" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016
Y Ban với 'trò chơi hủy diệt cảm xúc'...
“Trò chơi hủy diệt cảm xúc” - cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Y Ban đã hút người đọc vào ngay từ những dòng đầu tiên, như cách “chia quân”, “dàn trận” khi tham gia một trò chơi online.
Nhân vật chính đi sâu vào trò chơi được lập trình tinh vi, hoàn hảo: trò chơi Hủy diệt cảm xúc trực tuyến, với số tiền thưởng cho người chiến thắng là 100.000 USD.
Người đàn bà tham gia trò chơi ban đầu chỉ với mục tiêu chiếm lĩnh số tiền thưởng khá lớn. Hóa ra không phải là như vậy, khi mỗi ngày nhu cầu “chơi” lại lớn dần lên, trở thành một thói quen không thể thiếu.
Những lá thư online cứ dày lên, mỗi dòng chữ là một dòng nước trong veo thấm sâu vào những ngõ ngách bí mật nhất của tâm hồn, xoa dịu những vết xước trong trái tim người đàn bà.
Tất cả những buồn khổ, uất ức, sự nén nhịn, chịu đựng… trong đời sống chất chồng lo toan, bon chen của người đàn bà được giải tỏa, thấu hiểu và cảm thông, để có thể yên tâm khóc, cười, chia sẻ trọn vẹn với một đối tượng hoàn toàn không biết mặt.
Cho đến một ngày người đàn bà ấy nhận được bức thư báo tin mừng chiến thắng trong trò chơi Hủy diệt cảm xúc trực tuyến, liền đó là những bí mật của cuộc chơi được giải mã. Hóa ra, người đó đã trao đổi thư từ với một... phần mềm.
Và cảm xúc của người chiến thắng: “Trống rỗng. Tôi không còn một cảm xúc nào. Tôi đã tham gia trò chơi. Tôi đã giết chết những cảm xúc của mình. Tôi không còn phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Tôi không còn nhận chân được tôi là ai”.
Tinh tế và (có phần) tinh quái, Y Ban đã dẫn người đọc đi vào một cuộc khám phá nội tâm bằng những phương tiện kỹ thuật đang ngập tràn và ngày càng trở nên thiết yếu trong cuộc sống con người: computer và internet.
Thế giới bắt đầu được dàn phẳng ra với sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ, nhưng thế giới cũng bị tàn phá bởi những lệ thuộc của con người vào thứ công nghệ đó.
Đặc biệt là cảm xúc – món quà vô giá mà chỉ con người mới được tạo hóa ban tặng, đã và đang bị biến dạng, bị hủy diệt một cách lạnh lùng.
Hơn hai trăm trang sách với 10 chương có độ dài ngắn đầy chủ ý, Y Ban giữ được cho người đọc sự háo hức đến tận dòng kết thúc.
Tuy nhiên, nếu nhà văn tiết chế số lượng câu chữ ở chương thứ 9 (Những bức thư online), đồng thời đẩy đoạn kết đi được xa hơn, chứ không chỉ dừng lại một cách “an toàn” như vậy, có lẽ cảm xúc sau “hủy diệt” sẽ tái sinh mạnh mẽ hơn.
Cù Lu
Y Ban có nhiều ưu điểm, xét theo khía cạnh người cầm bút. Chị thẳng thắn và can đảm (nói ra được sự thật thì phải can đảm). Sách của Y Ban cũng có nhiều ưu điểm. Trò chơi hủy diệt cảm xúc , cũng như nhiều tác phẩm khác của Y Ban, có một điều tôi rất thích, đó là đời sống ngồn ngộn trong đó. Chi tiết sinh động, trực diện: chuyện ngoại tình, chuyện vợ chồng, chuyện cơ quan, chuyện đời… (Y Ban từng nói chị là "nhà văn của chi tiết, không phải của câu chữ"). Người viết phải là người không trốn tránh thì văn mới thẳng đuột như vậy.
Một cuốn sách “bốc mùi”
Nhưng nhiều ưu điểm không phải bao giờ cũng chắc chắn làm nên một cuốn hay.
Trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Thủy về Trò chơi hủy diệt cảm xúc , Y Ban nói, chị "không ngại để văn chương của mình có mùi… thum thủm". Thế nhưng, độc giả thì ngại. Có vẻ như văn Y Ban đã đến mức độ khiến người ta dị ứng. Diễn đạt hơi thô thiển một chút thì Trò chơi hủy diệt cảm xúc cũng là một cuốn sách rất… bốc mùi, theo nghĩa đen.
Nguyễn Huy Thiệp đưa cả phân vào văn, Y Ban cũng đưa phân. Để hủy diệt, xé nát và ném toẹt đi (có thể là ném xuống bồn cầu và xả nước) mọi cảm xúc lãng mạn lâng lâng của đời sống vợ chồng, nhà văn kể… Mà thôi, quá nhiều chi tiết, câu thoại liên quan đến phân, thuật lại lên mặt báo thì hơi mất vệ sinh.
Ngoài phân, Y Ban đưa cái trung tiện vào văn. Một cái, nhưng hiệu ứng lan tràn cả cái chương sách Đám đông mà chị vô cùng tâm đắc. Cái trung tiện là nguyên nhân để đám đông đó tụ tập. Đám đông bàn tán, thảo luận, hít thở… trong bầu không khí đó, (lại) hơi mất vệ sinh. Y Ban còn bảo rất muốn đọc to chương sách này lên. Thẳng thắn thì được, nhưng đây thì là khiếm nhã. Nhưng đoạn cuối, tác giả cho một câu khá được: "Kỳ lạ, đám đông này rất ít đàn bà. Những người đàn bà còn đang mải làm việc".
Tiếp một chương nữa mà nhà văn tâm đắc, Lại đám đông , ngay sau chương Đám đông. Một bối cảnh khác, bãi bia của đám đàn ông, "không phải là đám đông vô tích sự nhất trên đời… nhưng với những người phụ nữ thì đó là đám đông vô tích sự nhất trên đời". Nhưng, không hiểu sao tác giả cố tình để cho người chồng say rượu ở bãi bia có những hành động ve vãn những người đàn ông ngồi cùng bàn nhậu, động tác khá bẩn thỉu (dù chỉ là trong tưởng tượng của người vợ), khiến người đọc có cảm giác người viết hơi… kỳ thị đồng tính.
Thử nghiệm kỹ thuật viết
Trò chơi hủy diệt cảm xúc là một thử nghiệm của Y Ban về mặt kỹ thuật viết. Chị chơi cấu trúc, như rất nhiều nhà văn khác. Một cấu trúc theo kiểu phá phách, không có cấu trúc, hoặc cấu trúc mở, để độc giả tự cảm nhận. Theo tôi là hơi bị lệch, phần tự sự ở đoạn đầu đặc sắc thì lại ngắn, phần "thư ngoại tình" ở đoạn sau dài lê thê thì lại không hấp dẫn.
Kết bài, tôi muốn nhắc đến một đoạn văn rất đẹp trong cuốn sách "thum thủm" này. Đó là đoạn "Hàng ngày tôi đi làm qua một cây cầu" ở đầu sách. Ngày ngày nhân vật tôi đi trong một dòng xe máy "như dòng nước, xuôi xuôi xuôi xuôi". Một hôm, "tôi" nhìn thấy một cụ già ngồi bên thành cầu, nét mặt đau đớn, như khẩn cầu một lời hỏi han. Ý nghĩ "giảm ga và dừng lại" lặp đi lặp lại trong đầu "tôi". Nhưng cuối cùng, "Tôi chảy theo dòng xe cộ". Đoạn này mô tả nội tâm rất mượt và rất buồn. Vẫn rất thẳng, vẫn đau, vẫn tăm tối, nhưng một lần hiếm hoi tôi thấy văn Y Ban duyên dáng.
Mi Ly
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tôi chưa được đọc hủy diệt cảm xúc, nhưng thấy MILI bình ở đây,và tác giả cũng tự nhận là tiểu thuyết có mùi thum thủm.Tôi cạn nghĩ hình như gần đây các nhà văn đã đẩy cái tôi ra khỏi cái xác của mình,đảy nó cao hơn mọi giá trị của cuộc sống mà ở đó cái tôi nói bừa,nói lộng ngôn,bất chấp cả nghệ thuật cái đẹp.Họ tưởng như thế là ngòi bút họ cứng họ không cong.Chỉ có xã hội bị ngòi bút ấy làm cho lộn sòng.Ấy là tôi nghĩ chung thế chứ không có ý chê gì chị Y BAN
Trả lờiXóaBạn nên tìm đọc đi, nó cũng chẳng đến nổi "bốc mùi " như tác giả tự nhận đâu. Hi hi...
XóaBạn nên tìm đọc đi, nó cũng chẳng đến nổi "bốc mùi " như tác giả tự nhận đâu. Hi hi...
XóaBạn nên tìm đọc đi, nó cũng chẳng đến nổi "bốc mùi " như tác giả tự nhận đâu. Hi hi...
XóaTôi chưa được đọc hủy diệt cảm xúc, nhưng thấy MILI bình ở đây,và tác giả cũng tự nhận là tiểu thuyết có mùi thum thủm.Tôi cạn nghĩ hình như gần đây các nhà văn đã đẩy cái tôi ra khỏi cái xác của mình,đảy nó cao hơn mọi giá trị của cuộc sống mà ở đó cái tôi nói bừa,nói lộng ngôn,bất chấp cả nghệ thuật cái đẹp.Họ tưởng như thế là ngòi bút họ cứng họ không cong.Chỉ có xã hội bị ngòi bút ấy làm cho lộn sòng.Ấy là tôi nghĩ chung thế chứ không có ý chê gì chị Y BAN
Trả lờiXóa