Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

DŨNG CẢM



VĂN THU NGUYỆT







Nhà có mấy việc lặt vặt, cần một lao động phổ thông nên ta mướn một đứa con trai khoảng 18 tuổi, dân miền Trung vô sài Gòn ở trọ làm phụ hồ lang thang kiếm sống. Một bữa tình cờ nhìn tấm ảnh ta nghịch ngợm đứng ngay trên vạch biên giới Việt – Trung (mỗi chân đứng trên đất của một nước) nó liền cười, nói:

- Vậy nếu cô đi tới chỗ giáp ranh ba nước như biên giới như Việt – Lào - Trung thì cô đứng làm sao cho đủ?”

Ta tếu táo:

- Thì cô bò, hai chân đứng trên đất của hai nước kia, hai tay chống trên đất của nước mình.

Cháu bỗng dưng trợn mắt, vội vàng la:

- Đừng, cô đừng có đứng như vậy, đứng như vậy là nước mình nghèo chết, thua nước người ta đó! Mình mần được bao nhiêu, nước người ta lấy hết đó!

Ngạc nhiên, ta vội hỏi:

- Vì sao?

Cháu tỏ vẻ rất quan trọng, nghiêm trang kể:

- Hồi xưa, làng cháu và làng bên có chung một ngọn núi, ngọn núi có hình dáng một con voi, nhưng con voi đứng quay đít về phía làng bên và cái đầu thì ở làng cháu. Thế mà làng cháu bao đời làm ăn không khá, còn làng bên thì chẳng làm gì cũng cứ giàu. Thầy phong thủy nói tại vì con voi núi ấy ăn lộc làng cháu và ỉa hết về phía làng bên, nên mới vậy. Thế là làng cháu phải đem mìn đi phá tan cái đít con voi, từ đó làng cháu mới giàu lên như làng bên được. Thiệt đó! Mai mốt cô có đi tới chỗ kia, nhớ đừng có đứng bò kiểu đó mà thiệt hại cho nước mình đó nghen cô!

Cháu nói giọng hết sức hồn nhiên mà thể hiện sự lo lắng rất nhiệt tình. “Nước mình” – hai tiếng đó vô cùng thân thương phát ra từ một đứa con trai nhỏ, không được học hành, hiểu biết gì nhiều. “Nước mình” – cháu nói hai tiếng đó nghe âu yếm như khi nhắc tới ông bà cha mẹ, người thân của của mình khiến lòng ta bồi hồi xúc động! Thấy ta đứng ngây ra nhìn, cháu cười bẽn lẽn:

- Gì mà cô dòm con dữ vậy?

Ta nhẹ nhàng hỏi:

- Cháu học được tới lớp mấy?

- Lớp hai, cô!

- Có thuộc 5 điều bác Hồ dạy hông?

- Có, cô!

- Chịu điều nào nhất?

Cháu đứng suy nghĩ hồi lâu. Có lẽ là để nhẩm nhớ lại 5 điều bác Hồ dạy, có lẽ là để suy nghĩ coi mình thích điều nào nhất, vì hồi nào giờ đâu có quan tâm là mình thích điều nào, giờ được hỏi mới suy nghĩ.

- Điều nào cũng chịu, nhưng chắc con chịu nhất là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

- Sao cháu thích nhất điều đó?

- Vì điều đó là điều tốt. Cần lắm!

- Cô tưởng cháu thích nhất là điều “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”?

- Hì… hì… Nước mình thì dĩ nhiên là mình phải thương rồi, còn “dũng cảm” là phải ngon lắm mới làm được đó cô!

Ta lặng thinh. Ta suy nghĩ về sự dũng cảm của mình và của bao người yêu nước mình hiện nay…

Hết ngày, ta trả tiền công cho cháu vì đã giúp ta những việc nhỏ. Còn bài học lớn mà cháu vô tình khơi gợi cho ta, ta phải trả bằng gì?

Ta nhớ: Năm nay cháu 18 tuổi, bắt đầu được làm một công dân của nước mình với đầy đủ bổn phận và trách nhiệm theo qui định của pháp luật. Cháu thích “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, và cháu hồn nhiên nói lên hai tiếng nước mình với giọng rất thân thương…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét