Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Thượng tầng kiến trúc và hạ tầng kinh tế ngày nay




Trong chưa tới mười năm Hãng Apple đã bán hơn 1 tỷ iPhone trên khắp thế giới.
http://bfmbusiness.bfmtv.com/entreprise/1-milliard-d-iPhone-vendus-en-9-ans-quels-produits-font-mieux-qu-Apple-1034396.html
Khi iPhone 7 chào đời, nội tuần đầu, Apple bán được hơn 10 triệu cái, cũng trên khắp thế giới. Khách hàng phải ghi tên sắp hàng trước mới mua được.
Để hoàn thành một cái iPhone, người ta sử dụng nguyên liệu, linh kiện tới từ khoảng 150 quốc gia, cuối cùng lắp ráp tại Trung Quốc rồi bán khắp thế giới.
Một cái iPhone dùng khoảng 250 000 bằng sáng chế (brevets).
https://www.igen.fr/iPhone/2016/12/le-cout-invisible-et-eleve-des-licences-de-brevets-dans-les-smartphones-98303
e tutti quanti.
Tư bản toàn cầu hoá là như thế.
Thế nghĩa là gì ?
1/ Ba bốn chục năm qua, lực lượng sản xuất đã phát triển và xã hội hoá với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Đòn bẩy của sự phát triển đó đương nhiên là kiến thức khoa học, cũng đang bùng nổ với một tốc độ chưa từng thấy.
Đưa kiến thức khoa học vào những quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh, để không ngừng phát triển lực luợng sản xuất, theo Marx cách đây hơn 150 năm, là "nhiệm vụ" lịch sử của phương thức sản xuất tư bản. Ít có "sản phẩm" nào có tính chất xã hội cao bằng kiến thức khoa học : nó do vô vàn người tạo ra, xuyên qua vô vàn thế kỷ và nó là của bất cứ ai có khả năng học, tiếp thu, sử dụng và phát triển nó.
2/ Một thị trường tương xứng
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một thị trường tương xứng để tồn tại, phát triển : thị trường toàn cầu ở cả hai khâu :
a/ thị trường hàng hoá, vừa để mua nhanh và rẻ tất cả những phương tiện sản xuất cần thiết, vừa để bán sản phẩm với giá cao nhất, mang lại tỷ lệ lời cao nhất. Không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có thể một mình đáp ứng đòi hỏi trên.
b/ thị trường sức lao động, để "mua" vừa nhanh vừa rẻ tất cả những người làm thuê có những kiến thức và kỹ năng đủ mặt, đủ trình độ, để sản xuất sản phẩm loại ấy.
Thị trường tương xứng với lực lượng sản xuất ở mức mới này được gọi là thị trường toàn cầu và nền kinh tế nó biểu hiện thì gọi là kinh tế thị trường toàn cầu hoá. Nó là hình thái đã hình thành, còn đang phát triển của phương thức sản xuất tư bản ở mức toàn cầu xuyên qua nhiều thượng từng kiến trúc như : OMC, UE, các hiệp ước kinh tế chính trị giữa các vùng địa lý, giữa các lục địa, v.v. Thế thôi. Cũng đủ chết người, không ít, và tha hoá con người, cũng không ít. Nhưng chẳng thể vòng tránh được.
3/ Một hình thái quan hệ sản xuất "mới"
Một lực lượng sản xuất như thế đòi hỏi một hình thái quan hệ sản xuất tương xứng để tồn tại, phát triển : Tư bản tài chính – Người làm thuê.
Từ thế kỷ 19 cho tới nửa đầu thế kỷ 20, ở Châu Âu, người ta quen hình dung quan hệ sản xuất tư bản dưới hình thái : Chủ Xí Nghiệp – Công Nhân (Patron–Ouvriers). Dễ hiểu : đó là thời đại tư bản công nghiệp ở mức Quốc Gia thống trị những nền kinh tế. Tư bản thường hiện thân như những nhà máy đồ sộ với hàng nghìn công nhân và một ông chủ, vừa là Chủ tư bản đích thực của xí nghiệp (Tư bản sở hữu), vừa là Giám đốc chỉ huy toàn bộ sinh hoạt sản xuất và kinh doanh của xí nghiệp (tư bản chức năng). Hình thái tư bản này khó có khả năng dung dưỡng và phát triển những lực lượng sản xuất mới kiểu trên. Tuy vậy, nó vẫn còn tồn tại ở mức rất đáng kể. Ở Pháp, còn có vài ông chủ tư bản lớn cỡ quốc tế kiểu ấy.
Hình thái tư bản thống trị thế giới ngày nay, tư bản tài chính, đã hình thành ngay trong thế kỷ 19 ở Châu Âu, xuyên qua những ngân hàng và những công trình đồ sộ đòi hỏi vốn đầu tư không cá nhân nào có được : những đường xe lửa xuyên lục địa, những Kênh Suez, e tutti quanti.
Tư bản tài chính có mấy đặc điểm sau :
a/ nó là một số tiền khổng lồ có thể vượt PIB của nhiều quốc gia trên trái đất này.
b/ quyền xử dụng nó không tuỳ thuộc quyền lực chính trị của Nhà Nước nào, mà là quyền lực "tư nhân", quyền lực "tư hữu", nhưng không là quyền lực của ông chủ lớn nhất nào. Ngoại lệ : tư bản nhà nước, Fonds Souverains, đặc biệt các "nước dầu lửa", Na Uy, Trung Quốc… :
https://www.google.fr/search?client=firefox-b&dcr=0&q=fond+souverain+classement&sa=X&ved=0ahUKEwj_1unUspjXAhXJ1qQKHWqYBUMQ1QIIgQEoAg&biw=1101&bih=622
c/ chủ đích thực của nó đông lúc nhúc, thành ra vô danh, vô diện, vô lực.
Ta đang nhân chuyện iPhone tán gẫu, vậy lấy Hãng Apple làm thí dụ. Chủ của nó là ai ? Bạn nào cho tôi một dáp án thoả đáng, tôi ngả mũ chào. Nó thế này :
https://www.zonebourse.com/APPLE-4849/societe/
– 99.99% chủ nhân của Apple có thể thay tên đổi dạng bất cứ lúc nào. Những Tim Cook, Steve Jobs, về mặt này, chỉ là tiểu chủ vặt, rêu rao cho bàn dân ồ mê ly, mê ly đời ta thôi.
– 10 chủ nhân lớn nhất (từ 6.64% cổ phiếu tới 0.80% cổ phiếu !) không là ai cả, là những công ty kiểu Apple đằng sau đó có một đống chủ nhân như… Apple !
Marx đã từng nhận định sắc bén, than ôi triết : Tư Bản, tự nó là một thực thể xã hội tính (le capital, en soi, est un être social) : nó do lao động của nhiều người mà hình thành, nó vận động được nhờ lao động phối hợp của nhiều người.
Quá trình xã hội hoá của tư bản cũng là quá trình vô nhân hoá nó : 1 cổ phiếu của Steve Jobs trong Apple = 1 cổ phiếu của… The Vanguard Group, Inc. Thế thôi.
d/ Vai trò đặc thù của Tư bản chức năng
Trong hoàn cảnh như thế, ai có thể làm sếp những Hãng kiểu Apple ?
Những người khiến nó có khả năng sản xuất, buôn bán, có lời, phát triển, qua đó khiến tiền của các ông chủ đích thực của tư bản tài chính ung dung tiến bước trên con đường : Tiền → Tiền' ; Tiền' > Tiền .
Ông Steve Jobs thuộc loại người như thế. Ông chỉ là chủ của 0.5% cổ phiếu của Apple :
http://www.boursier.com/actualites/economie/les-petits-secrets-de-steve-jobs-enfin-reveles-10393.html
nhưng ông là lãnh đạo hành sự tối cao, không ai phản đối, của Apple trong nhiều năm. Steve Jobs, Tim Cook và những người cộng tác viên của họ trong ban lãnh đạo (executive board) của Apple là hiện thân của tư bản chức năng, là những người có khả năng thúc đẩy tư bản vận động, tiền đẻ ra tiền. Họ có quyền lực không nhờ làm chủ nhiều cổ phiếu mà nhờ tài năng : sáng tạo, tổ chức, quản lý, quảng cáo, buôn bán… Ở một số nước, Pháp chẳng hạn, một trong những tài năng quyết định là tài năng xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ với… quyền lực chính trị và tài chính !
Càng ngày hai bộ mặt xưa kia thống nhất của tư bản, Tư bản sở hữu và tư bản chức năng, càng tách rời nhau. Tư bản sở hữu dĩ nhiên nắm quyền quyết định cuối cùng trong Ban Quản Trị (Conseil d'administration) của Hãng : ai gom được nhiều cổ phiếu nhất theo phe mình, người ấy quyết định. "Anh" Tư bản sở hữu có thể đuổi tổng giám đốc bất cứ lúc nào. Nhưng sau đó, làm gì để khiến tiền đẻ ra tiền ? "Thuê" một anh tư bản chức năng khác ! "Anh" Tư bản sở hữu, xét cho cùng, là một đống tiền vô danh vô diện, không có khả năng điều khiển cụ thể một Hãng lớn nhỏ nào cả. Ngược lại, anh tư bản chức năng, dù chỉ là chủ của một cổ phiếu thôi[1], là người cần thiết để đảm bảo sự vận hành của tư bản.
Tình hình trên đặt ra một câu hỏi : phải chăng quá trình phát triển của phương thức sản xuất tư bản đã khai sinh ra một giai cấp mới, hoàn toàn không có định nghĩa trong quan hệ sản xuất của Marx : giai cấp tư bản chức năng ?
Nếu có, "Mâu thuẫn" tay ba giữa tư bản sở hữu, tư bản chức năng và người làm thuê sẽ vận động thế nào ? Điều chắc chắn, đó không là chuyện chữ nghĩa hão : chỉ nhìn những hục hặc túi bụi giữa bộ chưởng bộ kinh tế và tài chính Pháp Macron (thời Hollande), đại diện cho Nhà Nước Pháp, chủ 20% cổ phiếu của Hãng Renault, với Tổng giám đốc của Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn, cũng đủ thấy : không phải chuyện đùa và không phải ông Macron thắng ! Có nhiều ví dụ khác.
Mâu thuẫn giữa tính xã hội ngày càng sâu rộng của lực luợng sản xuất và tính tư hữu trong quan hệ sản xuất có thể vận hành ra sao ? Điều chắc chắn, mâu thuẫn này, ngày nay, bao gôm mâu thuẫn giữa quyền lực kinh tế phi quốc gia của tư bản tài chính và quyền lực chính trị quốc gia ở mọi nước. Nó thể hiện rõ trong mâu thuẫn giữa chủ quyền quốc gia định đoạt đường lối kinh tế của một nước với những rằng buộc của những hiệp định siêu quốc gia trong những tổ chức quốc tế. Thí dụ : mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc của Liên Hiệp Châu Âu (Union Européenne) với thượng tầng kiến trúc của từng nước trong UE trong quyền lập pháp. Coi tình hình ngày càng hỗn loạn của UE trong mấy năm qua thì thấy.


Phan Huy Đường
2017-10-29




[1] theo luật pháp của Pháp, anh tổng giám đốc (Directeur Général, PDG) một hãng phải có ít nhất một cổ phiếu mới có tư cách đại diện giới chủ đối với người làm thuê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét