Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Sẽ ra sao nếu một ngày







Nguyễn Vũ Hồng Hà


Tôi đợi anh ở góc phố đầu nhà quen thuộc với sandal, áo thun trắng và váy xoè nhẹ nhàng. Cơn mưa vừa tạnh khiến cho bầu không khí của mùa hè Sài Gòn trở nên dễ chịu dù mùi ẩm mốc vẫn còn lẩn quẩn quanh đây. Bất giác, tôi đưa tay lên, chạm lấy giọt nước đang lưỡng lự nơi mái hiên chưa chịu rớt xuống.

Tùng đến đón tôi với nụ cười rạng ngời thường trực. Anh vuốt tóc, hỏi han, thiếu điều hôn cái "chóc" lên má. Mỉm cười với anh, tôi lại nhớ đến Nguyên.

Nguyên là người yêu cũ mà tôi chưa bao giờ quên. Kể ra được đến đây thì tôi nghĩ độ dày của mặt mình chắc phải đo bằng gang đến nơi rồi. Nhưng quan trọng hơn cả là Tùng biết điều đó, mà vẫn đến với tôi chân thành và dịu dàng như thể anh là mối tình đầu của đời tôi.

***



Ngày đầu chia tay .

- Em định ngồi đây đến bao giờ? Bản thảo anh nhắc em đã chậm mấy ngày rồi.

Tôi nhấp ngụm trà đắng ngắt, không thèm trả lời Tùng mà quay mặt hẳn sang ngoài cửa, nhìn nước chảy thành từng dòng trên cửa kính như một đứa trẻ tò mò. Tùng không bị cái vẻ bướng bỉnh của tôi làm cho bực mình. Anh đưa tay cầm lấy tách trước khi tôi kịp thêm ngụm thứ hai, đặt xuống đĩa nhanh chóng mà nhẹ nhàng. Tôi chưa kịp bày tỏ thái độ nào khác thì anh đã nắm lấy tay, kéo tôi đi một cách quyết liệt.

Và chỉ mấy giây sau, tôi thấy mình đứng ngoài mưa.

Ngẩng mặt nhìn Tùng, tôi ngạc nhiên là mình không hề cảm thấy chút áp lực nào, bởi kì thực đứng dưới mưa dễ chịu lắm. Như thể trái tim nông cạn và rạo rực này của tôi đã đến lúc cần chút giá lạnh.

- Quên cậu ta đi.

- Bằng cách nào chứ? - tôi cười khẩy.

- Anh sẽ giúp em.

***



Là Tùng mở lời trước. Tôi chưa một lần đáp trả, nhưng giữa hai chúng tôi đã trở nên tự nhiên như người yêu trước khi tôi kịp nhận ra điều đó. Đôi khi sự im lặng trong một mối quan hệ còn hèn nhát hơn việc lừa dối, nhưng tôi không đủ can đảm để nói ra. Vì tôi sợ cô đơn khi từ chối Tùng, vì tôi cũng muốn quên người con trai đã bỏ tôi mà đi.

Nhưng quên mối tình đầu là điều khó nhất mà tôi có thể làm, dù có là kẻ bị phản bội đi chăng nữa.

Tôi đang tập yêu Tùng, tập đối diện với lương tâm mình, tập ném tất cả các kí ức về Nguyên vào một góc nào đó. Khó khăn nhưng tôi vẫn cố, chỉ không thể chịu được cảm giác nhớ Nguyên khi đang ở bên Tùng. Cắn rứt đã đành, nó còn khiến tôi cảm thấy mình bế tắc trong tình yêu.

- Anh này - ngồi sau lưng Tùng, tôi nghiêng đầu hỏi anh khi cơn mưa phớt vừa tới.

- Sao em?

- Sẽ thế nào nếu một ngày...

Tùng nắm tay khiến tôi không thể nói hết câu. Cái nắm tay vội rất chặt cho tôi câu trả lời.

Hai tuần sau đó, tôi bắt đầu hoàn tất công việc trong tháng một cách nhanh gọn nhất.

Bần thần ngồi trước màn hình máy tính, tôi không ngờ kẻ làm công việc gõ bàn phím thường ngày cũng có lúc cảm thấy khó khăn khi viết một bản thảo đến thế này. Đơn xin việc được gửi qua Mail ngay sau đó. Tôi thở dài như thể trút được gánh nặng. Dù Tùng có chấp nhận hay không, tôi cũng bỏ đi. Tôi cần phải tránh mặt anh, đến khi nào thực sự quên được Nguyên.

Những ngày tắt điện thoại sau đó, tôi trở về với vùng quê miền núi, nơi bố tôi lấy cảm hứng dòng sông quê hương để đặt tên cho con gái. Cuộc sống cách ly với thế giới hiện đại kia khiến tôi trống trải một thời gian ngắn trước khi chìm vào khung cảnh thanh bình của núi non trập trùng. Công việc của một thực tập sinh trong vườn chè không mấy bận rộn. Buổi đêm, sau khi tạt qua lớp học của mấy em bé người Mèo, tôi vẫn còn thời gian viết mấy dòng lưu lại cảm xúc. Dần dần, tôi đã học được cách nhảy theo điệu khèn, nhớ đường đi vào rừng chặt nứa, ăn được măng vầu đắng đắng giòn giòn,... Những em bé trong làng gọi tôi bằng Pi Lăng bởi cái tên Phương Lan khó đọc và không mấy thân thuộc. Mỗi khi được gọi bằng tên mới, một cảm xúc rất lạ ùa tới. Dần dà, tôi đã quên mất tiếng gọi tên mình đầy thân thiết của Nguyên thuở nào. Đôi khi tôi thấy mình không còn là cô bé nhí nhảnh dễ xúc động của quá khứ mà thay vào đó là Pi Lăng chững chạc, điềm tĩnh, hay cười nhưng không còn dễ khóc.

Tôi đã thay đổi rồi sao? Đó có phải là điều mà tôi mong muốn khi đến đây? Không, tôi của xưa cũ vẫn còn tự tôn cao ngất, đủ để thấy bản thân mình không cần phải làm mới một lần nữa. Tôi chỉ muốn tìm một nơi không gợi lại những kỉ niệm xưa cũ để tâm hồn mệt mỏi khỏi phải gọi tên ai đó trong thầm lặng mỗi đêm.

Hai tuần xa nhà, cảm giác trống vắng bắt đầu trở lại. Trà xanh trở thành thói quen mỗi sáng khiến tôi nhớ quay quắt ly cà phê ấm nồng pha sẵn đặt trên bàn làm việc. Nhìn mưa chảy long tong trên những mái tranh, tôi nhớ những dòng nước nhạt nhoà trên lớp kính ngăn cách không gian ồn ào bên ngoài toà soạn. Nhiều khi cô đơn, tôi thèm lắm một bờ vai xương xương vững chắc, đủ để tựa lên mà chìm vào giấc ngủ trong giây lát.

Cố quên Nguyên nhưng nhiều khi lại bất chợt gọi tên Tùng khiến tôi cảm thấy day dứt ghê gớm. Hạn thực tập sinh sắp kết thúc, tôi cắn răng viết đơn xin ở lại cho đủ hai tháng. Chú quản lý nhìn tôi ngạc nhiên, vừa kí tên vừa mỉm cười ẩn ý.

Gần đến Tết âm, công việc trong làng lại bận rộn hơn bao giờ hết. Tôi vẫn ở ngôi nhà ở trung tâm nuôi trồng chè, nhưng dành hầu hết thời gian ở trong làng. Nếu không giúp các cụ già .. thì tôi cũng giúp chị các em cắt giấy đuôi nheo để dán lên đồ đạc trong gia đình. Nghe đâu có đoàn thực tế đến làm chương trình nên mọi người càng bận rộn. Giữa tiếng chày cối, tiếng cười đùa, tiếng chặt nứa vót tre, đâu đó vẫn văng vẳng tên tôi trong cuộc nói chuyện của mọi người.

Và rồi tôi chợt nhớ ra, Pi Lăng không chỉ na ná cái tên thật của mình, mà nó còn có nghĩa là tương lai.

Đêm ấy ở căn phòng của thực tập sinh, tôi lôi cuốn nhật kí nhét dưới đáy va ly. Chầm chậm lật từng trang, tôi để cho những kí ức xưa cũ của mình và Nguyên cứa vào tim: từng lời yêu chúng tôi trao nhau, những bức hình chụp chung, những buổi đi chơi vui bất tận...

Tôi khóc rất nhiều cho một tình yêu không còn nữa, tự nhủ rằng đây sẽ là lần cuối tôi nhớ về anh. Đốm lửa le lói nơi sân đá chọi hẳn với ánh trăng trước mặt. Những kỉ niệm kia giờ chỉ còn là than bụi...

***



Tôi hoà vào cuộc sống ở miền quê vùng núi nhẹ nhàng và êm lặng như chàng trai lên rừng kiếm lá thuốc bỗng chốc say nắng một giọng hát trong trẻo xa vắng vang lên từ phía sau ngọn đồi. Khoảnh khắc nào đó nhớ nhà, tôi chạy ra mỏm đá chìa ra phía trên làng - nơi duy nhất bắt được sóng - gọi một cú điện thoại ngắn về nhà, đủ để xua đi cảm giác nhớ người thân và không bật khóc yếu đuối. Trước khi đánh liều gọi thêm một cú điện thoại nữa, tôi đã vội chạy xuống đồi, cố xua tan nỗi nhớ da diết người con trai ngồi bên bàn biên tập tôi vẫn lén nhìn mỗi sáng đi làm.

Tối hôm ấy, tôi gửi một câu vẹn sáu chữ bỏ lửng "Sẽ ra sao nếu một ngày..." cho Tùng, tự hỏi Tùng hiểu mình đến mức nào, có nhiều bằng tôi hiểu về bản thân tôi hay không.

Ngày người ở tỉnh đến quay phóng sự, tôi ra sau nhóm bếp nấu bánh mặc sức lôi kéo của lũ trẻ. Đã từng đi thực tế viết bài bao nhiêu lần, tôi hiểu quá rõ công việc của những người đến quay phim, chụp hình, phỏng vấn. Tôi đến đây không phải để xuất hiện trên một bài báo nào đó để chứng tỏ cho người ta thấy mình một mình mà không cô đơn, đã từng tổn thương nhưng vẫn còn mạnh mẽ, mà chỉ muốn chìm vào cuộc sống mới để quên đi mối tình không còn đáng nhớ. Và vì sắp hoàn toàn thoát khỏi hình ảnh của quá khứ, sẽ không đời nào tôi để những con người với máy móc hiện đại kia phá hỏng dự tính của mình.

- Có thể cho tôi nhóm bếp cùng không?

Già làng vốn am hiểu tiếng quốc ngữ dịch sang một bên, vẻ niềm nở mời người mới đến ngồi xuống bên cạnh. Vậy mà tôi dù nói thứ tiếng ấy hằng ngày vẫn trơ khốc ra nhìn người đối diện như thể không hiểu anh nói gì.

Tùng ngồi bên cạnh tôi, nói chuyện với già làng bằng những kiến thức am hiểu của mình về Tết cổ truyền nơi đây. Bàn tay anh nắm lấy tay tôi rất chặt, như sợ một lúc nào đó tôi bất chợt mở lời.

Cuối cùng thì già làng cũng phải ra ngoài cùng với những nhân vật quan trọng khác để khai màn cho lễ hội cuối năm. Không khí lại trở nên yên ắng hơn bao giờ hết. Những tia nắng le lói cuối trời chiếu thẳng vào mắt khi người ngồi đối diện không còn khiến tôi khẽ nghiêng sang bên, vô tình chạm vào bờ vai Tùng. Anh đẩy thanh củi to vào bếp rồi đột ngột đứng dậy, kéo theo tôi đang đỏ bừng mặt lúng túng.

Tôi bước theo Tùng mà không nói một tiếng nào, dù chỉ là thắc mắc. Một phần vì tôi sợ những lời nói không hay mà mình ấp ủ bấy lâu cho lần gặp lại anh sẽ phá hỏng giây phút này, một phần vì bàn tay kia còn siết rất chặt. Tùng dừng lại khi cả hai đã đứng ở mép đá chìa ra trên quả đồi nhỏ cạnh làng. Ở đây có thể nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh nhộn nhịp đầy màu sắc phía dưới. Khẽ khàng, Tùng thả tay ra.

- Anh biết em ở đây từ lâu rồi, nhưng không dám chắc em muốn gặp lại... cho đến khi..

Nhớ lại tin nhắn bữa trước gửi cho anh, tôi cụp mắt xấu hổ, và rồi nhận ra dưới chân tôi bạt ngàn tam giác mạch. Gió lùa đến mát rượi. Những cành tam giác mạch dưới chân rung rinh khiến cho cả cánh đồng hoa trắng hồng khẽ uốn lượn như cánh chim hạc trước khi cất cánh. Cảm xúc của tôi như bị cuốn theo cơn gió kia, trôi đến miền xa vời khuất núi. Bất chợt đưa tay nắm lấy, cảm giác nuối tiếc cũng biến mất theo cái với hụt vội kia.

Tiếng khèn rất khẽ phía dưới vang vảng kéo tôi trở lại với thực tại trước mắt, nơi cái nhìn đau đáu của Tùng vẫn chưa hề dịch chuyển.

- Vòng hoa này hợp với em đấy.

Tôi khẽ chạm vào vòng hoa kết bằng cỏ dại và hoa tam giác mạch trên đầu, bần thần nhìn Tùng trong giây lát rồi mỉm cười.

- Thật sao?

Vẻ rạng rỡ của tôi khi ấy có lẽ rất cuốn hút, đến nỗi Tùng không ngại ngần cúi xuống cho một nụ hôn ấm áp. Thoáng ngỡ ngàng trôi qua, tôi vòng tay ôm trọn lưng anh.

Kì thực có lẽ tôi không thay đổi nhiều mấy, chỉ đủ để khơi lại những bản tính tự nhiên như thời mới ra trường, chuẩn bị đón nhận một tình yêu trọn vẹn đầu đời.

KHÔNG GÌ CẢ





VỠ TOANG ĐIỂM TỰA



Vô tình ăn con chữ
Vai em run lên
toàn thân em run lên
từng cơn lạnh cứa vào lòng rát buốt
giày vò em cho đủ
kết nỗi đau cho dài
"Điểm tựa" của em không là một bờ vai,
chẳng là biển chết,
cũng không là những thứ mấp mô chẳng bao giờ lặng.
mưa không buồn giăng
em không buồn khóc
nước mắt lặng lẽ ăn gò má
rồi rơi tuột, vỡ toang.


Điểm tựa em vỡ toang.
cho gió lùa mưa vào...
mưa mặn chát
mưa cay xè
mưa chi hoài rứa,
mưa ơi?.....







Nhà thơ trẻ Ngô Thuý Nga





KHÔNG GÌ CẢ



Ba bông Hồng nhỏ
Một giỏ hoa Cỏ May
Anh bắt em chọn

Em rút một bông Hồng, anh hờn giận, bẻ gãy hai cành.
Em ôm hoa Cỏ May, anh giằng tay vứt mạnh
“Hoa Hồng có gai sẽ làm em chảy máu
Cỏ May găm đầy áo sao chịu được hỡi em tôi?”

Hoa đồng nội một bông Vàng, bông Tím
Một màu Than và một bông Trắng đầy
Bốn cành bay trước gió
Anh bảo em chọn

Ngắt từ bông Vàng một cánh, anh thổi mạnh để nó bay
Em nắm chặt màu Than, anh lắc đầu chua chát
Thế màu Trắng, em chỉ tay và chờ, anh cười đau khổ
Còn bông Tím em giơ lên cao, anh ảo não thở dài.

“Màu Vàng úa em chọn làm chi cho tình tan vỡ
Bông Than hời em lấy rồi suốt đời lam lũ em ơi
Em trong trắng rồi còn chọn thêm màu Trắng chi cho lở dở
Tím thủy chung buộc em vào cô đơn khi anh từ giã đời, hỡi em tôi?”

Cành Tigôn và chùm Mười Giờ
Anh cười và bước đến bên em
Anh muốn em chọn

Anh chỉ chùm Mười Giờ, em lắc đầu
Anh chìa cành Tigôn, em bật khóc
“Em không chọn Mười Giờ để rồi anh lỡ hẹn
Dáng Tigôn như tim vỡ, em sợ tình chúng mình vỡ tan”.

Anh gật đầu, cười thoáng qua như gió
“Em chọn gì nào hỡi em tôi?”
Em cũng cười, trong thoáng chốc, như mưa
“Em chọn Hư Vô, Mơ Hồ và Ảo Ảnh
Không là gì nhưng lại là tất cả, và… là anh”.



NGÔ THUÝ NGA

KHĂN ÁO KIẾP NGƯỜI



Nguyễn Bích Phụng




Khăn áo kiếp người


Những đau khổ vùi chôn
Từ nghìn tầng sâu
Bỗng thức dậy cựa mình ôm choàng lấy nhau đi
Nhân gian xót xa cho kiếp hồng hoang
Mai tỉnh mai say chếnh choáng cõi trần tục lụy
Áo khăn may vá cho người
Thôi thì ừ, cát gió mây bay
Chăn chiếu cuốn về ngàn
Đánh lừa ảo giác
Khúc du ca, trao vào tay người hành khất
Mù lòa với ngọn đèn lất phất sương giăng
Rồi hay chăng chớ
Chả nhẽ, sao đành…
Thôi thì ừ, nắng đổ mưa tuôn
Vòng luân lạc đất trời vô ngã
Mà áo khăn mỏng dánh đi về.




HOA CÁT



Hoa cát đã bị cuốn đi từ ngàn năm trước
Người đời nhầm tưởng không bao giờ trở về
Một ngày hoa tìm con đường dẫn tới hồ nước
Có ngàn năm hun hút hình thành và sinh ra
Cội nguồn cho hoa hương thơm cho hoa hình hài
Và ước mơ bay đi
Cát không dám tin
Thành trì nó và bông hoa lạ kia xây đã sụp đổ
Những gạch vữa, sắt thép đất đá hoa cương vỡ vụn
Tan chảy dưới trái tim yêu thương
Nóng bỏng đến ngạt thở

Cát muốn giữ cho mình bóng tối
Đêm nhân tạo và những chập choạng nhân tạo
Để vẽ một khu vườn, một ngọn đồi típ tắp, một hồ nước thẳm sâu
Đã nuôi cát lớn, dạy nó biết yêu và sống chân thành
Nó sẽ tạo một tấm thảm bay bằng hơi sương
Khí đẩy bằng gió thu, cánh quạt bằng lá sen, áo khăn bằng lá cỏ
Cát bay về
Thút thít trên ngọn đồi hồ nước ngàn năm

Thờ sự thật





Sự thật là một điều không dễ dàng tìm cho ra, cho nên con người phải phát triển khoa học, phát triển công nghệ trên mọi lĩnh vực.


Thờ sự thật, lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là vấn đề của một nền văn hóa: nền văn hóa ấy có coi việc phải cố gắng đi đến sự thật là mục đích tối thượng của tinh thần? Hay là không?


"Vừa lòng nhau"

“Túi khôn” của văn hóa dân gian Việt hướng dẫn:

"Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."

Túi khôn này bày ra cả một thực tế đời sống ngồn ngộn của mỗi người Việt. Dẫu rằng vẫn có mặt bên kia của túi khôn dân gian, "thuốc đắng dã tật", nhưng túi khôn ấy cũng đã kèm theo ngay lời phân bua"sự thật mất lòng".

Tại sao con người thích thờ "vừa lòng nhau"?

Vì, đó là thờ tình cảm, điều dễ nhất.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải suy nghĩ nhiều.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải khó khăn đi tìm sự thật.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải khó khăn để nghe cho tới lúc hiểu ra được sự thật.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải chịu đựng việc nghe cho thủng ra những sự thật bất lợi cho chính mình.

Thờ tình cảm cho người ta sự thỏa mãn tức thì.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải xây dựng cho được tư duy duy lý.

Thờ tình cảm không buộc người ta phải cố gắng tổng hợp được các sự thật đã tìm được thành ra một bức tranh khả dĩ hợp lý.

Thờ tình cảm dễ dàng tạo hiệu ứng đám đông.

Thờ tình cảm dễ dàng khai thác các tập tục cổ truyền sẵn có rồi.

Thờ tình cảm nhanh chóng chiếm đoạt được quyền lực, quyền lực của tình cảm, rồi của yêu ma, của thần thánh, và rốt cục, quyền lực trần tụccủa cộng đồng.

Cơn xoáy lốc quẩn của "vừa lòng nhau"

Khi các cố gắng của một cộng đồng chỉ xoay quanh việc tranh đoạt sự "vừa lòng nhau", nó tạo lên một vòng xoáy lốc “văn hóa” mà cộng đồng ấy bị chìm vào trong, không làm sao tự thoát ra được: mỗi thành viên đều vừa là nạn nhân, vừa là tác giả. "Vừa lòng nhau" trở thành tâm điểm của cơn xoáy lốc thường hằng của “văn hóa”, cơn xoáy lốc này chứa đựng ít ra những thành tố đặc trưng như sau.

- Thờ quyền lực trực tiếp, quyền lực của người trị người trực tiếp. Tinh thần cộng đồng không đi tìm một điểm tựa nào khác ngoài cái hiện trạng "vừa lòng nhau" kết đọng mong manh ở mỗi thời điểm nhất định.

- Đạo "đối nhân xử thế". Thoạt nghe, đạo này mang vẻ rất hấp dẫn, mang tính “nghệ thuật”, “nhân văn”. Nhưng thực chất nó chỉ là thứ "tương quan lực lượng", “ai thắng ai” giữa các đối tác vào mỗi thời điểm nhất định. Hành xử xã hội trở nên một thứ nguyên tắc của vô nguyên tắc, mở đường cho bạo lực muôn dạng, trải từ dạng "tinh tế" kín đáo, cho tới dạng "thô bạo" thách đố. Dẫu như có luật lệ chăng nữa, luật lệ ấy cũng sẽ chỉ có được tính trang trí, nằm gọn trong tay của kẻ đang mạnh hơn, kẻ đang tạm có được nhiều "vừa lòng nhau" hơn, cái cũng đã từng được gọi là “pháp trị” (trị bằng luật hình) từ thời Trung Hoa cổ đại, cái đã được nhận dạng bằng thuật ngữ “rule by law”. Quyền lực của “pháp trị” là cái roi nằm trong tay của người đang thắng thế, đang thống trị. Điều này khác hoàn toàn với tư tưởng “pháp quyền” nơi mà các quyền lực cá nhân và các quyền lực công cộng được dần dà khách thể hóa ra bên ngoài, được thượng tôn, và mọi người của cộng đồng đều vừa có được các quyền phổ quát được công nhận, vừa phải khép mình bình đẳng bên dưới hệ thống luật pháp đã được đồng thuận ấy (rule of law).

- “Tự do cá nhân” dưới dạng thức tích cực, dạng khẳng định không thể tồn tại được, vì không có điểm tựa. “Tự do cá nhân” chỉ còn là dạng thức tiêu cực, tự phủ định, được vẽ lên như cắt tóc đi tu, trốn vào núirừng ở ẩn, treo ấn từ quan thả thuyền mất tích, được tô lên thành những đạo Lão, đạo Trang.

- “Cộng đồng dân chủ” của các cá nhân tự do vì thế cũng không thể hình thành.

- "Đạo vòng" sẽ trở thành nghệ thuật làm biến dạng vòng vèo mọi quy cách, để rốt cục thực thi sức mạnh của kẻ mạnh hơn.

Nan đề của cơn xoáy lốc quẩn này là không thể có được các tiến hóa căn bản của đời sống, nó là một con rắn cắn đuôi bất chấp thời gian.

Nếu các thành viên của một cộng đồng một hôm quyết định với nhau, rằng "vừa lòng nhau" tuy có những cái hay thật, tình cảm thật, được việc tức thì thật, thỉnh thoảng có lợi thật… nhưng thôi, không thể sống luẩn quẩn mãi trong cơn xoáylốc kéo dài hàng ngàn năm ấy nữa… thì họ phải thảo luận… thật… với nhau. Tôi tin rằng chỉ có một lối ra, dứt khoát, duy nhất, là chuyển sang “đạo thờ sự thật”.

Đường “thờ sự thật"

Sự thật khó khăn, nhưng “thờ sự thật” sẽ cho phép con người ngày càng vứt bỏ đi được những của nả gây nhiễu loạn đời sống, dựng dần lên được những rường cột căn bản, để ngày càng ổn định đời sống, và đi lên vững chãi. Vì vậy công việc đầu tiên của “thờ sự thật” là con người không lao vào môn cố tình bịa đặt, mặc dù biết rằng mình có thể nhầm lẫn trong nhận thức.

Thờ sự thật hướng con người đến sự chân thật. Giải tỏa các tư liệu lịch sử chẳng hạn, phải trở thành công việc tự nhiên, và bức thiết của cộng đồng. Phải dựng đạo luật, sau mỗi khoảng thời gian, ví dụ 40 năm hay 50 năm, tất cả các tư liệu phải được công bố tự do, được nghiên cứu tự do. Lịch sử không thể nửa kín nửa hở nửa thần thoại mãi mãi đối với một cộng đồng thờ sự thật.

Con người phải được giải phóng khỏi sự sợ hãi tập tục, khỏi “đạo vừa lòng nhau”, mà vẫn giữ được sự nhã nhặn. Xã hội đang vận hành như thế nào, phải được tự do nghiên cứu, công bố, thảo luận. Các khảo sát xã hội học tường tận phải được thúc đẩy, được trân trọng. Chỉ từ đó mới dựng lại được bộ mặt ngày càng thật của xã hội. Có sự thật ấy, mới mong đến sự sắp xếp, chỉnh đốn, rồi cải cách.

Con người phải thay đổi được thái độ đối với hiện thực qua tinh thần “thờ sự thật”. Nghĩa là “sự thật” không phải là một thứ vũ khí để tranh nhau thắng thua, để ra đòn trừng phạt nhau. Con người phải học tập để giữ được một thái độ bình thản, từ tốn, có khoảng cách đối với “hiện thực”, với “sự thật” được nhận thấy, để ngày càng tiến đến gần hơn và toàn diện hơn về phía sự thật đang vận động, và từ đó, từ tốn xử lý, cải cách đời sống của mình qua các qui trình trật tự, an nhiên.

Những điều thuộc về văn hóa mà chúng ta nói đến ở đây trước hết phải bắt đầu ngay từ những tế bào đơn giản nhất của xã hội. Từ việc đồng tiền của một gia đình nằm rõ ra từng khoản, khoản để đi chợ, khoản tiền điện nước, khoản để càfé bia bọt, không có nạn “ăn gian” khoản này sang khoản kia ngay từ trong nhà. Từ việc tất cả các bậc cha mẹ có thể và cần phải chống lại nạn học hành thi cử khuất tất đè nén lên trẻ em suốt tuổi thơ từ bao nhiêu năm nay. Từ việc đi ra đường phải chờ đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đường, vi phạm sẽ bị chụp ảnh gửi hóa đơn về nhà,thể theo biển số đăng kí. Từ các đòi hỏi phải tạo áp lực dựng lên một hệ thống y tế dù còn nghèo nhưng sạch sẽ, tử tế, chưa có nhà gạch thì dựng nhà lá lên… Các áp lực ấy chỉ giản đơn từ cái tinh thần “thờ sự thật”, tôi quyết không đi vòng quanh cái cối xay mãi để phí hoại cả cuộc đời mình. Các áp lực ấy sẽ làm xã hội tổng thể phải tìm ra giải pháp.

Còn bao nhiêu điều phải nói, và đáng nói tiếp… Nhưng, chúng ta đã cảm nhận quá rõ điều đau đớn và bất lực vô cùng dài lâu khi mà sự thật chưa phải là cái căn bản được một nền văn hóa của chúng ta hiện nay thờ phượng.

Theo Hoàng Hồng Minh - tiasang

Viết tặng nỗi buồn riêng




LÂM THỊ MỸ DẠ



Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng

Trái tim em còn trẻ dại
Trắng trong
ai cất giùm em
Cái nhìn già nua
Bàn tay cằn cỗi

Trong xứ sở anh
em bị lạc
Xứ sở hiếm hoi niềm vui
Khô khắt đến nao lòng

Ai cất giùm em
nước mắt
Biết giấu nụ cười đi đâu
Khi phải cười

Em không còn là em
Ai đánh mất em?
Hay chính em đánh mất?
Nào phải chi mình xấu xa
Trái tim em trong trắng
Ai nhận ra?

Đến như anh – người bạn cùng đường
Vẫn bước ngoài đời em
Em lạc cả trong anh
Lạc không tìm ra lối

Nhiều khi muốn mình như chiếc bóng
Tan trong màu đêm
Để không ai nhận ra
Mình có mặt trong đời

Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương

Em chết trong nỗi buồn
Chết lặng thầm âm ỉ đớn đau
Trời cho em nụ cười thật tươi
Ai biết sau nụ cười
Giọt nước mắt về đâu?

Cội nguồn vang bóng





TRẦN HẠ THÁP

1.
Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.








Vệt ấy bay ra từ tán cây cổ thụ dưới sườn núi, nơi hai thầy trò sẽ nghỉ lại qua đêm. Tiếng bật dây cung trên tay Nguyên Biệt vang lên, hệt như tiếng dội lên mặt trống căng, ngân mãi... Vệt màu sậm lịm tắt. Một cú rơi xuống mặt đất qua đám cành lá đang gãy răng rắc. Giữa gió chiều lồng lộng, tiếng gào lên the thé rợn người. Thoáng chốc, rừng lại lặng yên. Vẫn bạt ngàn một màu xanh thẫm...

Nguyên Biệt nghe có tiếng thở dài. Gã lẳng lặng nhảy xuống. Mũi Lang - Nha - tiễn bịt đầu nanh chó sói, cắm đúng giữa tam tinh. Con gấu khổng lồ quằn mình giãy chết. Gã cẩn thận rút mũi tên ra, cho lại vào bao. Đã nghĩ tới sự bất lợi khi Thiếu Chủ cho bầy chó tạm dưỡng sức ở nhà, gã phải tăng phần cảnh giác. Nguyên Biệt đã trở về đúng lúc.

Sau lưng gã là bóng người thư sinh đang đứng lặng. Con người ấy xuất thần nhìn mây trắng trôi qua... Con gấu với cú vồ hụt, phủ xuống đầu tưởng như chưa từng xảy ra. Nguyên Biệt không dám kh- inh động. Để mặc nó đấy, gã im lìm đợi chờ trong nghiêm cẩn. Giữa Hồng Lĩnh trập trùng là hai bóng người cô quạnh.

2.

Nguyên Biệt vốn người Tàu. Gã mang họ Chu, dòng dõi tôn thất nhà Minh đã suy tàn. Nội tổ gã là Chu Nguyên Bình bị Thanh triều truy sát, chạy xuống nương thân vùng đất Việt. Chu Nguyên Bình xuất thân đỗ tiến sĩ, văn võ đều thông. Khi đến đất Hồng Lĩnh, ông không còn ý tìm đi nơi nào nữa. Vượng khí miền địa linh nhân kiệt này quả đã chấn động tâm can con người ấy. Nguyên Bình khôn ngoan chọn lấy nghề săn bắn mưu sinh. Mục đích cốt tìm ra “long mạch” trong núi. Từ đó, nối tiếp nhau ba đời nhà họ Chu lang thang nơi thâm sơn cùng cốc, thuật địa lý để “tầm long, điểm huyệt”, với võ nghệ cao cường tự mình nương náu chôn rừng sâu. Cuối cùng, là nghề săn thú. Đó là ba quy luật tối hậu không thể tách rời. Cho đến gã, vẫn chưa hề gián đoạn. Ba quy luật để đi tìm một kiểu “đất đế vương”. Nhưng đất ấy ở nơi nào?

Hai thế hệ đã qua đi trong nghèo hèn và cô quạnh, ở giữa núi rừng Hồng Lĩnh, bây giờ là thế hệ thứ ba: Nguyên Biệt. Gã sống với nỗi dằn vặt của tổ tông. Với biết bao cơ cầu và mòn mỏi. Những bộ da thú hiếm dần đi. Từng đấu gạo được đánh đổi, nhiều khi bằng những vết thương chí mạng.

Ưu tư lớn dần cùng với con trai gã ra đời. Khi thằng bé lớn lên, nó hằn học nhìn cha khi nghe tới chuyện đi rừng. Nguyên Biệt không cầm lòng được nữa. Tai họa cũng từ đó sinh ra.

Gã tìm cách mạo danh một người đã khuất. Người ấy từng đi thi nhưng chưa đỗ. Lấy tên tuổi ấy, Nguyên Biệt tiếp tục nộp quyển vào ứng thí ở trường văn. Có người khai ra ba đời nhà Nguyên Biệt. Chúa Trịnh, lúc bấy giờ rất muốn cầu thân Thanh triều. Lập tức nắm ngay cơ hội tốt. Toàn gia Nguyên Biệt bị nhốt tù xa, đợi ngày chuyển giao qua biên giới. Run rủi đẩy đưa. Toàn gia gã qua một phen chết đi sống lại. Ơn sâu của họ Nguyễn ở Tiên Điền...

3.

Toản Quận công Nguyễn Khản, thời bấy giờ nổi danh uyên bác, tài hoa đệ nhất. Ông được Chúa Trịnh mến tài, cho gần gũi và không ngớt lời khen. Toản Quận công thường hay nhắc tới một danh tài còn trong tuổi thiếu niên. Ông đoan quyết - một mai - con người ấy sẽ lưu danh muôn thuở. Chúa không tin, cho triệu về kinh thử thách.

Hôm ấy, tù xa toàn gia Nguyên Biệt đang đợi lệnh ở cửa thanh, thì có một thiếu niên công tử tình cờ trong lúc nhàn du nhìn thấy cảnh ấy liền động lòng tìm tới bên hỏi chuyện. Lúc rõ ra cơ sự, thiếu niên công tử bùi ngùi nhìn lên trời than trách. Không ai hiểu người ấy tự nói với chính mình? Với phạm nhân? Hay chỉ để gởi vào... mây gió? Lời nói thật cao xa:

- Ôi, nghèo đến thế kia ư? Kẻ muốn khâu nên chiếc mão cánh chuồn bằng sợi chỉ văn chương. Này, ta hỏi. Có ngày nào không ăn thóc dân gian? Ruộng đồng bát ngát kia được ích lợi gì với sợi chỉ nhỏ nhen kia. Ngày nào cũng ăn thóc đấy ư? Sao lại tưởng văn chương đã xa khỏi bờ ruộng lúa... Văn chương nào đi xa nhất ư? Văn chương ấy sẽ trở về. Văn chương nào đích thực ư? Ắt văn chương ấy không bao giờ thôi đồng vọng tiếng nhân tâm. Có biết nơi “xuất khẩu thành thơ” kia - cửa miệng - cũng là nơi hạt thóc đi vào, để “nhập khẩu thành nhân”? Ôi thân và danh vị kỷ. Chúng có nghĩa lý gì trước mệnh vận của sinh linh?

Trong khi Nguyên Biệt cúi đầu trong cỗ tù xa, người kỳ lạ ấy đã bỏ đi vào lối cổng thành. Đây cũng là ngày Chúa Trịnh vui, quên cả việc thiết triều. Người mà Chúa cho đòi đã đến. Suốt ngày bàn hỏi chuyện cổ kim, Chúa càng kinh dị trước tài trí của thiếu niên mới lớn. Ngỡ ngàng hơn, khi nhà Chúa hỏi thân danh và nguyên quán, Toản Quận công mới thú thực:

- Khải bẩm Chúa công. Đây chính là gia đệ của thần. Nói trước, thì e là vị chỗ tư riêng chăng? Nay đã tường, xin Chúa công tha tội. Gia đệ đang là kẻ đọc sách ở Tiên Điền, húy Nguyễn Du, còn Tố Như là tên tự.

- Giỏi lắm. Quả là trang anh kiệt dưới trời Nam. Cần tưởng thưởng để làm gương ngoài thiên hạ. Ta vốn chuộng văn chương nên đặc ân, ban cho ngươi được một điều nguyện vọng. Nào, nói đi...

Thật bất ngờ. Cậu thiếu niên công tử ấy không nghĩ gì tới phúc lộc riêng mình. Rất thành khẩn, cậu chỉ cúi xin nhà Chúa tha mạng cho toàn gia Nguyên Biệt. Sửng sốt, Chúa cau mày hỏi gắt:

- Không biết là quốc gia đại sự ư? Tại sao ngươi làm thế?

- Khải bẩm Chúa công. Nguyên Biệt những tưởng lấy văn chương mưu việc tiến thân làm lẽ sống. Nhưng lỗi ấy, nào chỉ riêng ở một con người? Xưa nay tài thực học để tế thế an bang, phụng sự sơn hà... ắt khác xa tài chuyên thuộc lòng kinh điển. Lệ học ấy đã thành nếp sâu dày nên lẫn lộn người hiền, kẻ nịnh... Cho đến khi hữu sự, mới hay có người chỉ giỏi tung hô bằng cửa miệng. Với hạng ấy, quan trường nào khác gì chỗ ẩn thân để mưu lợi, tư tình. Khó trách Nguyên Biệt, vì Thi Thư, Phú Lục... gã cũng luyện qua... vẫn có thể phóng bút những câu đạo nghĩa sơn hà, mến dân trọng Chúa. Với văn chương nền nếp ấy, Nguyên Biệt chưa hề nên tội. Tội của gã ư? Là man khai danh phận mà nên.

Trộm nghĩ... liều chết xin tha cho Nguyên Biệt, thảo dân chẳng dám coi thường ân sủng của Chúa công. Vâng cũng là lẽ vì quốc gia đại sự mà ra. Vì sự nghiệp chân chính của văn chương nước nhà. Vì danh tiếng của Chúa công và quốc thể... Phạm nhân nước ta, xin để quốc pháp nước ta xét xử. Gã đã qua ba đời liên tục ngụ cư lập nghiệp, lại chưa từng trộm chó cắp mèo... tại sao gã không được những quyền như mọi kẻ dân đen? Kẻ thảo dân tuy bất tài, nhưng muốn dâng lên lời nói phải. Dẫu biết câu: “Khóa khẩu an thân”, cũng không muốn học theo quy tắc ấy của hạng nịnh thần. Xin... chiếu quốc pháp, hình phạt ta, để trị tội man khai kia. Còn... ngoại ra, chỗ vô tội của gã là mơ ước sự đổi đời bằng nghề nghiệp làm quan thì đội ơn trên... soi xét. Thử hỏi mấy ai trên đời được như Chu Văn An tiên sinh, như Nguyễn Trãi tiên sinh...? Đó là những bậc nhân sĩ “thoái quan” chứ không muốn “tấn quan”. Những kẻ “lợi dân” chứ không một chút “lợi quyền”. Kẻ thảo dân cạn lời. Kẻ thảo dân đáng chết...

Toản Quận công lạnh sống lưng. Chúa Trịnh xạm xanh nét mặt. Bàn tay Chúa giận run. Bỗng nhà Chúa... cười lớn. Bậc quyền uy ấy đổi giận làm vui thật bất ngờ:

- Ngươi to gan không ai bằng. Nhưng... có lý, có tình. Ta chấp nhận. Phàm minh chúa, ắt có tôi hiền. Phi tôi hiền không tìm đâu ra lời nói thẳng. Nói thẳng mà nâng cao quốc thể, chấn chỉnh giềng mối, ích nước lợi dân... Không nghe, không phải là minh chúa. Cái dũng của tướng tài ngoài chiến địa, thực ra xưa nay không thiếu. Cái dũng của học sĩ cầm bút ư? Ha... ha... Ngươi kh- iến ta bất bình, là chuyện nhỏ. Nhưng đổi lại, việc lớn được quang minh. Tôi hiền có cái dũng tâu bày. Lẽ nào bề trên không có cái dũng sửa sai sao?
Vì thế, Nguyên Biệt thoát chết toàn gia. Chỉ chiếu theo tội man khai danh phận, gã phải lưu đày biệt xứ năm năm... Hết hạn, quay về để có thể đường hoàng đi thi nhưng Nguyên Biệt không màng chuyện ấy nữa.

Tìm tới Tiên Điền, toàn gia gã quỳ lạy ơn cứu tử và nguyện suốt đời làm môn hạ ở nơi đây. Bị từ chối tất cả vẫn quỳ gối suốt đêm ngày trước cổng gia trang. Vợ con gã ôm lấy chân vị đại nhân đại đức năm xưa, khóc xin lần tái tạo... Thoát chết, nhưng có hơn gì những kẻ vô phương? Động lòng, người ấy thu nhận, nhưng răn đe: “Ta đã không mộng quan gia, sao các ngươi lại thiết tha đòi làm môn hạ? Đã môn hạ của ta tất có thưởng phạt rất nghiêm. Nếu phạm vào quốc pháp chính ta sẽ là người trừng trị không tha. Các ngươi chớ coi thường”.

Từ đó, sự song toàn gia Nguyên Biệt gắn liền với người cứu mạng năm xưa. Nay gã tự mình tôn người ấy lên hàng Thiếu Chủ - một cách gọi - để phân biệt với các trưởng huynh của người ấy trong nhà... Mấy năm sau sơn hà dần chuyển biến. Họ Nguyễn ở Tiên Điền, vốn trâm anh thế phiệt đã bao đời, cũng lâm cảnh điêu linh thất bát. Vị Thiếu Chủ bùi ngùi trước lẽ bể dâu dồn dập... Người thường tìm cách ngao du giữa núi đồi hoang dã. Nguyên Biệt hộ vệ bên mình, gã chưa từng sơ suất. Để tránh những thế lực nhòm ngó trong buổi loạn ly, Thiếu Chủ lấy cớ săn bắn. Người vẫn tự gọi mình là Hồng Sơn Liệp hộ. Cho đến chiều qua, một buổi chiều đầy sự cố khi Nguyên Biệt đi lấy nước trở về.

4.

Đêm mịt mù hơi núi. Ngọn lửa bốc cao, ấm áp. Người Thiếu Chủ dường như đang thả hồn theo tiếng rì rầm bất tận của núi rừng Hồng Lĩnh. Phía sau lưng là cái bóng của Nguyên Biệt. Đã độ tuổi trung niên, sức vóc gã như một tượng thần hộ pháp. Nguyên Biệt luôn lắng nghe động tĩnh chung quanh. Đêm nay, gã không cảm thấy yên lòng. Vì sự cố buổi chiều? Tất nhiên. Nhưng mặt khác, là câu hỏi đột ngột hiện về trong trí gã: “Dừng lại qua đêm ở đây ư? Lẽ nào... phải chăng? Thiếu Chủ đã bắt đầu lưu ý việc hệ trọng của ba đời nhà họ Chu”.

Đã khá lâu, Nguyên Biệt không còn săn bắn để mưu sinh. Niềm thống khoái nhìn xác thú quằn quại hầu như dần quên lãng. Có ai biết sự thực ngoài gã đâu? Người tự nhận là Hồng Sơn Liệp hộ kia chưa bắn giết bao giờ. Bên con người trẻ tuổi, ít nói ấy, Nguyên Biệt đã sớm chứng thực một quả tim đầy nhân hậu. Gã tự biết, nghiệp sát sinh ắt có cơ dừng lại. Thế mà chiều hôm qua... Tài thần xạ của gã vẫn còn nguyên chưa suy sức. Mơ hồ một niềm vui nhợt nhạt trong người. Bất giác, Nguyên Biệt rút một mũi Lang Nha tiễn ra nhìn ngắm. Vật bất ly thân mà gã ngỡ mới gặp lại, lâu ngày...!

- Hãy cố quên đi nghiệp sát nặng nề kia, Nguyên Biệt. Ta biết ngươi đang hài lòng về mũi Lang Nha tiễn ấy! Vì sao ngươi luôn luôn đầy sát khí trong lòng. Ngươi không cách gì buông bỏ nó?

Giật mình, Nguyên Biệt rõ đó là sự phiền lòng hơn là lời khen ngợi. Gã không chạnh lòng. Gã chỉ ngỡ ngàng vì có gì lạ lùng trong lời ấy?

Thực ra... Thực ra, chỉ là điều bó buộc lúc nguy nan. Thuộc hạ lẽ nào chưa nằm lòng lời bảo ban của Thiếu Chủ. Người đã từng dạy: “Nặng nề nhất là sát khí. Tánh linh dần mất đi để thay vào bằng thú tánh. Trí tuệ lu mờ dần và nghiệp chướng ở đời sau”. Nhưng con gấu khổng lồ kia... Nếu không...?

- Sát khí. Chính tánh linh ngươi lu mờ dần như một tấm gương luôn đặt ở nơi ngùn ngụt ấy. Trí tuệ ngươi là thứ trí tuệ bốc hơi... Ta làm sao nói cho ngươi hay rằng còn một thứ trí tuệ khác. Thứ trí tuệ của tấm gương trong sáng. Tấm gương ấy sẽ phản chiếu sự vật phong phú, chân thực hơn những gì mà loại trí tuệ bốc hơi chỉ lờ mờ, hư ảo... Ta gọi đó là trí tuệ của Chân Tâm.

- Vâng, thuộc hạ u mê chưa từng nghe gì về lẽ ấy. Thiếu Chủ, xin người chỉ giáo cho chỗ tai hại của mũi tên này...

- Thật oan uổng... Nghe ta nói đây. Còn hiểu hay không, đó là duyên và nghiệp của đời người. Vì sao ta dừng lại qua đêm ở đây ư? Đó là sự tự nhiên mà chân tâm phản chiếu. Khí lành đang tiềm ẩn ở nơi đây. Ta đã không lầm, khi thử dừng lại, lắng tai nghe tiếng vang vọng của đất trời. Cho đến khi ngươi bắt đầu rời xa ta, đi lấy nước... Rõ ràng có một thứ âm ba làm ngơ ngẩn cõi lòng. Kỳ lạ thật. Mỗi lần thế... Ta khắc hiểu, mình đang được đứng trên một vùng đầy linh khí của giang sơn. Con gấu khổng lồ ư? Ngươi lầm lẫn lớn vô cùng. Loài thú nào đã quen sống nơi đây, ấy là sản vật riêng của địa linh. Đã sản vật địa linh ắt chẳng phải tầm thường như những đồng loại khác... Vâng, khi thứ âm ba ấy vừa trỗi lên, cũng là lúc ta nhìn thấy con gấu từ trong bọng cây vươn mình ra nắng buổi chiều. “Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu”, nó lim dim mắt nhìn ta, hiền lành như đang được vuốt ve. Thì ra, không chỉ mình ta, mà con vật sống quen miền địa linh cũng có thể lắng nghe âm ba hiền dịu ấy. Thế nào ư?

Làm sao để những người quen thấy máu như ngươi hiểu được thứ âm ba vang vọng giữa đất trời? Nó khiến mọi vọng niệm ô trọc, mọi tham tàn của sinh linh tan đi theo mây khói. Âm ba làm hận thù vắng bóng, đưa con người về yêu thương và lẽ thiện. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Vâng, đó là âm ba gợi cảm đầu đời. Là vang vọng man mác, tuyệt đối êm đềm từ một thuở nằm nôi. Còn đối với dã thú, sinh linh ư? Là cảm giác nguyên thủy khi đang còn ngậm hờ vú mẹ. Trong không gian tuyệt vời, đồng cảm ấy, ta hỏi ngươi làm gì có máu xương và móng vuốt? Tất cả đã đổi khác đi - thật không ngờ, thật oan uổng - khi những bước chân mang sát khí của ngươi... hối hả trở về. Sự thấy biết của ngươi không sai, nhưng đó chỉ là thấy biết hao hụt - thậm chí trái ngược - với sự thấy biết một nửa đầu câu chuyện... Thấy biết qua giao cảm của lòng ta.

“Địa linh”. Nguyên Biệt giật thót người. Gã thật sự kinh hãi. Có loại âm ba ấy ư? Có phải Thiếu Chủ muốn nói tới một thứ âm ba gần giống âm ba từ lời ru của mẹ? Mẹ gã không phải người Tàu, mà là người Việt. Nhưng rồi Nguyên Biệt phân vân... “Địa linh sinh nhân kiệt”? Nhân kiệt ra đời để mưu bá đồ vương, lẽ nào... lẽ nào lại canh cánh bên lòng tiếng hát thuở nằm nôi?

-... Trong lúc ngươi vắng bóng, chỉ còn hai tánh linh đồng cảm tại nơi này. Tuyệt nhiên không một con thú nào. Kể cả con gấu lẩn khuất trên ngọn cây kia. Hoặc giả - ngay trong bản thân ta - kể cả phần “thú tính” đang lấp ló sau những tham vọng hạn hẹp một con người... Tất cả chỉ còn lại chân tâm.

- Đã đi rừng - thưa Thiếu Chủ - sát khí nào ắt cũng để phòng thân.

- Nguyên Biệt. Vì thế ám ảnh hiểm nguy, tâm lý đối phó đã trở nên cố hữu như vật bất ly thân. Nó là lý do tồn tại của kẻ chuyên sống giữa rú rừng... Sát khí của ngươi còn là sự tích lũy suốt ba đời hạ thủ sinh linh. Khi ngươi vội vã trở về, sát khí từ lâu bị kiềm chế, nay có cơ phát tán khắp không gian. Âm ba vang vọng giữa đất trời... im bặt! Như đứa bé đột ngột xa lìa bầu sữa mẹ. Khi ta chưa kịp hết sững sờ, thì ánh mắt gấu đã rực lên màu chết chóc. Không còn gì níu giữ nữa! Nó đã bị kéo về trong thế giới bản năng. Vệt màu sậm phủ xuống đầu ta... Sát khí đã khiến vùng địa linh ô nhiễm.

- Vâng, gió đã đổi chiều... Khi thuộc hạ trở về, thuộc hạ ở đầu gió. Con vật đã bắt hơi nhanh hơn hẳn.

- Thế đó. Mũi tên còn lại trong tay ngươi. Vĩnh viễn, ngươi sẽ không còn gì ngoài sát khí bản thân. Ngươi chẳng khi nào yên tĩnh. Vì, ngươi vốn đánh mất từ lâu những âm ba nguyên thủy đầu đời. Âm ba sớm nhất từ thuở mới lọt lòng, khi cõi người chưa biết gì tới thân - danh và mệnh - vận. Rồi phải lớn lên, xa lìa dần... không bất hạnh nào lớn hơn nữa. Tấn thảm kịch bất tận của sinh linh cũng bắt đầu từ những giờ phút xa lìa âm ba ấy. Vì thế, trước mắt ngươi chỉ là hai dòng khô cạn. Còn riêng ta, âm ba kia vẫn âm thầm vang vọng giữa chân tâm. Nó không cạn bao giờ! Chỉ thấy bằng mắt, ngươi không biết thấy trong lòng... Nguyên Biệt, sát khí chỉ cho ngươi toàn sỏi đá!

- Không khô ư? Nơi cái gò này đâu có nước bao quanh? Hai dòng suối... chết từ lâu. Thiếu Chủ cũng đã từng giẫm chân lên sỏi đá. Tại sao người...?

Nguyên Biệt ngừng nói. Gã không dám khinh động. Bây giờ là lúc Thiếu Chủ đang vô cùng hứng cảm. Người nhắm mắt ngưng thần, hai tay kính cẩn nâng lên một cổ vật. Cây Nguyệt cầm vừa được lấy ra từ túi gấm. Buông theo gió rừng đêm, bay bay chiếc tua ngù màu bạch tố. Người bạn lòng riêng ôm ấp lấy tri âm!

Nguyên Biệt nhẹ nhàng lui ra xa.

Vừa đủ gần ánh lửa để không làm mất nhã hứng chủ nhân, gã chỉ lan man về phần hệ trọng nhất trong khẩu truyền từ thân phụ. Khẩu truyền về một kiểu “đất đế vương”. Riêng với họ Chu nhà gã, thì đây không phải là chuyện hoang đường. Nó là học thuật chi li, là gian khổ và kiên trì của ba đời lưu lạc. Khẩu truyền gì?

5.

Phụ thân gã từng dạy rằng:

Đất Việt là chốn địa linh. Nơi ắt phải sinh nhiều nhân kiệt. Nội tổ con vì hai lẽ, phải chạy tìm đất ấy nương thân. Một, là nơi hiểm trở xa xôi. Hai, là biết đất ấy giàu có địa linh. Sự giàu có trên ngàn lần giàu có thông thường. Biết thế, vẫn không đủ sức đi khắp nơi nơi... Tình cờ đẩy đưa, nội tổ con dừng ở đất Hồng Lĩnh. Nhìn thấy vượng khí ngút trời, người khắc biết khí lành nơi đây đang bắt đầu phát tiết. Vốn khổ công để trùng hưng nhà Đại Minh của ta, nội tổ con muốn tìm ra một “kiểu đất đế vương”. Quả thật không lầm, người đã tìm ra đất quý. Đây là vùng “Bụng rồng” con đã biết, theo cách gọi riêng của nhà phong thủy. Thật kiểu đất lạ lùng cứ tưởng phần nào giống kiểu đất thời Gia Tĩnh, triều Đại Minh nhà ta từng phát tiết... Nhưng không, đi sâu vào núi sông của xứ Việt, mới hay thật như gấm thêu hoa, như rồng bay phụng múa. Kiểu đất Gia Tĩnh làm gì có đến chín mươi chín ngọn Hồng Sơn quần tụ? Làm gì có trăm, ngàn nước trời đến treo lên như dát bạc, trắng cả một góc trời riêng? Hy hữu thế gian. Giật mình, nội tổ con vui mừng khôn tả!

Nhưng cơ trời còn thử thách họ Chu ta. Ngặt nỗi, hai dòng suối vốn xưa nay bao bọc quanh chỗ “Bụng rồng”, không rõ vì sao chưa đủ nước. Hai dòng suối, sách ta gọi là hai dòng “Càn-Khôn-thủy”, nước linh làm “nguyên- khí-nuôi-rồng”. Nước ấy không còn! Trớ trêu thay, thế là hài cốt tiền nhân nhà họ Chu - phải chờ đợi - chưa thể an táng vào ngay được! Nếu cưỡng cầu, vội vã thì họa sát thân ắt tới cảnh Nguyên Biệt, hai đời họ Chu ta đã lần lữa nơi đây. Nay, ta sắp phải ra đi... Việc lớn, con khá ghi lòng. Một, không được rời xa đất Hồng Lĩnh. Hai, đợi đến khi hai dòng “Càn-Khôn-thủy” ấy chảy lại như xưa, lập tức an táng hài cốt tiền nhân ngay chỗ “Bụng rồng”. Chớ để quá trăm ngày. Ba, tìm đường về cố hương chờ vận lành, mệnh lớn...”.

6.

Kể từ khi người Thiếu Chủ năm xưa rời khỏi đất Tiên Điền, người buộc phải vâng theo chiếu mệnh Nguyễn triều vừa an định giang sơn, để cho viên thuộc hạ ấy, nay đã già, ở lại gia trang. Một chú tiểu đồng lếch thếch ôm theo cây Nguyệt Cầm cũ kỹ. Một chiếc song mã chở toàn thư bút. Một tên mã phu ra roi cho tới khi... kẻ nhìn lui không thấy bóng cố hương. Chú tiểu đồng mở to mắt cố nhìn chút khói lam chiều vướng vất...

Lão già chậm chạp quay về. Từ nay, lão biết một người sẽ phải lầm lũi chốn quan trường... Chân tuy bước, lòng không nguôi canh cánh nẻo về. Nước mắt lại ứa ra. Nguyên Biệt chạnh lòng vì ai, hay cho chính lão? Cũng từ đó núi rừng Hồng Lĩnh hoang vắng, mênh mông hơn bao giờ.

Nguyên Biệt thẫn thờ, trống rỗng. Sức lực mòn dần, lão vẫn có mặt ở “Bụng rồng” vào ngày rằm mỗi tháng. Mọi lần đi, lão lặng lẽ quay về. Lão đâm thù oán bất kỳ sỏi đá nào lăn lóc dưới chân. Nguyên Biệt thèm nghe... nước chảy! Lão hay tắm, cứ vọc nước hệt như đứa bé vui đùa. Mồm lão lải nhải: “Càn-Khôn-thủy... chảy đi... Càn- Khôn-thủy... Vận Tiềm-long đã dứt. Vận Phi-long ra đời”.

Cô đơn ngay trong mái ấm gia đình, Nguyên Biệt mang ấn tượng một người chồng hoang tưởng, một người cha khắc nghiệt dữ dằn. Lão bỏ mặc vợ con một mình lên ở “Bụng rồng”. Đây là nơi, năm nào hai thầy trò từng ở lại qua đêm, vẫn với hai dòng khô toàn sỏi đá. Có hay không thứ âm ba kỳ dị mà người Thiếu Chủ đoan quyết... Biết đâu? Nguyền rủa chán, lão quỳ lên sỏi đá... van nài!

Căn lều và gió núi. Ánh lửa qua đêm. Nhiều lần, lão thức giấc giữa khuya. Tuyệt nhiên không! Sao gọi là âm ba vang vọng giữa đất trời ấy... nhỉ? Thực ra, đây chỉ có tiếng tru rít hậm hực của bầy sói luôn lảng vảng quanh lều. Ở “Bụng rồng” chẳng biết đã bao lâu, ấn tượng tháng năm chẳng còn trong trí lão. Lắm lúc để giải khuây, lão nằm lăn ra đất tưởng tượng như... được nằm trong nấm mộ.

Vào một ngày mùa hạ oi nồng. Nắng rực rỡ trên núi rừng Hồng Lĩnh. Cho tới khi hoàng hôn buông xuống. Căn lều không có lấy ánh lửa lập lòe. Dễ chừng đã mấy hôm rồi... Đêm khuya, tiếng tru rít hậm hực của bầy sói mỗi lúc một gần hơn. Gần sáng, cuộc xâu xé của chúng mới chấm dứt trong lều. Kiệt sức vì sốt rừng, lão già nằm thoi thóp đã nhiều hôm. Bếp lửa tro tàn nguội lạnh. Bất lực, không lê nổi cánh tay, lão vẫn còn thấy chăm chăm từng cặp mắt hoang dã... Khi đã no mồi, bầy thú đã biến mất tăm hơi. Trời vừa hừng sáng đầu non.

Ngay gần trưa hôm đó, một cơn giông khủng khiếp chưa từng có, trời trút nước xuống núi rừng Hồng Lĩnh. Sấm chớp. Mưa phủ đại ngàn... Lũ đầu nguồn tích tụ, cuồn cuộn dâng trào. Nước phủ kín “Bụng rồng”. Gốc cổ thụ ấy chìm nửa thân trong dòng nước băng băng, cổ thụ vẫn vững vàng không đổ!

Mưa gió ngừng. Trời quang đãng trong veo. Mặt trời rực rỡ. Cảnh vật như vừa qua phép lạ... Nước đã được thiên nhiên chuyển dòng, khai thông. Bây giờ chảy thanh thản, ôm quanh “Bụng rồng” là hai nguồn suối lớn, trong veo. Sỏi đá ngày nào, chỉ còn lờ mờ qua đáy nước. Người đi rừng xa nhất, lên Trường Sơn bảo lại rằng, đếm được sáu dòng suối chính hợp nên. Chúng gom nước về cho dòng chảy trước cái gò có cây cổ thụ kia. Dòng chảy sau cái gò - có nhiều hơn - đếm được đến tám dòng suối chính, lần lượt hợp thành. Họ làm gì biết, đấy chính là hai dòng “Càn-Khôn-thủy” mà ba đời nhà họ Chu chờ đợi... Chỉ có điều kỳ diệu, là lúc vào sâu, ắt có kẻ lạc đường. Những người đi rừng khi ấy, cần căn cứ hai nguồn này, chưa bao giờ lầm lộn lối về. Họ có cách gọi riêng, bảo nhau là “nguồn Lục”, “nguồn Bát”.

Biến động “Bụng rồng” đã xóa sạch căn lều và mọi vết tích tang thương. Chỉ có gốc cổ thụ vẫn xòe tán khổng lồ. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nước suối chảy dào dạt quanh gò. Mơ hồ tiếng sỏi chạm vào nhau lạ lùng như tiếng ngọc. Thứ âm ba của cội nguồn vang vọng...

7.

Đúng vào đêm đầy biến chuyển ở “Bụng rồng”... Cách xa Hồng Lĩnh đến mấy phương trời, có một người trung niên thức giấc giữa canh khuya. Vị Thiếu Chủ năm xưa, tóc giờ đây ngả màu. Con người ấy đang bắt gặp lại một mạch nguồn, từ lâu xa vắng. Đốt lên ngọn bạch lạp người ngồi trước án thư lặng lẽ.

Tới sáng, một nho sinh tuấn mạo - hao hao nét tiểu đồng ngày trước - rón rén bước vào với một đỉnh trầm hương nhỏ. Chủ nhân đang so lại dây đàn, cây Nguyệt Cầm vốn từ lâu phủ bụi góc thư phòng. Lui nhanh ra, nho sinh hiểu phải làm gì lúc ấy... Bên ngoài, tiếng ngựa xe dồn dập nẻo Kinh thành. Thật nhẹ nhàng, hai cánh cổng vừa chỉ mới mở ra lúc nãy, bây giờ đã từ từ khép lại. Bước vào qua sân, bỗng nho sinh sững sờ dừng lại lắng nghe... Một khúc Nguyệt Cầm vừa réo rắt bên hiên. Mắt nho sinh nhòe dần đi, hiện ra... bao nhiêu khói lam chiều và một nẻo làng quê...

Đến xế trưa hôm đó, trên án thư là tờ hoa tiên trải rộng. Người chủ nhân đang thả hồn theo những dòng thảo nôm tuôn chảy... Là một trường thiên lục bát. Trường thiên chỉ mới khởi đầu, người đã viết “Trăm năm...”.

T.H.T

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Nhà ở tầng cao


Tôi ở trên tầng ngọn
Ngôi nhà những người không nhà
Tôi đứng trên đỉnh cao không có thật của mình
Cửa sổ phòng tôi ngang tầm mặt trời mọc

Ánh ngày đầu nguồn thay ca đêm
Vào phố tôi đi làm
Ngày ngày
lên cao
xuống thấp

Nơi tôi ở hướng nhìn lên
Ở giữa lưng chừng ngọn gió
Trên đầu mây trắng bay
Dưới đất cây xanh lay
Chỉ có căn phòng là đứng nguyên
khoảng trống

Và tôi đã sống như người mơ mộng
Treo cả cuộc đời lên đỉnh cao
Cái đỉnh cao mà tôi có thật
Là không có ai
ngồi đứng
trên đầu

Nguyễn Khắc Thạch

TRÒ CHUYỆN VỚI CÁI GHẾ





Fa - Xu - Ca



- Ghế này, có khỏe không?
- Anh là ai mà hỏi như là ngang hàng với tôi không bằng?
- Ơ hay, anh chỉ là cái ghế thôi chứ có gì mà cao ngạo thế?
- Thế anh không biết người ta chạy chọt, luồn cúi, hối lộ, tranh giành, cắn xé nhau, thậm chí đảo chính, lật đổ, nội chiến cũng chỉ vì tôi à?
- Nói thật nhé, anh cũng chỉ là thứ mà người ta gửi tạm cái bàn tọa thôi, chứ cao sang gì! Bức tranh làm nên giá trị cho cái khung. Nhân cách người ngồi trên ghế mới mang lại danh giá cho cái ghế, nghe chưa!
- Chú em đúng là đồ...lý thuyết suông! Chính anh mày đây mới là người mang lại danh giá cho kẻ ngồi!
- Làm gì có chuyện ngược đời thế?
- Anh hỏi chú mày nhé? Chú mày học hành tử tế, bằng cấp đàng hoàng, thông thạo ngoại ngữ, đạo đức sáng ngời, nói năng lưu loát, viết lách giỏi, tổ chức quản lý cừ...Túm lại là rất ổn. Đúng không?
- Ờ...thì đại loại là như thế. Thì sao?
- Nhưng anh hỏi chú mày, chú mày nói có ai nghe không?
- Ờ...thì...là...mà...
- Đấy. Chú mày thấy chưa? Nhưng nếu chú mày ngồi lên chỗ anh đây, tất nói sẽ có người nghe, đe sẽ ối kẻ sợ. Vậy thì cái gì làm nên giá trị, chú mày hay anh? Con người hay cái ghế?
- Anh nói thế nghĩa là kể cả dốt nát, tham lam, dối trá, nịnh bợ...hễ cứ ngồi được lên ghế là danh giá?
- Chứ sao! Cũng con người ấy nhưng hễ cứ tót lên ghế cao là bỗng nhiên “nghe anh nói bọn em sáng ra” ngay. Không danh giá thì là gì?
- Nhưng đó là cái danh hão, báu gì!
- Đúng, danh thì hão, nhưng quyền lực thì thật. Mà, có quyền thì làm được nhiều việc lắm.
- Đương nhiên rồi, thời nào thì cũng phải có quyền mới thực thi được chuyện này chuyện nọ. Nhưng tôi hỏi anh Ghế, các ông chủ của anh, những người đã phải chi phí rất nhiều để có anh, họ thường quay lại dùng anh vào việc gì là chủ yếu?
- Làm tiền. “Măn ny” ấy mà, để trước mắt là bù đắp chi phí, gọi là “thu hồi vốn”.
- Đồng ý với anh “trước mắt” là “thu hồi vốn”. Thế còn “sau mắt” là gi?
- Là tiền!
- Để làm gì nữa?
- Có thế mà cũng hỏi. Để “đóng” một cái ghế cao hơn!
- Tôi kinh sợ anh rồi đấy. Đúng là chỉ vì anh, mà người ta sẵn sàng chạy chọt, nịnh bợ, hối lộ, dối trá, tranh giành, cắn xé nhau...
- Chú mày nói đúng thực trạng của một “bộ phận không nhỏ” rồi đấy. Nhưng nếu không thế, theo chú mày thì sao?
- Còn sao nữa. Phải công khai minh bạch, thi thố khách quan, bầu cử đàng hoàng, ai có thực tâm, thực tài thì phải được trọng dụng.
- Có nghĩa là ghế phải đi tìm người, chứ người tài không đi tìm ghế?
- Đúng như thế! Người tài ai người ta quỵ lụy cái... vật bốn chân!
- Chú mày nói rất đúng, quá đúng, cha của đúng!
- Chứ sao!
- Chỉ có một điều nho nhỏ thôi, nói một câu cho vuông để chú mày buồn dần đi là vừa...
- Là điều gì vậy?
- Đó là cái đúng của những kẻ...không có ghế!

con sông không chảy


con sông trơ vơ nhiều bờ
hàn huyên kể lể
nói về tình yêu cô đơn
neo gãy, dựng buồm đi!

nói với triết học ngàn năm
chẳng hiểu nghĩa trí tri
cùng cách vật
cách súc sanh
cách người-ta-địa-ngục!

một nhát cắt
nghe trần gian đau nhức
sự thật hai bên
con mắt mở trừng
ngồi thở với đêm dài
vết độc ăn loang
đông lạnh giá
mùa xuân đâu
mùa xuân ở đâu
mà nghe bọ trùng ăn rỗi!

chẳng chờ đợi
chẳng mong cầu
mà vẫn nghe bơ ngơ bối rối
thịt da này
và cây lá cõi nhân sinh
có mặt giữa hư vô
khổ đế hiện nguyên hình
xuân tuổi trẻ
trù mật trái cây
bước vào bình nguyên
bản năng Hy Lạp
muốn vẽ một bức tranh
ngại chân không lấm mực
bèn thôi
máu cục máu hòn!

thế là ý tưởng liu điu
rời rã nhọc nhằn
xuân mỏi mệt
vẫn qua chữ qua trang
qua hư huyền cổ độ
gã lãng tử phong trần
vẫn lạc loài đâu đó
phiêu phất sông hồ
cười khóc vô duyên
thế lực ma vương
quậy phá đảo điên
vẫn hóa trang văn minh bác ái
cà-rốt bột mì
tờ kinh lá cải
bi bô nhân luân
hoa trái tình thương
chân lý tứa ra
tiêm nọc độc miên trường
từ Trung đông cổ xưa
đến thời nay
năm châu bốn biển
quỷ dữ và thánh thần
cùng đội chung vương miện
lưỡi gươm xanh
lưỡi gươm đỏ
lập lòa lấp lóa vũ cuồng chơi
hội ảo hóa hiện đại tân trang
nghi ngút chín phương trời
thổi ra điệu hát khúc ngâm
vọng suốt a-tăng-kỳ
ca từ hư dối
xuân cúi mặt
thập thò thập thò
từ giao thừa u tối
ngại lửa trần gian
ngại bụi
ngại con người
phù phiếm phồn hoa
phù phiếm danh xưng
vô cảm ngôn lời
đã hóa đá từ căn nguyên lý trí
vật vã
trở trăn
từ điêu tàn học lý
che hạt chẻ vi
chẻ vụn tế bào tim
đức Phật có trở lại hôm nay
cũng phải run sợ ngồi im
phải hóa huyễn tượng đài
hóa huyễn hình thức lễ nghi
cùng ba tòa thánh điển
chữ lá bối
phết ngọc trai
xác phơi lêu đêu sò hến
gõ enter tu học dễ dàng thôi
võ rỗng điểm thêu
hoa mỹ, đẹp rợn người
chưng bảng hiệu quảng cáo rẻ tiền
tiếp thị thị trường đông vui
như ngày xuân bướm ong du hí
thuyền cứu độ ngược xuôi
rộn ràng dâu bể
rều rác lều bều
bèo đốm nở hoa
ai cũng vì đời
ngược nước cỡi phong ba
chợ tía chợ vàng
kiếm ăn ngày trăm bữa!
ta đứng khóc bên này sông
giọt lệ cường toan rực lửa
thương lòng mình
bèn phát nguyện đại bi
đói câu thơ
đói chữ
đói vô vi
thiếu không khí
thiếu màu xanh
thiếu niềm xuân
cùng cọng mầm ý tưởng
thèm sáng tạo
thèm cô đơn
thèm không gian u tịch
tính bầy đàn đã mọc rễ tiền căn
hạo khí ở đâu
cho tùng trúc vươn cao
đón thanh khí
trăng xuân xưa tao ngộ
xuân của đất của trời
của tâm linh, chưa cũ!

nẩy từng chồi măng
chồi lá nõn nà hương
ta thèm máu đỏ về tim
thèm dị giản
thèm bình thường
nhưng hoảng hốt
vì câu chữ rơi
rơi
nó cứ rơi!

hư vô
không vọng tiếng!


Triều Tâm Ảnh

DŨNG CẢM



VĂN THU NGUYỆT







Nhà có mấy việc lặt vặt, cần một lao động phổ thông nên ta mướn một đứa con trai khoảng 18 tuổi, dân miền Trung vô sài Gòn ở trọ làm phụ hồ lang thang kiếm sống. Một bữa tình cờ nhìn tấm ảnh ta nghịch ngợm đứng ngay trên vạch biên giới Việt – Trung (mỗi chân đứng trên đất của một nước) nó liền cười, nói:

- Vậy nếu cô đi tới chỗ giáp ranh ba nước như biên giới như Việt – Lào - Trung thì cô đứng làm sao cho đủ?”

Ta tếu táo:

- Thì cô bò, hai chân đứng trên đất của hai nước kia, hai tay chống trên đất của nước mình.

Cháu bỗng dưng trợn mắt, vội vàng la:

- Đừng, cô đừng có đứng như vậy, đứng như vậy là nước mình nghèo chết, thua nước người ta đó! Mình mần được bao nhiêu, nước người ta lấy hết đó!

Ngạc nhiên, ta vội hỏi:

- Vì sao?

Cháu tỏ vẻ rất quan trọng, nghiêm trang kể:

- Hồi xưa, làng cháu và làng bên có chung một ngọn núi, ngọn núi có hình dáng một con voi, nhưng con voi đứng quay đít về phía làng bên và cái đầu thì ở làng cháu. Thế mà làng cháu bao đời làm ăn không khá, còn làng bên thì chẳng làm gì cũng cứ giàu. Thầy phong thủy nói tại vì con voi núi ấy ăn lộc làng cháu và ỉa hết về phía làng bên, nên mới vậy. Thế là làng cháu phải đem mìn đi phá tan cái đít con voi, từ đó làng cháu mới giàu lên như làng bên được. Thiệt đó! Mai mốt cô có đi tới chỗ kia, nhớ đừng có đứng bò kiểu đó mà thiệt hại cho nước mình đó nghen cô!

Cháu nói giọng hết sức hồn nhiên mà thể hiện sự lo lắng rất nhiệt tình. “Nước mình” – hai tiếng đó vô cùng thân thương phát ra từ một đứa con trai nhỏ, không được học hành, hiểu biết gì nhiều. “Nước mình” – cháu nói hai tiếng đó nghe âu yếm như khi nhắc tới ông bà cha mẹ, người thân của của mình khiến lòng ta bồi hồi xúc động! Thấy ta đứng ngây ra nhìn, cháu cười bẽn lẽn:

- Gì mà cô dòm con dữ vậy?

Ta nhẹ nhàng hỏi:

- Cháu học được tới lớp mấy?

- Lớp hai, cô!

- Có thuộc 5 điều bác Hồ dạy hông?

- Có, cô!

- Chịu điều nào nhất?

Cháu đứng suy nghĩ hồi lâu. Có lẽ là để nhẩm nhớ lại 5 điều bác Hồ dạy, có lẽ là để suy nghĩ coi mình thích điều nào nhất, vì hồi nào giờ đâu có quan tâm là mình thích điều nào, giờ được hỏi mới suy nghĩ.

- Điều nào cũng chịu, nhưng chắc con chịu nhất là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

- Sao cháu thích nhất điều đó?

- Vì điều đó là điều tốt. Cần lắm!

- Cô tưởng cháu thích nhất là điều “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”?

- Hì… hì… Nước mình thì dĩ nhiên là mình phải thương rồi, còn “dũng cảm” là phải ngon lắm mới làm được đó cô!

Ta lặng thinh. Ta suy nghĩ về sự dũng cảm của mình và của bao người yêu nước mình hiện nay…

Hết ngày, ta trả tiền công cho cháu vì đã giúp ta những việc nhỏ. Còn bài học lớn mà cháu vô tình khơi gợi cho ta, ta phải trả bằng gì?

Ta nhớ: Năm nay cháu 18 tuổi, bắt đầu được làm một công dân của nước mình với đầy đủ bổn phận và trách nhiệm theo qui định của pháp luật. Cháu thích “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, và cháu hồn nhiên nói lên hai tiếng nước mình với giọng rất thân thương…