Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

TRUYỆN NGẮN, MỸ HỌC CỦA CÁI VỤT QUA

[Một phiên bản khác của tiểu luận này, tương đối ngắn hơn và với một số dị biệt trong lối diễn ý, đã được phổ biến trên Da Màu, ngày 1.4.14. Bản hiện tại đã được tác giả hoàn chỉnh lại với một số bổ túc để làm sáng rõ hơn một vài khái niệm đã dược trình bày trong phiên bản đã nói.]
____________







.1.



Để bàn về truyện ngắn, trước hết, tôi muốn nói về số mệnh của nó.

Tôi tin là số mệnh của truyện ngắn sẽ còn dài, không như số mệnh của tiểu thuyết mà cứ cách khoảng trên dưới mười năm, trong thời gian trên dưới nửa thế kỷ nay, vẫn có những người lo lắng đưa ra những suy nghĩ/quan tâm về sự sống của nó. (Nhưng rồi lại có những tiếng nói khác phản bác nỗi lo âu ấy — lời phản bác gần đây nhất về những suy nghĩ bi quan liên hệ đến cái chết của tiểu thuyết mà tôi được biết là của Orhan Pamuk, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như My Name is Red (Tên Tôi là Đỏ), Snow (Tuyết), White Castle (Pháo Đài Trắng), The Black Book (Sách Đen), The Museum of Innocence (Bảo Tàng Viện của Sự Trong Trắng), v.v., và là chủ nhân của giải Nobel văn học 2006.)

Trong thời đại của công nghệ thông tin và internet hiện nay, sách vở, văn chương (đặc biệt là tiểu thuyết) đang bị những phương tiện thông tin (nghe nhìn) khác tấn công và chèn ép. Truyện ngắn có lẽ là một chọn lựa tốt đẹp để người ta vẫn còn có thể “gần gụi” với văn chương. Dung lượng của một truyện ngắn cho phép người ta đi vào và đi qua nó chỉ trong khoảng từ mười, mười lăm, hai mươi phút cho đến tối đa là trên dưới hai tiếng đồng hồ. Nhịp điệu, tốc độ, và cả những “tiết nhịp” của truyện ngắn là những cái kéo người đọc lại gần nó. Những điều đó cũng cho thấy cái kỹ năng, cái tài hoa, cái “thần” của người viết.

Truyện ngắn là một con ngựa, Italo Calvino, tác giả của If on a Winter's Night a Traveler (Nếu một đêm đông một lữ khách), đã nói thế, dẫn lại ý của Boccaccio. Nhịp điệu và tốc độ của con ngựa ấy tùy thuộc vào khoảng cách của nó trên đường đến đích cũng như điều kiện của mặt đất dưới chân nó. Con ngựa có thể đi nhịp kiệu hay phóng nước đại, nước rút. Và nhịp điệu cũng như tốc độ ở đây thiên nhiều về mặt tinh thần. Tất cả những điều đó thu hút người ta đến với truyện ngắn. Ở một chỗ khác, Calvino còn nhắc đến một ý của Leopardi, cũng liên quan đến ngựa, rằng việc cưỡi ngựa hiến cho người ta cái kinh nghiệm về “sự nhanh lẹ, năng lực và sức mạnh”, cho phép chúng ta cảm nhận như mình được tiếp cận với một bình diện cao hơn của bản thể về mặt cảm xúc và tinh thần. Dù sao, thời tính của truyện ngắn, trong quan niệm của Calvino, không nhất thiết phải thu gọn lại trong một thời khoảng giới hạn nào đó, Thời gian trong truyện có thể co lại, hay được kéo dài ra, hay đứng bất động. Cái quan trọng là sự bí ẩn của nhịp điệu.

Tóm lại, tôi nghĩ, nếu ngôn ngữ, câu và chữ, và cú pháp, và những thủ pháp sử dụng trong việc diễn tả, tạo nhịp điệu cho truyện, tạo được một ấn tượng về dòng chảy của thời gian, giúp nhà văn đem lại được cái ánh lấp lánh hoặc những sắc mầu đặc thù cho truyện của mình, nhà văn sẽ làm cho người đọc hắn nhớ mãi.

So với tiểu thuyết, thơ, và kịch, những thể loại đã tạo được nhiều cách tân trong suốt lịch sử của chúng khiến cơ hội làm mới, tái sinh chúng càng ngày càng trở nên khó khăn, thì truyện ngắn vẫn là một mảnh đất còn khá mầu mỡ để người cầm bút canh tác.



.2.



Trong lịch sử trên dưới 6000 năm của mình (từ những năm 40 trước công nguyên với những bản văn tìm thấy từ thời cổ Ai Cập cho đến ngày nay), truyện ngắn, về đại thể, chỉ trải qua một số biến động lớn. Từ những truyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại mang tính cách hoang đường, thần bí, siêu nhiên, không dựa trên hiện thực, phản ánh một quan niệm gián tiếp trong miêu tả nghệ thuật, đến thời Phục Hưng, thế kỷ XIV, qua Giovanni Boccaccio, truyện ngắn đã đi vào nghệ thuật trực tiếp, phản ánh cuộc sống với những mẫu nhân vật gần gụi trong đời thường (những lái buôn, những kẻ mang lốt tu hành nhưng có một tính cách phản diện, cái thiện, cái ác cụ thể, v.v.). Sau đó, vào đầu thế kỷ XIX ở châu Âu, truyện ngắn bắt đầu có những biến đổi căn bản. Nhưng để thấy rõ khúc ngoặt của truyện ngắn, người đọc phải chờ đến Edgar Allan Poe (1809–1849) của Mỹ với tài dựng truyện tuyệt vời cũng như khả năng lập thuyết sắc sảo của ông khi nói về thể loại này. Những truyện ngắn mang cái lõi trinh thám cùng với loạt truyện gây ấn tượng sâu sắc của Poe, kết hợp những yếu tố kinh dị, kỳ ảo hay huyền ảo, đã đưa truyện ngắn vào một khúc quanh mới.

Rồi đến Anton Chekhov, bậc thày của truyện ngắn Nga. Chekhov đã, qua những truyện ngắn đặc thù trong lối viết của mình, cắt bỏ các trạng từ, tính từ mang tính biểu cảm, thậm chí cắt bỏ luôn cả cốt truyện, chỉ trình bày một mảng hiện thực được soi chiếu bằng những vệt chiếu vừa đủ để tạo nên một cảm giác bềnh bồng của sương mù, nhưng từ đó lại làm bật lên cảm nhận về hiện thực của tâm hồn con người. Cái cảm giác này có thể còn lờ mờ, không thật rõ nét, nhưng cái ấn tượng về đời sống, về cái hiện thực bên trong ấy của hồn người cứ còn vương đọng lại mãi trong tâm trí người đọc.

Phong cách của Sherwood Anderson, và phong cách viết của Hemingway với nguyên lý “tảng băng trôi” một phần nổi bảy phần chìm (hay, sau đó, Camus — với cách viết trong “Kẻ Xa Lạ”[1] —, và thậm chí đi đến phong cách “tối giản”, “cực hạn” (minimalism) một cách tuyệt vời sau đó nữa của Raymond Carver) theo kiểu tước bỏ tất cả những gì trước đó, một cách căn bản, tạo nên sự thành công của truyện ngắn, như những câu chữ mang nhiều tính mô tả (như tính từ, trạng từ, các cụm tính từ, trạng từ, v.v.), các hình ảnh, cốt truyện, sự tràn đầy trong miêu tả, diễn đạt, v.v., làm nên cái thần thái xưa của truyện ngắn, cũng đã là sự nối tiếp phong cách Chekhov. Tuy nhiên, những nhà văn vừa nói đã tô đậm thêm cái phong cách này với những nét tài hoa cùng sự sáng tạo riêng để xác định chỗ đứng và nét đặc thù của mình. Chẳng hạn như Hemingway đã sáng tạo nên dạng truyện ngắn đối thoại nổi tiếng. Còn Raymond Carver thì đã được các nhà văn và người đọc xem là một maestro của phong cách “tối giản” (còn được gọi là “thiểu tố” hay “cực hạn”), cùng với cung cách khách quan hóa tối đa thái độ cũng như phong thái của người kể truyện. Carver đã chiếm được sự cảm phục của người đọc trong suốt nửa sau của thế kỷ XX.

Đó là chúng ta chưa nói đến Katherine Mansfield và Alice Munro, hai nhà văn kiệt xuất của truyện ngắn. Một người được gọi là Chekhov của Anh quốc, và người kia cũng được xem là Chekhov của Canada.



.3.



Bước đột phá gây ấn tượng gần đây nhất trong lịch sử của truyện ngắn có lẽ đã được tạo nên bởi Franz Kafka và, sau đó, Gabriel García Márquez.

Cả Kafka lẫn Márquez đều đã dùng những yếu tố kỳ diệu, huyền ảo mang đầy tính ma thuật trong những truyện ngắn của mình. Nhưng họ đã đi những bước khác nhau, với phong cách, thần thái khác nhau. Kafka, cùng với các nhà văn hiện đại khác, đã không chấp nhận việc miêu tả hiện thực một cách trực tiếp nữa. Mà nhắm vào cái nghĩa bóng, nghĩa được suy đoán của hiện thực. Từ đó, nhà văn cấp cho hiện thực tính đa trị, đa nghĩa. Nhắm vào việc làm mờ hóa hiện tượng, bôi bỏ những đường viền rõ nét của hiện thực, nhà văn đẩy người đọc vào thế phải suy giải. Có những hiện tượng được suy giải theo những con đường trái chiều, đối nghịch hẳn nhau, nhưng đều có nghĩa. Và, từ đó, những văn bản văn chương của thời hiện đại và hậu hiện đại nhiều khi có được những nét đa trị, đa nghĩa hết sức phong phú. Sự phong nhiêu, phong dật của văn chương (không hẳn theo nghĩa “Văn chương của sự phong dật” — The Literature of Replenishment của John Barth), ở một mặt ý nghĩa nào đó, cũng đã được nhận rõ từ khía cạnh này.

Cùng với Kafka, văn chương của sự biến dạng ra đời. Một thứ văn chương của huyền thoại. Của cái thực và cái mơ xoắn quyện, bồng bế lẫn nhau. Đó là văn chương của cái nghĩa bóng. Cái đằng sau, cái nghĩa bóng ấy, bỗng được đẩy ra phía tiền trường. Còn hiện thực thì được đẩy lùi về phía sau, được nhìn một cách gián tiếp. Chất Kafka của văn chương... hậu-Kafka đã được quy chiếu từ phong cách đó.

Và rồi cái bóng sừng sững của Márquez.

Márquez đối mặt với hiện thực một cách rõ nét hơn Kafka, cho dù những yếu tố hoang đường và ẩn dụ cũng đầy tràn trong truyện của ông. Ẩn dụ của Kafka bật sáng những thao thức đầy chất trí tuệ. Ẩn dụ của Márquez chập chờn và lấp lánh những hoa văn của hình tượng. Qua đó, với Márquez, người đọc như chìm vào “biển của thời đã mất” (cũng là tên một truyện ngắn của ông), nhập vào và sống một cách tự nhiên nhi nhiên với những cảnh hoang đường, kỷ ảo (thậm chí có những lúc nghịch dị) trong truyện của Márquez. Nhà văn đã thành công trong việc đưa dẫn người đọc vào những giấc mơ kỳ ảo, say đắm mà họ không muốn thoát ra.



.4.



Nói đến truyên ngắn, của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, việc liệt kê những nhà văn đã để dấu ấn mình trong truyện ngắn và, bằng một cách đặc thù nào đó, thổi tiếp sinh khí cho thể loại này, rất dễ bị trở nên thiếu sót. Trên phạm vi thế giới, người ta có thể nói đến Nikolai Gogol, Guy de Maupassant, Alexander Pushkin, Leo Tolstoy, Ivan Turgenev, Ivan Bunin, Anton Chekhov, Charles Dickens, Vladimir Nabokov, Hermann Hesse, Nathaniel Hawthorne, Edgar Allan Poe, Rudyard Kipling, Mark Twain, Herman Melville, Virginia Woolf, O. Henry, Jack London, F. Scott Fitzgerald, William Faulkner, W. Somerset Maugham, Katherine Mansfield, Isaac Bashevis Singer, Thomas Mann, Franz Kafka, James Joyce, D. H. Lawrence, Sherwood Anderson, Ernest Hemingway, Jorge Luis Borges, Dino Buzzati, Italo Calvino, Gabriel García Márquez, Kurt Vonnegut, John Barth, Donald Barthelme, Flannery O’Connor, John Cheever, John Steinbeck, J. D. Salinger, Raymond Carver, Alice Munro. Vân vân.

Cũng thế, đối với các nhà văn viết truyện ngắn Việt Nam. Dù sao, tôi không muốn thử liệt kê như đã làm ở trên với các nhà văn ngoại quốc. Có lẽ đa số chúng ta đều có thể hình dung được tiếng nói, giọng điệu và phong cách của những nhà văn Việt Nam mà mình yêu thích. Cả ở trong lẫn ở ngoài nước. Dù sao, những điểm làm cho họ nổi bật cũng là những điểm đã làm cho các nhà văn thế giới và những truyện ngắn của họ được người đọc yêu mến và ghi nhớ trong lòng. Những điểm đó tôi đã thử trình bày ở một đoạn trên. Đó là tài năng (không chỉ là “kỹ năng”, cho dù “kỹ năng” có thể dẫn đến “tài năng”) và sự sáng tạo. Chính tài năng và sự sáng tạo là xương cốt, máu thịt và hơi thở để dựng nên những truyện ngắn sống mãi với đời.

Về ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài, đây có lẽ vẫn còn là một vấn đề chưa giải quyết xong một cách rốt ráo. Nhà lập thuyết về thể loại Edgar Allan Poe thì cho rằng truyện ngắn là truyện có thể “ngồi đọc liền một mạch” (“in one sitting”) trong một thời khoảng giới hạn nào đó. Dù sao, cái “mạch” mà ông nói, trong thời buổi của truyền thông với công nghệ internet và những “kênh” xã hội của thời buổi này, có lẽ ngắn hơn thời của Poe kha khá. Đó là vấn đề của thời đại. Và truyện ngắn nào cũng được viết trong cái thời đại của mình. Bây giờ, nói chung, người ta thường cho rằng một truyện ngắn không nên/không thể ngắn hơn 1,000 từ và không nên/không thể dài hơn 20,000 từ. Truyện ngắn mà ngắn hơn 1,000 từ thì thường được gọi tên là “truyện chớp” (“flash fiction”), “truyện thình lình”, “truyện bất chợt” (“sudden fiction”), “truyện vi-ti”, “truyện mini”, “truyện micro” (“micro fiction”, “micro-fiction”, “microfiction”, hay “MicroFiction”). Ngoài ra, Yasunari Kawabata, tác giả của Snow Country (Xứ Tuyết), The Sound of the Mountain (Tiếng Rền của Núi), The Old Capital (Cố Đô), v.v., khôi nguyên của Nobel văn chương 1968, trong thể loại truyện ngắn, cũng để lại một ấn tượng đặc biệt với người đọc ông khắp thế giới qua loạt truyện ngắn mà ông gọi là “truyện ngắn trong lòng bàn tay” (“palm-of-the-hand stories”). Những truyện này có thể ngắn hơn một truyện ngắn trung bình, nhưng thường thì lại dài hơn một truyện “chớp”. Người đọc, qua loạt truyện này, có thể thấy tính thơ mộng, trầm tư và hóm hỉnh của Kawabata qua những suy nghĩ và hình ảnh của nhà văn, cũng như sự cô đúc về mặt kỹ thuật sáng tạo truyện của ông. Cũng thực hiện nguyên lý “tảng băng trôi” như Hemingway, ông khai mở lối vào tâm hồn con người một cách tinh tế và độc đáo qua một số lượng tối giản về từ ngữ.

Dù sao, khi bàn về ranh giới của truyện ngắn, cũng có những trường hợp đặc biệt không nằm trong quy luật “đọc liền một mạch” này. Mà có khi phải cần đến hai hay ba “mạch”! Chẳng hạn như nhiều truyện ngắn của Võ Phiến, tạm thời có thể kể: Thác Đổ Sau Nhà, Về Một Xóm Quê, Thương Hoài Ngàn Năm, v.v. Nói chung, những truyện ngắn này của Võ Phiến, về bề dày phân tích tâm lý và độ sâu của câu chuyện, cũng như về số chữ mà chúng chứa đựng, có lẽ, ở một số giác độ nào đó, có thể tạm so sánh với “những truyện (ngắn) về tình yêu” (“love stories”) của Ivan Turgenev. Những truyện ngắn như First Love (Tình Đầu) hay Torrents of Spring (Lũ Xuân) của Turgenev cũng có một độ dài dài hơn là một truyện ngắn điển hình, nói chung. Truyện ngắn của Võ Phiến, cũng như truyện ngắn của Turgenev, có lẽ còn dài hơn “truyện dài” The Old Man and The Sea (Ông Già và Biển Cả) của Hemingway. Đối với những trường hợp này, thay vì gọi là “truyện ngắn”, có lẽ ta chỉ nên gọi là “truyện” thôi, nếu ta không thích gọi chúng là những “truyện vừa”.



.5.



Alice Munro là khôi nguyên Nobel văn chương 2013. Bà được trao giải Nobel văn chương vì những truyện ngắn đặc sắc, mang nét cách tân, của bà. Mong muốn của Alice Munro, cùng với niềm vui khi được trao giải Nobel văn chương vì những truyện ngắn của mình, là hy vọng người đọc, qua giải thưởng mà bà nhận được, sẽ coi truyện ngắn là một nghệ thuật quan trọng, chứ không phải chỉ là sự “thử bút” của nhà văn cho đến khi viết được truyện dài. Như thế, không phải chỉ ở Việt Nam, mà cái thái độ xem trọng tiểu thuyết/truyện dài hơn truyện ngắn vẫn là một thái độ mang tính phổ biến. Nhưng, nếu ta quan tâm đến truyện ngắn đủ để thấy cái nghệ thuật đẹp đẽ và tuyệt vời của nó nơi những nhà văn đã thành công với thể loại này, ta sẽ thấy là truyện ngắn cũng đem lại cho người đọc những khoái cảm thẩm mỹ như những khoái cảm mà tiểu thuyết mang lại, cho dù tố chất và cường độ của chúng có thể khác nhau.

Nếu nói về những cách tân thể loại, như đã thử trình bày ở trên, trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của nó, truyện ngắn đã có những khai phá, những khúc quặt, những biến động. Dù sao, tất cả những điều ấy cũng đòi hỏi thời gian và một môi trường văn hóa-xã hội thích đáng, như một chất men kích thích. Chưa kể đến cái tài năng riêng của những con người khai phá, sáng tạo. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao các nhà văn Việt Nam chưa tạo được nhiều cách tân trong phạm vi thể loại này. Hãy đối chiếu lịch sử 6000 năm của truyện ngắn thế giới và độ dài của lịch sử truyện ngắn Việt Nam. Tôi nghĩ, truyện ngắn Việt Nam, dù sao, trong chiều dài lịch sử của mình, cũng đã cho thấy những tài năng nổi bật, chẳng hạn như Nam Cao trước đây và Nguyễn Huy Thiệp trong giai đọan vừa qua (tôi chỉ thử kể tên hai người, nhưng mỗi người đọc, trong sự tìm hiểu, khám phá và thẩm mỹ riêng của mình, có thể thêm vào một số hay nhiều tên tuổi nữa). Ngoài ra, truyện ngắn trong nước, qua nhiều giai đoạn, đặc biệt truyện ngắn của miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975, và truyện ngắn Việt Nam trong giai đọan khoảng vài chục năm trở lại đây của cả nước, đã cho thấy có những thành tựu xuất sắc. Đó là chưa kể đến những nét đặc thù, hoặc đầy tính lai tạp thú vị, của truyện ngắn Việt Nam của những nhà văn hải ngoại sau 1975. Đi sâu vào việc tìm hiểu, phân tích các yếu tố và chất liệu được sử dụng trong những “vùng năng lượng” này, chắc hẳn người ta sẽ tìm ra được những viên ngọc lấp lánh trong các vỉa quặng đó.[2]

Tôi nghĩ, sự phát triển của truyện ngắn mang tính lịch sử, mang tính văn hóa. Càng có cơ hội tiếp cận nhiều với thế giới chung quanh, càng có những nỗ lực khai phá, tìm hiểu, đào sâu vào cái bản-thể-người để thấy được những mê lộ của tâm lý và ý thức nó, càng nhuần nhuyễn trong việc nắm cương ngựa (như trong ẩn dụ của Boccaccio), chúng ta càng có nhiều cơ hội để ghi dấu ấn của mình vào truyện ngắn. Nhưng, để lập lại, đây là vấn đề mang tính lịch sử. Và văn hóa. Ngoài ra, nếu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn nữa trên thế giới, nếu tiếng nói và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm người của chúng ta được lắng nghe và được tìm hiểu một cách thích đáng hơn nữa, cơ hội mà chính ta hoặc người ngoài nhìn thấy sự cách tân trong thể loại này của mình hẳn sẽ nhiều hơn. Chúng ta sẽ mở rộng hơn biên độ khai phá và ta sẽ nhìn thấy những cỏ hoa, cây cối mới trong không gian, địa vực của truyện ngắn Việt.



.6.



Alice Munro, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Paris Review, phát biểu: “ [Hồi còn trẻ] tôi đã mê đọc Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. Tôi nghĩ nhà văn đàn bà có khả năng viết về những điều quái dị, hoặc những chuyện bên lề (... ) Còn tiểu thuyết vĩ đại trong dòng chính về hiện thực là giang sơn của đàn ông.”

Tôi nghĩ đây là một cách nói có phần nào dí dỏm và khiêm nhường của Munro. Đặc biệt khi nó áp dụng cho truyện ngắn. Của bà. Và của những nhà văn nữ mà bà đã nhắc đến. Dù sao, đó có lẽ cũng là một cảm nhận riêng của Munro, một người, ở một góc độ nào đó, cũng chia sẻ những rung động và cái nhìn của mình như những nhà văn nữ mà bà đã kể tên, đặc biệt là như Carson McCullers. Bà có cái gắn bó, đồng cảm thân thiết với những kẻ ở bên lề, những kẻ bị người đời bỏ quên hay bỏ qua. Có được điều đó vì một phần bà đã sống giữa họ, nhưng phần lớn, theo tôi, là bà đã có sự quan sát và rung động sâu sắc trước những cuộc đời ấy. Bà hiểu được những góc khuất của những tâm hồn bị bỏ rơi đó. Còn về vấn đề “quái dị”? Có lẽ cũng giống Carson McCullers, đứa con của miền Nam nước Mỹ, gắn bó với những tâm hồn... “nguyên sinh”, chất phác, những người có tố chất “dân quê” của cuộc sống làng mạc, nhiều người là những kẻ khuyết tật, dị dạng, những kẻ “ở bên lề”, bà đồng cảm và thân thiết với họ. Trong họ và qua họ, bà “nhìn” thấy được những điều “quái dị”, trong niềm tin thô sơ, trong lối ứng xử, trong thái độ sống, trong những xác tín cuộc đời... Dù sao, phát biểu của bà, theo tôi, đúng thì cũng có đúng, nhưng có lẽ nên được hiểu trong một nghĩa giới hạn và tương đối. Vì, thật sự, Poe, Kafka, Marquez chẳng hạn, không phải là những nhà văn (nam) cũng rất gần gũi với sự quái dị đó sao? Thật sự, thậm chí, tên tuổi của họ có lẽ phần lớn đã được gắn bó và định hình qua những khái niệm về “nghịch dị”, “quái dị”, cho dù tính “quái dị” nơi mỗi nhà văn này mang những tố chất khác nhau. Còn Margaret Mitchell, tác giả của Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió), Harriet Beecher Stowe, tác giả của Uncle Tom's Cabin (Chiếc Lều của Chú Tom), Ayn Rand, tác giả của Atlas Shrugged (Atlas Vươn Mình), không phải là những nhà văn nữ hay sao? Và tác phẩm của họ chẳng lẽ không phải là những “big novel”, những “tiểu thuyết vĩ đại”?

Ở Việt Nam, Võ Thị Hảo đã viết tiểu thuyết (lịch sử) Giàn Thiêu, rồi gần đây in quyển Dạ Tiệc Quỷ ở ngoài nước, một album gồm những “xấp hình” cắt dán mang những thông điệp lịch sử, cho thấy những lát cắt sắc nét với những mô tả, giải minh đầy ấn tượng về lịch sử và con người Việt kể từ Cải Cách Ruộng Đất đến thì hiện tại. Tiếng nói và cái nhìn mang tính panorama ấy của nhà văn nữ này không phải là lớn hay sao, cho dù trong văn chương của Võ Thị Hảo, người ta cũng có thể phát hiện ra những điều “quái dị”, “nghịch dị”. Và cả thái độ gần gũi của nhà văn đối với những con người bị bỏ rơi bên cạnh bờ lề (lịch sử) nữa.

Bởi thế, tôi nghĩ, phát biểu trên của Munro không phải là không có chỗ hợp lý, nhưng nó cũng không nên được nhìn theo hướng tuyệt đối.

Đọc truyện ngắn của Munro, có những người cảm thấy là những câu truyện ấy ảm đạm quá. Truyện ngắn của Alice Munro không phải chỉ bị xem là “ảm đạm” trong cái nhìn của một số độc giả Việt Nam. Trong số những người đọc truyện ngắn của bà trên thế giới, nhiều người cũng đã chia sẻ cái nhìn về nét “ảm đạm” ấy. Sở dĩ có vấn đề “ảm đạm” là vì những nhân vật của Munro thường thể hiện hoặc bị đẩy vào những tâm trạng phân vân, bất an, bấp bênh và đầy tính bất ngờ, không tìm được lối thoát trước những ngã ba đường. Còn bối cảnh của những truyện ngắn ấy là những bối cảnh mang tính... “phản trắc” và đầy “lừa lọc”. Nhiều truyện có những kết thúc bất ngờ, đôi khi nghịch lý, làm người đọc bối rối, loạng choạng, hoang mang. Tuy nhiên, để bù lại, Munro có những quan sát sắc sảo, những nhận xét dí dỏm, độc đáo và một tâm hồn đầy bao dung, nhân ái đối với những con người đầy nét khuyết tật, dị dạng, vụng về, thô kệch, ngu dại và lắm bất an ấy. Qua họ, bà nhìn ra được những sự thật cuộc đời. Cái đúng cái sai, cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái được cái mất. Tất cả những mảnh ghép ấy làm nên cái thật của cuộc sống.

Cái độc đáo trong truyện ngắn của Alice Munro là ở đấy. Đó là chưa nói đến những kỹ thuật cách tân truyện ngắn nơi bà, đặc biệt qua cách kể truyện, qua thao tác tạo điểm nhìn, góc nhìn cho các nhân vật, và cách xử lý không gian cũng như thời gian của bà. Chúng ta có thể học được những điều này qua những bài phân tích, nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về truyện ngắn của Munro.



.7.



Yếu tố không gian-địa lý, trong nhiều trường hợp, cũng là một yếu tố quan trọng của truyện. Cả truyện ngắn lẫn truyện dài. Vùng Ontario ở miền Trung Canada của Munro. Không gian và khung cảnh trong những truyện dài, truyện ngắn của các tác giả sống ở (hoặc viết về) miền Nam nước Mỹ, từ McCullers đến Faulkner và bao nhiêu nhà văn Mỹ khác nữa liên hệ đến vùng đất này. Chuyện đất đai, thổ ngơi khô cằn đá sỏi của làng Haworth và thời tiết khắc nghiệt với gió lạnh, sương lạnh, mưa ẩm và tuyết trắng của cái vùng “moors”, cái miền đồng hoang này đã ảnh hưởng đến truyện của chị em nhà Brontë ra sao đã được nhiều nhà nghiên cứu văn học phân tích kỹ. Đặc biệt khung cảnh thiên nhiên cằn cỗi của vùng Yorshire, với các đầm lầy hoang vu ẩm ướt, đã tạo không khí và đánh nhịp cho cường độ và sắc thái tình cảm của những nhân vật trong Wuthering Heights (Đỉnh Gió Hú) của Emily Brontë như thế nào thì có lẽ chúng ta đều đã biết.

Trong khung cảnh Việt Nam, đọc những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, người ta thấy hiện lên rất rõ khung cảnh, thổ ngơi của vùng Tây Bắc với cái đời sống, cả về mặt xã hội và tinh thần, của những con người vùng đất ấy. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thì là những vệt quết đậm nét đầy tài hoa về con người, ngôn ngữ và đất đai sông nước miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Tôi nghĩ, yếu tố không gian-địa lý có thể không phải là tất cả, nhưng, qua nó, nhà văn có thể cho người đọc thấy một cách sống động nhiều điều mà ông ta/bà ta muốn trình bày qua những trang văn của mình.

Ngoài ra, địa lý và cái không gian của nó không phải chỉ giúp cho nhà văn tạo được cái khung, phả được cái hơi thở của nó vào tác phẩm. Nó còn mang tính sáng tạo. Địa lý tạo ra nhà văn, hay, ngược lại, nhà văn tạo ra địa lý riêng cho mình? Quận Yoknapatawpha của William Faulkner,[3] vùng đất Macondo của Gabriel García Márquez, vùng Wessex của Thomas Hardy, v.v., là những địa vực mang tính huyền thoại, bật sinh ra từ trí tưởng tượng của nhà văn với xương thịt và hơi thở của chúng còn gân guốc và nóng hổi hơn bất cứ những vùng đất có thật nào. Nhưng để trở thành người cai quản những vùng đất đã đi vào văn học thế giới như những huyền thoại như thế, nhà văn đã phải sử dụng những gân cốt và xương thịt có thật. Như Chúa đã tạo ra người phụ nữ bằng một khúc xương sườn của người đàn ông. Bằng vào một hơi thở. Nhà văn, để tạo được những không gian huyền thoại như thế, qua việc dùng xương cốt, máu thịt là những vùng đất có thật mà mình đã từng biết, phải phả cái hơi thở sáng tạo của mình vào đó. Để đắp thêm xương thịt và cho chúng cái sức sống của tưởng tượng mình.

Địa lý trong sáng tạo của nhà văn chính là cái đã nuôi dưỡng hắn ta, cho hắn hơi thở và sức sống. Và cũng chính cái địa lý ấy, có những lúc, đã dẫn hắn đi xa, đi rất xa, trong tưởng tượng của mình để có thể tạo nên, từ đó, những đất đai, khí hậu, cỏ hoa, chim chóc, con người trong những thổ nhưỡng mới.

Tất cả đều nằm trong chữ viết và trong sự tưởng tượng của nhà văn. Nếu hắn có tài.



.8.



Để kết, tôi muốn dùng một vài nhận xét về cách viết truyện ngắn của Raymond Carver để đóng lại một vài ý kiến, nhận xét của riêng mình cũng như một vài hiểu biết mà tôi đã học hỏi được qua việc đọc truyện ngắn cũng như đọc những gì được viết về truyện ngắn.
“(...) Định nghĩa của V.S. Pritchett về một truyện ngắn là “cái gì đó được nhìn thoáng qua từ khóe mắt, trong lúc lướt qua, vụt qua.” (...) Thoạt tiên là cái nhìn thoáng qua. Rồi cái nhìn này tạo nên sự sống, biến thành một cái gì đó thắp sáng khoảnh khắc ấy (...) Công việc của nhà văn viết truyện ngắn là đưa vào cái nhìn thoáng ấy tất cả sức mạnh mà hắn có. Hắn sẽ đầu tư trí tuệ và kỹ năng văn học của mình để [nói về] (...) cái cách mà mọi vật trong cõi đời kia thật sự đã hiện ra như thế nào và cái cách mà hắn nhìn những sự vật ấy — chẳng giống một người nào khác nhìn thấy chúng. Và điều đó được thực hiện bằng việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng và chính xác, cái ngôn ngữ được dùng để mang lại sự sinh động cho những chi tiết làm bật sáng câu chuyện cho người đọc. Để những chi tiết trở nên cụ thể và chuyển tải được ý nghĩa, cái ngôn ngữ ấy phải chính xác và được sử dụng một cách tinh tế. Từ ngữ có thể rất tinh tế đến nỗi chúng có thể nghe ra tầm thường, nhưng chúng vẫn có thể chuyên chở ý nghĩa; nếu được dùng chính xác, chúng có thể đánh đúng vào tất cả mọi nhịp điệu của cảm xúc.”[4]

Truyện ngắn, như thế, có phải không, là mỹ học của cái vụt qua. Biến cái vụt qua trở thành cái trường tồn, cái vĩnh hằng, cái sống mãi, đó chính là tài năng và nhiệm vụ của một nhà văn viết truyện ngắn.

Của mọi thời và mọi nơi.


Bùi Vĩnh Phúc
Tustin Ranch, Calif.
30. III. 2014



_________________________

Chú thích:

[1]Xin chú ý, về Camus, ở đây, tôi chỉ bàn về cách viết của nhà văn trong L'Étranger (Kẻ Xa Lạ), chứ không gộp Camus vào những nhà văn viết truyện ngắn mà ta đang quan tâm ở đây.


[2]Truyện ngắn trong nước trong thời gian vài chục năm trở lại đây là một hiện tượng nở rộ với nhiều tác giả đáng chú ý. Các tài liệu/tuyển tập truyện ngắn trong giai đọan này có thể được tìm thấy tại Việt Nam một cách khá dễ dàng. Truyện ngắn của thời 1954-1975 tại miền Nam Việt Nam khó tìm hơn nhiều, cho dù cũng có một số tuyển tập về truyện ngắn được ra đời trong thời gian đó. Một tuyển tập dày dặn, giới thiệu được khá nhiều tên tuổi của các nhà văn Việt Nam trong giai đọan này, là cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (1954-1973), nhà xuất bản Sóng in năm 1973, gần 800 trang, với 45 tác giả. Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn, và sự chọn lựa khá đúng đắn. Ở ngoài nước từ 1975 đến nay cũng có mấy tuyển tập truyện ngắn. Có thể lấy Tuyển tập truyện ngắn hai mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995 làm thí dụ. Tuyển tập này quy tụ 49 tác giả, dày gần 900 trang, do Văn bút Việt Nam hải ngoại & Trung tâm Tây Nam Hoa Kỳ thực hiện, xuất bản vào năm 1995.


[3](Yoknapatawpha, tiếng của người Da Đỏ Chickasaw, theo Faulkner, có một nghĩa khá thơ mộng là “nước chầm chậm chảy trôi qua đồng bằng”. Nhưng, thật ra, có thể Faulkner đã có sự hiểu lầm ở đây. Yocona and petopha, có nghĩa là “(vùng) đất xẻ” (“split land”). Arthur F. Kinney đã cho biết thêm một số chi tiết ngôn ngữ cho thấy nguồn gốc và ý nghĩa của cái tên này. Trong cuốn Go Down, Moses: The Miscegenation of Time , ông đưa ra ý kiến là có thể Faulkner đã tra một quyển từ điển ngôn ngữ Choctaw in năm 1915 trong đó “Yoknapatawpha” đã được đập vỡ thành nhiều mảnh như sau:

ik patafo, tính từ: chưa được cầy cấy.
patafa, quá khứ phân từ: xẻ ra, tách ra; cầy cấy, xẻ thành luống; canh tác.
yakni, danh từ: trái đất; đất; mặt đất; quốc gia; quận hạt...
yakni patafa, ngữ kết hợp: đất đai được xẻ thành luống. vùng đất đã cầy qua, nhưng còn để hoang, chưa gieo hạt.

Bởi thế, Kinney đề nghị, ý nghĩa theo mặt chữ của “Yoknapatawpha” trong ngôn ngữ Choctaw có thể là “một vùng đất hay một (vùng) quận hạt đã được cầy cấy, canh tác”

[4]“(...) V.S. Pritchett’s definition of a short story is ‘something glimpsed from the corner of the eye, in passing.’ (...) First the glimpse. Then the glimpse gives life, turned into something that illuminates the moment (...). The short story writer’s task is to invest the glimpse with all that is in his power. He’ll bring his intelligence and literary skill to [talk about] how things out there really are and how he sees those things — like no one else sees them. And this is done through the use of clear and specific language, language used so as to bring to life the details that will light up the story for the reader. For the details to be concrete and convey meaning, the language must be accurate and precisely given. The words can be so precise they may even sound flat, but they can still carry; if used right they can hit all the notes.”

(Trong Raymond Carver, Call If You Need Me: The Uncollected Fiction and Other Prose – Xem https://www.goodreads.com/work/quotes/1038752-call-if-you-need-me-the-uncollected-fiction-and-other-prose)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét