Nguyễn Vũ Hồng Hà
Tôi đợi anh ở góc phố đầu nhà quen thuộc với sandal, áo thun trắng và váy xoè nhẹ nhàng. Cơn mưa vừa tạnh khiến cho bầu không khí của mùa hè Sài Gòn trở nên dễ chịu dù mùi ẩm mốc vẫn còn lẩn quẩn quanh đây. Bất giác, tôi đưa tay lên, chạm lấy giọt nước đang lưỡng lự nơi mái hiên chưa chịu rớt xuống.
Tùng đến đón tôi với nụ cười rạng ngời thường trực. Anh vuốt tóc, hỏi han, thiếu điều hôn cái "chóc" lên má. Mỉm cười với anh, tôi lại nhớ đến Nguyên.
Nguyên là người yêu cũ mà tôi chưa bao giờ quên. Kể ra được đến đây thì tôi nghĩ độ dày của mặt mình chắc phải đo bằng gang đến nơi rồi. Nhưng quan trọng hơn cả là Tùng biết điều đó, mà vẫn đến với tôi chân thành và dịu dàng như thể anh là mối tình đầu của đời tôi.
***
Ngày đầu chia tay .
- Em định ngồi đây đến bao giờ? Bản thảo anh nhắc em đã chậm mấy ngày rồi.
Tôi nhấp ngụm trà đắng ngắt, không thèm trả lời Tùng mà quay mặt hẳn sang ngoài cửa, nhìn nước chảy thành từng dòng trên cửa kính như một đứa trẻ tò mò. Tùng không bị cái vẻ bướng bỉnh của tôi làm cho bực mình. Anh đưa tay cầm lấy tách trước khi tôi kịp thêm ngụm thứ hai, đặt xuống đĩa nhanh chóng mà nhẹ nhàng. Tôi chưa kịp bày tỏ thái độ nào khác thì anh đã nắm lấy tay, kéo tôi đi một cách quyết liệt.
Và chỉ mấy giây sau, tôi thấy mình đứng ngoài mưa.
Ngẩng mặt nhìn Tùng, tôi ngạc nhiên là mình không hề cảm thấy chút áp lực nào, bởi kì thực đứng dưới mưa dễ chịu lắm. Như thể trái tim nông cạn và rạo rực này của tôi đã đến lúc cần chút giá lạnh.
- Quên cậu ta đi.
- Bằng cách nào chứ? - tôi cười khẩy.
- Anh sẽ giúp em.
***
Là Tùng mở lời trước. Tôi chưa một lần đáp trả, nhưng giữa hai chúng tôi đã trở nên tự nhiên như người yêu trước khi tôi kịp nhận ra điều đó. Đôi khi sự im lặng trong một mối quan hệ còn hèn nhát hơn việc lừa dối, nhưng tôi không đủ can đảm để nói ra. Vì tôi sợ cô đơn khi từ chối Tùng, vì tôi cũng muốn quên người con trai đã bỏ tôi mà đi.
Nhưng quên mối tình đầu là điều khó nhất mà tôi có thể làm, dù có là kẻ bị phản bội đi chăng nữa.
Tôi đang tập yêu Tùng, tập đối diện với lương tâm mình, tập ném tất cả các kí ức về Nguyên vào một góc nào đó. Khó khăn nhưng tôi vẫn cố, chỉ không thể chịu được cảm giác nhớ Nguyên khi đang ở bên Tùng. Cắn rứt đã đành, nó còn khiến tôi cảm thấy mình bế tắc trong tình yêu.
- Anh này - ngồi sau lưng Tùng, tôi nghiêng đầu hỏi anh khi cơn mưa phớt vừa tới.
- Sao em?
- Sẽ thế nào nếu một ngày...
Tùng nắm tay khiến tôi không thể nói hết câu. Cái nắm tay vội rất chặt cho tôi câu trả lời.
Hai tuần sau đó, tôi bắt đầu hoàn tất công việc trong tháng một cách nhanh gọn nhất.
Bần thần ngồi trước màn hình máy tính, tôi không ngờ kẻ làm công việc gõ bàn phím thường ngày cũng có lúc cảm thấy khó khăn khi viết một bản thảo đến thế này. Đơn xin việc được gửi qua Mail ngay sau đó. Tôi thở dài như thể trút được gánh nặng. Dù Tùng có chấp nhận hay không, tôi cũng bỏ đi. Tôi cần phải tránh mặt anh, đến khi nào thực sự quên được Nguyên.
Những ngày tắt điện thoại sau đó, tôi trở về với vùng quê miền núi, nơi bố tôi lấy cảm hứng dòng sông quê hương để đặt tên cho con gái. Cuộc sống cách ly với thế giới hiện đại kia khiến tôi trống trải một thời gian ngắn trước khi chìm vào khung cảnh thanh bình của núi non trập trùng. Công việc của một thực tập sinh trong vườn chè không mấy bận rộn. Buổi đêm, sau khi tạt qua lớp học của mấy em bé người Mèo, tôi vẫn còn thời gian viết mấy dòng lưu lại cảm xúc. Dần dần, tôi đã học được cách nhảy theo điệu khèn, nhớ đường đi vào rừng chặt nứa, ăn được măng vầu đắng đắng giòn giòn,... Những em bé trong làng gọi tôi bằng Pi Lăng bởi cái tên Phương Lan khó đọc và không mấy thân thuộc. Mỗi khi được gọi bằng tên mới, một cảm xúc rất lạ ùa tới. Dần dà, tôi đã quên mất tiếng gọi tên mình đầy thân thiết của Nguyên thuở nào. Đôi khi tôi thấy mình không còn là cô bé nhí nhảnh dễ xúc động của quá khứ mà thay vào đó là Pi Lăng chững chạc, điềm tĩnh, hay cười nhưng không còn dễ khóc.
Tôi đã thay đổi rồi sao? Đó có phải là điều mà tôi mong muốn khi đến đây? Không, tôi của xưa cũ vẫn còn tự tôn cao ngất, đủ để thấy bản thân mình không cần phải làm mới một lần nữa. Tôi chỉ muốn tìm một nơi không gợi lại những kỉ niệm xưa cũ để tâm hồn mệt mỏi khỏi phải gọi tên ai đó trong thầm lặng mỗi đêm.
Hai tuần xa nhà, cảm giác trống vắng bắt đầu trở lại. Trà xanh trở thành thói quen mỗi sáng khiến tôi nhớ quay quắt ly cà phê ấm nồng pha sẵn đặt trên bàn làm việc. Nhìn mưa chảy long tong trên những mái tranh, tôi nhớ những dòng nước nhạt nhoà trên lớp kính ngăn cách không gian ồn ào bên ngoài toà soạn. Nhiều khi cô đơn, tôi thèm lắm một bờ vai xương xương vững chắc, đủ để tựa lên mà chìm vào giấc ngủ trong giây lát.
Cố quên Nguyên nhưng nhiều khi lại bất chợt gọi tên Tùng khiến tôi cảm thấy day dứt ghê gớm. Hạn thực tập sinh sắp kết thúc, tôi cắn răng viết đơn xin ở lại cho đủ hai tháng. Chú quản lý nhìn tôi ngạc nhiên, vừa kí tên vừa mỉm cười ẩn ý.
Gần đến Tết âm, công việc trong làng lại bận rộn hơn bao giờ hết. Tôi vẫn ở ngôi nhà ở trung tâm nuôi trồng chè, nhưng dành hầu hết thời gian ở trong làng. Nếu không giúp các cụ già .. thì tôi cũng giúp chị các em cắt giấy đuôi nheo để dán lên đồ đạc trong gia đình. Nghe đâu có đoàn thực tế đến làm chương trình nên mọi người càng bận rộn. Giữa tiếng chày cối, tiếng cười đùa, tiếng chặt nứa vót tre, đâu đó vẫn văng vẳng tên tôi trong cuộc nói chuyện của mọi người.
Và rồi tôi chợt nhớ ra, Pi Lăng không chỉ na ná cái tên thật của mình, mà nó còn có nghĩa là tương lai.
Đêm ấy ở căn phòng của thực tập sinh, tôi lôi cuốn nhật kí nhét dưới đáy va ly. Chầm chậm lật từng trang, tôi để cho những kí ức xưa cũ của mình và Nguyên cứa vào tim: từng lời yêu chúng tôi trao nhau, những bức hình chụp chung, những buổi đi chơi vui bất tận...
Tôi khóc rất nhiều cho một tình yêu không còn nữa, tự nhủ rằng đây sẽ là lần cuối tôi nhớ về anh. Đốm lửa le lói nơi sân đá chọi hẳn với ánh trăng trước mặt. Những kỉ niệm kia giờ chỉ còn là than bụi...
***
Tôi hoà vào cuộc sống ở miền quê vùng núi nhẹ nhàng và êm lặng như chàng trai lên rừng kiếm lá thuốc bỗng chốc say nắng một giọng hát trong trẻo xa vắng vang lên từ phía sau ngọn đồi. Khoảnh khắc nào đó nhớ nhà, tôi chạy ra mỏm đá chìa ra phía trên làng - nơi duy nhất bắt được sóng - gọi một cú điện thoại ngắn về nhà, đủ để xua đi cảm giác nhớ người thân và không bật khóc yếu đuối. Trước khi đánh liều gọi thêm một cú điện thoại nữa, tôi đã vội chạy xuống đồi, cố xua tan nỗi nhớ da diết người con trai ngồi bên bàn biên tập tôi vẫn lén nhìn mỗi sáng đi làm.
Tối hôm ấy, tôi gửi một câu vẹn sáu chữ bỏ lửng "Sẽ ra sao nếu một ngày..." cho Tùng, tự hỏi Tùng hiểu mình đến mức nào, có nhiều bằng tôi hiểu về bản thân tôi hay không.
Ngày người ở tỉnh đến quay phóng sự, tôi ra sau nhóm bếp nấu bánh mặc sức lôi kéo của lũ trẻ. Đã từng đi thực tế viết bài bao nhiêu lần, tôi hiểu quá rõ công việc của những người đến quay phim, chụp hình, phỏng vấn. Tôi đến đây không phải để xuất hiện trên một bài báo nào đó để chứng tỏ cho người ta thấy mình một mình mà không cô đơn, đã từng tổn thương nhưng vẫn còn mạnh mẽ, mà chỉ muốn chìm vào cuộc sống mới để quên đi mối tình không còn đáng nhớ. Và vì sắp hoàn toàn thoát khỏi hình ảnh của quá khứ, sẽ không đời nào tôi để những con người với máy móc hiện đại kia phá hỏng dự tính của mình.
- Có thể cho tôi nhóm bếp cùng không?
Già làng vốn am hiểu tiếng quốc ngữ dịch sang một bên, vẻ niềm nở mời người mới đến ngồi xuống bên cạnh. Vậy mà tôi dù nói thứ tiếng ấy hằng ngày vẫn trơ khốc ra nhìn người đối diện như thể không hiểu anh nói gì.
Tùng ngồi bên cạnh tôi, nói chuyện với già làng bằng những kiến thức am hiểu của mình về Tết cổ truyền nơi đây. Bàn tay anh nắm lấy tay tôi rất chặt, như sợ một lúc nào đó tôi bất chợt mở lời.
Cuối cùng thì già làng cũng phải ra ngoài cùng với những nhân vật quan trọng khác để khai màn cho lễ hội cuối năm. Không khí lại trở nên yên ắng hơn bao giờ hết. Những tia nắng le lói cuối trời chiếu thẳng vào mắt khi người ngồi đối diện không còn khiến tôi khẽ nghiêng sang bên, vô tình chạm vào bờ vai Tùng. Anh đẩy thanh củi to vào bếp rồi đột ngột đứng dậy, kéo theo tôi đang đỏ bừng mặt lúng túng.
Tôi bước theo Tùng mà không nói một tiếng nào, dù chỉ là thắc mắc. Một phần vì tôi sợ những lời nói không hay mà mình ấp ủ bấy lâu cho lần gặp lại anh sẽ phá hỏng giây phút này, một phần vì bàn tay kia còn siết rất chặt. Tùng dừng lại khi cả hai đã đứng ở mép đá chìa ra trên quả đồi nhỏ cạnh làng. Ở đây có thể nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh nhộn nhịp đầy màu sắc phía dưới. Khẽ khàng, Tùng thả tay ra.
- Anh biết em ở đây từ lâu rồi, nhưng không dám chắc em muốn gặp lại... cho đến khi..
Nhớ lại tin nhắn bữa trước gửi cho anh, tôi cụp mắt xấu hổ, và rồi nhận ra dưới chân tôi bạt ngàn tam giác mạch. Gió lùa đến mát rượi. Những cành tam giác mạch dưới chân rung rinh khiến cho cả cánh đồng hoa trắng hồng khẽ uốn lượn như cánh chim hạc trước khi cất cánh. Cảm xúc của tôi như bị cuốn theo cơn gió kia, trôi đến miền xa vời khuất núi. Bất chợt đưa tay nắm lấy, cảm giác nuối tiếc cũng biến mất theo cái với hụt vội kia.
Tiếng khèn rất khẽ phía dưới vang vảng kéo tôi trở lại với thực tại trước mắt, nơi cái nhìn đau đáu của Tùng vẫn chưa hề dịch chuyển.
- Vòng hoa này hợp với em đấy.
Tôi khẽ chạm vào vòng hoa kết bằng cỏ dại và hoa tam giác mạch trên đầu, bần thần nhìn Tùng trong giây lát rồi mỉm cười.
- Thật sao?
Vẻ rạng rỡ của tôi khi ấy có lẽ rất cuốn hút, đến nỗi Tùng không ngại ngần cúi xuống cho một nụ hôn ấm áp. Thoáng ngỡ ngàng trôi qua, tôi vòng tay ôm trọn lưng anh.
Kì thực có lẽ tôi không thay đổi nhiều mấy, chỉ đủ để khơi lại những bản tính tự nhiên như thời mới ra trường, chuẩn bị đón nhận một tình yêu trọn vẹn đầu đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét