Quelques remarques à propos d’un article de la presse vietnamienne, article consacré aux “Trois femmes brûlantes du Président français Hollande” .
.
Vài dòng nhân đọc bài báo có tựa đề:
«Ngắm vẻ đẹp hớp hồn của ba người tình nóng bỏng của Tổng thống Pháp Hollande»
http://laodong.com.vn/the-gioi/ngam-ve-dep-hop-hon-ba-nguoi-tinh-nong-bong-cua-tong-thong-phap-hollande-190598.bld
.
Xin nói trước rằng những phân tích dưới đây không nhằm duy nhất bài báo này mà nhắm hầu hết các báo trên mạng, với «tập quán» đặt những tựa bài câu khách – cách thường dùng nhất là nhấn mạnh trên vấn đề giới tính – . Bài báo dẫn trên chỉ là một thí dụ cụ thể.
Vẻ đẹp hớp hồn ? Đây là một cách dùng ngôn từ quá đáng – tiếng Pháp gọi là superlatif – Thế nào là đẹp và thế nào là hớp hồn ? Bản thân tác giả những phân tích này đã nhiều lần bàn về sắc đẹp của phụ nữ và đã dẫn chứng rằng phụ nữ nào cũng đẹp, tùy theo ánh mắt của người đối diện. Báo chí hay văn hóa đám đông nếu có cho ra những tiêu chí – chân dài, da trắng, mũi cao, ngực to, … – thì đó chỉ là những tiêu chí nhất thời. Với lại còn phải xem ai đưa ra những tiêu chí ấy và với mục đích gì. Dân tình dễ bị lung lạc và dân tình dễ đi theo – như những con cừu của Panurge.
Phải nói là trong xã hội Pháp hiện thời, dư luận không đánh giá ba người phụ nữ của bài báo (bà Ségolène Royal, bà Valérie Trierweiler và nữ tài tử điện ảnh Julie Gayet) là những phụ nữ có sắc đẹp nghiêng thành đổ nước. Họ đẹp, thanh nhã, mỗi người một vẻ, … cũng như bất cứ phụ nữ nào biết tự trọng, có khả năng chi tiền để ăn mặc và trang điểm. Nữ tài tử Julie Gayet phải tự chăm sóc vì đó là một bắt buộc của nghề nghiệp. Bà Royal hay bà Trierweiler thì phải làm thế nào cho thích hợp với thể diện của vai trò đệ nhất phu nhân hay vai trò của tầm cở một chính trị gia cao cấp.
Họ đẹp thanh cao tao nhã. Tiếng Pháp dùng từ la distinction – Nhà xã hội học Pierre Bourdieu định nghĩa từ này rất rõ ràng. Chứ không phải đẹp hớp hồn !
Nóng bỏng là từ thứ nhì được dùng bởi bài báo. Hai chữ này gợi ý đến giới tính như kiểu một con thỏ hay con mèo cái, lúc hoóc môn giới tính lên cao (tiếng Pháp dùng chữ «en chaleur») thì chạy đi tìm thỏ hay mèo đực sẳn sàng giao hợp.
.Với con người, dùng chữ «nóng bỏng» không khác nào xem con người như con vật.
Như vậy là quên rằng con người sống trong xã hội, được giáo dục - chuyện giao cấu giữa hai giới không còn là một chuyện thuần sinh lý. Xã hội nào cũng tổ chức «sinh hoạt sinh lý» này, cho nó vào khuôn khổ, để bảo vệ thuần phong mỹ tục và bảo vệ các liên hệ huyết thống hay bảo vệ cấu trúc gia đình. Gia đình vốn là nền tảng của xã hội.
Dùng chữ «nóng bỏng» khi nói về những phụ nữ hàng đệ nhất phu nhân của một quốc gia là phạm thượng. Và những phụ nữ này có quyền kiện tờ báo ra tòa. Họ sẽ thắng kiện trong trường hợp này, nếu họ kiện.
Tổng thống Pháp đào hoa cũng là chữ bài báo dùng để nói về Tổng thống François Hollande. Dù không hoàn toàn là một vị nguyên thủ lý tưởng cho dân Pháp hiện thời, ít nhất ông Hollande là người có ý thức hệ tiến bộ và cố gắng tạo công bằng xã hội cơm no áo ấm cho mọi người. Dĩ nhiên ông ấy lo việc nước chứ không phải lo chạy theo các bóng hồng – courreur de jupon – . Nói ông ấy đào hoa cũng là một cách nhục mạ, tức là quên vài trò chính trị của ông.
.
Vị nguyên thủ Pháp đã sống nhiều năm không kết hôn với bà Royal, hay với bà Trierweiler, đó là chuyện đời tư của Tổng thống. Với lại xin đừng «suy bụng ta ra bụng người», không kết hôn bên này là chuyện thường, là tự do của cá nhân. Hơn 70 năm trước, Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre cũng chung sống không hôn thú mà có ai dám đưa điều đó như cái gì trái luân thường đạo lý đâu !
.Các ảnh đưa ra bởi bài báo hoàn toàn không đề xuất xứ. Tại sao ta không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ? Trong các ảnh, có một hí họa vẽ bà Royal mặc áo ngủ, dưới cái áo manteau. Đem hình này ra khỏi hoàn cảnh để có ảnh «với áo ren mỏng manh» của nhân vật để minh chứng cho cái «nóng bỏng» của bà Royal ? Một cách làm hơi …rẻ tiền.
.Peoplelisation là cách đưa chuyện riêng tư của các nhân vật, khai thác những chi tiết vụn vặt và đưa lên mặt báo kiểu tin … giật gân của những người nổi tiếng. Đó là cách hành sự của các báo lá cải. Nếu các báo Việt Nam đều là báo lá cải hết thì thật đáng buồn và đáng lo cho xã hội và văn hóa Việt Nam.
Không phải chỉ riêng y đức có vấn đề ở bên ta. Đạo đức của nhà báo xem ra có vẻ như cũng có vấn đề …
.
Nguyễn Huỳnh Mai
http://huynhmai.org/2014/04/03/cach-dung-chu-cua-bao-chi/