Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Hồi ký lúc suy tàn: lục lại đủ loại tình, trừ tình yêu nghệ thuật




Quỳnh Vy





Hí họa của Mert Gurka

Cả hai diễn viên Chánh Tín và Thương Tín đều đóng phim Ván Bài Lật Ngửa. Sau mấy chục năm sống trong hào quang điện ảnh, họ đã cùng nhau lần lượt lật ngửa cuộc đời cho hàng triệu khán giả săm soi.

Tôi xin nói thẳng là tôi chưa cầm trên tay cuốn hồi ký của Thương Tín. Tôi chỉ đọc các trích đoạn đăng nhiều kỳ trên báo mạng. Tôi ngạc nhiên quá! Vì ông Thương Tín chỉ kể lể về các cuộc tình. Tình một đêm. Tình rủ rê ngủ lại. Tình hờ. Tình cưới hỏi. Tình nhân… Đủ các thể loại tình. Nhưng đúng như nghệ sĩ Lê Khanh có nhận xét, không có chút nào về tình yêu điện ảnh và sân khấu.

Thời sáng chói lẫy lừng của diễn viên Thương Tín là thời xã hội còn bao cấp, thời mà việc đi coi phim là một món ăn còn hiếm ai muốn thưởng thức. Các rạp hát cũ kỹ còn tồn tại từ thời trước năm 75. Lúc đó, chưa có kỹ xảo dàn dựng. Phim trường còn thiếu thốn. Kinh phí thì nghèo nàn. (Có những thước phim bây giờ khi xem lại thấy chạnh lòng thay cho diễn viên lẫn đạo diễn). Lúc đó, cũng chưa có các rạp phim hiện đại sang trọng như bây giờ. Và cũng chưa hề có blog, có trang xã hội để khi xem phim xong, ta cùng bạn bè leo lên mạng tha hồ múa phím vui tưng bừng cùng nhau.

Vậy thì tại sao, cả chị Ghost Writer lẫn diễn viên Thương Tín không kể lại cho mọi người cùng biết? Biết đâu, cuốn hồi ký sẽ ngồn ngộn chất chứa nhiều chi tiết lịch sử cho nền điện ảnh Sài Gòn trong thập niên 1980? Có phải vì cả hai người không dám kể đúng, kể thật những chi tiết dễ gây đụng chạm và làm mất lòng ông này bà kia? Dễ bị kéo kiểm duyệt dùng quyền hạn cắt cái rẹt không nương tay?

Để rồi cả hai người, người viết lẫn người kể, đã tha hồ tấn công vào các người đàn bà trong quá khứ. Mà theo quán tính và hủ tục của Á đông, không một phụ nữ nào dám mở miệng thanh minh một câu gì!!!




Tôi đọc trên báo lời phân trần của diễn viên Thương Tín, rằng chị Ghost Writer đã chủ động gợi ý cho anh việc đồng ý cho chị ấy viết hồi ký, để anh có chút tiền lo cho con gái. Tôi thấy diễn viên Thương Tín nên có thêm nick name là Đổ Văn Thừa. Anh Thương Tín à! Anh tưởng đâu anh là vỏ quýt dầy, nhưng ở đời cũng có móng tay nhọn. Vả lại, yếu tố giật gân sẽ bị họ khai thác triệt để thì mới bán sách được chứ, phải không?

Người phụ nữ khôn ngoan đầy bản lĩnh
Đó là diễn viên Diễm My. Người phụ nữ mà Thương Tín kể lại là đã từng là người tình, là người đã rủ anh ngủ lại đêm ở nhà riêng. Cô Diễm My đến tham dự buổi ra mắt hồi ký. Cô ăn mặc model. Cô trang điểm xinh tươi. Cô lại xuất hiện tại chỗ ấy bằng dung mạo thật yêu kiều rạng rỡ trước một Thương Tín gầy gò, hom hem, xuống sắc. Cô rất biết cách núp bóng tùng quân. Khi suốt buổi trò chuyện, một điều nàng nhắc về chồng, hai điều cô cũng kể về chồng. Nào là chồng khuyên hãy đến dự buổi ra mắt hồi ký của tình cũ chứ đừng gởi điện hoa. Vì em mới là bó hoa đẹp nhất tươi nhất. Nào là chồng đặt vé máy bay cho cô.

Diễm My quả thực là một phụ nữ rất đẹp và cũng rất khôn ngoan.

Ông bác sĩ nào vậy?

Ông bác sĩ nào đã vi phạm lời thề Hippocrates khi tè le hột me kể cho Thương Tín biết một cô bồ của anh đã từng đi phá thai 4, 5 lần? Chi tiết phá thai 4, 5 lần cũng bị Thương Tín lẫn Ghost Writer đưa vào hồi ký. Và họ nhai đi nhai lại nhiều lần trong các bài phỏng vấn.

Nhưng ta không thể không thắc mắc:

1. Ông bác sĩ của vài chục năm trước, nay còn sống hay không?
2. Lời kể lể của ông bác sĩ lắm lời về bệnh nhân đúng được mấy phần trăm sự thật?
3. Diễn viên Thương Tín thuật lại lời nói của ông bác sĩ đúng sự thật mấy phần trăm?



Có con rồi sao không lo để đức?
Người Việt Nam thường có quan niệm “Sống tốt để đức lại cho con”. “Con gái nhờ đức cha. Con trai nhờ đức mẹ.”

Cái lối sống quan hệ với quá nhiều phụ nữ để rồi sau đó vin vào lý do phải trung thực với quá khứ, kể lể chi tiết giường chiếu quá kỹ, nêu rõ đích danh từng người…. thì ông bà xưa cũng có câu này để mô tả hạng người này:”Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”. Đó là một lối sống không để lại đức.

Ngoài ra…

Diễn viên Thương Tín khi đặt bút ký hợp đồng bán hồi ký, có tìm hiểu xem bản quyền sách sẽ thuộc về ai? Nếu sách tái bản, anh có được nhận tiền thêm nữa hay không? Bao nhiêu phần trăm nhuận bút anh sẽ được nhận thêm? Hay là anh chỉ được quyền nhận tiền vỏn vẹn một lần chừng ấy thôi?

Anh có nhờ luật sư nào hỗ trợ và tư vấn hay không?






*
“Đời giông bão”. Tên của hồi ký là như vậy. Dù cho giông bão cay đắng ra sao, nhưng một khi đã dám chơi thì phải dám chịu chớ. Nỡ nào khi đã suy tàn còn gây giông bão lên cuộc đời những hai chục người tình cũ, và giông bão cả tương lai của đứa bé con mới có mấy tuổi đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét