Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

SOS- BÁO ĐỘNG BỆNH RỐI LOẠN TÂM THẦN



VIỆT NAM -30% dân số mắc bệnh rối loạn tâm thần, trong đó bệnh trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm có khoảng 40 ngàn người tự tử.Số trẻ vị thành niên tự tử ngày càng gia tăng

ps/- Đa số người mắc bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm đều chơi fe và blog

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

NHỮNG TRANG BÁO CŨ


Uông Thái Biểu


Những gương mặt mãn nguyện rói tươi cân đai mũ mạo
Những gương mặt đớn đau sầu não
Những con chữ đen trên thảm giấy trắng
Những con chữ tràn ra cả lề


Người ký tên giờ này ở đâu
Nhân vật tôi cũng chưa hề gặp
Có lẽ họ đã đi rất xa
Có lẽ họ đã về với đất
Giấy thì trắng mà mực lại đen


Những cuộc điều tra
Những lần giương ống kính
Những lời lẽ đanh thép dữ dằn
Những lời tụng ca hết ý
Giấy thì trắng mà mực lại đen
Như những hàng phím đối nghịch màu sắc
trên cây đàn dương cầm


Những lời khen thật-giả-sượng sùng
Những lời chê -thô bạo- khoác màu trung thực
Thật may sự thật không có màu gì cả
Giấy trắng và mực đen


Những con chữ từng sắc như mũi tên
Những khuôn hình ngọt như lát cắt
Giấy trắng như thảm cỏ hư vô
Năm tháng úa vàng màu thiên cổ của đất

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÓC BẠC




NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÓC BẠC

Thơ: Kiều Thị An Giang; Phổ nhạc: Nguyễn Đức Thuần

Khi gặp nhau hai ta tuổi xế chiều.
Tóc em thiếu vai và đầu anh rất nhiều sợi bạc.
Nhưng tình xanh đã đổ màu lên mái tóc.
Tim dại khờ cuồng dại những ngày vui.
Đừng bao giờ đem khổ đến cho nhau nữa em ơi!
Xin đừng làm đau nhau, đừng quên lời hứa vội.
Trăm năm hỡi trăm năm vừa vụt tới.
Trên bầu trời run rẩy ánh sao băng.
Nếu em về thịt da sẽ khép miệng.
Cây sẽ lên hoa, thuyền mơ xuôi dòng về bến cuối.
Người đàn ông chung tình mái đầu như sương tắm gội.
Không bao giờ nhuộm lại tóc đâu em!

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

VĂN TẾ THẬP LOẠI QUAN THAM




(Kẻ hậu sinh cung kính lạy cụ Đồ Chiểu)
Phạm Lưu Vũ


Hỡi ơi! Thuế nặng phí dày, lòng dân bải hoải.


Trăm năm công đánh giặc, chưa chắc mà nay ở ngôi cao,
Mấy đời móc túi dân, thân tuy béo tiếng tham như chó


Nhớ quân xưa:


Con cái nhà ai,
Ăn no dửng mỡ.


Quen thân nhung lụa, đâu biết lòng dân,
Chỉ biết chọi nhau, ở trong biệt phủ.


Việc hát, việc hò, việc đàn, việc đúm… thân vốn quen rồi,
Học ăn, học nói, học chữ, học nghề… mắt đâu thèm ngó.


Nghiệp ăn hại kết tinh từ kiếp trước, cha quan to thì mình tất quan to,
Mùi tham lam đã ngấm đến cao lâu, thích hối lộ như mèo hoang thích chuột.


Chỗ thấy đường xe đông như nước, muốn lập trạm thu;
Ngày xem ngân sách cạn như chùi, muốn nâng thuế VAT.


Một mối lợi danh ngồn ngộn, há để ai cướp mất của ai,
Hai tầng quyền lực ngút trời, đâu dung lũ dân đen khốn khó.


Nào sợ ai đòi, ai bắt? phen này xin thỏa sức tung hoành,
Chẳng thèm biết ngượng, biết ghê, chuyến này quyết ra tay vơ vét.


Khá ngon thay:


Vốn chẳng phải quan to, quan nhỏ, khối thằng theo đóm được an tàn,
Chẳng qua là con bạc, con buôn, quan hệ tốt thiếu gì dự án.


Mười tám môn hối lộ, nào biệt thự, nào nhà,
Chín chục triệu dân đen, cứ tha hồ móc túi.


Ngoài cật đã có tờ quyết định, nào đợi dân kịp trở tay,
Trong xe chồng một đống hồ sơ, đâu cần đến lương tri, công lý.


Cửa quan đã đẻ ra cơ chế, liền sinh ra nhóm nọ nhóm kia,
Nhân danh người nhà tướng, nhà quan, chả cần vốn cũng tay không bắt giặc.


Chi nhọc thương thảo với giá này, giá nọ, lấn vườn, cướp ruộng, coi giặc cũng như dân,
Nào sợ thằng Vươn bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, dễ dàng như tập trận.


Kẻ dùi cui, người roi điện, làm cho dân lành, con nít hồn kinh,
Bọn hè trước, lũ ó sau, thương thay lão già gãy cẳng.


Tấm gương đạo đức đâu rồi?
Ai biết tính người vội bỏ.


Một kiếp quan trường rằng chữ lợi, ai hay quả báo nhãn tiền,
Trăm năm địa ngục ấy chữ nguy, nào đợi nhân nào quả nấy.


Núi sông mờ mịt, mà cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Thiên hạ thái bình, để già trẻ hai hàng lệ nhỏ.


Bên ngoài giặc cướp, Hán gian ùa tới, mà biển khơi đã chết còn dày đặc âm binh,
Bên trong quan tham, giữ ghế hành dân, mà hiệu lực nhất nhất theo kim tiền chỉ đạo.


Nhưng nghĩ rằng:


Tấc đấc ngọn rau ơn xương máu, tài bồi cho cả nước nhà ta,
Bát cơm manh áo sống ở đời, tối mắt mấy đời cha con nó.


Vì ai khiến dân đen khốn khổ, thuế phí chồng nhau,
Vì ai xui vườn ruộng tan tành, động mồ động mả?


Sống làm quan tham lam vô đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn,
Chết làm ma ở chốn cửu tuyền, ngửi phân lợn, uống nước đồng, nghe càng thêm hổ.


Thà chưa thác mà đặng lòng sám hối, ăn năn may tổ phụ còn vinh;
Hơn sống dai mà chịu chữ cẩu quan, ở với nhân dân cũng ngượng.


Thôi đi thôi!


Đường quan lộ, năm năm ư một khóa, có tham lam cũng lưu lại chút tình,
Nẻo công danh, một kiếp đặng một lần, cẩn thận kẻo sa phải vòng lao lý.


Đau đớn bấy! người tình ngồi tiếc của, buổi vàng son sung sướng đâu rồi,
Não nùng thay! vợ trẻ chạy nuôi chồng, con xế cũ đậu ngoài song sắt.


Ôi!


Một khóa quan tham;
Nghìn năm nhục nhã.


Giặc cướp vẫn giăng đầy đâu đó, ai làm cho bốn phía mây đen,
Ông cha ta còn gửi cốt nơi đây, ai cứu đặng mấy phường con đỏ.


Sống mà cả nước non đều hận, oan gia đầy, muôn vạn kiếp còn theo,
Thác đừng trông đền miếu để thờ, tiếng gian trải muôn đời ai cũng chửi.


Sống tạo nghiệp, thác thì trả nghiệp, linh hồn theo ám cháu con, muôn kiếp không ngóc đầu lên được,


Sống thờ giặc, thác phải thờ ma, lời Phật dạy đã rành rành, một chữ “đọa” đủ mà cảnh tỉnh.


Hỡi ơi!


Nước mắt dân lành lau chẳng ráo, thương vì hai chữ dân oan,
Cây hương liệt sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu bội nghĩa.


May ra thì hưởng!

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

NẾU NHƯ ĐỜI KHÔNG CÓ EM




"Có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông"? Có ai chết hai lần trong một dòng đời. Cuộc sống như dòng một dòng nước luân chuyển và biến thiên, đôi lúc tưởng chừng như đang dừng lại, để thấy cuộc đời bình yên. Nhưng không, vạn vật trên đời vốn dĩ “ ở trọ” trần gian. Ở trọ trong một dòng sông cũng chính là biểu tượng của “tâm thức hay ý thức , tư tưởng” – nơi khởi nguồn và sinh sôi của mọi tục lụy trần thế như một dòng nước chảy xiết và thay đổi, sinh diệt cùng với vạn vật hữu tình.


"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người"


Chim nào đậu mãi cành tre, cá nào lội mãi trong khe cho dù đó là khe nước nguồn? Chim rồi cũng sẽ bay đi, cá rồi cũng sẽ theo con nước rời khe. Trịnh công sơn chỉ với 2 câu mở đầu đã vẽ lên một hình ảnh sinh động, đầy gợi cảm, mong manh và vô thường. Cây sẽ chuyển động khi gió đến, sông luôn chảy theo dòng luân lưu và dòng đời cũng vậy. Cũng sẽ vận hành theo duyên nợ hợp tan. Tình đến tình đi có gì là lạ và còn lại gì?
Những áng mây trên tầng không ấy luôn gợi tưởng cũng đang “ ở đậu” như những giấc mơ của con người và điều quan trọng hơn là tùy theo tâm thức của mỗi cá thể mà “ Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người”


"Mộng trung hữu mộng trùng mê mộng".


Tất cả sẽ vụt qua “ mắt người”- cái cửa sổ của tâm hồn- để từ đó nảy sinh bao ý niệm buồn vui, biệt ly, hợp nhất , tử sinh…


"Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều"


Người xinh hẳn “môi xinh”. Phải chăng là một điều tất yếu như qui luật của tự nhiên? Nhưng không, môi cũng chỉ ở đậu bởi người phải “đi đứng”. Cái sự đi đứng ấy là một sự trầm luân bởi nó được vận hành bằng “ đôi chân Thúy kiều”. Tại sao không là đôi chân của Trịnh?


Thúy Kiều là hiện thân của trầm luân khổ ải, nhưng cũng lung linh tinh khiết như giọt nắng ban mai.


Chim cá. mây trời, mưa nắng và con người… vạn vật trên thế gian này đều “ ở trọ” và cũng chính vì “ở trọ “ nên :


"Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành"


Tính chất nhân bản hiện ra đầy lãng mạn. Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại trong một thế giới vô thường, thực-hư này. Trọ gần nhau để “mai kia” dù có ra sao cũng đành không phải là phó mặc. Mai kia của Trịnh chính là đương niệm hay chánh niệm, là quan trọng hơn cả trong con người. Ở trọ gần nhau để nảy sinh “ thiện tâm” vốn có trong mỗi con người ( Nhân chi sơ tánh bổn thiện), khơi dậy chánh niệm phật tâm vốn bị dòng chảy của đời người cuốn đi, khỏa lấp, trôi dạt…Sinh, lão,bệnh, tử…nào ai thoát được và mọi thứ chúng ta đang có, đang “chiếm hữu” mà thực ra chính “ ta đang bị chiếm hữu” cũng chỉ sẽ là “ cát bụi”mà thôi.


Trịnh Công Sơn đã tự thân chiếu rọi duyên nghiệp tại thế của mình "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà cảm thông, chia sẻ với người, với đời, với cỏ cây sỏi đá và tất cả sinh linh.


Không thể tiếp tục nhìn thấy em “ trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”.
Không thể nhìn thấy em “ đi trên đôi chân của Thúy kiều trầm luân,khổ ải..”
Không thể “ ở trọ “ mãi trong nỗi cô đơn của chính mình
Không thể không là ta trong một dòng sông mà khi ta dừng lại ta vẫn thấy mình trôi đi …


Một sự giải thoát, kết thúc cho một vòng đời sinh tử, cho một kiếp người viên mãn không phải là sự dừng lại mà chính là sự ra đi…


Không thể chiếu rọi duyên nghiệp tại thế của chính mình.
Không thể…và không thể…
Nếu như đời không có em

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

NHỚ NÚI - DÒNG TỰ SỰ CỦA NHÀ THƠ UÔNG THÁI BIỂU



Nhận được tập thơ " Nhớ núi" của Nhà báo Uông Thái Biểu gửi tặng qua chị Thu Hương( Báo Tây Ninh), tôi thật sự bất ngờ. Mười mấy năm chưa lần gặp lại,cũng không liên lạc, ấy vậy mà Biểu vẫn nhớ dù anh không nhớ rõ chữ lót tên tôi.

Gặp nhau trong một dịp tôi tham gia Trại sáng tác ở Đà Lạt do Hội Văn nghệ Tây ninh tổ chức, lúc đó, Biểu đang là phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân và cà phê với nhau gần trọn một buổi chiều. Duy chỉ có vậy nhưng cũng đủ để nhớ về nhau.,


Đọc bài thơ đầu tiên "Điệp Khúc", tôi đã bị cuồn hút ( cũng có thể nói đây là lần đọc thơ anh) bởi cái chất trầm lắng, sâu đọng và đặc biệt là cái cách dụng chữ vừa xưa, vừa nay đan xen nhau hết sức tự nhiên và tài tình của anh.

Không hoài cổ, cũng không bài xích "văn minh thành thị" nhưng chừng như ở anh có cái gì đó của sự hoài nghi, trăn trở, ray rứt và tự vấn...của một kẻ nặng tình trước sự đổi thay của con người và xã hội.

Điệp Khúc là một bài thơ hay trong tập thơ " Nhớ Núi" của anh

ĐIỆP KHÚC

Vẫn thế buồn vui của ngàn năm cũ
yêu ghét vẫn như xưa như thưở ông bà
em vẫn là em mai xanh mai bạc
hành tinh vẫn gần sát gót chân ta

Khắc khoải kêu một đời chim di trú
một đời mây bảng lảng đội trên đầu
sông vẫn cứ vơi đầy trong đục
cây một đời vấn vít gió Luy Lâu

Em gõ phím lập trình trên máy tính
những
ghét
yêu
cao thượng
thấp hèn
trên mặt đất hàng triệu người cày cấy
hàng triệu người ngồi nhặt trắng chia đen

Có lực hút gì mà ghê gớm vậy
những hạt li ti gắn mấy tỉ trên đầu
con cá buồn hiu đạp mình sông lạnh
chờ một ngày Lã Vọng ghé buông câu

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

NGÀY RẰM NHỚ LẶT LÁ MAI



Truyện ngắn : Phạm Đình Trúc Thu


Nhà tôi có cây mai to, gốc u nần, bộ rễ đẹp. Nội kể, lúc sinh ba tôi, ông đã đem cây mai kiểng trong chậu ra trồng ngay giữa sân trước nhà với cầu mong ba tôi cũng có được sức sống mạnh khỏe như loài mai vậy.


Lúc nhỏ, tôi thường cùng nội lặt lá mai. Nội bảo : “ Cứ ngày rằm thì lặt lá, cây mai sẽ trổ bông đúng tết”. Năm nào cũng như năm nào, đến rằm tháng chạp là nội lặt lá, đến mùng một tết cây mai nở bông vàng rực, ai nhìn cũng phải lên tiếng khen. Vào dịp tết, cây mai luôn là niềm kiêu hãnh của tôi với bọn trẻ trong làng.


Ông bà nội chỉ có hai người con, ba tôi và chú. Ba tôi lớn hơn chú năm tuổi. Ba tôi học hết tiểu học thì nghỉ ở nhà phụ ông lo việc đồng áng. Riêng chú, được học lên trung học, rồi về Sài gòn học đại học.


Mỗi lần, lặt lá mai, nội vẫn hay kể chuyện. Nội nhớ đến ông, nhớ đến ba tôi. . Nội kể,chú về Sài gòn học, rồi tham gia hoạt động cách mạng. Ba tôi đã nghĩ ra cách đào hầm bí mật dưới gốc mai trước sân nhà để chú trú ẩn mỗi khi về thăm nhà,về quê tôi hoạt động.


Lúc tôi lên năm, một hôm lính ập vào nhà bắt trói ba tôi dẫn đi. Mẹ nói, ba tôi bị tra tấn, đánh đập rất dã man . Ba tôi được thả về thì lâm trọng bịnh, không lâu thì mất.Từ đó, chú không về nữa. Sau ngày giải phóng, chú về và làm lãnh đạo ở huyện, rồi lên tỉnh, đến giờ.Khi phong trào chơi kiểng rộ lên, có nhiều thương lái tìm đến nhà tôi hỏi mua cây mai, trả giá rất cao, hơn năm lượng vàng nhưng nội nhất mực không bán.


Rồi chuyện không may xảy đến với tôi. Tôi bị tai nạn giao thông, phải mổ. Vì lo cho tôi, nhà không tiền, nội đành dứt ruột kêu người bán cây mai. Mẹ nói, chú nghe được, chú về bảo Nội bán người ta bao nhiêu thì bán chú bấy nhiêu. Rồi chú đưa tiền cho mẹ , cho người bứng cây mai đem về nhà chú.


Tôi ở bệnh viện về,không thấy cây mai đâu, tôi hốt hoảng hỏi nội: “ cây mai đâu rồi nội ?”. Nội nheo nheo mắt cười, xoa đầu tôi : “ Cháu nội sống lại là nội mừng rồi.”. Mẹ bảo: “ Nội bán cho chú để lấy tiền chạy chữa cho con”. Tôi nghe lòng xót xa, chỉ biết trách mình.


Mùa đông năm đó, nội ngã bệnh, phải nhập viện. Thỉnh thoảng,nằm trên giường bệnh, nội lại kêu tôi hỏi: “ Hôm nay là mấy rồi con?”. Rồi nội nhắc : “ Ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con”. Tôi chỉ muốn khóc. Rằm tháng chạp, nội mất.


Đám giổ đầu của nội, tôi đem cây mai con trồng vào nơi cây mai của nội. Cây mai theo năm tháng lớn dần, năm nào đến rằm tháng chạp tôi cũng lặt lá là cây mai trổ bông đúng tết,dù không rực rỡ như cây mai của nội.


Cây mai của nội đem về nhà chú, được cắt sửa và ghép giống mai khác nở bông có đẹp hơn, nhưng mỗi lần gặp tôi ,chú than phiền là cây mai chẳng mấy khi trổ bông đúng tết. Chú lại hỏi tôi có cách nào để cây mai trổ đúng không.Tôi lắc đầu, những nghệ nhân chú bỏ tiền rước về chăm sóc còn không làm được huống gì là tôi. Có điều lạ,chính chú cũng thấy là cây mai tôi trồng lúc nào cũng nở rộ bông vào ngày mùng một tết. Có lẽ, tôi luôn nhớ lới nội dặn : “ Ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con !".


Bây giờ, tôi đã có gia đình và con trai tôi đã hơn ba tuổi. Đến rằm tháng chạp, con tôi lẽo đẽo theo tôi lặt lá mai và tôi lại dặn nó: " ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con".Thằng bé gật đầu nhưng chắc không hiểu vì sao phải vậy. Nó chỉ nhoẽn miệng cười thích thú lặt từng lá mai....


Xuân 2000
PĐTT ( đã chỉnh sửa)

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Những tiếng thì thầm





bạn thân ơi,
nói thật là:
suốt một đời đứng đắn
tôi vẫn có rất nhiều điều
ân hận
rất nhiều điều
chẳng dám nói to.
như chuyện sáng nay thôi,
dù rất nhỏ,
cũng khiến tôi lấn cấn đến giờ.
có người ủng hộ tôi,
bảo: chả sao, chuyện bằng con muỗi.
nói thêm lại hóa dở hơi.
tôi cũng cho nó chẳng đáng phải nhắc trên đời.
giết con muỗi ai coi là suy đồi nhân cách?


nhưng cũng có người
dù không nghiêm mặt trách.
vẫn chỉnh huấn tôi: điều đó không nên.
tôi thì cho là họ đạo mạo thành quen.

nhưng,
không hiểu sao,
kể từ lúc ấy,
tôi cứ thấy buồn buồn thế vậy
cứ thấy lòng bứt rứt không yên,
cố thả lỏng người, hai mắt láo liên,
để cái vấn đề không trở thành thể rắn.
nhẹ như khí, chẳng thành hình,
không có trong đầu mình thì cũng chẳng trong đầu người khác.
đừng cho nó hiển ngôn là được,
vì chẳng có từ nào để diễn tả tương đương.
nếu ngữ ngôn như một đại lượng đo lường,
thì nó nhỏ thôi,
chỉ bằng 0,00000000….n 1 phần trăm của chiều ngôn ngữ.
nên sẽ rất sai lệch khi dùng câu chữ,
nói ra sẽ cấp thêm cho nó ti tỉ lũy thừa.

bạn thân à,
dù cố dửng dưng, tưng tửng như lá với nước mưa,
tôi vẫn thấy có chút gì cắn rứt,
dù chuyện nhỏ thôi, có điên mới quy về đạo đức,
họ và tôi là hai hệ thống khác nhau
tôi chẳng sai đâu.
nhưng từ lúc thấy trong người bứt rứt,
tôi biết hệ thống của mình đã bị thâm nhập
bởi những yếu tố ngoài,
qua tiến trình nội hóa.

thế nên,
bạn thân ạ,
chuyện không thể giữ mãi trong người,
tôi lại chẳng đủ can đảm để nói to,
vậy nên, ghé sát tai đây:
……abcdđ@#$%^&*…..
……………………….
(rất nhỏ)

suỵttttt!!!!

Nguyễn Hồng Phúc

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

CÂU CHUYỆN XÃ HỘI: VIỆT NAM CÓ THỪA ROBOT LÀM VIỆC ĐỂ LÀM CMCN 4.0?

Kẻ nghèo mơ mộng viễn vông
cmcn 4.0 nhà nông tiêu đời...










Đã có những thời đất nước chúng ta nhiều mộng mơ. Đầu tiên là ngày xưa mơ về nước Nga trong những vần thơ tráng lệ của thi sĩ Tố Hữu lúc còn Pháp thuộc. Rồi khi giành độc lập xong và thống nhất đất nước, chúng ta mơ xây dựng nền công nghiệp nặng cùng CNXH. Đổi mới bắt đầu, chúng ta mơ có nền công nghiệp ô tô và công nghiệp điện tử để biến Việt Nam thành quốc gia công nghiệp hoá và hiện đại hoá sánh cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành những nhiệm vụ đó vào năm 2020. Và cứ như thế và năm tháng trôi đi…


Nhìn lại mới thấy mong ước có nhiều nhưng làm được chưa bao nhiêu: Việt Nam chỉ bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp mới được có dăm năm với năng suất lao động vẫn còn thua xa các nước lân bang, có chăng mới chỉ còn hơn được Myanma, Lào và Campuchia, nhưng cũng không rõ sẽ duy trì vị thế đó được bao lâu nữa.


Bất ngờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 rơi xuống nước ta như một cứu cánh rực rỡ cho định hướng phát triển: giúp bỏ qua những tranh luận sôi nổi lâu nay về cải cách thể chế kinh tế cùng việc xác định nội hàm cụ thể cho khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đâu ra thì không ai rõ lắm nhưng xem ra thuật ngữ này đang là thuật ngữ phổ biến nhất trên truyền thông đại chúng nước nhà lúc này.Và cùng với nó là hy vọng về một quốc gia khởi nghiệp sẽ tới. Nhưng cuộc cách mạng 4.0 này thực sự là cái gì?


Về cơ bản, có thể hiểu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là sự xuất hiện và phổ biến một loạt công nghệ mới có tính tương tác và tích hợp cao trên nền tảng công nghệ thông tin. Nhờ việc số hóa hoạt động kiểm soát và truyền thông, các quy trình sản xuất mới xuất hiện trong đó trí thông minh nhân tạo và robot hóa sẽ đóng vai trò chủ chốt giúp thay thế những lao động giản đơn trong quy trình sản xuất. Do đó, năng suất lao động được đẩy lên rất cao: một bước nhảy vọt kể từ thời Ford đưa dây chuyền sản xuất ô tô vào đời sống hơn 100 năm về trước, khởi đầu cho cách mạng công nghiệp lần thứ 2.0.


Có điều, đây là sản phẩm của những xã hội đã đạt trình độ phát triển và để có thể triển khai được nó, cần có những điều kiện nhát định, cả về kinh tế lẫn xã hội. Cho nên, cũng đến lúc cần tư duy lại một cách thực tế xem nên làm gì để khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 rất vĩ đại này của loài người trong điều kiện cụ thể nước ta. Xem ra, cơ sở xã hội là những điều kiện cần được tính tới trước hết để cách mạng 4.0 có cơ đi vào cuộc sống.


Có ít nhất 3 yếu điểm về mặt xã hội cần được lưu ý tới ở đây.


Đầu tiên là sự băn khoăn về việc liệu cuộc Cách mạng 4.0 có được xã hội nước nhà chấp nhận không với câu hỏi cụ thể: triển khai nó để làm gì khi lao động đang còn dư thừa ở quy mô rất lớn và giá nhân công Việt còn rất rẻ, nhất là ở nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Cuộc cách mạng 4.0, như chúng ta biết, xuất hiện ở các nước tiên tiến dưới áp lực các nguồn lao động bị khan hiếm và đẩy chi phí tiền lương lên rất cao, như trường hợp của Nhật Bản nơi có tỷ lệ người già cao nhất thế giới và số lượng robot đang đứng đầu thế giới.


Đây cũng là câu chuyện đã xảy ra ở nước Anh khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 đưa máy hơi nước vào để giải quyết bài toán tiền công của công nhân tăng cao.


Trong khi ở nước ta hiện nay thì khoảng 70% dân số vẫn ở nông thôn, mức sinh thấp 2 con cho mỗi gia đình vẫn chưa vững khi ngay ở Thủ đô Hà Nội số sinh con thứ 3 đã vọt tăng trong năm 2016, và năng suất lao động thấp nên tiền công còn lâu mới cao đến mức các nhà đầu tư phải cân nhắc để lựa chọn việc đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất, chưa nói đến robot, trí tuệ nhân tạo hay internet kết nối vạn vật.


Đây là một tiền đề rất quan trọng mà các nhà lập chính sách nước ta hình như chưa từng đặt đúng tầm vóc của nó: làm thế nào để đảm bảo công ăn việc làm cho một khối lượng lớn người tay nghề chưa cao và vẫn đang chủ yếu sản xuất nông nghiệp? Cứ xem việc dư thừa thịt lợn hiện nay, một lĩnh vực mới chỉ áp dụng không nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đang làm chao đảo nền kinh tế là đủ rõ!


Còn nếu nhìn đàn cá sấu hàng vạn con đang bị bỏ đói do không có thị trường tiêu thụ thì càng thấy rõ hơn quy mô của vấn đề việc làm cho số đông người lao động. Mục đích của cách mạng 4.0 nếu đưa vào cuộc sống chưa rõ có được sự đồng thuận của xã hội hay không.


Chương trình giáo dục luôn đổi mới


Tiếp đó, sự đào tạo chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của đời sống và sản xuất đang còn yếu kém, nếu không muốn nói là thụt lùi so với các quốc gia láng giềng: sau nhiều lần thay đổi, đến nay một chương trình giáo dục phổ thông mới do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ trì lại đang được bắt đầu đưa vào thử nghiệm.


Phạm Bích San

LỤC BÁT TỰ DO

HOÀNG XUÂN TUYỀN



1.
Tự do nào! Tự do nào!
Tự do ta dắt ta vào miền thơ
Con đường lục bát cam go
Bao con chữ mất tự do thành vè.
2.
Tứ mờ mịt, lời lê thê
Nửa phố thị, nửa thôn quê - nửa mùa
Tưởng rằng trí tuệ có thừa
Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu.
3.
Tự do? Ai bảo sao đâu!
Mỗi dòng mỗi nản, mỗi câu mỗi buồn
Tự do chấp chới cánh chuồn
Một mình một bước một đường một xa.
4.
Tự do đây. Tự do mà!
Tự do đáy giếng cũng là tự do?
Trời kia - nắp ấm tròn vo
Hé mắt ếch, cất tiếng ho: - Xin chào!
5.
Tự do nào! Tự do nào?
Tự do thét, tự do gào - tự do?
Kiếm tìm lục bát quanh co
Bước cao bước thấp lò dò ta đi.
6.
Tự do nhất, tự do nhì
Tự mình mình đã biết gì tự do.
Vần vèo thêm quẩn chân thơ
Non tay biết đến bao giờ hết non.
7.
Tự do mất, tự do còn
Tự do dựa dẫm héo mòn tự do.
Ý gầy guộc, nghĩa ốm o
Lo trâu sứt sẹo, sợ bò trắng răng.
8.
Tự do cây - ngát hương xanh
Tự do ta - ngọt đầu cành chiêm bao.
Tự do! Nào tự do nào!
Tự ta chọn, tự mình trao cho mình.
9.
Tràng giang đại hải linh tinh
Đương đà lục bát, bất thình lình ... tự do
Ta tự do - Thơ tự do!