Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

NỐT LẶNG TRONG TÌNH THƠ NGUYỄN DUỆ MAI - Thùy Anh





Trong những khoảng lặng ấy, vẫn có một thứ âm thanh đặc biệt mà chỉ có ta mới nghe được – âm thanh của tiếng lòng.
Và trong muôn vàn âm thanh của bản tình ca sâu lắng, nốt lặng sẽ tạo nên điều kì diệu – những khoảng “mở” cho thế giới tâm hồn mênh mang…
(Lời giới thiệu tập thơ "Nốt lặng" của Nguyễn Duệ Mai - ấn phẩm của Chieulang.com.vn)



Nguyễn Duệ Mai ngay từ thuở còn là cô sinh viên Văn khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đam mê viết văn, làm thơ. Những bài thơ nho nhỏ xinh xinh được chép tay cẩn thận, thường được lưu giữ riêng, và chỉ chia sẻ với một số ít bạn thân. Nhưng vì điều kiện thực tế, sau khi ra trường, chị lại không có cơ duyên để đứng trên bục giảng. Công tác trong một lĩnh vực khác, nhưng Nguyễn Duệ Mai vẫn viết đều, bằng trái tim phụ nữ nhạy cảm, yêu thương và ngòi bút tinh tế của một người được đào tạo bài bản. Và để giờ đây, chúng ta có trên tay tập thơ đầu tay của chị - "Nốt lặng". Trong tập thơ này, mỗi suy tư về cuộc đời, thân phận và tình yêu, là một nốt lặng trong bản tình ca cuộc đời bằng thơ.
Trong bản tình ca ấy, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh một người phụ nữ sống hết mình với tình yêu, hy sinh vì tình yêu, nhưng luôn lặng lẽ, âm thầm. Với chị, tình yêu là một “mạch ngầm” nuôi dưỡng đời sống và tâm hồn con người. Chị chọn hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa thật sâu sắc, chí tình:

Nhưng tình em kết trái
Trong nhỏ nhặt thường ngày

Mầm cây lên từ đất
Sắc hoa lên từ thân
Và dòng sông hạnh phúc
Dâng lên từ mạch ngầm.
(Mạch ngầm)

Những cặp thơ song hành “tình em kết trái”- “mầm cây lên từ đất” để dẫn tới hình ảnh khái quát về hạnh phúc mang tính chiêm nghiệm sâu xa: “Và dòng sông hạnh phúc – Dâng lên từ mạch ngầm". Câu thơ giản dị mà thấm vào lòng người thật tự nhiên.
Người đàn bà trong thơ Duệ Mai nội tâm luôn giấu kín. Vui lặng lẽ (mà điều này rất hiếm), còn buồn thì vời vợi. Thật khó cầm lòng trước những câu thơ buồn sâu như thế này, bởi lẽ, nó đúc rút từ những gì rất đỗi đời thường mà đôi khi người ta không để ý hoặc vì lý do nào đó mà không thể để ý:

“Góc chiều
Tôi giấu bóng tôi
Góc tôi
Tôi giấu chiều rơi
Lạnh lùng!”
(Giấu)

Con người phải tự giấu mình vào một góc rất riêng, không muốn ai nhìn thấy, vẻ ngoài tưởng chừng lạnh lùng nhưng thực ra bên trong lại vô cùng phức tạp. Mà càng cố giấu thì càng dồn nén, chất chứa bao điều. Con người ấy cũng ước mơ, khát vọng…, nhưng rồi lại nén lòng để tất cả trôi qua, tự tìm bình yên trong hiện tại nhạt nhòa:

Giấc mơ đôi lần hoang hoải
Chênh chao với chút sóng vờn
Nhưng rồi yên bình trở lại
Sau từng cánh lá vàng buông
(Vẫn dòng chảy cũ)

Chính vì giấu cái Thật nhất của mình đi, nên sống giữa đời thường mà phải “diễn” với nhiều vai khác nhau. Hóa ra cuộc đời là một sân khấu lớn, còn con người là những diễn viên chăng?

Đã cùng qua mấy nổi chìm
Lẽ nào thú nhận… chưa tìm thấy nhau?
Tròn vai, khó diễn lắm đâu
Nhưng sau sân khấu, nát nhầu bóng đêm.
(Diễn)

Câu thơ cuối cùng là lời thú nhận chua chát và đau xót. Cái “nát nhàu bóng đêm” ấy là sự nhàu nát của tâm hồn khi hiểu rằng ngay cả tình yêu bấy lâu nay cũng chỉ là “diễn” cho nhau mà thôi! Bi kịch giằng xé chỉ có thể nương nhờ vào bóng đêm che chắn! Thế mới thấy, người đàn bà ấy đã phải chịu đựng như thế nào! Cuộc đời đâu phải cứ bão tố phong ba mới là bất hạnh! Nhiều khi phẳng lặng quá thành ra nhạt nhẽo, không đam mê, không khám phá, đối với người từng có những ước vọng lớn lao, thì cuộc sống đó mới thực sự không hạnh phúc!

Duệ Mai viết nhiều về nỗi lòng của người đàn bà làm thơ. Trời sinh ra người đàn bà trót biết làm thơ, là đày người ta chăng? Đọc thơ Duệ Mai, tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Đoàn Thị Tảo trong bài “Chị tôi”: “Ngày chị sinh trời cho làm thơ – Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở… Ngày chị sinh trời cho làm thơ vấn vương với sợi tơ trời – Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Thơ Duệ Mai là những minh họa đúng nhất cho chữ “đa đoan” này:

Riêng điều em khác người ta
Đam mê con chữ, gọi là... đa mang
Dễ buồn, dễ khóc, dễ than
Dễ thương tổn với những oan trái tình
(Giọt sương rơi)

Và có lúc, Duệ Mai trăn trở, dằn vặt trong cuộc đấu tranh nội tâm chưa bao giờ ngừng nghỉ:

“Núp dưới câu thơ ta tìm được những gì
Hay khắc khoải một hành trình tự trốn?
Con tằm đã quấn kén vùi mình trong yên ổn
Đợi lặng lẽ một ngày... hoá thành bướm bay đi...”
(Độc thoại)

Có một bài thơ mà Duệ Mai phải đặt tên là “Không tìm được tựa đề”. Đây thực sự là một cơn bão lòng của người đàn bà ăm ắp buồn, tê tái đau. Cái nỗi buồn có thể kết lại thành những hạt cườm, xâu chuỗi với nhau, quàng lên đời người. Muốn tự giải thoát, thì thành ra thế này đây:

Một lần hiện thực vung roi
Đứt tung tóe, hạt cườm rơi xuống sàn!
Hạt lăn về phía thời gian
Hạt nương náu chữ đa đoan, giấu mình!

Và bàn chân ấy, cố tình
Giẫm, di cho nát những hình trắng, nâu
Hạt cườm nhẵn lắm, không đau
Nên bàn chân vết lõm sâu, lại đầy!
(Không đặt được tựa đề)

Đọc những câu thơ như thế, thấy chính mình cũng đau buốt, thấy tâm hồn mình cũng đầy vết lõm như dấu vết những nốt lặng in hằn!

Nhưng không phải lúc nào thơ Duệ Mai cũng viết về tình yêu, nỗi buồn ẩn giấu. Thơ chị còn dành tình yêu thương cho những người thân. Với những bài thơ này, chị thường chọn viết lục bát với những vần thơ mềm mại, sâu lắng, mượt mà. Chị viết về mẹ đẻ, mẹ chồng bằng những bài thơ riêng. Và chị dành riêng một bài để nói về hai người Mẹ của mình. Bài thơ “Hai Mẹ” của chị đã thực sự chinh phục người đọc bởi tấm lòng con đẻ - con dâu hiếu thảo, ơn nghĩa. Nó khiến tôi lại nhớ đến bài thơ “Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh, nhưng nếu Xuân Quỳnh chỉ nói về mẹ chồng, thì Duệ Mai lại nâng niu đặt hình ảnh “Hai Mẹ” bên nhau, mỗi Mẹ có một đặc điểm riêng, nhưng cùng một tình yêu vô hạn cho những đứa con chung:

Mẹ em thấu hiểu, sẻ chia
Những cay đắng, những bộn bề áo cơm
Mẹ anh sắc sảo ngọn nguồn
Cân đong được hết thiệt hơn cõi người

Nhìn hai bà mẹ nói cười
Giận mình có phút ngậm ngùi vu vơ
Vòng tay hai mẹ giăng tơ
Quấn con êm ấm đến giờ, mẹ ơi!”
(Hai mẹ)

Nếu không thấu hiểu lòng Mẹ vô cùng, thì sẽ không thể viết được những câu thơ biết ơn xúc động nhường ấy!

Trái tim giàu thương cảm của chị hướng đến những người bạn và cả những người không quen. Chị viết cho một người bạn vừa tan vỡ hạnh phúc bằng sự cảm thông và động viên ứa nước mắt:

Mảnh mai em gánh cuộc đời
Dồn yêu thương phía tiếng cười con thơ…
… Nồi tròn chẳng úp vung tròn
Xoay quanh vung méo, nhưng còn hai quai.

Em đi về phía ngày mai.
(Viết cho một người bạn)

Và chị viết những câu thơ đầy xa xót mà vô cùng kính trọng này là để dành cho một người bạn thân, một bác sĩ giỏi và thực sự là một lương y với đúng nghĩa của từ này:
Một đời lở, chẳng kịp bồi
Thương sông đau đáu chân trời dở dang!

Dòng ngừng chảy giữa thế gian
Nhưng phù sa vẫn tràn loang nơi này...
(Phù sa)

Người bạn ấy đã sống một đời trọn vẹn, dâng hiến tâm sức cho đời, như một dòng sông chở nặng phù sa. Duệ Mai hiểu thấu bạn mình và lặng lẽ thì thầm với người đã khuất: Dù đã ra đi, nhưng những gì anh để lại vẫn còn mãi như “phù sa vẫn tràn loang nơi này”. Xúc động biết bao!

Điều khiến cho thơ Duệ Mai chiếm được tình yêu mến của bạn đọc không chỉ là những tình cảm đẹp và sâu, được thể hiện trong những vần thơ mượt mà, mà còn là cách phát hiện quy luật cuộc sống, quy luật tâm lý từ những điều rất bình dị đời thường. Chỉ là một viên bi, thế mà thành một đời vô cảm: “Bây giờ ta vứt ta đi – Tròn xoe vô cảm viên bi giữa đời” (Viên bi). Hoặc một nhánh cỏ may cũng khiến chị đau đáu: “May mà chẳng thấy may đâu - Cỏ mà chẳng thấy cỏ mầu xanh non/ Lụa không vì thế mà mòn - Nhưng trong thớ vải, vẫn còn vết châm!” (Vết cỏ). Những câu thơ khiến người đọc phải giật mình thảng thốt vì nó quá đúng, vì nó đã chạm đến những nỗi niềm sâu kín của chính mình. Thơ Duệ Mai như viết hộ lòng mình vậy!

Cuộc đời con người luôn cần những khoảng lặng để ngẫm, để hiểu sâu hơn về mình, về người.
Trong những khoảng lặng ấy, vẫn có một thứ âm thanh đặc biệt mà chỉ có ta mới nghe được – âm thanh của tiếng lòng.

Và trong muôn vàn âm thanh của bản tình ca sâu lắng, nốt lặng sẽ tạo nên điều kì diệu – những khoảng “mở” cho thế giới tâm hồn mênh mang…

Những nốt lặng trong thơ Duệ Mai là như vậy, “lặng” mà để lại dư âm trong lòng người, vì nó đã ngân lên những giai điệu đẹp của một tình thơ dịu hiền, nhịn nhường hết thảy, một đời chỉ biết yêu thương.

Với tập thơ "Nốt lặng", Nguyễn Duệ Mai đã tạo nên một phong cách thơ riêng không dễ lẫn giữa rất nhiều "sản phẩm thơ" ồ ạt hiện nay. Nhẹ nhàng, bình dị, tinh tế, vừa truyền thống, vừa sáng tạo trong cách thể hiện, thơ chị xứng đáng được bạn đọc trân trọng, nâng niu.

Hãy đọc và lắng nghe, để cảm nhận về “Nốt lặng” riêng mang tên NGUYỄN DUỆ MAI.

Thùy Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét