Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Gần 40% Dân Chúng Âu Châu Mắc Bệnh Tâm Thần




By Kate Kelland

Luân Đôn (Reuters) Theo một cuộc khảo cứu rộng rãi mới đây, khoảng 165 triệu dân Âu Châu tức 38% dân số hiện đang khổ sở vì bệnh tâm thần và xáo trộn thần kinh do đầu óc bị khủng hoảng bởi các bệnh như buồn chán (depression), xao xuyến lo âu (anxiety), mất ngủ (insomnia) hoặc lãng đãng (dementia).

Chỉ có khoảng một phần ba con số nói trên là được chữa trị và cung cấp thuốc men cần thiết. Bệnh tâm thần tạo ra một gánh nặng khổng lồ về kinh tế và xã hội – ước tính khoảng ngàn tỉ euros – khi những người bị bệnh quá nặng không còn khả năng làm việc và những mối liên hệ cá nhân suy sụp. Những tác giả của cuộc nghiên cứu nói rằng “Xáo trộn thần kinh đã và đang trở thành thách đố về sức khỏe lớn nhất của Âu Châu trong Thế Kỷ 21.”

Trong khi đó một vài công ty dược phẩm lớn lại thoái thác đầu tư vào việc khảo cứu để tìm hiểu sự vận hành của não bộ khiến ảnh hưởng như thế nào tới hành động của con người và đẩy gánh nặng đó cho chính phủ và các hội y tế thiện nguyện. Giáo Sư Hans Ulrich Wittchen – giám đốc viện nghiên cứu tâm lý và tâm lý trị liệu tại Dresden University, Đức và cũng là người cầm đầu cuộc điều tra về cuộc khảo cứu ở Âu Châu nói rằng “Cách biệt lớn lao về chữa trị…cần phải được khép lại.” và “Một số ít người được chữa trị lại bị trì hoãn khoảng vài năm và ít khi được trị liệu bằng phương thức mới nhất.” Giáo Sư Wittchen cầm đầu một cuộc khảo cứu kéo dài ba năm trong 30 quốc gia Âu Châu – 27 quốc gia là hội viên của Liên Hiệp Âu Châu cộng thêm Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy (Norway) với dân số khoảng 514 triệu.

Hiện chưa có sự so sánh trực tiếp giữa căn bệnh hiện đang thịnh hành ở Âu Châu với các khu vực khác trên thế giới – vì mỗi nơi xử dụng những khảo hướng khác nhau.

Toán nghiên cứu của GS. Wittchen xem xét khoảng 100 người bị xáo trộn não bộ nghiêm trọng – từ xao xuyến lo âu, buồn chán cho tới ngớ ngẩn (schizophrenia) cũng như những xáo trộn thần kinh nghiêm trọng như động kinh (epilepsy), mất trí nhớ (Parkinson) và suy nhược óc (sclerosis). Tại London, GS. Wittchen cho các phóng viên biết kết quả nghiên cứu của European College of Neuropsychopharmcology (ENCP) ấn hành vào Thứ Hai cho thấy một “gánh nặng quá sức” của bệnh xáo trộn tâm thần và não bộ.

Bệnh tâm thần là nguyên do chính gây tử vong, tàn tật và gánh nặng kinh tế trên toàn thế giới và cơ quan Y Tế Thế Giới (World Health Organization) tiên đoán rằng vào năm 2020, bệnh buồn chán (depression) sẽ là nguyên do đứng hàng thứ nhì tạo nên gánh nặng bệnh tật cho toàn cầu xuyên suốt nhiều thời đại.

GS. Wittchen nói rằng tại Âu Châu tương lai khốc liệt đã tới sớm mà những căn bệnh do xáo trộn não bộ vốn đã tạo nên gánh nặng về y tế cho Liên Hiệp Âu Châu.

Bốn điều kiện tàn tật nhất, đo lường bởi tiêu chuẩn gọi là DALY (disability-adjusted life years) dùng để so sánh tác động của một vài loại bệnh buồn chán (depression), ngớ ngẩn (dementias) chẳng hạn như mất trí nhớ (Alzheimer), thiếu máu lên óc (vascular dementia) nghiện rượu và nghẹt tim (stroke).

Cuộc khảo cứu trước đây của Âu Châu về những xáo trộn của não bộ được xuất bản năm 2005 bao gồm số lượng dân chúng nhỏ hơn, khoảng 301 triệu người, cho thấy 27% người lớn ở Âu Châu mắc bệnh tâm thần.

Mặc dù cuộc khảo cứu năm 2005 không thể so sánh trực tiếp với khám phá mới nhất vì số lượng dân chúng được nghiên cứu cao hơn – đã cho thấy phí tổn cho những căn bệnh này lên tới khoảng 386 tỷ euros (tức 555 tỷ lúc bấy giờ). Toán nghiên cứu của GS. Wittchen còn phải chung kết tầm ảnh hưởng kinh tế của cuộc khảo cứu đó, nhưng ông cho biết phí tổn còn “cao gấp bội” so với dự đoán của năm 2005.

Các nhà nghiên cứu nói rằng điều sinh tử (dứt khoát, quyết liệt) là các nhà làm chính sách y tế phải nhận thấy gánh nặng tài chính khủng khiếp và tìm ra những phương thức khám phá những bệnh nhân tiềm tàng (chớm phát) – có thể là qua chẩn đoán bằng thí nghiệm (screening) – và có biện pháp trị liệu ưu tiên ngay lập tức. GS. Wittchen nói rằng “Bởi vì những xáo trộn về thần kinh thường khởi đầu sớm trong đời và chúng sẽ trở thành ác tính về sau này. Chỉ có trị liệu ngay từ lúc còn trẻ mới ngăn ngừa hữu hiệu rủi ro gia tăng rồi trở nên nghiêm trọng cho bệnh nhân trong tương lai.”

David Nutt, một chuyên viên về dược lý thần kinh trị liệu (neuropsychopharmacology) ở Imperial College London, dù không tham gia vào cuộc khảo cứu nhưng đồng ý rằng “Nếu chúng ta can thiệp sớm thì chúng ta có thể đổi thay tiến trình phát triển của căn bệnh khiến không phải không tránh được tàn tật.” Ông nhấn mạnh thêm “Nếu chúng ta thật sự không muốn đẩy nguồn dự trữ khổng lồ (resevoir) của bệnh tâm thần và xáo trộn não bộ sang một vài thế kỷ tiếp nối, thì chúng ta phải đầu tư ngay bây giờ và nhiều hơn.”

(Tường trình bởi Kate Kelland. Matthew Jones hiệu đính)

Phụ chú:

Nhân loại đã phải trả một giá quá đắt cho những tiện nghi vật chất mà họ đang thụ hưởng như: những tòa building cao ngất, những chiếc xe hơi đắt tiền, những máy móc tối tân, chiếc điện thoại cầm tay, chiếc truyền hình mỏng, máy điện tử, những bộ quần áo sang trọng, những đầu tóc kiểu cọ, những sòng bài để “giải trí”, những buổi trình diễn nhạc Pop, nhạc Rap cuồng loạn, những tạp chí, phim ảnh dâm ô bạo động, những khu giải trí thượng lưu, những món ăn cầu kỳ, khoái khẩu…Và còn rất nhiều, rất nhiều những nhu cầu xa xỉ khác nữa.

Một nền văn minh chói lòa mà người Tây Phương kiêu hãnh tới mức độ đem pháo thuyền đi chinh phục khắp nơi để truyền bá và rao giảng…sau hai thế kỷ, kết cuộc ngày nay như thế đó. Tiền đâu để đổ vào đầu tư hầu ngăn chặn một kho dự trữ (resevoir) bệnh thần kinh khổng lồ và vô tận trong khi kinh tế toàn bộ Âu Châu đang suy thoái nghiêm trọng?

Từ đây đến năm 2020 theo như báo cáo của cơ quan Y Tế Thế Giới, sẽ có nhiều triệu người Âu Châu tàn tật, tức trở thành phế nhân bởi các căn bệnh tâm thần và xáo trộn não bộ nếu không được chữa trị kịp thời. Cứ thử tưởng tượng vào năm đó, một người Á Châu hoặc Phi Châu du lịch Âu Châu – thật kinh hoàng khi thấy tại các thành phố lớn, hàng ngàn, hàng ngàn người cứ lang thang trên đường phố như người mất hồn. Họ không sao tìm được đường về nhà vì họ mắt bệnh lãng đãng (dementia). Rồi tại các công viên hàng ngàn, hàng ngàn người đang cúi đầu ngồi ủ rũ như những pho tượng đá buồn. Không ai nói với ai một lời. Xin thưa họ là những người mắc bệnh buồn chán (depression). Thành phố trở nên một thành phố ma quái như thường mô tả ở các địa ngục.

Làm thế nào để chữa trị đây? Phải chăng đã đến lúc Tây Phương cần hướng về Đông Phương để tìm hiểu triết lý sống như “tri túc thiểu dụng”, “cư trần lạc đạo” và nhất là Thiền Định để cân bằng não bộ. Triết lý Tâm-Cảnh của Đạo Phật thật khoa học. Theo Phật Giáo, Tâm và Cảnh là Một. Khi Tâm nhiễm cảnh hối hả thì tâm loạn động. Khi Tâm nhiễm cảnh yên bình thì tâm thanh tịnh. Khi tâm loạn động thì ảnh hưởng ngay tới não bộ. Tất cả các bệnh nói ở trên đều do cái Tâm loạn động mà ra. Theo tôi, nghiên cứu thì nghiên cứu được, nhưng không có thuốc nào chữa được, ngoại trừ chữa Bệnh Tâm. Tôi không biết ngoài Thiền Định ra, nhân loại còn có phương thức nào chữa bệnh Tâm hay hơn không? Xin phổ biến cho Âu Châu biết.

Thế nhưng do năng khiếu thông minh đặc biệt về khoa học, khám phá và chế tạo ra máy móc tối tân, người Âu Châu thường tự thị, coi thường cách sống hoặc triết lý sống của Á Châu. Đây là một vấn nạn và cũng có thể là nghiệp chướng của Âu Châu.

Báo cáo làm chúng ta kinh hoàng và chua xót. Tại sao định mệnh con người lại cay đắng như thế? Có thể nào ra khỏi thảm họa này để trở về cái Tâm thanh thản, yên bình của thời mà con người chưa có súng đại bác, tàu bay, tàu bò, tàu thủy, bom nguyên tử, nhà máy điện hạt nhân, hỏa tiễn, phi thuyền con thoi, phi cơ không người lái?

Đào Văn Bình

Nhân Quả Có Thật Không?




Nói tới chuyện Nhân Quả một số người khinh thị, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, quê mùa giống như chuyện “Rắn Báo Oán” chẳng hạn. Thế nhưng Luật Nhân Quả lại là định luật bất biến chi phối sự tồn vong của khoa học. Nếu mai đây khí Hydrogen và khí Oxygen hợp lại mà không thành nước thì khoa học sụp đổ, cuộc sống con người và thiên nhiên đảo lộn hoàn toàn.

Luật Nhân Quả (Law of Cause and Effect) chi phối mọi hoạt động của con người, từng giờ, từng phút, từng sát-na nhưng con người không thèm để ý. Chỉ khi hậu quả xảy đến người ta mới chịu tin. Luật Nhân Quả là trụ cột giáo lý của Đức Phật. Chúng ta hãy nghe nhận định của Trung Tâm Phật Giáo SOKA GAKKAI INTERNATIONAL tại Anh Quốc, “As we go about our daily lives, in every single moment, we make causes in the things that we think and say and do. Buddhism teaches the existence of a law of cause and effect which explains that when we make a cause, the anticipated effect of that cause is stored deep in our lives, and when the right circumstances appear then we experience the effect. This concept of cause and effect is at the heart of Buddhism…” (Quán chiếu cuộc sống hàng ngày, từng giây từng phút, chúng ta tạo Nhân qua những gì chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Phật Giáo dạy chúng ta về sự hiện hữu của luật nhân quả, nói rằng khi chúng ta tạo Nhân, hậu quả của nhân đó nằm sâu trong đời sống của chúng ta, và trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, chúng ta sẽ nhận lãnh Quả đó. Khái niệm nhân quả là trung tâm điểm của Phật Giáo…) (1)

Hiện nay dù khoa học và kiến thức nhân loại đã tiến bộ vượt bực nhưng một số không nhỏ vẫn tin rằng những bất hạnh, những khổ đau, những tội ác ghê tởm, chiến tranh, sự diệt chủng, sự thù ghét, kỳ thị chủng tộc v.v… là do Thần Linh (God) an bài sẵn rồi. Nếu có xảy ra thì cũng là do ý chỉ của Ngài. Vậy con người nếu muốn thoát khỏi sự “trừng phạt” hoặc những thảm họa đó, thì chỉ có nước quỳ lạy, van vái, cầu nguyện Thần Linh xót thương mà thôi. Thế nhưng cũng một số không nhỏ, thấm nhuần giáo lý của Đức Phật lại không tin như thế. Họ không tin vào Thuyết Định Mệnh với một “Sổ Đoạn Trường” nằm sẵn ở Thiên Đình, họ bác bỏ sự hiện hữu của một Thần Linh không bao giờ biết xót thương mà chỉ biết gây thảm họa triền miên cho nhân loại và có thể ban phép mầu để “rửa tội” cho những kẻ bất nhân hoặc những kẻ gây tội ác khủng khiếp đối với nhân loại. Đối với các Thần Giáo thì không có Luật Nhân Quả gì hết. Thần Linh có thể biến tội thành phước, biến phước thành tội và biến kẻ sát nhân thành Thánh. Để lý giải về Luật Nhân Quả, chúng ta có thể dùng thí dụ nho nhỏ sau đây:

Chẳng hạn một cậu thanh niên gia nhập băng đảng, trộm cướp rồi vào tù. Trong tù cậu hối hận suy nghĩ. Cái chuyện ngồi tù ngày hôm nay chẳng phải tình cờ mà có hoặc do Thần Linh làm ra. Nguyên do, nguyên nhân (cái Nhân) bắt nguồn từ lúc cậu không nghe lời cha mẹ, thầy cô, chơi bời lêu lổng. Từ chơi bời lêu lổng cho nên có dịp (có duyên) gần gũi với băng đảng, du đãng, trộm cướp, xã hội đen. Từ chuyện gia nhập băng đảng du đãng đưa tới việc làm phi pháp, bất chính. Việc làm phi pháp, bất chính đưa đến tù tội. Ngày hôm nay, dù cậu có ăn năn, hối hận thì cũng quá muộn màng. Muộn màng ở đây có nghĩa là cậu không thể thay đổi cái Quả – tức là bản án tù, hoặc cảnh tù tội đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Cậu phải nhận lãnh cái Quả do việc mình làm. Tuy nhiên sự hối cải, sự ăn năn, sám hối lại rất tốt đẹp và không có gì muộn màng nếu nhìn về tương lai. Giả sử cậu thanh niên thật sự hối hận và không muốn sau này cuộc đời u ám nữa. Cậu bắt đầu hiểu sơ sơ về Luật Nhân Quả tức là sẽ không gieo nhân xấu nữa. Muốn gieo nhân lành thì không gì bằng không làm việc xấu hoặc làm việc tốt lành. Trong hoàn cảnh tù tội, việc làm tốt lành có thể là: Tuân thủ mọi luật lệ của trại giam, giữ gìn hạnh kiểm tốt. Không kết bè, kết đảng trong tù để tranh giành chút lợi lộc, thanh toán lẫn nhau. Tham gia các chương trình huấn nghệ để sau này có một nghề nghiệp chân chính để sinh sống (Chánh Nghiệp). Xin phép giám thị trại giam đem sách vở, kinh Phật vào trau giồi thêm vì cuộc sống tù tội cách ly với thế giới bên ngoài khiến người tù trở nên lạc hậu. Nếu đêm đêm ngồi Thiền, quán tưởng được thì càng tốt (Chánh Định). Trong những lúc đêm khuya vắng lặng hãy quán xét về những việc mình làm trong quá khứ xem có thật sự là những việc đúng đắn không? (Chánh Niệm) Nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng bi quan, tiêu cực, hủy hoại thân thể. Luôn luôn quán tưởng rằng “vạn vật vô thường” cho nên cái cảnh tù tội ngày hôm nay cũng là vô thường, tạm bợ (Chánh Tư Duy). Rồi ngày mai đây sẽ là một ngày mới. Ngày mới có tốt đẹp hay không là tùy nơi ta. Rồi cậu có thể hình dung tới cha già, mẹ yếu, gia đình anh chị em đang ray rứt khổ đau vì đứa con, người cha, người chồng, người anh, đứa em đang trong vòng tù tội. Rồi quán tưởng tới bạn bè cũng đang mong ngóng mình trở về với thế giới an lành. Rồi nguyện rằng trong ngày trở về, cậu sẽ ôm cha mẹ khóc rồi hứa từ đây sẽ tu chỉnh lại, sẽ làm ăn chân chính, sẽ không ngại khó ngại khổ, sẽ cố gắng vươn lên với đời để đền đáp công ơn dưỡng dục (Chánh Tinh Tấn). Ngày nay, một số nhà giam tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, phạm nhân đã được Nha Cải Huấn cho phép học Thiền và hành Thiền để phạm nhân quán xét lại chính mình, nhận ra được lý Nhân Quả tức hiểu rõ hậu quả của việc mình làm, từ đó tạo được sự an tĩnh tâm hồn.

Đấy là câu chuyện cậu thanh niên hư hỏng, còn chuyện hâm nóng địa cầu thì sao? Hơn 100 năm nay, do nhu cầu sản xuất đại quy mô, vừa để tiêu thụ, vừa để xuất cảng, các nhà máy cứ “ung dung” nhả khói lên trời và tưởng như chẳng gây hậu quả gì. Có ngờ đâu khí CO2 bốc lên đã làm cho lớp Ozone – có nhiệm vụ che chở trái đất bởi hơi nóng của mặt trời, mỏng đi. Hậu quả là trái đất nóng dần. Nơi thì lụt lội, nơi thì biến thành sa mạc. Trong tương lại một số hòn đảo, nhiều thành phố sẽ vĩnh viễn chìm xuống mặt biển. Rồi còn nhiều tai họa nữa mà các khoa học gia chưa khám phá hết. Nhân loại thấy cái Quả hiện lù lù trước mắt bèn cuống cuồng họp nhau ở Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7 tới18 Tháng 12 năm 2009 để tìm phương giải quyết. Nhưng liệu những cam kết có được tôn trọng không? Hay lại tiếp tục tạo nghiệp, gieo Nhân, tức là tiếp tục nhả khói lên trời?

Chuyên địa cầu hâm nóng ngày hôm nay lại thêm một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự tồn vong của trái đất, sinh mệnh của con người là do con người quyết định chứ chẳng phải do Thần Linh Mầu Nhiệm nào cả. Dầu sao thì sự “ăn năn hối lỗi” – ở đây là ý thức của nhân loại – dù muộn màng nhưng “có còn hơn không” giống như sự ăn năn của cậu thanh niên nói ở trên.

Thưa quý bạn. Nếu hiểu được như thế, nếu nhìn được như thế thì Luật Nhân Quả có gì gọi là “quê mùa” ? Có gì là mê tín dị đoan? Có gì là lạc hậu? Nếu nó là mê tín, dị đoan và lạc hậu tại sao những đại trí thức của Âu Châu, Hoa Kỳ ngày nay lại tin tưởng vào giáo lý này? Họ tin tưởng không phải vì cơm áo, thúc ép, bịt mắt hay đe dọa hoặc do truyền thống gia đình, mà vì sự khai mở của trí tuệ. Hiểu Luật Nhân Quả sẽ giúp chúng ta sống chừng mực, làm chuyện đúng đắn trong cuộc sống. Không tạo khổ đau cho chính mình. Không tạo khổ đau cho người, tạo sự an lành cho thế giới, như thế gọi là sống với tâm hồn cao thượng. Nếu mọi người, mọi nhà đều thực hành Luật Nhân Quả họăc biết sợ Nhân Quả thì thế giới này biến thành một Cung Trời mà chẳng cần phải bôn ba tìm kiếm Thiên Đường ở đâu khác.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, giáo hóa đệ tử, Đức Phật nói rất nhiều về Nhân Quả, đặc biệt tại Pháp Hội Linh Thứu Sơn. Trong pháp hội này, Đức Phật đã nói chi tiết hơn về Nhân Quả không ngoài mục đích nhắc nhở để chúng ta:

- Giúp đỡ kẻ nghèo túng.

- Kính trọng người cô quả, cô độc.

- Không gian dâm với vợ người.

- Không buông lung khinh rẻ chồng mình.

- Không quên ơn, phụ nghĩa.

- Làm hết bổn phận trong việc giảng dạy, chỉ dẫn, cố vấn kẻ khác. Ngoài ra còn phải nêu gương tốt nữa. Không có gì kỳ cục cho bằng một người giảng về đạo đức mà lại sống vô đạo đức. Một người giảng về Luật Vô Thường mà cố chấp. Một người giảng về Thanh Tịnh mà lại gom góp, tích chứa tiền bạc, ham thích thú vui. Gom góp tiền bạc và ham thích thú vui thì phiền não nảy sinh, làm sao sống thạnh tịnh được?

- Không ác khẩu, mắng nhiếc, chửi rủa cha mẹ mình.

- Không làm nghề trộm cướp.

- Không quỵt nợ.

- Không phỉnh gạt, dụ dỗ người khác.

- Không làm ác.

- Không âm mưu hại người.

- Không buôn gian bán lận, cân non, cân thiếu, giả vờ quên rồi tính cao giá.

- Không ghen tị, dèm pha.

- Không làm ai phải mất danh dự, tủi nhục.

- Không giết hại bừa bãi các loài vật.

- Cúng dường chư tăng/ni để quý vị có phương tiện sinh sống và cũng là dịp bày tỏ tấm lòng tôn kính đạo đức, tôn kính kẻ hy sinh cả đời mình cho lý tưởng cao cả.

Xét cho kỹ, đây là những lời giảng dạy thiết thực cho đời sống, trong gia đình thì hạnh phúc, còn xã hội thì ổn định thăng tiến, chứ không phải chuyện “trên trời dưới biển”, ban bố phép mầu, khấn vái cầu nguyện vu vơ. Vậy những ai nói rằng đạo Phật yếm thế, xin nghiền ngẫm kinh Phật kẻo mang tội vọng ngữ, phỉ báng.

Dưới đây chúng ta sẽ bàn thêm về Luật Nhân Quả.

1) Việc mình làm là Nhân (Nguyên Nhân), kết quả gây ra gọi là Quả (Hậu Quả). Quả có quả tốt, quả xấu.

- Trèo cao là Nhân, ngã đau là Quả.

- Học hành chăm chỉ là Nhân, thi đậu là Quả.

- Hành thiền là Nhân, an tĩnh tâm hồn là Quả.

- Tu là Nhân, giải thoát là Quả.

- Giết người là Nhân, bị người ta trả thù, hoặc bị giết hại là Quả.

- Nói dối là Nhân, người ta không còn tin tưởng mình nữa (bad credit) là Quả.

- Ham muốn là Nhân, bị khổ đau, dày vò vì lòng ham muốn là Quả.

- Ái dục là Nhân, ái mệnh là Quả (Kinh Viên Giác). Vì ngũ căn Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân đem lại khoái cảm cho ta. Vì sung sướng với những khoái cảm đó cho nên ta yêu mến thân xác. Nếu khoái cảm chẳng còn – tức ly dục – thì chẳng còn gốc Ái Mệnh nữa.

- Yêu si mê là Nhân, phát điên phát cuồng rồi tự tử chết khi thất vọng là Quả.

- Phù thủy luyện âm binh để làm phép thuật là Nhân, lụy âm binh – tức không còn kiểm soát được âm binh nữa, để âm binh làm loạn hoặc quật lại mình là Quả.

- Mắng chửi người ta là Nhân, bị người ta chửi lại, hoặc đi thưa kiện bị tù hoặc phải bồi thường là Quả.

- Lộng giả (dùng thủ đoạn tuyên truyền lừa mị để cho người ta tin) gọi là Nhân. Anh em, bà con, bạn bè, quyến thuộc, tín đồ, dân chúng của mình tưởng đó là sự thực (Lộng Giả Thành Chân). Sau này mình nói ngược lại hoặc thú nhận mình nói dối người ta sẽ mắng chửi mình và cho là đồ gian dối, thậm chí có khi giết hại vì cho mình bất lương, đó là Quả.

- Ăn mặn là Nhân, khát nước là Quả.

- Tranh ảnh, báo chí, truyền hình, Internet phổ biến dâm ô là Nhân, trẻ con mang bầu, phá thai, hung bạo, bắt cóc, hãm hiếp phụ nữ là Quả.

- Phim ảnh bạo lực là Nhân, đem súng vào trường bắn giết bạn bè thày cô, đem súng vào công sở, chỗ làm, bắn giết đồng nghiệp là Quả.

- Tham vọng bành trướng, chạy đua vũ trang là Nhân, chiến tranh là Quả.

- Cuộc Thập Tự Chinh (Crusades) kéo dài ba Thế Kỷ 11, 12 & 13 là Nhân, sự thù hận giữa Hồi Giáo và Ca-tô Giáo La Mã ngày hôm nay là Quả.

- Phá rừng là Nhân. Lụt lội là Quả.

- Nhả khói lên trời, thải thán khí, phá hủy môi trường là Nhân, quả đất nóng dần rồi từ từ biến thành sa mạc là Quả.

- Đánh cá bừa bãi là Nhân. Cá bị diệt chủng là Quả.

- Không nghe lời cha mẹ, thầy cô là Nhân. Bỏ học, chơi bời lêu lổng, xì ke ma túy, du đãng phá làng phá xóm rồi cuối cùng vào tù là Quả.

- Cha mẹ khắc nghiệt là Nhân. Con cái bỏ đi là Quả.

- Nuông chiều con cái là Nhân. Con cái hư hỏng là Quả.

- Dạy tín đồ giáo điều cuồng tín. Tín đồ hung dữ, gây bất ổn xã hội, xung đột với các tôn giáo khác là Quả.

- Chi tiêu bừa bãi là Nhân, thiếu hụt, nợ nần là Quả.

- Thi ân, bố đức là Nhân, tiếng thơm để đời cho con cháu là Quả.

2) Nhân có nhiều nguyên nhân gộp lại.

Ví dụ:

- Lười biếng + u tối khiến thi rớt.

- Báo chí nhảm nhí + tranh ảnh dâm ô + tự do phóng túng + ăn mặc hở hang đưa tới nạn thiếu niên mang bầu, bắt cóc hãm hiếp phụ nữ diễn ra hằng ngày như ở Hoa Kỳ. Tại Thái Lan người ta làm thống kê cho thấy phần lớn các cô gái bị bắt cóc, hãm hiếp là vì mặc váy ngắn khiêu gợi quá mức.

- Nghèo túng + giao du với băng đảng đưa tới trộm cướp.

3) Một Nhân nhưng có nhiều Quả:

Ví dụ:

- Gian dối khi bị phát giác đưa tới quả báo là xấu hổ, mất uy tín,không còn làm ăn được nữa, công ty đổ vỡ, sự nghiệp tiêu tan v.v…

4) Quả sinh ra rồi lại thành Nhân sinh Quả mới.

Ví dụ:

- Giáo điều cực đoan + giáo sĩ cuồng tín đẻ ra tín đồ cuồng tín. Từ tín đồ cuồng tín đưa đến việc giết hại lẫn nhau, giết hại hoặc khủng bố tín đồ các tôn giáo khác. Từ đó đưa đến thù hận. Từ thù hận lại đưa đến giết chóc khủng bố. Càng giết chóc khủng bố lại càng cuồng tín, giáo điều. Thế là chuỗi Nhân-Quả kết chặt lại không sao thoát ra được và luân hồi, quay đảo kiếp này sang kiếp khác trong cái trục gọi là Vô Minh.

- Giáo dục tốt lành + tôn giáo Từ Bi sản sinh ra thiện tri thức. Thiện tri thức vừa cứu đời vừa hoằng dương tư tưởng tốt lành. Thuấn nhuần tư tưởng tốt lành lại sản sinh ra thiện tri thức. Thiện tri thức lại củng cố và phát huy giáo dục tốt lành. Chuỗi nhân quả cứ thế mà nối liền không dứt, kiếp này sang kiếp khác. Do đó khi tư tưởng tốt lành bị hủy diệt thì trái đất này cũng bị hủy diệt theo do gian ác, tham vọng cuồng điên và Vô Minh lên ngôi thống trị.

- Nước A chạy dua vũ trang (Nhân) khiến nước B chạy đua vũ trang (Quả). B chạy đua vũ trang lại khiến A chạy đua vũ trang. Rồi A chạy đua vũ trang lại khiến B phải chạy đua vũ trang nếu không muốn bị diệt vong. Chuỗi nhân quả cứ đan kết vào nhau như mắt xích không rời cho đến ngày A hay B bị diệt vong hoặc cả hai bị diệt vong. Sau thảm họa Thế Chiến I nhân loại tưởng có hòa bình, nào ngờ lại có Thế Chiến II. Sau Thế Chiến II thảm khốc lại có Chiến Tranh Lạnh. Sau Chiến Tranh Lạnh lại là chiến tranh bành trướng, chiến tranh chủng tộc, chiến tranh vì hận thù tôn giáo và chiến tranh để nắm giữ ngôi vị thống trị thế giới. Tất cả chỉ là sự vận hành của Chuỗi Nhân Quả do cái vọng tâm vô minh và cuồng điên của con người tạo ra chứ chẳng có Thần Linh (God) nào can dự vào đây.

5) Có khi Quả đến liền, có khi phải đợi một thời gian:

- Trồng bầu, trồng bí vài tháng là có quả bầu, qủa bí ăn.

- Trồng nhãn, trồng xoài phải vài năm mới có quả.

- Một vụ án mạng, do may mắn, do nhiều nhân duyên yếu tố mà phát giác ngay ra thủ phạm và đưa thủ phạm ra tòa xét xử.

- Nhiều vụ án mạng, nhiều vụ thủ tiêu người mờ ám phải nhiều năm sau mới khám phá ra thủ phạm.

- Song cũng có nhiều vụ không sao tìm ra thủ phạm. Dù không tìm ra thủ phạm nhưng hồ sơ của nhà hữu trách đã ghi chép và lưu giữ sự kiện giết người đó.

6) Câu hỏi hóc búa cuối cùng phải trả lời: “Tại sao bao nhiêu kẻ làm tội ác tày trời mà vẫn sống khơi khơi, chẳng chịu quả báo gì cả?” Chúng ta phải công nhận rằng có những tổ chức, những tôn giáo, những cá nhân gây tội ác kinh thiên động địa với nhân loại nhưng vẫn chưa bị trừng phạt, chưa bị “trả quả”. Tại sao vậy? Lịch sử nhân loại đã từng chứng tỏ rằng không phải con người chỉ đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, nhiều khi con người cũng còn liều chết để bảo vệ tội ác khi họ bị lừa dối và tưởng tội ác đó là thánh thiện. Những tổ chức, những cá nhân tạo ra tội ác như vậy thế lực của họ rất lớn. Họ có khả năng mua chuộc báo chí, truyền thông tuyên truyền lừa mị, liên kết với các thế lực quốc tế hùng mạnh để khỏa lấp tội lỗi. Họ có khả năng trả thù tất cả những ai dám nói lên sự thực về tổ chức của họ. Thế nhưng ngày hôm nay do tư tưởng tiến bộ, một số thiện tri thức đã dũng mãnh đứng lên tố cáo tội ác của những tổ chức và những cá nhân này. Dù họ chưa bị “trả quả” nhưng Nhântội lỗi đã nằm sẵn ở đó, nằm trong trí nhớ, nằm trong lương tâm của nhân loại. Rất tiếc đời sống của chúng ta quá ngắn ngủi, không đủ dài để chứng kiến “ngày tàn” của những con người và tổ chức gian ác này. Nếu đời sống của chúng ta “đủ dài” chúng ta sẽ có dịp chứng kiến ngày “trả quả” của họ.

7) Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả:

Khi đã hiểu Luật Nhân Quả rồi thì sợ không dám làm điều bất thiệnchứ đừng nói tới làm điều ác. Bồ Tát là bậc đại trí, nhìn xa trông rộng mà lại tu Thánh Đạo cho nên rất sợ gieo nhân. Còn hàng chúng sinh như chúng ta coi thường Luật Nhân Quả cho nên “rất thích” gieo nhân. Khi quả xảy đến hối hận cũng quá muộn màng. Một vài thí dụ sau đây cho thấy thế nào là “gieo nhân”. Gặp một cô gái đẹp/một chàng trai đẹp, động tâm, nói lời bóng gió như vậy gọi là “gieo nhân”, thế nào cũng mơ mộng rồi có ngày “cá mắc câu”. Thấy sì-ke ma túy hút thử chơi thôi, tức là đã “gieo nhân” thế nào cũng có ngày dính vào nghiện ngập. Thấy của cải của người ta sinh lòng tham, như vậy gọi là “gieo nhân” thế nào cũng có ngày tìm cách cướp bóc, chiếm đoạt. Thấy chuyện đời, bàn tán, mỉa mai chơi như vậy gọi là “gieo nhân”, thế nào cũng có ngày bị vạ miệng, gây thù chuốc oán. Đem bài bạc về nhà chơi, đem gia đình con cái viếng Casino giải trí, thế nào trong số con cái cũng có đứa “Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm.”

Tôi có một kỷ niệm gặp gỡ một vụ “gieo nhân” cười ra nước mắt như sau: Tại một trường trung học đệ nhất cấp (cấp một) ở California mà tôi phục vụ, có một nữ sinh Việt Nam, lớp 8 mới 13 tuổi. Cô bé thường xuyên trốn học và hút xì-ke ma túy. Vì thường xuyên bỏ học, không theo kịp chương trình cho nên bà giáo nhờ tôi kèm và giảng thêm bài cho em. Nhìn cô bé tôi thương cảm vì cô bé ngoan, thông minh và chịu khó nghe giảng bài. Tôi nói, “Con à, con thông minh và xinh xắn như thế này, thế nào con cũng có một tương lai vô cùng tốt đẹp. Con ráng đi học và đừng làm cái gì bậy bạ nghe con.” Tôi không biết cô bé có xúc động gì với lời khuyên của tôi không. Nhân dịp này nhà trường cũng cho mời phụ huynh lại để thông báo. Trong lúc chờ đợi phiên họp với ông phó hiệu trưởng, tôi hỏi mẹ cô bé, tuổi chừng 40, “Em làm nghề gì vậy?” Người mẹ đáp, “Dạ, em mở quán cà-phê.” Tôi hỏi tiếp, “Cà-phê tên gì vậy em?” Người mẹ nói, “Cà-phê Quên Đời!” (2) Nghe thế tôi buột miệng kêu lên, “Trời đất quỷ thần ơi! Thiếu gì tên đẹp như…Cà-phê Ban Mai, Cà-Phê Nắng Mới, Cà-phê Vui v.v… sao em không đặt mà chọn cái tên Cà-phê Quên Đời?” Nghe phê bình vậy, người đàn bà nhìn tôi không nói gì. Có thể cô ta hối hận vì con cái hư hỏng, nhưng cũng có thể là, “Trời ơi! Cái ông thầy này ở Mỹ sao lạc hậu quá! Chọn những cái tên như thế thì quán cà-phê làm sao sống được.” Quả thật vậy! Nếu quý vị tới Thành Phố Tacoma Tiểu Bang Washington, Nam hoặc Bắc Cali như Los Angeles, Westminster hoặc San Jose quý vị sẽ thấy những quán cà-phê Việt Nam với đèn mờ mờ, bồi bàn bưng cà-phê là những cô gái trẻ, đi giày cao gót, ăn mặc hở hang (sexy) quá mức và được quảng cáo công khai trên báo. Sở cảnh sát địa phương rất bực bội với những quán cà-phê này vì nó còn là nơi lén lút tiêu thụ xì-ke ma túy. Nhưng thành phố lại cho mở, vì thương mại phát triển, thành phố thu được nhiều thuế. Khách hàng thường trực của những quán này là thanh niên độc thân, hoặc gia đình đổ vỡ, thảng hoặc cũng thấy một vài ông già đầu bạc. Họ tới uống cà-phê, ngắm nghía “rửa mắt” hoặc tán dóc (tán gẫu) với mấy cô hầu bàn, hoặc coi truyền hình rồi cá độ, nhất là các trận đấu bóng bầu dục (Football). Họ cho tiền “típ” hay “pour bois” rất nhiều. Cứ thử tưởng tượng với một khung cảnh mờ mờ, ảo ảo “quyến rũ” như thế, một cô bé học sinh ngây thơ, một ngày nào đó vì mẹ bận, thay mẹ ngồi ở quầy tính tiền, sẽ thấy những gì và sẽ nghĩ như thế nào? Với cái Nhân xấu như thế thì cô bé có hư hỏng cũng là chuyện đương nhiên thôi. Nghĩ thật đáng thương.

Vậy các bạn trẻ ở Việt Nam đừng tưởng Mỹ là Thiên Đường. Đừng tưởng Luật Nhân Quả chỉ ứng dụng cho các xứ nghèo như Việt Nam, Lào, Kampuchia, Miến Điện… chứ ở Mỹ, Úc, Âu Châu thì chẳng có Nhân-Quả gì hết. Đừng nghĩ vậy. Thống kê của Bộ Tư Pháp năm 2002 cho biết con số tù nhân bị giam giữ tại các nhà tù Tiểu Bang và Liên Bang Hoa Kỳ đã vượt quá 2 triệu người – con số cao nhất trong lịch sử lập quốc. Còn tại Tiểu Bang Victoria, Úc Châu, số nữ tù nhân gốc Việt đông đảo nhất, chiếm 16% trong tổng số 312 người. Trồng cần sa, gian lận trợ cấp, buôn bán ma túy, và nhất là ham mê cờ bạc đã là những lý do khiến những người phụ nữ này phải vào tù. (Thời Báo Online)

Thưa các bạn, vì cuộc sống và vì “đắm nhiễm trần cấu” mà con người đã gây Nhân, tạo Nghiệp một cách “ngay tình” mà không hề hay biết. Chúng ta tự “gieo nhân xấu” để gây khổ lụy cho gia đình, bạn bè, làng xóm, xã hội và đất nước chứ chẳng có Thần Linh (God) nào can dự vào đây. Khi Quả vụt tới thì cuống cuồng cầu nguyện van vái Thần Linh cứu giúp. Nếu Thần Linh có thật, có một chút hiểu biết và Thần Linh nói được chắc chắn đã quát mắng, “Ngươi tự gây ra tai họa thì ngày hôm ngươi phải nhận lãnh hậu quả. Giả sử ta có khả năng cứu giúp nhà ngươi thì tại sao ta không hóa phép để cả thế giới này không bao giờ có khổ đau để cho ta đỡ mệt? Khổ đau do chính các ngươi tạo ra. Ta thì giờ đâu, từng giây, từng phút tạo ra hàng vạn, hàng vạn thứ khổ đau? Thôi đừng nói chuyện ba lơn nữa!”

Vậy nếu không muốn “gieo nhân”, ngoài việc ý thức về Luật Nhân Quả, hành giả lúc nào cũng phải giữ gìn “Chánh Niệm” không để Tâm mình buông thả mông lung như “Ngựa phi ngoài đồng. Khỉ leo trên cành”. (3) Hành giả luôn luôn ở trong trạng thái cảnh giác, giống như Lão Tử nói rằng phải luôn luôn ý thức như mình đang đi trên nước sông nước đóng băng. Nếu cảnh giác được thì gọi là Định. Nói khác đi, biết mà không nói, thấy mà không bình phẩm, nghe mà không khen chê, không động tâm, đó là trạng thái “Đối cảnh vô tâm” của Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Đối cảnh mà vô tâm thì chẳng “gieo nhân” gì hết. Nếu có “gieo nhân” thì gieo nhân lành chứ không phải nhân xấu. Khi không “gieo nhân” nữa thì không có Quả. Không Nhân – Quả thì Luân Hồi chấm dứt. Không gieo nhân, không tạo ác nghiệp, an nhiên tự tại là cảnh giới của Chư Phật và Chư Vị Bồ Tát vậy.

Kết Luận

Dù bạn có coi thường Luật Nhân Quả, dù bạn không tin Luật Nhân Quả, dù bạn phủ nhận Luật Nhân Quả nhưng không bao giờ bạn thoát khỏi Luật Nhân Quả. Làm ác sẽ gặp ác (Ác Giả Ác Báo) dù bạn có chạy trốn lên cung trời nào, thế giới nào, dù bạn đã chết đi, con cái bạn cũng vẫn phải trả quả mà không một Thần Linh Tối Thượng nào có thể che chở cho bạn. Thi hành luật pháp, truy tố kẻ phạm pháp ra trước pháp đình là ứng dụng Luật Nhân Quả. Thế giới hiện nay vẫn tiếp tục truy lùng những tòng phạm giết người hàng loạt trong các lò sát sinh thời Đức Quốc Xã ra trước Tòa Án Quốc Tế, cho dù kẻ đó đã thay đổi quốc tịch, thay đổi tên họ, cho dù có kẻ ngày nay đã già yếu nhưng vẫn phải điệu ra trước tòa để “trả quả”. Có nhìn thấy, có hiểu được như thế mới thấy Luật Nhân Quả thật đáng sợ. Hệ thống luật pháp, tòa án để trừng trị kẻ có tội là sự ứng dụng hiển nhiên của Luật Nhân Quả. Nếu không có luật pháp, không có tòa án để trừng trị kẻ có tội thì thế giới này sẽ biến thành thế giới của loài muông thú, tức là làm ác mà không bị trừng phạt gì cả. Để tạm thay cho lời kết luận không gì bằng trích dẫn ở đây lời của Tỳ Kheo Thích Chơn Quang trong cuốn sách Luận Về Nhân Quả xuất bản ở trong nước năm 1988 và tái bản ở Hoa Kỳ năm 2551 (Phật Lịch) tức năm 2007 (Tây Lịch) nơi trang 11 viết như sau:

“Luật Nhân Quả là nền đạo đức, công bằng hơn mọi nền đạo đức nào khác và Luật Nhân Quả cũng chính là lương tri của nhân loại.” (4) Và lời phát biểu của Bà Christa Bentendieder, pháp danh Agganyani – Tổng Thư Ký Liên Đoàn Phật Tử Đức Quốc: “Đạo Phật chính là quy luật tự nhiên của trí tuệ, đó là Luật Nhân Quả.” (Buddhism as the natural law of the mind, the law of cause and effect.) (5)

Đào văn Bình

(1) website: http://www.sgi-uk.org

(2) Thực ra không phải là Cà-phê Quên Đời mà là một cái tên khác nghe rất tiêu cực và bụi đời, để tránh đụng chạm, tôi đã phải dùng một cái tên hư cấu khác.

(3) Tâm viên ý mã

(4) Sách ấn tống không ghi địa chỉ liên lạc. Tại Hoa Kỳ quý vị có thể hỏi mua tại nhà in Papyrus 1002 South 2nd St. San Jose, CA 95112. Đây là cuốn sách khoa học, nghiên cứu công phu, đầy đủ về Luật Nhân Quả.

(5) Diễn văn đọc tại Savsiripaye, Colombo (Tích Lan) nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Đoàn Phật Tử Đức Quốc 1952-2002 (Tài liệu: Buddhism in Germany)





Rửa năng lượng xấu




 Chuẩn bị : Kiếm một ít muối hột hoặc một cây xương rồng nhỏ hay một cục thạch anh.Nhận định : Năng lượng xấu khá nặng nề, cần phải được loại bỏ đi. Bạn dùng bàn tay gom và tẩy rửa năng lượng xấu phủ thành một lớp dày trên cơ thể bạn. Bạn nên dùng bài tập Thác nước kết hợp với bài tập này để thanh tẩy trược khí.
Thác nước là thanh tẩy năng lượng xấu vừa mắc phải.Rửa năng lượng xấu là thanh tẩy năng lượng xấu có từ lâu nay.Cả hai kỹ thuật này đều quan trọng và bổ sung cho nhau.

Hướng dẫn : Bạn dùng bàn tay tẩy sạch lớp năng lượng xấu bao quanh cơ thể. Trong lúc rửa, bạn nên chú tâm theo dõi cảm giác của lòng bàn tay và các ngón tay đã thu gom năng lượng xấu như thế nào và đưa vào bình đựng muối hoặc cây xương rồng hay cục đá thạch anh (thậm chí cây kiểng chung quanh nhà cũng được) nếu là cây xương rồng hay cây kiểng bạn nói: “Tôi gửi năng lượng này cho cây và cây hãy nhận lấy”.

Trong lúc rửa, bạn nên để bàn tay thẳng góc với bề mặt cơ thể của bạn, mục đích là ngăn ngừa không cho năng lượng xấu xâm nhập vào cơ thể bạn. Trong lúc dùng động tác rửa năng lượng xấu, bạn đừng quên nâng khí bởi vì chính lúc bạn nâng khí sẽ trợ giúp việc thanh tẩy trược khí trong cơ thể bạn. Do đó nếu bạn quên thì không thể nào rửa sạch hết năng lượng xấu. Trong khi rửa bàn tay mà bạn không tập trung tư tưởng nghĩ đến nâng khí lên cao thì sẽ không đạt được kết quả như ý muốn.

Dị biệt : Nhiều người thích thực hành bài tập Thác nước và Rửa năng lượng xấu dưới vòi sen trong phòng tắm vào các buổi sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ. Thực hiện như vậy cũng có kết quả cho việc thanh tẩy năng lượng xấu.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Đôi nét Phật giáo và khoa học



Bùi Hữu Dược

Phật giáo xuất hiện cách nay đã trên 2.550 năm. Do tên gọi là Phật giáo mà từ xưa tới nay nhiều người chỉ đi sâu tìm hiểu trào lưu tư tưởng này dưới góc độ tôn giáo; bởi nó có đủ năm yếu tố của một tôn giáo: Giáo chủ, giáo lý, giáo luật, giáo lễ và giáo hội.

Giáo chủ của đạo Phật nhân vật lịch sử có thật, là Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn nước Ca- tỳ-la-vệ. Trước những trắc ẩn của cuộc sống, Ông đã từ bỏ hoàng cung đến với những nhà tu hành của tôn giáo, đi tìm lời giải đáp và sự giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Sau sáu năm khổ luyện với nhiều vị thầy thuộc nhiều tôn giáo dù đạt tới những kết quả tu học nhất định nhưng Ông thất vọng vì sự bế tắc của các tôn giáo ấy, Ông quyết định con đường riêng của mình và trong tự lực tham thiền nhập định, Ông đã thấy biết được những gì các tôn giáo khác không thể đạt được. Sự chứng đắc ấy được gọi là Giác ngộ, là Phật. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã mang sự hiểu biết và đạo đức của mình giáo hóa cho con người trong thời gian bốn mươi chín năm. Những lời Đức Phật dạy được ghi chép lại và còn đến ngày nay gọi là Giáo lý. Những chuẩn mực Đức Phật quy định để cho người tin theo Phật phải thực hiện, giữ gìn nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm và duy trì sinh hoạt chung cũng như tạo nên nếp tự giác cho cá nhân trên con đường tu học gọi là Giáo luật. Những người cùng tu theo đạo Phật cùng thực hiện những nghi lễ, thể hiện nét riêng biệt của Phật giáo so với các tôn giáo khác gọi là Giáo lễ. Và khi đã có nhiều người cùng tin theo, tạo thành một cộng đồng rộng lớn, có tổ chức đó là Giáo hội.

Trong vai trò của một tôn giáo, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội, Phật giáo đã giúp cho các cá nhân con người tự điều chỉnh mình thông qua việc nâng cao nhận thức, điều chỉnh thân-khẩu-ý, điều chỉnh tinh thần để vững vàng trước những biến động của xã hội và cuộc sống. Trong suốt quá trình tồn tại, Phật giáo lúc thịnh, lúc suy. Đặc biệt khi xuất hiện các tôn giáo mới, một số thế lực cực đoan kết hợp quyền lợi của một số tôn giáo với quyền lợi của giai cấp thống trị, đã phát động các cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm mở rộng thuộc địa của các cường quốc kết hợp việc mở rộng lãnh địa của tôn giáo mới. Trong bối cảnh ấy phạm vi hoạt động của Phật giáo bị thu hẹp, Phật giáo bị xem là thụ động yếm thế khi bất bạo động, hạn chế đấu tranh trực diện.

Trong giai đoạn khoa học phát triển, đã có một số kết quả nghiên cứu của khoa học thực nghiệm chứng minh cho những vấn đề mà Phật giáo đã nêu ra từ trước đó. Chẳng hạn, năm 1760 nhà bác học Lô-mô- nô-xốp đưa ra Định luật bảo toàn chất và chuyển động “Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Tất cả những sự biến đổi xẩy ra trong thiên nhiên đều có bản chất là vật thể này mất đi một lượng bao nhiêu thì vật thể kia được thêm một lượng bấy nhiêu…”. Điều mà nhà bác học thực nghiệm kết luận thì khi tại thế Đức Phật đã từng nói thế giới không có khởi đầu và không có kết thúc, sinh diệt là quá trình phụ thuộc lẫn nhau, có cái sinh sẽ có cái diệt, có cái này sẽ có cái khác trong sự chuyển hóa vô tận của thế giới. Nếu Vật lý thiên văn tìm ra vật vô cùng lớn như mặt trời, trái đất, thiên hà, hệ thiên hà… và vật lý lượng tử tìm ra vật vô cùng bé như điện tử, hạt nhân… thì trước đó, Đức Phật đã dạy đệ tử về thế giới có cực đại: Tam thiên, đại thiên thế giới… và cực tiểu: vi tế, vi vi tế… Khi có kính hiển vi điện tử, khoa học mới phát hiện nước trong suốt mà vẫn có vi trùng, vi khuẩn… thì từ thời Đức Phật, khi nâng bát nước lã lên uống, Ngài đã biết trong đó có muôn ức sự sống nên phải làm phép và cầu cho chúng nếu phải vào trong bụng người mà thiệt thân thì được siêu sinh chuyển kiếp lành. Học thuyết tiến hóa của Darwin và các kết quả nghiên cứu lý, hóa, sinh hiện đại đã chứng minh cho sự đúng đắn của thuyết “Thập nhi nhân duyên” trong Phật giáo. Thập nhị nhân duyên là mười hai giai đoạn hình thành và tồn tại phát triển của con người, giai đoạn này làm tiền đề cho giai đoạn kia trong sự kế thừa nối tiếp, giai đoạn này thúc đẩy giai đoạn kia để xuất hiện cái mới thì kết thúc cái cũ, nhờ nhân, duyên mà có sinh có diệt… Nhà bác học Einstein tìm ra “Thuyết tương đối” thì trước đó Đức Phật đã từ bỏ sai lầm của cực đoan một chiều tuyệt đối và chọn con đường trung đạo mới đạt tới cảnh giới Giác ngộ.

Khi khoa học thực nghiệm đặt Phật giáo vào vị trí của khoa học suy lý, lý thuyết, thì dưới lăng kính của khoa học xã hội, Phật giáo được xem là sự hợp nhất, tổng hợp của nhiều ngành khoa học, bởi Phật giáo có phương pháp, cách thức để tìm hiểu thế giới hiệu quả và đạt tới trình độ thấy, biết khó tả, cách thức đó là pháp tu theo quy trình: Giới – Định – Tuệ (Giữ giới, Thiền định tập trung suy nghĩ, Có trí tuệ). Từ kho tàng kiến thức khổng lồ của Phật giáo, nếu soi xét ở mỗi khía cạnh khoa học chuyên ngành hiện nay, gần như ngành nào Đức Phật đều có đề cập và đạt tới độ sâu sắc: Về giáo dục, Đức Phật được xem là nhà đại giáo dục, được tôn là Thiên nhân sư – Người thầy của trời và người, với kiến thức siêu xuất và phương pháp hết sức uyển chuyển: khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ; có nghĩa là giáo dục phải biết căn cơ đối tượng, lựa thời gian và điều kiện, xem phong tục tập quán từng nơi mà ứng xử cho phù hợp sẽ có kết quả cao; đó chính là phương pháp tìm hiểu đối tượng và vận dụng phương pháp tâm lý giáo dục phù hợp với điều kiện đặc điểm đối tượng. Nhờ sự uyển chuyển ấy mà Đức Phật thành công trong truyền đạo, trong việc đưa tín đồ theo “Bát chánh đạo”, nhiều người đủ thành phần theo Phật ai cũng tiến bộ, đắc quả. Về đạo đức, lý thuyết Phật giáo là tôn giáo thể hiện những chuẩn mực đạo đức rõ ràng, trong sáng, với phương châm sống“Vô ngã, vị tha”, “ từ bi, hỷ xả” thể hiện tính đạo đức cao cả của con người. Ở góc độ cá nhân, Đức Phật là một điển hình về chuẩn mực sống khiêm cung, phạm hạnh, giới đức sáng ngời, ứng xử hòa ái, thái độ khoan hòa bao dung đủ sức chuyển hóa thu phục nhân tâm của tất cả mọi người từng tiếp xúc; trọn đời hành đạo, Ngài là con người bình dị, gần gũi với tất cả mọi người mà cao quý vô cùng vì luôn trân quý mọi người, không mảy may vụ lợi, không một hành động sai trái, không một vết nhơ. Về văn hóa, triết lý Phật giáo là một hệ tư tưởng văn hóa thể hiện tính nhân văn đỉnh cao; trong bối cảnh xã hội còn định kiến, bảo thủ nặng nề về phân biệt đẳng cấp, Đức Phật đã tuyên bố “khi máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn thì không có sự phân biệt đẳng cấp”; Ngài tôn trọng sự bình đẳng của con người và các sự sống hiện hữu trên thế gian, tin tưởng vào mỗi cá nhân nếu biết đi theo con đường chính đạo như Ngài đã nêu, bằng sự nỗ lực và tự giác, tự rèn luyện, tu tập đều sẽ thành tựu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Toàn bộ tư tưởng của Đức Phật là tư tưởng đoàn kết, gắn bó để xây dựng cuộc sống an lành. Về Y học, Đức Phật được tôn vinh là “Y vương” – vua của thầy thuốc; theo Đức Phật con người có thân và tâm, bằng phương pháp tu học con người điều tâm để tâm nhân hậu, hiền từ, trong sáng, tiết dục để tâm tri túc (biết đủ), dưỡng thần để trí tuệ luôn sáng suốt thì con người tránh được nhiều căn bệnh hiểm nghèo do ăn uống, do sinh hoạt vô độ, do cuộc sống ưu phiền,… mang lại, tâm luôn vui, vô lo vì biết không tham lam sân hận, thì thân điều độ vô bệnh khỏe mạnh. Ngoài điều tâm, thân thể cũng phải được chăm sóc hàng ngày, được tập luyện đúng cách thân sẽ khỏe, thân khỏe thì tâm sáng. Triết lý của Đức Phật rất phù hợp với khoa học dưỡng sinh, khoa học phòng bệnh hiện nay. Về môi trường, thực tế đã chứng minh do khai thác thiên nhiên, chặt rừng, ngăn sông, phá núi… bừa bãi, con người đã phải chịu những thảm họa thiên tai với mật độ ngày càng nhiều, càng khốc liệt. Triết lý của Đức Phật là học thuyết giáo dục về bảo vệ môi trường sinh thái bền vững khi con người biết khai thác môi trường và tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống vừa đủ “thiểu dục, tri túc” và luôn tạo ra sự cân bằng trong “nhận và trả” để không phải chịu “Luật nhân quả” do sự bừa bãi của con người mang lại. Hòa bình và xây dựng xã hội an lạc là đặc trưng của tư tưởng Phật giáo, tư tưởng “Lục hòa”: Thân hòa cùng ở, Khẩu hòa cùng vui, Ý hòa cùng thuận, Trí hòa hiểu nhau, Lợi hòa cùng hưởng, Giới hòa đồng tu, đưa con người an vui sống trong sự đoàn kết. Tư tưởng “ Bát chính đạo”:Chính kiến – luôn giữ vững quan niệm về từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, tứ diệu đế; Chính tư duy – luôn suy nghĩ theo sự đúng đắn; Chính ngữ – không nói dối, không thêu dệt hại người; Chính nghiệp – không làm sai trái, không vi phạm giới luật; Chính mạng – xa tránh nghiệp ác, không giết sinh linh, không làm việc xấu; Chính tinh tiến – phát triển nghiệp lành, làm việc tốt; Chính niệm – luôn giữ thân thể, lời nói, ý nghĩ trong sạch; Chính định – tập trung cao độ, cố gắng hết mình. Làm con người nếu ai cũng sống trong Lục hòa và Bát chính đạo thì làm gì có kẻ xấu ác, làm gì có người hại người gây chết chóc, đau thương. Thực tế tồn tại hơn hai mươi lăm thế kỷ, Phật giáo chưa bao giờ gây chiến tranh, chỉ có những cuộc chiến chống lại xâm lược để bảo vệ hòa bình, diệt ác để bảo vệ sự sống lương thiện.

Trong bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật để lại cho hậu thế hệ tư tưởng với kho tàng kiến thức khổng lồ. “Tam tạng kinh điển” là ba kho kinh điển đồ sộ vào bậc nhất so với các hệ tư tưởng và kiến thức của các nhân vật lịch sử để lại: Kinh – những điều Phật nói được ghi chép lại: Luật – những quy định Phật đặt ra được thực hiện trong Phật giáo; Luận – Những lời bàn, những kiến giải phân tích triển khai kinh điển và phương pháp tu tập của Đức Phật cho hậu thế học và làm theo. Điều đáng kinh ngạc là bằng khả năng tư duy của một con người nhưng có thể nhận biết quy luật và sự vận động của tự nhiên, xã hội mà ngày nay khi khoa học càng phát triển càng thấy rõ sự đúng đắn trong nhiều lĩnh vực, điều đó chứng tỏ khả năng nhận thức thông qua suy lý của con người là vô cùng, đạo Phật là một đạo khoa học. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra để chúng ta suy nghĩ khi đặt câu hỏi là đạo Phật rất khoa học, tại sao lại chưa được phổ biến như khoa học một cách rộng rãi? Trả lời câu hỏi ấy có nhiều cách lý giải, theo chúng tôi có một số lý do: Thứ nhất, không phải khoa học nào cũng được phổ biến rộng rãi. Thứ hai, với phương diện là một tôn giáo, những người theo đạo Phật khai thác tính tôn giáo nhiều hơn tính khoa học, số người chứng đắc được như Đức Phật không phải nhiều, trong khi những nhà khoa học hạn chế bởi nhiều lý do, họ ít có cơ hội nghiên cứu sâu về Phật giáo, ít có cơ duyên tìm được sự liên hệ hoặc sự chỉ dẫn từ Phật giáo. Thứ ba, một số cá nhân lợi dụng các tôn giáo khác kết hợp với chiến tranh đẩy lùi và làm hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo trên diện rộng xã hội, việc mà Phật giáo không làm đối với các tôn giáo khác. Thứ tư, Phật giáo theo tư duy duy lý để nhận thức thế giới, khai thác phát huy năng lượng cá nhân để nâng cao khả năng của con người trong nhận thức và hành trì tri túc để phát triển trong sự cân bằng nên ít đi vào thực nghiệm và phát triển kỹ thuật, không nặng khai thác thế giới vật chất để phục vụ cuộc sống. Vì sự khác nhau ấy mà phải mất một khoảng thời gian rất dài khoa học mới gặp được Phật giáo. Thời kỳ Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng ở châu Âu thì Phật giáo chưa có mặt ở nơi đây, song nhờ có khoa học kỹ thuật phát triển, Phật giáo và khoa học đã gặp nhau. Khi Phật giáo tìm thấy lợi thế của khoa học thực nghiệm và ngược lại thì cả hai đều được bổ sung cho nhau và cùng phát triển. Einstein – nhà bác học vĩ đại đã thể hiện điều đó hết sức đáng khâm phục: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một Thiên Chúa nhân hóa, và thoát khỏi các giáo điều và thần học. Bao trùm cả cái tự nhiên lẫn cái tinh thần, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh ra từ sự trải nghiệm tất cả các sự vật, tự nhiên cũng như tinh thần, coi như một tổng thể có ý nghĩa… Phật giáo đáp ứng được mô tả này… Nếu tồn tại một tôn giáo có thể phù hợp với các đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.

Vì những giá trị to lớn của Phật giáo, năm 1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết nghị chọn Phật giáo làm “Tôn giáo điển hình”, và để tôn vinh nhằm phát huy giá trị tích cực ấy, hàng năm Liên Hợp Quốc đã chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak (Đại lễ Tam hợp Đức Phật vào ngày trăng tròn tháng Tư – Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết-bàn) tại trụ sở chính và các trụ sở đại diện của Liên Hợp Quốc trên thế giới. Quyết nghị này chắc chắn không dễ gì đạt được khi nhiều tôn giáo có số lượng tín đồ và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn Phật giáo. Song nghị quyết được chấp nhận đủ nói lên giá trị và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội.

Trước đối tượng Phật giáo vừa là tôn giáo, vừa là khoa học, tổ chức sinh hoạt Phật giáo cần đảm bảo phát huy tính tích cực của cả hai mặt ấy: Thứ nhất, tôn trọng Phật giáo là một tôn giáo để phát huy tính tích cực của tâm linh trong đoàn kết cộng đồng, giải quyết những trắc ẩn của cá nhân và cộng đồng theo Phật giáo trong cuộc sống. Song, cần nhận thức rõ để hạn chế dần việc làm biến thái, xuyên tạc, lợi dụng Phật giáo để mê tín hóa tín đồ, trục lợi cá nhân làm mất bản chất khoa học của Phật giáo. Thứ hai, tôn trọng Phật giáo là một khoa học, đối xử với Phật giáo như một khoa học và khuyến khích phát triển theo hướng phát triển khoa học để phục vụ con người và xã hội theo hướng tích cực. Ngày nay nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu Phật giáo ở cả tính tôn giáo và tính khoa học. Nhiều nước đã mở trường đào tạo Phật học và nghiên cứu Phật giáo như là một khoa học phục vụ cuộc sống. Song, để rộng rãi xã hội thực sự khẳng định Phật giáo là một khoa học thì Phật giáo ngày nay còn cần nhiều sự thể hiện để tỏ rõ tính khoa học trong đời sống xã hội. ■

bản gốc






tranh nhấp của Nguyễn Man Nhiên






Tất nhiên không bao giờ em muốn
làm một người đàn bà đầu xuân
còn khoác chiếc áo tàn đông ủ rũ
ngồi bó gối dưới hiên mưa
chỉ vì em khát nhìn giọt rơi từ mắt người đàn ông
lấy hân hoan trong cơn túng quẫn
làm quà tặng ngày sinh em

người xưa phán định những cấm kỵ đàn bà đàn ông
bằng sự nhân danh quyền phép
thử hỏi có ai dám bò qua mép vực
thả thời gian xuống hố thẳm dò thử nông sâu?


cứ bàn tán hoài ích gì
ngày cứ lên, sông cứ chảy, chim cứ hót
hoa tàn, trái rụng, chồi xanh
già úa héo tàn tro, trai trẻ phổng phao
niềm tin cũ bào mòn thơ ngây niềm tin mới
trôi qua trôi qua
những đám mây không để lại dấu vết
kể cả những ước mơ giản dị nhất
rồi cũng băng hà
không đợi những vì sao thiên di về một hướng


tất nhiên không bao giờ anh biết được
vì sao em khoác chiếc áo tàn đông nhàu úa
ngồi bó gối dưới hiên mưa
nhưng anh hãy hiểu cho em
nếu tàn đông không mưa lấy gì chồi non kịp nảy
lấy gì cho những người yêu nhau phập phồng quấn quít
mưa cháy suốt chiều dài cuộc đời đàn bà
em còn chấp chịu
huống hồ chi






Nguyễn Hàn Chung

Anh Sẽ Nắn Bóp Tay Em Cho Đến Khi Mất Tất Cả



Ngu Yên







Thuở cầm tay em, nâng niu từng ngón suông nhỏ nhắn, nghe lòng run lên, sung sướng được yêu.

Anh dẫn mười ngón tay ấy về nhà với lời hứa làm đẹp làn da. Nào ngờ, những ngón tay bắt đầu lam lũ.

Đời không chừa một ai nếu có dịp gây ra khổ nạn. Muốn được yêu an toàn, phải đối đầu chiến đấu với sầu lo. Em giúp anh bảo vệ những mong manh của trái tim dễ vỡ. Canh phòng những thất vọng của linh hồn. Trong khi những ngón tay âm thầm tan tác.

Một hôm, bất chợt, anh nhìn thấy tay em.

Anh vui mừng vì được nắm mấy mươi năm nhưng vô cùng buồn bã.

Còn có gì buồn hơn khi bắt gặp một kỷ vật đã một thời say đắm , nay bị thời gian gây thương tích tàn phai!

Còn gì đau hơn hơn khi anh ôm chặt những ngón tay cong queo khô cằn. Cố vuốt ra cho thẳng. Cố vuốt lại một thời đã mất quá lâu, để muộn màng hiểu rõ: Sớm muộn gì, chúng ta cũng mất tất cả. Lẽ ra, anh phải sốt sắng yêu em nhiều hơn.

Đêm nay, em đã ngủ say.

Đất trời chung quanh thảm thiết, khi anh cầm tay em nắn bóp những ngón cong queo. Mỗi ngón cong là mỗi đoạn đời thất bại, mỗi dìu anh ngẫng mặt làm người. Mỗi đốt cong tàng tích nhiều gian khổ, nhiều hy sinh, nhiều chịu đựng vì nắm tay chồng, tin tưởng mà đi.

Đã lâu lắm, anh không cầu nguyện. Đã lâu rồi, anh không có đức tin. Nhưng giờ này, anh muốn quì xuống cầu xin bất cứ thần thánh nào, cho những ngón tay em, thẳng ra, suôn sẽ như ngày mới cưới.

Lạ lùng thay!

Dứt lời cầu, những ngón tay em cử động rồi nắm chặt tay anh.



Chính trị và tự do của nhà văn Việt Nam



Điều tôi muốn trao đổi ở đây là cần đặt và nhìn nhận Hội Nhà văn và cả Văn đoàn Độc lập (kỳ vọng được công nhận) trong một bối cảnh rộng hơn về vấn đề các hội ở Việt Nam để có cái nhìn bình tĩnh và khách quan hơn. Bản chất vấn đề về cơ bản không phải là bản thân Hội Nhà văn, mà sâu xa hơn, nó nằm trong đặc điểm và cách vận hành của thể chế chính trị hiện hành.


Hội nhà văn Việt Nam, tổ chức được nhà nước công nhận,
sắp tổ chức Đại hội toàn quốc trong năm 2015.

Tôi là một độc giả yêu văn học. Nghề nghiệp của tôi giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tổ chức xã hội và chính trị -xã hội ở Việt Nam (VN). Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một cách nhìn của cá nhân tôi đối với Hội Nhà văn Việt Nam từ một góc độ rộng hơn về hội ở Việt Nam, nhân việc Hội Nhà văn đang chuẩn bị đại hội toàn quốc trong bầu không khí có bất đồng.



Hội Nhà văn và chính trị


Trước hết tôi nghĩ rằng Hội Nhà văn Việt Nam cũng là hội được “nuôi” giống như Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Đoàn Thanh niên và ở Việt Nam được gọi là tổ chức “chính trị-xã hội”. Cho nên nó đương nhiên thể hiện những căn bệnh của hệ thống, nghĩa là hội, nhưng lại được Nhà nước trả lương, nên nó phải làm hai nhiệm vụ: nhiệm vụ xã hội, hay nghề nghiệp của một hội, và nhiệm vụ “chính trị tư tưởng”mà Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam kỳ vọng ở nó.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên thì đã có những đề xuất như cho thành Bộ Phụ nữ và Bộ Thanh niên như một số nước đã làm - Nguyễn Điệp Hoa
Cái chéo ngoe này của các hội nhà nước gần đây được thảo luận rất nhiều. Nhiều ý kiến nói rằng nếu là nhà nước trả lương cho bộ máy và làm nhiệm vụ chính trị, hay quản lý nhà nước thì cho hội thành cơ quan nhà nước cho nó chính danh, còn là hội hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn thì tự nuôi, nhà nước không nên can thiệp. Chưa biết bao giờ việc này ngã ngũ. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên thì đã có những đề xuất như cho thành Bộ Phụ nữ và Bộ Thanh niên như một số nước đã làm.


Dù chưa có quyết định về việc này thì tôi nghĩ rằng đó cũng là một tín hiệu tốt là người ta nhận thấy vấn đề và muốn thảo luận hướng giải quyết.


Hội Nhà văn hơi đặc thù hơn vì nó là hội của những người sáng tạo văn học. Nhiều nhà văn không muốn nó dính líu đến chính trị hay bị chính trị chi phối như ở giai đoạn trước, nhưng chuyện văn chương lại là chuyện tư tưởng, chuyện tự do suy nghĩ, mà chính trị thì lại ngại chuyện này, nên mới không buông nó ra.


Vì các nhà văn về bản chất là tự do suy nghĩ nên Hội Nhà văn có lẽ là hội thường bị cật vấn nhiều nhất bởi các hội viên. Có những cái cật vấn đến mức như đòi Hội Nhà văn phải làm sao tạo được nhiều trường phái sáng tác! Có vẻ Hội Nhà văn chẳng làm được nhiều những điều đáng ra nó phải làm, dính đến chính trị chẳng được ai thích, nhưng ở Việt Nam mà không phải là hội viên của nó thì có vẻ như người cầm bút chưa yên tâm nên nhiều người vẫn xếp hàng nộp đơn nhiều năm để có cái danh nhà văn Hội mang lại.


Ở trong một cái bòng bong như thế, không phải nhà văn nào cũng thật sự ý thức được rõ ràng về tự do sáng tác cá nhân và trách nhiệm của Hội Nhà văn đến đâu.


Thiếu tự do hay thiếu tài?

Tự do là gì là một trong những câu hỏi khó nhất và có quá nhiều câu trả lời lẫn lộn. Bạn làm nghệ thuật ở một nước độc đảng, bạn kêu không có tự do. Nhưng nếu cho bạn sang châu Âu hay Mỹ, liệu bạn có cảm thấy đạt được tự do hoàn toàn hay không? Tưởng có, nhưng có khi lại là không.




Một lễ kết nạp hội viên của Hội nhà văn Việt Nam, với
Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh đứng thứ ba (trái sang, hàng đầu).


Không là vì rằng điều đó còn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Xin được kể một câu chuyện:


Trong nhiều cuộc họp tôi được dự của các tổ chức ngoài nhà nước (bây giờ bắt đầu được gọi rõ ràng hơn là xã hội dân sự), rất nhiều người vẫn nói rằng phải làm thế nào kiểm soát, định hướng báo chí, nếu không họ viết sai tràn lan. Nhiều người còn đòi nhà báo lấy tin, viết bài xong phải đưa cho họ đọc, kiểm tra lại để đảm bảo chính xác!


Không nói thì chúng ta cũng hiểu: Căn bệnh đòi kiểm soát này rõ ràng được mang từ trong hệ thống Đảng và nhà nước ra.


Họ đi ra từ đấy, họ muốn tạo dựng cái mới, nhưng đầu họ vẫn nghĩ như nhà nước. Hầu như ai cũng tin là mình đi ra khỏi hệ thống thì sẽ làm được cái mà trong hệ thống mình không làm được! Nhưng thực tế, có những căn bệnh nhà nước nó ăn sâu vào tiềm thức rồi nên khó mà nhận ra được trong bản thân từng người, và vì thế không dễ mà gột được nó đi! Đa số bị rơi vào trường hợp như thế. Một người bạn của tôi nói vui rằng “Thôi, phải chờ đến F2!” (trong sinh học được dùng để chỉ thế hệ thứ 2).


Xin lấy một ví dụ khác là có nhà văn tuyên bố: “Tôi đi ra khỏi Hội Nhà văn tôi thấy tự do hơn!”.
Nghĩ thêm một chút thì thấy tuyên bố này có lẽ chưa rõ ràng lắm. Ở trong Hội, anh vẫn là anh, mà ra ngoài Hội anh vẫn là con người anh! Nếu anh tuyên bố thế thì có phải anh thừa nhận rằng tự do là cái ở bên ngoài anh mang lại. Nhưng nhà văn mà trông chờ vào tự do là cái ở bên ngoài mình mang lại thì đã chẳng bao giờ có những tác phẩm tuyệt vời được viết trong ngục tù và xiềng xích!


Thắng trói buộc bên ngoài

Vấn đề là làm sao cái tự do bên trong luôn mạnh mẽ và chiến thắng cái trói buộc bên ngoài. Nếu lực bên trong không mạnh hơn thì sáng tạo là quá trình khổ ải! Nguyễn Điệp Hoa

Nghệ sĩ sân khấu Chí Trung có diễn một tiểu phẩm chế giễu những người làm nghề sáng tạo, nhưng toàn đổ lỗi vì bên ngoài mà họ không thể viết được, mà thực chất nguyên nhân là bất tài. Tiểu phẩm đại ý thế này: Một ông nhà văn cầm bút lên, nhăn nhó suy ngẫm để viết một tác phẩm lớn… Cầm bút lên một lúc ông bỗng thấy lạnh, ông quấn chăn lên người. Chưa viết được gì, ông lại thấy khát, lại không viết được… Rồi lúc tưởng lóe lên được ý tưởng thì ông lại nghe thấy tiếng ồn, khiến ông phải lấy bông bịt tai để tập trung. Rồi bỗng chốc lại thấy con ruồi đậu lên tờ giấy quấy rối…Tóm lại là ông đánh vật với những thứ bên ngoài và rốt cục ông hét lên kiểu như “Thế này thì còn sáng tạo làm sao được nữa!”


Khi không có động lực thật sự mạnh mẽ bên trong, con người sẽ chỉ luôn thấy hoàn cảnh có lỗi. Vấn đề là làm sao cái tự do bên trong luôn mạnh mẽ và chiến thắng cái trói buộc bên ngoài. Nếu lực bên trong không mạnh hơn thì sáng tạo là quá trình khổ ải!


Tự do là của người sáng tác, là cái bên trong thiêng liêng, không nhà tù nào lấy đi được cái tự do tư tưởng thiêng liêng ấy, cũng chẳng có xã hội tự do nào ban tặng được cho người sáng tạo nghệ thuật cái tự do ấy! Nói cho cùng, nhà văn ý thức được tự do đến đâu, anh có tự do đến đấy. Chân trời của anh dừng ở nơi mà tài năng của anh chỉ mở được đến đó. Chừng nào hội viên còn nghĩ rằng Hội Nhà văn phải mang đến cho họ tự do sáng tác, chừng đó họ còn tự nằm trong cái rọ do chính mình tạo ra.


Nói đến ảnh hưởng của chính trị, nếu người lãnh đạo chính trị nói tôi muốn kiểm soát nhà văn, không được nói cái tôi không muốn nghe, thì đấy là cái ý muốn của họ thôi. Họ có thể làm tất cả những gì họ muốn vì họ có quyền lực trong tay, kể cả cấm in tác phẩm mà họ thấy “có vấn đề”, thì nói cho cùng họ cũng đâu có lấy đi được cái tự do tư duy trong đầu mỗi nhà văn nếu nhà văn thật sự có tự do trong bản thân mình.




Một Văn đoàn Việt Nam Độc lập gần đây đã ra tuyên bố thành lập Ban vận động của mình với nhiều thành viên khi đó đang là hội viên Hội nhà văn VN.


Vấn đề then chốt nhất vẫn là tài năng. Nếu có tác phẩm hay chưa xuất bản được ở đây, bây giờ, như một số nhà văn đã nói, thì cất trong ngăn kéo chờ thời, hay in ở nước ngoài! Đâu có ai cấm được cái này?


Cần có tinh thần xây dựng

Ở Việt Nam, một số nhà văn vận động thành lập Văn đoàn Độc lập. Nếu không phải là một hội về văn chương thì chắc chả ai để ý vì thực chất đây chỉ là một tổ chức phi chính phủ nhỏ. Nó rất bình thường. Ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức như vậy hoạt động. Việc nó được xem như cái gì đó quá khác biệt đã cho thấy có thể có một chút lệch lạc trong tư duy của những người quan tâm đến nó.


Việc một hội mới có tôn chỉ mục đích riêng được lập ra không nên được hiểu cần có nghĩa là để phủ nhận một hội đang có. Vì sao cả hai cái cây không thể cùng mọc, hai bông hoa không thể cùng nở? Tôi tin cả Hội Nhà văn và Văn đoàn Độc lập chắc chắn đều chia sẻ những giá trị chung là chất lượng nghệ thuật của văn học và tự do sáng tác. Cả hai đều cần được tôn trọng trong cách làm của mình.


Đồng ý rằng Hội Nhà văn cũng như rất nhiều hội nửa hội-nửa nhà nước, có rất nhiều bất cập, nhưng tôi không tán thành thái độ đả kích Hội Nhà văn ở một số nhà văn. Như trên đã nói, nó là một thực thể sinh ra từ hệ thống này và nó mang những hạn chế của hệ thống này. Nếu bạn thích, bạn sinh hoạt với nó, nếu không thích bạn đi ra và làm cái bạn thích hơn. Nhưng làm cái bạn thích hơn không đồng với nghĩa với việc bạn làm tốt hơn, trừ khi bạn chứng minh được giá trị gia tăng mà bạn mang lại. Nhưng cái đó hãy để xã hội và bạn đọc đánh giá là bạn đang làm tốt hơn.


Việc một hội mới có tôn chỉ mục đích riêng được lập ra không nên được hiểu cần có nghĩa là để phủ nhận một hội đang có. Vì sao cả hai cái cây không thể cùng mọc, hai bông hoa không thể cùng nở?
Nguyễn Điệp Hoa


Nên, điều tôi muốn trao đổi ở đây là cần đặt và nhìn nhận Hội Nhà văn và cả Văn đoàn Độc lập (kỳ vọng được công nhận) trong một bối cảnh rộng hơn về vấn đề các hội ở Việt Nam để có cái nhìn bình tĩnh và khách quan hơn. Bản chất vấn đề về cơ bản không phải là bản thân Hội Nhà văn, mà sâu xa hơn, nó nằm trong đặc điểm và cách vận hành của thể chế chính trị hiện hành.


Hiện có thể “cái chậu” pháp lý nó mới chỉ đủ cho một cái cây. Thay vì chỉ trích, đả phá cái cây đang có, nên chọn cách mang tính xây dựng hơn, nghĩa là vận động để có “cái chậu” lớn hơn cho nhiều “cây” cùng mọc.


Cũng có thể vận động chính sách cùng khối xã hội dân sự ở VN để tìm một môi trường có sự công nhận về mặt pháp lý rộng rãi hơn đối với các thiết chế dân sự, vận động chuyển những hội như Hội Nhà văn thành một hội mang tính nghề nghiệp thuần túy, hay công nhận những hội sáng tạo văn học khác chỉ như những hội nghề nghiệp như rất nhiều hội nghề nghiệp khác, vv… Điều này đòi hỏi các thành viên tích cực phải ngồi với nhau, thảo luận cùng nhau trên tinh thần xây dựng và hợp tác.


Từ kinh nghiệm tiếp xúc với các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, hay chính trị-xã hội của tôi ở Việt Nam, tôi cho rằng các nhà văn nên tìm hiểu và học cách làm mang tính xây dựng của khối xã hội dân sự, nơi hiện có hàng ngàn tổ chức, nhóm xã hội lớn nhỏ, làm trăm thứ việc mỗi ngày, từ hỗ trợ người nhiễm HIV, ung thư, người khuyết tật v.v... cho đến vận động sửa đổi luật pháp và chính sách, những người chia sẻ với nhau rất sâu sắc tầm nhìn về một xã hội công bằng, dân chủ và tốt đẹp hơn và biết cách hợp tác với nhau hơn vì cái chung.


Nguyễn Điệp Hoa

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

CÂY THẦM TIẾC BÓNG


Nàng đi mãi mà không trở lại
Gió bên đường kéo liễu hát trong mưa
Và mặt nước bi bô lời than thở
Chiều buông rèm tàn tạ nắng buồn mơ.

Anh ngắm liễu bên hồ càng nhớ bóng
Ai ru mình trong trăng sáng nép vào anh
Làn da trắng, vòm ngực nàng hưng phấn
Tan tành rồi! Ôi, mộng thuở ái ân...

Người đàn bà ra đi không trở lại
Để cây thầm tiếc bóng hoá bơ vơ
Và gió nữa cũng giông cuồng rồ dại
Hồn thi nhân tan tác giữa hư vô.

Đôi mắt đẹp nàng dịu dàng đong trời biếc
Thân hoa thơm mà lại ủ bão dông
Anh tê dại cõi hồn hoang biền biệt
Bao sầu tư vương vấn các nẻo đường.

Người đàn bà ra đi không trở lại
Bãi-cuộc-đời cát bụi, gió mưa
Hoa sẽ úa, nhị sẽ tàn và lụi
Một đời trôi theo năm tháng xô bồ...


Phạm Ngọc Thái
Trích tập "Rung động trái tim" 2009


Dưỡng sinh năng lượng-Thác nước



 Nhờ thực hành các bài tập trong chương này, sự cảm nhận về năng lượng nội tại của bạn sẽ phát triển. Đồng thời bạn cũng có khả năng làm chủ năng lượng nội tại thật chính xác và làm phát triển thêm sức mạnh tinh thần của bạn. Việc thực tập được khởi đầu bằng một cảm nhận về sóng rung động. Bạn sẽ ý thức được chùm năng lượng đang thâm nhập và phát ra khỏi cơ thể của bạn trong khi bạn đang thực hành những bài tập luyện. Sự chính xác của từng khu vực màu sắc và sự chuyển động bằng sóng rung động của năng lượng là thiết yếu. Bạn cũng sẽ luyện tập sử dụng tất cả năng lượng nội tại với các bài tập nhanh.

 

Thác nước  :Còn gọi là tẩy rửa năng lượng xấu

Hàng ngày nên thực hiện trước khi đi ngủ hoặc trước khi thực hiện bài tập về năng lượng

Chuẩn bị : Trước khi tập luyện bạn nên mặc quần áo được làm bằng bông vải, không đeo nữ trang.

Nhận định : Đây là một trong những phương pháp căn bản nhằm gội rửa những năng lượng xấu và làm cho năng lượng bao quanh cơ thể bạn (thể khí) ngày càng trở nên sáng rực.

Thể khí (thể hào quang) là nơi tiếp nhận những thông tin từ bên ngoài đưa đến cũng như đó là một cái trạm nhận và phát những thông điệp đi khắp nơi. Muốn nhận cũng như tiếp những thông tin đó một cách chính xác, điều trước tiên là trạm tiếp nhận đó cần phải được luôn trong sáng, do vậy việc gội rửa những năng lượng xấu ra khỏi đó là điều thiết yếu và phải được lập đi lập lại thường xuyên.

Hướng dẫn : Thư giãn và nâng khí màu sắc

Khởi đầu có thể ngồi trên ghế hoặc nằm thoải mái trên giường. Lắng nghe tiếng nhạc và lời dẫn trên đĩa CD (đĩahiện có tại Bộ môn Năng lượng Cảm xạ học) , nhằm hướng dẫn người tập luyện thư giãn.

Trong lúc luyện tập thư giãn bạn cố tránh không để ngủ gật vì như vậy bạn mới có thể ở trong tình trạng nửa thức nửa ngủ (trạng thái vô thức). Dần dà với sự luyện tập đều đặn, cuối cùng bạn sẽ không còn ngủ gật nữa. Đó là lúc bạn đã kiểm soát được cơ thể trong lúc thư giãn.

Việc phục hồi sau khi thư giãn là một giây phút quan trọng. Bằng sự thư giãn, bạn đã tác động một số thay đổi trên hệ thần kinh thực vật. Cần phải thực hiện việc phục hồi này một cách tốt nhất. Hãy thực hiện từ từ. Lúc đầu có thể việc thư giãn của bạn sẽ chưa sâu, bạn muốn mở mắt thật nhanh sau bài tập này. Nhưng với thời gian bạn sẽ nhận ra rằng bạn cảm thấy tốt hơn và mong được kéo dài thêm khoảnh khắc thư giãn. Lúc đó sự phục hồi sẽ được thực hiện hoàn hảo.

Việc phục hồi là một phần của bài tập. Thở sâu và nhẹ nhàng. Vươn vai thật lâu và dành một khoảng thời gian trước khi mở mắt. Thản nhiên nhìn quanh bạn. Thấy lại khung cảnh, màu sắc của không gian mà bạn ghi nhận trước khi khởi sự bài tập. Xoa hai tay, chân và mặt sau khi thực hiện thư giãn.

Nâng khí rung động 7 khu vực:


Nguyên khí được phân bố trên bảy khu vực và khi nó tràn khắp cơ thể thông qua bảy dòng năng lượng chính: Màu đỏ, màu vàng, màu cam, màu xanh lá cây, màu tím, màu xanh da trời, màu chàm.
Màu Đỏ tràn ngập khu vực trung tâm số 1 và phát huy tính chất mạnh mẽ, cương quyết, đấu tranh.
Màu Vàng tràn ngập khu vực trung tâm số 2 và phát huy tính chất tình cảm sâu đậm, vui sướng lạc quan yêu đời, sáng tạo nghệ thuật.
Màu Cam tràn ngập khu vực số 3 và phát huy tính chấthứng thú sáng tạo, can đảm, óc tổ chức.
Màu Xanh lá cây tràn ngập khu vực trung tâm số 4 và phát huy tinh thần trách nhiệm, chia sẻ và đoàn kết với mọi người.
Màu Tím tràn ngập khu vực trung tâm số 5 và phát huy lòng thương người, tính trung thực, sự tôn sư trọng đạo.
Màu Xanh da trời tràn ngập khu vực số 6 và phát huy tình yêu thương con người, độ lượng, bác ái, quên mình.
Màu Chàm tràn ngập khu vực số 7 và phát huy năng lực hoà đồng vũ trụ, tiếp nhận thanh khí từ vũ trụ.Thực hiện bài Thác nước

Đây là bài tập nhẹ nhàng nhưng chúng ta cần phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Trong chúng ta, nếu cuộc sống của chúng ta có trật tự, những phiền toái sẽ bị loại trừ, nhưng vì tinh thần của chúng ta luôn bị nhiều vấn đề quấy nhiễu bởi những tiêu cực trong sinh hoạt làm cho thể khí quang bao quanh cơ thể chúng ta bị lu mờ.

Thể khí quang (thể hào quangbao quanh chúng ta) là nơi tiếp nhận những thông tin từ bên ngoài vàcũng là trạm phát những thông điệp đi khắp nơi. Muốn nhận và phát những thông tin đó một cách chính xác, điều trước tiên là trạm thu phát đó cần phải được luôn luôn trong sáng do vậy đây là bài tập lý tưởng cho việc thanh lọc những năng lượng xấu ra khỏi cơ thể, đó là điều thiết yếu để thực hành tập luyện cho giai đoạn chuẩn bị những bài tập kế tiếp

Cách thực hiện : Bạn đứng thẳng và thực hiện lại phương pháp nâng khí màu sắc từ màu Đỏ lên dần đến màu Chàm. Từ điểm cao nhất của màu Chàm bạn tưởng tượng như có một thác nướcchảy từ đó ra hoặc bông sen cực lớn chảy từ đầu đến chân: nước tràn ngập từ đầu bạn, vai, ngực, lưng, chạy dọc theo đùi bạn và đưa những năng lượng xấu lắng sâu xuống lòng đất. Bạn hãy tập bài này một cách từ từ, không nên vội vàng. Chỉ cần tập đi tập lại trong vòng vài lần bạn sẽ cảm thấy thoải mái, thư giãn cả thể xác cả tâm hồn.

BS. Dư Quang Châu

Bức xạ ion hóa với môi trường ô nhiễm




 Vào năm 1979 một làng nhỏ ở Anh bị loài ruồi khổng lồ có cánh từ 3 đến 5 cm tấn công. Chúng phát triển nhanh và khó bị tiêu diệt. Chúng chuyên hút máu người và súc vật nên gây ô nhiễm cho thịt gia súc. Nguyên nhân là do nước thải bị nhiễm xạ nhẹ từ một nhà máy chảy vào một đầm lầy gần đó. Các nhà khoa học khám phá ra rằng khi bị nhiễm phóng xạ alpha, bêta và gamma, loài ruồi này to gấp 2, 3 lần về vóc dáng và sức mạnh. Đây không phải là sự bất thường duy nhất mà trong khu vực còn có lúc nhúc rắn nước lớn bằng bắp tay, dài hơn 2,5 m có thể quật ngã bò nuôi trên đồng cỏ và tấn công cả chó. Năm 1975 các bãi biển đầy cát trắng trên vùng đất của Thụy Điển và Đức đột nhiên vắng du khách. Phụ nữ sau khi tắm ở đây xong thì bị sưng âm đạo, sa tử cung, mặt và thân thể đầy mụn mủ. Đàn ông trở thành bất lực. Nguyên nhân là do bức xạ từ các nhà máy điện nguyên tử và nhà máy lọc chất uranium thải nước ra sông Elbe và xuôi dòng ra bờ biển này. Bức xạ làm thay đổi thiên nhiên. Einstein từng nói: “Chiến tranh trong tương lai bắt đầu bằng nguyên tử và kết thúc bằng đá lửa”.

Dưới giường ngủ của những người bị ung thư, người ta đo được lượng phóng xạ rất cao. Họ thường có các triệu chứng giống nhau như: đau đầu, mất ngủ, mất quân bình, run rẩy. Càng nằm trên giường sự đau đớn càng tăng: đau gáy, mỏi chân. Trẻ con ngủ trên chiếc giường này thì la hét vào ban đêm và sớm muộn cũng lên cơn suyễn. Các yếu tố này sẽ giúp nhiều cho các quan sát của nhà Cảm xạ phong thủy. Từ nhiều năm nay nhiều loại phóng xạ (tia gamma, X., nơtron...) được ứng dụng trong công nghiệp và thương mại. Các phóng xạ này xuyên qua vật chất và làm thay đổi cấu trúc hoá học. Đặc biệt, đối với các vật sống, chúng có thể tạo ra các thương tích và gây các đột biến cho bộ phận trong cơ thể.

1. CÁC YẾU TỐ SINH BỆNH

Ảnh hưởng của sự phát xạ là do sự chuyển giao năng lượng phóng xạ sang vật sống. Năng lượng này tiêu biểu cho lượng năng lượng bị hấp thụ. Ngoài ra còn có những yếu tố khác can thiệp vào như sự phân phối bức xạ bên trong tế bào. Do vậy một sự phát xạ từng phần, với cùng một lượng năng lượng hấp thụ thường ít nguy hiểm hơn là một sự phát xạ toàn phần của bộ phận. Các ảnh hưởng cũng rất khác biệt tùy theo các bức xạ mang tính nhất thời hay lâu dài. Cùng lượng bức xạ mà ở trường hợp đầu có thể tạo chết chóc nhưng về sau có thể sự nguy hại lại không đáng kể nếu nó được phát ra trong thời gian dài. Với cùng năng lượng được phát đi, các bức xạ có thể tạo ra những ảnh hưởng sinh học rất khác nhau. Sự hữu hiệu của các bức xạ này phần lớn tùy thuộc vào lượng ion hoá được phát ra và các kích thích dọc theo chiều dài quỹ đạo của phần tử.

- Các tia alpha, có tính ion hoá mạnh, lưu chuyển vài cm trong không khí, vài microns trong nước và chỉ bám trên da của cơ thể con người. Chỉ cần một tờ giấy mỏng cũng có thể ngăn cản hoạt động của chúng. Năng lượng cần thiết để xuyên qua da là 7,5 Mev.

- Các tia bêta chỉ lưu chuyển tối đa vài mét trong không khí, vài mm trong nước nhưng xuyên qua biểu bì và có thể đến bì. Một tờ nhôm 7 mm có thể chặn nó lại. Một năng lượng 70 Kev đủ xuyên qua da.

- Các tia gamma, lưu chuyển nhiều mét trong không khí, xuyên qua cơ thể dễ dàng. Từ 1 đến 2 Kev đủ giúp nó xuyên qua da. Một cách tổng quát, vật thể sống rất nhạy cảm khi có một hoạt động hoá sinh lớn hơn xảy ra: từ đó các tế bào phôi bị ảnh hưởng nhanh hơn.

Do đó, việc hiểu biết tường tận các điều kiện của việc phát xạ: lượng bức xạ, thời gian, tính chất của tia bức xạ và các tế bào bị nhiễm là cần thiết để thiết lập mối liên hệ giữa bức xạ và các hậu quả của nó về mặt sinh học.

Các yếu tố sinh bệnh được xếp thành hai loại:
Yếu tố dinh dưỡng liên hệ đến chính đối tượng
Yếu tố di truyền liên hệ đến tổ tiên.Người ta thường quan sát thời gian tiềm ẩn bệnh, đó là khoảng cách từ lúc phát xạ cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thời gian này thường thay đổi, có thể là vài giờ hay vài ngày đến vài năm hay hàng chục năm (ung thư, bạch huyết).

Các yếu tố của phóng xạ ion xảy ra trong tất cả các trường hợp, khi vượt quá một số lượng nào đó và thông thường càng trầm trọng khi số lượng nhận càng nhiều. Ví dụ, nếu ngoài da, với một số lượng nào đó ta gặp bệnh hồng chẩn, tăng số lượng lên sẽ có rụng lông tạm thời, lở da, khô rồi bỏng da, chứng hoại thư, ung nhọt.

Nhiều tác động khác dường như chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên nơi một số đối tượng ngay cả trường hợp mức độ phóng xạ cao và hậu quả sự trầm trọng hoàn toàn độc lập với mức độ phóng xạ này. Chính các tác động mang tính may rủi tạo thành vấn đề quan trọng nhất trong việc phòng vệ X quang. Khảo cứu được thực hiện qua việc so sánh sự xuất hiện các tần số trong hai nhóm người: một bị phóng xạ còn một thì không. Điều tra về bệnh truyền nhiễm trên con người ghi nhận việc xuất hiện ung thư và bạch huyết sau khi nhận sự phát xạ.

2. SỰ HỨNG CHỊU CỦA CON NGƯỜI

Mọi người trên hành tinh đều hứng chịu các bức xạ ion. Phần lớn sự hứng chịu ion này được qui trách nhiệm cho các nguồn gốc tự nhiên, và con người phải cam chịu từ khi có mặt trên trái đất này. Nền văn minh hiện tại, nhất là từ vài thập niên này chứng kiến việc xuất hiện các nguồn bức xạ mới được tạo ra ngoài nguồn bức xạ tự nhiên để sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau: chữa bệnh, nâng cao điều kiện sống, sản xuất và tiêu thụ năng lượng, các cơn mưa do việc thử nghiệm nguyên tử.

3. SỰ PHÁT XẠ TỰ NHIÊN

Sự phát xạ tự nhiên dùng để gọi cho 3 hiện tượng khác nhau:

- Các tia vũ trụ

- Sự phát xạ từ đất

- Nội phát xạ

Khi các tia phóng xạ vũ trụ sơ khai đến bầu khí quyển, chúng phản ứng với các nhân nguyên tử hiện diện: ngoài sự sản xuất các chất đồng vị (tritum, béryllium 7, carbon 14...) các phản ứng này kéo theo việc phát ra các phân tử và bức xạ điện từ tạo thành các bức xạ thứ phát. Lượng phát xạ đo được tại một nơi nào đó tùy thuộc vào độ cao, vĩ độ, chu kỳ mặt trời. Nói chung, người ta ước lượng rằng mức độ phát xạ ở ngang mặt biển hay cao hơn một chút vào khoảng 30 millirad/năm. Chúng gia tăng theo độ cao và tăng gấp đôi ở độ cao 5000m. Do vậy, trong một chuyến bay quốc tế, ở cao độ 12000m lưu lượng phát xạ là 0,3 millirad/ giờ. Trong một chuyến bay từ Paris - New York và ngược lại, hành khách và phi hành đoàn phải hứng chịu một mức độ phát xạ là 5 millirad.

Phát xạ từ đất phần lớn do các yếu tố của nhóm bức xạ uranium và thorium, các yếu tố như potassium 40 và rubidium 87 và sau cùng là do các yếu tố được sản sinh từ ảnh hưởng của các tia bức xạ vũ trụ như tritium và carbon 14. Các yếu tố này hiện diện trong môi trường xung quanh và chủ yếu là trong lớp vỏ quả đất có nguồn gốc từ sự phát xạ bên ngoài của vật thể. Mức độ phát xạ của vật thể dưới đất thay đổi và tùy thuộc vào loại đất đá và nguồn gốc của nó. Nói một cách tổng quát, đất vùng núi lửa và đá hoa cương phóng xạ nhiều hơn là đất phiến nham và nham kết tràng. Mức độ phát xạ trung bình trên các mô là 44 milliard/năm và thay đổi tùy từng vùng. Ví dụ:

- 9 đến 200 mrads/năm ở Ý

- 15 đến 400 mrads/năm ở Đức

- 20 đến 110 mrads/năm ở Ba Lan

- 25 đến 100 mrads/năm ở Mỹ.

Tại một số vùng như Kerala ở Ấn Độ, Guarapari ở Brazil mức độ phát xạ có thể tăng nhiều rads/năm. Các phát xạ từ các máy phát gamma như radon, thoron… tương đối thấp: 2, 3 milliard/năm.

Nội phát xạ do sự hấp thụ từ ăn uống hay hít thở các bức xạ tự nhiên hiện diện trong môi trường tạo thành. Phần lớn việc hấp thụ được thực hiện qua nước uống. Còn việc hấp thụ bằng hít thở được thể hiện từ các bức xạ khí: radon, thoron xuất phát từ lòng đất, vật liệu xây dựng cũng như trong không khí. Phổi nhận khoảng 2 milliard/năm. Mức độ phóng xạ trung bình hàng năm ở các thành phố công nghiệp là 100 mrads/ năm, 200 tại các vùng đá hoa cương và các vùng có nguồn nước giàu phóng xạ, 250 đến 300 mrads ở các vùng đồi núi.

4. SỰ PHÁT XẠ TRONG GIA ĐÌNH

Ngoài các nguồn phát xạ trong thiên nhiên cần phải kể thêm một hình thức khác liên hệ đến các yếu tố phóng xạ tự nhiên hay các bức xạ từ các hoạt động của con người. Các nguồn gốc này có nhiều: các dụng cụ quang tuyến X, vô tuyến, các vật liệu xây dựng, khí radon và benzène.

Từ vài năm nay, các vật dụng dùng các yếu tố phóng xạ để tạo sự phát sáng được sản xuất nhiều: đầu núm tắt mở điện, chuông, mặt số điện thoại, mặt các bảng điều khiển (trong vận chuyển thủy), đồng hồ điện tử, đồng hồ dạ quang.

- Tia X từ các vô tuyến nhất là vô tuyến màu.

Tuy nhiên các vật liệu cấu tạo trên tường hay trên sàn có thể biến thành nơi tích tụ các bức xạ có nguồn gốc tự nhiên. Các mức độ tổng hợp cũng thay đổi tùy bản chất và nguồn gốc của vật liệu. Ta gặp những mức độ phóng xạ thấp nhất trong các kết cấu bằng gỗ và cao nhất trong các kiến trúc bằng đá. Chúng có thể là nguồn gốc tạo sự phát xạ nhiều chục hay cả nhiều trăm mrads mỗi năm cho cư dân trong vùng.

5. RADON

Là loại khí không màu, không mùi vị có trong hầu hết các loại nham thạch, đặc biệt trong đá granit. Nhiễm radon sẽ phát ung thư phổi đối với các thợ mỏ uranium và tác động tương tự như thế từ ảnh hưởng của thuốc lá. Radon là chất khí có thể xuyên qua mặt đất hay trong nham thạch nơi ngôi nhà được xây cất. Nó cũng xâm nhập vào nhà qua các lớp đất nện, các kẽ bê-ton hay tường, các máng xối, giếng nước.

Radon tan trong nước, do vậy có thể hoà tan trong nước giếng.

Trong một số trường hợp bất thường, các vật liệu dùng trong xây dựng có thể phát ra radon. Ví dụ ngôi nhà có một bếp lò lớn bằng đá hay một hệ thống sưởi bằng ánh sáng mặt trời trong đó năng lượng được trữ trong những lớp bằng đá.

Khó có thể làm một bảng ước tính về sự tập trung radon bên trong một căn nhà vì nó tùy thuộc vào nhiều thông số. Phải đo đạc. Có nhiều kỹ thuật nhưng thông dụng là dùng than hoạt tính và máy phát hiện tia alpha. Một đồng hồ Geiger cũng có thể cung cấp ngay con số đo lường nên nhà Cảm xạ phong thủy cần trang bị loại đồng hồ này.

6. ADN

Phân tử ADN mang dấu vết di truyền độc nhất trên mỗi tế bào. Một khi bị hủy diệt là không thể thay thế. Phân tử này có thể bị tổn hại trực tiếp bằng sự phát xạ hay gián tiếp bằng các căn nguyên tạo thành. Ảnh hưởng gián tiếp do électron chuyển động sau khi hấp thụ một photon. Electron này tái hiện với một phân tử nước tạo tổn hại lên phân tử ADN. Tế bào có những cấu tạo để điều chỉnh ADN khá hữu hiệu trong 95% trường hợp có hư hỏng được khu trú do sự ion hoá bởi électron. Nhưng các cấu tạo này sẽ ít hữu hiệu nếu các mối nguy hại này xảy ra liên tục, ví dụ một sự phóng xạ bằng alpha hay photon. Mặt khác, oxygène cũng gây trở ngại cho việc điều chỉnh. Từ đó, phải thấy rằng với năng lượng bằng nhau thì alpha sẽ nguy hại gấp 20 lần électron.

7. CÁC ĐỊNH MỨC AN TOÀN

Các quy tắc được qui định bằng rems và sieverts. Millirem (viết tắt là “mrems”) là đơn vị đo lường ảnh hưởng của phóng xạ trên cơ thể con người. Có nhiều loại phóng xạ, mrem giải thích về sự khác nhau giữa các dạng và ảnh hưởng phóng xạ. Milirems là đơn vị đo lường phóng xạ rất nhỏ. Các mức độ phóng xạ từ những hoạt động bình thường được liệt kê dưới đây. Những giá trị này cũng được so sánh với những giá trị đã được sử dụng trong máy tính toán mức độ phóng xạ.

Hoạt động
Mức độ bức xạ (mrem)
- Hút 1 gói thuốc lá 2,5
- Chẩn đoán bằng X-ray 10-20
- Xem tivi 0,5-1
- Máy phát hiện khói 0,008
- Sống khoảng 1 năm (tất cả các nguồn) 360
- Đồng hồ dạ quang 0.06
- Đi qua máy kiểm tra túi xách X-ray tại phi trường 0.002
- Xem tivi 1
- Sủ dụng màn hình vi tính hay tương tự đầu máy video 1
- Thường xuyên ngủ chung giường với người khác 1
- Chẩn đoán răng bằng X-ray 50
- Xạ trị 100
Các định mức an toàn được đánh giá là mức tối đa có thể chấp nhận được trong các hiểu biết hiện thời. Chúng sẽ không tạo ra các xáo trộn cho đối tượng tiếp nhận. Trong thực hành có 2 loại định mức:
Các định mức mang tính bắt buộc (cho các xây dựng hạt nhân)
Các định mức mang tính khuyến cáo, cần đề ra các biện pháp áp dụng đối với dân sự.Các định mức an toàn này được thiết lập bởi công nghiệp hạt nhân và được xem là những giới hạn không được vượt qua. Hiện được định mức an toàn là 0,5 rem/năm cho các bộ phận và tế bào bị bức xạ riêng rẽ ngoại trừ mắt 1,5 rem/năm. Rem là đơn vị đo mức lưu phóng xạ và để hình dung về nó, sau đây là vài hậu quả tác động trên bộ phận sống sau một liều phóng quang duy nhất:
Từ 5 rems: biến đổi máu (formule sanguine).
100 rems: gia tăng đáng kể bệnh ung thư, bất lực trong 2 đến 3 năm đối với nam giới, bất lực vĩnh viễn nơi phụ nữ.
100 đến 250 rems: xáo trộn tiêu hoá nhẹ, rụng tóc một phần, mập, xáo trộn máu tổng quát.
250 đến 600 rems: ói mửa, choáng váng sau khi bị phóng quang, biến đổi thành phần máu, nguy cơ tử vong lớn khi bị nhiểm độc.
600 đến 700 rems: xáo trộn thành phần máy và rối loạn tiêu hoá nặng dẩn đến tiêu chảy, ói mửa, có thể xảy ra tử vong trong 15 ngày.
700 rems: 90% tử vong trong vài tháng tiếp theo.
1.000 rems: chết trong những tháng tiếp theo.
10.000 rems: chết trong những giờ tiếp theo.
100.000 rems chết trong những phút tiếp theo.Qua kinh nghiệm, định mức tối đa cho mạng sống: 1 người x tuổi về mặt lý thuyết là :

Định mức tối đa = (x - 18) . 5 rems.

Tóm lại, mỗi người, nhất là các công nhân tiếp xúc thường xuyên với các chất nhiễm xạ cần giữ một quyển nhật ký ghi lại số lượng phóng xạ hấp thụ mỗi ngày.

Những điều nêu trên cảnh báo cho chúng ta trong thời gian gần về sức khỏe sẽ ảnh hưởng do tác động bởi môi trường ô nhiễm và ngay cả những thức ăn đầy hóa chất như hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe bởi những sát thủ vô hình đang ở quanh ta…

Chuyên viên Cảm xạ Địa sinh học bác sĩ Dư Quang Châu