Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

CHỨNG VĨ CUỒNG: HIỆN TƯỢNG VÀ CĂN NGUYÊN


Tác giả : Cao Xuân Hạo









Có một người bạn làm trong một cơ quan lưu trữ cho tôi biết rằng mỗi năm cơ quan anh phải thanh lý mấy tấn hồ sơ mà nội dung là những sáng kiến phát minh vĩ đại từ khắp nơi trong nước gửi đến ùn ùn, trong đó các tác giả hiến cho nhà nước những biện pháp không tiền khoáng hậu để biến nước ta thành nước tiên tiến trong một thời hạn kỷ lục. Anh bạn nói rằng ông giám đốc rất tiếc các hồ sơ ấy, nhưng mấy tòa nhà của cơ quan không thể nào chứa nổi số phát minh tới tấp đổ xuống như mưa kia, cho nên đành phải thanh lý thật nhanh sau khi gửi đến nhờ các cơ quan có thẩm năng duyệt qua và nhận được từ các cơ quan đó một câu trả lời dứt khoát, thường là "Bất khả thi" hoặc "Tác giả không hiểu chút gì về lĩnh vực đang bàn".

Ðể minh họa, tôi chỉ xin đơn cử trường hợp của nhà phát minh đề nghị mượn một tên lửa vượt đại châu của Liên Xô để bắn vào Bắc cực ở một góc độ nhất định, làm trục quay của trái đất lệch thêm mươi độ, sao cho Việt Nam thay vĩ độ và trở thành một nước ôn đới (vì tác giả tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ phát triển vũ bão, cho phép ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến).

Cái số mấy trăm nghìn hồ sơ phát minh ấy, trong khi cho thấy một tinh thần yêu nước chân thành và thiết tha của các nhà phát minh, đồng thời cũng cho thấy tình hình sức khỏe tâm thần không ổn của họ, và cho phép suy ra con số đáng ngại của những người đang cần đến sự săn sóc của các bệnh viện tâm thần.

Khi tôi nói chuyện này với một người bạn làm bác sĩ tâm thần, bạn ấy bảo tôi là ngay trong các sách vở được xuất bản, hẳn cũng có khối ý tưởng hoang đường không kém mà mọi người coi là bình thường. Bạn ấy lấy ngay một cuốn sách dạy ngoại ngữ và chỉ cho tôi dòng sau đây: "Trong hiệu sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác" (câu này được viết bằng tiếng Nga). Anh bạn bác sĩ kết luận rằng người viết câu này lẽ ra phải đi bệnh viện từ lâu, nhưng những người như thế quá đông và có uy tín lớn, cho nên khó đưa họ vào bệnh viện lắm.

Tôi bất giác liên hệ tới một nhà ngữ học phân các động từ làm 5 loại: 
1) Ðộng từ nội động; 2) Ðộng từ ngoại động; 3) Ðộng từ nửa ngoại động; 4) Ðộng từ trừu tượng; ) Ðộng từ nói năng. Không thể nào hiểu nổi làm sao lại có thể có hai loại sau và làm sao lại không thể xếp chúng vào một trong ba loại đầu. Cách phân loại này hoàn toàn giống cách chia sự vật thành mấy loại: 1) sinh vật; 2) vô sinh vật; 3) cá; 4) gió. Thế mà mãi hai mươi năm sau mới có một tác giả trẻ nêu ra tính phi lý (đúng hơn, phải nói: tính điên rồ của cách phân loại động từ nói trên) và bài của anh ta vừa mới in xong đã bị một bậc thầy phê là "đọc chưa hiểu mà đã dám phê phán một tác giả lớn" như thế. Của đáng tội, làm sao anh bạn trẻ kia hiểu được, khi anh ta tư duy theo cái cách tầm thường và hèn hạ của toàn nhân loại, trong khi tác giả lớn kia có cách tư duy riêng, không cần đến lô gích, của bậc vĩ nhân xuất chúng?

Cách đây không lâu có một cuốn sách giáo khoa mà chương nào, mục nào cũng mở đầu bằng câu: "Lâu nay người ta cứ tưởng rằng (...) nhưng thật ra thì (...)". Cái mà "lâu nay người ta tưởng" là những sự thật đã được cả loài người công nhận như "hai với hai là bốn" chẳng hạn, còn mấy chữ "thật ra thì" là những phát minh kiểu "hai với hai là chín" mà chỉ có những thiên tài như tác giả mới hiểu được. Cuốn sách ấy dày hơn 300 trang, mỗi trang đều chứa đựng những phát minh như thế mà không có lấy một lời biện hộ hay chứng minh, vì tác giả tin chắc rằng tư tưởng của mình là chân lý tuyệt đối và hiển nhiên, chỉ có nhân loại tầm thường mới không biết, và các nhà khoa học đi trước ngu dốt đến nỗi một vĩ nhân như tác giả ấy không hơi đâu mà hạ mình xuống tranh luận với họ.

Trên đây là một vài biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách hay giảng dạy, nhất là những người có tên tuổi hay có học hàm học vị. Vào tay những người này, nó có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người.

Một tình hình báo hiệu điềm gở là khi nghe hay đọc những điều quái đản mà chúng tôi vừa dẫn trên đây, phần đông đều thấy là bình thường, hợp lý và lành mạnh, và khi có ai tỏ ý kinh hoàng, thì chính người ấy bị mọi người coi là bệnh hoạn, hay vô đạo đức, vì đã có những lời lẽ bất kính đối với người trên.

Cho nên thiết tưởng cũng không đến nỗi thừa nếu ta thử khảo sát thực trạng và đi tìm căn nguyên của chứng bệnh này.

Vĩ cuồng (mégalomanie) là một bệnh tâm thần mà người ta thường tưởng là chỉ có một số nhân vật lịch sử hãn hữu như Nero hay Hitler. Thật ra, ít nhất ở ta hiện nay, nó khá phổ biến. Vì sao? Căn nguyên là ở đâu?

Trong một cuốn phim của Xưởng phim truyền hình Việt Nam, hai anh bộ đội phục viên đang thất nghiệp, tâm sự với nhau về căn nguyên của cái nghèo. Một anh nói: "Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo. Càng nghèo càng dốt, càng dốt lại càng nghèo". Hình như đó cũng là một chân lý. Nhưng xem ra, có lẽ cái chuỗi "DỐT - NGHÈO - DỐT" này còn thiếu một khâu nữa mới thật trọn vẹn: đó là khâu "KIÊU": Càng nghèo càng dốt, càng dốt càng kiêu, càng kiêu càng dốt, càng dốt càng nghèo.

Phàm sinh ra ở đời, ai cũng dốt. Ði học được mươi năm, ta bớt dốt đi chút ít, nhưng người học sinh thông minh và biết điều hiểu rõ rằng những gì mình biết được so với những gì mình chưa biết chỉ là hạt muối bỏ biển, cho nên càng học càng thấy mình dốt. Thành thử có thể định nghĩa người có học thức là người biết mình dốt, hay nói như Khổng tử, "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri gia"; "biết cái gì thì biết là mình biết cái ấy; không biết thì biết là mình không biết, ấy là biết vậy".


Có lẽ đó chính là cái yêu cầu, cái lý tưởng khó thực hiện nhất đối với người "có học thức". Nó đòi hỏi nhiều đức tính rất khó có ở con người. Là người, ai cũng bị rất nhiều thứ áp lực thúc bách, trong đó áp lực mạnh nhất là áp lực của nhu cầu tự khẳng định. Nhu cầu này là trở ngại lớn nhất cho ý thức "tri chi vi tri chi". Trong những điều kiện khó khăn như ở nước ta (nhất là trong thời chiến), người ta cần có địa vị, cần có bằng cấp, và cho thật nhanh. Học thì lâu quá, và nhiều người trong thâm tâm cũng biết là mình không đủ sáng dạ để học cho thật nhanh. Phải đi bằng con đường khác. Có những con đường có sức cám dỗ rất lớn - những con đường tắt và những con đường vòng của sự gian trá. Nhưng sự gian trá không phải không nguy hiểm. Nó có thể bị bại lộ. Có những người có lương tâm quá lớn, không thể tự dung túng cho mình sự gian trá. Mặt khác, không thể chọn con đường lao động học tập. Bị khép chặt giữa hai sức mạnh quá lớn, cõi vô thức trong tâm lý của những người ấy chọn một con đường thứ ba: một buổi sáng đẹp trời nào đấy, có một cái gì lóe lên trong trí họ. Họ chợt giác ngộ ra rằng họ là một người không cần học gì hết, vì một lẽ đơn giản là họ đã biết hết rồi, họ là một vĩ nhân, cách xa nhân loại hàng chục năm ánh sáng. Họ chợt hiểu rõ như ánh ban mai rằng những sách vở "kinh điển" mà họ đọc mãi không hiểu và tưởng đâu quá khó đối với mình, chẳng qua là một mớ giấy lộn do những đầu óc ngu đần viết ra - sản phẩm của những con người không đáng là học trò của họ. Trang tử, Mặc tử, Platon, Aristote, Einstein, Marx - một lũ dốt nát mà không hiểu tại sao người ta sùng kính. Sở dĩ mình đọc mãi mà không hiểu là vì những con người đó quá thấp so với tầm cỡ mình. Họ lấy làm lạ là sao ba bốn chục năm trời mình mới phát hiện được một điều đơn giản như vậy.

Cái hạnh phúc ấy quá lớn để họ có thể khước từ. Nó đưa những người như thế từ địa ngục lên thiên đường. Nó biến họ từ con sâu thành thần thánh. Từ nay, họ bước đi trên đường đời, lòng tràn đầy hoan lạc, nhìn xuống đám nhân loại tội nghiệp kia đang chìm trong cõi u tối, giương mắt bé nhìn mình mà không biết là đang nhìn ÁNH SÁNG CỦA CHÂN LÝ TUYỆT ÐỐI.

Cần lưu ý rằng họ đi đến sự thể này không phải do họ muốn. Họ không thể làm khác đi được. Họ chỉ là những nạn nhân, hoàn toàn bị động và vô thức. Họ như những người bị choáng hay bị ngất. Cho nên ta không thể trách họ. Cái giây phút oan nghiệt mà họ đã trải qua khi đột ngột trở thành vĩ nhân trước mắt chính mình, chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình tác động của những nhân tố phức tạp, khách quan có, chủ quan có, có thể kéo dài mấy chục năm.

Chứng vĩ cuồng không có cách gì chữa được. Không có cách gì lôi một con người ra khỏi cõi cực lạc mà họ đã đắm mình vào một cách hoàn toàn vô thức. Chính vì sự giác ngộ về sự vĩ đại của bản thân là hoàn toàn vô thức, cho nên không có cách gì chứng minh cho đương sự thấy rằng đó là một ảo giác.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là một bệnh nan y như thế. Cách đề phòng duy nhất là làm sao các thế hệ đang lên không mắc vào cái họa ấy. Và muốn thế, chỉ có một cách là gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường học vấn của con em chúng ta, làm sao cho chúng tiến đủ nhanh trên con đường ấy để khỏi bị dồn vào cái thế bí, buộc chúng tự huyễn hoặc mình bằng những ảo ảnh sinh ra từ chứng vĩ cuồng, để chúng luôn luôn nhớ rằng mình còn dốt, rất dốt, nhưng không phải là dốt một cách vô vọng, chỉ cần kiên nhẫn ít lâu là có thể đuổi kịp các bạn cùng lứa trên thế giới, rồi từ đó rất có thể vươn tới những đỉnh cao chân chính của khoa học hay nghệ thuật, chứ không phải những đỉnh cao hư ảo của sự điên rồ.


Cao Xuân Hạo

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

NHỮNG LỜI DỐI NGỌT





Một chiều ngồi say- ảnh Du Nguyên





Em là bờ môi không biết nói dối
Là nỗi thầm kín tôi
Là lời ru rớt nhẹ vào tim
Là dịu dàng và tế nhị

Em lịch sự như bài thu muộn
Khi buổi sáng thức dậy trời đầy sương
Anh ơi thu về rồi đó anh
Có biết em đã yêu anh đến chừng nào

Em là sự giả vờ tôi
Hối hả yêu thương như thời gian còn rất ít
Nhuộm tình xanh
Níu màu thanh xuân

Rồi một ngày
Em là ngạc nhiên tôi
Không còn yêu để mà yêu nữa
Là sống những chuỗi ngày cô độc

Chán những câu thơ bay bổng
Hão huyền và long lanh
Không đọc nổi những bài thơ không thật
Đêm mệt quá với những lời dối ngọt

Những câu thơ như những câu hát
Cắt ngang thịt da em
Là những bài thơ của anh
Mà em không bao giờ đọc

Bài thơ không biết nói dối
Một khi không có gì là thật
Em tìm đến những bài thơ
Như chúng mình chưa hề quen nhau…

ĐẶNG HIỀN

Ai Giết Thơ?!




Nhà văn Phan Nhật Nam - Cali 2013






Hôm 28/7, người bạn Khế Iêm đến nhà Họa Sĩ Nguyễn Đình Thuần, miền Nam Cali tặng tờ báo giấy Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin một tờ về đọc trong đêm nên từ đấy viết bài nầy. Cũng để thay đổi chủ đề mà lâu nay chỉ quanh quẩn với những chuyện thời sự, chính trị rối rắm, khó khăn.



Trước tiên, cần phải nói rằng, câu chuyện giữa tôi và người bạn Khế Iêm đang đề cập là “chuyện tầm phào” giữa những vụ việc rối tung trong cuộc sống khắp thế giới, ở Mỹ, nơi quê nhà… Từ chuyện máy bay bị bắn rơi ở Ukraine, chiến tranh nơi dãi Gaza, giàn khoan HD981 ngoài Biển Đông… đến việc người VN ngủ dậy với cánh cửa nhà bị khóa trái và trét đầy cứt do công an giả danh côn đồ “tác nghiệp” tối hôm qua! Trong tình cảnh nầy, đặt vấn đề “Ai Giết Thơ?” thì quả thật là chuyện không hợp thời, hợp lý, hợp cách, tuy nhiên nghĩ cũng vô hại vì chằng làm phiền ai, chỉ là chuyện nhỏ nhặt giữa hai người Việt Nam vào tuổi già trong một hoàn cảnh chẳng mấy vui từ đời sống chung quanh, của bằng hữu và bản thân.



Cũng bởi, vấn đề Thơ mà người bạn đặt ra bản thân tôi cũng đã nhiều lúc nghĩ đến, dẫu chỉ là một người lính (cho dù đã lâu không mặc quân phục), không liên hệ với sinh hoạt văn chương, thi phú nầy từ những ngày tuổi trẻ ở Việt Nam cũng như hiện tại ở Mỹ. Nhưng tôi cũng đã có lúc sống/ nghĩ/ với/ về Thơ do đã rơi vào hoàn cảnh… “Tôi là kẻ chỉ quen viết văn. Giấy bút bị người lấy mất. Đêm đen thăm thẳm lạnh căm. Làm Thơ trên mười ngón tay tính nhẩm… Thơ nâng đỡ ta… Từng phút. Từng giờ…” Phải viết rõ như vậy vì tôi đã không có một điều kiện, hoàn cảnh sống nào khác mà “PHẢI/SỐNG VỚI THƠ” trong một khoảng thời gian rất dài từ 1981 đến 1988 khi một mình ngồi trong hầm tối ở những nhà tù trên đất Bắc. Từ hoàn cảnh, tình thế vừa kể ra, hóa ra tôi cũng đã nhờ đến những chữ nghĩa gọi là Thơ để được sống sót. Vấn đề của người bạn khiến tôi cũng phải tìn cách trả lời cho chính bản thân mình (chứ không phải cho ai khác). Sau đây là những ý kiến của tự thân:

1- Thơ bị ai giết? Trả lời ngay: Đấy là những vị gọi là “học giả/giáo sư/phê bình văn học v.v..” Tức là những người KHÔNG CÓ MỘT LIÊN HỆ NÀO VỚI THƠ CẢ - CÓ NGHĨA, HỌ KHÔNG CẦN/KHÔNG SỐNG/KHÔNG SUY NGHĨ/KHÔNG ÂU LO/ KHÔNG THẮC MẮC GÌ VỚI THƠ. Tôi nói không quá, “Chữ/Nghĩa/Ý/Tình Cấu Tạo Nên Thơ” đối với những kẻ nầy cũng như người làm toán sử dụng những con số. Thần Tính của Triết Học, Thi Ca, Văn Học, Âm Nhạc, bao gồm cả Toán Học, Kiến Trúc, Y Học, Võ Học v.v.. chứa đựng yếu tính CAO HƠN HẲN những hình tướng biểu hiện chúng. Thần Tính của Thơ là Đạo. Ai Sống/Cùng/Với/Thơ/Thật người ấy biết riêng mình.

2- Từ những chủ vị kể trên lẽ tất nhiên có một số tử đệ thực hiện công việc “làm thơ” để tạo nên những cái gọi là là “bài thơ” – KHÔNG MỘT AI ĐỌC/KHÔNG MỘT AI NHỚ/ KỂ CẢ NHỮNG “NHÀ THƠ” ẤY. Câu của Whitman “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn” mà bạn trích dẫn luôn luôn đúng cho dù thế kỷ 19 đã qua từ lâu. Thơ Nguyễn Du, Đỗ Phủ, Khalil Gibran… luôn được NHIỀU NGƯỜI ĐỌC VÀ NHỚ RẤT LÂU. Hữu Loan, Quang Dũng sỡ dĩ trở nên bất tử là nhờ số lượng đông đảo gồm nhiều thế hệ người Việt đọc và nhớ. Những người sau 1954 sống dưới vĩ tuyến 17 của vùng quốc gia bị người và chế độ miền Bắc miệt thị gọi là “bọn dân của ngụy quân, ngụy quyền Sàigòn”. Không chỉ riêng Hữu Loan, Quang Dũng mà cả Bà Hồ Xuân Hương, Trần Tế xương. Bùi Giáng vừa dễ vừa khó nhưng ông trở nên vĩnh cửu vì rất nhiều người đọc/rất nhiều người nhớ. Mỗi người đọc/nhớ Bùi giáng theo cách riêng, cho dù công an văn hóa (ở đâu ra loại công an nầy hở trời?!) của “chính quyền cách mạng” đến từ Hà Nội, ở bưng biền ra sau 30 tháng 4, 1975 xem ông như rơm rác, cặn bã điển hình “văn hóa đồi trụy miền Nam”. Đá vàng hiện nay đã rõ.



3- Từ hai chủ điểm trên tôi xin so sánh qua một lãnh vực khác gọi là nhạc mà nay đang được triệu triệu người trên thế giới xử dụng là “nhạc rap”. Nhắc lại câu nói của Whitman: “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn”. Điều nầy áp dụng vào “nhạc rap” không được ổn. Cho dẩu người Đại Hàn tên hiệu Psy với cách trình diễn “Gangnam Style” đang được cá thế giới đón nhận, điển hình với những binh sĩ Mỹ nơi trận tuyến, hay trong phòng làm việc của Tổng Thống Obama. Nhưng bạn tin tôi đi: Anh chàng Spy nầy với “Gangnam Styl” không sống lâu đâu cho dù được cả triệu người nghe, hát và nhảy nhót theo cách của anh ta. Cũng tương tự như thế, hàng trăm, hàng ngàn người của miền Bắc sau 1954; của cả nước sau 1975 đã viết nên những bài hát gọi là “nhạc chiến đấu/nhạc giải phóng/nhạc xây dựng xã hội chủ nghĩa..” Những bài hát được vạn, triệu bộ đội, chiến sĩ, công nhân, nông dân... hát lên ong óng, nháo nhác; được báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình nhà nước vận động, phổ biến, tuyên dương. Nhưng bạn ơi, hiện nay hỏi mấy ai đã nhớ? Mấy ai còn biết đến? Ai giết chúng khi cả một hệ thống đảng và nhà nước cộng sản phổ biến, đề cao? Trịnh Công Sơn được nhớ ra là vì viết “Biển Nhớ, Vết Lăn Trầm, Tuổi Đá Buồn… ” trước 1975 nơi miền Nam. Nhưng chắc rằng nhắc lại những nội dung “...Đi ra công trường/Đi ra cánh đồng/Là hoa mặt đất/Mùa xuân cuộc đời...” sau 1975, những bài hát để những đội thanh niên xung phong vừa móc bùn vừa hát tạo khí thế... Những bài gọi là nhạc được viết do chỉ đạo chính trị của Phạm Trọng Cầu, bảo trợ của Võ Văn Kiệt chắc chỉ làm cho anh ta đỏ mặt vì ngượng. Trong những trường hợp nầy, người đọc thơ, người hát có “lớn” (lượng lẫn phẩm) đến bao nhiêu, tác phẩm thơ, nhạc khó trở thành lớn được. Hãy kể ra một bài – Một bài thơ, nhạc gọi là “lớn” của Hà Nội, thủ đô của “niềm tin yêu và hy vọng” sau 1954, và của “thành phố mang tên bác vinh quang” sau 1975 - Những bài thơ/bài hát được cả vạn, triệu người xử dụng để tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa! Hãy kể ra một bài- Một bài thôi cũng đủ!



Kết luận, trở lại vấn đề của Thơ/Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin nại đến những chữ nghĩa của William Faulner trong lần nhận giải Nobel văn chương năm 1957: “Nếu thiếu đi Tính Thiện và Sự Thật muôn thuở của trái tim thì những câu chuyện (chữ nghĩa/PNN) viết ra chỉ thuần là bèo bọt, đáng bị kết án... Người viết văn/làm thơ không viết về tình yêu nhưng để kể sự ham muốn; viết về những thất bại mà không ai mất một cái gì có chút giá trị; viết về những thắng lợi mà không mảy may hy vọng, và tệ hơn hết thảy, không lòng từ ái hay là mối xót thương; viết về cơn đau buồn mà không để lại một vết sẹo nhỏ. Kẻ ấy không viết từ trái tim nhưng bởi các hạch nội tiết “Muốn Thơ/Nhạc/Chữ/Nghĩa luôn sống mãi thì Người Nghệ Sĩ/Người Viết Văn PHẢI là Người Thật Có Lòng. Thiếu yếu tính nầy tất cả học thuật, kỹ thuật, lý luận, học vị, bằng cấp, danh chức… chỉ là rơm rác. Vất đi!



Bạn Kế Iêm thân. Bạn yên tâm “Không Ai Giết Thơ” được cả, Thơ chết là vì Thơ Không Người Đọc/Thơ Không Người Nhớ - Kể cả người làm ra “cái gọi là thơ ấy”. Thế thôi.

Phan Nhật Nam

Trong mưa xuân- Thơ Tân hình thức

Với định nghĩa Thơ Tân hình thức “sử dụng ngôn ngữ đời thường, có tính truyện, dùng lại những thể thơ truyền thống Việt, dùng kỹ thuật vắt dòng của thơ truyền thống Anh và kỹ thuật lặp lại của thơ Mỹ để thể hiện, tạo nhạc tính và hồi phục vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ” (Hồ Đăng Thanh Ngọc), thơ Tân hình thức Việt xuất hiện cách đây khoảng 15 năm, như một trường phái thơ mới.



Hồ Đăng Thanh Ngọc



trong làn mưa xuân vòm long não
kể câu chuyện một ngàn lẻ một
về chiếc ô đi qua chiếc áo
mưa đi qua về chiếc ô đi
qua cùng cái mũ và cái mũ
đi qua cùng áo mưa và cái
mũ áo mưa chiếc ô đi qua
và cả cô gái để đầu trần
đi dưới mưa mái tóc ướt như
một bản hòa tấu puppet on a
string của Paul Mauriat
trong làn mưa xuân những li ti
giọt nước đang vô vàn chuyện kể
về những lời tỏ tình đã chảy
thành sông hôm qua đổ vào để
sáng nay đổ vào biển khơi thành
những đợt sóng triều dâng hôn khẽ
khàng lên những dấu chân chim trên
bờ cát vắng trong làn mưa xuân
trong những câu chuyện tình như có
lửa như chúng đang nở hoa

Thực tại tối hậu – Ý nghĩa đích thực của cuộc sống




Featured Image: Kevin Dooley


Tần Thủy Hoàng và giấc mộng trường sinh bất tử

Tần Thủy Hoàng (Qin Shih-huang-ti, 259-210 BC) là vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, thống nhất được cả sáu quốc gia Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Chu, Tề, bình định thiên hạ, kết thúc cục diện chư hầu phân tranh trong suốt gần 500 năm của thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Ông cũng nổi tiếng là một vị Hoàng đế đầy mưu mô và tàn bạo. Từ khi triều Tần được thành lập cho đến khi sụp đổ thì chưa bao giờ triều Tần có được một cục diện chính trị ổn định, xã hội luôn ở trong tình trạng hỗn loạn. Để quản lý một quốc gia rộng lớn như vậy, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng và bảo vệ quyền lực tuyệt đối qua một loạt các chính sách vô cùng hà khắc và nhẫn tâm. Ông là một vị Hoàng đế cô độc, không có bạn bè, cũng không có ai dám dũng cảm làm bạn với ông.

Do muốn ở mãi ngôi vị cao nhất , tột đỉnh của quyền uy, vị hoàng đế vốn giỏi binh nghiệp, đầy mưu lược nhưng rất tàn ác bạo ngược này đã ra lệnh cho đạo sĩ Từ Phúc mang theo 3000 đồng nam, đồng nữ từ Lang Nha – Sơn Đông xuống biển đi tìm cho bằng được đảo Bồng Lai và lấy được thuốc tiên “trường sinh bất tử” về cho ông để được sống mãi với quyền lực tối thượng. Từ Phúc sau đó đã trốn luôn khi đi đến xứ Nhật Bản và ở lại đó.

Giấc mộng trường sinh bất lão của Tần Thuỷ Hoàng rốt cuộc chỉ mãi là giấc mộng vì năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đã mang theo giấc mộng đó với mình xuống cõi tuyền đài khi chỉ mới 49 tuổi. Tuy vậy với mong muốn là sau khi chết, linh hồn mình vẫn là hoàng đế nên ông đã cho xây dựng khu lăng tẩm đồ sộ và hoành tráng với hàng ngàn chiến binh và hàng vạn đồ dùng xa xỉ để ông sử dụng sau khi… phải băng hà!
Cái chết – ý nghĩa thực sự của cuộc sống

Ai trong chúng ta có lẽ cũng đều ham muốn có vinh quang tột đỉnh của Tần Thủy Hoàng. Quyền lực, giàu có, đầy phi tần mỹ nữ vây quanh. Mỗi người trong chúng ta đều luôn bị ám ảnh trong việc theo đuổi danh vọng và vinh hoa của bản thân. Không ngừng phấn đấu, không ngừng nỗ lực để đạt được các bậc cao hơn của bậc thang danh vọng. Khi đạt được danh hoa phú quý rồi, bạn và tôi có lẽ sẽ giống như Tần Thủy Hoàng, mong muốn mình bất tử, luôn mãi được đứng trên đỉnh cao danh vọng, luôn được mọi người kính sợ.

Ít khi chúng ta dừng lại để tự hỏi: “Cuộc sống của tôi chỉ toàn những thứ này thôi sao?” Dù chúng ta ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, người giàu, người nghèo, người cao sang, kẻ tha hóa, thì đối mặt với cái chết, chúng ta đều như nhau.

Bây giờ giả thuyết rằng, loài người chúng ta bất tử. Theo các bạn điều đó sẽ đem lại điều gì? Với bản tính kiêu căng, tham lam, ghen ghét và ham muốn sẵn có trong chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ chỉ đem lại đau khổ cho nhau mà thôi. Bất tử về thân xác nào có ích gì khi nhìn người yêu mình ngoại tình, xung quanh toàn lũ người nịnh hót, sống với nhau giả dối không có tình yêu, thậm chí biết mắc tội tày trời mà không bao giờ sửa chữa và sám hối! Cuộc sống như thế không hề có chỗ cho tình yêu đích thực, mà thực sự đó là địa ngục muôn đời!

Chính vì biết rằng mỗi người sinh ra rồi sẽ phải chết đi, nên mới thôi thúc chúng ta trả lời câu hỏi: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chân lý của cuộc sống là gì? Tuy cái chết khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, hoang mang nhưng vì cái chiết khiến cho cuộc sống trở nên ngắn ngủi nên nó mới làm cho cuộc sống trở nên đáng quý. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái chết là cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị.

Bạn thử nghĩ xem nếu biết hôm nay một người thân của bạn qua đời, bạn sẽ làm gì? Bạn thử nghĩ xem nếu biết hôm nay bạn sẽ rời khỏi thế giới này vĩnh viễn bạn sẽ làm gì? Câu trả lời của bạn: Bỏ mặc tất cả hay cố gắng yêu thương người thân đó hay gửi lời thân thương, cử chỉ âu yếm đến tất cả mọi người bạn quen biết dù trước đây bạn đã không làm điều đó! Đó là quyết định của bạn.


Tôi xin những người nào, mà khi còn sống,

Tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi.

Tôi xin những người nào, mà khi còn sống,

Tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi.

(Những dòng chữ được khắc trên bia mộ của Đức Cha Jean Cassaigne (1895 – 1973), người Pháp, người sáng lập Trại phong Di Linh, Đà lạt)
Sự sống đời sau

Khoa học không thể lý giải được cái chết và sự sống đời sau. Đơn giản vì khoa học luôn cần một bằng chứng khách quan, mà cái chết là một thực tại thật bí hiểm, không ai còn sống mà kinh nghiệm được. Và giả sử có ai kinh nghiệm được mà về nói lại thì không chắc đã có mấy người tin. Có nhiều lý do rất hợp lý để người ta không tin: Trước hết là nó có thể khác với những gì họ vẫn tin tưởng, hai là đã có nhiều người tự nhận mình có kinh nghiệm đó, nhưng những người này lại nói khác nhau (chẳng hạn những kinh nghiệm được gọi là Near Death Experience).

Chính các tôn giáo cũng nói khác nhau, mà tôn giáo nào cũng đầy uy tín! Lý do thứ ba là người ta không có cách gì kiểm chứng được nguồn tin nghe được gọi là kinh nghiệm đó xuất phát từ chính thực tại hay do thị kiến, do tâm thức biến hiện? Cuối cùng, cái chết vẫn luôn luôn là một bí hiểm, những gì người ta nói về cuộc sống sau cái chết đều chỉ là niềm tin.

Tôi đã từng nghe được một câu nói rất ý nghĩa:


“Một số người sợ chết đến mức mà không thực sự sống.” – Khuyết danh

Nếu các bạn đang đọc những dòng chữ này, các bạn đang sống đúng không nào? Theo tôi, có lẽ thay vì đặt câu hỏi “ý nghĩa của cuộc sống là gì?” thì ta nên đặt câu hỏi ta đã sống một cuộc đời có ý nghĩa chưa?”, thay vì đặt câu hỏi “liệu có sự sống đời sau hay không?” thì ta nên đặt câu hỏi “đời này ta nên sống với mọi người như thế nào?”, thay vì đặt câu hỏi “chân lý cuộc sống là gì?” ta nên tự biết mình, thay vì tìm một chân lý tuyệt đối, hãy tìm sự tuyệt đối nơi mình; vì chân lý để sống chứ không phải để dạy.
Tự biết mình – nguyên tắc quan trọng của cuộc sống

Chuyện kể rằng có một trí giả thích ngụy biện đến gặp Socrates, nhà hiền triết xứ Hy Lạp và đặt nhiều câu hỏi khó với mục đích làm cho ông bối rối. Trong đó có câu hỏi: “Trong các việc, việc nào khó nhất?” Socrates điềm tĩnh trả lời: “Tự biết mình.”

Có lẽ chúng ta cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay muốn kích động? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã lướt net, đọc báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế.. thì chúng ta tắt máy, bỏ tờ báo đi và than rằng chả có gì đáng xem.

Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của người khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, giễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không ? Lòng chúng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn.


“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn.” Trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em. – Chúa Jesus

Đã đến lúc loài người phải thực hiện một sự lựa chọn. Thế kỷ 21 chúng ta tự hào về khoa học kỹ thuật, tự hào về núi vật chất khổng lồ do mình tạo nên. Tuy nhiên, thử nghĩ xem, với mức độ tăng trưởng bình thường trong nhiều năm nay, nguồn lực và tài nguyên của trái đất chắc cũng đủ để nuôi sống nhân loại, không để ai phải chết đói hay sống vật vờ dưới ngưỡng nghèo đói. Nhưng tại sao con người không thể tỉnh táo để cùng nhau chia sẻ nguồn lực và tài nguyên ấy? Tại sao con người phải dùng đủ trăm mưu ngàn kế để làm giàu cho mình hơn một chút, đẩy đồng loại nghèo thêm một chút và cuối cùng lôi nhau xuống đáy khủng hoảng?

Từ khi con người có mặt trên trái đất này đã có hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Chiến tranh có bao giờ chấm dứt được? Hòa bình và thiện chí cần đi đôi với nhau, nên không ai có thể thực hiện hòa bình khi lòng còn đầy oán thù, ghen ghét, muốn bóc lột kẻ khác để mưu lợi cho cá nhân mình hay phe phái mình. Tất cả các hội nghị, các mưu tính để mang lại hòa bình cho nhân loại đều thất bại vì con người không chịu thực hiện hòa bình ở chính mình.

Bất bình đẳng xã hội hay chiến tranh chỉ là sự phóng đại các động tác hàng ngày của con người. Chúng bắt nguồn từ các tham vọng, giận dữ, oán hận, chủ nghĩa dân tộc, bộ lạc, tinh thần phe phái, đố kỵ, ganh ghét,… Tận diệt các thói xấu này là chấm dứt các tình trạng trên, và để làm được điều này là làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta.

Nếu bạn mong muốn thay đổi xã hội, bạn phải thay đổi bản thân của mình trước tiên. Có thể bạn không phải là một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội, một Phật Tử, một tín đồ Ki – tô giáo, Hindu giáo, hay Hồi Giáo. Tuy nhiên ai trong chúng ta đều cũng là con người. Mỗi người đều phải có trách nhiệm đối với người khác trong xã hội. Bạn không thể mong chờ xã hội thay đổi tốt đẹp hơn khi mà tự thân bạn không thay đổi.
Chân lý cuộc sống – Thực tại tối hậu


“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy,
Xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
(Kinh “Kính lạy cha)

Đây là bài kinh mà mỗi người Ki-tô giáo đều thuộc làu như thuộc bảng cửu chương vậy. Thế mà nó lại chứa đựng tất cả chân lý mà Chúa Jesus muốn truyền đạt cho các môn đệ!

Bạn và tôi, ngay trong phút giây hiện tại, chúng ta đứng tại chỗ hai cái vô tận gặp nhau: Cái dĩ vãng mênh mông có từ thời khai thiên lập địa và cái tương lai nó bắt đầu từ tiếng cuối cùng mà tôi vừa mới thốt. Chúng ta không thể sống trong cả hai cái vô tận đó được, dù chỉ là trong một phần giây. Chúng ta chỉ có thể sống trong giây phút hiện tại mà thôi.

Chúng ta không nên vướng bận vào những vấn đề của quá khứ. Quá khứ đã trôi qua, chúng ta không thể nào lấy lại được. Tương lai thì chỉ có thể hình thành trong hiện tại, ngay lúc mà chúng ta đang sống. Cuộc đời có quá nhiều biến động, quá nhiều thứ vô thường, làm sao chúng ta có thể biết tương lai sẽ như thế nào? Điều mà chúng ta có thể làm là chấp nhận giây phút hiện tại, sống hết mình ngay giây phút này.

“…Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy…” Các bạn thấy đấy, câu kinh chỉ xin lương thực cho đủ một ngày thôi, cho ngày hôm nay thôi, chứ không xin cơm cho ngày mai hay phàn nàn về cơm của ngày hôm qua đâu nhé!

Theo phúc âm Mát – thêu, Chúa Jesus đã nói với các môn đệ và dân chúng rằng:


Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: ừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Người khuyên: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” Có nghĩa đừng lo tới ngày mai chứ không phải là đừng nghĩ. Bạn cứ nghĩ tới ngày mai, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, sửa soạn đi, nhưng đừng quá lo lắng gì về tương lai vì nó vẫn chưa tới. Hãy sống chu toàn với thực tại và làm nó tươi đẹp hơn.


Khi người Pha – ri- sêu hỏi Chúa Jesus bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! Hay ‘Ở kia kìa!” Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

Mọi người thường nghĩ Thiên Đàng, hay Nước Chúa mà Chúa Jesus muốn nói có được sau khi chúng ta chết đi. Nhưng Người lại bảo: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Trong tiếng Anh, từ “present” có nghĩa là món quà, nhưng nó lại mang một nghĩa khác là hiện tại. Thực tại tối hậu là một món quá vô giá mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta lại không nhận thấy điều này. Lý do chính là vì chúng ta quá chìm đắm trong suy tư, chạy theo suy nghĩ miên man trong đầu, mê đắm trong thú vui vật chất mà quên mất chân lý luôn bên ta. Hết thảy chúng ta đều mơ mộng những vườn hồng diễm ảo ở chân trời thăm thẳm mà không chịu thưởng thức những bông nở kề ngay bên cửa sổ.


Stephan Leacock – một trong những nhà văn nổi tiếng với phong cách trào phúng và châm biếm đầu thế kỷ 20 đã viết: “Lạ lùng thay cái chuỗi đời ta. Trẻ em thì nói: “Ước gì tôi lớn thêm được vài tuổi nữa” nhưng khi lớn vài tuổi rồi thì sao? Thì lại nói: “Ước gì tôi tới tuổi trưởng thành.” Và khi tới tuổi trưởng thành lại nói: “Ước gì tôi lập gia đình rồi ở riêng”. Nhưng khi thành gia rồi thì làm sao nữa? Thì lời ước lại đổi làm: “Ước gì ta già, được nghỉ ngơi.” Và khi được nghỉ ngơi rồi thì lại thương tiếc quãng đời đã qua, và như thấy có cơn gió lạnh thổi qua quãng đời đó. Lúc ấy đã gần đất xa trời rồi, còn hưởng được gì nữa. Khi ta biết được rằng đời sống ở trong hiện tại, ở trong từng ngày một, thì đã quá trễ rồi mà.”

Bạn chỉ có thể tìm sự sống trong giây phút hiện tại, ngoài giây phút hiện tại không còn sự sống nào khác. Chúng ta không thể sống mãi trong ảo tưởng của quá khứ, sự lo lắng thái quá về tương lai được. Nếu kiên trì, chú tâm vào đời sống ở giây phút này, chúng ta chỉ còn thấy Sự Hằng Hữu, Sự Liên Tục của Đời Sống. Khi đó đời sống là vũ công còn chúng ta chỉ là vũ điệu. Vì vậy Chúa Jesus mới nói : “Trước khi có ông Áp – ra – ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu “ (Before Abraham was, I, I am). Trong tiếng Anh, thì hiện tại đơn giản được sử dụng để chỉ một chân lý, sự thật hiển nhiên đúng. Cụm từ tôi là (I am)- thì hiện tại đơn giản – được sử dụng trong một câu bắt đầu bằng thì quá khứ (Before Abraham was) biểu hiện một sự thay đổi tận gốc rễ, một sự bất liên tục trong cõi thế tục – cõi còn chịu sự chi phối bởi thời gian.

Cũng như vậy, bạn chỉ có thể tìm thấy sự thật trong phút giây hiện tại . Ngoài phút giây hiện tại ra, không còn một sự thật nào khác. Thế nên Chúa Jesus mới nói: “I, even I, am the way, I, even I, am the truth, I, even I, am the life” (Thầy là đường, là sự thật và là sự sống). Thì hiện tại “I am” được sử dụng tối đa!

Tuy nhiên, để thấy được Sự Hằng Hữu hay Thực Tại Tối Hậu, không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi bạn cần phải có một sự tập trung, tĩnh lặng hoàn toàn trong tư tưởng. Đừng dùng trí năng, sự suy tư hay suy luận logic để thấy được. Đơn giản là hãy loại bỏ vọng niệm, đạt được sự tĩnh lặng trong nội tâm. Một cách thực tập là mỗi khi bắt đầu ngày mới, bạn hãy cho rằng đây là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, và cho rằng sau ngày hôm nay mình sẽ không hiện hữu nữa, khi đó bạn sẽ làm gì? Hãy sống thật trọn vẹn vào ngày hôm nay. Tôi tin chân lý sẽ tổ lộ cho bạn.


Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. – Chúa Jesus

Chúc các bạn bước đi thành công trên con đường tâm linh của mình.



Khải Huyền

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Hoa Sứ Khô

Anh như hoa sứ khô rồi
mà vườn hương vẫn sáng ngời sao Khuê






Theo đường hương hoa sứ
Tôi tìm đến thăm anh
Bụi khói từ đô thành
Bỏ sau yên xe đạp
Bạn già lâu mới gặp
Tưởng lòng còn đang xuân
Chuyện làng báo, làng văn
Kể hoài thành ký ức

Trong lòng giặc trui rèn bút thép
Chữ thay gươm vạch tội kẻ thù
Trong xà lim vẫn mỡ chiến khu
Gối bản thảo nằm gai nếm mật
Cùng giấu mặt mỗi lần đối mặt
Trong bạn bè , ngoài giã người dưng
Cùng tìm nhau trong nghiệp văn chương
Cùng đau xót hay tin tù tội.

Ngày tôi " đi ăn mày"
Anh viết bài tường thuật
Giặc như lá lìa cây
Bút mình gây bão nổi
Sao Khuê ngời bông bưởi
Lòng ta như sao, hoa

Thế rồi ngày lại ngày qua
Biết ai còn nhớ hay là vội quên!

Đỗ máu không cần công hạn mã
Miễn trời mây lấp lánh cầu vồng
Từ anh trở lại ngôi nhà cũ
Giọt nước chảy về mạch nước trong.

Hương sứ lồng thảo bạc
Trà nhạt vẫn đậm tình
Vì đất nước hòa mình
Lòng thơ trùm vũ trụ.

Ngày tôi rời Tây ninh
Anh tặng chùm khế ngọt
Hẹn câu chuyện nghĩa tình
Lần sau cùng kể tiếp.

Tiễn tôi ra cửa ngoài
Lên xe nhìn ngoái lại
Anh nhặt hoa sứ rơi
Phơi đầy sân nắng mới.

Năm sau về thăm vườn sứ
Mới hay khuất bóng người xưa
Nương mây cởi hạc vào mơ tuyệt mù
Vườn hương hiu quạnh âm u
Khói trầm vờn khói tương tư chập chờn

Nâng niu từng cánh hoa khô
Tưởng anh ngồi trước áng thơ ngày nào
Tuần hương thay tiếng ly tao
Chúc anh yên giấc chiêm bao tuyệt vời

Tây ninh, đêm 14 sáng 15/7/86

Kiên Giang- Hà Huy Hà

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Ba điều kiện để xã hội dân sự phát triển


Xã hội dân sự hình thành và phát triển từ thế kỷ 18-19 song hành cùng sự phát triển của thương mại và nhà nước hiện đại. Ban đầu, nó như không gian hình thành bởi các quan hệ kinh tế và dần dần mở rộng qua các quan hệ dân sự khác như nghệ thuật, khoa học, và nhân đạo. Như vậy, xã hội dân sự là một sản phẩm tất yếu của sự phát triển xã hội, là nơi người với người hợp tác, giao lưu và hành động vì một mục đích chung. Trong bất cứ xã hội hiện đại nào, bất kể thể chế chính trị là dân chủ đa nguyên hay độc tài toàn trị, xã hội dân sự vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự lớn mạnh và hữu ích của nó phụ thuộc nhiều vào ba yếu tố, mà có lẽ cũng là ba nhóm giải pháp cần thực thi ở mỗi quốc gia.


Ảnh: Nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đỉnh Tuyển cho rằng xã hội dân sự là sản phẩm của phát triển dân chủ và cần được thừa nhận (Nguồn: vneconomy.vn)

Thứ nhất là một khung pháp lý cởi mở, mang tính khuyến khích hoạt động dân sự tự do của người dân. Quyền lập hội, tự do tụ họp phải được bảo vệ để các nhóm xã hội khác nhau có thể hợp tác với nhau mà không bị ngăn cản. Quyền tiếp cận thông tin, chia sẻ thông tin và tự do thể hiện quan điểm qua các hình thức báo chí, nghệ thuật, văn học cần được bảo vệ để các ý tưởng mới, kiến thức mới, sáng tác mới được bàn luận, thách thức và lan tỏa trong xã hội. Đây chính là nền tảng pháp lý để khuyến khích các cá nhân tìm tòi cái mới, cái hay, cái đẹp làm giàu cho xã hội mà không sợ hãi.

Thứ hai là một cơ sở xã hội làm nền tảng cho các hoạt động dân sự phát triển, cụ thể là văn hóa dân chủ trong thảo luận, độc lập trong suy nghĩ và nhân văn trong hành xử. Một xã hội dân sự phát triển chỉ khi các giá trị mới, thậm chí mâu thuẫn với những giá trị phổ quát hiện tại được tranh luận thấu đáo. Trong quá trình này cái hiện tại, cái chính thống được làm mới, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Đây chính là một vai trò quan trọng của xã hội dân sự, vì dù nhiều nhóm đóng vai trò bên lề, ngoại vi nhưng giúp cho cái trung tâm, cái chính thống không trở thành độc đoán, áp đặt dẫn đến lạc hậu và mục ruỗng.

Bên cạnh đó, ngoài văn hóa tự nguyện của các nhóm thanh niên bảo vệ môi trường, giúp đỡ người già, hay trẻ em đường phố, xã hội dân sự cần văn hóa đóng góp của những người trí thức lớn và những doanh nhân thành đạt. Trí thức là người “bơm” các tư tưởng thời đại để làm mạnh cho xã hội dân sự, doanh nhân là người cung cấp nguồn lực để xã hội dân sự hoạt động vì lợi ích công. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của hai nhóm đối tượng này, xã hội dân sự khó trở thành không gian tiên phong cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba là việc bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực quyền con người và xã hội dân sự. Để bảo vệ công lý, hướng tới lợi ích công hoạt động của họ có thể động chạm đến lợi ích của các nhóm quyền lực. Khi đó, họ cần được bảo vệ bởi các công ước quốc tế cũng như Hiến pháp. Điều này đòi hỏi sự độc lập, công minh của các cơ quan tư pháp cũng như một thái độ đúng đắn của công chúng với những người “thổi còi”. Có như vậy, xã hội dân sự mới có những người đi tiên phong, không bị chùn chân bởi cường quyền.

Trong thời đại hiện nay khi nhà nước không thể chăm lo cho toàn bộ dân chúng vì nguồn lực có hạn cũng như nhu cầu đa dạng của các tầng lớp xã hội, thì sự phát triển của xã hội dân sự càng tất yếu và cần thiết. Càng để cho xã hội dân sự phát triển tự nhiên thì nó càng có khả năng tự điều chỉnh để phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, đặc biệt các nhóm yếu thế. Ngược lại, càng cố gắng bóp nghẹt nó thì xã hội càng tích tụ sự bất mãn và nhiễm độc vì không có cơ chế thanh lọc, thải trừ bất công. Đây chính là lý do cần có khung pháp lý mở, văn hóa dân chủ và cơ chế bảo vệ những người tiên phong để xã hội dân sự phát triển và có ích.

Trung Hậu
http://dienngon.vn/Blog

NÓI VỚI MECGHI






Em đừng khóc khi nghe chim hót
Tiếng hót cuối cùng nơi những bụi mận gai
Gai nhọn rất dài
Đâm qua trái tim thổn thức
Và tiếng hót cất lên đẹp hơn ngàn lần nỗi đau trong lồng ngực
Em biết không?
Qua nỗi đau luôn là những thiên đường…
Bông hồng trong tay em còn ướt sương
Đừng tặng tôi khi em là bông hồng đẹp nhất
Tôi đã đọc trong mắt em một tình yêu rất thật
Tro của hoa hồng – xa mãi còn vương…

Dẫu biết rằng em đã dành cho tôi cả trọn vẹn yêu thương
Thì trái tim tôi vẫn chia thành hai nửa
Nửa của Chúa trời, nửa của riêng em
Em có thể giận dữ, hờn ghen
Như bao người từng khát khao một tình yêu tuyệt đối
Nhưng em có hiểu tôi không hề nói dối
Phía sau Chúa trời cuộc sống chỉ là em
Cuộc sống chỉ là em, duy nhất, thân quen
Từ thủa ấu thơ đến thời thiếu nữ
Tình yêu tôi chưa bao giờ là đủ
Có sự san sẻ nào trọn vẹn được đâu?

Những mùa thu đã xa lắc từ lâu
Chỉ những bông hồng vẫn sắc màu không đổi
Suốt một đời tôi mãi là người có tội
Khi đến bên em lại nghĩ tới Chúa Trời

Con chim kia đã chết để Thượng đế mỉm cười
Bằng tiếng hót cất lên cả nhân gian im lặng
Có phải thế không khi đi qua những niềm đau, cay đắng
Ta biết thiên đường là nơi có tình yêu!

nguoiduynhat83

Em chết trong nỗi buồn







Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương, rơi không thành tiếng
Trái tim em còn trẻ dại trắng trong
Ai cất giùm em cái nhìn già nua
Ai cất giùm em bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở của anh, hiếm hoi niềm vui
Nơi cô đơn khô khan đến nao lòng

Ai đã đánh mất em, hay tự em đánh mất
Phải chi em xấu xa?
Phải chi em xấu xa?
Không … Không … Không …
Trái tim trong trắng của em. Sao không ai nhận ra ?
Sao không ai nhận ra ?

Đi bên anh em còn lạc lối về
Có đôi khi muốn mình như chiếc bóng
Tan lắng vào đêm
Không ai nhận ra mình

Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn



Hiếm có bài hát nào tôi “sợ” nghe như bài hát Romance 2 của Phú Quang. Lạ lùng là thế. Mỗi khi quyết định nghe, có nghĩa là một lần can đảm, chấp nhận một khoảng thời gian khi nghe bài hát ấy, sau khi nghe bài hát ấy, sẽ “chết trong nỗi buồn”.

Tôi sợ, bởi vì mỗi lần nghe, là một lần nhìn thấu tỏ lại lòng mình, thấy lại nỗi đáng thương của mình. Thấy mình không được an toàn trong cảm giác trốn tránh nữa.

Không phải lúc nào, dù là khi ta đối diện với chính ta, ta cũng có thể can đảm nhìn lại vết thương của chính mình, phải không, những người bạn gái?

Lần đầu tiên nghe bài hát này, và biết nó phổ thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi đã lên mạng tìm kiếm. Tôi vốn rất yêu mến cô, cô là nhà thơ với tôi, nữ tính vô cùng. Kết quả tìm chỉ cho thấy đây là 1 bài thơ chưa xuất bản…Tôi từng nghe nói, khi cô được nghe chính Phú Quang hát bài hát này, cô đã khóc, vì lẽ, bài hát đã nói đúng về giấc mơ, về khao khát trong trái tim cô, tâm hồn cô…

Lạ một điều, khi nghe bài hát này lần nào, tôi cũng ước mình có thể khóc. Nhưng không, chỉ da diết buồn, chìm sâu bất tận, àh, ví von thì có thể như người ta dùng dao cùn để cứa vào 1 vết thương không lành miệng vậy.

Người đàn bà trong bài thơ ấy, bài hát ấy, là người đàn bà mang trên mình những dấu ấn thời gian, đôi mắt già nua, bàn tay cằn cỗi, những điều mà ai cũng thấy. Nhưng trái tim người đàn bà ấy “trái tim em còn trẻ dại trắng trong” thì không ai nhận ra, không ai cả, thậm chí là “anh”, người bạn cùng đường, người mà “đi bên anh em còn lạc lối về…”

“Em chết trong nỗi buồn, em chết trong nỗi buồn…” điệp khúc ấy trở đi trở lại, nó gợi cho tôi nhớ tới một câu thơ của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người”… Cái chết ấy, trong nhiều khoảnh khắc, là những phút tê đắng của tâm hồn, là những phút lịm đi, như nỗi cô đơn của một người muốn chìa bàn tay mà không ai buồn nắm lấy, là những khi bước trên đường mỏi mệt một mình đơn lẻ, là những khi trong đám đông trong nói cười ồn ã mà thấy trống rỗng tận cùng, là những khi mong chờ một yêu thương nhỏ bé không bao giờ thành hiện thực, là những khi nhắm chặt mắt mà không thể nào chợp mắt, thấy mình bé nhỏ, cô đơn… Người đàn bà ấy khản giọng nói rằng “trái tim em còn trẻ dại trắng trong, sao không ai nhận ra, sao không ai nhận ra”…

Tôi yêu cái sự tuyệt vọng ấy biết bao. Người đàn bà nào trong cuộc đời không từng có ý nghĩ mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc, tùy từng tính cách mà họ nghĩ về nó với sự khiêm nhường hay tự kiêu… Thế nhưng, trong cuộc đời này, có mấy người tìm được hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự? Và khi không tìm thấy, họ âm thầm chịu đựng. Chẳng có mấy người cất lên tiếng nói chân thành như thế. “Sao không ai nhận ra”, “Sao không ai nhận ra…” Và tại sao? Tại sao anh – cũng – không – nhận – ra?

Cõi trần gian này, tình yêu này, và số phận này, đã đánh cắp biết bao thời thanh xuân thiếu nữ. Trên con đường mỏi mệt tìm hạnh phúc, đến một lúc, người đàn bà ngơ ngẩn hỏi rằng “Ai đã đánh mất em hay tự em đánh mất”….Trong phút xa xót ấy, sững sờ ấy, thảng thốt ấy, chỉ có mình người đàn bà đứng lặng nhìn mất mát của chính mình. Dẫu rằng không biết vì đâu, và không biết vì ai, nhưng đã “đánh mất” rồi, đánh mất “chính em” . …“Phải chi em xấu xa, phải chi em xấu xa…” người đàn bà ấy đã cay đắng nói rằng, giá mà chị xấu xa thật sự, xứng đáng thật sự với nỗi cô đơn đắng ngắt này, để phải nhận nỗi “lạc lối” này…Nhưng không, đó là người đàn bà ý thức được bản thân mình biết bao, ý thức được sự trong trắng của trái tim mình, ý thức mình xứng đáng để nhận hạnh phúc, nhận tình yêu. Nhưng hạnh phúc đâu rồi, tình yêu đâu rồi và anh đâu rồi?

Cho nên “em chết trong trong nỗi buồn”, cho nên có những khi “muốn mình như chiếc bóng – Tan lắng vào đêm – Không ai nhận ra mình”….

Hạnh phúc của một người phụ nữ được đo bằng định nghĩa của người đàn ông về mình. Nhưng có biết bao phụ nữ trong cuộc đời này, từng ngước lên bầu trời và tự hỏi “Trái tim em còn trẻ dại trắng trong – sao không ai nhận ra. Sao không ai nhận ra”.

http://nguoiduynhat83.wordpress.com/

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Sóng Tình Yêu



Tuệ Thiền










Ta yêu nhau: cây đời xanh hơn
Tầng ô-dôn bớt những vết thương
Lũ chim gọi nhau về đất hứa
Gã bụi đời giũ áo bất lương

Ta yêu nhau: niềm tin ló dạng
Rét nứt mùa, xuân đã nhú lên
Kẻ ô trọc theo đàn sâu nhỏ
Cởi tối đen hoá cánh bướm vàng

Ta yêu nhau: đất trời độ lượng
Rớt hận thù khỏi ánh mắt đau
Sóng tình yêu toả lan vô tận
Tim bình yên, quên thuở nát nhàu



Ta yêu nhau: lòng ta trong hơn

Không để tình yêu hoá oán hờn

Nụ hôn thương nỗi đau trái cấm

Người gặp người giữa cõi bán buôn.

---