" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017
NGÀY RẰM NHỚ LẶT LÁ MAI
Truyện ngắn : Phạm Đình Trúc Thu
Nhà tôi có cây mai to, gốc u nần, bộ rễ đẹp. Nội kể, lúc sinh ba tôi, ông đã đem cây mai kiểng trong chậu ra trồng ngay giữa sân trước nhà với cầu mong ba tôi cũng có được sức sống mạnh khỏe như loài mai vậy.
Lúc nhỏ, tôi thường cùng nội lặt lá mai. Nội bảo : “ Cứ ngày rằm thì lặt lá, cây mai sẽ trổ bông đúng tết”. Năm nào cũng như năm nào, đến rằm tháng chạp là nội lặt lá, đến mùng một tết cây mai nở bông vàng rực, ai nhìn cũng phải lên tiếng khen. Vào dịp tết, cây mai luôn là niềm kiêu hãnh của tôi với bọn trẻ trong làng.
Ông bà nội chỉ có hai người con, ba tôi và chú. Ba tôi lớn hơn chú năm tuổi. Ba tôi học hết tiểu học thì nghỉ ở nhà phụ ông lo việc đồng áng. Riêng chú, được học lên trung học, rồi về Sài gòn học đại học.
Mỗi lần, lặt lá mai, nội vẫn hay kể chuyện. Nội nhớ đến ông, nhớ đến ba tôi. . Nội kể,chú về Sài gòn học, rồi tham gia hoạt động cách mạng. Ba tôi đã nghĩ ra cách đào hầm bí mật dưới gốc mai trước sân nhà để chú trú ẩn mỗi khi về thăm nhà,về quê tôi hoạt động.
Lúc tôi lên năm, một hôm lính ập vào nhà bắt trói ba tôi dẫn đi. Mẹ nói, ba tôi bị tra tấn, đánh đập rất dã man . Ba tôi được thả về thì lâm trọng bịnh, không lâu thì mất.Từ đó, chú không về nữa. Sau ngày giải phóng, chú về và làm lãnh đạo ở huyện, rồi lên tỉnh, đến giờ.Khi phong trào chơi kiểng rộ lên, có nhiều thương lái tìm đến nhà tôi hỏi mua cây mai, trả giá rất cao, hơn năm lượng vàng nhưng nội nhất mực không bán.
Rồi chuyện không may xảy đến với tôi. Tôi bị tai nạn giao thông, phải mổ. Vì lo cho tôi, nhà không tiền, nội đành dứt ruột kêu người bán cây mai. Mẹ nói, chú nghe được, chú về bảo Nội bán người ta bao nhiêu thì bán chú bấy nhiêu. Rồi chú đưa tiền cho mẹ , cho người bứng cây mai đem về nhà chú.
Tôi ở bệnh viện về,không thấy cây mai đâu, tôi hốt hoảng hỏi nội: “ cây mai đâu rồi nội ?”. Nội nheo nheo mắt cười, xoa đầu tôi : “ Cháu nội sống lại là nội mừng rồi.”. Mẹ bảo: “ Nội bán cho chú để lấy tiền chạy chữa cho con”. Tôi nghe lòng xót xa, chỉ biết trách mình.
Mùa đông năm đó, nội ngã bệnh, phải nhập viện. Thỉnh thoảng,nằm trên giường bệnh, nội lại kêu tôi hỏi: “ Hôm nay là mấy rồi con?”. Rồi nội nhắc : “ Ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con”. Tôi chỉ muốn khóc. Rằm tháng chạp, nội mất.
Đám giổ đầu của nội, tôi đem cây mai con trồng vào nơi cây mai của nội. Cây mai theo năm tháng lớn dần, năm nào đến rằm tháng chạp tôi cũng lặt lá là cây mai trổ bông đúng tết,dù không rực rỡ như cây mai của nội.
Cây mai của nội đem về nhà chú, được cắt sửa và ghép giống mai khác nở bông có đẹp hơn, nhưng mỗi lần gặp tôi ,chú than phiền là cây mai chẳng mấy khi trổ bông đúng tết. Chú lại hỏi tôi có cách nào để cây mai trổ đúng không.Tôi lắc đầu, những nghệ nhân chú bỏ tiền rước về chăm sóc còn không làm được huống gì là tôi. Có điều lạ,chính chú cũng thấy là cây mai tôi trồng lúc nào cũng nở rộ bông vào ngày mùng một tết. Có lẽ, tôi luôn nhớ lới nội dặn : “ Ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con !".
Bây giờ, tôi đã có gia đình và con trai tôi đã hơn ba tuổi. Đến rằm tháng chạp, con tôi lẽo đẽo theo tôi lặt lá mai và tôi lại dặn nó: " ngày rằm nhớ lặt lá mai nghe con".Thằng bé gật đầu nhưng chắc không hiểu vì sao phải vậy. Nó chỉ nhoẽn miệng cười thích thú lặt từng lá mai....
Xuân 2000
PĐTT ( đã chỉnh sửa)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét