Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

“Tỉnh dậy trong mưa”


 Mai Văn Phấn




1.

Mở cửa trong ngày mù trời
Mưa bụi ùa vào ẩm ướt

Khơi lửa lò
Cho khô nhanh áo khăn
Nhung nhớ

Nuốt ngụm môi em
Đầu trần ngó qua cửa sổ
Con bồ câu đậu xuống mái hiên
Mưa giăng mắc bộ lông ánh tím

Ở đâu bây giờ cũng có gió xuân
Bức tường vôi vân vi máu chạy

Chẳng cần vỗ cánh
Chẳng cần bay đi
Con bồ câu và anh
Chồi lên thành lộc biếc.

2.

Chăn ấm không sao ngủ được
Tưởng tượng em đến mở trần nhà
Thả lọn tóc cuộn anh thật chặt
Nhấc bổng lên lơ lửng trong đêm

Quay theo gió
Chốc lại chạm anh vào mặt hồ giá lạnh
Đất ải tơi
Vạt cỏ đầm sương

Buông anh xuống!
Em buông anh xuống!

Khoảnh khắc ấy anh thành hạt giống
Bật phôi rễ và trổ lá mầm

Để trái chín, rượu ngon được cất
Và trứng chim được ủ ấm qua đêm
Anh giữ mãi tưởng tượng này đến sáng.

3.

Buông anh như gieo hạt

Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời
Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp
Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh

Em luống cuống kéo chăn che ngực
Ngỡ ai qua đây xếp lại căn phòng

Giấc mơ ấy vẫn còn dang dở
Chợt rộ lên từng đợt lá non

Vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ
Rơi trong nụ hôn tinh sương.

4.

Trái đất bắt đầu vòng quay khác
Nhanh hơn

Mặt trời về với bóng tối
Hoa trái, dấu chân
Những ngôi nhà kín cửa

Đàn ong thợ bay về
Không còn chiếc tổ và con ong chúa
Hương đất lạ hạt mưa

Con ngựa trời say tốc độ
Lảo đảo bám chặt nhành cây
Đại bàng xoải cánh đỉnh núi
Biển dồn nghẹn thở cửa sông

Hôn em thật lâu ghi dấu
Nơi đây. Giờ này
Đám mây kia xuống thấp
Buổi uyên nguyên trái đất quay về.

5.

Tổ chim đất đỏ au
Cuộn cây rừng
Suối chảy
Đan bằng tầm nhìn

Em sinh anh thành một, hai, ba…
Phân thân muôn vàn
Riêng anh
Riêng anh nữa

Một, hai, ba… hôn em
Lòng tổ chim đầy nắng
Ngầy ngậy mùi củ rừng
Tràn hương hoa rừng

Cho dù ở đâu
Đan vào nhau thành tổ.

6.

Ta gần nhau thêm
Trước khi ban mai trong suốt kéo lên

Bóng cây chợt tỉnh hoa xoè
Con nhện nước làm tổ trong rơm rạ mục
Rễ cỏ hương bài
Lòng đất quặn sâu

Nước chảy
Cứ chảy
Giữ đôi ta lại

Mỗi nụ hôn mở thêm cánh cửa
Níu chặt tay nhau
Bám chặt tay nhau
Không thất lạc

Bỡ ngỡ cùng cơn mưa nặng hạt
Nhận ra đôi tay bé thơ
Bàn chân chập chững
Đi lên đất

Hình như ngày đã muộn
Vẫn dìu nhau đi xem ban mai.

7.

Ảnh chụp em bước lên bờ đá ven biển
Anh tình cờ nhìn bức tranh khác
Hình dung em một chấm nhỏ trên đồng
Vẽ bằng giọt màu phất nhẹ

Triền cát mịn
Lối lên bờ là cánh đồng
Tóc em gió cuốn nơi tàng cây yên lặng

Ước sao lúc này đàn chim bay qua không sợ hãi
Sà xuống nhặt những hạt thóc

Anh sẽ tha cho lũ chuột đồng đói khát chui từ ổ đất
Tha cho cơn giông làm bông lúa rụng hạt
Tha cho cả nắng rát bỏng
Nắng hây hây, nắng xế
Làm cánh đồng lúa chín rộ lên.

8.

Sóng Bạch Đằng trùm lấp
Phù sa trên vai anh

Đóng chiếc cọc sâu cột cánh diều
Tạ ơn cha mẹ

Lặng yên rễ sú, rễ bần xoắn bện
Lau lác, mặt trời bờ nước lao xao

Ấp mình trong cỏ
Vùi vào em bàn tay tí hon

Con cá lớn bị quăng lên mặt đất.

9.

Anh cúi xuống nhặt vật bất kỳ, viên sỏi, cọng rơm khô, sợi tóc ai rớt xuống… Nỗi nhớ nhắc anh, áo quần em mang, giày dép bong ra, một phần da thịt.
Chạm vào anh biết viên sỏi rất mềm, cọng rơm khô trĩu nặng, sợi tóc thở nhẹ.
Anh cầm rất lâu.
Gieo xuống đất. Tung lên trời và hứng một hạt mưa.

10.

Dang tay vươn thở
Sải mình
Mở cùng nước

Cơ thể anh
Cánh cửa nhỏ bé

Gập mình dịu mát
Thả lỏng
Sắp đặt lại xương cốt
Dòng nước cuốn từng tế bào chết

Nằm xuống cỏ hít sâu
Nén trời cao
Tiếng chim thổi bung gió lộng

Là mầm cây, bàn tay gieo cấy
Là mồi câu, đăng lưới, rong rêu…

Dập dồn sóng
Đổ lên boong tàu tưởng tượng.

11.

Đầu lưỡi chạm kem bơ
Hình bông hoa
Chân mây ai vẽ

Anh cắn vội
Và ăn ngập ngừng
Muốn em biết anh đang ở đây

Miếng bánh cắn dở ở đây
Đàn vịt lội
Mùa ong đi hút mật

Bánh qua lò bột mịn bông tơi
Đặt bên cạnh trà thơm, dao sắc.

12.

Nhớ em khi anh đọc sách. Khung cảnh hình dung từ trang sách đang chuyển động trong ánh nhũ bạc. Một nhân vật trong truyện vừa rửa tay bằng ánh trăng lấp lóa. Mùi trăng quyện thịt da chảy xuống rãnh đất sâu, chốc lại ngoi lên một bông lau phơ phất. Văn bản tiếp cảnh sương mù trong bản nhỏ. Thiếu nữ chân trần gùi gạo vào rừng. Vạt rừng đầy trăng sáng. Một người nằm ngủ, mơ có quả bứa vàng xếp thành ngai dưới trăng chờ anh ta thức dậy… Ánh sáng không có trong văn bản, anh tưởng tượng thêm hình ảnh dưới trăng. Những chuyện đầy trăng.

13.

Từ hốc đen tra hạt
Đọt mầm bật dậy
Chim bay

Ngọn rễ non biết được
Đất ôm trời đã lâu

Căng tràn nhựa mật
Vỏ hạt vừa buông
Thả ngắt xanh về tít tắp

Ngày lên thăm thẳm
Lá mầm che mặt đất sum suê.

14.

Nhụy hồng tươi
Cánh trắng tinh khôi
Mở bầu trời hơi thở

Thở cỏ xanh
Đá tai mèo, miệng vực
Tiếng vượn thở thịt da hoang dã

Hương thơm cùng sắc hoa mê dụ
Chạm vào anh rồi tan ra
Tan ra

Đôi môi anh làm mỏ chim ong (*) hút nhụy
Đập cánh liên hồi bay tại chỗ.
_______________
(*) Chim ong có cặp mỏ dài, khi bay thường dừng một chỗ để hút mật hoa.

15.

Xương cốt mùa đông
Da thịt mùa xuân
Hoa loa kèn mở cánh trắng muốt

Thoang thoảng hương
Tràn khắp gian phòng

Anh vươn về lọ hoa
Xoay tất cả đài hoa sang hướng khác

Cuống hoa tựa vào anh biếc xanh

Chờ từng giọt cafe
Màu trắng tinh khôi thổi trên đầu như bão.

16.

Mùa cây đậu quả
Ôm gió nặng nề

Anh là dưỡng chất
Cho cây đỡ mệt

Áp vào thân
Nghe chim hót
Xương cây máu chảy
Thụ phấn nhụy hoa

Nhú quả xanh
Nuốt nước miếng có vị chát

Gió cuộn anh vào cây
Cho trái chín.

17.

Bông hoa khổng lồ
Ôm anh ngủ

Cuống hoa tới đỉnh trời
Không thấy gốc cây

Suốt giấc mơ hoa không héo
Gần sáng cánh như co lại
Thành nụ

Anh biết mình đã trọn kiếp mơ
Một kiếp yêu tỉnh lại

Chạy về cuối làn hương
Gặp con đường

Chạm một bông hoa bé tí
Mọi cuống hoa trên mặt đất rung lên.

18.

Hạt mưa chạm mặt anh khỏa nhẹ.

Tiếng mưa dâng bầy thủy sinh, vây cá lượn lờ. Con tôm cong mình búng giật trong cơ thể anh nghẹn sóng.

Đừng mưa lây rây, mưa nhỏ giọt, mà xối xả lòng suối, lòng hồ, lòng đá mềm giãn nở. Cánh tay trần vực dậy thân cây. Những nụ mầm ướt.

Mưa chạm vào da vào lưỡi, gợi đường cong và eo lưng mưa.

Tiếng sấm nổ vào thời khắc anh hình dung con cá lớn quẫy khỏi cơ thể. Ngoi lên. Ung dung bơi đi trong mưa.

19.

Anh nhìn vòm phượng vỹ gặp mặt nước tóc bồng sương sớm
Miệng cười sóng động

Em thường quên đi bên cạnh có hồ
Hơi nước dâng cho em nói cười, trang điểm

Bất chợt trên đường em thấy mát
Đi đâu hồ cũng theo em
Ai tưới nước lên từng phần cơ thể
Sóng cuốn em đi, dìm tận đáy sâu

Em mở cửa nhìn xuống con đường tấp nập xe cộ
Qua chậu ngải hương có đoạn dây điện nhà bên thõng xuống

Gần em mặt hồ trải rộng
Thành đôi mắt nhìn anh.

20.

Đâu biết bao nhiêu bông hoa trong bình
Tôi cúi xuống đài sen

Nhớ mình đã ngồi xuống ghế
Cầm cốc nước
Tựa vào mép bàn

Hương sen đưa tôi lên đỉnh núi
Mặt đất, mây bay vội
Không bước chân, tiếng động thú rừng

Nhớ mình là viên đạn, cái gai
Mũi tên sắc nhọn ướp sen trên đá

Lúc này sao còn liên tưởng tới mũi tên, viên đạn, cái gai?

Hương hoa thanh khiết phủ đá núi
Phủ lên cỏ cây thiếu đất cỗi cằn
Con thằn lằn bạo dạn
Trong khoảng không thưa vắng bóng người

Ngước lên cao để hương sen không đưa tôi đi xa nữa
Kìa một… hai… cánh hoa vừa rụng
Chạm vào mặt đất như có tiếng kêu.

21.

Bức ảnh mịn màng thơm
Bởi nắng mai
Hoa sen bên cạnh

Từng cánh hoa trắng muốt
Giăng kín khoảng không

Theo làn hương
Anh len qua mắt em
Nữ trang, khăn áo

Mở ngăn tủ tìm cuốn sách
Chọn màu giấy mực
Đợi ngấm trà
Pha thêm nước sôi

Bận nhiều công việc
Chợt nở thêm mấy bông hoa
Bên khung ảnh không có cánh cửa.

22.

Xối đi
Ngấm xuống
Trong đất khô gốc cây đang hấp hối

Sợi rễ tua tủa - thiếu máu - chới với
Ở đâu la đà, mướt xanh?
Ở đâu quang hợp?

Chạm vào nước
Chùm rễ cất cánh

Thân ứ căng dòng nhựa lên ngọn
Nứt vỡ vỏ cây
Mặt đất, khoảng không

Gió ở đâu?
Chim chóc đâu?

Ai lay mạnh gốc cây một lúc

Chỉ cần nghĩ thế
Nước mát lan đi khắp cơ thể anh.

23.

Nấp trong anh
Nghe anh lặng im, cười nói
Chân lồng vào đôi chân
Tay em cho anh cử động

Giữa mùa hè
Nắng từ mặt sóng dồn dập
Hắt lên lấp lóa, lấp lóa
Em nâng tay anh lên che mặt

Đàn cá phơi vảy bạc
Cắt những đường nước thẳng tắp
Chia mặt biển thành nhiều phần

Anh thót ngực trước cảnh đẹp
Vừa hiện ra
Đã tan trong sóng xanh

Sao em nằm trong ngực
Không mách giùm anh điều gì.

24.

Cắn trái táo, em bảo
Trong ấy là biển
Dòng hải lưu ngọt thơm

Biển chín trên cành
Lòng biển
Đất sâu cội rễ

Cửa biển lồng môi em anh
Ăn bờ xâm thực
Dừng lại nơi ta đứng
Người người đang yêu

Ngoài biển nước ngọt
Lạch nguồn
Cơn mưa vẫn ngọt

Em bảo dẫu bằng trái táo
Nếu gian dối biển sẽ dìm anh chết.

25.

Thân cây đứng
Giữ bầu trời quả chín.

26.

… mưa rơi xuyên thấu…

Ngọn sóng câm nín
Đá núi sừng sững
Rễ cây bất động xiên ngang
Trứng chim nằm trong lòng mẹ
Con thạch sùng bất động
Chuông ngừng kêu
Mây cuộn đỉnh tháp
Vỉa hè thoáng chốc đứng im

… mưa rơi xuyên thấu…

Sóng lao xuống vực
Chuông đổ liên hồi
Đàn chim vỗ cánh
Con thạch sùng lên đường
Cùng vỉa hè, đám mây, cây lá…

27.

Kéo mặt đất lên
Thấy nhiều mặt đất ta chưa đặt chân

Cùng em nhìn muôn mặt cắt khuất lấp
Biết mình đã đổi thay và mãi ngây thơ
Ngày mai đang yêu
Trái tim rộn rã thuở ban đầu

Trong hơi thở gấp anh biết
Tay mang hạt giống
Gieo… Gieo…
Ta gieo…

Vô tình hạt rụng trên đường
Trỗi dậy bạt ngàn cây lá

Kéo mặt đất lên cho hơi mát, tiếng chim
Dồn vào nơi thanh vắng
Ánh ngày reo trong đất sâu

Anh đang mở muôn cánh cửa vào mọi đồ vật
Vào khoảng không khác, những thế giới khác.

Xã hội này, ngược đời ghê










Lắm lúc tôi tự hỏi, ai cũng hướng về cái đẹp, ai cũng biết đâu là đúng, đâu là sai, có thể không phải tuyệt đối nhưng phần lớn là vậy, nhưng sao xã hội này lại có lắm chuyện ngược đời như vậy.

Thật lạ khi ai cũng biết vượt đèn đỏ là không tốt, cho cả mình, cả người khác, nhưng sao người ta vẫn vượt?

Thật lạ khi cảnh sát là người thi hành luật pháp, chấn chỉnh xã hội để hướng về một đất nước văn minh, trật tự, ngăn nắp hơn. Nhưng sao họ vẫn ngửa tay ra nhận những đồng tiền hối lộ, chưa bàn đến đúng sai, nhưng rõ ràng họ là những người chấp pháp lại đi phạm pháp, dù họ biết đúng sai, thật ngược đời.

Thật lạ khi biết hút thuốc là xấu, sao cả nước kêu gọi chống thuốc lá, thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng lại có những thầy cô phì phèo điếu thuốc trước mặt học sinh, trong khi họ là những người dạy về tri thức, về những điều đúng sai.

Thật lạ khi 18 tuổi mới được phép đi xe máy, mà sao bạn tôi có ba làm cảnh sát giao thông lại ngày ngày chở mẹ đi ngay từ khi vào lớp 10 thế kia?

Thật lạ khi đi ngang qua khu quân đội, có một bạn nữ mặc áo chiến sĩ nhân dân, lái một chiếc xe tay ga chạy từ trong ra và chẳng thèm đội mũ bảo hiểm.

Thật lạ khi biết không nên, nhưng bố mẹ vẫn dùng những từ ngữ chửi thề trước mặt con cháu mình, để rồi những đứa trẻ coi đó như là một chuyện hiển nhiên.

Thật lạ khi ai cũng biết gia đình là quan trọng nhất, nhưng một vài người vẫn hiếm khi chủ động gọi điện về nhà hỏi thăm, để đến khi cha mẹ xảy ra chuyện thì lại khóc lóc ăn năn.

Thật lạ khi ai cũng biết cha mẹ quan trọng hơn, nhưng một vài người lại dành nhiều yêu thương, giấy bút, tâm trí hơn cho những thần tượng ở đâu đó.

Thật lạ khi người ta biết mình chưa giàu, nhưng họ vẫn ăn chơi, vẫn nhậu nhẹt mỗi khi đi làm về.

Thật lạ khi chưa làm ra tiền, mà một vài người lại xài nhiều tiền hơn những người đang cố gắng lao động mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta tạo ra công nghệ, để rồi họ bị công nghệ làm chủ và rồi đổ hết thất bại của mình cho game, cho mạng xã hội, cho laptop, cho smartphone trong khi chính họ là người lựa chọn sa đà vào đó.

Thật lạ khi còn nhỏ, ai cũng muốn sớm trưởng thành, lớn lên rồi thì ngược lại.

Thật lạ khi biết vứt rác bừa bãi là chuyện không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày.

Thật lạ khi con người ta trước mặt thì yêu thương, sau lưng lại nói xấu nhau với những người khác.

Thật lạ khi ai cũng biết mình đang mang mặt nạ, nhưng ít ai dám gỡ chính cái mặt nạ mà mình mang cả.

Thật lạ khi một mối quan hệ kéo dài hằng trăm ngày, tính bằng đơn vị năm lại dễ dàng bị hủy hoại bởi một vài câu nói, hay một vài phút nóng giận.

Thật lạ khi người ta biết phun thuốc, chế biến đồ ăn không hợp vệ sinh, mua những nguyên liệu không rõ xuất sứ, nguồn gốc rất không tốt cho sức khỏe của người khác nhưng họ vẫn làm nó mỗi ngày.

Thật lạ khi người ta biết mỗi ngày dành ra vài mươi phút tập thể dục nhẹ nhàng sẽ khiến ta khỏe mạnh hơn, minh mẫn hơn, nhưng lại không nhiều người làm điều đó.

Thật lạ khi người ta biết không nên thức khuya, không nên ăn quá nhiều, không nên bỏ bữa ăn nào trong ngày cả, nhưng họ vẫn làm điều đó mỗi ngày.

Thật lạ khi biết quay cóp là xấu, nhưng người ta vẫn làm nó khi có thể.

Thật lạ khi ai cũng biết thành công không nhất thiết phải kiếm được thật nhiều tiền, nhưng họ lại dùng tiền để định nghĩa thành công.

Thật lạ khi học sinh, sinh viên biết ba mẹ phải trả không ít tiền cho họ đi học trung học, học thêm, học đại học, nhưng họ vẫn trốn học mỗi khi họ muốn…

Thật là lạ mà…
Bạn còn thấy có gì lạ trong xã hội ngược đời này nữa không?



Black Eagle

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

THÓI QUEN "VĂN CHƯƠNG" TRONG NỀN SÁNG TẠO THƠ VĂN TIẾNG VIỆT



Văn chương! Không biết ai là kẻ đầu tiên áp đặt hai chữ văn chương vào văn học Việt Nam.

Với ảnh hưởng Trung Hoa lâu dài trong quá khứ người ta có thể suy đoán có lẽ ngày xưa các cụ vì sính chữ Tàu nên kéo danh từ này về nước làm khuôn mẫu cho những sáng tác thơ vịnh. Nói như thế cũng chưa hoàn toàn chuẩn. Vì một sự du nhập văn hóa nào nếu không được ưa chuộng hoặc không thích hợp với bản sắc của môi trường mới, chưa chắc đã tồn tại và bắt rễ mọc cây vào mảnh đất này.

Theo định nghĩa chiết tự Hán Nôm: Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác. Ðịnh nghĩa này có vẻ thiên về hình thức hơn về nội dung của một sáng tác thơ văn.

Có phải điều này đã trở thành châm ngôn tối thượng đi vào văn học Việt Nam. Nhấn mạnh mặt "văn chương". Chú ý hình thức, cách trình bày, điệu nghệ của một đoạn văn, nhịp tiết tấu của những vần thơ, đã trở thành một tiêu chuẩn căn bản để định giá những sáng tác thơ truyện tiếng Việt hay ho từ xưa đến nay.

Nhìn lại văn học tiếng Việt ba tác phẩm cổ nổi tiếng là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm. Ðây là những tác phẩm được xem như là gia bảo của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay.

Tác phẩm được nâng niu hàng đầu là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Trước tiên xét về mặt nội dung suy tưởng. Ðoạn Trường Tân Thanh được biết đến với đề tài Tài Mệnh Tương Ðố "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Thúy Kiều nhân vật chính của truyện là một cô gái tài sắc đã gặp truân chuyên trắc trở cuộc đời đến mười lăm năm. Ðây là tác phẩm có nội dung suy tưởng của một đề tài cao. Nhưng ý chính của tác phẩm, tài sắc của con người đi cặp kè với hoạn nạn, "càng cao giá ngọc càng dày gian nan" của Nguyễn Du không phải là một suy tưởng phổ quát cho con người ở bất cứ đâu thời đại nào hoặc bất cứ hoàn cảnh nào. Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều gương danh nhân thế giới có những cuộc đời huy hoàng thành công vượt bực nhờ tài năng và nhan sắc của họ. Chứ không phải hễ ai tài sắc cũng đều gặp một cuộc đời khốn nạn như cuộc đời nàng Thúy Kiều nhà mình.

Truyện Kiều vẫn được truyền tụng trong dân gian vì những câu thơ Nôm bất hủ của Nguyễn Du. Nghệ thuật tả cảnh "Dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước, áo quần như nêm", tả tình "Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, tả người “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Nghệ thuật mô tả của Nguyễn Du siêu đẳng. Nhờ nghệ thuật mô tả của ông mà những nhân vật song mãi với người đọc. Thơ văn tiếng Việt được yêu chiều “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng nước ta còn ..." (Phạm Quỳnh, trong 327). Truyện Kiều còn đạt được mức độ tài hoa nhất của thi ca Việt Nam. Cơ hồ đến nay những câu thơ mấy trăm năm đã qua của Nguyễn Du vẫn còn là những câu lục bát tinh hoa nhất của thi ca Việt Nam vẫn được nhiều người thuộc nhất, vẫn được dùng làm gương do sáng tác trong giới cầm bút nhất.

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn là hai câu truyện tâm sự ta thán của những người đàn bà bất hạnh. Cung Oán Ngâm Khúc là khúc ngâm của một người cung nữ đẹp bị quân vương hất hủi.

Chinh Phụ Ngâm là tiếng than của một người đàn bà có chồng đánh giặc xa. Xét về nội dung suy tưởng cả hơi tác phẩm đều đặt thân phận con người trong triết lý Phật giáo. Ðời là bể khổ: "Nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê" (CONK). Hệ lụy duyên kiếp: Trong cửa này đã đành phận thiếp. Ngoài mây kia há kiếp chàng vay" (CPN).

Tuy đụng chạm vấn đề của triết lý đạo Phật, nhưng cả hai tác phẩm không đưa ra những suy tưởng mở rộng nào, mà suy tưởng trong các tác phẩm này có tính cách định đề khép kín. Ðặt con người trong một định đề đã được triết lý Phật giáo đóng khung: thân phận con người là thế đấy, duyên may phận rủi. Và giờ đây chỉ có nước kêu than mà thốt. Một người thì than oán cay cú (CONK). Một người thì tỉ tê tâm sự' (CPN). Xét về mặt nội dung, cả hai tác phẩm nêu trên không có được những bước suy tưởng phóng tới chính gốc của một tác phẩm sáng tạo, một nét tất yếu toát ra từ những tác phẩm lớn. Ðiều này chính là vì cái định đề đóng khung "định mệnh đã an bài" mà Ðặng Trên Côn và Nguyện Gia Thiều đã ném vào tác phẩm như cái sườn để dựng truyện. Người đọc không tìm được những tranh chấp siêu hình hoặc tranh chấp nhân sinh đến từ những suy tưởng mà chỉ thấy cát thông điệp của triết lý Phật Giáo được diễn giải ra qua những nhân vật, hoặc bàng bạc trong những cách tả cảnh tình tài tình của một người viết hay.

Nhưng Chinh Phụ Ngâm đến tay Ðoàn Thị Ðiểm diễn Nôm đã trở thành sáng rực rỡ trong vòm trời văn học Việt Nam. Với thể thơ song thất lục báu bát Ðoàn Thị Ðiểm đã biến tác phẩm của Ðặng Trần Côn thành một áng thơ Nôm bất hủ. Cùng với Cung Oán Ngâm Khúc, bản thơ Nôm Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thi Ðiểm được tất cả mọi người viết sách biên khảo văn học Việt Nam hết lời ca ngợi về mặt nghệ thuật chữ nghĩa và mô tả. Nhà biên khảo Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam Văn Học Sứ Yếu về Cung Oán Ngâm Khúc như sau: "Lời văn thì rõ là của một bậc túc nho uẩn sư đặt câu thì gọt giũa, cao kỳ; diễn ý thì dùng nhiều chữ bóng bẩy và nhiều điển cổ . Văn Nôm trong muốn ấy thật đã tới một trình độ rất cao". (Dương Quảng Hàm trang 218).

Qua khỏi ba tác phẩm kể trên, những sáng tác tiếp theo được dùng làm khuôn vàng thước ngọc trong văn học Việt Nam là những sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Ðình Chiểu ... của thế kỷ mười chín. Trong thời kỳ văn học cực thịnh của tiếng Nôm hay tiếng Nam này, ngoài Nguyễn Ðình Chiểu với chuyện Lục Vân Tiên có tuồng tích chủ đề đâu ra đó, chuyện Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa là một vở tuồng đạo đức. Và Nguyễn Công Trứ với triết lý sống qua những bài thơ phú của ông. Những sáng tác của những tác giả còn lại kể trên phần lớn đều được ngưỡng mộ vì đấy cũng là những sáng tác thơ Nôm bất hủ. Hồ Xuân Hương được ưu ái tặng cho tước hiệu Bà Chúa Thơ Nôm. Cao Bá Quát được truyền tụng: "Văn thư Siêu quát vô tiền Hán". Trong tập Khảo Luận về Nguyễn Khuyến của Doãn Quốc Sĩ và Việt Tử, Nguyễn Khuyến được các nhà biên khảo này đề nghị như sau: "Bất lực trước thực tại Nguyễn Khuyến lui về ở ẩn. Ngoài bốn cảnh cổ điền cầm, kỳ, thi, tửu, cụ còn tìm quên lãng trong cái mênh mông hiền dịu của thiên nhiên." (Doãn Quốc Sỹ, trang 97).

"Bất lực trước thực tại", có lẽ cũng là trường hợp xảy ra cho Cao Bá Quát, Tú Xương ... Những nhà thơ "lớn" này vì bất lực việc triều đình hoặc thế sự đảo điên đã về nhà làm thơ. Và kết quả nền văn học Việt Nam có được những áng 'văn chương" bất hủ. Ông nào tự trào cũng số một. Cao Bá Quát coi đời bằng vung. Tú Xương tả cảnh ăn chơi tận tình. Nếu dùng những tiêu chuẩn nghiêm chỉnh của thế giới để phê bình giá trị nội dung sáng tác của những tác phẩm này, người ta sẽ không tìm thấy ở đây những giá trị phổ quát, nhân sinh, thâm sâu lồng lộng trời biển nào. Mà phần lớn là những bài thơ bất đắc chí, chỉ nhìn thấy ở đời sống những mặt tiêu cực.

Nhưng những sáng tác của họ đã được không biết bao nhiêu bậc trí thức và tác giả Việt Nam tuyên dương tán tụng đây là những kiệt tác văn chương của Việt Nam.

Thơ của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát đã từng được Bộ Giáo Dục Miền Nam trước năm 1975 mang vào giảng dạy bậc trung học. Ðiều này chứng tỏ Bộ Giáo Dục đồng ý rằng hễ “lời thơ ý đẹp và sáng" là đáng được dùng làm tiêu chuẩn học hỏi cho bậc hậu sinh. Mặc cho giá trị nội dung tiêu cực đến đâu.

Qua đến triều đại Tự Lực Văn Ðoàn thể văn xuôi mới phổ thông ra đời. Những nhà văn nổi tiếng của nhóm này là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam ... Nhất Lỉnh nổi tiếng với những tác phẩm Ðôi Bạn, Ðoạn Tuyệt, Giòng Sông Thanh Thủy, Xóm Cầu Mới. Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái. Thạch Lam với Sợi Tóc, Hà Nội 36 Phố Phường, Gió Ðầu Mùa ....

Mặc dầu đây là một văn đoàn với những định kiến trói buộc về tôn chỉ mục đích như "theo chủ nghĩa bình dân", “làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa". (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Mà theo Phạm Thế Ngũ suy diễn ra là "Diễn tả tự do cá nhân để chống lại luân lý gia đình chuyên chế" (Phạm Thế Ngũ, trang 438). Tự Lực Văn Ðoàn có công trong việc đưa vào tiếng Việt lối viết truyện mới, thoát ra ảnh hưởng của lối viết truyện theo thể văn vần đã chế ngự văn học Việt Nam mấy ngàn năm trước đây. Với những chủ trương đã định sẵn như vậy, người đọc sẽ tìm thấy những chủ định đóng trọn vai trò giao phó của những nhân vật trong các tác phẩm của những tác giả nhóm này. Nhân vật Loan, Thân, Dũng trong Ðoạn Tuyệt, Nhà Mẹ Lê trong Xóm Cầu Mới, hoặc Vọi trong Trống Mái là điển hình. Những nhân vật trong những tác phẩm có chủ đề thường bị rơi vào tình trạng là phải sống, phải suy nghĩ phải đóng những vai trò theo ý định chủ quan của tác giả. Họ không còn một trời một cõi riêng của mình nữa. Sơ hở này thường ít tìm thấy ở những tác phẩm tớn quốc tế. Nếu không muốn nói là những tác phẩm thuộc vào hàng quốc tế này thường được ca ngợi là có những nhân vật có đời sống riêng của nhân vật. Tác giả thành công trong việc biến mất khỏi sân khấu tác phẩm, và hoàn toàn để cho những nhân vật của họ sống tung hê theo câu chuyện. Những tay viết chuyện nhà nghề lừng danh quốc tế vẫn thường được khen ngợi về điểm này.

Thật ra việc tác giả ôm ấp những chu thuyết hoặc chủ đề trước khi dựng truyện, và chủ mưu xây dựng nhân vật hoặc câu chuyện xoay quanh một chủ đề nào đó, xảy ra rất thường. Jean-Paul Sartre chẳng hạn, ông ta là một triết gia trước khi tả một nhà văn. Tuy nhiên mức độ dày mỏng của tư tưởng cộng với tài năng viết văn của tác giả, để khi ra đến quốc tế, được soi rọi như soi rọi trước ống kính hiển vi và được công nhận là một kiệt tác. Thì không phải là chuyện dễ ăn. Mức độ suy tưởng của Sartre về thân phận con người qua anh chàng Roquentin trong La Nausée chắc chắn là sâu sắc, dày. và phổ quát nếu so với mức độ suy tưởng của Nhất Linh về Nhà Mẹ Lê.

Trong mười tôn chỉ của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2-3-1 933, điều khoản thứ tư có ghi: "Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam." (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Có lẽ đây là một chủ trương thành công nhất của nhóm vãn bút này. Lời văn của Tự Lực Văn Ðoàn trong sáng giản dị điều này ai cũng nhìn nhận. Vừa có chủ ý chọn lựa những câu chuyện "bình dân", vừa xứ dụng tiếng Việt giản dị dễ hiểu, những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn đã được chào đón nồng nhiệt ngay lúc vừa ra đời năm 1932. Những đoạn văn tả cảnh, tả tình, tả người của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng thật đặc sắc làm nổi bật được tinh hoa của tiếng Việt. Lời văn trong sáng lưu loát chính là yếu tố đã tạo ra một bầu khí nhẹ nhàng bàng bạc trong hầu hết những tác phẩm của họ. Nghệ thuật viết văn của các tác giả này cùng với những tài năng thơ văn tiếng Việt khác ở nửa đầu thế kỷ hai mươi như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính,Hồ Dzếnh; đã để lại một dư âm văn học, vẫn thường được độc giả gọi là thơ văn "lãng mạn nhẹ nhàng" của thời "tiền chiến".

Nhất Linh xuất bản Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết, Thạch Lam xuất bản Theo Giòng để bàn về kỹ thuật viết tiểu thuyết. Trong thời kỳ phôi thai của thể văn xuôi thời ấy, hai tác phẩm này đều bàn về những kỹ thuật viết tiểu thuyết cho những người muốn đi vào thể văn mới mẻ này. Cả hai đều nhận mạnh những tiêu chuẩn như viết cho đúng sự thực, mô tả tâm lý nhân vật cho tế nhị phải tạo sự rung động ở độc giả, nhà văn là kẻ có trách nhiệm với xã hội ... Những tiêu chuẩn trên phần lớn đều là những tiêu chuẩn muôn thuở trong lĩnh vực viết truyện. Tuy nhiên trên thực tế viết được một tác phẩm hoàn toàn, có tầm vóc của một tác phẩm lớn thiết tưởng không phải là một chuyện thuộc phạm vi nặng phần kỹ thuật. Bởi kỹ thuật là điều có thể học hỏi được. Mà đằng sau những tác phẩm lớn là lồng lộng những suy tưởng cao viễn lẫn bản lĩnh viết lách, cộng với một chút thiên tài và định mệnh!

Ðể thấy rằng có những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn xuất sắc về mặt "văn chương", mô tả chi ly tinh tế tâm lý nhân vật, kể chuyện duyên dáng, xứ dụng ngôn ngữ khéo léo, cốt chuyện mạch lạc, "rằng hay thì thực là hay" nhưng gập những trang sách này lại, người đọc vẫn thấy thiếu vắng những luồng gió mưa bão đến độ xô dạt tâm hồn hoặc những suy tưởng đến làm lùng bủng trí tuệ như khi đọc xong những tác phẩm lớn quốc tế.

Ngoài bút nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, một số nhà văn khác cũng rất thành công trọng địa hạt viết tiểu thuyết ở thời kỳ này như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ... Một số lớn tác phẩm của các nhà văn này là những câu chuyện xã hội.. Cốt chuyện lôi cuốn, kể chuyện dí dỏm như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, hoặc cốt chuyện tài tình, kể chuyện mạch lạc như Lá Ngọc Cành Vàng của Nguyễn Công Hoan, đều là những tác phẩm "kể chuyện" hay. Ðấy là những bức tranh xã hội hết sức sống động. Phần lớn những tác phẩm xã hội nói trên khai thác sự bất công xã hội. Và một lỗi lầm dễ bất gặp ở những tác phẩm này là thành kiến. Thành kiến đối với giai cấp phong kiến, cai trị. Ðó là lý do tại sao đảng Cộng Sản khai thác những tác phẩm có giai cấp rõ rệt như Truyện Kiều, chuyện của Vũ Trọng Phụng, của Nguyên Hồng, của Nam Cao .v..v... Vì họ lợi dụng được những tác phẩm này để áp dụng vào việc phát huy chế độ. Một số người đọc đứng về phía kẻ bị áp bức sẽ thấy hả hê, thỏa mãn được tâm lý bị đàn áp. Nhưng đứng ở một phương diện khách quan hơn, những tác phẩm đầy thành kiến kiểu này không đủ tiêu chuẩn nhân bản mở rộng một tiêu chuẩn cốt lõi khác của những tác phẩm lớn.

Phải gọi nền sáng tác dưới chế độ Cộng Sản là một nền sáng tác bất hạnh. Bởi vì dưới chế độ này, ngòi bút của tác giả có sách được xuất bản đều phải phục vụ "giai cấp", phục vụ "Hội Nhà Văn", phục vụ "Đảng". Và người Cộng Sản thì thường thường rất khắc nghiệt và tàn nhẫn với những người bị họ cai trị. Cho nên những tác phẩm được Hà Nội xuất bản dù văn vẻ trau chuốt đến đâu, dù yêu quê hương yêu đồng loại yêu Bác yêu Đảng đến đâu cũng đều chỉ có những giá trị phục vụ chính trị.

Trong khi đó nền văn học miền Nam được tự do hơn. Nếu dùng tiêu chuẩn của số lượng tiêu thụ cao, được độc giả mến mộ, hoặc được đồng nghiệp ca ngợi thì tạm gọi đây là một giai đoạn trên đà phát triển. Và những tác phẩm miền Nam trong giai đoạn này cũng mang những màu sắc riêng của chúng.

Nhưng nếu dùng tiêu chuẩn gắt gao của một người đọc sách nghề thì có thể nói ít tác phẩm nào của giại đoạn này đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế. Một tác phẩm có thể được đón nhận nồng nhiệt trong tiếng mẹ đẻ nhưng khi ra đến người quốc tế, thì phải hội đủ những rung động và suy tư để bất cứ người nước nào cũng có thể tiếp nhận được. Những tác phẩm chỉ nói được giá trị thời thế, giá trị địa phương, hoặc chỉ phản ảnh những rung động hạn hẹp và suy tư be bé của tác giả thì khi ra đến quốc tế đụng phải những tay đọc sách tinh đời, chỉ cần liếc qua một trang sách là có thể đọc được trình độ của tác giả, viết cái chi đây, suy tư đến đâu, kiến thức cỡ nào, có chút giá trị nào dưới những câu chuyện này không, có chính gốc sáng tác không hay lại bắt chước ai. Ôi thôi, tiêu chuẩn của những tay đọc sách đã từng ngốn hết bao nhiêu bồ chữ của thiên hạ như thế nào bạn có thể tưởng tượng được, dầu sách bạn dịch ra tiếng nước họ và đem dâng trước mặt cho họ đọc.

Nhìn lại một cách tổng quát những sáng tác truyện của văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần lớn thành công về lối "chuyện – kể chuyện", hơn là đạt thành tích về “truyện – lộng truyện”. Trong văn học thế giới nếu có những tác phẩm của Kafka, Beckett, Conrad ... Viết vài chục trang giấy “lộng truyện” khô như nùi giẻ rách mà chứa đựng những suy tưởng xuyên thủng tư tưởng thế giới. Thì cũng còn vô số những tác phẩm thuộc loại “kể chuyện" cự phách, như chuyện của Chekhov, Somerset Maugham, lsaac Singer .

Nhiều tác phẩm "văn chương" Việt Nam khi được dịch ra ngoại ngữ, người đọc thế giới không thấy hay ở nơi đâu. Lý do bởi các tác phẩm mà người Việt khen hay là nhờ “văn chương” trội bật. Dịch ra ngoại ngữ, phần “văn chương” bay biến mất. Vì cái hay của “văn chương” thì không thể thông dịch. Nên đã xảy ra hiện tượng “Mười voi không được bát nước xáo” “Beaucoup de bruit pour rien” với các tác phẩm Tiếng Việt lâu nay được dịch ra ngoại ngữ. "Where's the beef?"! "Xác" thì nông. “Văn chương” thì không thể dịch. They all are chìm nghỉm theo tiếng của người nước ngoài, rất thảm thiết.

Mở một cái ngoặc rất vĩ đại nơi đây. “Người Thế Giới” chính là một thế giới lâu nay bị chế ngự bởi giống đực. Từ đực Trắng Jewish cho đến đực Tàu 西安. Các tiêu chuẩn của những người đàn ông chế ngự thế giới lâu nay, không có gì bảo đảm là hay là đúng muôn thuở là phổ quát muôn đời. Các giá trị của thế giới ấy dù có là Nobel Prize hay the Man Asian Literary Prize hay Pulitzer Prize hay Man Booker International Prize hay Man Booker Prize, thì vẫn là những giá trị do những người đàn ông đực bấy lâu nay đề xướng và áp đảo thế giới. Các giá trị ấy vẫn-có-thể-và-nên-bị-xét-đoán-lại bất cứ lúc nào. Đóng ngoặc.

Thật là những vấn đề liên hệ đến nhiều yếu tố văn hóa cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Có rất nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại đã như một tấm màn bao trùm lấy văn chương Việt từ bao nhiêu ngàn năm nay. Một kết luận về vấn đề này không thể đơn giản và có tình cách áp đảo như dùng tiêu chuẩn của nền văn hóa khác để thẩm định nền văn học Việt Nam. Hoặc dùng tiêu chuẩn quê nhà nhưng lại thiếu kiến thức và trí thức có tính quốc tế để đủ sức lượng định các giá trị chung và riêng. Có lẽ vì thể văn xuôi mới thật sự bộc phát mạnh ở Việt Nam từ đầu thế kỷ hai mươi đến nay, nên ngành viết truyện phải trải qua những giai đoạn mò mẫm để tìm kiếm bản sắc của mình chăng?

Trên đây chỉ là vài nhận xét tổng quát chủ quan, với những dẫn chứng tượng trưng. Những nhận xét này cũng không có nghĩa là phủ nhận mặt "văn chương" của một sáng tác. Bởi vì văn cách tự nó đã chứa đựng những giá trị và nghệ thuật của một tác phẩm.



Tham khảo:

Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử, Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến, Hồng Hà Xuất Bản. Bản in lại tại Cali Hoa Kỳ, không in lại gốc và năm xuất bản.

Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sứ Yếu, Sống Mũi, Fort Smith Arkansas, 1979

Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sứ Giản ước Tân Biên, Tập 111 Dai Nam Co. California, 1987.

Phạm Quỳnh, Phạm Quỳnh, 1892-1992 Tuyển Tập và Di Cảo An Tiêm, Paris. 1992.

___________

Nguyên bản “Thói Quen “Văn Chương” Trong Văn Học Việt Nam” trong tập Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật, Lũy Tre Xanh xuất bản, California, 1995. Được đưa lên gio-o.com 2014 sửa tựa thành Thói Quen “Văn Chương” Trong Nền Sáng Tạo Tiếng Việt với vài bổ túc và sửa lỗi.


Lê Thị Huệ


một tỷ hai trăm lẻ chín triệu con đường đi tìm chìa khóa





Nhà sư Nhất hạnh đi tìm Phật tâm trời Đông cách tân Phật pháp trời Tây

 đúng hay sai, thời gian chưa trả lời

Thi sĩ Bùi Giáng viết rằng, Nhất Hạnh tâm hồn bị vây khốn bởi Tây Phương (1)

đúng hay sai, thời gian chưa trả lời

Chúng ta cũng có thể hiểu, Bùi Giáng tâm hồn bị Đông Phương vây khốn

đúng hay sai thời gian chưa trả lời.

Nhà sư sạch tóc phân biệt người có tóc loay hoay nhập triều thùy thủ

thi sĩ tóc dài phân biệt người nghiêm trọng tóc ngắn lanh quanh kiến tích

trâu và rồng con nào dễ tìm hơn

đúng hay sai thời gian chưa trả lời

Con vật này dưới đất gọi là trùn

vào biển gọi thuồng luồng

bay lên gọi là rồng

chưa hề có ai thấy rồng thật.

Hơn 1500 năm trước Trương Tăng Dao họa long điểm tinh

không có tưởng ra có

có rồi vẽ mắt rồng bay

lập họa Siêu Nhiên

mãi 1920 mới có Siêu Thực.

Đúng hay sai thời gian chưa trả lời.

Có kẻ nuôi cá, tập cá từ nước lên bờ

đi như thú vật bốn chân

ngày ngày dẫn đi dạo

người người ngợi khen

Charles Darwin chứng minh tiến hóa.

Một hôm, cá lở vận rơi xuống sông

chết đuối.

Đúng hay sai thời gian chưa trả lời.

Ánh sáng đuốc thâm u làm đêm tăng kỳ tích đầy huyền hoặc

ánh đèn điện làm đêm sáng choang thấy rõ đường đi

ánh sáng nào cho tim niềm sung sướng

tự hào hơn

đúng hay sai thời gian chưa trả lời.

Trái đất có một tỷ hai trăm lẻ chín triệu con đường lớn nhỏ

đường nào cũng có người đi

người đi nào cũng cần ánh sáng

dù kẻ mù, vẫn cần đèn lồng. (2)

Mặt trời mọc phương Đông lặn phương Tây. Thật ra chúng ta xoay quanh mặt trời.

Mặt trăng mọc phương Tây lặn phương Đông. Thật ra mặt trăng xoay quanh chúng ta.

Trời và trăng soi sáng chân bước

đường đi hướng Đông đi mãi không tới Đông quay về gặp hướng Tây

đường về hướng Tây đi mãi không tới Tây quay lại gặp hướng Đông.

Đông và Tây khác nhau như máu tuần hoàn tẩy chất dơ mang khí thở vào trí tuệ.

Đông và Tây khác nhau như mắt thấy tai nghe đem tâm tình sung mãn hương thơm.

Nhất hạnh đi hướng Tây đi mãi gặp Bùi Giáng.

Bùi Giáng đi hướng Đông đi mãi gặp Nhất hạnh.

Đông và Tây khác nhau câu hỏi giống nhau câu trả lời:

Mỗi câu hỏi mang tới câu hỏi khác câu hỏi khác câu hỏi khác

mỗi câu trả lời như mở cánh cửa để thấy cửa khác đóng cửa khác đóng cửa khác đóng

cánh cửa cuối cùng bị khoá chặt không có chìa khóa

hỏi chìa khoá trả lời bất khả tư nghị hoặc đây là bí tích

trả lời chính là ổ khóa.





Không ai tìm thấy chìa khóa

không mở được cánh cửa cuối cùng

không biết gì phía sau

không thể đi trở về

thôi thì sáng tác hồi sau tái ngộ.

sáng tác cần phải có thưởng ngoạn

thưởng ngoạn lại yêu thích dâm dục tiền tài danh vọng giả dố

thôi thì dọa sợ cho xong.

Con nít bị dọa ma

thiếu nhi bị dọa hỏa ngục điện ngục nấu dầu cưa xương cắt lưỡi

lớn lên bị dọa ác lai ác báo gieo gió gặt bão

không ai nói gieo bão gặt được thứ gì

về già bị dọa bệnh tật chết chóc ân oán đời sau

suốt cả một đời bị dọa bởi Phật Chúa Muhammad Khổng Tử cha thầy quan quyền pháp luật trường học thầy cô ăn cướp ăn trộm giết người da trắng da đen da đỏ Mỹ Nga Tàu....v..v..

không phút nào ngơi nghỉ

làm sao không buồn khổ lo âu

làm sao không hoang tưởng hạnh phúc

làm sao không sợ cái bóng thiên thu?

Kẻ sống bị dọa có tội

kẻ chết bị dọa không được lên trời không được đầu thai

kẻ chưa sinh bị dọa tội tổ tông chờ sẵn

điều luật cha làm con chịu nay ở trần gian đã bỏ đã quên.

Nào phải Đông hay Tây vây khốn tâm hồn,chính sợ hãi vây tâm hồn khốn nạn.

Không ai tìm thấy chìa khóa nhưng mấy ai biết rằng không hề có chìa khóa?
sống là có chết là không, chìa khóa để làm gì?



Câu hỏi này sẽ mang tới câu hỏi khác câu hỏi khác câu hỏi khác..........
Thời gian chưa trả lời.



GHI:

(1): Không phải nguyên văn, chỉ là ý.
(2) Câu chuyện người mù đi đường cầm đèn, không phải cho ông mà cho người khác thấy.



Ngu Yên

Người




Bỗng nhiên cả hai muốn khóc
Giữa câu chuyện cuộc đời
Nước mắt đàn ông lặng lẽ ngược trôi
Nước mắt đàn bà mỉm cười mặn
làn môi

Không hẹn gặp mà bỗng thành gặp gỡ
Giữa điên đảo nổi trôi
Giữa trắng đen hay dở ngược xuôi
Xa xôi quá là hai số phận
Bỗng về đây hội tụ kiếp người



Giữa danh lợi mất còn thua được
Lênh đênh thế và cô đơn thế
Tựa vào đâu để hành trình không mỏi mệt
Trên ghế quyền lực
Hỡi người dịu hiền trầm mặc cô liêu

Giữa hoang mang nhân thế tình yêu
Gánh cả hai trên đôi vai mảnh dẻ
Giông bão qua rồi đời người hát khẽ
Hạnh phúc như con xúc xắc xúc xẻ
rủi may

Cho dù thế thì ta vẫn sống
Thẳng ngay một kiếp con người
Cho dù thế thì ta vẫn sống
Chia lòng nhân với mọi phận đời

Cho dù thế thì ta vẫn sống
Yêu đóa hoa nở giữa tinh khôi
Cho dù thế thì ta vẫn sống
Thẳm sâu trong tâm một chữ
Người

Có phải không- người ơi…


KimDung/Kỳ Duyên

Ra ngõ gặp nhà thơ



Tôi có một ông bạn rất thân. Thế nhưng từ ngày cả hai đứa về hưu, chúng tôi chưa một lần gặp lại, bởi lẽ ông ấy ở mãi quận Tây Hồ còn tôi ở tít tận khu đô thị Linh Đàm thuộc quận Hoàng Mai. Khoảng cách giữa hai nhà chúng tôi phải tới 15 km. Bỗng nhiên hôm vừa rồi ông gọi điện nói rằng sẽ đến thăm tôi. Tôi vừa mừng vừa cảm động. Mừng vì đã lâu rồi bạn bè mới gặp lại nhau.

Cảm động vì bầu trời Hà Nội từ tết âm lịch đến giờ ngày nào cũng u ám, ẩm thấp , đường xá bẩn thỉu , ấy thế mà ông vẫn không ngại . Tôi thật thà dặn bạn : “Ông cứ gọi taxi mà đi , mình sẽ trả tiền xe cho ông” . Ông bạn tôi chẳng những không tự ái mà còn khen : “Ông vẫn ga lăng như ngày nào” .

Tôi gọi điện đến nhà hàng Hương Rừng trong khu đô thị Linh Đàm đặt trước một phòng VIP và hẹn 11 giờ chúng tôi sẽ có mặt .




Khoảng 9 giờ đã có tiếng chuông bính boong . Tôi ra mở cửa . Trước mặt tôi là ông bạn thân đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng còn rất phong độ và lịch lãm : quần áo là thẳng tắp , giầy đen bóng lộn , kính trắng gọng vàng , đầu đội chiếc mũ phớt Nga mà ông đã mua từ hồi chúng tôi cùng học ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (AOH)
Tôi pha ấm trà Thái Nguyên mời bạn rồi nói luôn kế hoạch : Từ giờ đến 10 giờ 50 chúng mình đàm đạo ; 11 giờ ăn trưa , trong khi ăn tiếp tục nói chuyện ; 13 giờ mình gọi taxi cho ông về .
Vừa uống xong chén trà nóng , ông bạn đã thở ngắn , than dài :
– Về hưu rồi mà cũng chẳng được yên thân
– Sao thế ?
- Tất cả chỉ vì THƠ . Không hiểu sao từ ngày về hưu bà vợ mình lại sinh ra đổ đốn , suốt ngày làm thơ . Nào thơ có hay gì cho cam , toàn thơ “con cóc” . Khu dân cư mình có cả một câu lạc bộ thơ . Thành viên của cái câu lạc bộ ấy toàn là những ông bà về hưu hâm đến tỉ độ .



Nhà mình rộng rãi , bà vợ mình lại có tính bốc đồng ; hễ có ai khen thơ của bà ấy hay là sướng tít mắt lên . Thế là bà ấy được bọn họ “nịnh” , bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ và chọn nhà mình làm địa điểm sinh hoạt . Thời chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng , bây giờ thì RA NGÕ GẶP “NHÀ THƠ” . Ớn quá!! Ngừng một lát , ông nói tiếp : Hôm 8/3 vừa rồi bà ấy triệu tập các “nhà thơ” của câu lạc bộ đến nhà mình sinh hoạt và chiêu đãi rất thịnh soạn .

Chỉ khổ con bé ô sin phải đi chợ từ sớm mua đủ thứ nào là thịt bò , thịt gà , bánh phở , rau thơm…Chương trình sinh hoạt của các “nhà thơ” hôm ấy là mỗi người phải đọc một bài thơ mới sáng tác , nếu đúng chủ đề 8/3 thì càng tốt . Họ “kính mời” bà vợ mình (chủ nhiệm câu lạc bộ) đọc thơ trước . Bà ấy đọc bài thơ mới sáng tác có tên là “Tình em” .




Thơ không ra thơ , thẩn không ra thẩn mà các thành viên cũng vỗ tay rào rào . Người tiếp theo là một ông có chất giọng đặc sệt xứ Nghệ . Ông ta xin đọc một cụm bài thơ ngắn vừa mới sáng tác theo đúng chủ đề 8/3 . Ông ta hắng giọng rồi đọc bài thơ đầu tiên
 

Hôm nay mùng tám tháng ba
Rủ nhau xem chị em ta đánh cầu
Lông bay vùn vụt trên đầu
Ngó qua thì tiếc , nhìn lâu thì thèm

Tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào . Bà vợ mình với tư cách là chủ nhiệm câu lạc bộ trịch thượng khen : “chuẩn không cần chỉnh” . Cứ thế , cứ thế hết ông này đến bà kia thi nhau đọc các “tuyệt phẩm” của mình . Toàn thơ con cóc . Ngay từ đầu mình đã phải sơ tán lên phòng làm việc ở tầng hai , đóng chặt cửa lại , nhưng các “nhà thơ” vẫn cứ oang oang , người thì đọc , kẻ thì ngâm , nghe mà muốn ói…Phải đến 13 giờ các vị ấy mới tan cuộc.

Các “nhà thơ” chơi hết sạch cả hai chai rượu Chivas 18 mà thằng con rể mình nó đi Xingapo về biếu . Tức điên người nhưng chả lẽ lại cãi nhau với bà ấy . Mà có cãi nhau thì mình thua là cái chắc . Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”



Kể đến đây , ông bạn dặn tôi : Khi nào ông đến nhà mình thì phải gọi điện trước . Nếu bà ấy có nhà thì mình hẹn ông tới nhà hàng nào đó rồi vừa nhâm nhi vừa nói chuyện . Để bà ấy gặp ông thì dứt không ra đâu . Bà ấy sẽ đọc thơ cho ông nghe cả ngày . Tính ông lại cả nể , hay khen người khác . Ông mà khen thơ của bà ấy thì “thôi rồi Lượm ơi !”

*
* *

Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông bạn : RA NGÕ GẶP “NHÀ THƠ” , cho nên buổi chiều hôm đó tôi lục lại tất cả các tập thơ mà người ta tặng trong thời gian gần đây . Có tất cả hơn 10 quyển . Tác giả đủ loại . Nhà thơ xịn , là hội viên Hội nhà văn khoảng ba , bốn người . Còn lại là những “nhà thơ nghiệp dư” đã về hưu mà tôi từng quen biết . Họ đều đề tặng rất trân trọng . Thí dụ : “Kính tặng anh Tiến Hải” , “Kính tặng đồng chí Tiến Hải” , “Thân tặng anh Tiến Hải” .

Mấy ông bạn đồng môn thời học phổ thông hay đại học thì đề tặng thân mật hơn . “Thân quý tặng Tiến Hải” , “Tặng Tiến Hải” hoặc “Tiến Hải ơi , tặng mày đọc cho vui”…Có điều rất lạ , tất cả các tập thơ đó đều do những nhà xuất bản danh tiếng xuất bản như : “Nhà xuất bản Văn học” , “Nhà xuất bản Hội nhà văn” , “Nhà xuất bản Phụ nữ” , “Nhà xuất bản Thanh niên” , “Nhà xuất bản Thông tấn” . Sách được in trang trọng , giấy tốt , trình bày rất đẹp và ở bìa bốn thường có ảnh của tác giả kèm theo vài dòng trích ngang về tiểu sử .



Thú thật , vì câu nói của ông bạn mà lần này tôi mới có dịp đọc kỹ những tập thơ đó . Đúng là có nhiều bài không phải là thơ . Tôi xin trích nguyên văn một số câu ở một số bài trong một số tác phẩm của một số tác giả nhưng vì tế nhị nên không ghi rõ xuất xứ . Thí dụ :
Chúng tôi đến nhà anh một buổi chiều
Thắp hương kính cẩn viếng cha anh
Anh chắp tay rì rầm khấn vái
“Kính lạy cha !
Đây là vợ chồng bạn con thân thiết
Chúng con sống với nhau có trước có sau
Xin cha phù hộ độ trì cho cô chú ấy được hạnh phúc dài lâu
Và phù hộ cho tình bạn của chúng con suốt đời chung thủy
….
Hoặc :
Bố mẹ đi làm
Bà cháu ở nhà
Tìm đủ cách chơi
Để mà dỗ bé
Nào là đi chợ
Mua sắm các thứ
Bà bán cho tôi
Thứ này thứ nọ
….
Hoặc :
Hai đứa chúng ta cùng chung họ
Lại chung đèn sách một mái trường
Cuối đời còn gánh chung một việc
Làm báo cho ba đời Thủ tướng
….
Nhiều lắm , nhưng chỉ xin trích mấy câu ở mấy bài thế thôi để bạn đọc còn cảm thấy thòm thèm

*
* *

Mỗi nhà thơ chỉ cần có vài ba bài thơ để đời là quá đủ . Thí dụ , nói đến Hoàng Cầm , người ta nghĩ ngay tới bài “Bên kia sông đuống” ; nói đến Hữu Loan , người ta nghĩ ngay tới bài “Màu tím hoa sim” ; nói đến Quang Dũng , người ta nghĩ ngay tới bài “Tây tiến” ; nói đến Nguyễn Bính , người ta nghĩ ngay tới bài “Cô hái mơ”…Nói cho thật khách quan và công bằng thì nhiều nhà thơ xịn vẫn có những bài thơ dở . Vì sợ động chạm , tôi không tiện trích dẫn , xin bạn đọc thông cảm .

Lại phải nói thêm . Có những người không phải là nhà thơ , nhưng vẫn có một số bài thơ hay . Chi bộ tôi có một ông tên là Hoàng Thái Sơn . Nghề nghiệp của ông là kỹ sư địa chất , không liên quan gì đến thơ ca . Ấy thế mà vừa rồi ông cho ra mắt tập thơ ĐÊM TÌNH YÊU , nxb Hội nhà văn . Tập thơ dày 236 trang gồm 171 bài , khổ sách 13x19cm .

Ông sang tận nhà tôi chơi và tặng tập thơ này với lời đề tặng rất trân trọng : “Kính tặng đồng chí Tiến Hải” . Ông khiêm tốn nói : “Tôi không phải là nhà thơ nhưng vì rất yêu thơ nên mới có tập thơ này . Mong đồng chí Hải xem và cho ý kiến nhận xét nhé” . Tôi đã đọc hết cả 171 bài thơ trong tập thơ ĐÊM TÌNH YÊU của ông . Tất nhiên khả năng thẩm định thơ của tôi thua xa chị Kim Dung – Kỳ Duyên nhưng cũng đủ trình độ để nhận biết bài thơ nào là hay , bài thơ nào là dở .

Trong tập thơ ĐÊM TÌNH YÊU của ông Hoàng Thái Sơn có một số bài thơ khá hay .Tôi xin trích nguyên văn một số bài ngắn để chị Kim Dung – Kỳ Duyên tham khảo và bạn đọc thưởng thức :

CHIỀU HÔM
Chiều ơi !sao lặng thế chiều
Cho tôi đôi cánh sáo diều để bay
Bầu trời man mác hương say
Gió du khẽ lá , đám mây mơ màng
Dòng sông nước chảy dịu dàng
Con đò ai đã sang ngang mất rồi
Chiều hôm quyến rũ hồn tôi
Hoàng hôn buông bóng khép đôi mắt buồn

EM ĐẾN BÊN ANH
Em đến , hoa sim lại nở đầy
Mắt trong như ngọc tím thơ ngây
Mây trôi nhè nhẹ ru hồn gió
Nắng phủ tình thơ lên vòm cây

HOA HỒNG VÀNG
Hoa hồng vàng lung linh trong nắng
Sắc màu vương giả ánh kiêu sa
Hương thơm quyến rũ hồn tao khách
Sâu nặng tình yêu trong kiếp hoa

*
* *

Mấy năm nay với sự ra đời của hàng nghìn câu lạc bộ thơ của các cụ về hưu trong toàn quốc và việc xuất bản quá dễ dãi của các nhà xuất bản (miễn là tác giả có tiền) làm cho nhiều người lo ngại về chất lượng của nền văn học nước nhà . Nhiều người rất dị ứng với thơ của các cụ về hưu . Nhưng theo tôi , điều đó không có gì đáng ngại , bởi vì văn học có khả năng sàng lọc và tự đào thải rất lớn .

Một tác phẩm nào đó ra đời nó có thể sống mãi hoặc chết yểu ngay trong lòng bạn đọc . Không phải là nhà thơ nhưng vẫn có những bài thơ sống mãi . Là nhà thơ đích thực nhưng vẫn có những bài thơ chết yểu . Chuyện đó quá đỗi bình thường ./.

Tiến Hải

( Theo Blog Kim Dung? Kỳ Duyên)

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Người Láng Giềng Xinh Đẹp



Rabindranath Tagore 
Hoàng Cường dịch



 Tình cảm tôi đối với người góa phụ trẻ cạnh nhà chỉ là những tình cảm tôn thờ. Ít nhất, đó là điều tôi kể với bạn bè và tự nhủ thầm với mình. Ngay Nabin, người bạn thân nhất của tôi, cũng không hay biết tí gì về tâm trạng thực của tôi. Và tôi cảm thấy phần nào tự hào là đã giữ được sự đắm say của mình trong sáng bằng cách giấu nó ở chỗ sâu kín nhất trong tim. Nàng như một bông hoa xêphali đẫm sương, vừa chớm nở đã bị gãy rụng xuống đất. Quá tươi tắn và thiêng liêng đối với chiếc giường cưới trải hoa, chỗ của nàng là ở trên trời. Nhưng sự đắm say giống như con suối trên núi, không chịu bị giam hãm ở nơi phát sinh mà phải tìm một lối thoát. Vì lẽ đó, tôi đã tìm cách thể hiện những cảm xúc của mình bằng những bài thơ, song ngòi bút miễn cưỡng của tôi không chịu viết ra những điều báng bổ đối với thần tượng của tôi. Một chuyện kỳ lạ là đúng vào thời gian đó, anh bạn Nabin của tôi lại mắc bệnh sính làm thơ. Nó đột ngột đến với anh như một trận động đất. Đây là cơn bệnh đầu tiên của anh chàng tội nghiệp, nên anh không chuẩn bị tí gì về cả vần lẫn điệu. Anh không cưỡng lại nổi vì đã bị nó mê hoặc khác nào một người đàn ông góa mê cô vợ kế. Vì vậy Nabin đến nhờ tôi giúp. Chủ đề các bài thơ của anh thật cũ, cũ lắm, cũ mà vẫn luôn luôn mới: tất cả các bài thơ của anh đều nói về người yêu. Tôi vỗ lưng anh, đùa hỏi: " Thế nào, anh bạn, nàng là ai?" . Nabin cười trả lời: " à điều đó thì mình chưa tìm ra" Thú thực, tôi rất khoái được giúp bạn. Như con gà ấp trứng con vịt, tôi đem hết niềm say đắm nồng nàn bị kìm hãm của mình trút sang những lời thổ lộ của Nabin. Tôi thêm thắt và nhuận sắc cho các văn phẩm thô kệch của anh nhiều đến nỗi phần của tôi chiếm gần hết các bài thơ đó. Nabin thường ngạc nhiên thốt lên:
- Đúng là điều mình muốn nói mà không diễn đạt nổi. Không hiểu làm thế nào mà cậu nắm bắt được những tình cảm tinh tế này? Với giọng nhà thơ, tôi đáp: - Chúng sinh ra từ trí tưởng tượng của mình. Như cậu biết, sự thật thì lặng lẽ chỉ có trí tưởng tượng mới hùng hồn. Thực tế đè nén dòng tình cảm như một tảng đá, còn trí tưởng tượng tự mở ra cho nó một con đường. Và anh chàng Nabin tội nghiệp ấp úng: " Đúng thế, đúng thế, mình hiểu" , rồi nghĩ ngợi một lát, lại lẩm bẩm: " Đúng thế, đúng thế, cậu nói đúng!" . Như tôi đã nói, ở mối tình của tôi có một cái gì cung kính, tế nhị khiến tôi không dám diễn đạt nó thành lời. Nhưng, lấy Nabin làm cái màn che, không còn gì cản trở ngòi bút thao thao bất tuyệt của tôi nữa và những tình cảm thực sự nồng nàn, trào ra thành những bài thơ viết hộ người khác. Những lúc minh mẫn, Nabin bảo: - Nhưng đây là những bài thơ của cậu đấy chứ! Để mình đăng nó dưới tên cậu. - Bậy nào - tôi trả lời - bạn thân mến, những bài thơ này là của cậu đấy. Mình chỉ chấm sửa đôi chút chỗ này chỗ kia thôi. Dần dần Nabin tin là như vậy. Tôi không chối cãi là với tâm trạng của nhà thiên văn khi quan sát bầu trời cao, thỉnh thoảng tôi có hướng con mắt về phía cửa sổ nhà bên cạnh. Và cũng đúng là thỉnh thoảng những cái nhìn vụng trộm của tôi đã chộp được một hình ảnh thoáng qua. Nhưng chỉ cần thoáng qua trong giây lát hình ảnh cao quý của nguồn khích lệ ấy, ngay tức khắc tất cả những gì xáo động và vẩn đục trong tình cảm tôi trở thành êm ả thanh khiết. Song một hôm tôi giật mình sửng sốt. Liệu tôi có thể tin được ở mắt mình không? Hôm đó là một buổi chiều hè nóng nực, khi trời có vẻ sắp bão, mây kéo đen kịt một góc trời phía tây bắc. Giữa khung cảnh ngập trong một thứ ánh sáng kỳ lạ và đáng sợ ấy, cô láng giềng xinh đẹp của tôi đang ngước mắt nhìn lên khoảng không gian trống rỗng. Và tôi phát hiện ra trong ánh mắt xa xăm của đôi mắt đen láy ấy có một niềm khao khát vô vọng! Phải chăng, may ra, vẫn còn một quả núi lửa sôi động nào đó trong mặt trăng êm ả rực rỡ kia của tôi? Hỡi ơi, cái ánh mắt khát khao không bến bờ kia, nó đang tung bay qua các đám mây như một con chim hăm hở, chắc chắn muốn tìm, không phải thiên đường, mà là tổ ấm trong một trái tim người. Nhìn thấy khát vọng khôn tả của ánh mắt ấy, tôi khó kiềm chế được lòng mình. Tôi không còn bằng lòng với việc sửa những bài thơ thô thiển nữa. Toàn bộ con người tôi ao ước được giải bày bằng một hành động cao quý. Sau cùng, tôi nghĩ sẽ dốc hết tâm trí làm cho việc tái giá của các góa phụ được hoan nghênh và trở thành phổ biến ở nước mình. Tôi sẵn sàng không những diễn thuyết và viết báo về vấn đề này mà còn bỏ tiền của ra cho sự nghiệp ấy. Nabin bắt đầu tranh cãi với tôi: ở góa suốt đời có một ý nghĩa thanh khiết và êm đềm dịu dàng vô hạn, một vẻ đẹp thanh bình như ở những nơi yên ngủ của những người đã khuất, lung linh dưới ánh trăng bàng bạc của ngày mười một kiêng khem 1. Riêng cái khả năng tái hôn chẳng làm tiêu tan cái vẻ đẹp thần tiên của nó sao?
Bây giờ kiểu nghĩ ủy mị ấy làm cho tôi tức giận liền. Thời buổi đói kém nếu có kẻ nào no thừa nói đến đồ ăn thức uống với một vẻ khinh khỉnh và khuyên nhủ người sắp chết đói hãy làm nguôi cơn đói bằng hương thơm và tiếng chim hót, thì ta nghĩ về hắn thế nào? Tôi bực bội nói: - Này Nabin, đối với người nghệ sĩ, cảnh hoang tàn có thể là đẹp đấy, nhưng người ta xây nhà không phải chỉ để cho các nghệ sĩ ngắm mà là để ở. Vì vậy phải tu sửa những ngôi nhà ấy cho tốt, cho dù vì thế mà các nghệ sĩ hậm hực. Đối với cậu, đứng xa mà lý tưởng hóa cuộc sống góa bụa thì rất dễ, nhưng cậu phải nhớ rằng, trong cảnh sống góa bụa kia có một trái tim nhạy cảm, đập dồn vì đau khổ và khao khát. Ban đầu, tôi tưởng làm thay đổi được cách nghĩ của Nabin chắc khó, vì vậy có lẽ tôi đã nói hăng hơn mức cần thiết, nhưng sau bài diễn văn ngắn ngủi tôi có phần ngạc nhiên khi thấy Nabin buông một tiếng thở dài trầm ngâm rồi hoàn toàn nhất trí. Phần kết bài diễn văn có sức thuyết phục hơn mà tôi định nói tiếp hóa ra không cần thiết nữa. Khoảng một tuần sau, Nabin đến gặp tôi, bảo rằng, nếu được tôi giúp thì anh sẵn sàng mở đầu bằng cách chính anh sẽ lấy một góa phụ làm vợ. Tôi mừng quá, vồn vập ôm hôn anh, hứa là anh cần cho việc ấy bao nhiêu tiền, tôi sẽ giúp hết. Sau đó, Nabin kể với tôi câu chuyện của anh. Tôi được biết, người mà Nabin đem lòng thương mến không phải là một con người tưởng tượng. Té ra cả Nabin nữa trước đây cũng đã có thời say mê một góa phụ từ xa nhưng không thổ lộ với ai tình cảm của mình. Sau đấy, tờ báo thường đăng những bài thơ của Nabin, hay nói đúng hơn là những bài thơ của tôi, đã tới tay người đẹp. Và những bài thơ ấy không phải không có tác dụng. Như Nabin cẩn thận giải thích, không phải anh đã chủ tâm tiến hành chuyện yêu đương theo cách ấy. Thực ra, - anh nói, - anh hoàn toàn không biết là người góa phụ kia đọc được chữ. Nabin thường gửi qua bưu điện tờ báo đăng thơ của anh đến anh trai người góa phụ mà không đề tên người gửi. Đó chỉ là một trò ngông cuồng, một sự nhân nhượng đối với mối tình say mê tuyệt vọng của anh. Đó chỉ là những bông hoa cúng đặt trên bàn thờ, Trời Phật có biết hay không, có nhận đồ tế hay không, chuyện ấy không phải là việc của người đi lễ. Và Nabin đặc biệt muốn tôi hiểu rằng, khi anh dựa vào cớ này cớ khác tìm cách làm quen với anh trai người góa phụ, anh không có ý định dứt khoát. Ta thường đặc biệt chú ý đến cả những ai gần gũi với người ta yêu. Tiếp theo là một câu chuyện dài kể lại hai người đã làm quen với nhau như thế nào khi người anh trai kia ốm. Sự có mặt của chính nhà thơ cố nhiên mở ra nhiều dịp bàn luận về các bài thơ, và những buổi bàn luận ấy không nhất thiết bó hẹp ở chủ đề đã làm nẩy sinh ra việc bàn luận. Sau lần thua tôi trong cuộc tranh luận mới đây, Nabin đánh bạo cầu hôn người góa phụ. Ban đầu, anh không được nàng ưng thuận, nhưng khi anh triệt để sử dụng những lý lẽ hùng hồn của tôi, cộng thêm một hai giọt nước mắt của anh, thì người đẹp đã đầu hàng không điều kiện. Bây giờ, người giám hộ nàng cần một ít tiền để thu xếp công việc. - Đây, cậu cầm lấy - tôi nói. - Nhưng, cậu biết đấy, - Nabin nói tiếp - phải mất mấy tháng nữa cha mình mới đủ nguôi giận để tiếp tục trợ cấp cho mình. Trong thời gian ấy, chúng mình biết lấy gì mà sống?
Tôi lẳng lặng viết cho anh bạn tờ ngân phiếu đủ số tiền cần thiết, rồi bảo: - Nào bây giờ cậu nói cho mình biết nàng là ai đi. Cậu chớ coi mình có thể là tình địch của cậu, vì mình xin thề là sẽ không làm thơ tặng nàng, và dù cho có làm thì cũng không gửi cho anh trai nàng, mà cho cậu! - Sao cậu lại nói thế, - Nabin nói - Mình giấu tên nàng không phải vì sợ cậu trở thành tình địch! Thực tế là nàng bị xáo động rất mạnh khi quyết định bước đi bất thường này, và yêu cầu mình chớ kể việc này với bạn bè. Nhưng nay không cần thiết nữa, vì mọi chuyện đã được thu xếp xong xuôi. Nàng ở số mười chín, ngay cạnh nhà cậu đó thôi. Nếu tim tôi là một cái nồi hơi bằng sắt thì có lẽ nó đã nổ tung rồi. Tôi chỉ hỏi: - Vậy nàng không phản đối gì chuyện tái hôn à? - Hiện nay thì không, - Nabin trả lời với một nụ cười. - Có phải chỉ riêng những bài thơ đã gây ra sự thay đổi thần kỳ này không? - Đúng thế, cậu biết đấy, các bài thơ của mình cũng không đến nỗi tồi, có phải không? - Nabin nói. Tôi nguyền rủa thầm trong bụng. Nhưng tôi nguyền rủa ai mới được cơ chứ? Rủa Nabin à? Hay rủa chính tôi? Rủa Trời à? Tôi rủa tất cả. 

(Rút trong tập " Mây và mặt trời" , NXB Văn học 1986) -------------------------------- 
1 ở Ấn Độ, ngày thứ 11 của tuần trăng được coi là ngày nhịn ăn và ăn năn hối lỗi. 

Bài học từ một dòng sông



Chu Thụy Nguyên




tôi đã được học
vẫn nhắm một con mắt lại
và tin
những điều tôi vẫn khăng khăng
cho là chết tiệt
một ánh mắt còn lại
tôi luôn dán chặt
nơi lỗ châu mai
để nhìn rõ từ thâu đêm suốt sáng
đích ngắm
lúc nào là rõ nhất
miệng của tên dâm tặc
vừa chui vào chỗ ấy chưa kịp chùi
đã oang oang giảng điều đạo lý
miệng của ả kỹ nữ chưa mặc kịp quần lót
đã hùng hồn dạy chương đức dục
bên dưới ngọn đồi
là trường đời gai góc
nơi những gã dốt nát nhưng lắm mép
dạy bạn cách cài nút quần sao cho thật nhanh
sau những lần hiếp dâm
dòng sông bên kia ngọn đồi
nơi bạn tôi nằm xuống
ngay trong ngày ký kết hưu chiến
nơi ít nhất một lần nó loang máu
nơi ít nhất một lần nó ngưng chảy
nơi nó từng dạy tôi
hãy vốc nước rửa sạch cả hai mắt
lúc nào cũng phải tận dụng hết nhãn quan
để nhìn thấy sự thật
dẫu trước khi phải chìm lĩm …

Phục sinh tôi




Võ Công Liêm



tôi tàn phai chiều rụng xuống trên lưng đồi
nắng đợi . đôi chân mòn lê bước
nhớ
bâng khuâng lòng dại dột vô cùng
thổi lên tóc . thất lạc bốn phương . hề!
ngoảnh cổ về tư cố hương
một dòng sông ấp mộng cũ
đuổi theo trăng ngút ngàn mưa gió xoáy
để mai rồi tình chết vẫn như không . trôi xuôi câu mái đẩy
núi vẫy gọi
biển vỗ về
lệ chảy xuôi vai mềm . đắng con tim
động giữa thinh không một tiếng . rền
phục sinh tôi
đoái hoài như chó ốm
nằm ôm đàn mà gảy nhịp tiêu tương
xin ân xá một lần . để thấy trăng sao mà cảm tạ đôi điều
làm thân tế độ kiếp lưu đày . vực thẳm đen
em
tháng năm buồn vời vợi
ta
bỏ lại những mảng tình da diết . cuối chân trời
làm hình tượng một thời quá vãng . vết chân chim
in dấu dã tràng . ta xe cát đời ta con sóng bạc
để trở về thăm thẳm nhớ . một hình hài xiêu vẹo chốn phong ba
sát na ơi! mi là ai? – là cõi thời gian vô tận số
ngừng lại để nghe lời tha thiết gọi
oái
trong đôi mắt rướm máu
phục sinh tôi
một linh hồn ốm nặng
giữa bãi đời hư vô :

chết
chưa
chôn

amen !

“Mây của trời cứ để gió cuốn đi”




*Photo: Any Direct Flight


Người ta muốn chia tay, có nên níu kéo không?

Sẽ rất nhiều người khuyên bạn rằng không nên níu kéo làm gì một người đã muốn ra đi nhưng cũng sẽ có người bảo bạn rằng hãy biết dũng cảm níu giữ hạnh phúc của chính mình, như vậy mới là yêu thực sự. Mỗi người một cách suy nghĩ và vì thế sẽ cho bạn những lời khuyên khác nhau. Hãy trân trọng những lời khuyên và những con người ấy vì họ thực sự quan tâm đến bạn đấy. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi đó là người ta không phải bạn, người ta không trải qua cuộc tình đó nên tuyệt nhiên không thể hiểu rõ mọi cơ sự để mà đưa ra lời khuyên hợp tình hợp lý nhất. Người duy nhất bạn nên lắng nghe để đưa ra quyết định cuối cùng đó là chính mình.

Khi người kia nói lời chia tay, bạn có cả ngàn lý do để buồn đau, để muốn người đó ở lại bên mình, để tình yêu không vỡ nát ngay trước mắt mình. Nhưng hãy xem những lý do đó là vì mình hay vì người kia, nếu đa số lý do bạn muốn níu chân người kia là vì mình thì xin bạn đấy… hãy để cho người ta đi đi còn nếu lý do là vì người kia thì hãy dũng cảm giữ người đó lại…
Níu kéo người ta vì mình

Chia tay người đó, bạn buồn đau và lo lắng cho chuỗi ngày sắp tới một-mình không-người-yêu? Sẽ không có ai đưa bạn đi xem phim vào mỗi tối cuối tuần, không có ai đưa bạn đi dạo, đi chơi cũng như bạn ốm cũng sẽ không có người mua cháo đến thăm bạn, lúc tức giận không có chỗ để trút? Chưa hết, bạn lo không thể yêu thêm một ai nữa hay bi kịch hơn sẽ chẳng có ai để mắt đến bạn nữa rồi thì “ế”. Những lý do này rất nhiều nhưng tựu chung thì chúng cùng giống nhau ở một điểm “bạn đang lo cho chính mình”. Nếu lý do bạn không đành lòng để cho người đó ra đi là thuộc về kiểu lý do này thì xin bạn… hãy để cho người ta đi đi.

Người đấy đang bất hạnh trong chính mối quan hệ này vì bạn đâu có yêu người ta, bạn chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi. Tất cả những gì bạn muốn người ấy làm chỉ là để làm cho bạn vui, thậm chí những gì bạn làm cho người ấy cũng chỉ là vì… mình. Hãy nhìn lại cuộc tình vừa qua, bạn có thấy đúng như vậy không? Bạn muốn người ta phải thế này thế khác, phải làm xem có vừa ý đẹp lòng bạn thì bạn vui không thì bạn cáu giận làm tổn thương người ta. Đây vốn dĩ không phải là tình yêu thì níu kéo làm gì cho khổ người khổ ta. Hãy trả lại tự do cho một tâm hồn, người ấy xứng đáng có một tình yêu trọn vẹn hơn với một người yêu mới biết quan tâm và chia sẻ với anh ấy. Còn bạn, bạn sẽ sớm tìm được một người bạn muốn mang lại cho người ấy hạnh phúc thôi.
Níu kéo vì hạnh phúc của người ấy

Bạn thực sự yêu là khi bạn quan tâm đến người ấy hơn cả chính bản thân mình. Chỉ cần thấy người đó vui và hạnh phúc, chỉ thế là đủ. Bạn chẳng đòi hỏi người đó phải thế này thế kia chỉ để làm bản thân mình hài lòng. Ngay đến cả khi người ấy muốn chia tay, thậm chí bạn cũng giấu nước mắt mà buông tay chỉ để cho người ấy được hạnh phúc hơn, tìm thấy ai đó tốt hơn bạn để yêu. Nhưng bạn ạ… sẽ chẳng có ai yêu anh ta nhiều hơn bạn cũng như không ai có thể làm cho anh ta hạnh phúc bằng bạn được đâu.

Nếu thực sự yêu, hãy dũng cảm giữ lấy bàn tay ấy. Dù khó khăn nhưng hãy thử một lần được hết lòng hết sức với tình yêu của mình. Cho dù có thất bại thì cũng đã trọn vẹn với tình cảm của con tim mình. Hãy chân thành cho người ấy thấy tình cảm của bạn, rằng bạn thực sự yêu và luôn cố gắng để cho người ấy được hạnh phúc. Nếu anh ta cũng thực sự yêu bạn, hai người sẽ có thêm một cơ hội nữa để yêu thương. Nếu không thì bạn cũng hiểu rằng đã đến lúc nên buông tay vì… mình. Anh ta không yêu bạn thì cũng không xứng đáng với tình yêu của bạn. Hãy để dành tình cảm đó cho một người xứng đáng hơn. Yên tâm nhé, người ấy nhất định sẽ đến mà!

Chuyện tình yêu vốn dĩ đã rất phức tạp vì con tim và lý trí đôi khi cứ chạy ngược chiều. Nhưng dù sao đi chăng nữa, là tình yêu và hạnh phúc của mình thì đừng đặt lên tay người khác. Hay là người đưa ra quyết định, bạn nhé!



Bảo Bình