" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015
HỮU CẦU TẤT KHỔ
Trong Tứ diệu đế (bốn chân lý nhiệm màu) để giải thoát, mở đầu là khổ đế (chân lý về sự phổ biến, tuyệt đối và triệt để của cái khổ). Trong khổ đế mở đầu là cầu bất đắc khổ , tức là mong muốn, truy cầu mà không đạt được là một loại khổ. Cái này phổ biến, dễ hiểu, có lẽ không cần chứng minh. Ta mong muốn điều gì mà không đạt được, không thể đạt được, hay không toại nguyện là nguồn của đau khổ và chính nó là khổ. Sự cầu thật đa dạng, có nhu cầu về cả vật chất, tinh thần,cầu cho cá nhân, cho xã hội, cho chúng sinh... Cầu thực chất cũng là nhân dục, một cách gọi khác của nhân dục. Nhân dục càng lớn, cái khổ càng nhiều. Cái sự được như ý ở đời này có bao nhiêu?
Theo đó, cầu mà đạt được thì sẽ sướng, cầu đắc thì sung sướng, hoan lạc? Chưa chắc. Ngẫm ra, cầu được cũng có thể vẫn khổ. Khi ta theo đuổi điều gì thì mong nó đạt tới, nhưng biết đâu cái đạt được đó lại là nguyên nhân của những cái khổ khác. Mong có cái ô tô, được nó biết đâu lại là nguyên nhân của tai nạn chết người nào đó. Kẻ cầu quan cao chức trọng, biết đâu làm quan lại khổ hơn, mong làm dân mà không được nữa. Người ta đôi khi đạt được rồi, sinh ra thỏa mãn, hết động lực, trống rỗng, lại rơi vào bi kịch khác... Đó là chưa nói tới chuyện, cầu mà đạt được thì cái cầu tiếp theo sẽ to lớn hơn cái cầu trước và là nguyên nhân cho cái khổ lớn hơn. Cho nên bổ sung thêm cho Tứ diệu đế rằng : Cầu đắc diệc khổ ( cầu được cũng khổ).
Phương án của Đạo gia: thiểu tư quả dục, tư tưởng ít, nhân dục ít là cách để hạn chế khổ, điều này có vẻ khả thi. Khổ đã không tránh thì cố gắng làm cho nó bớt bớt đi. Ít cầu đi thì bớt khổ đi, vì được cũng khổ, không được cũng khổ mà. Nho gia chủ trương điều tiết kiềm chế nhân dục, cho nhân dục khoảng tự do trong khuôn khổ, chỉ thích cái được phép làm thực chất là kiềm chế, điều tiết cả sự sung sướng và sự khổ, không được sướng quá, không để rơi vào trạng thái khổ quá. Điều này đối với những người thích hưởng lạc và tự do phóng khoáng thì hẳn là không thích thú gì, nhưng nhìn từ góc độ xã hội và với tính hiệu quả thực tế của nó thì không phải không hữu ích.
Người xưa theo đạo thượng thừa Thiền, luyện tâm để đạt tới Vô cầu (không truy cầu theo đuổi bất cứ điều gì để đạt tới an lạc). Cầu bất đắc khổ, cầu đắc diệc khổ, vô cầu nhi lạc. Vô cầu là đã gần tới tâm không.
Vô cầu là đắc đạo rồi. Nhưng làm thế nào để Vô cầu? Theo đuổi sự vô cầu mà không phù hợp với tâm tính và sở nguyện của ta thì mong muốn Vô cầu lại thành ra một thứ cầu vô cùng khó đạt và có khi đó là nguồn của một cái khổ lớn. Làm phàm nhân ở đời chắc vẫn phải cầu thôi. Cầu mà đắc đừng lấy thế làm vui quá, cầu bất đắc cũng đừng lấy thế làm khổ quá, tự điều tiết được chút nào tốt chút đó, nhậm vận tùy duyên đành vậy.
NGUYỄN KIM SƠN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét