Văn chương! Không biết ai là kẻ đầu tiên áp đặt hai chữ văn chương vào văn học Việt Nam.
Với ảnh hưởng Trung Hoa lâu dài trong quá khứ người ta có thể suy đoán có lẽ ngày xưa các cụ vì sính chữ Tàu nên kéo danh từ này về nước làm khuôn mẫu cho những sáng tác thơ vịnh. Nói như thế cũng chưa hoàn toàn chuẩn. Vì một sự du nhập văn hóa nào nếu không được ưa chuộng hoặc không thích hợp với bản sắc của môi trường mới, chưa chắc đã tồn tại và bắt rễ mọc cây vào mảnh đất này.
Theo định nghĩa chiết tự Hán Nôm: Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác. Ðịnh nghĩa này có vẻ thiên về hình thức hơn về nội dung của một sáng tác thơ văn.
Có phải điều này đã trở thành châm ngôn tối thượng đi vào văn học Việt Nam. Nhấn mạnh mặt "văn chương". Chú ý hình thức, cách trình bày, điệu nghệ của một đoạn văn, nhịp tiết tấu của những vần thơ, đã trở thành một tiêu chuẩn căn bản để định giá những sáng tác thơ truyện tiếng Việt hay ho từ xưa đến nay.
Nhìn lại văn học tiếng Việt ba tác phẩm cổ nổi tiếng là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm. Ðây là những tác phẩm được xem như là gia bảo của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay.
Tác phẩm được nâng niu hàng đầu là Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Trước tiên xét về mặt nội dung suy tưởng. Ðoạn Trường Tân Thanh được biết đến với đề tài Tài Mệnh Tương Ðố "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Thúy Kiều nhân vật chính của truyện là một cô gái tài sắc đã gặp truân chuyên trắc trở cuộc đời đến mười lăm năm. Ðây là tác phẩm có nội dung suy tưởng của một đề tài cao. Nhưng ý chính của tác phẩm, tài sắc của con người đi cặp kè với hoạn nạn, "càng cao giá ngọc càng dày gian nan" của Nguyễn Du không phải là một suy tưởng phổ quát cho con người ở bất cứ đâu thời đại nào hoặc bất cứ hoàn cảnh nào. Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều gương danh nhân thế giới có những cuộc đời huy hoàng thành công vượt bực nhờ tài năng và nhan sắc của họ. Chứ không phải hễ ai tài sắc cũng đều gặp một cuộc đời khốn nạn như cuộc đời nàng Thúy Kiều nhà mình.
Truyện Kiều vẫn được truyền tụng trong dân gian vì những câu thơ Nôm bất hủ của Nguyễn Du. Nghệ thuật tả cảnh "Dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước, áo quần như nêm", tả tình "Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, tả người “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Nghệ thuật mô tả của Nguyễn Du siêu đẳng. Nhờ nghệ thuật mô tả của ông mà những nhân vật song mãi với người đọc. Thơ văn tiếng Việt được yêu chiều “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng nước ta còn ..." (Phạm Quỳnh, trong 327). Truyện Kiều còn đạt được mức độ tài hoa nhất của thi ca Việt Nam. Cơ hồ đến nay những câu thơ mấy trăm năm đã qua của Nguyễn Du vẫn còn là những câu lục bát tinh hoa nhất của thi ca Việt Nam vẫn được nhiều người thuộc nhất, vẫn được dùng làm gương do sáng tác trong giới cầm bút nhất.
Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn là hai câu truyện tâm sự ta thán của những người đàn bà bất hạnh. Cung Oán Ngâm Khúc là khúc ngâm của một người cung nữ đẹp bị quân vương hất hủi.
Chinh Phụ Ngâm là tiếng than của một người đàn bà có chồng đánh giặc xa. Xét về nội dung suy tưởng cả hơi tác phẩm đều đặt thân phận con người trong triết lý Phật giáo. Ðời là bể khổ: "Nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê" (CONK). Hệ lụy duyên kiếp: Trong cửa này đã đành phận thiếp. Ngoài mây kia há kiếp chàng vay" (CPN).
Tuy đụng chạm vấn đề của triết lý đạo Phật, nhưng cả hai tác phẩm không đưa ra những suy tưởng mở rộng nào, mà suy tưởng trong các tác phẩm này có tính cách định đề khép kín. Ðặt con người trong một định đề đã được triết lý Phật giáo đóng khung: thân phận con người là thế đấy, duyên may phận rủi. Và giờ đây chỉ có nước kêu than mà thốt. Một người thì than oán cay cú (CONK). Một người thì tỉ tê tâm sự' (CPN). Xét về mặt nội dung, cả hai tác phẩm nêu trên không có được những bước suy tưởng phóng tới chính gốc của một tác phẩm sáng tạo, một nét tất yếu toát ra từ những tác phẩm lớn. Ðiều này chính là vì cái định đề đóng khung "định mệnh đã an bài" mà Ðặng Trên Côn và Nguyện Gia Thiều đã ném vào tác phẩm như cái sườn để dựng truyện. Người đọc không tìm được những tranh chấp siêu hình hoặc tranh chấp nhân sinh đến từ những suy tưởng mà chỉ thấy cát thông điệp của triết lý Phật Giáo được diễn giải ra qua những nhân vật, hoặc bàng bạc trong những cách tả cảnh tình tài tình của một người viết hay.
Nhưng Chinh Phụ Ngâm đến tay Ðoàn Thị Ðiểm diễn Nôm đã trở thành sáng rực rỡ trong vòm trời văn học Việt Nam. Với thể thơ song thất lục báu bát Ðoàn Thị Ðiểm đã biến tác phẩm của Ðặng Trần Côn thành một áng thơ Nôm bất hủ. Cùng với Cung Oán Ngâm Khúc, bản thơ Nôm Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thi Ðiểm được tất cả mọi người viết sách biên khảo văn học Việt Nam hết lời ca ngợi về mặt nghệ thuật chữ nghĩa và mô tả. Nhà biên khảo Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam Văn Học Sứ Yếu về Cung Oán Ngâm Khúc như sau: "Lời văn thì rõ là của một bậc túc nho uẩn sư đặt câu thì gọt giũa, cao kỳ; diễn ý thì dùng nhiều chữ bóng bẩy và nhiều điển cổ . Văn Nôm trong muốn ấy thật đã tới một trình độ rất cao". (Dương Quảng Hàm trang 218).
Qua khỏi ba tác phẩm kể trên, những sáng tác tiếp theo được dùng làm khuôn vàng thước ngọc trong văn học Việt Nam là những sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Ðình Chiểu ... của thế kỷ mười chín. Trong thời kỳ văn học cực thịnh của tiếng Nôm hay tiếng Nam này, ngoài Nguyễn Ðình Chiểu với chuyện Lục Vân Tiên có tuồng tích chủ đề đâu ra đó, chuyện Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa là một vở tuồng đạo đức. Và Nguyễn Công Trứ với triết lý sống qua những bài thơ phú của ông. Những sáng tác của những tác giả còn lại kể trên phần lớn đều được ngưỡng mộ vì đấy cũng là những sáng tác thơ Nôm bất hủ. Hồ Xuân Hương được ưu ái tặng cho tước hiệu Bà Chúa Thơ Nôm. Cao Bá Quát được truyền tụng: "Văn thư Siêu quát vô tiền Hán". Trong tập Khảo Luận về Nguyễn Khuyến của Doãn Quốc Sĩ và Việt Tử, Nguyễn Khuyến được các nhà biên khảo này đề nghị như sau: "Bất lực trước thực tại Nguyễn Khuyến lui về ở ẩn. Ngoài bốn cảnh cổ điền cầm, kỳ, thi, tửu, cụ còn tìm quên lãng trong cái mênh mông hiền dịu của thiên nhiên." (Doãn Quốc Sỹ, trang 97).
"Bất lực trước thực tại", có lẽ cũng là trường hợp xảy ra cho Cao Bá Quát, Tú Xương ... Những nhà thơ "lớn" này vì bất lực việc triều đình hoặc thế sự đảo điên đã về nhà làm thơ. Và kết quả nền văn học Việt Nam có được những áng 'văn chương" bất hủ. Ông nào tự trào cũng số một. Cao Bá Quát coi đời bằng vung. Tú Xương tả cảnh ăn chơi tận tình. Nếu dùng những tiêu chuẩn nghiêm chỉnh của thế giới để phê bình giá trị nội dung sáng tác của những tác phẩm này, người ta sẽ không tìm thấy ở đây những giá trị phổ quát, nhân sinh, thâm sâu lồng lộng trời biển nào. Mà phần lớn là những bài thơ bất đắc chí, chỉ nhìn thấy ở đời sống những mặt tiêu cực.
Nhưng những sáng tác của họ đã được không biết bao nhiêu bậc trí thức và tác giả Việt Nam tuyên dương tán tụng đây là những kiệt tác văn chương của Việt Nam.
Thơ của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát đã từng được Bộ Giáo Dục Miền Nam trước năm 1975 mang vào giảng dạy bậc trung học. Ðiều này chứng tỏ Bộ Giáo Dục đồng ý rằng hễ “lời thơ ý đẹp và sáng" là đáng được dùng làm tiêu chuẩn học hỏi cho bậc hậu sinh. Mặc cho giá trị nội dung tiêu cực đến đâu.
Qua đến triều đại Tự Lực Văn Ðoàn thể văn xuôi mới phổ thông ra đời. Những nhà văn nổi tiếng của nhóm này là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam ... Nhất Lỉnh nổi tiếng với những tác phẩm Ðôi Bạn, Ðoạn Tuyệt, Giòng Sông Thanh Thủy, Xóm Cầu Mới. Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái. Thạch Lam với Sợi Tóc, Hà Nội 36 Phố Phường, Gió Ðầu Mùa ....
Mặc dầu đây là một văn đoàn với những định kiến trói buộc về tôn chỉ mục đích như "theo chủ nghĩa bình dân", “làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa". (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Mà theo Phạm Thế Ngũ suy diễn ra là "Diễn tả tự do cá nhân để chống lại luân lý gia đình chuyên chế" (Phạm Thế Ngũ, trang 438). Tự Lực Văn Ðoàn có công trong việc đưa vào tiếng Việt lối viết truyện mới, thoát ra ảnh hưởng của lối viết truyện theo thể văn vần đã chế ngự văn học Việt Nam mấy ngàn năm trước đây. Với những chủ trương đã định sẵn như vậy, người đọc sẽ tìm thấy những chủ định đóng trọn vai trò giao phó của những nhân vật trong các tác phẩm của những tác giả nhóm này. Nhân vật Loan, Thân, Dũng trong Ðoạn Tuyệt, Nhà Mẹ Lê trong Xóm Cầu Mới, hoặc Vọi trong Trống Mái là điển hình. Những nhân vật trong những tác phẩm có chủ đề thường bị rơi vào tình trạng là phải sống, phải suy nghĩ phải đóng những vai trò theo ý định chủ quan của tác giả. Họ không còn một trời một cõi riêng của mình nữa. Sơ hở này thường ít tìm thấy ở những tác phẩm tớn quốc tế. Nếu không muốn nói là những tác phẩm thuộc vào hàng quốc tế này thường được ca ngợi là có những nhân vật có đời sống riêng của nhân vật. Tác giả thành công trong việc biến mất khỏi sân khấu tác phẩm, và hoàn toàn để cho những nhân vật của họ sống tung hê theo câu chuyện. Những tay viết chuyện nhà nghề lừng danh quốc tế vẫn thường được khen ngợi về điểm này.
Thật ra việc tác giả ôm ấp những chu thuyết hoặc chủ đề trước khi dựng truyện, và chủ mưu xây dựng nhân vật hoặc câu chuyện xoay quanh một chủ đề nào đó, xảy ra rất thường. Jean-Paul Sartre chẳng hạn, ông ta là một triết gia trước khi tả một nhà văn. Tuy nhiên mức độ dày mỏng của tư tưởng cộng với tài năng viết văn của tác giả, để khi ra đến quốc tế, được soi rọi như soi rọi trước ống kính hiển vi và được công nhận là một kiệt tác. Thì không phải là chuyện dễ ăn. Mức độ suy tưởng của Sartre về thân phận con người qua anh chàng Roquentin trong La Nausée chắc chắn là sâu sắc, dày. và phổ quát nếu so với mức độ suy tưởng của Nhất Linh về Nhà Mẹ Lê.
Trong mười tôn chỉ của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2-3-1 933, điều khoản thứ tư có ghi: "Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam." (Phạm Thế Ngũ, Tôn Chỉ và đường lối sáng tác của Văn Ðoàn, trang 437). Có lẽ đây là một chủ trương thành công nhất của nhóm vãn bút này. Lời văn của Tự Lực Văn Ðoàn trong sáng giản dị điều này ai cũng nhìn nhận. Vừa có chủ ý chọn lựa những câu chuyện "bình dân", vừa xứ dụng tiếng Việt giản dị dễ hiểu, những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn đã được chào đón nồng nhiệt ngay lúc vừa ra đời năm 1932. Những đoạn văn tả cảnh, tả tình, tả người của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng thật đặc sắc làm nổi bật được tinh hoa của tiếng Việt. Lời văn trong sáng lưu loát chính là yếu tố đã tạo ra một bầu khí nhẹ nhàng bàng bạc trong hầu hết những tác phẩm của họ. Nghệ thuật viết văn của các tác giả này cùng với những tài năng thơ văn tiếng Việt khác ở nửa đầu thế kỷ hai mươi như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính,Hồ Dzếnh; đã để lại một dư âm văn học, vẫn thường được độc giả gọi là thơ văn "lãng mạn nhẹ nhàng" của thời "tiền chiến".
Nhất Linh xuất bản Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết, Thạch Lam xuất bản Theo Giòng để bàn về kỹ thuật viết tiểu thuyết. Trong thời kỳ phôi thai của thể văn xuôi thời ấy, hai tác phẩm này đều bàn về những kỹ thuật viết tiểu thuyết cho những người muốn đi vào thể văn mới mẻ này. Cả hai đều nhận mạnh những tiêu chuẩn như viết cho đúng sự thực, mô tả tâm lý nhân vật cho tế nhị phải tạo sự rung động ở độc giả, nhà văn là kẻ có trách nhiệm với xã hội ... Những tiêu chuẩn trên phần lớn đều là những tiêu chuẩn muôn thuở trong lĩnh vực viết truyện. Tuy nhiên trên thực tế viết được một tác phẩm hoàn toàn, có tầm vóc của một tác phẩm lớn thiết tưởng không phải là một chuyện thuộc phạm vi nặng phần kỹ thuật. Bởi kỹ thuật là điều có thể học hỏi được. Mà đằng sau những tác phẩm lớn là lồng lộng những suy tưởng cao viễn lẫn bản lĩnh viết lách, cộng với một chút thiên tài và định mệnh!
Ðể thấy rằng có những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn xuất sắc về mặt "văn chương", mô tả chi ly tinh tế tâm lý nhân vật, kể chuyện duyên dáng, xứ dụng ngôn ngữ khéo léo, cốt chuyện mạch lạc, "rằng hay thì thực là hay" nhưng gập những trang sách này lại, người đọc vẫn thấy thiếu vắng những luồng gió mưa bão đến độ xô dạt tâm hồn hoặc những suy tưởng đến làm lùng bủng trí tuệ như khi đọc xong những tác phẩm lớn quốc tế.
Ngoài bút nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, một số nhà văn khác cũng rất thành công trọng địa hạt viết tiểu thuyết ở thời kỳ này như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ... Một số lớn tác phẩm của các nhà văn này là những câu chuyện xã hội.. Cốt chuyện lôi cuốn, kể chuyện dí dỏm như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, hoặc cốt chuyện tài tình, kể chuyện mạch lạc như Lá Ngọc Cành Vàng của Nguyễn Công Hoan, đều là những tác phẩm "kể chuyện" hay. Ðấy là những bức tranh xã hội hết sức sống động. Phần lớn những tác phẩm xã hội nói trên khai thác sự bất công xã hội. Và một lỗi lầm dễ bất gặp ở những tác phẩm này là thành kiến. Thành kiến đối với giai cấp phong kiến, cai trị. Ðó là lý do tại sao đảng Cộng Sản khai thác những tác phẩm có giai cấp rõ rệt như Truyện Kiều, chuyện của Vũ Trọng Phụng, của Nguyên Hồng, của Nam Cao .v..v... Vì họ lợi dụng được những tác phẩm này để áp dụng vào việc phát huy chế độ. Một số người đọc đứng về phía kẻ bị áp bức sẽ thấy hả hê, thỏa mãn được tâm lý bị đàn áp. Nhưng đứng ở một phương diện khách quan hơn, những tác phẩm đầy thành kiến kiểu này không đủ tiêu chuẩn nhân bản mở rộng một tiêu chuẩn cốt lõi khác của những tác phẩm lớn.
Phải gọi nền sáng tác dưới chế độ Cộng Sản là một nền sáng tác bất hạnh. Bởi vì dưới chế độ này, ngòi bút của tác giả có sách được xuất bản đều phải phục vụ "giai cấp", phục vụ "Hội Nhà Văn", phục vụ "Đảng". Và người Cộng Sản thì thường thường rất khắc nghiệt và tàn nhẫn với những người bị họ cai trị. Cho nên những tác phẩm được Hà Nội xuất bản dù văn vẻ trau chuốt đến đâu, dù yêu quê hương yêu đồng loại yêu Bác yêu Đảng đến đâu cũng đều chỉ có những giá trị phục vụ chính trị.
Trong khi đó nền văn học miền Nam được tự do hơn. Nếu dùng tiêu chuẩn của số lượng tiêu thụ cao, được độc giả mến mộ, hoặc được đồng nghiệp ca ngợi thì tạm gọi đây là một giai đoạn trên đà phát triển. Và những tác phẩm miền Nam trong giai đoạn này cũng mang những màu sắc riêng của chúng.
Nhưng nếu dùng tiêu chuẩn gắt gao của một người đọc sách nghề thì có thể nói ít tác phẩm nào của giại đoạn này đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế. Một tác phẩm có thể được đón nhận nồng nhiệt trong tiếng mẹ đẻ nhưng khi ra đến người quốc tế, thì phải hội đủ những rung động và suy tư để bất cứ người nước nào cũng có thể tiếp nhận được. Những tác phẩm chỉ nói được giá trị thời thế, giá trị địa phương, hoặc chỉ phản ảnh những rung động hạn hẹp và suy tư be bé của tác giả thì khi ra đến quốc tế đụng phải những tay đọc sách tinh đời, chỉ cần liếc qua một trang sách là có thể đọc được trình độ của tác giả, viết cái chi đây, suy tư đến đâu, kiến thức cỡ nào, có chút giá trị nào dưới những câu chuyện này không, có chính gốc sáng tác không hay lại bắt chước ai. Ôi thôi, tiêu chuẩn của những tay đọc sách đã từng ngốn hết bao nhiêu bồ chữ của thiên hạ như thế nào bạn có thể tưởng tượng được, dầu sách bạn dịch ra tiếng nước họ và đem dâng trước mặt cho họ đọc.
Nhìn lại một cách tổng quát những sáng tác truyện của văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần lớn thành công về lối "chuyện – kể chuyện", hơn là đạt thành tích về “truyện – lộng truyện”. Trong văn học thế giới nếu có những tác phẩm của Kafka, Beckett, Conrad ... Viết vài chục trang giấy “lộng truyện” khô như nùi giẻ rách mà chứa đựng những suy tưởng xuyên thủng tư tưởng thế giới. Thì cũng còn vô số những tác phẩm thuộc loại “kể chuyện" cự phách, như chuyện của Chekhov, Somerset Maugham, lsaac Singer .
Nhiều tác phẩm "văn chương" Việt Nam khi được dịch ra ngoại ngữ, người đọc thế giới không thấy hay ở nơi đâu. Lý do bởi các tác phẩm mà người Việt khen hay là nhờ “văn chương” trội bật. Dịch ra ngoại ngữ, phần “văn chương” bay biến mất. Vì cái hay của “văn chương” thì không thể thông dịch. Nên đã xảy ra hiện tượng “Mười voi không được bát nước xáo” “Beaucoup de bruit pour rien” với các tác phẩm Tiếng Việt lâu nay được dịch ra ngoại ngữ. "Where's the beef?"! "Xác" thì nông. “Văn chương” thì không thể dịch. They all are chìm nghỉm theo tiếng của người nước ngoài, rất thảm thiết.
Mở một cái ngoặc rất vĩ đại nơi đây. “Người Thế Giới” chính là một thế giới lâu nay bị chế ngự bởi giống đực. Từ đực Trắng Jewish cho đến đực Tàu 西安. Các tiêu chuẩn của những người đàn ông chế ngự thế giới lâu nay, không có gì bảo đảm là hay là đúng muôn thuở là phổ quát muôn đời. Các giá trị của thế giới ấy dù có là Nobel Prize hay the Man Asian Literary Prize hay Pulitzer Prize hay Man Booker International Prize hay Man Booker Prize, thì vẫn là những giá trị do những người đàn ông đực bấy lâu nay đề xướng và áp đảo thế giới. Các giá trị ấy vẫn-có-thể-và-nên-bị-xét-đoán-lại bất cứ lúc nào. Đóng ngoặc.
Thật là những vấn đề liên hệ đến nhiều yếu tố văn hóa cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Có rất nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại đã như một tấm màn bao trùm lấy văn chương Việt từ bao nhiêu ngàn năm nay. Một kết luận về vấn đề này không thể đơn giản và có tình cách áp đảo như dùng tiêu chuẩn của nền văn hóa khác để thẩm định nền văn học Việt Nam. Hoặc dùng tiêu chuẩn quê nhà nhưng lại thiếu kiến thức và trí thức có tính quốc tế để đủ sức lượng định các giá trị chung và riêng. Có lẽ vì thể văn xuôi mới thật sự bộc phát mạnh ở Việt Nam từ đầu thế kỷ hai mươi đến nay, nên ngành viết truyện phải trải qua những giai đoạn mò mẫm để tìm kiếm bản sắc của mình chăng?
Trên đây chỉ là vài nhận xét tổng quát chủ quan, với những dẫn chứng tượng trưng. Những nhận xét này cũng không có nghĩa là phủ nhận mặt "văn chương" của một sáng tác. Bởi vì văn cách tự nó đã chứa đựng những giá trị và nghệ thuật của một tác phẩm.
Tham khảo:
Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử, Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến, Hồng Hà Xuất Bản. Bản in lại tại Cali Hoa Kỳ, không in lại gốc và năm xuất bản.
Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sứ Yếu, Sống Mũi, Fort Smith Arkansas, 1979
Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sứ Giản ước Tân Biên, Tập 111 Dai Nam Co. California, 1987.
Phạm Quỳnh, Phạm Quỳnh, 1892-1992 Tuyển Tập và Di Cảo An Tiêm, Paris. 1992.
___________
Nguyên bản “Thói Quen “Văn Chương” Trong Văn Học Việt Nam” trong tập Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật, Lũy Tre Xanh xuất bản, California, 1995. Được đưa lên gio-o.com 2014 sửa tựa thành Thói Quen “Văn Chương” Trong Nền Sáng Tạo Tiếng Việt với vài bổ túc và sửa lỗi.
Lê Thị Huệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét