Nhà văn Phan Nhật Nam - Cali 2013
Hôm 28/7, người bạn Khế Iêm đến nhà Họa Sĩ Nguyễn Đình Thuần, miền Nam Cali tặng tờ báo giấy Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin một tờ về đọc trong đêm nên từ đấy viết bài nầy. Cũng để thay đổi chủ đề mà lâu nay chỉ quanh quẩn với những chuyện thời sự, chính trị rối rắm, khó khăn.
Trước tiên, cần phải nói rằng, câu chuyện giữa tôi và người bạn Khế Iêm đang đề cập là “chuyện tầm phào” giữa những vụ việc rối tung trong cuộc sống khắp thế giới, ở Mỹ, nơi quê nhà… Từ chuyện máy bay bị bắn rơi ở Ukraine, chiến tranh nơi dãi Gaza, giàn khoan HD981 ngoài Biển Đông… đến việc người VN ngủ dậy với cánh cửa nhà bị khóa trái và trét đầy cứt do công an giả danh côn đồ “tác nghiệp” tối hôm qua! Trong tình cảnh nầy, đặt vấn đề “Ai Giết Thơ?” thì quả thật là chuyện không hợp thời, hợp lý, hợp cách, tuy nhiên nghĩ cũng vô hại vì chằng làm phiền ai, chỉ là chuyện nhỏ nhặt giữa hai người Việt Nam vào tuổi già trong một hoàn cảnh chẳng mấy vui từ đời sống chung quanh, của bằng hữu và bản thân.
Cũng bởi, vấn đề Thơ mà người bạn đặt ra bản thân tôi cũng đã nhiều lúc nghĩ đến, dẫu chỉ là một người lính (cho dù đã lâu không mặc quân phục), không liên hệ với sinh hoạt văn chương, thi phú nầy từ những ngày tuổi trẻ ở Việt Nam cũng như hiện tại ở Mỹ. Nhưng tôi cũng đã có lúc sống/ nghĩ/ với/ về Thơ do đã rơi vào hoàn cảnh… “Tôi là kẻ chỉ quen viết văn. Giấy bút bị người lấy mất. Đêm đen thăm thẳm lạnh căm. Làm Thơ trên mười ngón tay tính nhẩm… Thơ nâng đỡ ta… Từng phút. Từng giờ…” Phải viết rõ như vậy vì tôi đã không có một điều kiện, hoàn cảnh sống nào khác mà “PHẢI/SỐNG VỚI THƠ” trong một khoảng thời gian rất dài từ 1981 đến 1988 khi một mình ngồi trong hầm tối ở những nhà tù trên đất Bắc. Từ hoàn cảnh, tình thế vừa kể ra, hóa ra tôi cũng đã nhờ đến những chữ nghĩa gọi là Thơ để được sống sót. Vấn đề của người bạn khiến tôi cũng phải tìn cách trả lời cho chính bản thân mình (chứ không phải cho ai khác). Sau đây là những ý kiến của tự thân:
1- Thơ bị ai giết? Trả lời ngay: Đấy là những vị gọi là “học giả/giáo sư/phê bình văn học v.v..” Tức là những người KHÔNG CÓ MỘT LIÊN HỆ NÀO VỚI THƠ CẢ - CÓ NGHĨA, HỌ KHÔNG CẦN/KHÔNG SỐNG/KHÔNG SUY NGHĨ/KHÔNG ÂU LO/ KHÔNG THẮC MẮC GÌ VỚI THƠ. Tôi nói không quá, “Chữ/Nghĩa/Ý/Tình Cấu Tạo Nên Thơ” đối với những kẻ nầy cũng như người làm toán sử dụng những con số. Thần Tính của Triết Học, Thi Ca, Văn Học, Âm Nhạc, bao gồm cả Toán Học, Kiến Trúc, Y Học, Võ Học v.v.. chứa đựng yếu tính CAO HƠN HẲN những hình tướng biểu hiện chúng. Thần Tính của Thơ là Đạo. Ai Sống/Cùng/Với/Thơ/Thật người ấy biết riêng mình.
2- Từ những chủ vị kể trên lẽ tất nhiên có một số tử đệ thực hiện công việc “làm thơ” để tạo nên những cái gọi là là “bài thơ” – KHÔNG MỘT AI ĐỌC/KHÔNG MỘT AI NHỚ/ KỂ CẢ NHỮNG “NHÀ THƠ” ẤY. Câu của Whitman “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn” mà bạn trích dẫn luôn luôn đúng cho dù thế kỷ 19 đã qua từ lâu. Thơ Nguyễn Du, Đỗ Phủ, Khalil Gibran… luôn được NHIỀU NGƯỜI ĐỌC VÀ NHỚ RẤT LÂU. Hữu Loan, Quang Dũng sỡ dĩ trở nên bất tử là nhờ số lượng đông đảo gồm nhiều thế hệ người Việt đọc và nhớ. Những người sau 1954 sống dưới vĩ tuyến 17 của vùng quốc gia bị người và chế độ miền Bắc miệt thị gọi là “bọn dân của ngụy quân, ngụy quyền Sàigòn”. Không chỉ riêng Hữu Loan, Quang Dũng mà cả Bà Hồ Xuân Hương, Trần Tế xương. Bùi Giáng vừa dễ vừa khó nhưng ông trở nên vĩnh cửu vì rất nhiều người đọc/rất nhiều người nhớ. Mỗi người đọc/nhớ Bùi giáng theo cách riêng, cho dù công an văn hóa (ở đâu ra loại công an nầy hở trời?!) của “chính quyền cách mạng” đến từ Hà Nội, ở bưng biền ra sau 30 tháng 4, 1975 xem ông như rơm rác, cặn bã điển hình “văn hóa đồi trụy miền Nam”. Đá vàng hiện nay đã rõ.
3- Từ hai chủ điểm trên tôi xin so sánh qua một lãnh vực khác gọi là nhạc mà nay đang được triệu triệu người trên thế giới xử dụng là “nhạc rap”. Nhắc lại câu nói của Whitman: “Để có những nhà thơ lớn, phải có người đọc lớn”. Điều nầy áp dụng vào “nhạc rap” không được ổn. Cho dẩu người Đại Hàn tên hiệu Psy với cách trình diễn “Gangnam Style” đang được cá thế giới đón nhận, điển hình với những binh sĩ Mỹ nơi trận tuyến, hay trong phòng làm việc của Tổng Thống Obama. Nhưng bạn tin tôi đi: Anh chàng Spy nầy với “Gangnam Styl” không sống lâu đâu cho dù được cả triệu người nghe, hát và nhảy nhót theo cách của anh ta. Cũng tương tự như thế, hàng trăm, hàng ngàn người của miền Bắc sau 1954; của cả nước sau 1975 đã viết nên những bài hát gọi là “nhạc chiến đấu/nhạc giải phóng/nhạc xây dựng xã hội chủ nghĩa..” Những bài hát được vạn, triệu bộ đội, chiến sĩ, công nhân, nông dân... hát lên ong óng, nháo nhác; được báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình nhà nước vận động, phổ biến, tuyên dương. Nhưng bạn ơi, hiện nay hỏi mấy ai đã nhớ? Mấy ai còn biết đến? Ai giết chúng khi cả một hệ thống đảng và nhà nước cộng sản phổ biến, đề cao? Trịnh Công Sơn được nhớ ra là vì viết “Biển Nhớ, Vết Lăn Trầm, Tuổi Đá Buồn… ” trước 1975 nơi miền Nam. Nhưng chắc rằng nhắc lại những nội dung “...Đi ra công trường/Đi ra cánh đồng/Là hoa mặt đất/Mùa xuân cuộc đời...” sau 1975, những bài hát để những đội thanh niên xung phong vừa móc bùn vừa hát tạo khí thế... Những bài gọi là nhạc được viết do chỉ đạo chính trị của Phạm Trọng Cầu, bảo trợ của Võ Văn Kiệt chắc chỉ làm cho anh ta đỏ mặt vì ngượng. Trong những trường hợp nầy, người đọc thơ, người hát có “lớn” (lượng lẫn phẩm) đến bao nhiêu, tác phẩm thơ, nhạc khó trở thành lớn được. Hãy kể ra một bài – Một bài thơ, nhạc gọi là “lớn” của Hà Nội, thủ đô của “niềm tin yêu và hy vọng” sau 1954, và của “thành phố mang tên bác vinh quang” sau 1975 - Những bài thơ/bài hát được cả vạn, triệu người xử dụng để tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa! Hãy kể ra một bài- Một bài thôi cũng đủ!
Kết luận, trở lại vấn đề của Thơ/Thơ Tân Hình Thức. Tôi xin nại đến những chữ nghĩa của William Faulner trong lần nhận giải Nobel văn chương năm 1957: “Nếu thiếu đi Tính Thiện và Sự Thật muôn thuở của trái tim thì những câu chuyện (chữ nghĩa/PNN) viết ra chỉ thuần là bèo bọt, đáng bị kết án... Người viết văn/làm thơ không viết về tình yêu nhưng để kể sự ham muốn; viết về những thất bại mà không ai mất một cái gì có chút giá trị; viết về những thắng lợi mà không mảy may hy vọng, và tệ hơn hết thảy, không lòng từ ái hay là mối xót thương; viết về cơn đau buồn mà không để lại một vết sẹo nhỏ. Kẻ ấy không viết từ trái tim nhưng bởi các hạch nội tiết “Muốn Thơ/Nhạc/Chữ/Nghĩa luôn sống mãi thì Người Nghệ Sĩ/Người Viết Văn PHẢI là Người Thật Có Lòng. Thiếu yếu tính nầy tất cả học thuật, kỹ thuật, lý luận, học vị, bằng cấp, danh chức… chỉ là rơm rác. Vất đi!
Bạn Kế Iêm thân. Bạn yên tâm “Không Ai Giết Thơ” được cả, Thơ chết là vì Thơ Không Người Đọc/Thơ Không Người Nhớ - Kể cả người làm ra “cái gọi là thơ ấy”. Thế thôi.
Phan Nhật Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét