Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tản mạn nghìn mắt nghìn tay



Ngày Tết dân ta có thói quen lên chùa cầu phúc cầu an. Vãn cảnh chùa ngày đầu năm mới, vì thế đã dần dà trở thành nét văn hóa của người Việt, không chỉ với phật tử hoặc người trọng tuổi, mà ngay cả những người trẻ, như một vô thức hiển nhiên.
Trong không khí thanh tịnh và mát lạnh của buổi sáng sớm, không gì thú hơn là được thong thả đưa bước trong vườn chùa, tản mạn nghĩ về người, về mình, về cõi sắc không, về ước vọng của một năm mới…
Rất có thể, tản mạn sẽ đưa bạn đến với một trong những thứ mà bạn vừa thấy trong chùa. Đó là bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát, thường được nhớ đến ở dạng nghìn mắt nghìn tay, trong mỗi bàn tay, lại có một con mắt. Lúc đó, có thể sẽ như tôi, bạn sẽ hỏi: vì sao lại nghìn mắt nghìn tay, chứ không phải là nghìn gì khác? Liệu có thông điệp nào của người xưa ẩn dấu trong bức tượng khác thường này?
Với người Việt, trong số những vị Phật và Bồ Tát, thì Phật Bà là gần gũi thân thương hơn cả. Mỗi khi gặp khó khăn thì người ta lại kêu cầu đến Phật Bà chứ không phải là Đức Phật nào khác. Cho đến giờ, đã có nhiều lý giải cho điều này, nhưng xem chừng vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng, ít nhất là với người viết bài này.
Vậy thì làm thế nào bây giờ? À, tốt nhất là làm theo lời Phật dạy: Đừng tin gì cả, hãy tự tìm lý giải cho mình.
Hãy bỏ qua sự tích, lai lịch, ý nghĩa và những giảng giải xưa nay về bức tượng này, để tập trung làm một việc thôi. Đó là hãy ngằm nhìn bức tượng kì lạ này như ta vốn thấy bằng mắt thường, rồi thong thả lần dò xem có điều gì ẩn dấu trong đó hay không?
Về hình tướng, thì tượng Phật Bà khác thường hơn hết thảy so với những bức tượng Phật khác: thay vì chỉ có hai mắt hai tay như các vị khác, tượng Phật Bà lại có đến những nghìn mắt nghìn tay. Liệu sự khác thường này có chỉ dấu gì cho việc người ta thường xuyên kêu cầu đến Phật Bà mỗi khi gặp khó khăn hay không? Nói cách khác, hình tướng nghìn mắt nghìn tay của Phật Bà như chúng ta thấy có phải là kết tụ của một tâm thức xã hội nào đó hay không?
Lần lại những dao tục ngữ, nơi được coi là kết tinh của kho tàng kinh nghiệm bình dân, ta thấy có câu: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Điều đó cho thấy, dân ta đánh giá rất cao tầm quan trọng của hai bộ phận taymắt. Muốn làm giàu thì phải có con mắt quan sát, phải biết nhìn ra cơ hội. Còn muốn vượt qua khó khăn thì phải nhờ đến đôi bàn tay, phải chăm chỉ làm lụng. Có phải vì thế mà mỗi khi gặp khó khăn quá lớn, không thể tự vượt qua, người ta lại nhớ đến Phật Bà – người có nghìn mắt nghìn tay –tức người có quyền năng lớn hơn người thường gấp nghìn lần, để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đã có người hỏi, vì sao không phải là nghìn mắt nghìn tai, liệu có sai sót nhầm lẫn gì giữa taitay ở đây không? Vì để biết được chúng sinh đang trầm luân bể khổ, thì không gì bằng thấy và nghe. Thấy bằng mắt, nghe bằng tai, nên nghìn mắt thì nên có nghìn tai tương ứng?
Rồi ta có thể đi xa hơn một chút nữa: vì sao nhân gian lại muốn người nghìn mắt nghìn tay làm Đấng cứu độ mà không phải là nghìn mắt nghìn tai, nghìn mắt nghìn mồm hay nghìn mắt nghìn gì khác nữa?
Ví như Đấng cứu độ có nghìn nghìn mồm, thì dân chúng chắc là hoảng sợ mà bỏ chạy hết. Các cụ đã chẳng nói miệng ăn núi lở đó sao. Mới chỉ có một miệng mà đã ăn lở cả núi, thì nếu có nghìn mồm, lại có cả nghìn con mắt để kiếm tìm, thì chắc là ăn hết cả xã tắc sơn hà.
Lại nữa, mỗi người mới chỉ có một miệng mà tiếng thị phi tranh cãi đã thấu đến trời xanh, nay lại có nghìn miệng thì chắc nhân gian chìm trong mớ hỗn thanh mà chết. Nên nhất định, Đấng cứu độ chúng sinh không thể có nghìn mắt nghìn mồm được.
Vậy nếu Ngài có nghìn mắt nghìn tai thì sao? Ngài có nghìn mắt để thấy chúng sinh trầm luân bể khổ, mỗi người một cách, có nghìn tai để nghe chúng sinh kêu than, mỗi người một kiểu. Đúng là rất hữu hiệu. Nhưng sau đó thì Ngài làm gì? Sẽ không làm được gì cả, vì Ngài đâu có tay để mà hành động. Sự tồn tại của Ngài phỏng có ích gì?
Vậy nên, Ngài có nghìn mắt nghìn tay là thích hợp hơn hết. Nghìn mắt để thấu hiểu nghìn hoàn cảnh khác nhau, để nhìn nỗi khổ đau của chúng sinh bằng đôi mắt của chính họ. Nghìn tay để hành động. Vì thấu hiểu rồi mà không làm gì cả thì thấu hiểu đó liệu có ích gì?
Nhưng để nhìn được như vậy, thì chỉ cần một đôi mắt là đủ, để cứu giúp thì chỉ cần một đôi tay là đủ, cớ sao phải dùng đến nghìn mắt nghìn tay cho thêm phiền phức?
À, thì ra để nhìn và hiểu chúng sinh, thì không thể chỉ dùng nhãn quan của chính mình. Phải nhìn bằng đôi mắt của họ, theo cách nhìn của họ, quan điểm của họ thì mới thấu hiểu được. Thấu hiểu rồi thì mới hành động cứu giúp được. Mà hành động cứu giúp này cũng phải tương ứng với sự thấu hiểu của từng tình huống. Nên có lẽ vì thế, người xưa đã để mỗi con mắt trong một lòng bàn tay tương ứng.
Phật Bà nghìn mắt nghìn tay có thật hay không, còn là điều khó lòng kiểm chứng, và thực ra cũng không quan trọng. Điều quan trọng là trong xã hội xưa, và cả ngày nay, thì người có thể tác động ngay lập tức đến số phận của dân chúng và có thể ra tay cứu giúp dân chúng là các bậc quan quyền. Nhưng có phải cửa quan xa xôi, người dân thấp cổ bé họng khó lòng nói nên ước vọng của mình, nên họ phải nhờ đến hình tượng Đức Phật nghìn mắt nghìn tay để gửi gắm.
Nếu vậy, thử suy đoán xem họ gửi gắm điều gì?
Họ muốn người công quyền hãy có nghìn con mắt khác nhau, để thấu hiểu cuộc đời bằng nghìn góc nhìn, nghìn quan điểm khác, chứ không phải là góc nhìn và quan điểm của kẻ làm quan. Chấp nhận nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau để thấu hiểu cuộc đời có thể gọi là gì, nếu không phải là dân chủ - theo ngôn ngữ hiệnđại: dân chủ trong nhận thức, không áp đặt quan điểm của mình cho kẻ khác.
Họ muốn người công quyền có nghìn đôi tay khác nhau, để làm theo nghìn cách khác nhau với mỗi trường hợp cụ thể. Làm theo nghìn cách khác nhau chứ không phải theo cách của nhà quan thì có thể gọi là gì, nếu không phải là dân chủ: dân chủ trong hành động, không áp đặt cách làm của mình cho kẻ khác.
Lại nữa, mỗi con mắt lại nằm trong lòng bàn tay, điều này có ý nghĩa gì? Có thể là gì khác, nếu không phải là: đã thấy thì phải hành động. Nếu người công quyền đã có dân chủ trong nhận thức, thì phải có dân chủ trong hành động nữa, thì mới có thể cứu vớt chúng sinh. Chứ nếu chỉ thấy thôi rồi bỏ đó, hoặc cái thấy và cái làm không tương khớp với nhau, thì cái thấy đó cũng chỉ là cái thấy vô nghĩa, kẻ công quyền đó cũng chỉ là kẻ vô tác dụng.
Như vậy, phải chăng ẩn dấu sau bức tượng nghìn mắt nghìn tay này là một ước vọng sâu xa về dân chủ - dân chủ trong nhận thức và hành động - mà người dân xưa gửi đến kẻ quan quyền? Ước vọng này qua bao đời vẫn còn nóng bỏng, vẫn được kì vọng sẽ là Đấng vạn năng cứu độ chúng sinh, nên mỗi lần gặp khó khăn hoạn nạn, chúng sinh vẫn kêu cầu đến?
Lại giật mình đánh thót, nếu có nghìn mắt nghìn tay mà không phải là để cứu giúp, mà là để soi tìm vơ vét khắp nhân gian, thì ôi thôi, người mà chúng sinh tưởng là Đấng cứu độ thì lại hóa ra nguồn khổ đau đại họa.
Ôi cõi đời u mê! Hình tướng giống hệt nhau mà người là Đấng cứu độ, kẻ mang tên Đại họa, làm sao chúng sinh phân biệt bây giờ?
Đành làm theo lời Phật dạy: Đừng tin gì cả, hãy đốt đuốc lên mà tự soi sáng cho mình.
Giáp Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét