt Bắc” - 1950)

Gần đây, tôi cũng tìm được trên một trang thông tin điện tử văn bản lá thư Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh (từ 1947 đến 1959). Xin lưu ý rằng, đây là lá thư gửi cho một bác sĩ y khoa, tín đồ Thiên Chúa giáo, nguyên giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ trước 1945 (lưu dung). Văn bản này chắc vẫn còn đươc lưu trữ; và hiện nay, hẳn rất thuận lợi để giám định khoa học thực nghiệm lá thư ấy (bản thủ bút). Nó là một văn bản thuộc loại tư liệu gốc, có giá trị khả tín cao nhất, chỉ sau những hồ sơ theo dõi sức khỏe của Hồ Chí Minh. Nhưng rất đáng tiếc là tôi chỉ được biết qua bản sao nguyên văn (1) hoặc lời dẫn như sau:

“Cuộc đời Bác còn có gì đặc biệt? Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bác đã tự nhận là người không có gia đình và không có con nhưng “gia đình tôi là Việt Nam, con cái tôi là các thanh niên Việt Nam”” (1).

Những thông tin đó không có gì mới. Như đã nói, toàn dân và thế giới đều biết. Vấn đề là từ chỗ chúng ta hoàn toàn tin tưởng, nay bỗng thấy nên kiểm tra lại sự tin tưởng của chúng ta, trước những cuốn sách chứa đựng những điều trái ngược, mặc dù chúng cũng cũ mèm nhưng gây nhiều chấn động bởi phương tiện truyền thông hiện đại.

Tôi lại tiếp tục tìm kiếm, và tìm thấy những bài sấm kí quá quen thuộc, đã khắc vào trí nhớ tôi từ gần 30 năm trước, hồi tôi còn dạy học ở một vùng rừng khai hoang. Chúng thuộc loại tư liệu dân gian, sấm kí (không thuộc loại sử liệu có giá trị khả tín cao) rất phổ biến ở Nghệ An và trên toàn quốc:

“Đụn Sơn phân giái (:giới)

Bò Đái thất thanh

Thủy đáo Lam Thành

Nam Đàn sinh (:sanh) Thánh”


(dịch nghĩa:

Núi Đụn nứt hai [: chia ranh giới]

Bò Đái mất tiếng

Nước lụt đến Lam Thành

Nam Đàn sinh ra thánh nhân).

Thử tìm hiểu lại bài sấm kí này, trước hết, về hiện tượng thiên nhiên được miêu tả.

Theo báo điện tử Vĩnh Phúc (bài của Mai Hiên): “Núi Đụn chính là núi Hùng Sơn ở phía tây huyện Nam Đàn. Năm 722, Mai Thúc Loan (tức là vua Mai Hắc Đế) xây dựng kho quân lương ở trên núi để chống giặc Đường nên gọi là Núi Đụn. Khe Bò Đái (tên gọi trong dân gian) chảy từ vách đá dựng đứng ở Rú Kia (còn gọi là Cơ Sơn), nước chảy ồ ồ và tung bọt trắng xóa. Trong một trận động đất, núi Đụn bị phân đôi, khe Bò Đái cũng bị rạn nứt, nước chảy nhưng bị thẩm thấu lan toả nhiều vào lòng đất đá nên không phát ra tiếng ồ ồ như trước” (2).





Xem bản đồ và thông tin ở cuối bài


Bây giờ, chúng ta thử ngẫm nghĩ các từ ngữ, hình ảnh.

“Phân giái” còn có dị âm là phân giới và ở một dị bản là phân giải. Chữ giớicó âm khác là giái, giái hợp vần với chữ đái ở câu dưới hơn. Còn “phân giải”, nghĩa đen là tách ra, tan rã, nhưng trong Hán văn cũng như trong tiếng Việt đều dùng với nghĩa là phân trần, giải thích, hòa giải; riêng trong ngành hóa học, dùng với nghĩa phân tích, hóa phân (3). “Thất thanh” (trong tiếng Việt) còn có nghĩa là tiếng kêu thảng thốt, kinh ngạc, đến mức kêu không thành tiếng, như trước một trận động đất dữ dội chẳng hạn.

Lam Thành là tên khác của núi Hùng Sơn. Nhiều dị bản không có câu thứ 3 này, nhưng theo tôi, câu thứ 3 này vừa hợp với thể thơ (4 câu), vừa miêu tả thêm về lưu lượng và dung lượng của nguồn nước lũ lụt phi thường.

Hình ảnh thơ nổi bật và tạo ngay ấn tượng cho người đọc là các biểu tượng âm dương (sông núi); dùng hình tượng núi non, suối khe để miêu tả sinh thực khí (linh vật linga, yoni; nõn [nõ], nường) của trời đất.

Địa danh “Bò Đái” (chữ Nôm) lại là cách so sánh ngầm (ẩn dụ) có tính cụ tượng, trực quan sinh động. Trong ngữ cảnh này, người đọc nhận ra hình tượng Bò thần Nandin [Nandi], biểu tượng của thần Hủy diệt và Sáng tạo Shiva (Isana): quyền lực và sinh nở, trong tôn giáo Bà La Môn (tiền thân của tôn giáo Hindu [Ấn Độ giáo]).

Cả cụm hình tượng ở 3 câu 1, 2 và 3 vừa thể hiện sự thiêng liêng (thánh hóa) vừa cho người đọc cảm nhận trần tục (thậm chí vật hóa), để đi đến câu kết (câu 4), thể hiện hiện tượng siêu phàm: “Nam Đàn sinh Thánh” — thánh nhân thường được hiểu là thuần khiết tuyệt đối (không vợ không chồng). Đây là một cách tôn vinh theo phong cách sấm kí, ngôn ngữ dân dã.

Nếu không chấp nhận cách giải mã nghệ thuật này, sẽ không hiểu vì sao lại sử dụng địa danh “Bò Đái” trong khi nó có tên khác trang nhã hơn: Vũ Nguyên; và cả câu 2 có thể là: “Nguồn Vũ” thất thanh hay Vũ bộc thất thanh.

Thử đọc cả câu 1, câu 2 theo cách đó:

“Hùng Sơn [Hùng Lĩnh?] phân cốc,

Vũ bộc thất thanh”

(Núi Hùng chia hang,

Thác Vũ mất tiếng).

“Bò Đái” rõ ràng có chức năng nghê thuật là một nhãn từ (nhãn tự: chữ mắt)! Xin nhớ là “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi rõ là suối Vũ Nguyên còn có tên thường gọi là khe Bò Đái, và nguyên văn trong sách: “Ngạn ngữ có câu: “Bò Đái thất thanh’” (4). Đó là một câu không phải thuộc loại đã bị thay đổi, sửa chữa.

Ngoài ra, việc không dùng địa danh Hùng Sơn (hay Hùng Lĩnh?) mà dùng địa danh núi Đụn (đụn thóc, gạo…: quân lương thời Mai Hắc Đế [gốc Chăm?]), trong ngữ cảnh nhất định này, còn gợi cho người đọc ý niệm ước muốn phồn thực, với nghĩa cụ thể là thực phẩm dồi dào (không chỉ sinh con đẻ cháu đông đúc mà còn no ấm).

Thánh nhân (thuần khiết) ra đời từ ước vọng ấm no, hạnh phúc, sum vầy. Phải là bậc thánh nhân (thuần khiết) như thế mới cứu được đất nước, lo được cho nhân dân như ước vọng ấy. Phải chăng đó là ý tưởng xuyên suốt và bao trùm bài tứ tuyệt tứ ngôn sấm kí dân dã trên (vốn xuất hiện vài ba trăm năm trước đây)?

Là con người, cho dù là Phật, Chúa, Tiên, Thánh, tất cả đều được sinh ra từ sinh thực khí (linga [nõn / nõ] - yoni [nường], riêng yoni [nường] bao gồm cả hai bầu sữa của người mẹ). Vì vậy, khi thánh thiêng hóa, vật thiêng hóa sinh thực khí, đồng nhất hóa sinh thực khí với núi non, sông suối quê hương, là đã tôn vinh, tôn vinh trong niềm ước vọng, về một Thánh nhân sẽ ra đời, cứu dân, cứu nước hay tế độ chúng sinh.

Điểm cuối, xin minh định rằng, nguyên văn bài sấm kí dân dã trên đúng y như thế. Chính vì sững sờ bởi địa danh “Bò Đái”, được dùng như nhãn từ, nên tôi thử đưa ra một cách giải mã dựa trên tín ngưỡng tôn thờ sinh thực khí thánh thiêng hóa của người Chăm (theo đạo Bà La Môn [Hindu, Ấn Độ]) và ở nhiều vùng khác tại Bắc Bộ, Trung Bộ nước ta (hiện vẫn còn tín ngưỡng nõn nường thánh thiêng hóa hoặc đang ảnh hưởng như một nếp văn hóa vô thức). Đây chỉ là một cách giải mã thử nghiệm, nếu có gì sơ suất, xin niệm tình lượng thứ.

Tôi thấy mình nên ngừng lại, nhưng rồi không thể không tìm hiểu thêm.

Cũng từ báo điện tử Vĩnh Phúc: “Theo thuyết phong thuỷ trong dân gian ở vùng Nam Đàn vẫn truyền tụng câu: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” (nghĩa là ở trên con voi trắng trong xứ Ao Hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời)” (2).

Liệu tác giả Mai Hiên viết và chép đã đúng chưa? Tôi giở sách để tra cứu.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” (tập 2, sđd.), ở Nghệ An có một gò đất gọi là Gò Hồ. Phải chăng Uyển Hồ chính là Gò Hồ này? Uyển, theo chữ Hán, là khu vườn hoặc là nơi có cây cối xanh tốt; “Uyển Hồ” là địa danh theo kết cấu tiếng Việt, như Thành Vinh, Thành Hà Nội, Thành Huế? Vì không có bản chữ Hán trên tay để mở từ điển tra lại mặt chữ, tôi nghĩ, chắc hẳn không phải “uyển”, mà là “uyên”: vực sâu; Uyên Hồ (kết cấu theo Hán ngữ): xứ Hồ có vực sâu (vì bài báo vừa dẫn đã đưa ra câu dịch nghĩa, trong đó có địa danh là Ao Hồ)? Nhưng chắc chắn hơn, “bạch tượng uyển hồ” (con voi trắng – hồ nước ở khu đất tươi tốt) chỉ là tên gọi một dạng thế đất tốt để làm huyệt mộ, theo thuật địa lí - phong thủy?

Nhưng điều cần chú ý hơn là câu cuối: “Nhất đại đế vương”. Theo ngữ nghĩa, câu nói theo thuyết phong thủy này không nhằm nói đến chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ không theo lệ phong kiến cha truyền, con nối. Chắc hẳn câu sấm chỉ nói đến vị thánh thuần khiết (không vợ con) của Nam Đàn: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quay lại với bài sấm, như bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn” trên Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An (5), câu thứ 4 của bài sấm vừa được đề cập ở phần trên là “Song Ngư thủy biển (:thiển)”, về sau được các nhà nho cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX sửa lại là “Nam Đàn sinh Thánh”.

Theo đó, chúng ta có thể thấy rằng, cả bài sấm đã được phân tích ở trên và câu nói theo thuyết phong thủy vừa bàn đến, đều nhắm đến Nguyễn Ái Quốc (chủ tịch Hồ Chí Minh về sau). Ngay Phan Bội Châu cũng nghĩ như vậy.

Thực ra, tôi không bao giờ mê tín vào loại sấm kí, phong thủy ở góc độ huyền bí. Nếu thuật phong thủy vẫn còn có giá trị là ở phương diện thẩm mĩ, nó có thể giúp ta chọn được cuộc đất đẹp, thì sấm kí còn có giá trị chăng là ở chỗ phán đoán được xu thế thời đại, gồm xu thế chính trị, kinh tế, quân sự, mà thường một người ưu thời mẫn thế có thể tổng hợp thông tin, đưa ra lời ước đoán khá chính xác (tuyệt nhiên không có chút nào huyền bí trong đó). Trong trường hợp bài sấm cũng như câu nói theo thuyết phong thủy trên, chúng ta còn rút ra được một lượng thông tin là sự ghi nhận thực tại nhãn tiền chứa đựng trong chúng nữa. Nói giản đơn hơn, người ta thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thuần khiết (không vợ không con) nên người ta sửa chữa sấm kí, câu nói theo thuyết phong thủy lại cho phù hợp. Thế thôi. Ngoài ra, cũng có người dựa vào sự đồng âm Hán – Việt, cho rằng sau khi ông Nguyễn Sinh Khiêm cải táng di cốt mẹ là bà Hoàng Thị Loan ở xứ Gò Hồ này, nên Nguyễn Ái Quốc (già Thu) lấy họ Hồ; còn tên ghép Chí Minh là để nhớ ơn Hầu Chí Minh, khi bị giam tù tại Trung Quốc (1942-1943); nhưng có thể đây chỉ là sự suy diễn hoặc ngẫu nhiên, tuy hợp lí hơn giả thuyết nguyên gốc họ Hồ làng Quỳnh Đôi trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng.

Ở đề mục này, tôi muốn khai thác bài sấm kí và câu nói theo thuyết phong thủy trên về phương diện ghi nhận sự thật về Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh theo cách sửa chữa câu chữ cho phù hợp như vừa trình bày.

Rốt lại, với tư liệu thuộc loại cần tra cứu kĩ, vốn có trong trí nhớ và trên mạng toàn cầu, đáng tin cậy nhất vẫn là hai tư liệu dưới đây:

1) Tư liệu gốc: Thư Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng (1). Cần tìm ra bản gốc ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và tiến hành giám định thực nghiệm văn bản này.

2) Tư liệu thứ cấp: Khổ thơ Nguyễn Đình Thi, viết năm 1950, đã xuất bản và tái bản nhiều lần.

Tìm hiểu (không thể nói là nghiên cứu) với những tư liệu như vậy, thật không yên tâm chút nào. Thế mà có người dám viết bừa đến mấy trăm trang sách, không viện dẫn được một nguồn tư liệu nào! Thật đáng sợ.



Nhật kí ngày 10-02 HB9 (2009):

Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, nhân đọc một mẩu tin về Lễ hội Vua đen Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), tôi lại giở sách để suy ngẫm thêm và suy ngẫm trên cơ sở tư liệu chứ không phải suy diễn kiểu bá vơ như Dương Thu Hương hay ghi chép sơ khởi những “nghe nói”, “nghe kể” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh.

“Đại Việt sử kí toàn thư” ghi:

“Nhâm tuất, [722], (Đường, Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). [...] Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn” (6).

“Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận:

“Đền Mai Hắc đế: ở địa phận xã Hương Lãm, huyện Nam Đường. Thần họ Mai, tên Thúc Loan, mặt sắt, mình đen, hình dáng hùng vĩ, nhiều người tin tưởng vui theo. Bấy giờ nước ta thuộc nhà Đường, khoảng niên hiệu Khai Nguyên, Quang Sở Khách làm đô hộ An Nam, chính lệnh tham bạo, dân không chịu nổi, nhiều người phải trốn vào rừng làm việc trộm cướp. Thúc Loan bèn dấy quân ở Hoan Châu, những người trộm cướp ở các quận đều hàng phục, bèn liên kết với các nước Lâm Ấp và Chân Lạp, số quân có đến 30 vạn, chiếm cứ Giao Châu mà xưng đế, đóng ở thành Vạn Yên (Sa Nam). Nhà Đường sai nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang đánh, vua bèn rút quân đến đóng ở núi Hùng Sơn. Khi mất, táng ở phía nam núi đất, người địa phương lập đền thờ” (7).

Một lần nữa, tôi thử tìm kiếm trên mạng toàn cầu qua Google:

Đây rồi, báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng: Người đọc Lương Thị Thu Cúc (Bình Định) đặt câu hỏi (trích): “Tại sao có các địa danh nôm na như: khe Bò Đái?”.

Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trả lời: “Một trong những đặc điểm của các địa danh do người bình dân đặt là tính nguyên sơ, dân dã.

[…]

Còn Bò Đái là tên khe núi tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được ghi nhận trong Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002). Bò Đái là một địa danh thuần Việt nhưng gốc Tày, Nùng, nguyên dạng là Bó Đảy. Bó: nguồn nước, Đảy: nứa tép. Bó Đảy là nguồn nước có nhiều cây nứa tép (Hoàng Văn Ma, Địa danh vùng Tày Nùng trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học xuất bản, 2002, tr.202-213).

Như vậy, vì Bó Đảy gần âm với Bò Đái, người Kinh đã dùng từ tổ có sẵn trong tiếng Việt để phiên âm” (8).

Tôi không đồng ý với nội dung trả lời này.

Địa danh phần lớn đều có dấu vết văn hóa, gồm cả văn hóa vô thức. Cũng cần lưu ý là có nhiều nền văn hóa, nguồn văn hóa đan xen, chồng lớp lên nhau (Việt cổ – Tày Nùng – Chăm – Kh’Mer…). Cơ sở cổ sử thời Vua đen Mai Hắc Đế cho thấy là vùng đất Nam Đàn (Nghệ An) có sự giao lưu văn hóa giữa Việt cổ và Lâm Ấp (Chăm-pa), Chân Lạp (Kh’Mer).

Dẫu sao, sự ổn định lâu đời của địa danh Bò Đái, không những trên cửa miệng người dân mà cả trong sử sách, cũng là sự lựa chọn của người Việt địa phương.

Phải chăng sự lựa chọn này cũng do văn hóa vô thức (nõn nường, linga - yoni, Shiva – Bò thần Nandin) chi phối? Hoặc giả, nguyên do trực tiếp chỉ là ấn tượng trực quan sinh động của khe nước chảy mạnh từ vách núi, trông như con bò đang đứng đái mà thôi, chứ chẳng phải có nguồn gốc địa danh Tày Nùng gì cả.

Vấn đề là ngữ nghĩa của địa danh thuần Việt Bò Đái và hình tượng so sánh con bò đang đứng đái, trong một bài sấm kí nghiêm túc, nói về sự đản sanh của một vị thánh. Thật sự không ai dám đùa bỡn với sự đản sanh đó. Đành rằng có một số địa danh có thể được đặt ra với sự tinh nghịch dân dã, nhưng khi đưa vào bài sấm kí nghiêm túc mà không dùng tên chữ “Vũ Nguyên” (Nguồn Vũ), lại dùng “Bò Đái”, hẳn có một dụng ý nhất định.

Nội dung cả bài sấm kí 4 câu là nói đến sự rung chuyển long trời lở đất của thế cuộc, là cơn trở dạ dữ dội của non sông đất nước Nam Đàn và của nguyên khí âm - dương vũ trụ khi sinh nở ra vị thánh nhân. Toàn cảnh gợi đến Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin), vị thần Hủy Diệt và Sáng Tạo.



Nhưng hiện tượng long trời lở đất, cơn trở dạ của non sông đất nước Nam Đàn và của nguyên khí âm – dương vũ trụ ấy đã diễn ra từ vài ba trăm năm trước ngày Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) được sinh ra đời vào năm 1890. Cuốn“Nghệ An ký” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, người Hà Tĩnh, viết vào cuối thế kỷ 18 (5), sách “Đại Nam nhất thống chí” (4) và bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn” trên Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An (5) cho chúng ta biết điều đó. Nguyên văn từ bài báo: “Cách ngày nay khoảng trên dưới 300 năm, núi bỗng nhiên nứt ra làm đôi, vết nứt dài đến mấy trăm mét và sâu đến dăm, bảy chục mét” và “khe Bò Đái mất tiếng đã từ lâu, cách ngày nay ít nhất cũng trên 200 năm”. Bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn”cho biết thêm: “Còn 2 câu sau “Thủy đáo Lam Thành, Song Ngư thủy thiển” thì cũng đã rõ. Vào thời Tự Đức, nước lũ sông Lam đã cuốn mất làng Triều Khẩu thuộc huyện Hưng Nguyên và nước sông Lam đã chảy đến chân núi Lam Thành (rú Thành), còn 2 đảo Ngư là hòn Son và hòn Mực ở Cửa Hội thì nước ở đây ngày một cạn dần, bãi bồi nổi lên trước ngày một lớn và rộng ra” (9).



Theo đó, người đọc chúng ta nhận thấy từ thời điểm hiện tượng long trời lở đất, cơn trở dạ của non sông đất nước và của nguyên khí âm – dương vũ trụ ấy đã diễn ra cho đến khi Nguyễn Sinh Cung chào đời cũng khoảng 200 năm (lúc núi Đụn nứt đôi), khoảng 100 năm (lúc khe Bò Đái tắt tiếng), khoảng 50 năm (trận bão lụt khủng khiếp). Đây là thời gian sấm kí, huyền thoại nhưng cũng là thời gian lịch sử. Nếu lấy 1890 trừ đi 200 hoặc 100 hoặc 50, chúng ta sẽ áng chừng được thời điểm diễn ra hiện tượng long trời lở đất của thế cuộc, cơn trở dạ của non sông đất nước, nguyên khí vũ trụ khởi đầu từ cuối thế kỉ mười bảy (XVII), cuối thế kỉ mười tám (XVIII) và giữa thế kỉ mười chín (XIX)…



Đó là các thời đoạn nào trong lịch sử nước ta và thế giới? Ở nước ta, ấy là thời đoạn diễn ra Trịnh – Nguyễn phân tranh và phong trào Tây Sơn, đồng thời cũng là quãng lịch sử Thiên Chúa giáo và thực dân Pháp thực sự can dự vào diễn biến cùng những biến cố trên đất nước, đặc biệt là sự phân liệt “lương – giáo”, mầm mống của vết thương Bến Hải chia cắt Tổ quốc về sau... Trên thế giới, phải chăng đó là thời đoạn chủ nghĩa thực dân Phương Tây đã và đang tiến hành “truyền đạo” kết hợp với “tìm đất” như nhận định của Trần Trọng Kim, tác giả “Việt Nam sử lược”.

Thời gian cưu mang, trở dạ rồi sinh nở ra một thánh nhân, theo sấm kí – huyền thoại – lịch sử là thế đó.

Bây giờ, chúng ta quay lại với hình tượng Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin), vị thần Hủy Diệt và Sáng Tạo.

Vấn đề khốc liệt từ cách giải mã này là đưa đến sự mâu thuẫn văn hóa trong tiếp nhận của người đọc. Có biết bao nhiêu phong tục, tập quán, nếu người thuộc nền văn hóa X, không thể hiểu nổi văn hóa Z; và ngược lại. Nhưng nếu chúng ta thấy được linga - yoni, nõn - nường vốn là biểu tượng nguyên sơ, hồn nhiên tối cổ đã được biểu trưng hóa thành âm - dương (Kinh Dịch) rồi trừu tượng hóa thành quy luật mâu thuẫn - thống nhất (biện chứng pháp), sẽ hóa giải được sự xung khắc khốc liệt vừa nói, và tìm ra mẫu số chung của nhân loại. Mẫu số chung của nhân loại còn thể hiện ở tín ngưỡng vật tổ (totem): Bò thần (Ấn), Chó ngao (Anh), Gà trống (Pháp), Chim Lạc, Rồng - Tiên (Việt - Kinh)…

Nếu với nhãn quan văn hóa khác, chúng ta còn thấy trong thiền học cũng có những công án có cách diễn đạt phá chấp khốc liệt như vậy, chẳng hạn, khi được hỏi “Phật tính” là gì, câu trả lời là “càn thỉ quyết” (que cứt khô) (10).

Tuy vậy, tôi vẫn trích dẫn câu trả lời của nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trên báo điện tử SGGP. (30/08/2006) để tham khảo thêm, dè chừng sự giải mã khiên cưỡng bài sấm kí có địa danh ấy.

Nhân đây, cũng xin nói thêm ít dòng về “Nam Đàn sinh (sanh) Thánh”. Dẫu sao, bài sấm kí này cũng mang phong cách dân gian, xuất hiện và định hình trong bối cảnh tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng chiếm ưu thế.

Hồ Chí Minh (Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc) lại là một lãnh tụ cộng sản, cho dù là một lãnh tụ cộng sản Việt Nam, Châu Á, vốn xuất thân từ một gia đình Nho học (”kính quỷ thần nhi viễn chi”: tôn kính quỷ thần nhưng nên xa lánh quỷ thần). Là người cộng sản, Hồ Chí Minh dĩ nhiên phê phán “chủ nghĩa khổ hạnh kiểu thầy tu” (cụm từ như một thuật ngữ), mà đề cao lối sống bình thường, có vợ có chồng nhưng mẫu mực. Là người xuất thân từ gia đình nhà nho, chắc hẳn đối với Hồ Chí Minh việc có con nối dõi tông đường là không thể xem nhẹ (“bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”: tội bất hiếu có ba loại, mà không có con nối dõi là tội lớn nhất) (11). Truyền thống lịch sử Việt Nam cũng không có minh chủ, lãnh tụ nào không vợ con (ngoại trừ Phạm Sư Ôn, một tu sĩ Phật giáo thời cuối Trần, đầu Hồ). Nhiều lãnh tụ cộng sản khác cũng vào sinh ra tử nhưng đều lập gia đình riêng, mặc dù có thể thời gian sống với vợ con không nhiều. Chính Hồ Chí Minh cũng tự nhận khuyết điểm của mình là không lấy vợ (và khuyết điểm thứ hai là nghiện thuốc lá), có nghĩa là Hồ Chí Minh không bao giờ đề cao lối sống trọn đời độc thân. Khi xem việc không lấy vợ là khuyết điểm thứ nhất của đời mình, Hồ Chí Minh tự biết bản thân Người, riêng về khía cạnh này, không phải là điển hình lí tưởng (hình tượng chuẩn mẫu) theo nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và Nho giáo.

Từ những chứng cứ đó, chúng ta nên hiểu thánh nhân ở bài sấm kí trên làthánh nhân bẩm sinh.

Cuối cùng, tôi tự tạm thời kết luận với một sự yên tâm đáng kể:

ANH HÙNG DÂN TỘC HỒ CHÍ MINHCÓ MỘT ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ GIẢN DỊ VỚI THỂ TRẠNG HIỀN NHÂN THUẦN KHIẾTBẨM SINH,KHÔNG THỂ NGHI NGỜ.

Đó là điều tôi muốn thể hiện ở những trang nhật kí này. Dẫu sao, đây chưa phải là một bài nghiên cứu như những bài thuộc thể loại này, tôi từng viết.



Trần Xuân An

15: — 16:31, 10-02 HB9



(Có sửa chữa một ít chữ, bổ sung vài dòng và viết thêm đoạn cuối, : 8:20 — 9:19& 15:40, 11-02 HB9; 8:10, 12-02 HB9; 8:46, 13-02 HB9 )

Viết nhân ngày Lễ hội Vua đen Mai Hắc Đế tại Nam Đàn, Nghệ An năm nay, Rằm tháng Giêng, Kỉ sửu HB9.

SÁU (06) CỨ LIỆU CHÍNH CỦA BÀI VIẾT NÀY:

1. "Tôi không có gia đình, cũng không có con cái"

2. "Người không con mà có triệu con"

3. "Nam Đàn sinh Thánh"

4. "Nhất đại đế vương"

5. Hồ Chí Minh thừa nhận việc không có vợ con là khuyết điểm thứ nhất của cuộc đời Người. Nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và Nho giáo không đề cao "chủ nghĩa độc thân", "chủ nghĩa khổ hạnh kiểu thầy tu".

6. Anh chị ruột của Bác Hồ (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) cũng không có chồng, có vợ và con cháu ruột. Đó là sự thật tuyệt đối đến mức 100%.

TRONG ĐÓ, BỐN (04) CỨ LIỆU 1, 2, 5 & 6 LÀ CĂN BẢN



Chú thích:

(1) Nguyên văn lá thư được viết với ngôn từ ngoại giao, tôn giáo vận (gọi bác sĩ Vũ Đình Tụng bằng “ngài”…). Tôi nhấn mạnh câu cần lưu ý:

"Gửi bác sĩ Vũ Ðình Tụng,

Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ Quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ Quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ Quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Ðồng bào và Tổ Quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ Quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1 năm 1947

Hồ Chí Minh

Nguồn: http://hodovietnam.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=474&Itemid=30
& các nguồn khác: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Lãnh đạo – net, Tuổi Trẻ online…

http://fpe.hnue.edu.vn/index.php?Showpost=1190

http://lanhdao.net/vn/hautruong/chinhkhachvn/120707/index.aspx

(2) Nguồn: tác giả Mai Hiên, bài “Lịch sử và huyền thoại mộ bà Hoàng Thị Loan”, báo Vĩnh Phúc, 07:41:13, 15/05/2008.

http : // baovinhphuc . com . vn / front-end / index. Php ?type= ARTICLE & fuseaction = DISPLAY_ SINGLE_ ARTICLE & article_ id= 6790& website_id =1&channe l_id= 401 & parent_ channel _id= 412 & hide_ channel =0

Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 156 và 158 xác định: núi Hùng Lĩnh chính là nơi có vệ Vạn An, còn dấu vết lũy cũ của Mai Hắc Đế và miếu thờ ông, và rào Gang (Găng?) được ghi là sông Cương; nên chắc chắn Hùng Lĩnh chính là núi Đụn. Cũng sách này, ghi rõ núi Hùng Sơn chính là núi Lam Thành hay còn có tên khác là núi Đồng Trụ, núi Tuyên Nghĩa, núi Nghĩa Liệt.

Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.157:

“Núi Đại Huệ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 54 dặm về phía đông, hình núi như quả chuông úp, trên đỉnh có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ, bên tả có suối, bên hữu có giếng, sườn núi cây chè xanh tốt, hồ Nộn và sông Lam bao quanh, thuyền ghe xuôi ngược trong khoảng sáng sớm mù chiều, thật là một danh thắng trong tỉnh Nghệ An”.

Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.165-166:

“Gò Hồ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 56 dặm về phía đông, phía tây liền với các núi Kim Bồn và Xuân Lâm, phía nam liền với các núi Hùng Lĩnh [núi Đụn – TXA. chua thêm] và Vân Đồn, ngoài núi thì sông Lam làm hào tự nhiên; phía bắc liền với các núi Thanh Thủy, ngoài núi khe suối quanh co. Tấn quốc nhà Lê là Nguyễn Cảnh Hoan đóng quân ở đây để chống cự với tướng Mạc là Nguyễn Quyện, dấu vết lũy cũ vẫn còn.

Lưu ý 2 câu in đậm: "Núi Đại Huệ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 54 dặm về phía đông..." và “Gò Hồ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 56 dặm về phía đông...". Như vậy, Núi Đại Huệ và Gò Hồ rất gần nhau (cách nhau 02 dặm ta, tức là 425 m x 02 = 850 m, chưa tới một cây số ngàn [01 km]) hoặc cùng thuộc một vùng. Liệu núi Đại Huệ và Gò Hồ đều thuộc xứ Ao Hồ chăng?

(3) Đào Duy Anh, “Từ điển Hán - Việt”, Nxb. KHXH. tái bản, 2001, tr. 105.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNNTC., tập 2, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 171: “Suối Vũ Nguyên: tuc gọi là khe Bò Đái, đổ xuống từ ngọn Cơ Sơn trong dãy núi Thiên Nhận [Nhẫn – TXA. chua thêm] thuộc huyện Thanh Chương, ở đây vách đá cheo leo hàng vài ba mươi trượng, rồi chảy vào sông Lam; dưới suối có vực; tiếng nước xối xuống nghe như tiếng sấm; ít lâu nay đất cát bồi lấp, vực thành bãi phẳng, không nghe tiếng suối nữa. Ngạn ngữ có câu:’Bò Đái thất thanh’ là thế”.

(5) Không thấy đề tên tác giả bài báo (Google search):

http://www.Namdan.gov.vn/Chiti%E1%BA%Bfttint%E1%BB%A9c/tabid/10852/ArticleId/406/tid/10841/Default.aspx

(6) Trích nguyên văn từ “Đại Việt sử kí toàn thư”, bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003., tr. 269 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 4b.

(7) Trích nguyên văn: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 2, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 188 – 189.

(8) Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng: Cập nhật ngày 30/08/2006 lúc 11:20′ (GMT+7).

http://www.sggp.org.vn/bandocdatcauhoi/2006/8/59058/

(9) Về câu sấm thứ 3, tham khảo thêm vào triều Thiệu Trị (chứ không phải triều Tự Đức): “Đại Nam thực lục”, kỉ III (Thiệu Trị), ghi nhận vào năm 1842: “Nghệ An có bão lớn (bão nổi từ canh 2 đêm, đến sáng rõ mới dứt). Nước biển dâng lên quá mức thường 13 - 14 thước [ta]. Có 40.753 hộ nhà cửa bị đổ nát, 696 chiếc thuyền buôn và thuyền đánh cá bị chìm đắm, 5.240 người dân bị chết bẹp hoặc chết đuối. Đặc biệt những dân ven biển ở các hạt Đông Thành, An Thành và Chân Lộc càng bị hại nhiều hơn (hạt An Thành có thôn hơn 300 người, chỉ còn sống hơn 10 người) (ĐNTL., kỉ III, tập sáu, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục tái bản, 2007, tr. 397). Năm 1842 cũng là thời điểm thực dân Pháp bắt đầu gây hấn để thực hiện ý định xâm lược nước ta, mặc dù đến 1847 chúng mới nổ súng gây hấn, rồi 1858 mới thực sự đổ quân viễn chinh, tiến hành xâm lược.



(10) Vô vị chân nhân: càn thỉ quyết = Chân-nhân-không-ngôi-thứ (bổn lai diện mục, Phật tính) là que hay cọc còn dính phân khô. Đây là lời của thiền sư Lâm Tế, một trong các vị tổ của Thiền tông. Xem: Daisetz Teitaro Suzuki, "Thiền luận", Trúc Thiên dịch, 3 quyền, quyển thượng, Nxb. TP.HCM., 1992, tr. 24.



Đây chỉ là một cách nói trong các công án thiền, lúc thiền sư gợi ý, truy vấn cho các thiền sinh giác ngộ, theo tôn chỉ "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật". Nếu ở bên ngoài văn cảnh và khung cảnh ấy, chắc hẳn là cách nói loạn ngôn, báng bổ. Nói chung, mỗi hình tượng, ngôn từ đều phải được hiểu trong một không-thời-gian và ngữ cảnh thuộc một văn bản cụ thể.



Trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh cũng đã có lần gây “sốc” cho người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật dung tục hóa: dung tục hóa khát vọng tự do, một giá trị thiêng liêng, cao quý nhất, để làm nổi rõ một mặt khác của tự do, ấy là tính cụ thể, bình thường, thậm chí là tầm thường, dơ bẩn nhưng vô cùng cần thiết: “đi đồng” (đi tiêu). Qua đó, Hồ Chí Minh cũng không tự thần thánh hóa mình:


Một hữu tự do, chân thống khổ

Xuất cung dã bị nhân chế tài

Khai lung chi thời đỗ bất thống

Đỗ thống chi thời lung bất khai

(Hạn chế)

Đau khổ chi bằng mất tự do

Đến buồn đi ỉa cũng không cho

Cửa tù khi mở không đau bụng

Đau bụng lại không mở cửa tù.

(Bị hạn chế -- Nam Trân dịch)

(11) Anh chị ruột của Bác Hồ (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) cũng không có chồng, có vợ và con cháu ruột. Đó là sự thật tuyệt đối đến mức 100%. Theo suy luận của tôi, chắc hẳn hai người này cũng là thánh nhân thuần khiết bẩm sinh. Đây là một chứng cứ bổ trợ để chứng minh cho thể trạng thánh nhân thuần khiết bẩm sinh của Bác Hồ. Ở đây, tôi cũng chỉ nhấn mạnh đến yếu tố gien thể chất, không đề cập đến tác nhân môi trường xã hội trong việc hình thành tính cách, tư tưởng.

TXA.







Phụ đính

MỘT ÍT THÔNG TIN ĐỂ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐỊA LÍ
CỦA NÚI ĐỤN, KHE BÒ ĐÁI & NÚI LAM THÀNH

(ĐỐI CHIẾU VỚI 3 BẢN ĐỒ)



“… Núi Đụn nằm trong phạm vi 2 xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái) và Khả Lãm (nay là xã Nam Thượng), ở phía tây – bắc huyện, cạnh đường quốc lộ 46 Vinh – Đô lương, cách huyện lỵ Nam Đàn khoảng 3 km. Núi cao khoảng 300m, sườn núi dốc thoai thoải, cây cối xưa kia nhiều, nay không còn mấy. Núi có rào Gang vòng ở phía Bắc và sông Lam vòng ở phía Nam…”.

“… Khe Bò Đái, còn gọi là khe Ồ Ồ, hay suối Võ Nguyên chảy từ vách đá dựng đứng ở rú Kia (Cơ Sơn) ở làng Chi Cơ (kẻ Kia) thuộc xã Võ Nguyên xuống trên một chiều dài vài chục trượng, rộng trên vài chục thước ta, nước chảy từ trên núi dốc xuống đất, tung tóe trắng xóa, trông giống con bò cái đang đái, tiếng khe chảy ồ ồ, ngoài mươi dặm còn nghe thấy. Ngày nay khe Bò Đái vẫn còn chảy, nhưng tiếng không còn vang vọng ra xa nữa; tiếng vang vọng mất đi từ khi núi Đụn nứt đôi, hình thành một cái vực thẳm ở giữa…”.

(“Lời sấm đất Nam Đàn”, Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An)





Bản đồ huyện Nam Đàn, Nghệ An

Bấm vào đây: Núi Đụn & Khe Bò Đái (xã Nam Thái và xã Nam Thượng)

Ao Hồ:

Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ trực tuyến

“… Trở về với Nam Đàn yêu thương, theo núi Đụn, dòng Lam, ta sẽ về với Nam Thượng, đây là một xã còn nhiều khó khăn vất vả của huyện Nam Đàn. Trước kia xã chia làm hai thôn, đó là thôn Chi Cơ có tên Nôm là Kẻ Kia thuộc xã Võ Nguyên (nay là HTX. Đại Đồng) với 340 hộ, 1800 khẩu và thôn Khả Lãmthuộc xã Hương Lãm, tổng Xuân Liễu (nay là HTX. Hùng Sơn) với số hộ là 145, 750 khẩu. Hai thôn ở ven bờ sông Lam, đối diện qua suối Vũ Nguyên, tục gọi là khe Bò Đái. Tuy đất không rộng, người không đông (cả xã có 535 hộ, 2600 nhân khẩu), mặc dù còn nhiều khó khăn song Nam Thượng luôn tự hào với truyền thống hiếu học, giàu nghĩa khí, trọng nghĩa nhân…”.

“… do dòng sông ngăn cách nên trường phải học ở hai phân hiệu Đại Đồng và Hùng Sơn…”.

(Đinh Xuân Khang
http://giaoan.violet.vn/uploads/resources/508/108448/preview. swf
Trích báo cáo truyền thống “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường PTCS.
Nam Thượng [9-1947 – 9-2007] và khánh thành trường cao tầng”)



Bản đồ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Bấm vào đây: Núi Lam Thành (rú Thành) thuộc xã Hưng Lam và xã Hưng Phú

Nguồn ảnh: Du lịch đất Nghệ trực tuyến

Núi Lam Thành (còn gọi là núi Hùng Sơn, núi Nghĩa Liệt, Đồng Trụ Sơn) thuộc địa phận hai xã Hưng Phú và Hưng Lam (Hưng Nguyên, Nghệ An), nhân dân địa phương thường gọi rú Thành - là ngọn núi cao nằm sát bên bờ sông Lam. Trước đây trên núi có nhiều cây xanh, động thực vật sinh sống. Dưới chân núi là xóm làng trù phú, đồng ruộng màu mỡ. Tất cả hoà quyện vào nhau như một bức tranh thuỷ mặc.

(Linh Nga, “Di tích núi Lam Thành…”, Trang thông tin điện tử TP.Vinh, 22/11/2008

http://www.vinhcity.gov.vn/news/?url=detail&id=11267&language=1)



THAM KHẢO THÊM: XỨ AO HỒ [GÒ HỒ (?)]

"... Có một điều ngẫu nhiên đã diễn ra trong lịch sử là tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) khi hài cốt bà Hoàng Thị Loan được đưa lên cát táng trên núi Động Tranh thấp thuộc dãy núi Đại Huệ ở xã Hữu Biệt (nay là Nam Giang) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì tháng 8 năm 1942, ông già Thu ở căn cứ cách mạng, tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên lấy tên là Hồ Chí Minh rồi đi sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng của đồng minh. Và từ đó Hồ Chí Minh là biểu tượng vô cùng cao đẹp, là lãnh tụ tối cao và anh linh của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, cường thịnh...".

(Trần Minh Siêu, "Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh", (Chương II), Nhà xuất bản Nghệ An, 2003). Google search.

"... Tháng 8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm thoát khỏi nhà tù đế quốc đã đi khắp các dãy núi thuộc hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm nơi cát táng mẹ. Cuối cùng ông quyết định chọn mỏm núi Động Tranh thấp là nơi hội tụ đủ các tiêu chí về linh địa làm huyệt đạo. Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Ông dặn là khi đào xuống gặp phải hòn đá lớn thì dừng lại. Một đêm khuya ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đếnĐộng Tranh thấp thắp hương khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Vì vậy mọi người, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết ông táng mẹ ở đâu...".

(Mai Hiên, bài đã dẫn, báo điện tử Vĩnh Phúc)



Vị trí huyện Nam Đàn: số 6, huyện Hưng Nguyên: số 7

Nguồn ảnh: Web Yeu-xu-nghe -- Google search

Lưu ý: Về địa danh và địa giới, qua nhiều thời kì, có ít nhiều thay đổi và không cố định. Dẫu sao những tư liệu về địa lí trên đây (chuẩn xác và chưa được chuẩn xác) cũng cho chúng ta một ý niệm tương đối để hình dung. BÀI VIẾT NÀY KHÔNG ĐI SÂU VÀO LĨNH VỰC ĐỊA LÍ.



TP.HCM., ngày 18 -- 25-02 HB9 ( 2009 )

--- Trần Xuân An.

25-02 HB9 ( 2009 )



------- Hết ------





Ngoài lề bài viết

(vì bài đã quá dài)

MỞ RỘNG THÊM Ở NGOÀI LỀ BÀI VIẾT (25 & 27-02 HB9 [ 2009 ]):

Lo ngại rằng, sẽ có một số độc giả bất bình, thậm chí phẫn nộ, do mâu thuẫn văn hóa trong tâm lí tiếp nhận, bởi tính chất khốc liệt trong việc giải mã nhãn từ “Bò Đái” (*), tôi bổ sung thêm một bài thơ của chính nhà thơ Hồ Chí Minh:

Trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh cũng đã có lần gây “sốc” cho người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật dung tục hóa: dung tục hóa khát vọng tự do, một giá trị thiêng liêng, cao quý nhất, để làm nổi rõ một mặt khác của tự do, ấy là tính cụ thể, bình thường, thậm chí là tầm thường, dơ bẩn nhưng vô cùng cần thiết: “đi đại tiện” (đi tiêu) ” 出 恭 ” (”đi rón rén”) [từ lệch nghĩa]. Qua đó, Hồ Chí Minh cũng không tự thần thánh hóa mình:
限 制
沒 有 自 由 真 痛 苦
出 恭 也 被 人 制 裁
開 籠 之 時 肚 不 痛
肚 痛 之 時 籠 不 開

(Tư liệu Hán – Nôm – Từ điển trực tuyến Việt – Hán – Nôm: NKTT., bài 116 http : // sager – pc . cs . nyu . edu / ~ huesoft / tulieu / ntnk . htm )

Hạn chế
Một hữu tự do, chân thống khổ
“Xuất cung” dã bị nhân chế tài
Khai lung chi thời đỗ bất thống
Đỗ thống chi thời lung bất khai


Bị giới hạn, ngăn cấm
Mất tự do vốn có, khổ đau thật sự
“Đi một cách cung kính” [:“đi rón rén”] mà cũng bị người ta ngăn cấm
Mở lồng [:lao tù], ấy lúc bụng không đau
Đau bụng, ấy khi lao tù không mở


(WebTgTXA. tạm dịch nghĩa)

Bị hạn chế
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở không đau bụng
Đau bụng lại không mở cửa tù.


(Nam Trân dịch vần)

Chắc chắn bản dịch của nhà thơ Nam Trân đã được chính tác giả Hồ Chí Minh đọc duyệt. Bản dịch này đã được đưa vào chương trình ngữ văn các trường phổ thông và đại học từ thuở sinh thời Bác Hồ đến nay.

Và không chỉ một lần, nhà thơ Hồ Chí Minh còn gây “sốc” ở một bài khác, khi Người sử dụng thủ pháp tả thực, tự nhiên chủ nghĩa kết hợp với biểu tượng hóa, có ý nghĩa khái quát cao: “Ngồi trên hố xí đợi ban mai” (“Xí khanh thượng toạ đãi triều [:triêu] lai” 廁 坑 上 坐 待 朝 來 “Ngồi trên hố xí đợi hừng đông đến” [bài 34: “Sơ đáo Thiên Bảo ngục”, nguồn bản chữ Hán: tlđd.; dịch vần: Nguyễn Huệ Chi]).

17:20, 25-02 HB9 & 26-02 HB9

(*) 27-02 HB9: Nhắc lại tổng thể hình tượng bài sấm kí: Nhãn từ chứa đựng ẩn dụ “Bò Đái” trong cụm hình tượng miêu tả những hiện tượng thiên nhiên dữ dội như động đất, núi Đụn nứt hai, suối thác Vũ Nguyên tắt tiếng, lũ lụt dâng lên đến rú Thành dẫn đến sự đản sanh thánh nhân trong bài sấm kí “Nam Đàn sanh Thánh”. Tổng thể cụm hình tượng khiến chúng ta không thể giải mã nếu không vận dụng hình tượng Thần Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin). Đó là Vị Thần Hủy diệt và Sáng tạo, biểu tượng của Trời — Đất, nguyên khí vũ trụ âm [-] — dương [+]. Chính vị thần Shiva này đã đản sanh ra thánh nhân. Tôi không đồng nhất Thần Shiva với thánh nhân Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người.

Trong bài viết, tôi cũng đã xem những hiện tượng thiên nhiên dữ dội kể trên như các ẩn dụ về lịch sử.

Như vậy, bài sấm kí đã giải thích, tiên đoán về sự vận động, chuyển biến của địa lí và lịch sử bằng động lực siêu nhiên, thần bí và nhãn quan duy tâm, huyền học, tôn giáo Bà La Môn (tiền thân của Hindu).

Cố nhiên sấm kí không thuộc lĩnh vực nào khác ngoài huyền học!

Dẫu thế, trong bài viết, tôi cũng đã bày tỏ là không tin tưởng vào những yếu tố thần bí của sấm kí, mà chỉ thu nhặt lấy cái lõi ghi nhận hiện thực — lịch sử từ cuối thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX và Hồ Chí Minh (thánh nhân thuần khiết bẩm sinh) — chứa đựng trong chúng.

Bài sấm kí này cùng một câu theo thuyết phong thủy trong bài viết là hai tư liệu không căn bản, lại quá phức tạp, nhưng cũng khá cần thiết. Vì tính chất phức tạp của chúng, tôi phải phân tích, rút tỉa lượng thông tin, nên những câu chữ viết về chúng chiếm một tỉ lệ đáng kể. Do đó, nếu không lưu ý khi đọc (bảng liệt kê màu vàng), chúng ta sẽ dễ bị lệch trọng tâm chủ đề ▪



Trần Xuân An

Web chinh (main web):
http://tranxuanan.writer.googlepages.com
& Cac web khac (others):
http://www.tranxuanan-writer.blogspot.com
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/web_index.htm
Email:
tranxuanan.writer@gmail.com
tranxuanan_vn@yahoo.com
Nha (house):
71B Pham Van Hai
Phuong 3, quan Tan Binh, TP.HCM.
Dien thoai (phone): (08) 3 8453955 & 0908 803 908

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét