Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Hội nhập văn hoá phương Tây: Không thể bừa bãi



Hơn một thế kỷ qua, nước ta có hai thời kỳ giao thoa văn hóa Đông Tây xét ở phạm vi toàn quốc, nói chính xác hơn là giao thoa văn hóa bản địa và văn hóa phương Đông đã bản địa hóa và văn hóa từ phương Tây du nhập.





Thời kỳ thứ nhất, mang tính cưỡng bức diễn ra vào khoảng những năm 20 cho đến cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Thời kỳ thứ 2 là thời kỳ tự nguyện mở cửa và hội nhập, sôi động nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước đến ngày nay...

Ở thời kỳ thứ nhất, sau khi cơ bản bình định xong các phong trào chống đối, chính quyền thực dân Pháp ồ ạt du nhập văn hóa chính quốc vào thuộc địa Đông Dương, nhất là Việt Nam với những ý đồ có lợi cho chủ nghĩa thực dân. Bằng văn hóa, họ sẽ tạo ra một tầng lớp trí thức bản địa được "khai sáng" văn minh chính quốc, thần phục Pháp và từ đó sẵn sàng hướng theo Pháp, làm công cụ cho Pháp. Để thực hiện chủ trương này, họ xây dựng một hệ thống giáo dục theo mô hình giáo dục Pháp, đưa văn hóa Pháp vào nội dung giảng dạy, đào tạo; du nhập tràn ngập những tác phẩm nghệ thuật, văn hóa phẩm, lối sống, ngôn ngữ Pháp… vào nước ta. Bên cạnh ý đồ phục vụ sự cai trị của chính quyền, có một dòng khác, dòng văn hóa do những người Pháp, những người sùng mộ Pháp du nhập. Đó là những khu phố, nhà ở của người Pháp; thực phẩm, lối ăn uống, lối mặc, lối giao tiếp Pháp… Nền văn hóa này lập tức bị nền văn hóa bản địa chống lại như một lẽ tự nhiên. Đó là văn hóa của kẻ xâm lược, văn hóa thực dân đụng độ với nền văn hóa bản địa, đề cao độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực, cuộc du nhập, chủ yếu bằng con đường cưỡng bức của văn hóa phương Tây vào Việt Nam cũng mang lại những hiệu quả tích cực ngoài mong muốn của chính quyền thực dân. Đó là sức mạnh hỗ trợ cho cuộc vùng vẫy để thoát ra khỏi tầm cương tỏa của văn hóa Hán hóa. Là cuộc tiếp thu những tinh hoa phương Tây, Việt Nam hóa văn hóa phương Tây để làm phong phú cho văn hóa bản địa mà điển hình của nó là chữ quốc ngữ. Là sự hình thành một tầng lớp trí thức mới, mảnh đất màu mỡ cho quá trình gieo cấy, hòa nhập văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Sau hơn 20 năm đất nước chia làm hai miền, miền Bắc tiếp thu nền văn hóa mang màu sắc XHCN ở các nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, chủ yếu là Trung Quốc, Liên Xô và các nước ở Đông Âu. Miền Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ, do chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ mang lại. Năm 1975, đất nước thống nhất và đến năm 1986, quá trình Đổi mới được khởi xướng theo con đường hội nhập và phát triển. Một trào lưu văn hóa mới, trào lưu hội nhập văn hóa rộ lên, chi phối hầu hết các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Luồng văn hóa từ phương Tây và ảnh hưởng của phương Tây vào Việt Nam trước hết làm thay đổi cái nhìn của người Việt Nam với thế giới. Trước đây là một không gian đóng kín. Xung quanh chúng ta là một bức tường, bên kia bức tường là một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn khác biệt đến mức trong sự hình dung của không ít người, ngay cuộc sống bình thường của con người cũng không thể hòa đồng được. Với chính sách mở cửa, nhiều người - đặc biệt là giới trí thức Việt Nam nhận ra rằng, ngoài những điểm khác biệt mà những khác biệt này chủ yếu là do giới chính trị, giới cầm quyền vốn ghét cay ghét đắng CNXH tạo ra, cuộc sống con người, văn hóa của loài người vẫn có nhiều điểm chung cho dù họ sống ở khu vực địa lý nào. Từ chỗ nhận ra những mẫu số chung ấy, cách nhìn, cách nghĩ của người Việt Nam đã khách quan, nhiều phản biện hơn. Khả năng xét đoán, lựa chọn những cái tốt giữ lại, những cái xấu thì chối từ, loại bỏ tăng lên. Lấy một thí dụ trong bóng đá chẳng hạn.

Trước đây, đối với tuyệt đại đa số khán giả nước ta, bóng đá của các nước trong Liên bang Xô viết, bóng đá của một số nước Đông Âu như Ba Lan, như Đông Đức là nhất thế giới. Nhưng rồi tầm mắt nhìn xa hơn, với trình độ công nghệ thông tin ngày càng tiến bộ, chúng ta được xem trực tiếp các giải bóng đá vô địch châu Âu, vô địch các câu lạc bộ châu Âu, vô địch Nam Mỹ, vô địch bóng đá thế giới… dần dà, sự đánh giá, ngay cả sự hâm mộ cũng khác đi. Cách nhìn của người Việt Nam với nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển, thậm chí với các đội bóng công bằng, khách quan hơn. Thái độ cởi mở, tôn trọng sự thật tương tự như vậy còn có ở hầu hết các lĩnh vực, giúp chúng ta từ bỏ dễ dàng hơn những tư tưởng cũ, cách đánh giá cũ nhiều khi sai lầm, thiên lệch.

Cũng sau hơn 25 năm mở cửa, bằng các cuộc giao lưu, bằng những thông tin từ nhiều nguồn, văn hóa phương Tây với những tinh hoa của nó đã giúp cho tầm dân trí, tầm văn hóa của người Việt thay đổi rất nhiều. Những hiểu biết về văn hóa thế giới đã giúp cho khi nhìn vào văn hóa Việt Nam, cùng một lúc, giảm tông cả hai thái cực. Thứ nhất là cho rằng văn hóa Việt Nam là nhất, không những Việt Nam là cái nôi sinh ra loài người mà còn là một trong những chiếc nôi sinh ra nền văn minh của loài người. Không chỉ trong quá khứ mà ngay hiện nay, Việt Nam cũng là đại diện cho một nền văn minh, nền văn minh lúa nước ở một quốc gia nhiệt đới nóng ẩm. Ngược lại là xu hướng tự ti nhược tiểu, thấy cái gì ta cũng lạc hậu, hèn kém, chưa rõ hình hài.

Từ chỗ biết căn kẽ hơn cái gì mình có họ cũng có, cái gì mình có mà họ không có, cái gì mình thiếu mà họ có, cái gì nếu cố có thể theo được, cái gì khó có thể bằng người từ việc soi rọi mình với thế giới, một động lực mạnh mẽ thôi thúc sự tìm tòi sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam được khơi dậy. Đã có vài chục năm, văn học nghệ thuật chỉ biết đến một học thuyết, một phương pháp sáng tác. Nó có nhiều mặt tích cực nhưng chưa đủ, nó là sự tiến bộ nhưng không phải không có khiếm khuyết. Giờ đây, tùy "gu" nghệ thuật, các nghệ sĩ có thể tự do lựa chọn cho mình một phương pháp sáng tác nào đó, từ đồng hành với phương Tây hiện nay đến khơi lại, làm mới hơn nhiều thứ các nghệ sĩ và công chúng phương Tây đã bỏ qua hàng thế kỷ. Trong mỹ thuật là tượng trưng, ấn tượng, trừu tượng, sắp đặt. Trong âm nhạc là các dòng nhạc có gốc dân gian, có gốc bình dân hoặc điện tử, thậm chí khơi lại dòng nhạc lãng mạn, nhạc trữ tình từng sôi động một thời. Trong văn học là cuộc đua làm mới lại chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tân hình thức và nhiều trường phái cận đại khác. Người ta không còn bằng lòng chung nhau một chiếc ô nữa mà chia đường rẽ ngả nào cấu trúc luận, cá nhân luận, bản thể luận, hậu hiện đại luận... Những người tôn vinh phương pháp sáng tác hậu hiện đại cũng nhiều màu sắc. Ngay đến nội hàm của từ hậu hiện đại là gì cũng đang bùng nổ nhiều cuộc tranh luận gay go, chưa ai chịu ai. Xu hướng tự "cởi trói", tự do trong lựa chọn khuynh hướng, trường phái sáng tác từ lâu đã trở nên quen thuộc ở phương Tây, khi vào Việt Nam, tuy còn dò dẫm nhưng đã mở ra một không gian sáng tạo rộng thoáng, mới mẻ hơn, cho phép nhiều năng khiếu trở thành tài năng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng nghệ thuật. Và đến lượt mình, công chúng nghệ thuật ở Việt Nam cũng đổi mới, ít định kiến hơn trong rất nhiều lĩnh vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Tuy thế, cũng không thể xem thường những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phương Tây đối với nền văn hóa, hẹp hơn là văn học nghệ thuật của nước ta. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa hiện nay ai cũng thấy rõ. Nguyên nhân dẫn đến điều đó chủ yếu từ chủ quan, từ "nội sinh" nhưng cũng không thể xem nhẹ những bụi bặm, ruồi muỗi cùng với hương thơm ùa vào nước ta từ khi mở cửa. Xu hướng tách văn học nghệ thuật khỏi những tác nhân xã hội, khỏi chính trị trong sáng tác cũng như thưởng thức đã xuất hiện ở chỗ này chỗ khác có nguồn gốc từ phương Tây. Xu hướng bạo lực, xu hướng sex hóa nhiều quan hệ xã hội đang ngày càng phổ biến. Người ta đang nói đến một cuộc "cách mạng" trong tình dục với rất nhiều điều đáng phiền lòng, làm băng hoại thuần phong mỹ tục và để lại rất nhiều tệ nạn, có một phần được cổ súy bởi ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây. Người ta cũng nói việc đề cao đồng tiền như một giá trị vạn năng, những quan niệm dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa yêng hùng cực đoan… cũng có phần nguồn gốc từ phim ảnh, ca nhạc, tiểu thuyết của bên ngoài, chủ yếu từ phương Tây. Cuối cùng, tác hại hơn cả, nó hạ thấp những thành tựu văn nghệ cách mạng, nó làm rạn vỡ và thu hẹp đội ngũ công chúng, hình thành một thị hiếu, một lối sống, một hệ tư tưởng chối bỏ dân tộc, sùng ngoại, chạy theo những giá trị tiêu cực trong văn hóa ngoại lai.

Xu thế hội nhập để cùng phát triển, trong đó có hội nhập văn hóa là không thể đảo ngược. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên và không thể là một ốc đảo về văn hóa. Chủ động hội nhập, chắt lọc mọi tinh hoa văn hóa bên ngoài, kể cả tinh hoa văn hóa phương Tây để làm phong phú mình là ích nước lợi nhà. Nhưng đẩy nhanh quá trình hội nhập không có nghĩa là hội nhập lấy được. Muốn tiếp thu được cũng cần phải học, cần có một trình độ nào đó để đón nhận và từ chối. Gần đây, còn có tiếng nói tỏ ý tiếc rẻ một số thành tựu văn hóa thực dân vì ta thắng trận mà phải ngừng lại, tiếc rẻ cho một giai đoạn lịch sử khá dài chỉ được phép phát triển một dòng văn hóa nên đã làm thui chột khá nhiều năng lượng của nền văn hóa nước nhà. Những tiếng nói ấy là phiến diện, không có căn cứ, nếu không nói rằng nói lấy được

V.D.T. (CÔNG AN NHÂN DÂN)

Nữ bác sỹ Việt Nam chữa nhiều bệnh nan y tại Hungary


“Con người ta thế nào cũng nghi ngại khi nghe tới một phương pháp chữa bệnh mới, giúp người liệt có thể đi lại, người điếc có thể nghe. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã thuật lại rằng phương pháp châm cứu cấy chỉ đã giúp họ làm được điều đó.”




Bác sỹ Lê Thúy Oanh. (Nguồn: Fejér Bálint)


Đây là đoạn viết trong bài báo có tựa đề “Cấy chỉ, hy vọng cho những phụ nữ muốn sinh con” về bác sỹ Lê Thúy Oanh, một gương mặt trí thức trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary của nhật báo Bors (Hungary).

Inez là một bé gái ba tuổi khỏe mạnh. Năm 2007, cha mẹ cháu tìm đến một nữ bác sỹ Việt Nam có phòng mạch tại Hungary và được bác sỹ áp dụng một phương pháp châm cứu mới mang tính “cách mạng."

Trả lời báo Bors, Cseri Zsófia (thành phố Kiskunfélegyháza, miền Nam Hungary) cho biết vợ chồng cô không muốn thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, vì nhiều người quen của họ khi tham gia chương trình này đã rất mệt mỏi về tinh thần, nhất là khi không thành công. Do đó, hai người quyết định thử một phương pháp chữa bệnh mà trước đó họ đã được nghe nhiều lời khen.

“Khi chúng tôi đến gặp bác sỹ Lê Thúy Oanh, chúng tôi nghĩ không có gì để mất. Tất nhiên chúng tôi cũng có nghi ngờ, nhưng quả thực điều thần kỳ đã đến với chúng tôi: sau một lần điều trị, tôi đã có thai” - Cseri chia sẻ.

Cseri nói cho tờ Bors rằng mỗi lần đi điều trị, cô được bác sỹ Oanh cấy chỉ vào 20-30 huyệt, kể cả vào thái dương. Sau Inez cô đã sinh bé thứ hai và đang mong chờ đứa thứ ba sẽ chào đời vào tháng Tư sang năm. “Bằng phương pháp này, tôi không chỉ có được những đứa con mà còn khỏi bệnh cường năng tuyến giáp mà trước đây một vị giáo sư 65 tuổi từng bảo tôi là 'đừng hy vọng gì nữa'."

Năm 1989, khi Hungary thay đổi thể chế, bác sỹ Oanh tới Hungary lần đầu và hiện tại, phương pháp cấy chỉ - một nhánh đặc biệt của châm cứu, do bác sỹ Oanh cải tiến và nâng cao tại Việt Nam, được bác sỹ áp dụng tại Hungary, duy nhất ở châu Âu.

“Thông qua hơn 1.200 huyệt đạo trên cơ thể, châm cứu có thể tác động tới những cơ quan nội tạng. Thậm chí, so với cách châm bằng kim truyền thống, chỉ trong cấy chỉ còn liên tục phát huy được tác dụng của mình cho đến khi nó hoàn toàn được hấp thu, do đó nó khiến quá trình chữa trị được thúc đẩy một cách hết sức tích cực,” bác sỹ Oanh tóm tắt bản chất phương pháp điều trị của chị cho tờ Bors.

Được biết, trong số bốn cuốn sách liên quan tới đề tài này của chị, đã có hai cuốn được đưa vào giảng dạy chính thức tại Đại học Y ở Việt Nam.

Không chỉ chưa vô sinh, cấy chỉ cũng đem lại thành công trong các căn bệnh tim mạch và liên quan đến sự vận động của cơ thể (nhiều khi còn hiệu nghiệm trong cả những trường hợp tưởng chừng vô vọng như điếc bẩm sinh, hoặc một số dạng bại liệt).

Tháng 5/2000, Albert László (54 tuổi, vùng Lukácsháza) bị những triệu chứng ngày càng nặng của căn bệnh bại liệt do viêm dây thần kinh và được điều trị. Bệnh nhân này kể với Bors rằng trước đây, tại viện, ông đã được các bác sỹ chữa chạy bằng cách khử khỏi máu những phần tử bị viêm nhiễm, nhưng cách điều trị này cũng chỉ khiến ông đỡ trong vòng 1-2 ngày.

“Tại cơ sở cấy chỉ Việt Nam của bác sỹ Oanh, tôi được cấy chỉ tại ít nhất là 40 huyệt đạo, trên đầu, thái dương, dọc các đốt xương sống, và giữa các ngón tay, ngón chân. Ngay sau lần điều trị đầu tôi đã thấy khỏe lên, và sau 1-2 tháng tôi đã có thể tự chống nạng tới chữa bệnh, rồi sau có thể bỏ nạng. Hiện giờ tôi làm công việc chân tay cường độ cao bên máy, mỗi ngày 12 tiếng, và tôi cảm thấy vẫn mạnh khỏe” - ông Albert kể. Hiện nay, cứ ba tháng một lần, ông vẫn từ vùng Lukácsháza xa xôi lên Budapest điều trị nhằm tăng cường hệ miễn dịch.

Một bệnh nhân xin giấu tên cho biết, sau khi bị chảy máu não, các bác sỹ đã bảo rằng không bao giờ ông có thể cử động được tay trái. Tuy nhiên, sau vài lần điều trị cấy chỉ, bệnh của ông đã thuyên giảm. Còn mẹ một cháu nhỏ bị bệnh tự kỷ thì kể rằng sau khi được điều trị, con chị điềm đạm hơn, ý thức hơn, và cử động của cháu cũng trở nên điều hòa và có sự phối hợp hơn.

Theo bác sỹ Oanh, trong điều trị, y học dân tộc Phương Đông nhìn nhận cơ thể con người là một thể thống nhất, và trọng tâm là sự cân bằng. “Chúng tôi chữa bệnh bằng cách kích hoạt những nguồn năng lượng đối nghịch, cũng như giải thoát năng lượng thừa, nghĩa là tìm cách khôi phục sự cân bằng nội tại của cơ thể”.

Hoàng Linh

TTXVN

Bạn học Tể tướng xứ Ếch



Tư dinh của ngài đương kim Tể tướng xứ Ếch lầu một lâu đài tráng lệ được xây dựng bằng chính "nhớt" của loài ếch. Hẳn nhiên, lâu đài của ngài luôn được bảo vệ nghiêm mật.

Sáng chủ nhật hôm nay, lâu đài của ngài xảy ra chuyện nghiêm trọng và nhanh chòng được loan truyền khắp nơi. Đám cận thần của ngài vui mừng vì kịp thời ngăn chặn được âm mưu thù địch, hòng tìm cách tiếp cận ngài Tể tướng. Các bảo vệ lâu đài của ngài Tể tướng quả thật là những " Ếch nhái " thông minh, tài giỏi.

Chuyện đồn đại thế này:

Sáng nay, một cụ Ếch nông dân đầu đội lá sen, tay mang giỏ tre đến lâu đài của ngài Tể tướng. Cụ Ếch chỉ mới nhảy đến cổng lâu đài đã bị các Ếch bảo vệ chặn lại, quát hỏi :

_ Này lão Ếch quê mùa, lão lê la ở đây làm gì?

_ Dạ thưa mấy anh- Tôi đến thăm Tể tướng ạ!

_ Ô hay, nhìn bộ dạng của lão thì làm sao quen biết tể tướng chứ?- Nói mau, Lão có ý đồ gì đây.

_ Dạ, thưa mấy anh. không dấu gì mấy anh, tôi là bạn học thời tiểu học ở dưới quê lên thăm ạ.

" Bốp" - lão Ếch đã bị bảo vệ giáng cho một báng súng. Chưa kịp hoàn hồ thì lão nhận ra nhiều ếch vệ sĩ vây quanh lão với súng chĩa thẳng vào.

_ Thưa... mấy anh- Lão Ếch run rẫy

_ Giơ tay lên ! Cấm động đậy- Một vệ sĩ Ếch quát lớn.

Lão Ếch riu ríu làm theo. Hai ếch vệ sĩ khác đã nhảy tới khóa tay lão.Một tên vệ sĩ lớn tiến.

_ Đúng là bố láo, mày định qua mặt bọn tao à?

_ Dạ thưa... tôi thực sự là bạn học của ... ngài Tể tướng ạ.

" Bốp" - Lão Ếch lại ăn ngay một cái bạt tay như trời giáng. Tên Ếch vừa đánh lão vừa đánh lão vừa bảo:

_ Tao theo Tể tướng từ bé. Ngài làm gì có " Bạn học" chứ!

_ ? ? ?

Đức ra luật công nhận giới tính thứ ba



Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép trẻ em sinh ra có đặc tính của cả nam và nữ được công nhận là giới tính thứ ba.





Những đứa trẻ mới sinh tại Đức có thể được đăng ký "giới tính thứ ba" thay cho giới tính nam hoặc nữ như trước đây. Ảnh: Alamy.

Những người làm cha, mẹ tại Đức có đặc điểm giới tính của cả nam và nữ giờ đây có thể đăng ký con mình có “giới tính thứ ba”, theo một luật mới của nước này, nhằm mục đích giúp họ tránh phải làm những cuộc phẫu thuật giới tính không cần thiết cho con.

Luật công nhận giới tính thứ ba tại Đức có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2013. Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép cha mẹ của em bé vừa sinh ra bỏ trống cả hai ô giới tính nam và nữ trên tờ giấy khai sinh của con, đồng nghĩa với việc lựa chọn “giới tính thứ ba” cho đứa trẻ. Sau này, đứa trẻ lớn lên có thể điền dấu X vào ô giới tính trong hộ chiếu, thay vì M (nam) hoặc F (nữ) như trước đây.

Điều luật mà Đức vừa thực hiện dựa trên thực tế là có một số người có cả hai giới tính. Họ còn được gọi là những người chuyển giới hoặc liên giới, trong cơ thể có cả nhiễm sắc thể nam và nữ, có những đặc điểm của cả hai giới.

Các nhà lập pháp Đức hy vọng rằng điều luật mới sẽ giúp các bậc cha mẹ giảm bớt áp lực về việc đăng ký giới tính vào giấy khai sinh cho con. Đôi khi, một số cha mẹ phải quyết định phẫu thuật cho em bé để định hướng giới tính rõ ràng.

Chính phủ đã từng nhận được nhiều lời phê bình, phàn nàn rằng thực hiện phẫu thuật quyết định cho đứa trẻ sơ sinh trước khi đứa trẻ đủ lớn và tự quyết định giới tính cho chính mình là một hành động vi phạm nhân quyền.

Một số người chuyển giới bị phẫu thuật quyết định giới tính từ bé cũng cho rằng việc phẫu thuật đã khiến họ tổn thương, khiếm khuyết về cả tinh thần và thể chất. "Tôi không phải đàn ông hay phụ nữ. Tôi là một miếng vải chắp vá do bác sĩ tạo ra, đầy sẹo và thương tích", một người từng trải qua phẫu thuật giới tính từ nhỏ chia sẻ.

Bà Andrea Budzinski, Chủ tịch Hội chuyển giới và liên giới tính Đức, phát biểu: “Chúng tôi muốn mọi người được tự do khỏi mọi sự can thiệp, đặc biệt là khi họ không thể thể hiện mình bởi họ còn quá nhỏ. Cần phải chắc chắn rằng không có thêm đứa bé nào bị ép buộc làm phẫu thuật giới tính. Điều luật này cũng sẽ thay đổi cách mà mọi người vẫn nhìn nhận chúng tôi. Trước đây, chúng tôi bị coi là những người “bị bệnh”.”

Điều luật mới được ban hành tại Đức đã nhận được sự ủng hộ từ những người hoạt động đấu tranh vì công bằng, bình đẳng.

Luật công nhận giới tính thứ ba được coi là một bước đi đúng đắn, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên những nghi vấn về luật pháp. Konstanze Platt, một giáo sư luật tại Đại học Bremen, đặt ra câu hỏi liệu những người lớn lưỡng giới hiện tại có thể lựa chọn giới tính “X” thay vì “F” hoặc “M”, và liệu hai người giới tính “X” có thể kết hôn với nhau hay không.

Như vậy, hiện tại vẫn chưa rõ luật công nhận giới tính thứ ba tại Đức sẽ ảnh hưởng thế nào đến luật hôn nhân nước này.

Theo ANTĐ/Telegraph

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

SỨC MẠNH CỦA NỖI BUỒN



Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh
Bảo Ninh


Nỗi buồn đã có lúc bị xem là cảm giác tiêu cực. Trong giai đoạn chiến tranh, nó bị cho là đáng sợ đến mức mà đã có những chủ trương cấm không được ủy mị, không được buồn. Hậu quả của những chủ trương đó, các nhà thơ như Hữu Loan, Quang Dũng phải gánh chịu[1]. Nhưng nỗi buồn là một cảm giác người, một cảm giác mà thiếu nó, con người sẽ không là con người. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam thấu hiểu điều đó nên đã dùng nỗi buồn để đối lập lại sự phi nhân của chiến tranh. Chiến tranh có thể hủy diệt mọi thứ, nhưng nó không ngăn được người ta cảm thấy buồn, cảm thấy đau khổ. Chiến tranh có thể giết chết người, nhưng không thể giết chết được tính người. Nỗi buồn bị cấm đoán, người ta sợ nó làm mất dũng khí. Nhưng thực ra chính nỗi buồn làm nên sức mạnh cho những người lính chiến đấu và chiến thắng. Không phải sự thù hận, mà là nỗi buồn. Yêu nước trước hết là đau buồn vì đất nước bị xâm lăng, bị nô lệ. Nỗi đau buồn đó là một trong những cảm xúc khởi thủy của những trạng thái cảm xúc khác trong chiến tranh, là sức mạnh nguồn cội từ đó hình thành nên mọi sức mạnh khác mà người Việt Nam đã có trong chiến tranh.

Thế nên, bất chấp mọi cấm đoán, những câu thơ như “Đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc / buồn viễn xứ khôn khuây”, những bài thơ như Màu tím hoa sim trong thời chiến vẫn được lưu truyền rộng rãi dù là không công khai và chúng gìn giữ phẩm chất người cho cả một dân tộc. Không một sự cấm đoán nào có thể khiến con người nơi đây từ bỏ phẩm tính người. Họ đã gìn giữ những câu thơ, những tác phẩm diễn tả tâm hồn, diễn tả đời sống tinh thần của họ. Những câu thơ như vậy, hay nỗi buồn chiến tranh là những dấu hiệu cho thấy dân tộc này là dân tộc của những con người chứ không phải là những cỗ máy chỉ biết phục vụ chiến tranh hay phục vụ thể chế một cách vô điều kiện. Gìn giữ và truyền bá những tác phẩm văn chương nghệ thuật thể hiện nỗi buồn trong một hoàn cảnh như vậy chứng tỏ cộng đồng này đã tìm cách bảo vệ quyền tự do làm người, bảo vệ nhân tính của mình.

Chính trong tinh thần này mà cần đọc lại tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.



Ngay từ trang đầu tiên ta đã nghe thấy giọng của nỗi buồn cất lên. Chính nó, dù tác giả chưa gọi tên. Chưa gọi tên nhưng đã cấp cho nó một diện mạo. Nỗi buồn tạc dáng vẻ của nó vào không gian, khắc sự hiện diện của nó vào thời tiết, triệu về kẻ đồng hành chết chóc của nó: chiến tranh. Nỗi buồn chảy ra từ mưa, bốc lên từ những gói hài cốt, nỗi buồn phả ra từ không khí ướt át.[2]

Âm hưởng của nỗi buồn lan tỏa suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết. Nó là âm thanh chủ đạo. Âm thanh của nỗi buồn vượt lên trên mọi âm thanh khác ở thời chiến. Nó trở thành một thứ âm thanh cứu rỗi. Chính nỗi buồn giữ cho con người vẫn còn là con người trong cái cỗ máy xay thịt của chiến tranh ; nó khiến con người, dù bị hủy diệt bởi bom đạn sắt thép, vẫn đứng cao hơn bom đạn, sắt thép. Vì nỗi buồn không phải là âm thanh gào rú của máy bay, không phải là tiếng gầm của bom, tiếng nổ của pháo, tiếng rít của đạn. Nỗi buồn là âm thanh “của tâm hồn con người trong cuộc xung đột với chính nó, điều duy nhất có thể tạo ra tác phẩm hay, bởi đấy là điều duy nhất đáng để viết, đáng để thống khổ và nhọc nhằn”[3]. Tôi trích ý của Faulkner trong diễn từ nhận giải Nobel để nói như vậy. Gìn giữ nỗi buồn trong cảnh tàn sát và chém giết diễn ra hàng ngày của chiến tranh cũng có nghĩa là chống lại sự tàn lụi của tính người, chống lại sự hủy diệt con người. Faulkner còn nói rõ ông từ chối điều gì: “Tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người. […] Tôi tin tưởng rằng, con người sẽ chiến thắng. Nó bất tử không phải vì giữa muôn loài nó có một tiếng nói không mệt mỏi, mà là vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng trắc ẩn, hy sinh và nhẫn nại. Bổn phận của nhà thơ và nhà văn là viết về những điều ấy. Đó là đặc quyền của hắn để giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn mình, bằng cách nhắc nhở con người về sự can đảm, danh dự, hy vọng, kiêu hãnh, trắc ẩn, tình thương và sự hy sinh, những gì đã từng là vinh quang trong quá khứ của họ.”[4] Faulker được biết đến như một nhà cách tân quan trọng của tiểu thuyết thế kỷ XX, và như ta thấy, trong diễn từ nhận giải Nobel này, ông đã không nói về kỹ thuật văn chương. Đối với ông, sáng tạo kỹ thuật là gì? Là “sáng tạo ra từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì trước đây chưa từng có”. Và nếu văn chương quan trọng thì bởi vì nó “là những điểm tựa, những trụ cột giúp con người chịu đựng và chiến thắng”[5]. Bảo Ninh đã viết trong tinh thần này, ông cho chúng ta thấy rằng nỗi buồn chính là một chất liệu của tinh thần con người, là điểm tựa nhân tính giúp con người chịu đựng và chiến thắng.

Nỗi buồn giúp con người tồn tại trong chiến tranh với tư cách là con người, nó giúp con người ra khỏi chiến tranh mà vẫn còn là người. Ở cuốn tiểu thuyết này, mọi cảm giác tiêu cực : sợ hãi, bất lực, cảm giác nhục nhã, tàn bạo, cảm giác chiến bại, tuyệt vọng, niềm vui sống sót mang tính phi nhân (niềm vui không cưỡng lại được khi người khác chết mà mình thì còn may mắn được sống), cảm giác căm thù… tất cả đều được thanh lọc trong nỗi buồn, tất cả đều được thanh tẩy trong ánh sáng của nỗi buồn. “Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát.” (90) Các hồi ức thời hậu chiến cũng được kết thúc trong sự cứu rỗi của nỗi buồn : “Tuy nhiên bao nhiêu sợ hãi và đau đớn, uất giận và căm hờn, những trạng thái tinh thần bạo liệt đã co giật và giằng xé trong lòng anh khi ấy trước tình cảnh kinh khủng quá sức chịu đựng ấy, không còn có thể trỗi dậy cùng với hồi tưởng. Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn –nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh – tràn phủ tâm hồn anh” (206)

Mọi trạng thái kinh khủng, tàn bạo, chết chóc của chiến tranh cũng được hòa vào trong nỗi buồn. Chiến tranh để lại, trên những vùng đất mà nó tàn sát, không chỉ là sự hủy diệt, mà còn là cái nỗi buồn đã trở thành đặc trưng của mọi sự tồn tại trên mảnh đất đó: “đi đêm ở vùng này có thể nghe thấy chim chóc khóc than như người”, “các loại măng lại nhuốm một màu đỏ dễ sợ đến vậy, đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu”. Có thể nhìn nhận những miêu tả này như là dấu hiệu của phong cách kinh dị, ma quái. Nhưng cũng có thể nhìn thấy ở đó sự hiện diện của nỗi buồn, những đau đớn của chiến tranh vẫn còn tiếp diễn nơi những sinh vật sống.

Tại sao nỗi buồn có khả năng cứu rỗi? Vì nỗi buồn chính là tâm hồn, là một phương diện của tâm hồn con người. TÂM HỒN. Từ này vang lên nhiều lần trong tác phẩm. [“Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên” (29), “Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy” (43), “ở ngoài tầm với của tâm hồn anh” (47), “theo dần năm tháng tâm hồn anh càng ngày càng chín muồi hơn cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng của đời mình” (49), “cũng như Kiên, hầu hết anh em ở đội hài cốt đã ra khỏi chiến tranh với một tâm hồn tràn ngập bóng tối tang thương” (88). “Dường như bóng tối của giời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh” (115), “mặc cảm về sự què quặt hiển nhiên của tâm hồn mình” (123); “Tâm hồn anh trong đau khổ dường như đã biến hình” (183)…] Song hành với từ “tâm hồn” là một từ khác: TRÁI TIM. [“trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy” (28), “và trái tim tôi run rẩy nhói đau” (44)…] Nghịch lý của chiến tranh là như vậy, giữa bạo lực tàn khốc, giữa sự hủy hoại mù quáng, giữa một thế giới phi nhân thì những gì sâu sắc nhất thuộc về nhân tính, tâm hồn, trái tim, lại hiện ra một cách lồng lộng. Kiên hoàn toàn chắc chắn là anh có một tâm hồn. Anh dùng từ đó, “tâm hồn tôi”, một cách tự nhiên, anh biết rất rõ nó tồn tại, anh biết rõ nó là gì.

Nỗi buồn không chỉ đưa con người siêu vượt guồng máy chiến tranh. Nhờ nó Kiên mới có thể tồn tại trong hòa bình. Không có nỗi buồn, có lẽ cuộc sống sẽ chỉ còn là một sự chịu đựng dai dẳng. Nhờ nỗi buồn mà Kiên vẫn thực sự sống. Nhờ nó mà Kiên biết thế nào là cái đẹp và giá trị. Nỗi buồn đã giúp Kiên hồi sinh trong hành động viết. Nỗi buồn là sức mạnh kích hoạt hành động viết. Với Kiên thời hậu chiến, sống có nghĩa là viết, hành động có nghĩa là viết. Và viết là để tìm lại nỗi buồn chiến tranh, tìm lại cội nguồn của nhân tính. Thật nghịch lý, đối với Kiên, chiến tranh mang lại sức mạnh cho tâm hồn con người, còn những tấn thảm kịch của đời sống thường nhật đã làm tàn lụi những sức mạnh đó, đã hủy diệt tâm hồn. Bảo Ninh, vào thời điểm viết cuốn tiểu thuyết, đã nhận thấy điều này: tâm hồn dường như trở thành một thứ xa xỉ phẩm trong đời sống hiện tại. Đời sống không chiến tranh này đã hủy hoại nhân tính với một tốc độ mà ta không lường trước được. Nỗi buồn chiến tranh, đó chính là cái đẹp mà đời sống thời bình đã đánh mất. Đối với Kiên, nỗi buồn đó gắn với hai thứ đẹp nhất: tình yêu và tự do. Hai thứ đó phải chăng giờ đây đã là quá khứ ? Đấy là lý do vì sao Kiên cứ đuổi theo mãi những hồi ức về thời đã qua: “Từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm tiếc nuối không nguôi cứ mãi thổi hoài qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi…” (46)

Hồi ức khiến quá khứ trở thành hiện tại. Hồi ức khiến hiện tại bị xâm chiếm, bị thay thế bởi quá khứ. Thế nên, Kiên suốt trời phải sống trong cuộc chiến đó. “Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng?” (44) “Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. […] những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay” (45) Quá khứ chiến tranh, oái ăm thay, lại là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, lại là nguồn sức mạnh tinh thần, lại là thứ mà Kiên không muốn quên, không thể quên khi đối diện với tấn trò đời của thời bình. Kiên nhiều lần nhấn mạnh điều này : “Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng” (45) . Hồi ức về chiến tranh có sức mạnh cứu rỗi, có khả năng duy trì niềm tin. Hồi ức đó gắn liền với nỗi buồn và tình người. Máu, sự chết chóc được hóa giải trong nỗi buồn đó. Trong chiến tranh người ta ý thức được mình là một con người, người ta biết hành động như thế nào cho ra con người. Đó là ý nghĩa của sự hy sinh, của lòng can đảm, vị tha… khi đối diện với toàn bộ tính phi nhân của cuộc chiến. Còn đời sống thời hậu chiến diễn ra theo chiều hướng nào? Người ta không còn dám đối mặt với sự phi nhân được ngụy trang nhân danh tồn tại. Và nhân tính dần dần bị đánh mất nhân danh quyền được sống. Cuốn sách do vậy không chỉ có giá trị phản chiến, nó còn có ý nghĩa cảnh tỉnh, nó cảnh báo về sự hủy diệt nhân phẩm của những thảm kịch xã hội trong đời sống không chiến tranh. Xã hội hòa bình mà trong đó Kiên đang sống là một xã hội như thế nào để đến nỗi một người cựu chiến binh phải đi tìm niềm tin và sức mạnh trong hồi ức về cuộc chiến tranh mà anh đã vui mừng thoát khỏi nó? Cách đặt vấn đề này của tác phẩm khiến ta có thể xếp Bảo Ninh không chỉ vào hàng ngũ của các nhà văn viết về chiến tranh, mà còn có thể xếp ông vào hàng ngũ những nhà văn viết để cảnh tỉnh và bảo vệ các giá trị người theo nghĩa phổ quát. Tác phẩm của Bảo Ninh là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi nó được viết ra trong mục đích tìm kiếm, bảo vệ, và duy trì cái đẹp. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh này: cái đẹp được bảo tồn trong nỗi buồn. Nỗi buồn là hiện thân của cái đẹp. Nỗi buồn nâng cao tâm hồn con người. Do vậy, nỗi buồn ở đây không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, mà trái lại, chính là sức mạnh của nhân tính, sức mạnh của cái đẹp. Cũng vậy, sẽ rất sai lầm trong việc tiếp nhận tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh “con quỷ” trong Chí Phèo, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh nạn nhân của nhân vật, mà không thấy hết giá trị cái chết của Chí. Đó là một cái chết có ý nghĩa[6]. Cái chết của một con người có khả năng từ chối sự tồn tại vật lý để bảo vệ các giá trị người của mình, để bảo vệ các giá trị tinh thần của mình. Chí Phèo thực ra ý thức rất rõ về hành động cuối cùng, về lựa chọn cuối cùng, dù nhà văn đã cố tình « đánh lừa » độc giả bằng cách đặt Chí vào tình trạng say. Trước khi đi tìm giết Bá Kiến, Chí Phèo đã uống rất nhiều . Nhưng « càng uống càng tỉnh. Tỉnh ra, chao ơi buồn ». Buồn đến mức « hắn ôm mặt khóc rưng rức ». Chí Phèo đã hành động, đã chết với một ý thức hoàn toàn tỉnh táo, với sự « kiêu ngạo » và « dõng dạc » cất tiếng đòi làm người lương thiện. Điều đáng nói ở đây là : cái cảm giác mà Chí có trước khi chết là cảm giác buồn. Và cảm giác mà Chí có sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng hạnh phúc đầu tiên cũng là cảm giác buồn. Tính người trong Chí hồi sinh cùng với quá trình trỗi dậy càng ngày càng mãnh liệt của cảm giác buồn : từ « mơ hồ buồn », đến « chao ôi là buồn », rồi « hắn nôn nao buồn », « đến khóc được mất ». Một lần nữa, ta có thể thấy rằng, trong quan niệm của nhiều nhà văn Việt Nam, nỗi buồn chính là cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn là phần sâu thẳm của đời sống tinh thần. Chí nói rõ với Bá Kiến : « Chỉ còn một cách... biết không ? » Chỉ còn một cách là chết đi để có thể làm người. Chí phải chết để bảo vệ phần người đã phục sinh trong Chí. Nam Cao cũng nói chính điều đó : con người có thể chết nhưng nhân tính không thể bị hủy diệt. Chí Phèo là một con người chân chính, con người đã dám lựa chọn cái chết để bảo tồn tính người thay vì kéo lê một sự tồn tại có tính thú vật. Nam Cao cũng diễn đạt cái điều mà Faulkner tin tưởng : « con người sẽ chiến thắng ». Cái chết của Chí Phèo chính là sự chiến thắng của con người. Xã hội có thể bất công, có thể thối nát, có thể tàn bạo, nhưng nếu các cá nhân trong xã hội đó còn nỗ lực đi sâu giải mã nội tâm, tìm hiểu về sự thật của chính mình, còn theo đuổi, tìm kiếm, gìn giữ phẩm giá người, gìn giữ cái đẹp, thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn có khả năng thay đổi.

Ở Kiên, sống đồng nghĩa với viết, và viết đồng nghĩa với hồi tưởng. Hồi ức trả lại cho Kiên sức mạnh. Hồi ức đòi được hiện hữu, đòi có một hình hài, đòi được vật chất hóa, nghĩa là đòi Kiên phải ghi lại, phải viết. Tác phẩm của Kiên được phát động từ một sức mạnh buồn bã. Nhờ nó mà Kiên có thể sống sót. Nhờ nó mà Kiên hồi sinh. Kiên hồi sinh vào quá khứ, chứ không phải là hồi sinh từ quá khứ[7]. Ngòi bút của anh chỉ có một con đường : lần trở lại dĩ vãng, làm sống lại sức mạnh được hun đúc từ dĩ vãng, được cất giấu trong quá khứ. Sứ mệnh của Kiên là phải trở thành nhà tiên tri của thời quá khứ. « Ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ, ấy cũng là ánh sáng thức tỉnh, ánh sáng cứu rỗi của đời anh. Bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi tưởng, trong nỗi đau buồn chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ” (208). Tại sao lại báo trước thời quá khứ? Thật kỳ lạ. Cứ như thể tương lai sẽ được làm bằng quá khứ, hay quá khứ chính là nội dung của tương lai. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy sự sâu sắc của ngòi bút Bảo Ninh khi xây dựng nên nhân vật - người tiên báo quá khứ - này. Đến một ngày người ta sẽ phải quay lại để nhìn nhận cái quá khứ chiến tranh ấy như nó vốn tồn tại trong thực tế, với tất cả mọi sự thật của nó ; chứ không phải chỉ trình bày nó ở những khía cạnh người ta muốn trình bày, chỉ nhìn nó ở những khía cạnh mà người ta muốn nhìn. Chừng nào các sự thật về cuộc chiến còn chưa được hiển lộ, chừng nào quá khứ còn chưa hiện diện trong toàn bộ tính chân thực của nó, chừng đó vẫn còn chưa có ký ức lịch sử (hoặc chỉ có một thứ ký ức lịch sử giả mạo) và chừng đó quá khứ vẫn chưa phải là quá khứ. Trong ý nghĩa này Kiên là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua.

Có hai dòng hồi ức chính: hồi ức về chiến tranh và về tình yêu. Bắt đầu bởi hồi ức về chiến tranh và kết thúc bởi hồi ức về tình yêu, ở đoạn khốc liệt nhất, đau đớn nhất, chết chóc nhất của mối tình không tàn phai ấy. Cuốn sách đề cập đến những chủ đề lớn : chiến tranh, hòa bình, cái chết, cuộc sống và tình yêu. Nó đặt câu hỏi : sống là gì ? và đâu là khả năng tồn tại của tình yêu ? Có những lúc Kiên thực sự phân vân giữa cuộc chiến và Phương, giữa lý tưởng và tình yêu. Kiên đã có ý nghĩ ở lại bên Phương, vĩnh viễn, nhưng rồi “chiến tranh tình yêu của tôi” (189). Kiên đã lựa chọn như nhân vật Le Cid của Corneil. Đúng hơn Kiên đã lựa chọn điều mà các thanh niên Việt Nam đã lựa chọn vào thời điểm đó, nói cách khác là Kiên không có lựa chọn. Cuộc chiến đó là ý nghĩa của cuộc sống, là giá trị làm người. Rồi Phương bị cưỡng hiếp trên con tàu đưa Kiên vào chiến trận, bị cưỡng hiếp bởi những kẻ cùng chiến tuyến với Kiên. Thú tính. Vậy ra thú tính không chỉ trỗi dậy khi người ta buộc phải bắn giết, khi người ta bị buộc phải đứng về những phe đối lập nhau. Nó có thể hiện diện khắp nơi, có thể trỗi dậy khắp nơi. Mối tình bất thành của Kiên là nạn nhân của thú tính nơi con người, một thứ thú tính ở tầm phổ quát, chứ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, khi mà thú tính trở thành một phản ứng có điều kiện.

Mối tình của Kiên và Phương không bao giờ tàn phai, nhưng bất thành. Đây là lời giải thích đau đớn của Phương về việc tại sao hai người sống cạnh nhau trong cùng một hành lang mà không thể đến được với nhau, không thể trọn vẹn thuộc về nhau : “Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn. – Phương nói với anh khi bỏ ra đi – Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi… Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?” (80) Kiên đã làm Phương cảm thấy nhơ bẩn bằng những phản ứng tức thời trên con tàu khi biết rằng Phương bị làm nhục, khi bỏ đi không một lời từ biệt để Phương phải tìm kiếm một cách tuyệt vọng ở thị xã Thanh Hóa. Kiên tiếp tục khiến cho Phương cảm thấy mình nhơ bẩn khi trở về sau chiến tranh, khi hai người đã thử cùng chung sống. Kết cục là Phương phải thốt lên : « Đôi khi em cảm thấy mình như một con vật » (146) Phương ra đi cùng người họa sĩ già, như một giải pháp duy nhất để giải thoát cho cả hai người, để cô còn có thể cảm thấy mình là một con người. Kiên đã không biết làm thế nào để giúp Phương thoát khỏi ám ảnh về sự nhơ bẩn, nhục nhã. Kiên không biết làm cách nào để vượt qua cái hạt sạn đã trở thành quả núi ấy, không còn biết hành động như một người bình thường, không còn biết yêu, biết quên như một người bình thường. Kiên không bằng cả người đàn ông trong câu ca dao: “giữa đường nhặt cánh hoa rơi / Hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Kiên không bằng cả cái anh chàng nho sinh họ Thúc, người đã biết nâng niu giá trị của một cô gái lầu xanh như Kiều. Chiến tranh đóng vai trò gì trong việc tình yêu của anh bị hủy hoại như vậy bởi chính anh? Chính ở sự bất lực này của Kiên, sự yếu đuối này của Kiên mà cuốn tiểu thuyết giúp ta nhận thấy toàn bộ tính chất phức tạp của tâm hồn con người. Kiên đau buồn mắc kẹt trong tấn bi kịch mà không ai ngoài anh có thể hóa giải nổi. Cả cái bi kịch này nữa cũng tắm trong ánh sáng của nỗi buồn, một thứ ánh sáng lạnh, sâu, nhức nhối, sưởi ấm cuộc đấu tranh nội tâm của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà Kiên có biệt hiệu là “Thần Sầu”. Kiên là hiện thân của nỗi buồn. Kiên mang trong mình một nỗi buồn truyền kiếp, được cha anh trao lại trong lời trối cuối cùng của ông: “không còn những bất hạnh lớn lao nữa… Nhưng nỗi buồn thì không nguôi… vẫn sẽ còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại gì được cho con ngoài nó, nỗi buồn ấy.” (126) Hẳn ông biết rằng đó là một gia tài quý giá mà không một tài sản vật chất nào có thể so sánh nổi. Cuộc đời Kiên là một nỗi buồn dài dằng dặc ; mọi nỗi buồn đều biến thái từ nỗi buồn nguyền thủy ấy. Nó giúp anh không chỉ nâng cao tâm hồn mà còn kết nối anh với những người khác. « Chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh.”(257-258). Nhờ nỗi buồn mà Kiên chống lại sự tàn lụi của tâm hồn, chống lại sự suy tàn của con người. Nỗi buồn cũng là tài sản duy nhất mà anh để lại trên mớ giấy tờ lộn xộn và trên những dòng chữ rối loạn. Kiên bỏ đi, có thể là đã chết. Nhưng nỗi buồn của Kiên tiếp tục sống cùng với người đàn bà câm, và tiếp tục sống với tất cả mọi người khi bản thảo của anh được công bố. Cùng với nỗi buồn mà anh sẽ tiếp tục tồn tại.

Sẽ như thế nào nếu nỗi buồn chết đi mà con người vẫn sống ?


Nguyễn Thị Từ Huy
Tóm tắt :
Bảo Ninh, trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, đã nhìn nhận nỗi buồn như một cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn chính là sức mạnh giúp con người chiến đấu và chiến thắng cả sự tàn khốc của chiến tranh lẫn sự phi nhân trong đời sống hòa bình. Với tác phẩm, nỗi buồn quy định cơ chế vận hành của văn bản. Với nhân vật chính, Kiên, nỗi buồn vừa có tính di truyền, vừa là sức mạnh kích hoạt hành động viết và duy trì khát vọng sống.


[1] Vấn đề này cần được đào sâu và xem xét trong toàn bộ lịch sử của nó thì mới có thể cắt nghĩa được hiện tượng : buồn từng là điệu hồn của các nhà thơ mới rồi sau đó bị coi là tiêu cực, bị cấm đoán (rất nên nghiên cứu về sự cấm đoán cảm giác người này để hiểu thêm những chuyện khác) trong một thời gian dài, thậm chí kể cả sau khi chiến tranh kết thúc, cảm giác buồn vẫn cứ bị cấm đoán, cứ như thể nó là tội lỗi. Bằng chứng là cuốn sách của Bảo Ninh phải đổi nhan đề ở lần xuất bản đầu tiên : « Nỗi buồn chiến tranh » bị biến thành « Thân phận tình yêu ».

[2] « Nửa đêm mưa xuống. Một màn mờ mỏng, dịu như sương, êm lặng rơi hầu như không thành tiếng. Tấm bạt xe cũ nát lấm tấm dột. Nước mưa rỉ xuống thong thả rỏ giọt lên những bọc ni lông gói hài cốt tử sĩ xếp lát trên sàn xe. Không khí ẩm sánh lại, quánh ướt, từ từ lùa những ngón tay dài ngoằng lạnh toát vào bên trong bọc võng. Chảy rào rào buồn buồn, miên man như là dòng thời gian trôi thành tiếng, nghe nửa tỉnh nửa mơ. Cả trong lẫn ngoài giấc ngủ đều một đêm tối như bưng và mịt mùng hơi ẩm. Gió ướt rượi thở dài. Tự nhiên có cảm giác tuồng như chiếc xe bỗng dưng rời chỗ, im lìm lăn bánh, chạy êm ru, không cần động cơ, không người cầm lái, một mình mộng du trên con đường rừng cô quạnh. Và âm thầm lẫn trong tiếng suối là tiếng thở dài của rừng sâu nghe vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo như là âm vang vọng lại từ một thời nào đó, như là tiếng của lán lá vàng rơi trên thảm cỏ từ lâu lắm rồi.” (Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, bản in năm 2009, tr. 5-6. Kể từ đây các trích đoạn của tác phẩm sẽ được chú thích số trang đặt trong ngoặc đơn)

[3] Diễn từ nhận giải Nobel văn học của William Faulkner, năm 1950. Trích theo bản dịch của Phan Đan và Phan Linh trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ, nxb Hội nhà văn, 1992, tr. 391.

[4] Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.

[5] Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.

[6] Dù rằng từ một góc độ khác, cái chết đó bộc lộ sự yếu đuối của con người cá nhân bị khuất phục trước ý thức cộng đồng. Chúng tôi đã phân tích điều này trong bài viết « Ý thức cộng động và số phận cá nhân ».

[7] “Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh” (83)

HÃY ĐƯA EM ĐI




Anh hãy đưa em ra bờ sông, nhìn con thuyền trôi dạt mà cứ ngỡ mình đang bay trên con nước chở nặng phù sa, như tấm lòng em chất chứa ưu phiền chỉ mong trút bỏ.

Anh hãy đưa em ra biển, nhìn sóng triều lên đập vào bờ đá tung bọt không ngừng, để tưởng nhớ tình mình phải chịu bao nhiêu bão tố vẫn chưa tới bến yêu thương sau trăm lần mớm thử.

Anh hãy đưa em lên vùng cao nguyên đầy nắng, để ngắm nhìn rừng hoa trắng nở rộ khi xuân về. Và để hớp uống từng giọt sương mù phủ vây khi chiều xuống trên cánh đồng thung lũng. Nơi đã có những trận ác chiến kinh hồn và những cơn mưa ào ạt cuốn trôi bao mái nhà bao vết máu, để tưởng thương những người đã khuất chưa một lần may mắn biết hương vị tình yêu.

Anh hãy đưa em tới ngọn đồi phủ đầy hoa anh đào, để nhìn những cặp tình nhân đang dắt tay nhau đón nhận từng cánh hoa đỏ hồng rơi rụng trên vai trên tóc. Em sẽ nhìn từng khuôn mặt rạng rỡ để thấu nghiệm thế nào là màu nhiệm của tình yêu.

Anh hãy đưa em đến vùng sa mạc khô cằn, nơi có những đụn cát mênh mông chồng chất lên nhau như nhiều ngọn núi để em thấy mình bé nhỏ. Đêm đến em sẽ ngước mắt nhìn trời tìm những vì sao. Em sẽ tìm ngôi sao bổn mạng để gặng hỏi tại vì đâu mà duyên số em bẽ bàng cuộc đời em cay nghiệt, sống bấy nhiêu tuổi đời mà chưa biết được hạnh phúc yêu thương.

Anh hãy đưa em về quê hương về miền phù sa châu thổ để em chắp cánh lên cao như đàn cò trắng bay lượn hữu tình. Và hãy đưa em đến một hải đảo xa vắng bóng người để em chôn vùi kỷ niệm đớn đau trong lòng biển cả và dâng hồn mình cho sóng nước. Em sẽ sống những ngày cuối cùng với hoa cỏ chim muông. Hương hồn em sẽ dâng cho muôn vàn tinh tú, hóa kiếp thành những hạt bụi để hòa nhập vào vũ trụ của em và anh.

Anh, hãy nhớ nghe anh. Hãy đưa em đi…Hãy đưa em đến…



Lê Miên Khương


Thơ Apollinaire



Sables mouvants

Démons et merveilles
Vents et marées
Au loin déjà la mer s'est retirée



Démons et merveilles
Vents et marées
Et toi
Comme une algue doucement carressée par le vent
Dans les sables du lit tu remues en rêvant



Démons et merveilles
Vents et marées
Au loin déjà la mer s'est retirée
Mais dans tes yeux entrouverts
Deux petites vagues sont restées



Démons et merveilles
Vents et marées
Deux petites vagues pour me noyer.

G. Apollinaire



Cát dưới chân


Quỉ dữ và thánh thần
Gió lên, thủy triều xuống
Xa kia, biển lùi dần

Quỉ dữ và thánh thần
Gió lên, thủy triều xuống
Còn em
như cọng rong
gió vuốt ve
em ngủ
một giấc mê,
cựa mình trên nệm cát

Quỉ dữ và thánh thần
Gió lên, thủy triều xuống
Xa kia, biển lùi dần
Nhưng trong đôi mắt em hé mở
hai con sóng nhỏ
không đi vẫn ở

Quỉ dữ và thánh thần
Gió lên, thủy triều xuống
hai con sóng còn đó,
để dìm anh,
chết đuối một đời.



Nam Dao chuyển ngữ 





Thằng “chúa chổm”





Từ Sâm


Công ty tôi có thằng bạn tên Phú, nó cùng phòng với tôi, ra trường cùng khóa nhưng khác nghành. Sở dĩ tôi hay gọi nó là Phú “chổm” vì khi nào cũng kêu nợ. Vợ chồng hắn và vợ chồng tôi khá thân thiết. Chả là, cách đây hai chục năm cơ quan bên vợ tôi phân cho căn buồng chừng mười lăm mét vuông, vừa ờ vừa nuôi heo, còn vợ chồng hắn ở hành lang của công ty, đặt vừa cái giường mét hai. Hai nhà cách nhau chừng năm phân vách liếp, xin tí nước mắm chỉ thò tay qua cửa sổ là xong. Khi đi công tác, tôi chỉ thò tay qua lỗ thủng mà bắt tay tạm biệt, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên.

Mấy năm chắt bóp nuôi gà, vợ tôi có dăm ba phân gọi là của để dành. Hăm chín tết, khi làm vài ly “rượu có chấm chút thuốc rầy cho mau say”, nó dắt tôi ra bãi cát Bình Tân, nơi khỏi trả tiền nước vệ sinh và hưởng cái thú ỉa đồng cách Nha Trang chừng dăm cây số. Nó chỉ tay về phía bắc, “tao định ẵm chỗ này”, tôi hỏi “bao nhiêu mét vuông”, “mấy trăm mét cũng vô tư”, nó trả lời. Một lúc phân vân nó bảo tôi “cho tao mượn năm phân nhé, tao có năm phân rồi, hết một chỉ cả thảy”, “mua đất thì tao ủng hộ liền, giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”. Tay chém gió quyết đoán nhưng tôi cũng hơi bị lo, sợ vợ không đồng ý thì quyết định của mình mất hiệu lực. Vợ hắn điều chỉnh âm lượng thế nào mà vợ tôi mau mắn rút nhẫn ra khỏi ngón tay phân gà (vì đang lấy trứng) tròng vào ngón tay vợ nó đen thui (vừa đi cân heo về chưa kịp rửa).

Hắn sở hữu bãi sa mạc chừng năm trăm mét vuông đầy xương rồng và mảnh bom. Hắn đào giếng, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau. Vợ hắn là nhà nông chính hiệu, quần xắn tận bẹn, cặp đùi ăn nắng màu da bò. Rửa chuồng xong, phăm phăm đạp xe chở mùn cưa, có người nhắc mới dừng xe xỏa quần, không thì thôi. Ai cười mặc kệ, kiếm cái ăn đã, đẹp mà đói cũng vứt. Trời thương vợ chồng hắn chăm chỉ, heo không bệnh, gà không dịch, vườn đầy trái. Chưa đầy năm, vợ hắn tròng ngón tay vợ tôi chiếc nhẫn, “xong nợ khỏe người”, rồi thở thượt một cái.

Tôi nhắc lại câu “giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”, “tao cũng nghĩ như mày”, nó lấy tay chém gió giống tôi.

Mấy năm sau, gía đất lên nhanh hơn gía đậu, hắn thành người giàu có. Anh ruột nó từ quê vào. Tôi được nhờ chở đi vòng thành phố, khi chuyện len tới thằng Phú, tôi thán phục “thằng Phú nhìn xa trông rộng, đất thành vàng cả rồi, mấy chục cây không chừng, ngoài mình có ai giàu rứa không”. “Nghe vợ chồng chú than nợ mua đất chưa trả hết. Định mượn chú ít tiền về mua con heo giống nhưng chú cũng ngặt nên tui chơi vài ba ngày rồi về. May là hôm vào đi nhờ xe người trong làng”, anh xuống giọng trầm buồn.

Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.

Thỉnh thoảng, tôi hay ghé nhà nó kiếm trái cà chua ăn sống chấm mắm ớt. Vợ nó sau khi quản lý và xuất chuồng mấy chục con heo thịt, có tiền tươi, chia tay nghề nông, vào công ty thuốc lá, chúng tôi gọi đùa là “công ty nhang khói”. Vợ hắn khoe “em mua chiếc xe cup 89 đi làm, giá hai cây tư, mời anh tới nhà rửa xe”. Tôi đến chúc mừng. Tay nâng ly bia “lên cơn”, Phú nói trong đám tiệc “mua thì mua mà nợ cứ nợ”. Mọi người ai cũng tin nhưng tôi thì không. Chiếc xe là kết quả hắn cắt xéo miếng đất cho vuông vắn, hàng rào dời có vết cọc, tôi lạ gì.

Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.

Làm cả đời không bằng trời thương. Hắn chuyển qua công ty vận tải viễn dương. Chuyên đánh quả hàng chợ, đi Singapore một lời ba, đi Nhật một lời bảy. Người hút thuốc ngày càng nhiều thì “công ty nhang khói” càng nở ra, càng phát đạt, vợ hắn lĩnh lương mua một lần mấy chỉ. Chưa qua hai lần “chúc mừng năm mới”, hắn ẵm về con Rim gần tám cây vàng. Rửa xe, hắn nâng cấp chiêu đãi lên nhà hàng. Nâng ly bia Hê ni ken, hắn tuyên bố “mua thì mua nợ cứ nợ”. Mọi người phục lăn “thằng này giỏi, dám nợ mới sắm được của”.

Nó có thằng bạn thân cùng học cấp ba, nghe nói củ khoai sống ăn cắp cũng chia đôi. Bạn nó là giáo viên đại học ngành chài lưới, muốn vay nó vài chỉ mua chiếc cối 79, là xe bãi rác từ Nhật tha về (ai đời thầy thiếu ăn gầy như que củi đạp xe ngược gió hơn chục cây số đến nhà hắn mà miệng vẫn mỉm cười thì thật là yêu nghề). Nhưng nghe nó nói mua xe nợ, thầy tiu nghỉu ra về, chiếc xe đạp bó lốp như băng cánh tay bị thương, dắt bộ hơn trăm mét thầy mới lên yên.

Tôi định mở miệng đính chính với thầy nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.

Tiền nhà giàu đẻ nhanh hơn gà đẻ trứng, dây chuyền chồng chéo trên cổ, nhẫn vàng nhẫn bạc chi chít ngón tay. Kinh doanh mở rộng, buôn có bạn, bán có phường, vợ nó bắt đầu làm ăn với dân buôn ngoài chợ.

Chưa đến kỳ thôi nôi con Rim, cả xóm ngạc nhiên thấy hắn cúng kiếng ngoài cổng từ tờ mờ sáng, vài hôm sau đá gạch ấm ầm đổ về. Nó xây nhà mới. Nhà biệt thự ba tầng to vật vã. Lại có dịp gặp nhau. Ngoài bạn bè nghèo kiết xác như tôi mừng phích Trung Quốc, nhiều người lạ mặt đến bằng xe hơi, khệ nệ bưng đồ.

Lần này hắn nâng ly bằng rượu tây và y sao bản chính “nhà có đó, nợ có đó, nhà to, nợ nặng”. Người bà con bên vợ ghé chơi định vay tiền mua chiếc xe đạp cũ cho con gái dạy thêm để phụ tiền trọ, nghe vậy, im lặng ra về như dơi bay.

Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Tết chưa giáp lai, thấy hắn ngồi trên con bốn bánh chạy lui chạy tới trước khu tập thể, nó bấm còi báo hiệu, nhóm bạn ăn theo xe mới ngồi kín chỗ. Hắn chạy ra Bãi Tiên, nơi cởi truồng miễn phí, cách Nha Trang mười mấy cây, gió mát từ trên mát xuống, từ ngoài mát vào. Hắn nhấn cho bõ ga, vừa nhấn vừa hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay..., chưa có lúc nào ta uống mà say”.

Lần này nâng ly rượu có pha mật gấu, như băng thu sẵn phát ra từ miệng, nó dõng dạc “mua thì mua nợ cứ nợ”.

Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Báo ra ngày thứ năm trên trang nhất có đăng tin “vụ vỡ nợ mấy chục tỉ đồng”, trong đó có tên vợ thằng Phú.

Từ đó, thấy bạn bè là nó tránh mặt.



Nha trang thu 2011

Thế giới siêu thực trong “Ngụ ngôn của người đãng trí” của Ngô Kha



PHẠM THỊ ANH NGA


Tiếp xúc với trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” (1969) của Ngô Kha, bên cạnh sự khâm phục và ít nhiều đồng cảm, người đọc dễ dàng có cảm giác từng bước lạc vào một mê cung rối rắm, một thế giới lạ lùng tựa như mê hồn trận, đan xen giữa thực và mơ, hiện thực và ảo giác. Trường ca “Ngụ ngôn…” khá dài, gồm tất cả 788 câu thơ. Ngoại trừ sự phân chia thành tám trường đoạn, được đánh số La Mã (từ I đến VIII) nhưng không có nhan đề riêng, độc giả không tìm được ở đâu một dấu hiệu hay mốc cụ thể nào hầu có thể bấu víu vào mà giải mã: hầu hết các câu thơ đều không có dấu chấm câu, chữ đầu câu không viết hoa, câu từ nối kết với nhau như xâu chuỗi và những hình ảnh, câu chuyện dường như núm níu nhau một cách lạ lùng nhưng liền mạch.

Vận những đặc trưng của thơ siêu thực như đã được André Breton định nghĩa năm 1924 vào việc quan sát “Ngụ ngôn…”, có thể nhận ra trong suốt chiều dài của bản trường ca sự hiện diện ở nhiều chiều kích của thơ siêu thực, và điều này phần nào giúp chúng ta tìm được cho mình một mạch đọc tương thích với bản trường ca.

Chủ nghĩa siêu thực (Surréalisme) là một trường phái nghệ thuật cách tân phát triển ở Pháp vào giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20, mà nhà thơ André Breton là người đề xướng và giương ngọn cờ đầu. Nhà thơ Guillaume Apollinaire đặt tên cho trường phái mới đó là “siêu thực”, và chủ trương của nó thì được A.Breton nêu rõ trong “Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực” (1924). Theo đó, lời nói, văn bản hay một hình thức thể hiện nào khác cũng đều phản ánh quá trình hoạt động thực sự của tư duy. Tư duy thế nào thì thể hiện ra thế ấy, mà lý trí không hề kiểm soát hay can thiệp, cũng như không có bất kỳ mối quan tâm nào về mặt mỹ quan hay đạo lý. Dấu hiệu để nhận biếtthơ siêu thực là lối viết tự động, những hình ảnh vụt lóe lên bất ngờ, từ ngữ va đập nhau một cách sáng tạo, những kết hợp ngôn từ quái lạ… Trào lưu nghệ thuật này tập hợp không chỉ những nhà thơ, mà cả các họa sĩ cùng thời. Trong các họa phẩm của họ, hiện thực và giấc mơ được đặt chồng lên nhau, đan xen lấy nhau với nhiều hình ảnh bất ngờ, đáng kinh ngạc về thực tại.

Xem xét “Ngụ ngôn…”, có thể thấy trường ca này thể hiện rất rõ nhiều đặc trưng của thơ siêu thực, tập trung vào hai mảng chính là sự khước từ thực tại và tính lô-gic, và sự hiện diện của những giấc mơ, của vô thức và trí tưởng tượng.

1. Sự khước từ thực tại và tính lô-gic

Trong “Ngụ ngôn…”, thực tại chỉ thi thoảng hiện ra và len, lẫn giữa muôn vàn những ngôn từ, câu cú, hình ảnh kỳ dị, những liên tưởng bí ẩn và xâu chuỗi lạ lùng khiến nó ít nhiều bị che lấp.

Từ “nét mặt hiền hòa bất động của em” là một chi tiết thuộc về thực tại, đến “tôi thấy nốt ruồi son chói lọi” dường như đã là một sự vượt thoát, để sau đó những hình ảnh tiếp theo lại hiện ra như trong giấc chiêm bao huyền ảo, thậm chí kỳ quặc:

trên nét mặt hiền hòa bất động của em
tôi thấy nốt ruồi son chói lọi
tiếng chim sành hót trong tiềm thức người say rượu
vỏ cây nứt một loài hoa vô sắc (c.79-82)

Những hành động, sự kiện tưởng như bình thường trong dòng tự sự cũng đã thoát ra khỏi khung cảnh thực tại và có vẻ phi lô-gic:

người say rượu cắm hoa immortel lên vết thương
và vết thương nẩy lộc
trong tấm áo cỏ khô mùa hạ
người say rượu đắp bùn lên trái tim (c.68-71)

Rất nhiều những hành động dị kỳ, những hình ảnh dị kỳ, đặc biệt là nhiều trường hợp ngôn từ và hình ảnh được kết hợp một cách bất ngờ, tạo nên hiệu ứng và sức hút bí ẩn:

người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ (c.85)
người say rượu uống hỏa châu
đội mũ triều thiên
người say rượu bước vào công viên dã tràng
mây hồng hoang mở ngõ

giữa khu rừng mộng mị của người thiếu nữ da đen (c.30-34)
Cách sử dụng ngôn từ bằng cách đặt cạnh nhau những từ ngữ tưởng chừng như rất “chỏi” nhau, không thể nào tương thích cũng là đặc trưng của thơ siêu thực. Bởi câu thơ không còn tuân thủ những lề luật cứng nhắc mà được chính mạch suy tư, cảm quan của nhà thơ vạch đường, gợi ra thành những xâu chuỗi ngôn từ, hình ảnh đầy ấn tượng (“tuyết đen”, “những dòng chữ chảy từng hàng não sống”, “khoảng vô hình nhìn tôi”…):

mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp (c.74)

tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn
những dòng chữ chảy từng hàng não sống
trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước
những dòng chữ khai sinh (c.99-102)

tuổi thơ của tôi
chỉ là những đốt xương trắng (c.145-146)

tôi bẻ nhánh xương rồng quơ lên hư không
người con gái ho khúc khắc rất đau đớn
tôi chạy theo cánh sao cỏ mùa
người con gái biến đi mất
bây giờ chỉ còn sa mạc
và khoảng vô hình nhìn tôi vĩnh viễn (c.155-160)

Bản thân nhà thơ cũng phân thân thành hai, ba thực thể, nhân vật: không chỉ ở chỗ vừa là “tôi” vừa là “người đãng trí”, và vừa là “người say rượu” hay “đứa con trai”…, mà những nhân vật được tách chiết ra từ chính nhà thơ cũng tiếp xúc, đối thoại với nhau, tương tác với nhau như thể đang cùng tồn tại trong một thế giới huyền thoại nào đó:

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
đọc diễn văn truy tặng người đãng trí (c.1-2)

tôi và người say rượu hát bài ngụ ngôn (c.20)

tôi cầm tay người say rượu nói về trái đam mê (c.43)
người say rượu cầm tay đứa con trai
gọi tên ngày ra đời
đứa con trai giằng co với người say rượu
cả hai đi khỏi vùng ảnh hưởng của dòng sông (c.50-53)

tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh (c.75-77)

Bản thân “tôi” cũng có thể là hai thực thể tách lìa:

tôi bỏ một mình tôi ở lại (c.110
)

tôi đuổi bắt tôi
chập chờn cơn ác mộng (c.149-150)


Không - thời gian cũng không còn đơn thuần của thực tại mà được bóc tách thành không - thời gian của hiện thực và không - thời gian của ảo giác. Ở đó con người dịch chuyển qua lại dễ dàng giữa không - thời gian thực tại và không - thời gian huyền ảo:

cây đàn thủy tinh chở tôi qua dãy núi
đi thăm kỷ niệm (c.123-124)

tôi cỡi lạc đà qua rừng gió (c.126)

tôi biền biệt trôi đi
trong hoàng hà tĩnh vật (c.219-220)

Và cùng với hiện tại, trái với lẽ thường, còn có sự đồng hiện của tương lai và quá khứ, ở đó thực tại của hiện tại và thực tại của tương lai và của quá khứ hòa lẫn vào nhau như trong giấc chiêm bao hay trong trí tưởng tượng:

người say rượu hát bài trần tấu kẻ bán than
những tiếng trầm dấu tích thời đá cũ (c.40-41)

chiều đóng cổng giam cầm năm đứa con trai
trong khu vườn tiền sử (c.44-45)

dòng sông đen bắc cầu qua núi
với con voi ngà thời thượng cổ
hai chiếc sừng tráng lệ (c.242-244)

mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
sao mắt mẹ còn mở
sách trên án thư cũng ngủ khuây
nhưng hồn mẹ vẫn thao thức
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu. (c.780-788)

2. Sự hiện diện của những giấc mơ, của vô thức và trí tưởng tượng

Câu thơ nối câu thơ, từ nối từ như tuôn chảy từ một mạch nguồn vô tận những ngôn từ, hình ảnh, từ ảo mộng đa chiều, đa sắc màu, đa hình tượng và lung linh huyền thoại, là cái bóng hắt trực tiếp từ thế giới vô thức của một kẻ mộng du hay người bị thôi miên. Và ở đó lý trí, tính lô-gic thông thường hoàn toàn vắng bóng:

nhà mọi người giờ nầy đã úp mái
chỉ có bầy gà hoang đẻ trứng vàng trên tàng cau (c.111-112)

ôi hỏa mù và trái sáng
cơn mưa hồng trên thịt da người
đêm đêm căn phần đóng ngõ
chỉ có khúc ai từ mọc trên cánh đồng quê (c.266-269)

con sư tử đá nửa khuya thức dậy khoác áo ngũ hành
đi thăm miền tĩnh vật (c.394-395)

người hành khất già nua
trên cằm mang một chùm sao Bắc đẩu (c.555-556)

nước mắt chỉ là vị cường toan
phòng thí nghiệm chiến tranh chứa đầy thức ăn
cho người yếm thế (c.620-622)

nếu bể không có những đứa con ngang tàng

như con sao biển đã đi qua nhiều đại lục
nếu bóng tối chẳng hiểu gì
tiểu sử về mái tóc em
thì quả đồng hồ
chỉ là một trái cam
dành cho người bệnh
thôi
em hãy châm lửa đâm mù mắt tôi
xin đừng căng dây đàn trái đất nầy (c.714-723)

tôi chỉ còn hồn tôi trong gió lốc cuồng si
với vần thơ hoang đường cưu mang nhục thể
như khúc hát độc huyền của kẻ câm
xin đừng trách tôi là người phù thủy (c.760-763)


tôi đi qua khu rừng không dấu tích
ba vành khăn tang lơ lửng ngó cành cây
dòng sông đen bắc cầu qua núi
với con voi ngà thời thượng cổ
hai chiếc sừng tráng lệ
và hai chiếc lưỡi lê
tôi bước xuống tầng cấp cuối cùng
cơn say đã thức dậy
không thấy nàng thơ khổ hạnh
chỉ có người con gái cài trâm lên đầu cho giấc mơ (c.240-249)


Không còn những rào cản của lề luật thi ca, những câu thơ trở nên tiếng nói bộc bạch của giấc mơ, trí tưởng tượng, của hoang tưởng, của giấc chiêm bao mộng mị mà chính nhà thơ cũng phần nào ý thức:

giữa khu rừng mộng mị của người thiếu nữ da đen (c.34)

người con gái mộng mị chiến tranh (c.57)

thời khắc dài như đường bay ác mộng (c.150)

tôi đuổi bắt tôi
chập chờn cơn ác mộng (c.149-150)

tôi ăn quả trứng vàng mộng mị (c.185)

giữa tuần trăng
cây sầu đông bỏ lại
cơn mộng du của người đãng trí dưới mưa rào (c.222-224)


Ở đó thực tại thi thoảng lại vụt lóe lên (“chiếc nhẫn hỏi không còn”, “chiếc nhẫn cưới bay mất”, “tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị”):

cơn hạn hán dẫn tôi đi khỏi vùng cấm địa này
chiếc nhẫn hỏi không còn
người con gái móc mắt tôi ném xuống hồ thủy ngân (c.170-172)

con đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi
chiếc nhẫn cưới bay mất
tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị
người con gái đâm mù mắt tôi
bằng hai quả trứng vàng (c.180-184)


cuộc hôn phối đa đoan của đời mình (c.712)

… hay thấp thoáng mơ hồ nhưng đoán định được (“cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần”):

cuộc giang hồ có ngàn lần ái ân
nhưng con đà điểu đã che mất huyền thoại
cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần
con đà điểu đập cánh ăn năn
nỗi vô vọng hồi sinh trong gió (c.190-194)

3. Cái chết, nỗi ám ảnh khôn nguôi

Trong dòng tuôn chảy liền mạch của ngôn từ và ý tưởng, với những liên tưởng lạ lùng và bất ngờ đó, hình ảnh cái chết cứ khi ẩn khi hiện, trở tới trở lui và rải khắp trong suốt chiều dài của bản trường ca. Những từ “chết”, “cái chết”, “tử thần” và những ngôn từ liên quan xuất hiện tương đối dày trong bản trường ca lột tả được nỗi ám ảnh thường trực về cái chết, những âu lo sâu kín và liên tưởng mộng mị từ trong vô thức của nhà thơ.

Từ “chết” xuất hiện khá nhiều, phần lớn tập trung ở nửa sau bản trường ca:

người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ (c.85)
tấm bảng chỉ đường có hình con ngựa ô
mang tên em nằm chết trên bụi cỏ (c.236-237)

đứa con trai khoác áo chim hồng bay qua đỉnh núi
với cái chết từ bi như thạch cao (c.313-314)

tình yêu là xác chết (c.383)

bây giờ em chết đi (c.421)

tôi sẽ chết như mùa đông trút lá cây hờn tủi (c.431)

nhiều cô gái ẩn ức đã chết đi (c.488)

Trong mỹ từ của người đã chết
người đang chết
và những người sắp đi vào cõi chết (c.582-584)

tổ tiên ta chết đi làm phân bón (c.592)

tự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết (c.600)
người lính bồng súng chào cái chết của một ngày (c.619)
kiểm điểm chuyện thần thoại của bể dâu
bao nhiêu trùng dương đã chết rồi (c.650-651)

cái chết lạc quan không được mọi người nhắc nhở (c.704)

Về những từ ngữ khác liên quan đến cái chết, nếu cụm từ “đoàn tử tù” được nhắc đi nhắc lại đến 14 lần trong trường đoạn VII (c.479-586 (*)), thì những từ ngữ còn lại (“truy tặng”, “chúc thư”, “tuẫn tiết”, “chiến tranh”, “tử thần”, mộ phần”, “tử thi”, “vành khăn tang”, “căn phần”…) đã xuất hiện từ những câu thơ đầu tiên và trải dài trong suốt bản trường ca:

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
đọc diễn văn truy tặng người đãng trí (c.1-2)

tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu (c.8)

tiếng dương cầm của hoa lài
tuẫn tiết (c.48-49)

người đàn bà ngồi trên công viên
tay cầm con sư tử đá
ra lệnh chiến tranh
cơn say đến giáp mặt tử thần (c.63-66)

người con gái lặng im nghe chúc thư (c.88)

cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần (c.192)

bầy quạ vàng là tử thi của hai người bạn (c.204)

tôi đi qua khu rừng không dấu tích
ba vành khăn tang lơ lửng ngó cành cây (c.240-241)

đêm đêm căn phần đóng ngõ
chỉ có khúc ai từ mọc trên cánh đồng quê (c.268-269)

cỏ còn xanh như ánh mắt tử thần
nhạc giáo đường trôi trên thi thể của hoàng hôn
của hư vô của niềm tuyệt vọng cháy sáng (c.290-291)


con muỗi mắt tuyệt mệnh trên cánh hoa phù dung (c.306)

tôi lớn lên để tiễn đưa bạn bè từ giã cuộc sống (c.310)
bốn bức tường tuyệt mệnh chôn vùi vết chân chim
khi trăng non rụng trên tấm hình hài rã mục

em ôm vành khăn tang
cúi đầu làm người con gái Việt Nam (c.316-319)

tên em trên tảng bia (c.341)
đêm đêm
tiếng chó tru linh hồn (c.371-372)

có ai gọi hồn trong tiếng hú khuya (c.379)
những nến trắng tiễn chân người chiến sĩ về hư vô (c.401)
nấm đất ải khô dành riêng cho bè bạn
nhỡ mai nầy từ giã cuộc đời
với bàn tay vôi đá… (c.405-407)

tiếng trống não nùng vang động bờ vĩnh cửu
mưa đá nhẹ nhàng rơi vào cõi vô biên (c.563-564)


nhạc giáo đường đưa vòng hoa tiễn chân (c.597)

trên con tàu của người tử tội (c.607)

hằng đêm thèm tự sát (c.610)

những con sông chảy qua cánh đồng mang thây người (c.612)
hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt
có những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt (c.616)


than đá thao thức đọc kinh cầu nguyện
cho những người khuất mặt (c.639-640)

mắt hư vô lạc vào khu nghĩa địa
con chó sói sợ hãi linh hồn trên đọt cây (c.663-664)

trên cánh đồng không có hoa
không có người
chỉ có chim ác là đậu trên những đốt xương (c.674-676)

mặt trời thổ huyết giữa rạng đông
chiếc xe tang chở cánh sao ban mai vĩnh biệt (c.684-685)

ngày ngày mặt trời giết ta
bằng con dao tự sát của hoàng hôn (c.691-692)

tên mọi người đã ghi vào viên đạn
quê hương lầm than chỉ có chiến tranh (c.697-698)

làn nước bạc kia chỉ là con dao của người tự sát
đã bỏ quên (c.746-747)

v.v..

Và cứ thế, những u uẩn bên trong vô thức, những giấc mơ, ảo giác và những ám ảnh nối nhau hiển lộ trong bản trường ca của nhà thơ, một người đãng trí tự nguyện, có chủ ý, trước những bế tắc của vận nước và tình riêng mà chính mình chưa tìm ra lối thoát.



*

Với trường ca “Ngụ ngôn…”, đọc và thử giải mã nó trước nay vẫn là một thách đố cam go, một thử thách không dễ gì vượt nổi. Như trước một trận đồ bát quái, mỗi người tự vạch lối đi cho chính mình. Nếu đối với nhà thơ siêu thực, bài thơ là kết quả của một cách viết tự động, của sự tuôn trào liền mạch do tư duy trực tiếp sai khiến, điều khiển, thì với người đọc, lần tìm dấu vết những mạch ý tưởng đó là một quá trình nhẫn nại mày mò nhằm nhận diện, bóc tách, tập hợp… đầy gian nan và run rủi.

Vạch được một lối đi trong thế giới hỗn mang đó, dù một cách mơ hồ, cũng đã là bước đầu khám phá, thấu thị, dẫu có khi đó chỉ tuyền là ảo ảnh.

Nhưng ngay trong cuộc đời này, giữa thật và ảo, giữa thực và mơ, có phải bao giờ cũng có thể tách bạch, rạch ròi… Và có phải bao giờ cũng cần phải thế hay không.



P.T.A.N.

------------------------------------------

(*) Cụ thể là các câu thơ 479, 482, 501, 511, 518, 551, 560, 562, 565, 566, 575, 576, 585, 586.

Nỗi buồn trong đêm Đông tịch liêu



Một đêm ưu tư ta lại tìm đến những cảnh vật ngoài kia
Cơn gió ngoài hiên lại làm lòng ta man mác nỗi buồn...



Ta chường người dậy cùng thức với đêm tối, ánh sáng phố u ngoan kia lại lòe lên trong mờ ảo. Ta lại cặm cụi ngồi thơ thẩn. Những cảm xúc trong đầu cứ mờ mờ - ảo ảo, đã nhiều lần ta cũng thế. Nhưng sao, lần này nó khác quá... nó kèm theo tiếng nhịp đập của con tim, tiếng máy quạt thổi vù vù lạnh đến thoắt người vì... ta mới từ phòng tắm bước ra. Nhưng ta vẫn cố cầm cự không muốn tắt, cho đến khi chai lì cái lạnh mới thôi! Cảm xúc trong đầu ta lại cứ thế, hoảng loạn và hoạt động như một cổ máy sắp bị hư hỏng. Ta lại cảm thấy mình trơ trụi quá, nghĩ và suy... toàn những câu chuyện buồn! Không đổi lấy một niềm vui nào cho riêng bản thân, cứ như... ta là người đau đớn và đầy sự chông chênh nhất vậy. Tuyệt vọng không một lối thoát - mà cũng gần như vậy rồi, còn gì?

Phải chăng? Ta đã sống vì nỗi buồn không thể thiếu nữa rồi, ta lại nhớ - lại trông - lại mong những điều không bao giờ đến, rồi ta lại buồn... ta suy tư với vẻ sầu thảm - chỉ mình ta biết thôi. Ta cố gắng, hướng mắt ra nhìn ngoài kia, phố đêm u buồn cùng tiếng rên rĩ trong con tim của ta, lại thoi thúc nhiều sự cô liêu.



Ta gửi gì đây cho gió ngoài kia, để ru lòng ta được nhẹ nhõm trong đêm đông se lạnh kèm theo sự cô đơn. Ta lại thế nữa rồi, lại trở về với cái không gian ảm đạm - giữa phố đêm "tịch liêu", gió kia... lại thổi mạnh rét buốt, cuống trôi đi hạt bụi li ti ngoài kia. Nhưng nỗi buồn của ta, vẫn còn đó. Không bay bỗng giữa thinh không nữa, cũng không luốn cuốn chạy theo gió... đơn giản là vì ta muốn ngồi suy tư cho chính ta lúc này

Ta cảm thấy rằng, mọi thứ lại càng trở nên hoảng loạn, càng xa vời. Và... nhiều rối bời, một phút lại thêm một chút ồn ào... cứ mỗi phút, con tim ta lại cồn cào những hổn độn kia. Ta như người đang chết trong một đống hoang tàn của tâm hồn rũ rượi. Nhưng... ta vẫn không giữ được sự "thinh lặng" dù cho có chết đi, tiếng ồn vẫn dai dẵng mãi cùng với biết bao nỗi đau khó tả?



Ta cố gắng đứng trước gương, im lặng và cố nhìn mình thật lâu qua đó - cái bản sao vừa thật vừa ảo... để rồi, ta cảm thấy một điều rằng - ta đã khác, ta thay đổi quá nhiều với cái ta của lúc trước! Mỗi sự việc trôi qua, ta lại thêm một vết hằn trên mi, lần này nhiều sự việc đến hơn nữa. Thì... ta chỉ có thêm một chút những vết hằn hơn trước, chắc... sẽ không sao đâu? Chỉ có thể... ta không nhận ra mình một chút thôi! Thân xác ta cũng từ đó, lại hoang tàn một cách nhanh chống hòa lẫn với biết bao cảm giác thiếu hụt kia - một cảm giác rai rứt đến bấn loạn.

Tiếng âm thanh của từng mảnh vỡ rơi xuống - lại lần nữa ta không kiểm soát được mình mà đập vỡ mọi thứ xung quanh, trong đó... có chiếc gương ta đang soi! Bởi lẽ, ta không muốn nhìn thấy ta ngay lúc này nữa - khuôn mặt lạnh tanh với sự nhơ nhếch kèm theo đó là tiếng rên rĩ của đôi mi bắt đầu đẫm lệ...



Thân xác bắt đầu rã rời, ta nằm xuống. Cố gắng nhắm đôi mi lại cho lệ kia đừng rơi, để mọi hoạt động của nghĩ suy được dừng lại. Ta lại thở vội trong giây phút choáng ngộp của con tim, ta đang cố gắng hòa mình vào dòng suy nghĩ một cách cân bằng và tương xứng, vì... ta sợ rằng nó lại lỗi nhịp với con tim mục nát của ta, chỉ cần... mọi thứ vỡ òa thì nó có thể giết chết tâm hồn "buồn" này bất kì lúc nào ta chẳng hay? Ta biết được rằng... ta đang rất sợ, không phải sợ cái chết của tâm hồn...

Mà là... ta sợ, ta yếu đuối trước chính bản thân ta ngay lúc này! Ta không dám gào thét lên, vì nó chứng minh ta một lần nữa rơi vào cảm giác tuyệt vọng của ít phút trước, cũng là vì ta sợ những gì đã diễn ra... điều làm ta sợ nhất là mọi thứ sẽ vỡ òa rồi đôi mi kia lại từ từ buông vị mặn chát, kèm theo đó là sự chua cay của nỗi buồn sâu thẫm. Thôi... ta không ưu tư nữa, ta cố gắng tìm đến giấc ngủ say, để được giải thoát cái đêm đông tịch liêu này!

Vì... ta sợ lắm khi thức dậy mọi người nhìn vào khuôn mặt nhệch nhạt này, lại biết rằng đêm qua ta đã rơi vào cảm giác buồn - tuyệt vọng và không chợp mắt được... điều quan trọng nữa là ta sợ mọi người bảo rằng, ta "yếu đuối" trong cái xã hội bộn bề những biển khổ.

Đắng