Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

NẾU NHƯ ĐỜI KHÔNG CÓ EM




"Có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông"? Có ai chết hai lần trong một dòng đời. Cuộc sống như dòng một dòng nước luân chuyển và biến thiên, đôi lúc tưởng chừng như đang dừng lại, để thấy cuộc đời bình yên. Nhưng không, vạn vật trên đời vốn dĩ “ ở trọ” trần gian. Ở trọ trong một dòng sông cũng chính là biểu tượng của “tâm thức hay ý thức , tư tưởng” – nơi khởi nguồn và sinh sôi của mọi tục lụy trần thế như một dòng nước chảy xiết và thay đổi, sinh diệt cùng với vạn vật hữu tình.


"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người"


Chim nào đậu mãi cành tre, cá nào lội mãi trong khe cho dù đó là khe nước nguồn? Chim rồi cũng sẽ bay đi, cá rồi cũng sẽ theo con nước rời khe. Trịnh công sơn chỉ với 2 câu mở đầu đã vẽ lên một hình ảnh sinh động, đầy gợi cảm, mong manh và vô thường. Cây sẽ chuyển động khi gió đến, sông luôn chảy theo dòng luân lưu và dòng đời cũng vậy. Cũng sẽ vận hành theo duyên nợ hợp tan. Tình đến tình đi có gì là lạ và còn lại gì?
Những áng mây trên tầng không ấy luôn gợi tưởng cũng đang “ ở đậu” như những giấc mơ của con người và điều quan trọng hơn là tùy theo tâm thức của mỗi cá thể mà “ Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người”


"Mộng trung hữu mộng trùng mê mộng".


Tất cả sẽ vụt qua “ mắt người”- cái cửa sổ của tâm hồn- để từ đó nảy sinh bao ý niệm buồn vui, biệt ly, hợp nhất , tử sinh…


"Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều"


Người xinh hẳn “môi xinh”. Phải chăng là một điều tất yếu như qui luật của tự nhiên? Nhưng không, môi cũng chỉ ở đậu bởi người phải “đi đứng”. Cái sự đi đứng ấy là một sự trầm luân bởi nó được vận hành bằng “ đôi chân Thúy kiều”. Tại sao không là đôi chân của Trịnh?


Thúy Kiều là hiện thân của trầm luân khổ ải, nhưng cũng lung linh tinh khiết như giọt nắng ban mai.


Chim cá. mây trời, mưa nắng và con người… vạn vật trên thế gian này đều “ ở trọ” và cũng chính vì “ở trọ “ nên :


"Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành"


Tính chất nhân bản hiện ra đầy lãng mạn. Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại trong một thế giới vô thường, thực-hư này. Trọ gần nhau để “mai kia” dù có ra sao cũng đành không phải là phó mặc. Mai kia của Trịnh chính là đương niệm hay chánh niệm, là quan trọng hơn cả trong con người. Ở trọ gần nhau để nảy sinh “ thiện tâm” vốn có trong mỗi con người ( Nhân chi sơ tánh bổn thiện), khơi dậy chánh niệm phật tâm vốn bị dòng chảy của đời người cuốn đi, khỏa lấp, trôi dạt…Sinh, lão,bệnh, tử…nào ai thoát được và mọi thứ chúng ta đang có, đang “chiếm hữu” mà thực ra chính “ ta đang bị chiếm hữu” cũng chỉ sẽ là “ cát bụi”mà thôi.


Trịnh Công Sơn đã tự thân chiếu rọi duyên nghiệp tại thế của mình "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà cảm thông, chia sẻ với người, với đời, với cỏ cây sỏi đá và tất cả sinh linh.


Không thể tiếp tục nhìn thấy em “ trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”.
Không thể nhìn thấy em “ đi trên đôi chân của Thúy kiều trầm luân,khổ ải..”
Không thể “ ở trọ “ mãi trong nỗi cô đơn của chính mình
Không thể không là ta trong một dòng sông mà khi ta dừng lại ta vẫn thấy mình trôi đi …


Một sự giải thoát, kết thúc cho một vòng đời sinh tử, cho một kiếp người viên mãn không phải là sự dừng lại mà chính là sự ra đi…


Không thể chiếu rọi duyên nghiệp tại thế của chính mình.
Không thể…và không thể…
Nếu như đời không có em

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét