TRẦN HẠ THÁP
1.
Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.
Vệt ấy bay ra từ tán cây cổ thụ dưới sườn núi, nơi hai thầy trò sẽ nghỉ lại qua đêm. Tiếng bật dây cung trên tay Nguyên Biệt vang lên, hệt như tiếng dội lên mặt trống căng, ngân mãi... Vệt màu sậm lịm tắt. Một cú rơi xuống mặt đất qua đám cành lá đang gãy răng rắc. Giữa gió chiều lồng lộng, tiếng gào lên the thé rợn người. Thoáng chốc, rừng lại lặng yên. Vẫn bạt ngàn một màu xanh thẫm...
Nguyên Biệt nghe có tiếng thở dài. Gã lẳng lặng nhảy xuống. Mũi Lang - Nha - tiễn bịt đầu nanh chó sói, cắm đúng giữa tam tinh. Con gấu khổng lồ quằn mình giãy chết. Gã cẩn thận rút mũi tên ra, cho lại vào bao. Đã nghĩ tới sự bất lợi khi Thiếu Chủ cho bầy chó tạm dưỡng sức ở nhà, gã phải tăng phần cảnh giác. Nguyên Biệt đã trở về đúng lúc.
Sau lưng gã là bóng người thư sinh đang đứng lặng. Con người ấy xuất thần nhìn mây trắng trôi qua... Con gấu với cú vồ hụt, phủ xuống đầu tưởng như chưa từng xảy ra. Nguyên Biệt không dám kh- inh động. Để mặc nó đấy, gã im lìm đợi chờ trong nghiêm cẩn. Giữa Hồng Lĩnh trập trùng là hai bóng người cô quạnh.
2.
Nguyên Biệt vốn người Tàu. Gã mang họ Chu, dòng dõi tôn thất nhà Minh đã suy tàn. Nội tổ gã là Chu Nguyên Bình bị Thanh triều truy sát, chạy xuống nương thân vùng đất Việt. Chu Nguyên Bình xuất thân đỗ tiến sĩ, văn võ đều thông. Khi đến đất Hồng Lĩnh, ông không còn ý tìm đi nơi nào nữa. Vượng khí miền địa linh nhân kiệt này quả đã chấn động tâm can con người ấy. Nguyên Bình khôn ngoan chọn lấy nghề săn bắn mưu sinh. Mục đích cốt tìm ra “long mạch” trong núi. Từ đó, nối tiếp nhau ba đời nhà họ Chu lang thang nơi thâm sơn cùng cốc, thuật địa lý để “tầm long, điểm huyệt”, với võ nghệ cao cường tự mình nương náu chôn rừng sâu. Cuối cùng, là nghề săn thú. Đó là ba quy luật tối hậu không thể tách rời. Cho đến gã, vẫn chưa hề gián đoạn. Ba quy luật để đi tìm một kiểu “đất đế vương”. Nhưng đất ấy ở nơi nào?
Hai thế hệ đã qua đi trong nghèo hèn và cô quạnh, ở giữa núi rừng Hồng Lĩnh, bây giờ là thế hệ thứ ba: Nguyên Biệt. Gã sống với nỗi dằn vặt của tổ tông. Với biết bao cơ cầu và mòn mỏi. Những bộ da thú hiếm dần đi. Từng đấu gạo được đánh đổi, nhiều khi bằng những vết thương chí mạng.
Ưu tư lớn dần cùng với con trai gã ra đời. Khi thằng bé lớn lên, nó hằn học nhìn cha khi nghe tới chuyện đi rừng. Nguyên Biệt không cầm lòng được nữa. Tai họa cũng từ đó sinh ra.
Gã tìm cách mạo danh một người đã khuất. Người ấy từng đi thi nhưng chưa đỗ. Lấy tên tuổi ấy, Nguyên Biệt tiếp tục nộp quyển vào ứng thí ở trường văn. Có người khai ra ba đời nhà Nguyên Biệt. Chúa Trịnh, lúc bấy giờ rất muốn cầu thân Thanh triều. Lập tức nắm ngay cơ hội tốt. Toàn gia Nguyên Biệt bị nhốt tù xa, đợi ngày chuyển giao qua biên giới. Run rủi đẩy đưa. Toàn gia gã qua một phen chết đi sống lại. Ơn sâu của họ Nguyễn ở Tiên Điền...
3.
Toản Quận công Nguyễn Khản, thời bấy giờ nổi danh uyên bác, tài hoa đệ nhất. Ông được Chúa Trịnh mến tài, cho gần gũi và không ngớt lời khen. Toản Quận công thường hay nhắc tới một danh tài còn trong tuổi thiếu niên. Ông đoan quyết - một mai - con người ấy sẽ lưu danh muôn thuở. Chúa không tin, cho triệu về kinh thử thách.
Hôm ấy, tù xa toàn gia Nguyên Biệt đang đợi lệnh ở cửa thanh, thì có một thiếu niên công tử tình cờ trong lúc nhàn du nhìn thấy cảnh ấy liền động lòng tìm tới bên hỏi chuyện. Lúc rõ ra cơ sự, thiếu niên công tử bùi ngùi nhìn lên trời than trách. Không ai hiểu người ấy tự nói với chính mình? Với phạm nhân? Hay chỉ để gởi vào... mây gió? Lời nói thật cao xa:
- Ôi, nghèo đến thế kia ư? Kẻ muốn khâu nên chiếc mão cánh chuồn bằng sợi chỉ văn chương. Này, ta hỏi. Có ngày nào không ăn thóc dân gian? Ruộng đồng bát ngát kia được ích lợi gì với sợi chỉ nhỏ nhen kia. Ngày nào cũng ăn thóc đấy ư? Sao lại tưởng văn chương đã xa khỏi bờ ruộng lúa... Văn chương nào đi xa nhất ư? Văn chương ấy sẽ trở về. Văn chương nào đích thực ư? Ắt văn chương ấy không bao giờ thôi đồng vọng tiếng nhân tâm. Có biết nơi “xuất khẩu thành thơ” kia - cửa miệng - cũng là nơi hạt thóc đi vào, để “nhập khẩu thành nhân”? Ôi thân và danh vị kỷ. Chúng có nghĩa lý gì trước mệnh vận của sinh linh?
Trong khi Nguyên Biệt cúi đầu trong cỗ tù xa, người kỳ lạ ấy đã bỏ đi vào lối cổng thành. Đây cũng là ngày Chúa Trịnh vui, quên cả việc thiết triều. Người mà Chúa cho đòi đã đến. Suốt ngày bàn hỏi chuyện cổ kim, Chúa càng kinh dị trước tài trí của thiếu niên mới lớn. Ngỡ ngàng hơn, khi nhà Chúa hỏi thân danh và nguyên quán, Toản Quận công mới thú thực:
- Khải bẩm Chúa công. Đây chính là gia đệ của thần. Nói trước, thì e là vị chỗ tư riêng chăng? Nay đã tường, xin Chúa công tha tội. Gia đệ đang là kẻ đọc sách ở Tiên Điền, húy Nguyễn Du, còn Tố Như là tên tự.
- Giỏi lắm. Quả là trang anh kiệt dưới trời Nam. Cần tưởng thưởng để làm gương ngoài thiên hạ. Ta vốn chuộng văn chương nên đặc ân, ban cho ngươi được một điều nguyện vọng. Nào, nói đi...
Thật bất ngờ. Cậu thiếu niên công tử ấy không nghĩ gì tới phúc lộc riêng mình. Rất thành khẩn, cậu chỉ cúi xin nhà Chúa tha mạng cho toàn gia Nguyên Biệt. Sửng sốt, Chúa cau mày hỏi gắt:
- Không biết là quốc gia đại sự ư? Tại sao ngươi làm thế?
- Khải bẩm Chúa công. Nguyên Biệt những tưởng lấy văn chương mưu việc tiến thân làm lẽ sống. Nhưng lỗi ấy, nào chỉ riêng ở một con người? Xưa nay tài thực học để tế thế an bang, phụng sự sơn hà... ắt khác xa tài chuyên thuộc lòng kinh điển. Lệ học ấy đã thành nếp sâu dày nên lẫn lộn người hiền, kẻ nịnh... Cho đến khi hữu sự, mới hay có người chỉ giỏi tung hô bằng cửa miệng. Với hạng ấy, quan trường nào khác gì chỗ ẩn thân để mưu lợi, tư tình. Khó trách Nguyên Biệt, vì Thi Thư, Phú Lục... gã cũng luyện qua... vẫn có thể phóng bút những câu đạo nghĩa sơn hà, mến dân trọng Chúa. Với văn chương nền nếp ấy, Nguyên Biệt chưa hề nên tội. Tội của gã ư? Là man khai danh phận mà nên.
Trộm nghĩ... liều chết xin tha cho Nguyên Biệt, thảo dân chẳng dám coi thường ân sủng của Chúa công. Vâng cũng là lẽ vì quốc gia đại sự mà ra. Vì sự nghiệp chân chính của văn chương nước nhà. Vì danh tiếng của Chúa công và quốc thể... Phạm nhân nước ta, xin để quốc pháp nước ta xét xử. Gã đã qua ba đời liên tục ngụ cư lập nghiệp, lại chưa từng trộm chó cắp mèo... tại sao gã không được những quyền như mọi kẻ dân đen? Kẻ thảo dân tuy bất tài, nhưng muốn dâng lên lời nói phải. Dẫu biết câu: “Khóa khẩu an thân”, cũng không muốn học theo quy tắc ấy của hạng nịnh thần. Xin... chiếu quốc pháp, hình phạt ta, để trị tội man khai kia. Còn... ngoại ra, chỗ vô tội của gã là mơ ước sự đổi đời bằng nghề nghiệp làm quan thì đội ơn trên... soi xét. Thử hỏi mấy ai trên đời được như Chu Văn An tiên sinh, như Nguyễn Trãi tiên sinh...? Đó là những bậc nhân sĩ “thoái quan” chứ không muốn “tấn quan”. Những kẻ “lợi dân” chứ không một chút “lợi quyền”. Kẻ thảo dân cạn lời. Kẻ thảo dân đáng chết...
Toản Quận công lạnh sống lưng. Chúa Trịnh xạm xanh nét mặt. Bàn tay Chúa giận run. Bỗng nhà Chúa... cười lớn. Bậc quyền uy ấy đổi giận làm vui thật bất ngờ:
- Ngươi to gan không ai bằng. Nhưng... có lý, có tình. Ta chấp nhận. Phàm minh chúa, ắt có tôi hiền. Phi tôi hiền không tìm đâu ra lời nói thẳng. Nói thẳng mà nâng cao quốc thể, chấn chỉnh giềng mối, ích nước lợi dân... Không nghe, không phải là minh chúa. Cái dũng của tướng tài ngoài chiến địa, thực ra xưa nay không thiếu. Cái dũng của học sĩ cầm bút ư? Ha... ha... Ngươi kh- iến ta bất bình, là chuyện nhỏ. Nhưng đổi lại, việc lớn được quang minh. Tôi hiền có cái dũng tâu bày. Lẽ nào bề trên không có cái dũng sửa sai sao?
Vì thế, Nguyên Biệt thoát chết toàn gia. Chỉ chiếu theo tội man khai danh phận, gã phải lưu đày biệt xứ năm năm... Hết hạn, quay về để có thể đường hoàng đi thi nhưng Nguyên Biệt không màng chuyện ấy nữa.
Tìm tới Tiên Điền, toàn gia gã quỳ lạy ơn cứu tử và nguyện suốt đời làm môn hạ ở nơi đây. Bị từ chối tất cả vẫn quỳ gối suốt đêm ngày trước cổng gia trang. Vợ con gã ôm lấy chân vị đại nhân đại đức năm xưa, khóc xin lần tái tạo... Thoát chết, nhưng có hơn gì những kẻ vô phương? Động lòng, người ấy thu nhận, nhưng răn đe: “Ta đã không mộng quan gia, sao các ngươi lại thiết tha đòi làm môn hạ? Đã môn hạ của ta tất có thưởng phạt rất nghiêm. Nếu phạm vào quốc pháp chính ta sẽ là người trừng trị không tha. Các ngươi chớ coi thường”.
Từ đó, sự song toàn gia Nguyên Biệt gắn liền với người cứu mạng năm xưa. Nay gã tự mình tôn người ấy lên hàng Thiếu Chủ - một cách gọi - để phân biệt với các trưởng huynh của người ấy trong nhà... Mấy năm sau sơn hà dần chuyển biến. Họ Nguyễn ở Tiên Điền, vốn trâm anh thế phiệt đã bao đời, cũng lâm cảnh điêu linh thất bát. Vị Thiếu Chủ bùi ngùi trước lẽ bể dâu dồn dập... Người thường tìm cách ngao du giữa núi đồi hoang dã. Nguyên Biệt hộ vệ bên mình, gã chưa từng sơ suất. Để tránh những thế lực nhòm ngó trong buổi loạn ly, Thiếu Chủ lấy cớ săn bắn. Người vẫn tự gọi mình là Hồng Sơn Liệp hộ. Cho đến chiều qua, một buổi chiều đầy sự cố khi Nguyên Biệt đi lấy nước trở về.
4.
Đêm mịt mù hơi núi. Ngọn lửa bốc cao, ấm áp. Người Thiếu Chủ dường như đang thả hồn theo tiếng rì rầm bất tận của núi rừng Hồng Lĩnh. Phía sau lưng là cái bóng của Nguyên Biệt. Đã độ tuổi trung niên, sức vóc gã như một tượng thần hộ pháp. Nguyên Biệt luôn lắng nghe động tĩnh chung quanh. Đêm nay, gã không cảm thấy yên lòng. Vì sự cố buổi chiều? Tất nhiên. Nhưng mặt khác, là câu hỏi đột ngột hiện về trong trí gã: “Dừng lại qua đêm ở đây ư? Lẽ nào... phải chăng? Thiếu Chủ đã bắt đầu lưu ý việc hệ trọng của ba đời nhà họ Chu”.
Đã khá lâu, Nguyên Biệt không còn săn bắn để mưu sinh. Niềm thống khoái nhìn xác thú quằn quại hầu như dần quên lãng. Có ai biết sự thực ngoài gã đâu? Người tự nhận là Hồng Sơn Liệp hộ kia chưa bắn giết bao giờ. Bên con người trẻ tuổi, ít nói ấy, Nguyên Biệt đã sớm chứng thực một quả tim đầy nhân hậu. Gã tự biết, nghiệp sát sinh ắt có cơ dừng lại. Thế mà chiều hôm qua... Tài thần xạ của gã vẫn còn nguyên chưa suy sức. Mơ hồ một niềm vui nhợt nhạt trong người. Bất giác, Nguyên Biệt rút một mũi Lang Nha tiễn ra nhìn ngắm. Vật bất ly thân mà gã ngỡ mới gặp lại, lâu ngày...!
- Hãy cố quên đi nghiệp sát nặng nề kia, Nguyên Biệt. Ta biết ngươi đang hài lòng về mũi Lang Nha tiễn ấy! Vì sao ngươi luôn luôn đầy sát khí trong lòng. Ngươi không cách gì buông bỏ nó?
Giật mình, Nguyên Biệt rõ đó là sự phiền lòng hơn là lời khen ngợi. Gã không chạnh lòng. Gã chỉ ngỡ ngàng vì có gì lạ lùng trong lời ấy?
Thực ra... Thực ra, chỉ là điều bó buộc lúc nguy nan. Thuộc hạ lẽ nào chưa nằm lòng lời bảo ban của Thiếu Chủ. Người đã từng dạy: “Nặng nề nhất là sát khí. Tánh linh dần mất đi để thay vào bằng thú tánh. Trí tuệ lu mờ dần và nghiệp chướng ở đời sau”. Nhưng con gấu khổng lồ kia... Nếu không...?
- Sát khí. Chính tánh linh ngươi lu mờ dần như một tấm gương luôn đặt ở nơi ngùn ngụt ấy. Trí tuệ ngươi là thứ trí tuệ bốc hơi... Ta làm sao nói cho ngươi hay rằng còn một thứ trí tuệ khác. Thứ trí tuệ của tấm gương trong sáng. Tấm gương ấy sẽ phản chiếu sự vật phong phú, chân thực hơn những gì mà loại trí tuệ bốc hơi chỉ lờ mờ, hư ảo... Ta gọi đó là trí tuệ của Chân Tâm.
- Vâng, thuộc hạ u mê chưa từng nghe gì về lẽ ấy. Thiếu Chủ, xin người chỉ giáo cho chỗ tai hại của mũi tên này...
- Thật oan uổng... Nghe ta nói đây. Còn hiểu hay không, đó là duyên và nghiệp của đời người. Vì sao ta dừng lại qua đêm ở đây ư? Đó là sự tự nhiên mà chân tâm phản chiếu. Khí lành đang tiềm ẩn ở nơi đây. Ta đã không lầm, khi thử dừng lại, lắng tai nghe tiếng vang vọng của đất trời. Cho đến khi ngươi bắt đầu rời xa ta, đi lấy nước... Rõ ràng có một thứ âm ba làm ngơ ngẩn cõi lòng. Kỳ lạ thật. Mỗi lần thế... Ta khắc hiểu, mình đang được đứng trên một vùng đầy linh khí của giang sơn. Con gấu khổng lồ ư? Ngươi lầm lẫn lớn vô cùng. Loài thú nào đã quen sống nơi đây, ấy là sản vật riêng của địa linh. Đã sản vật địa linh ắt chẳng phải tầm thường như những đồng loại khác... Vâng, khi thứ âm ba ấy vừa trỗi lên, cũng là lúc ta nhìn thấy con gấu từ trong bọng cây vươn mình ra nắng buổi chiều. “Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu”, nó lim dim mắt nhìn ta, hiền lành như đang được vuốt ve. Thì ra, không chỉ mình ta, mà con vật sống quen miền địa linh cũng có thể lắng nghe âm ba hiền dịu ấy. Thế nào ư?
Làm sao để những người quen thấy máu như ngươi hiểu được thứ âm ba vang vọng giữa đất trời? Nó khiến mọi vọng niệm ô trọc, mọi tham tàn của sinh linh tan đi theo mây khói. Âm ba làm hận thù vắng bóng, đưa con người về yêu thương và lẽ thiện. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Vâng, đó là âm ba gợi cảm đầu đời. Là vang vọng man mác, tuyệt đối êm đềm từ một thuở nằm nôi. Còn đối với dã thú, sinh linh ư? Là cảm giác nguyên thủy khi đang còn ngậm hờ vú mẹ. Trong không gian tuyệt vời, đồng cảm ấy, ta hỏi ngươi làm gì có máu xương và móng vuốt? Tất cả đã đổi khác đi - thật không ngờ, thật oan uổng - khi những bước chân mang sát khí của ngươi... hối hả trở về. Sự thấy biết của ngươi không sai, nhưng đó chỉ là thấy biết hao hụt - thậm chí trái ngược - với sự thấy biết một nửa đầu câu chuyện... Thấy biết qua giao cảm của lòng ta.
“Địa linh”. Nguyên Biệt giật thót người. Gã thật sự kinh hãi. Có loại âm ba ấy ư? Có phải Thiếu Chủ muốn nói tới một thứ âm ba gần giống âm ba từ lời ru của mẹ? Mẹ gã không phải người Tàu, mà là người Việt. Nhưng rồi Nguyên Biệt phân vân... “Địa linh sinh nhân kiệt”? Nhân kiệt ra đời để mưu bá đồ vương, lẽ nào... lẽ nào lại canh cánh bên lòng tiếng hát thuở nằm nôi?
-... Trong lúc ngươi vắng bóng, chỉ còn hai tánh linh đồng cảm tại nơi này. Tuyệt nhiên không một con thú nào. Kể cả con gấu lẩn khuất trên ngọn cây kia. Hoặc giả - ngay trong bản thân ta - kể cả phần “thú tính” đang lấp ló sau những tham vọng hạn hẹp một con người... Tất cả chỉ còn lại chân tâm.
- Đã đi rừng - thưa Thiếu Chủ - sát khí nào ắt cũng để phòng thân.
- Nguyên Biệt. Vì thế ám ảnh hiểm nguy, tâm lý đối phó đã trở nên cố hữu như vật bất ly thân. Nó là lý do tồn tại của kẻ chuyên sống giữa rú rừng... Sát khí của ngươi còn là sự tích lũy suốt ba đời hạ thủ sinh linh. Khi ngươi vội vã trở về, sát khí từ lâu bị kiềm chế, nay có cơ phát tán khắp không gian. Âm ba vang vọng giữa đất trời... im bặt! Như đứa bé đột ngột xa lìa bầu sữa mẹ. Khi ta chưa kịp hết sững sờ, thì ánh mắt gấu đã rực lên màu chết chóc. Không còn gì níu giữ nữa! Nó đã bị kéo về trong thế giới bản năng. Vệt màu sậm phủ xuống đầu ta... Sát khí đã khiến vùng địa linh ô nhiễm.
- Vâng, gió đã đổi chiều... Khi thuộc hạ trở về, thuộc hạ ở đầu gió. Con vật đã bắt hơi nhanh hơn hẳn.
- Thế đó. Mũi tên còn lại trong tay ngươi. Vĩnh viễn, ngươi sẽ không còn gì ngoài sát khí bản thân. Ngươi chẳng khi nào yên tĩnh. Vì, ngươi vốn đánh mất từ lâu những âm ba nguyên thủy đầu đời. Âm ba sớm nhất từ thuở mới lọt lòng, khi cõi người chưa biết gì tới thân - danh và mệnh - vận. Rồi phải lớn lên, xa lìa dần... không bất hạnh nào lớn hơn nữa. Tấn thảm kịch bất tận của sinh linh cũng bắt đầu từ những giờ phút xa lìa âm ba ấy. Vì thế, trước mắt ngươi chỉ là hai dòng khô cạn. Còn riêng ta, âm ba kia vẫn âm thầm vang vọng giữa chân tâm. Nó không cạn bao giờ! Chỉ thấy bằng mắt, ngươi không biết thấy trong lòng... Nguyên Biệt, sát khí chỉ cho ngươi toàn sỏi đá!
- Không khô ư? Nơi cái gò này đâu có nước bao quanh? Hai dòng suối... chết từ lâu. Thiếu Chủ cũng đã từng giẫm chân lên sỏi đá. Tại sao người...?
Nguyên Biệt ngừng nói. Gã không dám khinh động. Bây giờ là lúc Thiếu Chủ đang vô cùng hứng cảm. Người nhắm mắt ngưng thần, hai tay kính cẩn nâng lên một cổ vật. Cây Nguyệt cầm vừa được lấy ra từ túi gấm. Buông theo gió rừng đêm, bay bay chiếc tua ngù màu bạch tố. Người bạn lòng riêng ôm ấp lấy tri âm!
Nguyên Biệt nhẹ nhàng lui ra xa.
Vừa đủ gần ánh lửa để không làm mất nhã hứng chủ nhân, gã chỉ lan man về phần hệ trọng nhất trong khẩu truyền từ thân phụ. Khẩu truyền về một kiểu “đất đế vương”. Riêng với họ Chu nhà gã, thì đây không phải là chuyện hoang đường. Nó là học thuật chi li, là gian khổ và kiên trì của ba đời lưu lạc. Khẩu truyền gì?
5.
Phụ thân gã từng dạy rằng:
Đất Việt là chốn địa linh. Nơi ắt phải sinh nhiều nhân kiệt. Nội tổ con vì hai lẽ, phải chạy tìm đất ấy nương thân. Một, là nơi hiểm trở xa xôi. Hai, là biết đất ấy giàu có địa linh. Sự giàu có trên ngàn lần giàu có thông thường. Biết thế, vẫn không đủ sức đi khắp nơi nơi... Tình cờ đẩy đưa, nội tổ con dừng ở đất Hồng Lĩnh. Nhìn thấy vượng khí ngút trời, người khắc biết khí lành nơi đây đang bắt đầu phát tiết. Vốn khổ công để trùng hưng nhà Đại Minh của ta, nội tổ con muốn tìm ra một “kiểu đất đế vương”. Quả thật không lầm, người đã tìm ra đất quý. Đây là vùng “Bụng rồng” con đã biết, theo cách gọi riêng của nhà phong thủy. Thật kiểu đất lạ lùng cứ tưởng phần nào giống kiểu đất thời Gia Tĩnh, triều Đại Minh nhà ta từng phát tiết... Nhưng không, đi sâu vào núi sông của xứ Việt, mới hay thật như gấm thêu hoa, như rồng bay phụng múa. Kiểu đất Gia Tĩnh làm gì có đến chín mươi chín ngọn Hồng Sơn quần tụ? Làm gì có trăm, ngàn nước trời đến treo lên như dát bạc, trắng cả một góc trời riêng? Hy hữu thế gian. Giật mình, nội tổ con vui mừng khôn tả!
Nhưng cơ trời còn thử thách họ Chu ta. Ngặt nỗi, hai dòng suối vốn xưa nay bao bọc quanh chỗ “Bụng rồng”, không rõ vì sao chưa đủ nước. Hai dòng suối, sách ta gọi là hai dòng “Càn-Khôn-thủy”, nước linh làm “nguyên- khí-nuôi-rồng”. Nước ấy không còn! Trớ trêu thay, thế là hài cốt tiền nhân nhà họ Chu - phải chờ đợi - chưa thể an táng vào ngay được! Nếu cưỡng cầu, vội vã thì họa sát thân ắt tới cảnh Nguyên Biệt, hai đời họ Chu ta đã lần lữa nơi đây. Nay, ta sắp phải ra đi... Việc lớn, con khá ghi lòng. Một, không được rời xa đất Hồng Lĩnh. Hai, đợi đến khi hai dòng “Càn-Khôn-thủy” ấy chảy lại như xưa, lập tức an táng hài cốt tiền nhân ngay chỗ “Bụng rồng”. Chớ để quá trăm ngày. Ba, tìm đường về cố hương chờ vận lành, mệnh lớn...”.
6.
Kể từ khi người Thiếu Chủ năm xưa rời khỏi đất Tiên Điền, người buộc phải vâng theo chiếu mệnh Nguyễn triều vừa an định giang sơn, để cho viên thuộc hạ ấy, nay đã già, ở lại gia trang. Một chú tiểu đồng lếch thếch ôm theo cây Nguyệt Cầm cũ kỹ. Một chiếc song mã chở toàn thư bút. Một tên mã phu ra roi cho tới khi... kẻ nhìn lui không thấy bóng cố hương. Chú tiểu đồng mở to mắt cố nhìn chút khói lam chiều vướng vất...
Lão già chậm chạp quay về. Từ nay, lão biết một người sẽ phải lầm lũi chốn quan trường... Chân tuy bước, lòng không nguôi canh cánh nẻo về. Nước mắt lại ứa ra. Nguyên Biệt chạnh lòng vì ai, hay cho chính lão? Cũng từ đó núi rừng Hồng Lĩnh hoang vắng, mênh mông hơn bao giờ.
Nguyên Biệt thẫn thờ, trống rỗng. Sức lực mòn dần, lão vẫn có mặt ở “Bụng rồng” vào ngày rằm mỗi tháng. Mọi lần đi, lão lặng lẽ quay về. Lão đâm thù oán bất kỳ sỏi đá nào lăn lóc dưới chân. Nguyên Biệt thèm nghe... nước chảy! Lão hay tắm, cứ vọc nước hệt như đứa bé vui đùa. Mồm lão lải nhải: “Càn-Khôn-thủy... chảy đi... Càn- Khôn-thủy... Vận Tiềm-long đã dứt. Vận Phi-long ra đời”.
Cô đơn ngay trong mái ấm gia đình, Nguyên Biệt mang ấn tượng một người chồng hoang tưởng, một người cha khắc nghiệt dữ dằn. Lão bỏ mặc vợ con một mình lên ở “Bụng rồng”. Đây là nơi, năm nào hai thầy trò từng ở lại qua đêm, vẫn với hai dòng khô toàn sỏi đá. Có hay không thứ âm ba kỳ dị mà người Thiếu Chủ đoan quyết... Biết đâu? Nguyền rủa chán, lão quỳ lên sỏi đá... van nài!
Căn lều và gió núi. Ánh lửa qua đêm. Nhiều lần, lão thức giấc giữa khuya. Tuyệt nhiên không! Sao gọi là âm ba vang vọng giữa đất trời ấy... nhỉ? Thực ra, đây chỉ có tiếng tru rít hậm hực của bầy sói luôn lảng vảng quanh lều. Ở “Bụng rồng” chẳng biết đã bao lâu, ấn tượng tháng năm chẳng còn trong trí lão. Lắm lúc để giải khuây, lão nằm lăn ra đất tưởng tượng như... được nằm trong nấm mộ.
Vào một ngày mùa hạ oi nồng. Nắng rực rỡ trên núi rừng Hồng Lĩnh. Cho tới khi hoàng hôn buông xuống. Căn lều không có lấy ánh lửa lập lòe. Dễ chừng đã mấy hôm rồi... Đêm khuya, tiếng tru rít hậm hực của bầy sói mỗi lúc một gần hơn. Gần sáng, cuộc xâu xé của chúng mới chấm dứt trong lều. Kiệt sức vì sốt rừng, lão già nằm thoi thóp đã nhiều hôm. Bếp lửa tro tàn nguội lạnh. Bất lực, không lê nổi cánh tay, lão vẫn còn thấy chăm chăm từng cặp mắt hoang dã... Khi đã no mồi, bầy thú đã biến mất tăm hơi. Trời vừa hừng sáng đầu non.
Ngay gần trưa hôm đó, một cơn giông khủng khiếp chưa từng có, trời trút nước xuống núi rừng Hồng Lĩnh. Sấm chớp. Mưa phủ đại ngàn... Lũ đầu nguồn tích tụ, cuồn cuộn dâng trào. Nước phủ kín “Bụng rồng”. Gốc cổ thụ ấy chìm nửa thân trong dòng nước băng băng, cổ thụ vẫn vững vàng không đổ!
Mưa gió ngừng. Trời quang đãng trong veo. Mặt trời rực rỡ. Cảnh vật như vừa qua phép lạ... Nước đã được thiên nhiên chuyển dòng, khai thông. Bây giờ chảy thanh thản, ôm quanh “Bụng rồng” là hai nguồn suối lớn, trong veo. Sỏi đá ngày nào, chỉ còn lờ mờ qua đáy nước. Người đi rừng xa nhất, lên Trường Sơn bảo lại rằng, đếm được sáu dòng suối chính hợp nên. Chúng gom nước về cho dòng chảy trước cái gò có cây cổ thụ kia. Dòng chảy sau cái gò - có nhiều hơn - đếm được đến tám dòng suối chính, lần lượt hợp thành. Họ làm gì biết, đấy chính là hai dòng “Càn-Khôn-thủy” mà ba đời nhà họ Chu chờ đợi... Chỉ có điều kỳ diệu, là lúc vào sâu, ắt có kẻ lạc đường. Những người đi rừng khi ấy, cần căn cứ hai nguồn này, chưa bao giờ lầm lộn lối về. Họ có cách gọi riêng, bảo nhau là “nguồn Lục”, “nguồn Bát”.
Biến động “Bụng rồng” đã xóa sạch căn lều và mọi vết tích tang thương. Chỉ có gốc cổ thụ vẫn xòe tán khổng lồ. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nước suối chảy dào dạt quanh gò. Mơ hồ tiếng sỏi chạm vào nhau lạ lùng như tiếng ngọc. Thứ âm ba của cội nguồn vang vọng...
7.
Đúng vào đêm đầy biến chuyển ở “Bụng rồng”... Cách xa Hồng Lĩnh đến mấy phương trời, có một người trung niên thức giấc giữa canh khuya. Vị Thiếu Chủ năm xưa, tóc giờ đây ngả màu. Con người ấy đang bắt gặp lại một mạch nguồn, từ lâu xa vắng. Đốt lên ngọn bạch lạp người ngồi trước án thư lặng lẽ.
Tới sáng, một nho sinh tuấn mạo - hao hao nét tiểu đồng ngày trước - rón rén bước vào với một đỉnh trầm hương nhỏ. Chủ nhân đang so lại dây đàn, cây Nguyệt Cầm vốn từ lâu phủ bụi góc thư phòng. Lui nhanh ra, nho sinh hiểu phải làm gì lúc ấy... Bên ngoài, tiếng ngựa xe dồn dập nẻo Kinh thành. Thật nhẹ nhàng, hai cánh cổng vừa chỉ mới mở ra lúc nãy, bây giờ đã từ từ khép lại. Bước vào qua sân, bỗng nho sinh sững sờ dừng lại lắng nghe... Một khúc Nguyệt Cầm vừa réo rắt bên hiên. Mắt nho sinh nhòe dần đi, hiện ra... bao nhiêu khói lam chiều và một nẻo làng quê...
Đến xế trưa hôm đó, trên án thư là tờ hoa tiên trải rộng. Người chủ nhân đang thả hồn theo những dòng thảo nôm tuôn chảy... Là một trường thiên lục bát. Trường thiên chỉ mới khởi đầu, người đã viết “Trăm năm...”.
T.H.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét