Từ Sâm
Công ty tôi có thằng bạn tên Phú, nó cùng phòng với tôi, ra trường cùng khóa nhưng khác nghành. Sở dĩ tôi hay gọi nó là Phú “chổm” vì khi nào cũng kêu nợ. Vợ chồng hắn và vợ chồng tôi khá thân thiết. Chả là, cách đây hai chục năm cơ quan bên vợ tôi phân cho căn buồng chừng mười lăm mét vuông, vừa ờ vừa nuôi heo, còn vợ chồng hắn ở hành lang của công ty, đặt vừa cái giường mét hai. Hai nhà cách nhau chừng năm phân vách liếp, xin tí nước mắm chỉ thò tay qua cửa sổ là xong. Khi đi công tác, tôi chỉ thò tay qua lỗ thủng mà bắt tay tạm biệt, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên.
Mấy năm chắt bóp nuôi gà, vợ tôi có dăm ba phân gọi là của để dành. Hăm chín tết, khi làm vài ly “rượu có chấm chút thuốc rầy cho mau say”, nó dắt tôi ra bãi cát Bình Tân, nơi khỏi trả tiền nước vệ sinh và hưởng cái thú ỉa đồng cách Nha Trang chừng dăm cây số. Nó chỉ tay về phía bắc, “tao định ẵm chỗ này”, tôi hỏi “bao nhiêu mét vuông”, “mấy trăm mét cũng vô tư”, nó trả lời. Một lúc phân vân nó bảo tôi “cho tao mượn năm phân nhé, tao có năm phân rồi, hết một chỉ cả thảy”, “mua đất thì tao ủng hộ liền, giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”. Tay chém gió quyết đoán nhưng tôi cũng hơi bị lo, sợ vợ không đồng ý thì quyết định của mình mất hiệu lực. Vợ hắn điều chỉnh âm lượng thế nào mà vợ tôi mau mắn rút nhẫn ra khỏi ngón tay phân gà (vì đang lấy trứng) tròng vào ngón tay vợ nó đen thui (vừa đi cân heo về chưa kịp rửa).
Hắn sở hữu bãi sa mạc chừng năm trăm mét vuông đầy xương rồng và mảnh bom. Hắn đào giếng, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau. Vợ hắn là nhà nông chính hiệu, quần xắn tận bẹn, cặp đùi ăn nắng màu da bò. Rửa chuồng xong, phăm phăm đạp xe chở mùn cưa, có người nhắc mới dừng xe xỏa quần, không thì thôi. Ai cười mặc kệ, kiếm cái ăn đã, đẹp mà đói cũng vứt. Trời thương vợ chồng hắn chăm chỉ, heo không bệnh, gà không dịch, vườn đầy trái. Chưa đầy năm, vợ hắn tròng ngón tay vợ tôi chiếc nhẫn, “xong nợ khỏe người”, rồi thở thượt một cái.
Tôi nhắc lại câu “giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”, “tao cũng nghĩ như mày”, nó lấy tay chém gió giống tôi.
Mấy năm sau, gía đất lên nhanh hơn gía đậu, hắn thành người giàu có. Anh ruột nó từ quê vào. Tôi được nhờ chở đi vòng thành phố, khi chuyện len tới thằng Phú, tôi thán phục “thằng Phú nhìn xa trông rộng, đất thành vàng cả rồi, mấy chục cây không chừng, ngoài mình có ai giàu rứa không”. “Nghe vợ chồng chú than nợ mua đất chưa trả hết. Định mượn chú ít tiền về mua con heo giống nhưng chú cũng ngặt nên tui chơi vài ba ngày rồi về. May là hôm vào đi nhờ xe người trong làng”, anh xuống giọng trầm buồn.
Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Thỉnh thoảng, tôi hay ghé nhà nó kiếm trái cà chua ăn sống chấm mắm ớt. Vợ nó sau khi quản lý và xuất chuồng mấy chục con heo thịt, có tiền tươi, chia tay nghề nông, vào công ty thuốc lá, chúng tôi gọi đùa là “công ty nhang khói”. Vợ hắn khoe “em mua chiếc xe cup 89 đi làm, giá hai cây tư, mời anh tới nhà rửa xe”. Tôi đến chúc mừng. Tay nâng ly bia “lên cơn”, Phú nói trong đám tiệc “mua thì mua mà nợ cứ nợ”. Mọi người ai cũng tin nhưng tôi thì không. Chiếc xe là kết quả hắn cắt xéo miếng đất cho vuông vắn, hàng rào dời có vết cọc, tôi lạ gì.
Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Làm cả đời không bằng trời thương. Hắn chuyển qua công ty vận tải viễn dương. Chuyên đánh quả hàng chợ, đi Singapore một lời ba, đi Nhật một lời bảy. Người hút thuốc ngày càng nhiều thì “công ty nhang khói” càng nở ra, càng phát đạt, vợ hắn lĩnh lương mua một lần mấy chỉ. Chưa qua hai lần “chúc mừng năm mới”, hắn ẵm về con Rim gần tám cây vàng. Rửa xe, hắn nâng cấp chiêu đãi lên nhà hàng. Nâng ly bia Hê ni ken, hắn tuyên bố “mua thì mua nợ cứ nợ”. Mọi người phục lăn “thằng này giỏi, dám nợ mới sắm được của”.
Nó có thằng bạn thân cùng học cấp ba, nghe nói củ khoai sống ăn cắp cũng chia đôi. Bạn nó là giáo viên đại học ngành chài lưới, muốn vay nó vài chỉ mua chiếc cối 79, là xe bãi rác từ Nhật tha về (ai đời thầy thiếu ăn gầy như que củi đạp xe ngược gió hơn chục cây số đến nhà hắn mà miệng vẫn mỉm cười thì thật là yêu nghề). Nhưng nghe nó nói mua xe nợ, thầy tiu nghỉu ra về, chiếc xe đạp bó lốp như băng cánh tay bị thương, dắt bộ hơn trăm mét thầy mới lên yên.
Tôi định mở miệng đính chính với thầy nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Tiền nhà giàu đẻ nhanh hơn gà đẻ trứng, dây chuyền chồng chéo trên cổ, nhẫn vàng nhẫn bạc chi chít ngón tay. Kinh doanh mở rộng, buôn có bạn, bán có phường, vợ nó bắt đầu làm ăn với dân buôn ngoài chợ.
Chưa đến kỳ thôi nôi con Rim, cả xóm ngạc nhiên thấy hắn cúng kiếng ngoài cổng từ tờ mờ sáng, vài hôm sau đá gạch ấm ầm đổ về. Nó xây nhà mới. Nhà biệt thự ba tầng to vật vã. Lại có dịp gặp nhau. Ngoài bạn bè nghèo kiết xác như tôi mừng phích Trung Quốc, nhiều người lạ mặt đến bằng xe hơi, khệ nệ bưng đồ.
Lần này hắn nâng ly bằng rượu tây và y sao bản chính “nhà có đó, nợ có đó, nhà to, nợ nặng”. Người bà con bên vợ ghé chơi định vay tiền mua chiếc xe đạp cũ cho con gái dạy thêm để phụ tiền trọ, nghe vậy, im lặng ra về như dơi bay.
Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Tết chưa giáp lai, thấy hắn ngồi trên con bốn bánh chạy lui chạy tới trước khu tập thể, nó bấm còi báo hiệu, nhóm bạn ăn theo xe mới ngồi kín chỗ. Hắn chạy ra Bãi Tiên, nơi cởi truồng miễn phí, cách Nha Trang mười mấy cây, gió mát từ trên mát xuống, từ ngoài mát vào. Hắn nhấn cho bõ ga, vừa nhấn vừa hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay..., chưa có lúc nào ta uống mà say”.
Lần này nâng ly rượu có pha mật gấu, như băng thu sẵn phát ra từ miệng, nó dõng dạc “mua thì mua nợ cứ nợ”.
Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Báo ra ngày thứ năm trên trang nhất có đăng tin “vụ vỡ nợ mấy chục tỉ đồng”, trong đó có tên vợ thằng Phú.
Từ đó, thấy bạn bè là nó tránh mặt.
Nha trang thu 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét