Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

BÀI HỌC VỀ SỰ NỔI GIẬN CỦA NGƯỜI VIỆT





Tác giả: Xuân Dương

Nước Việt ta kể từ ngày dựng cờ lập quốc, vung gươm mở cõi, chưa bao giờ nước rộng, người đông như ngày nay.

Người Việt trải mấy nghìn năm lịch sử, cay đắng và oanh liệt song hành, ngoại bang xâm lược nào cũng đánh thắng, chỉ thua mỗi chính mình.

Trong chiến tranh giữ nước, người Việt có đủ đức hy sinh, tình đoàn kết và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Quyền lực trị quốc và vai trò Quân vương
Tiếc thay, và có lẽ đó cũng là điều tiếc nhất, trong gần nửa thế kỷ xây dựng kinh tế người Việt dần đánh mất niềm tin vào một bộ phận (khá đông đảo) những người lãnh đạo cũng như không ít định hướng sai lầm trong chỉ đạo, điều hành.

Tình đoàn kết, nghĩa cộng đồng bị mai một mà câu chuyện nông dân “trồng hai luống rau”, cán bộ trồng rau trong nhà (để khỏi phải ăn rau bẩn) chỉ là một trong nhiều biểu hiện.

Thua do mình tự làm hại mình thì còn biết trách ai?

Làm vua, làm lãnh đạo hay dân đen rồi cũng đến lúc chỉ còn ba tấc đất, khác chăng là có người danh lưu trong sách, kẻ khác tiếng để trên đời.

Làm quân vương tránh cho đất nước khỏi binh đao, khỏi cảnh nồi da nấu thịt là vua sáng; tránh cho dân tộc khỏi nỗi sỉ nhục kiếp nô lệ, khiến bất kỳ kẻ ngoại bang nào cũng không dám khinh nhờn, khiến người dân ra nước ngoài có thể ngẩng cao đầu mới là đấng minh quân.

Lãnh đạo một quốc gia, không thể là lãnh đạo một nhóm người, càng không thể là lãnh đạo một dòng tộc.

Đem cái lợi ích của dòng tộc, của thiểu số mà gán cho quốc gia, dân tộc không phải là cách làm của người có tầm nhìn xa trông rộng, càng không phải là cách làm của bậc vĩ nhân.

Suốt chiều dài lịch sử, thời cơ, vận hội của mỗi quốc gia, dân tộc như chim trên trời, như cá dưới nước, không níu kéo được nó sẽ vuột mất.

Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Báo Hà Nội Mới
Người Việt bước vào năm 2018 với nhiều thành công về kinh tế, với những chuyển biến bước đầu về phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn đó nỗi đau của cuộc chiến chống xâm lược đầu xuân năm 1979, của vết thương chiến tranh vẫn chưa lành trong gia đình hơn 500.000 liệt sĩ chưa tìm được danh tính, của di chứng chất độc da cam trong thế hệ sinh sau ngày thống nhất đất nước,…

Phải chăng điều quan trọng nhất trong đồ thị hình sin của sự thăng trầm là chúng ta đã vượt qua điểm cực tiểu, đã bắt đầu một chu kỳ cất cánh mới?

Vậy cực tiểu của tình trạng kinh tế xã hội là gì?

Là sự làm ăn thua lỗ triền miên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà nguyên nhân chính là sự yếu kém của những người được giao trọng trách quản lý.

Là tình trạng tham nhũng của một bộ phận không hề nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên đến mức nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải nói: “Họ ăn của dân không từ một cái gì”!

Là những quy định mà Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. [1]

Là tình trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức khiến ba ngày tết cũng vẫn có cảnh nổ mìn, giết người khiến cả xã hội bất an.

Là một nền giáo dục mù mờ về định hướng và rối loạn về phương pháp.

Liệt kê hết những “tham nhũng vô bờ” mà một bộ phận chức quyền thực hiện suốt mấy chục năm qua cứ như một giấc mơ hãi hùng khiến đời sau không dám tin nước Việt văn hiến có lúc lại như thế.

Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc
May thay điều đó đang bắt đầu biến chuyển.

Năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020.

Lo kinh tế là quan trọng, lo định hướng còn quan trọng hơn.

Chớp mắt một cái đã gần hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Vậy đâu là định hướng của nước Việt ba mươi năm tới, khi nửa thế kỷ đâu tiên của thiên niên kỷ thứ ba sẽ trôi qua?

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là gì? Có phải đã được giải thích bởi các đặc trưng: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”?

Suốt ba kỳ đại hội, từ Đại hội Đảng lần thứ 10 đến Đại hội 12, định hướng xây dựng nước Việt Nam là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Có nhất thiết phải có sự khác nhau giữa tên nước và tiêu chí xây dựng đất nước?

Liệu có bộ tiêu chí nào ngắn gọn nhất nhưng lại kết hợp đầy đủ cả “Độc lập, tự do, hạnh phúc” với “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”?

Đích đến của Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” có gì khác với tiêu chí của các nước tiên tiến trên thế giới?

Nếu khác thì cần một con đường mới, nếu không khác thì có nên học tập, đi tắt, đón đầu để rút ngắn thời gian và công sức mà lại tránh được rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra?

Quá nhiều tiêu chí quốc gia là văn minh hay manh mún?

Một đất nước diện tích hơn 300.000 km2 mà có tới 63 tỉnh, thành phố là văn minh hay manh mún?

Một nền giáo dục mà có tới ngót trăm đơn vị chủ quản bao gồm các tỉnh, bộ, ngành, tập đoàn, tổ chức chính trị xã hội là văn minh hay manh mún?

Một Chính phủ vừa quản lý, vừa kinh doanh là văn minh hay manh mún?

Sống trong một “không gian manh mún” tầm suy nghĩ của con người liệu có được rộng mở, có thoát khỏi tâm lý chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng?

Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Người Việt xưa bị ngoại bang đô hộ hàng nghìn năm, tồn tại là mục tiêu duy nhất.

Có tồn tại, không bị đồng hóa, mới giữ được ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, mới quật khởi hết thế hệ này đến thế hệ khác để giành tự do, độc lập.

Ngày nay, người Việt không thể sống theo kiểu “tồn tại” cổ xưa, không thể duy trì nòi giống bằng bất kỳ giá nào.

Mỗi cá nhân – hay suy rộng ra cả một chủng tộc – không thể có trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể còi cọc.

Khi mà nhân loại bước vào kỷ nguyên số, khi nền kinh tế thế giới trở thành nền kinh tế tri thức thì sự còi cọc về thể chất chính là rào cản cho sáng tạo.

Định hướng cho tương lai phải chăng cần phải là chiến lược phát triển con người cả tầm vóc, lòng tự tin và trí thông minh?

Thế giới ngày nay gọi là văn minh, nhưng các nước lớn vẫn âm mưu chia chác trên lưng nước yếu (chứ không phải nước nhỏ).

Nước nhỏ mà có sức mạnh, kinh tế phát triển thì mọi âm mưu sau lưng họ đều phải dè chừng.

Xóa mặc cảm là một nước nghèo, khơi dậy lòng tự tin, giải phóng sự sáng tạo của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ, khích lệ người lao động tự làm chủ vận mệnh của mình,…

Phải chăng đó chính là định hướng mà bất kỳ người lãnh đạo cũng phải ghi nhớ?

Trên thế giới này, những nhân vật vĩ đại nhất như Phật tổ, Chúa Giê-su, Thánh Ala, Khổng tử,… không người nào nắm vương quyền, cũng chẳng ai chinh chiến đánh đông dẹp bắc, họ đều là những nhà tư tưởng, những người truyền bá lòng vị tha, tính cộng đồng và tôn trọng sự đa dạng sinh học của thế giới.

Vấn đề là niềm tin mà họ quảng bá được quần chúng tự nguyện đón nhận chứ không phải bằng những lợi ích vật chất vẽ ra một cách hào nhoáng, càng không phải bằng các biện pháp cưỡng chế.

Giáo hội Thiên chúa đã từng dùng dàn thiêu và các hình phạt khắc nghiệt đối với những tín đồ có chính kiến khác với giáo lý chính thống.

Nhà thiên văn học Galileo Galilei bị Tòa án Dị giáo kết án chung thân vì ông cho rằng trái đất tròn và quay quanh mặt trời.

Phải mất gần 400 năm, sau nhiều cân nhắc, Tòa thánh Vatican mới đi đến quyết định xóa án cho Galileo, gián tiếp nhận lỗi và công nhận hình phạt dành cho Galileo là sai.

Mỗi tôn giáo, mỗi thể chế chính trị ngay khi bắt đầu nắm quyền lực trong tay cũng đồng thời tạo ra lực lượng ủng hộ và chống đối.

Sự tồn tại của hai lực lượng đó chính là động lực của sự phát triển, điều này được khẳng định trong quy luật Mâu thuẫn, một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lênin.

Sẽ là ngây thơ nếu mong muốn cả cộng đồng đều nhìn về một hướng, đều răm tắp tuân theo một hiệu lệnh.

Phủ nhận hay không chấp nhận những quan điểm trái chiều trong dân chúng không chỉ là sai lầm về chiến lược trị quốc mà còn nguy hiểm bởi nó đi ngược mọi quy luật phát triển xã hội loài người.

“Khen đúng chỉ là bạn ta, chê đúng mới là thày ta”, nếu người lãnh đạo chỉ muốn nghe lời khen, họ có thể có nhiều bạn nhưng họ sẽ không có thày, điều này đã được tiền nhân cảnh báo “không thày đố mày làm nên”.

Có hai đối tượng mà người đứng đầu nên sợ: “Sợ dân và sợ chính mình”.

Sợ dân để biết cách làm theo ý dân, để đừng bao giờ xem dân như đối tượng cai trị chứ không phải chủ nhân đất nước.

Sợ chính mình để không phạm sai lầm, để không bị hào quang quyền lực làm lóa mắt, để không vì phe nhóm của mình mà xem nhẹ sơn hà, xã tắc.

Chúng ta nói nhiều về các “nhóm lợi ích” nhưng chưa chỉ ra được cụ thể đặc điểm của những nhóm đó là gì.

Cũng tương tự khái niệm “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa biến chất nhưng chưa chỉ rõ là những ai, nằm ở đâu?

Nếu khẳng định ở Trung ương không có chuyện chạy chức, chạy quyền như ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì rõ ràng “bộ phận không nhỏ” hay “nhóm lợi ích” chỉ còn lại ở địa phương, ở các bộ ngành, liệu điều này có hoàn toàn chính xác?

Cuộc chiến chống nội xâm mà cụ thể là chống lại các “nhóm lợi ích” chưa đạt thắng lợi cuối cùng cho thấy có nhiều điều cần được nghiên cứu, hoàn thiện.

Quan trọng nhất hiện nay là xác định “nhóm lợi ích” nào là “mạnh” nhất, có khả năng chi phối cả kinh tế lẫn chính trị – và đương nhiên là cả khả năng chi phối các “nhóm” khác.

Nếu không hoặc chưa xác định được “nhóm lợi ích” đầu sỏ, nếu cứ tập trung vào một số nhóm lợi ích “râu ria” thì khó tránh bị nhân dân nghi ngờ chúng ta mới chỉ đang “ném đá ao bèo”.

Các vụ xem xét kỷ luật, các vụ án điểm liên quan đến ngành ngân hàng, đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đến một số cán bộ lãnh đạo cao cấp vừa được xét xử cho thấy đây mới chỉ là những trận đánh mang tính thăm dò đối phương – nói theo ngôn ngữ quân sự là các trận đánh nghi binh.

Trận đánh lớn cuối cùng phải là vào hang ổ của tham nhũng, của nhóm lợi ích, vào thành trì vốn rất khó nhận diện của giặc nội xâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chống nội xâm khó vì là ta tự đánh vào ta”, cuộc chiến này càng khó hơn vì có lúc “ta” ở đây lại là những hậu duệ hoặc người đã nghỉ hưu chứ không chỉ là những “đồng chí chưa bị lộ”.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khi bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng đã có câu nói nổi tiếng:

“Phải chuẩn bị 100 quan tài, 99 chiếc cho các quan chức tham nhũng và một dành cho bản thân”. [2]

Câu nói của ông Chu Dung Cơ cho thấy chống nội xâm với hành trang là sự liêm khiết chắc chắn chưa đủ mà còn cần dũng khí và sự hy sinh.

Khi người ta ở vào tuổi “cổ lai hy” sống thêm năm nào “lãi” năm ấy thì có gì phải sợ, thế nên người viết tin rằng trong vòng 5-10 năm tới, nhất định cuộc chiến “ta đánh vào ta” sẽ đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, sẽ dạy cho đám sâu mọt bài học về sự nổi giận của người Việt.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/…/thu-tuc-hanh-chinh-voi-dan-gio-cay-n…

[2]http://danviet.vn/…/cuu-thu-tuong-chu-dung-co-tai-xuat-voi-…

———–

http://giaoduc.net.vn/…/Bai-hoc-ve-su-noi-gian-cua-nguoi-Vi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét