Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Em chết trong nỗi buồn







Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương, rơi không thành tiếng
Trái tim em còn trẻ dại trắng trong
Ai cất giùm em cái nhìn già nua
Ai cất giùm em bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở của anh, hiếm hoi niềm vui
Nơi cô đơn khô khan đến nao lòng

Ai đã đánh mất em, hay tự em đánh mất
Phải chi em xấu xa?
Phải chi em xấu xa?
Không … Không … Không …
Trái tim trong trắng của em. Sao không ai nhận ra ?
Sao không ai nhận ra ?

Đi bên anh em còn lạc lối về
Có đôi khi muốn mình như chiếc bóng
Tan lắng vào đêm
Không ai nhận ra mình

Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn



Hiếm có bài hát nào tôi “sợ” nghe như bài hát Romance 2 của Phú Quang. Lạ lùng là thế. Mỗi khi quyết định nghe, có nghĩa là một lần can đảm, chấp nhận một khoảng thời gian khi nghe bài hát ấy, sau khi nghe bài hát ấy, sẽ “chết trong nỗi buồn”.

Tôi sợ, bởi vì mỗi lần nghe, là một lần nhìn thấu tỏ lại lòng mình, thấy lại nỗi đáng thương của mình. Thấy mình không được an toàn trong cảm giác trốn tránh nữa.

Không phải lúc nào, dù là khi ta đối diện với chính ta, ta cũng có thể can đảm nhìn lại vết thương của chính mình, phải không, những người bạn gái?

Lần đầu tiên nghe bài hát này, và biết nó phổ thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi đã lên mạng tìm kiếm. Tôi vốn rất yêu mến cô, cô là nhà thơ với tôi, nữ tính vô cùng. Kết quả tìm chỉ cho thấy đây là 1 bài thơ chưa xuất bản…Tôi từng nghe nói, khi cô được nghe chính Phú Quang hát bài hát này, cô đã khóc, vì lẽ, bài hát đã nói đúng về giấc mơ, về khao khát trong trái tim cô, tâm hồn cô…

Lạ một điều, khi nghe bài hát này lần nào, tôi cũng ước mình có thể khóc. Nhưng không, chỉ da diết buồn, chìm sâu bất tận, àh, ví von thì có thể như người ta dùng dao cùn để cứa vào 1 vết thương không lành miệng vậy.

Người đàn bà trong bài thơ ấy, bài hát ấy, là người đàn bà mang trên mình những dấu ấn thời gian, đôi mắt già nua, bàn tay cằn cỗi, những điều mà ai cũng thấy. Nhưng trái tim người đàn bà ấy “trái tim em còn trẻ dại trắng trong” thì không ai nhận ra, không ai cả, thậm chí là “anh”, người bạn cùng đường, người mà “đi bên anh em còn lạc lối về…”

“Em chết trong nỗi buồn, em chết trong nỗi buồn…” điệp khúc ấy trở đi trở lại, nó gợi cho tôi nhớ tới một câu thơ của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người”… Cái chết ấy, trong nhiều khoảnh khắc, là những phút tê đắng của tâm hồn, là những phút lịm đi, như nỗi cô đơn của một người muốn chìa bàn tay mà không ai buồn nắm lấy, là những khi bước trên đường mỏi mệt một mình đơn lẻ, là những khi trong đám đông trong nói cười ồn ã mà thấy trống rỗng tận cùng, là những khi mong chờ một yêu thương nhỏ bé không bao giờ thành hiện thực, là những khi nhắm chặt mắt mà không thể nào chợp mắt, thấy mình bé nhỏ, cô đơn… Người đàn bà ấy khản giọng nói rằng “trái tim em còn trẻ dại trắng trong, sao không ai nhận ra, sao không ai nhận ra”…

Tôi yêu cái sự tuyệt vọng ấy biết bao. Người đàn bà nào trong cuộc đời không từng có ý nghĩ mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc, tùy từng tính cách mà họ nghĩ về nó với sự khiêm nhường hay tự kiêu… Thế nhưng, trong cuộc đời này, có mấy người tìm được hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự? Và khi không tìm thấy, họ âm thầm chịu đựng. Chẳng có mấy người cất lên tiếng nói chân thành như thế. “Sao không ai nhận ra”, “Sao không ai nhận ra…” Và tại sao? Tại sao anh – cũng – không – nhận – ra?

Cõi trần gian này, tình yêu này, và số phận này, đã đánh cắp biết bao thời thanh xuân thiếu nữ. Trên con đường mỏi mệt tìm hạnh phúc, đến một lúc, người đàn bà ngơ ngẩn hỏi rằng “Ai đã đánh mất em hay tự em đánh mất”….Trong phút xa xót ấy, sững sờ ấy, thảng thốt ấy, chỉ có mình người đàn bà đứng lặng nhìn mất mát của chính mình. Dẫu rằng không biết vì đâu, và không biết vì ai, nhưng đã “đánh mất” rồi, đánh mất “chính em” . …“Phải chi em xấu xa, phải chi em xấu xa…” người đàn bà ấy đã cay đắng nói rằng, giá mà chị xấu xa thật sự, xứng đáng thật sự với nỗi cô đơn đắng ngắt này, để phải nhận nỗi “lạc lối” này…Nhưng không, đó là người đàn bà ý thức được bản thân mình biết bao, ý thức được sự trong trắng của trái tim mình, ý thức mình xứng đáng để nhận hạnh phúc, nhận tình yêu. Nhưng hạnh phúc đâu rồi, tình yêu đâu rồi và anh đâu rồi?

Cho nên “em chết trong trong nỗi buồn”, cho nên có những khi “muốn mình như chiếc bóng – Tan lắng vào đêm – Không ai nhận ra mình”….

Hạnh phúc của một người phụ nữ được đo bằng định nghĩa của người đàn ông về mình. Nhưng có biết bao phụ nữ trong cuộc đời này, từng ngước lên bầu trời và tự hỏi “Trái tim em còn trẻ dại trắng trong – sao không ai nhận ra. Sao không ai nhận ra”.

http://nguoiduynhat83.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét